Ngày 27-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:03 27/12/2024

9. Phàm là có nơi để tu dưỡng và yên lặng thì sẽ không có nỗi lo, và cũng sẽ không có tạp niệm.

(Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:10 27/12/2024
25. ĐẠI SƯ BỦN XỈN

Có một người rất keo kiết bủn xỉn, muốn làm cho mình càng thêm bủn xỉn, bèn đi đến một người được gọi là “bủn xỉn đại sư” bái làm sư phụ, lúc đi cầu kiến thì ông ta đem theo hai lễ vật: một con cá bằng giấy và một bình nước lã gọi là rượu.

Nhưng sư phụ không có nhà nên sư mẫu ra tiếp kiến, bà ta biết ông ta đến để học bản lãnh, bèn kêu tớ gái đem ra một cái ly không, nói:

- “Mời ông dùng trà.”

Rồi lại lấy hai tay xoa xoa giống như làm bánh cuốn, nói:

- “Mời ông dùng bánh”.

Sư phụ trở về, nghe vợ thuật lại việc mình tiếp đãi học trò thì vội vàng nói:

- “Bà quá lãng phí.”

Rồi lại dùng tay bụm lại như nửa cái bánh nhỏ và nói:

- “Nửa cái bánh là đủ rồi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 25:

- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có mắt mà như đui: họ thấy người nghèo khó nhưng không giúp đỡ.

- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có tai mà cũng như điếc: họ không nghe tiếng thở dài của người nghèo khó, và không nghe tiếng khóc của em bé bụng đói ăn không no dạ vì ba mẹ đã chết.

- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn giàu có tiền dư của để cũng bằng thừa: họ gởi tiền nhiều ở ngân hàng nhưng keo kiệt không dám lo cho mình thì làm sao lo cho người khác !

- Không ai thích người bủn xỉn, vì người bủn xỉn có tâm hồn mà cũng như không có: họ không biết xúc động trước cảnh người tàn tật ăn xin bên vệ đường.

Có một vài người Ki-tô hữu rất hào phóng với việc đem tiền dâng cúng để xây cất nhà thờ, nhưng lại keo kiệt bủn xỉn với người nghèo vài ba đồng bạc, họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang ở trong một đền thờ nghèo khổ nhưng sống động nơi những người nghèo khó bất hạnh.

Có nhiều người Ki-tô hữu nói rằng đền thờ vật chất (được xây dựng bởi xi măng cốt sắt, kiên cố, đẹp hùng tráng) và đền thờ tâm hồn (của mình và của tha nhân) cả hai đều giống nhau và quan trọng như nhau, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Ki-tô hữu hào phóng với đền thờ vật chất, và bủn xỉn keo kiệt với đền thờ tâm hồn?

Thưa, có rất nhiều người, vì trong thực tế họ đã không đặt hai loại đền thờ ngang nhau, họ rộng tay với nhà thờ vật chất và bóp chặt hầu bao với đền thờ tâm hồn của mình cũng như của tha nhân, nên gọi họ là những đại sư bủn xỉn hơn là người Ki-tô hữu chân chính.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Thánh Gia Nhà Ta Nhà Chúa
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:55 27/12/2024
Thánh Gia NHÀ TA nhà Chúa

Câu chuyện Đức Mẹ, thánh Giuse và trẻ Giêsu hành hương lên đền thánh Giêrusalem cho thấy mỗi người không chỉ là con của cha mẹ mình, mà còn là con của Chúa, mỗi người không chỉ có nhà mình, mà còn có Nhà Chúa.

1. NHÀ TA. Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội cũng như xã hội. Chính Thiên Chúa giáng sinh làm người cũng đã chọn ở trong một mái ấm gia đình cụ thể. Thánh Gia Thất đã trở thành gia đình chan chứa tin yêu để Con Thiên Chúa lớn lên và phát triển toàn diện cả 3 mặt: trí tâm thân như bài Phúc Âm kết luận: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.” Cả gia đình Thánh Gia đã gắn bó với nhau, cùng nhau chung chia mọi buồn vui sướng khổ của cuộc đời.

2. NHÀ CHÚA. Thánh Gia Thất gắn bó với nhau nhưng không bó chặt, khép kín trong gia đình mình, mà đã mở ra với Nhà Chúa. Cả nhà Thánh Gia đã cùng nhau hành hương lên Đền Thánh Chúa. Trẻ Giêsu đã tách khỏi cha mẹ mình để ở lại Đền Thờ. Ngài đã thưa cùng Mẹ mình về “bổn phận ở nhà của Cha con.” Trẻ Giêsu cho thấy ngoài nhà cha mẹ ta còn có nhà Chúa Cha. Không chỉ trẻ Giêsu, Kinh Thánh cũng cho thấy Mẹ Maria và thánh Giuse cũng đã không theo ý riêng mình, mà vâng nghe làm theo lời sứ thần Chúa truyền. Các ngài theo thánh ý Chúa chứ không theo ý mình. Các ngài đặt Chúa lên trên hết.

