Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Walter Kasper nói rằng Amoris Laetitia thay đổi mọi thứ, nhiều Giám Mục khác trên thế giới không nghĩ như thế

Catholic World News ghi nhận rằng một tuần sau khi Tông Huấn Amoris Laetitia được phát hành, báo chí đăng tải những nhận định rất trái ngược nhau của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Trong khi, Đức Hồng Y Walter Kasper nói rằng Amoris Laetitia “thay đổi mọi thứ”, nhiều Giám Mục khác nhấn mạnh rằng không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Kasper, người đã khuyến khích các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới chấp thuận cho các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn có thể rước lễ với những điều kiện nhất định nào đó, nói với tờ The Tablet rằng tài liệu “không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến giáo lý Giáo Hội Công Giáo hay giáo luật – nhưng thực ra nó thay đổi tất cả mọi thứ.”

Ngài nói: “Điều gần như rõ ràng với tôi, cũng như với nhiều nhà quan sát khác, là trên con đường hòa nhập, thế nào cũng có những tình huống trong đó những người ly dị và tái hôn, có thể được xá giải và được cho rước lễ.”

Nhưng Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, trong bài phát biểu tại phiên bế mạc cuộc họp mùa xuân của các giám mục Anh và xứ Wales, nói với các phóng viên rằng cách tiếp cận của Tông Huấn Amoris Laetitia đối với vấn đề người Công Giáo đã ly dị và tái hôn “không phải là mới.” Ngài nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo bước của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nói rằng “có cái gì đó không tương hợp về nguyên tắc giữa việc bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai” và yêu cầu phải trung tín trong bậc vợ chồng của Giáo Hội. Khi được hỏi liệu có sự khác biệt nào hay không giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài, là người đã nói rằng những người Công Giáo ly dị và tái hôn phải kiêng khem quan hệ vợ chồng nếu họ muốn rước Mình Thánh Chúa Đức Hồng Y Nichols nói rằng ngài không “nhìn thấy lý do tại sao cần phải có một sự thay đổi như vậy”.

Đức Hồng Y Thomas Collins của Toronto, người đã tham gia với các Hồng Y khác trong việc phản đối những gì các ngài cho là những nỗ lực để thao túng Thượng Hội Đồng nhằm ủng hộ đề nghị Kasper, nói rằng ngài cảm thấy yên tâm với tài liệu của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói, Amoris Laetitia, cho thấy sự hiểu biết rõ ràng của Đức Giáo Hoàng về “sự yếu kém sâu sắc của nền văn hóa dựa trên chủ nghĩa cá nhân và cái tôi.” Thông điệp căn bản của tông huấn này, không phải là những thay đổi về tín lý nhưng là những thay đổi về các phương pháp tiếp cận mục vụ. Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những người tìm kiếm để đưa về cùng một đàn chiên chứ không phải là xua đuổi người ta đi.”

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, người Anh, Tổng Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cho rằng Amoris Laetitia là một trong những “tài liệu hay nhất mà tôi đã từng đọc.” Ngài nói với đài phát thanh Vatican: “Đó là một ánh sáng trong một thế giới tăm tối chẳng hề tin vào gia đình và hôn nhân như Giáo Hội, vì vậy Tông Huấn Amoris Laetitia sẽ có một ý nghĩa to lớn cho dân chúng trên toàn thế giới ...”

Từ California, Đức Giám Mục Robert Vasa của giáo phận Santa Rosa nói rằng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng không thay đổi giáo huấn Giáo Hội, và rằng Giáo Hội không thể chấp nhận các hành vi “không phù hợp với luật luân lý.”

Từ Rhode Island, Đức Giám Mục Thomas Tobin của giáo phận Providence than thở rằng tài liệu của Đức Giáo Hoàng quá dài. “Tôi tin chắc rằng chiều dài của một tài liệu Giáo Hội là tỉ lệ nghịch với số lượng người sẽ đọc nó và với tác động sẽ có của nó”. Tuy nhiên, Đức Cha Tobin đã ca ngợi tuyên bố mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng chống lại ý thức hệ giới tính, việc phá thai, và một nền văn hóa trong đó các nghi lễ rình rang của đám cưới được coi trọng hơn lòng trung tín của đôi vợ chồng trong hôn nhân.

