Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO


BÀI TÁM: MỘT MÁI ẤM CHO NHỮNG TRÁI TIM MANG THƯƠNG TÍCH

Nhiều người, đặc biệt ngày nay, phải đối diện với những hoàn cảnh đau khổ, do đói nghèo, tàn tật, bệnh hoạn, nghiện ngập, thất nghiệp, sự cô đơn của tuổi già. Nhưng nạn ly dị và đồng tính luyến ái đã tác hại đến đời sống gia đình một cách sâu xa đặc biệt. Các gia đình Kitô hữu và toàn thể các gia đình phải là nguồn mạch của lòng nhân hậu, an toàn, thân thiện và nâng đỡ cho những ai đang phải chống chọi với những vấn đề này.

Nghe những lời chói tai của Chúa Giêsu

147. Khi chào đón Thánh Gia trong Đền thờ, cụ già Simeon đã tuyên bố rằng Hài nhi Giêsu được đặt làm “duyên cớ để người đời chống đối” (Lc 2,34). Các sách Tin Mừng chứng minh sự thật của những lời này qua phản ứng của nhiều người đương thời đối với sứ vụ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã gây khó chịu cho nhiều môn đệ của Người[1]. Một trong những lý do là những lời Người nói nghe sao “chói tai” quá.

148. Một số lời chói tai nhất của Chúa Giêsu liên quan đến hôn nhân, dục vọng và gia đình. Giáo huấn của Chúa Giêsu về tính bất khả phân ly của hôn nhân gây sửng sốt không chỉ cho người Pharisiêu mà còn cho chính các môn đệ của Người: “Nếu là như thế ... thì thà không kết hôn còn hơn”, một vài môn đệ đã xì xầm với nhau như thế (Mt 19, 10). Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giêsu không chỉ đào sâu giáo huấn của Mười Điều Răn, mà như một Môsê Mới, Người mời gọi các môn đệ hãy biến đổi triệt để tâm hồn:“Các con đã nghe luật dạy rằng,“Ngươi chớ ngoại tình”. Nhưng Thầy bảo cho các con biết, ai nhìn một người phụ nữ mà lòng đầy tà dâm thì đã phạm tội ngoại tình với người ấy trong lòng rồi (Mt 5, 27-28).

149. Các môn đệ làm thành gia đình mới của Đấng Cứu Thế, trổi vượt và chiếm ưu thế hơn các liên hệ gia đình truyền thống[2]. Với những ai theo Chúa Kitô, nước của Bí tích Thanh tẩy quý giá hơn cả máu đào. Giao ước Thiên Chúa đem lại một bối cảnh mới để hiểu thân xác chúng ta cũng như các mối quan hệ của chúng ta.

150. Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu trên trần gian. “Bất cứ ai nghe các con, là nghe Thầy”, Chúa Giêsu đã nói như thế với các môn đệ được Người sai đi nhân danh Người (Lc 10,16). Các giám mục, hiệp thông với Đức Thánh Cha, kế vị các tông đồ trong sứ mệnh của các ngài[3]. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên, khi một vài giáo huấn của Hội Thánh cũng bị xem là “những lời chói tai”, không hợp với nền văn hóa đương thời, đặc biệt là về hôn nhân, các biểu lộ tính dục, và gia đình.

Hội Thánh là một bệnh viện dã chiến

151. Để nắm bắt cho đúng mục vụ giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta cũng cần phải xem xét bản chất của mục vụ ấy. Đức Thánh Cha Phanxicô từng đưa ra một sự so sánh rất nổi tiếng là ví Hội Thánh như “một bệnh viện dã chiến sau trận đánh”. Ngài nói: “Thật vô ích khi hỏi một người bị trọng thương xem họ có bị mỡ cao hay đường cao không! Việc cần làm là chữa lành ngay những thương tích của anh ta. Rồi sau đó, chúng ta mới nói đến những chuyện khác. Hãy chữa lành vết thương, hãy chữa lành vết thương ... Và bạn phải bắt đầu từ những gì cơ bản trở đi”[4].

