Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga hy vọng một mùa Giáng Sinh an bình tại Cộng Hòa Trung Phi

Pháp đã bắt đầu cuộc triệt thoái 2,000 quân khỏi Cộng Hòa Trung Phi trong khi 7,500 quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã được bố trí tại đây. Việc triệt thoái quân Pháp không phải vì tình hình đã hoàn toàn sáng sủa nhưng vì quân số của Liên Hiệp Quốc đang tăng dần và sẽ lên đến 10,000 quân trước ngày 30 tháng 4 năm tới.

Thật thế, trong một diễn biến tệ hại hôm 7 tháng 7, quân khủng bố Séléka đã tấn công vào nhà thờ Thánh Giuse, là nhà thờ chánh tòa của thành phố Bambari. Ít nhất 20 người bị giết chết, hàng chục người bị thương. Họ là một phần trong số hơn 4000 người đang tạm cư trong khuôn viên nhà thờ. Đây chỉ là một vụ điển hình. Những cuộc tấn công lẻ tẻ khác vẫn diễn ra thường xuyên.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy quân Pháp đang thiêu hủy hàng loạt vũ khí tịch thu được của quân Séléka trong các cuộc hành quân tảo thanh sau đó.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm nay để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad nhưng vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Trong thông điệp Giáng Sinh, Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga hy vọng mùa Giáng Sinh này các tín hữu Kitô sẽ được hưởng bình an.

Trong tổng số 5,278,000 dân, 25% dân số là người Công Giáo. Các tín hữu Tin Lành chiếm 25% và người Hồi Giáo chiếm 15%.

2. Có rất ít tín hiệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cởi mở hơn với Kitô giáo

Những bài nói chuyện của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và giám đốc tôn giáo sự vụ, Mehmet Gormez trong các buổi tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy có rất ít tín hiệu là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cởi mở hơn với cộng đồng Kitô giáo tại nước này. Đó là nhận định của nhiều quan sát viên sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 28 đến 30 tháng 11 vừa qua.

Tổng Thống Erdogan, trong bài diễn văn chào mừng Đức Phanxicô hôm thứ Sáu 28 tháng 11, nói rằng, đang có “một khuynh hướng rất nghiêm trọng và phát triển rất nhanh của chủ nghĩa chủng tộc, kỳ thị, và ghét bỏ người khác, nhất là kỳ thị Hồi Giáo, tại Tây Phương”.

Ông Mehmet Gormez cũng phát biểu cùng một quan điểm ấy. Ông nói: “chúng tôi cảm thấy lo lắng và ưu tư đối với tương lai khi bệnh hoang tưởng kỳ thị Hồi Giáo, một bệnh vốn rất thịnh hành trong công luận Tây Phương, đang được sử dụng làm cớ gây áp lực nặng nề, đe dọa, kỳ thị, tha hóa, và tấn công thực sự anh chị em Hồi Giáo của chúng tôi tại Tây Phương”.

Đây là lối nói phủ đầu để che dấu một thực tại vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thế kỷ vừa qua với những biện pháp đa dạng như đóng cửa trường thần học duy nhất tại nước này, tịch thu các nhà thờ Kitô Giáo, trục xuất các tín hữu Kitô; Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc triệt tiêu dần sự hiện diện của Kitô Giáo tại nước này. Từ 20% dân số là các tín hữu Kitô, ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ người Kitô Giáo chỉ chiếm 0.2%.

Giáo Hội Công Giáo chống đối bất cứ thứ kỳ thị tôn giáo nào, dù nó đụng tới ai đi nữa. Và thực sự Đức Phanxicô cũng đã kêu gọi việc trợ giúp các di dân Hồi Giáo tại Tây Âu. Thế nhưng, không thể so sánh tình cảnh của các tín hữu Hồi Giáo tại Tây phương với những gì đang xẩy ra cho các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác tại các nước Hồi Giáo.

Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao hay cảm nghĩ bị cho ra rìa quả là những vấn đề thực sự, nhưng làm sao so sánh được với những đe dọa triệt hạ hàng loạt cộng đồng Kitô Giáo, những cuộc tấn công quy mô, trong một chương trình thanh trừng tôn giáo và diệt chủng thực sự.

