Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng

Thực tại có thể bẽ bàng, nhưng bất chấp đau khổ, băng hoại và sự thờ ơ trong thế giới ngày nay, là những Kitô hữu chúng ta phải ngẩng cao đầu trong hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm, 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Suy tư trên các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về số phận của hai thành Babylon và Giêrusalem. Ngài chỉ ra rằng cả hai bài đọc trích từ sách Khải Huyền và từ Tin Mừng của Thánh Luca đều lôi cuốn sự chú ý của chúng ta đến thời kỳ thế mạt.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bài đọc đã đề cập đến sự sụp đổ của hai thành phố đã từ chối đón nhận Chúa và xa lánh Ngài. Hai thành phố này đã sụp đổ vì những lý do khác nhau. Babylon là “biểu tượng của sự dữ, và tội lỗi” và “sụp đổ vì sự băng hoại của nó”. Thành phố này tin rằng nó là “phi tần của thế giới và của chính nó”. Khi “tội lỗi chất chứa anh chị em sẽ mất khả năng chống trả và bắt đầu băng hoại”. Điều này cũng xảy ra với “một dân tộc băng hoại, là những người không còn sức để chống trả nữa”.

Đức Thánh Cha nói:

“Sự băng hoại đem lại cho con người chút hoan lạc nào đó. Nó đem lại cho anh chị em quyền lực và làm cho anh chị em cảm thấy hài lòng với chính mình. Nhưng nó khiến cho chúng ta không còn chỗ cho Chúa, cho sự ăn năn hoán cải. Kinh thành này băng hoại … Từ ‘băng hoại’ nói với chúng ta rất nhiều điều. Không chỉ băng hoại trong kinh tế, nhưng còn băng hoại với nhiều thứ tội lỗi đa dạng, băng hoại của một tinh thần ngoại giáo, tinh thần thế gian!

Nền “văn hóa băng hoại” làm cho anh chị em cảm thấy như đang ở trên thiên đường, ngay tại thế này” nhưng “bên trong, nền văn hóa băng hoại là một nền văn hóa thối nát”. Babylon là biểu tượng cho “mọi xã hội, mọi nền văn hóa trong đó con người tách mình ta khỏi Thiên Chúa. Họ tách ra khỏi tình yêu tha nhân và cuối cùng dẫn đến thối nát”.

Giêrusalem lại sụp đổ “vì lý do khác”. Giêrusalem là hôn thê của Thiên Chúa, nhưng lại không đón nhận Đấng Phu Quân của mình. Nó làm Chúa Giêsu bật khóc”.

Babylon sụp đổ vì băng hoại; còn Giêrusalem thì vì mất đi căn tính của mình, đã không tiếp nhận Chúa, là Đấng đến để giải thoát mình. Cô dâu này thấy không cần đến ơn cứu độ. Kinh thành này đã có luật của Mosê, và nó cảm thấy như thế là đủ rồi. Nhưng những luật lệ ấy là những bản văn đóng kín làm cho kinh thành ấy không còn chỗ cho ơn cứu độ. Nó đã đóng cửa không để Chúa đến. Ngài đã đến gõ cửa nhà nhưng gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài. Họ đã không lắng nghe tiếng Ngài hầu được cứu sống. Và vì vậy Giêrusalem sụp đổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự sụp đổ của hai thành này giúp chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chính chúng ta. Chúng ta có “băng hoại như Babylon và tự mãn như Giêrusalem” hay không?

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sứ điệp của Giáo Hội trong những ngày này không kết thúc với sự hủy diệt. Thật thế, cả hai bài đọc đều chứa đựng những lời hứa đầy hy vọng”. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta ngẩng đầu lên “đừng sợ hãi trước phường ngoại giáo.” Những kẻ này “có thời của chúng, và chúng ta phải kiên nhẫn, như Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng cuộc Thương Khó của Ngài.”

“Khi chúng ta nghĩ về thời thế mạt, với tất cả những tội lỗi của chúng ta, lịch sử của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến bàn tiệc sẽ được ban cho chúng ta cách nhưng không và chúng ta hãy ngẩng đầu lên. Đừng chiều theo tuyệt vọng! nhưng hãy hy vọng! Thực tế có thể bẽ bàng: có rất nhiều người, nhiều thành phố và dân chúng sẽ phải chịu đau khổ, với cơ man những cuộc chiến tranh, vô vàn những thù hận, và ghen tị, tinh thần thế gian thống trị thế giới và bao nhiêu những băng hoại. Vâng, thật thế! Nhưng tất cả những điều này sẽ qua đi! Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để biết luôn luôn sẵn sàng cho bàn tiệc đang đón đợi chúng ta, và luôn luôn biết ngẩng cao đầu”.

