Ngày 30-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Phanxicô Xaviê: Nghiệt ngả phận người, nhưng vinh quang cho tôi tớ Chúa
Phanxicô Xaviê
22:49 30/11/2008
Thánh Phanxicô Xaviê: Nghiệt ngả phận người, nhưng vinh quang cho tôi tớ Chúa

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, có đoạn (1 Cr 9, 16-19.22-23) thánh Phao-lô muốn chia sẻ ý thức trách nhiệm và thái độ cần phải có của một người ra đi rao giảng Lời Chúa. Ngài rao giảng không phải để tự hào, nhưng đó là sự cần thiết mà lương tâm bắt buộc ngài phải làm. Ngài rao giảng với thái độ của một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tự nguyện chấp nhận trở thành nô lệ của mọi người vì phần rỗi của họ, và theo lời Thầy Giêsu mời gọi: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo." (Mc 16, 15).

Như vậy Lời Chúa đã chỉ rõ, việc rao giảng Tin Mừng không hề có biên giới, cũng không phân biệt màu da hay chủng tộc, tầng lớp giai cấp hay chính kiến xã hội...Tất cả mọi người đều có quyền được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Và trao ban, theo Tin Mừng không phải là một việc tùy tiện. Muốn trao ban hay không tùy ý. Nhưng đó là ơn gọi bẩm sinh của con người. Không thể trao ban những thứ thừa thãi, hay những thứ không còn sử dụng được nữa. Mà là trao ban chính mình. Việc trao ban chỉ ý nghĩa và có giá trị khi được trao ban với ý thức và liên đới với tha nhân. Một hành động trao ban nhưng không, như Thầy Giêsu đã trao ban chính mạng sống mình, không vì tư lợi cá nhân hay vì mục đích nào khác, ngoài tình yêu thương. Mà sau này Người cũng truyền lại cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 15, 12)

Nhận ra ý nghĩa cuộc đời mình, từ lời thách thức của Tin Mừng:"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?", đã khiến một vị giáo sư trẻ tuổi nhiều tham vọng, từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn, chỉ để đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của tha nhân.

Vị giào sư trẻ tuổi đó chính là thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo. Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba.tại đại học Paris.Giữa lúc danh vọng đang đến gần, Phanxicô Xaviê đã nhận được lời thách thức trên đây từ một người bạn thân Ignaxiô.

Không thể cưỡng lại với Lời Chúa, Phanxicô đã đến Montmartre để cùng với Ignaxiô sống đời khó nghèo, khiết tịnh và phục vụ tông đồ theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha.

Đến năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô Xaviê lãnh chức Linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisbon của Bồ Đào Nha để lên dường đi truyền giáo tại Ấn Độ.

Trong 10 năm ngắn ngủi (1542-1552), Phanxicô Xaviê đã rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai, Indonésia và Ấn Độ. Chưa đạt được giấc mơ đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức vì bệnh tật tại một hải đảo xa xôi, cách Hồng Kông 100 cây số.

Thánh Phanxicô Xaviê là hiện thân của Tin Mừng phổ quát, không biên giới. Ngài nhận ra giá trị đích thực của Tin Mừng, và bổn phận của người tôi tớ Chúa. Từ giã vinh hoa phú quí, thánh nhân rong ruổi trên những nẻo dường Châu Á xa lạ. Cuộc đời của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ, bất hạnh thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia. Ngài phục vụ họ suốt hành trình không biết mệt mỏi, nhưng luôn tràn ngập niềm vui, mà chỉ những người phục vụ trong yêu thương mới có được.

Như sự nghiệt ngã của rừng thiêng nước độc ở vùng đất xa xôi hẻo lánh, đã lấy đi mạng sống của ngài trong trơ trụi nghèo nàn.Thì sự nghiệt ngã mà ngày nay vẫn còn kéo dài và đang hằn sâu trên gương mặt khắc khổ của những con người, vì sự thật: bị cầm tù, bị nhục mạ, và chịu nhiều bất công, đói nghèo trên mảnh đất Châu Á nhỏ bé này Nghiệt ngã phận người, nhưng vinh quang cho tôi tớ Chúa.

Mừng kính thánh Phanxicô Xaviê, với tâm tình cảm tạ Chúa và tri ân, vì nhờ ngài chúng ta được biết Chúa để tôn thờ và mến yêu, được biết chân lý Sự Thật. Chúng ta xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh nhân, cho mỗi người Việt Nam hôm nay luôn ý thức trách nhiệm người thợ gặt của Chúa, trên cánh đồng truyền giáo mênh mông tại quê hương mình. Đặc biệt, xin Chúa ban ơn can đảm và bền đỗ đến cùng, cho những người đang bị bách hại vì sự công chính, xin cho họ biết đón nhận mọi thử thách, như dấu chỉ của lòng tín thác và niềm hy vọng cậy trông vào ngày Chúa quang lâm.
 
Lễ thánh Phanxicô Xaviê
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:52 30/11/2008
LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ: CUỘC ĐỜI VÀ TIẾNG GỌI

Khi được hỏi về việc chọn một lời Thánh Kinh làm châm ngôn cho đời giám mục của mình, Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trả lời: Tôi chọn lời Thánh Kinh làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình là: “Hãy theo Thầy”.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu…Theo Thầy không chỉ là theo bằng trí mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Pl 2,5). (tinvui.org).

Đọc Phúc Âm ta nghe âm vang lời mời gọi. “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ, những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.

Ngày 3.12, Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời đại mới. Đọc lại tiểu sử để thấy cuộc đời ngài được dệt bằng những tiếng gọi “Hãy Theo Thầy”.

1. Cuộc đời

Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4.1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Quốc truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quãng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3.12.1552, được ĐTC Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x.Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).

2. Tiếng gọi.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống đã chiêm nghiệm cuộc đời thánh nhân qua 3 tiếng gọi: Lời Chúa, bạn bè và nhu cầu truyền giáo. (x. Làm nụ hoa trắng, tr 135).

a. Tiếng gọi từ Lời Chúa.

Đức Giêsu hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.

Sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng Phanxicô Xaviê luôn nuôi trong mình những ước vọng bay cao, ngài tìm thăng tiến qua nẻo đường học hành.

Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” và dù không quen cân đo đong đếm kinh tế, ngài cũng đặt tất cả lên cán cân giá trị; lời lãi trần thế mà đời sống linh hồn trống rỗng không có gì thì là lỗ vốn, đạt được ước vọng trong cuộc sống này mà đời sau lại mất hết thì là bể bụi cuộc đời trắng tay sự nghiệp. Vì thế mà thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Phanxicô Xaviê không muốn dừng lại hưởng thụ cuộc sống đầy đủ muốn gì được nấy, nhưng luôn được kích thích bởi ước vọng vươn lên; không muốn một cuộc đời chật hẹp gò bó dù luôn có kẻ hầu người hạ mà lại thích vất vả khai phá lên đường; không muốn ngày ngày làm quen với vũ khí chiến đấu phòng thủ hoặc tấn công chỉ vì lãnh địa đồi núi hoang sơ, nhưng lại ham thích vũ khí tinh thần là sách vở kiến thức không gây bực bội tinh thần và cũng chẳng hôi tanh mùi máu.

Lời Chúa ở đây quả là lựa chọn đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống.

b. Tiếng gọi đến từ môi trường bè bạn.

Lời Chúa gọi khi Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Paris tráng lệ. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatiô ở Loyola đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatiô, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatiô (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Bạn bè có một ảnh hưởng không nhỏ đến chọn lựa của Phanxicô Xaviê. Đó là tiếng gọi thứ hai.

Ở Paris sống đời sinh viên trau dồi trí thức, Phanxicô Xaviê đã gặp gỡ Ignaxiô trong tình thân bạn bè. Sự thân thiết này đã giúp ngài cởi mở cõi lòng, tâm sự chia sẻ cuộc sống tinh thần. Nhận biết Phanxicô là con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh, Inhaxiô một hôm nói với Phanxicô rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì qúa uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”.

Câu nói của Ignatiô tác dụng như một liều thuốc mạnh có sức công phá không gì có thể cầm lại được. “ Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với khát vọng khôn cùng”, Phanxicô Xaviê đã coi đây như châm ngôn để ngài dấn thân phục vụ Giáo Hội trong Giáo Hội và theo đường lối của Giáo Hội. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự ngthiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignaxiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “ cho vinh danh Chúa hơn”.

Nhắc lại vài đoạn trong bút tích Thánh Phanxicô Xaviê cũng đủ thấy tình anh em bạn bè luôn nâng đỡ ngài trên hành trình truyền giáo. Tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỉ trong tâm trí tôi (Bt 48,1);( bút tích Thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 48 số 1); Ở Ấn Độ, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em trong Dòng, và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi đựoc biết anh em và sống với anh em. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình, và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại (Bt 20,14)…Để đừng bao giờ quên anh em trong Dòng, và lúc nào cũng nhớ đặc biệt đến anh em, tôi đã cất tên của anh em trong các thư từ chính tay anh em viết cho tôi, tôi có thể luôn luôn mang trên mình, cùng với lời khấn của tôi. Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi…Tôi cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình (Bt 55,10). Gặp anh em thì tâm hồn tôi đựơc an ủi hơn nhiều. Vậy mà tôi cứ phải viết thư cho anh em, lại không chắc thư đến, vì từ Ấn Độ đến Roma xa quá…Tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa bớt yêu mến và nghĩ đến nhau (Bt 48,1). Đặc biệt đối với Cha Ignatiô, Phanxicô đã xúc động thổ lộ tâm tư. Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho tôi được biết Cha Ignatiô. Bao lâu còn sống, không bao giờ tôi trả được món nợ đối với ngài (Bt,16)…Trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi của ngài, tôi đọc được những lời thế này: “hoàn toàn thuộc về nhau. Không bao giờ quên được nhau”. Tôi đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi kể lại, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ đến ngài đã và vẫn luôn luôn rất thương tôi, và nhờ những lời khẩn nguyện thánh thiện của ngài, Thiên Chúa đã cho tôi thoát đựoc bao gian nan, bao nguy hiểm (Bt 97,1)…Đó là một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách đựoc (Bt 1,7).

c. Tiếng gọi đến từ nhu cầu truyền giáo.

Ban đầu nhận công tác đi tìm Vinh Danh Chúa qua việc phục vụ các bệnh nhân, nhưng chừng như chưa đủ, Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Tiếng gọi thứ ba đến từ nhu cầu truyền giáo.

Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản. Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.

