Ngày 24-12-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cựu cầu thủ bóng đá của đội Manchester United sẽ chịu chức linh mục trong Dòng Đa Minh
Thanh Quảng sdb
02:24 24/12/2016
Cựu cầu thủ bóng đá của đội Manchester United sẽ chịu chức linh mục trong Dòng Đa Minh

Theo Cathnews ngày 22/12/2016 thì thầy Phil Mulryne, một cựu cầu thủ bóng đá của đội Manchester United sẽ được thụ phong linh mục trong dòng Đaminhvào năm tới, sau hơn bảy năm theo học để trở thành linh mục.
Mulryne, người cùng đội với David Beckham và đã đấu cho đội tuyển Ái Nhĩ Lan 27 lần, đã được lãnh nhận chức phó tế do Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin truyền chức vào tháng này.
Trong một cuộc phỏng vấn video với tờ Daily Mail, thầy nói: "Để hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong sứ mệnh truyền giáo, đã giúp thầy vượt qua mọi trở ngại, giới hạn của con người qua việc tín thác vào ân sủng của Thiên Chúa, và nhờ đó giúp thầy tới được với mọi người và giúp thầy đi vào lý tưởng của đới tu trì trong dòng Đaminh”.
Mulryne, 38 tuổi, bắt đầu sự nghiệp trong nghề túc cầu bóng đá từ năm 1994 khi thầy tham dự cuộc họp mặt các bạn trẻ của đội túc cầu Manchester United.
Đồng đội của thày, nhiều người ngạc nhiên vì thày đã từ bỏ danh tiếng thế giới với sự nghiệp đầy hứa hẹn để theo đuổi sống các lời khuyên Phúc âm sống khó nghèo, trinh khiết và vâng phục như một tu sĩ linh mục.
"Đây thật là một cú sốc cho nhiều người khi thấy dấn thân theo gọi của thầy!" cầu thủ bóng đá Paul McVeigh đã phát biểu như trên với tờ Daily News.
Sau một loạt các chấn thương lớn vào cuối sự nghiệp của mình vào năm 2008, Mulryne đã phải đối diện với nhiều câu hỏi làm sao để sống những ngày về hưu bóng đá của mình.
Theo McVeigh, Mulryne bắt đầu hành trình linh mục bằng "làm nhiều việc từ thiện và giúp đỡ người vô gia hàng tuần."
Năm 2009, thày nhập Học viện Giáo hoàng Học viện tại Rome, để theo học triết học và thần học chuẩn bị làm linh mục. Thày sắp hoàn tất và sẽ chịu chức linh mục vào năm tới.
 
Các nhà thờ ở Hoa Kỳ bị đe doạ tấn công khủng bố dịp lễ Giáng Sinh
Nguyễn Long Thao
11:00 24/12/2016
Trong lúc người Kitô Giáo trên khắp thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh thì Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) ra thông báo kêu gọi các cảm tình viên của họ hãy tấn công khủng bố các nhà thờ.

Các hãng thông tấn trên thế giới đều loan tin Tòa Thánh Vatican, cũng như nhiều quốc gia như Pháp Đức , Bỉ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. đều gia tăng và xiết chặt các biện pháp an ninh để đề phòng khủng bố.

Riêng tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) và Bộ An Ninh Nội Điạ hôm thứ Sáu 23 tháng 12 năm 2016 đã ra thông báo cho các cơ quan an ninh biết nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) có âm mưu tấn công khủng bố các nhà thờ trong dịp giáo dân cử hành lễ Giáng Sinh hay những địa điểm có đông người tụ họp trong dịp lễ này.

Lời cảnh báo của cơ quan an ninh Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các cảm tình viên của Nhà Nước Hồi Giáo đưa lên mạng lưới xã hội công khai kêu gọi các cảm tình viên của họ tấn công vào các nhà thờ ở trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Theo cơ quan FBI lời đe doạ của nhóm khủng bố là đáng tin cậy.

Danh sách các nhà thờ ở Mỹ bị đe dọa tấn công được viết bằng tiếng Ả Rập và được một người có tên là Abu Marya al-Iraqi đưa lên mạng. Lời kêu gọi tấn công khủng bố có câu “ Hãy làm cho việc cử hành Tết đầu năm của người Kitô Giáo thành buổi lễ đẫm máu”.

Tổng Thống đắc cử Donald Trump, gọi lời đe doạ tấn công của nhóm khủng bố ISIS vào các nơi thờ tự của người Kitô Giáo, là cuộc chiến tranh tôn giáo.
 
Người Công Giáo Trung Quốc vui mừng đón nhận lời tuyên bố mới đây cuả Vatican về Trung Quốc.
Xavier Nguyễn Đông
15:57 24/12/2016


Phản ứng trước lời tuyên bố vài ngày trước đây bởi Văn phòng báo chí Vatican. Nhiều người Công Giáo Trung Hoa cho đó là một "bước ngoặt" đánh dấu sự kết thúc của sự im lặng của Vatican về vấn đề Trung Quốc và tự do tôn giáo.

Trong số những "tín hiệu tích cực" có thể có ​​từ chính phủ Trung Quốc, nhiều người hy vọng có "quyền tự do lương tâm", tôn trọng sự lựa chọn các giám mục, linh mục và tu sĩ. Một số người khác còn muốn đi xa hơn nữa: kêu gọi "tẩy chay" buổi hội đại biểu Công Giáo Trung Quốc.

1) "Chưa quá muộn", theo Cha Paul, linh mục từ miền nam Trung Quốc

Cha Paul cho biết vừa đọc xong bản Tuyên Bố của Tòa Thánh về đại hội đại biểu Công Giáo Trung Quốc lần thứ IX và việc phong chức Giám Mục ớ Tây Xương và Thành Đô. Mặc dù một tuyên bố như vậy là đến hơi muộn, nhưng chưa quá muộn!

Lời tuyên bố là muộn, vì thực tế đã có một giám mục bất hợp pháp hiện diện trong những lễ tấn phong và đã xảy ra hai lần vì cưỡng bức.

Trước cuộc tấn phong, Tòa Thánh đã không đòi hổi phải trì hoãn hoặc hủy bỏ nểu có một giám mục bất hợp pháp có mặt.

Sau khi tấn phong, Toà Thánh đã không tuyên bố một cách kịp thời. Tuyên bố này của Tòa Thánh cũng không làm thay đổi quyết định của chính quyền Trung Quốc, những người luôn luôn hành động theo ý riêng cuả họ. Có thể nói rằng sự tham gia ép buộc của một giám mục bất hợp pháp là một sỉ nhục cho Đức Giáo Hoàng và Vatican.

Tuy nhiên, tuyên bố này là cực kỳ quan trọng đối với những người trung thành với Giáo Hội, và người Công Giáo ở Trung Quốc luôn trung thành với Đức Thánh Cha.

Tuyên bố cũng không phải là quá muộn bởi vì đã đến trước đại hội đại biểu Công Giáo Trung Quốc. Nhờ đó, chúng ta có thể thấy thái độ của các giám mục để biết ai là người coi trọng quan điểm cuả Giáo Hội và ai là người khinh nhờn.

Hy vọng rằng tuyên bố của Tòa Thánh có thể xoa dịu nỗi đau của trái tim và linh hồn của người Công Giáo; và tuyên bố của Tòa Thánh đánh dấu một sự khởi đầu tốt dựa trên nguyên tắc của giáo hội. Đồng thời, nó cũng làm rõ các tình huống hỗn loạn hiện nay.

2) "Tuyên bố của Tòa Thánh đã làm cho người Công Giáo trung thành rất hạnh phúc," theo Cha Peter từ Bắc Trung Quốc

Tuyên bố tái khẳng định rằng cuộc hội đại biểu Công Giáo Trung Quốc là "không phù hợp với giáo lý Công Giáo". Tuyên bố này cho phép người Công Giáo ở Trung Quốc tin tưởng rằng bức thư của Đức Giáo Hoàng Benedict 16 không lỗi thời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định ý định này. Điều này giúp các giáo sĩ và giáo dân Trung Quốc thấy rõ sự chỉ đạo cuả Giáo Hội.
 
Chuyện nực cười nhưng có thật: Các Rabbi Do Thái Giáo 'khai chiến' với cây thông Noel!
Xavier Nguyễn Đông
16:41 24/12/2016

Theo bài bình luấn cuả ông Jonathan Cook viết trên ICN từ Nazareth ngày 24/12/2016, thì nhiều hotel ở Jerusalem đã nhận được một thư cảnh báo bởi Hội Đồng các Rabbi Do Thái cho biết rằng theo luật Do Thái Giáo thì việc dựng lên một cây Noel là điều 'cấm kỵ' và đồng thời tổ chức những 'parties' ăn mừng ngày 1 cũng là 'cấm kỵ'.

Dù cho có hàng ngàn người hành hương đang đổ̉ về Đất Thánh trong dịp này, nhiều hotel đã không dám thách thức các 'rabbi', vì lo sợ hotel cuả họ sẽ bị tước bỏ mất 'chứng nhận' cuà các rabbi là hotel dọn những thức ăn phù hợp với luật Do Thái (kosher.)

Không chỉ ở Jerusalem mà thôi, tại thành phố ven biển miề̀n bắc là Haifa, các rabbi cuả một trường đại học kỹ thuật ở đây cũng đã có những quan điểm tương tự. Ông rabbi Elad Dokow cuả trường Technion đã ra lệnh các sinh viên Do Thái phải tẩy chay Ban Đại Diện bởi vì Ban này đã trang hoàng một cây Noel nhỏ ở văn phòng.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 2016
J.B. Đặng Minh An dịch
19:28 24/12/2016


“Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2:11). Những lời này của Thánh Tông Đồ Phaolô cho thấy mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, ân sủng của Ngài là nhưng không; tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Hài Nhi được ban cho chúng ta.

Đó là một đêm của vinh quang, vinh quang được công bố bởi các thiên thần ở Bêlem và cũng được công bố bởi chúng ta ngày nay trên khắp cùng bờ cõi trái đất. Đó là một đêm của niềm vui, vì từ ngày này trở đi, cho đến mọi thời đại, Thiên Chúa vô hạn và vĩnh cửu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không xa tít tắt, chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở trên trời hoặc trong các khái niệm thần bí; Ngài gần ngay đây, Ngài hóa thành phàm nhân và sẽ không bao giờ tách mình khỏi nhân loại chúng ta, mà Ngài đã chọn làm dân riêng của mình. Đó là một đêm của ánh sáng: là ánh sáng đã được tiên báo bởi tiên tri Isaia (9: 1), ánh sáng soi lối cho những ai bước đi trong bóng tối, ánh sáng đã xuất hiện và bao bọc các mục đồng tại Bêlem (Lc 2: 9).

Các mục đồng khi thấy “một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5) thì họ hiểu ngay rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả các ánh sáng này đều hội tụ đến một điểm duy nhất, mà thiên thần đã chỉ cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12). Đây là dấu chỉ lâu dài để tìm Chúa Giêsu. Không chỉ lúc đó thôi, nhưng ngày hôm nay cũng thế. Nếu chúng ta muốn cử hành lễ Giáng Sinh đích thực, chúng ta cần phải suy ngẫm dấu chỉ này: đó là sự đơn sơ mỏng manh của một hài nhi mới sinh, sự khiêm hạ nơi Ngài nằm, sự dịu dàng mềm mại của tã lót. Thiên Chúa ở nơi đó.

