BỐN VỊ TU SĨ
N2T

Có bốn vị tu sĩ hẹn với nhau bế quan (đóng cửa) một tháng, trong một tháng này không một ai được nói lời nào.
Mới bắt đầu thì tất cả đều rất tốt, nhưng đến tối có một tu sĩ đột nhiên nhắc:
- “Không biết trước khi chúng ta bế quan, cổng lớn của tu viện đã đóng chưa nhỉ ?”
Một tu sĩ khác nói:
- “Đã nói rằng một tháng không nói chuyện, tại sao thầy lại mở miệng nói ?”
Vị tu sĩ thứ ba nói:
- “Không phải thầy cũng tự mình phá giới hay sao ?”
Vị tu sĩ thứ tư nói:
- “Cám ơn thượng đế, tôi là người duy nhất không phá giới.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Giữ gìn được cái miệng thì tránh được tai bay vạ gió, bởi vì chính cái miệng là “phát ngôn viên” những ý nghĩ tốt xấu của tâm hồn, và bởi vì “lòng có đầy thì miệng mới nói ra.” (Mt 12, 34b)
Giữ thinh lặng không nhất thiết là phải bế quan kín cổng cao tường, bởi vì khi tâm không lặng thì dù cho ở trong bốn bức tường tu viện, hay ẩn dật trong hang cùng núi thẳm thì tâm vẫn động vẫn “nói” như thường.
Có một vài người Ki-tô hữu đi đến các tu viện có bầu khí thanh tịnh để tĩnh tâm, nhưng lại đem theo điện thoại cầm tay, ăn trưa xong thì len lén ra ngoài phone cho bạn bè hoặc cho người nhà: cái tâm không tĩnh thì cái miệng tất nhiên phải động; có một vài người Ki-tô hữu tham dự tĩnh tâm của giáo xứ, nhưng cứ tụm ba tụm bảy để nói chuyện của người này đến người khác, có khi to tiếng cãi nhau, bởi vì khi tâm không tĩnh thì cái miệng phải động...
Muốn giữ được cái miệng không nói thì trước hết phải giữ cái tâm thật tĩnh, muốn giữ cái tâm thật tĩnh thì phải suy tư cầu nguyện tức là nói chuyện với Chúa, bởi vì khi chúng ta bận nói chuyện với Chúa rồi thì còn nói chuyện với ai nữa chứ !
Đó là bí quyết để giữ thinh lặng mà bốn vị tu sĩ đã quên sau khi ”mãn khóa” nhà tập hoặc mãn khóa lớp tu đức...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info