Tới Goa ngày 6.5.1542, Phanxicô rong ruổi khắp nơi, nhiệt tình rao giảng cho người ta biết con người Nagiaret nghèo nàn kia chính là Thiên Chúa ở giữa loài người. Trong 7 năm (1542-1549), Ngài là nhà truyền giáo rửa tội đựơc nhiều nhất, tới 100.000 người, “có những buổi chiều nhức mỏi cả cánh tay” như thánh nhân viết. Từ Malaca, Ngài đến Nhật, xứ sở mặt trời. Ngài muốn gặp gỡ tìm hiểu trao đổi để Lời Chúa sáng ngời qua đối thoại. Ngài dự định đến tận kinh đô Nhật, vào các Đại học, gặp gỡ các nhà Sư để trao đổi. Phanxicô hoạt động nhiều nhất tại Kagoshima, Hirado, Bungo trên đảo Kyushu, lên Yamaguchi, từ đó đi hai tháng lên khinh đô Myako (tức Kyoto). Sau hai năm ở Nhật, Phanxicô trở về Goa, trao công việc truyền giáo lại cho cha Torres và tu huynh Fernandez.

Ngày 14.4.1552 nhà truyền giáo lên tàu, tháng 8 năm đó ngài tới đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ Trung Hoa. Ba tháng sau Phanxicô bị sốt nặng, lòng vẫn ngong ngóng đựơc nhà cầm quyền Quãng Đông cho phép vào đất liền. Thật bất ngờ, ngài qua đời vào 2-3 giờ sáng ngày 3.12.1552, mới 46 tuổi đời. Nói theo “thói thế gian”, đó là vỡ mộng, mọi việc còn dang dỡ…Nhưng đối với Thiên Chúa thì Phanxicô đã làm trọn ý Người và mọi sự đã hoàn thành, dù chưa đựơc phép bước vào nước Đại Minh thời đó với dân số dưới 200 triệu người.

Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.

Hành trình không mệt mỏi, Phanxicô Xaviê rong ruổi những nẻo đường Á Châu, một miền xa lạ và xôi xa. Nhưng mặc kệ. Sợ gì! Đối với thánh nhân:Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người (Bt 78,2). Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẳn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.

Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ, từ Goa đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa.

3. Biết tận dụng Ơn Chúa ban

Nhìn cuộc đời thánh Phanxicô Xaviê trong ba tiếng gọi: Lời Chúa, bè bạn và nhu cầu truyền giáo cũng là một cách học tập đời sống của ngài để họa lại trong đời sống của mình.

Đời mỗi tín hữu cũng đong đầy những tiếng gọi như thế.

Xin cho những tiếng gọi của Lời Chúa được ta lắng nghe chân thành và thực thi trung thành, bởi đó là ánh sáng soi lối ta đi. Xin cho những tiếng gọi từ những người xung quanh không bị ta quên lãng, bởi tưởng như tầm thường, nhưng đó lại là tiếng gọi nhiều khi rất quý hiếm cho vững bước đi lên. Và xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội luôn là tiếng gọi ta phải quan tâm để ý, bởi đó là sự sống và là sự sống còn của Giáo Hội.

Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi “ Hãy theo Thầy” để "ra đi và rao giảng cho muôn dân" (Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của cuộc đời chúng ta là Ơn Chúa.Thánh Phanxicô đã đón nhận hồng ân ấy, rồi làm trổ sinh hoa trái trong suốt năm tháng truyền giáo. Lời khuyên và cũng là lẽ sống của ngài cho chúng ta: Không ai là người yếu đuối, nếu biết tận dụng Ơn Chúa ban cho mình (Bt 90,8.9).

Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc "Chúa đến viếng thăm", là tiếng gọi trong hành trình cuộc đời.
 
Thánh Phanxicô Xaviê: Vị Tông Đồ Miền Đông Á
Lê Đình Thông
22:57 30/11/2008
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ: VỊ TÔNG ĐỒ MIỀN ĐÔNG Á

Thánh Phanxicô Xavier sinh tại lâu đài Javier ngày 7-4-1506, đến 7-4-2006 là tròn 500 năm. Giáo dân nước ta gọi ngài là Thánh Phanxicô Xavier, phiên âm từ tiếng Tây Ban Nha Francisco nhưng lại ghép tên viết theo tiếng Pháp là Xavier. Lẽ ra nên viết là Phanxicô Javier, vì tên gốc là Francisco de Javier. Viết Phanxicô Javier không những trung thực, mà còn giúp phát âm đúng. Chúng ta viết tên ngài là Xavier, rồi đọc theo tiếng Việt là Xavier, trong khi người Pháp tuy viết là Xavier nhưng vẫn đọc là Javier như tiếng Tây Ban Nha. Trong bài này, chúng tôi viết tên bằng tiếng mẹ đẻ của ngài là Javier. Giáo Hội Việt Nam hằng tôn kính vị Tông đồ miền Đông Á, vì ngài là nhà truyền giáo đầu tiên rao giảng Tin Mừng tại Á Châu. Trong hành trình Âu Á từ Ấn Độ sang Trung Quốc và Nhật Bản, ngài đã dừng chân trên đất nước ta để tránh bão. Ngài có công đem Tin Mừng cho ‘‘cả trăm ngàn, sáu trăm ngàn và nhiều triệu người Á Châu’’. Ngài đặt chân đến Ấn Độ có nền triết học và tôn giáo cổ kính, đến Indonexia (trước đây gọi là Nam Dương) là nước Hồi giáo đông dân nhất địa cầu, Nhật Bản với truyền thống Phật giáo kết hợp với Khổng giáo và Thần đạo.

Sử sách nói nhiều đến con đường tơ lụa Âu Á từ Antioche (Syrie) đến Tây An (Thiểm Tây) của Trung Quốc. Thánh Phanxicô Xavier là người đầu tiên thiết lập hành trình Phúc thật từ Âu sang Á. Trước khi lược trình về hành trình Phúc thật, thiết tưởng cũng nên nhắc lại vài dấu mốc trong cuộc đời thánh nhân.

Lâu đài Javier nơi chôn rau cắt rốn của Phanxicô nằm ở phía tây dãy núi Pyrénées, nơi có hang đá Lộ Đức. Thân phụ ngài Jean de Jassu có bằng tiến sĩ luật. Thân mẫu Marie de Azpilcueta là hậu duệ của triều đại Aragon. Ông bà có ba trai, hai gái. Là con út trong gia đình, Javier học tiếng la tinh từ thuở nhỏ. Năm 19 tuổi, Javier đến Paris học ở Sorbonne, nơi đào tạo các nhà thần học cho Giáo Hội, các luật gia và giáo sư cho xã hội. Dn số Paris năm 1525 có khoảng ba trăm ngàn người, Sorbonne có bốn ngàn sinh viên. Năm thứ nhất, Javier học ở học viện Sainte-Barbe về văn chương cổ điển, ba năm rưỡi tiếp theo là học trình Cao học Văn chương. Cuộc sống của Javier thay đổi khi gặp Inhigo de Loyota là bạn đồng học ở Sorbonne. Giám đốc Học viện Jacques de Gouveia quyết định cho Inhigo (tiếng Pháp: Ignace, phiên âm sang tiếng Việt là Inhaxiô hoặc Y Nhã) ở cùng phòng với Javier và Favre. Trong năm thứ ba, tình bạn nẩy nở giữa Inhaxiô và Javier. Sau này Polanco là một trong các tu sĩ Dòng Tên đầu tên kể lại: Tôi nghe nói Inhaxiô có thể trộn bột rời rạc chưa được nhào nặn để trở nên mẫu người tận hiến. Từ khi gặp Inhaxiô, Javier trở thành mẫu người mới.

Ngày 15-8-1534 (1-11-1950: ĐTC Piô XI trong hiến chế Munificentissimus Deus định ngày 15-8 hàng năm là lễ Đức Mẹ Lên Trời), trên ngọn đồi Tử đạo của Giáo Hội Pháp, sáu anh em dâng lời khấn nghèo khó, khiết trinh, sống cộng đoàn khai nguyên Dòng Tên. Pierre Favre là linh mục dâng thánh lễ. Ngày 15-8-1534 mở đầu lịch sử Dòng Tên. Tên tiếng Pháp của nhà dòng là Société du Nom de Jésus. Vì tôn kính Thánh danh Chúa Giêsu, Giáo Hội Việt Nam quen gọi là Dòng Tên. Sau ngày khấn dòng, Javier gặp một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, làm phép rửa cho người này. Sự việc này mở đầu sứ mạng truyền giáo của Javier. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, sáu anh em dòng Tên trên đồi Montmartre quyết tâm đem ánh sáng chân lý cho nguời ngoại trên Đất Thánh, thời đó là đất của Hồi giáo. Quyết định sang Jérusalem chưa thực hiện ngay được. Nhà Dòng quyết định vâng theo ý Đức Thánh Cha, sẵn sàng đi phục vụ bất cứ nơi nào trên thế giới. Inhaxiô ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng trong tập Linh thao (Exercices): ‘‘Đi gặp những người sinh sống trên mặt đất khác biệt nhau, khác từ phong tục đến mầu da. Có người sống an bình, kẻ khác gặp phải loạn lạc.’’

Năm 1537, các tu sĩ Dòng Tên đến Roma, được ĐTC Phaolô III ban phép lành. Sau đó, họ đến Venise và tất cả đều được thụ phong linh mục, ngoại trừ Pierre Favre đã là linh mục. Năm 1539, vua Jean III nước Bồ Đào Nha xin Dòng Tên cử người sang Đông Ấn truyền đạo. Cha Simon Rodrigues (người Bồ Đào Nha) và cha Nicolas Bobadilla (người Tây Ban Nha) được chọn nhưng Bobadilla bị sốt. Inhaxiô xin cha Javier lúc đó là bí thư dòng đi thay. Trước khi lên đường, Javier để lại ba phong thư niêm kín: một chấp thuận Hiến pháp Dòng Tên (còn đang dự thảo), một phiếu bầu cha Inhaxiô làm bề trên cả và và một tuyên khấn trọn đời.

Ngày 7-4-1541, Phanxicô Javier đáp tầu Santiago sang Á Châu truyền giáo. Ngài chỉ mang theo vài bộ đồ cho đỡ lạnh khi đi ngang qua mũi Hảo Vọng (cap de Bonne-Espérance), kinh nhật tụng, cuốn giáo lý, cuốn giáo phụ học, ba cuốn sách nhỏ tiếng la tinh. Ngài viết: Tôi bị say sóng khổ sở suốt hai tháng dọc theo bờ biển Guinée, tuy trời yên bể lặng, đứng gió.

