Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới truyền giáo

Trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 89, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 18-10 tới đây. Trong Sứ điệp công bố Chúa Nhật 24-5-2015, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha khẳng định rằng người trẻ có khả năng làm chứng tá can đảm, có những công trình quảng đại và nhiều khi đi ngược dòng. Ngài mời gọi họ đừng để bị tước đoạt mất giấc mơ truyền giáo đích thực, theo Chúa Giêsu, và chấp nhận hiến thân trọn vẹn, vì việc loan báo Tin Mừng, trước khi là điều cần thiết cho những người chưa biết Chúa, thì đã là một nhu cầu đối với những ai yêu mến Chúa”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ, khi phục vụ sứ mạng truyền giáo, hãy thăng tiến sự hiện diện của các tín hữu giáo dân, can đảm cởi mở đối với những người sẵn sàng cộng tác vào kinh nghiệm truyền giáo, kể cả trong trường hợp ngắn hạn, vì ơn gọi truyền giáo là điều nội tại ở trong bí tích rửa tội và liên hệ tới tất cả mọi người.

Trong phần đầu của Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, hay là một chiến lược, nhưng là lòng say mê đối với Chúa Kitô, đối với dân chúng và Tin Mừng. Ngài cũng nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. Đức Thánh Cha nhắc đến điều này trong bối cảnh Năm Đời sống Thánh Hiến đang được cử hành trong toàn Giáo Hội, và năm nay kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican 2 về công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành thừa sai. Vì thế, những người thánh hiến được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Linh, và đi tới những biên cương rộng lớn, những “khu vực ngoại ô” của các miền truyền giáo, nơi mà Tin Mừng chưa được truyền tới cho dân ngoại.

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha nói đến một thách đố hàng đầu trong sứ vụ truyền giáo ngày nay là “tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc, tái khởi hành từ các căn cội của mình và bảo tồn các giá trị của những nền văn hóa liên hệ. Thực vậy, mỗi dân tộc, và mỗi nền văn hóa đều có quyền được giúp đỡ trong truyền thống của họ, để hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng. Ngoài ra, những người ưu tiên được đón nhận lời loan báo ấy chính là những người nghèo, những người bé nhỏ, yếu đau, bị coi rẻ và lãng quên, vì có một mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và người nghèo”.

Với ý hướng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi những người thánh hiến hãy bước theo Chúa Kitô trong sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Đây không phải là một chọn lựa ý thức hệ, nhưng là đồng hóa với người nghèo như Chúa đã làm, từ bỏ việc thực thi mọi quyền lực để trở nên anh em của những người rốt cùng, mang lại cho họ niềm vui Phúc Âm và tình bác ái của Thiên Chúa”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác và hợp lực giữa Giám Mục Roma và các Hội dòng truyền giáo của Giáo Hội, để bảo đảm tình hiệp thông, để mang lại một hiệu năng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng và thăng tiến sự tâm đầu ý hiệp, là một hoa trái của chính Chúa Thánh Linh”

2. Lễ phong Chân Phước cho sơ Irene Stefani


Hơn 100,000 người đã tham dự lễ phong Chân Phước cho sơ Irene Stefani tại thị trấn Nyeri của Kenya hôm thứ Bảy 23 tháng 5. Sơ Irene Stefani, người Ý, là một thành viên của cộng đoàn Nữ Tu Truyền Giáo Consolata và là người rất được yêu mến tại Kenya vì đã giúp những người bị thương ở Kenya và Tanzania trong Thế chiến thứ nhất.

Là một y tá được đào tạo chuyên nghiệp, sơ đã được nhiều người yêu mến vì những hoạt động bác ái và y tế cho người dân thị trấn Nyeri. Dân chúng gọi sơ là “Nyaatha” theo ngôn ngữ Kikuyu nghĩa là “Mẹ Từ Bi”.

Từ hôm thứ Sáu, đường phố của Nyeri, 150 km về phía bắc của thủ đô Nairobi, đông đảo người Công Giáo từ nhiều nước đổ về đây để tham dự buổi lễ trọng đại này và hàng ngàn cảnh sát và quân đội được điều động bảo vệ thánh lễ. Hàng chục ngàn người đã tham dự đêm thắp nến tối thứ Sáu dưới sự canh phòng cẩn mật của các lực lượng an ninh.

Sơ Stefani, sinh năm 1891 gần Brescia ở Ý và qua đời ở Kenya khi mới 39 tuổi.

