Hầu như ai trong chúng ta, không ít thì nhiều, cũng có lần nhìn hình bóng mình. Khi thì nhìn hình bóng mình sau mỗi lần rửa mặt, khi chải tóc, cắt tóc và ngay cả khi đi shopping, đôi khi cũng tình cờ nhìn thấy bóng hình phản chiếu trên gương. Khi khác lại thấy hình bóng mình trải dài trên thảm cỏ xanh, hay trên đường nếu bạn đi dưới nắng, hoặc ngay cả đêm tối cũng thấy hình bóng chiếu dọi do đèn đường. Không phải chỉ con người mới có hình bóng mà hầu như mọi vật trên trần gian đều có hình bóng. Bạn thấy trăng sâu đáy nước, và đôi khi thấy hình bóng mình phản chiếu trong nước. Có lần tôi ngồi bên bờ hồ ngắm nhìn cây phản chiếu trong nước. Bên kia hồ là hàng cây dài, cao thẳng, rất đẹp mắt. Hàng cây phản chiếu xuống nước; chúng mọc ngược. Trời im, không gió, chúng đứng im, khi gió lay cây, hình trong nước chuyển động. Thình lình con chim nhào xuống bắt cá, nước hồ rung động làm cây lay động theo. Một chiếc thuyền nhỏ do đôi tình nhân chèo ngang khoáy nước làm bóng cây cong queo, uấn éo theo sóng nước, trong khi cây trên bờ vẫn đứng im. Hình bóng cây ảnh hưởng do ngoại cảnh trên bờ và thủy cảnh dưới nước.

Riêng con người có tới hai loại hình bóng. Một là hình bóng tự nhiên như quang cảnh trong thiên nhiên. Hình bóng thứ hai quan trọng hơn, và đây chính là chủ đề của bài viết. Kitô hữu nhận biết rất rõ hình bóng này và đây cũng là điểm khác biệt giữa thiên nhiên và con người. Tường thuật ' SángTạo', diễn tả Thiên Chúa phán khi tạo dựng con người,

'Chúng ta hãy tạo dựng chúng phỏng theo hình ảnh Ta'. Sáng Thế Kí 1. 26

Như thế hình bóng thứ hai là hình bóng Thiên Chúa tặng riêng nhân loại. Trình thuật 'Sáng Tạo' nói tiếp; Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa nhưng chưa ban sự sống, mới chỉ có hình ảnh. Sự sống đến khi Chúa thở Thần Khí Chúa vào con người và sự sống bắt đầu. Như thế trong ta, ngoài hình bóng tự nhiên, còn có ít nhất là hai phần. Phần một là hình ảnh Chúa; phần hai là Thần Khí sự sống do Chúa ban. Con người qua đời khi Chúa lấy đi Thần Khí ra khỏi cá nhân đó. Thần Khí đi đâu? Trở về nơi lúc ban đầu phát xuất; đó chính là trở về với Thiên Chúa. Thứ nhất, Thần Khí sự sống thuộc về Thiên Chúa; sức mạnh hoả ngục, gian tà ma qủi, kể cả tội ta phạm, không hề ảnh hưởng đến Thần khí sự sống. Thứ hai, Thần Khí sự sống, tuyệt hảo, vĩnh cửu, tinh tuyền Chúa dành riêng cho nhân loại. Thần Khí này không bao giờ phai, không gì trên đời thấm nhập, hoặc ảnh hưởng đến Thần Khí.

Khi ta chết, điều gì xảy ra cho hình ảnh Chúa trong ta. Hình ảnh đó ra khỏi thân xác hay hình ảnh đó vẫn còn trong thân xác. Hiểu theo trình thuật 'Sáng Tạo' thì Thiên Chúa tạo dựng con người nam nữ phỏng theo hình ảnh Chúa. Trước khi con người có sự sống, hình ảnh Chúa đã ở trong thân xác do Chúa tạo dựng. Hiểu theo cách trên thì dù thân xác này sống, hay chết, hình ảnh Chúa vẫn mãi mãi tồn tại trong con người. Thiên Chúa là Đấng hằng sống, mà thân xác được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, nên dù thân xác có chết, hình ảnh Chúa nơi thân xác đó vẫn không chết, vẫn sống. Bởi thân xác mang hình ảnh Chúa, do Chúa tạo dựng; Thiên Chúa lại ban Thần Khí sự sống Ngài cho thân xác nên thân xác trở thành Đền Thờ Thiên Chúa.

'Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong anh em' 1Cor 3:16.

Đền Thờ này không do tay con người làm ra mà do chính Thiên Chúa tạo dựng. Hình ảnh thân xác cũng không phải do sáng kiến của loài người mà là khôn ngoan của Thiên Chúa. Y khoa chỉ đủ khả năng làm thay đổi như sửa đổi, mổ xẻ, son phấn làm đẹp bề ngoài thân xác mà không thể ảnh hưởng đến hình ảnh Chúa trong ta. Ngài là Đấng sáng tạo nên hình ảnh Chúa trong ta, và sáng tạo của Ngài thành đền thờ cho Ngài ngự trị. Như thế hình ảnh Chúa trong ta trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa. Đền Thờ tâm hồn vô hình này được chính Thiên Chúa tạo dựng.

Loài người không đủ khả năng phá hủy đền thờ tâm hồn. Tội ta phạm có thể bóp méo, bôi lọ, làm dơ bẩn, lu mờ, ô uế đền thờ mà không thể phá huỷ đền thờ. Cách khác loài người có thể làm là chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu hoặc đóng cửa, cài then, khoá chốt đền thờ tâm hồn; từ chối đón Chúa đến ngự trong đền thờ tâm hồn. Hành xử như thế là lạm quyền, hành xử theo lối chủ nhân đền thờ. Thiên Chúa là chủ nhân đền thờ tâm hồn. Ngài là Đấng duy nhất có quyền đóng cửa, cài then đền thờ; con người chỉ là quản gia, người coi sóc. Quản gia ngăn cản không cho chủ vào nhà là hành động hỗn hào, ngỗ nghịch, phạm thượng. Phạm thượng, kiêu ngạo, lộng quyền, bất tuân lời chủ là hành động phạm tội. Ngoài ra còn tình trạng lơ là, chểnh mảng coi sóc, bảo vệ đền thờ, đồng thời biến đền thờ tâm hồn thành nơi ô uế, buôn bán, hang trộm cướp làm việc tồi bại. Chủ đền thờ, Đấng toàn năng có cách giải quyết thái độ bạo hành, kiêu căng, lười biếng của quản gia bằng cách sai thiên thần bản mạnh đến coi sóc đền thờ. Thiên thần bản mạnh làm công việc hướng dẫn, chỉ bảo cá nhân, đồng thời làm công việc phụng sự Chúa, coi sóc đền thờ khi cá nhân lơ là trách nhiệm. Dù con người chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu, đền thờ tâm hồn đó được chính thiên thần bản mạnh làm công việc coi sóc, bảo trì và phụng tự.

Dù tin Đức Kitô hay từ chối tin Ngài, con người ở bất cứ thời đại nào cũng luôn coi trọng xác kẻ chết. Nếu người ta thực sự tin chết là hết, không còn gì phải thắc mắc. Vậy tại sao lại hành hạ, nhục mạ xác chết của kẻ thù? Thật là nghịch lí. Thứ nhất người sống thù hận, xác chết không thù hận. Thứ hai, sau khi chết, vật chất hữu hình liên quan đến cá nhân đó bị cắt đứt. Phần tâm linh tồn tại, dù vô hình, ta không nhìn thấy nhưng không thể chối bỏ. Hành hạ xác chết kẻ thù là dấu chỉ tin sau khi chết vẫn còn gì đó tồn tại, dù không thể chứng minh. Không ai trả thù xác chết một con vật khi nó cấu xé, giết chết người họ thương. Giết được con thú là coi như xong. Trong khi giết người vẫn chưa xong mà còn phải hành hạ xác chết kẻ thù mới hả dạ. Kitô giáo dậy chôn xác kẻ chết, người sống phải thi hành, tuân giữ. Dù là hữu thần hay vô thần, nơi nào cũng có nghĩa trang dành chôn cất người qua đời. Nơi nào cũng trân trọng giữ hình ảnh người đã chết. Người ta ca tụng, ngợi khen thành tích người đó đạt được. Đây cũng là hình thức xác nhận chết là biến đổi sang cuộc sống khác. Cuộc sống mới này như thế nào chưa thể xác định. Kitô hữu tin cuộc sống mới này thuộc về Chúa và do Chúa định liệu, ban ơn.

Chiến tranh tàn phá làng mạc và tàn phá hình thể con người. Người bị chột mắt, hoặc đui mù, kẻ thì què chân, người lại cụt tay, kẻ khác tàn phết suốt đời. Đức Kitô Phục Sinh cho môn đệ biết thân xác con người bị hành hạ, tàn phá nhưng thân xác Phục Sinh của Ngài hiện ra trong hai trạng thái. Trạng thái lành lặn, không hề bị tổn thương do con người gây ra, và trạng thái thương tật. Phúc Âm thuật lại sáng sớm các bà phụ nữ ra thăm mộ Đức Kitô. Các bà gặp Đức Kitô Phục Sinh mà không nhận ra. Họ tưởng lầm Ngài là người làm vườn. Làm thế nào mà không nhận ra người thân thương mới sau ba ngày xa cách. Không phải chỉ các bà lầm như thế mà chính hai môn đệ trên đường Emau cũng không nhận ra Thầy mình. Các ông đàm đạo với Ngài mà không nhận biết Ngài mãi cho đến chiều tối khi Ngài bẻ bánh, lúc đó các ông mới nhận ra. Họ ra đi trong đêm trở về với bạn hữu, Đức Kitô đã đến đó trước họ. Lần hiện ra với các môn đệ, Đức Kitô Phục Sinh đi qua cửa đóng kín, cài then. Lần khác Ngài hiện ra với các ông và cho các ông xem thương tích, lỗ đanh tay, chân và cạnh sườn. Đức Kitô Phục Sinh không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian. Đức Kitô chọn hiện ra trong trạng thái lành lặn, hay hiện ra trong trạng thái thương tích, Ngài toàn quyền quyết định điều đó. Phỏng theo hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh và dựa vào hướng dẫn của thánh Phaolô là thân xác yếu hèn của ta sẽ trở nên sáng láng nhờ Đức Kitô Phục Sinh ban cho. Theo cách diễn tả đó, tội kiêu ngạo ta phạm, điều bất xứng ta làm chỉ có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Chúa trong ta, mà không hề giết chết hình ảnh đó. Thương tích Đức Kitô Phục Sinh là dấu chỉ Ngài vâng lời Chúa Cha. Bạn có thể kể lại cuộc sống quá khứ mình hay kín đáo cất giữ chúng là điều bạn có thể chọn. Tương tự như trên, thương tích, nhục mạ, xỉ vả ta chịu để làm Sáng Danh Chúa tồn tại nơi hình ảnh Chúa trong ta. Rất có thể ta cũng được Đức Kitô cho phép xuất hiện như một con người lành lặn, hoặc con người thương tật như Đức kitô. Chọn để chúng tỏ lộ ra, hay chọn cất giữ chúng là điều Chúa cho phép.

Nước chảy trong suối, thuyền chèo trên sông không ảnh hưởng đến cây trên bờ nhưng chúng có khả năng làm lu mờ, bóp méo hình ảnh cây phản chiếu trong nước. Cùng cách đó, ảnh hưởng của tội, hậu quả điều bất xứng không thể giết chết hình ảnh Chúa trong ta nhưng chúng có khả năng làm hại, lu mờ, bóp méo hình ảnh đó. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philiphê giải thích,

'Đức Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biên đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người' Phil 3:21

Thân xác thánh Phaolô nhắc đến đây không phải là xương thịt, bụi tro tạo nên thân xác mà là hình ảnh Chúa, đền thờ tâm hồn. Tội lỗi làm cho thân xác đó điêu tàn, xấu đi. Hào quang Phục Sinh của Đức Kitô rửa sạch tội đời, tẩy sạch vết nhơ lấy lại hào quang vinh hiển hình ảnh Chúa khi Ngài trao ban.

Mỗi người chúng ta mang hình ảnh Chúa và hình ảnh đó khát khao có ngày được diện kiến Đấng tạo nên hình ảnh đó. Vì thế trong ta luôn mơ tưởng, khát khao được vượt ra khỏi thân xác, và thế giới giới hạn. Khoa học gia mơ tưởng tìm kiếm một thế giới khác ngoài thế giới ta đang sống. Kitô hữu mơ tưởng một thế giới hằng sống Đức Kitô hứa ban cho môn đệ Ngài. Ước mơ vượt ra khỏi thế giới là dấu chỉ cho biết ta sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới mà muốn vượt ra khỏi cái thế giới hạn chế để được hoàn toàn tự do.
Con người có thể từ chối không tin Chúa, nhưng không thể chối bỏ được sự sống vĩnh cửu Chúa hứa ban.

TiengChuong.org