Khi một bộ phim có kinh phí khá thấp, và phần đối thoại trong phim chủ yếu bằng tiếng Latin, ít ai lại nghĩ phim này sẽ lên trang nhất các báo ở Mỹ nhiều tháng trước khi phát hành.

Thế nhưng bộ phim có tựa đề “Cuộc Thương Khó Chúa Kitô”, do Mel Gibson đạo diễn, lại là một ngoại lệ.

Chuẩn bị đem ra chiếu chính thức ngày 25 tháng Hai, phim này bị một số lãnh đạo tôn giáo chỉ trích là kích động sự quá khích và bài Do Thái.

Bộ phim “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô” (The Passion of the Christ) là sự tạo dựng lại 12 giờ cuối cùng trong cuộc đời của Chúa.

Chưa phát hành chính thức, nhưng bộ phim đã gây nên cơn bão trong dư luận tại Mỹ.

Một số lãnh tụ cộng đồng Do Thái nói phim này có thể tạo nên làn sóng bài Do Thái, dựng lại ý niệm nói rằng chính người Do thái phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Jesus.

Còn đạo diễn Mel Gibson thì nói nhu cầu nhìn lại cuộc đời của bản thân ông đã gợi hứng cho ông làm bộ phim.

Mel Gibson, một người Công giáo, đã dùng tiền của chính mình, 25 triệu đôla, để thực hiện phim và cũng sử dụng kiến thức của nhiều chuyên gia tôn giáo trong quá trình thực hiện.

Giáo sư William Fulco, một trong những nhà cố vấn của đoàn phim, nói ông tin là việc làm phim Niềm đam mê đã trở thành một chuyến hành trình khám phá bản thể của Gibson và cũng là một thách thức nghệ thuật:

"Chuyện ở đây không hẳn là Mel Gibson làm ra bộ phim The Passion. Mà thật ra giống như Mel cảm nhận là The Passion - cái niềm đam mê ấy - đã đến và nắm lấy anh. Đó là vì sao tôi cho rằng người ta thấy trong các bộ phim của Mel Gibson luôn có một sự nhận thức về niềm đau khổ được cứu rỗi."

"Anh ấy đặt câu hỏi: “Liệu sự đau khổ của loài người có một mục đích gì chăng, nó có cứu vãn được không?” Cuối cùng khi đã hiểu ra, thì cũng là lúc cần làm phim The Passion."


Giáo sư William Fulco nói cái nhìn của Mel Gibson về cái chết của Chúa là trung thành với văn bản Tân Ước trong Kinh thánh.

Nhưng một số lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Mỹ bày tỏ quan ngại về bộ phim. Giáo sĩ Marvin Hier, ở Los Angeles, chỉ trích phim nặng nề ngay cả sau khi ông đã xem nó hai lần trong các dịp chiếu thử ban đầu.

"Theo tôi, khán giả phải đặt câu hỏi: “Ai đã tạo ra tất cả những điều này nơi con người, ai chịu trách nhiệm? Trong bộ phim của Mel Gibson, thì rõ ràng thủ phạm chả phải là người La Mã, mà là người Do Thái - tập thể người Do Thái luôn."

"Nó đưa chúng ta quay lại với mọi thứ mà Giáo hội đã cố gắng thực hiện trong 50 năm qua. Tôi không muốn quy trách nhiệm cho Giáo hội. Đây không phải là phim của họ, mà là phim của Mel Gibson. Một phim kinh khủng cho người Do thái. Cũng kinh khủng cho những ai muốn để lại sau mình cái quá khứ hai ngàn năm để hướng về một thời kì hợp tác va dung thứ."


Còn đạo diễn Mel Gibson nhấn mạnh ông không bài Do thái và nói thêm một số người Do Thái khi đi xem phim đã có nhận xét tốt.

Tuần rồi, Mel Gibson đã trình bày về ý nghĩa bộ phim trước cử tọa là hàng ngàn khách mời ở đại học Azusa Pacific - một trường Công giáo gần Los Angeles.

Giáo sư Kevin Mannoia, dạy tại trường này, khen ngợi bộ phim:

"Đây là một công cụ tuyệt vời để nâng cao vị trí ưu tiên của Chúa trong tâm thức nhân loại. Theo tôi, bộ phim sẽ khiến người ta bắt đầu suy nghĩ và tự hỏi: “Điều gì đã khiến con người phải đi qua nỗi đau lớn như vậy?”

Mel Gibson và đoàn làm phim của ông có vẻ tin rằng bộ phim vẫn sẽ chinh phục được nhiều nhà chỉ trích tôn giáo.

Nhưng liệu phim Niềm đam mê của Chúa Jesus có chinh phục được những khán giả bình thường hay không thì sẽ chỉ được biết vào ngày 25 tháng Hai tới đây khi bộ phim được chính thức công chiếu tại Mỹ.(BBC)