Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lần đầu tiên Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên như công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hoạt động chính trong Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên như công trình tạo dựng của Thiên Chúa là buổi phụng vụ Lời Chúa, diễn ra trong Đền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của 20 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám mục, 100 Giám chức và linh mục, cùng với đại diện Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Kitô khác, và gần một ngàn tín hữu.

Mở đầu là bài ca dẫn nhập trích từ sách ngôn sứ Daniel (3,57-87) mời gọi toàn thể các loài thụ tạo hãy chúc tụng Chúa. Tiếp đến là lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha và lời nguyện trong đó ngài chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa và cầu xin Chúa “dạy chúng con biết chiêm ngắm Chúa trong vẻ đẹp của vũ trụ, qua đó tất cả đều nói về Chúa. Xin thức tỉnh sự ngợi khen và lòng biết ơn của chúng con vì mỗi hữu thể Chúa đã dựng nên. Xin ban cho chúng con ơn được cảm thấy liên kết mật thiết với tất cả những gì hiện hữu.. Xin tỏ cho chúng con thấy chỗ của chúng con trong thế giới này như dụng cụ tình thương của Chúa đối với mọi loài trên trái đất, vì không loài nào bị Chúa quên lãng”.

Đức Thánh Cha cũng nguyện rằng: “Xin Chúa soi sáng những chủ nhân ông của quyền lực và tiền bạc, để họ không rơi vào tội dửng dưng, nhưng yêu mến công ích, thăng tiến những người yếu, và chăm sóc thế giới chúng con đang ở. Những người nghèo và trái đất đang kêu: 'Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Chúa, để bảo vệ mọi sự sống, để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn, để Nước Chúa hiển trị, Nước công chính, an bình, yêu thương và tươi đẹp”.

Buổi cầu nguyện đã được tiếp tục với 3 bài đọc. Bài thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Sáng Thế kể lại sự sáng tạo của Thiên Chúa và Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm, tất cả đều rất tốt đẹp (St 1,26-2.3.15).

Bài thứ hai bằng tiếng Ý trích từ thông điệp “Laudato Sí” của Đức Thánh Cha (84,86,87), nói về sự phong phú của các loài thụ tạo: “Toàn thể vũ trụ, với những quan hệ đa dạng, chứng tỏ rõ ràng sự phong phú khôn lường của Thiên Chúa.. Các loài thụ tạo có liên hệ mật thiết với nhau.. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha viết: “Khi chúng ta nhận thức sự phản ánh của Thiên Chúa trong tất cả những gì hiện hữu, tâm hồn cảm thấy ước muốn tôn thờ Chúa vì tất cả những gì Chúa đã dựng nên, và cùng với các loài thụ tạo, chúng ta chúc tụng Chúa như trong bài ca rất hay của thánh Phanxicô Assisi”.

Sau cùng, trong bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (6,24-34), Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ đừng lo lắng về ngày mai, “Các con hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, cũng chẳng thu vén vào kho, vậy mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con chẳng giá trị hơn chung hay sao?!”

Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng từ 35 năm nay, đã giảng sau các bài đọc. Cha nói đến phẩm trật trong các loài thụ tạo để phục vụ sự sống, và phê bình hiện tượng người ta chi tiêu những ngân khoản khổng lồ cho súc vật trong khi họ để cho hàng triệu trẻ em chết trước mắt vị đói và bệnh tật.

Nhắc đến Lời Chúa dạy trong Tin Mừng đừng lo lắng về ngày mai, Cha Cantalamessa khẳng định rằng chúng ta không lo lắng về ngày mai của chúng ta, nhưng chúng ta hãy lo lắng về ngày mai của con cháu chúng ta. “Tin Mừng muốn chúng ta không dính bén của cải trần thế, nhưng khi có liên hệ tới tha nhân, Tin Mừng không hề muốn nghe nói về sự dửng dưng và sống ngày qua ngày.. Chúa Giêsu nhiều lần lo lắng cho dân chúng được ăn, ngài làm phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều và sau đó ngài còn bảo hãy lượm những gì còn dư, để không điều gì bị phí phạm”.

Cha Cantalamessa nhấn mạnh điều Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng: “Các con không thể phụng sự Thiên Chúa lẫn tiền tài”. Không ai có thể phục vụ nghiêm túc chính nghĩa bảo tồn công trình tạo dựng nếu không có can đảm chống lại sự tích trữ thái quá giàu sáng trong tay một thiểu số và chống lại việc coi tiền bạc như mẫu mực cuộc sống”.

Tiếp đến 6 ý nguyện đã lần lượt được xướng lên bằng 6 ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức, Arập và Bồ đào nha. Xin Chúa ban sức mạnh để chúng con chăm sóc bảo vệ sự sống và vẻ đẹp, xin Chúa ban hòa bình để chúng con sống với nhau như anh chị em và không làm hại một ai, xin Chúa giúp chúng con giúp đỡ những người bị bỏ rơi và quên lãng trên trái ấy này, xin chúa lành cuộc sống chúng con để chúng con bảo vệ thế giới chứ không bóc lột nó, xin Chúa đánh đông tâm hồn những người chỉ tìm lợi lộc mà gây hại cho những người nghèo và trái đất. Sau cùng xin Chúa dạy chúng con khám phá giá trị của mọi sự, chiêm ngắm và nhìn nhận rằng chúng con có liên hệ sâu xa với tất cả các loại thụ tạo trên con đường tiến về ánh sáng vĩnh cửu của Cha”.

Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành của Đức Thánh Cha

2. Niềm an ủi Kitô phải được đặt nơi Chúa Giêsu chứ không nơi những lời nói năng nhảm nhí

Trong bài giảng đầu tiên tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ hè, Đức Thánh Cha khuyên các Kitô hữu hãy an ủi nhau thông qua những việc làm tốt lành và những lời hay đẹp chứ không phải bằng những lời nói nhảm nhí vô dụng.

Bài giảng sáng thứ Ba, ngày 01 tháng 9, của Đức Thánh Cha đã dựa vào thư của thánh Phaolô Tông Đồ gởi các tín hữu thành Thessalonica trong đó có đoạn viết:

“Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm… Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ… Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm”

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng thánh Phaolô Tông Đồ đã viết rằng ngày của Chúa có thể đến mà không báo trước “như một tên trộm” nhưng Chúa Giêsu đang đến để mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Lời khuyên của thánh nhân là chúng ta hãy an ủi lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau và sự an ủi này sẽ mang đến cho chúng ta hy vọng.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta hãy nói về điều này. Tôi hỏi anh chị em: Khi an ủi nhau chúng ta liệu sẽ nói rằng Chúa sẽ đến và chúng ta sẽ gặp Ngài? Hay là chúng ta nói đủ thứ chuyện, bao gồm cả thần học, những điều về Giáo Hội, các linh mục, nữ tu, giám mục, đủ thứ hết? Và hy vọng rằng những chuyện như thế an ủi chúng ta? 'Hãy an ủi lẫn nhau’, hãy an ủi những thành viên trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn của chúng ta, trong các giáo xứ của chúng ta, chúng ta đang nói là chúng ta đang chờ đợi Chúa đến? Hay là chúng ta chỉ nói những chuyện nhảm nhí để giết thời giờ và cho bớt buồn chán?”

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay, chúng ta lặp lại những lời này: “Tôi chắc chắn sẽ nhìn thấy sự tốt lành của Chúa trong cõi nhân sinh”, nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là anh chị em có vững tin mình sẽ nhìn thấy Chúa?

Đức Thánh Cha khuyên chúng ta nên theo gương của ông Job là người bất chấp bao nhiêu những chuyện không may xảy đến với mình vẫn duy trì niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và rằng ông sẽ được thấy Ngài bằng đôi mắt của chính mình.

“Đó là sự thật. Ngài sẽ đến để phán xét và khi chúng ta đến nhà nguyện Sistina, chúng ta thấy cảnh huy hoàng của Ngày Chung Thẩm. Nhưng chúng ta cũng phải tin rằng Ngài sẽ đến để tìm tôi vì tôi thấy Ngài với đôi mắt của tôi, tôi ôm lấy Ngài và luôn luôn ở với Ngài. Đây là hy vọng mà Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta để chúng ta giải thích cho những người khác thông qua cuộc sống của chúng ta, để chúng ta làm chứng cho hy vọng. Đây là niềm an ủi đúng nghĩa, đây là xác tín chân thật: đó là tôi chắc chắn sẽ nhìn thấy tình thương của Chúa”

Như Thánh Tông Đồ Phaolô đã khích lệ các Kitô hữu tiên khởi, Đức Thánh Cha nói “Anh chị em hãy nhủ bao nhau với những công việc tốt lành và hãy nâng đỡ lẫn nhau. Bằng cách này, chúng ta có thể tiến về phía trước.”

“Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ân sủng này: là hạt giống hy vọng mà Ngài đã gieo vào tâm hồn chúng ta được nảy mầm và phát triển cho đến lúc cuối cùng khi chúng ta được gặp gỡ Ngài. ‘Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ nhìn thấy Chúa.’ ‘Tôi chắc chắn rằng Chúa chúng ta đang sống’ ‘Tôi chắc chắn rằng Chúa chúng ta sẽ đi tìm tôi’. Điều này cần phải là chân trời của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng này và cho chúng ta biết an ủi lẫn nhau với những công việc tốt lành và những lời nói tốt đẹp, chúng ta hãy tiến dọc theo con đường này.”

3. Câu chuyện về diễn từ của Chúa Giêsu trong hội đường Ca-phác-na-um

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vào buổi chiều phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu đã buộc các môn đệ lên thuyền trở lại thành Ca-phác-na-um. Còn Ngài thì lánh mặt đám đông cuồng nhiệt nầy đi lên núi một mình, sau đó, giữa đêm Ngài đã đi trên Biển Hồ mà đến với các ông. Đám đông đã thấy các môn đệ ra đi một mình mà Đức Giêsu không cùng xuống thuyền đó cùng với họ. Sáng hôm sau, mọi người nhận thấy rằng Đức Giêsu không còn ở trên bờ Biển Hồ nữa; họ quyết định quá giang những thuyền đến từ Ti-bê-ri-a mà trở về Ca-phác-na-um để tìm Ngài.

Khi đến Ca-phác-nu-um, họ ngạc nhiên gặp thấy Đức Giê-su ở đây: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy”. Câu hỏi mà họ nêu lên mang đến một lời chứng gián tiếp về việc Đức Giêsu đi trên mặt biển.

Đáp lại, Đức Giêsu phán: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cách đây ít năm, tại bang Ca-li-for-ni-a Hoa Kỳ, có hiện tượng thanh niên tự tử hàng loạt. Tất cả đều là những thanh niên trẻ tuổi, con nhà giàu, có học thức. Nguyên nhân tự tử là vì họ mong về Thiên đàng. Năm ấy có sao chổi xuất hiện. Họ cho rằng sao chổi chính là chuyến xe về Thiên đàng. Mấy mươi năm mới có một chuyến, nên họ vội vàng ra đi, sợ nhỡ chuyến.

Tính tỉ lệ những người tự tử, ta thấy thanh niên các nước giàu tự tử nhiều hơn thanh niên các nước nghèo. Ngay cả tại Việt Nam, trong các thành phố lớn, đang có hiện tượng các thanh niên đua xe gắn máy, liều lĩnh coi thường mạng sống. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy đó là những thanh niên con nhà giầu có.