Với dấu chỉ này, Tin Mừng tiết lộ một nghịch lý: Tin Mừng đề cập đến các hoàng đế, các nhà cai trị hùng mạnh vào thời ấy, nhưng Thiên Chúa không có mặt tại những nơi như thế; Ngài không ngự đến trong những phòng khánh tiết của một cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo khó của một chuồng gia súc; không phô trương rầm rộ, nhưng trong sự đơn giản của cuộc sống; không quyền hành, nhưng trong một sự nhỏ bé đáng ngạc nhiên. Để khám phá ra Ngài, chúng ta cần phải đi đến đó, nơi Ngài đang hiện diện: chúng ta cần phải cúi đầu xuống, hạ mình, khiêm hạ. Hài Nhi mới sinh thách thức chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta bỏ lại sau lưng những ảo tưởng thoáng qua và đến với những gì là bản chất, từ bỏ những yêu cầu vô độ của chúng ta, những bất mãn bất tận của chúng ta và nỗi buồn vì một cái gì đó chúng ta không bao giờ đạt được. Hài Nhi sẽ giúp chúng ta để lại sau lưng những điều này ngõ hầu có thể tái khám phá bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống nơi sự đơn sơ của Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy để Hài Nhi nằm trong máng cỏ thách thức chúng ta, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị thách đố bởi những đứa trẻ trong thế giới ngày nay, những đứa bé không nằm trong cũi và được vuốt ve với tình cảm trìu mến của một người mẹ và người cha, nhưng thay vào đó phải sống trong “những máng cỏ bẩn thỉu tước mất đi nhân phẩm”: trốn tránh dưới lòng đất để tránh đạn bom bắn phá, hay trên vỉa hè của một thành phố lớn, hoặc dưới tầng hầm của một con thuyền quá tải chất đầy những người nhập cư. Chúng ta hãy để cho mình được thử thách bởi những đứa trẻ không được phép sinh ra, bởi những đứa trẻ đang kêu khóc vì không ai làm thoả cơn đói của chúng, bởi những đứa trẻ không cầm đồ chơi trong tay, mà là cầm vũ khí.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, là ánh sáng và niềm vui, đang chất vấn và làm chúng ta bất an, bởi vì mầu nhiệm này vừa là một niềm hy vọng và vừa là một nỗi buồn. Mầu nhiệm Giáng Sinh mang trong chính mình hương vị của một nỗi buồn, vì tình yêu không được tiếp nhận, và cuộc sống bị gạt bỏ. Điều này xảy ra với Thánh Giuse và Mẹ Maria, là những người đã thấy những cánh cửa đóng lại, và phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (c. 7). Chúa Giêsu được sinh ra trong sự khước từ của một số người và sự thờ ơ của nhiều người khác. Hôm nay sự thờ ơ ấy cũng có thể vẫn tồn tại, khi Giáng Sinh trở thành một bữa tiệc trong đó nhân vật chính là chính chúng ta đây, chứ không phải là Chúa Giêsu; khi những ánh đèn thương mại đẩy lùi ánh sáng của Thiên Chúa vào trong bóng tối; khi chúng ta lo lắng về những quà tặng nhưng lạnh lùng với những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh về cơ bản có một hương vị của niềm hy vọng vì, bất chấp những khía cạnh đen tối trong cuộc sống, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn rực sáng. Ánh sáng dịu dàng của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Người trong sự dịu dàng của Ngài, Đấng đã được hạ sinh trong khó nghèo và mong manh như một phàm nhân giữa chúng ta. Ngài được sinh hạ tại Bêlem, có nghĩa là “nhà bánh”. Bằng cách này, Chúa dường như muốn nói với chúng ta rằng Ngài được sinh ra để nên như bánh mì cho chúng ta; Ngài đến để trao ban sự sống của chính Ngài cho chúng ta; Người đến với thế giới của chúng ta để trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài. Người không đến để tước đoạt hay để ra lệnh cho chúng ta nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Như vậy có một sợi chỉ trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi mà Chúa Giêsu sẽ trở thành bánh được bẻ ra: đó là một sợi chỉ trực tiếp của tình yêu được trao ban cho chúng ta và cứu độ chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc sống của chúng ta, và sự bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng nắm được điều này trong đêm nay. Họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vào thời ấy. Nhưng không ai bị gạt ra trước mặt Thiên Chúa và chính họ là những người đã được mời đến mầu nhiệm Giáng Sinh. Những người cảm thấy chắc chắn về bản thân mình, tự mãn, thì đang ở nhà với tài sản của họ; trong khi các mục đồng “vội vã lên đường” (Lc 2:16). Tối nay, chúng ta hãy để cho mình bị thử thách và triệu tập bởi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để mình đến với Người trong niềm phó thác, từ nơi chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, từ những hạn chế của chính chúng ta. Hãy chạm vào sự dịu dàng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa, Đấng đang lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, chúng ta hãy dừng lại để ngắm nhìn hang đá, và tưởng tượng ra Chúa Giêsu giáng trần thế nào: ánh sáng, hòa bình, sự nghèo đói cùng cực đi kèm với sự khước từ của con người. Hãy để chúng ta hoà nhập vào khung cảnh Giáng Sinh thực sự với các mục đồng, mang đến với Chúa tất cả những gì chúng ta là, cả sự tha hóa của chúng ta, và những vết thương khó lành của chúng ta. Sau đó, trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được thưởng thức hương vị của tinh thần Giáng Sinh thực sự: vẻ đẹp khi được yêu bởi Thiên Chúa. Với Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu mới được sinh ra như bánh mì cho cuộc sống của tôi. Khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm hạ và vô tận của Người, chúng ta hãy nói với Người: cảm ơn Chúa, cảm ơn Chúa vì tất cả những điều Chúa đã làm cho con.
 
Lễ đêm Giáng sinh tại Cộng đoàn St Margaret Mary Brunswick
Thanh Quảng sdb
18:06 24/12/2016
Lễ đêm Giáng sinh tại Cộng đoàn St Margaret Mary Brunswick
Coi hình (ảnh Lê Hải)
Lễ Giáng sinh được khởi đi từ giờ diễn nguyện hát thánh ca của hai ca đoàn Don Bosco và Mân Côi và màn diễn nguyện múa hát và hoạt cảnh của đoàn Thanh Thiếu Niên Niên Salesian nói lên tội lỗi đi vào thế giới từ lúc tạo dựng dẫn tới cảnh trạng ngày hôm nay với chủ đề “Năm Gia Đình”
Hòa chung niềm vui của toàn nhân loại và Giáo Hội, chúng ta cảm tạ vì trong cuộc đời chúng ta đã cầu Chúa xin Chúa ban cho những nụ hoa tươi đẹp thì Chúa đã cho cho chúng ta cả một vườn hoa bao la trên vũ trụ; Chúng ta cầu xin Chúa cho cây quả thì Chúa đã cho chúng ta cả một khu rừng ngút trũi nặng hoa trái; Chúng ta cầu xin Chúa cho ta những người bạn thân thương thì Chúa đã đem đến cho chúng ta vô vàn bạn bè dễ thương dễ mến...
Với niềm tin yêu vào Cứu Chúa Giêsu, Đấng đã nhóm lên hi vọng yêu thương và tương lai an hòa…
Xin Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và hoạt động trong chúng ta hầu chúng ta có thể đem tình yêu, an bình và niềm vui hạnh phúc đến cho muôn người!
 
Phi Luật Tân : Đêm Giáng Sinh một nhà thờ bị ném lựu đạn
Nguyễn Long Thao
21:47 24/12/2016
Phi Luật Tân : Đêm Giáng Sinh một nhà thờ bị ném lựu đạn

Theo tin của linh mục quản xứ và cảnh sát trưởng điạ phương, một nhà thờ Công Giáo ở Phi Luật Tân vào đêm có lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2016 đã bị quân khủng bố ném lựu đạn làm 16 người bị thương. Nhà thờ này ở đảo Mindanao là nơi có nhiều người Hồi Giáo và thường xuyên xẩy ra các vụ bất ổn giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo. Quân khủng bố ném lựu đạn bên ngoài nhà thờ nên chỉ những người đứng ngoài nhà thờ dự lễ mới bị thương.

Tin các hãng thông tấn cho biết lực lượng an ninh trên toàn khu vực Đông Nam Á đã được cảnh báo về những vụ khủng bố trước những ngày Giáng sinh và năm mới. Cảnh sát tại Úc và Indonesia đã phá vỡ âm mưu đánh bom và các lực lượng an ninh Malaysia bắt giữ tay súng bị nghi ngờ.

Hiện nay chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhà thờ ở Mindanao, nhưng trong quá khứ, tại đây phiến quân Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan đã gây ra những vụ nổ làm chết người Kitô Giáo
 
Trong một diễn từ nẩy lửa trước Giáo triều Rôma, ĐTC mổ xẻ các chống đối ‘nguy hiểm’ công cuộc cải cách Giáo Hội
Đặng Tự Do
02:24 24/12/2016


Trong buổi tiếp kiến tại sảnh đường Clêmentê trong dinh tông tòa lúc 10 giờ rưỡi sáng 22 tháng 12, trước các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma gồm hơn 100 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số chức sắc khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đả kích những người chống đối “nguy hiểm” công cuộc cải cách Giáo Hội.

Cuối tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã làm choáng váng giáo triều Rôma khi ngài dùng bài nói chuyện cuối năm, mà theo truyền thống thường chỉ giới hạn trong phạm vi trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh, để thảo luận về những căn “bệnh” tâm linh của những người làm việc tại Vatican.

Trong diễn từ vào dịp này hồi năm ngoái, 2015, Đức Thánh Cha đã tỏ ra nhẹ nhàng hơn.

Ngài nói: “Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đậm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.

Năm nay, ngài lại nhắc lại bài diễn từ hồi năm 2014 và nói rằng thật cần thiết để nói một cách thẳng thắn về những vấn đề Giáo Triều Rôma phải đối mặt với “bởi vì mọi phẫu thuật muốn thành công, trước hết cần phải được chẩn đoán chi tiết và phân tích cẩn thận.”

Ngài nói thêm rằng: “Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, chỉ thường huấn thôi thì không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có những thay đổi về tâm thức thì các nỗ lực cải tổ sẽ ra vô hiệu.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cải cách “không kết thúc trong chính nó, nhưng là một quá trình tăng trưởng và tối hậu phải dẫn đến chuyển đổi.”

Trong một nhận xét gây kinh ngạc cho các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma, Đức Thánh Cha nói rằng phản ứng kháng cự lại cải cách là điều bình thường, nhưng một số hình thức chống đối có thể đã được “Satan truyền cảm hứng”.

Theo Đức Thánh Cha, có những kháng cự công khai, thường nảy sinh từ thiện chí và sự đối thoại chân thành, có những kháng cự thầm kín, nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời trống rỗng, miệng nói là sẵn sàng thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước. Cũng có những kháng cự đầy ác ý, nảy sinh từ nhưng tâm trí bị hướng dẫn sai lạc phát sinh khi ma quỷ gieo những ý hướng xấu trong lòng họ. Loại kháng cự này thường nấp sau những lời tự biện minh, những cáo buộc, dưới chiêu bài những truyền thống, những vẻ bề ngoài, những hình thức, tập quán, hay trong ước muốn tôn vinh cá nhân, không phân biệt được giữa hành vi, tác nhân và tác động.

Như trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không chỉ ra các “đối kháng độc hại” đến từ những người nào. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng cải cách là một điều cần thiết. Cải cách, theo Đức Thánh Cha, cho thấy rằng Giáo Hội “vẫn sống động và vì lý do này luôn cần phải cải cách vì Giáo Hội vẫn còn sống.”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng cải cách thực sự không thể là hời hợt. Ngài nhấn mạnh rằng sự đổi mới Giáo triều Rôma không thể giống như một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, nhằm loại bỏ những nếp nhăn.

Ngài nói: “Anh em thân mến, chúng ta không cần phải lo lắng về những nếp nhăn trong Giáo Hội, nhưng hãy chú ý đến các vết bẩn!”

Cải cách không chỉ có nghĩa là thay thế các cá nhân ở các vị trí khác nhau, mặc dù việc thay đổi như thế là không thể tránh khỏi. Mục tiêu quan trọng hơn, là “một sự chuyển đổi trong tâm hồn con người.”

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng cần đặt dấu chấm hết cho một thực hành lâu đời thường được gọi là “promoveatur amoveatur ut”, tiếng Anh gọi là “kicking someone upstairs”, nghĩa là muốn loại bỏ một người khỏi một chức vụ nào đó thì người ta thăng cấp cho đương sự để mời người ấy đi chỗ khác chơi một cách lịch sự. Cách làm vui vẻ cả làng ấy, cần phải được chấm dứt.

Trong bài phát biểu dài của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê mười hai nguyên tắc hướng dẫn cuộc cải cách, mà ngài dự định thực hiện tại Vatican: chống chủ nghĩa cá nhân; tăng cường những mối quan tâm mục vụ; đề cao tinh thần truyền giáo; tổ chức thật rõ ràng; cải thiện các cơ quan chức năng; hiện đại hoá; tỉnh táo; hỗ trợ; tinh thần đồng đoàn; tính Công Giáo; tính chuyên nghiệp, và tính tiệm tiến.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã liệt kê các bước đó ngài đã và đang thực hiện để mang lại những cải tổ tại Vatican:

  • Thiết đặt Hội đồng các Hồng Y tư vấn.
  • Cải cách ngân hàng Vatican, Viện Giáo Vụ.
  • Cải tổ bộ luật hình sự của quốc gia thành Vatican.
  • Thành lập Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên.
  • Thực hiện hàng loạt các cải cách kinh tế.
  • Thành lập Vụ Truyền thông, hiện đại hóa và sắp xếp các cơ quan truyền thông đại chúng của Vatican.
  • Đơn giản hóa các chuẩn mực giáo luật cho việc tiêu hôn.
  • Các nỗ lực nhằm buộc các giám mục phải trách nhiệm về những sơ suất liên quan đến những lạm dụng tình dục.
  • Hình thành hai bộ mới nhằm kết hợp các chức năng của các Ủy Ban hiện có vào hai Bộ Giáo Dân, Gia đình, Sự sống và Bộ Dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện, cũng như cải tổ qui chế Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống.


Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu bằng những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, đồng thời ngài thông báo tặng cho mỗi Hồng Y và Giám Mục một cuốn sách tựa đề “Nhận định để chữa trị các bệnh tật của tâm hồn”, tác giả là cha Claudio Acquavivia, nhà lãnh đạo đứng thứ 5 của Dòng Tên.

Source: Catholic World News - Pope rips ‘malicious’ resistance to Church reform

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bông Hồng Xanh thăm Tà Lài ở Đồng Nai và tặng quà Giáng Sinh
Maria Vũ Loan
10:45 24/12/2016
Vào sáng ngày 24/12/2016, Ông già Noel và bà già Noel của nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã đến giáo xứ Tà Lài ở ấp 4 xã Tà Lài huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai để phát 400 phần quà cho các em thiếu nhi Công Giáo và không Công Giáo.

Hình ảnh

Chiều ngày 23/12/2016, các bạn đã lên đường trên chiếc xe 16 chỗ chở đầy quà và năm thành viên, cộng tác viên cùng tham gia. Xe của các bạn phải đi qua một cái phà nhỏ vì cầu treo đi vào khu vực Tà Lài mới bị sập, mang theo nhiều lo lắng vì phà nhỏ, xe nặng....

Giáo họ biệt lập Tà Lài mới được nâng lên hàng giáo xứ và do cha Giuse Lê Trần Đình Vũ là chánh xứ, chăm sóc gần 600 giáo dân trên 1.840 cư dân gồm các sắc tộc Kinh, Hoa, Chu Ru, Châu Mạ, Cil, Khơme, Mường, Châu Ro, Stiêng và Tày. Dù đã được thành lập từ lâu nhưng cơ sở vật chất vẫn còn đơn sơ nên các bạn trẻ Bông Hồng Xanh phải ngủ đêm tại một nhà rông dài, thiếu thốn tiện nghi.

Trong bữa cơm tối đơn sơ, cha chánh xứ cho biết người dân đi rừng rất tốt, chịu cực được để kiếm lâm sản phụ như mây, trái đười ươi, măng, đọt đủng đỉnh....ấp 4 nghèo nhất xã Tà Lài có hai sắc tộc là Châu Mạ và Stiêng và vẫn còn một số hủ tục.

Sau thánh lễ sáng ngày 24/12/2016, nhóm Bông Hồng Xanh đã tập trung các cháu thiếu nhi để phát 400 phần quà ngay bên hông nhà thờ của giáo xứ. Trong niềm hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh, mỗi cháu được phát một mũ Noel và phần quà tùy theo độ tuổi của học sinh cấp 1 và cấp 2. Hôm nay, trong sân nhà thờ có nhiều sắc màu vì bong bóng xanh đỏ vàng, màu đỏ của mũ và những gói quà được gói bằng giấy bóng kiếng. Vì đông nên các cháu phải chia ra thành nhiều tốp để chụp hình. Các cháu rất vui dù cái nắng của buổi trưa cuối năm đang in rõ dần trên sân. Cha chánh xứ cũng lấy phần quà “để dành” cho các em lễ sinh và ca đoàn vì hôm nay cấp 2 vẫn phải đi học.

Các bạn Bông Hồng Xanh vui dù vì công việc kết thúc tốt đẹp, dù vẻ mệt mỏi rõ trên nét mặt. Sau đó, chiếc xe 16 chỗ chạy vội vã về Sài Gòn như để cho kịp mừng đêm Thánh hôm nay.
 
Đưa niềm vui đến với người nghèo
Triết Giang
11:13 24/12/2016
Đưa niềm vui đến với người nghèo

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp- Giám mục giáo phận Vinh gọi điện cho tôi báo tin, Ngài sẽ ra Hà Nội dự lễ Ngân khánh Giám mục Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- TGM Hà Nội. Ngài mời tôi đi uống cà phê vào sáng 3-12-2016. Tôi nói, có mấy vị Giáo sư hâm mộ Đức Cha lắm, cứ dặn, bữa nào Ngài ra Hà Nội, báo tin để chúng tôi đến chào Ngài. Ngài bảo, vậy cứ mời các vị đến cùng. Tôi gọi điện thoại. Các vị nhận lời tới cả. Trong lúc uống cà phê sáng, Đức Cha cho biết công việc quá nhiều. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra, rồi lũ lụt liên tiếp làm người dân miền Trung kiệt quệ nên giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống phải là ưu tiên số 1 của Tòa Giám mục và các linh mục giáo phận Vinh từ nay đến giáp Tết Đinh Dậu. Ngài cho biết, lễ xong phải vội về ngay vì sáng mai 4-12-2016 phải đi cứu trợ rồi. Hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên phải cấp. Mỗi học sinh cấp 2 được trợ cấp 800 ngàn, cấp 3 được 1,1 triệu và sinh viên đại học được 1,5 triệu. Rồi cả mấy ngàn hộ nghèo. Nhiều giáo xứ cũng được hỗ trợ mỗi xứ vài trăm triệu. Nhiều cá nhân, đoàn thể trong nước và nước ngoài, các đoàn của các giáo xứ, giáo phận khác, các Giám mục Việt Nam …cũng đã về miền Trung để sẻ chia như muốn gửi chút niềm vui đến cho người dân nơi đây dịp đón Giáng sinh 2016 và xuân Đinh Dậu (ảnh trên).

Mấy hôm giáp lễ Giáng sinh, Thành phố Hà Nội cũng trích quỹ “Vì người nghèo” để linh mục Antôn Dương Phúc Oanh cùng Mặt trận Tổ quốc thành phố đi tặng quà cho 170 hộ nghèo là người Công Giáo trên địa bàn. Mỗi hộ được tặng 1 triệu. Chúng tôi đến nhiều xứ ở Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai và nhờ các cha xứ trao giúp (ảnh dưới). Gặp cha Antôn Vũ Thái San ở xứ Phú Nghĩa cũng là Trưởng ban Caritas của giáo phận Hưng Hóa cho biết, cha vừa đi dự tổng kết của Caritas cả nước. Số liệu tổng hợp cho thấy, đáp lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân cả nước đã quyên góp được 50 tỷ đồng cho nạn nhân lũ lụt và môi trường miền Trung. Đây là số tiền rất lớn trong số các lần quyên góp từ trước tới nay. Nó chứng tỏ người dân Việt vốn quảng đại, nhân ái và uy tín của các Giám mục Việt Nam cũng rất cao nên có sức thu hút, lôi cuốn.

Hôm tôi về Thái Bình dự lễ khánh thành ngôi nhà mẹ của các nữ tu Đaminh Thái Bình, gặp Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ- Giám mục giáo phận Thái Bình. Ngài mời tôi dự Đại hội trẻ em khuyết tật giáo tỉnh miền Bắc, sẽ có 4.000 em quy tụ về Tòa Giám mục trong 2 ngày 17, 18-12-2016. Chỉ riêng tiền tặng mỗi em một gói quà Giáng sinh cũng mất hàng trăm triệu đồng chưa kể, tiền ăn, nghỉ, đi lại, trò chơi trong hai ngày. Lương y Phạm Cao Sơn ở Hà Nội (quê Thái Bình) xin gửi tặng các em 2 tạ thuốc bổ và thuốc bệnh trị giá 400 triệu đồng và 30 triệu tiền mặt. Ông cũng đưa gửi tặng các nữ tu 1 tạ thuốc giá 200 triệu và mấy chục triệu tiền mặt nữa.

Một linh mục ở giáo xứ Thái Hà nói với tôi, đụng chạm đến tiền nong tế nhị lắm nên giáo xứ cũng không thông báo trên nhà thờ về việc cứu trợ nạn nhân sự cố môi trường Formosa và lũ lụt ở miền Trung mà chỉ âm thầm thông báo trên trang điện tử của giáo xứ. Nhưng giáo dân gặp các cha thúc giục, Giáng sinh sắp đến, lại Tết cổ truyền Đinh Dậu liền kề mà người miền Trung khổ thế, mình không làm gì sao được. Một bà cụ tích cóp tiền để dùng lúc về già xin ủng hộ ngay 120 triệu, nhờ các cha đưa giúp bà con. Vậy là người nọ, mách người kia, nhà xứ cũng gom được 800 triệu để lập một đoàn cứu trợ đi vào miền Trung ngày áp lễ Giáng sinh. Nhóm sinh viên ở Hà Nội, nghe tin trẻ em vùng cao còn khó khăn, thiếu áo ấm trong mùa đông này. Vậy là rủ nhau đi bán hàng quyên góp. Ai đi lễ qua cổng nhà thờ, các em biếu 1 đôi tất, hay 1 chiếc khăn quàng cổ. Nhưng ai nỡ lòng nào nhận không. Vậy là ai cũng gửi lại chút tiền vào quỹ của các em. Ba Chúa Nhật, các em cũng góp được 30 triệu mua quần áo ấm cho trẻ em vùng cao Bắc Cạn.

Một cha đang làm mục vụ ở vùng Bắc Cạn nói với tôi: Nơi con phục vụ rộng quá lại nhiều dân tộc sinh sống nhưng nếu mình quan tâm đến bà con thì bà con sẽ chú ý đến đạo Công Giáo của mình. Trên này, theo các giáo phái Tin Lành bị cấm vì chưa được phép của Nhà nước nên người Mông đến hỏi con:

-Đạo của ông Nhà nước có cấm không?

Con nói: Đạo của chúng tôi hợp pháp được Nhà nước thừa nhận.

Con đưa cả ảnh ông Trần Đại Quang gặp Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, rồi ảnh ông Chủ tịch nước hội kiến với Đức Giáo Hoàng mới hôm tháng 11 vừa qua. Vậy là họ nói, cho họ theo đạo. Con nói, muốn theo đạo phải tìm hiểu về đạo xem có ưng không đã. Vậy là họ về rủ nhau, vợ chồng, con cái anh em làng xóm mấy chục người chở nhau cách xa cả gần 100 cây số xuống xin học đạo. Con giúp chỗ cho họ ăn học cả tuần rồi rửa tội. Lúc về, tính tặng cho mỗi người một chai nước mắm Phan Thiết ngon (do một nhà hảo tâm ở Bắc Ninh gửi biếu) nhưng họ bảo không biết dùng nước mắm, nếu có cho họ cân muối trắng thì quý hơn. Trong khi giá tiền cả yến muối không bằng chai nước mắm. Vậy là lại phải gọi điện xin dưới Hà Nội, có người gửi biếu cả xe nên cho hẳn mỗi người một yến. Họ thích lắm và nói về sẽ rủ thêm người đi học đạo và xin muối ăn.

Giáo Hội Việt Nam trước đây từng được coi là trưởng nữ của Giáo Hội tại Á châu nhưng nay danh hiệu này hình như đang biến mất như lời Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Kon Tum phát biểu gần đây vì sự tăng trưởng số giáo dân rất chậm. Ngay từ những năm 1930-1960, tỷ lệ giáo dân đã là 10% dân số nhưng nay tụt xuống chỉ còn 7% (tất nhiên có vài biến động di cư năm 1954, 1975 làm ảnh hưởng chút ít). Nguyên nhân thì nhiều nhưng có một lý do là người Công Giáo Việt Nam chưa sống Tin mừng để dân gian nói : “tin đạo chứ không tin kẻ có đạo”. Vì thế thiếu sức lôi cuốn, hấp dẫn.

Tôi đã gặp cha JB Nguyễn Tấn Sang của giáo phận Mỹ Tho hiện đang coi xứ Ba Giồng (Tiền Giang). Cha tốt nghiệp đại học văn hóa nên sau khi đi tu được truyền chức linh mục năm 2005, cha đã phát huy ngay sở trường xây dựng chương trình “Tiếng hát vì người nghèo”. Cha đi hát, làm album bán. Cha mời các ca sĩ có tiếng tham gia. 25 album của cha đã phát hành được 750.000 bản. Rồi cha đi hát khắp trong và ngoài nước để có tiền giúp người nghèo. Đến nay cha đã xây được 300 căn nhà tình nghĩa, tặng 700 xe lăn và xe tay kéo cho người tàn tật, giúp 20 em mổ tim bẩm sinh và giới thiệu 400 trường hợp khác. Cha mở bếp ăn ở giáo xứ, cứ thứ sáu lại nấu 100 suất ăn đưa đến nhà cho người nghèo. Quán cơm Huynh Đệ ở thành phố Mỹ Tho với giá rẻ cho mọi người cũng do cha mở. Một số người vì yêu quý cha đã đến với đạo của cha (ảnh dưới).

Tôi thật sự xúc động khi đọc thư Giáng sinh của Đức Cha Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo: “ Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người kể cả anh chị em lương dân và di dân đều cảm nghiệm được lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của Lòng Thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi. Nhưng người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi”. Ước mong điều này không chỉ ở Xuân Lộc mà ở tất cả 26 giáo phận của Việt Nam để người ngoài Công Giáo có cái nhìn thiện cảm hơn với đạo Công Giáo và người Công Giáo Việt Nam trong năm mới này.

Ngày lễ Noel 2016

T.G
 
Họ đạo Giồng Trôm mừng lễ Giáng Sinh
Người Giồng Trôm
15:53 24/12/2016
HỌ ĐẠO GIỒNG TRÔM MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Bầu khí tưng bừng của Lễ Giáng Sinh đã về muôn nơi và rồi Giồng Trôm nhỏ bé cũng vui với niềm vui đó.

Xem Hình

19 g 30, chương trình diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh do thiếu Nhi Giồng Trôm đảm trách được bắt đầu. Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – cha sở họ đạo Giồng Trôm – đã khai mạc chương trình diễn nguyện đêm nay.

Diễn nguyện kết thúc, cộng đoàn cùng bước vào Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh năm nay 2016.

Trong bài chia sẻ, Cha Đaminh chia sẻ với cộng đoàn về Tình Yêu Thiên Chúa trao ban cho con người và Ngài mời gọi con người sống tình yêu đó với anh chị em đồng loại.

Lễ xong, mọi người nán lại chụp những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu.

Một Mùa Giáng Sinh lại về, nguyện ước Giồng Trôm cũng như mọi nơi trên thế giới cảm nhận được tình yêu Giêsu và sống Tình Yêu Giêsu đó trong mọi cung cách sống của mình.
 
Đêm diễn nguyện thánh ca Giáng Sinh tại CĐCGVN bang Oregon
Phan Hoàng phú Quý
16:02 24/12/2016
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tiểu Bang Oregon Tổ Chức Đêm Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh Năm 2016

(Portland-Oregon) Trong bầu không khí linh thiêng đón mừng kỷ niệm ngày Thiên Chúa Giáng sinh, BCH/GX và quý linh mục đã tổ chức tuần lễ tĩnh tâm Mùa Vọng do linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đức Vượng OP. Chánh xứ GX Đức Mẹ La Vang Texas thuyết giảng với chủ đề:

Xem Hình

BÊN MẸ LA VANG CON SẼ BÌNH AN

Đề tài I: Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp.

Đề tài II: Người phụ nữ biết làm đẹp cần những khuôn mẫu nào?

Đề tài III: Chúng ta có người Mẹ biết làm đẹp, đó là Mẹ La Vang.

Kết thúc tuần lễ tĩnh tâm Mùa Vọng là chương trình Diễn Nguyện Thánh Ca Giáng Sinh với sự tham dự của các ca đoàn trong tiểu bang Oregon qua chủ đề: Chúa Cũng Có Một Gia Đình.

Linh mục chánh xứ Đaminh Phạm Tĩnh đã ngỏ lời chào mừng quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đồng thời cũng dâng lời nguyện mở đầu và chúc bình an của Chúa Giáng Sinh đến với mọi người cũng như mọi gia đình.

1- Ca đoàn Thánh Linh trình bày:

Người Ơi Có Biết - Vui Ca Noel

2 – Ca đoàn Têrêsa Andrê Dũng Lạc trình bày:

AveMaria Dâng Lời Tạ Ơn – Giuse Vâng Lệnh Truyền

3 – Dòng Mến Thánh Giá ĐàLạt Miền Portlang trinh bày:

Vũ Khúc Đêm Noel

4 – Ca đoàn Abba trình bày:

Nguồn Sáng Linh Thiêng - Niềm Vui Ra Đời

5 – Ca đoàn Thiếu nhi trình bày:

Hòa Tấu Hang Bêlem – Đêm Thánh Đêm Hồng Ân

6 – Ca đoàn La Vang trình bày:

Niềm Vui Chúa Đến

7 – Ca đoàn Cecillia Beaverton trình bày:

Hạt Mưa Cứu Rỗi – Mùa Đông Năm Ấy - Chuyện Tình Một Đêm Băng Giá

8 – Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình bày:

Hoạt cảnh Gà Trống Nuôi Con

9 – Ca đoàn Cecillia Giáo Xứ la Vang trình bày:

Hang Bêlem - Hội Nhạc Thiên Quốc

10 – Ca đoàn Hồng Ân trình bày:

Dâng Hài Nhi – Quê Hương Thượng Đế

11 – Ca đoàn Tổng Hợp trình bày:

Câu Chúc Giáng Sinh

Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa một Mùa Giáng Sinh Bình An Hạnh Phúc, một Năm Mới Hồng Ân Phước Lộc.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Họ đạo La mã mừng Chúa Giáng Sinh
Người Giồng Trôm
16:12 24/12/2016
HỌ ĐẠO LA MÃ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Hòa cùng niềm vui chung của Giáo Hội cũng như cả thế giới, họ đạo nhỏ bé vùng sâu vùng xa La Mã mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh.

Xem hình

18 g 30, màn đêm dần xuống cũng là lúc mà thiếu nhi họ đạo La Mã (cả những em chưa phải là Công Giáo) quy tụ nhau lại dưới núi đá và Lễ Đài để cùng nhau diễn tả niềm mong đợi, niềm vui qua hoạt cảnh Giáng Sinh đậm chất dân dã. Các tiết mục múa xen lẫn hoạt cảnh đã đưa cộng đoàn trở về với lịch sử cứu độ chờ đón Đấng Cứu Thế chào đời.

Để chương trình bắt đầu, Cha Giuse Cao Minh Hòa – cha sở họ đạo La Mã – có đôi lời với cộng đoàn. Cha Giuse cảm ơn Cha Đaminh – Quản Nhiệm Trung Tâm La Mã – quý dì Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, anh Phước lo âm thanh ánh sáng, thiếu nhi diễn nguyện. .. đã giúp cho chương trình hôm nay. Sau lời cảm ơn là lời chúc Giáng Sinh và khai mạc diễn nguyện đêm nay.

Kết thúc diễn nguyện, thiếu nhi được các ông già Noel gửi đến một chút quà gọi là niềm vui Giáng Sinh.

19 g 30, cộng đoàn bước vào Thánh Lễ Vọng mừng đón Chúa Giáng sinh.

Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng lắng đọng, bỏ tất cả mọi lắng lo của cuộc đời để cùng dâng Thánh Lễ đặc biệt tối nay. Thánh Lễ rất đặt biệt bởi lẽ có sự hiện diện của những người chưa phải là người Công Giáo nữa. Dù thế, Thánh Lễ vẫn được cử hành trong bầu khí hết sức trang nghiêm và sốt sắng.

Trong bài chia sẻ, Cha giảng mời cộng đoàn hướng về Tình Yêu Nhập Thể. Cha mời gọi cộng đoàn hãy yêu thương nhau để đáp lại Tình Yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người trong Đêm Thánh – Đêm Tình Yêu hôm nay.

Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại họ đạo nhỏ bé La Mã – Bến Tre khép lại, niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh lại mở ra trên mọi người không phân biệt Lương Giáo. Nguyện xin Chúa Hài Đồng Giêsu tuôn đổ muôn ơn lành cho những ai đến với họ đạo La Mã Bến Tre – nơi lưu giữ bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre.
 
Diễn nguyện thánh ca Giáng Sinh tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế
Trương Trí
19:33 24/12/2016
ĐẠI LỄ GIÁNG SINH TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HUẾ

Những cơn mưa tầm tả suốt hơn một tháng trời cùng những trận lũ khiến cho cả miền Trung ghánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề, không chỉ về kinh tế mà còn về sinh mạng con người. Xứ Huế cũng chịu chung những ảnh hưởng thiên tai đó, nhất là những tuần mùa Vọng, các Nhà thờ rất vất vả mới có thể trang trí máng cỏ ngoài trời cũng như trong Nhà thờ cùng điện đèn và cờ xí để mừng ngày Con Thiên Chúa sinh ra.

Xem Hình

Chiều ngày 24 áp lễ Giáng sinh, thời tiết có phần dịu hơn, những cơn mưa bớt nặng hạt, nhờ vậy mà những con đường hướng về Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam đều kín người và xe cộ. Những đôi nam thanh nữ tú dập dìu tay trong tay tươi cười. Tất cả các quán café và nhà hàng đều đông khách, toàn xã hội không phân biệt lương giáo đều hòa chung niềm vui mừng Chúa Giáng sinh.

Thánh lễ Giáng sinh buổi tối hôm nay gồm hai Thánh lễ, một lễ vào lúc 18 giờ 30 dành cho Giáo lý và những người già, Thánh lễ chính thức được bắt đầu với chương trình Canh thức Diễn nguyện lúc 21 giờ.

Mở đầu Canh thức, Cha Phó xứ Đaminh Nguyễn Hữu Khôi chia sẻ: Khi yêu thương nhau, người ta thường trao tặng quà cho nhau, có thể nói được rằng quà tặng là ngôn ngữ để diễn tả tình yêu, yêu thương càng sâu đậm thì quà tặng càng nặng về chất lượng và giá trị. Còn đối với Thiên Chúa, vì quá yêu thương loài người, và để diễn tả tình yêu đó, Người đã trao tặng cho chúng ta món quà tuyệt mỹ nhất, đó chính là Con Một của Người. Người đã cho Đức Giêsu con một của Người xuống thế để mang Tin Mừng cứu rỗi cho chúng ta. Đêm nay, một sự kiện trọng đại nhắc lại việc Con Thiên Chúa Giáng trần cách đây hơn 2.000 năm. Ngài chính là quà tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Sau bao ngày chờ đợi, đêm nay cộng đoàn chúng ta sum họp nơi đây, cùng nhau canh thức đón chờ Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Từ đó, Ngài đồng hành và cùng chia sẻ thân phận làm người với chúng ta, vì Ngài là Đấng Enmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chương trình Canh thức và Diễn nguyện do các em Thanh Thiếu niên giáo xứ Chính tòa trình bày:

Mở đầu là Công trình Sáng tạo của Thiên Chúa, Người tạo dựng đất trời với muôn ngàn tinh tú, súc vật, sông ngòi và biển cả. Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ giống với hình ảnh của Ngài và được giao cho cai quản mọi loài mọi vật, hưởng hạnh phúc muôn vàn.

Nhưng rồi con người sa ngã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa, con người bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Thiên Chúa phạt con người phải chịu khổ cực vất vả trăm bề, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ ban cho nhân loại một Đấng Cứu thế, chính là Con Một của Người sẽ được sinh ra trong thân phận con người, chính Ngài sẽ Cứu độ con người khỏi tội lỗi.

Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, Ngài sai Thiên Thần truyền tin cho một thiếu nữ là Đức Maria, thiếu nữ sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sẽ sinh một con trai và được gọi là Enmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Rồi ngày đó cũng đã đến, vào một đêm đông giá rét, giữa cánh đồng cô quạnh, Con Thiên Chúa được sinh ra trong một hang lừa, được đặt nằm trong máng cỏ. Thiên Thần báo tin cho các mục đồng xung quanh đến để chiêm bái và thờ lạy. Thiên thần ca vang lời ngợi khen Thiên Chúa.

Kết thúc Canh thức và Diễn nguyện, Cha Chủ sự bồng tượng Chúa Hài đồng rước lên hang đá được trang trí trên Cung Thánh, vị trí cao trọng nhất trong ngôi Nhà thờ.

Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh do Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Tuyến chủ tế, cùng đồng tế có 2 Cha Phó và Cha Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, một linh mục Thừa sai gắn nhiều công lao với Giáo phận Huế, nay Ngài chọn Huế làm nơi an dưỡng tuổi già.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Chủ tế kể lại câu chuyện sáng hôm nay, một chức sắc của Niệm Phật đường An Cựu Tây đến chúc mừng đã nói: Hòa chung niềm vui của nhân loại, trong ngày Chúa Giáng sinh, chúng tôi đến đây để chia mừng với Giáo xứ, chia vui với linh mục. Tối hôm nay có Cha Etcharren người Pháp, một linh mục Thằ sai đã từng gắn bó với Huế cùng dâng Thánh lễ, có một đoàn người Ấn độ, một số khách là người Na Uy và các nước châu Âu cùng tham dự Thánh lễ, chúng ta cùng chúc nhau một mùa Giáng sinh và Ngài chúc mọi người bằng 2 thứ tiếng Anh và Pháp, đồng thời mời cộng đoàn chúc nhau bằng một tràng pháo tay để mừng đêm Giáng sinh này. Hôm nay, trong Thánh lễ này, trong ngôi Nhà thờ này cũng có một số anh em không cùng tôn giáo, cùng chia sẻ niềm vui của một gia đình chung một Nước Trời, niềm vui cùng được gọi Thiên Chúa là Cha.

Trong bài Giảng lễ, Cha Chủ tế chia sẻ với cộng đoàn, đặc biệt với anh chị em không cùng tôn giáo hiện diện trong Thánh lễ này: Hôm nay, Giáo Hội đón nhận Tin Mừng đã được các Thiên Thần loan báo, không phải cho những người cao sang mà là cho các Mục đồng. Tin mừng về một tẻ Giêsu được sinh ra tại Beelem, trong hang lừa máng cỏ. Qua mạc khải, chúng tôi biết rằng đó chính là Enmanuel: nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về tên gọi này, Ngài đến giữa chúng ta trong nỗi khổ của loài người. Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu, phải chịu bao khổ cực của kiếp người, phải tha phương theo những qui luật của loài người là về nơi quê quán để kê khai sổ bộ. Cũng chính trong thời kỳ đó, Mẹ đã đến ngày sinh nở nhưng không kiếm được một chổ trong nhà trọ đành phải sinh Con Thiên Chúa giữa đồng hoang lạnh lẽo trong một hang lừa. Tất cả những việc này đều đã được ghi lại không chỉ trong sử sách mà con được ghi lại trong các Đền thờ lớn tại Bêlem, câu chuyện về trẻ Giêsu không phải là một huyền thoại.

Trong Nhà thờ năm nay được trang trí một hình ảnh hết sức gần gũi với thực tế con người, trước sân Nhà thờ cũng được làm một ngôi nhà nho nhỏ, một hình ảnh của cuộc sống gia đình trẻ, đó cũng là chủ đề của năm nay: Năm Mục vụ Gia đình. Đấng Enmanuel đang hiện diện trong từng gia đình. Trong chương trình Diễn nguyện chúng ta cũng đã được nhìn thấy một cặp đôi là Giuse và Maria phải lủi thủi đi giữa cuộc đời rồi sinh Đấng Cứu thế trong nỗi khổ ê chề không một nơi trú ngụ. Nhưng chính cặp đôi Giuse và Maria đã mang Đấng Cứu thế đến cho Gia đình nhân loại. Đó chính là Tin Mừng cho mỗi một gia đình.

Kết thúc Thánh lễ lúc 23 giờ, trước khi ban Phép lành trọng thể, Cha Chủ tế một lần nữa mời gọi cộng đoàn cùng chúc nhau một Đêm Thánh vô cùng, một mùa Giáng sinh an lành bằng một tráng pháo tay.

Trương Trí
 
Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh tại TT Vinh Sơn Liêm Melbourne 2016
Trần Văn Minh
16:27 24/12/2016
Melbourne, Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ, kỷ niệm Ngày Thiên Chúa xuống trần nhập thể và ở cùng chúng ta. Đêm canh thức và lễ vọng Giáng Sinh đã được cử hành rất trọng thể với thật đông đảo giáo dân về hiệp dâng Thánh lễ, tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm lúc 8 giờ tối Ngày 24 Tháng 12 Năm 2016.

Mời xem hình

Lễ đài ngoài trời trong những ngày đầu Hè nắng nóng theo dự báo dưới 35 độ C và dịu dần, dịu dần khi trời về chiều đã trở nên mát mẻ, được rất đông người về tham dự đêm canh thức và dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Với âm thanh, ánh sáng tuyệt vời của anh Bằng Uyên, đã làm cho đêm canh thức tràn ngập âm thanh, ánh sáng đầy mầu sắc để đêm cực thánh mừng lễ thêm vui tươi sinh động.

Đêm Canh thức gồm hai phần chính: phần một là hoạt cảnh Giáng Sinh và phần hai là Thánh lễ trọng thể.
Mở đầu chương trình canh thức, các anh trong Ca đoàn Cecilia với trang phục của ông già Noel đã vui nhộn trong một điệu nhảy làm cho cử tọa đều vui theo. Tiếp theo là song ca của Thiếu Nhi Thánh Thể qua chị Hà và em. Tiếp theo là các em thiếu nhi trong trang phục vui tươi, thành phần diễn viên đông đảo. Rồi Thanh Huyền và Hồng Vũ song ca với phần phụ diễn của các em trong đồng phục mầu đỏ. Ca đoàn Vô Nhiễm với màn múa của các ca viên nữ với hai giọng nam thể hiện thật xuất sắc. Mỗi ca đoàn trong cộng đoàn đều đóng góp một vài tiết mục như ca, múa thật đặc sắc nên được mọi người nhiệt liệt tán thưởng qua những tràng pháo tay thật dài.

Thánh lễ đồng tế được Linh mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân chủ tế cùng Linh mục Đa Minh Tuấn được cử hành lúc 9 giờ tối cùng Ca đoànVô Nhiễm phụng vụ phần Thánh ca thật tuyệt vời. Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục chủ tế đã nhắc lại ngày Chúa xuống thế làm người khi các thiên thần ca hát: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Chúa luôn đến cùng chúng ta, nên mọi người phải dọn chỗ trong tâm hồn mình để làm nơi xứng đáng đón chào Chúa ngự vào trong tâm hồn mình.

Lễ Vọng Giáng Sinh năm nay Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm vinh hạnh được đón tiếp rất nhiều người về hiệp dâng Thánh lễ. Không khí Giáng Sinh thật an bình trong niềm vui đón nhận hồng ân cứu độ và ân sủng bao la của Chúa Hài Đồng.

Được biết, hầu hết các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne, nơi nào có các linh mục Việt Nam đều có Thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Vì cùng bắt đầu vào lúc 8 giờ tối nên nhóm phóng viên Báo Dân Chúa Úc Châu chỉ tường trình được một vài giáo xứ trong khu vực miền Tây Melbourne.

 
Lễ đêm Giáng sinh tại Cộng đoàn St Margaret Mary Brunswick
Thanh Quảng sdb
18:00 24/12/2016
Lễ đêm Giáng sinh tại Cộng đoàn St Margaret Mary Brunswick

Lễ Giáng sinh được khởi đi từ giờ diễn nguyện hát thánh ca của hai ca đoàn Don Bosco và Mân Côi và màn diễn nguyện múa hát và hoạt cảnh của đoàn Thanh Thiếu Niên Niên Salesian nói lên tội lỗi đi vào thế giới từ lúc tạo dựng dẫn tới cảnh trạng ngày hôm nay với chủ đề “Năm Gia Đình”

Hòa chung niềm vui của toàn nhân loại và Giáo Hội, chúng ta cảm tạ vì trong cuộc đời chúng ta đã cầu Chúa xin Chúa ban cho những nụ hoa tươi đẹp thì Chúa đã cho cho chúng ta cả một vườn hoa bao la trên vũ trụ; Chúng ta cầu xin Chúa cho cây quả thì Chúa đã cho chúng ta cả một khu rừng ngút trũi nặng hoa trái; Chúng ta cầu xin Chúa cho ta những người bạn thân thương thì Chúa đã đem đến cho chúng ta vô vàn bạn bè dễ thương dễ mến...

Với niềm tin yêu vào Cứu Chúa Giêsu, Đấng đã nhóm lên hi vọng yêu thương và tương lai an hòa…

Xin Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và hoạt động trong chúng ta hầu chúng ta có thể đem tình yêu, an bình và niềm vui hạnh phúc đến cho muôn người!

Coi hình (ảnh Lê Hải)
 
Cộng đoàn Giáo xứ St. Margaret Mary Melbourne mừng Giáng Sinh
Hình Lê Hải
18:00 24/12/2016
Hình ảnh diễn nguyện Giáng Sinh tại Cộng đoàn Việt Nam Giáo xứ St. Margaret Mary

Hình Lê Hải
 
CĐCGVN TGP Sydney Mừng Đại Lễ Giáng Sinh
Diệp Hải Dung
19:40 24/12/2016
CĐCGVN TGP Sydney Mừng Đại Lễ Giáng Sinh

Tối thứ Bảy 24/12/2016 thời tiết Sydney bổng dưng thay đổi nhiệt độ xuống thấp mây đen bao phủ cả bầu trời và mưa. Nhưng tại công viên Paul Keating Park Bankstown có khoảng 2000 người kể cả những người không Công Giáo che dù đến tham dự Đại Lễ Vọng Giáng Sinh do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức.

Xem Hình

7 giờ Diễn nguyện Vọng Giáng Sinh với chủ đề Nguồn yêu Thương Của Thiên Chúa do 3 Liên Trẻ, Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục như Tạo Dựng và Sa Ngã, Sứ Thần Truyền Tin v..v.. rất ngoạn mục.

Vì trời mưa nên những nghi thức trong đêm Vọng Giáng Sinh hủy bỏ và Thánh lễ Vọng Giáng Sinh do quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn văn Tuyết và Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng đồng tế.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyềt nói về trong đêm cực Thánh này, khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi để chiêm niệm về cách mà chúng ta có thể chào đón Ngôi Lời Nhập Thể. Tôi có cho phép Chúa ôm lấy tôi hay ngăn cấm Chúa đến với tôi ? Tôi có cho phép Chúa yêu thương tôi hay không ? Tôi có nhận ra dấu chỉ về lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống hay không ?...

Trước khi kết thúc Thánh lễ anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, và tất cả mọi người. Sau đó Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người an lành trong ơn Thiên Chúa. Đặc biệt Cha rất xúc động khi thấy hàng ngàn người đứng che dù dưới cơn mưa tầm tã để tham dự Thánh lễ Vọng Giáng Sinh…ánh sáng đức tin đã soi chiếu trên mọi người cho dù bất cứ ở hoàn cảnh nào..

Thánh lễ kết thúc mọi người ra về trong ơn an lành của Đấng Cứu Thế.

Diệp Hải Dung
 
Lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột - 2016
Vũ Đình Bình
19:43 24/12/2016
Lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột - 2016

“Ngài đến cho nhân loại biết thương nhau”

Trải qua Mùa Vọng đợi chờ: “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9, 2). Đêm nay, đêm chan hòa ánh sáng cứu độ: “Ngài đến cho nhân loại biết thương nhau”.

Xem Hình

Trong tâm tình đó, vào lúc 21 giờ đêm 24.12.2016, tại khuôn viên Nhà thờ Chính tòa, hàng ngàn người đã đến tham dự giờ Canh thức Giáng Sinh và Thánh lễ đêm Noel. Cộng đoàn phụng vụ được hướng dẫn tìm về Bêlem cách đây hơn 2.000 năm. Ở đó, không gian tĩnh mịch, đêm đông giá rét. Ở đó, Con Thiên Chúa đã sinh ra. Ở đó, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Ở đó, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Ở đó, “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Và ở đó bỗng nhiên “Ánh sáng và vinh quang của Chúa chiếu toả”… Và “Muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Trong khung cảnh diệu kỳ ấy, và lúc 21 giờ 30, Cộng đoàn phụng vụ hiệp ý với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận, Cha Giuse Trịnh Văn Hân - Cha sở Nhà thờ Chính tòa, dâng Thánh lễ cầu cho thế giới an bình.

Đức Giám Mục nói:

“Anh chị em thân mến,

Đêm nay, trong bầu khí linh thiêng Mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng hiệp lòng với tất cả mọi anh chị em Kitô hữu trên toàn thế giới, hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai Con Thiên Chúa Làm Người.

Đối với người Công Giáo chúng ta, đêm nay có một ý nghĩa thật là đặc biệt: Chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua việc Con Thiên Chúa bỏ trời cao nhập thể trở nên người như chúng ta. Nhờ việc Nhập Thể của Ngài, con người tội lỗi tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh.

