Ngày 28 này, Đức Phanxicô sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ, gặp gỡ nhà cầm quyền nước này và thăm người anh em trong Chúa Kitô là TP Báctôlômêô I, được mệnh danh là Thượng Phụ Đại Kết.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một quốc gia Hồi Giáo và tuy đây là giáo đô tinh thần của thế giới Chính Thống Giáo gồm gần 3 trăm triệu tín đồ, nhưng số tín hữu Kitô Giáo nói chung chỉ trên dưới 100,000 người. Đó là con số ước lượng của Đức Cha François Yakan, đại diện thượng phụ Canđê tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số Thổ hiện lên tới 76 triệu người, đại đa số theo Hồi Giáo Sunni. Trước đây, dân số Kitô Giáo lớn hơn thế rất nhiều, nhưng sau vụ diệt chủng người Ácmêni và thảm sát tín hữu Chính Thống Syria giữa các năm 1895 và 1915 với số nạn nhân lên tới hàng triệu, con số đã giảm sút một cách thảm hại. Ngày nay, vẫn còn cả hàng nghìn ngôi nhà thờ và đan viện rải rác khắp xứ trong tình trạng tan hoang và bị bỏ rơi.

Đức Cha Yakan nhận định rằng các Kitô hữu ngày nay tại Thổ Nhĩ Kỳ bị coi như người ngoại quốc trên ngay xứ sở của họ, dù quyền tự do thờ phượng được hiến pháp thừa nhận. Trong những năm gần đây, một số giáo sĩ Công Giáo và Thệ Phản bị giết và trong năm 2007, Hrant Dink, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ gốc Ácmêni, bị ám sát. Ông là người tích cực vận động cho việc xứ này nhìn nhận tội diệt chủng người Ácmêni và là nhà tranh đấu cho quyền lợi thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một số khá đông người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn còn tin rằng người Kitô hữu muốn tạo bất ổn cho đất nước.

Mark Lowen của BBC tại Istanbul, một ngày trước cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô, đã cho chạy hàng tít: “Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Các Kitô Hữu Thổ Nhĩ Kỳ Phải Đối Diện Với Những Thời Kỳ Căng Thẳng”. Theo ông, tại Thổ Nhĩ Kỳ, không có biểu tượng nào cho thấy cuộc va chạm giữa các nền văn minh rõ ràng hơn Hagia Sophia. Trong cả gần một ngàn năm trước đây, tòa nhà này vốn là ngôi nhà thờ chính tòa quan trọng nhất của thế giới Chính Thống Giáo, vì nó vốn là trái tim tôn giáo của đế quốc Kitô Giáo Byzantine với thủ đô mang tên Constantinople. Nhưng năm 1453, thành phố rơi vào tay người Ottomans, và Hagia Sophia trở thành một đền thờ Hồi Giáo và Kitô Giáo bắt đầu suy giảm ở đây.

Việc suy giảm ấy càng gia tăng với sự sụp đổ của Đế Quốc Ottoman. Ngày nay, khi Đức Phanxicô tới Thổ Nhĩ Kỳ, ngài sẽ chứng kiến một đất nước trước đây 100 năm người Kitô Giáo chiếm 20% dân số, nay chỉ còn chừng 0.2%.

Sử gia Cengiz Aktar cho rằng: “không một quốc gia nào ở trong vùng, kể cả Iran, lại thuần nhất theo nghĩa Hồi Giáo như Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là một quốc gia một mầu, mầu Hồi Giáo”.

Sau khi ra đời năm 1923, Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc trao đổi dân số với Hy Lạp để tạo ra một thứ nhất quán nhiều hơn về sắc tộc và tôn giáo. Hơn một triệu người Hy Lạp buộc phải rời Thổ Nhĩ Kỳ trong khi 300,000 người Hồi Giáo từ Hy Lạp hồi hương về Thổ.

Thoạt đầu, những người Hy Lạp tại Istanbul được tha, nhưng sau đó, vì thuế má quá nặng và vì những cuộc sát phạt (pogrom) năm 1955 và tống xuất người Hy Lạp hàng loạt năm 1964, cộng đồng Hy Lạp quả rơi vào tình thế tả tơi. Và do đó, cả Kitô Giáo Chính Thống mà họ thực hành nữa.

Aktar cho rằng cuộc thanh trừng các nhóm thiểu số sắc tộc không phải Hồi Giáo này nhằm làm cạn chất sám. Vì quả tình khi hành động như thế, người Thổ đã triệt hạ cả một giai cấp tư sản vì những người Hy Lạp này không những giầu có mà còn là những thợ thủ công lành nghề. Hậu quả: di sản Hy Lạp và Do Thái biến khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải chỉ có người Hy Lạp, người Kitô Hữu gốc Ácmêni cũng cùng chung số phận. Hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc này bị tống xuất năm 1915. Họ bị giết hay chết vì đói và bệnh tật. Nhãn hiệu “diệt chủng” bị nhà nước Thổ bác bỏ. Từ một dân số 2 triệu, hiện chỉ còn 50,000 người Ácmêni tại Thổ mà thôi.