2. Morales Eva lại tặng Đức Thánh Cha thêm một tặng phẩm quái lạ

Sáng thứ Sáu 15 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Bolivia là ông Morales Eva, đang ở Rôma để tham dự một hội nghị về các vấn đề kinh tế được tài trợ bởi Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

Một tuyên bố ngắn gọn Vatican đưa ra sau cuộc họp cho biết Đức Thánh Cha đã nói chuyện với Morales về tính trạng xã hội hiện nay của Bolivia, quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước từ sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong thời gian từ 8 đến 10 tháng Bẩy năm ngoái 2015, và các mối quan tâm trước tình hình thế giới.

Morales Eva, người đã gây ra những tranh cãi vào năm 2015 khi ông trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá được hình thành với những biểu tượng cộng sản như búa, liềm, một lần nữa lại trao tặng Đức Thánh Cha một món quà rất độc đáo: đó là một cuốn sách bàn về những lợi ích sức khỏe của lá coca. Lá coca được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.

3. Giám đốc thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ bị Hội Đồng Giám Mục buộc từ chức ngay tức khắc

Giám đốc Catholic News Service trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bị sa thải hôm thứ Tư 13 tháng Tư sau khi bày tỏ thái độ chống đối lập trường của các Giám Mục Mỹ trên account Twitter của mình.

Tony Spence, người đã làm việc cho Catholic News Service kể từ năm 2004, đã công khai chỉ trích dự luật về tự do tôn giáo; và một luật khác về sự riêng tư tại các nhà vệ sinh không thuộc tư gia.

Một trong những điều khoản chính yếu trong dự luật về tự do tôn giáo là việc bảo vệ các cơ sở tôn giáo không phải thi hành các chính sách chống lại niềm tin tôn giáo của họ. Thí dụ như các bệnh viện Công Giáo không buộc phải cung cấp các dịch vụ phá thai.

Hôm thứ Hai 11 tháng Tư, Viện Lepanto đã đưa ra một báo cáo về các tweets trong account của Spence, trong đó ông đã gọi là dự luật tự do tôn giáo được đưa ra thảo luận tại Tennesse là “phò sự phân biệt đối xử” và “ngu ngốc”.

Trước đó, một số các ký giả Công Giáo cũng đã phàn nàn những tuyên bố của Tony Spence chống lại luật riêng tư tại các nhà vệ sinh công cộng của North Carolina. Luật này quy định rằng những người thuộc giới tính nào thì phải đi vào nhà vệ sinh dành cho giới tính đó. Tony Spence đã tweet rằng luật này “chống lại người đồng tính” và “ngu xuẩn”. Trước đó, các Giám Mục tại North Carolina đã phải vất vả chống lại một nghị định cho phép những người đàn ông được quyền sử dụng nhà vệ sinh dành cho phái nữ.

Sau một cuộc họp với Đức Ông Brian Bransfield, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, Spence đã được các nhân viên bảo vệ hộ tống ra khỏi văn phòng mà không được phép nói chuyện với các nhân viên của mình.

Lúc16:00h James L. Rogers, viên chức phụ trách truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã gửi một email cho tất cả nhân viên Catholic News Service thông báo về quyết định sa thải có hiệu quả tức khắc.

Michael Hichborn, giám đốc Viện Lepanto, ca ngợi Hội Đồng Giám Mục như sau. “Hôm nay, Hội Đồng các Giám mục Công Giáo đã thể hiện tính minh bạch và vai trò lãnh đạo mà các tín hữu Công Giáo mòn mỏi khao khát”.

4. Nhà thờ Công Giáo thứ 10 bị đốt trong cộng đồng Mapuche

Du kích quân người Mapuche đã buộc tội vị giám mục địa phương là đồng lõa với chính quyền trong mưu toan chiếm dụng những phần đất của người Mapuche, và đã thiêu rụi một nhà thờ ở Cañete, Chile, vào ngày 12 tháng Tư.