152. Tính dục là yếu tố đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trong những gì có thể bị thương tổn nơi con người. Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều có thể bị tổn thương bởi những hành vi tình dục bừa bãi (của mình hay của người khác), bởi văn hóa phẩm khiêu dâm và những dạng hoang dâm khác (hiếp dâm, mại dâm, buôn người, ly dị) và nỗi sợ phải dấn thân gắn bó, hệ quả của một nền văn hóa bài hôn nhân ngày càng lan rộng[5]. Vì gia đình định hình sâu sắc nên các thành viên của mình (tạo nên một “phả hệ của mỗi người” về mặt sinh học, xã hội, và quan hệ ) các mối quan hệ tan vỡ trong gia đình sẽ để lại những vết thương đau đớn đắng cay[6].

153. Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta hiểu được những “lời nói chói tai” của Hội thánh là những lời chữa lành cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải thực hiện một sự phân loại, trong việc chữa trị những vết thương theo mức độ nghiêm trọng của chúng.

154. Tin Mừng đầy dẫy tường thuật việc Chúa chữa lành cho người ta. Chúa Kitô - vị lương y, là một hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm của thánh Augustinô. Trong một bài giảng lễ Phục Sinh, ngài viết: “Chúa như là một lương y lão luyện biết rõ những gì đang diễn ra nơi người bệnh, còn hơn bản thân người đó nữa. Thầy thuốc chữa các bệnh của thể xác, còn Thiên Chúa cũng làm được như vậy nhưng cho các bệnh về linh hồn”[7]. Rút ra từ dụ ngôn người Samari nhân hậu, thánh Augustinô xem Hội Thánh như một quán trọ, nơi lữ khách bị thương được đưa đến để hồi phục: “Chúng ta, những người đầy thương tích, hãy nài xin thầy thuốc, hãy lo cho mình được đưa đến nhà trọ để được chữa lành… Do đó, anh em thân mến, trong thời đại ngày nay, Hội Thánh cũng vẫn như vậy, vẫn là nơi những người bị thương tích được chữa lành, là nhà trọ cho lữ khách”[8].

155. Trong Hội Thánh, ưu tiên số một là đưa mọi người đến gặp gỡ Vị Lương Y Thần Linh. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với Đức Kitô cũng đem lại ơn chữa lành cho nhân loại sa ngã, và Thần Khí luôn được mời đến để thăm viếng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sám hối và hoán cải. Nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi mời gọi mọi Kitô hữu, ở mọi nơi, vào ngay lúc này, hãy đến gặp gỡ Chúa Giêsu một cách riêng tư và mới mẻ, hay ít ra, hãy mở lòng ra để cho Người gặp gỡ anh em. Tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày, đừng bỏ ngày nào. Đừng ai nghĩ rằng lời kêu gọi này không dành cho mình. Vì “không một ai bị loại ra khỏi niềm vui mà Thiên Chúa mang lại”[9].

156. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, ngài tái khẳng định những gì mà các bậc tiền nhiệm của ngài đã làm. Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao thượng, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, vốn đem lại cho đời ta một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định”[10]. Và Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Để có thể có ‘cuộc gặp gỡ’ này với Chúa Kitô, Thiên Chúa đã dựng nên Hội Thánh của Ngài. Thật vậy, Hội Thánh ‘hằng khát khao phục vụ cho chung cuộc duy nhất này, là mỗi người đều có thể tìm thấy Chúa Kitô, để Người có thể đồng hành với mỗi người trên đường đời”[11].

157. Công cuộc Tân Phúc âm hóa có thể được hiểu là việc đưa về những người bị thương từ chiến trường trần thế đến gặp gỡ Vị Lương Y Thần Linh và Người chữa lành cho trong cộng đoàn Hội Thánh. Đức Phanxicô xem bổn phận này là thách thức trở nên một “Hội Thánh truyền giáo”, hay một “Hội Thánh lên đường”[12].

Với kiên nhẫn và khoan dung, Hội Thánh giúp chúng ta chữa lành và lớn lên

158. Trong Hội Thánh, quyền năng chữa lành của ân sủng Thiên Chúa được thông ban qua Chúa Thánh Thần. Ngài làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong phượng tự theo phụng vụ của Hội Thánh, khi đọc Kinh thánh trong cầu nguyện dưới ánh sáng của thánh truyền, và trong giáo huấn của Hội Thánh nhằm phục vụ Lời Chúa[13]. Chúa Kitô Vị Lương Y, đặc biệt hiện diện trong các Bí tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân, vốn là hai Bí tích Chữa lành[14].

