Ngày 12-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gioan Tiền Hô, giáo lý viên mẫu mực
Gioan Lê Quang Vinh
06:48 12/12/2010
Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng dường như muốn nhấn mạnh sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, trong đó có lãnh vực giảng dạy giáo lý. Khi nói đến việc rao giảng, người ta hay nghĩ đến sứ mệnh của các vị đã lãnh nhận thánh chức, nhưng riêng nói đến việc giảng dạy giáo lý thì không người tín hữu nào, dù là tân tòng, có quyền nói rằng “đấy không phải là lãnh vực của tôi”. Vậy thì, Chúa Giêsu muốn chúng ta rao giảng giáo lý như thế nào?

Khi Chúa Giêsu giới thiệu cho dân chúng về Gioan Tiền Hô, Người dùng Lời Thánh Kinh: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Vai trò ngôn sứ, vai trò người nói về Chúa Giêsu được diễn tả rõ nét qua câu Thánh Kinh súc tích này. Người rao giảng Lời chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Trả lời câu hỏi “dạy giáo lý là dạy điều gì?”, ai cũng có thể trả lời: đó chính là dạy… môn giáo lý! Là nói những điều trong sách giáo lý có ghi sẵn. Nhưng không thể chỉ dạy cho người khác một cách đơn giản như thế. Nếu chỉ có thế thì các em học viên giáo lý về mở sách ra học mỗi ngày là cũng đủ rồi.

Thật ra, dạy giáo lý trước hết là dạy cho các em về Thiên Chúa và Lời của Ngài, là chính Đức Kytô và được rao giảng bởi Đức Kytô. Thứ hai là đào luyện các đức tính nhân bản, nhất là các nhân đức và giúp các em sống theo Đức Kytô là con đường sống thật cho mọi người. Thứ ba là giúp các em cảm nhận đời sống cộng đoàn, gắn bó với Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kytô, và là đoàn lữ hành đang tiến về Nước Trời.

Nếu nói tóm lại trong một câu, thì dạy giáo lý chính là rao giảng về Đức Kytô. Rao giảng để làm gì? Thưa là để dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn người nghe. Gioan Tiền Hô đã nêu một tấm gương và dạy mấy lời vắn tắt và đầy đủ về sứ mệnh này.

Tấm gương của “giáo lý viên” Gioan Tiền Hô chính là “giảng dạy bằng chứng minh”. Giáo lý không phải là toán học, nhưng giáo lý là một khoa học thánh. Khoa học này không đòi những chứng minh định lý như toán học, nhưng đòi chứng minh bằng thực nghiệm, bằng chính những cảm nghiệm sâu xa và đời sống gắn bó với Đấng mà người ta rao giảng.

Khi Gioan Tiền Hô muốn nói về Giêsu, ông không dùng lời của mình, nhưng ông sai các môn đệ của ông đến với Đức Giêsu. Họ nghe chính Đức Giêsu nói, họ chứng kiến chính việc Đức Giêsu làm, và hơn hết, họ được nâng đỡ niềm tin do sức sống mà chính Đấng Cứu Thế thổi vào tâm hồn họ. Thế là họ ra đi. Và họ lại rao giảng.

Giáo lý viên phải là như thế, phải nói với các em bằng chính Lời Đức Giêsu, đẩy vào lòng các em chiếc xa giá mà Chúa đã dùng để lướt qua các tầng trời mà ngự xuống. Còn nếu chỉ nói hời hợt kiểu hỏi thưa cho thuộc lòng vài câu chữ thì chưa phải là giảng dạy giáo lý thật sự.

Điều thứ hai mà giáo lý viên học được nơi Gioan Tiền Hô chính là đời sống chứng nhân. “Sống điều con dạy” là một đòi buộc của Tin Mừng. Giáo lý viên có thể bị hiểu lầm, bị nói xấu, nhưng chính tự trong lòng mình, giáo lý viên phải là người muốn chứng minh điều mình rao giảng bằng chính con người và cuộc đời mình, ngay cả nếu cần thì chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức Giêsu.

Gioan Tiền Hô chấp nhận chết dưới tay bạo chúa Hêrôđê, để nói lên lời chân lý. Trong nhiều năm qua Hội Thánh Việt nam gặp nhiều khốn khổ do đủ mọi thế lực ngược với ánh sáng Chúa Kytô. Trong hoàn cảnh đó, đối với giáo lý viên, Gioan Tiền Hô không phải chỉ là một con người, mà còn là một niềm tin, một sứ mệnh, một cộng đoàn và là một lời mời lên đường, nói cho thế giới này rằng “Chúa Giêsu đang đến, cùng với Mẹ Vô Nhiễm của Người”.

Điều thứ ba, Gioan Tiền Hô không những rao giảng Đức Kytô là ai, mà còn dạy cho con người biết cách đón Đấng ấy. Gioan Tiền Hô dùng chính lời Thánh Kinh để bảo con người dẹp hết mọi chướng ngại trên đường đi, lấp hố sâu, bạt núi đồi, uốn chỗ cong, san chỗ gồ ghề. Người lãnh sứ mệnh giảng giáo lý cũng vậy. Trước hết họ cũng phải tự san bằng mọi trở ngại trong chính tâm hồn và cuộc đời của họ, để họ có thể giúp người khác dọn đường cho thích hợp.

Dĩ nhiên Thiên Chúa quyền năng có con đường riêng của Ngài, và nếu Ngài đã muốn đi thì cho dù ngàn trùng sông núi hay hố đen của vũ trụ cũng không cản nổi bước chân Ngài. Nhưng vì Ngài tôn trọng con người, những nhân vị và phẩm giá với đầy đủ tự do quyết định cuộc đời mình, Ngài muốn con người tự mở lòng mình ra trước hồng ân của Ngài. Do đó, vai trò của giáo lý viên không cgỉ là mở đường, mà còn phải giúp người khác ý thức tầm quan trọng của việc sử dụng tự do mà Thiên Chúa ban để mưu ích cho cuộc đời mình.

Còn một điều nữa, giáo lý viên trước hết phải học với Đức Giêsu mỗi ngày để có đủ kiến thức, đủ nghị lực và đủ khôn ngoan để rao giảng. Những câu mở đầu của chương 11 Tin Mừng Matthêu nói về việc rao giảng, câu kết của chương 11 không phải vô tình mà lại là lời mời gọi đầy yêu thương của Đức Giêsu dành cho những kẻ chọn lối bước theo chân Người. "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng." (Mt.11,28-30).

Chính nhờ mang lấy ách của Đức Kytô và học với Đức Kytô mà những người lãnh sứ mệnh rao giảng Lời Người không còn sợ bất cứ thế lực trần thế nào. Muốn học với Đức Kytô, chúng ta chỉ cần lăn xả vào Người, ôm lấy chân Người, và cùng Mẹ Maria, chúng ta “làm theo những gì Người bảo”.

Những ngày cuối năm, giáo lý viên nhiều giáo xứ, nhiều giáo phận có những hoạt động đặc biệt, như tĩnh tâm, tĩnh huấn, học hỏi thêm về Thánh Kinh và sư phạm giáo lý… Ước chi tất cả anh chị em giáo lý viên chúng ta thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu Kytô, Đấng mà chúng ta nhiệt tâm rao giảng. Chúng ta cùng cầu xin Người, nhờ Mẹ Thánh Người nâng đỡ và Thánh Gioan Tiền Hô làm gương sáng, xin Người chúc lành cho những dự tính của chúng ta, những dự tính làm mọi cách để Người được vinh quang hơn và làm cho các tâm hồn sẵn sàng đón Người.
 
Thánh Juan Diego và Đức Mẹ Guadalupe
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
07:00 12/12/2010
... Trong chuyến viếng thăm mục vụ Mêhicô lần thứ hai, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã nâng thổ dân Juan Diego (1474-1548) lên hàng Á Thánh vào Chúa Nhật 6-5-1990. Hôm ấy, Đức Thánh Cha âu yếm gọi tân chân phước là ”người tâm phúc của Đức Bà dịu hiền Tepeyac”. (Thổ dân Juan Diego được Đức Bà Guadalupe hiện ra 5 lần vào năm 1531).

<12 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại sang thủ đô Mêhicô lần thứ năm và đã chủ sự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước thổ dân Juan Diego vào ngày 31-7-2002.

Nhân dịp lễ kính thánh Juan Diego (9-12) và lễ mừng Đức Bà Guadalupe (12-12) xin lược thuật 5 lần Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA hiện ra cùng thổ dân Juan Diego trên đồi Tepeyac. Lần đầu vào sáng thứ bảy 9-12-1531 và lần cuối vào chiều thứ ba 12-12-1531. Trong lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ MARIA tỏ lộ danh tánh là ”Đức Bà Guadalupe”. ”Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa ”Người Nữ Chiến Thắng con rắn”.


Các cuộc hiện ra được thổ dân Antonio Valeriano (1520-1605) kể lại tỉ mỉ. Thổ dân Antonio Valeriano sống đồng thời với thổ dân Juan Diego. Vào năm 1531, thổ dân Juan Diego 57 tuổi và thuộc về nhóm thổ dân thiểu số rất ít người. Trước đó 7 năm, ông Juan Diego lãnh bí tích rửa tội cùng với người vợ hiền đức là bà Maria Lucia. Bà Maria Lucia qua đời năm 1529.

LẦN HIỆN RA THỨ NHẤT

Hôm đó là sáng thứ bảy 9-12-1531, ông Juan Diego đến nhà thờ Thánh Giá ở Tlatelolco để tham dự buổi học giáo lý. Khi đến gần đồi Tepeyac, ông nghe tiếng líu lo êm ái, tiếng ríu rít nhẹ nhàng, với các cung trầm bổng tuyệt vời của muôn ngàn chim sẻ, như tiếng nhạc réo rắt vọng xuống từ trời cao. Thổ dân Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ. Ông dồn dập tự hỏi: ”Liệu mình có xứng đáng với những gì đang nghe không? Hay mình đang mơ? Mình đã tỉnh hẳn chưa? Mình đang ở nơi nào đây? Có lẽ mình đang ở địa đàng, nơi cõi trần hạnh phúc mà các bậc tiên tổ đã nói tới chăng? Hay là mình đã vào thiên đàng rồi?” Còn đang đảo mắt nhìn chung quanh, bỗng tiếng hót im bặt và ông nghe một tiếng nói xa xôi, vọng xuống từ trên cao và gọi rõ tên ông:
- Juan Diego, Juan Diego nhỏ bé!

Juan Diego không hề cảm thấy sợ hãi, trái lại, ông sung sướng tiến nhanh về hướng đồi cao. Khi leo lên tới đỉnh, Juan Diego trông thấy một Bà đang đứng đó. Bà ra hiệu mời Juan Diego tiến lại gần Bà. Khi đến trước mặt Bà, Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ và kinh ngạc trước vẽ đẹp siêu thoát của Bà. Áo Bà long lanh các tia sáng mặt trời. Tảng đá nơi Bà đặt chân như toàn bằng đá quí và mặt đất chung quanh Bà tỏa sáng như cầu vòng.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn quì xuống và cảm động lắng nghe lời Bà nói cách êm ái dịu dàng:
- Hỡi Juan bé nhỏ, người con nhỏ bé nhất trong các con Mẹ, con đang đi đâu đấy?

Juan Diego trả lời:
- Thưa Bà, con phải đến Nhà Bà ở Messico-Tlatelolco để tiếp tục học về các mầu nhiệm của THIÊN CHÚA do các Linh Mục dạy. Các Linh Mục là các thừa tác viên thánh của Chúa chúng ta.

Bà Đẹp liền bày tỏ cùng Juan Diego ước muốn của Bà:
- Con hãy cẩn trọng ghi khắc nơi lòng con rằng con là người bé mọn nhất trong các con của Mẹ, và Mẹ chính là Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA thật, Đấng là suối nguồn sự sống, là Đấng Tạo Dựng muôn loài. Ngài là Chủ Tể trên trời và dưới đất. Mẹ hết sức mong ước người ta xây cất nơi đây một đền thánh, hầu Mẹ có thể minh chứng và trao ban cho mọi người tình thương của Mẹ, lòng cảm thông, sự trợ giúp và che chở của Mẹ. Bởi vì, Mẹ là Mẹ Từ Bi của các con, Mẹ của riêng con, cũng như của toàn dân sống trên phần đất này và của tất cả những ai thành khẩn kêu cầu cùng Mẹ với trọn lòng tin tưởng. Mẹ nghe rõ tiếng kêu than ai oán của họ. Mẹ muốn trao ban cho mọi người phương thuốc chữa trị các nỗi đau đớn, các khó khăn cùng các sầu khổ buồn phiền. Và để có thể thực hiện các nguyện ước khoan nhân của Mẹ, con hãy đi tới tòa Giám Mục Mêhicô và thưa với Đức Giám Mục rằng, chính Mẹ sai con tới và Mẹ ước ao người ta xây cho Mẹ một đền thánh trên ngọn đồi này. Con hãy kể lại tỉ mỉ cho Đức Giám Mục tất cả những gì con thấy và nghe. Con hãy tin chắc rằng, Mẹ sẽ nhớ ơn con, Mẹ sẽ ban thưởng cho con. Mẹ sẽ làm cho con được hạnh phúc và con, con sẽ xứng đáng với phần thưởng, dành cho các cố gắng và các nhọc mệt con hy sinh để chu toàn sứ mệnh Mẹ trao phó. Đấy nhé, con đã nghe rõ mệnh lệnh của Mẹ, hỡi con Mẹ, đứa con nhỏ bé nhất trong tất cả các con Mẹ. Bây giờ con hãy đi và dùng trọn sức lực để thi hành công tác.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn cúi mình nói:
- Thưa Bà, con sẽ đi ngay và thực hiện lệnh Bà truyền. Giờ đây đứa đầy tớ khiêm hạ của Bà xin được phép lui gót.

Ông Juan Diego mau mắn xuống khỏi đồi và trực chỉ thành phố Mêhicô. Vào thành, ông đi thẳng đến tòa Giám Mục. Vị Giám mục sở tại lúc bấy giờ là Đức Cha Juan de Zumárraga thuộc dòng Anh Em hèn mọn thánh Phanxicô. Juan Diego xin gặp Đức Cha và thưa với ngài về sứ điệp của Bà Đẹp Thiên Quốc. Nhưng Đức Cha không tin lời ông nói. Juan Diego buồn bã ra về, lòng thất vọng vì nhiệm vụ giao phó không hoàn thành.

LẦN HIỆN RA THỨ HAI

Cùng ngày thứ bảy 9-12-1531, thổ dân Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac. Khi lên tới đỉnh đồi, Juan Diego trông thấy Bà Đẹp Thiên Quốc đang đứng chờ mình. Ông quỳ sụp xuống và nói:
- Thưa Bà, con đã mang sứ điệp của Bà đến cho Đức Giám Mục. Ngài ưu ái lắng nghe con nói, nhưng ngài không tin lời con. Có lẽ ngài nghĩ là con bịa chuyện. Vì vậy, con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn. Có thế, Đức Giám Mục mới tin. Bởi vì con chỉ là người chót bét, một sợi dây mỏng manh, một chiếc thang bằng gỗ, một cái đuôi, một mảnh giấy. Con thuộc về một nhóm dân cùng đinh, nghèo khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà con không bao giờ dám đặt chân tới. Xin Bà tha thứ cho con, nếu con làm phật ý Bà, nếu con làm Bà nỗi giận. Hỡi Bà là Bà Chủ của con!

Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA trả lời:
- Hỡi người con bé nhỏ nhất của Mẹ, hãy lắng nghe lời Mẹ nói đây. Mẹ biết rõ là có nhiều tôi tớ khác của Mẹ có thể thi hành mệnh lệnh Mẹ truyền. Tuy nhiên, Mẹ rất cần đến sự giúp đỡ của con. Vậy thì, Mẹ truyền cho con trở lại tòa Giám Mục một lần nữa. Ngày mai, con đến tòa Giám Mục và thưa với Đức Cha rằng con đến nhân danh Mẹ và xin ngài xây cất một đền thờ theo ý hướng của Mẹ. Con lập lại với ngài lần nữa rằng chính Mẹ là Đức Trinh Nữ MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA, chính Mẹ đã đích thân sai con đến với ngài.

Thổ dân Juan Diego khiêm tốn thưa:
- Thưa Bà, con không hề muốn làm phiền lòng Bà, con sẽ trung tín thi hành nhiệm vụ Bà trao phó. Con không quản ngại đường xa cũng không lưu ý việc Đức Giám Mục không tin lời con nói. Ngày mai, con sẽ mang đến cho Bà câu trả lời của Đức Giám Mục. Bây giờ xin Bà cho phép con ra đi. Trong khi chờ đợi, xin Bà nghỉ ngơi!

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego rời nhà thật sớm đi tới Tlatelolco để tham dự các buổi cử hành phụng vụ. Trong lòng, ông cương quyết tìm mọi cách gặp cho bằng được Đức Giám Mục. Thánh Lễ kết thúc, thổ dân Juan Diego phải nài nĩ mãi người ta mới cho ông được hầu chuyện với vị Giám Mục. Ông quì gối trước mặt Đức Giám Mục, vừa khóc ông vừa lập lại lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông khẩn khoản xin Đức Giám Mục tin lời ông. Ông tha thiết xin ngài chấp thuận thi hành ước nguyện của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm.

Với mục đích kiểm chứng thực hư, Đức Cha Juan de Zumárraga đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Thổ dân Juan Diego kiên nhẫn trả lời rõ ràng từng câu một, thật chính xác. Sau khi tỉ mỉ tra vấn, Đức Giám Mục truyền cho ông Juan Diego phải xin Bà Đẹp Thiên Quốc tỏ lộ một ”dấu chỉ”. Mặt khác, ngài còn cẩn thận sai một vài người giúp việc nơi tòa Giám Mục hãy đi theo Juan Diego xa xa, và theo dõi mọi hành động của ông. Thế nhưng, khi đến chân đồi Tepeyac thì những người này không còn trông thấy bóng dáng thổ dân Juan Diego đâu nữa.

LẦN HIỆN RA THỨ BA

Cùng ngày Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego lên đồi trình bày với Đức Mẹ về câu trả lời của Đức Giám Mục. Nghe xong, Đức Mẹ liền nói:
- Hỡi con nhỏ bé của Mẹ, con đã thi hành tốt đẹp lệnh truyền của Mẹ. Được rồi. Ngày mai con hãy trở lại đây để đón nhận ”dấu chỉ” mà vị Giám Mục xin. Như thế, ngài sẽ tin lời Mẹ, sẽ không hoài nghi cũng không còn ngờ vực con nữa. Phần con, con luôn ghi nhớ rằng Mẹ sẽ trả công bội hậu cho con vì tất cả những khó nhọc con dành để phục vụ Mẹ. Giờ đây con hãy chạy nhanh về đi. Ngày mai Mẹ đợi con cũng nơi ngọn đồi này!

Ngày hôm sau, thứ hai 11-12-1531, thổ dân Juan Diego không đến nơi hẹn với Đức Trinh Nữ. Lý do vì chiều Chúa Nhật hôm trước, khi về đến nhà, Juan Diego trông thấy người chú Juan Bernardino lâm bệnh nặng. Juan Diego vội vã chạy đi tìm thầy thuốc đến chữa bệnh cho chú. Thầy thuốc đến ngay. Nhưng cơn bệnh đã đến hồi trầm trọng, vô phương cứu chữa. Biết thế, ông chú liền xin Juan Diego đi mời Linh Mục đến, để ông được lãnh nhận các phép Bí Tích sau cùng và dọn mình chết lành.

LẦN HIỆN RA THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Sáng tinh sương ngày thứ ba 12-12-1531, ông Juan Diego nhanh nhẹn đi đến Tlatecolco để mời Linh Mục cho chú. Ông cẩn thận chọn một con đường khác, đi vòng quanh ngọn đồi về hướng đông, để có thể vào ngay thành phố Mêhicô, và khỏi bị Bà Đẹp Thiên Quốc giữ lại nói chuyện! Tuy nhiên, ông Juan Diego rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy Bà Đẹp từ trên đồi đi xuống. Khi đến gần, Bà hỏi ông Juan Diego:
- Có chuyện gì xảy ra vậy con? Con đang đi đâu đó?

Thổ dân Juan Diego cảm thấy vừa sợ hãi vừa xấu hổ thẹn thùng. Ông nghiêng mình thưa:
- Con hy vọng Bà hài lòng! Sáng nay Bà có cảm thấy dễ chịu không? Sức khoẻ Bà như thế nào? Con biết Bà sẽ phật ý. Nhưng xin Bà hiểu cho rằng, chú con bị bệnh nặng vì bị lây bệnh dịch hạch. Con đi mời Linh Mục đến giải tội cho chú con. Xin Bà thứ lỗi cho con. Xin Bà vui lòng chờ đợi con. Con không đánh lừa Bà đâu. Ngày mai con sẽ đến đây thật sớm để gặp Bà!

Sau khi lặng lẽ nghe ông Juan Diego bào chữa một hơi dài, Đức Nữ Trinh Rất Thánh Nhân Từ dịu dàng trả lời:
- Con hãy lắng nghe và hiểu cho kỹ, hỡi đứa con bé nhỏ nhất của Mẹ. Con đừng xao xuyến trong lòng. Con đừng lo lắng về bệnh tình của chú con cũng như về bất cứ điều gì không may sẽ xảy ra. Mẹ đang có mặt nơi đây, không như là người Mẹ của con sao? Con không tìm thấy an nghỉ dưới bóng rợp mát của Mẹ sao? Mẹ không phải là sức khỏe của con sao? Con không được Mẹ ấp ủ sao? Hãy nói cho Mẹ biết con đang cần gì? Con chớ nên âu lo và buồn phiền, ngay cả bệnh tình trầm trọng của chú con. Bởi vì chú con chưa chết bây giờ đâu. Con hãy tin tưởng vững chắc rằng, ngay chính lúc này đây, chú con sẽ được khỏi bệnh!

Lắng nghe những lời nói dịu dàng của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, thổ dân Juan Diego cảm thấy lòng tràn ngập niềm an ủi. Ông mau mắn leo lên đồi cao, theo lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông hái những đóa hồng Tây-Ban-Nha nở tươi, thơm phức, tuyệt đẹp, ngoại lệ, vì lúc bấy giờ là tháng 12. Thổ dân Juan Diego nhanh nhẹn hái hết và bỏ vào chiếc áo choàng, đan bằng sợi cây xương rồng. Giờ đây ông trở thành vị sứ giả đáng tin cậy. Ông hăng hái trở lại con đường tiến thẳng vào thành phố Mêhicô.

Ông Juan Diego vào tòa Giám Mục, quì gối trước mặt Đức Cha Juan de Zumárraga. Thổ dân Juan Diego lập lại sứ điệp của Đức Mẹ MARIA rồi từ từ mở chiếc áo choàng, mà cho đến lúc ấy, ông vẫn còn giữ chặt trước ngực. Vừa khi những đóa hồng tươi rơi xuống đất, tức khắc, xuất hiện trên chiếc áo choàng hình ảnh thật đẹp của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA.

Vị Giám Mục cùng tất cả những người hiện diện liền sấp mình xuống đất, tôn kính hình ảnh lạ được Đức Mẹ MARIA in trên áo choàng. Vị Giám Mục thật ân hận vì không tin ngay lời thổ dân Juan Diego nói. Ngài muốn giữ chiếc áo choàng lạ nơi nhà nguyện riêng của ngài ở tòa Giám Mục. Ngày hôm sau, Đức Giám Mục cùng với một đoàn người đông đảo, đi hành hương kính viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra trên đồi Tepeyac.

Về phần thổ dân Juan Diego, ngoài hồng phúc được tận mắt trông thấy Đức Mẹ MARIA, ông còn cảm thấy thật sung sướng vì chứng kiến phép lạ đầu tiên thực hiện theo lời hứa của Đức Mẹ. Đó là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của người chú Juan Bernardino. Chính với người chú này - ông Juan Bernardino - mà trong lần hiện ra thứ năm, cũng là lần sau cùng, Đức Mẹ tỏ lộ danh tánh:
- Đức Bà Guadalupe.

”Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa ”Người Nữ Chiến Thắng con rắn”.

Chiếc áo choàng với hình Đức Mẹ MARIA được rước từ nhà nguyện riêng của Đức Giám Mục ra nhà thờ chính tòa và được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng. Hơn 2 tuần sau, ngày 26-12-1531, chiếc áo choàng lạ lại được rước tới nhà nguyện nhỏ đầu tiên do chính các thổ dân xây cất dâng kính Đức Bà Guadalupe trên đồi Tepeyac.

Trong vòng 17 năm trời, tức cho đến ngày nhắm mắt từ trần vào năm 1548, thổ dân Juan Diego sống cạnh đền thánh tí hon này, làm người canh giữ đền thánh. Nhưng nhất là, ông trở thành người đầy tớ đơn sơ khiêm hạ, trở thành vị chứng nhân và tông đồ nhiệt thành của Đức Bà Guadalupe.

Cuộc hiện ra của Đức Bà Guadalupe với thổ dân Juan Diego đã ghi dấu ấn sâu đậm nơi cuộc sống người dân Mêhicô. Đức Bà Guadalupe trở thành biểu tượng sức mạnh của kẻ bé nhỏ, yếu đuối và là niềm hy vọng của tất cả những ai đang lo âu sầu khổ.

Hình ảnh Đức Mẹ MARIA in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho đến ngày nay, sau gần 480 năm. Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh trên đồi Tepeyac. Đền thánh mang tên Đức Bà Guadalupe.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 20 triệu tín hữu đến hành hương.

Đức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng nước Phi-Luật-Tân vào năm 1935.

... Kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng tin cậy chạy đến cùng Mẹ.
Mẹ là Mẹ THIÊN CHÚA, là Mẹ chúng con, Mẹ là Nữ Vương Toàn Năng, là Đấng bầu cử cho chúng con trước tòa Chúa. Biết bao nhiêu lần, Mẹ đã cứu vãn Giáo Hội, và các dân tộc trong cơn nguy biến.
Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Để thực hành mệnh lệnh của Mẹ, và để nhờ Mẹ che chở phù trì, ngày nay và mãi mãi.
Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ soi sáng hàng Giáo Phẩm, dìu dắt và thánh hóa các Linh Mục. Xin Mẹ giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ. Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh chị em của chúng con, đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.
Xin Mẹ chúc lành cho tổ quốc Việt Nam. Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc, xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia, xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn.
Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do, hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.
Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ, và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.
Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhậm lời chúng con. Và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng. AMEN.

(CSD 1009, ”Contesto Storia e Significato della Apparizione Guadalupe”, 13-7-2002)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 12/12/2010
MŨ CÁNH CHUỒN

N2T


Mũ cánh chuồn ngày xưa là một loại mũ của quan lại, hình dáng của mũ cánh chuồn phía trước thấp, phía sau cao, hai bên có gắn cánh, cánh lại phân biệt có ba loại: cánh vuông, cánh nhọn và cánh tròn; cách nói cũng có nói mũ vuông, mũ nhọn và mũ tròn, bởi vì vật liệu để làm mũ thông thường là dùng loại vải màu đen có tính thông gió tốt, cho nên mới gọi là mũ cánh chuồn.

Tương truyền mũ cánh chuồn thì Đông Tấn Thành đế mới có, còn như mũ cánh chuồn bị dùng làm “thay thế gọi kẻ làm quan” thì có từ sau triều đại nhà Minh.

Khi biểu diễn những màn hát bội cổ truyền thì chúng ta thường thấy lũ quan tham ô lại cuối cùng bị tước bỏ mũ cánh chuồn, đó chính là tượng trưng cho sự “mất quan” vậy.

(Tấn thư)

Suy tư:

Thời nay có nhiều loại mũ như: mũ lưỡi trai, mũ bê-rê, mũ tai bèo, mũ của lính biên phòng, mũ sắc của người lính trận, mũ bằng nhựa lác-tít của lính cứu hỏa, tất cả các loại mũ ấy đều có ích cho mọi người.

Nhưng cũng có loại mũ không phải che nắng che mưa, mà cũng chẳng có ích cho ai cả, mà là để che tấm thân để được ấm no, để được ăn trên ngồi trước, để được áo thụng cân đai xếnh xáng với mọi người, đó chính là cái “mũ chuồn chuồn” của các quan tham ngày xưa, và cái mũ quyền lực bao che cho phe nhóm ngày nay.

Người Ki-tô hữu thường chịu thiệt thòi trước mắt người đời, vì có một vài nơi trên thế giới họ không chịu dựa vào cái mũ nào cả của quan quyền để được yên thân làm ăn và thờ phượng Chúa, họ chỉ dựa vào cái mũ duy nhất là sự công chính và yêu thương của Thiên Chúa mà thôi, cho nên họ không sợ mưa nắng của thế gian công đánh; họ cũng không muốn mượn mũ của thế gian để đội trên đầu, bởi vì họ biết rằng cái mũ bằng quyền lực thì giống như cái mũ bằng vải mau rách vậy.

Ha ha ha, ai hiểu được thì hiểu.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 12/12/2010
N2T


17. Hết sức có thể, các con nên tránh xa hư vinh, cũng vẫn cứ không nên khoe khoang bản thân mình.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Linh Mục - Thừa Tác Viên lòng thương xót của Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:04 12/12/2010
Bước vào Mùa Vọng, các Giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội.

Các Linh mục bề bộn nhiều công việc như ngồi tòa, giảng phòng… không những giáo xứ mình mà còn giúp nhiều xứ khác. Các Linh mục trong Giáo hạt thường truyền thống luân phiên đến từng xứ ban Bí tích Hòa giải, tạo nên tình hiệp nhất huynh đệ và chia sẽ sứ vụ.

Đọc lại “Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2002” và những bài giảng tĩnh tâm Linh mục 2002 Giáo phận Sài gòn của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, tôi bắt gặp “Chân dung Linh mục” qua hình ảnh: Cha Giải Tội – Thừa Tác Viên Của Bí Tích Hòa Giải:“Cũng giống như trên bàn thờ khi dâng thánh lễ hay khi cử hành các bí tích khác, Linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để hoàn tất mầu nhiệm thương xót qua việc ban ơn tha thứ, trong tư cách Anh cả của gia đình nhân loại (Rm 8, 29), Thượng tế đầy lân tuất tín trung và trắc ẩn (Dt 2, 17), Mục tử lắng lo tìm con chiên lạc (Lc 15, 4-6), Lương y chữa bệnh an ủi (Lc 5, 310, Thầy dạy chân lý và chỉ đường (Mt 22, 16), Quan tòa xét xử theo sự thật chứ không theo dáng vẻ bên ngoài (Ga 8, 16)”. (Chân dung Linh mục trang 39).

Đức Cha Giuse nhận định: Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất nhưng là một tác vụ cao đẹp nhất.

1. Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất và đòi hỏi nhất của Linh mục trong đời mục vụ.

a. Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ:

Ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.

Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi. Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD, đang truyền giáo tận bên Paraguay, chia sẽ về khó khăn trong tác vụ giải tội nhân kỷ niệm ngày chịu chức linh mục: “Trong những tháng cuối năm phụng vụ, các giáo xứ và giáo điểm truyền giáo ở đây đều chuẩn bị cho các lễ thêm sức, rước lễ lần đầu nên các cha xứ thường mời các cha ngồi tòa. Có lẽ vì thấy tôi còn trẻ trung và dễ chịu nên các cha thường mời tôi ngồi tòa. Tôi còn nhớ lúc còn ở Việt Nam tôi cũng thường được ngồi tòa cùng với rất nhiều cha khác vào các dịp Mùa Chay hay Mùa Vọng ở các giáo xứ tại Sài Gòn. Sau khi ngồi tòa thì các cha được bồi dưỡng tô cháo gà cho ấm bụng, và… dĩ nhiên có một phong bì nữa. Còn những ngày ngồi tòa ở đây, chỉ có 3 linh mục mà con số xưng tội lại quá đông, nhiều người lại chẳng biết xưng tội như thế nào vì có khi cả hơn 30 năm rồi chưa bước đến nhà thờ. Lại thêm một số bà với mùi nước hoa vô cùng khó chịu cứ thao thao bất tuyệt kể những chuyện và những tội của người khác đôi lúc cũng làm tôi bực mình. Ngồi tòa cả mấy tiếng đồng hồ mà chẳng có được một ly nước lã, thậm chí muốn đi vô nhà vệ sinh mà cũng ráng nín cho xong việc, rồi khi xong việc thì nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ đêm mà ông cha nhờ mình chẳng hề mời ăn tối, chẳng hề có một lời cảm ơn nên mình lẳng lặng về nhà kiếm chút gì bỏ vào bụng trước khi đi ngủ. Nhiều khi thấy cuộc đời sao nó bạc quá, bạc hơi vôi nữa và chẳng biết có mấy ai hiểu cho cuộc sống ở đất lạ quê người này. Đôi lúc cũng muốn buông xuôi và xin đến một nơi khác để có một cuộc sống thoải mái hơn và cũng để kiếm chút gì gởi cho cha mẹ già đang bệnh nhưng hình như trong thâm tâm vẫn còn những cuộc đấu tranh tư tưởng và những suy nghĩ trái chiều nhau nên đôi lúc cũng gây ra mất ngủ. (Đôi điều suy nghĩ dịp kỷ niệm chịu chức linh mục. Paraguay 31/ 10/2010).

Nhìn đoàn người xếp hàng dài chờ đợi, Linh mục giải tội đôi khi cảm thấy âu lo, nhưng nhờ ơn Chúa, ngài lại thêm phấn chấn nhiệt thành với bổn phận.

b. Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ:

Trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải.

Sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

2. Giải tội là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất.

Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư TNTT 2002 số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha đã khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

- Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)

- Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt qúa làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

3. Linh mục cũng là hối nhân

Dù nhiệm vụ của linh mục”là trở thành những chứng nhân cho Thiên Chúa, là những phát ngôn viên của lòng nhân từ có sức cứu rỗi” (Số 10), “là Thừa tác viên của bí tích hòa giải”, nhưng linh mục cũng còn là hối nhân như bất cứ ai, vốn cần đón nhận những ơn phúc phát sinh từ bí tích hòa giải. Đó là điều kiện cần thiết cho đời sống linh mục “Đời sống linh mục có thể bị suy thoái nếu chính họ thờ ơ, hoặc vì một lý do nào khác, không đến với bí tích hòa giải một cách đều đặn với đức tin và lòng sốt sắng đích thực. Nếu một linh mục không còn đi xưng tội nữa hoặc xưng tội không nên thì sứ vụ linh mục của Ngài sẽ sớm bị ảnh hưởng, và chính cộng đoàn do linh mục dẫn dắt sẽ nhận ra điều đó’ (Tông huấn sám hối và hòa giải số 31).

Trước khi là Thừa tác viên lòng thương xót, mỗi linh mục cũng là người biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể cho đi một cách nhiệt tình mà mình chỉ kinh nghiệm mong manh. Chính vì thế, Tông huấn SH và HG số 31 viết tiếp: “Chúng ta, các linh mục khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân mình, có thể nói cách chắc chắn rằng, càng tìm đến bí tích hòa giải thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta càng đảm nhiệm tốt hơn tác vụ giải tội và bảo đảm rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn. Trái lại, tác vụ này sẽ mất nhiều hiệu năng nếu một cách nào đó, chúng ta không còn là những hối nhân thực thụ nữa”. Trong ý tưởng này ta có thể nói: càng là hối nhân thực thụ bao nhiêu, càng là thừa tác viên chân chính bấy nhiêu.

Mùa Vọng, nhìn chân dung Linh mục qua Thừa Tác Viên của Bí Tích Hòa Giải để thấy được rằng, ngay tự nguồn gốc đã là khởi đi từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúa chọn cách nhưng không:”Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn các con” (Ga 15, 16). Chúa sai đi làm đại diện cho Chúa dù linh mục bé nhỏ thấp hèn. Chúa ký thác trái tim đầy thương xót của Ngài vào trái tim nhân loại của linh mục để ban ơn tha thứ cho hối nhân. Muốn chu toàn trách vụ, linh mục cần ký thác trái tim nhỏ bé của mình vào trái tim xót thương của Thiên Chúa (số 4).

Mỗi lần ban ơn xá giải là linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trận Động Đất tại Haiti và Đức Thánh Cha Benedict là hai nguồn tin được xếp hàng đầu trong năm 2010
Bùi Hữu Thư
08:48 12/12/2010
Hoa Thịnh Đốn (CNS) – Trận động đất kinh hoàng tàn phá Haiti và các nỗ lực tái thiết và phục hồi sau đó là những tin tức đứng hàng đầu trong các tin về tôn giáo năm 2010, và Đức Thánh Cha Benedict XVI lại vẫn là nhân vật được đăng tin nhiều nhất hàng đầu, theo một cuộc thăm dò hàng năm của hãng thông tấn Catholic News Service.

Các cuộc tranh luận về việc cải tổ hệ thống y tế, đã khiến cho cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Hoa Kỳ đều bị thương tổn, và ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và sự hiệp nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ, được xếp hạng hai trong số 30 nguồn tin được bỏ phiếu.

Việc tiếp tục đăng tải các tin tức về việc lạm dụng tính dục bởi các linh mục, nhất là tại Âu Châu, đứng hạng ba.

Trong số 25 nhân vật được đăng tin nhiều nhất, Đức Thánh Cha Benedict XVI rõ ràng là người đứng đầu. Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan ở New York, được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tháng 11 vừa qua, là người đứng thứ hai. Chân Phước John Henry Newman, được Đức Thánh Cha Benedict phong Á Thánh trong chuyến viếng thăm Anh Quốc tháng Chín vừa qua là người đứng thứ ba.

Cuộc thăm dò này là cuộc điều tra dư luận hàng năm lần thứ 49 do hãng thông tấn CNS thực hiện. Các phiếu thăm dò đã được phân phát ngày 3 tháng 12, và hạn chót để gửi trả lại là ngày 9 tháng 12.
 
ĐTC: ''Anh em hãy vững lòng''
Đặng Thế Nhân
14:24 12/12/2010
"ANH EM HÃY VỮNG LÒNG" (Gc 5, 7)

Vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng nay, Chúa nhật thứ ba mùa Vọng, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm giáo xứ thánh Massimiliano Kolbe, toạ lạc tại phía đông giáo phận Roma. Sau đó, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ và trong bài giảng ngài gởi lời chào đến từng thành phần trong giáo xứ và nhấn mạnh rằng cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ là biểu tượng cho việc cùng nhau tiến bước trong hành trình đức tin về quê trời. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha trở lại Vatican chủ sự kinh truyền tin như thường lệ.

Quảng trường thánh Phêrô hôm nay có khoảng 2000 trẻ em đến đem theo tượng Chúa Hài Đồng để Đức Thánh Cha làm phép và các em đem về đặt trong hang đá ở gia đình, trường học hay giáo xứ.

Mở đầu bài huấn từ, Đức Thánh Cha ngỏ lời với mọi người...

Anh chị em thân mến, phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật thứ ba mùa Vọng mở đầu bằng lời khích lệ cho chúng ta như trong thư của thánh Giacôbê viết: "Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm." (Gc 5, 7) Trong thời đại chúng ta, ít khi người ta đề cao tính kiên trì và nhẫn nại, một đức tính thường thấy trong hành trang của các bậc cha anh. Ngày nay đức tính này ít phổ biến hơn trong một thế giới nhiều thay đổi và nhiều người đánh giá cao khả năng thích nghi với những hoàn cảnh luôn mới. Mùa Vọng không làm mất đi giá trị thích ứng này, như một đặc tính của con người, nhưng mùa Vọng kêu mời chúng ta đào sâu tính nhẫn nại nội tâm, tính kiên trì của tâm hồn, những đức tính giúp chúng ta không rơi vào tuyệt vọng trong khi chờ đợi một thực tại tốt đẹp sẽ đến, hơn thế nữa là biết chờ đợi và chuẩn bị chính mình trong tin tưởng mãnh liệt.

"Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã đến gần." (Gc 5, 7-8) Hình ảnh so sánh trên đây thật ý nghĩa: ai gieo giống trong ruộng, phải đợi chờ trong kiên nhẫn và bền chí vì biết rằng hạt giống phải hoàn thành tiến trình của nó mới sinh hoa kết trái nhờ mưa thu và mưa xuân. Nhà nông không phải là người phó mặc cho định mệnh nhưng là mẫu người gắn kết một cách cân bằng giữa niềm tin và lý trí bởi vì một mặt họ biết được quy luật tự nhiên và làm tốt việc của mình, mặt khác, họ tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa vì hiểu rằng có những thứ không nằm trong tay của họ mà trong tay Thiên Chúa. Sự kiên nhẫn và bền chí thực sự là một tổng hoà giữa công lao của con người và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa.

Kinh thánh nói:"Anh em hãy vững lòng". Chúng ta đạt đến điều này như thế nào? Phải làm gì để con tim thêm vững mạnh, một con tim đã rất mềm yếu và vô định ngay trong nền văn hoá chúng ta đang sống? Chúng ta không thiếu sự trợ giúp, đó chính là Lời Chúa. Quả vậy, trong khi mọi thứ đều qua đi và thay đổi, Lời Chúa không bao giờ qua đi. Nếu những biến cố cuộc đời làm chúng ta lạc hướng và tất cả những đoan chắc của chúng ta trở nên vô nghĩa, chúng ta vẫn còn cái la bàn để định hướng, vẫn còn cái neo để níu giữ khỏi lạc đường. Chúng ta cần noi theo mẫu gương các ngôn sứ, những người được Chúa gọi để nói nhân danh của Người. Vị ngôn sứ tìm thấy niềm vui và sức mạnh trong Lời của Chúa và trong khi người đời tìm kiếm niềm vui chóng qua, vị ngôn sứ loan báo niềm hy vọng đích thực, niềm hy vọng không dối lừa vì được đặt nền trên sự trung tín của Thiên Chúa. Đối với mỗi người tín hữu, với sức mạnh nơi bí tích Rửa Tội, chúng ta đã lãnh nhận phẩm giá ngôn sứ. Ước gì mỗi người biết tái khám phá và nuôi dưỡng phẩm giá này cùng với việc kiên trì lắng nghe Lời Chúa. Mẹ Maria là người đã lắng nghe Lời Chúa và Tin Mừng gọi Mẹ là người đầy ơn phúc vì đã tin vào sự viên mãn của lời ấy. (x. Lc 1, 45)

Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nồng nhiệt chào đón các trẻ em và thiếu niên vùng Roma đã quy tụ theo truyền thống làm phép tượng Chúa Hài Đồng. Đức Thánh Cha mời gọi các em khi đặt tượng Chúa Giêsu bé nhỏ vào hang đá hãy nhớ dâng một lời nguyện cho ngài và theo các ý chỉ của ngài.

Chào hỏi các tín hữu hành hương nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha nhắc đến niềm vui của phụng vụ hôm nay trong việc chờ đón Chúa đến. Ngài mời gọi mọi người mở lòng ra với những dấu chỉ cứu rỗi của Chúa giữa dòng đời hôm nay. Ngài hy vọng rằng những chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh giúp chúng ta để ý đến Lời Chúa hơn, đến việc hoán cải thực sự và canh tân cõi lòng. Đức Thánh Cha nguyện chúc mọi người mọi nhà niềm vui và bình an của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.
 
Đức Thánh Cha nói: Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi thế giới
Bùi Hữu Thư
19:01 12/12/2010
Ngài viếng thăm giáo xứ thánh Maximilien Kolbe

ROME, Chúa Nhật 12 tháng 12, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhận xét trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng: Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi thế giới, các nhà độc tài và các tiên tri giả chỉ mang lại sự tàn phá.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã đến thăm một giáo xứ của giáo phận của ngài, giáo xứ thánh Maximilien Kolbe, cách xa Vatican vài cây số về phía nam, bên ngoài “vòng đai”, vào ngày Chúa Nhật “Mừng Vui Lên” (Gaudete), khi các linh mục mặc phẩm phục mầu hồng để biểu lộ sự hân hoan vì Đấng Thiên Sai sắp đến.

Đức Thánh Cha đã được cha xứ Don Slawomir Skwierzynski, một linh mục người Ba Lan đón rước. Giáo xứ này quy tụ rất nhiều người đã được rửa tội từ nhiều quốc gia khác nhau, không chỉ riêng những người Đông Âu mà còn cả những người Công GIáo từ Trung Quốc tới nữa.

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI, không phải là “các lời hứa hẹn to lớn” mới thay đổi được thế giới, nhưng là “ánh sáng thầm lặng của sự thật, của lòng nhân lành của Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói: Những chủ thuyết, những nhà độc tài, những chính sách chuyên chế, chỉ để lại cho thế giới này một “trống rỗng vĩ đại” và một “sự tàn phá khủng khiếp.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói tiếp trong khi bình luận về Phúc Âm: Chúa Kitô đã không làm một “cuộc cách mạng đẫm máu”, Người đã không “thay đổi thế giới bằng vũ lực”, nhưng Người đã đến để “thắp lên bao nhiêu ánh sáng để tạo thành một đại lộ ánh sáng qua suốt bao nhiêu thiên niên kỷ.”

Đức Thánh Cha đã nêu lên những chứng nhân của Chúa Kitô trong số những ánh sáng này: đó là cha Maximilien Kolbe, người đã hy sinh mạng sống của mình để cứu một người cha của một gia đình, trong trại diệt chủng Auschwitz. Ngài cũng đã “khuyến khích những người khác cũng hy sinh tận hiến, để đến gần với những ai đang đau khổ và bị áp bức.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến thánh Damien de Veuster, là người “đã sống và chết vì các người bị phong hủi” tại Molokaï, và Mẹ Têrêsa thành Calcutta “đã mang lại ánh sáng cho biết bao nhiêu người, sau một cuộc đời tăm tối, họ đã nhắm mắt với một nụ cười trên môi vì môi miệng họ đã được ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa chạm đến.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ bởi “niềm xác tín rằng chúng ta hoàn toàn được yêu mến, là chúng ta không bị quên lãng, là chúng ta không phải là những tạo vật được dựng nên một cách vô tình, mà là do một ý muốn của tình yêu.” Niềm xác tín này làm cho chúng ta cảm nhận được “sự gần gũi với Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha đã khuyên nhủ: “Thiên Chúa rất gần, nhưng chúng ta thường xa lánh Người. Chúng ta hãy đến gần, hãy tự đặt mình trước sự hiện diện của ánh sáng của Người, hãy cầu xin Người, và nhờ lời cầu nguyện chúng ta cũng trở nên ánh sáng cho kẻ khác.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall Sydney
Diệp Hải Dung
06:46 12/12/2010
SYDNEY - Chiều thứ Bảy 11/12/2010 các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Giáo đoàn và quý Quan Khách Úc Việt đã đến nhà thờ St.Mary’s Georges Hall tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa là Quan Thầy của Giáo Đoàn Georges Hall.

Xem hình ảnh

Quý Cha và tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ và Cha Matthêu Nguyễn Bá Linh Đan Viện Phụ Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước Vũng Tàu Việt Nam xông hương kiệu Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa đồng thời 3 hồi chiêng trống kiệu cung nghinh tượng Thánh Phan Đắc Hòa rước vào nhà thờ an vị trên cung Thánh.

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Đặc trách Giáo đoàn Georges Hall ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và Cha giới thiệu quý Cha Paul Văn Chi, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Lai Thụy Minh Tâm (VN) Cha Hoàng Minh Tâm (VN) và Đức Viện Phụ Nguyễn Bá Linh (VN) đến tham dự hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng Giáo Đoàn.

Sau nghi thức Thiếu Nhi Thánh Thể của Xứ đoàn cung nghinh Phúc Âm. Cha Dương Thanh Liêm trong bài giảng nói về “Cách Ly và Đoạn Tuyệt” Sự cách ly của các Thánh Tử Đạo Việt Nam bị bắt bớ giam cầm tù đày cách ly với tất cả nhũng người thân yêu. Nhưng các Thánh Tử Đạo Việt Nam không bao giờ Đoạn Tuyệt với Chúa, các Ngài luôn trung kiên và gắn bó với Chúa cho đến giờ phút cuối cùng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall và ông cầu chúc Giáo Đoàn luôn bền vững lớn mạnh trong Cộng Đồng. Kế tiếp ông Trần Thanh Tịnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách các Giáo Đoàn bạn và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Ca Đoàn, Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Dòng Ba Đa Minh. Đây là lần đầu tiên Giáo Đoàn Georges Hall tổ chức mừng kính Bổn Mạng. Ông cũng cám ơn quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Giáo Đoàn và sau cùng ông xin tất cả mọi người hãy luôn cầu nguyện cho Giáo Đoàn ngày bền vững và tiến triển trong Cộng Đồng trong Giáo Hội.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại qua bên sân trường nhà thờ tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Georges Hall Thánh Simon Phan Đắc Hòa.
 
Thánh lễ giới thiệu và cầu nguyện cho nhóm Linh Hoạt Viên của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng
Giuse Trần Ngọc Huấn
12:27 12/12/2010
LẠNG SƠN, Trong niềm hân hoan của Chúa Nhật Mầu Hồng, chuẩn bị cho đại lễ mừng kỷ niệm Thiên Chúa Nhập Thể, giáo phận Lạng Sơn, cách riêng các bạn trẻ, vui mừng khi Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục giáo phận – long trọng giới thiệu nhóm Linh Hoạt Viên với mọi thành phần Dân Chúa và chủ sự Thánh lễ đặc biệt để cầu nguyện cho các bạn trẻ trong giáo phận.

Xem hình ảnh

Từ 17h00 chiều ngày hôm nay, Ca đoàn từ các giáo xứ Thất Khê, Mỹ Sơn, Đồng Đăng và giáo xứ Chính Tòa, cùng với quý vị Phụ huynh của các thành viên trong Nhóm đã về để cùng với các bạn trẻ trong nhóm Linh Hoạt Viên chia sẻ niềm vui nhân ngày ra mắt với Cộng đồng Dân Chúa. Nhà thờ Chính Tòa của giáo phận trở nên thật ấm cúng, chan hòa ánh sáng và chan chứa niềm vui. Nét rạng ngời trên mỗi gương mặt, sự ấm áp của tình nghĩa xua đi cái lạnh và những cơn mưa đầu mùa đông nơi vùng cao biên giới.

Đúng 17h30, mọi người tập trung đông đủ trong Nhà thờ Chính Tòa, các bạn trẻ trong nhóm Linh Hoạt Viên đã đem đến những vũ khúc thật hân hoan và đầy tinh thần giới trẻ Công giáo. Đức cha Giuse tiến vào tham dự khai mạc trong những tràng pháo tay chào đón của mọi người. Trong diễn từ ngắn gọn, Ngài nói lên sự vui mừng khi đông đảo mọi người quy tụ trong nhà thờ Chính Tòa vào ngày Chúa Nhật Hồng hôm nay, có những giáo xứ xa xôi như Thất Khê cũng tới tham dự, điều đó nói lên sự quan tâm và khích lệ của mọi người dành cho giới trẻ của giáo phận, cách riêng trong niềm vui của ngày ra mắt nhóm Linh Hoạt Viên hôm nay.

Đức cha Giuse trịnh trọng giới thiệu nhóm Linh Hoạt Viên với mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Đây sẽ là nòng cốt của giới trẻ giáo phận, để thúc đẩy cho các phong trào của người trẻ được ngày một sôi nổi, thăng tiến và có hiệu quả cho lợi ích chung, làm cho đời sống giới trẻ giáo phận thêm phong phú, lành mạnh và đạo đức, nhờ đó góp phần làm cho sức sống của giáo phận mỗi ngày một đi lên.

Chương trình văn nghệ thật được bắt đầu với sự tham dự của các ca đoàn giáo xứ Thất Khê, Cửa Nam (Chính Tòa), Đồng Đăng, Mỹ Sơn và các bạn trẻ. Mọi người đã đem đến những vũ khúc, những bài hát hợp xướng thật ý nghĩa, khơi lên nhiệt huyết của tuổi trẻ và hướng mọi người đến niềm vui Giáng sinh đang tới gần.

Vào luc 19h00, Thánh lễ trọng thể do Đức cha Giuse chủ sự, cùng với cha Đại diện Giuse Nguyễn Ngọc Thể, cha Anton Nguyễn Anh Tuấn (Lazarite), cha Gioan Baotixita Nguyễn Anh Tuấn (Phanxicô) – đặc trách sinh viên – giới trẻ của giáo phận. Mọi thành phần Dân Chúa tham dự sốt sắng và trang trọng.

Trong bài Giảng lễ, Đức cha Giuse đã chia sẻ: “Thật vui mừng trong ngày Cha dâng lễ giới thiệu giới trẻ linh hoạt viên của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng ra mắt với cộng đồng Dân Chúa Giáo phận. Đây là ngày đặc biệt khi các bạn trẻ nhận ra lời mời gọi của Tin Mừng Tình yêu để cảm nhận sứ mạng phục vụ trong ơn gọi của người trẻ với Giáo phận truyền giáo Lạng sơn này. Cũng để hướng tới Đại Hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà-Nội vào năm 2012 tổ chức tại Giáo phận Lạng sơn của chúng ta. Tuy hôm nay chỉ là sự khởi đầu với con số rất khiêm tốn, nhưng đây là một khởi đầu của những người trẻ đi tìm Chúa, tìm Giáo hội và muốn thể hiện niềm tin và dấn thân của mình”. Lấy cảm hứng từ bài Tin Mừng với chủ đề của Niềm vui, Đức cha Giuse nhấn mạnh đến những ý nghĩa sâu sắc: Đó là Niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu, niềm vui khi chứng kiến những dấu lạ của Chúa Giêsu, niềm vui khi được Chúa Giêsu mời gọi làm chứng nhân.

Kết thúc bài Giảng của mình, Đức cha Giuse nói: “Giờ đây Cha long trọng giới thiệu các con với Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Hy vọng đây không chỉ là sự khởi đầu của ước mơ, mà sẽ được vuông tròn bằng nghị lực phấn đấu và sẽ trở nên dấu chỉ của niềm tin, sự gặp gỡ Chúa Giêsu, với Giáo hội và mọi người để trở nên chứng nhân Tin Mừng của Chúa trong cuộc sống thường nhật.

Hãy nối kết với nhau trong niềm tin mạnh mẽ; lòng mến chân thành, và tinh thần phục vụ quảng đại để trở nên là Men, là Muối, và Ánh Sáng nơi chính tuổi trẻ của các bạn. Hãy để tinh thần linh hoạt viên không phải như một ngày hội hè sẽ qua đi; nhưng là nhân chứng của Thầy Giêsu cho giới trẻ Lạng Sơn-Cao Bằng và các người trẻ chung quanh các bạn”.

Sau phần hiệp lễ là nghi thức sai đi của Đức Giám mục giáo phận dành cho các bạn trẻ. Các bạn Linh Hoạt Viên đã tuyên xưng Đức Tin của mình trước Đức Giám mục và toàn thể Dân Chúa. Sau đó, Đức cha Giuse đã trao những ánh nến sáng cho từng bạn trẻ trong nhóm Linh Hoạt Viên để các bạn làm nên ánh sáng cho cuộc đời mình, và lan tỏa ánh sáng cho mọi người xung quanh. Khắp ngôi thánh đường chan hòa những ánh nến lung linh, tạo nên bầu khí ấm cúng, trang trọng và sốt sắng. Đức cha Giuse đã chúc lành cho các bạn trẻ Linh Hoạt Viên và cho cộng đoàn Phụng Vụ hiện diện trong Thánh lễ hôm nay.

Một bạn trẻ, đại diện cho các thành viên trong nhóm Linh Hoạt Viên của giáo phận, đã bày tỏ tâm tình tri ân Đức cha Giuse, quý Cha, cha đặc trách, quý nam nữ tu sỹ, quý phụ huynh và toàn thể cộng đoàn đồng thời xin mọi người tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ và khích lệ để Nhóm ngày một thăng tiến về mọi phương diện.

Đức cha Giuse một lần nữa đã nói lên niềm vui khi các bạn trẻ quy tụ bên nhau trong sự liên đới, tình đoàn kết, tình gia đình giáo xứ, giáo phận để làm nên một nhóm Linh Hoạt Viên đầy sức sống, chan hòa nhiệt huyết và đầy ắp Tin Yêu. Ngài cầu chúc mỗi thành viên trong nhóm sẽ trở nên như Muối, như Men, như Ánh Sáng giữa lòng đời hôm nay, đem Chúa đến cho mọi người bằng đời sống chứng tá yêu thương của mình.

Với việc chính thức ra mắt nhóm Linh Hoạt Viên, chắc chắn sẽ góp phần làm cho đời sống giới trẻ của giáo phận có thêm sức sống và nhiệt huyết, điều này cũng góp phần làm cho sức sống của Giáo phận truyền giáo nhỏ bé miền sơn cước ngày một khởi sắc hơn.

BÀI CHIA SẺ THÁNH LỄ RA MẮT GIỚI TRẺ LINH HOẠT VIÊN
CỦA GIÁO PHẬN LẠNG SƠN-CAO BẰNG


Kính thưa quý ông bà, anh chị em
Các ca đoàn và các bạn trẻ rất thân mến,

Thật vui mừng trong ngày Cha dâng lễ giới thiệu giới trẻ linh hoạt viên của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng ra mắt với cộng đồng Dân Chúa Giáo phận. Đây là ngày đặc biệt khi các bạn trẻ nhận ra lời mời gọi của Tin Mừng Tình yêu để cảm nhận sứ mạng phục vụ trong ơn gọi của người trẻ với Giáo phận truyền giáo Lạng sơn này. Cũng để hướng tới Đại Hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà-Nội vào năm 2012 tổ chức tại Giáo phận Lạng sơn của chúng ta. Tuy hôm nay chỉ là sự khởi đầu với con số rất khiêm tốn, nhưng đây là một khởi đầu của những người trẻ đi tìm Chúa, tìm Giáo hội và muốn thể hiện niềm tin và dấn thân của mình.

Bài Phúc âm của Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, với chủ đề của Niềm vui cũng sẽ giúp các bạn trẻ rất nhiều trong hành trình tìm Chúa nơi Giáo hội và thế giới hôm nay. Khi Gioan Tẩy Giả đang ở trong tù: ông đã sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thaày, Thaày coù thaät laø Ñaáng phaûi ñeán khoâng, hay laø chuùng toâi coøn phaûi ñôïi ai khaùc ?" Gioan Tẩy giả đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên sứ giả giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác; với đời sống công chính và can đảm nói lên sự thật của Lời; Ông đã bị cầm tù, và trong tù ông chỉ thao thức một điều, không biết mình đã giới thiệu đúng Đấng phải đến chưa? Và nếu đúng thì cuộc đời ông là một sự chấp nhận đẹp nhất cho giá trị của niềm tin đích thực. Thật phúc cho Gioan Tẩy Giả vì Chúa Giêsu đã trả lời qua môn đệ của Ông: "Caùc anh cöù veà thuaät laïi cho oâng Gio-an nhöõng ñieàu maét thaáy tai nghe: Ngöôøi muø xem thaáy, keû queø ñöôïc ñi, ngöôøi cuøi ñöôïc saïch, keû ñieác ñöôïc nghe, ngöôøi cheát soáng laïi, keû ngheøo ñöôïc nghe Tin Möøng." Khi nghe các môn đệ trở về thuật lại câu trả lời của Chúa Giêsu, chắc Gioan cảm nhận Hạnh phúc và bình an trong thử thách và niềm tín thác. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan Tẩy giả cũng chính là câu trả lời của Chúa cho mỗi người chúng ta với đức tin trong cuộc sống hôm nay. Các bạn trẻ chắc còn nhớ, khi 2 môn đệ Anrê và Gioan đi tìm Chúa Giêsu, khi gặp được Ngài, các ông đã hỏi: “Thưa Thày, Thày ở đâu”, Chúa Giêsu đã trả lời “Hãy đến mà xem”, các ông đã ở lại với Thày và hôm sau khi trở về Anrê đã đi tìm em mình là Simon (là Thánh Phêrô sau này) để nói: Tôi đã gặp Đấng Messia và dẫn em mình tới gặp Chúa Giêsu”. Tin Mừng của Chúa Nhật III Mùa Vọng thật sự là Tin Mừng của Niềm Vui: Niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu, niềm vui khi chứng kiến những dấu lạ của Chúa Giêsu, niềm vui khi được Chúa Giêsu mời gọi làm chứng nhân.

Niềm vui gặp gỡ Chúa: Với Gioan Tẩy giả, khi cho môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, ông chỉ bày tỏ một tâm nguyện, có đúng Chúa Giêsu là Đấng phải đến, Đấng muôn dân đang trông đợi hay không? Đó chính là khát vọng của gặp gỡ, đối thoại chân tình với Đấng là Nguồn cậy trông và hy vọng trong cuộc đời sứ ngôn của ông.

Với mỗi người chúng ta cũng như các bạn trẻ giáo phận Lạng sơn hôm nay, khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu, khao khát gặp gỡ Ngài qua Giáo hội, khao khát gặp gỡ Ngài trong ơn gọi của những người trẻ đã giúp các bạn có can đảm muốn được gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong chính ơn gọi và sứ mạng của người trẻ, đặc biệt trong giáo phận truyền giáo này.

Điều quan trọng nhất sự gặp gỡ chỉ có thể trở thành niềm vui khi chúng ta gặp gỡ trong niềm tin vào chính Chúa Giêsu, chính niềm tin vào Ngài sẽ nâng đỡ và giúp chúng ta cảm nhận những giá trị Tin Mừng Tình yêu thương của Ngài giữa cuộc sống hôm nay. Niềm vui gặp gỡ trong tin tưởng và tín thác sẽ giúp các bạn trẻ trở nên cầu nối của niềm vui và sự gặp gỡ với Chúa và với các bạn cùng trang lứa với mình trong học tập, làm việc, và trong chính những môi trường các bạn đang hiện diện. Đức Thánh Cha đã nói: “Hãy để cho Đức Kitô đến ở trong các con, và một khi đã đặt trọn niềm tin và lòng tín thác vào Người, hãy gieo vãi niềm hy vọng này ra chung quanh. Hãy biết chọn lựa sao cho đức tin của các con được chứng tỏ. Hãy vun trồng tình yêu tha nhân và cố gắng dùng những tài năng cùng khả năng nghề nghiệp của mình để phục vụ công ích và chân lý, hãy luôn luôn sẵn sàng “trả lời cho bất cứ người nào chất vấn về niềm hy vọng của các con” (1 Pr 3,15). Đó chính là lời mời gọi chúng ta gặp gỡ thân tình với Chúa.

Niềm vui với những dấu lạ của Chúa,

Khi Chúa Giêsu trả lời qua môn đệ của Gioan Tẩy Giả: "Caùc anh cöù veà thuaät laïi cho oâng Gio-an nhöõng ñieàu maét thaáy tai nghe: Ngöôøi muø xem thaáy, keû queø ñöôïc ñi, ngöôøi cuøi ñöôïc saïch, keû ñieác ñöôïc nghe, ngöôøi cheát soáng laïi, keû ngheøo ñöôïc nghe Tin Möøng”, Gioan Tẩy Giả đã vui mừng vì nhận ra sự hiện diện đích thực của Đấng Messia, Đấng mà Ông đã loan báo. Ngày hôm nay, khi các bạn tụ họp nơi đây để Tin và gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, có lẽ các bạn cũng mong mỏi điều đó, xin cho được thấy những dấu lạ của Chúa trong cuộc sống có quá nhiều thách đố đối với người trẻ. Chính các bạn phải là những người trước tiên đọc được những dấu chỉ của Chúa đang hiện diện trong cuộc sống hôm nay: nơi mà những người trẻ đang khao khát được nhìn thấy ánh sáng đức tin khi con mắt linh hồn bị mù tối; các bạn được đến những nơi mà cần đến sự sẻ chia, hy sinh, quảng đại, bác ái thay vì sự què quặt của tâm hồn; các bạn cần dấu lạ của sự cảm thông thay thế cho sự phận biệt giai tầng, địa vị xã hội như bệnh phong cuộc đời; các bạn muốn được loan báo Tin mừng Tình yêu đích thực của Chúa thay vì điếc lác vì những ngôn từ hào nhoáng và không nghe được những tín hiệu của con tim mở rộng chân thành; các bạn muốn linh hồn của mình, tâm hồn của mình như thửa đất tốt của Thiên Chúa, thay vì tê liệt và chết chóc vì lầm lỗi, hoang tưởng và đồi bại. Đó chính là khao khát của người trẻ hôm nay là những người hiểu Lời Chúa và dám sống Lời Chúa để trở nên những dấu lạ của Chúa Giêsu với Giáo hội và trong thế giới hôm nay.

Niềm vui được mời gọi làm chứng nhân

Khi Chúa Giêsu kết thúc lời nói với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả:”.. keû nhoû nhaát trong Nöôùc Trôøi coøn cao troïng hôn oâng”. Chính Chúa đang mời gọi chúng ta cảm nhận được mối Phúc khi sống thời đại Chúa đã Tử nạn Phục sinh khai mở Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Cha rất thích câu nói của Đức Thánh Cha Benedicto mời gọi các bạn trẻ:“Các con thân mến, hãy trở nên chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh! Hãy giới thiệu Đức Kitô cho những người cùng trang lứa với các con và cả những người lớn tuổi hơn, và cho những người đang tìm kiếm “niềm hy vọng lớn lao” làm cho đời sống họ có ý nghĩa. Nếu Chúa Giêsu đã trở nên niềm hy vọng của các con, hãy thông truyền điều ấy cho người khác bằng niềm vui và bằng những cam kết thiêng liêng, tông đồ và xã hội của các con. Hãy để cho Đức Kitô đến ở trong các con, và một khi đã đặt trọn niềm tin và lòng tín thác vào Người, hãy gieo vãi niềm hy vọng này ra chung quanh.

Các bạn trẻ linh hoạt viên thân mến,

Giờ đây Cha long trọng giới thiệu các con với Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Hy vọng đây không chỉ là sự khởi đầu của ước mơ, mà sẽ được vuông tròn bằng nghị lực phấn đấu và sẽ trở nên dấu chỉ của niềm tin, sự gặp gỡ Chúa Giêsu, với Giáo hội và mọi người để trở nên chứng nhân Tin Mừng của Chúa trong cuộc sống thường nhật.

Hãy nối kết với nhau trong niềm tin mạnh mẽ; lòng mến chân thành, và tinh thần phục vụ quảng đại để trở nên là Men, là Muối, và Ánh Sáng nơi chính tuổi trẻ của các bạn. Hãy để tinh thần linh hoạt viên không phải như một ngày hội hè sẽ qua đi; nhưng là nhân chứng của Thầy Giêsu cho giới trẻ Lạng Sơn-Cao Bằng và các người trẻ chung quanh các con.

Cha cầu chúc cho con số các linh hoạt của Giáo phận hôm nay sẽ đông thêm trở nên những tín hiệu của niềm vui, nụ cười, và an bình trong hành trình là chứng nhân của người trẻ.

Xin Thiên Chúa của tình yêu thương luôn ban tràn đầy Phúc lành trên quý Cha, quý Ông bà anh chị em và tất cả các bạn trẻ thân mến. Xin Hồng ân của Chúa Giêsu là Trưởng tử của Bình an luôn ban Hạnh Phúc, Sức khỏe, Niềm vui trên tất cả mọi người. Amen

Nhà thờ C.Tòa L.sơn, 12 /12/2010
+ Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân
 
Đại Hội Giáo Lý Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney
Diệp Hải Dung
18:31 12/12/2010
SYDNEY - Sáng Chúa Nhật 12/12/2010 Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney đã tổ chức ngày Đại Hội Giáo Lý tại Trường Patrician Brother’s College Fairfield.

Xem hình ảnh

Đúng 9 giờ tất cả 8 Xứ đoàn Cabramatta, Georges Hall, Granville, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt. Pritchard và Plumpton tập trung trong sân trường chào cờ Liên đoàn khai mạc cho ngày Đại Hội Giáo Lý. Sau đó là câu chuyện dưới cờ của Cha Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Đặc trách Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney. Cha ngỏ lời chào mừng tất cả các em và đồng thời Cha long trọng tuyên bố ngày Đại Hội Giáo Lý chính thức khai mạc. Cha chúc các em thành công và gặt hái nhiều kết qủa. Kế tiếp đó Sơ Bernadette Đoàn Thị Phục Trợ úy Liên đoàn tuyên đọc Nội Quy của ngày Đại Hội và chương trình thể thức cuộc dự thi, các em dâng lên Chúa Kinh Lạy Cha nguyện xin Chúa chúc lành cho ngày Đại Hội Giáo Lý, sau đó là giờ điểm tâm ăn sáng và tất cả vào Hội Trường để dự thi. Chương trình thi Giáo Lý bắt đầu, gồm các ngành Tuổi Thơ, Ấu Nhi, Thiếu Nhi và Nghĩa Sĩ của từng Xứ đoàn lên dự thi Cuộc thi rất là hào hứng và vui tươi, với những câu hỏi về Kinh Thánh, Giáo Hội và Phụng Vụ. Các em tỏ ra rất xuất sắc trả lời rất chính xác qua những câu hỏi do Ban Giám Khảo nêu ra. Có những em rất nhạy bén thông minh, đã bấm chuông trước khi câu hỏi nêu ra chưa hết và trả lời rất đúng. Các bậc phụ huynh tán thưởng nồng nhiệt và ngạc nhiên về sự học hiểu của các con em mình. Có một vài phụ huynh cho biết cảm tưởng là rất vui mừng khi con em của mình còn nói tiếng Việt đuợc và biết về Tin Mừng của Chúa Giêsu là tốt lắm rồi.

Sau giờ nghỉ dùng cơm trưa, các em lai tiếp tục cuộc thi và Cha Nguyễn Văn Tuyết dâng Thánh lễ tạ ơn, Đặc biệt trong Thánh lễ Trưởng Hà Kim Ly Ban Chấp Hành Liên Đoàn thỉnh đạt thăng cấp cho 21 Dự Trưởng qua nghi thức các Dự Trưởng lên quỳ tuyên thệ trước bàn thờ và được cấp Khăn Quàng và Còi lãnh đạo.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Phùng Hải Sơn Liên Đoàn Trưởng ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên úy Đặc trách Liên Đoàn, quý Sơ, quý Giảng Viên Giáo Lý, quý ân nhân, quý Phụ Huynh và quý Huynh Trưởng đã dành nhiều thời gian quý báu đến tham dự ngày Đại Hội Giáo Lý do Liên Đoàn TNTT Nữ Vương Hòa Bình Sydney tổ chức đúc kết cuối năm. Đặc biệt anh cũng cám ơn quý vị ân nhân đã trợ giúp cho các em phương tiện di chuyển và nấu ẩm thực. Sau cùng là phần phát Bằng Khen cho các em dự thi và qùa cho các Xứ đoàn. Đặc biệt năm nay Xứ đoàn Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa Giáo Đoàn Georges Hall nhận giải thưởng xuất sắc nhất Cup Danh Dự Liên Đoàn.

Sau đó Thánh lễ kết và bế mạc ngày Đại Hội.
 
Giáo xứ Việt Nam Paris khai mạc năm '' Gia Đình Và Giới Trẻ: Niềm Hy Vọng''
Trần Văn Cảnh
21:37 12/12/2010
Khai mạc năm « Gia Đình và Giới Trẻ: Niềm Hy Vọng » GXVN Paris

Paris, ngày 12 tháng 12 năm 2010, GXVN Paris khai mạc năm « GIA ĐÌNH VÀ GIỚI TRẺ: NIỀM HY VỌNG ».

Ngày thứ bảy, 25 tháng 09 năm 2010, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, TGM Paris, đã khai mạc Năm Mục Vụ Gia Đình và Giới Trẻ. Theo chương trình này, tất cả các giáo xứ và hội đoàn trong tổng giáo phận Paris đều được mời gọi tham gia vào các hoạt động mục vụ hướng về gia đình và giới trẻ do giáo phận khởi xướng, hoặc tổ chức thêm những sinh hoạt cá biệt địa phương.

Tối thứ sáu, 08 tháng 10 năm 2010, dưới sự chủ tọa của Đức Ông Mai Đức Vinh, các thành viên của Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình đã thảo ra một chương trình làm việc cho niên khóa 2010-2011. Chương trình này đã được Đức Ông giới thiệu với Ban Giám Đốc và với Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ. Chương trình đã được chấp thuận.

Mở đầu chương trình này, chủ nhật 12-12-2010, trong thánh lễ 11giờ 30, cộng đoàn đã được ông Bùi Trọng Khang, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, chia sẻ về Đại Hội Các Hội Đồng Mục vụ thuộc Tổng Giáo Phận Paris, mà ông đã tham dự ngày 25.09.2010 tại Vương CungThánh Đường Paris, khai mạc Năm Gia Đình và Giới Trẻ. Ông đã khéo léo tóm tắt Đại Hội qua hai phần: tóm lược nội dung Đại Hội và chia sẻ vài cảm nghĩ. Sau đây xin trích nguyên văn hai đoạn bài chia sẻ của ông Bùi Trọng Khang.

1- Tóm lược Đại Hội TGP Paris về đề tài « Gia Đình và Tuổi trẻ, niềm Hy Vọng

Ngày 25.09.2010 vừa qua, được sự chỉ dạy của Đức Ông, ông Vũ Đình Khiêm (Ban Mục Vụ Hôn Nhân) và con đã được thay mặt toàn thể Cộng Đoàn Giáo Xứ đến tham dự Đại Hội của các Hội Đồng Mục Vụ thuộc Tổng Giáo Phận Paris; nghe đâu lên đến hơn 120 giáo xứ và 24 cộng đoàn ngoại kiều như chúng ta, để cùng cầu nguyện chung, nghe tự thuật của các chứng nhân tại chổ, cũng như các lời phỏng vấn của nhiều thành phần qua các phóng sự truyền hình, lời huấn từ của Đức Hồng Y André Vingt-Trois và các Đức Cha Phụ Tá, để khi trở về Giáo Xứ triển khai các sinh hoạt mục vụ, nhằm giúp Gia Đình và Giới Trẽ ý thức được các sứ mạng thiêng liêng cũng như xã hội của đời sống gia đình.

Trong phần phát biểu mỡ đầu, Đức Hồng Y André Vingt-Trois đã nhận định Gia Đình là một thực thể sống động, để cho mỗi thành phần cùng phát triển, đặc biệt là con cái. Gia Đình là nơi chúng ta chia vui sẽ buồn để cho cuộc sống ngày càng thêm có ý nghĩa đích thực, trong việc chia sẽ các di sản cùa cha ông về tinh thần,vật chất và thiêng liêng.

Từ những ý nghĩa này, Đức Hồng Y đã công bố chính thức Lá Thư Mục Vụ dài 22 trang: « Gia Đình và Giới Trẽ là Niềm Hy Vọng » mà Ngài đã viết xong từ ngày 12.07.2010, nhân ngày lễ kính Hai Chân Phước Louis và Zélie Martin. Có một số giáo Xứ, gia đình thí điểm, đã sống chia sẽ và nêu chứng từ ngày hôm ấy. Con nghĩ, Đức Hồng Y đã chọn ngày này để cho các gia đình biết sống và noi gương gia đình thánh của hai vị Chân Phước, thân phụ mẫu của Nữ Đại Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Thư Mục vụ soi sáng cho giáo xứ, đặc biệt những người vừa kể trên sống Năm Gia Đình trọn vẹn để tìm được giải pháp tốt đẹp; có tất cả 72 mục nhỏ,

· Phần Nhập Đề: có 7 mục nhỏ.

Gia Đình và Giới Trẽ thời nay được coi là một vấn nạn hơn là niềm hy vọng.

· Phần tiếp theo đưa ra 3 mục chính:

1/ Hoàn cảnh trái ngược của gia đình và giới trẽ thời nay; gồm có 7 mục nhỏ.

- Đức Hồng Y ao ước sự suy nghĩ và hành động sẽ làm cho chúng ta tin tưởng hơn ở tương lai và làm cho chúng ta thành chứng nhân cho những người cùng thời đại.

- Sự đảo lộn ảnh hưởng trên gia đình: có nhiều hạng gia đình; nhiều loại hôn nhân.

2/ Chúng ta phải sống cách nào trước thực cảnh: gồm có 23 mục.

3/ Chúng ta có thể làm được gì trước thực tế: gồm 22 mục.

Hai phần này, con đã kể ra tóm tắt ở phần trên.

· Phần kết luận Sứ Mạng của Giáo Xứ: gồm 13 mục.

ĐHY nêu ra những hướng đi, đường lối để nuôi dưỡng, làm sáng tỏ những quyết định của GX, của cộng đoàn, nhất là của Ban Thường Vụ/ Hội Đồng Mục vụ, Đại Hội Mục Vụ trong Năm Gia Đình.

Ngoài ra, trong Đại Hội trên còn giới thiệu nhiều khóa hội thảo về gia đình như:

1/ Thiết Lập quan hệ và sống quan hệ vợ chồng suốt mọi lứa tuổi. 27.11 vừa qua.

2/ Gia Đình là trường hiệp thông và quan hệ. Thứ bảy 15.01.2011.

3/ Gia Đình, Men của xã hội. Thứ bảy 12.03.2011.

4/ Giáo Hội phục vụ Gia Đình. Gia Đình, tế bào của Giáo Hội 14.5.2011.

Quý Vị, ông bà, anh chị nào muốn tham dự, xin hỏi thêm chi tiết nơi Đức Ông Giám Đốc.

Tổng Giáo Phận cũng có soạn sẳn một bài kinh cầu cho Gia Đình và Đức Ông đã cho dịch để đọc trong các buổi cầu nguyện ở Giáo Xứ.

2- Chia sẻ vài cảm nghĩ

Tiếp đây con xin đóng góp cảm nghĩ của con sau Đại Hội Mục Vụ nói trên dựa qua nhiều chứng từ cũng như Lời Nguyện Giáo Dân (thật dài) ngày hôm đó của đại gia đình nhiều thế hệ, trai, gái, dâu, rễ; của các bạn trẽ: người đã ra đời, sinh viên...; để đối chiếu với lối sống của các gia đình VN.

