Ơn gọi Linh Mục và những thách đố kèm theo

(Bài giảng dịp Thánh Lễ Tạ Ơn Linh Mục)

Kính thưa quý cha và quý quan khách,

Kính thưa quý thân nhân, quý ông bà và toàn thể anh chị em,

hôm nay là ngày đại hồng ân, ngày đại hỉ, không chỉ cho gia đình các Tân Chức, nhưng còn cho toàn giáo xứ VĐ, ngày ba tân Linh Mục: A. NHĐ, A. NMN và FX. NHP, ba người con ưu tú của đại gia đình giáo xứ cùng đi tu trong một ngày, cùng sống theo một Tu Luật, cùng chịu chức Linh Mục trong một ngày và rồi hôm nay cùng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại chính giáo xứ quê nhà của mình.

Và tôi, một người khách vãng lai không chỉ hân hạnh được tham dự ngày trọng đại này, mà còn được ba Tân Chức mời chia sẻ lời Chúa. Nhân dịp này, trước hết tôi xin phép được trình bày qua về Ơn Gọi Linh Mục, về Thánh Chức Linh Mục, một hồng ân mà Giáo Hội khắp nơi trên thế giới đang khẩn thiết cần tới, đặc biệt trong một thời đại thiếu hụt Linh Mục trầm trọng như thời đại hôm nay; và tiếp đến là về cuộc sống cụ thể với những thách đố và với những vui buồn của đời Linh Mục.

Nhưng trước khi đi vào nội dung bài chia sẻ, tôi xin thưa với quý vị rằng có một điều mà anh chị em giáo dân thường không ưa, nhưng không ít các vị Linh Mục giảng thuyết lại hay mắc phải, đó là tính thích „nói dài và giảng dai“. Tuy vậy, với một chủ đề quá bao quát như „Ơn Gọi Linh Mục“ và trong khung cảnh một ngày đại lễ như hôm nay, tôi xin được trình bày hơi dài một chút. Và Bài Giảng tôi xin được chia làm ba phần như sau:

I. Ơn gọi Linh Mục là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa

Thánh chức Linh Mục mà người ta cũng thường gọi là Thừa tác vụ Linh Mục hay Sứ vụ Linh Mục, là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban một cách nhưng không cho một số người nhất định nào đó đã được Trời Cao kén chọn từ muôn thủa, để phụng sự Ngài và phục vụ lợi ích thiêng liêng của các anh chị em đồng loại qua việc cử hành sốt sắng các Bí tích thánh của Giáo Hội, nguồn tuôn đổ mọi ân sủng siêu nhiên trên các tâm hồn.

Trong Hiến chế „Ánh Sáng Muôn Dân“ – Lumen gentium, thánh Công Đồng Vatican II dạy: „Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh Mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn, để rao giảng Phúc Âm, hướng dẫn các tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách là Tư Tế đích thực của Tân Ước.“(1)

Xét theo phương diện hình thức, Ơn gọi Linh Mục gồm có hai phần:

• Phần Thiên Chúa kêu mời, và

• Phần đáp trả của con người.

Trước hết, phần Thiên Chúa kêu mời được thể hiện qua sự tác động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn đương sự và gợi nên sự ước ao chủ quan nội tại muốn trở thành Linh Mục và những hoàn cảnh khách quan cụ thể ngoại tại đưa đẩy, giúp hình thành nên, ví dụ sự tuyển sinh của Giáo phận. Tiếp đến, phần đáp trả lại hoàn toàn tự nguyện của người liên hệ với ý chí và sự nỗ lực trong suốt quá trình theo đuổi ơn gọi ấy.

Nhưng tự bản chất, Thánh chức Linh Mục hoàn toàn là một ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa, chứ không phải do công trạng hay tài năng con người tạo nên.

Để dễ hiểu hơn, tôi xin phép được so sánh với câu chuyện của nhạc sư Wolfgang Amadeus Mozart, một thiên tài âm nhạc người Áo. Ông đã từng sáng tác nhiều bài nhạc bất hủ, có một không hai, góp phần vào kho tàng văn hóa nghệ thuật nhân loại, khi được mọi tầng lớp khán thính giả khắp thế giới hết lời ca tụng tài sáng tác nhạc của ông, ông đã khiêm tốn và thành thật trả lời: „Không phải thế. Tôi chỉ là người thư ký ghi lại trên giấy những gì Thiên Chúa đã ghi tạc vào trong nguồn cảm hứng của tôi mà thôi.“

Cũng tương tự như thế, trước hết ơn gọi làm Tông đồ, ơn gọi làm Linh Mục trong Giáo Hội là một ân huệ Thiên Chúa đã ghi sâu vào tâm hồn một số người nhất định nào đó mà Ngài đã tuyển chọn từ muôn thủa vào hàng Tư Tế của Ngài, chứ không phải do tài năng hay do công sức của những đương sự ấy, như chính Chúa đã nói với các Môn đệ: „Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em“(Ga 15,16). Còn con người chỉ góp phần cộng tác vào ơn gọi ấy, tức đáp lại tiếng Chúa kêu mời và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vất vả với sự nâng đỡ của ơn thánh để hiện thực ơn gọi ấy thành cụ thể mà thôi.

Phúc Âm đã ghi rõ điều đó như trường hợp Ơn kêu gọi của các Môn đệ đầu tiên. Họ chỉ là những ngư dân đơn sơ mộc mạc, trình độ văn hóa rất giới hạn, và chẳng bao giờ dám nghĩ đến diễm phúc được tiếp cận với Chúa huống hồ là làm Tông đồ của Ngài, nhưng họ đã lọt tầm mắt của Chúa và Ngài đã thân hành đến gặp gỡ họ chính nơi họ đang hành nghề sinh nhai để kêu gọi họ: „Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành thợ lưới người“. Đó là trường hợp của các ông Phêrô, Andrê, Gioan và Giacôbê.(Mt 4,18). Hay trường hợp những người khác, dù trước mắt người đời thì xem ra không xứng đáng, nhưng Chúa lại kêu mời họ theo Ngài một cách hết sức tình cờ, ngoài sự chờ mong của họ, như trường hợp ông Mát-thêu, một người làm nghề thu thuế, ngay khi ông đang làm nhiệm vụ, (Mt 9,9) một nghề nghiệp mà người Do-thái vào lúc bấy giờ rất chê ghét và khinh bỉ. Trong khi đó, ngược lại có người thật lòng muốn được đi theo phụng sự Chúa, muốn được làm Tông đồ rao giảng Nước Chúa, Ngài lại không chấp thuận và chỉ động viên anh ta: „Con cứ trở về với gia đình và thuật lại cho bà con họ hàng nghe những điều Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con như thế nào.“ (Mc 5, 18-20).

Và trong cuộc sống đời thường, chúng ta cũng đã nhận chân được điều đó. Nhiều thanh thiếu niên theo sự nhận xét của người đời thì hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xứng đáng làm Linh Mục, chẳng hạn: Con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi. Thế nhưng lại không sao lọt chân được vào cổng ĐCV, thi lần nào cũng trượt, hay có người tu học được một thời gian và rồi vì một lý do nào đó, lại khăn gói ra về, chứ không còn muốn hay không còn đủ điều kiện cần thiết để đi đến cuối con đường trở nên Linh Mục được. Trong khi đó, một số thanh thiếu niên khác, tuy con nhà nghèo và khả năng trí lực cũng không thuộc thành phần xuất sắc, nhưng lại xuôi chảy trên con đường Ơn gọi làm Linh Mục và rồi trở thành những vị Tông đồ nhiệt thành thánh thiện của Giáo Hội. Đây quả là một mầu nhiệm của thánh ý Thiên Chúa, phàm nhân chúng ta không thể thấu hiểu và không thể giải mã được.

Dĩ nhiên, như đã nói trên, Ơn gọi Linh Mục gồm có hai phần: Phần Chúa kêu mời và phần đáp trả của con người. Ở đây tôi xin được nhắc lại là Chúa kêu mời chứ không phải ra lệnh. Điều đó muốn nói rằng con người hoàn toàn được tự do lựa chọn, được tự do đáp lại tiếng Chúa kêu mời hay từ chối, và hoàn toàn không mắc tội lỗi gì đối với Chúa cả. Nhắc đến đây, tôi sực nhớ tới lời một cha giáo sư nói với chúng tôi khi còn theo học tại TCV, ngài nói: “Mấy chú lo mà tu cho bền đỗ, chứ chú nào mà xuất là lấy thông hành xuống hỏa ngục đấy!“ Tuy khi ấy còn nhỏ, nghe vậy tôi hơi sợ, nhưng rồi tôi lại tự hỏi tại sao không tu được và xuất về nhà lại phải xuống hỏa ngục, vì Chúa chỉ kêu mời chứ ngài đâu có ra lệnh cho ai phải tu?

Trong Ơn gọi Linh Mục tuy phần Chúa kêu gọi là chủ yếu và phần đáp trả lại tiếng Chúa của con người hoàn toàn tự nguyện, nhưng lại rất quan trọng và không thể thiếu được, vì không có phần đáp trả của con người thì Ơn gọi ấy không thể thành sự được, tức không thể có Linh Mục được. Ở đây, chúng ta cũng có thể so sánh với ý nghĩa lời dạy của Nho Giáo về nhân đức thành tín: „Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi giả, nhân chi đạo dã“(2), nghĩa là đức thành tín là đạo của trời đất, còn để trở nên người thành tín lại là phần của con người, là sự nỗ lực trau dồi tu đức sửa tính của con người.

