Theo tin CNA ngày 27 tháng 8, nhà lãnh đạo của một nhóm nhân quyền đang lo ngại rằng chính phủ Cuba sẽ lặp lại chiến dịch đàn áp đối lập giống như năm 2012 khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đến thăm Cuba ba năm trước đây.

"Trong chuyến viếng thăm đó, chính quyền Cuba đã bắt giữ hoặc ngăn ngừa những người bất đồng không thể liên lạc với nhau," theo lời bà Berta Soler, người lãnh đạo của nhóm Phụ Nữ Áo Trắng, là nhóm gồm những thân nhân vợ con của những người bất đồng chính kiến ​​đang bị giam giữ (xin xem note.)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm đảo quốc này vào tháng tới trước khi đi đến Hoa Kỳ.

"Chúng tôi đang thực sự lo lắng," Bà Soler nói. "Khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đến Cuba thì họ đóng cửa các đường dây điện thoại trong một đường kính rộng từ 15 đến 25 dặm. Các điện thoại di động của những người hoạt động nhân quyền và cuả người thân cũng bị đóng. "

Bà cho biết chính quyền đã thực hiện những giới hạn như thế từ ba ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Benedict đến.

"(Trong khi Ngài đến) Chính quyền Cuba đã bắt giữ tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, vì vậy chúng tôi đã không thể tham dự các Thánh Lễ cuả Đức Giáo Hoàng tại Santiago de Cuba và tại Havana được."

"Chúng tôi đang lo ngại rằng những điều tương tự sẽ lại xảy ra khi Đức Thánh Cha Phanxicô tới," theo lời bà Soler.

Tuy nhiên, bà nói rằng nhóm Phụ Nữ Áo Trắng và các nhà hoạt động nhân quyền sẽ cố gắng đi dự Thánh Lễ vì "chúng tôi muốn được gần gũi với Đức Thánh Cha." Bà nói thêm rằng họ biết rằng họ sẽ bị bắt giữ.

Bà Soler đã gửi một thỉnh nguyện thư lên Đức Giáo Hoàng qua ngã Tòa Khâm Sứ và thông qua bạn bè, bà đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tháng 5 năm 2013 và bà đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng "Khi ĐTC đến Cuba, liệu Ngài có thể lắng nghe chúng con dù chỉ là trong một vài phút thôi?"

Các nhà lãnh đạo đối lập đã báo cáo rằng việc bắt giữ nhóm Phụ Nữ Áo Trắng và các nhà hoạt động đối lập đã bắt đầu xảy ra từ ngày Chúa Nhật vừa qua.

"Chúng tôi đang thực hiện một chương trình tuần hành kéo dài 18 Chúa Nhật và chúng tôi đã ngạc nhiên thấy rằng chế độ Castro mới chỉ bắt đầu gây khó dễ cho các Phụ Nữ Áo Trắng và các nhà hoạt động nhân quyền từ Chúa Nhật 23 Tháng Tám vừa qua... bởi vì chúng tôi đã thực hiện được khá sâu vào chiến dịch #TodosMarchamos của chúng tôi nhằm việc giải phóng các tù nhân chính trị. "

Bà nói rằng chính phủ Castro đang tụ tập "các nhóm côn đồ (mobs) và thuê chúng để hành hung chúng tôi bằng bạo lực cũng như bằng lời nói." Cảnh sát quốc gia và nhân viên an ninh thỉnh thoảng cũng trực tiếp tham gia.

Theo bà Soler, hiện nay "đang có khoảng 80 tù nhân chính trị đang bị giam và 42 người (về mặt kỹ thuật) đang được tại ngoại." 42 người này có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào và bị đưa vào tù mà không cần xét xử.

Vào Chúa Nhật ngày 16 tháng 8 đã có hơn 60 nhà hoạt động nhân quyền cùng với một số Phụ Nữ Áo Trắng bị ngăn cản và bắt giữ khi họ diễu hành sau Thánh Lễ tại nhà thờ Saint Rita ở Havana.