Thánh Gia Thất quả thực là mẫu gương cho các gia đình trong Năm Thánh hành hương hy vọng này. Hãy mở cửa trái tim bước ra khỏi nhà mình hành hương lên Đền Thánh, hãy vượt ra khỏi tương quan giữa các thành viên của gia đình để mở rộng tương quan với Chúa, nhờ đó cảm nghiệm lòng thương xót và tình yêu của Người. Hành hương để tương quan nhà ta và Nhà Chúa trở nên gần gũi thân mật. Ta ở trong Chúa, Chúa ở trong ta. Amen.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt gia đình thánh gia
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:28 27/12/2024
Khuôn mặt gia đình thánh gia

Gia đình trong đời sống xã hội con người có từ ngàn xưa. Nhưng hằng năm Giáo hội Công giáo, sau lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, mở ra ngày lễ mừng gia đình thánh gia.

Gia đình thánh gia có Chúa Giêsu là người con trong gia đình, mẹ là Maria và cha là ông Giuse. Gia đình này đã sinh sống trước đây hơn hai ngàn năm ở Nazareth, một vùng lành quê miền Bắc xứ Galileo nước Do Thái.

Sinh hoạt của các gia đình ngày xưa và ngày hôm nay đều như nhau: cùng chung sống cùng có trách nhiệm bổn phận nuôi sống nâng đỡ giúp nhau. Cha mẹ cố gắng nuôi dậy giáo dục con cái mình sinh ra. Cha mẹ không chỉ lo lắng cơm ăn áo mặc, nhà cửa giường chiếu ngủ nghỉ cho con cái đầy đủ. Nhưng còn quan tâm uốn nắn dậy bảo con cái nếp sống tinh thần làm người trong tương quan tình liên đới với mọi người trong xã hội.

Con trẻ ngày xưa cũng là những đứa trẻ đơn giản. Chúa Giêsu sống là một người trẻ như mọi người trẻ khác cùng trang lứa hôm qua và hôm nay. Họ có lúc ngoan hiền dễ bảo. Nhưng cũng có lúc ngang ngạnh ương bướng cùng cãi lại lời cha mẹ nữa. Càng lớn thêm lên họ càng tìm cách cãi lý sao cho thắng, để bắt cha mẹ nhượng theo ý họ!

Gia đình thánh gia Nazareth dẫu vậy trong một cung cách nào có điều gì đặc biệt khác thường. Ngày nay chúng ta biết gia đình thánh gia theo như phúc âm thánh sử Luca viết thuật lại. Chúng ta biết cảnh hài nhi Giesu sinh ra có Thiên Thần Chúa loan báo cách đặc biệt. Chúng ta biết Ông Giuse rất ngạc nhiên bỡ ngỡ về sự sinh ra của hài nhi Giêsu, con mình.

Gia đình này có sự đặc biệt khác thường: Hài nhi Giesu có ông Giuse là cha, nhưng lại chỉ là cha nuôi ở trên trần gian. Người cha thực của hài nhi Giêsu là Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa vũ trụ cùng mọi loài thụ tạo. Điều này Chúa Giêsu đã nói cùng mẹ Maria và thánh Giuse: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” ( Lc 2,50). Như thế, Thiên Chúa đóng giữ vai trò rất quan trọng trong gia đình này. Điều này cha mẹ Giesu không hiểu nổi: Hai ông bà không hiểu lời Chúa Giêsu vừa nói!

Sứ mạng Chúa Giêsu nhận từ Thiên Chúa, Maria và Giuse trong dòng thời gian trải nghiệm mới từ từ nhận hiểu ra. Và điều này cũng nói lên rằng họ là bậc cha mẹ đặc biệt khác thường.

Phúc âm thuật lại: “Mẹ người ghi giữ trong tâm hồn, tất cả những gì đã xẩy diễn ra.”. Người mẹ Maria suy gẫm nhớ lại, cố gắng tìm hiểu thêm, con đường đời sống của con mình sẽ xuôi xảy ra sao. Trong nếp sống gia đình của Maria có những kinh nghiệm biến cố xảy ra không hoàn toàn thông thường, như nếp sống nơi các gia đình khác.

Mừng lễ gia đình thánh gia Nazareth, như gương mẫu cho gia đình Công giáo không chỉ nơi khía cạnh trung thành trách nhiệm bổn phận xây dựng giúp đỡ đời sống cho nhau trong gia đình. Nhưng còn ở khía cạnh để Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng là nguồn sự sống và tình yêu làm trung tâm của nếp sống gia đình.

Cha mẹ nào cũng hằng yêu thương lo lắng cho con mình. Thành công, niềm vui hạnh phúc của người con là niềm vui, sự thành công hạnh phúc của cả cha mẹ nữa. Nhưng cha mẹ luôn cần suy gẫm trong trái tim tâm hồn về con đường đời sống mà Thiên Chúa muốn cho con mình.

Dân gian xưa nay có ngạn ngữ: Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Kursk: Tư Lệnh Phó TQLC Nga trúng HIMARS tử trận. Putin tố Ukraine âm mưu ám sát hàng loạt Tướng Nga
VietCatholic Media
03:52 27/12/2024


1. Tư Lệnh Phó Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tinh nhuệ của Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng HIMARS

Cuộc tấn công mới nhất của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga đã giết chết một quan chức quân sự cao cấp, trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra ở khu vực phía tây.