Ngày 30 tháng Năm 1977, hai năm sau khi giành được độc lập, Mozambique rơi vào một cuộc nội chiến kinh hoàng kéo dài đến ngày 4 tháng 10 năm 1992, tức là 15 năm 4 tháng và 4 ngày. Nếu tính chung cả những nạn nhân chết vì nạn đói do chiến tranh gây ra thì có khoảng hơn 1 triệu người chết vì cuộc chiến này. Tháng Giêng năm 1989, 260 người chạy trốn cuộc chiến đã trú ẩn trong nhà thờ Nipepe, ở tỉnh Niassa nằm ở khu vực phía Bắc Mozambique. Họ không chết vì lằn tên, mũi đạn cũng sẽ chết vì khát trong thời điểm nóng nhất trong năm. Giữa tình cảnh này họ đã kêu cầu sơ Stefani và nước đã tuôn trào ra trong một cái giếng đã khô cạn. Đây là một hiện tượng không thể giải thích được về khoa học vì trong thời điểm đó không thể có nước.

Đức Hồng Y John Njue, là Tổng Giám Mục Nairobi, của Kenya đã chủ tế thánh lễ cùng với Đức Hồng Y Polycarp Pengo, là Tổng Giám Mục Dar-es Salaam của Tanzania, là đặc sứ của Đức Thánh Cha trong lễ phong Chân Phước diễn ra trong khuôn viên trường Đại Học Dedan Kimathi với sự tham dự của tổng thống Kenya là ông Uhuru Kenyatta.

3. Linh mục Michael Anthony Perry được bầu làm Tân Tổng Phục vụ Dòng Phanxicô.

Linh mục Michael Anthony Perry, đã tái đắc cử Tổng Phục vụ Dòng Phanxicô hay còn gọi là Dòng Anh em Hèn mọn trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn tại Tổng tu nghị năm 2015 của Dòng.

Cha Michael Anthony Perry sinh tại Indianapolis (Hoa Kỳ) năm 1954. Vào Nhà tập năm 1977, khấn tạm năm 1978, khấn trọng năm 1981 và thụ phong linh mục ngày 02 tháng 06 năm 1984. Cha Michael đã phục vụ trong vai trò Phó Tổng Phục vụ của Dòng. Trước khi đến Roma, cha đã từng là Giám tỉnh của Tỉnh dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (Hoa Kỳ). Trong Tỉnh dòng, cha đã từng huấn luyện sinh viên thần học, huấn luyện thỉnh sinh, đảm nhận công tác JPIC quốc tế và 10 năm truyền giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cha cũng đã từng phục vụ trong các tổ chức Cứu trợ Nhân đạo của Công Giáo và trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 05 năm 2013 cha lên làm Tổng Phục vụ (2013-2015) thay thế cho cha José Rodriguez Carballo (được bổ nhiệm làm Thư ký của Bộ Ðời sống thánh hiến và các Hiệp hội Ðời sống Tông đồ, nay là Tổng giám mục).

Cha Michael Anthony Perry có bằng Tiến sĩ Nhân chủng học tôn giáo, Cao học Thần học, Cao học về Huấn luyện và Cử nhân Lịch sử triết học.

Với nhiệm kỳ 6 năm, cha Michael Anthony Perry trở thành người kế nhiệm thứ 120 của thánh Phanxicô trong vai trò Tổng Phục vụ.

Tổng tu nghị 2015 của Dòng Phanxicô diễn ra từ 10 tháng Năm đến 7 tháng Sáu năm 2015 tại Nhà thờ Ðức Mẹ các thiên thần ở Assisi với chủ đề “Những người anh em và những người hèn mọn trong thời đại chúng ta” và châm ngôn: “Tất cả hãy cùng mang danh là Anh em Hèn mọn” (x. Lksc 6,3). Cuộc bỏ phiếu bầu chọn Tân Tổng Phục vụ diễn ra trong ngày họp thứ mười một của Tổng tu nghị,

Dòng Phanxicô hiện có mặt tại 110 quốc gia trong 103 Tỉnh dòng, 8 Hạt dòng tự trị, 14 Hạt dòng lệ thuộc, 20 Cơ sở và 1 Liên đoàn.