Sử dụng “chiêu bài kỳ thị Hồi Giáo” làm cớ để trì hoãn không chịu hành động gì đối với chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo, nhẹ nhất, cũng bị coi là không trung thực. Mà tệ nhất, phải bị coi là đồng lõa vào việc gây ra đau khổ cho người khác.

Trên chuyến bay trở về Rôma, Đức Phanxicô cho các ký giả biết ngài đã nói với tổng thống Erdogan rằng sẽ tốt đẹp xiết bao “nếu mọi nhà lãnh đạo Hồi Giáo, kể cả các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các nhà khoa bảng, lên tiếng rõ ràng” chống lại chủ nghĩa quá khích Hồi Giáo.

Cũng trong cuộc họp báo trên, Đức Phanxicô cho hay: “tất cả chúng ta cần có sự lên án khắp thế giới, cả từ chính người Hồi Giáo, những người vốn cho rằng ‘chúng tôi không như thế. Kinh Kôrăng không như thế’”.

Ngài cũng cương quyết cảnh cáo trước tình thế của các Kitô hữu tại Trung Đông. “Thực sự, tôi không muốn dùng các từ ngữ bọc đường. Các Kitô hữu đang bị xua đuổi ra khỏi Trung Đông. Đôi khi, như ta thấy ở Iraq, khu vực Mosul, họ phải ra đi trong khi phải để lại mọi sự”.

3. Nạn buôn cơ phận người trên thế giới


Đầu tháng 12, tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo tôn giáo khác, cũng ký một tuyên ngôn chung khác chống lại nạn buôn cơ phận người. Đây là một thực tại rất kinh hoàng.

Theo bản tường trình năm 2007 của các chuyên viên Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới hàng năm trên toàn cầu có 21,000 vụ ghép gan, 66,000 vụ ghép thận và 6,000 vụ ghép tim. Năm phần trăm các cơ phận phát xuất từ chợ đen với các lợi nhuận lên đến 1,2 tỷ mỹ kim. Và các vụ buôn bán cơ phận bất hợp pháp này ngày càng gia tăng tạo thành cả một siêu thị quốc tế buôn bán cơ phận người. Năm 2004 Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới đã kêu gọi các quốc gia thành viên có các biện pháp che chở các nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất chống lại nạn du lịch cấy ghép cơ phận và bán các mô và cơ phận người, cũng như đề phòng nạn buôn bán cơ phận xuyên quốc gia.

Các quốc gia chính bán cơ phận người là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Philippines, và Colombia. Trong khi người mua cơ phận thuộc các các nước kỹ nghệ giầu tại Âu châu, Hoa Kỳ, các nước vùng Vịnh Ba Tư, Israel, Nhật Bản, Australia và Canada. Và đa số các nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán cơ phận người là dân nghèo, thường khi gồm cả trẻ em, bị áp lực, hay bị dụ dỗ bán cơ phận để gia đình có thể sống còn. Họ chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ nhoi, trong khi những kẻ ăn cắp cơ phận bán lại chúng với gía đắt hơn vàng.

Bên châu Mỹ Latinh người ta rao bán cơ phận trên báo chí. Bên Indonesia các nhà báo chụp được hình của một người cha cầm bảng rao bán cơ phận mình ngoài đường phố để có tiền cho con ăn học. Tại Ấn Độ và Pakistan hằng năm có 2.000 người bán cơ phận, thường là thận.

Tuy nhiên, trong thị trường buôn bán cơ phận người, Trung Quốc đứng hàng đầu. Điều tệ hại hơn nữa là đa số các cơ phận đều là các cơ phận ăn cướp từ các tù nhân. Theo bản tường trình của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới trong năm 2005 Trung Quốc đã bán 12,000 trái thận và 900 lá gan của các tù nhân bị hành quyết cho các người Hoa giầu có, hay cho các người ngoại quốc không thể chờ đợi một cơ phận hợp pháp.

4. Ít du khách đến mừng Giáng Sinh tại Thánh Địa hơn năm ngoái

Cuộc tấn công diễn ra vào hôm thứ Ba 18 tháng 11 tại hội đường Do Thái Kehillat Bnei Torah trong lúc 25 tín hữu Do Thái Giáo đang cầu nguyện tại đây đã ảnh hượng nặng đến số lượng du khách đến Thánh Địa mừng lễ Giáng Sinh.

Trong cuộc tấn công được ghi nhận là tệ hại nhất trong suốt 6 năm qua, hai người Palestine vũ trang bằng súng và búa đã tấn công một hội đường Do Thái tại Giêrusalem, giết chết 5 người trong đó 4 rabbis Do Thái. Cả hai tên khủng bố đều bị giết chết tại chỗ.

Đối với nhiều người Palestine, mùa Giáng Sinh là mùa đầy hy vọng nhất trong một năm mặc dù bầu khí lễ hội vẫn chưa được tưng bừng như trong thời gian trước cuộc nổi dậy Intifida lần thứ hai của người Palestine kéo dài từ tháng 9 năm 2000 đến năm 2005.

Mùa hy vọng này được bắt đầu cả tháng trước lễ Giáng Sinh, tức là vào ngày lễ Thánh Catherine thành Alexadria hôm 25 tháng 11, khi các khách hành hương bắt đầu kéo đến Bethlehem đông đảo mang theo nguồn lợi tức đáng kể cho dân chúng địa phương.

Dịp lễ Phục Sinh cũng là một thời gian có đông khách hành hương. Tuy nhiên, các nghi thức chỉ tập trung tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem và nhà thờ Emmau. Trong thời gian này cũng diễn ra Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì lý do an ninh, nên trong dịp đó sự di chuyển của người Palestine và của các du khách gặp nhiều phiền toái.

Bethlehem thuộc vùng Tây Ngạn cách Jerusalem 10km về phía Nam. Sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967, Israel đã đơn phương sát nhập khu vực đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Cho nên, tuy chỉ cách 10km nhưng Bethlehem thuộc về lãnh thổ của Palestine, trong khi Jerusalem thuộc Israel.

5. Mùa Giáng Sinh trong âu lo tại Baghdah

Bẩy cảnh sát viên tại thủ đô Baghdah đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng xe bom tự sát hôm 7 tháng 12. 26 người khác bị thương trong vụ này. Trên đây chỉ là một vụ tấn công điển hình trong số những cuộc nổ bom diễn ra gần như hàng ngày tại thủ đô Iran.

Bầu không khí Giáng Sinh, do đó, hầu như không hề hiện hữu tại quốc gia này. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, chỉ trong tháng 11 vừa qua đã có 936 thường dân và 296 nhân viên an ninh đã thiệt mạng tại Iraq, nâng số người chết trong năm nay lên gần 12.000.

Bất chấp các cuộc tấn công của không quân Mỹ, quân khủng bố Hồi Giáo IS tiếp tục củng cố quyền lực của chúng tại Iraq và Syria trên một khu vực rộng lớn trong những tháng gần đây.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS hiện kiểm soát hơn một phần ba lãnh thổ Syria và gần một nửa nước Iraq.

6. Giáng Sinh tại Budapest đánh dấu bởi những cuộc biểu tình chống tham nhũng

Mùa Giáng Sinh năm nay tại thủ đô Hung Gia Lợi được đánh dấu bởi hàng loạt những cuộc biểu tình chống tham nhũng.

Đất nước với 10 triệu dân trong đó 37.2% là người Công Giáo đang trải qua một thời kỳ kinh tế khó khăn mà những người biểu tình quy cho là vì nạn tham nhũng đã trở nên trầm trọng dưới thời thủ tướng Viktor Orban.

Trong video này, một đám đông ước tính khoảng 3,000 người đã tuần hành từ quốc hội đến dinh tổng thống, hô vang khẩu hiệu "không khoan nhượng" với tham nhũng.

Gabor Vago, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói với đám đông:

"Chính phủ của chúng ta trở nên giàu có rất nhanh chóng, trong khi hầu hết mọi người đã nghèo đi rất nhanh".

Những người biểu tình đã giơ cao các băng-rôn lên án một số viên chức cao cấp của chính phủ của thủ tướng Orban bị cáo buộc trong vụ tai tiếng tham nhũng gần đây.

Họ cũng đòi bà Ildiko Vida, cục trưởng cục Thuế Vụ Hung Gia Lợi phải từ chức. Tháng trước bà bị Bộ Ngoại giao Mỹ cấm nhập cảnh vào Mỹ vì những cáo buộc tham nhũng do báo chí đưa ra.

Vida quyết liệt cho rằng mình vô tội, trong khi thủ tướng Orban đòi phía Mỹ phải cung cấp bằng chứng cho lệnh cấm nhập cảnh này và tố cáo Mỹ can thiệp vào nội bộ của Hung Gia Lợi.

7. Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syria nói để bảo đảm sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Đông cần tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo

Đức Thượng Phụ Ignace Yousif Yunan Đệ Tam là Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syria lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong Mùa Đông năm nay khi hàng mấy triệu người Iraq và Syria đang phải đón mừng Chúa Giáng Sinh trong đói rét, bần cùng và một tương lai bất định.

Ngài phàn nàn rằng những người tị nạn đã bị thế giới này lãng quên. Thật thế, đầu tháng này chương trình Lương thực Thế giới công bố họ đang cạn kiệt dần tài chính để nuôi ăn khoảng hai triệu người tị nạn Syria. Đối với những người tị nạn đây quả là một tin “sét đánh ngang tai”.

Đức Thượng Phụ nói:

"Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm nhiều thị trấn của Công Giáo nghi lễ Syria như Qaraqosh, chẳng hạn, hàng trăm ngàn tín hữu của chúng tôi phải bỏ tất cả lại sau lưng để chạy trốn. Họ đang rất cần được viện trợ đặc biệt trong mùa đông khắc nghiệt này. Viện trợ từ cộng đồng quốc tế sẽ không chỉ giúp họ về mặt vật chất, nhưng cho họ họ thấy rằng họ không đơn độc và không bị lãng quên."

Đức Thượng Phụ Yunan, hiện đang có trụ sở tại Li Băng, nhấn mạnh rằng về lâu dài sự hiện diện Kitô giáo ở Iraq và Syria chỉ có thể được đảm bảo bằng cách tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo.

Ngài nói:

“Trong tư cách là một đại gia đình thế giới, chúng ta phải dấn thân nỗ lực hướng tới sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo"

8. Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nói viện trợ dành cho người tị nạn quá nhỏ giọt.

Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê thuộc tòa Babylon là Đức Hồng Y Louis Raphael Sako đang ở thăm Erbil là thủ phủ của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Ngài đã đi thăm cộng đồng các Kitô hữu tị nạn đang tá túc tại thành phố này.

Hơn 800,000 người đang chen chúc tại thành phố này sau khi Mosul, là thành phố lớn thứ hai của Iraq, và vùng bình nguyên Ninivê rộng lớn lọt vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS hôm 10 tháng Sáu năm nay.

Vùng Ninivê là quê hương của một cộng đoàn các tín hữu Kitô kỳ cựu đã được hình thành từ thời các thánh Tông Đồ.

"Nếu chúng ta thực sự không muốn thấy một Trung Đông không còn sự hiện diện của các Kitô hữu thì chúng ta phải hành động. Kitô hữu chúng ta ở Trung Đông sẽ còn có tương lai nếu cộng đồng quốc tế giúp đỡ ngay. Đừng quên chúng tôi”.

Ngài cho biết “Những người tị nạn đang thất vọng vì sự giúp đỡ mà họ đã được nhận cho đến nay là quá ít, quá chậm chạp và nhỏ giọt"

Đức Thượng Phụ nói thêm:

"Hiện nay có khoảng 120,000 Kitô hữu đang sống với những người tị nạn khác ở Erbil. Họ cần mọi thứ vì quân khủng bố Hồi Giáo IS đã lấy tất cả những gì họ có. Thách thức lớn nhất tại thời điểm hiện tại là việc cung cấp nơi ăn chốn nghỉ và sinh hoạt. Mùa đông ở miền Iraq Kurdistan có thể rất lạnh và người ta không thể nào ở lại trong những lều tạm thời được. Chúng tôi chủ yếu cần sự hỗ trợ ở điểm này"