Thống đốc bang cho biết, các tay súng chưa được xác định đã giết một học sinh trong vụ tấn công qua đêm vào một trường nội trú ở bang Niger, phía bắc Nigeria và bắt cóc 42 người trong đó có 27 học sinh.

Thống đốc Abubakar Sani Bello cho biết những kẻ tấn công đã xông vào trường trung học Khoa học của Chính phủ ở quận Kagara bang Niger vào khoảng 2 giờ sáng, áp đảo các nhân viên an ninh của nhà trường.

“27 học sinh, ba nhân viên và 12 thành viên trong gia đình của họ đã bị bắt cóc. Thật không may, một học sinh đã bị bắn chết”, ông nói trong một cuộc họp báo.

Aliyu Isa, một giáo viên, nói với đài truyền hình địa phương Channels rằng những kẻ bắt cóc mặc đồng phục quân đội và nổ súng khi chúng đột nhập vào trường.

“Họ nói với các học sinh rằng đừng chạy”, Isa nói thêm, và cho biết anh và những người khác bỏ chạy trong khi các tay súng vây bắt một số học sinh.

Hiện vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm cho vụ bắt cóc mới nhất. Bắt cóc để đòi tiền chuộc bởi các nhóm vũ trang diễn ra phổ biến ở nhiều bang miền bắc Nigeria.

Vụ tấn công xảy ra hai tháng sau khi các tay súng xông vào một trường trung học ở bang Katsina, tây bắc và bắt cóc gần 350 nam sinh, những người sau đó đã được lực lượng an ninh giải cứu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố rằng giáo dục đang “bị tấn công” ở miền bắc Nigeria.

“Các nhà chức trách Nigeria phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn các cuộc tấn công vào trường học, để bảo vệ cuộc sống của trẻ em và quyền của họ được giáo dục”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram và một nhánh của quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng thực hiện các vụ bắt cóc ở vùng đông bắc đầy sóng gió của Nigeria. Khoảng 100 trong số hơn 270 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc từ thị trấn Chibok vào năm 2014 vẫn mất tích.

Sau cuộc tấn công hôm thứ Tư, thống đốc bang Niger đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức các trường nội trú trong khu vực.

Quân đội Nigeria cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã huy động quân đội truy đuổi những kẻ bắt cóc.

Các cuộc tấn công gần đây đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực gia tăng của các băng nhóm vũ trang và lực lượng nổi dậy Hồi giáo. Bạo lực và mất an ninh đã làm gia tăng những thách thức kinh tế mà người dân ở quốc gia đông dân nhất Phi châu phải đối mặt, với sự sụt giảm doanh thu do giá dầu lao dốc do đại dịch COVID-19.
Source:Reuters