Theo hãng tin EFE của Tây Ban Nha, đó là nhà thờ Công Giáo thứ mười bị quân du kích Mapuche tấn công trong hai năm qua

Vị Giám Mục tiên khởi thuộc sắc tộc Mapuche là Đức Giám Mục Jorge Enrique Concha Cayuqueo, đang cai quản một giáo phận khác, nói với một tờ báo Chile rằng hầu hết người Mapuche đều là người Công Giáo sùng đạo. Những nhà thờ này đều do họ xây dựng lên, và do đó người dân Mapuche chính là nạn nhân các cuộc tấn công của phiến quân.

5. Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi một phản ứng quốc tế đối với tai ương khủng bố

“Tai ương khủng bố quốc tế chỉ có thể được đáp trả bằng một phản ứng tập thể trên quy mô toàn cầu”, đại diện của Vatican cho biết như trên trong một diễn văn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 14 Tháng Tư.

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza nói rằng “nạn khủng bố cực đoan là một hiện tượng xuyên quốc gia.” Ngài lên án “sự man rợ đáng kinh hoàng” và “tội ác khôn tả” của những kẻ khủng bố, và đặc biệt kêu gọi sự chú ý đến động cơ của nạn khủng bố là để “tiêu diệt việc chung sống hoà bình của người Hồi giáo và Kitô hữu hàng nhiều thế kỷ qua” tại Trung Đông.

Đức Tổng Giám mục Auza đã không nêu đích danh tôn giáo của những kẻ tham gia trong phong trào khủng bố quốc tế hiện nay, nhưng ngài chỉ trích “sự gian dối và những lời phạm thượng của các nhóm khủng bố” khi dùng tôn giáo biện minh cho hành vi bạo lực của chúng.

6. Tổng Thống Trung Phi cám ơn Đức Thánh Cha

Trưa 18 tháng 4 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tân tổng thống Cộng hòa Trung Phi, giáo sư Faustin Archange Touadéra, đến viếng thăm và cám ơn ngài đã viếng thăm tại Trung Phi hồi cuối tháng 11 năm 2015 với những thành quả tích cực cho đất nước này.

Ðây là chuyến viếng thăm quốc tế đầu tiên của Tổng thống Touadéra. Ông mới đắc cử hồi tháng 2 năm nay.

Mặc dù những lời căn ngăn hồi đó của nhiều cơ quan an ninh quốc tế, Ðức Thánh Cha Phanxicô vẫn nhất định đến viếng thăm tại thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi, ngày 29 và 30 tháng 11 năm 2015, mở cửa Năm Thánh tại Nhà Thờ chính tòa, gặp gỡ các tín hữu Kitô và Hồi giáo, và đã giúp đẩy mạnh tiến trình hòa giải tại đất nước này sau những năm tháng nội chiến.

Ðức Cha Dieudonné Nzapalanga, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Bangui, nói rằng nhờ cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô, Cộng hòa Trung Phi đã tiến đến nền hòa bình. Từ sau cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha, chúng tôi đã cảm thấy một luồng gió thay đổi, có một sự đổi hướng hoàn toàn”.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sau khi gặp Ðức Thánh Cha, Tổng thống Touadéra đã gặp và hội kiến với Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong các cuộc trao đổi thân mật ấy, có nhắc lại sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho Ðức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng 11 năm 2015 ở Bangui. Ngoài ra các vị nhắc đến tiến trình tuyển cử mới đây và sự đổi mới các cơ chế của đất nước đang diễn ra trong bầu không khí xây dựng. Góp phần vào tiến trình này có cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, và Tòa Thánh cầu mong một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng cho toàn thể đất nước Trung Phi. Ðồng thời, các vị cũng nhấn mạnh đến những hậu quả các cuộc xung đột trong những năm gần đây vẫn còn đè nặng trên dân chúng, và kêu gọi Cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ sự phát triển tại Cộng hòa Trung Phi.

Cũng trong cuộc nói chuyện, hai bên bàn đến quan hệ song phương tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Trung Phi, và nhận định rằng những quan hệ này có thể được củng cố thêm trong khuôn khổ những văn kiện pháp lý như công pháp quốc tế dự trù. Chính phủ Trung Phi đánh giá cao sự đóng góp của Giáo Hội và các vị Mục Tử cho xã hội, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và y tế, cũng như trong viễn tượng hòa giải và tái thiết đất nước”.

