Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hàng triệu người Phi Luật Tân rước kiệu Đức Mẹ
Ước tính có khoảng 1 triệu người Công Giáo Phi Luật Tân đã tham gia trong đoàn diễu hành ở Manila kỷ niệm ngày lễ Đức Mẹ Đen (Black Nazarene) vào ngày 09 tháng Giêng.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và lính quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.
Các biện pháp an ninh này phản ánh mối lo ngại về nguy cơ khủng bố ngày càng cao của Hồi giáo tại Phi Luật Tân, nơi mà các nhóm ly khai Hồi giáo đang đấu tranh cho quyền tự trị tại tỉnh Mindanao.

Tượng Black Nazarene, đã được các giáo sĩ Tây Ban Nha đưa đến Phi Luật Tân vào thế kỷ 17, được cho là có quyền năng kỳ diệu. Mỗi năm trong các cuộc rước kiệu Đức Mẹ diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng và vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, hàng chục ngàn người cố chen lấn để chạm được vào tượng Đức Mẹ. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ đã được ghi nhận.
2. Hàng giáo phẩm tại Giêrusalem tố cáo việc phá hoại các nghĩa trang Kitô Giáo
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Israel đã lặp lại những lời thỉnh cầu của các ngài xin nhà cầm quyền điều tra những tội phạm chống Kitô giáo sau khi xảy ra một vụ mạo phạm nữa tại một nghĩa trang gần Giêrusalem.
Hàng chục cây thánh giá trên các ngôi mộ đã bị phá hủy hoặc bị đập hư hỏng tại một nghĩa trang ở Beit Jamal. Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Jerusalem lưu ý rằng vụ phá hoại này chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Thiên Chúa giáo.
“Chúng tôi lên án vụ việc này và nhắc nhở tất cả rằng đây không phải là lần đầu tiên loại tội phạm này đã xảy ra trong những năm gần đây,”
Tòa Thượng Phụ nhận định rằng những tội phạm như thế này càng lúc càng táo bạo và quy mô càng lớn dần vì không ai bị truy cứu và xét xử thích đáng. Một điệp khúc cứ được lặp đi lại lặp lại trên các phương tiện truyền thông là “những người tấn công không rõ lai lịch”.
3. Các Giám Mục Congo kêu gọi đối thoại và hòa giải quốc gia
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo-nơi có khoảng 5.4 triệu người thiệt mạng trong hai cuộc nội chiến gần đây (1996-1997 và 1998-2003) - một phái đoàn các giám mục đã có cuộc gặp gỡ với ủy ban bầu cử quốc gia.
Cha Léonard Santedi, tổng thư ký của Hội đồng Giám mục cho biết.
“Các giám mục, trong tư cách là các mục tử, đã bắt đầu cuộc họp với các chính trị gia và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự để xem xét những gì cần phải làm để cải thiện tình hình liên quan đến cuộc đối thoại và hòa giải quốc gia”.
Bình luận về tuyên bố của chủ tịch ủy ban bầu cử quốc gia theo đó cuộc bầu cử sẽ được dời từ từ tháng Mười năm ngoái đến tháng Ba năm nay, cha Léonard Santedi nhận xét rằng:
“Lịch bầu cử phải có sự đồng thuận và phải thực tế”, ngài nói thêm.
53% trong tổng số 81,700,000 dân Cộng Hòa Dân Chủ Congo là người Công Giáo.
4. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội khích lệ tổng thống Bờ Biển Ngà
Trong cuộc gặp gỡ đầu năm giữa tổng thống Alassane Ouattara với các nhà lãnh đạo các tôn giáo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nước này đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của tổng thống nhằm hồi hương những người tị nạn đã phải chạy ra nước ngoài trong cuộc nội chiến lần thứ hai của Bờ Biển Ngà vào năm 2011.
Đức Giám Mục Alexis Touably Youlo của giáo phận Agboville nói thêm rằng “sự thịnh vượng kinh tế” không phải là thước đo duy nhất của hạnh phúc. Các phương tiện truyền thông địa phương nói ngài đã thách thức Ouattara, một người Hồi giáo, tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, hãy “tăng gấp đôi những nỗ lực trong việc theo đuổi không ngừng tiến trình hòa giải, hòa bình, và đoàn kết xã hội.”
Bờ Biển Ngà có 23.9 triệu dân, trong đó 39% là người Hồi giáo, Công Giáo 24%, và 7% Tin Lành, với 12% theo các tín ngưỡng bản địa.
