CHUYỆN ĐI HOANG CỦA NGƯỜI CON CẢ

Tin Mừng Luca 15, 11-32 trình bày về một người cha nhân hậu, người cha hết lòng yêu thương con cái, không phân biệt là chúng dễ thương hay đáng ghét, ở với mình hay bỏ rơi mình, yêu thương hay trung thành, tốt lành hay xấu xa.

Người em trong câu chuyện, sau khi đã vui chơi với bọn đàng điếm, trở về với gia đình chỉ để mong hưởng sái thức ăn thừa. Ý hướng trở về chẳng tốt lành gì, nhưng dù vậy, người cha vẫn hết mực trân trọng, yêu thương.

Với khuynh hướng nghiêng chiều về đàng xấu, nhưng chỉ nhạy cảm với cái xấu của người khác, chúng ta dễ dàng nhìn thấy bộ mặt biến dạng hoang đàng của người con thứ nơi những người không đi nhà thờ, nơi những người cờ bạc hút chích, và nơi những kẻ đối lập. Đối lập ở đây có thể là khác tôn giáo, khác đường lối làm việc, khác vùng miền, khác quan điểm tư tưởng, và thậm chí có thể đó là những người khác giáo xứ, khác ca đoàn, khác nhóm của ta.

Vô hình trung, ta đồng hóa mình với thái độ của người con cả. Anh là một người chịu thương chịu khó làm việc, phục vụ cha. Anh không bỏ nhà ra đi để đàng điếm như người em trai. Tuy thế, anh cũng “chẳng phải dạng vừa đâu”. Anh cũng hoang đàng vì bản chất khó chịu, khó ưa. Anh cũng hoang đàng vì không thể tha thứ cho em ruột mình. Và hơn nữa, anh cũng hoang đàng vì chẳng vâng lời cha.

Ta là người thường xuyên tham dự Thánh Lễ, tham gia các hội đoàn, và tham phần vào các công tác tông đồ xã hội. Với ba cái “tham” đó, ta dễ dàng xét đoán tiêu cực về người khác. Nhìn thấy ai, ta cũng muốn ban lời khuyên răn dạy dỗ. Vì thế, ta chăm chút hỏi thăm tình hình của họ: đã xưng tội chưa, gia đình làm sao vv... Ngẫm lại, ta thấy mình rơi vào cái điều mà Socrates đã nói: “trong các việc, việc dễ làm nhất là khuyên bảo”.

Là linh mục, lại càng rất dễ trở thành chuyên gia khuyên bảo. Không thiếu những nơi, chuyện gì giáo dân cũng muốn trình báo và xin tư vấn nơi linh mục. Có ông chồng đến thưa cha xứ: “thưa cha, vợ con sắp đi sanh, con phải làm sao?” (thực chất anh ta muốn cha cho tiền đi bệnh viện). Cha xứ gắt lên: “anh đã làm gì thì vợ anh mới có bầu chứ, sao lại hỏi tôi”(!). Nói thế, nhưng rồi ngài cũng đưa cho anh ít tiền hỗ trợ vợ vượt cạn. – Và vì cảm thấy mình cần thiết như thế, linh mục dễ hoang tưởng mình là siêu sao, “tưởng mình bất tử, miễn nhiễm” -ngôn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô-.

Là linh mục hay tu sĩ, ta lại càng dễ nhìn thấy người khác hoang đàng và hành xử như “người con cả”. Vì thường xuyên dâng lễ, nguyện gẫm, thi hành mục vụ, nên cũng dễ dàng kết án khi thấy người khác không như ta, và cũng rất khó để cảm thông, yêu mến họ. Được “những người đạo đức như ta” vây quanh gìn giữ để nhắc không chơi với bọn tội lỗi này, tránh xa nhà của nhóm khô khan nguội lạnh kia, linh mục không còn là “Chúa kitô khác” nhưng trở nên khác Chúa Kitô, khi không còn đến với người yếu đau, người tội lỗi. Mắc phải căn bệnh “chai cứng tâm trí và tinh thần” lúc nào không hay.

Là linh mục và cố gắng là một tông đồ nhiệt thành, ta luôn lên kế hoạch và lo lắng cho mục vụ. Công việc chiếm hết thời gian và vắt kiệt sức lực. Ta đâu biết mình đã nhiễm quá nặng “bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng”. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh” (X. Ga 3,8). Đấy là chưa muốn nói tới ý hướng ta làm chỉ vì muốn được ca tụng, muốn được ghi ơn, để được khắc tên vào các công trình và để được hơn các người khác. Chuyện này chẳng mới mẻ gì, thánh Phaolô đã nhắc nhở từ xa xưa: “kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19). Đây là bệnh “cạnh tranh và háo danh”.

Danh sách các chứng bệnh sẽ còn dài, nếu như ta đơn thành và khiêm tốn kiểm điểm đời sống mình. Xem ra chứng hoang đàng và hoang tưởng nơi những người tự nhận mình là tốt, đặc biệt nơi các linh mục tu sĩ, trong đó có tôi, không hề nhẹ chút nào.

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,

quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!

...

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,

xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.

Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.

Tv. 139