Hrant Dink đã nói ở trên chính là một người gốc Ácmêni và là chủ bút tờ tờ tuần báo Ácmêni tại Istanbul. Việc sát hại ông năm 2007 đã để lại một cảm giác luôn cảm thấy bị đe dọa nơi cộng đồng Ácmêni. Đến nỗi, người kế nghiệp ông là Robert Koptas cho hay: “Người Ácmêni sợ không dám nói ra căn tính tôn giáo của mình ở đây. Phần lớn các tín hữu phải dấu Thánh Giá bên trong áo mặc. Họ không thể trưng nó ra và tự do bước trên hè phố vì sẽ gặp phản ứng ngay tức khắc. Tôi không muốn nói mọi người Thổ đều chống Kitô Giáo nhưng chủ nghĩa duy quốc gia đang dâng cao đến nỗi người ta sợ không dám nói ra căn tính của mình”.

Cộng đồng Kitô Giáo thiểu số ở đây rất lo ngại trước việc chủ nghĩa duy quốc gia Hồi Giáo của Thổ càng ngày càng lớn mạnh dưới chính phủ gốc gác Duy Hồi Giáo của ông Recep Tayyip Erdogan, thủ tướng trong 11 năm qua và năm ngoái được bầu làm tổng thống.

Ông Erdogan đã có những động thái nhằm hỗ trợ người Kitô Giáo như thông qua các đạo luật hoàn trả các tài sản đã trưng thu của họ và cho phép mở các lớp dạy Kitô Giáo tại các trường. Nhưng ông luôn nhấn mạnh tới căn tính Hồi Giáo của mình, nền tảng ủng hộ ông vốn là người Hồi Giáo bảo thủ và ông kích thích các người chủ trương duy quốc gia, làm họ cứng cỏi thêm trong thái độ chống Kitô Giáo.

Người Công Giáo, cộng đồng Kitô Giáo nhỏ nhất tại Thổ, chịu ảnh hưởng hơn hết. Mấy năm qua, việc sát hại các nhà truyền giáo và linh mục Công Giáo khiến cộng đồng này hết sức ngỡ ngàng. Linh mục Iulian Pista của nhà thờ chính tòa CG Istanbul cho hay: “Hiện nay, là người Thổ có nghĩa bạn phải là người Hồi Giáo. Trong quá khứ, người ta coi thường những người Hồi Giáo đạo hạnh. Hiện nay, các buổi cầu kinh hôm thứ Sáu được khuyến khích. Xã hội ở đây đã bị Hồi Giáo hóa. Gần đây, tôi thấy bọn thiếu niên ỉa đái ngay trong nhà thờ này. Họ vừa làm vừa hô 'Allahu akbar' [Thiên Chúa là Đấng Cao Cả]. Tôi cũng tin Thiên Chúa là Đấng Cao Cả vậy, nhưng cách họ nói câu ấy đáng sợ quá”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Tòa Thánh vừa cho công bố các số liệu thống kê về Công Giáo tại Thổ. Theo đó, dân số Thổ hiện là 76,140,000 người, trong đó, 53,000 người là Công Giáo, chiếm 0.07% dân số, rải rác trong 7 giáo phận, 54 giáo xứ và 13 trung tâm mục vụ. Về nhân sự, Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ có 6 vị giám mục, 58 linh mục, 7 nam tu sĩ và 54 nữ tu, 4 đại chủng sinh và 2 phó tế vĩnh viễn. Về giáo dân, hiện có 2 tu sĩ đời, 7 nhà truyền giáo giáo dân và 68 giáo lý viên. Giáo Hội Thổ có 23 trung tâm giáo dục gồm các lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học đệ nhất và đệ nhị cấp và 6 trung tâm giáo dục đặc biệt. Về các cơ sở y tế, GHCG có 3 bệnh viện, hai bệnh xá và năm nhà cho người cao niên và khuyết tật.

Những con số trên thật là khiêm nhường. Khi thành lập Cộng Hòa Thổ vào năm 1923, Hồi Giáo không được đưa vào hiến pháp. Tuy nhiên, từ ngày đó, nó đã trở thành một phần của bản sắc quốc gia Thổ, điều này càng gia tăng hơn nữa dưới sự lãnh đạo của Erdogan.
Thực vậy, dưới thời ông, nhiều đền thờ mới đã được xây dựng, trong khi trường thần học Halki gần Istanbul, nổi tiếng thế giới, của Chính Thống Giáo, thì vẫn bị đóng cửa từ năm 1971 dưới áp lực của người duy quốc gia Thổ.

Trước tình thế ấy, John Allen tự hỏi không biết Đức Giáo Hoàng có thách thức Thổ Nhĩ Kỳ về khuynh hướng bài Kitô Giáo hay không.
Khuynh hướng trên được tóm tắt trong lời nhận định của TP Báctôlômêô I với chương trình “60 Minutes” năm 2009: ngài cảm thấy như “bị đóng đinh” bởi một nhà nước muốn thấy Giáo Hội của ngài chết cho xong.