Cũng vậy, theo như dự đóan, thì đã có hơn 50 nhà hoạt động nhân quyền và Phụ Nữ Áo Trắng bị bắt giữ ở Havana ngày Chúa Nhật 23 tháng 8 sau cuộc biểu tình. Bà Soler tố cáo với báo chí rằng lần này thì chính quyền đã xử dụng vũ lực một cách quá mức.

Những người bị giam đã bị giữ 5 giờ rồi được thả ra tại nhiều nơi khác nhau trong thành phố.

Một số được thả ra vào lúc nửa đêm tại những khu hoang vắng, nơi từng xảy ra nhiều tội phạm bạo hành.

Note:
Phụ Nữ Áo Trắng (Ladies in White (tiếng Tây Ban Nha: Damas de Blanco)) là một phong trào đối lập ở Cuba được thành lập vào năm 2003 bởi những người vợ và người thân cuả những người ​​bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến. Họ phản đối bằng cách tham dự những Thánh Lễ ngày Chúa Nhật với bộ y phục màu trắng và sau đó lặng lẽ đi qua các đường phố với những y phục màu trắng ấy. Màu trắng tượng trưng cho hòa bình.

Phong trào đã nhận được giải thưởng Sakharov cho Tự do tư tưởng từ Nghị viện châu Âu vào năm 2005.

Được biết là vào mùa xuân năm 2003, nay gọi là Muà Xuân Đen, chính phủ Cuba đã ruồng bắt và dàn cảnh xét xử, sau đó là kết án đến 28 năm tù, 75 người gồm những nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo và văn sĩ độc lập.

Chính phủ Cuba cáo buộc 75 cá nhân đó có những "hành vi chống lại nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia", trong đó là những hành động như "tham gia các tổ chức bất hợp pháp", nhận tiền của các cơ quan xã hội cuả Mỹ ở Habana, "mưu cướp máy bay tàu thuyền", "hoạt động khủng bố", và cộng tác với các phương tiện truyền thông nước ngoài.

Theo quan điểm của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, thì vụ Muà Xuân Đen trắng trợn vi phạm đến các chỉ tiêu cơ bản nhất của luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, là đảm bảo tất cả mọi người có quyền "tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản, bằng bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông khác theo sự lựa chọn riêng của mình."


Dưới sự lãnh đạo của bà Laura Pollán, nhóm Phụ Nữ Áo Trắng đã được thành lập hai tuần sau đó. Họ bắt đầu tập trung vào các ngày Chúa Nhật tại nhà thờ Thánh Rita ở Havana để cầu nguyện cho người thân của họ. Sau mỗi Thánh lễ, họ đi rước từ nhà thờ tới một công viên gần đó. Việc chọn y phục màu trắng là để bắt chước chiến dịch Các Bà Mẹ cuà Plaza de Mayo (Madres de Plaza de Mayo) ở Argentina, đòi hỏi chính quyền quân sự trả lời về những sự việc chung quanh các vụ mất tích của con em từ năm 1970. Mỗi người đi diển hành mang theo một bức ảnh của những thân nhân có ghi số năm đã bị mất tích.

Chính phủ Cuba chỉ trích nhóm Phụ Nữ Áo Trắng là một hiệp hội khủng bố do Mỹ hậu thuẫn. Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm 2005, Liên đoàn phụ nữ Cuba ủng hộ chính phủ đã cho 150 phụ nữ đến để đương đầu với nhóm này trong lúc biểu tình.

Đôi khi, những đám đông lớn đã tấn công các Phụ Nữ Áo Trắng này. Đám đông vừa la hét vừa lăng mạ, và hỗ trợ cảnh sát ném các Phụ Nữ Áo Trắng này vào xe buýt mà đưa đi.

Sau năm 2010, kể từ khi Đức Hồng Y Jaime Lucas Ortega y Alamino can thiệp thay mặt cho họ, thì những cuộc biểu tình ở bên ngoài nhà thờ thường được làm ngơ.