4. Nam Dương: không buộc kê khai tôn giáo trên thẻ căn cước.

Từ nay các công dân Nam Dương hay còn gọi là Indonesia không còn bắt buộc phải kê khai tôn giáo trên thẻ căn cước. Trong mục “tôn giáo”, họ có thể để trống hoặc ghi một tôn giáo khác ngoài sáu tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận. Ðó là công bố của Bộ trưởng Nội vụ Nam Dương, ông Tjahjo Kumolo. Theo Hiến pháp Nam Dương, chỉ có sáu tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận là: Hồi giáo, Tin lành, Công Giáo, Ấn Ðộ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Cho đến nay, công dân Nam Dương vẫn phải ghi một trong sáu tôn giáo này trên thẻ căn cước, bất chấp niềm tin tôn giáo thực tế của họ.

Ông Tjahjo nói rằng một trong những lý do chính của việc thay đổi luật này là để có thông tin chính xác về nghi thức tang lễ sẽ được cử hành khi một người qua đời.

Ông Tjahjo nói: “Chúng ta không nên ép buộc người dân phải chọn một tôn giáo, chẳng hạn Hồi giáo - nếu đức tin của họ tương tự như giáo huấn Hồi giáo nhưng không phải là Hồi giáo”. Ông giải thích rằng, Bộ đã xem xét các khuyến nghị của một số nhà lãnh đạo, các diễn đàn và các tôn giáo, chẳng hạn như Hội đồng Ulema của Nam Dương và Bộ Tôn giáo, trước khi đưa ra quyết định này.

Mặc dù được coi là một “biện pháp hành chính”, nhưng đây là một bước tiến lớn nhân danh tự do tôn giáo của người dân Nam Dương thuộc mọi tín ngưỡng. Người thúc đẩy mạnh mẽ cho thay đổi này là thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, một nhà chính trị Kitô giáo. Ngoài ra, một số học giả cũng ghi nhận rằng, việc bắt buộc chọn một trong sáu tôn giáo được Nhà nước công nhận đã khiến hàng triệu người dân Nam Dương phải nhận mình là “Hồi giáo”, đang khi họ theo tôn giáo bản địa truyền thống. Sự thay đổi này có thể xác định lại bộ mặt tôn giáo của Nam Dương ngày nay.

5. Danh ca Andrea Bocelli lưu diễn khắp thế giới cổ võ giá trị gia đình.


Hôm thứ Bảy 16 tháng 05 năm 2015, tại Vatican, đã diễn ra cuộc họp báo của Hội đồng Toà Thánh về gia đình, giới thiệu sáng kiến của Hội đồng về việc tổ chức cuộc lưu diễn âm nhạc của Andrea Bocelli, danh ca giọng tenor, nhằm cổ võ những giá trị nền tảng của gia đình.

Tham dự cuộc họp báo, có Ðức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về gia đình, Ðức Hồng Y Lluís Martínez Sistach, Tổng giám mục Barcelona, danh ca Andrea Bocelli (Italia), giáo sư thần học Marco Tibaldi của trường Thần học Emilia-Romagna.

Ðức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về gia đình, cho biết cuộc lưu diễn âm nhạc này là một sáng kiến của Hội đồng, được tổ chức giữa hai khoá Thượng Hội đồng về Gia đình, nhằm dùng âm nhạc giới thiệu với công chúng về vẻ đẹp và những giá trị của gia đình. Cuộc lưu diễn mang tên: “Mầu nhiệm cao cả - Tin Mừng về Gia đình, trường dạy vẻ đẹp làm người cho thời đại ngày nay”.

Danh ca Andrea Bocelli cho biết mỗi buổi trình diễn sẽ được bắt đầu trên đường phố, nơi mọi người qua lại và gặp gỡ, và kết thúc tại Nhà thờ chính toà. Ông giải thích cách “kết cấu chương trình” này: “Mọi bài thánh ca đều đã được hát trong nhà thờ và cần đi vào đời sống thường nhật nơi phố xá” và nói lên sự đồng cảm của mình với Ðức Thánh Cha Phanxicô khi ngài nói về âm nhạc: “Âm nhạc có khả năng nối kết các tâm hồn và giúp chúng ta kết hiệp với Chúa”.

Andrea Bocelli cho biết, sở dĩ ông nhận lời cộng tác với Hội đồng Toà Thánh về gia đình để thực hiện sáng kiến lưu diễn này là vì: “Dự án này của Hội đồng đã gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi. Gia đình có một ý nghĩa rất quan trọng và có quá nhiều điều đã khiến chúng ta quên mất tầm quan trọng đó”.

Tại cuộc họp báo, Andrea Bocelli kể lại: ông luôn nhớ ơn mẹ đã can đảm không nghe lời bác sĩ khuyên phá thai, đã sinh ông ra trong tình trạng thị lực yếu bẩm sinh. Ðến năm 12 tuổi, ông mắc bệnh tăng nhãn áp và mù hẳn.

Cuộc lưu diễn âm nhạc cổ võ giá trị gia đình của Andrea Bocelli sẽ là chứng từ về sự can đảm của một người mẹ và tấm lòng tri ân mẹ của một người con.

6. Phi Luật Tân sẵn sàng đón tiếp người tị nạn Rohingya.

Phi Luật Tân sẵn sàng nhận khoảng ba ngàn người Rohingya tị nạn từ Miến Điện và Bangladesh; những người này đang lênh đênh trong vịnh Bengal, vì bị tất cả các nước Ðông Nam Á khác từ chối tiếp nhận. Cả chính quyền Phi Luật Tân và Giáo Hội Công Giáo đều bày tỏ sự đồng ý.

Ông Herminio Coloma, thư ký báo chí của Phủ tổng thống Phi Luật Tân, nhấn mạnh rằng Phi Luật Tân đã ký Công ước năm 1951 về Quy chế dành cho người tị nạn, và hứa sẽ “cung cấp sự trợ giúp cho những người buộc phải rời quê hương mình vì xung đột”. Ông Coloma khẳng định, “Về phía mình, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc cứu vớt người tị nạn”, và ông nhắc lại rằng trong những năm 70 của thế kỷ trước, Phi Luật Tân cũng đã đón nhận các “thuyền nhân” Việt Nam trốn thoát khỏi đất nước của họ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Cha Socrates Mesiona, Giám đốc các Hội giáo hoàng Truyền giáo quốc gia Phi Luật Tân, cũng ca ngợi quan điểm của chính phủ và đồng ý rằng: “Chúng tôi có nghĩa vụ đón nhận những người này: nếu cần, chúng tôi sẽ nhận họ và sẽ cố gắng bảo đảm cho họ một cuộc sống tươm tất. Họ là những con người và là con cái của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Việc họ là người Hồi giáo không thành vấn đề và không làm cho tình hình thay đổi. Như Phúc Âm dạy chúng ta, chúng ta phải sẵn sàng đón tiếp họ”.

Các quốc gia Ðông Nam Á đang phải chịu áp lực giải quyết cuộc khủng hoảng của hàng ngàn di dân thuộc dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo; họ đang lênh đênh trên vùng biển của quần đảo Andaman, sau khi Nam Dương, Mã Lai Á và Thái Lan từ chối tiếp nhận họ. Nhiều người Rohingya đã trốn chạy khỏi Miến Điện , vì ở đây họ không được cấp quốc tịch và không được công nhận có các quyền lợi cơ bản.

Do áp lực quốc tế phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này, một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Mã Lai Á, Thái Lan và Nam Dương sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng Năm năm 2015 tại Kuala Lumpur để thảo luận về tình hình cấp bách của các di dân. Tuần trước có hơn 2,500 người Rohingya ở Bangladesh và Miến Điện đã đổ bộ lên bờ biển của ba nước này, và theo ước tính mới nhất, năm ngàn người được coi là đã mất tích ở vùng biển Andaman.

7. Mã Lai Á và Nam Dương đón nhận người Rohingya.

“Ðây là vấn đề của lòng thương xót. Ðây là việc cứu mạng, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Các chính phủ Mã Lai Á và Nam Dương đã đồng ý tiếp nhận người tị nạn Rohingya, đó là một bước tiến lớn. Người Mã Lai, thuộc mọi tôn giáo, đã tỏ lòng thương xót”, linh mục Lawrence Andrew, S.J., chủ nhiệm tuần báo Herald của giáo phận Kuala Lumpur, tỏ ra vui mừng trước thông tin về việc đã có giải pháp cho cuộc khủng hoảng về những người Hồi giáo Rohingya tị nạn, lênh đênh nhiều ngày qua trong các vùng biển ở khu vực Ðông Nam Á. Cha nói: “Những người di dân này là những con người và họ có quyền được sống, có một phẩm giá. Chúa Nhật ngày 17 tháng 5 năm 2015 trong các nhà thờ của Mã Lai Á, chúng tôi đã cầu nguyện cho họ”.

Sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, từ Liên hiệp quốc cũng như từ Ðại học Al-Azhar ở Cairo, các chính phủ Mã Lai Á và Nam Dương đã từ bỏ chính sách đẩy người tị nạn ra biển, đồng ý cung cấp chỗ tạm trú cho hàng ngàn người di dân bị mắc kẹt ngoài biển. Tuy nhiên, các chính phủ này cũng đòi được quốc tế giúp đỡ, họ nói rằng “đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, chứ không phải trong khu vực”.

“Nam Dương và Mã Lai Á đã quyết định cung cấp trợ giúp nhân đạo cho 7,000 người di dân trên biển”, Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á, Anifah Aman, sau một cuộc họp ba bên với các Bộ trưởng của Nam Dương và Thái Lan, đã cho biết như trên. Hai nước này đã đồng ý cung cấp “nơi ở tạm, với điều kiện là quá trình tái định cư và hồi hương sẽ phải hoàn tất trong vòng một năm”.

Riêng Thái Lan sẽ đóng góp viện trợ nhân đạo, mà không cho người tị nạn trú chân trên nước mình, vì đã có hàng chục ngàn người tị nạn từ Miến Điện đang ở Thái Lan rồi.

Trong khi đó một đội tàu nhỏ của ngư dân Nam Dương đã cứu được hơn 430 di dân Rohingya trong ngày thứ Tư 20 tháng 05 năm 2015, đưa họ vào bờ của đảo Sumatra an toàn.

Hơn 3,000 người tị nạn Rohingya từ Miến Điện và Bangladesh đã đổ bộ vào ba quốc gia này trong những tuần lễ vừa qua. Người ta tin rằng hầu hết những di dân này là nạn nhân của bọn buôn người, bọn này tuyển dụng họ ở Miến Điện và Bangladesh với lời hứa cung cấp việc làm cho họ tại Mã Lai Á hay các nước khác trong khu vực. Theo cơ quan Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc, hơn 120 nghìn người Hồi giáo Rohingya đã rời Miến Điện bằng đường biển trong ba năm qua.

8 Giám đốc UNESCO: Việc phá hủy Palmyra sẽ là “mất mát to lớn cho nhân loại:”

Sự hủy diệt di sản thế giới tại Palmyra là sẽ là một “mất mát to lớn cho nhân loại”, Giám đốc UNESCO đã cảnh báo hôm thứ Năm sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được thành phố Syria cổ đại này.

Irina Bokova, Giám đốc UNESCO cho biết:

“Tôi vô cùng lo lắng về những gì đang xảy ra ở Palmyra. Tôi đã hai lần thỉnh cầu các lực lượng quân sự phải rút ra, và ngưng ngay các hoạt động chiến tranh xung quanh Palmyra.”

Bà giải thích thêm:

“Palmyra là một địa danh thuộc di sản thế giới ngoại thường trong vùng sa mạc này và sự phá hủy Palmyra không chỉ là một tội ác chiến tranh, nhưng còn là một mất mát to lớn cho nhân loại.”

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bắt đầu tàn phá những tượng đài đã có từ thời cổ đại. Một số ít đã được quân chính phủ Syria chuyển đi nhưng đa số không thể chuyển đi được.

Tổ chức theo dõi nhân quyền tại Syria có trụ sở tại London cho biết tính đến ngày Chúa Nhật 24 tháng 5, 262 người trong đó có 13 trẻ em đã bị khủng bố Hồi Giáo hành quyết. Trong số những người bị hành quyết có khoảng 150 binh sĩ Syria, số còn lại đều là thường dân.

9. Người Ả Rập tại Do Thái biểu tình chống tử hình Mohamed Morsi

Hàng ngàn người Ả Rập đã tuần hành ở miền bắc Israel hôm thứ Bảy 26 tháng 5 để phản đối án tử hình mà toà án tối cao Ai Cập đưa ra với Tổng thống Hồi giáo bị lật đổ Mohamed Morsi.

Báo chí Do Thái cho biết 5,000 người đã tham gia các cuộc biểu tình do Sheikh Raed Salah, một nhà giảng thuyết chuyên gây mối hiềm thù với Do Thái; và cũng là nhà lãnh đạo của phong trào Hồi giáo cực đoan.

Đoàn biểu tình diễu hành qua các làng mạc của quận Kufr Kana trong vùng Galilê, hô vang những khẩu hiệu kích động việc ám sát tướng Abdel Fattah al-Sisi, đương kim tổng thống Ai Cập.

Hôm thứ Bẩy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.