Các Hồng Y Parolin và Koch gặp gỡ các giám mục Ukraine. Đức Hồng Y Parolin thông báo cuộc họp để tìm hiểu tác động của chiến tranh
Hôm 5 tháng 9, ngày thứ ba của Thượng Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông Phương Ukraine tại Rôma từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9, các giám mục Ukraine đã gặp Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã thông báo với các giám mục rằng “chấp nhận đề nghị lâu dài của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk” sẽ có một cuộc họp của Ủy ban Thường trực Liên Bộ về Giáo hội ở Đông Âu.
“Chúng tôi sẽ gặp gỡ các đại diện của Giáo hội Đông phương và Giáo hội Latinh, cũng như một số chuyên gia, để đào sâu các vấn đề liên quan đến chiến tranh và nguồn gốc của nó, đồng thời lưu ý rằng chiến tranh luôn là một tội ác và ngay cả khi cần phải phản ứng với quyền tự vệ chính đáng, nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là những Kitô hữu và Mục tử là phải hạn chế ảnh hưởng của nó càng nhiều càng tốt, bằng lời nói và hành động”, – Đức Hồng Y Parolin tuyên bố.
Trong một bài phát biểu dài Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ca ngợi sự cam kết của Giáo hội Công giáo Đông Phương Ukraine, đồng thời nhắc lại sự gần gũi của Tòa thánh đối với nỗi đau khổ của người dân Ukraine, cũng như sự hỗ trợ của Tòa thánh đối với các sáng kiến khác nhau được đưa ra.
Đức Hồng Y Parolin đã nhắc lại lịch sử hàng ngàn năm của mối quan hệ giữa Kyiv và Rôma, thậm chí không bị gián đoạn bởi cuộc ly giáo năm 1054, và ca ngợi thực tế là Giáo hội Công giáo-Đông Phương Ukraine coi mối quan hệ với người kế vị Thánh Phêrô là một “chiều kích cấu thành”.
Đức Hồng Y Parolin cũng đánh giá cao rằng những người tham gia Thượng Hội đồng đã không “tự giới hạn mình vào những cân nhắc thần học lý thuyết”, mà “đi thẳng vào vấn đề cụ thể”, để cho mình được thách thức bởi câu hỏi “Làm thế nào để trở thành Giáo hội?”
Đức Hồng Y Parolin cũng đề cập đến các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Berdiansk là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bogdan Heleta, là những vị đã biến mất sau khi các ngài bị bắt vào tháng 11 năm 2022, và nhấn mạnh rằng “Tòa thánh chia sẻ mối quan tâm của các hiền huynh đối với số phận của họ và không bỏ qua bất kỳ dịp nào để hỏi tin tức và yêu cầu trả tự do cho các ngài”.
Sau đó, Đức Hồng Y Parolin lưu ý đến việc chăm sóc mục vụ cho những người lính tham gia bảo vệ quê hương, và nhấn mạnh rằng “việc bảo vệ chủ quyền và tự do của lãnh thổ quốc gia, cũng phải đi kèm với việc bảo vệ trái tim của chính mình để không nhượng bộ trước hận thù, trong đó họ có thể dễ dàng trở thành con mồi trước rất nhiều hành động tàn bạo.”
Đức Hồng Y cũng bảo đảm sự gần gũi của Tòa Thánh và cả sự gần gũi của Đức Thánh Cha, với những lời kêu gọi công khai của ngài, bức thư gửi người dân Ukraine ngày 24 tháng 11 năm 2022, và những hành động của ngài, những cử chỉ “lặp đi lặp lại và có ý nghĩa” khiến “thật không công bằng khi nghi ngờ tình cảm của ngài dành cho người dân Ukraine và nỗ lực của ngài, vốn không phải lúc nào cũng được hiểu và đánh giá cao, nhằm giúp chấm dứt thảm kịch đang diễn ra và bảo đảm một nền hòa bình công bằng và ổn định thông qua đàm phán”.
Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh sự chú ý của Phủ Quốc vụ khanh, “cùng với Đức Thánh Cha, đã quan tâm đến việc trao đổi tù nhân, việc hồi hương trẻ em Ukraine từ Nga, về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, về các khía cạnh nhân đạo của kế hoạch hòa bình do chính quyền Ukraine đề xuất”.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Koch cũng cho biết ngài rất ấn tượng “về cách thức mà các giám mục và linh mục của các hiền huynh đồng hành mục vụ với các tín hữu và củng cố niềm hy vọng của họ vào đức tin”, đặc biệt đề cập đến “các tuyên bố và các bài phát biểu khích lệ” của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk.
Đức Hồng Y Koch nói rằng “hậu quả của cuộc chiến này vẫn chưa thể đoán trước được”, và “sẽ cần thời gian để những vết thương trong thể xác và tâm hồn của rất nhiều người được chữa lành”. Vị đứng đầu Bộ Đại kết cũng ghi nhận những thiệt hại nghiêm trọng đối với cuộc đối thoại đại kết do chiến tranh gây ra. Để kết thúc, Đức Hồng Y Koch cầu nguyện rằng chiến tranh sẽ chấm dứt và “một nền hòa bình công bằng có thể được thiết lập”.
Trong các cuộc họp, các giám mục Ukraine đã có cơ hội nêu lên sự chú ý của các đại diện Tòa thánh về những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.
Source:Sismografo