CHẾT LÀ KẾT CỦA SỐNG

Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm B

Cách đây chừng hơn một tháng, tại giáo xứ mà trước đây, tôi đã từng hiện diện và phục vụ, người phụ nữ vừa tròn 62 tuổi, là một tín hữu trung thành với đức tin, đột ngột tử nạn.

Nhà bà gần sát bên tường nhà thờ. Buổi chiều đã chập choạng tối, bà có ý định sang bên kia đường. Bỗng dưng hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy với tốc độ cao, đã tông vào bà, lôi bà đi thêm một khoảng về phía nhà thờ. Bà qua đời ngay trước cổng chính nhà thờ, ngay giữa con đường lớn.

Cái chết bất ngờ ập đến trên người phụ nữ, đã làm nỗi đau của gia đình và mọi người thân trở thành nỗi đau nát lòng, nỗi đau đầy nghẹn ứ. Với bản thân, vì sự quý mến, khiến tôi không khỏi bàng hoàng lặng người đi, khi được báo tin.

Dẫu biết sống là để chết. Và chết là kết của sống. Chết là tất yếu của một kiếp làm người. Ai cũng có thể chết, bất luận là người yếu đau hay khỏe mạnh, người giàu sang hay bần cùng.

Nhưng đứng trước một cái chết quá nhanh, một cái chết giữa lúc con người còn mọi khả năng hoạt động, mọi khả năng thực hiện những ước muốn của mình, lòng chúng ta không sao tránh khỏi những thổn thức…

Chúng ta hay nói tương lai của tôi sẽ là…, tương lai con tôi sẽ như thế này…, tương lai vợ tôi, chồng tôi sẽ đạt thế kia… Ít ai nói cái chết là tương lai đời mình. Nhưng thật phủ phàn: Chính cái chết mới thật là tương lai! Dù chết cách nào, mọi người đều chung một tương lai: chết. Chết là kết của sống. Chết là chung kết của một thời làm người.

Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật áp cuối của năm phụng vụ. Qua phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh dạy chúng ta hướng về sự chết. Thời gian cuối năm là thời gian cần để chúng ta nhìn ra phía trước hướng về ngày cuối cùng của vũ trụ. Nó cũng là thời gian thích hợp để nghĩ đến giây phút cùng tận của đời mình, mà chuẩn bị cho một chuyến đi không bao giờ trở lại cách tươm tất, đàng hoàng.

Bài đọc I, sách tiên tri Đaniel cho biết tình hình của ngày phán xét chung. Đó là ngày mà những người đã chết sẽ trỗi dậy, “người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời”.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến ngày mà Chúa sẽ ngự đến đầy vinh quang, uy hùng, hiển hách. Đó là ngày mà “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”, ngày mà “Người sẽ sai các thiên thần đi, và Người sẽ tập họp những kẻ Người tuyển chọn từ bốn phương trời về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”.

Thánh Phaolô cũng từng diễn tả sự khải hoàn của Chúa Kitô trong “ngày của Người”. Đó là ngày Thiên Chúa “đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…Thiên Chúa đặt mọi sự dưới chân Đức Kitô” (Ep 1, 10.22),

Phần chúng ta, để tránh “chịu ô nhục” và “bị ghê tởm”, nhưng được “hưởng phúc trường sinh”, ta cần chọn lựa một lối sống theo Tin Mừng của Chúa. Đó là trọn một đời, ta nỗ lực sống đẹp lòng Chúa, sống phù hợp luật pháp của Chúa, phù hợp thánh ý Chúa.

Trước mọi quyết định, mọi hành vi, mọi tư tưởng, mọi lời nói…, ta cần tự hỏi, điều này có được phép không? Có phù hợp thánh ý Chúa không? Nếu không phù hợp, dù có phải trả bất cứ giá nào, ta cũng không bao giờ chạm đến. Nhưng nếu đó là điều đúng, mang lại giá trị cứu độ, thì dù phải chết, ta vẫn không được bỏ qua.

Hãy nhớ, cái chết không trừ ai. Bởi nó là kết của sống, cho nên sống là chạy về phía chết. Ngay trong sự sống đã chất chứa, đã tìm ẩn sự chết. Chết có trong sống, vì thế sự sống mới trở nên mong manh, yếu ớt. Cũng vì thế, bất cứ lúc nào, sự sống cũng đều có thể bị cắt đứt, bị sự chết cướp mất.

Quá khứ đi qua là cái chết đang gần đến. Bề dày thời gian và tuổi tác của một con người, là phần chết đã dày thêm lên, đã càng lúc càng xâm chiếm sự sống trong con người ấy. Bởi thế, được sống thêm ngày nào là ngày ấy đưa con người đến gần cái chết hơn. Được sống thêm một ngày, đồng nghĩa với việc chúng ta đánh rơi thêm một ngày trong quỹ thời gian của mình. Thời gian cứ thế sẽ vơi. Cho đến một ngày, không còn gì để vơi… Lúc đó chính là lúc chúng ta chấp nhận bỏ lại tất cả…

Dù chết là kết của sống, ta không bi quan, không sợ hãi. Ngược lại, sự sống càng mong manh, con người càng phải can đảm nhìn trực diện nó để mang về chiến thắng cho mình. Chuẩn bị đón cái chết trong từng giây phút sống là sự khôn ngoan của những ai biết mình phải chết.

Chúa Giêsu dạy chúng ta thái độ khôn ngoan ấy: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Và: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 34-36).

Thánh Phaolô đưa ra những hướng dẫn để ta sống một đời công chính, nhờ đó, niềm hy vọng đạt tới ơn cứu độ luôn luôn có cơ sở, có nền tảng: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 1-2).

Những cái chết của anh chị em ra đi trước chính là lời nhắc nhở thâm thúy nhất, sâu lắng nhất, nhưng cũng hiện thực nhất, cụ thể nhất, để chúng ta chuẩn bị cho giờ chết của mình.

Người nữ giáo dân vừa chết trong tai nạn giao thông mà chúng ta nhắc đến bên trên, chỉ là một trường hợp trong vô vàn trường hợp đã từng xảy ra trong cuộc đời. Chúng ta cầu nguyện cho bà, cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, xin Chúa, vì lòng xót thương, hãy trao ban hạnh phúc muôn đời cho tất cả những ai trung thành sống lề luật Chúa.

Nhưng trong khi cầu nguyện cho người đã khuất, chúng ta cũng nhớ đến phận mình. Rồi đây không ai sẽ mãi mãi hiện diện trên cõi đời này. Chúng ta xin Chúa cũng tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. Xin Chúa đừng chấp tội, nhưng hãy nhìn vào thiện chí muốn sống đẹp lòng Chúa của chúng ta mà khoan hồng cho những gì chúng ta trót lỗi phạm.

Hãy luôn luôn nhớ: Chết là kết của sống!

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG