Giải đáp phụng vụ: Đặt tên các Tổng lãnh Thiên thần

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Tại Philippines, có một lòng sùng mộ ngày càng gia tăng cho bảy Tổng lãnh Thiên thần với các hình ảnh và tên tương ứng cho bốn vị còn lại, ngoài các Tổng lãnh Thiên thần Michael (Mi-ca-e), Gabriel (Gáp-ri-en) và Raphael (Ra-pha-en). Tài liệu Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ (2001) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, số 217, mục 2, nói rõ: "Việc thực hành đặt tên cho các Thiên Thần không được khuyến khích, ngoại trừ trong trường hợp của các Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, Raphael và Michael đã có tên trong Thánh Kinh". Tuy nhiên, điều này dường như bị vi phạm rõ ràng khi trong nhiều cửa hàng tranh tượng Công Giáo, các hình ảnh, sách kinh dành kính riêng cho các vị Uriel, Barachiel, Sealtiel và Judiel đang được bán, và các linh mục được xin làm phép các ảnh tượng ấy. Hơn nữa, có các nhà tĩnh tâm Công Giáo, trung tâm tâm linh và các nghĩa trang Công Giáo được đặt tên theo các vị thiên thần ấy, hoặc danh tánh và hình ảnh của các vị ấy là một phần của nơi trong nhà thờ dành cho sự sùng mộ của tín hữu. Chúng con tự hỏi liệu sự sùng mộ ấy với bảy Tổng lãnh Thiên thần cùng với tên và hình ảnh của các vị là hợp pháp về giáo lý không, và đã được phê duyệt ở cấp huấn quyền Giáo Hội chính thức không, bởi vì có nhiều linh mục cổ vũ việc này trong bài giảng của các ngài và trong sự sùng mộ ở giáo xứ. - W. F. C., Manila, Philippines.

Đáp: Bản văn chính xác được bạn đọc trên nhắc tới là:

"Tuy nhiên, sự sùng mộ bình dân đối với các Thiên thần, vốn là hợp pháp và tốt lành, có thể làm phát sinh các lệch lạc có thể có:

"khi, như đôi khi đã xảy ra, các tín hữu thuận theo ý tưởng rằng thế giới là đối tượng cho các đấu tranh của bán thần, hoặc một cuộc chiến không ngừng giữa thần tốt và thần dữ, hay Thiên thần và ác quỷ, mà trong đó con người ở lại với lòng thương xót của lực lượng mạnh hơn và bất lực với lực lượng ấy; vũ trụ luận đó ít có tương quan với tầm nhìn đích thực của Tin Mừng về chiến thắng Ma quỷ, vốn đòi hỏi sự cam kết đạo đức, một tùy chọn cơ bản cho Tin Mừng, sự khiêm nhường và cầu nguyện;

"khi các sự kiện hàng ngày của cuộc sống, vốn không có hoặc ít có tương quan với sự tiến bộ dần dà của chúng ta trên hành trình tiến về Chúa Kitô, được đọc cách sơ sài hoặc cách đơn giản, thậm chí như trẻ con, để gán mọi thất bại cho Ma quỷ và mọi thành công cho các Thiên thần hộ thủ. Việc thực hành đặt tên cho các Thiên Thần không được khuyến khích, ngoại trừ trong trường hợp của các Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, Raphael và Michael đã có tên trong Thánh Kinh”.

Truyền thống Công Giáo Rôma thường không đề cập đến tên của bảy Tổng lãnh Thiên thần hay thậm chí nhấn mạnh nhiều đến con số bảy này. Đúng là Tobia 12,15 đề cập đến bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, và Khải Huyền 8,2 đề cập đến bảy thiên thần đứng chầu trước nhan Thiên Chúa, nhưng các văn bản này đã không ảnh hưởng đến đạo Công Giáo Latinh nhiều. Mặt khác, đã có sự sùng mộ liên tục và tuyệt vời đối với ba Tổng lãnh Thiên thần được nêu tên trong Thánh Kinh, đó là Michael, Gabriel và Raphael, cũng như các thiên thần hộ thủ.

Tuy nhiên, một số nhánh của Chính thống giáo Đông phương sùng mộ bảy Tổng lãnh Thiên thần, mặc dù nhiều chỉ nhánh chỉ nêu thêm tên Uriel như một Tổng lãnh Thiên thần có tên. Truyền thống Anh giáo cũng có lời nguyện với Uriel như một Tổng lãnh Thiên thần thứ tư.

