Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả trước khi lên đường sang Thánh Địa

Một ngày trước chuyến đi đến Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ đến thăm Đền Thờ Đức Bà Cả hôm thứ Sáu 23 tháng 5 để cầu nguyện trước bức ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của Dân Rôma.

Ngài cầu nguyện âm thầm trong khoảng 15 phút, để đặt chuyến đi của ngài dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đặt một bó hoa dưới chân của bức ảnh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giữ thói quen cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả trước những thời điểm quan trọng trong triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài đã dừng lại tại nhà thờ vào ngày sau khi đắc cử Giáo Hoàng, và trước khi khởi hành đến Brazil trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và một lần nữa khi ngài trở về từ Rio De Janeiro. Đức Giáo Hoàng cũng đã dừng lại ở Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện một vài phút hồi tháng Giêng năm nay.

Trong những trường hợp như thế, chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đều không được thông báo trước trong lịch trình chính thức của ngài. Cuộc viếng thăm Thánh Địa được giới báo chí quốc tế mô tả là rất khó khăn, xét vì tình hình địa phương, nên Đức Thánh Cha đã đặt biến cố này dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria.

2. Đức Thánh Cha khởi hành sang thăm Thánh Địa

Lúc 8:20 sáng thứ Bẩy, Đức Thánh Cha đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để lên đường sang Amman. Chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, là Phụ Tá của ngài. Cả hai vị cùng đi với Đức Thánh Cha sang Thánh Địa.

Chuyến tông du hải ngoại lần thứ hai của Đức Thánh Cha cũng diễn ra tương tự như chuyến đi thứ nhất sang Brazil: trời nắng đẹp và Đức Thánh Cha tự mình xách chiếc cặp lên máy bay.

Cùng đi với Đức Thánh Cha trên chuyến bay dài 4 tiếng từ Roma có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng và 70 ký giả quốc tế. Phát biểu với các phóng viên trên máy bay, Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy như tiên tri Daniel trong Kinh Thánh đang hướng đến hang sư tử, ý muốn ám chỉ chuyến thăm của ngài đang đưa ngài đến một khu vực luôn luôn bất ổn bởi những hố sâu chia cách chính trị và tôn giáo.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

"Tôi cảm thấy như Daniel, nhưng bây giờ tôi biết rằng những con sư tử này sẽ không cắn",

Mặc dù có những khuyến cáo của các lực lượng an ninh Jordan, Tòa Thánh giải thích rằng chuyến đi đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Trung Đông là một "cuộc hành hương cầu nguyện", vì thế ngài không dùng các xe chống đạn, và cũng không cần đoàn hộ tống với xe cảnh sát mở đầu.

Sau 3 giờ và 45 phút bay, Đức Thánh Cha đã đến sân bay Hoàng Hậu Alia ở Amman. Từ trên máy bay đi xuống, Đức Giáo Hoàng đã được hai trẻ em chào đón ngài với những bó hoa phong lan là quốc hoa của Jordan.

Đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay là Hoàng tử Ghazi bin Muhammad, phụ trách Ủy Ban Đối Thoại với Kitô Giáo.

Đức Thánh Cha và Hoàng Tử đã nói chuyện với nhau trong mười phút trước khi Đức Giáo Hoàng rời phi trường để đến Cung điện Hoàng gia cách đó 38 km.

Đông đảo dân chúng vẫy cờ Jordan và Vatican và các biểu ngữ chào đón ngài khi chiếc xe hơi chở ngài từ phi trường đến cung điện hoàng gia.

Tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chào đón bởi vua Abdullah Đệ Nhị và hoàng hậu Rania, cùng với bốn đứa con của họ. Vua Abdullah 2 là cháu đích tôn 43 đời của Muhammad là người sáng lập Hồi giáo. Còn hoàng hậu Rania năm nay 44 tuổi là người Palestine sinh trưởng tại Kuwait.

Trong khi đó, đông đảo các Kitô hữu đã đứng chật trên những chiếc xe buýt để di chuyển đến sân vận động Amman, nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ vào lúc 4h chiều.

Mặc dù chỉ có 250,000 người Jordan tự nhận mình là Kitô hữu - trong một quốc gia có đến 7 triệu người Hồi giáo - Thủ tướng Abdullah Nsur cho biết chuyến thăm sẽ cho thế giới thấy rằng Jordan là một ốc đảo của hòa bình trong một khu vực hỗn loạn của "máu, chiến tranh và đàn áp".

Vương quốc Giordani chỉ rộng gần 89 ngàn cây số vuông, bằng 1 phần 4 Việt Nam, nhưng lại rộng gấp quá 4 lần lãnh thổ của Israel và Palestine cộng lại, vì hai nước này chỉ có 20.700 cây số vuông, tuy rằng họ có dân số đông hơn, gần 8 triệu người, so với 6 triệu 400 ngàn dân cư của Giordani. Cũng vậy về con số tín hữu Công Giáo: tại Giordani chỉ có 107 ngàn tín Công Giáo, trong khi tại Israel và Palestine có 266 ngàn tín hữu Công Giáo, tức là gần gấp 3.

Tại Giordani có 3 giáo phận với 4 Giám Mục và 69 giáo xứ và 143 linh mục triều và dòng, 210 nữ tu. Các tín hữu Công Giáo la tinh ở Giordani thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem với Đức Thượng Phụ hiện nay là Fouad Twal, người Giordani.

