Theo tin Zenit ngày 23 tháng Mười, Giáo Hoàng Đại Học Urbana đã dành Đại Giảng Đường cho Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI như một “cử chỉ biết ơn đối với những gì ngài đã làm cho Giáo Hội trong tư cách chuyên viên công đồng, giáo sư đại học, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và, cuối cùng, Huấn Quyền”.

Buổi lễ đã diễn ra ngày thứ Ba, 21 tháng Mười, nhân dịp khai giảng niên học đại học, với sự tham dự của Đức TGM Georg Ganswein, đứng đầu Phủ Giáo Hoàng. Đức TGM Ganswein, trong tư cách thư ký của Đức GH Hưu Trí, đã đọc sứ điệp của Đức Bênêđíctô XVI nhân dịp này, một sứ điệp cũng đã được tờ L’Osservatore Romano đăng tải.

Sứ điệp của ngài nhấn mạnh tới tính “phổ quát” từng điều hướng sinh hoạt của Giáo Hoàng Đại Học Urbana. Sứ điệp nhắc nhở cộng đồng học thuật rằng Giáo Hội “không bao giờ là một dân tộc hay một nền văn hóa”, trái lại, ngay từ đầu, Giáo Hội đã “được tiền định cho nhân loại”. Trong sự nối kết này, Đức GH Hưu Trí nhấn mạnh, Giáo Hội tự biến mình thành một dụng cụ hữu hình cho nền hòa bình mà Chúa Kitô từng hứa ban cho các môn đệ của người và là nền hòa bình mà ngày nay “trong một thế giới tan nát và đầy bạo lực, ta khẩn thiết hơn bao giờ hết phải bồi đắp và xây dựng”.

Đức Bênêđíctô XVI tự hỏi liệu trong khi cố gắng đạt cho được mục tiêu này, “sứ mệnh của Giáo Hội có còn hợp thời nữa chăng?” Hay đúng hơn “điều đáng được thích hơn là nhằm đối thoại giữa các tôn giáo, đoàn kết với nhau để cùng phục vụ chính nghĩa hòa bình?”. Câu trả lời của Đức GH Hưu Trí là khẳng định nhưng không lãng quên “vấn đề sự thật”, vốn là một điều không được hy sinh nhân danh ước nguyện “hòa bình chung chung giữa các tôn giáo thế giới”.

Trong sứ điệp của ngài, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng ngài coi các tôn giáo như những “đa dạng tính của cùng một thực tại mang nhiều hình thức khác nhau” nhưng là một thực tại “đang chuyển dịch trên bình diện lịch sử, giống hệt như các dân tộc và các nền văn hóa cũng đang chuyển dịch vậy”. Theo tầm nhìn của Kitô Giáo, điều này có nghĩa: cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “có thể dẫn chuyển dịch này hoàn toàn về hướng chân lý của Người”.

Ngài cũng nói rằng Chúa Kitô không diệt trừ các văn hóa và lịch sử mà Người từng tiếp xúc, nhưng đúng hơn đã dẫn khởi chúng “vào một điều lớn hơn, điều mà chúng đang hướng tới”, dẫn chúng tới “thanh tẩy và trưởng thành”. Thực vậy, từ cuộc gặp gỡ này, “sự sống mới đã xuất hiện” và “những chiều kích mới của đức tin đã được biểu lộ và đem lại nhiều niềm vui mới”.

Ngài cho rằng: lẽ dĩ nhiên, tôn giáo không phải chỉ là một “hiện tượng đơn nhất”. Trong nó, “chắc chắn ta có thể tìm thấy nhiều điều đáng yêu và cao thượng, nhưng cũng thấp hèn và phá phách”.

Hơn nữa, trong thông điệp của ngài, Đức Bênêđíctô XVI còn bác bỏ lý thuyết duy nghiệm cho rằng ngày nay, tôn giáo có thể bị coi là “đã được vượt qua”. Ngài nói: con người “trở nên bé nhỏ hơn, chứ không lớn hơn khi họ không dành chỗ cho một triết lý sống (ethos) biết vượt quá chủ nghĩa thực dụng, dựa trên chính bản nhiên chân thực của mình” và hướng tầm nhìn lên Thiên Chúa.

Kết luận, Đức GH Hưu Trí quả quyết rằng: “trong một thế giới đã thay đổi sâu xa, nhiệm vụ vẫn còn hữu lý là thông truyền cho người khác Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”. Ngài nói: “Niềm vui là điều cần được thông truyền. Không nhằm mục đích để 'có được tối đa con số thành viên cho cộng đồng của ta' hay để có 'quyền lực', nhưng vì tình yêu khi được sống trong hân hoan 'là một chứng minh đích thực cho sự thật của Kitô Giáo'”.

Lắng nghe Đức Bênêđíctô XVI không bao giờ là quá trễ

Nhận định về sứ điệp trên, linh mục de Souza, chủ bút tờ Convivium ở Gia Nã Đại (www.conviviummagazine.ca.), cho rằng: Một trong những giọng nói khôn ngoan nhất thế giới đã không lên tiếng trong thời gian 2 tuần lễ của THĐ ở Rôma. Thời gian để ngài lên tiếng đã qua rồi, nhưng hiện nay Giáo Hội có nhiệm vụ phải lắng nghe những gì ngài đã nói.

Đức GH Hưu Trí Bênêđíctô XVI xuất hiện trong Thánh Lễ kết thúc THĐ để chứng kiến lễ phong chân phúc cho vị tiền nhiệm của mình là Đức GH Phaolô VI, người đã gọi ngài bỏ ghế giáo sư đại học để ngồi trên tòa Munich vào tháng Năm 1977, nâng ngài lên hàng Hồng Y một tháng sau đó. Đây là một trong những quyết định tạo nhiều hậu quả nhất của vị giáo hoàng này.

Nhiệm vụ lớn lao của Chân Phúc GH Phaolô VI là hoàn tất công trình của Công Đồng Vatican II và khởi sự thực thi nó. Cũng Công Đồng này là một biến cố vĩ đại đã làm cho nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger thành một nhân vật sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đời sống Giáo Hội suốt năm thập niên qua. Trong tư cách giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã thiết lập Năm Thánh để tưởng niệm 50 năm Công Đồng rồi sau đó, đã thoái vị ngay trong năm đó một cách gây xúc động. Ba ngày sau khi công bố việc mình ra đi, Đức Bênêđíctô XVI đã nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma nhân dịp họ họp nhau hàng năm vào dịp đầu Mùa Chay. Nói không giấy tờ một cách sáng suốt hơn bất cứ ai khác dù có chuẩn bị lâu dài, ngài trình bày “một ít suy nghĩ về Công Đồng Vatican II theo nhận định của tôi”.

Ngài bảo: “Có Công Đồng của các Nghị Phụ, Công Đồng đích thực, nhưng cũng có Công Đồng của truyền thông. Nó gần như một công đồng biệt lập, và thế giới cảm thức Công Đồng qua thứ công đồng sau, tức qua truyền thông. Bởi thế, cái công đồng thấu tai người ta với một hiệu quả tức khắc chính là thứ công đồng của truyền thông, chứ không phải công đồng của các nghị phụ. Và trong khi Công Đồng của Các Nghị Phụ được diễn tiến trong đức tin, vì nó vốn là một công đồng của đức tin đi tìm hiểu biết, nghĩa là tìm cách tự hiểu chính mình và tìm cách hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa thời ấy, tìm cách đáp ứng thách đố của Thiên Chúa lúc ấy và tìm trong Lời Chúa một lời cho ngày nay và ngày mai… thì công đồng của các nhà báo, dĩ nhiên, không được diễn tiến trong đức tin, nhưng là trong các phạm trù của truyền thông ngày nay, tức tách biệt khỏi đức tin, với một khoa giải thích khác hẳn. Đó là khoa giải thích có tính chính trị: vì đối với các phương tiện truyền thông, công đồng chỉ là một cuộc đấu tranh chính trị, một cuộc đấu tranh quyền lực giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo Hội. Điều hiển nhiên là truyền thông đứng về phía những người xem ra, đối với họ, được coi như đồng minh gần gũi với thế giới của họ”.

