Ngày 13-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 13/12/2019

10. Đối với việc phản đối của người khác và sự vất vả nhọc nhằn thì không nên suy nghĩ quá nhiều, chỉ nên hiểu là nó đến từ Thiên Chúa thì nên và vui vẻ chịu đựng chúng nó.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:56 13/12/2019
88. ĐÃ QUA HAI NGÀY

Đại thần bắc Tống là Tống Cảnh Văn thích đóng các cửa sổ rất nghiêm mật, bên trong thắp một đèn cầy lớn rất quý, lúc thì hát lúc thì nhảy múa.

Trong hoàn cảnh này tất cả các khách mời đều quên hết mệt nhọc, chỉ cảm thấy đêm này sao mà dài quá, bèn kéo màn che ra coi mới biết là đã qua hai ngày rồi.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 88:

Có những người coi phim bộ coi đến quên ăn quên ngủ, khi mở cửa ra thì không biết là buổi sáng hay buổi chiều; có người mê đánh cờ bạc đến khi hết sạch tiền mở cửa đi về thì không biết bây giờ là mấy giờ…

Có những người Ki-tô hữu có thể ngồi lỳ suốt ngày ngoài quán cà phê để coi phim, ai nói to nói nhỏ thì khó chịu vì làm ồn nghe chuyện phim không được, nhưng một khi đi đến nhà thờ dự lễ thì ngồi chưa nóng đít đã đi về, lại còn phê bình ông trùm này hách dịch bà trùm kia phách lối, có khi phê bình cha giảng rườm rà…

Thời giờ rất quý, lãng phí thời giờ là có tội với Thiên Chúa và với tha nhân, bởi vì Thiên Chúa là Đấng chỉ định thời gian cho con người sống và làm việc, bởi vì những người nghèo cảm thấy không đủ giờ để lao động kiếm cơm kiếm áo cho gia đình…

Đóng phòng kín mít rồi thắp một ngọn nến thơm và quý để du hí hát hò nhảy nhót đến quên ngày giờ là việc của con cái sự tối và ma quỷ, nhưng đóng cửa để vợ chồng chỉ bảo nhau, cha mẹ dạy con cái, anh chị dạy em út là chuyện của con cái sự sáng tức là con cái của Thiên Chúa.

Hai việc làm khác nhau như trời với đất, tôi chọn việc làm nào để phù hợp với thân phận của tôi là người Ki-tô hữu ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 13/12/2019
Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 11, 2-11.

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Chúa Nhật thứ ba mùa vọng, cũng được gọi là Chúa Nhật vui mừng. Vui mừng vì ngày cứu độ sắp đến, vui mừng vì nhân loại đang đi trong bóng đêm sắp được nhìn thấy ánh sáng của Đấng Cứu Độ, đó chính là Đức Chúa Giê-su. Chúng ta càng vui mừng hơn vì chúng ta tin rằng Đấng Cứu Độ đã đến trần gian và đang hiện diện với Giáo Hội mọi ngày trong bí tích Thánh Thể.

1. Thầy có thật là Đấng phải đến không ?

Thánh Gioan Tiền Hô -một tù nhân của bạo chúa Hê-rô-đe- đang ngồi trong tù bị bốn bức tường sắt ngăn cách với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn cứ trông đợi Đấng mà thiên hạ đợi chờ như lời loan báo của các tiên tri, Đấng mà chính ngài đã làm phép rửa nơi song Gio-đan: Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Thầy có thật là Đấng phải đến không ? – Vâng Ngài đã đến rồi, đến cách đây hơn hai ngàn năm trong hang lừa máng cỏ nơi thành Bê-lem: nghèo nàn, bé nhỏ và tội nghiệp. Ngài đã đến nhưng người ta đã xua đuổi Ngài, không cho Ngài trú ngụ, và ba mươi ba năm sau họ lại đóng đinh Ngài vào thập giá, và coi Ngài như tên trộm cướp...

Thầy có thật là Đấng phải đến không ? – Vâng Ngài đã đến và đang ở giữa chúng ta, nơi những người nghèo như Ngài năm xưa, không phải nơi hang đá Bê-lem nhưng là nơi các viện mồ côi, nơi những trại phong cùi, những trại điều trị bệnh si da. Ngài đang cần đến những tâm hồn quảng đại của các mục-đồng-thời-đại chia sẻ với Ngài những lời nói động viên an ủi, những bó củi sưởi ấm những tâm hồn đang lạnh vì thiếu tình yêu đồng loại, tình yêu gia đình, bè bạn...

Thánh Gioan Tiền Hô ở trong ngục nhưng vẫn đợi chờ Đấng sẽ phải đến để ban ơn cứu độ cho nhân loại; chúng ta không ở trong ngục như thánh Gioan Tiền Hô, nhưng những vật chất danh vọng và xác thịt của thế gian là ngục tù nhốt chúng ta trong bể khổ của cuộc đời.

2. Anh em xem gì trong hoang địa ?

Trong hoang địa thì có gì mà xem chứ, chỉ có thánh Gioan Tiền Hô mà thôi, nhưng ngài đang bị cầm tù và sắp bị chém đầu.

Anh em xem gì trong hoang địa ? – Có người vào hoang địa để cảm nghiệm cái tịch mịch của nó, có người vào hoang địa để tìm gặp Thiên Chúa, lại có người vào hoang địa để ngắm cảnh. Thời nay hoang địa đã có người ở, rừng sâu cũng có người ở, nhưng hoang địa mà người Ki-tô hữu biết chính là những nơi vắng bóng tình yêu Thiên Chúa. Đến mà xem cho biết để gieo tình yêu Phúc Âm cho họ.

Anh em xem gì trong hoang địa ? – Thời nay hoang địa thì không có nhiều, nhưng hoang địa nơi mỗi tâm hồn thì có nhiều, đó là những tâm hồn thiếu bóng dáng tình yêu của Thiên Chúa, đó là những tâm hồn thiếu tình người khi họ đang sống giữa xã hội chỉ có hưởng thụ và bất công.

Anh chị em thân mến,

Đừng để tâm hồn mình biến thành hoang địa thiếu vắng tình yêu đích thực của Thiên Chúa, đừng để tâm hồn mình trở nên khô cằn như hoang địa vì thiếu tình người, nhưng hãy làm cho tâm hồn mình ấm áp hơn bằng những phục vụ hy sinh cho người bất hạnh và khốn khó, đó là hoa đẹp trổ bông trong sa mạc của thời hiện nay...

Chúa Nhật màu hồng là Chúa Nhật của vui mừng, màu hồng của tình yêu thương đang tô đẹp tâm hồn của người tín hữu, màu hồng là niềm vui chờ đợi ngày viên mãn của Con Thiên Chúa giáng trần với mỗi người trong chúng ta. Hãy dọn lòng cho trong trắng để chờ đón Ngài. Alleluia.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa là niềm vui của con
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:02 13/12/2019

Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Is 35,1-6a.8a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.
Tôi nhắc lại: vui lên anh em, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Đó là những lời đầu tiên mà phụng vụ hôm nay chọn để dẫn chúng ta vào Chúa Nhật “của niềm vui” (Domenica Gaudete). Màu sắc phụng vụ trong thánh lễ này không phải là màu tím như thường lệ của Mùa Vọng, nhưng là màu hồng, diễn tả niềm vui mong chờ Chúa đến.

Bài đọc I, được trích từ sách tiên tri Isaia, hoàn toàn là một bài tụng ca niềm vui:

“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò (Is 35,1-2).

Bởi vậy, đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về một điều mà mọi người, cả người tín hữu lẫn người không có niềm tin đều ao ước là được sống hạnh phúc vui tươi. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà chúng ta luôn khắc khoải tìm kiếm từng ngày.

Tuy nhiên, tại sao mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc, nhưng chỉ có một số người thực sự hạnh phúc và ngay cả những người thực sự hạnh phúc thì chỉ được hạnh phúc trong một thời gian ngắn? Tôi cho rằng đây là lý do chính yếu làm cho chúng ta không có được hạnh phúc hoặc chỉ đạt được hạnh phúc một thời gian ngắn bởi chúng ta đã sai lầm trong việc tìm kiếm đối tượng mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Giống như chúng ta cố gắng để trèo lên đỉnh một ngọn núi cao, nhưng chúng ta chọn hướng đi sai, nên nó không đưa chúng ta lên tới nơi hoặc chỉ đưa chúng ta tới một đoạn đường rồi phải tụt xuống.

Bởi lẽ, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa là tình yêu,” nhưng con người tìm cách đảo lại như thế này: “Tình yêu là Thiên Chúa” (đây là điều mà triết gia Đức Ludwig Feuerbach đã nói). Mạc khải nói rằng: “Thiên Chúa là niềm hạnh phúc,” nhưng con người đảo lại trật tự của nó và cho rằng: “Hạnh phúc là Thiên Chúa!”

Khi làm như thế, điều gì xảy ra ở đây? Bởi lẽ, sống trên trái đất này, chúng ta không thể có hạnh phúc hoàn hảo và tuyệt đối; cũng vậy, chúng ta không thể có tình yêu tuyệt đối. Chúng ta chỉ biết và nếm hưởng một phần nào đó về hạnh phúc. Hạnh phúc ở trần gian qua nhanh và chúng ta cảm thấy hạnh phúc chỉ kéo dài một thời gian. Như thế, khi chúng ta nói: “Hạnh phúc là Thiên Chúa,” chúng ta đã thần hóa những kinh nghiệm nhỏ bé của mình; chúng ta cho những thành công, những thành quả do bàn tay hoặc trí tuệ con người làm ra là “Thiên Chúa.” Chúng ta biến hạnh phúc chúng ta thành một thần tượng hay đúng hơn thành một thứ ngẫu tượng. Điều này lý giải tại sao người tìm kiếm Thiên Chúa thì luôn tìm thấy niềm vui, trong khi đó người tìm kiếm niềm vui lại không luôn tìm thấy Thiên Chúa. Con người giảm thiểu việc tìm kiếm niềm vui của mình theo số lượng: người ta tìm cách gia tăng nhiều hơn sự vui thú và khoái cảm, hoặc tăng thêm sự hưởng lạc trong các thú vui – giống như người nghiện ma túy cần những liều nặng để có mức độ khoái cảm mạnh hơn.

Chỉ có Thiên Chúa là hạnh phúc và làm cho chúng ta hạnh phúc. Đây là lý do tại sao Thánh Vịnh nói:

“Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4).

Trong Thiên Chúa, cả những niềm vui của cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng không bị lấy đi, hoặc biến thành nỗi lo lắng, nhưng được làm cho phong phú hơn và ý nghĩa hơn, ngọt ngào hơn. Chúng ta không chỉ tìm kiếm niềm vui thiêng liêng mà còn cả những niềm vui nhân bản cao quý: như niềm vui từ gia đình vì thấy đứa con mình lớn lên, niềm vui từ tình bạn, sức khỏe, sáng tạo, nghệ thuật, cả lúc nhàn rỗi và lúc thưởng thức cảnh đẹp tự nhiên. Chỉ có Thiên Chúa có thể làm cho miệng của một vị thánh phải kêu lên: “Lạy Chúa, có Ngài là đủ làm con vui rồi! Lòng con không cần gì thêm!”

Trong Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy mọi sự mà con người thường diễn tả bằng từ hạnh phúc. Người là niềm hạnh phúc vô biên và tuyệt đối; Người là “điều mắt chưa từng thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

Đây là lúc để chúng ta công bố “tin vui” với một sự can đảm lớn lao rằng Thiên Chúa là hạnh phúc và niềm hạnh phúc này sẽ không còn đau khổ, không bị tước đoạt, không còn thập giá mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong ngày sau hết. Đó là phần thưởng cuối cùng cho những ai yêu mến Người. Trong cái nhìn đó, đau khổ được dùng để tháo gỡ những sự cản trở đối với niềm vui, để mở lòng chúng ta ra đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao như thế trong ngày cánh chung. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Có một niềm trăn trở
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
15:48 13/12/2019

Chúa Nhật III Mùa Vọng A

Suốt đời thánh Gioan Tẩy giả trung thành thờ phượng Chúa, trung thành trong sứ mệnh tiên tri Chúa trao phó, đến nỗi bất chấp mọi nguy hiểm đe dọa mạng sống, phản đối tội lỗi vua chúa, phản đối cả hoàng triều Hêrôđê Antipas.

1. Trăn trở của thánh Gioan.

Như bao nhiêu người Dothái cùng thời, thánh Gioan mong mỏi Đấng Cứu Chuộc trần gian đến giải thoát con người.

Chúa Giêsu xuất hiện, mọi người hy vọng Chúa chính là Đấng Cứu Chuộc sẽ nổi dậy cứu dân khỏi bàn tay bạo quyền, khỏi áp bức, khỏi cảnh bị đô hộ...

Càng hy vọng, người ta càng mỏi mòn. Trong khi đó thì "ông Gioan đang ở trong tù" vì Hêrôđê Antipas muốn bịt miệng ngài, bởi dám chống lại việc nhà vua sống loạn luân cùng chị dâu.

Một đời yêu mến Chúa, hăng say làm chứng cho công lý và chân lý, trung thành với Thiên Chúa, với đức tin, với lề luật, lẽ ra phải được bình an, phải hạnh phúc, phải được cảm nhận sự nâng đỡ của Thiên Chúa, thì ngược lại, bây giờ lại phải ngồi tù, mạng sống không bảo đảm chút nào, nhưng bị đe dọa từng ngày, hình như thánh Gioan chới với hơn, chao đảo hơn.

Đau khổ và cô đơn dễ gây nao núng. Trong tăm tối của nhà tù, thánh Gioan như bị giao động. Qua môn đệ, thánh nhân nặng lòng cất tiếng hỏi Chúa: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.

Hình như nội tâm thánh Gioan đang diễn ra cuộc chiến đấu, bởi lời hỏi cho thấy sự trăn trở, dằn co, xung khắc. Nói mạnh hơn, hình như bên trong cõi hồn, thánh nhân không có bình yên như chính sự ngồi tù vậy.

Một mặt, thánh Gioan biết rõ, Đấng Thiên Sai là Đấng quyền năng, xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng thống trị toàn dân, Đấng được Thiên Chúa xức dầu phong vương trên trời dưới đất, không có bất cứ sức mạnh nào có thể sánh ví.

Mặt khác, nhìn vào thực tế, thánh nhân nhận ra Chúa Giêsu là chính Đấng Thiên sai của Thiên Chúa.

Nhưng những gì đang diễn ra thì không như thánh Gioan hiểu: Chúa Giêsu như chẳng có quyền hành gì. Chúa im lặng trước bao nhiêu bất công. Chúa không có hành động nhỏ nào trước tình trạng đất nước và dân tộc là chính đất nước và dân tộc của mình bị đô hộ. Không ai thấy nơi Chúa biểu hiện gì là giải thoát chốn trần thế. Người chỉ hứa ban hạnh phúc xa xôi phía sau cái chết.

Nỗi hoang mang của thánh Gioan có lý do: Tại sao Đấng Thiên sai, Đấng Cứu tinh trần thế đã đến rồi, mà nhân loại vẫn cứ còn đó bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu nghi nan, bao nhiều tối tăm giăng mắc và đè bẹp… Phải chăng còn phải chờ đợi Đấng cứu tinh trần thế nào khác, chứ không phải Chúa Giêsu Kitô?

3. Trăn trở của thánh Gioan cũng là của chúng ta.

Qua năm tháng sống đức tin, nhất là đọc nhiều mẫu gương các thánh, tôi hiểu, các thánh không tự nhiên trở thành thánh. Các ngài là những anh hùng của đức tin. Các ngài dọi sáng sự kiên cường của đức tin cho chúng ta trong mọi cảnh huống của đời mình, dù hứng chịu không biết bao nhiêu thăng trầm.

Đặc biệt, khi phải vật lộn cùng thử thách đeo bám cả đời, các thánh vẫn một mực tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, dám ngã vào vòng tay Chúa để đi đến cùng cuộc chiến đầy thương tích giành lấy đức tin.

Thánh Gioan không là trường hợp ngoại thường. Thánh nhân chịu thử thách. Cuộc thử thách liên quan đến chính mạng sống. Thánh nhân sẽ bị giết bởi âm mưu của Hêrôđia (chị dâu và vợ ngoại hôn của vua Hêrôđê) và bàn tay vấy máu của Hêrôđê, một ông vua nhu nhược để chị dâu, kẻ lăn loàn với mình, giật giây.

Ngoài ra, dân tộc Dothái đang nô lệ dưới gót giày Lamã. Sự nhiễu nhương của thời đại, cũng là yếu tố tác động không nhỏ lên nội tâm của thánh Gioan.

Hiểu như thế, ta thấy câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” của thánh Gioan không đơn giản chỉ là câu hỏi cá nhân, nhưng còn phản ánh nỗi nhục nhằn, lời than thở của dân tộc, của tất cả những ai tin vào Chúa...

Nhiều lần mất bình an, chúng ta đã nghi ngờ Chúa, trách móc Chúa: “Có Chúa không? Tại sao Chúa lại để tôi phải khổ sở thế này?”.

Đành rằng, chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng hãy nhớ, theo Chúa không là nhung là lụa, gấm vóc, nhưng theo Chúa là vác thập giá đời mình.
Hiểu như thế, ta sẽ bắt chước thánh Gioan sống tiếp cuộc đời mình và can đảm đón nhận tất cả những biến động trong cuộc đời ấy.
Nếu thánh Gioan đã đổ máu cho đức tin, chúng ta cũng hãy sống cuộc sống tử đạo từng ngày, suốt đời.
Hãy bắt chước các thánh mà tiến lên trong tinh thần vâng phục và phó thác. Đừng tìm an thân, nhưng lao vào cuộc chiến dành lấy phần thắng cho đức tin thêm lung linh, thêm tỏa sáng.
Hãy nên giống như Chúa Giêsu, hoàn thành cây thập giá không phải trong một ngày, một buổi, nhưng là suốt chiều dài của đời mình.
Hãy xác tín rằng, đạo là đường dẫn ta đi qua thử thách của đời này để vinh hiển bước vào đời vĩnh cửu.

 
Vui vì Chúa đến cứu độ
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:51 13/12/2019

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng vui quá. Vui quá xá nên cha mặc áo lễ màu hồng cứ như làm lễ cưới vậy, chỉ tội thiếu cô dâu. Hihii

Sống ở đời ai cũng thích vui, người trẻ lại càng ham vui. Điều mấu chốt là ở chỗ: Niềm vui nào? Làm gì để có niềm vui? Thưa, đó không phải là niềm vui hưởng thụ có được nhiều thứ, không phải là niềm vui thỏa mãn thân xác, mà đó là niềm vui tin tưởng xác tín rằng: tôi được Chúa yêu thương, tôi được Chúa cứu độ.

1.Vui vì được Chúa yêu thương. Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy: Người ta cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất khi đang yêu và được yêu. Đây không chỉ là tình yêu nam nữ lứa đôi, mà còn là tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ con cái, và trên nhất là tình Chúa yêu con người. Chính Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối, vô biên. Vì thế, Thiên Chúa tình yêu trở thành nguồn vui của chúng ta, khiến cho đời ta luôn chất ngất những niềm vui.

2.Vui vì được Chúa cứu độ. Ngôn sứ Isaia đã kêu gọi thế giới loài người sa ngã như sa mạc đồng khô chết chóc hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa, và hãy hân hoan múa nhảy reo hò. Hãy rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu vì loài người được Chúa cứu độ. Hãy hớn hở tươi cười vì người bệnh tật được chữa lành, người bị áp bức được giải thoát, người đói khát được ăn uống no nê, mọi đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

Có thể nói rằng: Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu như một quà tặng vô giá làm cho cả nhân loại chan chứa niềm vui tình thương và sự sống. Thế nên, chúng ta hãy mở lòng ra đón Chúa ngự vào để mỗi người cũng trở nên quà tặng đem niềm vui cho người khác. Trở thành quà tặng bằng cách cố gắng sống một lối sống trưởng thành toàn diện cả thể xác lẫn tâm hồn, cả tâm lý lẫn tâm linh. Trưởng thành như thế sẽ làm cho Chúa vui, gia đình vui, và chính bản thân mình cũng tràn ngập niềm vui. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu tác phẩm của Đại Giáo sư Fiorito: một giấc mơ vĩ đại, phát sinh nhiều hoa trái.
Thanh Quảng sdb
18:04 13/12/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu tác phẩm của Đại Giáo sư Fiorito: một giấc mơ vĩ đại, phát sinh nhiều hoa trái.

Nhân dịp kỷ niệm lễ Kim khánh 50 năm trong sứ vụ linh mục của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Nhà Mẹ, Trung tâm Dòng Tên tại Rome và giới thiệu một sưu tập gồm 5 bộ sách thu tập các tác phẩm của cha giáo Miguel Angel Fiorito SJ, một linh mục dòng Tên người Argentina qua đời vào năm 2005; Người có nhiều đệ tử, và học sinh trong đó có Đức Thánh Cha Phanxicô. Bộ sưu tập được linh mục Jose Luis Narvaja SJ biên soạn và được nhà xuất bản “La Civiltà Cattolica” phát hành.
(Tin tức Vatican)

Trong Lời phi lộ cho bộ sưu tập các tư tưởng của Cha Miguel Angel Fiorito, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả ấn bản này là một nguồn tài liệu vô cùng phong phú cho chúng ta, lưu lại những lời giảng dạy của một đại giáo sư trong nhiều năm qua. Bộ sưu tập này sẽ giúp ích cho toàn thể Giáo hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tự mình giới thiệu bộ sưu tập gồm 5 cuốn này; nên đích thân ngài đã đến thăm Trung tâm Dòng Tên nhân dịp kỷ niệm 50 năm truyền chức linh mục của ngài và tham dự cuộc hội thảo về Cha Miguel Angel Fiorito SJ, người mà ngài coi là vị linh hướng của ngài.

Vị thầy của đối thoại
Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bài phát biểu của mình bằng gọi Cha Fiorito là vị thầy của đối thoại! Ngài là một người ít nói nhưng biết lắng nghe; người biết lắng nghe là người có khả năng biện phân, một yếu tố căn bản cho việc đối thoại. Cha Fiorito đã sống và giảng dạy bằng việc đối thoại giữa thầy và trò, đối thoại với các tác giả và tác phẩm của họ, đối thoại giữa lịch sử và Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: dù cha ấy là một giáo sư Triết học nhưng lại rất đam mê về đời sống tâm linh. Chính ngài là người đã dạy cho cá nhân tôi cách thức biện phân... Cha ấy có cách làm khơi dậy những tiềm thức đam mê để tự mình đối thoại với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay: Bộ sưu tập của Cha Fiorito đã bộc lộ được tinh thần ấy, nó sẽ giúp ích cho những ai không biết bộc lộ những tâm tư thầm kín của mình, cung cấp cho chúng ta những lời khuyên hữu ích và chỉnh sửa những sai xót và ủi an những ai đang buồn đau, nâng đỡ những ai đang gặp khủng khoảng!

Bậc thầy biết lắng nghe
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả cách lắng nghe của cha Fiorito là truyền cảm hứng cho các sinh viên đến bàn hỏi với ngài, hầu nhận ra những lời khuyên của ngài. Cha có một thái độ trung dung không nghiêng về bên này hay bên kia, vì theo ngài chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa mới là người giao tiếp và hướng dẫn...
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: Cha Fiorito biết "đứng ngoài" các vấn đề, chứ không can dự vào. Ngài lắng nghe bạn trong thầm lặng, và thay vì giảng giải, ngài đưa cho người đến bàn hỏi một tờ giấy và mời người ấy hãy nhìn vào chính lòng họ mà tìm ra đáp án. Cha Fiorito giống như một bác sĩ khôn ngoan của tâm hồn.
Sau khoảng khắc suy tư, chắc hẳn người đó đã tìm ra được vài ý tưởng cho đường đời của họ và với kinh nghiệm phong phú của cha Fiorito Ngài sẽ giúp cho người người ấy con đường đem lại nhiều hoa trái tâm linh…

Vị thầy của lòng kiên nhẫn
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật sự kiên nhẫn của cha giáo này trước những người cứng cỏi và bướng bỉnh...
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trưng dẫn một số kỷ niệm riêng tư cá nhân của chính ngài về cha Fiorito. Ngài so sánh cha giáo Miguel Ángel Fiorito với các bậc đại sư của Học viện Massimo Thánh Giuse, cha đã xây dựng một nền tảng vững chắc hầu đem lại nhiều hoa trái cho hậu thế.
Đức Thánh Cha hy vọng nhờ bộ sưu tập tuyệt vời này sẽ nẩy sinh ra nhiều giấc mơ vĩ đại, mang lại nhiều hoa trái cho cuộc sống của nhiều người trong việc tập luyện và phát triển đời sống tâm linh.
 
Đức Phanxicô: ý tưởng tuyên bố Đức Maria như Đấng Đồng Công Cứu Chuộc là một điều ngớ ngẩn
Vũ Văn An
18:20 13/12/2019
Theo nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux (https://cruxnow.com/vatican/2019/12/pope-calls-idea-of-declaring-mary-co-redemptrix-foolishness/), Đức Phanxicô đã thẳng thừng bác bỏ các đề nghị của một số giới thần học muốn thêm tước hiệu “đồng công cứu chuộc” vào danh sách các tước hiệu của Trinh Nữ Maria. Ngài nói rằng Mẹ Chúa Kitô không bao giờ lấy bất cứ điều gì vốn thuộc Con của ngài, và gọi việc sáng chế ra các tước hiệu và tín điều mới là “chuyện ngớ ngẩn” (foolishness).



Đức Phanxicô nói, “Đức Mẹ không bao giờ muốn cho mình điều vốn thuộc Con của ngài”. Đức Giáo Hoàng cho hay “Ngài không bao giờ tự giới thiệu mình là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc cả. Không, là môn đệ thôi”, nghĩa là Đức Maria coi mình như là môn đệ của Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, "Đức Maria không bao giờ đánh cắp cho mình bất cứ điều gì vốn là của Con mình”, thay vào đó là “phục vụ Người. Vì ngài là bà mẹ. Ngài chỉ biết cho đi sự sống”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh “Khi họ đến với chúng ta với câu chuyện tuyên bố cho Đức Mẹ điều này điều nọ hoặc đưa ra tín điều này tín điều nọ, chúng ta đừng sa vào sự ngớ ngẩn đó”.

Lời lẽ trên của Đức Phanxicô, phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, đã diễn ra trong khi cử hành Thánh lễ tối thứ Năm tại Rôma nhân Lễ Đức Mẹ Guadalupe.

Tước hiệu của Đức Maria như là “Đấng Đồng Công Cứu Chuộc” đã có từ thời Trung cổ, và ý tưởng tuyên bố nó như một tín điều của Giáo Hội đã được thảo luận, dù không được chấp nhận, tại Công đồng Vatican II. Vào những năm 1990, nhà thần học Công Giáo người Mỹ Mark Miravalle (1) đã đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu Đức Giáo Hoàng thực hiện một tuyên bố như thế, và ngày nay, lòng tôn sùng “Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc” có xu hướng mạnh nhất nơi các người Công Giáo bảo thủ hơn.

Điều Đức Phanxicô nói hôm thứ Năm phù hợp với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người đứng đầu Bộ giáo lý đức tin của Vatican trong hầu hết thời giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, và bây giờ là Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI.

Nói chuyện với Peter Seewald trong cuộc phỏng vấn dài sau ấn hành thành sách tựa là “Thiên Chúa và Thế giới: Một Cuộc Đàm Thoại”, vị Giáo Hoàng hưu trí, lúc đó là Hồng Y, đã nói rằng: “Công thức 'co-redemptrix' [đồng công cứu chuộc] đi quá xa khỏi ngôn ngữ Kinh thánh và các Giáo phụ, và do đó làm nảy sinh nhiều hiểu lầm”.

Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh “Như Thư gửi tín hữu Êphêsô và nhất là Thư gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta biết, mọi sự đều xuất phát từ Người; Đức Maria, cũng vậy, mọi sự Đức Mẹ là đều thông qua Người”. Từ ngữ ‘co-redemptrix’, sẽ che khuất nguồn gốc này. Một ý định đúng đắn được phát biểu cách sai lầm”.

Trong các nhận xét khác của ngài, Đức Phanxicô cho biết cuộc cử hành được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đoạn Tin Mừng được đọc và bức ảnh La Morenita [Đức Mẹ (2)] đứng cao trước mặt và ở bên cạnh bàn thờ khiến ngài nghĩ đến ba tĩnh từ dành cho Đức Maria: người đàn bà – Đức Bà – bà mẹ và mestiza (3).

Đức Giáo Hoàng nói, “Đức Maria tự giới thiệu ngài là một người đàn bà. Và ngài tự giới thiệu ngài với thông điệp của một người khác. Có nghĩa, ngài là người đàn bà và ngài là môn đệ”.

Đức Phanxicô nói, “Lòng đạo đức Kitô giáo, trong suốt các thời đại, luôn tìm cách ca ngợi ngài bằng các tước hiệu mới. Tất cả đều là những tước hiệu hiếu thảo” nhằm nói lên “tình yêu của dân Thiên Chúa, nhưng không hề đụng đến tư cách người đàn bà làm môn đệ của ngài”.

Đức Phanxicô nói, Thánh Inhaxiô thích gọi Đức Trinh Nữ là “Đức Bà”. Theo vị giáo hoàng người Argentina, “thì đơn giản là như thế. Ngài không mong đợi bất cứ điều gì khác. Ngài là đàn bà, ngài là đệ tử”.

Đức Giáo Hoàng cũng dẫn lời Thánh Bernard nói rằng không có lời khen ngợi nào đủ để nói về Đức Maria, nhưng cuối cùng, không có gì đại diện cho “tư cách môn đệ khiêm nhường” của ngài hơn là việc “trung thành với thầy của ngài, tức con trai của ngài, là đấng cứu chuộc duy nhất”.

Các lời lẽ trên của Đức Phanxicô đã được nói ra khi ngài cử hành Thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha cho hàng ngàn người tụ tập tại Nhà thờ Thánh Phêrô để đánh dấu ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, Quan thầy của Châu Mỹ và của Phi Luật Tân. Thánh lễ này là một truyền thống mà ngài đã bắt đầu trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài.

Sau đó, vị giáo hoàng chuyển sang tĩnh từ tiếp theo, đó là “bà mẹ”. Đức Maria là mẹ của mọi dân tộc, “đối với mọi người chúng ta”, “của trái tim chúng ta, của linh hồn chúng ta”, và cũng là mẹ của Giáo hội. Và ngài cũng là “một nhân vật trong Giáo Hội”.

Đức Giáo Hoàng nói, “Chúng ta không thể nghĩ đến Giáo hội mà không có nguyên tắc Thánh Mẫu này. Khi chúng ta tìm kiếm vai trò của người đàn bà trong Giáo hội, chúng ta có thể đi qua ngả chức năng tính, bởi vì người đàn bà quả có chức năng để hoàn thành trong Giáo hội, nhưng điều đó chỉ giúp chúng ta nửa chừng”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Đức Maria đàn bà, Đức Maria bà mẹ, không có bất cứ tước hiệu thiết yếu nào khác”. Ngay trong các Kinh Cầu (litanies), được đọc vào cuối chuỗi Mân côi, là các tước hiệu được dâng lên ngài bởi những đứa con yêu mến ngài và hát cho bà mẹ của họ nghe, nhưng cuối cùng, họ không thay đổi “yếu tính” của điều “Đức Maria, người đàn bà và là bà mẹ” của ngài.

Đức Giáo Hoàng nói, tĩnh từ thứ ba, có nghĩa Đức Maria trở thành “Mestiza” để là mẹ của mọi người. “Ngài trở thành mestiza với nhân loại. Bởi vì ngài đã làm cho Thiên Chúa trở thành mestizo. Và đây là mầu nhiệm cao cả: Đức Maria làm cho Thiên Chúa trở thành một mestizo, Thiên Chúa thực sự nhưng cũng là con người thực sự”.

“Đức Maria là đàn bà, là Đức Bà của chúng ta; Đức Maria là mẹ của Con ngài và của Giáo hội phẩm trật thánh thiện, người đàn bà của các dân tộc chúng ta nhưng là người đã biến Thiên Chúa thành một mestizo”.

Ghi chú

(1). Chúng tôi có loạt bài về chủ đề này trên VietCatholic News các ngày 7 tới 12 tháng 5, 2008, xin xem http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/54612

(2) La Morenita, một hạn từ Tây Ban Nha chỉ người đàn bà nói tiếng Tây Ban Nha da ngăm ngăm, một hạn từ trìu mến.

(3) Mestizo (giống cái mestiza) một hạn từ xưa nay được dùng ở Tây Ban Nha, Châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha và cả Phi Luật Tân để chỉ một người thuộc dòng máu lai Âu Châu và thổ dân Châu Mỹ, bất kể họ sinh ra ở đâu.
 
Đức Hồng Y Charles Bo can đảm kêu gọi hòa bình cho đất nước Miến Điện điêu tàn vì bạo lực
Đặng Tự Do
20:24 13/12/2019


Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa công bố một bức thư ngỏ của Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon kêu gọi chính quyền Miến Điện từ bỏ bạo lực.

Mở đầu lá thư Đức Hồng Y viết: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện từ bỏ vũ khí và bạo lực để đối thoại với tất cả các cộng đồng, mọi sắc tộc và tôn giáo, để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho nhiều thập kỷ xung đột, bắt đầu một tiến trình hòa bình, công lý, sự thật và hòa giải mới.”

Đức Hồng Y cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Miến Điện dùng tất cả năng lực và nỗ lực của họ “chăm sóc người nghèo và người đau khổ”, trong một quốc gia vẫn mang vết thương của những năm xung đột kéo dài. Đức Hồng Y Bo nhắc nhở mọi người rằng đó là nhiệm vụ của ngài, với tư cách là linh mục và mục tử, lên tiếng thay cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lễ xã hội và những người không có tiếng nói. Ngài nói: “Bây giờ là lúc tìm kiếm sự thật, công lý, hòa bình và hòa giải. Tôi là một linh mục, không phải là luật sư hay chính trị gia, vì vậy tôi sẽ không bình luận về các sáng kiến pháp lý quốc tế hiện tại. Nhưng tôi biết rằng để có hòa bình, cần phải có công lý, và để có hòa giải, cần phải có sự công nhận về sự thật.”

Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nghĩ đến phúc lợi của tất cả người dân Miến Điện. Ngài nói: “Đặc biệt, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo rằng, trong nỗ lực truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người, không trừng phạt những người không chịu trách nhiệm và không trừng phạt tất cả người dân Miến Điện. Cộng đồng quốc tế nên cẩn thận không áp dụng các biện pháp có thể làm tổn thương người nghèo nhất. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực của mình theo cách nhắm vào những người trực tiếp chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và những bất công nghiêm trọng”.

Trong thư, Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh vai trò tích cực của đối thoại liên tôn và cam kết hòa bình, hòa giải và công lý của Giáo hội, trong khi đất nước đang trải qua giai đoạn lịch sử rất cần được chữa lành. Ngài nhắc nhớ: “Trong bảy mươi năm, Miến Điện đã bị xâu xé bởi các cuộc xung đột sắc tộc, chế độ độc tài và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo đã dẫn đến sự đổ máu kinh hoàng, chết chóc, hủy diệt, nô lệ và lạm dụng.” Đức Hồng Y lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ, Miến Điện đã bị thế giới cắt đứt liên lạc. Trong bảy năm qua, một số dấu hiệu hy vọng và dấu hiệu của ánh sáng đã xuất hiện, rồi lại bị thay thế bằng những đám mây đen mới.

Đức Hồng Y kết luận: “Công lý và hòa bình song hành với nhau, sự thật và sự hòa giải đồng hành với nhau. Miến Điện cần sự giúp đỡ của thế giới để đi trên con đường của sự thật và sự tha thứ. Tôi cầu nguyện cho quốc gia của tôi và cộng đồng quốc tế, để cùng nhau chúng ta có thể tìm kiếm hòa bình thực sự”
 
Cảnh sát Victoria: cuộc điều tra Đức Hồng Y Pell nhằm mục đích đánh lạc chú ý của người dân đối với tai tiếng lớn của cảnh sát
Vũ Văn An
20:55 13/12/2019
Ed Condon của CNA (https://www.ncregister.com/daily-news/victoria-cops-cardinal-pell-investigation-could-distract-from-major-police)
mở lại hồ sơ cũ về việc cảnh sát của Tiểu Bang Victoria mở cuộc điều tra Đức Hồng Y George Pell nhằm làm dân chúng sao lãng, khỏi chú ý đến vụ tai tiếng lớn của họ.

Thực vậy, trong một e-mail đề ngày 1 tháng 4 năm 2014, Phó Ủy Viên Graham Ashton khuyên Charlie Morton, phụ tá giám đốc về các phương tiện truyền thông và truyền thông đoàn hội của cảnh sát Victoria, đừng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trả lời vụ tại tiếng “Luật Sư X”, vì các tuyên bố sắp diễn ra về Đức Hồng Y Pell sẽ đánh lạc các phương tiện truyền thông và sự chú ý của công chúng.

Condon quả quyết rằng các viên chức cao cấp của cảnh sát Victoria thảo luận bằng e-mail về cung cách cuộc điều tra Đức Hồng Y George Pell năm 2014 của họ sẽ đánh lạc sự tò mò của công chúng đối với tai tiếng thối nát đang nổi lên trong lực lượng của họ.



Trong một trao đổi e-mail của họ năm 2014, Phó Ủy Viên lúc ấy là Graham Ashton và Charlie Morton, phụ tá giám đốc về các phương tiện truyền thông và truyền thông đoàn hội của cảnh sát Victoria, đã thảo luận việc phải đáp ứng cách nào trước 1 tai tiếng lớn rất có thể phá nát tính khả tín trong các hoạt động của cảnh sát Victoria. Và như trên đã nói, Phó Ủy Viên Graham Ashton khuyên Charlie Morton đừng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trả lời vụ tại tiếng “Luật Sư X”, vì các tuyên bố sắp diễn ra về Đức Hồng Y Pell sẽ đánh lạc các phương tiện truyền thông và sự chú ý của công chúng.

Morton viết cho Ashton như sau: “vụ Pell sẽ diễn ra ngày mai và sẽ khiến vụ này biến mất khỏi trang đầu”.

Các e-mails trên bị phanh phui vào tuần này khi Ashton, nay là Ủy Viên Trưởng Cảnh Sát Victoria, ra làm chứng tại Ủy Ban Hoàng Gia điều tra việc sử dụng các nguồn tin của cảnh sát và tai tiếng Luật Sư X, trong đó, luật sự bào chữa hình sự Nicola Gobbo được thuê để làm việc như một người chỉ điểm chống lại các thành viên của Mafia Calabrian, trong khi cô đại diện cho một số họ trong tư cách luật sư.

Gobbo vốn cho rằng việc làm của cô như một chỉ điểm viên của cảnh sát Victoria trong các năm 1995-2009, bất chấp các vấn đề đạo đức nghề nghiệp và giữ bí mật cho khách hàng, đã dẫn đến 386 vụ kết án; nhưng nhiều vụ nay được tin là có hà tì, bị kháng án, và rất có thể bị bác bỏ.

Việc trao đổi e-mail giữa Ashton và Morton được phanh phui sau khi một người chủ tin tức truyền thanh ở Melbourne nhắc đến một câu truyện sắp diễn ra thành một trong “những tai tiếng lớn nhất về luật pháp và trật tự trong lịch sử [Tiểu Bang Victoria]” và tiên đóan nó sẽ đem lại kết quả này là “các kẻ giết người sẽ tự do bước đi”.

Một lệnh cấm sau đó của Tòa Án Tối Cao ngăn cản việc công bố tên của Gobbo, hay bất cứ tường trình truyền thông nào về vụ này từ năm 2014, 4.5 triệu dollars cố gắng luật pháp của cảnh sát Victoria nhằm giữ cho các chi tiết của vụ này khỏi tai mắt công chúng.

Tin tức nhắc đến việc Đức Hồng Y Pell bị sử dụng để đánh lạc các tường trình tiêu cực được tung ra chỉ hai tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Pell cải tổ việc tài chánh của Vatican, bằng cách đặt ngài phụ trách cơ quan mới thành lập là Văn Phòng Kinh Tế vào tháng Hai năm 2014.

Không rõ hai viên chức cảnh sát dự ứng thứ thông tin nào sẽ được công bố vào ngày hôm sau, dù vào tuần trước, Đức Hồng Y Pell đã ra làm chứng trước Ủy Ban Hoàng Gia điều tra việc lạm dụng tình dục trẻ em trong các định chế Công Giáo.

Năm 2013, cảnh sát Victoria mở Cuộc Hành Quân Tethering, một cuộc điều tra mở rộng xem liệu Đức Hồng Y có phạm tội gì không, dù không có nạn nhân nào xuất đầu lộ diện chống lại ngài vào lúc đó. Dù họ không tìm được một nạn nhân hay một tố cáo hình sự nào, chương trình năm 2015 đã được mở rộng, và được trình bầy với nhiều cơ sở chính thức hơn.

Năm 2017, Đức Hồng Y Pell bị tố cáo lạm dụng tình dục 2 thiếu nam. Ngài bị kết án năm 2018 dựa trên bằng chứng của 1 nạn nhân kiêm tố cáo viên duy nhất, người bị coi là nạn nhân thứ hai chết vì dùng quá liều heroin vào ngày 8 tháng 4 năm 2014, một tuần lễ sau khi cảnh sát Victoria trao đổi e-mail với nhau. Nạn nhân thứ hai này vốn bác bỏ nhiều lần rằng mình bị lạm dụng tình dục bởi Đức Hồng Y Pell.

Vụ kết án Đức Hồng Y bị Tòa Tối Cao của Victoria y án. Tòa Án Tối Cao Úc sẽ nghe vụ kháng án của Đức Hồng Y trong năm 2020.
Kể từ khi tòa án bãi bỏ lệnh cấm tường trình vào năm 2019, tai tiếng Luật Sư X đã phủ bùn lên các ủy viên trưởng cảnh sát liên tiếp của Victoria, tất cả đều biết vai trò của Gobbo như một người chỉ điểm bọn tội ác cho cảnh sát đồng thời là luật sư hình sự của chính bọn tội ác này.

Phần lớn việc làm của Gobbo như một luật sư là với các thành viên của Nhóm Ndrangheta, tức tổ chức mafia, ngành Calabrian, một tổ chức hoạt động mạnh cả ở Victoria lẫn toàn quốc, với những lời tố cáo đã hối lộ hàng triệu dollars cho các thẩm phán và những người có nối kết gần gũi với các chính trị gia địa phương Victoria thuộc cả hai đảng.
Các dây liên kết giữa ngành Ý và Úc của tổ chức này được nhiều người biết là rất gần gũi và liên tục.

Tai tiếng Luật sư X đã làm hoen ố một số số cựu cảnh sát trưởng của cảnh sát Victoria, tất cả đều biết vai trò của Gobbo nhưng đã để nó tiếp tục hành động. Ashton là người đầu tiên được báo cáo về hoạt động của cô ta năm 2007 khi ông ta còn là phụ tá giám đốc Phòng Liêm Chính Cảnh Sát, một bộ phận chống tham nhũng.

Ashton nói với Ủy Ban Hoàng Gia hôm thứ Ba vừa rồi rằng ông thấy không có lý do gì để hồ nghi “có bất cứ điều gì không tốt đang diễn ra” khi ông hay biết luật sư này hành động như người chỉ điểm cho cảnh sát chống lại chính các khách hàng của cô ta.

Gobbo, vốn là cháu gái của một chánh án Tối Cao Pháp Viện Victoria, từng cho biết cô sợ bị cảnh sát trả thù vì vụ tai tiếng này, nên đã từ chối việc được bảo vệ làm nhân chứng và cho rằng cảnh sát đe doạ bắt cóc con cái cô lấy cớ bảo vệ an ninh để buộc cô phải hợp tác.

Đầu tuần này, cô cho các phương tiện truyền thông Úc hay “đây không phải là lần đầu tiên họ [cảnh sát Victoria] đe dọa tôi liên quan đến việc đi dây và làm sự việc theo cách của họ nếu không họ sẽ bắt các con của tôi”.

Lực lượng cảnh sát Victoria là đầu đề của nhiều tai tiếng trong mấy năm qua. Ngoài các tố cáo liên quan tới Gobbo ra, một bản phúc trình năm 2017 cho thấy gần một nửa (46%) nhân viên cảnh sát Victoria tin rằng họ sẽ bị ảnh hưởng bản thân nếu báo cáo việc tham nhũng, với 1 trong 5 người nói rằng họ sẽ mất việc vì việc này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa Huấn Luyện Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc
CGVN Nam Úc
00:25 13/12/2019
Ơn sủng của Thiên Chúa đã ban đến tràn đầy cho Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc trong mùa Giáng Sinh 2019, vì đã rất vinh dự được đón tiếp ông Đặng Minh An, Phó Giám Đốc cơ quan truyền thông VietCatholic, để được huấn luyện về các kỹ thuật truyền thông, từ ngày 09 tháng 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2019.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Tuyên Úy, Ban Mục Vụ và một vài thành viên của Ban Thông Tin nên các thiết bị, máy móc sử dụng cho khóa học 5 ngày đã được chuẩn bị đầy đủ.

Vào 10 giờ sáng ngày 09/12, trước khi dâng lời nguyện khai mạc để mở đầu cho tuần lễ huấn luyện của Ban Thông Tin, Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh Tâm đã có đôi lời cám ơn Trưởng Ban Thông Tin là Sơ Maria Trần Thị Thu Trang, Phụ Tá Mục Vụ, cũng là người điều hợp khóa huấn luyện. Đức Ông cũng đặc biệt cám ơn ông Đặng Minh An đã hy sinh thì giờ quý báu, đến từ tiểu bang Tây Úc xa xôi để giúp đỡ Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, hầu các thành viên và các hỗ trợ viên có cơ hội học hỏi về kỹ thuật truyền thông, nhằm ứng dụng và phát triển các sinh hoạt của Ban Thông Tin. Đức Ông Quản Nhiệm đã chia sẻ: vấn đề thông tin bao giờ cũng rất quan trọng, giúp mọi người mở mang kiến thức và giúp loan báo Tin Mừng, để có thể qua các bài viết, qua hình ảnh, góp phần chuyển tải thông tin, duy trì và phát triển Giáo Hội. Các thành viên Ban Thông Tin cần kết hợp với nhau trong công việc và giúp nhau học hỏi, thêm phấn khởi và qua công việc, sẽ phát triển các hoạt động, nhằm thăng tiến hơn nữa sứ vụ truyền thông đã được trao phó.

Trong phần trình bày, ông Đặng Minh An trước hết cám ơn nhiệt tình đóng góp của anh chị em trong công tác truyền thông. Sau đó, ông An cũng đã có đôi lời giới thiệu về cơ quan truyền thông VietCatholic.

Cuối thế kỷ vừa qua, đã xảy ra một cuộc cách mạng trong kỹ thuật truyền thông cùng với sự ra đời của “internet”. Trong bối cảnh đó, VietCatholic đã được thành lập vào ngày Lễ Các Thánh, 01/11/1996. Như thế, VietCatholic đã có mặt hơn 23 năm nay.

Khởi đầu, công việc của VietCatholic chỉ giới hạn trong phạm vi dịch thuật các tài liệu từ Tòa Thánh như các Tông Thư, Tông Huấn, bài giảng của Đức Thánh Cha, và các tin tức từ các cơ quan thông tấn Công Giáo… Đến năm 2005, VietCatholic mới bắt đầu khai thác các videos từ đài truyền hình trung ương Tòa Thánh.

Ông Đặng Minh An cũng đề cập tới 3 khuyến cáo dành cho các cơ quan truyền thông Công Giáo, được lặp lại nhiều lần trong các tài liệu của Tòa Thánh.

Thứ nhất, chúng ta cần có nhiều cách trình bày đa dạng. Về mặt sư phạm mà nói, một cách trình bày cụ thể có thể chỉ phù hợp với một nhóm người nào đó mà thôi. Có khi nó phù hợp với các bậc thức giả, các linh mục, tu sĩ nhưng có thể khó hiểu đối với anh chị em giáo dân ít được tiếp cận với các kiến thức uyên thâm về thần học, tín lý và giáo hội học. Vì vậy các phương tiện truyền thông cần tìm ra nhiều phương cách đa dạng cho phù hợp với nhiều người, nhiều giới.

Vấn đề thứ hai cần lưu ý, đó là chúng ta đang sống trong “cuộc chiến giành giật các linh hồn”. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ thì các kỹ thuật truyền thông cũng dảnh cho tất cả mọi người, trong đó có những nhóm hoạt động không phù hợp với đường lối của Giáo Hội. Một ví dụ điển hình là các phim ảnh khiêu dâm. Theo nghiên cứu của trường đại học Georgetown của Hoa Kỳ, trong phạm vi người Công Giáo, có đến 40% người nam đã vào xem các hình ảnh khiêu dâm, trong đó 24% ở trong trình trạng nghiện ngập, tức là quyến luyến với tội lỗi. Ngay cả ở người nữ, ít nhất 22% cũng rơi vào tình trạng này. Tại Ái Nhĩ Lan, một đất nước có truyền thống Công Giáo, nhưng khi chính quyền cho người dân bỏ phiếu về vấn đề cho phép phá thai, đã xảy ra tình trạng mà giới truyền thông gọi là bội giáo của cả một quốc gia. Các kỹ thuật truyền thông và khả năng lèo lái tâm lý quần chúng đã được huy động để mô tả hành vi giết các thai nhi vô tội qua các hạn từ như yêu thương, trách nhiệm, nhân quyền của phụ nữ.

Ngay trong nội bộ Giáo Hội cũng có những nhóm tham gia vào các hoạt động truyền thông nhằm đưa ra các luận điểm nghịch lại với đức tin Kitô, chống báng Đức Giáo Hoàng. Tính chất nặc danh của các kỹ thuật truyền thông mới cũng đưa đến tình trạng các thư rơi, email nặc danh với mục đích lèo lái các cộng đoàn đi theo những chiều hướng nhất định. Nếu không được thì tìm mọi cách để phỉ báng, bất kể đối tượng bị phỉ báng là ai.

Chính vì thế, các cộng đoàn nên hiện diện thường xuyên trên mạng lưới điện toán toàn cầu, giới thiệu đầy đủ và kịp thời các hoạt động của mình, góp phần hình thành một dư luận ngay chính có khả năng tập hợp các thành viên, cổ võ cho một tâm tình yêu thương, hiệp nhất trong cộng đoàn.

Tóm lại, trước năm 2005, công việc của cơ quan truyền thông VietCatholic chỉ gói gọn trong phạm vi dịch thuật; nhưng sau năm 2005, VietCatholic đã tận dụng mọi phương tiện để có được nhiều phương thức thông tin khác nhau, để phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau và để tiếng nói của Giáo Hội đến tai mọi người một cách thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Nhân dịp nầy, Ông Đặng Minh An, Phó Giám Đốc VietCatholic cũng đã đưa ra nhận định: cơ quan truyền thông VietCatholic vẫn còn nhiều việc cần phải làm nhưng chưa làm được vì thiếu nhân lực, chẳng hạn như vấn đề đi sâu vào các chủ đề hôn nhân, gia đình và giới trẻ… Vì vậy, VietCatholic rất mong muốn có được sự hợp tác, tham gia của các cộng đoàn, để các giáo xứ bước đầu có thể trình bày những thông tin về giáo xứ của mình và bước kế tiếp, có thể phụ trách một trang mạng nào đó về những vấn đề đang nóng bỏng của xã hội hiện nay.

Theo ông Phó Giám Đốc VietCatholic cho biết, về những thông tin của Tòa Thánh thì VietCatholic đã có sẵn, các giáo xứ chỉ nhận, dịch ra và trình bày mà thôi, nhưng vấn đề quan trọng là cần có sự tham gia của các giáo xứ, để tiếng nói của Tòa Thánh được lan rộng và vang xa.

Ông Đặng Minh An cũng nhấn mạnh là về mặt kỹ thuật truyền thông thì đã có những chương trình được cài đặt để giúp cho việc thực hiện video dễ dàng và việc kêu gọi sự tham gia của nhiều người ở các giáo xứ thường cũng không gặp nhiều trở ngại, nhưng điều cần thiết là tinh thần đoàn kết và gắn bó với nhau trong sứ vụ được trao phó. Bước đầu nếu có gặp khó khăn trong công việc thì đã có sự hỗ trợ của VietCatholic cũng như của Tòa Thánh.

Sau một tuần lễ được huấn luyện, các thành viên Ban Thông Tin và các hỗ trợ viên của Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã có cơ hội học hỏi về các chương trình cài đặt software, về rất nhiều các kỹ thuật truyền hình và phương cách làm phim, video. Hơn thế nữa, qua những ngày cùng học hỏi với nhau, tinh thần làm việc nhóm càng được nâng cao và có được một môi trường làm việc thật liên kết, đầy hứng thú, lạc quan và tin yêu.

Tuần lễ huấn luyện đã giúp cho các thành viên Ban Thông Tin học hỏi và khám phá được nhiều điều thú vị, hấp dẫn, từ công việc chỉnh hình, lồng tiếng, đọc tin đến cách ráp nối hình ảnh, quay phim, thu video… với rất nhiều bài tập thực hành, để có thể ứng dụng vào một công việc đòi hỏi nhiều tư duy, sáng tạo, để thấy ơn Chúa thật tràn đầy cho mỗi tham dự viên của khóa học. Tuy nhiên, mọi sự không dừng lại ở những phương tiện hay kỹ thuật truyền thông mà chính là mọi người đều cảm thấy mở rộng được tầm nhìn của mình về một thế giới thật huyền ảo, mới lạ, mà nơi đó, sứ vụ của những người làm công tác truyền thông là đem Chúa và Giáo Hội đến gần và sống động hơn đối với mọi tín hữu cũng như những người mà đức tin còn đang lẩn khuất hay ngay cả với những người chối bỏ đức tin.

Năm ngày học tập đã kết thúc bằng một bữa tiệc mừng do Sơ Maria Trần Thị Thu Trang, Trưởng Ban Thông Tin khoản đãi, với sự có mặt của Đức Ông Quản Nhiệm, ông Đặng Minh An, Ban Thông Tin và các hỗ trợ viên cùng các thành viên Ban Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, để mọi người có được những giây phút cùng tâm tình, chuyện trò vui vẻ bên nhau và cùng hướng về một tương lai đầy lạc quan, tin yêu với đức tin ngời sáng và Tin Mừng sẽ được lan xa...

Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc
 
Bài đáp từ của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
+Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
15:37 13/12/2019
Bài đáp phát biểu của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa, các nghi thức chiều hôm qua và thánh lễ tạ ơn hôm nay được diễn ra trong bầu khí hiệp thông và cảm tạ. Tôi cảm nhận được Chúa và Giáo hội đang nói với tôi: giám mục là con người của hiệp thông và biết ơn. Chiều hôm qua trong giờ kinh chiều tại Tòa Giám Mục, nghi thức tuyên xưng đức tin đưa tôi vào nền tảng của hiệp thông làniềm tin vào Thiên Chúa, đồng thời nghi thức tuyên thệ trung thành dẫn tôi vào sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và toàn thể Giáo hội. Một cách cụ thể hơn nữa, sự hiệp thông này được thể hiện một cách sống động trong thánh lễ hôm nay. Qua việc trao tông sắc bổ nhiệm của ĐTC và việc thực hiện quyết định của tông sắc qua việc tôi nhận ngai tòa giám mục cùng với sự đón nhận của mọi thành phần dân Chúa của Giáo phận phan thiết dành cho tôi. Chínhtrong sự hiệp thông này mà tâm tình nổi bật đã được gợi lên trong tôi, là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn với mọi người. Trước hết, tôi cảm tạ Thiên Chúa và biết ơn ĐTC Phanxicô đã yêu thương, tin tưởng và bổ nhiệm tôi làm giám mục Giáo phận Phan Thiết. Tôi cảm ơn Đức TGM Marek Zalewski, vị đại diện của tòa thánh tại Việt nam, và qua ngài tôi muốn bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn đối với ĐTC Phanxicô và với Tòa Thánh, cụ thể là Đức Hồng Y FerdinoFiloni, nguyên bộ trưởng bộ rao giảng Tin mừng cho các dân tộc.

Lời cám ơn thứ hai là với Đức Tổng Giám Mục Giuse, Tổng Giáo phận Huế, chủ tịch HĐGMVN, Đức Tổng Giuse, Tổng Giám mục tổng Giáo phận Hà Nội, và Đức Tổng Giuse, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn; ĐHY Phêrô cùng tất cả các Đức Cha của HĐGM đã hiện diện trong thánh lễ hôm nay, để tạ ơn Chúa với con, để nâng đỡ con và giới thiệu con một cách tràn đầy yêu mến với cộng đoàn dân Chúa tại Phan Thiết này.

Tiếp đến là lời cám ơn đặc biệt của con dành cho Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm. Sau khi đức cha Giuse Vũ Duy Thống qua đời, dù đã nghỉ hưu, nhưng Đức Cha Tômavì lòng yêu thương Giáo hội, đã chấp nhận lời đề nghị của tòa thánh làm Giám quản Tông Tòa để chăm sóc và hướng dẫn cộng đoàn giáo phận phan thiết, nhất là trong thời gian vừa qua, dc tôma đã hết lòng chuẩn bị cho việc con về nhận giáo phận Phan Thiết. Chỉ trong vòng 9 ngày, từ ngày 3.12, khi văn phòng báo chí tòa thánh thông báo bổ nhiệm cho đến ngày nhậm chức hôm nay là 12.12, Đức cha đã vô cùng khéo léo sắp xếp và tổ chức ngày lễ hôm nay. Con xin chân thành cám ơn Đức cha.

Con cũng cám ơn tất các quý khách, họ hàng thân nhân xa gần, đặc biệt là phái đoàn của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi con đã được sinh ra, được nuôi nấng, lớn lên, được giao nhiều trách vụ tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Hôm nay, cha Tổng đại diện, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân của Sài Gòn vì yêu thương đã không quản ngại thời gian và đường xa đưa tiễn con đến nhận sứ vụ mới.

Giờ đây, con xin phép các đấng và mọi người cho con có đôi lời ngỏ với mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận Phan Thiết. Xin kính chào toàn thể quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và toàn thể anh chị em, và cả các em thiếu nhi Giáo phận Phan Thiết. Kể từ hôm nay, tôi chính thức thuộc về gia đình Giáo phận Phan Thiết. Trước hết, tôi xin cám ơn tất cả mọi người, qua các linh mục, tu sĩ, giáo dân đại diện trong nghi thức tiếp nhận vừa qua, đã đón nhận tôi và sẵn sàng vâng phục để cùng với tôi, giúp tôi thực hiện sứ vụ mục tử tại Giáo phận Phan Thiết này, cùng nhau xây dựng giáo phận. Giờ phút này đây, hai câu lời Chúa của Thánh vịnh 61 của giờ kinh chiều hôm qua vẫn còn âm vang trong tôi: một câu dành cho tôi và một câu dành cho Giáo phận Phan Thiết. Đó là 2 câu của Tv 61,2-13 với tựa đề ‘an bình trong tay Chúa’. Trước hết, qua câu Thánh vịnh 6 và 7, Lời Chúa như an ủi và nâng đỡ tôi: “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Duy Người là núi đá là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che, tôi chẳng hề nao núng”. Trước trách nhiệm là Giám mục Giáo phận Phan Thiết, một môi trường rất rộng, rất lớn đối với tôi, tôi thấy lo lắng. Nhưng Lời Chúa an ủi tôi với hai hình ảnh: trước hết, lời Chúa là nơi nghỉ ngơi bồi dưỡng tôi, tôi không cần tìm sự nghỉ ngơi nơi bất cứ thụ tạo nào khác -Lời Chúa đang nói với tôi, “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hỡi, hãy nghỉ ngơi yên hàn”; và hình ảnh thứ hai, Chúa là niềm hy vọng và đồi núi chở che tôi trước những khó khăn khi thi hành sứ vụ -Lời Chúa an ủi nâng đỡ vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, “duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che, tôi chẳng hề nao núng”. Tiếp đến, với cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Phan Thiết, lời Chúa trong Tv 61,9 mời gọi mọi người trong Giáo phận Phan Thiết hãy tin tưởng vào Chúa, chạy đến với Chúa khi gặp những khó khăn thử thách, trong gia đình, trong giáo xứ, trong giáo phận. Lời Chúa đang ngỏ với mọi thành phần trong Giáo phận Phan Thiết chúng ta. Trong câu 9 “hỡi dân Ta, hãy tin tưởng vào Chúa luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can. Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu”.

Kính thưa toàn thể cộng đoàn Giáo phận Phan Thiết, điều tôi ước mong và muốn ngỏ với cộng đoàn trong ngày đầu tiên tại Giáo phận Phan Thiết là chúng ta hãy phó thác toàn thể giáo phận cho Thiên Chúa, lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa qua Lời Chúa, qua Giáo hội, qua HĐGMVN, và trong những lúc khó khăn, chúng ta cùng chạy đến với Chúa, nương náu nơi Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau xây dựng Giáo phận Phan Thiết, đặt nền tảng trong niềm yêu mến Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Giáo hội và trong sự yêu thương đoàn kết giữa mọi người mọi thành phần dân Chúa tại Phan Thiết.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói lên là lòng yêu mến đối với Đức Mẹ Tàpao. Đức Cha Tôma và Giáo phận Phan Thiết đã cố gắng sắp xếp để lễ nhậm chức của tôi hôm nay diễn ra kịp để ngày mai cử hành lễ Bế Mạc Năm Thánh 60 Năm Đức Mẹ Tàpao. Biến cố này vô cùng ý nghĩa đối với tôi và với toàn thể gia đình Giáo phận Phan Thiết. Từ 60 năm qua, đặc biệt trong biến cố lịch sử hôm nay, Đức Mẹ luôn đồng hành, nâng đỡ và chúc lành cho giáo phận chúng ta. Chúng ta cùng phó thác giáo phận của chúng ta trong vòng tay từ mẫu của Đức Mẹ.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, chúc lành cho mọi người và cho Giáo phận Phan Thiết của chúng con.
 
Đại lễ bế mạc năm thánh 60 năm Đức Mẹ Tàpao
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:52 13/12/2019
Ngày 13.12.2018, tại Trung tâm Hành hương Thánh mẫu TàPao, Giáo Phận Phan thiết tổ chức đại lễ khai mạc Năm Thánh mừng 60 năm làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ núi Tàpao.

Sau Thánh lễ tạ ơn của Đức Tân Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng sáng ngày 12.12.2019 tại nhà thờ Chính Toà, quý Đức Cha, quý linh mục đã lên đường đi Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao để dự lễ bế mạc Năm Thánh.

Xem hình lễ Bế Mạc

1. Tối 12.12.2019: Đêm Diễn Nguyện – Tôn Vinh Đức Mẹ Tàpao

Vào lúc 19g, bắt đầu đêm diễn nguyện qua phần cung nghinh Đức Mẹ Tàpao xung quanh quảng trường do Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ sự.

Cha Gioan Trần Ngọc Trung, phụ trách phụng vụ giới thiệu quý Đức cha với cộng đoàn.

Tối nay tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, cộng đoàn hành hương rất vinh dự được đón tiếp các vị khách rất quý.

1. Đức TGM. Marek Zalewski - Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam

2. Đức Ông Alessio Derju - Tham tán Tòa Thánh tại Singapore

3. ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Nguyên Tổng Giám Mục, Tổng giáo phận Hà Nội

4. ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục VN

5. Đức cha Laurensô Chu Văn Minh - Nguyên Giám Mục Phụ Tá GP. Hà Nội

6. Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu - Giám mục chính tòa GP. Bùi Chu

7. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục chính tòa GP. Hà Tĩnh

8. Đức cha Gioan Maria Vũ Tất - Giám mục chính tòa GP. Hưng Hoá

9. Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri - Giám mục chính tòa GP. Lạng Sơn

10. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên - Giám Mục Phụ Tá GP. Vinh

11. ĐTGM. Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục chính tòa tổng giáo phận Huế, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục VN

12. ĐTGM. Phanxicô X. Lê Văn Hồng - Nguyên giám mục Tổng giáo phận Huế

13. ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi - Giám mục chính tòa GP. Qui Nhơn

14. ĐTGM. Giuse Nguyễn Năng - Giám mục chính tòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục VN

15. Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục chính tòa GP. Bà Rịa

16. Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh - Giám mục chính tòa GP. Đà Lạt

17. Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương - Nguyên Giám mục chính tòa GP. Đà Lạt

18. Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục chính tòa GP. Long Xuyên

19. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục chính tòa GP. Mỹ Tho, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục VN

20. Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục chính tòa GP. Phú Cường

21. Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục chính tòa GP. Phú Cường

22. Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai - Giám mục chính tòa GP. Vĩnh Long

23. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Nguyên giám mục GP. Bà rịa, và Nguyên giám quản GP. Phan Thiết.

24. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Tân Giám mục chính tòa GP. Phan Thiết.

Phần Diễn nguyện được tiếp tục ngay sau đó với diễn văn chào mừng của Cha Anrê Lương Vĩnh Phú - Giám Đốc TTTM Tàpao. Cha mong rằng, trong tháng kết thúc năm thánh 60 năm, TTTM Tàpao muốn được ghi dấu những cảm nghiệm của hành trình bước theo chân Đức Maria đến gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, đặc biệt xuyên suốt một Năm Thánh qua, bằng Đêm Diễn Nguyện mang tên: ‘ĐỨC MARIA - NGƯỜI NỮ CỦA “THÁNH THỂ”’

Các phân cảnh trong đêm diễn nguyện dựa theo những lời của Mẹ và những lời về Mẹ trong Phúc âm.

• Lời thứ nhất: “Fiat. Vâng. Tôi đây là Nữ tỳ của Chúa. Tôi Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.

• Lời thứ hai: “Magnificat. Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

• Lời thứ ba: “Con ơi! sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ con phải cực lòng tìm con”.

• Lời thứ tư: “Họ hết rượu rồi”.

• Lời thứ năm: “Hãy làm những gì người dạy bảo”.

• Lời thứ sáu: “Thưa bà. Đây là con của bà”.

• Lời thứ bảy: “Đây là mẹ của anh”.

Các diễn viên nghiệp dư là các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thể hiện qua các phân cảnh sau:

• Phân cảnh 1: Thiếu Nữ Sion.

• Phân cảnh 2: Truyền Tin.

• Phân cảnh 3: Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth.

• Phân cảnh 4: Tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ.

• Phân cảnh 5: Tiệc cưới Cana.

• Phân cảnh 6: Dưới chân Thánh Giá.

• Phân cảnh 7: Trường học Đức Maria.

Giờ cầu nguyện qua thi ca âm nhạc thật sốt mến như tâm tình của Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm đã đúc kết.

Cộng đoàn hành hương thân mến,

Đêm diễn nguyện chiều tối nay thật tuyệt vời, hơn cả tuyệt vời.

Đêm diễn nguyện này không phải là một đêm trình diễn thánh ca, không phải là một đêm tuyển chọn bài ca nào hay nhất, giải nhất, cũng không phải là một bài để trình diễn những vũ điệu, nhưng là một đêm cầu nguyện. Lời cầu nguyện được diễn tả bằng tiếng hát lời kinh; lời cầu nguyện được diễn tả bằng những vũ điệu, những màu sắc, những ánh sáng, những ánh nến; lời cầu nguyện được diễn tả bằng chính tâm tình của mỗi diễn viên và đồng thời gợi lên nơi mỗi người chúng ta lời cầu nguyện, tâm tình cầu nguyện này. Chúng ta sống trong năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành thánh tượng Đức Mẹ núi Tàpao, chúng ta đã học hỏi trong suốt năm thánh chủ đề: qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Và chúng ta kết thúc năm thánh này với định hướng đầy ý nghĩa thần học, giáo lý “đến” “nhờ” “qua” Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để chúng ta chúc tụng, tôn vinh Mẹ Maria, Người Nữ Thánh Thể, để mỗi người chúng ta khi đến với Đức Maria không những tìm được niềm vui, bình an, tình yêu và ân sủng của Chúa Kitô mà trái lại và còn hơn thế chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đến phiên lượt mỗi người chúng ta trở thành bánh thánh để chia sẻ, để phân phát, để trao ban. Mẹ Maria là người nữ tỳ Thánh Thể để cho tất cả chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của mình để trở nên người tín hữu Thánh Thể của Thánh Thể Chúa Giêsu và mang Thánh Thể của Chúa Giêsu đến với tất cả mọi người.

Xin cám ơn tất cả những người đã tổ chức buổi diễn nguyện hôm nay, và chắc chắn mỗi người chúng ta, khách hành hương, khi ra khỏi buổi diễn nguyện này sẽ có điều gì đó rất lắng đọng rất ấn tượng, rất để nơi tâm trí của chúng ta. Chúng ta thấy, tham dự đêm diễn nguyện này cũng như ngày mai lễ bế mạc năm thánh Đức Mẹ Tàpao, chúng ta thấy sự hiện diện của Giáo hội hoàn vũ qua Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, đại diện ĐTC tại Việt Nam, qua Đức cha chủ tịch HĐGMVN và các giám mục trong HĐGMVN; một điểm đặc biệt để gợi nhớ, để thúc giục, để giúp cho chúng ta luôn nhớ rằng mình đến với Đức Mẹ Tàpao không phải đến để tìm phép lạ, không phải đến để tìm cái gì đó mang sự hàm hồ, mà trái lại, đến đây vì lòng yêu mến Đức Mẹ và tìm đến Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta hãy nhớ đêm diễn nguyện này và dù rằng ngày mai là ngày bế mạc năm thánh Đức Mẹ núi Tàpao, chúng ta không dừng lại, mà trái lại chúng ta thấy Đức Mẹ luôn là người đầy quyến rũ, đầy hấp dẫn, luôn lôi kéo chúng ta, luôn thu hút chúng ta, luôn cảm hóa chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những người Kitô hữu của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Hãy đến với Mẹ Maria và nói với Mẹ Maria không bao giờ đủ không bao giờ hết, nhưng mỗi người chúng ta yêu mến Mẹ Maria, chúc tụng tôn vinh Mẹ Maria, và hãy để Đức Maria hoán cải, biến đổi và làm cho chúng ta trở nên những Kitô hữu tôn vinh chúc tụng Chúa Giêsu Thánh Thể qua và nhờ noi gương sống đức tin đức ái của Mẹ Maria.

Sau đó, cộng đoàn hướng về đoàn rước qua phần cung nghinh và Chầu Thánh Thể do Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ sự.

Đêm tôn vinh Đức Mẹ Tàpao kết thúc khi trời đã khuya nhưng hàng chục ngàn người vẫn đang còn lưu luyến muốn được hát ca ngợi khen thêm nữa.

Từng đoàn người tiếp tục lên núi cầu nguyện bên Mẹ. Các nhà trọ đã hết chỗ. Từng nhóm trải bạt ngũ trên những thảm cỏ xanh và dưới những vườn cây giữa sương lạnh gió ngàn. Được ngũ dưới chân Đức Mẹ, cho dù trời rất lạnh, gió rất buốt, mọi người vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc của chuyến hành hương về bên Mẹ.

2. Sáng 13.12.2019: Thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh.

Từ sáng sớm, khách hành hương mỗi lúc một thêm đông, ai cũng nao nức về bên Mẹ TàPao dự ngày lễ bế mạc Năm Thánh. Ánh nắng ban mai xua tan giá rét. Mặt trời lên rực rỡ trên đỉnh núi. Khung cảnh tuyệt đẹp của một ngày mới.

Lúc 6g30, đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Đức Hồng Y, các TGM, các Giám Mục, khoảng 200 Linh Mục trong và ngoài giáo phận, hiệp dâng thánh lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đông đảo chủng sinh tu sĩ na nữ và hàng chục ngàn người sốt mến hiệp thông thánh lễ tạ ơn.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, Cha Anrê Lương Vĩnh Phú gửi lời chào mừng đến quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn hành hương. Ngài giới thiệu với cộng đoàn các Giám Mục hiện diện trong ngày lễ.

Đức Cha Giuse chủ tế, khởi đầu thánh lễ ngài ngỏ lời với cộng đoàn

Kính chào

- Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện tòa Thánh tại Việt Nam,

- Quý Đức Hồng Y, Quý Đức tổng, Quý Đức cha, quý cha Tổng Đại diện,

- Quý cha Bề trên, quý cha Quản hạt, quý cha, quý Bề trên, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và toàn thể quý ông bà anh chị em,

Hôm nay, tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao, Giáo phận Phan Thiết chúng con rất hân hoan đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh, quý Đức Hồng Y, quý Đức tổng, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý ông bà anh chị em hành hương đến đây để tham dự thánh lễ Bế mạc Năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao.

Trong sự hiệp thông của giáo hội, tất cả các đấng bậc trong giáo hội và mọi người ngày hôm qua đã đến nhà thờ chính tòa Phan Thiết để tạ ơn thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận chúng con, nhân ngày con nhận xét xử vụ mục tử tại Giáo phận Phan Thiết.

Và hôm nay, với lòng yêu mến Đức Mẹ, các đấng và mọi người đã về Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Tàpao để cùng với chúng con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận cũng như cho tất cả các khách hàng hương.

Đặc biệt trong thánh lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay, Giáo phận Phan Thiết chúng con xin được cùng với mọi người dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn trong Thánh lễ Bế mạc Năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao.

Từ 60 năm qua, Đức Mẹ đã hiện diện một cách đặc biệt trong Giáo phận Phan Thiết, đã ban bao hồng ân cho con cái Phan Thiết và mọi khách hành hương về đây trong niềm yêu mến và tin tưởng phó thác vào Mẹ.

Đồng thời, trong thánh lễ hôm nay, một lần nữa, cùng với tất cả các đấng bậc trong giáo hội và mọi người, Giáo phận Phan Thiết chúng con dâng lời tha thiết cầu nguyện, xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao ban ơn muôn ơn lành xuống trên thế giới, trên giáo hội, trên quê hương Việt Nam và trên giáo hội Việt Nam.

Đặc biệt xin cho Giáo phận Phan Thiết chúng con được tràn đầy ơn bình an và hợp nhất.

Giờ đây để lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa thương chấp nhận, chúng ta cùng thành tâm sám hối.

Cộng đoàn cùng nhau sốt sắng hiệp dâng thánh lễ.

Đức Cha Giuse giảng lễ.

Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ

1. Trong bầu khí yêu thương và tươi mát của Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng hôm nay, và trong tâm tình của những người con chung quanh Đức Mẹ, dịp lễ Bế mạc Năm thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, tôi xin được nhắc lại hai tâm tình của hai vị giám mục tiền nhiệm của tôi tại Phan Thiết này:

Trước hết, trong THƯ MỤC VỤ kết thúc năm thánh 50 năm Đức Mẹ Tàpao, Đức cố giám mục Giuse Vũ Duy thống đã ghi nhận: “với việc cử hành Năm thánh kỷ niệm 50 năm khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ (1059-2009), Tàpao đã chính thức trở nên nơi thu hút nhiều tín hữu khắp nơi tuôn về hành hương, nhất là vào ngày 13 hằng tháng, để đón nhận hồng ân. chúng ta chung lời cảm tạ vì quà tặng quý giá này và nỗ lực góp phần chung xây làm cho nơi đây triển nở thêm nữa, xứng đáng là Trung tâm hành hương của giáo phận”.

Thứ hai, trong THƯ CHUNG Năm Thánh Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, Đức cha tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết, đã nói lên ba mục đích của năm thánh như sau:

Một là, Năm thánh là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao và chung lời ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ, vì qua Mẹ, Thiên Chúa đã và đang tuôn đổ biết bao hồng ân trên Giáo phận Phan Thiết và trên quý khách hành hương từ muôn phương ngày đêm tìm về bên Mẹ Tàpao.

Hai là, Năm thánh cũng là dịp quý báu để chúng ta tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho các bậc tiền bối, cách riêng cho các Đức cha Marcel Piquet, Đức cha Nicola, Đức cha Phaolô, Đức cha Giuse và tất cả những ai đã có công dựng tượng đài, thành lập và phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Ba là, qua Năm thánh này, chúng ta được mời gọi gia tăng lòng yêu mến, sùng kính Đức Mẹ và cố gắng cải thiện đời sống như lời Mẹ dạy để cùng với toàn thể giáo hội chúng ta luôn sốt sắng và nhiệt thành loan báo Tin mừng Chúa Giêsu cho mọi người.

2. Còn riêng tôi, tâm tình chính yếu mà tôi cảm nhận được trong ngày lễ hôm nay chính là mối tương quan của hồng ân Vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ và muôn ơn lành, đặc biệt là ơn bình an và những ước mơ tốt đẹp mà chúng ta, khi đến Trung tâm Tàpao này, muốn cầu xin cho bản thân, cho gia đình, cho người thân, cho cộng đoàn của chúng ta.

Theo tiếng của dân tộc K’Ho, Tàpao có nghĩa là “một giấc mơ đẹp” (Tà: đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.

Ước mơ sâu xa nhất là ơn được bình an nơi tâm hồn, không bị những lo âu, sợ hãi, căng thẳng ám ảnh; làm ơn bình an yên vui hạnh phúc trong gia đình, là ơn bình an, hòa bình, phát triển trên quê hương đất nước và trên thế giới. Không thể có phát triển và hạnh phúc nếu con người sống trong xung đột, bất ổn, chiến tranh chết chóc.

Nhìn vào Đức Mẹ, chúng ta nhìn thấy rằng nền tảng của bình an, của hòa bình, đó là tương quan hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Mẹ Maria là người “đầy ân sủng, đẹp lòng Thiên Chúa”, không có một chút tội lỗi làm mất lòng Chúa; Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ vô nhiễm nguyên tội, để rồi có thể ban cho nhân loại Chúa Giêsu, là hoàng tử Hòa Bình, làm ơn bình an, tha thứ của Thiên Chúa.

3. Trong bài đọc 1, sách Sáng thế (St 3,9-15.20) đã thuật lại biến cố Thiên Chúa gọi Ađam, sau khi ông bà phạm tội:

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phản bảo ông rằng: “ngươi đang ở đâu”. Ông đã thưa: “con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà ta cấm ngươi không được ăn ư?”. Ađam thưa lại: người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Lời Chúa cho thấy sau khi đã phạm tội, từ chối Thiên Chúa, không vâng lời Thiên Chúa, thì hậu quả xảy ra là sự xung đột với con người và vũ trụ chung quanh....

Trước hết là tương quan giữa vợ chồng Ađam-Evà bị đổ vỡ. Tiếng reo vui đón nhận của Ađam khi Thiên Chúa dựng nên Evà và ban tặng cho ông: đây là xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi... Giờ đây là tiếng đổ lỗi khước từ: “người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Tiếp theo, nếu đọc tiếp những trang sách Sáng Thế, chúng ta thấy được sự đổ vỡ giữa tương quan của con người và vũ trụ với các thụ tạo. Chúng ta cùng nghe lời trình thuật của sách Sáng Thế:

“Với con người, Chúa phán: ‘vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”.

Và rồi nếu đọc thêm nữa, sự chém giết đã xảy ra ngay với 2 người con của Ađam-Evà, chính Cain đã giết chết Abel là em ruột của mình vì ghen tức…

Cho tới ngày hôm nay, từ khi có tội lỗi, từ khi con người khước từ Thiên Chúa, thì chiến tranh, xung đột đã giết hại biết bao nhiêu người, đồng thời bao xung đột với môi trường vũ trụ thiên nhiên. Vì lòng tham, con người đang hủy hoại môi trường, ô nhiễm càng lúc càng tăng… và hậu quả là sự sống của con người đang bị đe dọa bởi những ô nhiễm, ô nhiễm khí, ô nhiễm nguòn nước, ô nhiễm thực phẩm.

4. Kính thưa cộng đoàn,

Trong viễn cảnh chết chóc, kinh hoàng như thế, thì Lời Chúa trong sách Sáng thế mà chúng ta vừa nghe lại vang lên Lời hứa cứu độ mang tràn đầy sự sống, bình an cho vũ trụ của con người. Chúng ta cùng nghe lại lời hứa đầy an ủi và hy vọng này:

Thiên Chúa đã kết án ma quỷ là con rắn đã cám dỗ Evà-Ađam với lời lẽ nghiêm khắc: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùin đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Giáo hội đã nhận ra trong lời tuyên phạt với con rắn ma quỷ là lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa yêu thương dành cho con người. Lời hứa này sẽ được thực hiện nơi một con người thuộc miêu duệ, thu6ọc dòng dõi con người, là con của một người phụ nữ:

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Hình ảnh “người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi” là Chúa Giêsu và người phụ nữ đó là Đức Maria.

Tôi rất thích một chú giải về bà Evà và Đức Maria của nhà thần học Luân lý người Pháp là cha Xaviê Thévenot. Cha nói rằng: “Người phụ nữ là đỉnh cao của công trình sáng tạo. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, trời đất, sông núi, cây cối, muông thú… và cuối cùng là Evà, người phụ nữ. Một tác phẩm tuyệt đẹp.

Ma quỷ đã ghen tức với công trình sáng tạo vô cùng đẹp đẽ này. Và để phá hủy toàn bộ công trình sáng tạo, ma quỷ đã tấn công, đã cám dỗ bà Evà là đỉnh cao của công trình sáng tạo… Bà Evà đã sa ngã và rồi chính bà tiếp tục kéo theo Ađam phạm tội… Và thảm cảnh xung đột, chết chóc giữa con người với nhau và với vũ trụ đã xảy ra. Công trình sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa đã bị ma quỷ tấn công phá hủy.

Để cứu độ con người, lập tức Thiên Chúa có một chương trình mới là công trình cứu độ, hay công trình sáng tạo mới. Và Thiên Chúa cũng đã dùng một người phụ nữ để khởi đầu chương trình cứu độ này: đó là Đức Mẹ Maria, được gọi là Bà Evà mới. Nhờ hồng ân sự sống đời đời là Chúa Giêsu, Con của Mẹ, con người và vũ trụ này đã được tái sinh.

Trong bài đọc 2 (Ep 1,3-6.11-12), thánh Phaolô đã nhắc cho các tín hữu Êphêsô những hồng ân Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Giêsu:

“Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô”.

5. Kính thưa cộng đoàn,

Năm 1959, lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được tổ chức rất long trọng tại các Giáo phận Miền Nam Việt Nam nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, được gọi là Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quuốc. Dịp này, đã có năm tượng đài Đức Mẹ được xây dựng ở Miền Trung, Miền Nam và Cao Nguyên Trung phần trong các năm 1959, 1960 và 1961 bao gồm: Đức Mẹ Giang Sơn (Darlac), Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Kon Tum), Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận) và Đức Mẹ Tàpao (Bình Tuy, nay thuộc Bình Thuận).

Ngày 8 tháng 12 năm 1959, lễ làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao do Đức Cha Marcello Piquet (Piquet Lợi), Giám mục Giáo phận Nha Trang cử hành, với sự tham dự của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn giáo dân phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, đồng bằng sông Cửu Long… Lễ cung hiến và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao là một đại lễ tôn giáo tầm cỡ quốc gia lúc bấy giờ ở miền Nam Việt Nam.

Và hôm nay đây, trong lễ Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao, hồng ân Thiên Chúa ban tặng qua Đức Mẹ, như đang bao trùm trên mỗi người chúng ta, vì sự hiệp thông yêu thương trong Giáo hội.

Sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, cùng với quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng và quý Đức Giám Mục trong HĐGMVN, cũng như rất đông đảo linh mục, tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân hành hương về đây là một hình ảnh sống động về hồng ân Thiên Chúa đang ban tặng tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao này.

Lạy Mẹ Tàpao, qua Lời Chúa trong bài Phúc Âm mà chúng con vừa nghe, xin Mẹ cho mỗi người chúng con biết noi theo gương Mẹ, luôn khiêm tốn lắng nghe và thực hành Lời Chúa với hai tiếng “xin vâng”; để nhờ đó Chúa Giêsu, là hồng ân bình an, hồng ân sự sống yêu thương, hồng ân hy vọng có thể nhập thể, đi vào cuộc đời của chúng con, của gia đình chúng con, của quê hương Việt Nam, của giáo phận chúng con.

Xin cho chúng con “trong mọi hoàn cảnh, dù khó nguy, gian nan, đầy thất vọng, được luôn vững niềm tin và cậy trông vào Chúa nhờ sự nâng đỡ ủi an của Mẹ”. Đặc biệt xin cho chúng con gặp được Chúa Giêsu, Con của Mẹ, vì Chúa Giêsu chính là “một Tàpao, một Giấc Mơ Đẹp!”, một niềm hy vọng tuyệt vời, mà Mẹ muốn ban tặng cho chúng con, đặc biệt trong những lúc đêm tối của cuộc đời. Amen.

Sau lời nguyện hiệp lễ, TGM Marek Zalewski ngỏ lời với cộng đoàn hành hương.

Kính thưa Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết

Kính thưa Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức cha, quý linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân thân mến,

Tôi rất lấy làm vui mừng hiện diện tại đây để cử hành thánh lễ này và cùng với anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Điểm nhấn của chuyến viếng thăm tôi đến Phan Thiết lần này là thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Tàpao của Giáo phận Phan Thiết, và vì vậy cũng tại nơi linh thánh này, tôi muốn dâng cho Mẹ sứ vụ của tôi và cũng dâng lên Mẹ sứ vụ của anh chị em, sứ vụ của Đức cha mới của Giáo phận Phan Thiết. Tôi muốn gửi đến từng người anh chị em lời chào trân trọng nhất và xin cám ơn sự hiện diện của anh chị em.

Hôm nay, chỉ vài ngày sau khi Giáo hội long trọng mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội, chúng ta quy tụ tại Trung Tâm Thánh Mẫu này để mừng kính Đức Mẹ. Đấng Toàn Năng đã thực hiện những điều kỳ diệu cho cuộc đời của Đức Mẹ và qua cuộc đời của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã có kế hoạch từ đời đời, qua đó trao cho Đức Mẹ sứ vụ trở nên một giai đoạn mới, một giai đoạn thứ hai, Người đã trợ giúp Đức Kitô, Con của Mẹ, mang ơn cứu độ cho nhân loại và kêu gọi những tâm hồn sám hối. Sứ thần Gabriel chúc mừng Mẹ trong biến cố truyền tin đã giúp chúng ta nhớ lại sự độc nhất của Đức Mẹ trong kế hoạch của Chúa, từ khi Mẹ được chọn là một người hoàn toàn thánh thiện và vì thế, sứ thần Gabriel đã gọi Mẹ là Đấng đầy ơn phúc và Mẹ đã mang Phúc Âm của Chúa vào cuộc đời của Mẹ.

Trái ngược với Evà, người phụ nữa đầu tiên, Đức Maria đã tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa; nếu Ađam và Evà đã không vâng phục, đã không cần Thiên Chúa trong cuộc đời của họ, thì Mẹ lại luôn luôn khát khao Thiên Chúa trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã vâng lời tuyệt đối và đón nhận sứ mạng Thiên Chúa trao phó, đó là cưu mang Đấng Cứu Thế, và qua sứ mạng này, Mẹ đã chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến cho cuộc đời của Mẹ cho dẫu phải hy sinh và đau khổ. Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương đức tin cho tất cả chúng ta.

Chúng ta nhớ rằng ngày 8.12 vừa qua, ĐTC Phanxicô khi cử hành lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội đã nhắc rằng, Đức Maria chịu thai nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn, vì Mẹ là thụ tạo đã phản ánh vẻ đẹp tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa, Đấng là Tình Yêu, Ân Sủng và Tự Hữu.

Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng hãy can đảm đón nhận tình yêu vô biên của Chúa đã dành sẵn cho nhân loại, và khi đón nhận tình yêu này, chúng ta hãy can đảm mang tình yêu của Chúa đến cho những ai đang cần được yêu thương. Chúng ta hãy mang tình yêu đó đến với anh chị em của chúng ta đến với đất nước thân yêu của chúng ta.

Đất nước Việt Nam cần Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy mang Chúa đến cho mọi người. Cùng với Đức Mẹ Tàpao, chúng ta hãy hoàn thành sứ mạng mang Thiên Chúa đến cho nhân loại, sứ mạng mà chúng ta đã được ủy thác với niềm vui và tin tưởng.

Sau đó, Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu đại diện ban tổ chức Năm Thánh nói lời tri ân.

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGMVN, quý Đức Tổng Giám Mục, Đức Hồng Y, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết, quý Đức cha, Đức ông, quý linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể quý khách hành hương.

“Dưới mái trường Đức Maria” và “Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu” là 2 chủ đề của Năm Thánh mừng kỷ niệm 50 năm và 60 năm Đức Mẹ Tàpao. Từ việc làm học trò của Mẹ đến việc cùng với Mẹ đến với Chúa Giêsu, lòng sùng kính Đức Mẹ đã từng bước lớn lên trên hành trình đức tin của mỗi người tín hữu, Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã bước lên một tầm cao mới với những hoa trái thiêng liêng đã đạt được. Thay mặt cho Ban bổ chức Năm thánh, trước tiên, chúng con muốn cùng với Mẹ Maria cất tiếng ngợi khen Chúa và bày tỏ niềm vui; thứ đến, chúng con muốn nói lên lòng kính cẩn tri ân các đấng bậc đáng kính của HĐGMVN và cám ơn quý khách đã nhận lời mời của Đức cha Tôma đến chia sẻ hồng ân này với Giáo phận Phan Thiết chúng con.

Thực hiện chủ đề của Năm Thánh “Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu”, Mẹ Maria đã được tôn vinh trong các cuộc cung nghinh sốt sắng, được ngợi ca trong âm nhạc, thi ca và nghệ thuật. Mẹ đã là đề tài học tập giáo lý trong suốt Năm Thánh. Các công trình thi công được hoàn thiện trong dịp này đã góp phần rất lớn trong việc phục vụ mọi thành phần dân Chúa hành hương nơi đây. Mẹ Maria đã chiếm hữu một vị trí quan trọng trong con tim của mọi người, nhưng chúng con hiểu rằng Mẹ Maria là hồng ân của Thiên Chúa, do đó lòng sùng kính Mẹ Maria phải quy hướng về Chúa Kitô. Đức cha nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết đã chọn đề tài cho Năm Thánh là “Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu” và suốt Năm Thánh, Kinh Đức Mẹ Tàpao đã được học hỏi trong các giờ giáo lý của các đêm trong ngày 12 mỗi tháng. Qua đó, tương quan giữa Đức Mẹ Maria và Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu được đặc biệt nhấn mạnh. Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể, đề tài của đêm diễn nguyện vừa qua đã đúc kết những suy niệm của chúng con về Đức Mẹ trong năm thánh. Trước những thành quả đã đạt được trong công việc cổ vũ lòng kính Đức Trinh Nữ Maria, Đức cha Tôma, nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết, đã huấn từ khai mạc Đại Hội dân Chúa lần 2 đã vui mừng nhìn nhận Mẹ Tàpao là vinh dự của Giáo phận Phan Thiết và khuyến khích cuộc hành hương tôn kính Đức Mẹ. Tri ân Đức cha đã tổ chức Năm Thánh, cám ơn mọi thành phần dân Chúa đã hưởng ứng, đặc biệt, chúng con chào đón Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết, trong đại lễ Bế Mạc Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ Tàpao hôm nay. Đây là một hồng phúc lớn lao cho giáo phận.

Trong niềm tri ân cảm tạ trước hồng ân bao la Thiên Chúa đã ban cho chúng con nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng con thành kính cám ơn ĐTC Phanxicô qua Tòa Ân Giải Tối Cao đã cho phép Giáo phận Phan Thiết mở Năm Toàn Xá. Cám ơn Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, chủ tịch HĐGMVN. Cám ơn quý Đức Tổng Giám Mục, Đức Hồng Y, quý Đức cha, Đức ông, quý linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể quý khách hành hương đã đến chia sẻ niềm vui tạ ơn với Giáo phận Phan Thiết trong đại lễ Bế mạc Năm Thánh hôm nay.

Thay mặt Ban Tổ Chức Năm Thánh, chúng con cám ơn Ban Điều Hành Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã tận tình lo lắng về cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hành hương. Cám ơn các ngành, các giới và các đoàn thể đã hưởng ứng Năm Thánh một cách sốt sắng theo sự phân công của Ban Tổ Chức. Xin cám ơn chính quyền các cấp và tất cả tấm lòng của quý ân nhân đã âm thầm hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện Năm Thánh và đặc biệt trong việc tổ chức đại lễ Bế mạc Năm Thánh.

Cuối cùng, nguyện xin Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao ban muôn phúc lành cho quý Đức Tổng Giám Mục, Đức Hồng Y, quý Đức cha, Đức ông, quý linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể quý vị. Mùa Giáng Sinh sắp đến, kính chúc quý vị Giáng Sinh an bình và muôn ơn lành của Chúa.

Lẳng hoa tươi thắm chúng con kính dâng lên Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đức Tổng Giám Mục chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Tôma, nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan Thiết, Đức cha Giuse, tân Giám mục Giáo phận Phan Thiết, và lòng tri ân thành kính của mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Phan Thiết chúng con.

Đức Cha Giuse ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.

Từng đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.

Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ TàPao kết thúc, Đức Tân Giám Mục Giáo Phận sẽ đến dâng lễ mỗi ngày 13 hàng tháng cho khách hành hương và những công trình xây dựng tiếp tục…

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Phỏng vấn Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm về khóa huấn luyện truyền hình VietCatholic tại Adelaide
Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc
19:13 13/12/2019
 
Tâm tình học viên khoá Kỹ thuật Truyền hình tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Nam Úc
Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc
22:33 13/12/2019


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khát vọng hướng về công chính
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:31 13/12/2019
Khát vọng hướng về công chính

Vào những ngày của tháng 12 cuối năm dương lịch, nếp sống văn hóa xã hội bên Âu châu, Mỹ Châu…, nhất là trong nếp sống tập tục phụng vụ của Kitô giáo, sự trông mong chờ đợi đón mừng ngày lễ Chúa giáng sinh có nhiều rộn ràng sửa soạn.

Trông mong chờ đợi rộn ràng có nhiều niềm vui, nhưng cũng ẩn chứa sự kiên nhẫn. Đó là đời sống

Cha mẹ nào cũng có niềm vui mừng thần thánh, khi biết tin em bé con mình đang thành hình phát triển lớn lên trong cung lòng người mẹ. Nhưng họ cũng phải kiên nhẫn chờ đợi ngày mở mắt chào đời của em bé con mình những chín tháng trời.

Bạn trẻ thanh thiếu niên lớn lên đi học, lòng vui mừng phấn khởi bước chân vào trường đời. Nhưng họ cũng phải kiên nhẫn học hành tập luyện một thời gian dài những hằng năm trời mới đạt được tới ngày ra trường đi làm cùng chúng xây dựng đời sống xã hội.

Thánh Giacobus dùng hình ảnh người nông dân để diễn tả về nếp sống mùa Vọng trông chờ ngày lễ mừng Chúa giáng sinh: Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.( Thư Jacobus 5,7).

Hình ảnh mùa màng thu hoạch thành công tốt đẹp nơi đồng ruộng không gì qúy gía bằng cho đời sống gia đình sống bằng nghề nông trồng cấy hoa mầu. Và sự đầu tư với lòng kiên nhẫn của người nông dân trong công việc cầy cấy hoa màu là hình ảnh Thánh Jacobus dùng để nói với những người tín hữu Chúa Kitô thủa Giáo hội Chúa lúc ban đầu. Vì khi đó họ luôn trông mong ngày Chúa lại đến và thành lập một thế giới mới. Một vương quốc của sự công chính và hòa bình.

Với Thánh Jacobus điều quan trọng hơn hết là Chúa Jesus Kitô lại đến như vị thẩm phán công bình minh chính trực. Ngài bài trừ tội lỗi và mang lại sự sống mới cần thiết cho con người, như hoa qủa qúy gía nẩy sinh từ lòng đất cho nhà nông thu hoạch được mùa màng đầy đủ nuôi sống gia đình.

Hình ảnh sự kiên nhẫn của nhà nông trồng cây hoa mầu nói lên sâu đậm niềm hy vọng trông chờ của việc làm của con người. Và đó cũng là hình ảnh Chúa lại đến sẽ hoàn thành sự cố gắng trông chờ của người tín hữu cho trọn vẹn: một đời sống được ơn cứu chuộc của Chúa.

Trông chờ Chúa đến, trông chờ ngày lễ Chúa giáng sinh mang ánh sáng ơn bình an cho nhân loại, Đấng là mặt trời công chính với lòng kiên nhẫn hy sinh là nếp sống mùa Vọng hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


































 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Uy Nghi Giữa Trời
Nguyễn Bá Khanh
23:07 13/12/2019
UY NGHI GIỮA TRỜI
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Uy nghi tỏa sáng.giữa trời
Soi đường dẫn lối cho người thiện tâm
(nbk)
 
VietCatholic TV
Phỏng vấn sơ Maria Trần Thị Thu Trang, RSM về khóa huấn luyện truyền hình VietCatholic tại Adelaide
Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Nam Úc
01:05 13/12/2019