Nhờ được trở nên con cái Thiên Chúa, người Kitô hữu luôn nỗ lực sống theo gương Chúa Giêsu, tích cực thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng xã hội con người càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu trong giáo phận Ban Mê Thuột thân yêu, luôn biết can đảm sống niềm tin một cách mạnh mẽ, biết giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, như các thiên thần đã loan báo Tin Mừng Giáng Sinh trong đêm Chúa xuống thế làm người. Trong thánh lễ đêm nay, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang đau bệnh, hoặc mắc ngăn trở không thể tham dự lễ Giáng Sinh. Cách riêng, chúng ta cầu nguyện cho những gia đình đang gặp những khó khăn thử thách. Xin Chúa ban cho tất cả mọi người hưởng được niềm vui an bình của đêm Ngôi Hai xuống thế làm người”. (Mời nghe Bài dẫn lễ)

Sau bài Tin Mừng (Lc 2, 1-14), Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ:

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng của thánh Luca vừa kể cho chúng ta nghe về việc Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã được sinh ra tại Belem như thế nào. Một gia đình đang sống tại miền bắc nước Palestine, Nazareth, do phải về quê khai sổ bộ, đã phải sinh con tại Bethlem, một làng nhỏ bé ở miền nam. Một gia đình trở về quê quán của mình, mà không có được một người thân cho trú ngụ, cũng không thể tìm được một chỗ nghỉ trong quán trọ. Có lẽ sự mệt mỏi của người phụ nữ sắp sửa đến ngày sinh nở đã làm cho cửa lòng của những người có điều kiện tiếp đón phải khép lại?

Một người mẹ đến thời mãn nhụy khai hoa không tìm được quán trọ qua đêm, một nơi an toàn cho đứa con đầu lòng chào đời, đã phải sinh con trong máng cỏ hang lừa. Dẫu cho trong hoàn cảnh không thuận tiện, người mẹ vẫn lo lắng chu đáo cho con mình trong điều kiện thật khiêm tốn: “Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”.

Trong khi Mẹ âm thầm sinh hạ Chúa Giêsu trong hang đá, thì thiên thần đã bày tỏ vinh quang với các vị mục đồng để giới thiệu thân phận cao sang của hài nhi nằm trong máng cỏ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là tin vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Davit, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”.

Loan tin Đấng Cứu Độ sinh ra, nhưng làm sao nhận ra Người? Các thiên thần báo tiếp: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ”. Các mục đồng chưa hết ngạc nhiên, thì đông đảo các thiên thần đã cất tiếng hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em có cảm thấy ngạc nhiên vì Đấng Cứu Thế phải sinh ra trong chuồng bò không? Có lẽ chúng ta cảm thấy thương hại cho Ngài, vì nếu Ngài sinh ra trong cung điện, trong nệm gấm chăn êm, thì xứng đáng hơn. Nhưng hoàn cảnh bên ngoài đâu có ảnh hưởng đến sứ mệnh của Ngài. Điều quan trọng là Ngài đã đến trần gian để đem ơn cứu chuộc đến cho tất cả mọi con người thành tâm thiện chí đi tìm ơn giải thoát. Chính sự hiện diện của Ngài trong thế giới giúp cho con người có điều kiện tìm ra được chân lý. Chính việc Ngài nhập thể làm người, giúp con người có cơ may tìm lại sự sống thân mật với Thiên Chúa trước khi tổ tông loài người phạm tội. Việc Ngài đồng hành với mọi hạng người trong xã hội, từ những người pharisêu biệt phái đến những người tội lỗi, giúp cho mỗi người biết khám phá ra ý nghĩa đích thực của lời Thiên Chúa mời gọi mình để quyết tâm có một cuộc sống xứng đáng hơn. Ngài đã quên mình chết trên thập giá, để giúp con người chiến thắng lòng ích kỷ, tội lỗi, và những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.

Trong đời sống của người Kitô hữu, khi chúng ta noi gương Đức Mẹ, biết chấp nhận cộng tác với Chúa trong những khả năng khiêm tốn của mình với tấm lòng yêu mến, Chúa sẽ làm cho những công việc đó trở nên tuyệt vời. Chúng ta có thể làm thay đổi vận mệnh của mình, cũng như vận mệnh của thế giới, nhờ vào việc đón nhận Chúa Giêsu Kitô và tập sống theo gương Ngài mỗi ngày. Khi có Chúa Giêsu sống trong mình, cuộc đời của chúng ta sẽ được biến đổi, biến đổi nên tạo vật mới.

Trước khi Chúa Giêsu được hạ sinh, máng cỏ chỉ là nơi chứa rơm cho súc vật, hang đá chỉ là nơi trú ẩn cho đàn súc vật. Khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá, máng cỏ đã trở thành nơi Chúa ngự, hang đá trở nên mái nhà che ấm Chúa Hài Đồng trong đêm đông lạnh lẽo. Hang đá đã được biến đổi nhờ đón tiếp Chúa Hài Đồng.

Trong những ngày Mùa Vọng, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình, cải thiện đời sống, dọn lòng xưng tội, để làm cho lòng mình trở nên hang đá bé nhỏ cho Chúa ngự. Và khi Chúa ngự đến trong tấm lòng bé nhỏ của ta, thân xác tầm thường này trở thành đền thờ cho Chúa ngự. Chúa hiện diện trong lòng chúng ta, sẽ trở thành ánh sáng hướng dẫn chúng ta biết sống theo ý Chúa để được trở nên con người mới, những con người được cứu chuộc.

Lời tiên tri lsaia nói: “Đoàn dân đang bước đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Ánh sáng không phải chỉ có nhiệm vụ điểm tô cho đêm tối, nhưng giúp cho người đang mò mẫm bước đi trong bóng tối thấy rõ con đường mình phải đi, tránh được những chướng ngại trên đường. Chính ánh sáng giúp cho con người thấy rõ việc mình phải làm, thấy được điều phải tránh, vì mình đang bước đi trong ánh sáng.

Chúng ta đừng ngần ngại để cho ánh sáng Chúa Giêsu Kitô chiếu soi trên chúng ta. Và chúng ta cũng đừng ngần ngại để Chúa dùng chúng ta như phương tiện mang ánh sáng của Ngài đến cho mọi người.

Khi chúng ta can đảm sống theo lương tâm của mình, biết làm điều lành lánh xa điều ác, biết sống tôn trọng tha nhân, biết sống trong sự công bằng bác ái theo tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy, thì những hy sinh của chúng ta sẽ là ngọn lửa làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi trong thế gian này.

Đừng nản lòng trước sự dữ, sự bất công đang có vẻ thắng thế trong cuộc sống hiện tại, vì Chúa sẽ can thiệp để bênh vực những con người công chính và những người bị áp bức. Vì khi Mẹ Maria âm thầm đặt người con mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa, thì các thiên thần đã ca hát rộn ràng trên không trung loan báo tin vui cho các chú mục đồng.

Trong đêm mừng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, tôi xin kính chúc tất cả mọi người đang hiện diện trong thánh lễ đêm nay, được tràn đầy sự bình an của Chúa Hài Đồng, được Chúa an ủi vì những hy sinh và những khổ đau mà anh chị em đã phải chịu vì con đường hòa bình của Chúa Giêsu mà chúng ta đã chọn. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình và người thân càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Qua anh chị em, tôi cũng xin gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người thân của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta”. (Mời nghe Bài giảng lễ)

Hôm nay, “Ngài đến cho nhân loại biết thương nhau”. Chúa đến ban cho chúng ta sự bình an đích thực. Chúa đến ban cho chúng ta Ánh Sáng Cứu Độ. Xin Chúa dùng chúng ta như phương tiện mang ánh sáng của Ngài đến cho mọi người. Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người. Xin cho Ánh Sáng đêm nay, Ánh Sáng Cứu Độ chiếu rọi khắp nơi nơi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chanukka và lễ mừng Chúa giáng sinh
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:40 24/12/2016
Chanukka và lễ mừng Chúa giáng sinh

Hằng năm từ khi Hoàng đế Constantino đế quốc Roma công nhận đạo Công Giáo năm 313 sau Chúa giáng sinh, toàn thể Giáo Hội mừng sinh nhật Chúa Giêsu Kitô vào ngày 25. tháng 12. dương lịch.

Theo lịch sử ngày này là ngày thờ kính Thần mặt Trời theo tôn giáo của người Roma. Giáo Hội Công Giáo đã chọn ngày này là ngày mừng kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng là mặt trời công chính xuống trần thế làm người mang ơn cứu chuộc đến cho con người.

Nhưng ngày 25.12. còn có một nguồn gốc lịch sử cùng tôn giáo từ đạo Do Thái nữa: Chanukka.

1. Cuộc nổi dậy thanh tẩy đền thờ

Vào năm 3597 lịch Do Thái ( năm 164 trước Chúa giáng sinh) phong trào Judas Maccabeus của người Do Thái đã nổi lên chống lại sự độ hộ thống trị của người Hy lạp và ngoại ngoại bang Seleukidien, như sách Kinh thánh Maccabeus, cũng như sử gia Flavius Joseph và sử sách Talmud của người Do Thái thuật kể lại.

Cuộc nổi dậy chống ngoại bang của Judas Maccabeus thành công chấm dứt chế độ đô hộ cai trị trên dân tộc Do Thái, nhất là chấm dứt sự phá hủy làm cho đền thờ Gierusalem của Do Thái giáo bị trở thành ô uế. Vì quân ngoại bang sau khi chiếm đất đai, đuổi dân đi ra ngoài cùng chiếm đền thờ Giêrusalem. Họ đã biến đền thờ để tôn thờ Thiên Chúa Giave bằng bàn thờ kính thần Zeus của người Hy Lạp ngay trong đền thờ. Đó là điều người Do Thái không thể chấp nhận nổi.

2. Ngọn đền bảy ngọn

Từ thời nô lệ trở về quê hương đất nước Chúa hứa, dân Do Thái đã có biểu tượng tôn giáo do chính Thiên Chúa truyền cho làm để thờ kính ngài. Biểu tượng này rất quan trọng với người Do Thái: cây đèn bảy ngọn. Thiên Chúa nói truyền cho Mose:

31 "Ngươi sẽ làm một trụ đèn bằng vàng ròng. Ngươi sẽ làm trụ đèn, chân đèn và nhánh đèn bằng vàng gò; đài hoa, nụ hoa và cánh hoa gắn liền với trụ đèn.32 Sáu nhánh đâm ra hai bên: ba nhánh bên này, ba nhánh bên kia.33 Trên nhánh bên này, có ba đài hoa hình hoa hạnh đào, với nụ và cánh hoa; trên nhánh bên kia, có ba đài hoa hình hoa hạnh đào, với nụ hoa và cánh hoa. Sáu nhánh từ trụ đèn đâm ra sẽ đều như thế.34 Ở thân trụ đèn, có bốn đài hoa hình hoa hạnh đào, với nụ hoa và cánh hoa.35 Một nụ hoa nằm dưới hai nhánh đầu gắn liền với trụ đèn, một nụ hoa nằm dưới hai nhánh giữa gắn liền với trụ đèn, và một nụ hoa nằm dưới hai nhánh cuối gắn liền với trụ đèn. Sáu nhánh từ trụ đèn đâm ra sẽ đều như thế.36 Các nụ hoa và nhánh đều gắn liền với trụ đèn; tất cả thành một khối bằng vàng gò, bằng vàng ròng.37 Rồi ngươi sẽ làm bảy cái đèn, đặt lên đó thế nào cho chúng toả ánh sáng ra phía trước trụ đèn.38 Kéo cắt bấc và đĩa đựng tàn sẽ bằng vàng ròng.39 Ngươi phải dùng đến ba mươi ký vàng ròng để làm trụ đèn và mọi đồ phụ tùng đó.40 Hãy nhìn xem và làm theo mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi.“ ´(Sách Xuât hành 25,31-40)



Vì thế trong đền thờ Giêrusalem nơi cao trọng thờ kính Giave Thiên Chúa có ngọn đèn bảy ngọn hằng cháy chiếu sáng ngày đêm. Nhưng từ khi đền thờ bị phá, rồi bị thay thế bằng bàn thờ kính thần Zeus ngoại bang, cây đèn bảy ngọn đã bị dập tắt.

3. Ngọn đèn chín nhánh: Chanukka

Khi quân của phong trào Judas Maccabeus chiếm lại đền thờ, họ chỉ còn tìm thấy có một bình dầu đã làm phép còn lại, mà số lượng dầu này chỉ đủ đốt cháy cho một ngày thôi. Và để có dầu thánh mới cần tới tám ngày mới có. Nhưng qua nhờ phép lạ ngọn đèn vẫn cháy chiêu sáng tới 8 ngày, cho tới khi dầu mới được thánh hiến. Vì thế ngọn đèn được làm thành 8 nhánh đèn để nhắc nhớ lại phép lạ này, và có tên ngọn đèn Chanukka.

Ngọn đèn Chanukka có 9 nhánh đèn. Tám nhánh ngọn đèn nhớ đến phép lạ 8 ngày, và nhánh ngọn thứ 9. ở giữa chỉ về sứ vụ phục vụ, theo nghi thức chỉ từ lửa nơi ngọn nhánh 9. những 8 ngọn nhánh khác chung quanh được đốt lên chiếu sáng.

Việc thờ kính Thiên Chúa Giave trong đền thờ Giêrusalem được khôi phục lại. Các thần ngoại bang bị phá hủy tẩy trừ ném ra khỏi đền thờ. Ngọn đền Chanukka được ngày đêm đốt cháy chiếu sáng.

Từ ngày đó có lễ mừng Chanukka hằng năm theo Do Thái giáo. Đây là lễ mừng kỷ lần thứ hai đền thờ Giêrusalem được thánh hiến. Lễ này kéo dài 8 ngày từ năm 164 trước Chúa giáng sinh vào ngày 25. Tháng Kislew theo lịch Do Thái- tương đương vào tháng 12. lịch Tây phương.

Sách Maccabeus ( 1 Maccabeus 4,36-59, 2 Maccabeus 10,5-8, và phúc âm Thánh Gioan 10, 22) nói thuật về Chanukka lễ mừng thánh hiến đền thờ Giêrusalem. Lễ này được mừng kính cho tới năm 3830 theo lịch Do Thái - theo lịch Tây phương vào năm 70 sau Chúa giáng sinh - đền thờ bị đế quốc Roma chiếm phá hủy.

Đất nước tan hoang bị xâm chiếm, dân Do Thái phải đi sống lưu vong khắp nơi trên thế giới. Không còn đền thờ, nhưng người Do Thái vẫn kiên trì gìn giữ tập tục nếp sống lòng ái quốc, nhất là tín ngưỡng Do Thái thờ kính Thiên Chúa Giave. Nên lễ Chanukka vẫn được mừng ở nhà tư của họ, dù họ sinh sống nơi đâu. Chính điều này đã nung cháy lòng đạo đức tôn kính Giave Thiên Chúa, và lòng yêu mến quê hương tổ quốc mà Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên dân tộc của họ.

Ngày 25. thánh 12, ngày mửng lễ Chanukka, lễ ánh sáng của người Do Thái nhắc nhớ đến dân Do Thái được tái sinh, ngày đền thờ Giêrusalem được tẩy rửa khôi phục trở lại việc thờ kính Thiên Chúa Giave.

4. Lễ mừng Chanukka và Chúa Giêsu

Lễ Chanukka là lễ mừng ánh sáng trong Do Thái giáo.

Chúa Giêsu đã khẳng định„ chính ngài là ánh sáng trần gian,. Ai đi theo ngài sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng sự sống. ( Ga 8,12)

Nơi ngọn đèn Chanukka ở giữa có nhánh ngọn đèn phục vụ. Từ ngọn đèn này 8 nhánh ngọn đèn khác được đốt thắp lên.

Chúa Giêsu nói về chính mình đến để phục vụ con người, mang ánh sáng đến cho con người, để con người trở thành ánh sáng cho nhau. ( Marco 5,14)

Những Kitô hữu đầu tiên đã nhận ra sự tương quan giữa Chanukka và sự sinh ra của Đấng Cứu Thế: Chanukka là lễ mừng nơi ngôi nhà trên trần thế - Lễ mừng Chúa giáng sinh là lễ mừng ngôi đền thờ sống động của Chúa, Đấng từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian. Chúa Giesu đã nói về thân xác ngài là ngôi đền thờ: Phá hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày ta sẽ xây dựng lại. ( Ga 2,19).

Sự kiện lịch sử Ba Vua tìm đến báo lạy hài nhi Giêsu như vị vua của các vua trên trần gian nói lên cách gián tiếp mối tương quan này ( Mattheus 2,2).

Các vị vua được xức dầu phong vương. Ngọn đèn Chanukka không chỉ dùng dầu thánh hiến để đốt thắp, nhưng chính Thiên Chúa đã ban tặng dầu qua phép lạ làm cho dầu còn lại dư đủ dùng đốt cháy tám ngày liên tiếp.

5. Lễ Chanukka và lễ mừng Chúa Giáng sinh

„ Tuần lễ từ ngày 25. đến 31. tháng 12. đồng thời là tuần lễ trước năm mới bắt đầu. Vì thế việc khôi phục trở lại còn có một ý nghĩa sâu xa nữa: Tuần lễ này trình bày về một khởi đầu công trình sáng tạo mới cho niềm hy vọng vào thời gian mới được sống trong tự do.

Vì thế vào thời gian những năm 100 trước Chúa giáng sinh, sự sinh ra đời của đấng Cứu Thế được trông mong chờ đợi.

Đấng cứu thế, như lòng tin tưởng trông mong, sẽ chỉ dẫn cho con người biết cung cách thờ kính Chúa thế nào cho đúng, và người dẫn đưa vào sống trong thời gian mới của tự do.

Vào thời Chúa Giêsu Kitô người ta đã mừng lễ ánh sáng như lời Ngôn sứ Isaia đã nói về viễn cảnh này: „ Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.“ ( Isaia 9,1).

Thánh sữ Luca đã thuật lại lịch sử thời niên thiếu Chúa Giêsu trong ý nghĩa tràn đầy hình ảnh biểu tượng. Với những mốc niên đại lúc Chúa Giêsu sinh ra được sắp xếp diễn tả trong đêm ánh sáng tỏa lan, trùng hợp với lễ mừng Chanukka là lễ ánh sáng của Do Thái giáo, đã trở thành lễ mừng Chúa giáng sinh của Kitô giáo.

Thánh sử Luca chỉ muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa lời ca tiếng hát của các Thiên Thần: Điều Judas Maccabeus chưa làm được như mong muốn thực hiện, Chúa Giêsu Kitô sinh ra trong trần thế đã thực hiện làm được.

Chúa Giêsu Kitô đã tẩy xóa hình ảnh những thần thánh ra khỏi trần gian. Ngài đã xây dựng đền thờ bằng chính thân thể mình. Ngài đã khôi phục lại sự yêu mến kính thờ Thiên Chúa.

Nơi nào con người tin theo Chúa Giêsu Kitô, họ cũng khởi đầu một đời sống con người mới xây dựng hòa bình, dù trần gian còn có tan hoang đổ nát. “ ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI.)



Chúc mừng lễ Chúa giáng sinh

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúc Mừng Giáng Sinh
Nguyễn Đức Cung
09:40 24/12/2016
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Lễ Giáng Sinh đã về,
năm mới sắp tới
Gia đình Trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền
Kímh chúc quí độc giả và quí quyến:
Lễ Giáng Sinh thật đẹp và
bình an trong ơn Chúa Hài Đồng.
Năm mới 2017
Sức khoẻ, hạnh phúc và may mắn..
Trân trọng.
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 20-26/12/2016: Đức Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi người sáng lập Mạng EWTN
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:42 24/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổng thống tham quyền cố vị: Cộng hòa Dân chủ Congo rơi vào hỗn loạn

Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình và hòa giải tại Cộng hòa Dân chủ Congo hôm Chúa Nhật 18 tháng 12.

Quốc gia tại miền Trung châu Phi đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Tổng thống Joseph Kabila hết nhiệm kỳ vào ngày thứ Hai 19 tháng 12 nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và một cuộc bầu cử lại không thể được tiến hành ít nhất là cho đến sau năm 2018.

Tình trạng bất ổn - bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc là tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện để cuộc đối thoại tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo có thể mở ra trong sự thanh thản để tất cả các hình thức bạo lực có thể tránh được vì lợi ích của quốc gia này.”

Tại thủ đô Kinshasa, cảnh sát đã thiết lập các trạm kiểm soát, trong khi binh sĩ trong những xe bọc thép đã được triển khai đến các điểm chiến lược trên khắp thành phố 12 triệu dân này.

Các chuyến bay đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã trống rỗng, trong khi các chuyến bay từ nước này ra hải ngoại đầy ắp các thành viên của tầng lớp thượng lưu đang bỏ trốn ra nước ngoài.

2. Đức Tổng Giám Mục Colombia bị dọa giết bởi các thành phần chống đối hiệp ước hòa bình

Đức Tổng Giám mục Dario de Jesus Monsalve Meijia của tổng giáo phận Cali, Colombia, tiết lộ rằng ngài bị dọa giết vì đã tham gia làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phiến quân cộng sản gọi tắt là FARC.

Đức Tổng Giám Mục nói với các phóng viên rằng nhiều tờ rơi đã được quăng vào nơi cư trú của ngài, đe dọa rằng “bọn FARC” và “các giáo sĩ cộng sản” sẽ phải chết. Ngài nói rằng nếu những mối đe dọa như thế giành được cảm tình của dân chúng thì sẽ không thể nói đến hai chữ “hòa bình”, chưa kể đến các nỗ lực tiếp cận với các nhóm bất đồng tại quốc gia này để tiếp tục con đường đối thoại.

Đức Tổng Giám Mục cho biết mặc dù ngài đã báo cáo mối đe dọa này với cảnh sát, ngài không hề lo sợ cho cuộc sống của mình. Ngài nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải vượt qua những mối đe dọa để hoàn tất hiệp ước hòa bình này.

3. Máu Thánh Januarius không hóa lỏng khiến người dân Naples lo sợ là điềm xấu

Một phép lạ diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ qua, là bửu huyết của Thánh Januarius hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12, đã không xảy ra trong năm nay như dự kiến vào tuần trước, gây lo lắng cho các tín hữu.

Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) là giám mục thành Benevento, nước Ý và được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Ngài chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Tuy nhiên, máu đã không hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12 năm nay. Mặc dù, sự kiện kỳ lạ này đã xảy ra, như mong đợi, một vài tháng trước đó, vào ngày 19 tháng 9.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

4. Đức Thánh Cha sẽ thực hiện cuộc hành hương đến Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra

Hôm thứ Bẩy 17 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha vào ngày 12 và 13 tháng Năm năm tới 2017.

Cuộc hành hương này là để đáp lại một lời mời Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, cũng như của các giám mục Bồ Đào Nha.

Ngày 13 Tháng 5, 2017 là ngày đánh dấu kỷ niệm lần thứ 100 Đức Trinh Nữ Maria hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ em: Thánh Francisco Marto (1908-1919), Chân phước Jacinta Marto (1910-1920), và Lucia Santos (1907-2005), là người đã trở thành một nữ tu.

5. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi người sáng lập Mạng Công Giáo toàn cầu EWTN

“Mẹ Angelica là một phụ nữ tuyệt vời, rất dũng cảm”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đưa ra nhận xét trên hôm 15 tháng 12 khi ngài chào đón các biên tập viên của ACI Stampa, một thông tấn xã tiếng Ý, chi nhánh của EWTN. Các biên tập viên đã gặp Đức Bênêđíctô thứ 16 để trao cho ngài một tấm thiệp Giáng sinh.

Mẹ Angelica đã qua đời vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 2016 ở tuổi 92.

Tháng Ba vừa qua, phản ứng trước tin mẹ Angelica qua đời, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói mẹ Angelica là “một ân sủng” Chúa ban cho Giáo Hội.Thư ký riêng của ngài là Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein nói với thông tấn xã CNA.

Các biên tập viên của ACI Stampa đã có cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau buổi lần chuỗi Mân Côi vào buổi trưa của ngài hôm 15 tháng 12 tại hang đá Lộ Đức ở Vườn Vatican. Họ trình bày cho Đức Bênêđíctô thứ 16 một bộ sưu tập tất cả các bài viết dành riêng cho ngài kể từ ACI Stampa bắt đầu tháng 3 năm 2014.

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã rất thích thú được đọc lướt qua bộ sưu tập.

6. Các Giám mục Venezuela tố cáo các hành động của chính phủ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế

Các giám mục Công Giáo Venezuela đã công bố một tuyên ngôn khiếu nại rằng các “hành động khẩn cấp” được thực hiện bởi chính phủ đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Tuyên bố của các giám mục nhận xét rằng:

“Họ đã làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng đang làm thương tổn đất nước và tất cả các công dân chúng ta.” Các ngài đặc biệt lưu ý rằng “những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương là những người đau khổ nhất.” Các giám mục kêu gọi sự chú ý đến tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm, các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa, và một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền tệ Venezuela.

Tuyên ngôn của các giám mục, được công bố hôm ngày 17 Tháng 12, kêu gọi chính phủ công nhận những vấn đề hiện nay của đất nước và thừa nhận ý chí của người dân muốn được sống trong một quốc gia dân chủ. Các Giám Mục cũng yêu cầu tất cả người Công Giáo thể hiện sự đoàn kết với những người túng thiếu trong việc chia sẻ lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

7. Giáng Sinh tại Honduras diễn ra trong âu lo vì sự tăng vọt tỷ lệ tội phạm

Một tỷ lệ tăng vọt các hình thức tội phạm bạo lực ở Honduras đã làm cho đất nước này không an toàn cho những người trẻ tuổi, khiến nhiều người phải tìm cách di dân sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Ủy ban tị nạn Norvegian ước tính rằng chỉ có một phần ba trẻ em ở Honduras cảm thấy được an toàn trong trường học. Nhiều gia đình khuyến khích con cái của họ rời khỏi đất nước, kể cả phải đi một mình về phía bắc để tìm kiếm một tương lai an toàn hơn. Trong năm qua, các quan chức Mỹ đã ghi nhận hơn 10,000 trường hợp các trẻ em đến Mỹ mà không có người lớn đi kèm.

Đối với những trẻ em vẫn còn ở Honduras, các băng nhóm tội phạm là một mối đe dọa hàng ngày. Trong số các thanh thiếu niên, tỷ lệ bị giết là hơn 1 phần 1000: cao hơn so với tỷ lệ ở những thành phố bạo lực nhất tại Mỹ gấp nhiều lần.

8. Chính sách quảng đại và khoan dung của bà Angela Merkel chịu thử thách nặng nề

Ngay sau khi vụ khủng bố tại Berlin diễn ra vào tối thứ Hai 19 tháng 12, trong một hành động nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc, các nhóm cực hữu và một đảng có khuynh hướng quốc gia đã tung ra một cuộc tấn công tàn bạo đổ lỗi cho thủ tướng Đức Angela Merkel về những gì đã xảy ra.

Frauke Petry, Đồng Chủ Tịch của đảng Alternative für Deutschland (Lựa chọn khác cho nước Đức) nói:

“Dưới chiêu bài giúp đỡ mọi người Merkel đã hoàn toàn bán đứng an ninh quốc nội của chúng ta”.

Người Đức ngày càng tỏ ra thận trọng hơn sau hai cuộc tấn công do người tị nạn gây ra vào mùa hè năm ngoái đã được bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm. Năm người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu gần Wuerzburg và 15 người khác bị thương trong một vụ đánh bom bên ngoài một quán bar ở Ansbach, cả hai đều diễn ra ở bang Bayern, miền Nam nước Đức. Cả hai kẻ tấn công đều bị thiệt mạng.

Những cuộc tấn công này và những rắc rối khác không liên quan gì đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã đóng góp vào tình trạng căng thẳng ở Đức sau khi 890,000 người di cư được nhận vào quốc gia này trong năm qua.

Trong những báo cáo đầu tiên, người ta nghi ngờ một người tị nạn Pakistan là kẻ đã gây ra vụ tấn công khủng bố tại Berlin. Trong tuyên bố trên đài truyền hình, bà Merkel, dù đã chịu áp lực rất lớn về dòng người di cư lũ lượt vào Đức, đã quyết định đương đầu với khả thể là một người tìm kiếm tự do tại Đức đã gây ra cuộc tàn sát này.

Bà nói:

“Tôi biết rằng thật rất là khó khăn cho tất cả chúng ta nếu việc này được xác nhận là gây ra bởi một người đã xin được bảo vệ và được tị nạn ở Đức”

“Điều này sẽ thật buồn đối với nhiều người, với rất nhiều người Đức đã làm việc mỗi ngày để giúp người tị nạn và cho những người thực sự cần sự giúp đỡ của chúng ta và đang nỗ lực để hội nhập vào đất nước chúng ta.”

“Mười hai người vẫn còn ở giữa chúng ta ngày hôm qua, những người đã mong đón Giáng sinh, những người đã có kế hoạch cho những ngày nghỉ. Họ không còn sống giữa chúng ta nữa. Một hành động khủng khiếp và thực tình không thể hiểu nổi đã cướp đi mạng sống của họ.”

Trong tuyên bố hôm thứ Ba, bà Angela Merkel cho biết thêm như sau.

“Chúng ta không muốn sống trong sự sợ hãi cái ác. Cả nước chúng ta hiệp nhất với các nạn nhân và những người bị mất người thân trong nỗi buồn sâu sắc. Tất cả chúng ta đều hy vọng và nhiều người trong chúng ta sẽ cầu nguyện để họ có thể tìm được sự an ủi và hỗ trợ, để họ có thể tiếp tục sống sau cú sốc khủng khiếp này.”
 
Thánh Lễ Đêm Vọng Giáng Sinh 24/12/2016 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:32 24/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9h30 tối thứ Bẩy 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ ba ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói:

“Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2:11). Những lời này của Thánh Tông Đồ Phaolô cho thấy mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, ân sủng của Ngài là nhưng không; tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Hài Nhi được ban cho chúng ta.

Đó là một đêm của vinh quang, vinh quang được công bố bởi các thiên thần ở Bêlem và cũng được công bố bởi chúng ta ngày nay trên khắp cùng bờ cõi trái đất. Đó là một đêm của niềm vui, vì từ ngày này trở đi, cho đến mọi thời đại, Thiên Chúa vô hạn và vĩnh cửu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không xa tít tắt, chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở trên trời hoặc trong các khái niệm thần bí; Ngài gần ngay đây, Ngài hóa thành phàm nhân và sẽ không bao giờ tách mình khỏi nhân loại chúng ta, mà Ngài đã chọn làm dân riêng của mình. Đó là một đêm của ánh sáng: là ánh sáng đã được tiên báo bởi tiên tri Isaia (9: 1), ánh sáng soi lối cho những ai bước đi trong bóng tối, ánh sáng đã xuất hiện và bao bọc các mục đồng tại Bêlem (Lc 2: 9).

Các mục đồng khi thấy “một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5) thì họ hiểu ngay rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả các ánh sáng này đều hội tụ đến một điểm duy nhất, mà thiên thần đã chỉ cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12). Đây là dấu chỉ lâu dài để tìm Chúa Giêsu. Không chỉ lúc đó thôi, nhưng ngày hôm nay cũng thế. Nếu chúng ta muốn cử hành lễ Giáng Sinh đích thực, chúng ta cần phải suy ngẫm dấu chỉ này: đó là sự đơn sơ mỏng manh của một hài nhi mới sinh, sự khiêm hạ nơi Ngài nằm, sự dịu dàng mềm mại của tã lót. Thiên Chúa ở nơi đó.

Với dấu chỉ này, Tin Mừng tiết lộ một nghịch lý: Tin Mừng đề cập đến các hoàng đế, các nhà cai trị hùng mạnh vào thời ấy, nhưng Thiên Chúa không có mặt tại những nơi như thế; Ngài không ngự đến trong những phòng khánh tiết của một cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo khó của một chuồng gia súc; không phô trương rầm rộ, nhưng trong sự đơn giản của cuộc sống; không quyền hành, nhưng trong một sự nhỏ bé đáng ngạc nhiên. Để khám phá ra Ngài, chúng ta cần phải đi đến đó, nơi Ngài đang hiện diện: chúng ta cần phải cúi đầu xuống, hạ mình, khiêm hạ. Hài Nhi mới sinh thách thức chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta bỏ lại sau lưng những ảo tưởng thoáng qua và đến với những gì là bản chất, từ bỏ những yêu cầu vô độ của chúng ta, những bất mãn bất tận của chúng ta và nỗi buồn vì một cái gì đó chúng ta không bao giờ đạt được. Hài Nhi sẽ giúp chúng ta để lại sau lưng những điều này ngõ hầu có thể tái khám phá bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống nơi sự đơn sơ của Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy để Hài Nhi nằm trong máng cỏ thách thức chúng ta, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị thách đố bởi những đứa trẻ trong thế giới ngày nay, những đứa bé không nằm trong cũi và được vuốt ve với tình cảm trìu mến của một người mẹ và người cha, nhưng thay vào đó phải sống trong “những máng cỏ bẩn thỉu tước mất đi nhân phẩm”: trốn tránh dưới lòng đất để tránh đạn bom bắn phá, hay trên vỉa hè của một thành phố lớn, hoặc dưới tầng hầm của một con thuyền quá tải chất đầy những người nhập cư. Chúng ta hãy để cho mình được thử thách bởi những đứa trẻ không được phép sinh ra, bởi những đứa trẻ đang kêu khóc vì không ai làm thoả cơn đói của chúng, bởi những đứa trẻ không cầm đồ chơi trong tay, mà là cầm vũ khí.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, là ánh sáng và niềm vui, đang chất vấn và làm chúng ta bất an, bởi vì mầu nhiệm này vừa là một niềm hy vọng và vừa là một nỗi buồn. Mầu nhiệm Giáng Sinh mang trong chính mình hương vị của một nỗi buồn, vì tình yêu không được tiếp nhận, và cuộc sống bị gạt bỏ. Điều này xảy ra với Thánh Giuse và Mẹ Maria, là những người đã thấy những cánh cửa đóng lại, và phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (c. 7). Chúa Giêsu được sinh ra trong sự khước từ của một số người và sự thờ ơ của nhiều người khác. Hôm nay sự thờ ơ ấy cũng có thể vẫn tồn tại, khi Giáng Sinh trở thành một bữa tiệc trong đó nhân vật chính là chính chúng ta đây, chứ không phải là Chúa Giêsu; khi những ánh đèn thương mại đẩy lùi ánh sáng của Thiên Chúa vào trong bóng tối; khi chúng ta lo lắng về những quà tặng nhưng lạnh lùng với những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh về cơ bản có một hương vị của niềm hy vọng vì, bất chấp những khía cạnh đen tối trong cuộc sống, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn rực sáng. Ánh sáng dịu dàng của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Người trong sự dịu dàng của Ngài, Đấng đã được hạ sinh trong khó nghèo và mong manh như một phàm nhân giữa chúng ta. Ngài được sinh hạ tại Bêlem, có nghĩa là “nhà bánh”. Bằng cách này, Chúa dường như muốn nói với chúng ta rằng Ngài được sinh ra để nên như bánh mì cho chúng ta; Ngài đến để trao ban sự sống của chính Ngài cho chúng ta; Người đến với thế giới của chúng ta để trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài. Người không đến để tước đoạt hay để ra lệnh cho chúng ta nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Như vậy có một sợi chỉ trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi mà Chúa Giêsu sẽ trở thành bánh được bẻ ra: đó là một sợi chỉ trực tiếp của tình yêu được trao ban cho chúng ta và cứu độ chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc sống của chúng ta, và sự bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng nắm được điều này trong đêm nay. Họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vào thời ấy. Nhưng không ai bị gạt ra trước mặt Thiên Chúa và chính họ là những người đã được mời đến mầu nhiệm Giáng Sinh. Những người cảm thấy chắc chắn về bản thân mình, tự mãn, thì đang ở nhà với tài sản của họ; trong khi các mục đồng “vội vã lên đường” (Lc 2:16). Tối nay, chúng ta hãy để cho mình bị thử thách và triệu tập bởi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để mình đến với Người trong niềm phó thác, từ nơi chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, từ những hạn chế của chính chúng ta. Hãy chạm vào sự dịu dàng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa, Đấng đang lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, chúng ta hãy dừng lại để ngắm nhìn hang đá, và tưởng tượng ra Chúa Giêsu giáng trần thế nào: ánh sáng, hòa bình, sự nghèo đói cùng cực đi kèm với sự khước từ của con người. Hãy để chúng ta hoà nhập vào khung cảnh Giáng Sinh thực sự với các mục đồng, mang đến với Chúa tất cả những gì chúng ta là, cả sự tha hóa của chúng ta, và những vết thương khó lành của chúng ta. Sau đó, trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được thưởng thức hương vị của tinh thần Giáng Sinh thực sự: vẻ đẹp khi được yêu bởi Thiên Chúa. Với Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu mới được sinh ra như bánh mì cho cuộc sống của tôi. Khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm hạ và vô tận của Người, chúng ta hãy nói với Người: cảm ơn Chúa, cảm ơn Chúa vì tất cả những điều Chúa đã làm cho con.