5. Lãnh đạo Hồi Giáo Shiite /Shi-ai/ tại Iraq kêu gọi trả nhà cửa lại cho các Kitô hữu
Muqtada al Sadr, một nhà lãnh đạo Hồi Giáo Shiite tại Iraq, rất có ảnh hưởng, đã kêu gọi trả lại các ngôi nhà của các Kitô hữu Iraq bị chiếm dụng bất hợp pháp cho những người chủ hợp pháp của chúng.
Khi các Kitô hữu chạy trốn khỏi Iraq, trong những tháng bất ổn theo sau sự can thiệp quân sự của Mỹ vào năm 2003, và theo sau các cuộc tấn công khủng bố của quân Hồi Giáo IS, nhiều người đã trục lợi bằng cách di chuyển vào những ngôi nhà vắng chủ và chiếm làm tài sản của mình.
Kitô hữu ở Iraq đã yêu cầu chính phủ ngăn chặn các vụ buôn bán, sang nhượng bất hợp pháp tài sản của họ, và trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp.
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo hiện nay đã bắt đầu hỗ trợ nhu cầu chính đáng đó.
6. Giáo hạt tòng nhân đầu tiên tại Hoa Kỳ và Canada cho người Anh Giáo hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh

Trong một thời gian ngắn tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố việc hình thành một giáo hạt tòng nhân dành cho những người Anh Giáo muốn quay về với Công Giáo nhưng vẫn giữ Phụng Vụ Anh Giáo.
Đức Cha Steven Lopes, người sẽ sớm được tấn phong giám mục giáo hạt tòng nhân có tên “Ngai Tòa Thánh Phêrô”, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng các tín hữu cựu Anh giáo ở Mỹ và Canada được trao phó cho ngài “rất năng động, rất dấn thân trong đức tin của họ.”
Các tín hữu và hàng giáo sĩ của giáo hạt tòng nhân sẽ là “những nhà truyền giáo nhiệt thành”, là những người “có thể nói lên niềm vui được là người Công Giáo” Đức Cha Lopes đã nói như trên với tờ Sunday Visitor.
“Tất cả các cộng đồng của chúng tôi, tôi nhận thấy, rất mến mộ vẻ đẹp trong sự thờ phượng, vẻ đẹp về âm nhạc, vẻ đẹp về sự tham gia trong lời cầu nguyện, vẻ đẹp về sự tôn kính và về các phong cách kiến trúc.”
“Ngay bây giờ, rất nhiều cộng đồng của chúng tôi đang tập trung vào việc thành hình các ngôi nhà thờ giáo xứ. Chúng tôi đang quyên tiền, tập trung lại với nhau để thờ phượng, tăng cường bản sắc của giáo xứ”.
7. 70 nhà thờ tại Đức dùng chung cho cả các tín hữu Luther lẫn người Công Giáo
Theo một báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Đức, hiện nay vẫn còn tới 70 nhà thờ ở Đức, nơi người Tin Lành Luther và người Công Giáo thờ phượng tại những bàn thờ riêng biệt dưới cùng một mái nhà, lắm lúc việc thờ phượng như thế diễn ra đồng thời.
Điều này xảy ra vì trong quá khứ, dưới triều vua Louis XIV, vị vua của nước Pháp sinh năm 1643 và qua đời năm 1715, một phần miền tây nước Đức hiện nay nằm dưới quyền cai trị của nhà vua này và nhà vua ra lệnh rằng ở mỗi thành phố của Đức nơi chỉ có một nhà thờ duy nhất, thì nhà thờ ấy phải được dùng chung cho cả các tín hữu Công Giáo và Lutheran.
Mục sư của cộng đồng Lutheran tại Brauneberg nói với Katholisch.de rằng trước thế kỷ XIX, nhiều cộng đoàn Công Giáo và Lutheran đã tìm cách tách riêng ra, nhưng một số vẫn tiếp tục sinh hoạt như thế cho đến nay.
8. Rabbi trưởng Do Thái Giáo tại Rôma nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, Rabbi Riccardo Di Segni, là rabbi trưởng Do Thái Giáo tại Rôma, đã thảo luận về tầm quan trọng của chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đại Hội Đường Do Thái ở Rôma hôm 17 tháng Giêng vừa qua.
Chuyến viếng thăm vào năm 1986 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “một cuộc cách mạng, một dòng thác lũ” vị giáo sĩ nói với tờ Corriere della Sera, tức là Tin Chiều. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, người đã đến thăm Đại Hội Đường này vào năm 2010 “đã có một mối quan hệ đặc biệt với Do Thái giáo và muốn nhấn mạnh đến tính liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước. Phong cách của ngài là tín lý, thần học, thông thái, cũng như nghi lễ.”
Đức Thánh Cha Phanxicô “đã chào đón trực tiếp một số lượng đông nhất những người có thể”. Vị giáo sĩ Do Thái nói tiếp rằng “Ngày nay, nhiều người coi tôn giáo là nguồn gốc của hận thù, bạo lực, phá hủy. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được thiết kế để gửi một thông điệp ngược lại: Sự đa dạng tôn giáo là một minh chứng cho sự chung sống hòa bình”
Rabbi Di Segni nói thêm rằng ông vẫn trao đổi thư từ, “luôn luôn được viết tay,” với Đức Giáo Hoàng danh dự, và rằng ông đã có một vài cuộc trò chuyện riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một loạt các chủ đề, bao gồm Dòng Tên và Do Thái giáo. Ông nhớ lại rằng người kế vị ngay sau Thánh Inhaxiô Loyola, tức là cha Diego Laynez, là hậu duệ của người Do Thái, đã cải đạo sang Công Giáo.
9. Giới thiệu sách mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” – [Không có video riêng]
“Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” là tựa đề của một cuốn sách mới được phát hành tại 86 quốc gia vào ngày thứ Ba 12 tháng Giêng, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy tầm nhìn của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một loạt các cuộc phỏng vấn với phóng viên Vatican Andrea Tornielli. Đây là cuốn sách đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tư cách là một vị Giáo Hoàng. Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài trích đoạn trong cuốn sách này:
Cũng như Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng cần đến lòng thương xót
Đức Thánh Cha viết: “Đức Giáo Hoàng là một người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nói một cách chân thành với các tù nhân tại Palmasola, ở Bolivia, và với những người nam nữ đã chào đón tôi rất nồng nhiệt. Tôi nhắc nhở họ rằng ngay cả Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cũng đã từng bị bắt vào tù. Tôi có một mối quan hệ đặc biệt với những tù nhân, những người bị tước đoạt tự do. Tôi đã luôn luôn rất gắn bó với họ, chính vì tôi nhận thức rằng tôi là một kẻ có tội. “
“Mỗi lần tôi đi qua những cánh cửa vào trong nhà tù để cử hành Thánh Lễ hoặc thăm viếng các tù nhân, tôi luôn luôn nghĩ rằng: tại sao lại là họ mà không phải là tôi? Tôi nên ở đây. Tôi đáng bị ở đây. Sự vấp ngã của họ có thể cũng là sự vấp ngã của tôi. Tôi không cảm thấy cao trọng hơn những người đang đứng trước mặt tôi. Và vì vậy tôi lặp lại và cầu nguyện: tại sao lại là anh ta mà không phải là tôi? Nó xem ra có vẻ đáng kinh ngạc, nhưng tôi lấy được niềm an ủi từ Phêrô: Ngài đã phản bội Chúa Giêsu, và dù như thế, ngài vẫn được lựa chọn “
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I: 'được khắc trên bụi đất'
Đức Thánh Cha cũng nhớ lại ngài đã rất xúc động bởi các tác phẩm của người tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, Albino Luciani. “Có những bài giảng trong đó Đức Cha Albino Luciani, vị Giáo Hoàng tương lai, cho biết ngài đã được lựa chọn bởi vì Chúa ưa thích những điều nào đó không được khắc trên đồng hoặc trên đá cẩm thạch nhưng trên bụi đất, để nếu các hàng chữ được khắc ấy sống sót với thời gian, thì rõ ràng rằng công trạng ấy tất cả và duy nhất thuộc về Thiên Chúa. Vị giám mục và là Giáo Hoàng tương lai Gioan Phaolô I, tự gọi mình là 'bụi đất'.”
“Tôi phải nói rằng khi tôi nói về điều này, tôi luôn luôn nghĩ đến những gì Thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật phục sinh của Người, khi thánh nhân gặp riêng Chúa, trong một cuộc họp đã được ám chỉ trong Tin Mừng Thánh Luca. Đâu là những điều Thánh Phêrô có thể đã nói với Đấng Messiah vừa phục sinh từ ngôi mộ của Người? Có thể ngài đã nói rằng ngài cảm thấy mình là một kẻ có tội? Ngài hẳn đã phải có những suy nghĩ về sự phản bội của mình, về những gì đã xảy ra vài ngày trước khi ba lần giả vờ không biết Chúa Giêsu trong sân nhà thầy cả thượng phẩm. Ngài chắc hẳn đã phải có những suy nghĩ về những giọt nước mắt cay đắng và công khai của mình.”