159. Tham dự vào đời sống bí tích, thăng tiến đời sống cầu nguyện, thực hành bác ái, giữ kỷ luật thiêng liêng, ý thức trách nhiệm và sự nâng đỡ từ các bạn hữu trong Hội Thánh, tất cả những việc này mang lại cho các Kitô hữu mang thương tích nhưng đang hồi phục một con đường hoán cải. Nhưng hoán cải không thể hoàn thành trong phút chốc, mà tiếp diễn không ngừng như lời mời gọi liên tục cho mọi thành viên trong Hội Thánh: “Lời mời gọi hoán cải của Đức Kitô tiếp tục vang vọng trong đời sống các Kitô hữu. Sự hoán cải thứ hai này là một bổn phận liên tục đối với toàn thể Hội Thánh, ‘hằng ôm các tội nhân vào lòng, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, và không ngừng theo con đường sám hối và canh tân’”[15].

160. Bản chất của sự hoán cải luôn tiến triển tạo nên khả năng nhận thức và sống giáo huấn Hội thánh của chúng ta. Nói về sự tiến triển đạo đức của các Kitô hữu kết hôn, thánh Gioan Phaolô II đã phân biệt giữa “luật tiệm tiến” (the law of gradualness) và “sự tiệm tiến của luật” (gradualness of the law)[16]. “Luật tiệm tiến” nói đến bản chất luôn tiến triển của hoán cải. Khi hồi phục khỏi các thương tích do tội lỗi, các Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện ở mọi mặt của đời sống, kể cả mặt tính dục. Khi thất bại, họ cần trở lại với lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn có thể chạm đến trong các bí tích của Hội thánh.

161. Mặt khác, “sự tiệm tiến của luật” là một ý tưởng sai lầm khi cho rằng “có các mức độ hay hình thức giới luật khác nhau trong lề luật Thiên Chúa thay đổi theo các cá thể và hoàn cảnh khác nhau”[17]. Ví dụ một số người lập luận cách sai lầm rằng các cặp vợ chồng nào thấy giáo huấn Công Giáo về việc làm cha mẹ có trách nhiệm là một gánh nặng, thì hãy khuyến khích họ theo lương tâm của mình mà chọn lấy một cách tránh thai nào đó. Đây là một hình thức sai lầm của chủ trương cấp tiến (tiệm tiến của luật). Thực ra đó chẳng qua là biến tướng của một thứ chủ nghĩa gia trưởng (paternalism), phủ nhận khả năng của một số thành viên trong Hội thánh đáp lại tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa, và nhắm “hạ thấp rào chắn” của giáo huấn luân lý Kitô giáo cho họ.

162. Trong tinh thần của một chủ trương tiệm tiến thực sự, Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây đã tán dương lòng dũng cảm của vị tiền nhiệm của ngài, Đức Phaolô VI, trong Thông điệp Humanae Vitae. Trong khi chống lại áp lực xã hội ngày càng lớn mạnh về kiểm soát dân số, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên tài của Đức Phaolô VI có tính tiên tri, ngài đã dũng cảm đi ngược lại đa số, bảo vệ kỷ luật luân lý, thắng hãm nền văn hóa đương đại, chống lại thuyết tân-Malthus, hiện tại và trong tương lai”[18].

163. Nhưng đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng Đức Phaolô VI đã truyền cho các cha giải tội phải diễn giải Thông điệp của ngài với “đầy lòng nhân hậu, [và] quan tâm đến các trường hợp cụ thể.... Vấn đề không phải là liệu có thay đổi giáo lý hay không, nhưng là đi sâu hơn và bảo đảm việc chăm sóc mục vụ tùy từng trường hợp và tùy những gì mỗi người có thể làm”[19]. Do đó, Hội Thánh mời gọi các thành viên của mình hướng đến chân lý toàn vẹn, và khuyến khích mọi người tận dụng lòng nhân hậu của Chúa trong khi khả năng sống chân lý ấy nơi họ được lớn lên.

