Không biết tự bao giờ, các ảnh tượng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô thường gắn liền với biểu tượng chìa khóa và thanh kiếm. Thánh Phêrô cầm chìa khóa. Thánh Phaolô cầm thanh kiếm. Cả hai vị thánh này lại thường đứng sát bên nhau như hai biểu tượng kiên vững của đức tin Công Giáo. Chiêm ngắm hình tượng hai Ngài, tôi như bị cuốn hút vào dòng suy nghĩ.
1. Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa Nước Trời. Còn Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời. Hôm rồi, máy tính của tôi bị virus tấn công. Đứng máy. Nhiều dữ liệu bị xóa sạch. Sau khi sửa máy, người thợ liền cài đặt cho tôi chương trình diệt virus, để bảo vệ máy tính. Từ đó tôi cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng máy tính. Tôi nghĩ, đức tin của tôi cũng phần nào có nét tương tự như chiếc máy tính. Nút “Start” (khởi động), đó là Bí Tích Rửa Tội, là “chìa khóa” để đi vào căn nhà đức tin. Còn “chương trình diệt virus” là các Bí Tích khác, là “thanh kiếm” để bảo vệ căn nhà đức tin. Không có “thanh kiếm” này, căn nhà đức tin của tôi sẽ có nhiều nguy cơ bị đánh sập bất cứ lúc nào.
Từ suy nghĩ ấy, tôi liên tưởng đến “chìa khóa” Nước Trời của Thánh Phêrô và “thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời của Thánh Phaolô. Theo Thánh Kinh, “chìa khóa” là biểu tượng của quyền bính. Người cầm chìa khóa là ông chủ, hay người quản lí thay mặt ông chủ (x. Is 22, 22; Kh 3, 7).
Chúa Giêsu đã ủy thác cho Thánh Phêrô một thẩm quyền đặc biệt: “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19). Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lí và những quyết định về kỉ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Chúa Giêsu đã trao quyền này cho các Tông đồ, cách riêng là Thánh Phêrô. Do quyền bính đặc biệt này, mà Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, có quyền tài phán trên toàn thể Hội Thánh và trên mọi tín hữu. Đó chính là hình tượng “chìa khóa” trên tay Thánh Phêrô.
Còn “thanh kiếm” trên tay Thánh Phaolô thì sao? Theo Vietcatholic, sáng thứ tư 26-10-2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chia sẻ suy nghĩ của Ngài về bức tượng Thánh Phaolô được đặt trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngài nói: Người không biết về câu chuyện thanh kiếm của Thánh Phaolô, có thể nghĩ rằng Thánh Phaolô là một đại tướng chỉ huy một đạo binh hùng mạnh và chinh phục mọi dân nước bằng thanh kiếm, hầu chiếm đoạt cho mình danh giá và tài sản bằng máu của người khác. Nhưng thực ra không phải như vậy.
Thanh kiếm ấy là dụng cụ tử đạo, khiến cho Phaolô phải đổ máu mình ra vì Danh Chúa Kitô. Cuôc chiến của thánh nhân không phải là cuộc chiến của bạo lực hay chiến tranh, mà là cuộc chiến tử đạo vì Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã tâm sự: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô. Tôi được gọi làm Tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1, 1). Vũ khí duy nhất của thánh nhân là lời loan báo “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 2, 2). Vì thế, Thánh Phaolô đã tận hiến cả đời mình và dốc toàn tâm, toàn lực để đem sứ điệp Tin Mừng tới tận cùng trái đất.
Khi cảm thấy sự chết đã gần kề, Thánh Phaolô đã viết cho Timôthê như sau: “Cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế. Đã đến giờ cha phải ra đi. Cha đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là Vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng ấy cho cha trong Ngày ấy. Và không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4, 6-8).
Chắc chắn đây không phải là cuộc chiến của một người binh sĩ, nhưng là cuộc chiến của một người loan báo Lời của Thiên Chúa, luôn trung thành với Đức Kitô và với Hội Thánh. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã trao cho Thánh Phaolô triều thiên vinh quang; và đặt Ngài cùng với Thánh Phêrô, như là hai cột trụ của tòa nhà Hội Thánh. Cũng chính vì điều này mà người ta thường đặt một thanh kiếm trên tay Thánh Phaolô, là người bảo vệ Nước Trời.
2. Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất. Còn Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất. Chúng ta biết trong Hội Thánh Công Giáo, sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiệp nhất trong Hội Thánh là hai hình thức hiệp nhất được quan tâm nhất.
Sự hiệp nhất trong đức tin nhấn mạnh đến mối dây liên kết của những người được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại. Còn sự hiệp nhất trong Hội Thánh nhấn mạnh một đặc tính căn bản của Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập, dựa trên khuôn mẫu hiệp nhất tuyệt đối của Chúa Ba Ngôi. Đó chính là đối tượng của đức tin Công Giáo: “Tôi tin… Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền…”. Ngoài ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh còn là đối tượng của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ… để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11).
Từ xác tín ấy, tôi tin Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Hội Thánh tiên khởi đã dùng bốn đặc tính được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, để sống hiệp nhất với nhau và để phân biệt mình với các giáo phái khác. Bốn đặc tính đó là: Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền (x. GH 8).
Những đặc tính này là hồng ân Chúa Thánh Thần thông ban; và chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ đức tin. Như thế, chính sự hiệp nhất trong đức tin, trong các Bí tích và trong việc mục vụ, mà quyền năng sống động của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể và hữu hiệu giữa trần gian. Có thể nói, qua sự tin tưởng và trao quyền của Chúa Giêsu, mà Thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô luôn là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
Nếu Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất, thì Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất. Thật vậy, đọc các thư Phaolô, ta thấy cuộc trở lại của ngài cung cấp cho ta một mẫu gương đi đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Sự hiệp nhất khởi đi từ sự hoán cải; từ sự chia rẽ đến sự hiệp thông; từ sự hiệp nhất bị bể nát đến sự chữa lành; để rồi đi đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Tiến trình hoán cải này là hồng ân của Chúa Phục Sinh đã ban cho Thánh Phaolô: “Tôi trở nên như thế này là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15, 10).
Từ một thanh kiếm đi sát hại các Kitô hữu, Thánh Phaolô đã trở thành “thanh kiếm” được Thiên Chúa sử dụng để bảo vệ sự hiệp nhất giữa dân Do Thái và Dân Ngoại, để làm thành một dân mới (x. Ep 2; Ga 10, 16). Thực vậy, từ khi được ơn hoán cải, “Thanh kiếm” Phaolô đã tung hoành ngang dọc khắp đất trời, góp phần bảo vệ sự hiệp nhất của nhân loại bị tan tác vì tội lỗi. Và còn hơn thế nữa, Phaolô đã đem lại sự hiệp nhất cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Sau cuộc trở lại của mình, Thánh Phaolô đã trở nên người bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh: Ngài tuyên bố; “Chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc mọi người” (1 Tm 2, 5-6). “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4-6). Với niềm xác tín ấy, Thánh Phaolô rất xứng đáng là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
Hôm nay khi soi mình vào Lời Chúa trên tấm gương hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, tôi thầm cảm ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh rất nhiều bậc thánh nhân, nhất là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ. Thánh Phêrô là “Chìa khóa” mở cửa Nước Trời và xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Thánh Phaolô là “Thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời và duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Được sống trong Hội Thánh Chúa như thế, thật là hạnh phúc. Xin cho mọi thành viên trong Hội Thánh Chúa luôn tin tưởng, mến yêu, xây dựng và bảo vệ Hội Thánh, một Hội Thánh luôn kiên vững trên Đá tảng Phêrô là “Chìa khóa” Nước Trời, và luôn được “Thanh kiếm” Phaolô hằng bảo vệ.
1. Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa Nước Trời. Còn Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời. Hôm rồi, máy tính của tôi bị virus tấn công. Đứng máy. Nhiều dữ liệu bị xóa sạch. Sau khi sửa máy, người thợ liền cài đặt cho tôi chương trình diệt virus, để bảo vệ máy tính. Từ đó tôi cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng máy tính. Tôi nghĩ, đức tin của tôi cũng phần nào có nét tương tự như chiếc máy tính. Nút “Start” (khởi động), đó là Bí Tích Rửa Tội, là “chìa khóa” để đi vào căn nhà đức tin. Còn “chương trình diệt virus” là các Bí Tích khác, là “thanh kiếm” để bảo vệ căn nhà đức tin. Không có “thanh kiếm” này, căn nhà đức tin của tôi sẽ có nhiều nguy cơ bị đánh sập bất cứ lúc nào.
Từ suy nghĩ ấy, tôi liên tưởng đến “chìa khóa” Nước Trời của Thánh Phêrô và “thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời của Thánh Phaolô. Theo Thánh Kinh, “chìa khóa” là biểu tượng của quyền bính. Người cầm chìa khóa là ông chủ, hay người quản lí thay mặt ông chủ (x. Is 22, 22; Kh 3, 7).
Chúa Giêsu đã ủy thác cho Thánh Phêrô một thẩm quyền đặc biệt: “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19). Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lí và những quyết định về kỉ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Chúa Giêsu đã trao quyền này cho các Tông đồ, cách riêng là Thánh Phêrô. Do quyền bính đặc biệt này, mà Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, có quyền tài phán trên toàn thể Hội Thánh và trên mọi tín hữu. Đó chính là hình tượng “chìa khóa” trên tay Thánh Phêrô.
Còn “thanh kiếm” trên tay Thánh Phaolô thì sao? Theo Vietcatholic, sáng thứ tư 26-10-2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chia sẻ suy nghĩ của Ngài về bức tượng Thánh Phaolô được đặt trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngài nói: Người không biết về câu chuyện thanh kiếm của Thánh Phaolô, có thể nghĩ rằng Thánh Phaolô là một đại tướng chỉ huy một đạo binh hùng mạnh và chinh phục mọi dân nước bằng thanh kiếm, hầu chiếm đoạt cho mình danh giá và tài sản bằng máu của người khác. Nhưng thực ra không phải như vậy.
Thanh kiếm ấy là dụng cụ tử đạo, khiến cho Phaolô phải đổ máu mình ra vì Danh Chúa Kitô. Cuôc chiến của thánh nhân không phải là cuộc chiến của bạo lực hay chiến tranh, mà là cuộc chiến tử đạo vì Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã tâm sự: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô. Tôi được gọi làm Tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1, 1). Vũ khí duy nhất của thánh nhân là lời loan báo “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 2, 2). Vì thế, Thánh Phaolô đã tận hiến cả đời mình và dốc toàn tâm, toàn lực để đem sứ điệp Tin Mừng tới tận cùng trái đất.
Khi cảm thấy sự chết đã gần kề, Thánh Phaolô đã viết cho Timôthê như sau: “Cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế. Đã đến giờ cha phải ra đi. Cha đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là Vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng ấy cho cha trong Ngày ấy. Và không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4, 6-8).
Chắc chắn đây không phải là cuộc chiến của một người binh sĩ, nhưng là cuộc chiến của một người loan báo Lời của Thiên Chúa, luôn trung thành với Đức Kitô và với Hội Thánh. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã trao cho Thánh Phaolô triều thiên vinh quang; và đặt Ngài cùng với Thánh Phêrô, như là hai cột trụ của tòa nhà Hội Thánh. Cũng chính vì điều này mà người ta thường đặt một thanh kiếm trên tay Thánh Phaolô, là người bảo vệ Nước Trời.
2. Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất. Còn Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất. Chúng ta biết trong Hội Thánh Công Giáo, sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiệp nhất trong Hội Thánh là hai hình thức hiệp nhất được quan tâm nhất.
Sự hiệp nhất trong đức tin nhấn mạnh đến mối dây liên kết của những người được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại. Còn sự hiệp nhất trong Hội Thánh nhấn mạnh một đặc tính căn bản của Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập, dựa trên khuôn mẫu hiệp nhất tuyệt đối của Chúa Ba Ngôi. Đó chính là đối tượng của đức tin Công Giáo: “Tôi tin… Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền…”. Ngoài ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh còn là đối tượng của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ… để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11).
Từ xác tín ấy, tôi tin Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Hội Thánh tiên khởi đã dùng bốn đặc tính được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, để sống hiệp nhất với nhau và để phân biệt mình với các giáo phái khác. Bốn đặc tính đó là: Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền (x. GH 8).
Những đặc tính này là hồng ân Chúa Thánh Thần thông ban; và chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ đức tin. Như thế, chính sự hiệp nhất trong đức tin, trong các Bí tích và trong việc mục vụ, mà quyền năng sống động của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể và hữu hiệu giữa trần gian. Có thể nói, qua sự tin tưởng và trao quyền của Chúa Giêsu, mà Thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô luôn là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
Nếu Thánh Phêrô là “chìa khóa” mở cửa sự hiệp nhất, thì Thánh Phaolô là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất. Thật vậy, đọc các thư Phaolô, ta thấy cuộc trở lại của ngài cung cấp cho ta một mẫu gương đi đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Sự hiệp nhất khởi đi từ sự hoán cải; từ sự chia rẽ đến sự hiệp thông; từ sự hiệp nhất bị bể nát đến sự chữa lành; để rồi đi đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Tiến trình hoán cải này là hồng ân của Chúa Phục Sinh đã ban cho Thánh Phaolô: “Tôi trở nên như thế này là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15, 10).
Từ một thanh kiếm đi sát hại các Kitô hữu, Thánh Phaolô đã trở thành “thanh kiếm” được Thiên Chúa sử dụng để bảo vệ sự hiệp nhất giữa dân Do Thái và Dân Ngoại, để làm thành một dân mới (x. Ep 2; Ga 10, 16). Thực vậy, từ khi được ơn hoán cải, “Thanh kiếm” Phaolô đã tung hoành ngang dọc khắp đất trời, góp phần bảo vệ sự hiệp nhất của nhân loại bị tan tác vì tội lỗi. Và còn hơn thế nữa, Phaolô đã đem lại sự hiệp nhất cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Sau cuộc trở lại của mình, Thánh Phaolô đã trở nên người bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh: Ngài tuyên bố; “Chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc mọi người” (1 Tm 2, 5-6). “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4-6). Với niềm xác tín ấy, Thánh Phaolô rất xứng đáng là “thanh kiếm” bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
Hôm nay khi soi mình vào Lời Chúa trên tấm gương hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, tôi thầm cảm ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh rất nhiều bậc thánh nhân, nhất là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ. Thánh Phêrô là “Chìa khóa” mở cửa Nước Trời và xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Thánh Phaolô là “Thanh kiếm” bảo vệ Nước Trời và duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Được sống trong Hội Thánh Chúa như thế, thật là hạnh phúc. Xin cho mọi thành viên trong Hội Thánh Chúa luôn tin tưởng, mến yêu, xây dựng và bảo vệ Hội Thánh, một Hội Thánh luôn kiên vững trên Đá tảng Phêrô là “Chìa khóa” Nước Trời, và luôn được “Thanh kiếm” Phaolô hằng bảo vệ.