Những hiện tượng đó đáng cho ta suy nghĩ. Những người nghèo đói thật vất vả khổ sở. Họ chỉ mong sao cho có đủ cơm ăn áo mặc. Có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng khi người ta đã có đủ cơm đủ áo, đủ mọi phương tiện, người ta vẫn không hạnh phúc. Nhìn những thanh niên giầu có chán đời đi tìm cái chết; nhìn những thanh niên chán cảnh nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm đeo ba-lô đi du lịch bụi đời, ta thấy rằng vật chất không phải là tất cả. Và những khao khát của con người là vô tận. Hôm nay tôi chưa đủ ăn thì tôi mong cho có đủ ăn. Ngày mai đủ ăn rồi, tôi lại muốn ăn ngon hơn. Hôm nay còn đi bộ, tôi mong được một chiếc xe đạp. Có xe đạp rồi tôi mong có xe máy. Có xe máy rồi tôi mong có xe hơi. Có xe hơi rẻ tiền rồi, lại mong có cái tốt hơn, tiện nghi hơn, chạy nhanh hơn, êm ái hơn. Có tất cả rồi, người ta vẫn chưa hài lòng. Cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Bao tử hết bị hành hạ, thì lập tức tâm hồn cảm thấy những cơn đói khác dày vò: đói bình an, đói tình yêu, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời, đói những điều cao thượng. Những cơn đói khát tinh thần này rất mãnh liệt. Nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm. Mà hạnh phúc dường như luôn luôn ở ngoài tầm tay với.

Đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Chúa Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người đã rõ giá trị tạm bợ của miếng cơm manh áo. Người cũng thấu rõ tâm hồn con người mau chán những gì đạt được. Người đã tạo dựng tâm hồn con người, nên Người hiểu lòng khao khát của con người là vô biên. Chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có thể lấp đầy những khát khao ấy. Người đã mở đường để tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, vươn lên tìm kiếm những giá trị thiêng liêng cao cả, xứng với tầm vóc con Thiên Chúa.

4. Cuộc sống giả hình của người Pharisêu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 8, Đức Thánh Cha đã lên án thái độ giả hình của người Pharisêu được tường thuật trong Phúc Âm theo thánh Máccô được đọc trong Chúa Nhật 22 mùa thường niên.

Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ lên tiếng phàn nàn khi thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và các kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”

Đức Thánh Cha nói:

“Việc chấp hành giới luật theo nghĩa đen từng câu từng chữ sẽ không có kết quả nếu việc tuân giữ ấy không thay đổi con tim và không được chuyển hóa thành những thái độ cụ thể như mở rộng tân hồn mình để gặp gỡ Thiên Chúa và Lời Ngài trong lời cầu nguyện; tìm kiếm công lý và hòa bình; hỗ trợ người nghèo, người yếu, và những người bị áp bức.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta đều biết, trong các cộng đồng của chúng ta, trong các giáo xứ, trong các khu phố của chúng ta, có biết bao tác hại người ta gây ra cho Giáo Hội, bao nhiêu những tai tiếng gây ra bởi những người tự xưng là người Công Giáo và thường xuyên đi nhà thờ, nhưng sau đó, trong cuộc sống hàng ngày, họ bỏ bê gia đình, nói xấu người khác và làm ra bao nhiêu những chuyện đại loại như thế. Đây là những gì Chúa Giêsu lên án, vì đây là những dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô. “

“Biên giới giữa thiện và ác không ngang qua bên ngoài chúng ta nhưng bên trong chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp. “Chúng ta có thể tự hỏi: ‘trái tim của tôi ở đâu?” và Chúa Giêsu trả lời: “Kho báu anh em ở đâu, thì trái tim anh em ở đó.”

Vì thế, chúng ta phải tự hỏi mình kho báu của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu, là giáo lý của Ngài hay không? Nếu đúng là thế chúng ta có một con tim tốt lành.

Hay kho báu của chúng ta là những điều gì khác?