Giáo huấn Công Giáo dựa trên cộng đoàn Công Giáo

164. Nhiều giáo huấn luân lý của Đức Kitô, và đạo đức học Công Giáo rất đòi hỏi. Nhưng những giáo huấn ấy giả định nơi các Kitô hữu phải có một tinh thần kỷ luật, một đời sống cầu nguyện, và một sự dấn thân làm chứng tá Kitô giáo trong lãnh vực xã hội và kinh tế. Trên hết, giáo huấn đó giả thiết phải được sống trong một cộng đoàn Kitô giáo, ví dụ như một gia đình gồm những người nam và nữ đã gặp gỡ Chúa Giêsu, cùng nhau tuyên xưng Người là Đức Chúa, mong được ân sủng của Người để hình thành nên đời sống của mình, và giúp nhau đáp lại ý Ngài.

165. Phải hiểu giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái dưới ánh sáng này. Cũng giáo huấn đó mời gọi những người chịu thu hút bởi người đồng giới (same-sex-attracted persons) sống khiết tịnh bằng hình thức tiết dục, lại kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy bỏ đi những nỗi sợ hãi, tránh sự kỳ thị bất công, và đón nhận các anh chị em đồng tính đến hiệp thông trong tình yêu thương và chân lý trong Hội Thánh[20]. Tất cả các Kitô hữu được mời gọi đối diện với các khuynh hướng tính dục rối loạn của mình và lớn lên trong đức khiết tịnh (lời kêu gọi này nhắm đến hết mọi người và từng người) và trong trao ban và lãnh nhận tình yêu theo cách thức phù hợp với bậc sống của mình[21]. Tuy nhiên, việc đáp ứng lại lời kêu gọi sám hối này chắc hẳn là cả một tiến trình phục hồi của các tội nhân như chúng ta, vốn là những thành viên làm nên Hội thánh. Điểm mấu chốt là phải tạo nên trong gia đình, giáo xứ và cộng đoàn Kitô rộng lớn hơn, một môi trường nâng đỡ lẫn nhau, trong đó con người mỗi ngày trưởng thành và biến đổi về mặt luân lý.

166. Ngày nay người ta có thể hiểu được một số người muốn yêu cầu khẩn thiết đòi được chấp thuận hay xác lập tình trạng pháp lý cho việc sống chung giữa những cặp đồng tính cũng như dị tính, điều đó xuất phát từ nỗi sợ hãi sự cô đơn. Càng ngày trong nền văn hóa chủ yếu thế tục hóa, người ta cho rằng có bạn tình là một điều tất yếu, và người ta nghĩ rằng giáo huấn của Hội Thánh thật là nghiệt ngã, đày đọa người ta sống trong cô đơn.

167. Nhưng nếu các giáo dân bình thường hiểu được lý do căn bản đằng sau đời sống độc thân, vốn là một thực hành mang tính cộng đoàn, và nếu nhiều hội thánh tại gia thực hiện sứ vụ tông đồ bác ái cách nghiêm túc hơn, thì giáo huấn lâu đời của Công Giáo về đức khiết tịnh sống tiết dục ngoài hôn nhân, xem ra sẽ được nhìn nhận là hợp lý hơn trong con mắt của người thời nay. Nói cách khác, nếu các giáo xứ chúng ta thực sự là những nơi mà tại đó “độc thân” không có nghĩa là “cô đơn”, tại đó mạng lưới rộng lớn bạn bè và gia đình thực sự chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cho nhau, thì có lẽ ít nhất một số những chống đối của người đời đối với giáo huấn Công Giáo sẽ được hóa giải. Người Công Giáo có thể đảm lấy hoạt động tông đồ bác ái, cho dẫu nền văn hóa bao quanh có lãnh đạm và thù địch đến đâu đi nữa. Không ai lại giới hạn người giáo dân hay các linh mục sống tình thân thiện mà chúng ta vốn có thể trao ban cho những ai đang phải chiến đấu trong cuộc sống.

168. Trong mục vụ chăm sóc những người ly dị và tái hôn, Hội Thánh tìm cách kết hợp sự trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu về sự bất khả phân ly của hôn nhân (vốn đã từng làm nản lòng các môn đệ của Người) với lòng thương xót tại tâm điểm của sứ vụ của Người. Hãy xem, ví dụ như giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI về hoàn cảnh mục vụ của những người đã ly dị:

Tôi thấy ở đây một trách vụ lớn cho một giáo xứ, một cộng đoàn Công Giáo, là phải làm bất kỳ điều gì có thể để giúp họ cảm thấy được yêu thương và đón nhận, để họ không thấy mình “bị loại trừ”... Điều này hết sức quan trọng, vì nhờ đó, họ thấy mình được đồng hành và hướng dẫn.... Họ cần nhận ra được rằng đau khổ này không chỉ là một đau đớn thể chất hay tâm lý, nhưng là một điều gì họ cảm nghiệm được trong cộng đoàn Hội Thánh vì giá trị cao cả của đức tin chúng ta. Tôi xác tín rằng đau khổ của họ, nếu thực sự được đón nhận từ nội tâm, sẽ là một ân huệ cho Hội Thánh. Họ cần được biết điều này, để nhận thức được rằng đây là cách họ phục vụ Hội Thánh, rằng họ vẫn đang ở trong lòng Hội Thánh[22].

169. Nói cách khác, Đức Bênêđictô XVI đã dựa vào chân lý Chúa Kitô dạy, nhưng ngài không đơn giản xua trừ những người ly dị tái hôn, không bảo họ cứ cắn răng chịu đựng trong cô đơn. Đó không phải là đường lối của Hội Thánh, và bất kỳ người Công Giáo nào làm như thế xin hãy nhớ lại một trong các tội của người Pharisiêu xưa là cứ chất hàng đống luật lên vai lên cổ người khác, mà lại không “động đậy một ngón tay” để giúp họ (Mt 23,4). Đúng hơn, Đức Bênêđictô XVI làm vang vọng Giáo lý của Hội thánh Công Giáo, vốn dạy “các linh mục và toàn thể cộng đoàn phải biểu lộ sự quan tâm ân cần” đối với những người Công Giáo đã ly dị, để họ không thấy mình bị loại trừ[23].

170. Những mối dây thân ái làm cho các đòi hỏi của luật buộc trở nên nhẹ gánh hơn. Trong cộng đoàn Kitô hữu, các thành viên “mang lấy gánh nặng của nhau”[24]. sẽ giúp cho mọi người tiến bước trên con đường chữa lành và hoán cải. Tình bác ái huynh đệ sẽ giúp cho mọi người có thể sống trung tín được. Đó cũng là lời chứng và là lời động viên cho Hội Thánh ở quy mô rộng lớn hơn. Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo cũng có nghĩ một cái gì tương tự như điều này khi nói rằng các người phối ngẫu kiên vững trong các cuộc hôn nhân khó khăn thì “xứng đáng được cộng đoàn Hội thánh biết ơn và nâng đỡ”[25]. Cũng muốn nói như thế với tất cả những ai đang lâm vào hoàn cảnh gia đình gặp thử thách.

171. Trong một nền văn hóa tròng trành giữa một đàng là tính vô danh và đàng khác là thói tò mò tọc mạch muốn xen “vào cuộc sống của người khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy đồng hành với nhau trong việc thăng tiến con đường thiêng liêng[26]. Ngài nói: “Có người tốt đồng hành sẽ không bị thất vọng hay sợ hãi. Người đó sẽ mời gọi những người khác hãy để cho mình được chữa lành, hãy vác lấy chõng, mang lấy thập giá của mình, để lại sau lưng mọi sự, và lại tiếp tục bước tới để loan báo Tin mừng”[27]. Những người được chữa lành này lại làm lan truyền lời mời gọi đến những người khác nữa để họ cũng được chữa lành.

172. Đức tin Kitô giáo, và ơn cứu độ mà đức tin ấy đem đến, không chỉ là sự kiện riêng tư, cho cá nhân, nhưng có tính hiệp thông cộng đoàn sâu sắc: “Đức tin nhất thiết mang tính Hội thánh, được tuyên xưng từ bên trong nhiệm thể Chúa Kitô như sự hiệp thông cụ thể các tín hữu. Chính trên nền tảng Hội Thánh đó mà đức tin khai mở cho từng Kitô hữu hướng đến mọi người. Lời của Đức Kitô, một khi được lắng nghe và nhờ tác động của quyền năng nội tại của Lời trong tâm hồn Kitô hữu, trở thành một lời đáp trả, một lời được nói ra, một lời tuyên xưng đức tin[28].