7. Tòa Thượng phụ Can-đê kêu gọi các Linh mục suy tư về sứ vụ Linh mục theo giáo huấn của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Hội nghị lần thứ nhất toàn thể các Giám mục và Linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Can-đê đang làm việc tại Iraq do Ðức Thượng phụ Louis Sako triệu tập đã diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 6 năm 2016.

Các tham dự viên đã cùng nhau suy tư về tu đức, thần học và ơn gọi Linh mục để cùng nhau suy tư về tâm linh, thần học và ơn gọi linh mục trước sự khẩn thiết được trải nghiệm bởi các Kitô hữu tại Trung Ðông trong giai đoạn lịch sử khó khăn này, và dưới ánh sáng các gợi ý của Ðức Thánh Cha Phanxicô dành cho việc truyền giáo mà tất cả các mục tử được mời gọi.

Theo các nguồn tin chính thức của Tòa Thượng phụ, cuộc họp đã được tổ chức tại Ankawa, và các buổi hội họp sẽ xoay quanh 3 bài nói chuyện chính, một trong số đó có chủ đề “Linh mục dưới ánh sáng các văn kiện và lời giảng dạy của Ðức Thánh Cha Phanxicô do Ðức cha Yousif Thomas Mirkis, dòng Ðaminh, Tổng Giám mục Giáo Hội Công Giáo Can-đê ở Kirkuk trình bày.

Sau trường hợp linh mục Công Giáo Can-đê, cha Amer Saka, tự thú đã tiêu xài lãng phí ở Canada các ngân quỹ được quyên góp để hỗ trợ cho những người tị nạn đến từ Trung Ðông, trong cuộc họp lần cuối, các Giám mục Can-đê đã nhắc lại sự cấp thiết tìm ra các hình thức thích hợp cho việc thường huấn của các Linh mục và nâng cao đời sống thiêng liêng và mục vụ của các Linh mục trong tất cả các giáo phận.

Vào tháng 7 năm 2013, Ðức Thượng phụ Louis Sako đã gửi cho các Linh mục Can-đê một lá thư, trong đó ngài thừa nhận rằng sự yếu kém trong việc quản trị của cơ quan trung ương, việc nhiều tòa Giám mục bị trống, sự thiếu an ninh và tình trạng khẩn thiết trường kỳ về chính trị xã hội của Iraq đã ảnh hưởng đến căn tính của các Linh mục và đời sống tu đức của họ, tạo nên một “tình trạng mà không thể tiếp diễn” và phải được giải quyết triệt để, tái khám phá ra nguồn gốc của ân sủng và gương mặt thật của ơn gọi và sứ mệnh linh mục. Trong thư này ngài đã nói đến các lời nhắc nhở được lập lại thường xuyên của Ðức Thánh Cha Phanxicô để nhắc nhớ mọi người là tác vụ linh mục là một sứ vụ, chớ không phải là một nghề hay một việc kinh doanh.

8. Hai Giám mục Nigieria kêu gọi chính phủ giải cứu các nữ sinh bị bắt cóc.

Hai Giám mục Nigieria đã kêu gọi chính phủ nỗ lực giải cứu 219 nữ sinh bị các lực lượng Boko Haram bắt cóc đúng 2 năm trước.

Các nữ sinh trong độ tuổi từ 16-18, bị bắt cóc trong một cuộc đột kích nửa đêm của các lực lượng Boko Haram vào ký túc xá của một trường trung học công lập có đa số học sinh Ki-tô giáo ở Chibok ngày 14 tháng 04 năm 2014. Khoảng 50 em đã trốn thoát nhưng còn 219 em vẫn đang mất tích. Boko Haram có nghĩa là “giáo dục Tây phương bị cấm” hay “ảnh hưởng của Tây phương là một tội lỗi”. Lực lượng Boko Haram đã cưỡng bức những người bị bắt cải sang Hồi giáo. Các trẻ nam được huấn luyện trở thành những chiến binh cho chúng; các thiếu nữ, mà theo Hồi giáo cực đoan không nên được học hành, có thể trở thành những kẻ đánh bom liều chết, nhưng phần lớn bị đối xử như nô lệ tình dục hay bị cưỡng bức kết hôn với các thành viên của Boko Haram.

