BẤT CẬP !

Ở đời, nếu không khéo, không tính hay chỉ thiếu suy nghĩ ta dễ làm theo ý riêng của ta để rồi những việc ta làm hóa ra bất cập. Cuộc sống đã khó khăn nên càng ít bất cập càng đỡ khổ cho người khác.

Tưởng chừng với những kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống người ta sẽ học được bài học làm sao cho cuộc sống nó hài hòa nhưng đáng tiếc thay còn đó quá nhiều bất cập. Có thể nói rằng chỉ cần bước chân ra đường, ta sẽ thấy muôn vàn sự bất cập đang ngày mỗi ngày diễn ra quanh ta.

Bước chân ra đường dễ hụt chân vì lẽ cái thềm nhà của ta nó thấp hơn mặt đường vì sau vài lần trải nhựa bỗng nhiên nhà ta là nơi chứa nước mưa tràn từ ngoài đường. Thường khi trải nhựa, người ta phải cào lớp nhựa cũ rồi mới trải lớp nhựa mới. Nhưng không bao giờ ta thấy chuyện bình thường đó và thấy chuyện bất thường để rồi nhà ta dù mới xây nhưng chỉ ít lần trải nhựa sẽ thấp hơn mặt đườn là cái chắc.

Ra đường một tí nữa ta lại thấy nhiều chuyện bất cập đại loại như thế trong cuộc sống.

Chuyện không còn thể bưng bít, giấu diếm với nhau được nữa đó là số nợ công của nước ta cao ngất như núi. Có thể nói rằng đến đời cháu cũng trả chưa hết. Trước thực trạng như thế, càng cân nhắc hết sức trước khi quyết định làm cái gì đó gây tổn hại, gây nợ cho con cháu.

Ông bà vẫn thường nói với nhau "nợ mòn con lớn" nhưng trong thực tế nợ không mòn dù con đã quá lớn.

Tòa nhà để làm nơi hội họp dĩ nhiên cũng cần khang trang, cần xứng tầm với một đất nước nhưng xây như thế nào mới là điều quan trọng. Các vị có trách nhiệm vui vẻ xây cái tòa nhà ấy với cái giá rất vui vẻ 7.000 tỷ đồng !!!

Và rồi, Hải Dương đề xuất xây dựng khu hành chính tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lai Châu... cũng đang lăm le dự án xây tòa nhà hành chính. Có lẽ họ muốn vươn vai cho ngang tầm với Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu?

Thực tế, ta thấy nhiều tỉnh xây trụ sở lộng lẫy khang trang, rất phản cảm. Trong khi dân còn nghèo, nước còn nghèo thì xây trụ sở lộng lẫy như cung điện để làm gì?”

Thực tế rất chua xót khi nợ công chạm ngưỡng an toàn với con số 90 tỉ USD. Ngay cả Quốc hội đau đầu vì không có tiền thực hiện lộ trình tăng lương theo dự kiến và rồi các dự án phục vụ quốc kế dân sinh phải tạm dừng vì thiếu vốn. Trong khi đó, bệnh viện quá tải và thiếu thốn thiết bị vẫn như sự thách thức, khi trẻ em học trường tranh tre, nứa lá như là sự trêu ngươi...?

Người ta vẫn thường mắc chứng bệnh là “bệnh hoành tráng”, con gà tức nhau tiếng gáy. Không chỉ trung tâm hành chính mà nhiều công trình công cộng khác trị giá tiền tỉ cũng đua nhau mọc lên. Tỉnh này, huyện này có sân vận động lớn thì địa phương kia cũng phải làm sân vận động lớn mà không cần tính toán lưu lượng dân số được hưởng thụ từ công trình đó là bao nhiêu.

Nếu người ta cắt bớt những khoản đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác bức bách hơn, như tăng lương, giảm tải y tế, đầu tư cho đồng bào nghèo... Đầu tư công, lấy từ tiền của nhân dân thì phải được sử dụng cho thực sự hiệu quả. Ngược lại, nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ có lỗi với dân.

Xã hội đáng buồn là như thế, Giáo Hội cũng như thế với vài nơi.

Có những công trình đã, đang và rồi sẽ xây dựng với cái giá ngất trời.

Không phải chỉ trích, lên án ai cả nhưng nên chăng nhìn lại công trình xây dựng. Thật lòng ai không muốn hoành tráng, bề thế vì theo cái lý luận là xây để đời. Cũng có lý nhưng phải xét đến yếu tố thực tế trong cuộc sống thực tế của con người.

Giáo hữu Công Giáo tỷ lệ người giàu, đại gia là bao nhiêu ? Đa phần vẫn là nông dân chân chất và những người nghèo buôn gánh bán bưng và di dân tha phương cầu thực ... Đại gia có đi chăng nữa cũng chỉ là đếm trên đầu ngón tay và cũng là con số thật khiêm tốn. Thế nhưng, dù là đại gia đi chăng nữa họ cũng phải cày đổ mồ hôi sôi con mắt mới có tiền và khi có tiền họ dè xẻn, chắt chiu góp vào các công trình tôn giáo vì lòng yêu mến Giáo Hội.

Đã một thời nhiều Việt Kiều cũng vì lòng yêu quê hương, yêu Giáo Hội nên đã chắt chiu từng bữa ăn, từng chi phí nhỏ nhặt để tiết kiệm giúp đỡ. Khi họ trở về họ nhìn thấy thực tế những công trình mà họ chia sẻ đó quá hoành tráng và choáng ngợp. Họ không nghĩ ra một nơi như thế mà lại xây dựng hoành tráng như thế.

Dù là Việt Kiều hay thương gia đại gia đi chăng nữa họ cũng đều phải cày và có thể ví như là cực như con trâu mới có. Tiền, dù Mỹ, dù Úc, dù Canada đi chăng nữa cũng là mồ hôi và cả nước mắt chứ không phải ở trên cây để ra mà hái. Cần phải trân quý mồ hôi nước mắt cũng như sự tiết kiệm của Việt Kiều, của thương gia, đại gia.

Ít ai hiểu rằng đàng sau cái vỏ bọc hoành tráng, bề thế của gia đình và mang hai chữ "đại gia" trong mình đó là những giọt mồ hôi và nước mắt trước vòng xoáy của cuộc đời, của cơn lốc thị trường đang đi xuống.

Có những giáo xứ số giáo dân thật khiêm tốn, vỏn vẹn chưa đến 1000 nhưng công trình xây dựng nghe đâu lên đến 50 tỷ ! Thực sự có phải là nhu cầu thật sự để làm nơi thờ phượng Chúa hay là thờ phượng cái tôi của mình. Người xây cứ việc xây và người góp cứ việc góp, người xây không hề đoái đến cái nghèo chạy ăn từng bữa của người góp cũng như những cơn bão kinh tế của những thương gia.

Dĩ nhiên là cần một nơi thờ phượng Chúa cho "phải đạo" như thao thức của vua Đavit xưa nhưng nên chăng cần ngồi lại nhìn cái thực tế trong cuộc sống hiện tại nhất là đời sống kinh tế quá khó khăn vất vả.

Đã có người trách móc con cái không đi hành hương Đức Mẹ cũng như trách móc vị mục tử quản nhiệm là không giáo dục nhân bản cho con cái là đi hành hương Đức Mẹ nhưng những lời trách móc đó có hiểu chăng con cái của Mẹ là những người dân tộc thiểu số nghèo thiếu trước hụt sau chăng ? Đầu năm tựu trường phải đối đầu với biết bao nhiêu khoảng đóng góp. Đi hành hương, đến với Mẹ phải mượn nợ chồng nợ, lãi chồng lãi liệu rằng Đức Mẹ có cam lòng không ? Trước khi nói xin hãy nhìn đến những phận nghèo. Phải ở trong cái cảnh nghèo chạy ăn từng bữa và tiền thuốc tiền men còn thiếu thì mới hiểu được cái phận nghèo là gì.

Chỉ mong những vị có trách nhiệm dù xã hội hay Giáo Hội trước khi xây dựng bất cứ công trình nhỏ to gì cũng hãy coi lại ngân khoản của đất nước, ngân khoản của gia đình và ngân khoản của từng người. Đừng vì cái tôi, đừng vì bệnh sĩ, đừng vì bệnh hoành tráng mà lại để lại những khoản nợ lớn cho đất nước cũng như những gượng ép khó nói cho những người nghèo trong Giáo Hội.

Micae Bùi Thành Châu