Theo tin Tòa Thánh, ngày 23 tháng 9 năm 2024, Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học trong phiên họp toàn thể của họ. Nhân dịp này, ngài đã ngỏ lời với họ:



Thưa Chủ tịch, Đức Hồng Y, Quý ông và Quý bà!

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến các thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học, và đặc biệt, tôi xin chào các thành viên mới. Những hiểu biết sâu sắc và chuyên môn của các bạn rất quan trọng trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống. Tôi xin cảm ơn Chủ tịch, Joachim von Braun, và Chưởng Ấn, Đức Hồng Y Peter Turkson, cùng các Viện sĩ đã nêu bật vấn đề Tác động nhân bản đối với môi trường [Anthropocene] và Trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu và thảo luận tại Hội nghị toàn thể năm nay.

Tất cả chúng ta ngày càng lo lắng về những tác động sâu sắc của loài người đối với thiên nhiên và các hệ thống trái đất. Tôi được biết rằng một trong số các bạn, Paul Crutzen, khi mô tả những tác động này đối với thiên nhiên đã tạo ra, đã gọi chung chúng là tạo nên Kỷ nguyên Anthropocene. Các thành viên của Viện Hàn lâm của các bạn nằm trong số những người đầu tiên xác định tác động tích lũy của các hoạt động của con người lên sự sáng tạo và nghiên cứu các rủi ro và vấn đề liên quan. Thật vậy, Kỷ nguyên Anthropocene đang bộc lộ những hậu quả ngày càng nghiêm trọng của nó đối với thiên nhiên và con người, đặc biệt là thông qua cuộc khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Do đó, tôi rất biết ơn Giáo hòng Hàn lâm viện Khoa học vẫn tiếp tục tập trung quan tâm đến các vấn đề như thế này, đặc biệt là liên quan đến những tác động của chúng đối với người nghèo và người yếu thế. Các ngành khoa học, trong quá trình theo đuổi kiến thức và sự hiểu biết về thế giới vật chất, không bao giờ được quên tầm quan trọng của việc sử dụng kiến thức đó để phục vụ và nâng cao phẩm giá của cá nhân và toàn thể nhân loại.

Khi thế giới của chúng ta phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng về xã hội, chính trị và môi trường, chúng ta thấy rõ nhu cầu về một khuôn khổ lớn hơn trong đó diễn ngôn công khai toàn diện không chỉ được thông tin bởi các ngành khoa học khác nhau mà còn bởi sự tham gia của tất cả các bộ phận của xã hội. Về vấn đề này, tôi hoan nghênh và đánh giá cao mong muốn của Hàn lâm viện trong việc thu hút sự chú ý đến những người thiệt thòi và người nghèo trong các Hội nghị khác nhau của mình và đưa người dân bản địa và trí tuệ của họ vào các cuộc đối thoại của mình.

Đại hội toàn thể của các bạn năm nay cũng đề cập đến khoa học và đổi mới mới xuất hiện, cùng các cơ hội liên quan cho khoa học và sức khỏe hành tinh. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến những thách thức đặt ra bởi tiến bộ đạt được trong Trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển như vậy có thể chứng minh là có lợi cho nhân loại, ví dụ như bằng cách thúc đẩy các đổi mới trong lĩnh vực y học và chăm sóc sức khỏe, cũng như bằng cách giúp bảo vệ môi trường tự nhiên và cho phép sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, như chúng ta nhận ra, nó cũng có thể có những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với dân số nói chung, đặc biệt là trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương hơn. Hơn nữa, cần phải thừa nhận và ngăn chặn những rủi ro của việc ứng dụng cách thao túng Trí tuệ nhân tạo để định hình dư luận, ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng và can thiệp vào các quy trình bầu cử.

Những thách thức này nhắc nhở chúng ta về các chiều kích đạo đức và nhân bản không thể thay đổi của mọi tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Do đó, tôi xin bày tỏ thêm một lần nữa mối quan tâm của Giáo hội rằng “phẩm giá vốn có của mỗi con người và tình anh em gắn kết chúng ta lại với nhau như những thành viên của một gia đình nhân loại phải hỗ trợ cho sự phát triển của các kỹ thuật mới… Những phát triển kỹ thuật không dẫn đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn thể nhân loại, mà ngược lại làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và xung đột, không bao giờ có thể được coi là tiến bộ thực sự” (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024, 2). Theo nghĩa này, tác động của các hình thức Trí tuệ nhân tạo đối với từng dân tộc và cộng đồng quốc tế cần được quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn. Tôi rất vui khi biết rằng Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học đang nỗ lực đề xuất các quy định phù hợp nhằm ngăn ngừa rủi ro và khuyến khích lợi ích trong lĩnh vực phức tạp này.

Các bạn thân mến, vào thời điểm mà các cuộc khủng hoảng, chiến tranh và các mối đe dọa đối với an ninh thế giới dường như đang chiếm ưu thế, thì những đóng góp thầm lặng của riêng các bạn cho sự tiến bộ của kiến thức nhằm phục vụ cho gia đình nhân loại của chúng ta càng quan trọng hơn đối với mục tiêu hòa bình hoàn cầu và hợp tác quốc tế. Tôi cảm ơn sự tham gia của các bạn vào công việc của Hàn lâm viện và gửi đến các bạn lời cầu nguyện tốt đẹp nhất của tôi cho các cuộc thảo luận của Phiên họp toàn thể hiện tại. Tôi cầu xin Chúa ban phước lành dồi dào cho các bạn, gia đình các bạn và tất cả những người liên quan đến công việc quan trọng của các bạn. Và tôi xin các bạn hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của các bạn. Cảm ơn các bạn.