Ngày 04-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/12: Tương quan với Chúa - Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:03 04/12/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:42 04/12/2023

7. Vâng lời là nguyên tắc chung của các nhân đức, là yếu tố chính của tất cả thần học tu đức, là làm cho con người sửa đổi các nhân đức để đạt đến nguyện vọng sống đời đời, dễ dàng nhất, thỏa đáng nhất, ngắn gọn nhất và là con đường chắc chắn nhất.

(Linh mục Alewalai)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:59 04/12/2023
18. KHÔNG THỂ MỜI UỐNG

Thời nhà Tống, Vương Cảnh Văn đang đánh cờ tướng với bạn bè ở Giang Châu, đột nhiên nhận được sắc lệnh của Tống Minh đế chỉ có hai chữ: “Tứ tử.” (1)

Vương Cảnh Văn thần sắc tự nhiên, vẫn nghiêm chỉnh không lơ là đánh cờ, sau đó đem các con cờ bỏ vào trong hộp, cầm ly rượu thuốc độc nói với bạn bè:

- “Thật đáng tiếc, loại rượu này không thể mời các bạn uống được”.

Nói xong uống một hơi hết luôn.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 18:

Vui thì mời bạn bè đến chia sẻ, buồn thì giấu kín trong lòng, đó là tâm tình của người quân tử và hơn thế nữa, đó là tâm tình của người Ki-tô hữu chân chính.

Người Ki-tô hữu rất hiểu giáo huấn của thánh Phao-lô là chia vui với người vui và chia sẻ nỗi buồn với người đau buồn, nhưng chính họ sẽ không đem nỗi buồn của mình đi nói cho ai biết, vì họ xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người sẽ an ủi họ, hơn nữa họ không muốn vì họ mà người khác thêm lo lắng, mất vui. Đức Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu đã chỉ đem nỗi đau khổ của mình nói với Cha trên trời mà thôi, thì người Ki-tô hữu cũng sẽ noi gương Ngài mà làm như vậy: phó thác nỗi buồn cho Thiên Chúa và đem niềm vui chia sẻ với tha nhân.

Được lệnh phải uống thuốc độc mà chết khi đang đánh cờ tướng, nhưng vẫn cứ vui vẻ chiếu cố với bạn bè đến cùng, là hành động anh hùng quân tử đầy khí tiết của Vương Cảnh Văn thời nhà Tống.

Biết đè nén sự đau khổ của cá nhân để vui với người vui, là hành động bác ái đầy tình người của người Ki-tô hữu trong mọi thời đại.

Tinh thần của người Ki-tô đúng là vĩ đại thật !

(1) “Tứ tử” là cái chết ân huệ của nhà vua ban cho.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mắt hạnh phúc
Lm. Minh Anh
14:22 04/12/2023

MẮT HẠNH PHÚC
“Phúc thay mắt nào được thấy điều các con thấy!”.

“Tôi bước vào mùa xuân, khi mọi thứ dường như quá tươi mới. Tôi vào hạ, khi ngày trở nên ấm áp và dài hơn; khi các cô gái trở nên bí ẩn, và chậm một chút là bạn đã ngoài ba mươi. Tôi đi qua mùa thu, khi mọi thứ đổi thay; và thực sự kinh ngạc, vì thời gian trôi quá nhanh và tình yêu không chỉ là cảm xúc. Rồi sang đông, khi ngày lạnh hơn và những lời tạm biệt xem ra khá nhạt nhẽo. Ước gì mắt bạn và tôi, mắt hạnh phúc có thể nhìn thấy một mùa xuân thiên đường, không bao giờ đổi thay nhưng tồn tại mãi!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mắt hạnh phúc có thể nhìn thấy một mùa xuân thiên đường!”. Thật bất ngờ, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘mắt hạnh phúc!’. Isaia hạnh phúc khi thấy trước một mùa xuân thiên sai; các môn đệ hạnh phúc khi sờ đụng Giêsu, một mùa xuân thiên đường.

Cảm nhận trước triều đại thiên sai như xuân đang đến, cách lạ lùng, Isaia tuyên sấm, “Ngày ấy, từ gốc tổ Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ; từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này”. “Mầm non” ấy sẽ thiết lập một triều đại chan hoà yêu thương, “Sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ”. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận, “Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời!”.

Trong bài Tin Mừng, mầm non Isaia tiên báo đang sừng sững giữa các môn đệ của Ngài, “Giêsu!”. Ngài gọi họ là người có phúc, “Phúc thay mắt nào được thấy điều các con thấy!”. Không chỉ thấy, họ còn được ở với Ngài, trở nên bạn hữu, môn đệ của Ngài.

Phần chúng ta, dẫu không có đặc ân “thấy” Chúa Giêsu như các môn đệ, nhưng nếu có mắt đức tin để nhìn, tai đức tin để nghe, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy và nghe Ngài theo vô số cách khác nhau. Từ đó, tai và mắt chúng ta cũng trở thành những đôi tai và ‘mắt hạnh phúc’. Mùa Vọng, mùa chúng ta cần có một đức tin tinh tuyền, một đôi mắt trẻ thơ và sự cởi mở để hiểu và thâm nhập những mầu nhiệm cao đẹp của Nhập Thể. Nếu không có sự cởi mở khiêm nhường này, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được trọn vẹn món quà tuyệt vời của Thiên Chúa trong lễ Giáng Sinh.

Anh Chị em,

“Phúc thay mắt nào được thấy điều các con thấy!”. Hãy suy gẫm về sự rộng mở trong trái tim bạn. Bạn có sẵn sàng và bằng lòng đắm mình trong những mầu nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã đến chọn nơi cư ngụ của Ngài trong lòng bạn? Đức tin bạn có phải là một đức tin trẻ thơ cần thiết để thâm nhập vào những mầu nhiệm lớn lao trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa? Nếu được vậy thì đây sẽ là một Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh tuyệt vời. Vì bạn đã nhìn thấy Giêsu, “Mùa Xuân Thiên Đường”, và mắt bạn trở nên ‘mắt hạnh phúc’ khi được chiêm ngắm Ngài. Ngài là Emmanuel, “ngày hạ không kết thúc, ngày thu không đổi thay và ngày đông không giá buốt”. Hãy khao khát Giêsu, khao khát thấy Ngài, nghe Ngài với một trái tim và đôi mắt của một em bé!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con một chỉ khát khao Chúa; để dù nắng hay mưa, dù hạ hay thu hoặc giữa đông lạnh, con chất ngất hạnh phúc và ấm áp trong Ngài, Xuân Vĩnh Cửu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khẳng quyết: Chấm dứt ngừng bắn ở Gaza, có nghĩa là ‘chết chóc, hủy diệt và đau khổ’
Thanh Quảng sdb
01:44 04/12/2023
Đức Thánh Cha khẳng quyết: Chấm dứt ngừng bắn ở Gaza, có nghĩa là ‘chết chóc, hủy diệt và đau khổ’

Phát biểu sau buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật (3/12/23), Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “nỗi đau” trước sự tái diễn tình trạng thù địch ở giải Gaza, đồng thời mời gọi những người liên hệ “hãy can đảm bước đi theo con đường hòa bình”.

(Tin Vatican - Joseph Tulloch)

“Tôi đau lòng khi thỏa thuận ngừng bắn bị ngưng: điều này đồng nghĩa với cái chết, sự hủy diệt và đau khổ.”

Đó là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự kết thúc thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, vào thứ Sáu (1/12/2023).

Đức Thánh Cha đang hồi phục sau cơn viêm phổi, những suy nghĩ của ngài đã được Đức ông Paolo Braida, một quan chức của Phủ Quốc vụ khanh Vatican, công bố, trong khi Đức Thánh Cha ngồi bên cạnh.

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Nhiều con tin đã được giải thoát, nhưng còn nhiều con tin khác vẫn còn bị giam giữ ở Gaza. Chúng tôi nghĩ đến họ, đến gia đình của họ, những người đã nhìn thấy ánh sáng, niềm hy vọng rằng họ đã có thể chào đón những người thân yêu của mình tuần qua.”

ĐTC nói “có quá nhiều đau khổ ở Gaza; nhu yếu phẩm thiếu thốn trầm trọng!..."

ĐTC nói: “Tôi hy vọng tất cả những người liên quan tới cuộc chiến này có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới càng sớm càng tốt và tìm ra các giải pháp khác ngoài vũ khí, hãy cố gắng đi theo những con đường can đảm để đạt được hòa bình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi thả tất cả các con tin ở Gaza và chấm dứt ngay lập tức tình trạng thù địch ở đó.

Vào thứ Tư ngày 22 tháng 11, ĐTC đã gặp một nhóm người Palestine có người thân ở Gaza và những người có thành viên trong gia đình đang bị Hamas bắt làm con tin.
 
Đức Thánh Cha họp Hội đồng Hồng Y để thảo luận về chiều kích nữ giới trong Giáo hội
Thanh Quảng sdb
17:00 04/12/2023
Đức Thánh Cha họp Hội đồng Hồng Y để thảo luận về chiều kích nữ giới trong Giáo hội

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì cuộc họp của Hội đồng Hồng Y, được gọi là “C9”, với các đề tài thảo luận bao gồm cả vai trò nữ giới trong Giáo hội.

(Tin Vatican)

Như Đức Thánh Cha đã công bố vào ngày 30 tháng 11, trong buổi tiếp kiến với Ủy ban Thần học Quốc tế, Hội đồng Hồng Y đang tập trung vào những vấn đề về “chiều kích nữ giới trong Giáo hội”.

“Giáo hội là người mẹ,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong dịp đó. “Nếu chúng ta không hiểu phụ nữ là gì hoặc thần học về phụ nữ là gì, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Giáo hội là gì”.

Ngài cũng mô tả việc “nam tính hóa” Giáo hội như một “lỗi lớn” vẫn chưa được lý giải.

Nhà thần học Dòng Tên Hans Urs von Balthasar
Đức Thánh Cha kêu gọi sự phân biệt mà nhà thần học Dòng Tên Hans Urs von Balthasar đề xuất, người đã mô tả nguyên tắc “Petrine” hay nguyên tắc thừa tác, và nguyên tắc “Marian” hay thần bí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức Maria quan trọng hơn Thánh Phêrô, bởi vì có hiền thê của Giáo hội, Giáo hội là mẹ, chứ không có phu quân của Giáo hội!”.

Cuộc họp C9 cuối cùng vào tháng 6

Cuộc họp cuối cùng của C9 diễn ra vào ngày 26-27 tháng 6, và các Hồng Y đề đạt những suy tư lên Đức Thánh Cha về nhiều chủ đề khác nhau.

Những điều này bao gồm cả cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, việc thực hiện tông hiến Praedicate Evangelium trong các Giáo hội địa phương, và công việc của Đại hội đồng Giám mục của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

Trọng tâm của các cuộc thảo luận cũng là những suy tư của Thượng hội đồng về chủ đề tính đồng nghị sau đó được tổ chức tại Vatican vào tháng 10.

Hội đồng Hồng Y (C9) mới

Sau khi Đức Thánh Cha đổi mới Hội đồng Hồng Y vào ngày 7 tháng 3, C9 hiện bao gồm các Hồng Y sau:

- Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh;

- Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Vương quốc Vatican và Chính quyền Vương quốc Vatican

- Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa;

- Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay;

- Hồng Y Seán Patrick O'Malley, Tổng Giám mục Boston;

- Hồng Y Juan José Omella Omella, Tổng Giám mục Barcelona;

- Hồng Y Gérald Lacroix, Tổng Giám mục Quebec;

- Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg;

- Hồng Y Sérgio da Rocha, Tổng Giám mục San Salvador de Bahia.

Đức Giám Mục Marco Mellino, giám mục hiệu tòa Cresima, giữ chức vụ thư ký của C9. Cuộc họp đầu tiên của C9 mới diễn ra vào ngày 24/4.

Việc thành lập Hội đồng Hồng Y

Hội đồng Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập vào ngày 28 tháng 9 năm 2013.

Ngài giao phó cho Hội đồng nhiệm vụ hỗ trợ ngài trong việc cai quản Giáo hội hoàn vũ và đề nghiên những cải cách Giáo triều Rôma.

Cuộc cải cách được khởi đầu với tông hiến mới Praedicate Evangelium được công bố vào ngày 19 tháng 3 năm 2022. Cuộc họp đầu tiên của C9 diễn ra vào ngày 1 tháng 10 năm 2013.
 
Kissinger là cố vấn không những cho các tổng thống mà còn cho các giáo hoàng nữa
Vũ Văn An
17:09 04/12/2023

John L. Allen Jr., chủ bút CruxNow, ngày 1 tháng 12 năm 2023, nhận định rằng thực sự rất hiếm khi một tổng thống Mỹ tham gia vào một cuộc trò chuyện bốn bên và được cho là người kém nổi bật nhất trong nhóm, nhưng đó là trường hợp vào tháng 6 năm 1975 khi Tổng thống Gerald Ford đến thăm Vatican.



Nhân dịp đó, Ford đã gặp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày nay là Thánh Phaolô VI, vị giáo hoàng đã hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo trong thời gian bế mạc Công đồng Vatican II và những năm ngay sau Công đồng Vatican II. Hai người có sự tham gia của Đức Tổng Giám Mục lúc bấy giờ là Agostino Casaroli, nhà ngoại giao huyền thoại của Vatican, người đã soạn thảo chính sách Ostpolitik của Tòa Thánh, hay nối vòng tay lớn với khối Xô Viết.

Vào thời điểm đó, Casaroli đang đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Helsinki, một thỏa thuận quy tụ tất cả các quốc gia Châu Âu, Đông và Tây, cũng như Hoa Kỳ và Canada, và đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các phụ tá của ngài nhắc đến nhiều lần như khuôn mẫu cho sự tham gia đa phương.

Người còn lại trong cuộc trò chuyện là Henry Kissinger, vào thời điểm đó vẫn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ đồng thời là Cố vấn An ninh Quốc gia, và có lẽ là chính khách nổi tiếng và gây tranh cãi nhất của thế kỷ 20.

Dựa trên một bản ghi nhớ hiện đã được giải mật về cuộc trò chuyện năm 1975 đó, chúng ta biết nó có phạm vi rộng: Trung Đông, bao gồm các cuộc đàm phán vào thời điểm đó hướng tới một thỏa thuận giữa Ai Cập và Israel về Sinai; Lebanon và số lượng người tị nạn Pales-tine ngày càng tăng; diễn trình Helsinki (bao gồm cả cảnh cáo của Ford rằng Tây Âu không nên “đầu hàng và nhượng bộ Nga”); Việt Nam, trong đó có việc định cư cho người tị nạn tại Hoa Kỳ; cuộc cách mạng Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ lo ngại rằng một chính phủ được Cộng sản hậu thuẫn ở Lisbon có thể làm tan rã liên minh NATO; tương lai của Tây Ban Nha thời hậu Franco; chưa kể Ethiopia, Malta và Síp.

Đây không phải là lần đầu tiên Kissinger, người qua đời ngày 29 tháng 11 khoẻ khoắn ở tuổi 100, đã trao đổi quan điểm với những người đồng cấp ở Vatican. Theo bản ghi, Đức Phaolô VI thực ra đã gọi Kissinger là “bạn cũ”, lưu ý rằng hai người đã gặp nhau ít nhất hai lần trước đó.

Casaroli cũng không phải là người đối diện duy nhất ở Vatican mà Kissinger đã liên lạc.

Thí dụ, như một phần của các bản phát hành của Wikileaks, chúng ta biết về cuộc trò chuyện vào tháng 10 năm 1973 giữa Kissinger và Tổng giám mục lúc bấy giờ là Giovanni Benelli, vào thời điểm đó là sostituto, hay “phó” của Phủ Quốc vụ khanh, trong đó hai người đã thảo luận về cuộc đảo chính gần đây ở Chile đã lật đổ chính phủ của Salvador Allende.

Theo bức điện, Benelli khuyên Kissinger bỏ qua các báo cáo về các vụ thảm sát và lạm dụng của lực lượng của Tướng Augusto Pinochet, mô tả những tuyên bố đó là “tuyên truyền của Cộng sản”.

Đoạn lịch sử đó là một lời nhắc nhở rằng mặc dù Kissinger nổi tiếng là người được các tổng thống biết đến, nhưng trong suốt sự nghiệp đáng chú ý của mình, ông cũng thường là cố vấn cho các giáo hoàng.

Cuộc gặp đầu tiên của ông với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn ra trong một buổi tiếp kiến riêng vào tháng 10 năm 1979, sau khi Kissinger không còn giữ bất cứ vai trò chính thức nào trong chính phủ Mỹ và nó không diễn ra trong hoàn cảnh thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Hernan Cubillos sau này nhớ lại rằng một năm trước đó, ngay sau khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng, ông đã gặp Kissinger tại dinh thự Manhattan của ông ở River Club, sau đó Kissinger tự đưa ra quan điểm rằng việc lựa chọn một giáo hoàng người Ba Lan là một sự khiêu khích có chủ ý đối với Moscow và có thể không “tốt cho nhân loại”.

Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II và Kissinger đã thành công và sẽ tiếp tục tương tác thường xuyên trong suốt một phần tư thế kỷ tiếp theo. Thí dụ, vào năm 2001, Kissinger đã đưa vợ mình là Nancy đến Vatican để nhận lời chúc phúc từ Đức Gioan Phaolô II, và khi vị giáo hoàng qua đời vào năm 2005, Kissinger nói với NBC rằng ông tin rằng Đức Gioan Phaolô II, chứ không phải ông, mới là nhân vật có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Bất cứ khi nào Kissinger được người phỏng vấn hỏi về Đức Gioan Phaolô II, ông luôn nói rằng ông rất gắn bó với vị giáo hoàng đến nỗi ông đã lưu giữ những bức ảnh về mọi cuộc gặp gỡ mà họ từng có.

Kissinger cũng đã có cuộc gặp gỡ với người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI, người đã gặp nhà ngoại giao huyền thoại người Mỹ trong một buổi tiếp kiến kéo dài tại Castelgandolfo vào tháng 9 năm 2006.

Mối quan hệ ăn ý giữa vị giáo hoàng người Đức và Kissinger sinh ra ở Đức mạnh đến mức một tờ báo Ý sau đó đưa tin rằng Đức Bênêđíctô đã đề nghị Kissinger phục vụ trong một hội đồng không chính thức gồm các cố vấn chính sách đối ngoại, một tin đồn mà Vatican sau đó buộc phải phủ nhận.

Một năm sau, Kissinger trở lại Rome để phát biểu tại Học viện Khoa học Xã hội của Giáo hoàng: “Đối với một người đã có vinh dự được tiếp kiến ba vị Giáo hoàng và đã tôn trọng cũng như ngưỡng mộ vai trò của Giáo hội trong nhiều thế kỷ, có thể đến Vatican với một nhóm chuyên tâm cho những mục đích này có ý nghĩa rất lớn lao.”

Trên thực tế, Kissinger là một người thường xuyên xuất hiện ở Rome, một phần là do tình bạn thân thiết của ông với Gianni Agnelli, người đứng đầu lâu năm của FIAT và là người gắn bó với chính trường Ý trong nhiều thập niên. Gore Vidal, trong cuốn hồi ký Palimpsest năm 1995 của mình, nhớ lại việc tình cờ gặp Kissinger trong một bữa tối năm 1994 do Agnelli tài trợ tại Sảnh Tượng ở Bảo tàng Vatican, để kỷ niệm việc trùng tu Nhà nguyện Sis-tine.

“Khi tôi để ông ấy trầm ngâm nhìn vào phần địa ngục của Phán quyết cuối cùng,” Vidal viết về Kissinger, với phong cách chua cay điển hình, “Tôi nói với người phụ nữ đi cùng tôi, 'Nhìn kìa, ông ấy đang săn lùng căn hộ.'"

Qua nhiều năm, Kissinger và các vị giáo hoàng mà ông tạo dựng mối quan hệ chắc chắn có những khác biệt, đặc biệt là trong thời kỳ Đức Phaolô VI/Casaroli và các câu hỏi về cách tốt nhất để vượt qua những thách thức của Chiến tranh Lạnh.

Mặt khác, Kissinger rõ ràng ngưỡng mộ khả năng của Vatican trong việc có tầm nhìn dài hạn về quan hệ quốc tế. Mặc dù gắn liền với cách tiếp cận của Realpolitik, mà các nhà phê bình cho rằng dựa trên thái độ hoài nghi hơn là những lý tưởng cao đẹp, Kissinger dường như cũng đánh giá cao ý nghĩa độc đáo về tính siêu việt mà Vatican cố gắng đưa ra cho những câu hỏi rất trần thế.

“Triết gia người Đức, Emmanuel Kant, đã viết một tiểu luận vào thế kỷ 18, trong đó ông nói rằng một ngày nào đó sẽ có hòa bình hoàn cầu. Vấn đề duy nhất là liệu nó sẽ xẩy ra bởi sự hiểu biết sâu sắc của con người hay bởi những thảm họa có tầm quan trọng lớn đến mức chúng ta không có lựa chọn nào khác,” Kissinger phát biểu như thế trong cuộc họp của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội năm 2007.

Ông nói: “Lúc đó ông ấy đã đúng và ngày nay ông ấy vẫn đúng, mặc dù một số người trong chúng ta có thể nói thêm rằng có thể cần có sự hướng dẫn thiêng liêng nào đó chứ không chỉ là sự sáng suốt mới có thể giải quyết được vấn đề”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đã có tin mừng đầu mùa Vọng: thêm một Cộng Đoàn Việt Nam mới toanh được thành lập tại Hoa Kỳ.
Thanh Nguyen
08:47 04/12/2023
Xem hình ảnh Thánh Lễ đầu tiên thành lập Cộng Đoàn Việt Nam tại Giáo xứ Thánh Phaolô, Chino Hills, California, Giáo phận San Bernardino

Chino Hills là một thành phố thuộc Quận San Bernardino, California. Những ai bay tới Disneyland qua ngã Ontario International Airport thì sẽ phải đi ngang qua Chino Hills.

Tuy ở phía Nam và Tây Nam là Quân Cam có đông người Việt ở, nhưng vùng này hầu như còn thưa thớt vì chỉ có một con đường nối với Quận Cam là đường Carbon Canyon (SR 142), vừa dài, vừa quanh co và dễ bị lở đất.

Nhưng đổi lại, đây cũng là một vùng có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp. Thành phố có tới 44 công viên mà Công viên Overlook có cái nhìn tuyệt hảo ra thung lũng Pomona (ngút ngàn), đồi Chino (mùa Xuân hoa vàng) và dãy núi San Gabriel (đỉnh tuyết.)

Chính tại nơi đây, đúng vào đầu mùa Vọng, khi mọi người liên tưởng tới một ngôi sao lạ sẽ xuất hiện để dẫn đường đi tới Bê Lem "nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa," thì tại thánh đường St. Paul the Apostle Catholic Church, một Cộng Đoàn Việt Nam mới nhất tại Hoa Kỳ, cũng chính thức được ra mắt.

Theo lời giới thiệu trên Bản Tin Mục Vụ thì “Vì thấy được nhu cầu cần thiết của những người Việt Nam, thường hay tham dự thánh lễ tại ngôi Thánh Đường này, Cha Chánh Xứ Joseph Lipotin, đã ưu ái mời gọi một số anh chị, để bắt đầu thành lập một cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ này. Tạ ơn Chúa là cha Trương Minh Nhiên, thuộc dòng Ngôi Lời, đã nhận lời dâng thánh lễ hằng tuần cho chúng ta.”

Lịch trình thành lễ VN là mỗi chiều thứ Bảy, lúc 7:00PM.

Xem video của HoasacDalat:

 
VietCatholic TV
Bên bờ vực thế chiến: Khu trục hạm USS Carney của Mỹ bị phe Iran tấn công. Kyiv thắng lớn ở Avdiivka
VietCatholic Media
02:21 04/12/2023


1. Tình hình nghiêm trọng. Khu trục hạm USS Carney và tàu chở hàng của Hoa Kỳ bị lực lượng ủy nhiệm của Iran tấn công

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cảnh báo hôm Chúa Nhật theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ, tức là khi Việt Nam đã bước sang ngày Thứ Hai, 4 Tháng Mười Hai, rằng khu trục hạm USS Carney và một tàu chở hàng của Hoa Kỳ bị Iran tấn công thông qua lực lượng ủy nhiệm của họ là Houthi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “USS Carney Attacked as Iran-Backed Houthi Militia Announce Red Sea Strikes”, nghĩa là “Khu trục hạm USS Carney bị tấn công khi lực lượng dân quân Houthi được Iran hậu thuẫn tuyên bố các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.”

Ngũ Giác Đài hôm Chúa Nhật thông báo rằng các cuộc tấn công đã được thực hiện nhằm vào một tàu chiến cũng như một tàu thương mại của Mỹ đóng tại Trung Đông, đây là một sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến đang diễn ra trong khu vực.

Chuẩn tướng Pat Ryder nói: “Chúng tôi đã biết về các báo cáo liên quan đến các cuộc tấn công vào tàu USS Carney và các tàu thương mại ở Biển Đỏ và sẽ cung cấp thông tin sau”. Tin tức này được hãng tin AP đưa tin đầu tiên. Carney là tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke.

Theo AP, tàu chiến không bị hư hại trong vụ tấn công và không có báo cáo về thương tích. AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết tàu Carney đã bắn hạ một máy bay không người lái để tự vệ, và khu trục hạm này cũng đáp trả cuộc tấn công vào tàu chở hàng Unity Explorer của Hoa Kỳ mang cờ Bahamas. Chiếc máy bay không người lái thứ hai cũng bị bắn hạ do phản ứng của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ Unity Explorer.

Hoa Kỳ đã ủng hộ mạnh mẽ đồng minh lâu năm của mình là Israel sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 do nhóm chiến binh Palestine Hamas thực hiện, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Chính phủ Israel đã tuyên chiến với Hamas, được Iran hậu thuẫn, và đã bắn phá Gaza, nơi nhóm này cai trị, đồng thời cắt nhiên liệu, thực phẩm và điện cho khu vực đông dân cư. Hơn 15.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi vụ đánh bom bắt đầu.

Các nhóm được Iran hậu thuẫn trong khu vực, bao gồm Houthis ở Yemen, Hezbollah ở Li Băng và dân quân Iraq, đã tham gia vào cuộc xung đột, thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng Israel và Mỹ trong khu vực.

Lực lượng Houthi hôm Chúa Nhật tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, nói rằng họ nhắm vào hai tàu của Israel.

Lực lượng vũ trang Yemen cho biết: “Chiến dịch tấn công diễn ra sau khi hai tàu từ chối các thông điệp cảnh báo của lực lượng hải quân Yemen”.

Tuyên bố cho biết: “Các lực lượng vũ trang Yemen tiếp tục ngăn chặn các tàu Israel đi qua Biển Đỏ và Arab Bahrain cho đến khi hành động gây hấn của Israel đối với những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”.

Theo truyền thông Iran, Chuẩn tướng Houthi Yahya Saree nói rằng các cuộc tấn công diễn ra “để ủng hộ quốc gia Palestine”. Ông nói thêm: “Hôm nay, chúng ta đang tham gia một cuộc chiến quyết định chống lại Mỹ và đối phương theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi các cuộc tấn công vào Gaza chấm dứt”.

Lực lượng Houthi đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ cũng như vào Israel kể từ khi chiến tranh nổ ra với Hamas. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Houthi tấn công vào một khu trục hạm của Hoa Kỳ.

Một quan chức tình báo quân đội Hoa Kỳ, người đã được thông báo tóm tắt về các cuộc tấn công, nói với Newsweek rằng người Houthi thường cố gắng tấn công vào các tàu thương mại do Israel sở hữu hoặc có liên quan, tham khảo các tuyên bố mà nhóm này đã đưa ra trên X.

Hoa Kỳ đã ủng hộ Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi của Yemen, bắt đầu vào năm 2015. Những căng thẳng đó đã hạ nhiệt vào năm 2023, với cuộc đối thoại diễn ra giữa Houthi và Ả rập Saudi.

Kể từ khi cuộc chiến giữa Israel với Hamas bắt đầu, nhiều nhà phân tích và nhà lập pháp đã nêu lên mối lo ngại về việc Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ngày càng tham gia trực tiếp hơn – khiến cuộc xung đột trở thành khu vực thay vì bị cô lập phần lớn với Israel và Gaza.

Một quan chức cao cấp nắm rõ các cuộc thảo luận nội bộ của chính quyền Tổng thống Biden liên quan đến Iran trấn an Newsweek rằng Ngũ Giác Đài “lạc quan” hơn đối với mong muốn leo thang xung đột của Tehran. Ông chỉ ra rằng lực lượng Houthi thực sự đang bày tỏ tình đoàn kết với Hamas, và các cuộc tấn công trong khu vực dù gia tăng nhưng đã từng diễn ra trước ngày 7/10.

“Sau cuộc tấn công của Hamas, chúng tôi đã vội vã đưa các phương tiện chiến thuật, chủ yếu là chiến đấu cơ, tới Trung Đông như thể chúng tôi sắp tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường nào đó với Iran”. “Mối lo ngại đó đã qua rồi.”

Quan chức này cho biết, nhiều máy bay được điều đến Trung Đông đã lặng lẽ trở về căn cứ quê hương, thay thế bằng các tài sản “chiến lược” như Hàng Không Mẫu Hạm, tàu ngầm hỏa tiễn hành trình và máy bay ném bom B-1, báo hiệu sự răn đe đối với Iran hơn là sự sẵn sàng cho chiến tranh.

2. Lính Nga kinh hoàng vì chiến tranh 'nhẹ nhõm' khi bị Ukraine bắt giữ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Horrified by War 'Relieved' to Be Captured by Ukraine”, nghĩa là “Người lính Nga kinh hoàng vì chiến tranh cảm thấy 'nhẹ nhõm' khi bị Ukraine bắt giữ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một báo cáo mới, binh lính Nga ở Ukraine đang than thở về những nỗ lực chiến tranh của đất nước họ và một số người bị bắt thực sự cảm thấy “nhẹ nhõm”.

Cuộc phản công hiện nay của Ukraine phần nào bị cản trở ở các khu vực như Avdiivka, nơi binh lính Nga đã tràn vào thị trấn công nghiệp nằm ở phía đông vùng Donetsk kể từ đầu tháng 10. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, những cuộc tấn công mới trên lãnh thổ bị Nga sáp nhập năm ngoái đã được thực hiện từ hôm thứ Ba nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine, khiến Nga tiêu tốn nhiều xe tăng và thiết bị quân sự trong quá trình này.

Những nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh, thậm chí bằng cách động viên hàng trăm nghìn công dân, vẫn chưa có giải pháp hay kết thúc nào trước mắt. Thương vong của các binh sĩ và tướng lĩnh Nga vẫn tiếp tục, các thiết bị quân sự đang bị lực lượng Ukraine phá hủy và nền kinh tế quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột kéo dài 21 tháng.

Một số tù binh chiến tranh Nga ở Avdiivka, hầu hết ở độ tuổi 30 và 40, đã nói chuyện với tờ Wall Street Journal từ một gara không được tiết lộ nằm ở miền đông Ukraine sau khi họ bị quân Ukraine bắt giữ.

Một người lính Nga tên Sergei, cựu công nhân nhà máy ở Perm, gần dãy núi Ural, người đã ghi danh vào tháng 10 để được tăng lương từ 30.000 rúp lên 100.000 rúp, đã gọi chiến tranh trong thành phố là “cơn ác mộng của động vật”.

Ông cho biết quá trình huấn luyện của Quân đội Nga bao gồm các nhiệm vụ vặt vãnh. Quá trình huấn luyện trên chiến trường bao gồm việc bắn số đạn trị giá hai băng đạn từ một khẩu súng trường tấn công, bên cạnh các bài học cấp cứu.

Thay vì chỉ lái xe tải ở phía sau như dự kiến ban đầu, anh ta lại ở tuyến đầu của trận chiến và cuối cùng bị bắt vào giữa tháng 11 tại Avdiivka sau khi bị thương. Anh đã chứng kiến những xác chết rải rác khắp sườn phía bắc thành phố.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm,” anh nói và cho biết thêm rằng gia đình anh chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào mà Điện Cẩm Linh đã hứa. “Tôi không muốn nhìn thấy cơn ác mộng này nữa.”

Một người lính Nga khác tên Pavel, trước đây là thợ vận hành máy công cụ đến từ Siberia, cho biết anh nằm trong số những người nhập ngũ vào năm 2022 và có quyền lựa chọn chiến đấu hoặc bị tống vào tù.

Anh ta cho biết quá trình huấn luyện chiến thuật của anh ta bao gồm việc lao qua chiến trường, theo phong cách của các bộ phim thời Thế chiến thứ hai của Liên Xô, trong đó quân đội hét lên “vì Stalin!” Trên chiến trường, anh cho biết nhiệm vụ của đơn vị anh đã khiến rất nhiều binh sĩ thiệt mạng.

“Dù vậy, chỉ huy nói rằng chúng tôi đã thành công trong việc hoàn thành mục tiêu của mình,” Pavel nói với Tạp chí, đồng thời đổ lỗi cho các chỉ huy về việc thiếu đào tạo bài bản. “Làm sao bạn có thể nói là thành công nếu chỉ có 35 trong số 100 người quay lại? Và đó chỉ là một ngày duy nhất.... Để trở thành đội quân tấn công thực sự cần rất nhiều công sức và thời gian huấn luyện.”

3. Phát ngôn nhân của IDF cho biết quân đội Israel đã có mặt trên toàn bộ dải Gaza

Theo các quan chức địa phương, Israel tiếp tục chiến dịch ném bom khắp phía bắc và phía nam Gaza trong ngày thứ ba kể từ khi kết thúc thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

Vào tối Chúa Nhật, quân đội Israel cũng cho biết họ đã mở rộng hoạt động trên bộ tới toàn bộ Gaza. Phát ngôn nhân của Lực lượng phòng vệ Israel Tướng Daniel Hagari nói với các phóng viên ở Tel Aviv: “Lực lượng Phòng vệ Israel tiếp tục mở rộng hoạt động trên bộ nhằm vào các trung tâm của Hamas trên toàn Dải Gaza”. “Các lực lượng của chúng tôi đang đối mặt với những kẻ khủng bố và tiêu diệt chúng.”

Trước đó, trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc đã bị tấn công, với báo cáo ban đầu cho biết hàng chục người đã thiệt mạng và ít nhất một khu dân cư bị phá hủy.

Khoảng 300 người được cho là đang trú ẩn trong khu vực lân cận với cuộc tấn công mới nhất, trong một khu trại đã bị Israel tấn công nhiều lần trong tháng qua.

Vụ đánh bom nặng nề cũng được báo cáo ở thành phố phía nam Khan Younis, ngày càng trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công của Israel, trong khi quân đội nước này yêu cầu di tản thêm dân thường khỏi các khu vực của thành phố, yêu cầu họ đi về phía nam tới Rafah hoặc về phía tây. Vào tối Chúa Nhật, có tin về cuộc đụng độ giữa Hamas và quân đội Israel cách thành phố một dặm.

4. Vương Quốc Anh nhận xét rằng hệ thống phòng không hàng tỷ bạc của Nga có quá nhiều vấn đề

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Critical' SA-15 Tor Defense Systems Face Key Limitation: UK”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định rằng hệ thống phòng thủ SA-15 Tor 'chủ chốt' của Nga phải đối mặt với hạn chế chính.”

Theo một đánh giá mới, hệ thống phòng không SA-15 của Nga là tài sản “quan trọng” đối với quân đội Mạc Tư Khoa ở Ukraine, nhưng việc giữ cho hệ thống này hoạt động ở tiền tuyến là một “bài kiểm tra cực độ về khả năng chịu đựng” đối với các xạ thủ của họ.

Bộ Quốc phòng Anh hôm Chúa Nhật cho biết hệ thống SA-15 của Điện Cẩm Linh đang “đóng một vai trò quan trọng và có hiệu quả lớn” ở Ukraine.

Nhưng “một trong những hạn chế chính của hệ thống trong cuộc chiến hiện tại có thể là sức chịu đựng của nhóm xạ thủ”, chính phủ Anh đưa ra lập trường trên trong một bản cập nhật tình báo đăng trên mạng xã hội. Vương quốc Anh cho biết, với ba người được phân công phụ trách mỗi hệ thống, việc duy trì cảnh báo SA-15 và sẵn sàng trong thời gian dài “rất có thể là một bài kiểm tra khắc nghiệt về sức chịu đựng”.