Ngài nói tiếp để nhắc nhở những người có mặt rằng các hy vọng lớn lao của Công Đồng đã gặp phải các phản ứng đắng cay ra sao ngay thời gian liền sau đó: “Ta biết rằng thứ công đồng của truyền thông này ai cũng tới lui được. Bởi thế, nó là thứ trổi vượt, thứ hữu hiệu hơn, và nó tạo ra quá nhiều tai họa, quá nhiều vấn đề, quá nhiều đau khổ: các chủng viện đóng cửa, các tu viện đóng cửa, một nền phụng vụ tầm phào.

“Công Đồng đích thực gặp khó khăn trong việc tự thiết lập và lên khuôn mình; còn thứ công đồng ảo kia thì mạnh hơn Công Đồng đích thực.Tuy nhiên, sức mạnh chân thực của Công Đồng vẫn tồn tại, và một cách từ từ nhưng chắc chắn, càng ngày càng tự thiết lập được mình nhiều hơn và trở thành sức mạnh đích thực, cũng là sự cải cách đích thực, sự canh tân đích thực của Giáo Hội. Đối với tôi, 50 năm sau Công Đồng, ta thấy rõ: thứ công đồng ảo kia đã tan vỡ, đã mất dạng, và nay đã xuất hiện Công Đồng đích thực với mọi sức mạnh thiêng liêng của nó”.

Nói vào tháng Hai năm 2013, có lẽ Đức Bênêđíctô XVI không biết rằng trong vòng hai năm tới, sức năng động của những năm tháng đó lại được xổ lồng một lần nữa trên Giáo Hội. Điều diễn ra trong “THĐ của các nghị phụ” trong hai tuần qua không quan trọng bằng điều diễn ra trong “THĐ của truyền thông”; thượng hội đồng sau đã khôn khéo thao túng, đưa ra các hàng tít lớn tràn ngập đầu óc người ta trước khi họ được nghe thực ra các nghị phụ đã nói những gì. Sự thao túng này đã bị lên án bằng những hạn từ mạnh mẽ nhất của các giám mục cao cấp từ Úc, Mỹ, Phi Châu và Đông Âu, và cả giám mục đoàn đều đứng lên chống lại nó như một toàn thể; tuy nhiên, một lần nữa, thứ thượng hội đồng ảo của những điều được trình bày cho truyền thông kia vẫn mạnh hơn là thượng hội đồng đích thực.

Chân phúc GH Phaolô VI chịu rất nhiều đau đớn vì rất “nhiều tai họa” mà thứ “Công Đồng tách biệt” kia đã gây ra cho Giáo Hội. Hiển nhiên ngài nhận chân rõ ràng THĐ năm 2014.

Đức HY Luis Antonio Tagle của Manila nổi tiếng vì đã nhận xét rằng “tinh thần Vatican II” đã sống lại. Vị Hồng Y này viết luận án tiến sĩ về Đức Phaolô VI, nên biết quá rõ tinh thần Vatican II là tinh thần có hai mặt: Thần Trí Thiên Chúa hành động trong Giáo Hội và tinh thần thế gian luôn tìm cách làm nản lòng Tin Mừng. Cả hai xem ra đều đã có mặt trong THĐ lần này.

Ngước nhìn bức chân dung vừa được kéo màn của vị tân chân phúc trên mặt tiền Nhà Thờ Thánh Phêrô, có lẽ Đức Bênêđíctô đã xin người từng chịu đau khổ lâu dài là Đức Phaolô VI cầu bầu cho Giáo Hội sau một THĐ đầy sóng gió về gia đình. Ngài quả là một ông già hưu trí suy tư về những năm tháng sóng gió thời xuân xanh.