Viết cho người vứt bỏ con mình!

Em thân mến,

Tôi rất đỗi bàng hoàng khi thấy thi hài con em chết tất tưởi trong khu vườn dưới nhà của em. Tôi không rõ động cơ nào khiến em làm chuyện động trời như thế; nhưng cứ nhìn hậu quả, không ai có thể cảm thông cho em được. Mấy ngày nay, búa rìu dư luận không chỉ hướng về em mà còn nhắm đến những người nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Đó là một hiện tượng đau lòng cho con dân Nước Việt vốn có truyền thống ý thức mạnh mẽ về sự thiêng liêng của tình cha nghĩa mẹ. Tôi muốn viết cho em đôi dòng, chia sẻ cùng em chút tâm tư của tôi.

Dư luận chỉ trích em là một người mẹ mất hết nhân tính. Họ vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động bất nhân của em. Tôi cũng vậy! Em biết đấy, là con người, ai cũng yêu quý sự sống của mình và tôn trọng sự sống của người khác. Đó là món quà Thượng Đế dành tặng cho con người để họ cùng nhau kiến tạo một nền văn mình tình thương và sự sống. Hơn nữa, người con em mang nặng đẻ đau lại chính là phần máu thịt của em. Mối dây thiêng liêng ấy không ai có quyền xem nhẹ hay cắt bỏ. Tôi không tin em quê mùa thiếu hiểu biết về những đòi hỏi của luân thường đạo lý, của bổn phận làm cha mẹ đối với con cái đến như vậy. Là một nữ sinh trường y, tuy có thể hiểu biết về kiến thức giới tính, nhưng em lại thiếu một trái tim yêu thương, một tấm lòng nhân nghĩa. Hậu quả là hành vi khủng khiếp của em mãi mãi bị người đời lên án và lương tâm em không ngớt dày vò, ray rứt.

Nhưng câu chuyện của em cũng là câu chuyện xót xa của rất nhiều người trẻ hiện nay. Họ không chỉ vất đứa con mình mang nặng đẻ đau, mà còn nỡ giết con mình ngay trong thế giới tưởng như an toàn nhất: dạ mẹ. Nơi cung lòng ấy, thai nhi tin rằng mình được bố mẹ yêu thương và chăm sóc ân cần, chờ đến ngày chúng mở mắt chào đời. Nhưng đáng buồn thay, từng giây phút, biết bao người mẹ nỡ đành vứt bỏ, giết hại người con của mình. Họ bỏ con trong xọt rác, vứt con bên vệ đường, bãi rác, dưới ao hay nơi hoang vắng, hoặc có thể nạo phá thai. Nếu người ta cho em bị vấn đề tâm sinh lý bất ổn định, hoang tưởng hay bất nhân mới nhẫn tâm vứt bỏ con của em như thế, thì với những người phá thai, chẳng lẽ tâm sinh lý của họ bình thường, chẳng lẽ họ nhân nghĩa với đứa con mình đang cưu mang? Trớ trêu thay, nhiều người vẫn mong mỏi tiếng nói cười của trẻ thơ, được hạnh phúc trong vai trò làm cha, làm mẹ, thì em cũng như nhiều người trẻ khác lại chối bỏ đặc quyền thiêng liêng Tạo Hoá dành cho mình. Ước chi qua sự kiện rúng động dư luận của em, mỗi người biết yêu quý sự sống của các thai nhi vô tội và những em bé đáng thương.

Đứng trước thi hài con em, ngoài sự thương tiếc xót xa, ai ai cũng ưu tư lo lắng cho nền đạo đức nước nhà. Một khi giới trẻ hiện nay sống buông thả, vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội, thì câu chuyện của em cũng là nỗi đau không chỉ của riêng ai. Đau vì phải chứng kiến nhiều con người đang hủy hoại chính sự sống của chính mình và của người khác; đau vì nền văn minh sự chết đang lan tràn; và đau vì sự ác đang cướp đi hạnh phúc của bao người.

Em biết đấy, đúng là vứt bỏ con mình hay nạo phá thai là điều khủng khiếp, đáng lên án và phải loại trừ. Nhưng giải pháp cho vấn nạn này là gì, nên bắt đầu từ đâu? Chắc là em cũng đồng ý với tôi câu trả lời là: “Hãy tôn trọng sự sống” vì ba lý do:

1. Sự sống là món quà Thượng Đế dành tặng riêng cho từng con người. Không ai có quyền cướp đi quà tặng ấy.

2. Yêu quý sự sống của người khác như chính sự sống của mình. Đó không chỉ là công bằng mà còn là trách nhiệm.

3. Và, vì chúng ta là con người!

Được như thế, tôi tin rằng em và mỗi người, với tình yêu và hy vọng, sẽ kiến tạo được một xã hội của văn minh tình thương và sự sống, để không còn tang tóc như câu chuyện buồn của em nữa.

Thân chào em,

Thủ Đức ngày 20.03.2015

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.