3. Diễn văn đầu tiên của Đức Thánh Cha

Sau nghi thức đón tiếp tại sân bay Hoàng Hậu Alia ở Amman, Đức Thánh Cha cùng với đoàn tùy tùng đi xe về hoàng cung Al-Husseini ở trung tâm thủ đô Amman cách đó 38 cây số nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức. Quốc vương và hoàng hậu Rania đón tiếp Đức Thánh Cha ngay tại cổng vào hoàng cung và tiến qua đoàn quân danh dự.

Đáp lại lời chào mừng của Vua Abdullah, Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Ý:

“Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì được viếng thăm Vương quốc Giordani, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi là các Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Gioan Phaolô Đệ Nhị và Bênêđíctô thứ 16, và tôi cám ơn Quốc Vương Abdullah II vì những lời chào đón nồng nhiệt, nhớ lại cuộc viếng thăm mới đây của Quốc vương tại Vatican. Tôi cũng chào thăm Hoàng gia, chính phủ và nhân dân Giordani, đất nước có lịch sử phong phú và ý nghĩa lớn về mặt tôn giáo đối với Do thái, Kitô và Hồi giáo.

“Đất nước này quảng đại đón tiếp đông đảo người tị nạn Palestine, Irak và những người đến từ các vùng khác bị khủng hoảng, đặc biệt là từ Siria láng giềng, bị đảo lộn vì cuộc xung đột kéo dài đã quá lâu. Sự đón tiếp đó đáng được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và hỗ trợ. Giáo Hội Công Giáo theo khả năng của mình, muốn dấn thân trong việc trợ giúp người tị nạn và những người sống trong cảnh túng thiếu, đặc biệt là qua trung gian của Caritas Giordani. ”Trong khi tôi đau lòng nhận thấy những căng thẳng cao độ vẫn kéo dài ở vùng Trung Đông, tôi cám ơn chính quyền của Vương quốc Giordani vì những gì đang thực hiện và tôi khích lệ tiếp tục dấn thân trong việc tìm kiếm hòa bình lâu bền mong ước cho toàn vùng; để đạt mục đích ấy, người ta thấy hơn bao giờ hết cần có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Siria, và giải pháp công chính cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

“Nhân cơ hội này, tôi tái bày tỏ lòng kính trọng sâu xa và sự quí chuộng của tôi đối với Cộng đoàn Hồi giáo, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Quốc vương trong việc thăng tiến một sự hiểu biết thích hợp hơn về các nhân đức mà Hồi giáo tuyên dạy, cũng như sự sống chung thanh thản giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Tôi biết ơn đối Giordani vì đã khích lệ các sáng kiến quan trọng cổ võ cuộc đối thoại liên tôn để thăng tiến sự cảm thông giữa người Do thái, Kitô và Hồi giáo, trong đó có sáng kiến ”Sứ điệp liên tôn từ Amman” và vì đã cổ võ giữa lòng Liên Hiệp Quốc việc cử hành hàng năm ‘tuần lễ hòa hợp giữa các tôn giáo’”.

“Giờ đây tôi muốn thân ái gửi lời chào thăm các cộng đoàn Kitô hiện diện tại đất nước này từ thời các thánh Tông Đồ, và đang góp phần xây dựng công ích của xã hội trong đó họ hoàn toàn hội nhập. Tuy ngày nay con số của họ bị giảm bớt, nhưng họ vẫn có cách thi hành một hoạt động có chất lượng cao và được quí chuộng trong lãnh vực giáo dục và y tế, qua các trường học và nhà thương, và họ có thể yên hàn tuyên xưng đức tin, trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, và tôi nồng nhiệt cầu mong quyền này được đặc biệt tôn trọng ở mọi nơi tại Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Quyền này bao gồm tự do cá nhân và tập thể được chọn lựa tôn giáo mà mình tin là thật và công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình” (Bênêđíctô thứ 16, Tông huấn ‘Giáo Hội tại Trung Đông”,26). Các tín hữu Kitộ cảm thấy và là những công dân đúng nghĩa và muốn góp phần vào việc xây dựng xã hội cùng với các đồng bào Hồi giáo của họ, đóng góp phần đặc thù của mình.

Sau cùng tôi đặc biệt cầu chúc hòa bình và thịnh vượng cho Vương quốc Giordani, cho nhân dân nước này, và tôi cầu mong cuộc viếng thăm này góp phần gia tăng và thăng tiến những quan hệ tốt đẹp và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo”.

Ngài cũng ứng khẩu cám ơn Vua Abdullah đã bảo vệ cộng đồng Kitô tại Giordani và là một người hòa bình, người xây dựng hòa bình.

4. Cử hành thánh lễ đầu tiên

Giã từ hoàng gia Giordani, Đức Thánh Cha đã tới sân vận động quốc tế Al-Hussein cách đó 11 cây số để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Hiện diện tại Sân Vận động có 30 ngàn tín hữu, không kể hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu có nhiều người tị nạn Công Giáo đến từ Palestine, Siria và Irak, đặc biệt có 1.400 em được rước lễ lần đầu trong thánh lễ này.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 5 Hồng Y thuộc đoàn tùy tùng của ngài, 6 Hồng Y khác đến từ các Giáo Hội địa phương, đứng đầu là Đức Hồng Y Becharai Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite từ Liban, ngoài ra có 6 vị Thượng Phụ, 115 linh mục, 60 phó tế và đan sĩ đến từ các nước Arập.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khai triển 3 hoạt động chính của Chúa Thánh Linh là chuẩn bị, thúc giục và sai đi. Ngài nói:

Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: ”Thầy sẽ xin Chúa và Người sẽ ban cho các con Đấng An ủi khác để Ngài ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,16). Đấng An ủi thứ I là chính Chúa Giêsu; Đấng thứ 2 là Chúa Thánh Linh.