Cũng vậy, Thánh chức Linh Mục là ơn nhưng không của Chúa, nhưng muốn trở thành người Linh Mục, nhất là một Linh Mục thánh thiện thì người Linh Mục tương lai phải nỗ lực tối đa trong quá trình tu học, trong quá trình hoàn thiện con người mình.

II. Phần đáp trả lại tiếng Chúa kêu mời của con người

Nhưng phần đáp trả của con người bao gồm những gì và được thể hiện trong thực tế ra sao?

Phần đáp trả tiếng Chúa của con người gồm phần chuẩn bị và phần thực hiện cũng như sống ơn gọi ấy.

1. Phần chuẩn bị

Trong phần chuẩn bị lại gồm phần chuẩn bị của cá nhân đương sự và phần chuẩn bị của gia đình. Người ta cũng có thể gọi phần chuẩn bị là sự đóng góp của đương sự và của gia đình vào Ơn gọi Linh Mục.

1.1. Phần chuẩn bị của cá nhân đương sự

Trước hết, ứng cử viên của Thừa tác vụ Linh Mục luôn phải là người lương thiện, hướng thiện và phục thiện, có thể lực, trí lực và hạnh kiểm tốt, có trí phán đoán khách quan, lành mạnh và hợp lý, có lòng ao ước trở thành Linh Mục của Chúa, biết quên mình và biết sống vị tha, có lòng ham muốn dấn thân phục vụ các lợi ích thiêng liêng của tha nhân một cách vô vị lợi trong lòng Giáo Hội và cùng với Giáo Hội.

Ngoài những điều kiện tiên quyết ấy, người Linh Mục tương lai nhất thiết cần phải có ý chí mạnh mẽ và bền vững để biết vượt lên trên mọi cám dỗ và thử thách khó khăn trong quá trình đào tạo về học vấn và việc trau dồi các nhân đức cần thiết tại ĐCV hay Học Viện, cũng như trong cuộc sống mục vụ của đời Linh Mục. Bên cạnh đó, người Linh Mục tương lai còn cần phải tích lũy cho mình tinh thần khiêm tốn và vâng lời, lòng khoan dung và quảng đại.

Dĩ nhiên, không phải ngay lúc đầu mới chân ướt chân ráo bước vào cổng ĐCV hay Tu Viện, người chủng sinh bắt buộc phải có đầy đủ những đức tính và phẩm chất cần thiết ấy, nhưng trong quá trình tu học và trước khi trở thành Linh Mục của Giáo Hội, người Linh Mục tương lai không được chuẩn chước hay không được phép sao nhãng việc tích lũy cho mình những phẩm chất chủ yếu ấy.

1.2. Phần chuẩn bị của gia đình

Nếu Ơn gọi Linh Mục được ban xuống cho nhân loại từ Trời Cao, thì người Linh Mục tương lai, tức người được nhận lãnh Ơn gọi ấy, lại xuất thân từ trong các gia đình Công Giáo. Vì thế, phần đóng góp của gia đình vào Ơn gọi Linh Mục của con cái mình giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu và không ai có thể thay thế được.

Các gia đình Công Giáo đóng một vai trò quyết định trong quá trình ươm trồng, hiện thực và thăng tiến Ơn gọi Linh Mục. Chúng ta có thể so sánh vai trò gia đình trong quá trình ươm trồng Ơn gọi Linh Mục tựa như công việc của những người nông dân soạn sửa một thửa ruộng trước mùa gieo cấy. Điều kiện để ông điền chủ gieo vào thửa ruộng hạt giống tốt của ông, là người ta phải cày bừa, phân bón thửa ruộng ấy thật nhuần nhuyễn trước đã, chứ không ai đem giống tốt gieo vào thửa ruộng đầy cỏ cú và các thứ gai góc mọc um tùm. Dĩ nhiên, việc gieo giống hay không, còn tuỳ thuộc ý muốn và chương trình làm việc của ông điền chủ nữa, chứ không phải hễ thửa ruộng được cày bừa và phân bón nhuần nhuyễn là đương nhiên ông chủ phải gieo giống tốt của ông vào đó. Nhưng điều kiện tiên quyết để chủ ruộng gieo giống tốt là thửa ruộng ấy phải được cày bừa sửa soạn trước.