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng nếu trái tim chúng ta chưa yêu mến Chúa Kitô và giáo lý của Ngài, thì con tim chúng ta phải được thanh tẩy và hoán cải.

Nếu không có một trái tim tinh khiết, anh chị em không thể có bàn tay thật sạch và môi miệng biết nói những lời chân thành của tình yêu. Điều này chỉ có nơi những trái tim chân thành và tinh khiết.

Đức Thánh Cha đã kết luận bài huấn đức của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin với lời nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, ban cho chúng ta một tâm hồn trong sạch, một trái tim xa lánh những thói đạo đức giả để chúng ta có thể sống theo tinh thần của lề luật và để đạt được mục đích thật sự của lề luật, đó là sự trọn hảo của đức ái.

5. Khi thực sự yêu mến Chúa, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi thực sự yêu mến Chúa, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện. Một con tim có tình yêu thương đối với Thiên Chúa biến thành lời cầu nguyện cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh tượng thánh hay một nụ hôn gửi về phía nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26 tháng 8 tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ Hoà Kỳ và Canada, có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Đức, Áo, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, cũng có các nhóm tín hữu đến từ Trung Quốc, Dubai, Nigeria, hay từ Mỹ Latinh như Ba Tây.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý thời giờ cầu nguyện trong gia đình. Đề cập đến lời than thông thường nhất liên quan tới việc cầu nguyện Đức Thánh Cha nói:

Lời than thông thường nhất của các kitô hữu liên quan tời thời giờ là: “Con muốn cầu nguyện nhiều hơn… con muốn làm điều đó, nhưng con thiếu giờ”. Sự khó chịu này chắc chắn là thành thật, bởi vì trái tim con người luôn luôn kiếm tìm lời cầu nguyện, cả khi không biết nó. Và nếu nó không tìm ra lời cầu nguyện, nó không có sự bình an. Nhưng để gặp nhau, cần phải vun trồng trong con tim một tình yêu “nồng cháy” đối với Thiên Chúa, một tình yêu trìu mến.

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng:

Chúng ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi rất đơn sơ. Tin nơi Thiên Chúa với tất cả con tim, tốt rồi, hy vọng rằng Chúa trợ giúp chúng ta trong các khó khăn, tốt rồi, cảm thấy có bổn phận phải cám ơn Chúa, tốt rồi. Tất cả đều chính đáng. Nhưng chúng ta có yêu Chúa một chút không? Tư tưởng về Thiên Chúa có làm cho chúng ta cảm động không, có khiến chúng ta ngạc nhiên không, có làm cho chúng ta hiền dịu không?

Chúng ta hãy nhớ tới công thức của giới răn lớn nâng đỡ mọi giới răn khác: “Con hãy yêu Chúa Thiên Chúa của con với hết con tim, hết linh hồn và sức lực con” (Đnl 6,5, x. Mt 22,37). Công thức dùng ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, bằng cách đổ dồn nó về cho Thiên Chúa. Đó, tất cả tinh thần của lời cầu nguyện trước hết là ở đây. Và nếu nó ở đây, thì nó chiếm hữu tất cả thời gian và không bao giờ ra khói đó nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúng ta có thành công nghĩ tới Thiên Chúa như cái vuốt ve giữ gìn chúng ta sống, mà trước đó không có gì không? Một cái vuốt ve mà không gì, kể cả cái chết, có thể tách rời chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghĩ Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm ra mọi sư, là vị Thẩm Phán kiểm soát mọi hành động của chúng ta? Dĩ nhiên tất cả đều đúng. Nhưng chỉ khi Thiên Chúa là sự trìu mến của tất cả mọi trìu mến của chúng ta, ý nghĩa của các lời này mới tràn đầy. Khi đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cũng hơi xấu hổ một chút, bởi vì Ngài nghĩ tới chúng ta và nhất là yêu thương chúng ta. Đây lại không phải là điều hay đẹp sao? Ngài đã có thể làm cho mình được nhận biết một cách đơn sơ như Đấng Tối Cao, ban các giới răn và chờ đợi các kết quả thôi. Nhưng Thiên Chúa đã và đang làm hơn điều này, một cách vô tận.