Các nguồn của các tên khác là tác phẩm Do Thái ngụy thư, vốn không tạo nên một phần của Kinh Thánh. Các tên này được tìm thấy trong Sách 1 Enoch và một danh sách khác trong cái gọi là Sách 2 (hoặc Sách 4) Esdras. Các danh sách này không luôn đồng ý với nhau, mặc dù tên Uriel là tương đối ổn định. Các tên khác gồm có Raguel, Sariel, Jeremiel, Jehudiel, Barachiel, Gabuthelon, Beburos, Zebuleon, Aker và Arphugitonos. Một số các tên này có thể là biến thái trong cách đọc cùng một tên, nhưng các tên khác là như nhau cho một số sách. Các sách trên và các sách tương tự được viết bởi nhà văn Do Thái trong giai đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước, hoặc thậm chí sau nhiều phần của Tân Ước đã được viết, sau cuộc tàn phá thành Giêrusalem vào năm 70.

Các tên tương tự được đề cập bởi Pseudo-Dionysius (cuối thế kỷ thứ năm đến đầu thế kỷ thứ sáu) và Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô I (540-604).

Đối với việc đặt tên các thiên thần, Giáo Hội Latinh đã luôn cảnh giác phần nào. Trong một nghị hội hoặc công đồng tổ chức tại Rôma năm 745, Thánh Giáo Hoàng Zachary đã tìm cách kiềm chế một xu hướng tôn sùng các Thiên thần, và cấm sử dụng các tên không được tìm thấy trong Kinh Thánh.

Một bản văn miêu tả nghị hội (hoặc công đồng) này được ghi lại trong Tập XII của bộ "Annali Ecclesiastici" của Đức Hồng Y Cesare Baronio (xuất bản năm 1607). Bản văn đáng chú ý và có phần khắc nghiệt này của nghị hội xử lý các lời dạy lạc giáo của một linh mục sống ở Đức, tên là Adalbert. Một lời kinh do linh mục này sáng tác có câu như sau:

"Con cầu nguyện và van xin các Ngài, và khẩn cầu các Ngài, là thiên thần Uriel, thiên thần Raguel, thiên thần Tubuel, thiên thần Michael, thiên thần Adimis, thiên thần Tubuas, thiên thần Sabaoth, thiên thần Simuel".

Bản văn của Baronio nói: "Và khi nghe đọc xong lời kinh phạm thượng này, Thánh Giáo hoàng Zachary nói: “Làm thế nào, anh em thân mến, anh em trả lời với kinh này?”. Các Giám mục thánh và linh mục đáng kính trả lời: “Điều gì khác có thể làm thêm, nhưng tất cả những điều đã được đọc trước sự hiện diện của chúng con, cần được đốt cháy trong ngọn lửa; và tác giả của chúng cần bị vạ tuyệt thông. Bởi vì tám tên của thiên thần, mà Adalbert đã nêu ra trong lời kinh của mình, không phải là, ngoại trừ Michael, tên của các Thiên thần, nhưng là tên của ma quỷ, mà Adalbert đã cầu xin để giúp đỡ cho mình. Nhưng chúng ta (như được dạy bởi quyền Tông đồ của Giáo hoàng), và như quyền Chúa đã thông truyền, chỉ thừa nhận không hơn ba tên thiên thần mà thôi, đó là Michael, Gabriel, và Raphael. Các Giáo phụ đã nói như thế. Bởi quyền Chúa, anh em đã nhận biết rằng cuốn sách được gọi là Sách 4 Esdras, trong đó thường nhắc đến thiên thần Uriel, bị loại trừ và bị cấm bởi Giáo Hội Rôma".

Trong bản văn này, học thuyết cơ bản là rõ ràng về việc giới hạn cho ba tên Thiên thần trong Kinh Thánh mà thôi. Ngôn từ mạnh mẽ về bản chất ma quỷ khả dĩ của các tên khác nên được nhìn trong bối cảnh sự kết án cụ thể đối với thuyết của Adalbert, chứ không phải như một tuyên bố tuyệt đối. Điều chưa rõ là không biết tài liệu được viết khi nào, và rất có thể nó được viết ra nhiều năm sau khi nghị hội diễn ra. Bốn mươi bốn năm sau, năm 789, tại Công đồng Aix-la-Chapelle, các nghị phụ cũng lên án việc đặt tên cho các Thiên thần.

Có rất ít giáo huấn chính thức liên quan đến điểm này. Năm 1992, một sắc lệnh của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã cấm bàn thảo hoặc sử dụng tên của các Thiên thần, nhưng sắc lệnh này chủ yếu liên quan với việc được cho là mặc khải tư cho một người, chứ không liên quan trực tiếp đến trường hợp của chúng ta. Tuy nhiên, nó có thể góp phần vào việc Tài liệu Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ không đồng ý việc đặt tên cho các Thiên thần nói chung.

Mặt khác, mặc dù có sự miễn cưỡng tổng thể về phía Giáo Hội, thỉnh thoảng có bức tranh với hình ảnh của bảy Thiên thần, như một bức bích họa ở nhà thờ Đức Bà của các Thiên thần tại Rôma vẽ Đức Mẹ đứng giữa bảy Thiên thần. Sự cho phép cũng đã được ban năm 1720 để cung hiến một nhà thờ ở Đức, mà trong đó mỗi vị trong bảy Thiên thần có một bàn thờ riêng.

Về giáo lý, không có gì nhiều được đọc trong các sự chấp thuận như vậy. Theo các nguyên tắc được chấp nhận chung về giải thích thần học, sự chấp thuận của Giáo Hội cho một phụng vụ hay một lễ, dựa vào truyền thống ngoài Kinh Thánh hay giai thoại, không thể được sử dụng như bằng chứng cho tính xác thực lịch sử của chúng. Giáo Hội chỉ thừa nhận một truyền thống tôn giáo đặc biệt, vốn có thể có một số lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu.

Trong ý nghĩa này, việc sử dụng tên từ các nguồn ngụy thư không bị cấm tự chính nó. Chẳng hạn Giáo Hội đã lấy tên của ba vị đạo sĩ, tên của cha mẹ Đức Maria, và lễ Đức Bà dâng mình vào đền thánh từ các nguồn ngụy thư. Sự thực hành này không có nghĩa rằng Giáo Hội ban sự khả tín lịch sử cho các sách ấy, nhưng chỉ khẳng định rằng chúng phản ánh một truyền thống lâu đời.

Vì vậy, thí dụ, vô số hình ảnh và các nhà thờ được cung hiến cho việc Đức Maria dâng mình vào đền thờ không chứng thực sự thật lịch sử của truyền thuyết đạo đức, liên quan đến việc Đức Mẹ thực sự sống nhiều năm ở đền thờ, hoặc có một nhóm trinh nữ sống trong đền thờ Giêrusalem. Ngày lễ khẳng định sự thật cơ bản của việc Đức Maria tận hiến cho Chúa ngay từ thuở đầu đời sống của Ngài, vốn được phản ánh trong các Tin Mừng ngụy thư được viết nhiều thế kỷ sau thời của Chúa Kitô.

Tương tự như vậy, sự việc rằng trong một số dịp hiếm hoi, các bức tranh và một nhà thờ đã được cung hiến cho bảy Tổng lãnh Thiên thần, là không gì khác hơn công nhận một sự sùng mộ và truyền thống địa phương. Việc thực hành thiêng liêng áp đảo của Giáo Hội Latinh cho thấy sự sùng mộ lớn lao đối với ba Tổng lãnh Thiên thần, trong khi bỏ qua bốn thiên thần khác được đề cập trong sách Tôbia và Khải Huyền. Không có điều gì chắc chắn được nói về các đặc điểm, biểu tượng, hoặc sự bảo trợ đặc biệt của các Tổng lãnh Thiên thần khác được nêu tên.

Vì vậy, tôi sẽ nói rằng, bởi vì Giáo Hội đã chính thức làm nản lòng việc cổ vũ một linh đạo dựa vào việc đặt tên các thiên thần khác ngoài ba Tổng lãnh Thiên thần đã có tên và thiên thần hộ thủ, mọi người Công Giáo Latinh nên kiềm chế không làm như vậy, ngay cả khi không bị cấm, nếu nói chặt chẽ như thế. Rõ ràng là Giáo Hội Latinh không tin rằng nhiều lợi ích thiêng liêng có thể đạt được từ việc đi theo con đường này, và cho rằng nó không miễn một số nguy hiểm nào đó.

Việc thiết lập một biểu tượng cho sự tôn kính chung hoặc việc cung hiến một nhà thờ hoặc nhà nguyện cho một thiên thần khác với các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel và Raphael hoặc thiên thần hộ thủ như một tập thể, đòi hỏi sự cho phép đặc biệt, và một Giám mục không nên cho phép một cung hiến như vậy, hoặc làm phép cho một nhân vật không được công nhận phổ quát là là một thiên thần hay vị thánh trong lịch phụng vụ phổ quát hiện tại.

Điều này áp dụng cho toàn bộ Kitô giáo La tinh. Còn các tập tục của Chính thống giáo và Anh giáo là hợp pháp trong bối cảnh của các truyền thống thiêng liêng của họ mà thôi. (Zenit.org 1-9-2015)

Nguyễn Trọng Đa