Nhận định trên không quá đáng. Bill Wunner của CNN, ngày 27 tháng Tám năm 2010, từng thắc mắc phải chăng TP Báctôlômêo I là vị thượng phụ Chính Thống Giáo sau cùng tại Thổ. Lý do đầu tiên: cộng đồng Chính Thống Giáo mà đa số gốc Hy Lạp đang dần dần biến đi. Lý do nữa: liên hệ giữa chính phủ thế tục và tòa thượng phụ hết sức căng thẳng.

Bill Wunner cho rằng nếu luật lệ, các yếu tố dân số và thái độ người Thổ không thay đổi, TP Báctôlômêô I chắc chắn sẽ trở thành vị thượng phụ cuối cùng của Constantinople. Hiện nay, chính phủ Thổ có quyền phủ quyết bất cứ ứng viên nào cho chức vụ thượng phụ này. Họ đòi vị này phải là công dân Thổ. Đức TP Báctôlômêô I có quốc tịch này, nhưng đa số những người có cơ kế nhiệm ngài không phải là công dân Thổ.

Tuy chính phủ Thổ sẵn sàng cho các vị TGM ngoại quốc được nhập tịch Thổ, nhưng một số đơn đang bị “ngâm tôm” không biết đến chừng nào.

Chính phủ Thổ cũng không thừa nhận tước hiệu Thượng Phụ Đại Kết hoặc vai trò của TP Báctôlômêô như là nhà lãnh đạo tôn giáo quốc tế. Ngài chỉ được coi như một giám mục sở tại của một cộng đồng địa phương với số thành viên vài ngàn người.

Trở ngại lớn nữa trong thực tế là việc đóng cửa trường thần học Halki từ năm 1971, như trên đã nói. Đây là nơi duy nhất đào tạo hàng giáo sĩ của GH Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ. Không có trường đào tạo giáo sĩ, tương lai Giáo Hội này sẽ ra sao?

Điều đáng quan tâm hơn là não trạng duy quốc gia nơi người dân Thổ. Năm 2001, nhà báo Ergun Poyraz, trong cuốn Sáu Tháng Bên Cạnh Các Nhà Truyền Giáo, viết rằng: “một đạo quân truyền giáo lớn đang xâm lặng đất nước ta” và cảnh cáo rằng “Lãnh thổ này đã là của người Thổ cả hàng nghìn năm nay. Giá của nó đã được trả bằng máu. Những ai mơ mộng muốn lấy lại các lãnh thổ này nên dự trù phải trả cùng một cái giá ấy”.

Ilker Cinar, người tự cho đã trở lại Kitô Giáo và từng lãnh đạo một sứ bộ Thệ Phản trong 10 năm trước khi trở về với Hồi Giáo, trong cuốn Tôi Đã Là Một Nhà Truyền Giáo, Mật Mã Đã Được Giải Mã ấn hành năm 2005, viết rằng các Kitô hữu đang âm mưu “tái chiếm” Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách liên minh với người Kurd qua nhóm PKK.

Có thể nói, thiên kiến bài Kitô Giáo không những được chấp nhận mà còn được coi là thời thượng nữa.

Tưởng cũng nên nhắc lại: tháng Sáu năm 2010, Đức Cha Luigi Padovese, Đại Diện Tông Tòa Anatolia và là chủ tịch HĐGM Thổ bị chính người tài xế sát hại. Nhân chứng kể lại: khi giết Đức Cha, người tài xế đã hô lớn: “Allahu Akbar, tôi đã giết tên Satan vĩ đại nhất!”

Hiện tượng trên khiến một nhà bỉnh bút của nhật báo Zaman tại Istanbul lên tiếng cho rằng “Vatican không làm gì cả” để buộc người ta phải điều tra vụ sát hại Đức Cha Padovese. Nếu Vatican có thái độ cương quyết hơn, họ sẽ góp phần gia tăng phúc lợi của mọi người không phải là Hồi Giáo và đóng góp lớn lao cho việc cổ vũ nhân quyền và tự do tôn giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

John Allen nghĩ rằng Đức Phanxicô rất có cảm tình với thế giới Hồi Giáo, một phần nhờ các tình bằng hữu của ngài với người Hồi Giáo ở Á Căn Đình, một phần khác nhờ cử chỉ thân hữu tại Đất Thánh lúc ngài ngừng lại bên bức tường phân cách West Bank, một động thái được thế giới Hồi Giáo chào đón như một cử chỉ liên đới với người Palestine đau khổ, và nhất là sự can thiệp thành công của ngài ngăn chặn Tây Phương khỏi tấn công Syria.

Người ta hy vọng ngài sử dụng vốn liếng ấy tại Thổ để thúc giục TT Erdogan chống lại các khuynh hướng bài Kitô Giáo.