Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sợi dây hy vọng

Niềm hy vọng của Kitô hữu là một nhân đức khiêm tốn nhưng mạnh mẽ. Nhân đức ấy gìn giữ chúng ta để chúng ta không chết đuối giữa những khó khăn của cuộc sống. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 17 tháng 03, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha khẳng định rằng trông cậy nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ phải thất vọng. Đó chính là nguồn mạch hoan lạc, đem lại an bình cho tâm hồn chúng ta.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng dựa trên bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (8, 51-59) và nhấn mạnh rằng: “Niềm hy vọng là nền tảng đời sống của người Kitô hữu. Trên bước đường hy vọng, ông Áp-ra-ham đã gặp phải nhiều cám dỗ, nhưng ông vẫn tin tưởng và vâng phục Thiên Chúa. Nhờ đó ông đã bắt đầu tiến vào cuộc hành trình đi về Đất Hứa. Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng ông Áp-ra-ham đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của Đức Giêsu.

Hy vọng giúp chúng ta tiến lên phía trước và mang lại cho chúng ta niềm vui

Ngày hôm nay Giáo Hội nói với chúng ta về sự hoan lạc của niềm hy vọng. Trong Lời nguyện Nhập lễ, chúng ta đã nài xin Thiên Chúa ơn gìn giữ niềm hy vọng của Giáo Hội để niềm hy vọng ấy không bao giờ lịm tắt đi. Thánh Phaolo đã nói về ông Áp-ra-ham và với chúng ta rằng: Tin tưởng dựa trên niềm hy vọng. Hy vọng chính là một nhân đức giúp ta tiến về phía trước. Đó là một nhân đức khiêm tốn, đơn sơ nhưng mang lại cho chúng ta niềm vui, đôi khi là những niềm vui thật to lớn, nhưng đôi khi chỉ là niềm an bình giản dị. Chúng ta có thể chắc chắn rằng đặt hy vọng nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Đây là niềm vui mừng hy vọng của ông Áp-ra-ham. Niềm hy vọng ấy đã triển nở trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều khi Thiên Chúa che dấu đi khiến ông không nhìn thấy; nhưng rất nhiều lần Thiên Chúa đã bày tỏ cách rõ ràng cho ông biết. Niềm vui ấy cũng diễn ra với Mẹ Maria. Khi Mẹ đến nhà chị họ, bà Elisabet nói với Mẹ: ‘Này đây khi tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.’ Trong cuộc gặp mặt đó, có niềm vui mừng hoan lạc của việc Thiên Chúa cư ngụ giữa Dân Người. Và một khi đã có niềm vui, thì bình an cũng xuất hiện. Đây chính là đặc tính của nhân đức cậy (hy vọng): từ vui mừng dẫn tới bình an, và không bao giờ thất vọng. Khi con cái Ít-ra-en phải trải qua những ngày tháng nô lệ, tù đày trên vùng đất dân ngoại, với niềm hy vọng trông cậy, họ chẳng hề thất vọng, chán chường.

Niềm hy vọng củng cố chúng ta và không để chúng ta chết chìm trong khó khăn, đau khổ

Sợi dây hy vọng bắt đầu với Áp-ra-ham khi Thiên Chúa ngỏ lời với ông, và đã được hoàn thành nơi Đức Giêsu trên thập giá. Chúng ta có thể nói mình có đức tin và lòng bác ái, nhưng lại rất khó để trả lời có niềm hy vọng hay không. Nói thì có vẻ dễ, nhưng khi người ta hỏi: ‘Bạn có hy vọng không? Bạn có thấy vui mừng khi hy vọng không?’; chúng ta hay trả lời là: ‘Tôi không biết. Tôi không giải thích được.’ Hy vọng, nhân đức khiêm tốn đó chảy âm ỉ dưới mạch nước cuộc sống nâng đỡ chúng ta để chúng ta không chết chìm trong những khó khăn, thách đố; giúp chúng ta không đánh mất khao khát tìm gặp Thiên Chúa, khao khát được diện kiến dung nhan rạng ngời của Ngài. Dung nhan ấy một ngày kia tất cả chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng.

Niềm hy vọng không làm thất vọng: âm ỉ, khiêm tốn nhưng mạnh mẽ

Ngày hôm nay thật thuận tiện để suy nghĩ về điều này: Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi Áp-ra-ham dám rời bỏ vùng đất của ông trong khi ông lại không hề biết phải đi về đâu; thì chính Vị Thiên Chúa ấy lại bước lên cây thập giá để kiện toàn lời đoan hứa đó. Và đến thời kỳ viên mãn, Vị Thiên Chúa ấy cũng làm cho lời hứa trở thành hiện thực với mỗi người chúng ta. Điều nối kết thời điểm ban đầu của Áp-ra-ham và thời đại cánh chung chính là sợi dây hy vọng. Chính sợi dây đó cũng nối kết đời sống Kitô hữu của tôi và của chúng ta lại với nhau, từ thời đại này đến thời đại khác, để chúng ta cùng nhau tiến lên phía trước. Mặc dù tội lỗi bất toàn, nhưng chúng ta cứ tiến lên. Đó chính là niềm hy vọng. Niềm hy vọng mang lại cho chúng ta an bình trong những lúc tồi tệ. Trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc sống, vẫn có niềm hy vọng le lói phía chân trời. Niềm hy vọng không khiến chúng ta phải thất vọng. Nó luôn có đó: khiêm tốn, âm ỉ nhưng hết sức mãnh liệt.”


2. Câu chuyện Người Trộm Lành

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kể lại những lời đối đáp của Chúa Giêsu và hai người cùng bị đóng đinh với người. Những lời đối đáp thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái đâu!”

Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

“Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.

Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi nhé!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

3. Cầu xin cho Tuần Thánh giúp chúng ta chấp nhận đường lối Chúa

Hãy chấp nhận tình yêu Chúa chứ đừng phàn nàn và chống đối lại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy ý từ Bài Đọc Cựu Ước trong ngày nói về chuyện con cái Israel phàn nàn chống lại Thiên Chúa trong cuộc hành trình qua sa mạc và chuyện họ phản đối những cái họ gọi là “thực phẩm tồi tệ” được ban cho họ, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho chúng ta trong hàng ngàn cách thế khác nhau nhưng quá thường khi chúng ta không có khả năng chấp nhận những “đường lối thánh thiện” dành cho mình.

Bài đọc Cựu Ước từ Sách Dân Số kể lại chuyện dân Israel gặp nạn là những con rắn cắn chết nhiều người. Moses đã cầu nguyện cho dân và theo mệnh lệnh của Chúa, đã đúc một con rắn đồng để cứu những ai nhìn vào nó sau khi bị cắn.

Lời bầu của Moses và biểu tượng của thập giá nơi Chúa Kitô sẽ bị chết treo đã cứu dân Israel khỏi chết vì nọc độc của các loài rắn.

Mô tả thái độ của nhiều Kitô hữu ngày nay là “lắc lư về tinh thần,” Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường phạm cùng một tội lỗi là “bực dọc và ta thán”.

“Có bao nhiêu người trong chúng ta thấy mình đang bị ‘đầu độc’ vì những bất mãn trong cuộc sống. Đúng, Thiên Chúa là tốt lành đấy nhưng mà ... Chúng ta là Kitô hữu, đúng thế, nhưng mà ... Đây là loại Kitô hữu cuối cùng không mở trái tim của mình ra cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhưng luôn luôn đặt ra điều kiện. ‘Vâng, tôi muốn được cứu rỗi lắm, nhưng phải như thế này ...’ Thái độ này đầu độc tâm hồn chúng ta”

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh cáo rằng khi chúng ta không chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa theo cách thức các ân sủng này được trao ban thì đó là một tội lỗi. Nó đầu độc tâm hồn chúng ta, nó tước đi niềm vui. Và Chúa Giêsu đành phải leo lên núi Calvariô.

“Chính Chúa Giêsu tự nguyện gánh lấy chất độc vào mình. ‘Thái độ lưng chừng’ của các Kitô hữu hiện nửa vời là những người nhiệt tình vào lúc bắt đầu cuộc hành trình với Chúa Giêsu đã làm cho họ thất vọng ở giữa đường. Cách duy nhất để chữa lành là nhìn vào thập giá, nhìn vào Thiên Chúa, là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta”.

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngày nay có quá nhiều Kitô hữu “chết trong sa mạc của nỗi buồn, trong những lời cằn nhằn và trong thái độ không chấp nhận đường lối Chúa”.

“Hãy nhìn vào con rắn, hãy nhìn vào nọc độc nơi thân xác Chúa Kitô. Nọc độc của tất cả các tội lỗi trên thế giới và chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng dám chấp nhận những lúc khó khăn, dám chấp nhận ơn cứu rỗi theo thánh ý Chúa, dám chấp nhận được những ‘thực phẩm tồi tệ’ mà con cái nhà Israel đã càm ràm... Chúng ta hãy chấp nhận những đường lối mà Chúa dẫn dắt chúng ta đi. Xin cho Tuần Thánh này giúp chúng ta quay lưng lại với những cám dỗ để trở thành ‘những người Kitô hữu đúng thế, nhưng mà...”.