Theo Militarnyi, cuộc không kích đã giết chết Salim Pashtov, Tư Lệnh Phó Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 của Nga, người đang đồn trú tại sở chỉ huy ở thành phố Lgov, Kursk, cách biên giới Ukraine khoảng 30 dặm.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đã trích dẫn một bài đăng trên mạng xã hội của chị gái Pashtov, trong đó có đoạn: “Một nỗi đau khủng khiếp đã xảy ra. Người anh trai thân yêu của tôi, Salim Mukharbetovich, đã qua đời.

Xin gửi đến anh lời tri ân vĩnh cửu, anh trai.”

Theo kênh Telegram War_home, một số quân nhân khác cũng có mặt trong tòa nhà cùng với Pashtov và đã thiệt mạng trong cuộc không kích.

Kênh tin tức Nga Mash đưa tin rằng ba phụ nữ cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào Lgov, được thực hiện bằng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao M142, gọi tắt là HIMARS. Newsweek không thể xác nhận việc sử dụng HIMARS trong cuộc tấn công hôm thứ Tư và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để biết thêm thông tin.

Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810, có trụ sở chính thức tại Sevastopol, xâm lược Crimea, đã phải chịu nhiều thất bại nặng nề trong suốt quá trình xung đột, trong khi tình trạng thiếu hụt quân đội Nga ở Kursk đã thúc đẩy Vladimir Putin huy động lực lượng Bắc Hàn để giúp đẩy lùi quân đội Ukraine trong khu vực.

Vào tháng 9 năm 2022, chỉ sáu tháng sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố rằng 85 phần trăm lữ đoàn đã bị xóa sổ theo hướng Kherson, nhờ “những hành động thành công do Lực lượng Phòng vệ thực hiện” và nhiều người còn lại đã từ chối quay trở lại chiến đấu.

Vào đầu tháng 12, đoạn phim đăng trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông tự nhận là lính của Lữ đoàn 810 bị lực lượng Ukraine bắt giữ.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược (StratCom) của Quân đội Ukraine cho biết sở chỉ huy của lữ đoàn 810 nằm trong một “tòa nhà dân sự bỏ hoang” ở Lgov, và cuộc tấn công là “một phần của chiến dịch toàn diện nhằm làm suy yếu khả năng của quân đội Liên bang Nga trong việc phối hợp các hoạt động quân sự chống lại người dân Ukraine”.

Kursk, giáp biên giới với Ukraine, vẫn là mục tiêu chính của các cuộc không kích của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Các cuộc tấn công này nhắm vào các tài sản quân sự của Nga, đồng thời hỗ trợ lực lượng của Kyiv, hiện diện trong khu vực kể từ cuộc tấn công vào tháng 8.

Tuần trước, Ukraine đã sử dụng HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp, các hệ thống được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào Ngày Giáng Sinh, để tấn công thị trấn Rylsk ở phía tây khu vực Kursk. Theo quyền Thống đốc Kursk Alexander Khinshtein, mười người, bao gồm một thiếu niên, đã phải vào bệnh viện trong cuộc tấn công khiến sáu người thiệt mạng.

Kênh tin tức Nga Mash, qua Telegram: “Quân đội Ukraine đã tấn công mái nhà của một nhà máy đường, một nhà máy nhiệt điện, một tòa nhà dân cư và một đường ống dẫn khí đốt, và hỏa hoạn đã xảy ra ở một số nơi. Có một trại lính Ukraine bị bắt ở Lgov—họ có thể là mục tiêu của cuộc tấn công.”

Alexei Smirnov, Đại diện Thống đốc khu vực Kursk, nhận định: “Những ngày này thật khó khăn đối với người dân Lgov. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là đưa thành phố và người dân trở lại trạng thái trật tự và an toàn. Chúng tôi có mọi lực lượng và phương tiện cần thiết để thực hiện điều này. Cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia vào công việc: công nhân tiện ích, tình nguyện viên, nhân viên thực thi pháp luật. Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai đơn độc với rắc rối, chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết và làm mọi thứ để Lgov trở lại cuộc sống yên bình sớm nhất có thể!”

Ukraine StratCom, qua Telegram: “Quân đội Ukraine có thể tấn công bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào để bảo vệ người dân Ukraine khỏi sự xâm lược của Nga.”

Cuộc chiến giành khu vực Kursk vẫn tiếp diễn bốn tháng sau cuộc tấn công bất ngờ. Các cuộc phản công của Nga, mặc dù thành công trong việc ngăn chặn bước tiến của Ukraine và đẩy quân đội ra khỏi lãnh thổ đã giành được trong vài tuần đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đẩy lùi hoàn toàn Kyiv trở lại biên giới của mình.

[Newsweek: Russian Elite Marine Brigade's Deputy Commander Killed in HIMARS Strike]

2. Lãnh đạo NATO cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Zelenskiy đừng chỉ trích Thủ tướng Scholz vì điều đó “không công bằng”

Lãnh đạo NATO cho biết ông đã yêu cầu Zelenskiy không chỉ trích Scholz vì điều đó là không công bằng – dpa

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết đôi khi những lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz là không có cơ sở. Rutte tin rằng những gì Scholz đã làm cho Ukraine là rất đáng kể.

Tổng Thư Ký Rutte nói: “Tôi thường nói với Zelenskiy rằng ông ấy nên ngừng chỉ trích Olaf Scholz, vì tôi nghĩ điều đó là không công bằng.”

Tổng Thư Ký Rutte nhấn mạnh rằng những nỗ lực của Scholz đã đưa Đức lên vị trí thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, một đóng góp mà Kyiv nên biết ơn.

Rutte nhấn mạnh rằng, không giống như Scholz, ông sẽ cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus cho Ukraine mà không áp đặt hạn chế sử dụng chúng.

“Nhìn chung, chúng tôi biết rằng những năng lực như vậy rất quan trọng đối với Ukraine”, ông nói và nói thêm rằng quyết định về việc các đồng minh nên cung cấp chính xác những gì không phải do ông đưa ra.

Tổng thống Zelenskiy gần đây đã chỉ trích Scholz vì đã nói chuyện điện thoại với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trái với ý muốn của ông. Ông cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về việc Scholz liên tục từ chối cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus cho Ukraine.

Thủ tướng Đức liên tục từ chối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, giải thích rằng ông không muốn căng thẳng leo thang.

Các báo cáo cho biết Đảng Dân chủ Xã hội Đức của Scholz có thể đưa vào bản tuyên ngôn tranh cử một điều khoản riêng để từ chối cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine.

[Ukrainska Pravda: NATO leader says he asked Zelenskyy not to criticise Scholz as it's “unfair”]

3. Nga tuyên bố phá vỡ âm mưu của Ukraine ám sát các sĩ quan cao cấp

Hôm Thứ Năm, 26 Tháng Mười Hai, cơ quan an ninh hàng đầu của Nga tuyên bố đã ngăn chặn được một âm mưu của Ukraine nhằm ám sát các sĩ quan quân đội cao cấp.

Vụ tấn công bất thành này xảy ra sau khi Trung tướng Nga Igor Kirillov, 54 tuổi, thiệt mạng do một quả bom giấu trên chiếc xe tay ga điện bên ngoài căn nhà của ông ở Mạc Tư Khoa vào ngày 17 tháng 12. Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, đồng thời cũng cướp đi sinh mạng của trợ lý của Kirillov.

Putin gọi vụ ám sát là một “sai lầm lớn” của các cơ quan an ninh Nga, đồng thời nói rằng các quan chức nên rút kinh nghiệm từ sự việc này và cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.

Theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, âm mưu ám sát mới này liên quan đến các thiết bị nổ tương tự như vụ giết Kirillov.

FSB, cơ quan kế nhiệm KGB tại Mạc Tư Khoa, cho biết trong một tuyên bố được các hãng thông tấn Nga đăng tải hôm thứ Năm rằng họ đã bắt giữ bốn người Nga bị cáo buộc chuẩn bị ám sát các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng.

Theo FSB, bốn người Nga đã lên kế hoạch giết một trong những sĩ quan cao cấp bằng cách sử dụng bom xe điều khiển từ xa. Bom xe là một chiến thuật phổ biến để thực hiện các vụ ám sát người Nga theo kế hoạch của Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra.

FBS cho biết một quan chức quân sự cao cấp khác sắp bị giết bằng một thiết bị nổ giấu trong phong bì.

Kirillov là nhà lãnh đạo Lực lượng Bảo vệ Bức xạ, Sinh học và Hóa học của Nga, lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ quân đội khỏi việc đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Một công dân Uzbekistan, một quốc gia Trung Á, đã bị FSB bắt giữ vì là nghi phạm trong vụ giết Kirillov. Cơ quan này tuyên bố rằng nghi phạm nói rằng anh ta đã được các cơ quan đặc biệt của Ukraine tuyển dụng.

FSB cho biết nghi phạm đã nhặt một quả bom tự chế ở Mạc Tư Khoa, đặt nó lên xe tay ga và đỗ xe bên ngoài căn nhà của Kirillov trước khi kích nổ quả bom khi quan chức Nga này rời khỏi tòa nhà.

Putin gọi vụ ám sát Kirillov là hành động “khủng bố” trong cuộc họp báo cuối năm vào tuần trước.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây đã cáo buộc Nga về tội khủng bố, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2022: “Những gì bị trừng phạt ở cấp độ tội phạm và tổ chức tội phạm cụ thể thì không được phép không bị trừng phạt ở cấp độ một quốc gia đã trở thành khủng bố”.

Ngày 24 tháng 2 năm 2025 sẽ đánh dấu kỷ niệm ba năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Vào ngày định mệnh đó, Putin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia láng giềng Đông Âu của Nga.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức trong vài tuần nữa, đã nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong một ngày. Trong cuộc họp báo cuối năm, Putin cho biết ông đã sẵn sàng đàm phán “bất cứ lúc nào” với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong khi đó, Zelenskiy đã gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump sau chiến thắng bầu cử của ông.

[Newsweek: Russia Foils Alleged Ukrainian Plot to Assassinate Top Military Officers]

4. Ukraine chấp thuận máy bay Shchedryk tự chế cho mục đích quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov thông báo vào ngày 25 tháng 12 rằng máy bay điều khiển từ xa Shchedryk do Ukraine sản xuất đã được chấp thuận cho mục đích quân sự.

Máy bay Shchedryk bao gồm một trạm điều khiển và máy bay điều khiển từ xa có động cơ điện không gây tiếng ồn.

Theo Bộ Quốc phòng, hệ thống này có khả năng chống chịu tác chiến điện tử tốt hơn và có thể được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của quân đội Nga trên chiến trường.

Shchedryk có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm và thực hiện nhiệm vụ khi có gió mạnh, sương giá hoặc nắng nóng.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết: “Khả năng của máy bay và thiết bị quang học cho phép nó hoạt động ở độ cao mà hầu hết các hệ thống phòng không của đối phương đều khó có thể tiếp cận”.

Nhiều loại máy bay điều khiển từ xa trên không, trên biển và trên bộ đã được phát triển và thường được sử dụng thành công cho nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu và các nhiệm vụ khác trong suốt cuộc chiến toàn diện với Nga.

Umerov cho biết tính đến tháng 12, Ukraine đã chuyển giao hơn 200.000 máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước cho các đơn vị tiền tuyến.

[Kyiv Independent: Ukraine approves homemade Shchedryk aerial vehicle for military use]

5. Đồng minh của Putin nhắc lại cảnh báo hạt nhân: Nga sẵn sàng thực hiện ‘Bất kỳ biện pháp nào cần thiết’

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đồng minh của Putin, đã nhắc lại lời cảnh báo về vũ khí hạt nhân đối với các quốc gia “thử thách quyết tâm của chúng ta”, đồng thời nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình “bằng mọi biện pháp cần thiết”.

Trong suốt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Mạc Tư Khoa đã cảnh báo phương Tây về việc leo thang căng thẳng, sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để nhắc nhở các quốc gia khác về khả năng của Nga. Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ theo sát phía sau. Cộng lại, Mạc Tư Khoa và Washington kiểm soát khoảng 90 phần trăm đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Putin đã cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga vào tháng 11, hạ thấp ngưỡng để Mạc Tư Khoa sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Học thuyết mới cho phép Nga có thể phản ứng hạt nhân ngay cả khi bị tấn công thông thường bởi một quốc gia được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ khiến Ukraine có nguy cơ bị tấn công hạt nhân vì Hoa Kỳ đang ủng hộ Kyiv.

Theo báo cáo hôm thứ Tư của hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, Lavrov phát biểu trên truyền hình Nga: “Chúng tôi không có ý định leo thang rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân vì chúng tôi kiên quyết duy trì nguyên tắc không có bên chiến thắng trong một cuộc xung đột hạt nhân”.

“Tuy nhiên, tôi khuyên bạn không nên thử thách quyết tâm và cam kết bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp của chúng ta bằng bất kỳ biện pháp cần thiết nào”, ông nói thêm.

Ngoại trưởng đổ lỗi cho phương Tây về việc tiếp tục đối thoại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

“Chúng tôi chưa bao giờ khởi xướng các cuộc thảo luận về việc phải làm gì với vũ khí hạt nhân và liệu có thể sử dụng chúng hay không”, Lavrov phát biểu trên truyền hình Nga. “Ngược lại, chính sáng kiến của Nga đã khôi phục lại công thức Gorbachev-Reagan rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được phép sử dụng vũ khí hạt nhân, trước tiên là ở cấp độ Putin và Tổng thống Biden, sau đó là ở cấp độ năm quốc gia hạt nhân là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Ông nói thêm: “Tất cả các đề xuất khác, bao gồm các khái niệm về chiến tranh hạt nhân hoặc các tuyên bố tương tự, đều chỉ xuất phát từ các nước phương Tây.”

Lavrov cáo buộc nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO đưa ra những tuyên bố đe dọa về kho dự trữ hạt nhân của họ hoặc khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đô đốc Tony Radakin, nhà lãnh đạo quân đội Anh, phát biểu trong bài phát biểu ngày 4 tháng 12: “Từ Nga, chúng ta đã chứng kiến những mối đe dọa dữ dội về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn và các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các nước NATO”.

Radakin cho biết “Tất cả những điều này đều được thiết kế nhằm ép buộc chúng ta không thực hiện hành động cần thiết để duy trì sự ổn định”.

Radakin nói thêm rằng các nước NATO đang phải đối mặt với “bình minh của kỷ nguyên hạt nhân thứ ba”, thoát khỏi kỷ nguyên trước đó của các nỗ lực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, diễn ra sau sự bùng nổ ban đầu của các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh phát biểu với các phóng viên vào tháng 11: “Chúng tôi không ngạc nhiên trước việc Nga cập nhật học thuyết hạt nhân của mình…Đây vẫn là lời lẽ vô trách nhiệm mà chúng ta từng thấy trước đây và thẳng thắn mà nói là chúng ta đã thấy trong hai năm qua.

“Vì vậy, đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nhưng chúng tôi không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân trong Ukraine. Và chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi nào cần phải thực hiện đối với tư thế hạt nhân của riêng chúng tôi.”

Khi được Newsweek liên hệ để bình luận về phát biểu của Lavrov, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết: “Bộ không có thông tin hoặc tuyên bố nào để cung cấp”.

Ngày 24 tháng 2 năm 2025 sẽ đánh dấu kỷ niệm ba năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, bắt đầu khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Kyiv đã có một cuộc chiến đáng ngạc nhiên chống lại Mạc Tư Khoa với sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là đồng minh thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, tuy nhiên, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump thay thế Tổng thống Biden vào tháng Giêng, vị thế của Hoa Kỳ trong cuộc chiến có thể thay đổi.

[Newsweek: Putin Ally Reiterates Nuclear Warning: 'Any Means Necessary']

6. Nhật Bản sẽ chuyển 3 tỷ đô la từ tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine, Zelenskiy nói

Nhật Bản chuẩn bị phân bổ thêm 3 tỷ đô la từ các tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy báo cáo vào ngày 25 tháng 12.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, Zelenskiy bày tỏ lòng biết ơn đối với khoản viện trợ trước đây của Nhật Bản dành cho Ukraine, với tổng giá trị lên tới 12 tỷ đô la và “giúp cứu sống hàng ngàn sinh mạng”.

“Tôi đã nói với Thủ tướng Ishiba về vụ pháo kích dữ dội của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào đêm Giáng Sinh và cảm ơn Nhật Bản vì đã sẵn sàng nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình công bằng và lâu dài càng sớm càng tốt”, Zelenskiy cho biết.

Ukraine đã nhận được 1 tỷ đô la từ Nhật Bản và Vương quốc Anh thông qua chương trình Khoản vay chính sách phát triển, gọi tắt là DPL của Ngân hàng Thế giới vào ngày 24 tháng 12. Khoản tiền này dự kiến sẽ được sử dụng trong lĩnh vực xã hội và nhân đạo.

Zelenskiy cũng đã gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya trong chuyến thăm Kyiv vào giữa tháng 11. Hai người được cho là đã thảo luận về mối quan ngại ngày càng tăng của Nhật Bản đối với sự hiện diện được báo cáo của quân đội Bắc Hàn trên tiền tuyến ở Kursk của Nga.

Iwaya nhấn mạnh thêm cam kết của Nhật Bản trong việc tăng cường mối quan hệ với Ukraine, nêu bật các kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế và thực hiện các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga.

[Kyiv Independent: Japan to transfer $3 billion from frozen Russian assets to Ukraine, Zelensky says]

7. Cuộc tấn công ‘tàn bạo’ của Nga vào ngày Giáng Sinh ở Ukraine khiến Hoa Kỳ phản ứng

Tổng thống Joe Biden xác nhận Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công mà Washington lên án là “vô lý” vào các thành phố và mạng lưới năng lượng của Ukraine.

“Tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine,” Tổng thống Biden cho biết.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Hoa Kỳ và phương Tây cho hệ thống phòng không của mình, được thiết kế để vô hiệu hóa các cuộc tấn công của Nga. Các quan chức Kyiv từ lâu đã nói rằng họ cần nhiều hệ thống phòng không hơn và các hỏa tiễn đánh chặn bắn vào các hỏa tiễn đang bay tới để bảo vệ lãnh thổ của mình, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu sự hỗ trợ này có tiếp tục dưới thời chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không.

Đầu tháng này, tờ Financial Times đưa tin rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có ý định duy trì dòng viện trợ cho Ukraine khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng tới. Newsweek đã liên hệ với nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử để xin bình luận qua email.

Theo truyền thống, Ukraine kỷ niệm Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng, cùng với Nga. Năm ngoái, nhiều Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine đã kỷ niệm vào ngày 25 tháng 12 lần đầu tiên, chuyển từ phong tục của Nga sang các công ước phương Tây và được coi rộng rãi là sự khinh miệt đối với Nga và nhà thờ chính thống của nước này, nơi đã tán thành cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa.

Theo chính quyền Ukraine, sáng sớm ngày 25 tháng 12, Nga đã tấn công các cơ sở hỗ trợ ngành nhiên liệu và năng lượng của Ukraine bằng cả hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.

Mạc Tư Khoa đã sử dụng 184 máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn, lực lượng không quân Kyiv cho biết, bao gồm hai hỏa tiễn đạn đạo KN-23 do Bắc Hàn sản xuất, 12 hỏa tiễn hành trình Kalibr phóng từ Hắc Hải và hơn 100 máy bay điều khiển từ xa, gọi tắt là UAV. Theo lực lượng không quân, Ukraine đã đánh chặn 113 mục tiêu, bao gồm 55 hỏa tiễn hành trình và 54 máy bay điều khiển từ xa, cùng với 52 UAV khác không đến được vị trí dự định.

Các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở năng lượng trên khắp đất nước, bao gồm vùng đông bắc Kharkiv, khu vực trung tâm Dnipropetrovsk và Poltava và Ivano-Frankivsk, ở phía tây Ukraine. Nga cho biết họ đã nhắm vào “các cơ sở hạ tầng điện quan trọng bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine” và các mục tiêu của cuộc tấn công đã “đạt được”.

Nga liên tục nhắm vào các trung tâm dân số và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa. Nga đã tăng cường nhắm vào các nguồn năng lượng khi bước vào mùa đông lạnh giá ở Ukraine, trong khi vẫn đạt được những bước tiến chậm nhưng ổn định ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 7 năm 2023 rằng ông đã ký một dự luật chuyển ngày lễ Giáng Sinh chính thức sang ngày 25 tháng 12 “từ bỏ di sản của Nga là áp đặt lễ kỷ niệm Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng”.

