Chúng ta có cha có mẹ và cha mẹ yêu thương chúng ta, chăm sóc, bảo vệ. Sau này khôn lớn chúng ta lại tiếp tục coi sóc con của chính mình, bảo vệ và yêu thương chúng. Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ Đức Kitô không có í nói đến mối liên hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái. Đức Kitô ngụ í nói về sứ mạng của Ngài. Sứ mạng đó là Ngài đến để phục vụ mọi người. Con Người đến để phục vụ mọi người.

Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ Đức Kitô muốn nói đến bản tính nhân loại của Đức Kitô. ‘Con Người’ đến dậy cho người ta biết khác biệt giữa sống làm người và sống nên người. ‘Con Người’ đến mang lại ơn an bình, mang tình yêu Chúa đến cho tha nhân, xoa dịu vết thương, chữa lành bệnh tật, an ủi kẻ yếu đau và kết thân cùng kẻ cô đơn cùng khổ. Biết cảm thông với nỗi khổ của mọi người, kẻ khốn cùng, chia sẻ thống khổ của đồng loại. Sống như thế là sống nên người. Sống như thế là hiện thân của tình yêu Chúa cho tha nhân. Tình yêu Chúa biến đổi cuộc sống chúng ta. Tình yêu Chúa biến đổi cách nhìn, cách suy nghĩ và hướng chúng ta đến điều tốt lành. Sống theo í Thiên Chúa không nhằm mục đích thành công nhưng nhằm mục đích thành nhân, thành người có tư cách, có nhân, có nghĩa.

Khi tự nhận mình là ‘Con Người’ như mọi người điều này ngụ í nói Đức Kitô còn một bản tính khác nữa đó chính là bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ngài vừa là Thiên Chúa thật vừa là ‘con Người thật’. Tương tự như thế chúng ta là con người nhân loại và khi tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa chúng ta thực sự trở thành con Thiên Chúa.

Thánh danh ‘Con Người’ có nguồn gốc từ tiên tri Daniel 7,13-14 khi tiên tri nói về hình ảnh con người có quyền trên toàn vũ trụ. Con người đó được ban cho quyền năng trên khắp bầu trời và quyền năng trên tất cả các loài thụ tạo dưới đất. Quyền năng đó vô cùng tận và nước cúa Ngài tồn tại muôn đời, không thế lực nào phá nổi. Mọi ngôn ngữ đều qui phục Ngài. Điều tiên tri này thể hiện nơi con người Giêsu Kitô, sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Điều này xác định bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Khi Đức Kitô tự xưng là ‘Con Người’. Dân Do Thái lúc đó hiểu Ngài muốn nói cho họ biết Ngài là Đấng Thiên Sai.

Ngài dùng hai hình ảnh diễn tả mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Cả hai hình ảnh đều diễn tả một cách nhiệm mầu ơn cứu chuộc và ơn tái sinh. Đức Kitô hay ‘Con Người’ nhân danh nhân loại hoàn thành sứ mạng qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển. Chết để tái sinh. Hình ảnh đầu là hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất nó thối đi, rồi nên mầm, trổ sinh bông trái gấp trăm. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh treo lên cây, hình ảnh của thập tự để kéo nhân loại lên cùng Ngài. Cả hai hình ảnh đều diễn tả sự chết và cả hai hình ảnh đều diễn tả sau chết không phải là thối nát, hư mất mà là thay hình, đổi dạng tiến vào cuộc sống vinh quang. Kitô hữu đi con đường chính ‘Con Người’ đã đi, cuối đường cũng thay hình đổi dạng tiến vào cuộc sống trường sinh, vui sống cạnh ‘Con Người’ vinh quang.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org