A] Nhìn tổng quát, các gia đình trong Giáo Xứ Việt Nam chúng ta cũng không đến nổi bị đát « nhiều hiện tượng, nhiều hình thức » như tình cảnh gia đình và giới trẽ của xã hội thuộc Tổng Giáo Phận Paris. Có thể do văn hóa, tập quán Việt Nam khác, do giáo dục gia đình cũng như cách sống theo phong tục Việt Nam cũng khác. Nhưng không phải là không có, vì không ít gia đình Việt Nam, các bạn trẽ Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn, hội nhập 100% vào xã hội với văn minh thời nay của xã hội Pháp. Nhưng may mắn là giáo xứ chúng ta đã có nhiều hội, đoàn thể, phong trào giảng dạy, đã giúp lời cầu nguyện đã hướng dẫn lối sống Đạo giúp sức cho các gia đình và các bạn trẽ.

Điều làm con lo ngại là giới trẽ đã lạm dụng quyền tự do quá trớn, cậy tài, không nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, bị ảnh hưởng xấu của bạn bè, hoặc nghe lời khuyên một chiều của các nhà tâm lý, bác sĩ phương Tây.

Điểm thứ 2 là hôn nhân dị giáo,dị chủng ngày càng tăng, dù rằng cách biệt văn hóa đã giảm đi; nhưng con chưa có kinh nghiệm nhiều, nên hơi thiếu tin tưởng.

Điểm thứ 3 là hôn nhân với tân tòng, mà chàng hoặc nàng là Kitô hữu, nhưng không nắm được giây cương: Con lấy được vợ (chồng),con thôi nhà thờ.

Điểm thứ 4: Cha mẹ khắc nghiệt « mày phải theo tao...hoặc can thiệp sâu vào đời sống của vợ chồng con cái...hoặc phải nuôi con, dạy cháu như thế này, thế nọ...».

B] Tiếp đây, con muốn gợi lại trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình, không phải để qui trách cho ai; nhưng để đối chiếu các việc mà mỗi thành viên trong gia đình phải đạt tới để biến gia đình thành một giáo hội tại gia, vì gia đình là đền thờ của Chúa.

Trước hết, gia đình được coi là « Giáo hội Gia Đình », nghĩa là được dư đầy ơn Thánh Sũng; đồng thời nhận lãnh trách nhiệm như toàn thể Giáo hội.

Nhân bản là yếu tố quyết định của hạnh phúc gia đình, mỗi người phải biết nhận quyền lợi và bổn phận của mình.

- Là cha, Ông phải biết hợp tác với vợ trong việc giáo dục con cái sao cho xứng hợp như những người con của giáo hội và xã hội.

- Người vợ cũng có trách nhiệm và nhân phẩm ngang hàng với chồng, vì cả hai hiến cả thân xác, tâm hồn cho nhau và cho con cái; ngoài xã hội, người nữ phải được thăng tiến trong quyền lợi và bổn phận như người nam cả về chính trị nhưng không được tách ra khỏi nghĩa vụ gia đình hay bổn phận chính yếu là làm mẹ.

- Tóm lại, cả 2 vợ chồng đều phải đặt sự ưu tiên thánh hóa trước hết cho mình, cho chồng, cho vợ, cho con trước khi tham gia vào công việc của xã hội của cộng đoàn; nếu được như vậy, thì sự tham gia mới có giá trị tuyệt đối.

- Tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ là như thế đó.

- Sinh ra con cái thì phải theo dõi sự trưởng thành của con cái suốt đời; chính vì thế mà con cái phải cảm thấy đến phiên mình, phải đền đáp tình mẹ cha. trái với xã hội ngày nay coi người lớn tuổi là máy móc hết thời nên đã trở nên vô dụng.

- Cha mẹ chuẩn bị cho con học hành đầy đủ để kiếm sống; nhưng còn phải chuẩn bị cho con đi vào đời sống xã hội.

- Đạo Hiếu Việt Nam đi đúng với tinh thần Phúc Âm: Công Cha nghĩa Mẹ. Tình nghĩa vợ chồng.

Kết luận bài chia sẻ, Ông Bùi Trọng Khang đã « mượn lời của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nói trong buổi tiêp kiến tân đại sứ Hungari, cạnh Tòa Thánh, ngày 02.12 vừa qua để cổ võ bảo vệ hôn nhân và gia đình truyền thống. ĐTC đề cao vai trò của hôn nhân và gia đình như một nền tảng quan trọng để có sự phát triển lành mạnh cho xã hội dân sự. Ngài nói: ”Âu Châu sẽ không còn là Âu Châu nữa nếu tế bào cơ bản của việc xây dựng xã hội bị biến mất hoặc bị biến thái bản chất. Tất cả chúng ta đều biết rằng hôn nhân và gia đình ngày nay đang bị đe dọa, một đàng do sự hao mòn các giá trị thâm sâu nhất là sự bền vững và bất khả phân ly, do hiện tượng quyền ly dị ngày càng được tự do và gia tăng, cũng như vì thói quen ngày càng phổ biến nam nữ sống chung mà không có hình phức pháp lý và sự bảo vệ nào dành cho hôn nhân; đàng khác hôn nhân và gia đình bị lâm nguy vì những thứ kết hợp khác không có nền tảng trong lịch sử văn hóa và pháp luật của Âu Châu”.

Cả cộng đoàn đã vỗ tay cám ơn Ông chủ tịch đã chia sẻ những điều ông đã lãnh hội và cảm nhận trong ngày Đại Hội Tổng Giáo Phận Paris về năm « GIA ĐÌNH VÀ GIỚI TRẺ: NIỀM HY VỌNG ».

Paris, ngày 12 tháng 12 năm 2010
 
Giáo xứ Khiết Tâm mừng lễ bổn mạng và kỉ niệm 45 năm thành lập
Quân Tuấn Anh
23:01 12/12/2010
Ngày 08/12/2010 Giáo xứ Khiết Tâm mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bổn mạng của Giáo xứ và đây cũng là Thánh lễ Tạ Ơn của 20 limh mục, đặc biệt sự hiện diện của Cha Beđa Ngô Minh Thúy, nguyên Bề trên Đan viện Biển Đức Thiên Phước Tam Hải, cha nhạc sư Kim Long và các linh mục Dòng Thánh Thể, Trước Thánh Lễ cha Vinh-sơn Bề trên Dòng Thánh Thể nói lên ý nghĩa của hành trình 45 năm qua, nhờ sự chở che của Đức Mẹ, giáo xứ ngày càng phát triển.

Xem hình ảnh

Được biết, từ khi cha cố Matthêu Trần Trinh Khiết thành lập trại Khiết Tâm. Từ năm 1965, cùng với ban tiếp cư để hình thành cơ sở vật chất cũng như quy hoạch đường xá trong Xứ và các khu vực nhà thờ, công trường, nghĩa trang.. .

Từ năm 1972, các cha Dòng Thánh Thể tiếp tục củng cố, nhất là cha cố Đaminh Đặng Công Hiến, đã cống hiến cho việc xây dựng nhà thờ hiện nay, trong đó có khuôn viên nhà thờ được mở rộng, chỉnh trang công trường qua việc trồng cây dầu, tạo bóng mát và làm đẹp cảnh quan cho nhà thờ…

Từ năm 1997 đến nay, Giáo xứ mở rộng vòng tay đón nhận nhiều anh chị em khắp vùng đất nước về trú ngụ nơi các phòng trọ để làm công nhân cho các khu chế xuất quanh khu vực Khiết Tâm.

Với 45 năm hình thành, xây dựng và phát triển không ngừng, Giáo xứ Khiết Tâm đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những biến chuyển của xã hội…để đến ngày hôm nay, Khiết Tâm là một Giáo xứ rất phát triển cả về đời sống đạo lẫn đời sống vật chất của giáo dân cũng như sự tương quan đoàn kết lương giáo trong khu vực.

Với chủ đề “Hiệp Thông” không những là hiệp thông cùng với Giáo hội Việt Nam trong Năm Thánh 2010 mà còn hiệp thông với toàn thể mọi người, mọi thành phần trong xã hội thể hiện tình liên đới đoàn kết giữa đạo và đời.

Đặc biệt không thể không nói đến đó là tình đoàn kết hiệp thông với các Tôn giáo bạn trong khu vực đã cùng với Giáo xứ vun đắp tình tương thân tương ái trong 45 năm qua, bên cạnh đó là các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện để Giáo xứ tổ chức các kỳ Đại lễ cũng như đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực.

Giáo xứ ngày càng phát triển hơn, không chỉ là việc mục vụ cho giáo dân bản xứ mà việc chăm sóc và mục vụ cho anh chị em di dân cũng được Giáo xứ quan tâm một cách đặc biệt. Khối di dân được Giáo xứ coi như là “đứa con” thứ hai của Giáo xứ vậy. Cụ thể là việc tổ chức các lớp Giáo lý dành cho anh chị em di dân, các chương trình đại hội di dân, sinh hoạt hội thao, thể thao, mục vụ ca đoàn và các nhóm di dân tình nguyện để rồi khối di dân trở thành cánh tay nối dài của Giáo xứ trong việc vun trồng và phát triển đời sống đức tin…

Để được như ngày hôm nay chính là nhờ bàn tay dịu hiền của Mẹ Maria Vô Nhiễm đã nâng niu, chăm sóc và phù hộ độ trì cho Giáo xứ. Nhờ những nhân đức của Mẹ để rồi đoàn con cái Giáo xứ luôn biết noi gương Mẹ sống tốt đời đẹp đạo xứng đáng là con một Cha trên trời.

Tượng Đức Mẹ ban ơn do Đức Khâm Sứ làm phép vào tháng 12/1965, là bảo vật của Giáo xứ còn lại. Tượng Mẹ đứng giữa khu vực Giáo xứ để chuyển cầu cho đoàn con giữa muôn vàn khó khăn cuộc sống. Đôi tay Mẹ dang rộng để ban ơn và cũng rộng tay đón nhận con cái từ muôn phương về náu nương nơi xứ Khiết Tâm này.

Thánh lễ đồng tế mừng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm hôm nay thật là long trọng. Sự long trọng ở đây không chỉ mang tính chất bề ngoài mà đó là cả một lịch sử lâu dài từ khi thành lập cho tới nay. Sau Thánh lễ là chương trình liên hoan văn nghệ và trong bữa tiệc “hiệp thông” nói lên tình huynh đệ giữa người bản xứ cũng như những người di dân, giữa người công giáo cũng như những người Tôn giáo bạn, từ người già cho đến trẻ em ai ai cũng niềm nở vui mừng vì Giáo xứ có ngày đặc biệt hôm nay.

Phần khai mạc bữa tiệc thật ấn tượng với màn pháo hoa rực sáng cùng những trái bong bóng bay cao làm cho lòng người thêm phấn khởi vui tươi. Một tháp nến rực sáng với 45 ngọn nến hồng tươi tượng trưng cho 45 năm đã qua do các thiếu nhi được dâng lên Mẹ Vô Nhiễm, cùng với ánh sáng rực rỡ tại đài Đức Mẹ càng cho tâm tình con cái mẹ dâng cao hơn nữa.

45 năm là một chặng đường chưa hẳn đã dài, nhưng cũng không thể không mang một tính chất lịch sử lâu dài của Giáo xứ. Các thế hệ luôn nối tiếp nhau vun trồng xây đắp một Giáo xứ ngày càng lớn mạnh để rồi tiếp nối cha ông làm vẽ vang cho những thế hệ có công gầy dựng Giáo xứ.
 
Văn Hóa
Ngài đến tìm ai
Hiền Lâm
12:33 12/12/2010
Tôi mãi ngỡ ngàng trông mơ mộng
Trước tình yêu Chúa thật mênh mông:
Này Con Thiên Chúa vào dương thế
Mang phận phàm nhân, sống cơ cùng.

Hạnh phúc cao sang chốn thiên đàng
Huy hoàng chói lọi ánh linh quang
Sao bỏ ngai vàng vào dương thế
Sinh chốn hoang lừa, giữa đồng hoang ?

Ngài bỏ ngai vàng đến tìm ai
Khi ánh kim ô khuất non đoài,
Khi bóng hoàng hôn đà buông xuống
Khi màn tăm tối ngập trần ai ?

Ngài đến tìm ai, kiếm tìm ai
Không đến cung triều: Chốn vinh oai,
Không kiếm giàu sang nơi thành thị,
Lại tìm hang vắng… giữa đêm dài ?

Ngài đến tìm ai chốn lạnh lùng
Đìu hiu cô quạnh: cảnh trời đông ?
Sao không giáng thế vào xuân ấm,
Hay lúc hạ sang đượm nắng hồng ?

Vua đến tìm ai chốn hoang đồng
Lấy máng cỏ làm bệ ngai long,
Không có quan quân theo hầu cận
Chỉ có dăm ba đứa mục đồng ?

***
Có phải rằng Ngài đến tìm tôi
Đang sống bơ vơ giữa dòng đời,
Đang mãi lạnh lùng trong tiết giá,
Nghèo nàn tội lỗi với đơn côi…?

Ngài đến tìm tôi, kiếm tìm tôi,
Ngài đến mang thay án tội đời,
Ngài đến phá tan màn tăm tối,
Ngài đến tìm tôi, đến tìm tôi.
 
Vọng Hồng
Mr. Cao
18:19 12/12/2010
Lặng nghe sa mạc mừng vui
Đồi cao, nương thấp rì rào giọt mưa
Nông phu hớn hở ngày mùa
Mầm xanh hy vọng mới vừa đơm bông
Bần nhân rộn rã tấc lòng
Vua Trời đang đến giữa giòng nhân sinh
Yêu thương nhân loại tội tình
Làm con của một Nữ Trinh vẹn tuyền
Trời cao chung thủy lời nguyền
Ngàn năm một phút giao duyên đến gần
Sa mạc vui ! đất nhảy mừng !
Lặng nghe « Thiên Chúa ở cùng chúng nhân »
Về trong sa mạc nội tâm
Tôi ơi còn mãi lỗi lầm mà chi
Đứng lên đi ! Trở về đi !
Vọng hồng mang lượng từ bi hải hà !

Chúa nhật III Mùa Vọng
 
Đêm Noel với ông Hai Cầu Kinh
Đinh Văn Tiến Hùng
21:50 12/12/2010
ĐÊM NOEL với ÔNG HAI CẦU KINH

( Ghi nhớ Đêm Noel cuối cùng trước khi rời bỏ Quê Hương )

Tôi còn nhớ mãi đêm Noel trước ngày rời Quê hương đến định cư xứ người –vui buồn lẫn lộn – vui vì sẽ thoát cảnh sống cơ cực với những lo âu phập phồng của bản thân và gia đình,buồn vì sắp phải xa rời nơi mình sinh trưởng cùng bao người thân và những kỷ niệm vui buồn.Tôi đạp xe quanh thành phố cố ôm ấp những hình ảnh cuối cùng.Chỉ còn ít tiệm ăn và nhà hàng sang trọng mở cửa khuya.Vòng xe qua nhà thờ Đức Bà,vài ngôi sao bằng giấy màu không đủ soi ánh đèn mờ ảo.Tôi nhớ lại những đêm Noel trước năm 75,khu nhà thờ Đức Bà tràn ngập ánh sáng muôn màu của đủ loại đèn sao giăng từ đỉnh tháp xuống tới sân.,người và xe qua lại tấp nập làm tắc nghẽn cả công trường Hoà bình.

Đạp xe ra phía bờ sông Sài gòn,ngồi nghỉ trên chiếc ghế xi-măng.Bên kia sông xóm làng đã ngủ yên,vài con đò nhỏ lặng lờ trôi theo dòng nước làm lay động ánh đèn đêm.Bên này sông,nhà hàng nổi giăng đèn màu rực rỡ với cây thông Giáng sinh lấp lánh muôn màu và ông già Noel đang niềm nở đón khách xuống giải trí mua vui.Tôi chợt nhớ những tấm thiệp Giáng sinh –ông già Noel đánh chiếc xe chở đầy quà kéo bởi những chú hươu Bắc cực,băng qua cánh đồng băng tuyết đem quà đến cho trẻ em tận những xóm làng xa xôi nghèo khổ.Nhưng tại sao giờ này ông lại đứng đây đón khách sang trọng nước ngoài và các cán bộ cao cấp mới tập tễnh ăn chơi,vung vãi tiền bạc..Sao ông không đến với trẻ em nơi xóm lao động nghèo khổ hay những vùng kinh tế mới thiếu ăn ? Tôi không trách ông già Noel mà trách kẻ dẫn đường để ông lạc lối tới đây.

Tôi vội đứng lên vì nhớ đã hẹn ông Hai Cầu Kinh đêm nay xuống thăm và gửi ông ít quần áo không còn dùng đến trước ngày ra đi.Theo đường bờ sông,dọc khu Hải quân công xưởng về phía Sở thú,Thị Nghè, Hàng Xanh để lên Cầu Kinh là con đường quen thuộc với tôi trong cuộc mưu sinh hàng ngày kể từ khi tôi ra khỏi tù CS.

Lúc tới nơi ông Hai đang ngồi trước lều bên sông chờ tôi.Gọi nơi ở của ông là chiếc lều chưa đúng vì nó được ghép bằng đủ loại phế thải: tôn rách,thùng bể,ny-lông,vải vụn…Chiếc chòi của ông giống như nhiều chiếc chòi tôi thấy dưới chân những nhà cao tầng nghễu nghện hay dưới hầm cầu đầy rác rưởi.Khi ra vào phải lết bằng mông hay bò vào mới lọt.Vì vậy ông Hai không thể tiếp tôi trong căn chòi,ông trải tấm ny-lông trước lều với chiếc đèn dầu leo lét,một ấm nước chè bốc khói và ống điếu thuốc lào.

Tháo gói đồ phía sau xe,tôi vội lên tiếng:

- Ông Hai chờ tôi có lâu không ?

Miệng cười xuề xoà nhưng không che dấu nổi ánh mắt u buồn xa xăm

- Ngày nào cũng vậy,có ai đâu mà chờ.Hôm nay cậu đến cũng như mọi ngày thôi.
- Hôm nay đặc biệt ông Hai ạ.Tôi tới thăm ông lần cuối và gửi ông ít quần áo sẽ không dùng đến nữa.
- Cậu định đi đâu ? Tới nơi khác sinh sống hay…..

Ông dừng nói,liếc nhìn quanh xem có ai không.Tôi cười:

- Không phải vượt biên mà đi chính thức.Chính phủ Hoa kỳ đã can thiệp với chính quyền VN cho Tù nhân chính trị chúng tôi qua Mỹ định cư.
- Vậy cậu đi một mình ?
- Không ông Hai,may mắn là cả vợ con tôi cùng đi.
- Mừng cho cậu! Cậu buồn hay vui ?
- Vui buồn lẫn lộn,nhưng cuộc ra đi nào cũng hy vọng tươi sáng hơn.

Ông rót trà vào hai ly nhựa,nâng lên trao cho tôi một ly:

- Chúc cậu và gia đình thượng lộ bình an!
- Cám ơn ông và xin chúc ông ở lại mạnh khoẻ.

Ông yên lặng uống từng ngụm trà nóng như cố nuốt theo những cay đắng cuộc đời.

Tôi quen ông Hai sau gần 10 năm ngục tù trở về,phụ gíúp anh chị trong công việc làm ăn để sống qua ngày và tôi thường gặp ông Hai lui tới bổ củi hay vét ao cá sau nhà.Tôi được biết ông là một Hạ sĩ quan trong binh chủng chiến đấu và đã từng tham dự nhiều trận chiến ác liệt.. Ông có một gia đình đầm ấm vợ và hai con.Nhưng sau khi miền Nam bị Cộng sản xâm chiếm ông trở về quê ngoài Quảng trị thì làng mạc nhà cửa đã bị thiêu rụi,vợ con không biết phiêu bạt phương nào,sống chết ra sao.Ông đã dò hỏi và tìm kiếm khắp nơi nhưng người thân vẫn biệt vô âm tín.Ông trở vào Sài gòn và theo đoàn người nghèo đói trôi dạt tới bờ sông Cầu Kinh này.Từ đó mọi người cũng chẳng cần biết tên thật ông nên cứ gọi là ông Hai Cầu Kinh cho dễ nhớ.

- Cậu đang suy nghĩ gì vậy ? Uống ngụm nước cho ấm bụng.Gió đêm nay lạnh hơn.
- Tôi đang suy nghĩ về tôi và về ông.
- Cậu suy nghĩ thế nào ?
- Tôi ra đi nơi xứ lạ quê người không biết rồi sẽ ra sao ? Còn ông ở lại

Quê nhà cuộc sống sẽ thế nào ?

- Hơi đâu mà lo xa.Chị cậu cho biết trước kia cậu là một đứa bé cha mẹ mất sớm cố lập thân rồi cũng nên người.
- Nên người như hôm nay phải không ?
- Do thời thế chứ đâu bởi cậu.Trước kia cậu cũng là một nhà giáo nhiều người yêu kính,rồi vào quân đội chọn một binh chủng thứ thiệt.Cậu đúng là một nghệ sĩ chịu chơi hết mình.
- Cám ơn ông đã an ủi và khích lệ. Tôi nghĩ mỗi người lính chiến chúng ta đều là một nghệ sĩ,dâng cả tuổi trẻ và thân mình cho Quê hương nhưng vẫn chan hoà thi vị trong cuộc sống gian nguy.Ông cũng là nghệ sĩ hiên ngang đó…

Tiếng chuông giáo đường Thanh Đa vang dội từng hồi báo hiệu Thánh lễ nửa đêm sắp đến.Ông Hai hỏi:

- Cậu có đi lễ đêm nay không ?
- Có, còn ông ?
- Tôi được mấy gia đình Công giáo mời mừng lễ trong đó có chị cậu.Tôi sẽ chung vui cùng mọi người cho qua đêm.

Tôi đứng lên cáo biệt ông vì phải về cùng gia đình dự lễ Nửa đêm.Gió lạnh ngoài sông thổi vào mang theo mùi hôi tanh của dòng sông đầy cặn bã thành phố thải ra.Có phải những con người như ông Hai đang sống chen chúc bên bờ sông này cũng là những cặn bã của một xã hội thối nát hay sao ?

Tôi định để lại chiếc xe đạp cho ông,nhưng nhớ đó là món quà kỷ niệm tôi lỡ hứa cho người anh vùng kinh tế mới.Tôi xiết tay ông với lời chúc chân thành:

- Chúc ông một lễ Giáng sinh vui vẻ và ở lại khoẻ mạnh.

Ngồi lên xe tôi còn quay lại,giơ tay vẫy chào. Bóng ông đứng in hình bên bờ sông lộng gió,chiếc áo mong manh bay phất phơ trong đêm tối….

Tôi đã sống ¾ những mùa Noel cuộc đời trên Quê hương mình.

Những đêm Noel tuổi thơ bừng tỉnh khi chuông nhà thờ quê đổ hồi giục giã,bước vội vàng theo mẹ và chị đi dự Lễ Đêm.

Những Noel nơi tiền đồn biên giới,nóng lòng chờ đợi Linh mục Tuyên úy theo chuyến trực thăng từ tỉnh lên làm lễ trong lúc tiếng súng xa xa vọng về.

Những Noel trong trại tù CS tại miền Bắc,âm thầm,xót xa,thương nhớ,thì thầm lời kinh nguyện bên nhau để sưởi ấm lòng nơi núi rừng giá buốt.

Còn ¼ những mùa Noel cuộc đời đang nối tiếp nơi đất khách quê người.Tôi không choáng ngợp trước nền văn minh đệ nhất hoàn cầu,không mơ mộng dưới ánh đèn muôn màu rực rỡ như truyện cổ tích thần tiên của Noel tuổi thơ.

Giờ đây thấm thoát đã 20 mùa Giáng sinh trôi qua trên đất Mỹ,tôi chạnh nghĩ tới ông Hai và người thân về kỷ niệm một đêm Noel cuối cùng tại Quê nhà.-Noel đang tràn ngập nơi đây với muôn sắc của cây cỏ lá hoa,đèn màu,quà tặng,thiệp chúc….Giáo đường thì quá sơ sài

như sợ tốn phí,còn những điểm giải trí vui chơi quá lộng lẫy sa hoa để moi tiền thiên hạ.Những lời chúc khuôn rập được sắp sẵn,mọi người gặp nhau cứ việc bật ra như nút bấm khỏi cần suy nghĩ: ’Merry Christmas ! Happy New Year ! “ Không còn câu nào khác hay sao ? Người Mỹ đâu có tâm hồn phong phú nghệ sĩ như Dân tộc Việt nam phải không ? Cứ nghĩ mà xem ngày Tết VN biết bao nhiêu câu cầu chúc mang đầy ý nghĩa tùy theo hoàn cảnh,địa vị,tuổi tác…..Cuộc sống cứ đuổi theo lợi nhuận và con người phải vội vàng chạy theo guồng máy cuốn trôi,nếu không sẽ bị văng ra ngoài quĩ đạo,nên con người hà tiện cả lời nói với nhau!

Tôi mong ước một ngày về thăm lại Quê hương vào mùa Giáng sinh,để cùng ông Hai ngồi bên sông Cầu Kinh,nhấp từng ngụm trà nóng,đón gió sông lồng lộng thổi vào không còn vương mùi hôi tanh của một xã hội bần cùng..Tiếng chuông giáo đường Thanh Đa vang vọng từng hồi. Tôi được trở về cội nguồn Dân tộc với dĩ vãng êm đềm,tâm hồn thanh thản an vui trong một Đất nước an bình,ấm no và hạnh phúc./.

Đinh văn Tiến Hùng

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Sâu Trên Nụ Hoa Non
Diệp Hải Dung
21:58 12/12/2010
CON SÂU TRÊN NỤ HOA NON

Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia, Hình chụp tại TT Bringelly Sydney

Côn trùng con khóc con than

Con câm con ngọng con bay con bò

Con người hết khóc lại lo

Trăm năm bệnh lão diễn trò đảo điên.

(Trích thơ của Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền