Vương cung thánh đường Paris cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố ngày 13/11

6 giờ chiều ngày 15/11/2015, ngày đầu tiên trong tam nhật quốc táng, chuông chiều báo tang đổ từng hồi chậm rãi trên ngọn tháp Nhà Thờ Đức Bà Paris, mở đầu thánh lễ trọng thể cầu cho các nạn nhân khủng bố. Thánh lễ do Đức Hồng Y André Vingt-Trois cử hành, với sự đồng tế của Đức TGM Luigi Ventura, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp, ĐGM Gilles Bertrand-Hardy, giáo phụ Chính Thống Giáo tại Pháp, nhiều vị Giám mục và Linh mục.

Trên cung thánh, cây trụ cạnh thánh tượng Đức Bà là đèn màu tam tài: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Pháp. Về phía chính quyền có sự hiện diện của bà thị trưởng Paris Anne Hidalgo, chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone, cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, hai cựu thủ tướng François Fillon và Alain Jupé.

Trong bài giảng, ĐHY Vingt-Trois mời gọi các giáo hữu Paris cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong và những người bị thương, các nhân viên công lực. ĐHY nguyện xin nhân tâm đoàn kết một lòng, chống lại bạo lực khủng bố.



Toàn thể quan khách và cộng đoàn đứng dậy, trong lúc đại phong cầm cử hành bản quốc ca tưởng niệm các nạn nhân. Nhiều ngàn người dự thánh lễ ngoài tiền đình thánh đường.

Nhân dịp này, Đức Sứ thần Luigi Ventura đã tuyên đọc thông điệp phân ưu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Thánh lễ lại nhà thờ Đức Bà Paris

PARIS 17/11/2015. Trong ngày lễ quốc tang, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Chánh Toà Đức Bà Paris chiều ngày 15.11.2015 để cầu nguyện cho các nạn nhân khủng bố.

Các chuông của Nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Paris đã ngân vang trong suốt 15 phút đồng hồ như dấu hiệu báo tử buổi chiều hôm 15.11.2015 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát hàng loạt tại Paris buổi tối thứ 6, 13.11.2015. Hãng tin Sir thuật lại, trong Thánh lễ, có sự hiện diện của Chủ tịch Thượng viện và Quốc Hội Pháp, thị trưởng của Paris bà Anne Hidalgo, cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing và các đại diện của nhiều tôn giáo khác. Sứ Thần Toà Thánh tại Paris là Luigi Ventura đã đọc điện tin chia buồn của Đức Thánh Cha gửi cho Pháp quốc sau cuộc khủng bố tại Paris.

ĐHY Vingt-Trois: Tại sao những kẻ khủng bố lại chọn tấn công người Pháp chúng ta? ĐHY đã đặt câu hỏi trong bài giảng của mình:

“Làm sao những người trẻ được giáo dục trong các trường học và trong những thành phố của chúng ta có thể quen với sự khó chịu như thế khi bóng ma của thời kỳ Ca-líp cai trị và hành vi bạo lực về luân lý và xã hội của ông ta có thể tượng trưng cho một lý tưởng đáng sống?”

Đức TGM tiếp lời: “Đây là một câu hỏi rất tệ hại vì nó phảng phất một bầu khí nghi hoặc trong rất nhiều gia đình”. “Câu trả lời rằng có khó khăn cho việc hội nhập xem ra không hiệu quả để giải thích thoả đáng cho một số nhất định những người đã gia nhập khủng bố”. Chính vì thế, ĐHY nói cần phải đáp trả cho nghi vấn này bằng câu hỏi: “làm sao khả thi được khi con đường tàn ác này có thể trở nên một lý tưởng”.

Một câu hỏi khác cũng được ĐHY đưa ra liên quan đến đời sống xã hội: “Phong cách sống của chúng ta ra sao mà đã làm phát sinh một sự tấn công man rợ như vậy? Với câu hỏi này chúng ta đã thường xuyên trả lời bằng sự cương quyết gắn bó của chúng ta đối với các giá trị của Cộng Hoà Pháp, nhưng những biến cố này đã buộc chúng ta phải chất vấn chính mình và có thể phải xem xét lại điều mà thực tế chúng ta có ý nói đến dưới tiêu đề ‘những giá trị của Cộng Hoà’.”

Rất nhiều biện pháp an ninh trong suốt Thánh lễ

Các biện pháp an ninh đã được thực thi hết sức nghiêm ngặt trong tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Paris và trong toàn bộ đất nước Pháp. Nhà thờ Chánh toà cũng như các bảo tàng của thành phố đã đóng cửa với công chúng. Việc đi vào nhà thờ Chánh toà cho Thánh lễ ngày hôm đó đã diễn ra thông qua một lối vào từ bên hông và các tín hữu được mời gọi không mang theo các túi xách để hỗ trợ cho công tác kiểm tra an ninh. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có thể vào dự lễ trong nhà thờ và có một số người đã phải dự lễ từ bên ngoài thánh đường.

Bắt đầu buổi cử hành Thánh lễ, ĐHY Vingt-Trois đã tuyên bố: “Đã 48 tiếng rồi kể từ lúc Paris phải sống một trong những thời khắc nguy kịch nhất trong lịch sử của mình, cũng như một trong những biến cố thảm hại nhất của mình. Những người nam và người nữ đã bị giết một cách tàn ác”. Ngài nói thêm: “Chúng ta ở đây để chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân, để cầu nguyện cho những ai vẫn còn đang ở trong bệnh viện trong vòng tay của các bác sĩ đang nỗ lực tiếp tục cứu sống ai đó, cầu nguyện cho thành phố của chúng ta và cho đất nước của chúng ta.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ Vatican Radio: Jos. Nguyễn Huy Mai