Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sống tinh thần Kitô là một điều ngu dại trước mắt thế gian

Trong bài giảng sáng thứ Năm 11 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã giải thích về bài Phúc Âm trong ngày (Lc 6:27-38) trong đó Chúa nói cùng các môn đệ Ngài:

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.”

Đức Thánh Cha nhận xét: “Có người nói: nhưng thưa Cha, hành động như thế thì ngu dại quá! Đúng như thế, trong những ngày này chúng ta cũng đã nghe Thánh Phaolô nói về sự điên rồ của Thập Giá Chúa Kitô, là điều tương phản với sự khôn ngoan của thế gian. Như vậy thì thưa Cha, là một Kitô hữu như thế có khác gì trở thành một kẻ dại khờ, người ta có thể thắc mắc như thế. Tôi có thể nói là theo một nghĩa nào đó, thì đúng như thế. Là một Kitô hữu có nghĩa là từ bỏ sự khôn ngoan của thế gian để có thể thực hiện đúng tất cả mọi thứ mà Chúa Giêsu đã phán bảo và nếu chúng ta tính toán cho sòng phẳng ra theo cách thức thế gian thì chúng ta thấy mình bị thiệt rất nhiều”.

"Có người sẽ nói: nhưng thưa Cha tôi không thích hành xử theo kiểu đó. Vâng, nếu anh chị em không cảm thấy thích hành động như thế, thì đó là vấn đề của anh chị em, nhưng đó chính là đường lối Kitô, là cách mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Có người sẽ nói nhưng thưa Cha, nếu làm thế thì tôi có thể hy vọng sẽ được những gì? Câu trả lời là hãy tiến bước trên con đường của Chúa Giêsu, đó là con đường của lòng thương xót. Hãy thương xót như Cha các ngươi là Đấng hay thương xót. Chỉ với một trái tim đầy lòng thương xót chúng ta mới có thể làm trọn tất cả những gì, mà Chúa dạy chúng ta phải làm. Đời sống Kitô hữu không phải là một cuộc sống tự quy chiếu về mình. Đó là một cuộc sống trong đó ta phải ra khỏi chính mình để ban tặng chính mình cho tha nhân. Đời sống chúng ta phải là một ân sủng, một tình yêu - và tình yêu không quy hướng về chính nó, không ích kỷ, nhưng tự hiến".

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Chúa đòi hỏi chúng ta phải thương xót. Ngài bảo chúng ta đừng xét đoán.” Nhưng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Quá thường khi chúng ta lại tự coi mình là thẩm phán để phán xét những người khác. Chúng ta tham gia vào các tin đồn, chúng ta nói xấu sau lưng người ta, chúng ta đánh giá tất cả mọi người. Nhưng Chúa bảo chúng ta không được xét đoán, nếu chúng ta không muốn bị đoán xét. Đừng lên án người khác và anh chị em sẽ không bị lên án.

“Chúng ta nói mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha, xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Nếu tôi không tha thứ, làm thế nào tôi có thể xin Chúa tha thứ cho tôi đây?"

Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là nghĩa với ân? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

"Phong cách sống Kitô là một cái gì đó rất đáng sợ khi mới thoạt nhìn đầu tiên – thực sự là khá đáng sợ. Cho nên, ở đây phát sinh một vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối mặt hàng ngày: ‘Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để trở thành một Kitô hữu tốt, bởi vì với sức con thì con không thể làm điều đó.

Chúng ta hãy lấy ra sách Tin Mừng và đọc chương thứ 6 của Thánh Luca - và đọc đi, đọc lại nhiều lần trong khi chúng ta nài xin Chúa ban ơn để hiểu rõ ràng là một Kitô hữu có nghĩa là gì, và xin Ngài ân sủng để chúng ta trở thành những Kitô hữu tốt, bởi vì chúng ta tự mình không thể làm nổi điều đó."

2. Hãy sửa lỗi anh chị em mình trong tình yêu, lòng bác ái, sự thật và khiêm tốn

Trong bài giảng sáng thứ Sáu 12 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã suy tư về đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu cảnh báo chống lại tình trạng “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”. Đoạn Tin Mừng này đã khiến Đức Thánh Cha quay trở lại chủ đề sửa lỗi huynh đệ mà ngài đã đề cập đến trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7 tháng 9. Đầu tiên, Đức Thánh Cha nhắc đến việc sửa lỗi huynh đệ với lòng bác ái.

"Anh chị em không thể sửa lỗi một người mà không có tình yêu và bác ái giống như anh chị em không thể thực hiện phẫu thuật mà không gây mê. Không thể như thế, bởi vì bệnh nhân sẽ chết vì đau đớn. Bác ái cũng giống như một chất gây mê giúp ta đón nhận được sự điều trị và chấp nhận được sự khiển trách. Hãy kéo người ấy sang một bên và nói chuyện với sự dịu dàng, với tình yêu ".

Điều thứ hai là chúng ta phải nói lên sự thật: "Đừng nói một cái gì đó không đúng sự thật. Quá thường xuyên trong cộng đoàn của chúng ta xảy ra tình trạng là chúng ta nói quá xa sự thật về người khác: Chúng ta vu khống cho họ [để giành giật lẽ phải về phần mình]. Hoặc nếu những điều đó có đúng sự thật đi nữa, chúng đã được đưa ra để phá hủy uy tín của người đó. Những lời đồn thổi làm tổn thương; tin đồn là một cái tát vào danh tiếng của một người, là một cuộc tấn công nhắm vào tâm hồn của một con người." Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Chắc chắn là sự thật đôi khi khó nghe lắm, nhưng nếu sự thật được nói ra với lòng bác ái và tình yêu, nó là dễ dàng được chấp nhận hơn". Do đó, “chúng ta phải nói về khuyết điểm của người khác trong sự thật và với lòng bác ái”

Thứ ba, chúng ta phải khiển trách với sự khiêm nhường: "Nếu anh chị em thấy thực sự cần phải khiển trách một lỗi lầm nhỏ, hãy dừng lại một chút để nhớ rằng anh chị em có nhiều khuyết điểm hơn và những khuyết điểm này còn trầm trọng hơn nhiều!"

"Khiển trách huynh đệ là một hành động chữa lành nhiệm thể Giáo Hội. Đó là một lỗ hổng trong cơ cấu của Giáo Hội mà chúng ta phải sửa chữa. Và cũng giống như các bà mẹ, các bà ngoại, và các bà nội những người biết cách hàn gắn rất nhẹ nhàng, rất tinh tế, chúng ta phải làm như vậy khi chúng ta muốn khiển trách anh chị em mình. Nếu anh chị em không thể làm điều này với tình yêu, lòng bác ái, sự thật và khiêm tốn, anh chị em sẽ xúc phạm, anh chị em sẽ phá hủy trái tim của người đó, anh chị em sẽ thêm vào tin đồn, làm tổn thương, và anh chị em sẽ trở thành một kẻ đạo đức giả giống như Chúa Giêsu đã nói:

Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! (Lc 6:42)

3. Câu chuyện “đồng tiền của bà goá”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vừa vinh danh anh Shareef, một tín hữu Kitô Syria trong cuốn phim thời sự “Iraq: Breaking bread” – “Iraq: Tấm bánh bẻ ra”. Người tín hữu Kitô này phải chạy giặc, phải mất tất cả chỉ mong giữ được đức tin, và mạng sống của mình. Anh phải đối diện với một tương lai mịt mờ, nhưng không vì thế mà anh dè xẻn chắt chiu cho mình và gia đình. Anh sống tinh thần Phúc Âm đã được nêu trong câu chuyện “đồng tiền của bà góa”.

Có một bà góa nghèo, nghèo lắm, nghèo “rớt mồng tơi, rơi lá hẹ”. Nghèo đến mức cả gia sản của bà chỉ có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma,” chưa đủ để mua một con chim sẻ. Thế nhưng bà đã dâng cúng tất cả vào hòm tiền của Đền Thờ. Bà không cho đi phần dư dả, nhưng cho đi tất cả những gì bà đang cần để sống, để nuôi thân. (Mc 12:44). Vì thế Chúa đã khen ngợi bà.

Một hôm, trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”

4. Tại sao các Kitô hữu suy tôn Thánh Giá Đức Kitô

"Tại sao các Kitô hữu suy tôn Thánh Giá Đức Kitô?" Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ra câu hỏi trên với hàng chục ngàn tín hữu và khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 tháng 9. Đức Thánh Cha giải thích rằng vì Thánh Giá trên đó Chúa Kitô bị đóng đinh "là nguồn mạch của lòng thương xót Chúa bao trùm toàn thế giới". Đó không chỉ là một cây thập giá, nhưng là nguồn mạch ơn cứu rỗi của chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng nói trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá này chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại và bị giết vì đức tin của họ nơi Chúa Kitô. "Điều này xảy ra đặc biệt ở những nơi mà tự do tôn giáo vẫn chưa được bảo đảm hoặc thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nó cũng xảy ra, ngay cả ở những nước, về nguyên tắc, bảo vệ tự do và nhân quyền, nhưng trong thực hành các tín hữu, đặc biệt là các tín hữu Kitô, vẫn vấp phải những hạn chế và bị phân biệt đối xử. Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy nhớ đến và cầu nguyện đặc biệt cho những anh chị em này".

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Ngày 14 tháng 9 Giáo Hội cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Một số người ngoài Kitô giáo có thể hỏi: tại sao lại "đề cao" Thánh Giá? Chúng ta có thể nói rằng chúng ta không đề cao bất cứ thánh giá nào: chúng ta chỉ tôn vinh Thánh Giá của Chúa Giêsu, bởi vì tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại đã được mạc khải hầu như trọn vẹn trong đó. Đó là những gì Tin Mừng Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta trong phụng vụ hôm nay: "Thiên Chúa quá yêu thế giới đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (3:16). Chúa Cha đã "cho" chúng ta Con Một của Người để cứu chúng ta, và điều này đã dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Tại sao? Tại sao Thánh Giá là cần thiết? Thưa vì sức nặng của tội lỗi đè nặng lên chúng ta và ghì chặt chúng ta trong nô lệ. Thánh giá Chúa Giêsu thể hiện cả hai điều: tất cả các thế lực tiêu cực của sự dữ, và tất cả lòng thương xót lân tuất của Thiên Chúa toàn năng. Thánh giá tưởng chừng loan báo sự thất bại của Đức Kitô, nhưng cuối cùng đánh dấu chiến thắng vinh quang của Ngài. Trên đồi Canvê, những người chế nhạo Ngài nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi" (x Mt 27,40) Nhưng ngược lại mới là đúng. Chính vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Ngài đã ở lại đó, trên cây thánh giá, trung thành tới cùng với kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Và vì lý do này Thiên Chúa đã "tôn vinh" Chúa Giêsu (Pl 2,9), và trao vương quyền hoàn vũ Ngài.

Như thế, chúng ta thấy những gì, khi nhìn lên Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh? Chúng ta chiêm ngắm dấu chỉ của tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta và nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta. Chính Thánh Giá là nguồn gốc của lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm toàn thế giới. Thông qua Thánh Giá của Đức Kitô sự ác bị khắc phục, cái chết bị đánh bại, chúng ta được trao ban sự sống, hy vọng của chúng ta được phục hồi. Điều này thật quan trọng: Nhờ Thập Giá Chúa Kitô hy vọng của chúng ta được phục hồi. Thập giá của Chúa Giêsu là hy vọng chân thực duy nhất của chúng ta! Đó là lý do tại sao Giáo Hội "đề cao" Thánh Giá, đó là lý do tại sao chúng ta những Kitô hữu làm dấu thánh giá. Nghĩa là, chúng ta không đề cao những cây thập giá nhưng chúng ta suy tôn Thánh Giá vinh quang của Chúa Kitô, là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa, là ơn cứu rỗi và là hành trình hướng đến sự sống lại. Đó là hy vọng của chúng ta.

Trong khi chúng ta chiêm ngưỡng và tôn vinh Thánh Giá, chúng ta xúc động nghĩ đến tình cảnh của rất nhiều anh chị em chúng ta đang bị bách hại và bị giết vì đức tin nơi Chúa Kitô. Điều này xảy ra đặc biệt ở những nơi mà tự do tôn giáo vẫn chưa được bảo đảm hoặc thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nó cũng xảy ra, ngay cả ở những nước, về nguyên tắc, bảo vệ tự do và nhân quyền, nhưng trong thực hành các tín hữu, đặc biệt là các tín hữu Kitô, vẫn vấp phải những hạn chế và bị phân biệt đối xử. Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy nhớ đến và cầu nguyện đặc biệt cho những anh chị em này.

Trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, là Đức Trinh Nữ Maria (Ga 19,25-27). Mẹ là Đức Trinh Nữ Sầu Bi, mà chúng ta cử hành trong phụng vụ ngày mai. Chúng ta hãy phó thác hiện tại và tương lai của Giáo Hội cho Mẹ, và cầu xin cho tất cả chúng ta luôn luôn biết làm thế nào để khám phá và đón nhận thông điệp tình yêu và ơn cứu độ của Thánh Giá Chúa Kitô. Chúng ta hãy phó thác đặc biệt các cặp vợ chồng mới cưới mà tôi có niềm vui cử hành lễ cưới cho họ sáng nay tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

5. Giáo Hội là mẹ dậy chúng ta sống điều nòng cốt trong Tin Mừng của Chúa Giêsu: đó là lòng thương xót, làm các việc lành phúc đức để cải tiến thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 10 tháng 9 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Giáo Hội là mẹ làm cho chúng ta lớn lên với ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa, chỉ cho chúng ta con đường cứu độ và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Nhưng Giáo Hội cũng là mẹ giáo dục chúng ta làm các việc của lòng thương xót. Một nhà giáo dục tốt chỉ cho thấy điều nòng cốt, không lạc trong các chi tiết, nhưng muốn thông truyền điều thực sự quan trọng để con cái hay học trò tìm ra ý nghĩa và niềm vui sống.

Và điều nòng cốt, theo Phúc Âm, là lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu nói một cách rõ ràng, khi tóm tắt giáo huấn của Người cho các môn đệ: “Các con hãy thương xót, như Cha các con ở trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Có thể là kitô hữu mà không thương xót không? Không. Tín hữu kitô phải là người thương xót, bởi vì đó là trọng tâm của Tin Mừng. Và trung thành với giáo huấn này, Giáo Hội chỉ có thể lập lại cùng điều ấy với con cái mình: “Các con hãy thương xót”, như Thiên Chúa Cha và như Chúa Giêsu đã thương xót.

Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta cho kẻ đói khát ăn uống, cho người trần truồng quần áo mặc, Và Giáo Hội làm sao? Giáo Hội làm với gương của biết bao nhiêu thánh nam nữ đã thực thi điều đó một cách gương mẫu; Giáo Hội cũng làm với gương sáng của biết bao nhiêu người cha người mẹ, dậy con cái mình rằng điều chúng ta dư thừa là sự cần thiết cho người túng thiếu. Đây là điều quan trọng cần biết. Trong các gia đình kitô đơn sơ nhất luật hiếu khách đã luôn luôn là thánh thiêng: không bao giờ thiếu một đĩa thức ăn và một giường nghỉ cho người cần được giúp đỡ.

Đức Thánh Cha nói thêm:

Một lần kia, một bà mẹ ở trong giáo phận khác đã kể cho tôi nghe bà đã muốn dậy ba đứa con bà và nói với chúng giúp cho kẻ đói ăn. Một hôm nọ người cha đi làm việc, bà và ba đứa con 7, 5 và 4 tuổi đang ăn trưa, thì nghe tiếng gõ cửa. Có một ông xin ăn. Bà nói ông đợi một chút, rồi vào nói với các con: ”Có một ông xin ăn, chúng ta làm gì bây giờ?” ”Chúng ta cho ông ăn đi mẹ, chúng ta cho ông ăn”. Mỗi đứa bé có một miếng bí tết và khoai tây chiên trong đĩa. ”Chúng ta lấy một nửa thức ăn của mỗi con và chúng ta cho ông phân nửa miếng bí tết của mỗi con”. ”Ồ không mẹ, như vậy đâu có được!”. ”Con phải làm như vậy, và cho đi một nửa của con”. Bà mẹ đã dậy các con cho kẻ đói ăn như vậy. Đây là thí dụ rất đẹp đã giúp tôi rất nhiều. ”Con đâu có thừa gì đâu”. ”Hãy cho phần của con”. Mẹ Giáo Hội cũng dậy chúng ta như vậy đấy. Và các bà, biết bao nhiêu bà mẹ hiện diện ở đây, chị em biết phải làm gì để dậy con cái chị em, để chúng chia sẻ những gì của riêng chúng với người cần được giúp đỡ.

Mẹ Giáo Hội dậy ở gần người đau yếu. Biết bao nhiêu thánh nam nữ đã phục vụ Chúa Giêsu theo kiểu mẫu này! Và biết bao nhiêu người đơn sơ nam nữ mỗi ngày thực hành việc thương xót này trong một phòng nhà thương, hay trong một nhà hưu dưỡng, hoặc trong chính nhà mình, khi giúp đỡ một người đau yếu. Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần người bị tù. ”Ồ thưa cha, anh ta nguy hiểm lắm, anh ta là người xấu”. Nhưng mà mỗi người trong chúng ta có khả năng... Xin anh chị em nghe rõ điều này: mỗi người trong chúng ta đều có khả năng làm cùng điều mà người đàn ông hay người đàn bà đó trong tù đã làm. Tất cả chúng ta đều có khả năng phạm tội và làm cùng điều đó, sai lầm trong cuộc sống. Họ không xấu hơn bạn và tôi đâu!

Lòng thương xót vượt mọi bức tường, mọi rào cản và đưa bạn tới chỗ luôn luôn tìm kiếm gương mặt của con người. Và lòng thương xót thay đổi con tim và cuộc sống có thể làm cho một người tái sinh và cho phép họ tái hội nhập vào xã hội.

Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần ai bị bỏ rơi và chết cô đơn. Đó là điều Chân phước Têrêxa đã làm trên các đường phố tại Calcutta; đó là điều mà biết bao nhiêu kitô hữu đã làm, họ không sợ hãi nắm tay một người đang rời bỏ thế giới này. Và ở đây cũng thế, lòng thương xót trao ban hòa bình cho người ra đi và cho người ở lại, bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn cái chết, và khi ở trong Người cả sự tách rời cuối cùng cũng là một ”tái ngộ”. Chân phước Têrêxa đã hiểu rõ điều này. Người ta đã nói với mẹ: ”Thưa mẹ, điều này là mất thời giờ”. Tìm người hấp hối trên đường phố, người mà chuột cống đã bắt đầu ăn thịt, nhưng mẹ đem họ về nhà để họ chết trong an bình, được tắm rửa, thanh thản, được vuốt ve. Mẹ đã cho họ tất cả lời ”tạm biệt”. Và có biết bao nhiêu người nam nữ đã làm điều này như mẹ. Và họ chờ mẹ ở trên trời ở cửa để mở cửa Trời cho họ. Giúp con người chết tốt trong an bình.

Anh chị em thân mến, Giáo Hội là mẹ như thế, bằng cách dậy cho con cái mình các việc của lòng xót thương. Giáo Hội đã học được từ Chúa Giêsu con đường ấy, đã học biết rằng đó là điều nòng cốt cho ơn cứu rỗi. Chỉ yêu thương người yêu thương ta thôi, thì không đủ. Để thay đổi thế giới nên tốt lành hơn, cần phải làm điều thiện cho người không có khả năng đáp trả lại chúng ta, như Thiên Chúa Cha đã làm, bằng cách ban cho chúng ta Đức Giêsu. Chúng ta đã trả bao nhiêu cho ơn cứu rỗi của chúng ta? Không có gì hết, tất cả là nhưng không! Làm điều thiện mà không chờ đợi gì đổi lại. Thiên Chúa Cha đã làm như thế với chúng ta, và chúng ta cũng phải làm như vậy. Hãy làm việc thiện và tiến bước! Thật đẹp biết bao sống trong Giáo Hội, trong đó mẹ Giáo Hội của chúng ta dậy chúng ta tất cả các điều này mà Chúa Giêsu đã dậy! Chúng ta hãy cám ơn Chúa là Đấng ban cho chúng ta ơn có Giáo Hội là mẹ, một người mẹ dậy chúng ta con đường thương xót, sự sống của sự sống. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa!

6. Câu chuyện anh Shareef

Thảm họa nhân đạo tại Iraq và Syria làm nổi bật lời cảnh cáo của Đức Thánh Cha Phanxicô về một thực trạng đáng buồn đó là hiện tượng toàn cầu hóa sự thờ ơ. Trong một thời gian dài, tiếng kêu cứu của các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác trong vùng đã rơi vào những lỗ tai điếc của các nhà cầm quyền trên thế giới. Họ dửng dưng và tỉnh bơ trước những đau khổ của người dân Iraq và Syria cho đến khi sự việc trrở thành một đại thảm họa với hàng trăm ngàn người đói khát trong vòng vây của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại núi Sinjar.

Tuy nhiên, điều an ủi là thế giới này vẫn còn những người tử tế, những người có lòng bác ái biết chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, ngay cả khi họ cũng chẳng khá hơn gì những người mà họ chia sẻ. Như Ý xin giới thiệu câu chuyện về anh Shareef, một tín hữu Kitô Syria, là người vừa được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vinh danh trong đoạn phim có tiêu đề “Iraq: Breaking bread”.

Khi chiến tranh bùng nổ anh Shareef, một tín hữu Kitô Syria đã phải bỏ chạy sang miền Bắc Iraq để lánh nạn. Anh cho biết:

“Khi chúng tôi đến trại Domiz, tình hình thật tồi tệ. Người ta chen chúc nhau trong những hàng dài chờ nộp đơn xin cư trú và xin trợ giúp. Rất đông người. Nhưng tạ ơn Chúa, theo thời gian chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của chính phủ Kurd, các tổ chức cứu trợ và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Họ cho chúng tôi lều bạt, và dần dần mọi thứ khá lên.”

18 tháng sau ngày chạy loạn Hồi Giáo, anh Shareef giờ đây làm chủ một lò bánh mì. Vài tuần trước đây khi được tin về một làn sóng tị nạn đông đảo người Iraq chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo IS, anh Shareef quyết định chia sẻ những gì anh có được.

“Sau những gì xảy ra tại Sinjar, nhiều người chạy đến Dohuk. Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của họ vì chúng tôi cũng đã từng trải qua một tình huống tương tự. Vì chúng tôi có bánh mì nên chúng tôi muốn giúp họ. Chúng tôi đã từng trải qua cùng một bi kịch phải chờ đợi sự trợ giúp từ bất cứ ai, bất cứ bên nào, bất cứ cơ quan nào.”

Mỗi sáng, anh Shareef chở bằng xe mình đến Dohuk hàng ngàn bịch bánh mì phát không cho những người tị nạn.

Ramadhan, một người tị nạn Hồi Giáo Iraq, nói:

“Các bạn có thể thấy, những người tị nạn Syria là những người cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ, họ mang đến cho chúng tôi thực phẩm và bánh mì. Những người tị nạn Syria này phải lao động cực nhọc để có tiền, sau đó họ cho chúng tôi. Họ có cái gì, họ cho chúng tôi cái ấy. Hãy nhìn những người từ các trại tị nạn, họ tiếp tục mang bánh mì đến cho chúng tôi. Họ có cái gì họ cũng hạnh phúc chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn sự trợ giúp của họ.”

Bày tỏ hy vọng về tương lai anh Shareef nói:

“Tôi hy vọng tình hình sáng sủa hơn và các chiến binh rời khỏi vị trí của họ để về nhà. . và dĩ nhiên là chúng tôi cũng được về nhà mình. Tôi hy vọng mọi người được hạnh phúc và trở về với đời sống thường nhật”.