2. Tất cả dành cho Chúa và tha nhân

Khi nào Giáo Hội sống khiêm nhường và khó nghèo, và trao ban tất cả những gì mình có cho Chúa và tha nhân, mà không giữ lại gì cho riêng mình thì khi đó Giáo Hội “trung tín” với Chúa Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 24 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Suy tư của Đức Thánh Cha dựa vào bài Tin Mừng trong đó kể lại câu chuyện một bà góa nghèo đã dâng cúng vào đền thờ tất cả những gì bà có dù chỉ là hai đồng xu, trong khi những kẻ giàu có dâng cúng những của dư thừa của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Tin Mừng trình bày hai khuynh hướng luôn luôn tái hiện trong lịch sử Giáo Hội. Một Giáo Hội bị cám dỗ vì sự phù hoa của thế giới và một “Giáo Hội nghèo”, không có thứ giàu sang nào khác hơn là vị Phu Quân của mình, như một bà goá khiêm nhường.

“Tôi thích thấy Giáo Hội trong hình ảnh của một bà goá, vì theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội đang chờ đợi Phu Quân của mình sẽ trở lại. Nhưng hiện nay nàng đã gặp vị hôn phu của mình trong bí tích Thánh Thể, trong Lời Chúa, nơi những người nghèo khó. Vâng đúng là như vậy! Nhưng nàng vẫn còn phải chờ vị hôn phu của mình trở lại. Đó chính là thái độ của Giáo Hội. Bà góa nghèo này không phải là nhân vật quan trọng. Tên bà không được nêu trên báo chí. Chẳng ai biết bà là ai. Bà không có bằng đại học…không có gì cả. Bà không tỏa sáng bởi hào quang của chính mình. Đó là những gì khiến tôi thích nhìn Giáo Hội trong hình ảnh bà goá nghèo này. Giáo Hội không nên tỏa sáng trong hào quang của riêng mình nhưng trong ánh sáng đến từ vị Hôn phu của nàng. Trong suốt bao nhiêu thế kỷ, bất cứ khi nào Giáo Hội đi tìm vinh quang cho riêng mình thì lúc đó Giáo Hội đi sai đường.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Thật thế, đôi khi Thiên Chúa muốn Giáo Hội của Ngài có hào quang riêng, và tỏa sáng hào quang ấy, nhưng đó là vì sứ mạng của Giáo Hội là chiếu soi cho nhân loại ánh sáng mà Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô với một thái độ khiêm nhường.

Tất cả mọi thứ chúng ta thực hiện trong Giáo Hội là làm sao để chúng ta có thể nhận được ánh sáng này. Sứ vụ nào không được thực hiện dưới ánh sáng này đều là không tốt: nó sẽ làm cho Giáo Hội giàu có, quyền thế, hay khiến cho Giáo Hội say sưa tìm kiếm quyền lực, và đi lạc đường như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta muốn có một thứ ánh sáng khác, không phải là ánh sáng từ Chúa Kitô mà chỉ là ánh sáng của chúng ta.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng: Khi nào Giáo Hội trung thành với Hôn Phu của mình thì Giáo Hội vui mừng đón nhận ánh sáng từ Ngài theo đúng nghĩa của từ “góa bụa”: nghĩa là chờ đợi, như mặt trăng mong mặt trời ló dạng.

“Khi Giáo Hội khiêm nhường và khó nghèo, ngay cả khi Giáo Hội thú nhận những thê thảm của mình như tất cả chúng ta đã từng thấy thì Giáo Hội trung tín với Chúa Kitô. Giáo Hội nói: ‘Tôi đang trong tối tăm, nhưng ánh sáng của tôi đến từ phía bên kia!’ Điều này mang lại thiện ích cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin cùng bà góa nghèo này, là người chắc chắn giờ đây đang trên nước Thiên Đàng, xin bà dạy dỗ chúng ta để trở nên một Giáo Hội như thế, một Giáo Hội trao ban mọi thứ mình có mà không giữ lại riêng cho mình điều gì. Tất cả mọi thứ đều dành cho Chúa và cho tha nhân. Một Giáo Hội khiêm nhường. Không bao giờ tìm hào quang cho mình nhưng luôn luôn tìm kiếm ánh sáng đến từ Thiên Chúa.”

3. Chúa cho ông Ladarô chết chôn bốn ngày sống lại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng Vụ trong những ngày cuối năm trình bày về thời thế mạt. Như quý vị và anh chị em và anh chị em đã nghe trong bài chia sẻ đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chương trình hôm nay, thực tế có thể bẽ bàng: có rất nhiều người, nhiều thành phố và dân chúng sẽ phải chịu đau khổ, với cơ man những cuộc chiến tranh, vô vàn những thù hận, và ghen tị, tinh thần thế gian thống trị thế giới và bao nhiêu những băng hoại. Nhưng khi chúng ta nghĩ về thời thế mạt, ngay cả với tất cả những tội lỗi của chúng ta, lịch sử của chúng ta, chúng ta biết tất cả những điều này sẽ qua đi! Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để biết luôn luôn sẵn sàng cho bàn tiệc đang đón đợi chúng ta, và luôn luôn biết ngẩng cao đầu hy vọng chờ đợi Chúa đến trong Mùa Vọng hồng phúc này.

Trong bối cảnh đó, Như Ý xin giới thiệu với quý vị và anh chị em câu chuyện cảm động Chúa cho ông Ladarô chết bốn ngày sống lại.

Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng". Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh".

Ðức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô.

Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!" Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Dothái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" Ðức Giêsu trả lời:

"Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!"

Nói những lời này xong, Người bảo họ: "Ladarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây". Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại". Ðức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy". Ông Tôma, gọi là Ðiđymô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"

Khi đến nơi, Ðức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số. Nhiều người Dothái đến chia buồn với hai cô Mácta và Maria, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Mácta nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy". Ðức Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" Cô Mácta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết". Ðức Giêsu liền phán:

"Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?"

Cô Mácta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian".

Nói xong, cô đi gọi em là Maria, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Maria vội vàng đứng lên và đến với Ðức Giêsu. Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mácta đã ra đón Người. Những người Dothái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Ðức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết". Thấy cô khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem". Ðức Giêsu liền khóc. Người Dothái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết được ư?" Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Ðức Giêsu nói: "Ðem phiến đá này đi". Cô Mácta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". Ðức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói:

"Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con".

Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi".

4. Kitô hữu trong viễn tượng ngày thế mạt

Khi trình bày Giáo Hội cho con người thời nay, Công đồng chung Vatican 2 ý thức rõ một chân lý cơ bản không bao giờ được quên, đó là: Giáo Hội không phải là một thực tại tĩnh, đứng im, không phải mục tiêu cho chính mình, nhưng Giáo Hội liên tục tiến bước trong lịch sử, hướng về mục tiêu tối hậu và tuyệt vời là Nước Trời, và Giáo Hội ngay tại trần thế này là mầm mống và là khởi đầu của Nước ấy (Xc LG 5). Khi hướng về chân trời đó, chúng ta nhận thấy trí tưởng tượng của chúng ta khựng lại, chỉ có thể trực giác được phần nào sự huy hoàng của mầu nhiệm vượt lên trên giác quan của chúng ta. Và tự nhiên nổi lên trong chúng ta một số câu hỏi: khi nào thì giai đoạn chót sẽ đến? Chiều kích mới mà Giáo Hội sẽ bước vào như thế nào? Nhân loại lúc ấy ra sao? và thiên nhiên bao quanh chúng ta sẽ thế nào?

Những câu hỏi này không mới mẻ gì, các môn đệ của Chúa Giêsu thời ấy cũng đã nêu lên: “Khi nào thì điều ấy sẽ xảy ra?”.. Khi nào thì Thần Trí chiến thắng thiên nhiên, trên công trình tạo dựng, trên mọi sự..? Đó là những câu hỏi của con người, những câu hỏi đã có từ xưa, và cả chúng ta cũng đặt những câu hỏi như vậy.

Đức Thánh Cha giải thích về những câu hỏi ấy như sau:

Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng của Công đồng chung Vatican 2, đứng trước những vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm hồn con người như thế, đã khẳng định rằng: “Chúng ta không biết khi nào sẽ đến ngày tận thế và chúng ta không biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Chắc chắn diện mạo của thế giới này qua đi, bị biến dạng vì tội lỗi. Nhưng do mạc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chuẩn bị một nơi ở mới và đất mới, trong đó có công lý ngự trị, và hạnh phúc sẽ làm mãn nguyện hoàn toàn mọi ước muốn an bình từ tâm hồn con người” (n.39). Và thế là mục đích mà Giáo Hội hướng tới chính là ”thành Jerusalem mới”, là ”thiên đàng”. Đó không phải là một nơi cho bằng một ”trạng thái” trong đó những mong đợi sâu xa nhất của chúng ta sẽ thành tựu, và cuộc sống chúng ta, trong tư cách là thụ tạo và là con Thiên Chúa, sẽ đạt tới mức độ trưởng thành trọn vẹn. Sau cùng chúng ta sẽ được vinh quang, an bình và tình thương của Thiên Chúa hoàn toàn, không còn chịu giới hạn nào và chúng ta sẽ được diện đối diện với Chúa! (Xc 1 Cr 13,12).

Trong viễn tượng này, thật là đẹp khi nhận thấy có sự nối tiếp và hiệp thông sâu xa giữa Giáo Hội thiên quốc và Giáo Hội lữ hành trên mặt đất. Những người đang sống trước nhan Thiên Chúa có thể nâng đỡ và chuyển cầu cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Đàng khác, cả chúng ta cũng luôn được mời gọi dâng những công việc lành, kinh nguyện và Thánh Lễ để xoa dịu sầu muộn của các linh hồn con đang chờ đợi hạnh phúc vô biên. Đúng vậy, vì trong nhãn giới Kitô giáo, không còn phân biệt giữa những người đã chết và những người còn sống, nhưng là giữa người ở trong Chúa Kitô và những người không ở trong Ngài! Đó chính là yếu tố chủ yếu, có tính chất quyết định đối với phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta.

Đồng thời Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự hoàn thành ý định tuyệt vời này không thể không liên hệ tới tất cả những gì quanh chúng ta và xuất phát từ tư tưởng và tâm hồn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định rõ ràng điều đó khi ngài nói rằng ”cả thụ tạo cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ sự hư nát, để bước vào trong tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Các văn bản khác sử dụng hình ảnh “trời mới” và “đất mới” (Xc 2 Pr 3,13), Kh 21,1), theo nghĩa toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới và sẽ được giải thoát một lần cho tất cả khỏi mọi vết tích sự ác và cả sự chết. Điều được nhắm tới giống như hoàn thành một sự biến đổi đã khởi sự, trong thực tế, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Ktiô, và vì thế đó là một sự tạo dựng mới; đó không phải là một sự tiêu diệt vũ trụ và tất cả những gì bao quanh, nhưng là đưa mọi sự đến mức độ viên mãn, đến chân lý và vẻ đẹp. Đó là ý định của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, từ đời đời muốn thực hiện và đang thực hiện”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, khi nghĩ đến những thực tại tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta, chúng ta thấy rằng được thuộc về Giáo Hội quả là một hồng ân tuyệt vời, mang theo ơn gọi cao cả nhất của chúng ta! Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội, luôn canh chừng hành trình của chúng ta và giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành dấu chỉ vui mừng tín thác và hy vọng giữa anh chị em chúng ta”.

5. Vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống Giáo Hội

Trong thánh lễ chiều thứ Bẩy 29 tháng 11 tại nhà thờ chính toà Thánh Linh ở Istanbul Đức Thánh Cha đã diễn giải về vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của Giáo Hội và các tín hữu:

Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội. Ngài ban sự sống, khơi dậy các đoàn sủng khác nhau làm cho Dân Chúa được phong phú và nhất là Ngài kiến tạo sự hiệp nhất giữa các tín hữu: từ nhiều người, Chúa biến họ thành một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Toàn thể cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội tùy thuộc Chúa Thánh Linh; Ngài thực hiện mọi sự.

Như thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ I hôm nay, chính việc tuyên xưng đức tin chỉ có thể thực hiện nhờ Chúa Thánh Linh soi dẫn: “Không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa!’ nếu họ không được Chúa Thánh Linh tác động” (1 Cr 12,3b). Khi chúng ta cầu nguyện, chính là vì Chúa Thánh Linh khơi dậy kinh nguyện trong tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta phá vỡ cái vòng ích kỷ của mình, chúng ta ra khỏi chính mình và đến với tha nhân để gặp gỡ họ, lắng nghe, giúp đỡ họ, chính là Chúa Thánh Linh thúc đẩy chúng ta....