Cũng vậy, Thiên Chúa chỉ gieo Ơn gọi Linh Mục vào trong những tâm hồn được Ngài yêu thương, tức những tâm hồn lương thiện, luôn biết sống đẹp lòng Ngài, chứ Thiên Chúa không thể gieo trồng hồng ân cao trọng ấy vào trong một tâm hồn đầy dẫy gai góc của những bất lương và của đủ thứ tội lỗi được, vì chính Chúa đã phán: „Chớ lấy của thánh mà quăng cho chó; chớ lấy ngọc trai mà liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em“(Mt 7,6). Nhưng để có được những đứa con lương thiện và nhân bản, luôn biết sống đẹp lòng Chúa và có lòng vị tha, luôn biết yêu mến Giáo Hội và bênh vực công lý, thì cha mẹ phải là những người lương thiện, có lòng kính sợ Chúa, luôn biết sống mến Chúa và yêu người trước đã, vì „không ai cho người khác điều mình không có“ hay như lời Chúa phán: „Ở bụi gai thì làm gì có nho mà hái? Trên cây găng thì làm gì có vả mà bẻ? Cây tốt mới có thể sinh ra trái tốt, còn cây xấu thì chỉ sinh ra quả xấu“ (Mt 7,16b-19).

Và không chỉ riêng cha mẹ mà thôi, nhưng tất cả mọi thành viên khác trong gia đình cũng phải góp công sức xây dựng và bồi đắp Ơn gọi ấy mỗi ngày, và đứng đầu luôn là ông bà nội ngoại và cha mẹ, rồi tiếp đến là các anh chị em trong gia đình cùng bà con trong gia tộc, bằng chính cuộc sống đạo, cuộc sống đức tin Công Giáo của mình một cách gương mẫu.

Nhưng sự sống đạo và sự thực hành đức tin gương mẫu không có nghĩa là cả ngày ngồi trong nhà thờ đọc kinh hay sớm tối bắt buộc cả gia đình phải lần hạt đủ 150 hay 50 kinh Kính Mừng, hay đọc lê thê đủ thứ Kinh, nào là các thứ Kinh Cầu, nào là các Kinh kính đủ các thứ thánh, v.v... Chúa không bao giờ ra lệnh phải đọc kinh kệ lê thê dài dòng để tỏ lòng kính mến Ngài. Ngược lại, Chúa đã kết án những người thích đọc kinh dài dòng lê thê mà lại không có tinh thần cầu nguyện, tức không sống tinh thần các Kinh mình đọc, là những người chỉ biết „lải nhải như dân ngoại, vì họ cứ tưởng cứ nói nhiều là được nhậm lời“ (Mt 6,7) hay chỉ là những người thờ kính Chúa đầu môi chóp lưỡi mà thôi, chứ lòng trí họ lại xa cách Ngài (x. Mc 7,6), đúng như câu phương ngôn Nghệ-Tĩnh vẫn nói: „Miệng đọc kinh lả rả, xin chút lả không cho.“(3) Việc đọc kinh luôn cần thành tâm, ngắn gọn vừa đủ và sốt sắng, nhất là không chỉ đọc kinh mà thôi, nhưng còn phải cầu nguyện nữa, tức phải sống và thực hành tinh thần các Kinh mình đọc.

Trên thực tế, sự sống đạo gương mẫu được cụ thể hóa trong cuộc sống đời thường là việc tuân giữ 10 Điều Răn và thực hành 8 Mối Phúc Thật của Chúa. Và tất cả được tóm tắt lại trong một giới răn trọng đại duy nhất là „Mến Chúa yêu người.“

• Mến Chúa là giữ trọn các Giới Răn của Ngài, vì Chúa Giêsu đã nói: „Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy“ (Ga 14,23). Mến Chúa là tin tưởng phó thác mọi sự vào chính cuộc sống mình vào sự an bài đầy yêu thương của Ngài. Mến Chúa là trong mọi hoàn cảnh vui buồn luôn biết tin tưởng và cậy trông vào tình yêu Chúa và xác tín rằng không có gì xảy ra ngoài thánh ý của Cha trên trời cả, chứ không phàn nàn kêu trách trời xa trời gần và tuyệt vọng buông xuôi.

• Còn yêu người không hẳn là phải gom góp hết tiền bạc của gia đình hay đem bán hết ruộng đất nhà cửa để bố thí cho người nghèo, nhưng là sống có nhân bản, không hề hận thù ghen ghét và báo oán bất cứ ai, luôn biết sống „dĩ hòa vi quý“, luôn biết sống hiền hòa với hết mọi người, và khi điều kiện kinh tế gia đình cho phép thì luôn biết thương yêu, an ủi và giúp đỡ tha nhân, nhất là những người đang trong cơn quẫn bách túng thiếu, chứ tuyệt đối không lợi dụng „đục nước béo cò“, không lợi dụng lúc người khác trong cảnh đường cùng để cho vay nặng lãi một cách cắt cổ xiết họng. Nhưng không chỉ hành động bắt bẻ và làm khó dễ những tha nhân đang trong cơn đường cùng là một tội ác, mà ngay cả khi có đủ điều kiện nhưng lại không ra tay giúp đỡ những tha nhân bất hạnh cũng là một trọng tội đáng luận phạt. Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn „Người giàu có và người hành khất Ladarô“ trong Phúc Âm (Lc 16,19-31). Tuy ông nhà giàu kia vẫn để người hành khất Ladarô nằm yên trước cửa nhà mình, chứ ông không hề xua đuổi hay hành hạ anh ta, nhưng sau khi chết ông đã bị án phạt trong hỏa ngục. Lý do là ông đã sống vô tâm trước một đồng loại bất hạnh. Dù có đủ điều kiện để giúp đỡ Ladarô, ông nhà giàu kia đã không làm.

Nhưng, như đã nói ở trên, không hẳn một khi thửa ruộng được sửa soạn cẩn thận trước là đương nhiên ông điền chủ phải gieo giống tốt vào đó; cũng vậy, không hẳn một gia đình luôn biết sống kính sợ Chúa, biết sống đạo đức và biết chu toàn luật Chúa, v.v… là chắc chắn Ngài sẽ kêu gọi con cái họ làm Linh Mục hay Tu Dòng. Việc Thiên Chúa kêu gọi ai và kén chọn ai làm Tông đồ, làm Linh Mục hay trở thành Tu Sĩ là hoàn toàn tùy thuộc thánh ý sâu nhiệm của Ngài.

III. Phần hiện thực và sống Ơn gọi Linh Mục

Việc dâng Lễ Tạ Ơn hay Lễ Mở Tay như người ta vẫn thường gọi của một tân Linh Mục, là sự khởi đầu cuộc sống người Tông đồ, cuộc sống dấn thân phụng sự Chúa và Giáo Hội hoàn toàn vô vị lợi, chứ không phải là ngày rộn rã võng lọng „vinh quy bái tổ“ và mở tiệc khao đãi bá quan văn võ theo kiểu khoe khoang việc đậu đạt khoa bảng của người đời.

Trái lại, đây quả thực là ngày tạ ơn Thiên Chúa của Tân Linh Mục vì đã được Ngài thương tuyển chọn vào hàng tôi tớ của Ngài, để ngày đêm phụng sự Ngài và phục vụ Giáo Hội. Bởi vì, Sứ vụ Tông đồ, Thừa tác vụ Linh Mục trong Giáo Hội không phải là một chức quyền để „ăn trên ngồi trốc“, để thống trị kẻ khác, nhưng là một bổn phận phải phục vụ mọi người và phục vụ một cách vô vị lợi. Đó cũng chính là điều mà thánh Tông đồ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi đã thiết tha nhắc nhủ các vị Linh Mục xưa kia (x. 1Pr 5,1-4). Vì thế, các Đức Giáo Hoàng luôn tự xưng mình là „Servus servorum“ – là đầy tớ của các đầy tớ.

Ngày 23.3.2013, đài Radiô Vatican đã truyền đi bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô I, trong đó Đức Thánh Cha khẳng định: „Đối với người Kitô hữu, thăng tiến và thăng thưởng trong Giáo Hội, có nghĩa là phải hạ mình phục vụ. Nếu chúng ta không học được quy luật Kitô giáo này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được Sứ điệp thực sự của Đức Kitô về quyền bính.“ Bởi vì, „Con đường Đức Kitô đi là con đường phục vụ. Vậy,cũng như Chúa đã phục vụ, chúng ta cũng phải làm theo Người, là bước đi trên con đường phục vụ. Đó chính là quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Tôi muốn cầu nguyện hôm nay cho tất cả chúng ta, để Chúa Kitô ban cho chúng ta ơn hiểu biết là “quyền bính thực sự trong Giáo Hội là phục vụ. Và để hiểu rằng quy luật quý báu Người dậy chúng ta bằng gương sáng của Người là: Đối với một Kitô hữu, thăng tiến, thăng chức, có nghĩa là tự hạ mình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng này.“(4)

Trong ngày Tiếp Kiến chung vào ngày Thứ Tư, 16.5.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói: “Giám Mục không phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, Linh Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói.” (5)

1. Các thách đố trong sứ mệnh phục vụ

Thưa anh chị em, chắc hẳn anh chị em cũng đã cảm nhận và nhìn thấy được rằng Thừa tác vụ Linh Mục, nhiệm vụ làm chủ chăn chăm sóc đoàn chiên Chúa không phải là một chuyện dễ dàng đối với bản chất tự nhiên của con người. Trong khi đó người Linh Mục chúng tôi hoàn toàn không phải là thần thánh hay là siêu nhân, nhưng là những con người mang đầy đủ mọi ưu khuyết điểm như bao người bình thường khác. Vì thế, xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi hoàn thành tốt được sứ mệnh phục vụ của mình.

Nhưng người ta tự hỏi đâu là thách đố của đời sống Linh Mục?

1.1. Chủ chiên phải có mùi của chiên

Trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 28.3.2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô I đã đòi hỏi các Linh Mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình mùi của chiên, ngài nói: „Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.“(6)

Qua đó, Đức Thánh Cha muốn căn dặn các Linh Mục rằng, cũng như người chăn chiên là phải sống gần gũi, sống lăn lộn với đàn chiên, phải sống chết với đàn chiên để lo lắng chăm sóc, bảo vệ và thăng tiến đàn chiên của mình, đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt người ấy nữa, thì người Linh Mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải vậy: Cũng phải biết sống dấn thân trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ, cho các linh hồn, không những một cách công bằng, vô vị lợi và bất thiên tư, nhưng còn biết xả thân hy sinh cho quyền lợi chính đáng của giáo dân, biết lấy mọi nỗi thống khổ, mọi khó khăn vất vả và mọi gian lao khổ cực của giáo dân làm của riêng mình, và hết lòng tìm cách an ủi, giúp đỡ họ theo khả năng có thể của mình.

1.2. Cảnh làm dâu trăm họ

Nhưng khi các Linh Mục xả thân phục vụ cộng đồng giáo xứ, phục vụ Giáo Hội như thế là vì đức tin, là vì Chúa, chứ không được vì vinh dự và lợi lộc cá nhân hay chỉ muốn làm vừa lòng người đời; nếu không, dù sớm hay muộn, các ngài cũng sẽ phải thất bại, chán nản và buông xuôi. Người ta đã chẳng thường so sánh đời sống phục vụ của các Linh Mục trong các giáo xứ với „cảnh làm dâu trăm họ“ đó sao?

Thật không sai, nếu trong đời thường một người con gái đi lấy chồng và về làm dâu một gia đình, một dòng họ, đã phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, khiến cô lắm lúc phải „giở khóc giở cười“, nhất là khi gặp phải một bà mẹ chồng khó tính, thiếu thông cảm và hay bắt bẻ nàng dâu, thì việc một Linh Mục phải „làm dâu trăm họ“ còn nhiêu khê khó khăn biết chừng nào! Người ta quan sát ngài từ đầu đến chân. Người ta đào bới, soi mói, phân tích và phê phán con người và đời tư cũng như các hoạt động công khai của ngài kỹ lưỡng và tỉ mỉ lắm, đến sợi tóc cũng bị xẻ làm bốn.

Để điều hành tốt một xứ đạo, hay nhiều xứ đạo như tình trạng trong Giáo Hội hiện nay, với hàng ngàn giáo dân, gồm đủ mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi lứa tuổi, mọi ý kiến và quan điểm khác nhau, v.v… và để làm vừa lòng mọi người quả là một điều hoàn toàn không đơn giản và dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là một điều bất khả. Bá nhân bá tánh, trăm người thì trăm tính, kia mà. Đúng như ca dao VN vẫn nói:

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,

Béo chê béo trục béo tròn,

Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra!


Nếu giáo xứ có được một cha Quản Xứ đạo đức, sớm tối chăm lo kinh nguyện chu đáo cho cuộc sống tâm linh của giáo xứ, giúp họ chu toàn chặt chẽ luật Chúa, thì bị chê là bảo thủ, là lạc hậu, là thiếu thức thời, còn gặp một cha Quản Xứ có tinh thần trẻ trung năng động, dấn thân nhiều cho các công tác xã hội, lại bị cho là cấp tiến, là hời hợt, thiếu lòng đạo đức. Đúng là: „Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người không đáy ai đo cho cùng!“

Đời người Linh Mục là thế đó! Anh chị em thử nghĩ xem sướng hay khổ?

Trên thực tế, người ta thường chỉ nhìn thấy cái vẻ bên ngoài của các Linh Mục, nào ăn mặc sạch sẽ tươm tất, đi đến đâu cũng được chào đón: „Lạy cha“, tại miền Bắc các giáo dân còn trịnh trọng hơn: „Con xin phép lạy cha ạ“ và ở chỗ công cộng thường được mời ngồi vào hàng ghế danh dự, v.v… và họ cho đó là vinh dự, là hạnh phúc, là cao sang. Nhưng có mấy ai nhìn thấy được cuộc sống thật, cuộc sống đầy cô đơn thử thách và âm thầm lặng lẽ của các ngài ở phía sau những bức màn hấp dẫn mỏng manh kia.

Mấy ai biết nhận ra rằng trong đời sống hôn nhân gia đình, khi gặp khó khăn này nọ đều có vợ, có chồng và con cái chia sẻ, bàn hỏi và an ủi, còn người Linh Mục khi gặp khó khăn này nọ lại chẳng có ai san sẻ với hay chẳng được phép san sẻ cùng ai, vì có nhiều vấn đề gai góc làm quên ăn mất ngủ đến nhức đầu thuộc phạm vi mục vụ, các ngài chỉ biết chạy đến than thở với Chúa, hay ôm lòng chịu đựng một mình, chứ chẳng được phép tâm sự với ai cả.