Sau các cuộc tấn công vào ngày Giáng Sinh, Zelenskiy cho biết đã có “mất điện ở một số khu vực”, nhưng “cái ác của Nga sẽ không thể phá vỡ Ukraine và sẽ không làm hỏng Giáng Sinh”.

Ukraine cho biết đã có thương vong, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người thiệt mạng hoặc bị thương.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong một tuyên bố: “Vào những giờ đầu của lễ Giáng Sinh, Nga đã phóng hàng loạt hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine. Mục đích của cuộc tấn công vô lý này là cắt đứt nguồn cung cấp nhiệt và điện của người dân Ukraine trong mùa đông và gây nguy hiểm cho sự an toàn của lưới điện. Tôi xin nói rõ: người dân Ukraine xứng đáng được sống trong hòa bình và an toàn, và Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine cho đến khi họ chiến thắng sự xâm lược của Nga. Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hàng trăm hỏa tiễn phòng không và sẽ còn nhiều hỏa tiễn nữa được chuyển đến. Tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để củng cố vị thế của Ukraine trong việc phòng thủ trước các lực lượng của Nga.”

Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Donald Trump về Ukraine và Nga: “Giáng Sinh đáng lẽ phải là thời điểm hòa bình, nhưng Ukraine đã bị tấn công dã man vào Ngày Giáng Sinh. Việc phóng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn vào ngày Chúa Giáng Sinh là sai trái. Thế giới đang theo dõi chặt chẽ hành động của cả hai bên. Hoa Kỳ quyết tâm hơn bao giờ hết để mang lại hòa bình cho khu vực.”

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy: “Hôm nay, Putin cố tình chọn Giáng Sinh để tấn công. Còn gì vô nhân đạo hơn? Hơn 70 hỏa tiễn, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo, và hơn một trăm máy bay điều khiển từ xa tấn công. Mục tiêu là cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta. Họ tiếp tục chiến đấu để mất điện ở Ukraine.”

Bộ Quốc phòng Nga kháo rằng: “Quân đội Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hàng loạt bằng vũ khí chính xác tầm xa và máy bay điều khiển từ xa tấn công vào các cơ sở hạ tầng điện quan trọng bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine. Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các mục tiêu đã được tấn công.”

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, Herman Halushchenko, trên Facebook: “Đối phương lại tấn công năng lượng một cách ồ ạt. Nhà điều hành hệ thống truyền tải thực hiện các biện pháp hạn chế tiêu thụ cần thiết để giảm thiểu hậu quả tiêu cực cho hệ thống năng lượng.”

Ukraine có thể sẽ tiếp tục nhận được hệ thống phòng không và hỏa tiễn từ những người ủng hộ, trong khi Nga bơm thêm hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa thông qua tổ hợp công nghiệp quân sự rất năng động của mình. Vẫn còn phải xem sự trở lại của Ông Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc sẽ tác động như thế nào đến cuộc chiến vào ngày 20 tháng Giêng, sau khi ông liên tục tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh trong một ngày.

[Newsweek: Russia's 'Outrageous' Christmas Day Attack on Ukraine Triggers US Response]

8. Tổng thống Biden chỉ đạo Ngũ Giác Đài ‘tiếp tục tăng cường’ chuyển giao vũ khí cho Ukraine sau cuộc tấn công Giáng Sinh của Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ đạo Ngũ Giác Đài “tiếp tục tăng cường” việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để đáp trả cuộc tấn công ồ ạt của Nga vào nước này vào ngày Giáng Sinh, ông tuyên bố vào ngày 25 tháng 12.

Nga đã phóng 78 hỏa tiễn và 106 máy bay điều khiển từ xa vào ngày 25 tháng 12, tấn công nhiều thành phố và gây ra thiệt hại. Kharkiv đã hứng chịu “hỏa lực lớn” từ hỏa tiễn đạn đạo, khiến sáu người bị thương, theo chính quyền địa phương.

Tổng thống Biden lên án các cuộc tấn công và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi nước này đánh bại được hành động xâm lược của Nga.

“Người dân Ukraine xứng đáng được sống trong hòa bình và an toàn,” Tổng thống Biden nói.

Ông nói thêm rằng hàng trăm hỏa tiễn phòng không đã được gửi tới Ukraine trong những tháng gần đây và các đợt giao hàng bổ sung đang được tiến hành.

Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường phòng thủ cho Ukraine. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để củng cố vị thế của Ukraine trong việc phòng thủ chống lại các lực lượng Nga”, ông nói.

Các cuộc không kích ngày 25 tháng 12 đã gây ra thiệt hại đáng kể, dẫn đến tình trạng mất điện khẩn cấp ở một số tỉnh của Ukraine.

Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, xác nhận rằng cuộc không kích của Nga đã gây hư hại nghiêm trọng cho thiết bị tại các nhà máy điện nhiệt, mặc dù địa điểm không được tiết lộ.

Người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm đặc phái viên hòa bình về Ukraine, Keith Kellogg, cũng chỉ trích vụ tấn công và gọi Giáng Sinh là “thời gian hòa bình”.