“Nếu Phêrô đã làm tất cả điều đó, nếu các sách Tin Mừng đã mô tả tội lỗi và việc ngài chối Chúa cho chúng ta, và nếu bất chấp tất cả những điều này, Chúa Giêsu vẫn nói với ngài, 'Hãy chăn các chiên con của Thầy” (Ga 21), thì tôi nghĩ rằng chúng ta không nên ngạc nhiên nếu người kế vị ngài tự nhận mình là kẻ tội lỗi. Điều đó không có gì mới. “
Miserando atque eligendo (Thấp hèn nhưng lại được chọn)
Kể về câu chuyện liên quan đến khẩu hiệu giám mục của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại một kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, đã diễn ra trong những năm niên thiếu của ngài.
“Tôi không có kỷ niệm nào đặc biệt về lòng thương xót trong thời thơ ấu. Nhưng tôi có những kỷ niệm trong thời tuổi trẻ. Tôi nghĩ về Cha Carlos Duarte Ibarra, là cha giải tội, tôi đã gặp tại nhà thờ giáo xứ của tôi vào ngày 21 tháng 9 năm 1953, ngày Giáo Hội cử hành lễ Thánh Máththêu, tông đồ thánh sử. Lúc đó, tôi mười bảy tuổi. Khi xưng tội với ngài, tôi cảm thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa chào đón. “
“Cha Ibarra nguyên là linh mục ở Corrientes nhưng ngài đến Buenos Aires để điều trị bệnh bạch cầu. Ngài qua đời vào năm sau đó. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc tôi về nhà, sau khi dự tang lễ và nghi thức hạ huyệt của ngài, tôi cảm giác như mình đã bị bỏ rơi. Và tôi đã khóc rất nhiều đêm đó, thực sự rất nhiều, và vùi mình trong phòng. “
“Tại sao? Bởi vì tôi đã mất đi một người đã giúp tôi cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, và vì thế miserando atque eligendo, một khẩu hiệu tôi không biết vào thời điểm đó nhưng cuối cùng tôi đã chọn là khẩu hiệu giám mục của mình. Tôi đã học được sau này, trong các bài giảng của Vị Đáng Kính người Anh là Bede [672-735]. Khi mô tả việc Chúa gọi Thánh Matthêu, ngài viết: “Chúa Giêsu thấy người thu thuế và có lòng thương xót nên đã chọn ông vào hàng các tông đồ và nói: ‘hãy theo Thầy’ “
“Đây là bản dịch những lời của Thánh Bede [ban đầu được viết bằng tiếng Latin]. Tôi muốn dịch từ “miserando” bằng một danh-động từ chưa tồn tại: misericordando hoặc mercying. Vì vậy, “thương xót anh và chọn anh” mô tả tầm nhìn của Chúa Giêsu là Đấng trao ban cho hồng ân thương xót và lựa chọn, và dẫn theo với Ngài.”
Giáo Hội lên án tội lỗi, nhưng thể hiện lòng thương xót với kẻ có tội
“Giáo Hội lên án tội lỗi bởi vì Giáo Hội phải truyền đạt sự thật: tội lỗi phải được nêu đích danh là tội lỗi. Nhưng đồng thời, Giáo Hội phải đón nhận tất cả các tội nhân nhìn nhận mình là kẻ có tội, chào đón những người ấy, và nói với họ về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã tha thứ ngay cả những kẻ đã đóng đinh và sỉ nhục Ngài. “
“Để theo đường lối Chúa, Giáo Hội được kêu gọi ban phát lòng thương xót đối với tất cả những người nhận ra mình là kẻ tội lỗi, những người chịu trách nhiệm cho những điều ác họ đã phạm, và những người cảm thấy cần sự tha thứ. Giáo Hội không hiện hữu để lên án con người, nhưng để mang đến một cuộc gặp gỡ với tình yêu thẳm sâu của lòng thương xót Thiên Chúa.”