Đề cập đến những đoàn sủng đa dạng trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Thánh Linh cũng khơi dậy những đoàn sủng khác nhau trong Giáo Hội; bề ngoài điều này có vẻ là tạo nên sự xáo trộn, nhưng trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của Ngài, điều ấy tạo nên một sự phong phú vô biên, vì Thánh Linh là thần trí hiệp nhất, nhưng không có nghĩa đồng nhất. Chỉ Thánh Linh mới có thể khơi lên sự khác biệt, đa dạng, và đồng thời kiến tạo sự hiệp nhất. Khi chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt và khép kín mình trong những cục bộ và độc quyền của mình, thì chúng ta gây ra chia rẽ; và khi chúng ta muốn thực thi sự hiệp nhất theo những kế hoạch con người, thì rốt cuộc chúng ta tạo nên sự đồng nhất. Trái lại nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, thì sự phong phú, khác biệt, đa dạng không bao giờ trở thành xung đột, vì Chúa thúc đẩy chúng ta sống sự khác biệt trong tình hiệp thông của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

Nhiều chi thể và đoàn sủng có một nguyên lý hòa hợp trong Thần trí của Chúa Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã và còn tiếp tục sai đến để thực hiện sự hiệp nhất nơi các tín hữu. Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội được hiệp nhất: hiệp nhất trong đức tin, trong đức ái, trong sự hòa hợp nội tâm. Hội Thánh và các Giáo Hội được mời gọi để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, đặt mình trong thái độ cởi mở, ngoan ngoãn và vâng phục.

Đây là một viễn tượng hy vọng, nhưng đồng thời cũng là viễn tượng cơ cực, vì trong chúng ta luôn có cám dỗ chống lại Chúa Thánh Linh.. Ở lại trong tình trạng tĩnh và bất động thì dễ dàng và thoải mái hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và đòi Thánh Linh phải chiều theo ý mình. Và các tín hữu Kitô chúng ta trở thành những môn đệ chân chính, môn đệ thừa sai, có khả năng đánh động lương tâm, nếu chúng ta từ bỏ thái độ tự vệ và để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn. Ngài chính là sự tươi mát, là óc sáng tạo và mới mẻ.

Thái độ tự vệ của chúng ta có thể được biểu lộ qua sự bám víu thái quá vào những ý tưởng, sức mạnh của mình, và thế là chúng ta rơi vào chủ thuyết tự cứu độ bằng sức riêng của mình, hoặc thái độ tham vọng và háo danh. Những thái độ tự vệ như thế ngăn cản không cho chúng ta hiểu rõ tha nhân và chân thành cởi mở đối với với họ. Nhưng Giáo Hội xuất phát từ lễ Hiện Xuống, được giao phó lửa của Thánh Linh, Đấng không làm đầy tâm trí bằng những ý tưởng, nhưng thiêu đốt tâm hồn; Giáo Hội được luồng gió của Thánh Linh thổi vào, luồng gió không thông truyền quyền lực, nhưng làm cho Giáo Hội có khả năng phục vụ trong yêu thương, một ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: trong hành trình đức tin và đời sống huynh đệ của chúng ta, hễ chúng ta càng khiêm tốn để cho Thánh Linh của Chúa hướng dẫn, thì chúng ta càng vượt thắng được những hiểu lầm, chia rẽ và những tranh luận, chúng ta sẽ là dấu chỉ đáng tin cậy về sự hiệp nhất và an bình.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Pelatre dòng Đa Minh, Đại diện Tông Tòa Istanbul của Công Giáo la tinh đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha. Ngài nhắc đến cuộc viếng thăm của các vị Giáo Hoàng trước đây tại thánh đường này, đặc biệt là Đức Gioan 23 khi còn làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cộng đoàn Công Giáo địa phương đã vui mừng vì lễ phong hiển thánh cho Người và đã tổ chức nhiều sinh hoạt, trong đó có cả buổi thuyết trình của Đức Thượng Phụ Chính thống Báctôlômêô .

Đức Thánh Cha đã tặng cho Nhà Thờ chính tòa một chén lễ bằng bạc và một áo lễ.