Chúa Nhật 23 Thường Niên B

Mc 7,31-37

Thưa quý vị,

Hồi còn là con nít, trong bọn bạn chơi chúng tôi, có một đứa bị tật điếc bẩm sinh. Nó chẳng bao giờ nghe thấy những âm thanh chung quanh mình, thành thử ngôn ngữ của nó rất hạn chế. Cố gắng lắm nó mới phát ra được những lời ú ớ khó hiểu. Chúng tôi phải “sáng chế” một ngôn ngữ đặc biệt, dù là ngôn ngữ trẻ con, để dễ giao lưu với nó. Chúng tôi vừa nói vừa dùng chân tay làm hiệu. Dầu vậy, vẫn gặp nhiều khó khăn. Thí dụ nó không biết lên xuống giọng, thành thử câu nào cũng giống câu nào cả, dù là câu hỏi hay câu xác định, tán thán hay hô hoán. Trong tiếng Anh, câu hỏi phải lên giọng ở chữ cuối cùng, nhưng nó không biết, cứ nói như bình thường, thành thử chúng tôi phải thêm dấu hỏi để làm rõ ý nó. Những chi tiết tế nhị hơn nữa thì đành chịu. Ngôn ngữ của nó rất cụ thể, sống động, đi thẳng vào sự việc. Ngoài ra nó chẳng hiểu nổi. Thí dụ những tư tưởng trừu tượng. Nếu như chúng tôi muốn hỏi: hôm nay trời mưa không, thì phải thêm dấu nghi vấn vào nữa. Còn như nói: “Ông tao sắp chết, Tao buồn lắm!” thì chẳng làm sao cho nó hiểu mình buồn thế nào.

Do đó, Kinh Thánh dùng những khả năng nghe, nhìn, nói, trong các biểu hiện khác nhau để diễn tả đức tin. Khi tiên tri Isaia hứa Chúa sẽ đến mở mắt cho kẻ mù loà, mở tai cho kẻ điếc lác, kẻ câm nói được, kẻ què đi được… thì chúng ta phải hiểu sâu rộng hơn những mô tả thể lý về sự kiện Thiên Chúa ngự đến. Hiểu đơn giản như mặt chữ thì không đủ. Dĩ nhiên những kẻ đang ở trong nhu cầu được cứu giúp một cách cụ thể, thì Thiên Chúa ra tay tháo gỡ. Ý muốn của Ngài là mọi người đều được tự do khỏi mọi ràng buộc, kìm kẹp, tù tội. Bài đọc một hôm nay còn mở rộng thêm việc Thiên Chúa viếng thăm. Không những nhân loại được hưởng nhờ ân huệ của Ngài mà cả đến mọi tạo vật, vũ trụ nói chung nữa: “Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu, miền nóng bỏng biến thành hồ ao, đất khô cằn có mạch nước trào ra.” Cho nên hiểu trong nghĩa đen, thì còn thiếu sót rất nhiều. Thực thế, người mù thấy được, kẻ điếc nghe được, người què đi được là những biến cố lôi kéo thiên hạ chú ý và đưa đến kết luận: “Có điều chi đặc biệt đã xảy ra, ngoài khả năng bình thường của con người. Rõ ràng qua nhân vật Giêsu Thiên Chúa đã hành động vì lợi ích của nhân loại.” Hơn nữa phép lạ được thực hiện trong vùng đất “dân ngoại” giữa những hạng người bẩn thỉu, hèn hạ mà cư dân Do Thái không ngượng miệng gọi là đồ “chó má”. Cho nên sứ mệnh của Chúa Giêsu không giới hạn trong tuyển dân Israel mà thôi. Nó còn vươn ra hết mọi quốc gia, xã hội. Những nơi nào cần đến Ngài. Cần đến Thiên Chúa hướng dẫn và trợ giúp. Tiên tri Isaia đã linh cảm trước điều đó khi viết: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được… kẻ què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.” Hết thảy đều được hưởng nhờ ân huệ của Thiên Chúa ngự đến.

