Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong điện văn gởi thông tấn xã Công Giáo Fides hôm 12 tháng 6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng:

“Người Công Giáo cuối cùng đã phải bỏ chạy khỏi khu vực bình nguyên Ninivê”.

Như vậy, là đến ngày 12 tháng 6 vừa qua, cộng đoàn Kitô kỳ cựu đã được hình thành từ thời các thánh tông đồ tại khu vực được nhắc đến rất nhiều trong Cựu Ước đã bị xóa sổ hoàn toàn. Hơn 300 nhà thờ bị bỏ lại sau lưng, nhiều nhà thờ bị cướp phá và đốt cháy.

Nhân biến cố bi thảm này, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em tìm hiểu sơ lược về Giáo Hội Công Giáo tại Iraq.

Cái nôi của văn minh thế giới

Vùng đất ngày nay gọi là Iraq trước đây gọi là Mesopotamia - dịch ra tiếng Việt là Lưỡng Hà Địa – nói nôm na là vùng đất giữa hai con sông, là sông Tigris và sông Euphrates. Vùng đất này có thể coi là cái nôi văn minh của thế giới. Vườn Địa Đàng nơi ông Adong và bà Evà ăn trái cấm thuộc khu vực này. Đây cũng là quê hương Ur của tổ phụ Abraham với Vườn Treo Babylon, một trong bẩy kỳ quan của thế giới.

Iraq là nơi mà những dạng chữ viết đã được phát minh ra vào khoảng 3000 năm trước Chúa giáng sinh. Người dân tại đây đã được công nhận là những người đầu tiên phát minh ra bánh xe.

Iraq cũng là nơi bộ luật đầu tiên của thế giới đã được giới thiệu bởi nhà lập pháp đầu tiên của nhân loại là Hamurabi. Vùng Lưỡng Hà Địa cổ xưa cũng đã cống hiến cho thế giới những nguyên tắc của Toán Học, của 60 phút trong một giờ và của 360o trong một vòng quay.

Đây cũng là cái nôi phát sinh ra tiếng Aramic, ngôn ngữ của Đức Kitô và của Tân Ước, với 22 vần chữ cái. Ngôn ngữ này đã được hình thành và phát triển và từ thế kỷ thứ 7 trước khi Chúa xuống thế làm người và đã là ngôn ngữ chính trong vùng Trung Đông. Tiếng Hêbrơ và tiếng ẢRập cũng từ tiếng Aramic mà ra.

Vùng đất của Kitô Giáo

Trong khi các Thánh Phêrô, Anrê và Phaolô đi truyền giáo về phía Tây của đế quốc La Mã, Thánh Tôma, vị tông đồ đã đòi phải xỏ ngón tay vào cạnh sườn Chúa mới tin Ngài đã sống lại từ trong cõi chết, đã cùng với các Thánh Giuđê, và Barthôlômêô đi về phía Đông và đã rất thành công. Từ thế kỷ thứ Hai, Kitô Giáo đã phát triển mạnh mẽ trong hai quốc gia lớn nhất và cổ nhất của vùng Lưỡng Hà Địa là Assyria và Chaldea. Cả hai nước đều coi Kitô Giáo là quốc giáo. Từ vùng Lưỡng Hà Địa này, Giáo Hội Công Giáo phát triển mạnh mẽ sang cả các nước lân bang như Ba Tư, Ả Rập, Ấn Độ, Mông Cổ và vào tận đến Trung Hoa.

Chính vì thế mà thánh tích của Thánh Tôma đã được chôn cất dưới bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Madras, Ấn Độ

Giáo Hội đã được phát triển mạnh mẽ nhờ các Thánh Tông Đồ và các đệ tử của các ngài như Mar Addai và Mar Mari.

Trong 5 thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo Lưỡng Hà Địa hiệp thông với Tòa Thánh Rôma. Nhưng đến năm 489, Giáo Hội Công Giáo Lưỡng Hà Địa quay sang theo bè rối Nestoria đã cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thánh để lập Giáo Hội tự trị. Lãnh đạo của Giáo Hội tân lập này được gọi là "Katholikos", cư ngụ tại Seleucia-Cteisphon, gần Baghdad.

Trong thế kỷ thứ 7, khu vực Lưỡng Hà Địa rơi vào tay quân Hồi Giáo. Năm 780, Catholikos Timetheos I di chuyển tòa thượng phụ về thủ đô mới là Baghdad.

Năm 1445, Đức Giáo Hoàng Eugene IV dùng từ "Công Giáo theo nghi lễ Chaldea" để chỉ những người Công Giáo đã theo bè rối Nestoria nay quay lại hiệp nhất với Tòa Thánh.

Cố gắng chính thức đầu tiên để tái hiệp nhất với Tòa Thánh của Giáo Hội Lưỡng Hà Địa được ghi nhận vào năm 1553 khi thượng phụ Gioan Sulaka đến Rôma và tuyên xưng đức tin Công Giáo trước mặt Đức Thánh Cha Giuliô III.

Thượng phụ Gioan Sulaka đã đổi tên Giáo Hội của ngài là Giáo Hội Athura và Mosul để phù hợp với tình trạng cụ thể là giờ đây sau nhiều năm dài bị người Hồi Giáo bách hại, Giáo Hội tại Iraq co cụm chủ yếu vào hai thành phố Athura và Mosul.

Năm 1683, Tòa Thánh lại đổi lại danh xưng là Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Chaldea.

Ngoài người Công Giáo theo nghi lễ Chandea, ở Iraq cũng có một nhóm nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ La Tinh như chúng ta. Bên cạnh đó cũng có người Công Giáo theo nghi lễ Armenia và nghi lễ Syria.

Làn sóng bỏ chạy ra nước ngoài

Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đọc diễn từ có tựa đề “Đức Tin, Lý Trí và Đại Học – Hồi Ức và Suy Tư” tại trường Đại Học Regensburg bên Đức nơi ngài đã từng là giáo sư Thần Học trong nhiều năm, trong đó ngài trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Đại Đế Manuel Đệ Nhị “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohamét đã mang lại điều gì mới hay ở đó người ta chỉ thấy toàn là những sự gian ác và bất nhân, như lệnh truyền của ông ta là hãy dùng gươm giáo để loan truyền những điều ông ta rao giảng”.

Sự bách hại dai dẳng của người Hồi Giáo chống lại các tín hữu Kitô là một thực tế tại Iraq cũng như tại những vùng mà người Hồi Giáo chiếm đa số. Chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo phát triển mạnh vào đầu thế kỷ thứ 18 đã dẫn đến những vụ tàn sát các tín hữu Kitô tại tu viện Rabban Hormizd và thành phố Alqosh. Một thế kỷ trước, ngày 4 tháng 11 năm 1914, bộ trưởng chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ là Enver Pasha lại phát động thánh chiến trong vùng. Cái nôi Kitô Giáo Iraq tại Mosul bị tấn công, hàng chục ngàn người bị giết. Năm 1933, quân đội Iraq lại mở một cuộc tàn sát nữa giết chết hàng ngàn người.

Để giữ đạo, người Công Giáo Chanđê bỏ chạy dần ra nước ngoài, thành lập các cộng đoàn hải ngoại.

Những cơ cực trầm trọng khi Hoa Kỳ cấm vận Iraq gia tốc thêm làn sóng bỏ chạy của các tín hữu Kitô trong vùng.

Khi Hoa Kỳ dự định tấn công vào Iraq năm 1991 và năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tìm mọi cách để ngăn cản vì ngài thấy trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq không đem lại chút tự do, hạnh phúc nào cho người dân. Ngược lại, nó sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực và những mảnh đất phì nhiêu cho các loại Hồi Giáo cực đoan phát triển dẫn đến những cuộc chiến tàn khốc, những con số thương vong to lớn, những thiệt hại nặng nề về người và của và tình trạng vắng bóng dần các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Hôm 23 tháng Tư năm 2003, Đức Tổng Giám Mục Jean Sleiman thuộc lễ nghi Chanđê của Baghdad nói với nhật báo Annenire của Ý rằng, "cuộc chiến này giống như một quả đấm vào người dân Iraq. Trận động đất này có thể làm cho các nhóm cực đoan gây được nhiều ảnh hưởng hơn và tiếp theo đó là một sự tràn ngập niềm đau khổ, không chỉ cho những người Kitô nhưng còn cho tất cả mọi người."

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Đất nước nơi Kitô Giáo đã từng có thời là quốc giáo thì đến năm 2003 người Công Giáo chỉ còn khoảng 175,000 tín hữu (chiếm chỉ 1% dân số) với 114 linh mục triều, 20 linh mục dòng, 7 phó tế vĩnh viễn, 28 nam tu sĩ, 283 nữ tu.

11 năm sau chiến thắng của Hoa Kỳ, không còn một tín hữu Kitô nào tại Mosul, thủ phủ sầm uất nhất của Kitô Giáo.