SA-15 Tor, còn được gọi là “Gauntlet”, là một trong những hệ thống phòng không chính của Nga được triển khai ở Ukraine. Đây là hệ thống di động, đất đối không, có tầm bắn tối đa chỉ dưới 10 dặm. Nó có nhiều biến thể và là một trong những mục tiêu quân sự chính của Ukraine trong suốt cuộc chiến. Lực lượng của Kyiv trước đây đã chia sẻ cảnh quay về các hệ thống Tor bị phá hủy trong các hoạt động chiến đấu, bao gồm cả những hệ thống bị máy bay không người lái nhắm tới.

Gauntlet được thiết kế để hạ gục máy bay, máy bay không người lái, hỏa tiễn dẫn đường và các loại vũ khí chính xác khác của đối phương ở độ cao trung bình đến thấp. Nga hiện chủ yếu sử dụng nó để bắn hạ các phương tiện không người lái của Ukraine, Anh cho biết hôm Chúa Nhật, đồng thời cho biết thêm SA-15 đang bảo vệ tiền tiền tuyến của lực lượng bộ binh Nga.

Theo tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, hệ thống Tor đầu tiên được phát triển vào những năm 1980 và ra mắt vào năm 1986. Tor-M, phiên bản nâng cấp đầu tiên của hệ thống ban đầu, được đưa vào sử dụng năm 1991, tổ chức tư vấn cho biết. Phiên bản sau này, Tor-M2, được thiết kế để nhắm vào các mối đe dọa sắp tới như số lượng lớn máy bay không người lái.

Mạc Tư Khoa và Kyiv gần đây đều tập trung vào phòng không và khi bước vào những tháng mùa đông lạnh giá hơn, Ukraine cảnh báo rằng họ sẽ cần tăng cường năng lực để chống lại sự gia tăng các cuộc tấn công trên không của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm 12/11: “Ở Ukraine, mọi sự chú ý nên tập trung vào quốc phòng”, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của khí tài quân sự đối với đất nước.

“Tôi kêu gọi các đồng minh và đối tác đào sâu và tài trợ bất kỳ loại vũ khí phòng không nào họ có, khi Ukraine bước vào một mùa đông chiến tranh khác”.

Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng phòng không của họ đã chặn được 10 cuộc tấn công cảm tử của máy bay không người lái Shahed trong số 12 phương tiện không người lái được phóng đi trong “nhiều đợt” chỉ trong một đêm.

5. Nga phàn nàn rằng các đài tưởng niệm dành riêng cho binh sĩ Liên Xô đang bị phá hủy ở một số nước Đông Âu.

Hôm Chúa Nhật, Liên Bang Nga đã kỷ niệm Ngày Chiến sĩ Vô danh, một ngày được thành lập để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống ở Nga và nước ngoài. Ngày này được đánh dấu kể từ ngày 3 tháng 12 năm 1966, khi lễ chôn cất hài cốt của một người lính vô danh diễn ra tại Vườn Alexander gần Bức tường Điện Cẩm Linh.

Một ngày trước đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, đã lên tiếng phàn nàn rằng “Thật đáng tiếc, các đài tưởng niệm dành riêng cho các chiến sĩ giải phóng Liên Xô hiện đang bị phá hủy ở một số nước Đông Âu như một phần của chiến dịch xuyên tạc lịch sử.”

“Bộ Ngoại giao Nga công bố những sự thật phũ phàng này và tích cực làm việc để bảo tồn và khôi phục những đài tưởng niệm này. Ký ức về những người đã hy sinh mạng sống vì tương lai của chúng ta vẫn còn bất tử.”

Hiện chưa rõ bà ta đang đề cập đến các quốc gia Đông Âu nào.

6. Hoa Kỳ mua lại từ Hy Lạp các quả đạn pháo cho pháo binh Ukraine

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The United States May Have Found Another 5,000 Shells For Ukraine’s Biggest Artillery”, nghĩa là “Hoa Kỳ có thể đã tìm thấy thêm 5.000 quả đạn pháo cho hệ thống pháo lớn nhất của Ukraine”.Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hoa Kỳ được cho là sẽ nỗ lực hết sức để bổ sung nguồn cung cấp đạn dược đang cạn kiệt cho lực lượng pháo binh lớn nhất của Ukraine.

Theo tờ báo Hy Lạp Ekathimerini, chính phủ Mỹ đang đàm phán với chính phủ Hy Lạp để mua 75.000 quả đạn pháo để chuyển tiếp cho chính phủ Ukraine.

Thỏa thuận trị giá 47 triệu Mỹ Kim sẽ bao gồm 50.000 quả đạn pháo 105 ly, 20.000 quả đạn pháo 155 ly và 5.000 quả đạn pháo 203 ly.

Những quả đạn pháo lớn nhất cũng thú vị nhất. Chúng sẽ giúp duy trì hoạt động của pháo tự hành khổng lồ 2S7 của quân đội Ukraine lâu hơn một chút.

Pháo tự hành trên xe bánh xích 2S7 là khẩu súng lớn nhất của cả hai bên trong cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga ở Ukraine. Lữ đoàn pháo binh số 43 của quân đội Ukraine, đơn vị duy nhất sử dụng khẩu 2S7 nặng 50 tấn, có rất nhiều pháo. Cái nó không có là đạn pháo.

Quân đội Ukraine thừa hưởng khoảng 100 chiếc 2S7 từ quân đội Liên Xô khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Kyiv đã bán khoảng 20 chiếc trong số đó. Số súng lớn còn lại sẽ được cất giữ khi quân đội Ukraine chuẩn hóa các loại pháo cỡ nòng nhỏ hơn.

Cuộc xâm lược của Nga vào Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 đã thay đổi tất cả. Người Ukraine đã mở những nhà kho bụi bặm trên khắp đất nước và lôi ra rất nhiều vũ khí cũ. Quá trình đó được đẩy nhanh khi Nga mở rộng chiến tranh với Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Quân đội Ukraine ban đầu chỉ thu hồi được khoảng hơn chục chiếc 2S7. Những khẩu pháo này, được theo dõi bởi những người quan sát ở tiền tuyến và thậm chí bởi cả những cuộc điện thoại thỉnh thoảng từ một thường dân yêu nước nhìn thấy quân đội Nga đi ngang qua, đã giúp bảo vệ Kyiv trong sáu tuần đầu tiên của cuộc chiến rộng lớn hơn.

Trong khi đó, các kỹ thuật viên đang khôi phục nhiều hoặc tất cả trong số khoảng 70 chiếc 2S7 vẫn còn được cất giữ trước cuộc chiến rộng lớn hơn. Ngày nay các xạ thủ Ukraine sử dụng máy bay không người lái để ra tín hiệu cho những chiếc 2S7 đã được khôi phục của họ.

Một chiếc 2S7 bắn một quả đạn nặng 220 pound đi xa tới 23 dặm trong điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, nó bắn không nhanh - chỉ một hoặc hai phát mỗi phút khi đội 14 người vận chuyển đạn pháo từ một phương tiện hỗ trợ và nạp bốn quả đạn cùng một lúc thông qua một hệ thống thủy lực.

Tuy nhiên, nhu cầu không ngừng về hỗ trợ hỏa lực từ các tiểu đoàn tiền tuyến có nghĩa là khẩu đội 2S7 có thể bắn hàng giờ liền, chỉ tạm dừng để di chuyển súng nhằm tránh hỏa lực phản công. Theo ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, mỗi chiếc 2S7 bảo vệ Kyiv vào đầu năm 2022 đã bắn khoảng 50 quả đạn mỗi ngày.

Trong hơn một năm rưỡi chiến đấu cam go tiếp theo, quân Ukraine đã mất ít nhất 5 chiếc 2S7 và chiếm được một chiếc 2S7 từ tay người Nga. Ngày nay Lữ đoàn pháo binh 43 có thể có tới 75 chiếc 2S7. Có lẽ họ đã bắn hàng chục ngàn viên đạn.

Ngành công nghiệp Ukraine sản xuất đạn pháo 122 ly và 152 ly nhưng dường như không sản xuất đạn pháo 203 ly. May mắn thay cho Ukraine, loại đạn do Mỹ sản xuất chỉ hoạt động tốt với 2S7 nhờ nguồn gốc chung của cả pháo 203 ly của Mỹ và Liên Xô. Quân đội Hoa Kỳ đã cho nghỉ hưu những khẩu pháo 203 ly cuối cùng vào năm 1994.

Tuy nhiên, người Mỹ không dự trữ nhiều đạn 203 ly trong kho dự trữ chiến tranh của họ. Vì vậy, cho đến nay, Hoa Kỳ chỉ cung cấp cho Ukraine, từ kho dự trữ của mình, chỉ 10.000 viên đạn 203 ly. Đủ để mỗi chiếc 2S7 của Ukraine bắn được 133 quả đạn: có thể là ba ngày chiến đấu gian khổ cho mỗi khẩu súng.

Nguồn dự trữ đạn ít ỏi của họ đã khiến người Mỹ phải ra nước ngoài để tìm kiếm loại đạn 203 ly. Quân đội Hy Lạp vẫn sử dụng các khẩu pháo 203 ly cũ do Mỹ sản xuất và được cho là sở hữu kho đạn lớn.

Ngoại trừ một số nỗ lực công nghiệp anh hùng, ở Ukraine hoặc nước ngoài, nhằm thiết lập một dây chuyền sản xuất mới cho đạn pháo 203 ly, Hy Lạp có thể là nguồn cung cấp đạn dược tốt nhất cho Lữ đoàn 43 khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba. Hầu hết những người sử dụng súng 203 ly khác đều ở Trung Đông và Á Châu, và chắc chắn không muốn cho đi đạn của mình.

Thỏa thuận Mỹ-Hy Lạp liên quan đến quá ít đạn pháo để hứa hẹn một giải pháp lâu dài cho tình trạng thiếu đạn. Nó giống với một đợt cứu trợ đạn dược hơn. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa việc nhận thêm 5.000 quả đạn pháo và không nhận thêm 5.000 quả đạn pháo nữa, Lữ đoàn pháo binh số 43 tất nhiên sẽ lấy đạn pháo và tiếp tục bắn ít nhất vài tuần nữa.

7. Việc giảm bớt các cuộc tấn công vào Avdiivka cho thấy Nga đã 'hết hơi'

Thị trưởng Vitaliy Barabash của Avdiivka, cho biết các đợt tấn công của Nga đã giảm dần. 2 ngày qua ít có các cuộc tấn công trên bộ hơn do quân Nga tổn thất nặng nề và thời tiết khắc nghiệt. Ông đưa ra lập trường trên hôm Chúa Nhật 3 Tháng Mười Hai.

Trong gần hai tháng, Nga đã cố gắng chiếm giữ Avdiivka, một thị trấn công nghiệp gần Donetsk, nơi đã trở thành một trong những điểm tranh chấp gay gắt nhất trên tiền tuyến.

Binh lính Nga hiện đang có mặt ở phía đông, phía bắc và phía nam thị trấn, nơi phần lớn đã bị tàn phá. Thị trấn Avdiivka gần như bị bao quanh nhưng vẫn được phục vụ bởi một con đường trải nhựa.

Ukraine cho biết binh lính của họ đang giữ vững lập trường và đẩy lùi các cuộc tấn công.

Ông cho biết các cuộc tấn công của Nga giảm đi là do ba yếu tố - “điều kiện thời tiết khó khăn”, “tổn thất lớn về nhân lực và khí tài chiến tranh” và thực tế là quân đội Nga đang “hết hơi”.

Barabash nói: “Ngày càng có ít người sẵn sàng tự nguyện tấn công và ngày càng có nhiều kẻ từ chối”.

Putin đã tung 40.000 lính Nga vào thị trấn Avdiivka. Thị trấn này có diện tích 29km vuông, tức là chỉ bằng 1 phần 10 của Thủ Đức. Theo ước tính của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, ít nhất 13.500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong khu vực này.

8. Phần Lan tuyên bố tàu Trung Quốc cố tình phá hoại đường ống dẫn dầu ở biển Baltic

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “‘Everything indicates’ Chinese ship damaged Baltic pipeline on purpose, Finland says”, nghĩa là “Phần Lan nói: 'Mọi thứ đều cho thấy' tàu Trung Quốc cố tình phá hoại đường ống dẫn dầu Baltic”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Khi cuộc điều tra về thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng ở Biển Baltic vẫn tiếp tục, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Âu Châu của Phần Lan Anders Adlercreutz cho biết thật khó để tin rằng hành động phá hoại đường ống dẫn khí dưới biển là do vô tình – hoặc nó xảy ra mà Bắc Kinh không hề hay biết.