[Kyiv Independent: Biden directs Pentagon to 'continue its surge' of weapons deliveries to Ukraine after Russia's Christmas attack]

9. Lukashenko tìm cách bố trí 10 hệ thống hỏa tiễn Oreshnik của Nga ở Belarus

Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko có kế hoạch điều động 10 hệ thống hỏa tiễn Oreshnik của Nga tại Belarus, nhà báo ủng hộ Điện Cẩm Linh Alexander Yunashev đưa tin trên kênh Telegram Yunashev Live của ông vào ngày 26 tháng 12.

“Oreshnik” là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, gọi tắt là IRBM mà Nga quảng cáo là vũ khí thử nghiệm có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến.

Trả lời câu hỏi của Yunashev tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á-Âu, Lukashenko cho biết ông mong đợi 10 hệ thống hỏa tiễn từ Nga.

“Nếu người Nga muốn điều động nhiều hơn, chúng tôi sẽ điều động nhiều hơn”, ông nói thêm.

Trước đó, Lukashenko đã yêu cầu Putin điều động hệ thống hỏa tiễn Oreshnik tại Belarus trong lễ ký kết các thỏa thuận mới giữa Nga và Belarus vào đầu tháng 12.

Putin trả lời rằng việc điều động như vậy là “có thể” và cho biết hỏa tiễn có thể được cung cấp cho Belarus vào nửa cuối năm 2025.

Oreshnik có thể không phải là một phát triển mới của Nga, Fabian Hoffmann, một chuyên gia quốc phòng và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, nói với tờ Kyiv Independent. Vũ khí này dường như là một phiên bản cải tiến của hỏa tiễn RS-26, còn được gọi là Rubezh.

Hoffman cho biết: “Tôi nghĩ về cơ bản họ (người Nga) chỉ tháo rời RS-26 hoặc tháo rời nó rồi lắp ráp hỏa tiễn mới này với một vài nâng cấp và lớp sơn mới”.

Được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2011 và thử nghiệm thành công vào năm 2012, Rubezh là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nặng 36.000 kg với tầm bắn đã biết là 5.800 km.

Trong khi Putin tuyên bố rằng Nga đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt Oreshnik, một quan chức Hoa Kỳ nói với tờ The Kyiv Independent rằng Mạc Tư Khoa có thể chỉ sở hữu “một số ít” những hỏa tiễn thử nghiệm này.

Nga đã phóng hỏa tiễn Oreshnik vào Ukraine sau khi Kyiv lần đầu tiên sử dụng thành công hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp vào một mục tiêu quân sự ở Nga. Sau đó, Mạc Tư Khoa thừa nhận đã thực hiện thêm các cuộc tấn công ATACMS vào các mục tiêu ở Kursk và Bryansk.

[Kyiv Independent: Lukashenko seeks to deploy 10 Russian Oreshnik missile systems in Belarus]

10. Rosstat cho biết lạm phát của Nga đạt mức cao nhất trong năm do chi tiêu cho chiến tranh và giá thực phẩm tăng cao

Tờ Moscow Times đưa tin vào ngày 25 tháng 12, trích dẫn từ Cục Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (Rosstat), lạm phát ở Nga đã đạt mức cao nhất trong gần một năm, do chi tiêu cho chiến tranh và giá thực phẩm tăng cao.

Để kiềm chế lạm phát tăng tốc do chi tiêu cho chiến tranh, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 7,5% vào tháng 7 năm 2023 lên mức 21% hiện tại — mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000.

Giá tiêu dùng tăng 0,33% trong tuần từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 12, đẩy lạm phát tính đến nay lên 9,5%, vượt qua mức lạm phát hằng năm năm 2022 là 7,4%. Lạm phát hằng năm hiện ở mức 9,7%, với giá thực phẩm tăng vọt 11,41% — mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2022.

Các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm, bao gồm khoai tây, hay 90,5%, hành tây, hay 46,6%, bắp cải, hay 46,6%, và bơ, hay 35%.

Việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất mạnh tay đã vấp phải sự chỉ trích, đặc biệt là từ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga. Sergei Chemezov, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec, đã cảnh báo vào tháng 10 rằng việc tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến các doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina vẫn cho rằng lãi suất cao là cần thiết để kiềm chế lạm phát, quan điểm này cũng được chính trị gia đối lập Vladimir Milov đồng tình.

Milov nói với tờ Kyiv Independent vào tháng 11, “Chemezov nói đúng khi nói rằng các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa ở mức cao như vậy. Nabiullina nói đúng khi nói rằng không thể cắt giảm lãi suất vì... sẽ có siêu lạm phát như ở Thổ Nhĩ Kỳ.”

Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ đánh giá lại tính khả thi của việc tăng lãi suất thêm trong cuộc họp tiếp theo vì họ đang phải vật lộn để cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với ổn định kinh tế.

Chi phí tăng cao của các mặt hàng thiết yếu, cùng với áp lực kinh tế nội bộ từ chiến tranh, làm nổi bật những thách thức tài chính mà Nga phải đối mặt trong nền kinh tế căng thẳng thời chiến.

[Kyiv Independent: Russia's inflation hits year-high, driven by war spending, food price hikes, Rosstat says]