Giáo xứ Tân Thái Sơn (Sàigòn) vừa bế giảng lớp Giáo Lý Hôn Nhân khóa 21 với gần 150 học viên. Lớp học nào cũng có khai giảng, có bế giảng, có người đến, có người đi và có bài học, bài làm, có kết quả thi. Nhưng khi một lớp Giáo Lý Hôn Nhân bế giảng thì một cánh cửa mới mở ra, đưa các anh chị đến với nhau gần hơn. Điều này hoàn toàn khác mọi lớp học khác.

Cha Phêrô, Chánh xứ Tân Thái Sơn nói khóa học này kết thúc “hoành tráng”. Có Thánh Lễ tạ ơn, có văn nghệ, có liên hoan, có chúc mừng như một Lễ Cưới. Cha Chánh Xứ, Cha Phó và Thầy Xứ cũng ngọt ngào đơn ca chúc mừng các bạn. Đặc biệt quá!

Thầy Giuse Đinh Quang Thiều, chủ nhiệm lớp, thì dí dỏm: “Tôi sẽ hát cho các anh chị nghe bài hát mà ai cũng thích, đó là xướng tên các anh chị lên nhận bằng”. Một học viên viết trên trang Facebook cá nhân của mình “Chúng con được Giáo Hội cấp giấy phép thành lập công ty chung có tên là Gia đình”.

Vâng, quá vui, quá ý nghĩa và quá đặc biệt. Trong một xã hội mà các vấn đề gia đình đủ mọi hình thức cứ thường xuyên nảy sinh và gây bao nhiêu phiền toái, dẫn đến tan vỡ dễ dàng, thì các lớp Giáo Lý Hôn Nhân của Hội Thánh không những trang bị cho các bạn trẻ kiến thức đời gia đình, kỹ năng củng cố tình yêu hạnh phúc, mà hơn thế nữa, giúp các bạn đến gần Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu là nguồn mạch Tình Yêu và Hạnh Phúc.

Tất cả những nỗ lực của các ngành học liên quan đến gia đình như tâm lý, giáo dục kỹ năng và xã hội học dường như đã bất lực trước bao nhiêu vấn nạn gia đình. Hàng ngày người ta đọc thấy những thất bại của các cặp vợ chồng trong nỗ lực xây dựng một cuộc sống bình lặng, chứ chưa nói đến hạnh phúc an vui.

Tại sao thế? Dĩ nhiên câu trả lời hoàn toàn không đơn giản. Xã hội ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Khoa học phát triển, đời sống tiện nghi hơn, con người tự do hơn. Tất cả những điều đó xem ra có thể giúp cho đời sống khá hơn về mọi mặt. Vậy mà bạo lực lại tràn lan, xung đột gia đình ngày càng nhiều và đổ vỡ trầm trọng hơn.

Phải chăng chính sự phát triển của xã hội cùng với các cơ hội giao tiếp bên ngoài đã mở cửa cho hạnh phúc đi ra? Hay là sự bận rộn của cả vợ lẫn chồng làm cho tình yêu của họ không có chỗ lên tiếng nói? Có thể lắm.

Tuy nhiên, theo Giáo lý và theo kinh nghiệm cá nhân của nhiều người, ngày nào con người xa rời Thiên Chúa thì ngày ấy con người phải tự tách xa nhau. Những ai dự lớp Giáo Lý của Cha Gioan Baotixita Trần Ngọc Quỳnh, giáo sư Xuân Bích, thì hẳn còn nhớ cách ví von của ngài: “Các anh chị vào nhà thờ cứ tưởng là nói chuyện với nhau, nhìn nhau… là gần nhau sao? Khi ta hướng về Chúa ta mới gần nhau. Các anh nhị nhìn bánh xe đạp mà xem, các chiếc căm xe sẽ hòa hợp với nhau khi có chung một điểm quy hướng về, còn nếu tất cả các căm xe mà xích sát lại với nhau không lo quy hướng về một mối thì bánh xe sẽ đổ mất”.

Nhiều lớp Giáo Lý Hôn Nhân đã được tổ chức khắp nơi, và chính nhờ Giáo Lý của Hội Thánh và nhờ đời sống thân tình với Thiên Chúa mà các anh chị được nhắc nhở trong các lớp ấy mà đa số các anh chị sau khi cưới nhau sống hạnh phúc, hay đủ sức để đương đầu với các thử thách mà bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Dĩ nhiên giữa xã hội chối từ Thiên Chúa với những lối sống bất minh, thì con cái Chúa ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng chúng ta phải tạ ơn Chúa vì rất ít khi nghe các Gia đình Công Giáo đổ vỡ. Một Cha xứ nói: “Xứ chúng tôi đã tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng theo tôi biết thì chỉ có ba cặp vợ chồng ly dị, trong đó đã có một cặp quay lại với nhau và một cặp kia thì không ai lập gia đình lại”. Như thế, Bí tích Hôn Nhân Kitô giáo thật là sợi dây hạnh phúc mà Thiên Chúa gửi cho con cái của Ngài.

Dự Lễ bế giảng lớp Giáo Lý Hôn Nhân, các anh chị học viên thấy ngậm ngùi vì thời gian trôi qua nhanh, nhưng cũng đầy hy vọng vì con đường tình yêu trước mặt các anh chị thật đẹp.