Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em, nhân danh Thầy.” (Ga 17,20)

Đức Giê-su đã nói với các Tông Đồ như thế và Hội Thánh cũng dạy các tín hữu phải kết thúc các lời nguyện bằng câu : “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”. Đó là công thức kết thúc các lời nguyện. Công thức này cho thấy rõ địa vị và thế giá của Đức Ki-tô bên cạnh Đức Chúa Cha, đồng thời nhắc nhở cho ai nấy phải cậy dựa vào địa vị và thế giá đó để lời cầu dễ được chấp nhận. Thật vậy, không ai mạnh thế hơn để chuyển cầu cho chúng ta bằng Đức Ki-tô. Do đó, mọi lời cầu của Hội Thánh đều được kết thúc bằng câu : “Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”

Ngoài mục đích làm nổi bật vai trò của Đức ki-tô bên cạnh Đức Chúa Cha trong lời cầu nguyện, công thức trên còn thúc giục chúng ta đặt hết niềm tin cậy vào Đức Ki-tô để lời cầu xin mau đạt kết quả.

Tuy nhiên, khi đọc công thức này, phụng vụ còn lưu ý chúng ta về lời nguyện trực tiếp thưa với Chúa Cha hay Chúa Con và công thức vắn hay dài.

1. Công thức vắn hay dài

Công thức vắn dùng để kết thúc các lời nguyện các giờ Kinh Trưa, Kinh Tối : “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.” . Công thức dài dùng để kết thúc các giờ Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Chiều : “Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Con Chúa (hoặc Con Cha) là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa (hoặc Cha) hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men”.

Ở đây, dùng chữ hiệp nhất với thay vì trong sự hiệp nhất như tiếng la-tinh : in unitate, vì người la-tinh nói như thế, nhưng người Việt Nam nói khác, cũng như người Pháp nói “Dans le ciel et sur la terre” (trong trời và trên đất} nhưng người Việt Nam lại nói là trên trời dưới đất, tuy phải dịch sát, nhưng sát theo ngôn ngữ mình dịch ra. Ngoài ra đến muôn thuở muôn đời là dịch Per omnia saecula saeculorum theo kiểu cách phụng vụ la-tinh kéo dài ở cuối cho thêm phần long trọng.

2. Thưa với Chúa Cha nhưng có nói đến Chúa Con :

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa (hoặc Cha) hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.” như trong lời nguyện dưới đây theo công thức vắn :

Lạy Chúa, vào chính giờ các thánh Tông Đồ lên đền thờ cầu nguyện, Chúa cũng cho chúng con đến gặp Chúa. Này chúng con dâng lên Chúa lời kinh chân thành nhân danh Đức Giê-su, cúi xin Chúa lắng nghe và ban ơn cứu độ cho những ai kêu cầu danh thánh Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời A-men.”

3. Nếu lời nguyện thưa với Chúa Con :

“Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”

4. Nếu thưa với Chúa Cha theo công thức vắn :

“Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con A-men.”

Sở dĩ phải nói đến những điều nêu trên, là vì cuối các lời nguyện trong các sách, thường chỉ thấy ghi : Chúng con cầu xin rồi chấm, chấm, chấm, khiến người đọc không kịp nhớ là lời cầu thưa với Chúa Cha hay Chúa Con, nên thường đọc thuộc lòng là Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con, như hai lời nguyện dưới đây và rất nhiều lời nguyện như thế :

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu nhân loại và muốn cứu nhân loại, Chúa đã đến làm người và ở giữa chúng con giữa đêm thâu giá lạnh, xin cho nhân loại trân trọng những hồng ân này và đón nhận với hêt tấm lòng yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin… Ở đây không cầu xin nhờ Đức Ki-tô mà là tuyên xưng Người là “Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời A-men.”

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã lớn lên trong một gia đình nhân loại, Chúa cũng biết rõ bao ưu tư của một đời sống gia đình. Xin Chúa dạy bảo và che chở cho gia đình chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con

Ở đây cũng như trên, phải kết bằng : “ Chúa hằng sóng và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thành Thần đến muôn thuở muôn đời A-men.” hay công thức vắn : “Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời A-men.”

Phụng vụ phân biệt rất rõ : khi thưa trực tiếp với Chúa Cha hay Chúa Con thì dùng công thức nào. Vì vậy, thiết tưởng khi soạn hay đọc các lời nguyện, nên lưu ý để tránh những sự lẫn lộn có thể làm sai lạc ý nghĩa.