“Tôi thường nói rằng để cho điều này xảy ra, điều cần thiết là chúng ta phải bước ra ngoài: bước ra ngoài từ các nhà thờ và các giáo xứ, bước ra ngoài và tìm kiếm những nơi người dân sinh sống, nơi mà họ phải chịu đựng, và nơi họ hy vọng. Tôi thích sử dụng hình ảnh của một bệnh viện dã chiến để mô tả “Giáo Hội tiến ra” này. Giáo Hội hiện diện nơi đang có những cuộc chiến đấu. Giáo Hội không phải là một cấu trúc vững chắc với tất cả các thiết bị, nơi mọi người đến nhận điều trị cho những yếu đuối lớn, nhỏ. Giáo Hội là một cấu trúc di động cung cấp những trợ giúp đầu tiên và những chăm sóc ngay lập tức, để những người lính của mình không chết.”
“Đó là một nơi để chăm sóc khẩn cấp, không phải là một nơi để gặp một chuyên gia. Tôi hy vọng rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ giúp thể hiện sâu sắc khía cạnh từ mẫu và nhân hậu của Giáo Hội, một Giáo Hội bước ra với những người “bị thương”, những người đang cần một đôi tai biết lắng nghe, sự hiểu biết, tha thứ, và tình yêu.”
Nói vâng với Lòng Thương Xót, và nói không với băng hoại
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục với việc chỉ ra sự khác biệt giữa tội lỗi và băng hoại. Ngài nói rằng người băng hoại thiếu sự khiêm tốn để nhận ra tội lỗi của mình.
“Băng hoại là tội lỗi trong đó, thay vì thừa nhận mình là kẻ có tội và trở nên khiêm tốn, nó được nâng lên thành một hệ thống; một thói quen tinh thần, một cách sống. Chúng ta không còn cảm thấy sự cần thiết của ơn tha thứ và lòng thương xót, nhưng chúng ta biện minh cho bản thân và hành vi của mình. “
“Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ngay cả khi người anh em của các con xúc phạm các con bảy lần một ngày, và bảy lần một ngày người ấy trở lại với các con để xin tha thứ, các con hãy tha thứ cho người ấy. Các hối nhân, những người phạm tội hết lần này sang lần khác vì sự yếu đuối của mình, sẽ tìm thấy sự tha thứ nếu họ thừa nhận nhu cầu của mình cần đến lòng thương xót. Người băng hoại là một kẻ tội lỗi nhưng không ăn năn hối cải, phạm tội nhưng cứ giả vờ là Kitô hữu thuần thành, và cuộc sống hai mặt này gây ra tai tiếng. “
“Người băng hoại không biết khiêm nhường, người ấy không cho rằng mình cần đến sự giúp đỡ, và cứ tiếp tục sống một cuộc sống hai mặt. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng băng hoại như thể nó chỉ là một tội lỗi. Mặc dù băng hoại thường được đồng hóa với tội lỗi, trong thực tế, chúng là hai thực tại khác biệt, mặc dù liên kết với nhau. “
“Tội lỗi, đặc biệt là khi lặp đi lặp lại, có thể dẫn đến băng hoại, không phải theo nghĩa định lượng - nghĩa là không phải cứ một số lượng nhất định các tội lỗi nào đó làm cho một người trở thành băng hoại - nhưng theo nghĩa chất lượng: trong đó thói quen được hình thành và con người bị giới hạn năng lực yêu thương và có một cảm giác sai lầm cho mình như thế là tốt rồi không cần đến lòng thương xót Chúa. “
“Người băng hoại cảm thấy mệt mỏi không muốn cầu xin tha thứ và chung cuộc tin rằng người ấy không cần phải xin tha thứ nữa. Chúng ta không trở thành những người băng hoại một sớm một chiều đâu. Đó là một con dốc dài và trơn trượt không thể được xác định đơn giản là một loạt các tội lỗi. Một người có thể là một kẻ có tội và không bao giờ rơi vào băng hoại, nếu trái tim người ấy cảm nhận được sự yếu đuối của mình. Đó là một lỗ nhỏ cho phép sức mạnh của Thiên Chúa đi vào. “
“Khi một người có tội nhận mình là kẻ có tội, người ấy thừa nhận cách nào đó rằng những gì người ấy đã gắn bó với, bám víu vào, là sai. Còn người băng hoại thì giấu nhẹm đi những gì kẻ ấy cho là kho báu thực sự của mình, nhưng thực ra chỉ làm cho người ấy ra nô lệ; và đeo vào một mặt nạ khác với cách cư xử tốt, luôn luôn tính toán để giữ thể diện. “