Phép lạ hôm nay là của riêng thánh Marcô, hai tác giả phúc âm nhất lãm khác (Mt và Lc) không có và giọng văn cũng mang tính chất đặc thù Marcô: trực tiếp, cụ thể, sống động (xin để ý đến cách trình bày câu truyện của từng tác giả sách phúc âm, thêm hoặc bớt các tình tiết câu truyện khi ông viết). Thánh Marcô có lối viết riêng khi mô tả các phép lạ của Chúa Giêsu. Ông chú ý đến các chi tiết vật lý, cụ thể. Trong phép lạ này Ông viết: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh. Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói Ep-pha-ta, nghĩa là hãy mở ra.” Quang cảnh thật sống động, có thể chiếu ngay trên màn ảnh Tv và kích thích phản ứng của khán gia tức khắc:" Cái chi đó? Người đàn ông này là ai? Việc ông làm nghĩa làm sao?" Có lẽ đó là điều thánh Marcô hy vọng chúng ta cũng hỏi. Áp dụng vào cuộc sống, phép lạ hôm nay chắc chắn có nhiều ý nghĩa. Trước hết người điếc vô cùng vui mừng hân hoan khi được Chúa Giêsu chữa lành. Theo như não trạng thời ấy, bệnh tật được gắn liền với tội lỗi đã phạm, bệnh tật được Chúa chữa khỏi, ắt hẳn tội lỗi đã được tha. Thiên Chúa viếng thăm và xót thương anh ta. Đây chẳng phải là hy vọng của chúng ta hay sao? Cuộc đời của chúng ta luôn luôn cần sự trợ giúp của Thiên Chúa tỏ hiện qua những biến cố vui buồn hằng ngày. Chúng ta có nhận ra lòng thương xót của Ngài?

Tiên tri Isaia, trong bài đọc một, hứa hẹn với dân tộc Israel: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi. Sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính người sẽ đến cứu thoát anh em.” Những biểu hiện vật chất: người mù được thấy, kẻ câm nói được, kẻ què nhảy nhót như nai, chắc chắn nói lên rằng Thiên Chúa thực sự đã đến viếng thăm, giải cứu khỏi vòng khổ cực, nối lại mối giao hảo đã bị tội lỗi cắt đứt. Ngay cả vũ trụ cũng được tự do, vạn vật sống trong hoà hợp và hoà giải giữa muôn loài. Cho nên chẳng lạ gì giọng điệu của vị tiên tri hoàn toàn lạc quan và dân Israel hoan hỷ trông đợi triều đại của Đấng Thiên Sai!

Cũng trong tâm trạng đó, Giáo hội tiên khởi nhìn vào những phép lạ của Chúa Giêsu như các dấu hiệu cụ thể lời Thiên Chúa hứa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật, xua tan khổ đau là những dấu chỉ mối dây ràng buộc giữa tội lỗi và bất hạnh thể xác đã bị bẻ gãy. Thiên hạ không còn não trạng người đau yếu là do hình phạt Thiên Chúa giáng xuống. Ngược lại, bệnh tật có thể là địa chỉ Ngài viếng thăm và cứu giúp. Đức Chúa Trời hành động ủng hộ nhân loại, chứ không phải chống lại loài người. Sa tan, kẻ dữ mới là những nhân tố tác hại chúng ta. Do kinh nghiệm được chữa lành, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa gần gũi những kẻ đang lâm vòng thiếu thốn. Các câu truyện trong Phúc âm đều nhất trí rằng, những người nghèo khổ, bần cùng, yếu đau, bị loại trừ là những nơi được Thượng Đế viếng thăm và thực hiện những kỳ công. Trước đây bị coi là nhơ bẩn, tội lỗi, bụi đời thì nay họ đang trở thành những cung điện Thiên Chúa ngự đến trên mặt địa cầu.

Cho nên trong bài đọc hai, thánh Giacôbê mạnh mẽ tố cáo những thành kiến chống lại kẻ nghèo hèn. Thái độ thiên vị như vậy không có cơ sở luân lý, hoàn toàn vì vật chất, dáng vẻ bên ngoài. Chúa Giêsu mở mắt cho người mù để có thể xem thấy ánh sáng, mở tai cho kẻ điếc để có thể nghe thấy âm thanh trong trời đất. Có nghĩa là Ngài cũng mở trí khôn, tâm hồn chúng ta để xem thấy bằng ánh sáng đức tin những thực tại thiêng liêng, nghe thấy những sứ điệp của Phúc âm. Do đó, thánh Giacôbê tuyên bố cho dù bề ngoài thấp hèn, đói khổ, theo tiêu chuẩn xã hội loài người, thì thực chất kẻ nghèo hèn vẫn là nơi Thiên Chúa cư ngụ và xót thương một cách đặc biệt. Chúng ta phải học cho biết nghe, nhìn theo phong cách mới, phong cách của Chúa Giêsu. Những tín hữu đích thật của Chúa phải xem, nghe bằng đức tin, hướng dẫn bằng đức tin để có thể hành động chính xác trong một thế giới đầy giả dối và nhiễu nhương. Nếu như chúng ta đối xử thiên vị với những người giàu có và khinh khi kẻ nghèo đói thì chẳng khác nào lại trở về tình trạng vô đạo. Có mắt có tai chưa được mở ra, không xem không nghe thấy Tin mừng. Đúng ra phong cách thiên hạ ăn vận, tài sản họ sở hữu, địa vị trong xã hội, nghề nghiệp, đóng góp, màu da, nguồn gốc không phải là tiêu chuẩn để người theo Chúa lượng định giá trị, tức đường lối chúng ta “xem và nghe” thiên hạ. Khi chịu phép thanh tẩy, linh mục sờ vào tai và miệng đứa trẻ tuyên bố: “Hãy mở ra” (Ep-pha-tha). Từ đấy khởi sự tiến trình “nghe và xem” theo đường lối Tin mừng. Liệu chúng ta đã thật sự thực hiện? Liệu chúng ta đã “nghe nhìn” bằng con mắt đức tin?

Tương tự như ngôn sứ Isaia tiên báo sẽ đến thời kỳ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, thánh Giacôbê cũng nhắc nhở các tín hữu rằng Đức Chúa Trời đã mở tai mắt họ, đừng còn như người què, ngồi đợi chờ thế gian đến với mình. Trái lại, phải nhanh nhẹn đến với nhu cầu của người khác. Môi miệng chúng ta đã được tháo cởi, vậy hãy lên tiếng nói thay cho những kẻ thấp hèn trong xã hội, tố cáo những bất công mà họ phải gánh chịu đời này sang kiếp khác.

Tất cả chúng ta cần là nghe lời Chúa Giêsu: “Hãy mở ra” (Ep-pha-tha). Mở lòng, mở trí, mở linh hồn đón nhận những người thường xuyên chúng ta tẩy chay, đóng lại, vì hiềm tỵ, thù hằn, ghen ghét. Bác ái nửa vời chỉ là một cái bẫy dễ khiến thiên hạ lầm đường lạc lối. Chúng ta phải có một trái tim yêu thương hoàn toàn, không loại trừ, không so đo hơn thiệt. “Hãy mở ra” không phải là lời khuyên mà là mệnh lệnh trong buổi phụng vụ này. Chúng ta phải đón nhận và cùng nhau thực hành. Nó nhắc lại biến cố tai mắt chúng ta đã được mở ra khi chịu phép rửa tội. Hơn nữa, khi nghe Chúa Giêsu phán trong Tin mừng: “Hãy mở ra” chúng ta được thêm nghị lực mới để thắp sáng hiệu quả của bí tích thanh tẩy trong cuộc sống mỗi người.

Hãy mở ra còn là lời chỉ đường, hướng dẫn. Giống như đài khí tượng thuỷ văn loan báo thời tiết tốt xấu hoặc gió bão mưa to, nó cảnh báo linh hồn về thói hư nết xấu, tính ươn lười đang rình rập triệt tiêu những gì bí tích rửa tội khai mở. Những thoái hoá của cuộc sống luân lý, đức tin. Những thành kiến màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, dòng họ, bạn thù, giá trị xã hội. Những tham vọng bành trướng quyền lực, đất đai, tổ quốc. Những ganh đua, cạnh tranh, hiềm tỵ, âm mưu, ghen ghét. Những tư tưởng tàn nhẫn, thành công bằng mọi giá và còn nhiều khát vọng khác tương tự đang bóp nghẹt tiếng nói của Thánh Thần trong nội tâm các tín hữu lúc chịu phép rửa tội.

Nói gọn lại, hôm nay trong phụng vụ, chúng ta đang nghe lời nói đầy quyền phép của Chúa Giêsu: “Hãy mở ra”. Chúng ta cầu xin Ngài ban cho đôi tai sáng tỏ, đôi mắt tinh tường, đôi chân lanh lẹ, sẵn sàng nhảy nhót như nai, khi lương tâm người tín hữu cần đến, để xông vào các mặt trận luân lý xã hội, sống chết với cái dữ, tà thần, hoả ngục, bênh vực các giá trị lành thánh. Đúng như tiên tri Isaia khuyên nhủ: “Can đảm lên, đừng sợ”. Thánh Giacôbê nhắc nhớ: “Hãy tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa vinh quang” và Chúa Giêsu ra lệnh: “Hãy mở ra.” Xin cho chúng ta luôn biết nói lời: “Amen” (xin vâng) cho thánh ý Thiên Chúa, Đấng muốn tai mắt chúng ta luôn rộng mở với thực tại thiêng liêng trong cuộc đời mình. Amen.