Chẳng những khi đang tại chức đã vậy, lúc về hưu còn mờ mịt hơn. Nếu vị nào còn có chút ít tiền dành dụm hay có anh em bà con giàu có dư dả thì còn nhẹ nhàng được phần nào, chứ đa số các Linh Mục khi về hưu là phải trải qua cuộc sống vô cùng bấp bênh và khó khăn cơ cực. Năm 1995 khi tôi về thăm quê bắc, có một vị Linh Mục trước kia là cha chính xứ của một giáo xứ sầm uất, nay về hưu, ngài đã không ngại nói với tôi: „Cha Thy ơi, cho mình xin ít tiền, chứ đói lắm.“ Nghe thế tôi cảm thấy đau lòng vô cùng, không sao cầm nổi nước mắt.

Cuộc sống thật đời Linh Mục là thế đó! Khi còn phục vụ trong các giáo xứ thì còn kẻ đón người đưa, còn có giáo dân vào ra thăm viếng, xin lễ hay biếu cái này cho cái nọ, chứ một khi đã về hưu rồi là xong, là hết người đưa đón và phải „đi sớm về khuya một mình“, là như món đồ „hết đát“, không ai xài nữa.

Kính thưa anh chị em, đời sống thật sự của các Linh Mục là như thế hay tương tự như thế đó. Giống như một lon Coca Cola: Khi còn nước bên trong thì được người người nâng niu chiều chuộng, vì còn có thể làm dịu cơn khát của họ, nhưng khi người ta đã uống cạn nước thì bị bóp méo, bị vất đi và nằm lăn lóc ở các lề đường, chung số phận với đất bụi.

Dĩ nhiên, khi nói thế, tôi không có ý kể khổ với anh chị em, nhất là không có ý làm nản lòng những thanh thiếu niên đang hăng hái muốn dâng mình cho Chúa hay đang trên đường dọn mình đón nhận Thừa tác vụ Linh Mục, nhưng tôi chỉ muốn cho anh chị em hiểu rõ cuộc sống các Linh Mục dưới phương diện đời thường, để anh chị em thông cảm và nhất là để anh chị em thêm lời cầu nguyện cho các Linh Mục chúng tôi mà thôi.

Đàng khác, đó cũng là sự thật của đời sống Linh Mục, nên thiết tưởng các thanh thiếu niên muốn theo đuổi Ơn gọi Linh Mục hay những ai đang dọn mình chịu chức Linh Mục cũng cần phải biết rõ trước sự thật ấy.

Vâng, sự thật ấy là làm Linh Mục thì phải biết chết cho chính mình và chết cho thế gian với những đòi hỏi vô độ và ích kỷ của nó, hầu có thể hoàn toàn sống cho Chúa và sống cho phần rỗi các linh hồn. Chiếc áo chùng thâm người Linh Mục khoác lên mình mỗi ngày đã muốn nói lên điều đó. Chứ đừng bao giờ lầm tưởng rằng làm Linh Mục là một hình thức “làm quan”, là con đường tiến thân theo kiểu trần tục. Cũng vì thế, đừng chờ cho tới khi „ván đã đóng thuyền“ rồi, một khi đã chịu chức Linh Mục rồi mới khám phá ra sự thật ấy, thì sợ rằng mọi chuyện đã quá muộn, mà „bỏ thì thương, vương thì tội“, đôi đường tiến thoái lưỡng nan. Và rồi phải kéo lê suốt đời một cuộc sống dở dang, bất hạnh!

Vì trước khi chọn sống đời Linh Mục, chọn cuộc sống dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội trong Sứ vụ Linh Mục, mỗi Linh Mục đều cần phải ý thức rõ ràng và đầy đủ mọi vui buồn và mọi sướng khổ của con đường mình đi.

Tuyệt đối đó không phải là con đường được trải thảm hoa, không phải là con đường tìm kiếm „vinh thân phì gia“ theo kiểu trần thế, nhưng là con đường tận hiến cho Thiên Chúa và làm tôi tớ phục vụ hết mọi người, con đường xả thân hy sinh cho lợi ích các linh hồn. Đó cũng là „quy tắc“ của đời Linh Mục Công Giáo mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài giảng dịp Lễ Làm Phép Dầu của ngài, như đã đề cập tới ở trên. Nhưng nếu đã tự nguyện chấp nhận làm tôi tớ phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, thì tất nhiên người Linh Mục cũng phải biết can đảm đón nhận thân phận hẩm hiu của một người tôi tớ.

Tất nhiên, những hy sinh và từ bỏ như thế sẽ không hề vô ích. Thiên Chúa sẽ ban thưởng xứng đáng cho người tôi trung của Ngài (x. Mc 10,28-31). Nhưng phần thưởng dành cho người tôi tớ của Thiên Chúa và của lợi ích các linh hồn là niềm hoan lạc và sự an bình khôn tả của Thánh Linh, chứ không phải là những lợi lộc và vinh quang trần thế chóng qua trước mắt. Trong thư gửi các Chủng Sinh nhân Ngày Thánh Hóa Các Linh Mục – 7.6.2013 – cũng là ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ĐHY Mauro Piacenza, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ viết: “Đối với người môn đệ, đồng hành với Chúa Kitô, bước đi trong ơn thánh, có nghĩa là mang trên vai gánh nặng của thánh giá Linh Mục với một niềm vui thiêng liêng.”(7)

Nhưng chúng ta đừng quên rằng con đường người Linh Mục bước đi như thế cũng là con đường mà chính Đức Kitô, vị Linh Mục Tối Cao, đã từng đi qua. Đó là con đường thập giá, là con đường trở nên „muối ướp mặn đời“(Mt 5,13), là con đường hy sinh, chấp nhận chịu mất mát, chịu thiệt thòi, kể cả mạng sống mình, cho vinh danh Chúa và cho hạnh phúc nhiều người, để chu toàn trọn vẹn giới răn trọng đại „Mến Chúa yêu người“ của Cha trên trời.

Giả thử nếu sống trên đời mà ai cũng chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ lo làm giàu và chỉ lo tìm kiếm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống sung túc giàu có một cách ích kỷ mà thôi, chứ không biết hy sinh cho người khác, chứ không biết xả thân giúp đỡ người khác, nhất là những người trong cảnh bần cùng cơ cực và đang cần đến sự giúp đỡ của mình, thì thật là uổng phí, thì thật không xứng đáng chút nào. Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã từng gọi những người sống ích kỷ như thế là những người chỉ „đứng chật trời“ mà thôi, với những câu thơ bất hủ như sau:

Sống tưởng công danh, không tưởng nước,

Sống lo phú quý, chẳng lo đời.

Sống mà như thế, đừng nên sống!

Sống tủi làm chi, đứng chật trời.


(„Sống Nhục“)

Nhưng để phù hợp với hoàn cảnh Ngày Lễ hôm nay, tôi xin phép sửa lại:

Sống tìm công danh, không tìm Chúa,

Sống lo phú quý, chẳng lo đời.

Sống mà như thế, đừng nên sống!

Sống tủi làm chi, đứng chật trời.


Vậy, một lần nữa, xin anh chị em cùng hợp ý với ba tân Linh Mục cảm tạ Chúa về Thánh chức Linh Mục cao cả mà Ngài đã thương ban; đồng thời xin anh chị em cùng thêm lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta: Cho các tân Tân Chức, cho chính anh chị em cũng như cho anh em Linh Mục chúng tôi, để chúng ta không „sống tủi“ và không „đứng chật trời“, nhưng biết sống tốt tinh thần Phúc Âm giữa lòng đời, là thực thi đức Ái và sự công bình Kitô giáo với hết mọi người.

Dĩ nhiên, tôi thiết tha xin anh chị em cầu nguyện cách riêng cho anh em Linh Mục chúng tôi trong các kinh nguyện hằng ngày của anh chị em, để chúng tôi luôn biết ý thức đầy đủ và sống tốt Sứ vụ Linh Mục của mình là sống dấn thân trọn vẹn cho vinh quang Thiên Chúa và cho lợi ích các linh hồn. Amen.

Lm JB. Nguyễn Hữu Thy

__________________________

Chú thích:

(1) Vatican II: “Lumen Gentium”, số 28.

(2) Trong tiếng Hán: 誠 者 天 之 道 也, 誠 之 者, 人 之 道 也 (Sách Trung Dung).

(3) Trong tiếng phổ thông, câu phương ngôn muốn mỉa mai nói: Có người miệng thì đọc Kinh sớm tối rôm rả không ai bằng, nhưng lòng dạ lại hẹp hòi đến nỗi khi người khác xin chút lửa cũng không muốn cho.

(4) x. Bùi Hữu Thư trong: www.danchuausa.net

(5) “A bishop is not a bishop for himself,” Pope Francis said. “He is for the people, and a priest is not a priest for himself. He is for the people: to serve, to nurture them, to shepherd them, who are his flock – in order to defend them from the wolves.” (http://www.catholicnewsagency.com/news/clergy-must-be-shepherds-not-wolves-says-pope/

(6) x. Anne Kurian trong: www.zenit.org

(7) x. Lm Trần Đức Anh: “Thư ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ gửi các Chủng Sinh nhân Ngày Thánh Hóa các Linh Mục”, trong: www.vietcatholic.net/news/