Ở đây chúng ta không xa nơi Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trong quyền năng trên Đức Giêsu thành Nazareth, sau khi Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu trong sông Giordan (Xc Mt 3,16). Vì thế Tin Mừng Chúa Nhật này, và cả nơi mà nhờ ơn Chúa tôi ở đây như người hành hương, mời gọi chúng ta hãy suy tư về Chúa Thánh Linh, về điều mà Chúa thực hiện trong Chúa Kitô và nơi chúng ta, và chúng ta có thể tóm tắt thế này: Chúa Thánh Linh thực hiện 3 hành động: chuẩn bị, thúc đẩy và sai đi.

Trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Linh ngự xuống trên Đức Giêsu để chuẩn bị Người thi hành sứ mạng cứu độ; sứ mạng này có đặc tính như của một Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành, sẵn sàng chia sẻ lịch sử cứu độ và tận hiến toàn toàn. Nhưng Chúa Thánh Linh, hiện diện ngay từ đầu lịch sử cứu độ, đã hoạt động trong Đức Giêsu khi Người được chịu thai trong lòng đồng trinh của Đức Maria thành Nazareth, thực hiện biến cố lạ lùng là sự nhập thể. Thiên Thần nói với Đức Maria: ”Chúa Thánh Linh đã bao phủ Trinh Nữ, sẽ che bóng cho Trinh Nữ và Trinh Nữ sẽ sinh Con và được đặt tên là Giêsu” (Xc Lc 1,35). Tiếp đến Chúa Thánh Linh đã hành động trong ông Simeon và bà Anna, trong ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ (Xc Lc 2,22). Cả hai vị chờ đợi Đức Thiên Sai, được Chúa Thánh Linh soi sáng và đến thăm Hài Nhi Giêsu, cả hai trực giác thấy rằng đó chính là Đấng toàn dân mong đợi...

Thứ hai, Thánh Linh thúc đẩy. Ngài đã xức dầu trong nội tâm cho Đức Giêsu và xức dầu cho các môn đệ, để họ có cùng tâm tình của Đức Giêsu và nhờ đó có thể đảm nhận trong đời sống của họ những thái độ tạo điều kiện dễ dàng cho hòa bình và hiệp thông. Với sự xức dầu của Thánh Linh, nhân tính của chúng ta được ghi đậm sự thánh thiện của Đức Giêsu Kitô và làm cho chúng ta có thể yêu thương anh chị em với cùng tình thương mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế, cần có những cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và tha thứ, hòa giải. Những cử chỉ này là tiền đề và điều kiện để có hòa bình chân thực, vững chắc và lâu bền. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha xức dầu chúng ta để chúng ta hoàn toàn trở thành những người con của Ngài, luôn phù hợp với Đức Kitô, để chúng ta cảm thấy tất cả là anh chị em và như thế xua đuổi khỏi chúng ta những oán hận và chia rẽ, đồng thời yêu thương nhau như anh chị em. Và đó là điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm: ”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ giới răn của Thầy, và Thầy sẽ xin Chúa và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác, để Người ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,15-16).

Và sau cùng Chúa Thánh Linh sai đi. Đức Giêsu là Đấng Được Sai Đi, đầy Thánh Linh của Cha. Được xức dầu với cùng Thánh Linh, cả chúng ta cũng được sai đi như sứ giả và chứng nhân hòa bình.

Hòa bình không thể mua được: đó là một hồng ân cần kiên nhẫn tìm kiếm và xây dựng một cách khéo léo nhờ những cử chỉ lớn nhỏ bao gồm đời sống hằng ngày của chúng ta. Con đường hòa bình được củng cố nếu chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta có cùng máu mủ và là thành phần của nhân loại; nếu chúng ta không quên mình có một người Cha duy nhất trên trời và tất cả đều là con cảu Ngài được dựng nên theo hình ảnh giống Ngài.

Đức Thánh Cha thân ái chào thăm Đức Thượng Phụ, các anh em Giám Mục và linh mục, tu sĩ giáo dân, các em Rước lễ lần đầu.. và ngài kết luận rằng:

Các bạn thân mến, Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên Đức Giêsu cạnh sông Giordan, và khởi sự công trình cứu chuộc hầu giải thoát thế gian khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy xin Chúa chuẩn bị con tim chúng ta để gặp gỡ anh chị em vượt lên trên những khác biệt về tư tưởng,ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo; xin Chúa xức dầu toàn thể con người chúng ta bằng dầu từ bi của Ngài, chữa lành các vết thương sai lầm, thiếu cảm thông, tranh biện, và sai chúng ta đi với lòng khiêm tốn và từ bi trên những nẻo đường khó khăn nhưng phong phú trong công trình tìm kiếm hòa bình.

Đức Thánh Cha giảng hoàn toàn bằng tiếng Ý, và sau bài giảng, có một Đức Cha dịch sang tiếng Arập.

Trong phần hiệp lễ, 118 linh mục và Phó tế đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Cuối thánh lễ, Đức Thượng Phụ Fouad Twal đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha và nói đến những thách đố mà Giáo Hội địa phương đang phải đương đầu. Ngài nói: Thánh Địa bị quá nhiều chia rẽ, và Giáo Hội Công Giáo địa phương, đặc biệt là Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem hết sức cố gắng hiệp nhất nội bộ, hiệp nhất giữa các Giáo Hội và toàn dân. Chúng con là một Giáo Hội nhỏ bé, nhưng cũng là một Giáo Hội lắng nghe, tháp tùng và cộng tác theo khả năng khiêm hạ của mình, vào hành trình hoán cải, vì chúng ta luôn ở trong tình trạng hoán cải trường kỳ (Evan. gaudium 25).

5. Giã từ Jordan sang thăm Palestine

Lúc 7 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 25 tháng 5, Đức Thánh Cha đã rời Tòa sứ thần Tòa Thánh để đến phi trường quốc tế Amman đáp trực thăng đi Giêrusalem. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường Hoàng hậu Alia.

Lúc 8 giờ ba chiếc trực thăng “Superpuma” của không quân Jordan đã cất cánh chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến Bethlehem cách đó 75 cây số. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng ở Bếtlehem có Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, Sứ thần Tòa Thánh cạnh Israel kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine, Đức Thượng Phụ Fouad Twal Thượng phụ Latinh Giêrusalem, và đông đảo các vị trong Tòa Thượng Phụ nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem.

Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đi xe về dinh tổng thống Palestine ở Bếtlehem cách đó 2 cây số rưỡi. Tín hữu và dân chúng đã đem theo cờ Tòa Thánh và cờ Palestine cũng như bong bóng và ca hát chào mừng Đức Thánh Cha trong bầu khí lễ hội rất tươi vui.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tiếp đón Đức Thánh Cha trước dinh theo nghi lễ quốc khách. Sau cuộc hội kiến ngắn giữa hai vị, Đức Thánh Cha đã gặp hàng lãnh đạo Palestine và tổng thống Abbas đã đọc diễn văn chào mừng ngài.

Đáp lời tổng thống Mahmoud Abbas Đức Thánh Cha đã cám ơn Chúa cho ngài đến viếng thăm nơi Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình đã giáng sinh và cám ơn tổng thống và nhân dân Palestine vì sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài.

Đức Thánh Cha nói:

Từ cùng thẳm con tim tôi muốn nói rằng: đã đến giờ chấm dứt tình trạng này ngày càng trở nên không thể chấp nhận được.Vì thiện ích của tất cả mọi người cần gia tăng các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo dựng ra các điều kiện của một nền hòa bình ổn định, dựa trên công lý, việc thừa nhân các quyền của từng người và trên sự an ninh của nhau.

Tôi cầu chúc cho dân tộc Palestine và Israel cũng như các giới lãnh đạo liên hệ dấn thân trên con đường xuất hành hạnh phúc này tiến về hòa bình với lòng can đảm và cương quyết cần thiết cho mọi cuộc xuất hành. Hòa bình trong an ninh và tin tưởng lẫn nhau sẽ trở thành khung cảnh quy chiếu ổn định giúp đương đầu và giải quyết các vấn đề khác và như thế cống hiến một cơ hội phát triển quân bình, để trở thành mô thức cho các vùng khủng hoảng khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới sinh hoạt của cộng đoàn kitô cống hiến phần đóng góp ý nghĩa cho công ích của xã hội và chia sẻ các vui buồn khổ đau của toàn dân. Các kitô hữu muốn tiếp tục nắm giữ vai trò của mình như công dân có đầy đủ quyền lợi cùng với các công dân khác được coi như anh chị em của nhau.

Đức Thánh Cha ca ngợi tổng thống Abbas như là người của hòa bình và tạo dựng hòa bình. Cuộc gặp gỡ mới đây tại Vatican và sự hiện diện của ngài tại Palestine minh chứng cho các tương quan tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Nước Palestine, mà ngài cầu mong gia tăng cho thiện ích của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha đánh giá cao dấn thân chuẩn bị một Thỏa hiệp giữa các Phe liên quan tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống của Cộng đoàn Công Giáo của quốc gia, với sự chú ý đặc biệt tới tự do tôn giáo. Thật thế, việc tôn trọng quyền nền tảng này của con người, một trong những điều kiện không thể khước từ được của hòa bình, tình huynh đệ, và hòa hợp. Nó nói với thế giới rằng phải và có thể tìm ra một thỏa hiệp tốt đẹp giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nó làm chứng rằng chúng ta có chung với nhau biết bao điều và quan trọng có thể nhận ra một con đường chung sống thanh thản, trật tự và hòa bình, trong việc tiếp nhận các khác biệt và trong niềm vui là anh chị em với nhau vì là con cái của một Thiên Chúa duy nhất.

6. Một cử chỉ đầy biểu tượng

Sau cuộc gặp gỡ tổng thống và giới chức chính quyền Palestine, lúc 10 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã đi xe díp trắng đến quảng trường trước vương cung thánh đường Giáng Sinh, cách đó 2 cây số rưỡi, để cử hành thánh lễ cho tín hữu, có sự tham dự của tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền và đông đảo tín hữu, đến từ Galilea và Gaza, cũng như ba trăm công nhân Á châu làm việc tại Israel.

Trên đường đến Bethlehem, xe Đức Thánh Cha đã đột ngột dừng lại chỗ có bức tường cao 10 mét ngăn cách biên giới của Israel với vùng đất Palestine để cầu nguyện. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô cúi đầu cầu nguyện, ép lòng bàn tay của mình chống lại bức tường bê tông, và cụng đầu như muốn xô đổ "bức tường ngăn cách" của Israel được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới như một cử chỉ phản kháng mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Công Giáo trước một biểu tượng của sự chia rẽ và xung đột trong một thế giới với quá nhiều những dàn xếp lắt léo mà cuối cùng phần thiệt đè nặng trên vai những người dân nghèo vô tội.

Được xây dựng bởi Israel như một hàng rào an ninh để bảo vệ công dân của mình khỏi bị tấn công sau phong trào intifada lần thứ hai. Bức Tường được gọi là “bức tường ô nhục” này cao 8-9 thước, dài 438km cây số trên tổng số 708km dự trù, thường xây lấn trên đất của người Palestine, chia cắt đất đai, ruộng vườn của người Palestine và tạo ra biết bao nhiều bất công, khó nhọc vất vả, mất thời giờ cho người Palestine, mỗi khi phải di chuyển, kể cả các trẻ em khi đi học phải đi vòng xa qua các trạm kiểm soát của lính do thái gác biên giới.

Cử chỉ mạnh mẽ đã được thực hiện ít phút sau khi Đức Thánh Cha thỉnh cầu cả hai bên Palestine và Israel hãy kết thúc một cuộc xung đột mà ngài nói là "càng ngày càng gia tăng đến mức không thể chấp nhận được".

7. Thánh lễ tại quảng trường Máng Cỏ Bethlehem

Bà Vera Baboun thị trường thành phố đã chào đón Đức Thánh Cha tại Bethlehem.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh và A rập. Các bài sách thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng A rập và thánh ca là thánh ca Giáng Sinh quốc tế nhưng bằng tiếng A Rập.

Giảng trong Thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Đây là dấu chỉ: các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ cuốn tã nằm trong máng có” (Lc 2,12). Trẻ thơ Giêsu sinh ra tại Bếlehem là dấu chỉ Thiên Chúa ban cho người chờ đợi ơn cứu rỗi và luôn mãi là dấu chỉ sự hiền dịu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Từ hình ảnh của Chúa Hài Nhi Đức Thánh Cha nghĩ tới các trẻ em trên toàn thế giới và nói:

Cả ngày nay nữa các trẻ em cũng là một dấu chỉ, dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ của sự sống, nhưng cũng là dấu chỉ “bắt mạch” giúp hiểu sức khỏe của một gia đình, một xã hội, sức khỏe của toàn thế giới. Khi các trẻ em được tiếp nhận, yêu thương, giữ gìn và che chở, thì gia đình lành mạnh, xã hội tốt đẹp hơn, thế giới nhân bản hơn. Chúng ta hãy nghĩ tới công trình của Học viện Effetà Phaolo VI đối với các trẻ em câm điếc: đó là một dấu chỉ cụ thể lòng lành của Thiên Chúa. Ngày hôm nay Thiên Chúa cũng lập lại với chúng ta các người nam nữ của thế kỷ XXI: “Đây là dấu chỉ, các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ...”. Trẻ thơ Bethlehem giòn mỏng như tất cả các trẻ sơ sinh. Không biết nói tuy Ngôi Lời đã nhập thể, đã đến để thay đổi trái tim và sự sống con người. Trẻ Thơ đó cũng như mọi trẻ thơ, yếu đuối và cần được trợ giúp và che chở. Cả ngày nay nữa các trẻ em cần được tiếp nhận và bảo vệ từ khi còn ở trong lòng mẹ.

Rất tiếc trong thế giới ngày nay là thế giới đã phát triển các kỹ thuật tinh vi nhất, vẫn còn có biết bao nhiêu trẻ em sống trong các điều kiện vô nhân, ngoài lề xã hội, trong các vùng ngoại ô các thành phố lớn hay trong các vùng quê. Biết bao nhiêu trẻ em ngày nay còn bị khai thác đối xử tàn tệ, bị làm nô lệ, là đối tượng của bạo lực và các vụ buôn bán bất hợp pháp. Ngày nay có quá nhiều trẻ em tỵ nạn, di cư đôi khi bị chết chìm trên biển, đặc biệt trong biển vùng Địa Trung Hải. Hôm nay chúng ta xấu hổ vì tất cả những điều đó trước mặt Thiên Chúa, trước Thiên Chùa trở thành Hài Nhi.

Cả ngày nay nữa các trẻ em khóc, khóc rất nhiều và tiếng khóc của các em gọi mời chúng ta. Trong thế giới này mỗi ngày vứt bỏ hàng tấn thực phẩm và thuốc men, có các trẻ em khóc vô ích vì đói vì bệnh có thể chữa được một cách đễ dàng. Trong một thời đại tuyên bố bảo vệ các trẻ em vị thành niên, người ta buôn bán vũ khí rốt cuộc rơi vào tay các trẻ em chiến binh; người ta buôn bán các sản phẩm do các trẻ em nhân công nô lệ làm. Tiếng khóc của các em bị bóp nghẹt: các em phải chiến đấu, phải làm việc, các em không thể khóc! Nhưng mẹ của các em, những bà Rachel ngày nay khóc: họ khóc các con họ và không muốn được an ủi (x. Mt 2,18).

“Đây là dầu chỉ”. Hài Nhi Giêsu đã sinh ra tai Bethlehem, mọi trẻ em sinh ra và lớn lên tại mọi phần của thế giới là dấu chỉ bắt mạch cho phép kiểm thực tình trạng sức khỏe của gia đình, cộng đoàn và quốc gia của chúng ta. Từ việc bắt mạch thẳng thắn và liêm chính đó có thể nảy sinh ra một kiểu sống mới, trong đó các tương quan không còn là xung khắc đàn áp, duy tiêu thụ nữa, mà là các tương quan của tình huynh đệ, tha thứ, hòa giải, chia sẻ và yêu thương.

Ôi lậy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu là Đấng đã tiếp đón xin đậy chúng con tiếp đón, là Đấng đã thờ lậy xin dạy chúng con thờ lậy, là Đấng đã đi theo xin dạy chúng con đi theo. Amen.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ả rập, Ý, Anh, Tagalog. Mấy chục linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa

Trước khi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện kết lễ Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, Thượng Phụ latinh Giêrusalem đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và nói: Chúng con mong ước chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha làm sống dậy trong con tim của mọi người sứ điệp Giáng Sinh, hòa bình và hơi ấm của Hang Đá Bethlehem. Chúng con cầu mong rằng chuyến hành hương của Đức Thánh Cha giúp mọi người sống sự cao cả của sự khiêm nhường của Bethlehem, thừa nhận sự vô ích của xấc xược, vẻ đẹp của tuổi thơ và sự vô tội. Có biết bao trẻ thơ bị các người lớn lãnh đạo thế giới này bắt buộc sống lang thang, thường bị bỏ rơi: trẻ em không nhà cửa, không cha mẹ chạy trên các con dường bụi bặm của các trại tỵ nạn, vì không còn nhà ở và nơi nương tựa. Có biết bao trẻ em phải nghe lại những lời “không còn chỗ trong quán trọ” đã được nói với Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse xưa kia. Không có chỗ cho chúng cả trong các chính sách gia đình, trong luật lệ và trong các cuộc đàm phán cho một nền hòa bình không tìm ra đường đến với chúng con, một nền hòa bình không chọc thủng được các bức tường sợ hãi không tin tưởng bao quanh thành phố này. Các người trẻ của chúng con đã theo gót Chúa Giêsu, sống kinh nghiệm di cư, đói khát, lạnh lẽo và thường khi trông thấy nhà cửa của chúng bị phá hủy.

Nhân danh các Giám Mục Công Giáo, nhân dân Palestine và biết bao nhiêu khách hành hương đến Bethlehem như nhà của họ, chúng con cám ơn sự hiện diện của Đức Thánh Cha với chúng con hôm nay cùng với tất cả các trẻ em lành mạnh và tàn tật của nhiều trung tâm ở Bethlehem chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và gắn bó vời Đức Thánh Cha.

Cộng đoàn đã cùng Đức Thánh Cha hát Kinh Lậy Nữ Vương Thiên đàng. Trước khi ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến bất ngờ chưa từng có. Ngài nói: “Ở nơi Hoàng Tử Hòa Bình đã sinh ra này, tôi ước mong mời tổng thống Mahmoud Abbas và tổng thống Simon Perez cùng tôi dâng một lời cầu nguyện mạnh mẽ khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn hóa bình. Tôi cống hiến nhà tôi ở Vatican để tiếp đón cuộc gặp gỡ cầu nguyện này”. Mọi người đều ước mong hòa bình và biết bao nhiêu người xây dựng nó mỗi ngày với các cử chỉ bé nhỏ. Nhiều người đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng sự vất vả của biết bao nhiêu nỗ lực để xây dựng hòa bình. Và tất cả đặc biệt những người được đặt để phục vụ các dân tộc của nình - chúng ta có bổn phận trở thành dụng cụ của hòa bình, trước hết bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hòa bình khó, nhưng sống không có hòa bình là một đau đớn. Tất cả mọi người nam nữ của vùng Đất này và toàn thế giới xin chúng ta đem tới trước Thiên Chúa khát vọng hòa bình nồng cháy của họ”.

Mọi người đã vỗ tay tán đồng sáng kiến của Đức Thánh Cha.

Sau cùng Đức Thánh Cha ban phép lành cuối lễ cho tín hữu.

Thăm các cha Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa và trại tị nạn

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha đã đến nhà khách Casa Nova của các cha Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa để dùng bữa trưa với 5 gia đình người tỵ nạn và nghỉ ngơi chốc lát trước khi viếng thăm Vương cung thánh đường và Hang Đá Giáng Sinh.

Sau khi viếng thăm và cầu nguyện tại Hang Đá, Đức Thánh Cha đã trở lại nhà Casa Nova để chụp hình lưu niệm với các tu sĩ Phanxicô. Tiếp đến ngài đi xe đến Trung tâm Phoenix cách đố 5 cây số để gặp gỡ các trẻ em thuộc các trại tỵ nạn. Đây là trung tâm phục hồi cho người tỵ nạn của trại Dheisheh đã được Thánh Gioan Phaolô II tài trợ xây cất và viếng thăm năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngài làm Giáo Hoàng. Trong đại thính đường của trung tâm có mấy trăm trẻ em đến từ các trại Sheisheh, Aida và Beit Jibrin. Một bé trai và một bé gái tặng Đức Thánh Cha vài hình vẽ, các thư và đồ thủ công do các em làm. Các em cầm nhiều mảnh giấy có viết các hàng chữ: “Chúng con muốn tự do thờ phượng”, ”Người hồi và người Kitô sống dưới sự chiếm đóng” vv.. Một bé trai đại diện các em chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên ước mong của các em được sống trong hòa bình tự do an bình và tình huynh đệ. Em nói:” Thưa Đức Thánh Cha chúng con đã mở mắt chào đời và trông thấy sự chiếm đóng. Chúng con muốn chết trong tự do”.

Các em cũng hát mừng Đức Thánh Cha và bầy tỏ các ước vọng đó. Tiếp đến hai em bé mặc sắc phục Ả rập tặng qùa cho Đức Thánh Cha một bức tranh và một cánh tay bị cột bởi dây xích. Đức Thánh Cha đã chào em bé đại diện và ngài cám ơn các em đã hát rất hay và tặng ngài kỷ niệm rất ý nghĩa.

Ngỏ lời với các em Đức Thánh Cha nói ngài hiểu các ước vọng sâu xa của các em. Nhưng ngài chỉ xin nói với các em một điều: không được dùng bạo lực để đáp trả lại bạo lực. Trái lại cần dùng sự thiện, hòa bình và việc làm kiên trì để trả lời bạo lực. Tiếp đến Đức Thánh đã ban phép lành cho các em.

Lúc 15 giờ 40 Đức Thánh Cha đã đi xe đến bãi đậu trực thăng. Tại đây đã diễn ra lễ nghi từ biệt với sự hiện diện của tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền Palestine. Trực thăng chở Đức Thánh Cha tới Tel Aviv để bắt đầu chặng thứ ba của chuyến viếng thăm trên đất Israel.

7. Buổi cầu nguyện đại kết tại Đền Thờ Mộ Thánh

Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐTC Phanxicô và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác đã cầu nguyện chung tại Đền Thờ Mộ Thánh ở Jerusalem chiều Chúa Nhật 25-5-2014.

Trong cuộc viếng thăm 3 ngày tại Thánh Địa, chiều ngày 25-5-2014 ĐTC đã từ Bethlehem bay đến Tel Aviv.

Tại đây sau nghi thức tiếp đón với sự hiện diện của tổng thống Shimon Peres và thủ tướng Netanyahu, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng về Jerusalem. Nơi đây, ngài đã gặp và hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, tại tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, giống như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Phaolô 6 đã gặp Đức Thượng Phụ Athenagoras 50 năm về trước. Trong cuộc gặp gỡ này, hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn, tiếp tục công việc của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống.

Tiếp đến, vào lúc 7 giờ tối, hai vị đến Đền Thờ Mộ Thánh để cử hành buổi cử hành đại kết với sự tham dự của các đại diện Công Giáo, Chính Thống, Amérni, Tin Lành và Anh giáo, các vị Tổng lãnh sự của 5 nước bảo đảm qui luật statu quo của Thánh Địa là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp, cùng với đông đảo khách mời. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một buổi cầu nguyện đại kết được cử hành tại nơi an táng Chúa Cứu Thế.

Sau khi tiến vào Đền thờ Mộ Thánh từ hai cửa khác nhau, ĐTC và Đức Thượng Phụ ôm chào nhau rồi hai vị cùng tiến vào nơi cử hành buổi cầu nguyện giữa tiếng hát của ca đoàn Hy Lạp.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp của thành Jerusalem, mọi người đã nghe đọc hai đoạn Tin Mừng phục sinh bằng tiếng Hy Lạp (Ga 20,1-9) và La Tinh (Mt 28,1-10), và bài ngỏ lời của Đức Thượng Phụ Bartolomaios, đến lượt ĐTC lên tiếng.

Diễn văn của ĐTC

Ngài nhắc đến cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây 50 năm giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras, đồng thời chào thăm và cám ơn các vị lãnh đạo Kitô hiện diện. ĐTC nói đến điểm nòng cốt chung của tất cả các tín hữu Kitô, và khích lệ mọi cố gắng tìm về hiệp nhất:

”Thật là một ân phúc đặc biệt được họp nhau cầu nguyện nơi đây. Ngôi mộ trống, ngôi mộ mới ở trong vườn nơi mà Ông Giuse d'Arimatea đã kính cẩn an táng xác Chúa Giêsu, là nơi từ đó đã xuất phát lời loan báo Phục Sinh: ”Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đanh. Ngài không ở đây. Ngài đã sống lại như đã nói trước. Vậy các bà hãy đến, hãy nhìn nơi Ngài đã được an táng. Mau lên hãy đi nói với các môn đệ: ”Ngài đã sống lại từ cõi chết” (Mt 28,5-7).

”Lời loan báo này, được củng cố nhờ chứng tá của những người được Chúa Phục Sinh hiện ra, chính là trọng tâm sứ điệp Kitô, được trung thành truyền lại từ đời này sang đời khác, như ngay từ đầu thánh Phaolô Tông Đồ làm chứng (..1 Cr 15,3-4)... Đó là nền tảng đức tin liên kết chúng ta, nhờ đó chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con duy nhất của Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, ”đã chịu khổ nạn dưới thời Quan Phongxiô Philato, chịu đóng đanh, chịu chết và mai táng; xuống ngục tổ tông; ngày thứ ba Người sống lại từ cõi chết” (Kinh Tin Kính). Mỗi người chúng ta, mỗi tín hữu đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô, đều sống lại một cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì trong phép rửa, tất cả chúng ta thực sự được tháp nhập vào Vị Trưởng Tử của toàn thể công trình sáng tạo, được mai táng với Ngài, để cùng Ngài được sống lại và có thể bước đi trong một đời sống mới (Xc Rm 6,4).

”Chúng ta hãy đón nhận ân phúc đặc biệt trong lúc này. Chúng ta hãy sốt sắng mặc niệm cạnh ngôi mộ trống, để tái khám phá ơn gọi Kitô cao cả của chúng ta: chúng ta là những người của sự phục sinh, chứ không phải của sự chết. Từ nơi này, chúng ta hãy học sống cuộc sống của chúng ta, những cơ cực của các Giáo Hội chúng ta và toàn thế giới dưới ánh sáng buổi sáng Phục Sinh. Mỗi vết thương, mỗi đau khổ, mỗi đớn đau, đều được chất trên vai của vị Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã hiến mạng sống mình và qua hy sinh của Ngài, Ngài đã mở đường dẫn đến đời sống vĩnh cửu. Những vết thương mở rộng là những cánh cửa qua đó dòng từ bi của Chúa đổ tràn trên thế giới. Chúng ta đừng để nền tảng niềm hy vọng của chúng ta bị cướp mất! Chúng ta đừng để thế giới bị thiếu Tin Mừng Phục Sinh! Và chúng ta đừng điếc trước tiếng gọi mạnh mẽ hiệp nhất vang dội chính từ nơi này, qua những lời của Đấng Phục Sinh đã gọi tất cả chúng ta là anh em của Ngài” (Xc Mt 28,10; Ga 20,17).

ĐTC nhận xét rằng ”Chắc chắn là chúng ta không thể phủ nhận những chia rẽ vẫn còn giữa chúng ta, là những môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh này càng làm cho chúng ta đau đớn cảm thấy thảm trạng đó. Tuy nhiên, 50 năm sau vòng tay ôm của hai Người Cha đáng kính của chúng ta, với lòng biết ơn và kinh ngạc, chúng ta hãy nhìn nhận rằng do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể thực hiện những bước tiến thật quan trọng tiến về hiệp nhất. Chúng ta ý thức rằng còn phải tiến trên những con đường khác để đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp thông có thể được biểu lộ qua sự chia sẻ cùng bàn tiệc Thánh Thể mà chúng ta nồng nhiệt ao ước; nhưng những khác biệt không được làm cho chúng ta khiếp sợ hoặc làm tê liệt hành trình của chúng ta. Chúng ta phải tin rằng cũng như có thể lật ngược tảng đá chắn mộ, thì cũng có thể loại bỏ mọi chướng ngại vẫn còn ngăn cản sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta. Thật là một ân thánh phục sinh mà chúng ta có thể nếm hưởng trước. Mỗi lần chúng ta xin lỗi nhau vì những tội đã phạm đối với các tín hữu Kitô khác và mỗi lần chúng ta có can đảm trao ban và nhận sự tha thứ ấy, chúng ta cảm nghiệm sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta khắc phục những thành kiến cũ, và có can đảm thăng tiến những quan hệ huynh đệ mới, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô thực sự sống lại! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ tương lai của Giáo Hội từ ơn gọi hiệp nhất của Hội Thánh, thì ánh sáng của ban mai Phục Sinh bừng sáng! Về điểm này tôi muốn lập lại mong ước đã được các vị tiền nhiệm của tôi bày tỏ, đó là duy trì một cuộc đối thoại với tất cả mọi anh em trong Chúa Kitô để tìm ra một hình thức thực thi sứ vụ của Giám Mục Roma, phù hợp với sứ mạng của mình, mở ra một tình trạng mới và có thể trong bối cảnh hiện nay làmột sự phục vụ yêu thương và hiệp thông được tất cả mọi người công nhận (Xc Gioan Phaolô 2, Thông điệp Ut unum sint, 95-96).

Tiếp tục bài diễn văn tại buổi cầu nguyện đại kết ở Đền Thờ Mộ Thánh, ĐTC Phanxicô nói:

”Trong khi chúng ta dừng lại tại nơi thánh này như những người hành hương, chúng ta cũng nhớ đến trong kinh nguyện đến toàn vùng Trung Đông, vẫn còn bị bạo lực và xung đột. Và trong kinh nguyện, chúng ta không quên bao nhiêu người nam nữ, tại các nơi khác trên thế giới, đang chịu đau khổ vì chiến tranh, nghèo đói; cũng như nhiều tín hữu Kitô bị bách hại vì đức tin nơi Chúa Phục Sinh. Khi các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau cùng chịu đau khổ, cạnh nhau, và trợ giúp nhau trong tình bác ái huynh đệ, thì một phong trào đại kết đau khổ, đại kết bằng máu được thực hiện và có hiệu năng đặc biệt không những trong bối cảnh các cuộc bách hại ấy xảy ra, nhưng do sức mạnh của sự thông công giữa các thánh, cho toàn thể Giáo Hội nữa.

”Kính thưa Đức Thượng Phụ, người anh em yêu quí, toàn thể anh chị em quí mến, chúng ta hãy bỏ qua một bên những do dự mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ, và cởi mở tâm hồn cho Thánh Linh tác động, Thánh Thần Tình Thương (Xc Rm 5,5) và Chân Lý (Xc Ga 16,13) để cùng nhau mau lẹ tiến bước hướng về ngày hồng phúc là sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập. Trong hành trình đó chúng ta được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu, tại thành này, hôm áp ngày chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ và chúng ta không ngừng khiêm tốn nhắc lại như kinh nguyện của chúng ta: ”Xin cho chúng được nên một.. để thế gian tin” (Ga 17,21).