173. Đức Giêsu dạy nhiều điều về tính dục và hôn nhân, vốn thật khó để sống theo, cả thời xưa lẫn thời nay. Nhưng chúng ta không đơn độc khi đối diện với những khó khăn này. Sống trong Nhiệm thể Chúa Kitô nghĩa là sống như những phần tử phụ thuộc lẫn nhau, người này xây dựng cho người kia trong tình yêu thương.[29] Giáo huấn của Hội Thánh, các Bí tích, và cộng đoàn, tất cả hiện hữu để giúp chúng ta trên cuộc lữ hành này. Với lòng kiên nhẫn, khoan dung tha thứ, và tin tưởng, trong Nhiệm thể Chúa Kitô, cùng nhau, chúng ta có thể chữa lành và sống theo những cung cách có vẻ bất khả trước mặt gười khác.

Câu Hỏi Thảo Luận

a) Hội thánh là một bệnh viện dã chiến. Hội thánh giúp đỡ những người bị thương như thế nào? Chúng ta có thể làm được gì tốt hơn nữa?

b) Tại sao người Công Giáo không sống theo một thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa? Tại sao chúng ta nhấn mạnh sự nâng đỡ từ cộng đoàn? Bạn đã thấy ơn Chúa hoạt động trong cộng đoàn như thế nào?

c) Đâu là những chướng ngại ngăn trở việc tạo lập tình thân ái thiêng liêng trong nền văn hóa của bạn? Giáo xứ hay giáo phận của bạn có thể làm được gì để cổ võ tình thân ái Công Giáo?

d) Giáo xứ hay giáo phận của bạn đã làm gì để hỗ trợ việc phát triển sống đức khiết tịnh? Có các nhóm hỗ trợ hay có các cơ hội để giáo dục về tính dục và đức khiết tịnh hay không? Các linh mục có thường ngồi tòa giải tội không? và có nhiều cơ hội cho việc linh hướng không không?

[1] Cf. Ga 6,60-66.
[2] Cf. Mc 3,13-35; Lc 8,19-21.
[3] Cf. GLHTCH, 77, 85. Cf. DeiVerbum (DV), 7.
[4] ĐGH Phanxicô, Bản tin Phỏng vấn “Một trái tim lớn cởi mở với Thiên Chúa”, America, 30.09.2013.
[5] Cf. GLHTCG, 2351-2356, và FC, 24.
[6] Cf. ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi các Gia đình Gratissimam Sane (GrS) (1994), 9.
[7] Th. Augustinô, Sermons, 2290, The Works of St. Augustine: A Translation for the 21st Century. Sermons III/6 (184-229Z), trans. Edmund Hill, O.P., ed. John Rotelle, O.S.A. (New York, 1993), 323. Những ví dụ khác mà th. Augustinô dùng mô tả ôn cứu độ bằng ngôn ngữ y khoa, xin xem Serm. 229E (ibid., p.283); Confessions VII, xx, 26; X, xxx, 42; De doctrina christiana 1, 27; 4, 95; Enchiridion 3.11; 22.81; 23. 92; 32.121; De nuptiis, Bk. 2, 9. III; 38. XXIII.
[8] Th. Augustinô, Tractates on the Gospel of John, 41.13.2. Saint Augustine Tractates on the Gospel of John 28-54, trans. John W. Rettig, CUA Press, Washington, 1993, 148-149.
[9] EG, 3.
[10] DCE, 1.
[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Tđ. Veritatis Splendor (VS) (1993), 7.
[12] EG, 19-24,
[13] DV, 10.
[14] GLHTCG, 1421.
[15] GLHTCG, 1428. Cf. LG, 8.
[16] FC, 34.
[17] FC, 34.
[18] Francis X. Rocca, “Pope, in interview, suggests...” Catholic News Service, 05.03.2014.
[19] Ibid.
[20] Cf. GLHTCG, 2358-2359.