Những hình ảnh video mới đây thu được bởi CNN cho thấy các thiếu nữ trong những bộ đồ đen, cầu xin chính quyền Nigieria cộng tác với các lực lượng để giải cứu các em. Thân nhân của các nữ sinh đã tuần hành ở thủ đô Abuja nhân dịp 2 năm các em bị bắt cóc, kêu gọi chính quyền hành động. Chính phủ Nigieria bị phê bình là đã làm quá ít để giúp cho các nữ sinh được trở về. Các quốc gia khác đã đưa ra những góp ý nhưng có vẻ nguy hiểm khi thực hiện một cuộc tấn công quân sự.

Hai Ðức Giám mục Matthew Audu của Lafia và George Dodo của Zaria thúc giục các quan chức tăng cường những nỗ lực thu thập thông tin tình báo và kết hợp ý muốn chính trị để tìm các thiếu nữ. Các ngài nói với Catholic News Service là sẽ khó tìm được tất cả các em, vì theo báo chí, một số đã bị giết, một số bị gả bán cho các chiến binh nổi dậy. Các ngài cũng kêu gọi cả nước cầu nguyện để những kẻ bắt cóc đổi lòng và nghĩ đến việc thả tự do cho các nữ sinh. Ðức cha Adudu nói: “Việc các em vẫn ở trong tay những kẻ bắt cóc sau 2 năm trời không tạo nên sự tin tưởng về hình ảnh sự liên kết của Nigieria như một quốc gia.” Ngài đã kêu gọi sự nỗ lực từ các nhà lãnh đạo thế giới, bắt đầu từ các nước láng giềng của Nigeria ở Tây Phi, để chống khủng bố bằng cách đóng góp lực lượng và vũ khí cho một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia được tập hợp để nhổ tận gốc các phần tử nổi dậy. Ngài cũng yêu cầu các lãnh đạo ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và vũ khí cho các lực lượng khủng bố tấn công chính quyền hợp pháp và người dân vô tội.

9. Hiện tượng tôn thờ ma quỷ ở Kenya

Tại một hội nghị chuyên đề thần học gần đây về những điều huyền bí và việc thờ ma quỷ, Đức Cha Emmanuel Barbara của Malindi cho biết tình trạng thờ kính ma quỷ đang gia tăng nhanh chóng ở Kenya và nó có những ý nghĩa toàn cầu. Các người trẻ, cả Ki-tô hữu và không phải Ki-tô hữu, đạng bị cám dỗ về vấn đề này bởi được hứa hẹn các học bổng. Đức Cha hy vọng Năm Thánh Lòng Thương xót sẽ giúp các tín hữu Công Giáo giữ vững lòng tin.

Trong phần trả lời các câu hỏi sau đó, vài người đã yêu cầu các Giám mục Kenya chuyển từ việc nói về vấn đề này sang hành động để ngăn chặn việc thờ phượng này. Một tín hữu cho biết: “việc giáo dục để loại trừ điều này cho các tín hữu Công Giáo còn thiếu.” Một người khác yêu cầu Đức Cha cho những tài liệu cụ thể về vấn đề. Một tham dự viên dấu tên nói với báo Catholic News Service về việc những người đứng sau việc tuyển mộ người cho việc thờ cúng ma quỷ đã khai thác cách hiệu quả những người trẻ trong giới thất nghiệp, mù chữ và có vấn đề về trí tuệ.

Cha Clement Majawa, đang giảng dạy tại đại học Công Giáo Đông Phi cho rằng Giáo Hội và chính quyền phải cảnh giác công chúng về tình trạng thật của việc thờ ma quỷ. Cha đề nghị các môn học về các xã hội tôn giáo huyền bí và tôn giáo truyền thống của châu Phi. Cha cũng đề nghị các tín hữu Công Giáo cộng tác với bộ Giáo dục Kenya để phát triển chương trình học và có một đội ngũ tuyên úy và cố vấn sẵn sàng cho tình trạng thách đố này.

Vào năm 1999 đã có một cuộc điều tra của phủ tổng thống về vấn đề thờ cúng ma quỷ và kết quả cho thấy hiện tượng này xuất hiện trong các trường hoc, nhà thờ và ngay cả trong các văn phòng chính phủ.