“Tôi không phải là thuyền trưởng. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhận thấy rằng bạn đang kéo một chiếc mỏ neo phía sau mình hàng trăm km,” Adlercreutz nói trong một cuộc phỏng vấn tại Brussels. “Tôi nghĩ mọi thứ đều cho thấy đó là sự việc cố ý. Nhưng tất nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai thừa nhận điều đó.”

Phần Lan và Estonia đang điều tra vụ vỡ đường ống dẫn khí đốt Balticconnector dài 77 km nối hai thành viên NATO bên dưới Biển Baltic. Đường ống bị hư hỏng vào khoảng ngày 7 hay 8 Tháng Mười, cùng với 2 tuyến cáp viễn thông nối Estonia với Phần Lan và Thụy Điển.

Một cuộc điều tra của chính quyền Phần Lan đã xác định là nghi phạm chính là tàu container Newnew Polar Bear của Trung Quốc, được cho là đã kéo neo qua đáy biển Baltic, cắt đứt dây cáp và đường dẫn khí đốt. Chiếc mỏ neo nặng 6.000 kg đã được kéo lên cách vị trí hư hỏng vài mét.

Phần Lan và Estonia kể từ đó đã liên lạc với chính quyền Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác của họ trong cuộc điều tra. Tờ Baltic Times hồi đầu tuần đưa tin rằng hai nước Âu Châu đã yêu cầu cử đại diện đến Bắc Kinh để điều tra con tàu hiện đang trên đường đến cảng Trung Quốc.

Adlercreutz cho biết ông không thể suy đoán liệu hành động này có được chính phủ Trung Quốc chấp thuận hay không. Tuy nhiên, ông nói, việc tàu sắp quay trở lại Trung Quốc đặt ra một số câu hỏi.

“Nếu tôi, với tư cách là thuyền trưởng, đã làm điều gì đó mà chính phủ Trung Quốc không chấp thuận, thì tôi sẽ lo ngại về việc đưa tàu của mình quay trở lại Trung Quốc,” ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng Thụy Điển SVT vào tháng trước, nói rằng thuyền trưởng của con tàu chắc chắn “hiểu rằng có điều gì đó không ổn” sau khi kéo mỏ neo đi hơn 180 km.

Hơn một năm sau khi đường ống dẫn khí Nord Stream nối Nga với Đức bị hư hại do nhiều vụ nổ, sự việc Balticconnector làm dấy lên nhiều lo ngại về sự an toàn của cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển và các biện pháp khả thi để bảo vệ chúng khỏi sự phá hoại từ bên ngoài. Không có thủ phạm nào được xác định cho vụ tấn công Nord Stream mặc dù đã có một cuộc điều tra quốc tế.

Adlercreutz cho biết cần phải “bảo vệ nhiều hơn” các loại cơ sở hạ tầng này, chẳng hạn như giám sát tốt hơn các tàu khả nghi. Nhưng có những hạn chế đối với những gì có thể làm được, ông nói thêm.

9. Một chỉ huy Ukraine cho biết hoạt động của bộ binh Nga đang gia tăng ở tiền tuyến phía đông nam nước này.

Tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết lực lượng Nga đã giảm số lượng các cuộc không kích nhằm vào Ukraine nhưng tăng cường hoạt động bộ binh trong khu vực.

Chuẩn Tướng Tarnavskyi cho biết: “Hoạt động của bộ binh quân xâm lược gia tăng trở lại trong khu vực hoạt động của Lực lượng phòng không Tavria – 55 cuộc đụng độ đã diễn ra.

“Trong ngày, địch mất 440 quân nhân và 9 đơn vị quân trang. Khoảng chục quân xâm lược đã đầu hàng. Hoạt động của hàng không địch ở mức thấp - có 5 cuộc không kích được ghi nhận trong ngày. Đến đêm, địch phóng hỏa tiễn phòng không vào khu vực Donetsk.

Tướng Tarnavskyi cho biết các cuộc tấn công của Nga đã bị đẩy lùi ở nhiều khu vực và ở Zaporizhzhia, Nga đã cố gắng 12 lần không thành công để khôi phục các vị trí. Ông tuyên bố rằng họ đã mất ở các khu vực phía nam Robotyny và phía tây Verbovoy.

Ông nói thêm: “Đồng thời, lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục tiến hành chiến dịch tấn công theo hướng Melitopol, gây tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho lực lượng xâm lược, đồng thời khiến đối phương kiệt sức trên toàn tuyến”.

10. Ukraine lên án vụ phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 4 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, đã lên án những vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào các tín hữu đang trên đường đến nhà thờ.

Cô cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương do pháo kích của Nga ở khu vực Kherson hôm Chúa Nhật, trong khi lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 máy bay không người lái của Nga trong đêm.

Kherson được lực lượng Ukraine giải phóng vào tháng 11 năm 2022 nhưng kể từ đó phải đối mặt với hỏa lực không ngừng của lực lượng Nga từ tả ngạn sông Dnipro liền kề.

Cô cho biết một người đàn ông 78 tuổi đã thiệt mạng vào sáng Chúa Nhật khi đang đi bộ đến nhà thờ ở làng Sadove, trong khi một phụ nữ ở thành phố Kherson thiệt mạng do bị Nga pháo kích trên đường phố.

Sadove nằm ở bờ tây sông Dnipro, nơi đánh dấu chiến tuyến trên thực tế giữa lực lượng Ukraine và Nga.

Nga đã tấn công một số địa điểm khác ở Ukraine trong đêm, sử dụng tổng cộng 12 máy bay không người lái Shahed, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày.

Họ cũng cho biết một hỏa tiễn Kh-59 dẫn đường đã không tiếp cận được mục tiêu.

Trong một cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 19 Tháng Mười Một vừa qua, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk, cho biết quân đội Ukraine đã đẩy quân xâm lược ra xa bờ phía Đông sông Dnipro từ ba đến tám km, vì vậy hỏa lực súng cối của Nga không còn là mối đe dọa đối với các khu định cư ở bờ phía Tây. Tuy nhiên, quân Nga vẫn có thể phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson.
 
Chúa Nhật đầu Mùa Vọng kinh hoàng: Bom nổ trong nhà thờ. Tổn thất trong vụ tấn công khủng bố Paris
VietCatholic Media
06:47 04/12/2023

1. Khủng bố đánh bom trong thánh lễ Công Giáo ở miền nam Phi Luật Tân khiến 4 người thiệt mạng

Cảnh sát cho biết vụ nổ tại phòng tập thể dục của Đại học bang Mindanao ở Marawi là sự trả thù của phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo

Các lực lượng Phi Luật Tân đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi một quả bom giết chết 4 người và làm nhiều người khác bị thương trong thánh lễ Công Giáo được cử hành tại một phòng tập thể dục của một trường đại học ở miền nam đất nước, trong một cuộc tấn công mà chính quyền quy trách nhiệm cho khủng bố Hồi giáo.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết: “Tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể những hành động vô nghĩa và tàn ác nhất do những kẻ khủng bố nước ngoài gây ra. Những kẻ cực đoan sử dụng bạo lực chống lại người vô tội sẽ luôn bị coi là đối phương của xã hội chúng ta”.

Sau đó, cũng trong ngày Chúa Nhật, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhóm này cho biết rằng các thành viên của nhóm đã cho nổ một quả bom trong thánh lễ.

Vụ nổ ở Marawi, một thành phố bị phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo bao vây trong 5 tháng vào năm 2017, xảy ra sau vụ sát hại 11 chiến binh trong một chiến dịch quân sự hôm thứ Sáu ở Maguindanao del Sur, cách đó 200 km.

Kêu gọi bình tĩnh, Tổng thống Marcos cho biết ông đã chỉ thị cho cảnh sát quốc gia và các lực lượng vũ trang “bảo đảm sự bảo vệ và an toàn cho dân thường cũng như an ninh của các cộng đồng bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương”.

“Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ đưa thủ phạm của hành động tàn nhẫn này ra trước công lý.”

Đức Tổng Giám Mục Julius Sullan Tonel của tổng giáo phận Zamboanga cho biết trong thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng vào chiều Chúa Nhật rằng ít nhất 4 người đã thiệt mạng vì vụ nổ, trong đó có 3 phụ nữ, và 50 người khác được đưa đến hai bệnh viện để điều trị hầu hết chỉ bị các vết thương nhẹ.

Đức Cha cho biết, vụ nổ đã gây hoảng loạn cho hàng chục tín hữu và khiến các nạn nhân đổ máu và nằm dài trên mặt đất.

Đức Cha cho biết ít nhất hai trong số những người bị thương đang chiến đấu để giành lấy mạng sống và kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho họ.

Quân đội và cảnh sát ngay lập tức phong tỏa khu vực và đang tiến hành điều tra ban đầu cũng như kiểm tra camera an ninh để tìm dấu hiệu cho thấy ai có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Các trạm kiểm soát an ninh đã được thiết lập xung quanh thành phố.

Đức Tổng Giám Mục gọi vụ tấn công là “một hành động khủng bố”

Các quan chức quân sự đã khảo sát phòng tập thể dục, có vẻ còn nguyên vẹn ngoại trừ vết cháy ở trung tâm nơi vụ nổ xảy ra, theo những hình ảnh được chính quyền Lanao del Sur chia sẻ trên tài khoản Facebook của mình. Những chiếc ghế nhựa màu trắng nằm rải rác khắp nơi.

“Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở giáo dục cũng phải bị lên án vì đây là những nơi thúc đẩy văn hóa hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Quân đội Philippines đã tiêu diệt 11 chiến binh hôm thứ Bảy, bao gồm cả các thành viên của nhóm Dawlah Islamiyah-Philippines, trong một chiến dịch thu hồi 10 khẩu súng công suất lớn và 3 thiết bị nổ.

Đại học bang Mindanao cho biết trong một tuyên bố trên Facebook rằng họ “vô cùng đau buồn và kinh hoàng trước hành động bạo lực xảy ra trong một cuộc tụ tập tôn giáo. Chúng tôi dứt khoát lên án hành động vô nghĩa và khủng khiếp này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”.

Trường đại học cho biết họ đang tạm dừng các lớp học cho đến khi có thông báo mới.

2. Tổn thất nhân mạng trong vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Paris

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Paris 'Terrorist Attack' Leaves One Dead, More Injured”, nghĩa là “Vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến một người chết, nhiều người bị thương.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cảnh sát ở Pháp đã bắt giữ một người đàn ông mà chính quyền cho biết đã giết một du khách người Đức và làm bị thương hai người khác ở Paris vào tối thứ Bảy, trong vụ việc mà Tổng thống Emmanuel Macron gọi là “một cuộc tấn công khủng bố”.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin nói với các phóng viên rằng nghi phạm là một công dân Pháp 26 tuổi, trước đó đã phải ngồi tù 4 năm vì lên kế hoạch thực hiện hành vi bạo lực.

Văn phòng công tố chống khủng bố xác nhận đã mở cuộc điều tra.

Darmanin cho biết người đàn ông đã tấn công công dân Đức bằng dao trên Quai de Grenelle, gần Tháp Eiffel, vào khoảng 9 giờ tối giờ địa phương.

Darmanin cho biết nạn nhân đang đi cùng vợ và người phụ nữ được cứu sống khi một tài xế taxi can thiệp.

Nghi phạm sau đó bỏ trốn qua một cây cầu sang bên kia sông Seine, nơi hắn dùng búa tấn công thêm hai người nữa, Darmanin nói. BBC đưa tin những nạn nhân đó, một người đàn ông Pháp và một du khách người Anh, đã được điều trị vết thương và không nguy hiểm đến tính mạng.

Darmanin cho biết kẻ tấn công đã bị khuất phục bởi cảnh sát, người đã dùng súng điện Taser bắn vào anh ta.

Người ta nghe thấy anh ta hét lên “Allahu Akbar” - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa vĩ đại nhất” - và nói với cảnh sát rằng anh ta rất buồn vì “rất nhiều người Hồi giáo đang chết ở Afghanistan và ở Palestine,” Darmanin nói. Bộ trưởng cho biết thêm, nghi phạm cũng cáo buộc Pháp là “đồng lõa với những gì Israel đang làm” ở Dải Gaza.

Bộ trưởng cho biết người đàn ông này đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2016 và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh Pháp. Hắn cũng được biết đến là người mắc chứng rối loạn tâm thần, ông nói thêm.

Tổng thống Macron gửi lời chia buồn tới gia đình người đàn ông thiệt mạng trong “vụ tấn công khủng bố” và khen ngợi cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ nghi phạm.

“Tôi gửi tất cả lời chia buồn tới gia đình và những người thân yêu của công dân Đức đã chết tối nay trong vụ tấn công khủng bố ở Paris và nghĩ đến những người hiện đang bị thương và được chăm sóc với sự xúc động”, ông Macron nói.

“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới lực lượng khẩn cấp đã giúp nhanh chóng bắt giữ nghi phạm.”

Ông Macron cho biết văn phòng công tố chống khủng bố hiện sẽ điều tra vụ việc xảy ra vào tối thứ Bảy “để công lý có thể được thực thi nhân danh người dân Pháp”.

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cho biết Pháp “sẽ không nhượng bộ trước chủ nghĩa khủng bố”.

“Sau vụ tấn công tối nay ở Paris, suy nghĩ của tôi hướng về nạn nhân, những người bị thương và người thân của họ,” Borne viết trên X.

“Tôi ca ngợi lòng dũng cảm và tính chuyên nghiệp của lực lượng thực thi pháp luật cũng như các dịch vụ khẩn cấp được huy động của chúng tôi. Chúng ta sẽ không nhượng bộ trước chủ nghĩa khủng bố. Không bao giờ.”

3. Ukraine lên án vụ phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 4 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, đã lên án những vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào các tín hữu đang trên đường đến nhà thờ.

Cô cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương do pháo kích của Nga ở khu vực Kherson hôm Chúa Nhật, trong khi lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 máy bay không người lái của Nga trong đêm.

Kherson được lực lượng Ukraine giải phóng vào tháng 11 năm 2022 nhưng kể từ đó phải đối mặt với hỏa lực không ngừng của lực lượng Nga từ tả ngạn sông Dnipro liền kề.

Cô cho biết một người đàn ông 78 tuổi đã thiệt mạng vào sáng Chúa Nhật khi đang đi bộ đến nhà thờ ở làng Sadove, trong khi một phụ nữ ở thành phố Kherson thiệt mạng do bị Nga pháo kích trên đường phố.

Sadove nằm ở bờ tây sông Dnipro, nơi đánh dấu chiến tuyến trên thực tế giữa lực lượng Ukraine và Nga.

Nga đã tấn công một số địa điểm khác ở Ukraine trong đêm, sử dụng tổng cộng 12 máy bay không người lái Shahed, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày.

Họ cũng cho biết một hỏa tiễn Kh-59 dẫn đường đã không tiếp cận được mục tiêu.

Trong một cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 19 Tháng Mười Một vừa qua, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk, cho biết quân đội Ukraine đã đẩy quân xâm lược ra xa bờ phía Đông sông Dnipro từ ba đến tám km, vì vậy hỏa lực súng cối của Nga không còn là mối đe dọa đối với các khu định cư ở bờ phía Tây. Tuy nhiên, quân Nga vẫn có thể phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson.
 
Kyiv reo mừng: Tổng kho Luhansk của Nga cháy gần một ngày. NATO cảnh báo. Diễn biến cuộc chiến Gaza
VietCatholic Media
15:37 04/12/2023


1. Ukraine tấn công vào tổng kho nhiên liệu ở Luhansk, cháy suốt một đêm

Reuters đưa tin, lực lượng Ukraine đã tấn công một kho dầu ở Luhansk do Nga kiểm soát vào tối Chúa Nhật bằng máy bay không người lái chiến đấu.

Kho dầu này được gọi là tổng kho nhiên liệu Luhansk và được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Theo Reuters, cho đến nay vẫn không rõ làm sao các máy bay không người lái của Ukraine có thể vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến này.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin rằng Leonid Pasechnik, lãnh đạo của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, cho biết điều may mắn là không có ai bị thương hay thiệt mạng; và đám cháy bùng phát vào lúc 8g tối Chúa Nhật đã được dặp tắt vào trưa Thứ Hai.

2. Tổng thư ký NATO cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu Putin thắng ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Leader Issues Dire Warning About 'Dangerous' Putin Victory, nghĩa là “Nhà lãnh đạo NATO đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về chiến thắng 'nguy hiểm' của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang giằng dai, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng chiến thắng của Putin ở Ukraine sẽ “nguy hiểm” đối với NATO và các nước phương Tây.

Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, tuyên bố tìm cách “phi Quốc Xã hóa” chính phủ quốc gia Đông Âu này và hy vọng giành được chiến thắng nhanh chóng. Gần hai năm sau, nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự đoán của Putin, Ukraine đã chặn bước tiến của Nga và cả hai bên tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát lãnh thổ phía đông Ukraine.

Trong một đoạn clip phỏng vấn với kênh phát sóng ARD của Đức được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đăng hôm Chúa Nhật lên X, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo rằng “chúng ta cũng phải chuẩn bị cho những tin xấu, chiến tranh mà. Chiến tranh diễn ra theo từng giai đoạn, nhưng chúng ta phải sát cánh cùng Ukraine trong cả thời điểm thuận lợi và khó khăn.”

Ông nói thêm: “Một điều chúng ta có thể chắc chắn là chúng ta càng ủng hộ Ukraine thì cuộc chiến này sẽ kết thúc càng nhanh. Chúng ta phải nhận ra rằng chiến thắng dành cho Putin sẽ là một thảm kịch đối với Ukraine, nhưng cũng sẽ nguy hiểm đối với chúng ta. Vì lợi ích của chính chúng ta, chúng ta phải làm mọi điều có thể để Ukraine giành chiến thắng.”

Stoltenberg nhắc lại sự ủng hộ của liên minh đối với Ukraine trong cuộc gọi với các nhà lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương vào tháng 10, trong đó có Tổng thống Joe Biden. Theo thông cáo báo chí từ NATO, các thành viên đồng minh đang chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine “một cách công bằng”, với khoảng một nửa số hỗ trợ quân sự cho Kyiv đến từ Hoa Kỳ và nửa còn lại được gửi từ các thành viên Âu Châu và Canada.

Trong cuộc phỏng vấn với ARD của Đức, Stoltenberg nói rằng mặc dù “có rất ít thay đổi” trên mặt trận chiến tranh trong những tháng gần đây, nhưng khả năng của Ukraine trong việc duy trì các tuyến đường vận chuyển của Hắc Hải thông thoáng để vận chuyển ngũ cốc là rất đáng kể trong “cuộc chiến tiêu hao” này.

Ông nói: “Người Ukraine đã có thể gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga bằng cách tấn công bằng hỏa tiễn vào sâu phía sau chiến tuyến, phá hủy máy bay và trực thăng, đồng thời đẩy Hạm đội Hắc Hải của Nga về phía đông Hắc Hải”. “Điều đó có nghĩa là giờ đây họ có thể giữ cho tuyến đường biển được thông thoáng cho các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine qua Hắc Hải. Vì vậy, đây là những chiến thắng lớn, ngay cả khi họ không thể tiến lên ở tiền tuyến”.

Stoltenberg cho biết, mặc dù việc lập kế hoạch cho chiến tranh là khó nhưng việc tăng cường đạn dược cũng tương đương như vậy. Ông cho biết sự phân mảnh trong ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu phải được giải quyết để bảo đảm đáp ứng nhu cầu.

“Tăng cường sản xuất đạn dược là rất quan trọng. Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để làm cho điều đó xảy ra. Chúng ta đang không làm việc cùng nhau chặt chẽ như lẽ ra nên làm,” ông nói. “Tôi không muốn chỉ tay vào bất kỳ ai, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta đang nói về lợi ích của Âu Châu. Chúng ta không được để nhu cầu đạn dược ngày càng tăng dẫn đến giá đạn dược cao hơn. Chúng ta cần tăng nguồn cung.”

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm với hãng tin AP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc chiến đang ở một giai đoạn mới, với mùa đông dự kiến sẽ khiến giao tranh trở nên phức tạp hơn. Mùa hè này, Tổng thống Zelenskiy cho biết một cuộc phản công đã không mang lại kết quả như mong muốn do thiếu vũ khí và lực lượng bộ binh.

Bất chấp những trở ngại, Tổng thống Zelenskiy cho biết lực lượng Ukraine sẽ không bỏ cuộc.

Ông nói với AP: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn chiến tranh mới và đó là sự thật. “Mùa đông tổng thể là một giai đoạn mới của chiến tranh.”

3. Nhận định của Ngũ Giác Đài: Quân đội Nga đang 'suy yếu trầm trọng' sau 21 tháng chiến tranh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Military 'Badly Weakened' As War Drags On: Pentagon,” nghĩa là “Ngũ Giác Đài cho biết quân đội Nga 'suy yếu trầm trọng' khi chiến tranh kéo dài”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết quân đội Nga đang “suy yếu nghiêm trọng” do cuộc chiến mệt mỏi ở Ukraine, khi quân đội Nga và Ukraine phải đối mặt với một mùa đông giao tranh thứ hai nữa.

Austin nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan hôm thứ Bảy rằng sau 21 tháng chiến tranh tổng lực, “quân đội Nga đã suy yếu nghiêm trọng”.

Cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài nhiều tháng đã khiến cả Nga và Ukraine phải trả giá đắt, nhưng các nhà phân tích và chính phủ phương Tây cho rằng cuộc xung đột đã làm suy yếu phần lớn sức mạnh quân sự của Nga.

“Nga đã mất gần một nửa hiệu quả chiến đấu của quân đội mình”, Đô đốc Tony Radakin, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Anh, cho biết vào đầu tháng 7.

Đầu tháng 5, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Trung tướng Scott Berrier, cho biết Nga sẽ mất từ 5 đến 10 năm để xây dựng lại khả năng hiện đại của các lực lượng vũ trang của mình.

Ông nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện: “Việc tái tổ chức mà quân đội Nga thực hiện vào đầu những năm 2000 có nghĩa là họ sẽ tốt hơn, nhanh hơn, nhỏ gọn hơn, nếu bạn muốn, so với thời kỳ Xô Viết”.

“Quân đội đó phần lớn đã biến mất và họ đang dựa vào nguồn dự trữ và trang thiết bị dự bị; những loại đồ nghề cũ thời Liên Xô. Họ sẽ mất một thời gian để xây dựng lại bộ công cụ tiên tiến hơn.”

Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đồng ý tại phiên điều trần tại Thượng viện: “Sẽ phải mất nhiều năm để người Nga xây dựng lại lực lượng Lục Quân của họ”.Cô nói thêm, Nga đã “suy thoái thực sự đáng kể” lực lượng Lục Quân của mình nhưng vẫn có một lực lượng chiến lược hùng mạnh.

“Mặc dù bị cô lập, Putin tin rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn người Ukraine,” Austin nói hôm thứ Bảy. “Nhưng anh ta đã sai.”

Các nhà phân tích và quan chức phương Tây từ lâu đã nói rằng lãnh đạo Điện Cẩm Linh kỳ vọng lực lượng Nga sẽ tràn qua Ukraine và chiếm thủ đô Kyiv trong vòng vài ngày.

Viện nghiên cứu Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại Luân Đôn cho biết vào tháng 11: “Nga đã lên kế hoạch xâm chiếm Ukraine trong khoảng thời gian 10 ngày và sau đó xâm lược đất nước này để có thể sáp nhập vào tháng 8 năm 2022”.

Tổn thất về vật chất của Nga là đáng kể trong đợt tấn công đầu tiên từ tháng 2 năm 2022. Nhiều lực lượng tinh nhuệ và giàu kinh nghiệm nhất của Nga, đặc biệt là những người điều khiển xe tăng, đã thiệt mạng trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tổng lực.

Và mặc dù Ukraine đã mất một số lượng đáng kể chiến binh và thiết bị, nhưng nước này cũng đã được các nước ủng hộ phương Tây nâng cấp và bổ sung kho dự trữ.

Austin cho biết: “Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng ta đã làm việc để đưa nhiều hệ thống vũ khí quan trọng – bao gồm HIMARS, Patriot, xe tăng Abrams, v.v. – vào tay những người vận hành đã qua đào tạo của Ukraine”.

Mỹ đã gửi 39 Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao tới Ukraine, tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu của Nga cho Kyiv, trong khi hệ thống phòng không Patriot của Ukraine hiện đang hoạt động để giúp bảo vệ bầu trời Ukraine.

Nhưng viện trợ của phương Tây không thể thay đổi điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn mà các chiến binh Ukraine đang phải đối mặt, đọ sức với quân đội Nga đồn trú ở phía nam và phía đông đất nước.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ cho biết hôm thứ Bảy: “Điều kiện thời tiết xấu tiếp tục làm chậm tốc độ các hoạt động chiến đấu của Ukraine và Nga trên toàn bộ chiến tuyến, nhưng chưa ngăn chặn hoàn toàn các cuộc giao tranh”.

4. Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Quốc Anh David Cameron cảnh báo rằng trừ khi 'kẻ gây chiến' Vladimir Putin bị ngăn chặn ở Ukraine, ông ta sẽ chinh phục thêm

Cựu Thủ tướng David Cameron, nay là Bộ Trưởng Ngoại Giao, cảnh báo rằng trừ khi Vladimir Putin bị chặn đứng tại Ukraine, ông ta sẽ được khích lệ để xâm lược nhiều hơn

Ông cũng tiết lộ kế hoạch bay tới Washington DC, “đồng minh thân cận và mạnh mẽ nhất” của chúng ta vào tuần tới để vận động cho Ukraine.

Một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Mỹ về việc giúp đỡ Ukraine bao nhiêu và trong bao lâu.

“Tôi biết có những lập luận cho rằng an ninh Âu Châu không phải là an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, nếu nói như thế những kẻ độc tài mà lẽ ra chúng ta không nên nhượng bộ, sẽ giành chiến thắng,” Lord Cameron nói.

Trong một bước ngoặt kịch tính, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã được Vua Charles phong tước ba tuần trước để cho phép ông đảm nhận vai trò cao cấp trong Nội các của Rishi Sunak.

Lord Cameron mô tả việc đến thăm một nhà thờ bị đánh bom ở Ukraine và một kibbutz của Israel, nơi cha mẹ bị tàn sát ngay trước mặt con cái họ.

Ông nhấn mạnh chúng ta phải hiểu thế giới đã thay đổi như thế nào: “Các thế lực đang định hình thế giới - kẻ gây chiến ở Điện Cẩm Linh, một Trung Quốc hung hãn hơn, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đầu độc tâm trí giới trẻ - những điều này sẽ không biến mất chỉ sau một đêm.”

“Không ích gì khi hy vọng một điều kỳ diệu nào đó sẽ quay thế giới trở lại như trước đây. Hy vọng không phải là một chính sách.”

Ông nói thêm: “Nếu Putin không bị chặn đứng ở Ukraine, ông ta sẽ còn làm nhiều hơn nữa.”

“Và chúng tôi biết từ lịch sử của mình rằng việc xoa dịu những kẻ độc tài cuối cùng sẽ phá hủy lợi ích của người Anh và khiến người Anh phải trả giá.”

Ông nói thêm, xung đột ở Trung Đông có thể gây bất ổn cho các đồng minh của chúng ta, gây ra các cuộc di cư hàng loạt và ảnh hưởng sâu sắc đến người Do Thái và người Hồi giáo.

Lord Cameron nói rằng chúng ta phải tăng cường phòng thủ, gần gũi với bạn bè và tiếp cận với các đồng minh mới vì chúng ta không thể tự bảo vệ mình khỏi những cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, ông nói nếu chúng ta biến khoảnh khắc “nguy hiểm và bất an” này thành điều gì đó mang lại cảm giác đoàn kết mới giữa các đồng minh thì “không có lý do gì chúng ta không thể thắng thế”.

5. Nhà độc tài Belarus Lukashenko tới Trung Quốc lần thứ hai trong năm nay

Truyền thông nhà nước Belarus đưa tin, Alexander Lukashenko đã tới Bắc Kinh vào hôm Chúa Nhật để hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi thứ hai của đồng minh thân cận của Putin tới Trung Quốc trong năm nay.

Hãng thông tấn nhà nước BelTA đưa tin, ông Lukashenko, người mà theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đã được chào đón bằng 21 phát súng chào trong chuyến thăm chính thức từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, lần này đang hướng tới “một chuyến thăm làm việc”.

“Các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo nhà nước Belarus và chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ diễn ra tại Bắc Kinh,” BelTA cho biết, trích dẫn dịch vụ báo chí của Lukashenko.

“Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề về thương mại, kinh tế, đầu tư và hợp tác quốc tế.”

Sau cuộc hội đàm đầu tiên trong năm nay, ông Tập nói rằng “tình hữu nghị Trung Quốc-Belarus là không thể phá vỡ và hai bên cần không ngừng nâng cao sự tin cậy chính trị lẫn nhau và luôn luôn là những người bạn thực sự và đối tác tốt của nhau”.

Lukashenko, tổng thống Belarus từ năm 1994, bị phương Tây xa lánh, đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2/2022 bằng cách cho phép Mạc Tư Khoa sử dụng lãnh thổ của mình để phát động chiến tranh.

Trung Quốc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và chưa bao giờ lên án nước này xâm lược Ukraine, nhưng Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã lên tiếng kêu gọi hòa bình khi xung đột ở Ukraine kéo dài.

Sau cuộc gặp ngày 1 tháng 3, cả Lukashenko và Tập đều kêu gọi đạt được thỏa thuận hòa bình “sớm nhất có thể” cho Ukraine. Nhưng cuộc chiến hiện đã bước sang tháng thứ 22 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp để đàm phán.

6. Ukraine thành lập lữ đoàn xe tăng mới

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine Has Formed A New Tank Brigade”, nghĩa là “Ukraine vừa thành lập lữ đoàn xe tăng mới”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai mươi hai tháng sau cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga ở Ukraine, quân đội Ukraine cuối cùng cũng thành lập được một lữ đoàn xe tăng mới.

Về mặt kỹ thuật, Lữ đoàn xe tăng số 5 đã thành lập vào năm 2016. Nhưng trong 6 năm, nó hầu như tồn tại trên giấy tờ. Khi Nga mở rộng cuộc chiến với Ukraine vào tháng 2 năm 2022, quân đội Ukraine cuối cùng đã bắt đầu bổ sung người và trang thiết bị cho các tiểu đoàn của lữ đoàn.

Nó không xảy ra nhanh chóng. Khi giao tranh leo thang và tổn thất của Ukraine ngày càng chồng chất, bộ tham mưu ở Kyiv đã ưu tiên tuyển dụng và trang bị mới cho các lữ đoàn hiện có.

Về mặt chính thức, Lữ đoàn xe tăng số 5 đã trải qua năm 2022 đồn trú ở Kryvyi Rih ở miền nam Ukraine. Trên thực tế, lữ đoàn vẫn hầu như không tồn tại.

Điều đó cuối cùng đã thay đổi. Chúng ta đã được xem những bức ảnh chính thức đầu tiên về các chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 5 đang huấn luyện. Chúng tôi biết những bức ảnh này là gần đây vì trong đó có tuyết trên mặt đất.

Các bức ảnh cho thấy các binh sĩ của Lữ đoàn xe tăng số 5 được trang bị tốt đồng phục mùa đông và ngụy trang, đồng thời mang theo súng trường tấn công kiểu AK thay vì M-16 do Mỹ trang bị cho một số lữ đoàn mới hơn như Lữ đoàn cơ giới 47.

Năm ngoái, có tin đồn rằng Lữ đoàn xe tăng số 5 sẽ nhận được xe tăng T-72M1 cũ của Ba Lan và xe thiết giáp chở quân YPR-765 cũ của Hà Lan. Không rõ đó vẫn là kế hoạch vào năm 2023 hay không.

Trong khi quân đội Ukraine có hàng trăm chiếc T-72 đã được khôi phục và tặng cho các đơn vị mới, bao gồm cả Lữ đoàn xe tăng số 5, quân đội Ukraine cũng đã nhận được 31 xe tăng M-1A1 từ Hoa Kỳ —và đang trong quá trình nhận gần 200 chiếc Leopard. Xe tăng 1A5 của tập đoàn Đức-Hà Lan-Đan Mạch.

Những chiếc M-1 và Leopard 1 cùng nhau có thể trang bị cho sáu hoặc bảy tiểu đoàn. Một lữ đoàn cơ giới Ukraine thường có một tiểu đoàn xe tăng với khoảng 30 xe tăng; một lữ đoàn xe tăng Ukraine có thể có ba tiểu đoàn xe tăng.

Lữ đoàn duy nhất mà chúng tôi biết chắc chắn đang vận hành Leopard 1A5 là Lữ đoàn cơ giới số 44 của quân Ukraine; chúng tôi không biết lữ đoàn nào có M-1. Mặc dù có thể Lữ đoàn xe tăng số 5 đang thực hiện tốt kế hoạch vận hành T-72 năm ngoái, nhưng cũng có khả năng Lữ đoàn xe tăng tân lập này sẽ nhận được Leopard 1 hoặc M-1.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các bộ chỉ huy phía nam và phía đông Ukraine - hai bộ chỉ huy khu vực thực hiện hầu hết các cuộc chiến và chắc chắn có trách nhiệm giám sát việc triển khai tiền tuyến của Lữ đoàn xe tăng số 5 - nên hoan nghênh đơn vị mới khi cuộc chiến rộng lớn hơn tiến tới năm thứ ba.

Quân đội Ukraine chỉ có 4 lữ đoàn xe tăng trước khi Lữ Đoàn Xe tăng số 5 cuối cùng được huy động. Trong khi hầu hết trong số hàng trăm lữ đoàn chiến đấu trên bộ của lực lượng vũ trang Ukraine có ít nhất một vài xe tăng - thông thường là một đại đội hoặc tiểu đoàn, tương ứng với một tá hoặc 30 xe tăng - thì chỉ có các lữ đoàn xe tăng mới tập trung rất nhiều xe tăng dưới một hệ thống chỉ huy duy nhất.

Sự tập trung hỏa lực cơ động, được bảo vệ khiến các lữ đoàn xe tăng trở thành một trong những lữ đoàn hiệu quả nhất để cận chiến với quân Nga.

Khi quân đội dã chiến của Nga tiến về Kyiv trong những tuần đầu của cuộc chiến rộng lớn hơn, Lữ đoàn xe tăng số 1 của Ukraine đã đi vòng quanh các xe tăng của Nga – có thể nói như vậy – ở Chernihiv, cách thủ đô 60 dặm về phía bắc. Ở đó, nó đã chiến đấu chống lại một lực lượng lớn hơn nhiều của Nga. Xe tăng T-64BV của lữ đoàn tỏ ra đặc biệt nguy hiểm trong các trận cận chiến với xe tăng Nga.

Nhưng học thuyết về xe tăng của Ukraine đã phát triển khi cuộc chiến rộng hơn đã chậm lại thành một cuộc xung đột chủ yếu về vị trí, trong đó cả hai bên đang nỗ lực đạt được những bước đột phá lớn trên các tuyến phòng thủ được rải mìn dày đặc với máy bay không người lái mang theo chất nổ.

Ngày càng có nhiều xe tăng chiến đấu ở tầm xa — dàn dựng cách tiền tuyến một hoặc hai dặm và bắn súng chính ở góc cao, giống như pháo tự hành. Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia lưu ý trong một nghiên cứu năm 2022: “Giá trị của kỹ thuật này là nó cho phép xe tăng tập trung hỏa lực trên một khu vực rộng trong khi chúng có thể cơ động mà không cần sự bảo vệ cần thiết của pháo binh”.

Khi điều đó xảy ra, các xe tăng Leopard 1 lớn được tài trợ cho Ukraine phù hợp với vai trò bắn gián tiếp này nhờ khả năng điều khiển hỏa lực chính xác và nhanh chóng cũng như pháo chính 105 ly hiệu quả. Hơn nữa, những chiếc Leopard 1 được bảo vệ rất mỏng, chỉ có một nửa lớp giáp mà những chiếc T-72 có. Những chiếc Leopard 1 nên chiến đấu ở cự ly xa vì chúng thiếu sự bảo vệ khi chiến đấu ở cự ly gần.

Tất cả những gì muốn nói là, đừng mong đợi Lữ đoàn xe tăng số 5 sẽ phát động một cuộc tấn công bọc thép kịch tính—hàng loạt xe tăng tấn công trực tiếp vào phòng tuyến của Nga—không bao giờ điều ấy có thể xảy ra. Nhiều khả năng lữ đoàn sẽ sử dụng xe tăng của mình—T-72, Leopard 1, M-1 hoặc các loại khác—cho các cuộc tấn công gián tiếp.

7. Israel tuyên bố đã tấn công 200 mục tiêu khủng bố ở Dải Gaza

Quân đội Israel đã đưa ra một bản cập nhật tình hình, trong đó tuyên bố rằng “lực lượng Lục Quân đang tiếp tục hoạt động ở Dải Gaza song song với các cuộc tấn công của không quân Israel vào khoảng 200 mục tiêu khủng bố của Hamas”.

Phát ngôn nhân của Lực lượng phòng vệ Israel Tướng Daniel Hagari nói với các phóng viên ở Tel Aviv:

IDF đã tấn công cơ sở hạ tầng khủng bố nằm bên trong một trường học ở Beit Hanoun, mà từ đó Hamas tấn công vào quân đội Israel. Trong khu nhà có hai hầm đường hầm, trong đó có một hầm có bẫy mìn, chất nổ và vũ khí bổ sung.

Ngoài ra, một máy bay của IDF đã tấn công các phương tiện chứa hỏa tiễn, đạn súng cối và vũ khí, ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm vào binh sĩ IDF. Một máy bay IDF bổ sung đã tấn công cơ sở hạ tầng quân sự được thiết kế để phục kích quân đội bằng hỏa tiễn chống tăng.

IDF đã chỉ đạo một máy bay tấn công một nhóm khủng bố. Sau đó, một cơ sở lưu trữ vũ khí mà những kẻ khủng bố đã thoát ra cũng bị tấn công.

Trong đêm, Hải quân Israel đã tấn công một số mục tiêu khủng bố của Hamas, hỗ trợ tăng viện cho lực lượng mặt đất. Các mục tiêu khủng bố của Hamas bao gồm các trạm quan sát thuộc lực lượng hải quân Hamas và cơ sở hạ tầng khủng bố tại cảng Gaza. Lực lượng này cũng tấn công bằng các loại đạn dược chính xác.

Bộ y tế do Hamas điều hành ở Gaza đã đưa ra số liệu thương vong cho biết ít nhất 15.523 người Palestine, trong đó có 6.600 trẻ em, đã thiệt mạng do hành động quân sự của Israel kể từ ngày 7 tháng 10, cùng với 41.316 người khác bị thương. Người ta nói rằng ít nhất 6.800 người đang mất tích.

Israel đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Hamas bên trong Dải Gaza đông dân cư sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7 tháng 10 bên trong Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và ít nhất 5.600 người bị thương.

Các nhà báo không thể xác minh độc lập số lượng thương vong được đưa ra trong cuộc xung đột.

8. Phần Lan nói hành động gây 'hoang mang' của Nga ở biên giới nhằm mục đích gieo rắc bất hòa

Bộ trưởng Bộ các vấn đề Âu Châu Phần Lan Anders Adlercreutz cho biết, những nỗ lực của Nga nhằm tràn ngập người di cư sang biên giới Phần Lan là “những hành động có chủ ý, gieo rắc hoài nghi, và mang tính kết hợp” nhằm mục đích gieo rắc sự lo lắng và bất mãn.

Adlercreutz nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm: “Đó thực sự không phải là cố gắng đưa nhiều người qua biên giới. “Đó là bằng chứng giúp chúng tôi biết rằng họ coi loại hành động kết hợp này như một công cụ mà họ có thể sử dụng bất cứ khi nào họ cảm thấy phù hợp hoặc cần thiết.”

Hôm thứ Ba, Phần Lan đã đóng cửa hoàn toàn biên giới với Nga trong hai tuần trong bối cảnh ngày càng có nhiều cáo buộc rằng Mạc Tư Khoa đang khuyến khích những người xin tị nạn đi qua biên giới của nước này để Phần Lan, là một quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Adlercreutz cho biết kể từ đó, “tình hình đã dịu xuống”, hầu như không có giao thông nào ở biên giới, là điều mà ông gọi là một dấu hiệu khác cho thấy các hành động này là có chủ ý.

Trong khi Adlercreutz cho biết bản thân số lượng người di cư không đủ lớn để áp đảo nguồn lực của Phần Lan - khoảng 1.000 người trong hai tuần qua - ông cho biết có “dấu hiệu rõ ràng cho thấy nó có hệ thống, có tổ chức”, bao gồm cả những người di cư đến theo nhóm, với những trang bị tương tự và chia sẻ những câu chuyện y chang nhau về chuyến vượt biển của họ.

Và khi Phần Lan dần bắt đầu đóng cửa các điểm qua biên giới - trước khi tuyên bố đóng cửa hoàn toàn - Adlercreutz cho biết họ nhận thấy những người di cư nhanh chóng di chuyển về phía biên giới mở, theo ông, điều này “cho thấy rằng… ai đó có thông tin về các quyết định, và các hành động của chúng tôi; và họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó lại.”

Tờ Iltalehti của Phần Lan tuần trước đưa tin rằng các đại sứ quán Nga đã bắt đầu cấp thị thực cho những người từ vùng Sừng Phi Châu vào Nga và sau đó tiếp tục hành trình đến biên giới Phần Lan với sự trợ giúp của cơ quan an ninh Điện Cẩm Linh. Mạc Tư Khoa đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này.

Mặc dù Adlercreutz không xác nhận báo cáo này nhưng ông cho biết một số quốc gia xuất xứ phổ biến nhất bao gồm Somalia, Yemen, Iraq, Syria và Afghanistan.

Căng thẳng giữa Nga và Phần Lan leo thang kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khiến Phần Lan phải gia nhập liên minh quân sự NATO.

Tình hình ở biên giới Phần Lan-Nga gợi lại cuộc khủng hoảng tương tự hai năm trước, khi Ba Lan cáo buộc chính phủ Belarus đưa người từ Trung Đông qua biên giới với Lithuania, Latvia và Ba Lan như một cách gây áp lực lên Liên Hiệp Âu Châu.

9. Sáu con tin Thái Lan bị Hamas bắt cóc đã về tới Bangkok

Theo AFP, các quan chức cho biết sáu con tin Thái Lan bị Hamas bắt cóc và giam giữ nhiều tuần ở Dải Gaza đã về tới Thủ đô Bangkok vào hôm thứ Hai.

Theo chính quyền Israel, hàng chục nghìn người Thái đang làm việc ở Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, khi các chiến binh Palestine tràn qua biên giới vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt cóc khoảng 240 người.

Ít nhất 32 người Thái đã bị Hamas bắt cóc, Bộ Ngoại giao Bangkok và các nhóm Hồi giáo Thái Lan đang nỗ lực đàm phán để thả họ.

Hôm thứ Hai, vào khoảng 2 giờ chiều giờ địa phương, sáu người đã hạ cánh xuống phi trường Suvarnabhumi của thủ đô sau nhiều tuần bị giam cầm.

Kể từ khi được thả, nhóm này đã hồi phục sức khỏe tại một bệnh viện ở Israel khi chính quyền chuẩn bị đưa họ về nhà.

Diễn biến này xảy ra sau sự trở về của 17 công dân Thái Lan vào cuối tháng 11, trong thời gian đình chiến tạm thời, trong đó nhiều người đã được thả trước khi lệnh ngừng bắn hết hạn vào ngày 1 tháng 12.

Theo Bộ Ngoại giao Bangkok, 9 người Thái khác vẫn nằm trong số các con tin bị phiến quân Palestine bắt giữ trong cuộc đột kích xuyên biên giới vào Israel hồi tháng 10.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, 39 người Thái đã thiệt mạng và 19 người bị thương trong chiến tranh, trong đó vương quốc này đã di tản hơn 8.500 người dân.
 
Hình ảnh ngoạn mục: Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu. Tình trạng của ĐTC. Tuyên bố của Thượng Phụ Kirill
VietCatholic Media
16:47 04/12/2023


1. Vài nét về Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu

Chợ Giáng Sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng Sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng Sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng Sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng Sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các chợ Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng Sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng Sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.

Ngày nay các chợ Giáng Sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng Sinh, ví dụ chợ Giáng Sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng Sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng Sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng Sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng Sinh lớn nhất nước Pháp.

Mô hình chợ Giáng Sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.

Các gian hàng trong chợ Giáng Sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng Sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng Sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng Sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng Sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.

2. Thượng Phụ Kirill lên án kế hoạch cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động tại Ukraine

Thượng Phụ Kirill cho rằng ý định cấm các tổ chức tôn giáo có liên hệ với Nga của chính quyền Ukraine là nhắm vào bộ phận dân chúng Ukraine dễ bị tổn thương nhất. Ông đưa ra lập trường trên tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân dân Nga hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Hai.

“Giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng hành động chống lại người dân của họ, và những người không có khả năng tự vệ và không có khả năng phản đối, các tín hữu và giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống lớn nhất và duy nhất ở Ukraine,” ông nói.

Ông đang bình luận về một dự luật đang được Quốc Hội Ukraine thảo luận mở đường cho lệnh cấm hoàn toàn đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC.

Chính Thống Giáo Nga cho rằng dự luật không chỉ vi phạm các quy tắc của luật pháp mà còn cho thấy “sự mất đi những tàn dư cuối cùng của lẽ phải”, vì UOC luôn ủng hộ người dân và nhà nước Ukraine bằng mọi cách có thể, luôn kêu gọi hòa bình và cầu nguyện vì hòa bình.

Trong những điều ông ấy phát biểu có những điều giả dối. UOC ngày nay không phải là Giáo Hội Chính thống lớn nhất, và cũng không duy nhất ở Ukraine.

Sau cuộc xâm lược của Nga. UOC đã tuyên bố ngừng phụ thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, trong các cuộc khám xét các tu viện và nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống này, các cơ quan an ninh đã tìm thấy súng, lựu đạn, và các tài liệu ủng hộ “thế giới Nga”.

Hội đồng Nhân dân Nga đang kỷ niệm 30 năm thành lập với mục đích thảo luận về vị trí của Nga trên thế giới.

Nó được lãnh đạo bởi Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa, người đã phải đối mặt với sự lên án từ Giáo hội Chính thống toàn cầu vì ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine.

Putin đã trực tiếp đề cập đến Thượng Phụ Kirill trong bài phát biểu của mình và ca ngợi công việc của ông “mang lại sự hồi sinh về mặt tinh thần cho nước Nga”, trong đó bao gồm việc thúc đẩy “các giá trị gia đình”, trong đó phụ nữ sẽ được khuyến khích sinh thêm con để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước.

3. Ngày cầu nguyện và trợ giúp vật chất cho Giáo hội tại miền đông Ba Lan

Chúa nhật mùng 03 tháng Mười Hai vừa qua, tại Ba Lan là Ngày cầu nguyện và trợ giúp vật chất cho Giáo hội tại miền đông và cũng như năm ngoái, năm nay được đặc biệt dành để giúp đỡ Ukraine.

Linh mục Krzysztof Wilk, cha sở của ba xứ đạo ở Ukraine cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay tại nước này là tình trạng khó khăn trong việc chuyên chở các phẩm vật cứu trợ.

Cha Wilk cho biết sau khi Nga tấn công vào Ukraine, cha đã tổ chức nhiều chuyến xe, để chuyên chở các đồ cứu trợ từ thành phố Radom, bên BaLan tới thủ đô Kyiv của Ukraine. Mỗi tháng cha đến Radom một, hai ngày để lấy các đồ cứu trợ và chở về Ukraine, giúp đỡ những người túng thiếu nhất.

Các đồ cứu trợ cha Wilk quyên góp từ Ba Lan, không những để giúp dân tại vùng cha làm việc mục vụ, cách thủ đô Kyiv 120 cây số về hướng đông nam, nhưng cũng được chuyển tới thành phố Kherson và Kharkiv, nơi đã xảy ra những trận chiến lớn và đã được quân đội Ukraine giải phóng, nhưng hàng ngày vẫn phải gánh chịu các cuộc pháo kích của quân Nga. Cuối tháng Mười Hai năm ngoái, cha Wilk có dự án tổ chức một đoàn chuyên chở lớn các đồ trợ giúp từ Ba Lan, trong đó có cả những vật liệu kiến thiết vì nhiều nhà cửa dân chúng bị phá hủy vì bom đạn của Nga.

Trong những ngày gần đây, một số tài xế xe tải người Ba Lan đã mở các cuộc biểu tình chặn đường khiến việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News