Trong bài giảng sáng thứ Năm 11 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã giải thích về bài Phúc Âm trong ngày (Lc 6:27-38) trong đó Chúa nói cùng các môn đệ Ngài:

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.”

Đức Thánh Cha nhận xét: “Có người nói: nhưng thưa Cha, hành động như thế thì ngu dại quá! Đúng như thế, trong những ngày này chúng ta cũng đã nghe Thánh Phaolô nói về sự điên rồ của Thập Giá Chúa Kitô, là điều tương phản với sự khôn ngoan của thế gian. Như vậy thì thưa Cha, là một Kitô hữu như thế có khác gì trở thành một kẻ dại khờ, người ta có thể thắc mắc như thế. Tôi có thể nói là theo một nghĩa nào đó, thì đúng như thế. Là một Kitô hữu có nghĩa là từ bỏ sự khôn ngoan của thế gian để có thể thực hiện đúng tất cả mọi thứ mà Chúa Giêsu đã phán bảo và nếu chúng ta tính toán cho sòng phẳng ra theo cách thức thế gian thì chúng ta thấy mình bị thiệt rất nhiều”.

"Có người sẽ nói: nhưng thưa Cha tôi không thích hành xử theo kiểu đó. Vâng, nếu anh chị em không cảm thấy thích hành động như thế, thì đó là vấn đề của anh chị em, nhưng đó chính là đường lối Kitô, là cách mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Có người sẽ nói nhưng thưa Cha, nếu làm thế thì tôi có thể hy vọng sẽ được những gì? Câu trả lời là hãy tiến bước trên con đường của Chúa Giêsu, đó là con đường của lòng thương xót. Hãy thương xót như Cha các ngươi là Đấng hay thương xót. Chỉ với một trái tim đầy lòng thương xót chúng ta mới có thể làm trọn tất cả những gì, mà Chúa dạy chúng ta phải làm. Đời sống Kitô hữu không phải là một cuộc sống tự quy chiếu về mình. Đó là một cuộc sống trong đó ta phải ra khỏi chính mình để ban tặng chính mình cho tha nhân. Đời sống chúng ta phải là một ân sủng, một tình yêu - và tình yêu không quy hướng về chính nó, không ích kỷ, nhưng tự hiến".

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Chúa đòi hỏi chúng ta phải thương xót. Ngài bảo chúng ta đừng xét đoán.” Nhưng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Quá thường khi chúng ta lại tự coi mình là thẩm phán để phán xét những người khác. Chúng ta tham gia vào các tin đồn, chúng ta nói xấu sau lưng người ta, chúng ta đánh giá tất cả mọi người. Nhưng Chúa bảo chúng ta không được xét đoán, nếu chúng ta không muốn bị đoán xét. Đừng lên án người khác và anh chị em sẽ không bị lên án.

“Chúng ta nói mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha, xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Nếu tôi không tha thứ, làm thế nào tôi có thể xin Chúa tha thứ cho tôi đây?"

Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là nghĩa với ân? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

"Phong cách sống Kitô là một cái gì đó rất đáng sợ khi mới thoạt nhìn đầu tiên – thực sự là khá đáng sợ. Cho nên, ở đây phát sinh một vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối mặt hàng ngày: ‘Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để trở thành một Kitô hữu tốt, bởi vì với sức con thì con không thể làm điều đó. Chúng ta hãy lấy ra sách Tin Mừng và đọc chương thứ 6 của Thánh Luca - và đọc đi, đọc lại nhiều lần trong khi chúng ta nài xin Chúa ban ơn để hiểu rõ ràng là một Kitô hữu có nghĩa là gì, và xin Ngài ân sủng để chúng ta trở thành những Kitô hữu tốt, bởi vì chúng ta tự mình không thể làm nổi điều đó."