Giáo Hội là một nơi “cởi mở”, nơi mọi người nên nói mọi sự thẳng thắn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Hai 13 tháng Tư. Đức Thánh Cha nói thêm chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thay đổi thái độ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, và ban cho chúng ta can đảm như các tông đồ khi được linh hứng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô.

“Chúng ta không thể giữ im lặng về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe,” Đức Giáo Hoàng nói trong bài giảng của ngài, ám chỉ đến Bài Đọc trong ngày từ sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại chuyện hai tông đồ Phêrô và Gioan xin Chúa cho phép các ngài nói cách tự do và cởi mở.

Cứ nói thẳng thắn đừng sợ hãi

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng hai ông Phêrô và Gioan, sau khi thực hiện một phép lạ, thì bị bắt giam và bị các thượng tế đe dọa cấm không cho nói nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng họ vẫn tiếp tục rao giảng và khi họ trở về giữa những anh em khác, họ khuyến khích anh em rao giảng Lời Chúa “với sự thẳng thắn.” Họ van nài Chúa “ghi nhận những mối đe dọa trên họ” và cho các “tôi tớ” Ngài “đừng chạy trốn “nhưng rao giảng Lời Chúa” mạnh dạn hơn.

“Và hôm nay cũng vậy, thông điệp của Giáo Hội là thông điệp của con đường công khai, con đường của lòng dũng cảm Kitô Giáo,” Đức Giáo Hoàng nói: “Hai con người đơn sơ này -. như Kinh Thánh nói - không được học hành, nhưng có can đảm. Có một từ có thể dùng để dịch cụm từ ‘can đảm’, ‘nói thẳng vào đề’, ‘nói một cách tự do’, ‘nói không sợ hãi’. .. Đó là một từ có nhiều ý nghĩa, ở dạng nguyên thủy là parrhesía, là sự thẳng thắn. .. và sự sợ hãi của họ đã nhường chỗ cho 'sự cởi mở' để tự do nói về những điều này.”

Đức Thánh Cha sau đó trình bày suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày kể lại cuộc đối thoại có phần “bí ẩn” giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, liên quan đến việc “sinh lần thứ hai” và “một cuộc sống mới, khác với cuộc sống ban đầu.”

Loan báo Chúa Kitô không cần “quảng cáo”

Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra rằng trong câu chuyện này, trong “cuộc hành trình của sự cởi mở này, nhân vật chính thực sự là Chúa Thánh Thần vì Ngài là tác nhân duy nhất có khả năng ban cho chúng ta ân sủng can đảm rao giảng Chúa Giêsu Kitô”

“Và lòng can đảm công bố này phân biệt chúng ta với những với những kẻ chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không quảng cáo Chúa Giêsu Kitô, để có thêm nhiều thành viên trong xã hội tâm linh của chúng ta, không. Điều này không cần thiết. Đó không phải là Kitô giáo. Điều người tín hữu Kitô cần làm là công bố với lòng can đảm; và việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô sẽ tạo ra, nhờ Chúa Thánh Thần, một sự ngạc nhiên giúp chúng ta tiếp tục”

Nhân vật chính thực sự của tất cả điều này là Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu nói về việc tái sinh ra một lần nữa, Ngài làm cho chúng ta hiểu đó chính là Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi chúng ta, Đấng đến từ muôn hướng, giống như gió: vì chúng ta nghe thấy tiếng Người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thay đổi thái độ của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta.

Can đảm là ân sủng xuất phát từ Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha khẳng định rằng:

Chính Chúa Thánh Thần đã ban cho hai tông đồ Phêrô và Gioan, là những người đơn sơ, ít học.. sức mạnh để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho đến chứng tá tối hậu là tử đạo”:

“Con đường của lòng dũng cảm Kitô là một ân sủng được trao ban bởi Chúa Thánh Thần. Có rất nhiều con đường chúng ta có thể chọn theo mà cũng có thể đem lại chút can đảm nào đó. Nhưng hãy nhìn cái quyết định dũng cảm mà ông [Phêrô] đã chọn! Và hãy nhìn cách ông hoạch định và tổ chức mọi điều. Điều này có ích nhưng đó là một khí cụ của một cái điều gì đó lớn hơn là Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể làm được nhiều thứ, nhiều việc, nhưng chẳng có ích gì”

Sau Phục Sinh, Giáo Hội chuẩn bị cho chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng trong các “cử hành về mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, xin cho chúng ta có thể nhớ lại “toàn bộ lịch sử cứu độ” và “xin cho chúng ta ơn can đảm thật sự công bố Chúa Giêsu Kitô”