Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Jerusalem sáng ngày 26-5-2015

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành sáng thứ Hai 26 tháng 5, ngày cuối trong 3 ngày viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa, để gặp gỡ các chức sắc Hồi giáo và Do thái giáo, viếng viện Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng và gặp gỡ chính quyền Israel.

Gặp gỡ thủ lãnh Hồi Giáo

Lúc 8 giờ sáng, Đức Thánh Cha giã từ tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem nơi ngài qua đêm, để đến viếng thăm vị Đại Giáo Trưởng Hồi giáo tại thành này, cạnh Đền thờ Hồi giáo cách đó 4 cây số. Đền thờ tọa lạc trên một sân hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Đây là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.

Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ I là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ II là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Đại Giáo Trưởng thành Jerusalem và toàn Palestine là Sheik Muhamad Agmad Hussein, và vị Tổng giáo đốc Hội đồng bảo trì các gia sản Hồi giáo, đón tiếp và hướng dẫn viếng thăm.

Vị Đại Giáo Trưởng nói với Đức Thánh Cha rằng: “Hòa bình chỉ có thể khi chấm dứt mọi cuộc chiếm đóng của Israel và khi dân tộc Palestine được tự do và mọi quyền của mình”.

Trong lời chào vị Đại Giáo Trưởng Hồi giáo, Đức Thánh Cha cho biết ngài đến viếng thăm các nơi đã ghi dấu vết sự hiện diện trần thế của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cuộc hành hương sẽ không trọn vẹn nếu không gặp gỡ những người và cộng đoàn sống tại phần đất này.

Nhắc đến tổ phụ Abraham vốn được cả người Hồi giáo, Kitô và Do thái nhìn nhận, tổ phụ đã sống tại đất này như người lữ hành, bỏ dân chúng, nhà cửa để thực hiện cuộc phiêu lưu tinh thần mà Chúa gọi Người thực hiện. Đức Thánh Cha nói:

“Lối sống của Abraham cũng phải là thái độ tinh thần của chúng ta. Không bao giờ chúng ta có thể tự mãn, coi mình là chủ tể cuộc sống của chúng ta; chúng ta không thể giới hạn vào mình, khép kín, chắc chắn trong những xác tín của chúng ta. Đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy mình phải luôn sẵn sàng ra khỏi chính mình, ngoan ngoãn đối với tiếng gọi mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta, cởi mở đối với tương lai mà Chúa muốn xây dựng cho chúng ta”.

Sau cùng Đức Thánh Cha tha thiết kêu gọi những con người và cộng đoàn nhìn nhận mình là con cháu Abraham: “Chúng ta hãy tôn trọng và yêu thương nhau như anh chị em! Chúng ta hãy học hiểu đau khổ của người khác! Ước gì không người nào lạm dụng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực! Chúng ta hãy cùng nhau làm việc cho công lý và hòa bình!”.

Viếng Bức Tường Than Khóc

Giã từ các vị lãnh đạo Hồi giáo vào lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng tiến sang bức tường Phía Tây quen gọi là Bức tường than khóc, chỉ cách đó 1 cây số. Đây là di tích còn lại của bức tường phía tây của Sân Đền thờ Jerusalem. Khi vua Hêrôđê cho tu bổ Đền thờ này, ông cho nới rộng khu vực chung quanh và trong dịp đó ông canh tân bức tường nâng đỡ Sân. Tường cao 15 mét và được tu bổ trong những thời kỳ kế tiếp. Về mặt tinh thần, Bức tường phía tây này là nơi thờ phượng trung tâm của Do thái giáo, vì những lý do lịch sử và tôn giáo, với nhiều phong tục, như thói quen nhét những mảnh giấy trên đó có viết những ước vọng và kinh nguyện vào các kẽ hở giữa các viên đá của tường.

Đến khu vực Bức tường phía tây, Đức Thánh Cha đã được vị Rabbi Trưởng và ông Chủ tịch của Hội đồng quản trị nơi thánh, đón tiếp và tháp tùng đến gần Bức tường. Tại đây ngài dừng lại cầu nguyện nồng nhiệt trong thinh lặng, tay phải ngài đặt trên tường. Rồi ngài đọc kinh Lạy Cha ngài tự tay viết bằng tiếng Tây Ban Nha, trước khi nhét vào khe trong tường.

Hai người bạn tháp tùng Đức Thánh Cha từ Argentina là Rabbi Do thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi giáo Omar Abboud, cũng đi gần ngài tại bức tường. Họ tiến đến ôm Đức Thánh Cha thật là cảm động.

Trước khi rời khu vực Bức Tường Than Khóc, Đức Thánh Cha đã ghi vào sổ vàng lưu niệm câu ”Tôi đến để cầu nguyện và tôi xin Chúa ban ơn hòa bình”.

Đặt vòng hoa tại Mộ Theodore Herzl

Liền đó, ngài dùng xe lên núi Herzl cách đó 4 cây số để đặt vòng hoa tưởng niệm, theo nghi thức ngoại giao của Nhà Nước Israel, theo đó mỗi vị Quốc trưởng nước khác đến viếng thăm, đều được mời đặt vòng hoa tại mộ của ông Theodor Herzl, người sáng lập Phong trào Sion tại Hội nghị ở Basel Thụy Sĩ năm 1897, cổ võ dân Do thái hồi cư lập quốc.

Đến nghĩa trang, Đức Thánh Cha đã được tổng thống và thủ tướng đón tiếp và tháp tùng lên tới lăng của Ông Herzl. Tại đây, hai thiếu niên đã giúp Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tại mộ.

Khi thấy Đức Thánh Cha đặt tay cầu nguyện tại bức tường ngăn cách mà Israel dựng lên tại Bethlehem, thủ tướng Netanyahu đã xin ngài cũng viếng bia tưởng niệm các nạn nhân của nạn khủng bố gần đó mộ ông Herl và ngài đã nhận lời thực hiện cử chỉ này.

Viếng viện Yad Vashem

Đức Thánh Cha đến Viện bảo tàng Yad Vashem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái, chỉ cách mộ ông Herzl khoẳng 800 mét.

Đến nơi Đức Thánh Cha đã được vị giám đốc trung tâm tiếp đón và hướng dẫn vào phòng tưởng niệm, trên nền có ghi tên 21 trại tập trung thời Đức quốc xã. Tại đây cũng có tổng thống, thủ tướng Israel và Rabbi chủ tịch Hội đồng viện Yad Vashem.

Đức Thánh Cha đã thắp lên ngọn lửa và được hai thiếu niên Công Giáo giúp đặt vòng hoa tưởng niệm, trước khi nghe một đoạn sách Cựu Ước.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đã trình bày một suy tư thật cảm động, vì ngài rất nhạy cảm đối với sức mạnh của sự ác vô nhân đạo, trách nhiệm của con người và những cơ chế tội lỗi - như Đức Gioan Phaolô 2 đã nói - chúng chống lại phẩm giá con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của ngài. Chúng dựa trên sự tôn thờ con người, từ chối Thiên Chúa. Theo nghĩa đó, Viện tưởng niệm này là ký ức về hành trình mà con người thực hiện.

Và Đức Thánh Cha kết luận với lời nguyện: ”Công lý thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự ô nhục ở trên khuôn mặt chúng con (Xc Bar 1,15). Xin Chúa cứu chúng con khỏi tội ác kinh khủng này. Xin nhớ đến chúng con trong lượng từ bi Chúa. Xin ban cho chúng con ơn xấu hổ về những gì chúng con có thể làm như là con người, ơn xấu hổ vì sự tôn thờ thần tượng kinh khủng này, vì đã coi rẻ và tàn phá thân xác chúng con, thân xác mà Chúa đã dựng nên từ bùn, và ban cho hơi thở sinh động. Lạy Chúa, không bao giờ nữa!”

Đức Thánh Cha đã chào thăm một số người sống sót và ký vào sổ lưu niệm.

Viếng thăm hai vị Đại Rabbi Do thái

Tiếp tục các cuộc gặp gỡ và viếng thăm sáng ngày 26-5-2014, Đức Thánh Cha đã đến Trung Tâm Heichal Schlomo cách viện Yad Vashem 7 cây số để chào thăm 2 vị Đại Rabbi của Do thái giáo. Trung tâm này tọa lạc cạnh Đại Hội đồng Do thái Jerusalem.

Đại Rabbi Askenazi Yona Metzger năm nay 61 tuổi và Đại Rabbi Sefardita là Shlom Amar năm nay 66 tuổi. Trong dịp gặp gỡ, Đức Thánh Cha cho biết ”Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn nhìn nhận các căn cội Do thái trong đức tin của mình và tôi tin tưởng rằng với sự trợ giúp của quí vị, từ phía Do thái, không những có sự duy trì nhưng còn gia tăng ước muốn, đặc biệt nơi các thế hệ trẻ, tìm hiểu thêm về Kitô giáo, ngay cả tại phần đất được chúc phúc này, trong đó Kitô giáo nhìn nhận căn cội của mình. Sự hiểu biết gia sản tinh thần của mình, quí chuộng những gì chúng ta có chung với nhau và tôn trọng những gì khác biệt giữa chúng ta, có thể là yếu tố hướng dẫn để phát triển thêm các quan hệ giữa chúng ta”.

Thăm Tổng Thống Shimon Peres

Kế đến Đức Thánh Cha đến dinh Tổng thống Israel để viếng thăm Tổng thống Shimon Peres. Khi vào dinh, ngài được tổng thống giới thiệu một số trẻ em bị ung thư ở giai đoạn cuối đời vì các em ước muốn được gặp ĐGH trước khi qua đời.

Hai vị đã hội kiến riêng trước khi tiến ra vườn bên ngoài. Tại đây ngài đã trồng một cây ôliu kỷ niệm, rồi viếng thăm vườn và ra trước ra lễ đài đơn sơ, với phần trao đổi diễn văn, trước sự hiện diện của một ca đoàn nữ sinh và nhiều quan khách khác.

Trong diễn văn nồng nhiệt trước tổng thống Israel, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí chuộng đối với thái độ và những nỗ lực của ông trong việc bệnh vực hòa bình. Ngài cũng nhắc đến tầm quan trọng của thành Jerusalem đối với 3 tôn giáo độc thần. Ngài cũng nói rằng: ”Các nơi thánh không phải là những viện bảo tàng hoặc dinh thự cho các du khách, nhưng là nơi mà các cộng đồng tín hữu sống đức tin, sống văn hóa của mình và thực thi những sáng kiến bác ái. Cần phải bảo tồn tính chất thánh thiêng của các nơi ấy, không phải chỉ bảo vệ gia sản quá khứ, nhưng cả những con người viếng thăm các nơi ấy nữa.

Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định rằng: ”Về vấn đề này tôi lập lại mong ước làm sao để mọi người tránh những sáng kiến và những hành vi trái ngược với ý chí đã được bày tỏ để đạt tới một hiệp định thực sự và không ngừng quyết tâm theo đuổi hòa bình phù hợp với những điều tuyên bố. Cần quyết liệt loại bỏ tất cả những gì đi ngược sự theo đuổi hòa bình và sự sống chung trong niềm tôn trọng nhau giữa các tín hữu Do thái, Kitô, và Hồi giáo; việc sử dụng bạo lực và khủng bố, bất kỳ loại kỳ thị nào vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo, chủ trương áp đặt quan điểm của mình gây thiệt hại cho các quyền của người khác, chủ trương bài do thái dưới tất cả mọi hình thức, cũng như bạo lực hoặc những biểu thị bất bao dung chống lại con người và các nơi thờ phượng của Do thái, Kitô và Hồi giáo”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện tại quốc gia Israel có nhiều cộng đoàn Kitô sinh sống. Họ là thành phần trọn vẹn của xã hội và tham gia với đầy đủ danh nghĩa vào các sinh hoạt xã hội, chính trị và văn hóa. ”Các tín hữu Kitô mong muốn đóng góp cho công ích từ căn tính của mình, và xây dựng hòa bình, như những công dân với đầy đủ danh nghĩa, họ loại bỏ mọi thái độ cực đoan, và họ dấn thân thực thi hòa giải và hòa hợp. Sự hiện diện của họ và sự tôn trọng các quyền của họ là bảo đảm một sự đa nguyên lành mạnh và là bằng chứng về sức sinh động của các giá trị dân chủ, sự ăn rễ sâu của các giá trị nạn trong đời sống cụ thể của quốc gia”.

Giã từ tổng thống Shimon Peres của Israel, Đức Thánh Cha Đến Trung Tâm Đức Bà của Tòa Thánh. Nhà này nguyên thủy do các cha Dòng Đức Bà lên trời người Pháp thành lập hồi năm 1884 trên khu đất rộng 4 ngàn mét vuông để làm nơi tiếp đón các tín hữu hành hương người Pháp đến Thánh Địa. Tại đây đó 144 phòng và 2 phòng hội lớn, một thính đường 500 chỗ.

Năm 1973, vì các cha dòng Đức Bà Lên Trời bán trung tâm này, nên Tòa Thánh đã thủ đắc và biến thành một trung tâm quốc tế. Đức Gioan Phaolô 2 đổi tên thành Trung Tâm Đức Bà ở Jerusalem. Và năm 2004, Ngài ủy thác cho các cha dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm trách.

Tại Trung Tâm, vào lúc gần 1 giờ rưa, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến riêng và hội kiến với thủ tướng Israel, Ông Netanyahu, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Đức Thánh Cha trở lại Rôma

Lúc 8 giờ tối thứ Hai 26 tháng 5, Tổng thống Israel Shimon Peres và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiễn Đức Thánh Cha ra tận chân thang máy bay trong một lễ nghi từ biệt dành cho quốc khách.

Trên đường đến đường băng, hai đoàn đại biểu Vatican và Israel đã trao đổi những lời cám ơn và tạm biệt.

Thủ tướng Netanyahu đã nói một vài lời cuối cùng trước khi Đức Giáo Hoàng lên máy bay.

“Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đã nói về cuốn sách của cha tôi. Tôi thực sự rất biết ơn”.

Đức Thánh Cha đáp:

“Đó là một cuốn sách rất hay”

“Xin chúc Đức Thánh Cha đi bằng an. Chúng tôi cầu nguyện cho ngài và xin ngài cũng cầu nguyện cho chúng tôi.”

Sau 20 phút bịn rịn, lúc 20:20 giờ địa phương chiếc máy bay của hãng hàng không El Al đã cất cánh kết thúc cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng đến Đất Thánh.

Cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Giêrusalem về Rôma

Bất chấp những mệt mỏi sau một lịch trình dày đặc của cuộc hành hương kéo dài ba ngày tại Thánh Địa, trên chuyến bay trở về từ Giêrusalem vào tối thứ Hai 26 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc họp báo với các ký giả theo thể thức hỏi đáp với những câu hỏi tự phát.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sẽ gặp lần đầu tiên với tám nạn nhân của lạm dụng tình dục tại tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Hồng Y Sean O'Malley sẽ cùng tham gia với ngài trong cuộc họp riêng sẽ diễn ra trong những ngày đầu tiên của tháng Sáu. Trong quá khứ, từ năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các nạn nhân bị xâm phạm tính dục và cũng có sự hiện diện của Đức Hồng Y Sean O'Malley.

Tối thứ Hai theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Terrence Donilon, phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Boston cho biết:

"Giáo Hội hoàn vũ và cộng đồng quốc tế tiếp tục được chúc phúc bởi vai trò lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc ứng phó với những sự kiện bi thảm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em bởi các giáo sĩ. Đức Hồng Y Sean O'Malley mong muốn hỗ trợ nỗ lực này bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bất cứ cách nào hữu ích nhất.''

Đức Thánh Cha mô tả tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên như “một tội ác nghiêm trọng” và đã nhắc lại chính sách “zero tolerance” của Giáo Hội, nghĩa là hoàn toàn không khoan dung với những ai lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài phủ nhận cáo buộc nói rằng có một số giáo sĩ được hưởng những biệt lệ nhất định. Ngài tiết lộ rằng ba vị giám mục hiện đang bị điều tra vì những cáo buộc bao che cho sự lạm dụng.

Đức Thánh Cha nói:

"Một linh mục phạm vào điều này là phản bội là nhiệm thể của Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái này , người thanh niên này, người phụ nữ trẻ này nên thánh. Và cậu bé này, cô gái này tin tưởng nơi vị linh mục. Thế mà, thay vì đưa họ đến sự thánh thiện, lại lạm dụng họ.”

Đức Thánh Cha so sánh tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên giống như việc một linh mục lại dâng lễ đen để thờ phượng Satan.

Liên quan đến việc giải quyết những bê bối tài chính tại Vatican, Đức Thánh Cha nói rằng sẽ luôn có những vụ bê bối, bởi vì con người trước hết là những kẻ có tội. Nhưng ngài nói thêm rằng sự trung thực và minh bạch là chìa khóa để quản lý kinh tế tốt. 1600 trương mục đã bị loại vì theo Đức Thánh Cha chủ các trương mục này “không phải là các viên chức hay các tổ chức của Giáo Hội”.

Khi được hỏi về luật độc thân linh mục, Đức Thánh Cha giải thích rằng đời sống độc thân trong chức linh mục không phải là một "tín lý", mà là một "quy tắc của cuộc sống" mà ngài đánh giá cao và coi đây là "một hồng ân cho Giáo Hội." Nhưng có những ưu tiên khác mà Giáo Hội phải quan tâm nhiều hơn.

Khi được hỏi nếu ngài có thoái vị như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ lắng nghe ý Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

"Bảy mươi năm trước đây giám mục hiệu tòa không tồn tại. Hôm nay chúng ta có rất nhiều. Tại sao lại không có những Giáo Hoàng danh dự? Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn vào nó như là một cơ chế mà Đức Giáo Hoàng danh dự đã mở ngỏ. Sẽ có thêm một vị Giáo Hoàng danh dự nữa chăng? Chỉ có Chúa mới biết. Nhưng cánh cửa đã được mở ra."

Về vấn đề của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, Đức Giáo Hoàng nói rằng những người này không nên bị xem như "khách lạ." Ngài cũng nói thêm rằng những vấn đề như thế sẽ được giải quyết trong Thượng Hội Đồng về gia đình, khi xem xét những khía cạnh như sự hiệp thông và quá trình cứu xét việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu của các tòa án hôn phối.

Nói về những thách đố khác mà Giáo Hội phải đối mặt ngày hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án một lần nữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, và thứ văn hóa "vứt bỏ" do nó tạo ra . Tuy nhiên, bên cạnh những người già và những người vô phương tự vệ, ngài cũng đã nói về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên con số đông đảo các thanh thiếu niên trên toàn thế giới .

Đức Thánh Cha nói:

"Điều này có nghĩa rằng có một thế hệ thanh niên không được học tập và làm việc, và điều này là rất nghiêm trọng. Cả một thế hệ những người trẻ tuổi bị vứt bỏ. Cái thứ văn hóa vứt bỏ này là rất nghiêm trọng."

Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng đối thoại là cách duy nhất để đạt được hòa bình tại Thánh Địa . Ngài nói thêm rằng cuộc đối thoại này cũng quyết định về tình trạng của Giêrusalem, là thủ đô của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới là Công Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

Cuối cùng , Đức Giáo Hoàng cũng khẳng định rằng ngài sẽ tông du đến châu Á không chỉ trong tháng Tám, nhưng còn vào đầu năm tới nữa. Ngài sẽ thăm Hàn Quốc trong một vài tháng tới, sau đó, vào tháng Giêng, ngài sẽ đến Sri Lanka và Phi Luật Tân, nơi Đức Thánh Cha sẽ thăm những khu vực bị tàn phá bởi cơn bão năm ngoái.

Đức Thánh Cha đã về tới Rôma lúc quá 11 đêm thứ Hai 26 tháng 5.

Đức Thánh Cha Phanxico đến viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để tạ ơn

Đức Thánh Cha Phanxico đã đến viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi sáng thứ ba để Tạ ơn Đức Mẹ về những thành quả từ chuyến tông du của Ngài đến Đất Thánh.

Đức Thánh Cha trở về Vatican vào tối thứ hai sau chuyến viếng thăm ba ngày vất vả tại Jordan, Palestine và Israel.

Đức Hồng Y Abril y Castello, giám quản Vương Cung Thánh Đường cho biết Đức Thánh Cha đến nhà Thờ Đức Bà Cả lúc khoảng 11 giờ sáng với một bó hoa dâng Đức Mẹ để tạ ơn về kết quả tốt đẹp của chuyến đi vừa qua và trao phó cho Mẹ hoa trái của chuyến hành hương của Ngài. Sau khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng nói đôi lời chào mừng những người hiện diện tại Đền thờ trước khi Ngài rời khỏi đó lúc 11.30 sáng.

Đức Thánh Cha cũng đã đến thăm viếng Đền thờ mà chẳng báo trước vào sáng thứ sáu trước khi Ngài khởi hành cuộc hành hương Đất thánh. Ngài cũng đã làm điều tương tự như vậy trước cuộc hành trình đến Brazil vào tháng 7 năm 2013. Cuộc viếng thăm hôm nay ở Đền Thờ Đức Bà Cả của Đức Giáo Hoàng là lần thứ chín kể từ khi Ngài làm Giáo Hoàng.

Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 28 tháng Năm

Trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 28 tháng Năm trước hàng mấy chục ngàn tín hữu và khách hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về chuyến thăm gần đây của ngài đến Thánh Địa. Ngài nhấn mạnh rằng cuộc hành trình trong mấy ngày qua là sự canh tân cam kết hoạt động cho sự hiệp nhất Kitô giáo và khuyến khích các nỗ lực hòa bình và hòa giải ở Trung Đông .

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Cuộc tông du của tôi đến Thánh Địa trong những ngày này là một hồng ân lớn lao Chúa đã ban cho tôi và cho toàn thể Giáo Hội. Chuyến đi này là để kỷ niệm lần thứ năm mươi cuộc họp giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras. Biến cố ấy là một mốc quan trọng trên con đường hiệp nhất Kitô giáo. Đức Thượng Phụ Barthôlômêô và tôi đã cầu nguyện với nhau như anh em trước ngôi mộ của Chúa Phục Sinh và chúng tôi nhắc lại cam kết của chúng tôi dấn thân cho sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội. Cuộc hành trình của tôi cũng nhằm để khuyến khích những nỗ lực của những người thiện chí đang dấn thân cho hòa bình ở Trung Đông và những người đang chăm sóc cho những người tị nạn và trẻ em, và những ai chịu ảnh hưởng của chiến tranh và bạo lực. Như anh chị em đã biết , tôi đã mời Tổng Thống Israel và Palestine cùng tôi cầu nguyện cho hòa bình.

Cuối cùng, tôi muốn củng cố đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu ở Thánh Địa, ghi nhận những khó khăn của họ và hỗ trợ họ trong các công việc từ thiện và giáo dục. Cầu xin cho những lời cầu nguyện và sự liên đới của toàn thể Giáo Hội có thể giúp duy trì chứng tá của họ cho sứ điệp vui mừng và hoà giải của Tin Mừng, và giúp đem hồng ân hòa bình của Thiên Chúa trong những vùng đất đã được Chúa chúc phúc .

Tôi rất vui mừng chào đón các thành viên của Ủy ban Di dân Công Giáo quốc tế đang nhóm phiên khoáng đại tại đây với những lời chúc tốt đẹp cho những hoạt động liên đới của họ trong việc cung cấp những trợ giúp cần thiết cho rất nhiều anh chị em của chúng ta đang lúc quẫn bách. Tôi cũng chào đón hiệp hội Cảnh sát Công Giáo của Anh và xứ Wales đã được thành lập trên một trăm năm nay, và các thành viên của Tổ chức Các nhà lập pháp toàn cầu . Xin niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh tuôn đổ trên toàn thể anh chị em.