Nếu lòng trìu mến đối với Thiên Chúa không thắp lên ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không suởi ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể thêm “nhiều lời” như dân ngoại làm, như Chúa Giêsu nói; hay cả đến trình bầy các lễ nghi của chúng ta “như các người Pharisêu làm” (x. Mt 6,5.7). Rồi Đức Thánh Cha miêu tả một con tim có Chúa ngự trị như sau:

Một con tim được ở bởi sự trìu mến đối với Thiên Chúa, nó biến thành lời cầu nguyện cả môt tư tưởng không lời, hay một khẩn cầu trước ảnh tuợng thánh, hoặc một nụ hôn gửi tới nhà thờ. Thật đẹp biết bao khi các bà mẹ dậy cho các con nhỏ gửi một cái hôn tới cho Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Trong lúc đó trái tim của các trẻ em biến thành nơi cầu nguyện. Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên xin ơn này cho từng người trong chúng ta! Thần Khí của Thiên Chúa có kiểu đặc biệt nói trong con tim chúng ta “Abba Cha ơi” như Chúa Giêsu nói, một kiểu mà chúng ta sẽ không bao giờ một mình tìm ra được (x. Gl 4,6). Ơn này của Chúa Thánh Thần chính trong gia đình mà chúng ta học xin và đánh giá cao. Nếu bạn học nó với cùng sự tự phát, mà bạn học gọi “mẹ “ hay “cha”, bạn đã học được luôn mãi. Khi điều này xảy ra, thòi gian của toàn cuộc sống gia đình bị lôi cuốn vào cung lòng tình yêu của Thiên Chúa và tự động tìm ra giờ cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta biết thời giờ của gia đình là một thời giờ phức tạp và đầy sinh hoạt, bận rộn và lo lắng. Nó luôn luôn ít, và không bao giờ đủ. Ai có một gia đình thì mau chóng học giải quyết một phương trình mà cả các nhà toán học giỏi nhất cũng không giải được: trong vòng 24 giờ người ta làm cho nó thành gấp đôi. Có những người cha và người mẹ đáng lãnh giải Nobel về diều này!

Tinh thần cầu nguyện trả lại thời giờ cho Thiên Chúa, nó ra khỏi nỗi ám ảnh của một cuộc sống luôn luôn thiếu thời giờ, tìm lại được niềm an bình của các việc cần thiết, và khám ra niềm vui của các món quà không chờ đợi. Hai chị em Marta và Maria, mà Phúc Âm nói tới, là những người hướng dẫn tốt trong việc này. Họ học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của các tiết nhịp gia đình: vẻ đẹp của các ngày lễ, sự thanh thản của công việc làm, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10,38-42). Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu mà họ rất yêu mến đã là ngày lễ của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Marta học biết rằng sự hiếu khách, tuy quan trọng, nhưng không là tất cả, nhưng lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, đã là điều thực sự nòng cốt, là phần nhất của thời gian. Lời cầu nguyện vọt lên từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng, từ chỗ tin tưởng nơi lời Chúa.

Trong gia đình có sự tin tưởng này không? Chúng ta có sách Phúc Âm trong nhà không? Chúng ta có thỉnh thoảng mở ra để đọc chung với nhau không? Chúng ta có suy gẫm trong khi lần hạt Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy gẫm trong gia đình giống như bánh ngon dưỡng nuôi con tim của mọi người. Vào ban sáng và ban chiều, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, hãy tập cũng nhau đọc một lời cầu nguyện rất đơn sơ: đó là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Ngài đã đến nhà của Marta, Maria và Ladarô vậy.

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh khỏe cũng như trong những lúc khó khăn, chúng ta hãy tín thác nơi nhau, mỗi người được gìn giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa.