Gia đình Khôi Bình Cồn Phước giáo phận Long Xuyên khánh thành Nhà Máy Nước

Cuối tuần qua, Ban Quản Gia Khôi Bình Việt Nam gồm 4 người đã đến thăm gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước, giáo phận Long Xuyên. Khôi bình là tiếng phiên âm tên của chân phước Adolph Kolping là người đã sáng lập Tổ chức Khôi Bình có linh đạo giúp giáo dân nên thánh bằng cách “Thăng Tiến Xã Hội”, làm cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp hơn về ba phương diện: Tâm linh, Tinh thần và Vật chất.

Đoàn đến Cồn Phước vào buổi chiều được gia đình anh gia trưởng tiếp đón vô cùng trọng thị. Sau khi nghĩ ngơi một lát, anh chia sẻ cho chúng tôi về vùng đất này – vốn là quê hương anh. Cồn Phước là một cù lao nhỏ, được bao quanh bởi dòng sông Tiền hiền hòa. Chính nơi đây, Cha Francic Xavie Trương Bửu Diệp được sinh ra. Hiện tại nơi đây vẫn còn ngôi nhà của gia đình Cha. Hơn thế, giáo xứ Cồn Phước vừa khánh thành một linh đài Cha trong khuôn viên nhà thờ, với hy vọng, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm hành hương linh thiêng.

Sau đó, chúng tôi được anh Phêrô Nguyễn Ngọc Hài – thư ký cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, kiêm gia trưởng gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước – đưa đi tham quan một vòng quanh Cồn Phước, và cù lao kế bên – Cù Lao Giêng. Trên mảnh đất Cù Lao Giêng ấy, có hai cơ sở dòng tu, một của Dòng Chúa Quan Phòng, và một của Dòng Phan Sinh – chính đây là nơi đất mẹ tại Việt Nam khi hai dòng này đến loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Chúng tôi rất tiếc khi không được phép vào bên trong khuôn viên Dòng Chúa Quan Phòng, do các dì đang tĩnh tâm. Tuy nhiên, khi đứng quan sát bên ngoài, chúng tôi cũng cảm nhận được vẻ trầm mặc, và thiêng liêng rất đặc biệt tỏa ra từ nhà dòng. Các dãy nhà trong tu viện đã 250 tuổi, đậm rêu phong theo dòng thời gian, nhiều nơi đã hư hại nhiều. Hiện tại các Dì đang cố gắng tu sửa lại các khối nhà mục nát theo kiến trúc ban đầu. Tại Dòng Phan Sinh cũng thế, chúng tôi như ngỡ ngàng khi bước vào khuôn viên nhà dòng, một bầu khí vô cùng thiêng liêng bao trùm chúng tôi. Thêm vào đó, các kiến trúc cổ xưa của nhà Dòng càng góp phần tạo nên sự lắng đọng trong tâm hôn chúng tôi.
Sáng Chúa Nhật hôm sau, sau thánh lễ sớm, chúng tôi vui mừng gặp gỡ các thành viên trong gia đình Khôi Bình của giáo xứ Cồn Phước. Chúng tôi đứng trò chuyện trong cái lạnh dịu nhẹ nơi khuôn viên nhà thờ - mọi người như một gia đình lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, nói cười rộn ràng. Sau đó, cả gia đình kéo nhau vào nhà xứ, chào cha chánh xứ, và cha phó. Các cha đánh giá rất cao gia đình Khôi Bình, và những hoạt động của Khôi Bình trong giáo xứ.

Điểm nhấn rất ấn tượng với đoàn chúng tôi, 9 giờ sáng, tất cả các thành viên trong gia đình Khôi Bình của giáo xứ tập trung về nhà sinh hoạt trong khuôn viên sân nhà thờ, dường như ai nấy đều mặc bộ đồ đẹp nhất của mình. Mọi người tụm năm tụm ba, lại tiếp tục rộn ràng cười nói, một bầu khí huynh đệ đúng nghĩa. Không thể không nhắc tới sự hiện diện của đại diện đến từ các cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, gia đình Khôi Bình giáo xứ Lạng Sơn, gia đình Khôi Bình giáo xứ Cái Đôi, gia đình Khôi Bình giáo xứ Bò Ót. Sau đó, mọi người tập trung lại, cùng nghe một vài chia sẻ của anh gia trưởng Khôi Bình Việt Nam. Sự hiện diện ấy nói lên một tinh thần rất Khôi Bình – hiệp thông. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi biết hai anh đại diện gia đình Khôi Bình giáo xứ Lạng Sơn đã chạy xe trên một quãng đường gần 70km, dưới cái nắng gay gắt và oi nồng, để đến thăm chúng tôi.

Các thành viên Khôi Bình trong buổi chia sẻ

Trong phần chia sẻ của mình, anh gia trưởng nhắc lại linh đạo Khôi Bình. Cách cụ thể là sống ngay thẳng, thật thà, dám nói thật dù bị mất lòng. Anh cũng không quên khẳng định, những điều trên là rất khó. Bởi vì xu hướng chung của xã hội bây giờ là gian dối, là thỏa hiệp. Nếu sống linh đạo Khôi Bình có thể nói là đi ngược lại so với thời cuộc - dưới con mắt người đời. Anh hoan hô gia đình Khôi Bình giáo xứ Cồn Phước vừa quy tụ thêm 4 thành viên mới. Anh nói vui, họ như như những con cá tự chui vào rọ.

Anh còn chia sẻ thêm về ơn gọi hôn nhân gia đình. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng sống ơn gọi gia đình khó hơn nhiều so với ơn gọi thánh hiến. Một cách cụ thể là số lượng các cặp gia đình, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, ly dị rất nhiều, nhiều gia đình tan vỡ, con cái tan đàn xẻ nghé, bi kịch gia đình xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, anh gia trưởng cũng đề cập đến việc Đức Thánh Cha đã chọn năm nay là Năm Gia Đình, với những mục tiêu cụ thể và sống động nhằm thánh hóa đời sống gia đình và đào sâu đức tin. Anh rút lại thành những điểm chính cho mọi người dễ nhớ, dễ thuộc:
+ Gia đình cầu nguyện,
+ Gia đình yêu thương – mà đỉnh cao là sự hy sinh, phục vụ trong âm thầm,
+ Kế đến là Gia đình bảo vệ sự sống – các cụ thể là không được nạo phá thai, dùng các biện pháp ngừa thai,
+ Và cuối cùng là Gia đình truyền giáo.

Anh nhấn mạnh ở điểm Gia đình truyền giáo. Các thành viên Khôi Bình hãy cố gắng sống tốt trong vai trò là người vợ, người chồng, chu toàn bổn phận với tâm thế một Kitô hữu. Qua đó là tấm gương sáng cho các thành viên trong nhà, để rồi họ được cảm phục, yêu mến, và cuối cùng là gia nhập gia đình Khôi Bình. Hay nói các khác, đây là cách phát triển Khôi Bình trong chính gia đình của mình.

Sau đó, mọi người tập trung về nhà máy nước vừa mới được xây dựng – cũng trong sân nhà thờ. Đây là công trình của Khôi Bình Việt Nam đầu tư, nhằm giúp người dân địa phương, lương cũng như giáo, có được nguồn nước sạch - đảm bảo vệ sinh - sử dụng hằng ngày. Công trình được làm phép và chúc lành bởi Cha Vincent Lê Văn Bằng – Lm. Đồng hành cộng đoàn Khôi Bình giáo phận Long Xuyên, kiêm Quản hạt Chợ Mới. Cha cũng nhắn gởi, hy vọng qua công trình này, mọi người có thể cảm nhận được sự quan phòng, yêu thương của Chúa qua những công cụ của Người - gia đình Khôi Bình. Để rồi từ đó, mọi người sống gắn kết với nhau hơn trong ân nghĩa Chúa.

Cha Vincent Lê Văn Bằng thánh hóa nhà máy nước

Tiếp đến, các thành viên cùng chung vui với nhau qua bữa cơm đạm bạc ngay trong nhà sinh hoạt của họ đạo. Tiếng nói, tiếng cười lại rộn rã…

Một điều khó phai nhạt trong chúng tôi, đó là trước và sau bữa cơm trưa, chúng tôi có dịp tâm sự riêng với khá nhiều anh chị em Khôi Bình. Chúng tôi cảm nhận được nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền, về cuộc sống thường nhật,…của anh chị em nơi đây. Cái nghèo, cái khổ hiện lên rất rõ trên khuôn mặt mỗi người. Thế nhưng, vâng, thế nhưng, họ vẫn rất vui tươi – niềm vui bắt nguồn từ một tâm hồn bình an sâu thẳm. Cái bình an ấy không dễ kiếm được nơi cuộc sống ba đào này….

Chúng tôi về lại Sài Gòn khi trời vẫn còn rất nắng. Tạm biệt Cồn Phước. Tạm biệt vùng đất hiền hòa. Tạm biệt những con người chân chất và mộc mạc…
Và chuông nhà thờ chuẩn bị đổ cho thánh lễ chiều…


Bài: Minh Hiền
Ảnh: Nghĩa Hiệp