Đúng một năm một tháng sau ngày dời Lisbonne (Bồ Đào Nha), tầu Santiago cặp bến Goa (Ấn Độ).Thánh nhân thuật lại: Ở Goa, tôi ở trong bệnh viện sống chung với người nghèo. Tôi giải tội cho các bệnh nhân, ban Mình Thánh Chúa cho họ. Thân này ví xẻ làm ‘‘10’’ được. Sau khi lo cho bệnh nhân, buổi sáng giải tội cho nguời khỏe mạnh. Sau đó đến lượt các tù nhân. Tôi dạy cho các em biết cầu nguyện, dạy kinh Tin Kính và 10 điều răn tại nhà nguyện Đức Bà.’’ Đứng đầu Goa là một phó vương thay nhà vua trị vì lãnh thổ Bồ Đào Nha ở hải ngoại. Vào thời đó, Goa được coi như ‘’Roma châu Á’’. Đối với người Ấn, Javier đến từ một hành tinh khác. Sau khi đến Ấn được 5 tháng, ngài xuống miền nam Dekkan. ‘‘Chúng tôi đến làng mạc công giáo. Ở đây không có người Bồ Đào Nha vì đất đai cằn cỗi. Không có ai dạy giáo lý cho dân làng. Trên danh nghĩa, họ là người công giáo mà chưa thực sự sống đạo. Không có linh mục cử hành Thánh Lễ, cũng không có ai dạy dân làng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng hoặc các điều răn.’’ Công việc mục vụ của thánh nhân ‘‘khi đi ngang ngôi làng là lo tập trung dân chúng vào một chỗ trong ít ngày, dạy cho họ kinh bổn, rửa tội cho người ngoại.’’

Phanxicô kể rằng: Mỗi chủ nhật, tôi tập trung dân làng vào một chỗ, cả nam phụ lão ấu, để đọc kinh bằng tiếng tamoul. Họ sung sướng ra mặt. Sau khi tuyên xưng đức tin, họ đọc kinh Tin Kính bằng thổ ngữ. Tôi xướng kinh, tất cả đồng thanh đáp lại. Sau kinh Tin Kính là kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Cộng đoàn đồng thanh nhắc lạy câu xướng kinh của tôi. Tôi đọc bằng tiếng tamoul: Lạy Chúa Giêsu Kitô, con Đức Chúa Cha, xin ban cho chúng con ơn đức tin’’. Theo Phanxicô, trong làng mạc công giáo không có sự phân biệt thành phần xã hội. Cuộc sống của họ giống như trong tu viện, mọi chuyện đều rõ ràng phân minh. Trong cuốn giáo lý tóm lược viết năm 1542 khi vừa đến Ấn Độ, Phanxicô viết: Lạy Chúa tôi, ngài làm cho tôi nên giống ngài, không phải là các thần linh ngoại đạo mang đầu thú hoặc quỷ thần.’’

Tuy đã rửa tội, người Ấn vẫn tụng niệm bùa chú bằng tiếng Phạn. Ngài thay thế bằng các câu Kinh Thánh soạn bằng tiếng tamoul. Một hôm, ngài gặp một sản phụ đau đớn sinh con trong một túp lều nhỏ. Ngài đọc kinh Tin Kính thay thần chú. Nhờ vậy mà mẹ tròn con vuông. Sau đó cả gia đình xin rửa tội. Cha Coellho kể lại một giai thoại về Javier. Ngài có thói quen ra sân vắng giữa đêm khuya để cầu nguyện và hành xác. Một hôm Javier la lớn lên nhiều lần: ‘‘Lạy Thánh Mẫu Maria, bộ Mẹ không giúp con sao ?’’. Ngài la to đến nỗi người giúp việc Malabar giật mình thức dậy. Một lúc sau là tiếng roi hành xác. Sau đó, cha Phanxicô thiếp đi suốt hai ngày trời.

Thánh nhân là người Tây phương đầu tiên học tiếng Phạn. Ngài viết: ‘‘Trong đất nước này, giữa những người hiền lương còn những người được gọi là brahman (Bà La Môn). Họ chăm sóc đền thờ bụt thần. Họ là những người tai ác. Chính họ là hiện thân Thánh Vịnh: Lạy Chúa Trời, xin xử cho con, biện hộ cho con chống lại phường bất nghĩa, xin cứu con giải thoát khỏi người xảo trá gian tà. (Thánh vịnh 43 (42), 1). Tôi lột trần sự lừa đảo của họ, dân nghèo phải tùng phục họ chỉ vì sợ hãi.’’

Phanxicô đã rửa tội khoảng 100 000 tại Ấn Độ và Tích Lan, bắt đầu bằng lễ rửa tội một hoàng tử đạo Phật, cháu vua Kottê Bhuvaneka Bâhu. Trước đó, nhà vua ra lệnh hành quyết con trai vì theo đạo Công giáo. Thánh 3-1545, gió mùa ẩm ướt khiến tầu bè đi phía tây rất nguy hiểm, thánh nhân phải sang hướng đông, đến Meilapur là nơi an táng thánh Tôma Tông đồ, người có phúc đặt tay vào vết thương của Chúa Kitô Phục sinh. Thực ra, vào thế kỷ thứ 3, xương thánh Tôma đã được chuyển về Edesse miền Tiểu Á. Nơi mộ phần Thánh Tôma, Phanxicô nghe tiếng Chúa. Ngài thuật lại: ‘‘Khi hành hương nơi mộ phần Thánh Tôma đợi ngày đi Malacca, tôi gặp một thương nhân có tầu buôn và hàng hóa. Tôi nói với thương nhân này về Chúa. Chúa đã khiến cho người lái buôn bỏ thuyền bỏ lái, đồng hành sang đảo Macassar sống suốt đời trong khó nghèo để phụng sự Thiên Chúa. Trước kia người thanh niên 35 tuổi đời là một người lính, ngày nay trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô.’’

Từ tháng 9 đến cuối năm 1545, Javier đáp tầu đi Malacca giữa phong ba bão tố. Malacca nằm trong quần đảo Indonexia (Nam Dương). Khi Javier đặt chân đến Malacca, nơi này được tự do hành đạo. Đền Hồi giáo và Thánh đường Công giáo xây cạnh nhau, cùng với chùa chiền Phật giáo và đền thờ Do Thái giáo. Chỉ có một linh mục tuyên úy lo cho giáo dân đủ mọi sắc dân. Cũng như trước đây ở Goa, Phanxicô chung sống với người nghèo ở Malacca. Phanxicô làm việc ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Đêm về, ngài cùng các thiếu nhi công giáo đi qua các đường phố Malacca rung chuông, lớn tiếng cầu nguyện cho các linh hồn ở chốn luyện hình. Ngài học tiếng Mã Lai để lo việc truyền giáo.

Trong hai năm 1546-1547, Phanxicô sang đảo Moluques nổi tiếng là trù phú, đa số dân chúng theo đạo Hồi. Thánh nhân kể lại: ‘‘Phần lớn trên các đảo này núi lửa phun ầm ĩ ra các tảng đá cực lớn. Vì không có linh mục thuyết giảng, Chúa cho phép cửa hỏa ngục mở ra vì tội lỗi nhân loại. Một trong các đảo này động đất liên miên. Ngày Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, trong lúc đang cử hành Thánh lễ, động đất mạnh đến nỗi tôi sợ bàn thờ bị xiêu vẹo. Có lẽ Thánh Micae dùng quyền lực trừng phạt quỷ sứ, đuổi chúng xuống địa ngục.’’ Ngài ghi thêm: Hải đảo này nên được mang tên là đảo Hy vọng vào Chúa hơn là đảo Maure.

Tại Maluco, Phanxicô quen thân vua Hồi giáo Hairun. Nhà vua mong mỏi Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sau cùng có thể gặp nhau. ‘‘Nhà vua tỏ ra ưu ái tôi khiến những kỳ lão buông lời trách móc. Nhà vua muốn tôi kết thân và nhà vua sẽ chịu phép rửa tội. Hairun muốn rằng tôi là bạn thân, vì người Công giáo và Hồi giáo đều là con một cha và một ngày kia cả hai sẽ hiệp nhất.’’

Phanxicô không ở một nơi lâu. Trước khi đi, ngài hình thành Giáo Hội địa phương. Javier không chỉ là nhà truyền giáo Dòng Tên. Ngài còn là Sứ thần Tòa Thánh. Ngài thu thập các thông tin về địa dư, dân tộc học hoặc tôn giáo. Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-1545, ngài gặp một thương nhân Bồ Đào Nha từng đi Trung Quốc. Ngài cho rằng có thể đến Trung Quốc bằng đường biển từ Malacca khi đó ở trong tay người Bồ Đào Nha. Trung Quốc chính là nước Cathay trong sử liệu của Marco Polo. Javier tin rằng Thánh Toma Tông đồ từng đến Trung Quốc giảng đạo. Tại Malacca, Phanxico gặp một người Nhật tên là Anjiro. Tại Nhật Bản, Anjiro đã nghe tiếng Javier là sứ giả nhà trời. Anjiro lặn lội sang Malacca tìm gặp Javier. Khi sang đến Malacca năm 1546, Javier đã đi nơi khác. Anjiro trở lên mạn bắc, về hướng Trung Quốc và Nhật Bản. Một người Bồ Đào Nha cho anh biết Phanxicô đã trở về Malacca. Hai người gặp nhau vào tháng 12-1547.

Anjiro thuộc giáo phái Phật giáo Chân Ngôn (Shingon). Anh thông thạo tiếng Bồ nhưng không am tường các danh từ thần học. Javier nghĩ ngay đến việc cùng Anjiro dịch thuật. ‘‘Tôi hỏi Anjiro nếu tôi đến Nhật, người Nhật liệu có rửa tội không. Anh trả lời người Nhật không trở lại đạo tức khắc. Anh cho biết dân Nhật sẽ đặt nhiều câu hỏi và tùy theo cách trả lời của tôi và nhất là họ xem lời nói của tôi có đi đôi với việc làm không. Nếu cả hai điều kiện vừa kể tốt đẹp, nửa năm sau có thể vua dân nước Nhật sẽ theo đạo.’’

Javier viết về dự định đi Nhật như sau: Về phần con, lạy Chúa, con vẫn chưa quyết định có đi hay không, nhưng dần dà hình thành câu trả lời xin vâng. Tháng 5-1548, Phanxicô rửa tội cho Anjirô và hai người Nhật khác. Sau cùng, Javier quyết định sang Nhật, ‘‘quần đảo Nhật Bản được chúc phúc. Người dân có óc cầu tiến, ham học hỏi Lời Chúa.’’ Javier cũng như những người Bồ Đào Nha vào thời đó nghĩ rằng người Tầu và ngưòi Nhật có nhiều ưu điểm hơn người Mã Lai và Ấn Độ. Nền văn minh Trung Nhật là văn minh văn tự ‘ ‘tri thức’’. Còn tại Nam Á, theo thánh nhân, ngoài một số trí thức thông thạo chữ Phạn và chữ Á rập, còn lại dân chúng không biết đọc biết viết. Ngày 14-1-1549, Phanxicô gửi thư cho Inhaxiô báo tin sẽ lên đưòng sang Nhật truyền giáo. Ngày 23-6-1549, Javier đi thuyền buồm Trung Quốc qua Malacca. Ngài viết: ‘‘Tất cả các giáo hữu và bạn bè thân thiết tỏ ra lo sợ về chuyến viễn du đầy nguy hiểm này. Về phần tôi, tôi chỉ sợ cho họ thiếu đức tin, vì Chúa lèo lái và có quyền uy trên phong ba bão tố trên biển Trung Hoa và Nhật Bản. Từ trước tới nay tôi chưa từng chứng kiến trận bão nào ghê hồn đến như vậy.’’ Javier đi cùng hai giáo sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha, ba người Nhật trong số có Anjirô. Con thuyền cập bến Kagoshima, lãnh địa Satsuma ở cực nam đảo Kyushu vào đúng ngày lễ Đức Mẹ 15-8-1549 (cũng là ngày kỷ niệm thành lập Dòng Tên). Cảnh trí thật nên thơ: ruộng lúa trên đồng bằng, cây đào cây cam trên sườn núi Sakujima. Phanxicô nhận xét: ‘‘Người Nhật trọng danh dự hơn là tiền của, tỏ ra rất lễ độ. Phần lớn người Nhật biết đọc biết viết. Đó là cách tốt nhất để học kinh bổn.’’ Trong tự điển Nhật Bản về Lịch sử và Truyền thống, tên thánh nhân viết tiếng Nhật là Huranutusuko Zabieru.

Người Nhật yêu thiên nhiên. ‘‘Nhiều người chuộng mặt trời, mặt trăng.’’ Ngài kể lại: ‘‘Tôi có dịp đàm đạo với vài vị cao tăng uyên bác, trong số có hòa thượng Ninjitsu, theo tiếng Nhật có nghĩa là ‘‘Chân Tâm’’ (Coeur de Vérité). Qua nhiều lần đàm đạo, vị cao tăng tỏ ra nghi ngờ, không biết linh hồn bất tử hoặc chết đi cùng với thân xác’’ Các lần đàm đạo đều có Anjiro thông dịch. Phanxicô có ý định đến kinh đô thuyết giảng cho Nhật Hoàng và quần thần cũng như sau này sẽ đến Bắc Kinh giảng đạo cho triều đình Trung Quốc. Ngài kể lại: ‘‘Tôi muốn đề nghị Nhật Hoàng gửi sứ giả sang Ấn Độ (Nhật gọi là Tenjiku) để ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe, nhờ vậy Nhật Hoàng có thể thương thuyết với Toàn Quyền Ấn Độ để lập một thương điếm.’’

Mùa đông 1549-1550, Phanxicô và hai giáo sĩ Dòng Tên học tiếng Nhật dưới sự hướng dẫn của Anjirô. Phanxicô và Louis Almeida học rất nhanh. Hòa thượng Nanriji mời Phanxicô vào dạy kinh Công giáo dịch sang tiếng Nhật tại Thiền Viện nơi Hòa thượng Nanriji trụ trì, có tới 100 thiền sư. Có hai thiền sư xin rửa tội một cách kín đáo. Phanxicô định sẽ du nhập giáo huấn Công giáo vào Thiền tông, nhưng gặp sự phản đối của Almeida.

Các cuộc đàm đạo thường bắt đầu bằng việc tụng kinh Công giáo bằng tiếng Nhật. Lãnh chúa Niiro Isênô Kaminodo sống trong lâu đài Ichiku xin rửa tội, chọn tên thánh là Micae. Lâu đài của ông trở thành cộng đoàn công giáo. Tại Yamaguchi, các tu sĩ daimyô cho Phanxicô sử dụng tu viện. Khi Javier dời Kagoshima để đi Hirado, Aijirô điều khiển một cộng đoàn nhỏ. Về sau, Anjiro bị các nhà sư chống đối, phải trốn khỏi Kagoshima, bị rơi vào tay cướp biển.

Trong bảng tổng kết năm 1552, Phanxicô nhấn mạnh các giáo hữu Nhật phần lớn thuộc tầng lớp quý tộc. Phanxicô đến kinh đô Kyoto với danh nghĩa sứ thần Tòa Thánh. Việc giao thiệp với các nhà sư Nhật trở nên khó khăn. ‘’Khi đi ngoai đường, đám đông chạy theo chúng tôi nói rằng: Đây là những người nói chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa để được cứu rỗi. Chỉ có Thiên Chúa là đấng cứu độ chúng ta. Người khác nói rằng: Đây là những người rao giảng không thể lấy hai vợ. Người khác lại nói: Đây là những người cấm tội dâm dục.’’

Phanxicô thuật lại các lần đàm đạo với người Nhật: ‘’Họ nói rằng Thiên Chúa không thương sót vì thẳng tay trừng phạt. Họ nói rằng nếu Chúa tạo dựng muôn loài, tại sao lại cho phép quỷ dữ cám dỗ chúng ta. Bởi vì Chúa dựng nên loài người để phụng sự người và nếu Chúa tốt lành, tại sao ngài lại tạo ra con người với nhiều yếu đuối, tội lỗi. Họ nói rằng Chúa tạo ra hỏa ngục và không thương sót những người bị sa vào lửa đời đời.’’ Đáp lại ý kiến này, 400 năm sau, ĐTC Gioan-Phaolô II nói rằng: ‘‘Tính phổ quát của ơn cứu chuộc không có nghĩa là chỉ chấp nhận cho những người tin vào Chúa vào nhà thờ.’’

Cuối năm 1551, một tầu buôn Bồ Đào Nha cặp bến Kyushu không mang theo thư từ cho Javier. Sống ở Nhật vào thế kỷ 16 giống như bị lưu đầy biệt xứ. Thánh nhân quyết định dời Nhật Bản, giao cho hai giáo sĩ Cosme de Torres và Jean Fernandez chăn dắt đoàn chiên. Trong lá thư gửi Inhaxiô, Phanxicô viết về Trung Quốc như sau: ‘‘Trung Quốc đất rộng, an bình và có pháp luật. Chỉ có một Hoàng đế trị vì. Họ là người da trắng, không để râu, mắt hí, tỏ ra đại lượng và rất hiền hòa. Giữa người Hoa với nhau không có chiến tranh. Năm nay 1552, tôi hy vọng sẽ lên đường sang Trung Quốc để hoàn thành sứ mạng đối với Thiên Chúa. Cái gì có thể thực hiện ở Trung Quốc cũng có thể làm ở Nhật Bản. Hơn nữa, khi người Nhật biết người Tầu chấp nhận luật Thiên Chúa, họ sẽ từ bỏ niềm tin vào các giáo phái. Tôi hy vọng nhờ Dòng Tên, người Hoa cũng như người Nhật sẽ không thờ cúng bụt thần và thờ lạy Chúa Kitô là đấng cứu chuộc loài người.’’

Khi con tầu ghé ngang Malacca, Phanxicô nhận được thư đề ngày 10-10-1549 của Inhaxiô bổ nhiệm ngài làm bề trên tỉnh dòng tại Ấn Độ. Từ nay Phanxicô phụ trách khắp Á châu, trước đây thuộc quyền của Tỉnh Dòng Bồ Đào Nha. Phanxicô lên đường sang Trung Quốc mà không được đọc những hàng chữ này của Inhaxiô: ‘‘Tôi tin chắc sự khôn ngoan hướng dẫn cha, tuy nhiên theo các thông tin hiện nay, tôi thiết nghĩ nếu ở lại Ấn Độ cha phục vụ hữu hiệu hơn. Cha nên gửi những anh em khác sang Trung Quốc.’’ Từ tháng 5 đến tháng 11-1552, Phanxicô dời Goa, Cochin đi Malacca. Trước khi đến Trung Quốc, Phanxicô học tiếng Hoa: ‘‘Hán văn được dạy trong các đại học ở Nhật. Các thiền sư biết Hán văn được coi là uyên bác. Mỗi chữ Hán đều mang một ý nghĩa. Người Nhật đọc tiếng Hoa theo phát âm riêng. Chúng tôi biên soạn một cuốn sách bằng tiếng Nhật về tạo thiên lập địa và các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô. Chúng tôi cũng sẽ soạn một cuốn sách tương tự bằng tiếng Hoa.’’

Phanxicô thuật lại hành trình sang Tầu: ‘‘Tôi đi từ Goa sang Malacca mất 5 ngày. Tôi đi cùng với Jacques Pereira trực chỉ Bắc Kinh. Chúng tôi mang theo tặng vật biếu Hoàng đế Trung Quốc.’’ Javier quan niệm chuyến đi Trung Quốc giống như phần mở đầu Phúc âm thứ tư nói về Ngôi Lời đến giữa thế giới tối tăm tội lỗi: ‘‘Đi sang nước ngoài rao giảng chân lý, bên vị hoàng đế đầy uy lực là một việc táo bạo.’’ Trong thời gian này, ĐTC Gioan III tái bổ nhiệm Phanxicô làm sứ thần Tòa Thánh.

Tầu chở Phanxicô gặp bão lớn, phải ném bớt hàng hóa xuống biển. Trên chặng đưòng từ Xingapo (Tân Gia Ba) đi ngang hải phận nước ta, thuyền trưởng không còn định hướng được nữa. Chính Javier từng đi ngang vùng biển này hai lần đã chỉ một hải đảo nhỏ cách Hồng Kông không xa. Sở dĩ Phanxicô chọn đảo Trường Xuyên (Shangchuan) vì đây là nơi trao đổi tơ lụa và đồ gốm Trung Quốc lấy hồ tiêu và gia vị Bồ Đào Nha. Phanxicô kể lại rằng ‘‘một người quê Quảng Đông hứa sẽ nhận hai trăm đồng cruzados cho Phanxicô trốn trong nhà trong ba ngày, sau đó đưa ra cửa thành với sách vở và hành lý gặp quan tổng trấn xin yết kiến Hoàng đế Trung Quốc để trình thư của Đức Giám Mục với sứ mạng rao giảng Luật Chúa.’’ Dự định này bất thành. Sang tháng 11, gió bấc lạnh thổi vào hải đảo. Không còn người Bồ trên đảo. Chỉ còn hai cái lều của Phanxicô và Jacques Vaz là một thương nhân. Vaz nhận thấy Phanxicô suy yếu nên chuyển lên một thương thuyền. Con tầu Santa Croce tròng trành khiến Phanxicô kiệt sức. Người ta lại vực ngài xuống đảo, ở tạm trong căn lều của Vaz cho đỡ lạnh. Người ta lấy máu ngài vào ống hút theo y học thời ấy. Trước giờ lâm chung, Javier đọc kinh tiếng la tinh và tụng ca bằng tiếng mẹ đẻ (Basques). Ngài qua đời đêm 2 rạng ngày 3-12-1552. Hôm sau, người ta an táng ngài trên bờ biển Trường Xuyên.

5 tháng sau, khi mở quan tài, Phanxicô như đang nằm ngủ. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và làm nhiều phép lạ. Linh cữu được chuyển về Goa vào mùa chay năm 1554. Quan tài một lần nữa được mở ra với hình hài còn nguyên như đang ngủ. Ba năm sau Inhaxiô mới biết tin Phanxicô đã qua đời. ĐTC Phaolô V phong chân phước ngày 25-10-1619. ĐTC Grégoire XV phong hiển thánh ngày 12-3-1622.

Có thể tóm tắt cuộc đời thánh Phanxicô Javier vào 5 niên biểu: 1506: năm sinh. 1534: dâng lời khấn Montmartre (29 tuổi). 1540: lên đường sang Á Châu truyền giáo (34 tuổi). 1549: truyền bá đức tin ở Nhật Bản (43 tuổi) 1552: từ trần trên lãnh thổ Trung Quốc (46 tuổi).

Cũng có thể tóm lược đời Javier trong 5 chữ J (hoặc chữ I, (Iôta trong tự mẫu Hy Lạp): Javier (nơi sinh), Jésus (Dòng Tên), India (Ấn Độ), Indonexia (Nam Dương), Japan (Nhật Bản). Chữ I chính là IHS: Thánh Danh Chúa Giêsu: Jesus Hominum Salvator (hoặc Jesus Hierosolymae Salvator): Chúa Giêsu Đấng Cứu chuộc Nhân loại. Còn một chữ J liên hệ đến gia đình Javier. Cháu ruột Javier là linh mục Dòng Tên Jérôme Javier noi gương chú sang Ấn Độ truyền giáo.

Kết thúc bài viết này, xin ghi lại hai giai thoại về Thánh Phanxicô Javier và di ngôn của ngài.

1) Cha Laynez là giáo sư nhà tập kể lại khi các giáo sĩ thực tập trong các bệnh viện ở Ý, Phanxico Javier thức giấc trong đêm nói rằng: ‘‘Lạy Chúa Giêsu, con mệt mỏi, Chúa có biết con nằm mơ thấy gì không ? Con cõng trên lưng một người Ấn Độ, người này nặng quá con không sao cõng nổi’’.

2) Một đêm khác, Phanxicô đánh thức cha Rodrigues nói: ’’Mas ! Mas ! Hơn nữa ! Hơn nữa !’’. Trước khi từ biệt Lisbonne, ngài giải thích ý nghĩa của giấc mộng này: ‘‘Tôi thấy mình cơ cực, gặp nhiều nguy hiểm trên đường phụng sự Thiên Chúa. Nhờ hồng phúc ngài nâng đỡ tôi, thúc đẩy tôi khiến tôi không thể không xin ngài thêm nữa. Tôi hy vọng sẽ đến giờ chứng minh điều xin ‘‘Hơn nữa’’ (Mas, Mas) sẽ thực hiện được.’’

Di ngôn: Trong lá thư viết từ Goa tháng 3-1549 gửi một giáo sĩ cùng Dòng, Phanxicô viết: ‘‘Trước hết, hãy chú tâm đến bản thân và quan tâm về sự liên hệ với Thiên Chúa, nhờ vậy bạn trở nên có ích cho những người thân quen. Đừng quên tự xét lương tâm ít nhất một ngày một lần nếu bạn không thể làm hai lần một ngày. Hãy quan tâm về lương tâm của chính bạn hơn là lương tâm người khác, bởi vì ai không nên thánh, làm sao có thể mang lại cho người khác sự tốt lành? Trong quan hệ với người khác, hãy bàn bạc và tạo tình thân.’’

Phải chăng di ngôn của Thánh Phanxicô Javier nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ truyền giáo, thánh hóa bản thân ?

LƯỢC SỬ THÁNH PHANXICÔ XAVIER

Năm thế kỷ phương Đông sống đạo,
Dạ sắt son tiết tháo trung kiên.
Phúc Âm hun đúc người hiền,
Hành trình Phúc Thật khắp miền Á Âu.

Năm Lẻ sáu (06) đêm thâu sinh hạ,
Một hài nhi sắt đá tâm can.
Sorbonne học tập mấy năm.
Văn chương phú lục con tằm nhả tơ.

Ngài tận hiến không mơ chức vị,
Sống đơn sơ bố thí âm thầm.
Sang Goa truyền bá Phúc Âm,
Số người rửa tội hàng năm khá nhiều.

Sống thánh thiện nhiều điều mẫu mực,
Thương yêu người hiện thực câu kinh.
Cộng đoàn vững chắc thành hình,
Ngài đi chỗ khác một mình xả thân.

Ra hải đảo ầm ầm núi lửa,
Ngài ra tay mở cửa ơn thiêng.
Cải tà quy chánh một miền,
Danh Cha cả sáng triều thiên nước Trời.

Sang Nhật Bản bằng lời khúc triết,
Ngài luận bàn hơn thiệt cao tăng.
Ngồi thiền đối thoại dưới trăng,
Ngài dùng tiếng Nhật nghiêm trang giảng bài.

Biển Trung Quốc thiên tai bão tố,
Ngài lo toan cứu độ đông phương.
Tâm tình mùa Vọng yêu thương,
Tham gia truyền giáo, noi gương Thánh hiền.

Paris, mùa Vọng 2008
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh nói: Nhu cầu cơ bản của con người bị đánh mất trong cuộc chiến chống nghèo đói
Nguyễn Quốc Tâm
06:17 30/11/2008
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp trong quá trình phát triển

Rome, ngày 28 tháng 11, năm 2008 (Zenit.org).- Người đại diện Tòa Thánh phát biểu: “Trong cuộc chiến chống lại nghèo đói, nhu cầu cơ bản của con người không luôn luôn được xếp hàng đầu, và kết quả mà nó mang lại thật là tệ hại.”

Ngài Renato Volante, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh trong tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở tại Roma, đã khẳng định điều này tại phiên họp đặc biệt thứ 35 của tổ chức được tổ chức vào tuần trước.

Vị linh mục khẳng định rằng bài diễn văn của phái đoàn ông “không nhằm đưa ra những giải pháp mang tính chuyên môn, cho bằng đề nghị một sự định hướng lý tưởng mà có thể tạo ra những lựa chọn cụ thể, tập trung vào nhu cầu cơ bản của mỗi người, đặc biệt khi họ bị giới hạn bởi các điều kiện sống làm cho họ phải thỏa hiệp với sự sống đáng trân quý của họ.”

Ngài nói tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc ngày càng được mời gọi nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của các chính phủ khi họ đang ngày càng thiếu thốn lương thực.

Ngài nói những nhu cầu này “được quyết định bởi tình hình kinh tế không được thuận lợi mang tính phổ biến hơn, bởi những điều kiện tự nhiên, và còn bởi những can thiệp của con người vốn thường theo đuổi những quyền lợi đầy thiên vị hoặc thậm chí đưa ra những dấu hiệu dửng dưng đối với cuộc chiến chống lại sự đói kém.”

Tuy nhiên, Ngài Volante tiếp tục nói tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đang phải đối mặt với nhiều điều khác nữa ngoại trừ vấn đề này.

Ngài nói rằng rõ ràng đang có những tình hình ‘mới’ đang chi phối lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, như được nhấn mạnh bởi cuộc khủng hoảng lương thực gần đây, sự đánh giá về vai trò trung tâm của nông nghiệp dường như nhằm làm nổi bật tầm quan trọng đặc biệt trong thực tế rộng lớn hơn của hoạt động kinh tế và sự đóng góp quan trọng của nó đối với sự phát triển bền vững và thực tế.”

Nhằm làm cho tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc ngày càng hiệu quả hơn, Ngài cho rằng: “Thật cần thiết để nhận ra rằng cuộc chiến chống lại nghèo đói bị điều kiện hóa bởi vô số nhân tố và bởi những động cơ thúc đẩy nó. Nhưng thông thường, nhiều chiến lược đã được chấp thuận và thông qua. Những chiến lược này theo đuổi những mục tiêu cụ thể hơn là cái nhìn chính thể luận vốn đặt nhu cầu cơ bản của con người lên hàng đầu. Thái độ như thế đem lại những tác động tiêu cực ở khu vực nông thôn, là nơi mà cảnh nghèo nàn, sự kém phát triển, suy dinh dưỡng và sự xuống cấp về môi trường xem ra hiển nhiên hơn.

“Vì vậy, Tòa Thánh tin chắc rằng cấu trúc của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc và những hoạt động của nó phải nhấn mạnh tầm quan trọng cốt thiết của nông nghiệp trong các tiến trình phát triển, không chỉ là việc thúc đẩy sự quản lý nhưng là những tiêu chí quản lý và sự can thiệp biết nhìn xa trông rộng để thật sự đáp ứng cho nhu cầu cơ bản.”

Nhìn về tương lai

Ngài Volante đề nghị rằng tương lai của “thế giới nông thôn” sẽ bao gồm hai khía cạnh: “Trước hết, đó là sự gìn giữ những hệ sinh thái nông nghiệp khác nhau vốn bị điều kiện hóa bởi sự thay đổi khí hậu mà đã và đang gây nên các vụ lụt lội và sự sa mạc hóa tại những khu vực chưa hề kinh qua những hiện tượng như thế trước đây.”

“Thứ hai, đó là vai trò ngày càng lớn mạnh của những kỹ thuật chế biến mới và sự hỗ trợ mà người dân nhận được trong quá trình sản xuất và trong việc buôn bán và sử dụng thực phẩm.”

Vị đại diện Tòa Thánh cho rằng người ta hiểu rõ những tình hình này và biết đến những biện pháp giải quyết cho các vấn nạn, nhưng “sự đổ xô vào những mục tiêu có tính cấp kỳ hơn làm cho tính khả thi bị trì hoãn. Tính khả thi nên bắt đầu từ những sự can thiệp có tính phục hồi cấp bách và khả dĩ trong những tiêu chuẩn tiêu thụ và trong sự tôn trọng sự sáng tạo.”

Ngài làm rõ rằng sự chấn hưng tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc “không có nghĩa là bám sát những kết quả mới và có lẽ tốt hơn mà đã được nghiên cứu khoa học kỹ thuật cùng với những hệ thống sản xuất hóa thành hiện thực, nhưng điều mà sự chấn hưng đề xuất là sự cân bằng có trật tự giữa những hệ thống đó và sự can thiệp thích hợp đối với những nguy cơ gây ảnh hưởng đến con người và hệ sinh thái.”

Ngài nói: “Điều này có nghĩa là một cuộc nghiên cứu có trật tự nhắm đến việc cải tiến sự sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng lớn mạnh không được phép lãng quên những lý do về an toàn thực phẩm vốn là sức khỏe của khách hàng, cũng như sự ổn định mùa màng, ví dụ như là sự gìn giữ môi trường.”

Ngài Volante kết luận bằng việc thúc giục tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc “nỗ lực nhiều hơn nữa để đối mặt với những vấn nạn bằng việc lưu tâm đúng mức đến nhu cầu cơ bản của những người bé nhỏ nhất, trong hoàn cảnh của chúng ta đối với những người chịu đau khổ vì sự nghèo đói, sự suy dinh dưỡng và cách chung hơn là đối với những ai rút sự sống, nghề nghiệp và thu nhập của họ ra khỏi công việc nông thôn.
 
Đức Thánh Cha khai mạc Mùa vọng
LM Trần Đức Anh, OP
13:33 30/11/2008
VATICAN -. Lúc 5 giờ chiều 29-11-2008, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều I trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để khai mạc mùa vọng. Ngài mời gọi toàn thể Giáo Hội sống hy vọng và trở thành niềm hy vọng cho chính mình và cho thế giới. Hiện diện trong buổi hát kinh có 24 HY, 40 GM, đông đảo các LM, tu sĩ và 9 ngàn tín hữu. Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC nói: ”Mùa Vọng là mùa của hy vọng, trong đó toàn thể Giáo Hội được kêu gọi trở thành niềm hy vọng cho bản thân và cho thế giới. Có thể nói toàn thể cơ cấu tinh thần của Nhiệm Thể mang mầu hy vọng. Toàn thể Dân Chúa lên đường, theo sự thu hút của mầu nhiệm này là ”Thiên Chúa của chúng ta chính là vị Thiên Chúa đang tới và mời gọi chúng ta đến gặp Người.. Trước tiên dưới hình thức chung của niềm hy vọng và của niềm mong đợi là sự cầu nguyện” ĐTC quảng diễn thêm ý nghĩa mùa vọng bằng cách giải thích hai thánh vịnh 141 và 142, đặc biệt là hai câu: 'Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin mau đến giúp con; xin lắng nghe tiếng con khi con kêu cầu Chúa', và câu: 'Xin cho lời con nguyện như hương trầm bay lên tới Chúa, đôi tay con giơ cao như hy lễ ban chiều” (Tv 141,1-2). ĐTC khẳng định rằng: ”Đó là tiếng kêu của một người đang cảm thấy bị lâm nguy trầm trọng, nhưng đó cũng là tiếng kêu của Giáo Hội giữa bao nhiêu cạm bẫy xung quanh, đe dọa sự thánh thiện, sự toàn vẹn không có gì đáng trách của mình, - như thánh Phaolô đã nói-, và phải được bảo tồn để chờ đón Chúa đến.. Vào đầu Mùa Vọng, phụng vụ của Giáo Hội lập lại tiếng kêu đó và dâng lên Thiên Chúa như hương trầm. Lễ dâng hương ban chiều là biểu tượng lời cầu nguyện, sự giãi bày tâm can lên cùng Thiên Chúa, Đấng tối cao”. ĐTC nói thêm rằng: 'Tiếng kêu hy vọng của Mùa Vọng diễn tả tình trạng trầm trọng của chúng ta, nhu cầu tột cùng của chúng ta mong được ơn cứu độ. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang mong đợi Chúa, không phải như một sự trang trí đẹp đẽ trên một thế giới đã được an toàn, nhưng như một con đường duy nhất để được giải thoát khỏi nguy tử. Và chúng ta biết rằng Chúa là Đấng Giải Thoát, đã phải chịu đau khổ và chịu chết để đưa chúng ta ra khỏi tù ngục ấy” (v.8). Và ĐTC kết luận rằng: ”Tóm lại hai thánh vịnh 141 và 142 giúp chúng ta tránh mọi cám dỗ trốn chạy khỏi thực tại; giữ gìn chúng ta khỏi một niềm hy vọng giả tạo muốn bước vào mùa vọng và tiến về lễ Giáng Sinh mà quên thân phận bi thảm của bản thân và tập thể chúng ta. Thực vậy niềm hy vọng đáng tin cậy, không lừa dối, chỉ có thể là niềm hy vọng ”phục sinh” như thánh ca mỗi chiều thứ bảy trích từ thư gửi tín hữu Philiphê nhắc nhớ chúng ta, qua đó chúng ta chúc tụng Chúa Kitô nhập thể, chịu đóng đanh và sống lại, là Chúa tể của hoàn vũ” (SD 29-11-2008)
 
Top Stories
Thousands of Catholics protest at Saigon Redemptorist Monastery
J.B. An Dang
20:10 30/11/2008
Facing the threat of Communists to punish severely Thai Ha parishioners in the up-coming trial, domestic and international protests of Catholics have out-broken. The protest at Saigon Redemptorist Monastery is one of the largest protests since the communists came to power in 1975.
Candlelight vigil in Saigon
A play performed by Catholic unversity students
Candlelight vigil in Hanoi
On Sunday evening Nov. 30, more than 5,000 Catholics in Saigon joined in a Candlelight Vigil at Saigon Redemptorist Monastery to protest the up-coming trial in Hanoi organized by authorities against 8 Catholic parishioners of Thai Ha who were charged wrongly with “damaging state property and disorderly conduct in public.”

160 priests from various religious orders in Saigon and nearby provinces concelebrated Mass to pray for the Church in Vietnam and in particular for the eight faithful in Hanoi who are on trial.

Fr. Michael Nguyen Huu Phu, the Superior of Saigon Redemptorist Monastery, told the congregation that “at the former nunciature in Hanoi and at Thai Ha parish, the authorities buried Jesus Christ, justice and truth. But from there, Jesus Christ will rise, and justice and truth will be resurrected.”

The congregation saw on a big screen the pictures of the eight parishioners to be tried in Hanoi, and was briefed on difficulties that they are facing, especially the denial of access to lawyers.

On Saturday, thousands of Catholic university students in Hanoi gathered in another Candlelight Vigil under a strict monitor of hundreds of police who were sent to the site to take photos and film with video cameras in an obvious intimidation tactic. During the vigil, students performed a play depicting the sufferance of martyrs in the previous century when authorities tried to destroy Catholicism in Vietnam.

With the up-coming trial has been increasingly taking on political connotations, Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, the provincial superior of the Redemptorists in Vietnam, has sent a letter to Redemptorists in Vietnam asking them to pray intensively for the eight parishioners of Thai Ha.

“More than anyone, we know well that they are innocent, not only innocent according to their own conscience, but also according to the law. However, they are still charged and prosecuted,” he wrote.

The provincial superior praised the parishioners who chose to follow their Master who “more than 2,000 years ago was prosecuted and killed for his insistency on defending for the truth.”

Asking the Redemptorist communities in Vietnam to pray for the eight parishioners, Fr Vincent Nguyen emphasized that “The Beatitudes is an invitation for us and these faithful to accept adversities and tragedies, and to put our trust in God who will transform our sufferings into benefits for those who love Him.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khánh thành nhà thờ gio Linh- Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
13:58 30/11/2008
PHAN THIẾT - Ngày 29.11.2008, Đức Giám Mục Phan thiết, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cùng đồng tế với 60 linh mục, đã cung hiến Thánh đường Giáo xứ Gio Linh, Hạt Hàm tân. Trời âm u, mưa ảm đạm những ngày qua do áp thấp nhiệt đới. Bởi tình mến thương nên có đông đảo tu sĩ nam nữ và khoảng 3.000 giáo dân cùng đội mưa gió đến chung lời tạ ơn. Các linh mục và ân nhân xa gần đến Gio linh để chia sẽ niềm vui với bà con giáo dân và chúc mừng Cha quản xứ Philipphê Lê Trọng Phan, ngài đã 73 tuổi, vẫn miệt mài xây dựng, hoàn thành ngôi Nhà thờ và nhiều công trình khác; thật đáng khâm phục lòng nhiệt thành với Nhà Chúa của cha già.

Một chặng đường dài hơn 36 năm kể từ mùa hè đỏ lửa 1972, trải qua bao gian khó nhọc nhằn, nay Gio Linh đã có Ngôi Nhà thờ mới khang trang bề thế, một trang sử mới đựơc mở ra nơi miền đất cát cằn cỗi gió bay.

Giáo xứ Gio linh có gốc gác từ Tỉnh Quãng Trị. Những tín hữu di cư vào Nam tránh đạn bom qua hai cuộc chiến ác liệt nhất: Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Trung Lương và Gio Linh nằm ở địa đầu giới tuyến 17, ven sông Bến Hải, ranh giới chia cắt Nam Bắc. Dân chúng ở đó gánh chịu những trận bão pháo mưa đạn của cả hai bên Cộng sản và Cộng hoà. Từ năm 1966 bà con rời bỏ quê hương, đến tỵ nạn ở Cam Lộ, một số giáo dân đến định cư ở Hà Thanh, Quán Ngang. Chiến tranh từ 1968 đến 1972, lan rộng và dữ dội, dân Quãng Trị di tản vào thành phố Đà Nẵng, sống tạm trong những trại tỵ nạn.

Năm 1973 đoàn người tỵ nạn lại lên đường vào Nam. Định cư tại vùng đất Bình Tuy với ước mơ an cư lạc nghiệp. Chiến tranh để lại những nổi đau thương mất mát. Nhiều gia đình trắng tay vì ly loạn, phải bỏ đi tất cả để mong đựơc sống. Nhiều mất mát tang thương, cha mẹ mất con cái, vợ chồng mất nhau, anh em trong gia đình thất lạc.

Di dân từ Quãng Trị vào Nam tập trung vào ba địa phương chính: Đông Hà, Động Đền và Sơn Mỹ. Các Linh mục cùng đồng hành với giáo dân trên hành trình di tản, lập nên các giáo xứ mới: Thánh Linh, Đông Hà, Tin Mừng, Phục sinh và Gio linh.

Năm 1974, cha cố Phaolô Trương Công Giáo di cư cùng đoàn người tỵ nạn. Ngài quy tụ các giáo hữu tản mác từ nhiều nơi hợp với giáo dân gốc Quán Ngang của ngài rồi lập thành giáo xứ mới lấy tên là Gio Linh. Số giáo dân lúc này là 2000. Cha xứ cùng bà con bắt tay làm Nhà thờ. Rừng bạt ngàn. Đất bao la nhưng toàn cát trắng. Gần một năm, ngôi nhà thờ gỗ sắp hoàn thành thì biến cố 1975 làm thay đổi tất cả.

Nhiều gia đình bỏ miền đất này đi lập nghiệp nơi khác. Một số tìm đường “vượt biên” tìm tự do. Đất cát khô cằn. Cuộc sống quá khó khăn.Dân chúng bắt đầu phá rừng, bán củi, đốt than, làm rẫy để sinh sống. Mấy mươi năm định cư nơi đây mà đời sống người dân không nhích lên nổi. Trong nhà, phương tiện duy nhất để làm ăn là chiếc xe đạp thồ, thồ cây gỗ từ rừng về và thồ than củi đi Lagi bán. Năm 1983, cha già Giáo đến tuổi hưu. Đức Cha Nicolas bổ nhiệm cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Vân Nam làm quản xứ. Sống hoà mình với dân nghèo, cha xứ làm vườn, làm nghề chằm nón để sinh sống. Cuộc sống chật vật thiếu thốn mà ấm áp tình cha con. Đến năm 1990, ngài sửa chữa lại nhà thờ, tô tường, tráng nền ximăng, sơn sửa mái tôn, làm lại dàn kèo cột, đóng trần.

Tháng 6 năm 1994, Đức Cha Nicolas bổ nhiệm cha Philipphê Lê Trọng Phan về làm quản xứ. Cha Nam lên Cù Mi nhận nhiệm sở mới.

Bước đầu, cha xứ mới kêu gọi giáo dân tập trồng cây tràm khắp khuôn viên giáo xứ rộng 4ha. Vườn tràm đem lại màu xanh sức sống, toả bóng mát cho giáo xứ. Nhờ vườn tràm, giáo xứ là dàn giáo và đóng mới toàn bộ ghế quỳ trong nhà thờ.

Năm 1998, cha xứ xây nhà xứ.

Năm 2003, xây nhà giáo lý, xây nhà trẻ, mời các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết về giúp giáo xứ, mở nhà trẻ.

Nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa nước tràn vào khắp nơi. Đức Cha Nicolas khuyến khích xây lại mới. Giáo xứ nghèo nên lo ngại vì kinh phí quá lớn. Tuy vậy, tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa, thì “mọi sự đều có thể làm được”. Đó là động lực để cha xứ và cộng đoàn chung tay xây nhà thờ mới.

Ngày 28. 4.2006, lễ đặt viên đá đầu tiên. Sau đó, tháo gỡ nhà thờ cũ, xây nhà kho, làm nhà thờ tạm.

Ngày 6. 11.2006, khởi công xây dựng. Điều đáng kính nể là nhà thờ đổ mái bêtông mà giáo xứ tự làm lấy từ công giáo dân. Mua sắm máy móc và dụng cụ thi công. Nhờ Kỹ sư Hòa ở xứ Đồng Tiến và kỹ sư Mười ở Sài gòn giám sát thi công. Bà con giáo dân đóng góp công lao động ròng rã hai năm, khoảng năm ngàn ngày công. Sự lao nhọc vì nhà Chúa như chất keo gắn bó mọi người lại trong tình hiệp nhất chung tay xây Nhà Chúa.

Cuối năm2007, vật giá trở nên bất ổn. Năm 2008, giá cả leo thang từng ngày, giá sắt tăng dần lên gấp bốn, ximăng lên gấp đôi, tiền lương công thợ cũng lên gấp đôi. Cha xứ đầu bạc phơ vì quá lo lắng.Nhờ sự trợ giúp của Bộ Truyền giáo, Giáo phận Stuttgar, Đức, tổ chức Koch Foundation, Mỹ và nhiều ân nhân, nên giáo xứ đã hoàn thành ngôi Nhà Thờ khang trang.

Gio linh, một giáo xứ miền biển. Ngày đêm sóng vỗ hoà quyện trong tiếng chuông, đan xen trong lời kinh tiếng hát sáng tối của cộng đoàn làm nên một nét rất riêng tư của xứ đạo miền quê vùng duyên hải. Cùng với Ngôi Nhà Thờ mới bề thế, Giáo xứ Gio linh đã làm nên một cộng đoàn đức tin sống động, hiệp nhất yêu thương đưa xứ đạo ngày càng phát triển.

Trong bài phỏng vấn ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh về Thượng Hội Đồng Giám Mục và Giáo Hội Việt Nam (VietCatholic 02/11/2008), phóng viên đặt câu hỏi:

Với tinh cách Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha đã tham dự mục vụ ở nhiều nơi: Lavang, Phát diệm, Sài gon, …theo Đức cha, hình ảnh nào diễn tả người công giáo Việt Nam hiện nay một cách trung thực hơn cả?

Đức Cha Linh trả lời: “Hình ảnh trung thực” hơn cả, đó là một khái niệm có tính cách tương đối. Tương đối bởi vì nó hoàn toàn tuỳ theo quan điểm riêng của mỗi người. Theo chủ quan của tôi, hình ảnh diễn tả người công giáo Việt Nam hiện nay trung thực hơn cả là hình ảnh một người giáo dân đang tham gia công trình xây dựng nhà thờ: không hận thù, tạm quên việc sinh kế, hết lòng vì Nước Chúa, vì Giáo Hội…

Cầu chúc cha xứ và giáo dân Giáo xứ Gio linh với ngôi Nhà thờ mới đẹp đẽ, và lòng người cũng mới để mỗi người tín hữu xây dựng đền thờ tâm hồn xứng đáng cho Chúa ngự.

Vô Nhiễm 30.11.2008

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Thi sĩ Anh Quy, thành viên HĐMV Gio Linh đã viết bài thơ “Xứ Tôi”, gói trọn lịch sử giáo xứ.

XỨ TÔI

Xứ tôi thành lập đã lâu rồi

Ba lăm năm trời giáo phận ghi tên

Xứ tôi tên xứ Gio Linh

Là tên quận cũ của niềm Trung xa Xứ tôi có gốc từ xưa

Kề sông Bến Hải, rồi vô trong này

Lý do tám mốt đêm ngày

Chiến tranh bom đạn dân này phải đi

Thoạt đầu ngỡ tạm chia ly

Sẽ về lại chốn cắt bì cha ông

Nhưng rồi số phận long đong

Chiến tranh chưa dứt phải tìm sinh nhai

Vậy là từ năm bảy hai

Xứ tôi khó khăn đường dài đến đây

Đầu tiên sự chuyện như vầy:

Cha Giáo là thầy dẫn dắt đoàn chiên

Ngày có cơm áo gạo tiền

Ấy là công việc chính quyền cho dân

Còn Ngài là bậc tu thân

Nên việc tinh thần Ngài phải lo toan

Giáo dân ngày ấy hai ngàn

Nên phải đàng hoang xây dựng nhà Cha

Công việc ngày ấy rất là

Thuận trên, thuận dưới, thuận ta, thuận người

Vẫn không ngại ý Chúa Trời

Công việc chưa rồi, thống nhất miền nam

Thế là mọi việc dỡ dang

Phải để nửa chừng cho đến tám hai

Ấy là thời gian nổi trôi

Nhà thờ chưa rồi, gánh chụi nắng mưa

Giáo dân lúc ấy gần thưa

Nông trường, kinh tế còn thưa một phần

Đếm lại còn hơn ngàn dân

Là số ở lại nghèo nàn tả tơi

Tháng ngày hai bữa sắn, khoai

Đốt than, làm rẫy sinh nhai qua ngày

Tám ba năm ấy như vầy:

Cha Giáo già rồi nên phải nghĩ hưu

Cha Nam số phận hẩm hiu

Đức Cha đưa vào chánh xứ Gio Linh

Mở màn công việc đầu tiên

Xúc đất, đỗ nền nhà Chúa lâu năm

Cưa ván chắn cửa đàng hoàng

Để khi mưa, nước khỏi tràn vào trong

Chánh xứ đâu việc vài năm

Ngài cũng tìm nguồn tài trợ xa xa

Đem về tu sưả nhà thờ

Xây lại nhà xứ lại vừa giúp dân

Làm xong chưa được bao năm

Lệnh thuyên chuyển xuống, Ngài đành ra đi

Ngài lên ở xứ Cù Mi

Gio Linh ở lại, nhận thì cha Phan

Lòng ngài rất đổi bình an

Đến xứ nghèo nàn mà chẳng kêu ca

Dần già năm tháng trôi qua

Lúc ấy thật là khó nhọc nơi đây

Bước đầu ngài đã trồng cây

Để cho chắn gió khỏi bay cát vào

Từ trên bờ đất, bờ ao

Chẳng có chỗ nào mà chẳng trồng cây

Quay sang công việc bên này

Ngài mua đá chẻ chung tay lát đường

Xong rồi mới đến làm trường

Xây nhà giáo xứ, hội trường, nhà sơ

Từ lúc ngài đến bây giờ

Bao nhiêu cơ sở dần dà mọc lên

Cái nào cũng chắc, cũng bền

Nhưng mà ngài vẫn chưa yên được lòng

Nhìn qua nhà Chúa lâu năm

Bây giờ cũng đã dột trong, hư ngoài

Thế là quyết một, quyết hai

Tuổi đã già rồi nhưng vẫn cố lên

Ngài tìm gặp gỡ ân nhân

Trong nước, ngoài nước, người gần, người xa

Đem về xây lại nhà thờ

Cho đến bây giờ tốt đẹp khang trang

Xứ tôi nay đã rõ ràng

Cũng có hội đoàn, cũng có dòng ba

Có ban hành giáo thiệt thà

Gia trưởng, bà mẹ, với là phan sinh

Rêsa, giúp lễ thật tình

Lêdô, giới trẻ đậm tình thiếu nhi.

Anh Quy-2008
 
Đức TGM Hà Nội thăm mục vụ giáo xứ Tân Hội và giúp nạn nhân lũ lụt
Giuse Trần Ngọc Huấn
14:24 30/11/2008
HÀ NỘI – Hôm nay ngày 30.11.2008, gác lại những sầu buồn sau những đau khổ, mất mát, những giáo dân xứ Tân Hội tràn ngập niềm vui vì được Đức Tổng Giám Mục Giuse – vị mục tử đáng kính của họ đến viếng thăm và chia sẻ tâm tư, hoàn cảnh cùng họ. Ngay trên con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ, hàng chục chiếc xe với cờ hoa hân hoan chào đón xe của Đức Tổng. Hàng trăm em thiếu nhi chạy trước đón rước ngài đến thăm giáo xứ trong tiếng reo hò vui mừng. Tại đây đã có đông đảo bà con xếp thành hàng chờ đón Đức Tổng. Sau một ít phút gặp gỡ mọi thành phần trong giáo xứ, Đức Tổng đã long trọng cử hành thánh lễ Chúa nhật I mùa Vọng, cũng là khởi đầu một năm phụng vụ mới của Giáo Hội Công giáo. Cùng đồng tế với Ngài có Cha Tôma Aquino Nguyễn Xuân Thủy – Tổng quản lý giáo phận, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý – quản hạt Hà Nội, Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế - quản hạt Hà Tây (cũ), Cha xứ Tân Hội và quý Cha; cùng với sự tham dự của hàng ngàn giáo dân.

Giáo xứ Tân Hội nằm trên một vùng đất cằn cỗi nhiều sỏi đá, thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ). Đời sống của giáo dân nơi đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Toàn giáo xứ có khoảng 3200 giáo dân. Trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11 đã làm cho đời sống nơi đây càng thêm xơ xác tiêu điều, nước mưa trút xuống nhiều ngày làm cho ruộng vườn, vật nuôi gần như mất trắng, đồ đạc trong nhà bị hư hại; cá trong ao vì vậy cũng theo con nước mà trôi đi. Con số thiệt hại mà Tân Hội phải gánh chịu đến nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục và quý Cha cùng với các cán bộ chính quyền địa phương đã đến thăm hai gia đình có người thiệt mạng trong những ngày mưa lũ vừa qua. Đoàn đã đến thăm, động viên và giúp đỡ gia đình cháu Phanxicô Nguyễn Văn Ánh, 18 tuổi, là học sinh lớp 12, thuộc giáo họ Ao Giàng. Cháu Ánh trên đường đi học về đã bị nước lũ cuốn trôi và thiệt mạng. Được biết, khi có những người đến tiếp cứu nhưng Ánh đã nhường để cho các bạn cùng đi với mình được cứu an toàn trước, còn mình thì cố gắng chống trọi nhưng sau đó đuối sức đã bị nước cuốn đi.

Đặc biệt, Đức Tổng cùng quý Cha đã đến thăm gia đình lương dân trong vùng có người thân bị thiệt mạng trong mưa lụt. Đoàn đến trước một ngôi nhà tuyềnh toàng, trong nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có một bàn thờ với bức chân dung và hương khói trầm buồn lan tỏa. Trên đó là bức di ảnh của anh Nguyễn Văn Tuyến, 22 tuổi, là sinh viên của một trường cao đẳng trong tỉnh. Bất ngờ trước cuộc viếng thăm đầy tình đồng bào tương thân tương ái của một vị Tổng Giám mục Công giáo, cha mẹ và những người thân của anh Tuyến đã bày tỏ niềm xúc động sâu xa và tấm lòng biết ơn chân thành của họ. Theo lời người thân kể lại, vào ngày nước dâng cao, anh Tuyến vẫn liều thân đến để tiêm thuốc chữa bệnh cho người anh trai của mình đang đau yếu, nhưng sau đó Tuyến bị nước cuốn trôi, mãi ba ngày sau gia đình mới tìm thấy thi thể.

Sự hiện diện của Đức Tổng Giuse làm cho bà con nơi đây vô cùng cảm động. Điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của họ. Ngài đã nói chuyện với họ một cách thân tình ngay trong chính ngôi nhà đơn sơ nghèo nàn của họ, thắp nén nhang kính viếng trước di ảnh người thân xấu số của họ. Ngài động viên họ hãy tiếp tục cố gắng vượt lên những nỗi đau mất mát này, tin tưởng vào tình tương thân tương ái của mọi người. Trong tinh thần đồng bào, Ngài đã đến với cả “những chiên không thuộc ràn này” để động viên và giúp đỡ họ, thật là một tấm lòng nhân ái bao la của người mục tử!

Bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp cuộc sống của những bà con nơi đây chắc chắn sẽ không khỏi chạnh lòng. Thật không thể tưởng được ngay tại TP. Hà Nội lại có những người đang sống cảnh như thế. Chỉ có ra khỏi nhà, ra khỏi nơi an toàn của mình, chúng ta mới biết được còn biết bao những người nghèo đang sống quanh ta đang cần tình thương và sự giúp đỡ cụ thể.
 
Hội Cao Niên phường Hố Nai tổ chức Lễ Tạ Ơn và Cầu nguyện
Giuse Khổng Hữu Nguồn
14:39 30/11/2008
HỐ NAI - Sáng thứ bẩy 29.11.2008, tại Nhà Thờ Giáo Xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc. Cha Đaminh Bùi Văn Án, chánh xứ Bắc Hải, dâng lễ Tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các Cụ Hội Người Cao Tuổi Phường Hố Nai.

Đến dự Lễ là các Cụ trong 12 giáo xứ: Gia Cốc, Ba Đông, Kim Bích, Mẫu Tâm, Hòa Hiệp, Phú Tảo, Hải Dương, Lộc Lâm, Bắc Hải, Phúc Lâm, Nam Hải, Xuân Trà.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha xứ hân hoan dâng lời kính chào Qúy Cụ ! Dịp vui mừng hôm nay là các Cụ quy tụ về đây, trong Ngôi Thánh Đường để cùng nhau Tạ ơn Chúa một năm đã qua, với bao hồng ân, ơn huệ của Chúa ban cho các Cụ phần hồn phần xác, cũng như cầu nguyện cho các Cụ đã qua đời, xin Chúa GieSu, Đấng luôn yêu thương gìn giữ các Cụ được an mạnh hôm qua, hôm nay và cho đến ngày trình diện Chúa.

Trước khi kết lễ, ông Nguyễn Văn Đường, Hội Trưởng của Hội, thay mặt các Cụ lên dâng lời cảm ơn Cha xứ, quý vị Ban Hành Giáo, Qúy ân nhân, cũng như chúc mừng và cảm ơn các Cụ đã cố gắng đến tham dự Thánh Lễ Tạ ơn hôm nay.

Và ông cho biết Hội có 1768 Cụ, trong năm có 67 Cụ qua đời, và hiện có 128 Cụ đang đau ốm nằm trên giường bệnh, các Cụ luôn vui vẻ chấp nhận, chịu đau khổ do bệnh tật tuổi già. Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm lo cho các Cụ, nhất là vào các dịp lễ tết, lễ Quốc tế Người Cao Tuổi mùng 01.10 hàng năm.

Đặc biệt trong năm qua, bằng những đồng tiền tiết kiệm của các Cụ do con cháu biếu, các Cụ đã giúp đỡ ủng hộ xây được 09 căn nhà Tình Thương cho người nghèo trong Phường, cũng như giúp đỡ quần áo, mũ nón, vải vóc, tiền bạc cho bà con vùng sâu vùng xa nghèo hoặc bị bão lụt.

Tiếp lời cảm ơn của ông Hội Trưởng, Cha xứ nói: “ Trong dịp dâng lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho các Cụ hôm nay, khiến tôi hết sức cảm động ! cảm động vì có Cha Mẹ, có ông nội vẫn còn sống với mình trên cõi đời này ! các Ngài là cây cao bóng cả cho những người con người cháu ! Xin thay mặt cho những người con người cháu ! Xin kính chúc sức khỏe quý Cụ, kính chúc quý Cụ sống an vui trong tuổi già, là mẫu gương sáng của đời sống đức tin cho con cháu noi theo, bó hoa tươi mà Hội vừa tặng, tôi nhận và xin dành kính tặng Cụ cao niên nhất hôm nay 92 tuổi “.

Trong khi Cha xứ đến bên Cụ để tặng hoa, thì một tràng pháo tay của các Cụ vang lên niềm vui Tạ ơn Chúa Quan Phòng, một niềm Tín Thác đời mình cho Chúa.
 
Cuộc đấu tranh cho công lý tại Việt Nam ra sao, nếu không có Thông Tấn Xã VietCatholic?
Hà Long
15:21 30/11/2008
ĐỨC QUỐC - Đầu tiên phải đặt ra 12.000 nhân viên bồi bút, 550 cơ quan báo chí, 713 ấn phẩm báo chí, 70 tờ báo điện tử chuyên nghiệp và hàng ngàn trang thông tin điện tử cộng thêm 400 nhân viên mật vụ theo dõi từng giờ, từng ngày trên hệ thống xa lộ Internet thì chúng ta mới thấy một bộ máy tuyên truyền vĩ đại và đầy quyền thế đang giữ „lề bên phải“ mà csVN muốn đưa quần chúng vào quỹ đạo thông tin một chiều. Và bất lúc nào họ cũng có thể cúi đầu tuân theo bóp méo sự thật trong và ngoài nước theo như ý của người chủ csVN.

Với 3 ví dụ đan cử cụ thể, thứ nhất chỉ riêng tại thành phố Sàigòn gồm trên 1.000 người thuộc các lứa tuổi khác nhau, đa số là trẻ, tập hợp trong hội Nhà Báo thành phố, có tổng số 38 cơ quan báo chí thành phố và 113 văn phòng đại diện báo chí trung ương và các tỉnh, 3 Nhà xuất bản của thành phố và 21 chi nhánh nhà xuất bản trung ương. Thứ hai cơ quan Thông Tấn Xã VN thành lập một đội ngũ hùng hậu với trên 1.100 phóng viên, biên tập viên mà không cơ quan báo chí nào khác tại VN có được. Ngoài ra TTXVN được hỗ trợ của mạng lưới 63 văn phòng thông tin trong nước và 27 văn phòng ở ngoại quốc. Thứ ba chỉ tính chi phí riêng cho một trang báo điện tử Thanh Niên nhà nưóc đã phải đầu tư vào 6 tỷ đồng, khoảng 346.000 đô la mỹ.

Có thể nói báo chí csVN đang là một cánh tay nối dài đắc lực và là một thế mạnh to lớn của đảng bên cạnh nhiều thế mạnh khác.

Nhìn người ta tủi phận nghĩ đến mình! Thông Tấn Xã VietCatholic.net đã viết Tâm Thư chia sẻ về những lo lắng của ban điều hành trang báo điện tử vào ngày 8-11-2008. Lo lắng trong thời gian vừa qua là tìm phương cách giải quyết ổn thỏa số dung lượng sử dụng bandwidth vượt quá số lượng nhà cung cấp cho phép, và do vậy nẩy sinh vấn đề tài chánh vượt quá mức dự tính thông thường. Nói nôm na là như khi đi mướn nhà làm thành tòa báo: nhà lớn (dung lượng lớn) trả nhiều tiền, nhà nhỏ (dung lượng nhỏ) rẻ tiền hơn. Ban điều hành dùng danh từ „dọn nhà“ rất phù hợp với hoàn cảnh này. Cha Gioan Trần Công Nghị chịu gánh vác một mình cho đến nay quả là táo bạo, dẻo dai và đến lúc VietCatholic đưa ra lời kêu gọi tìm cách san sẻ gánh nặng này. Từ 12 năm nay chưa thấy VietCatholic nhắc đến phương án quảng cáo trên trang báo của mình để tìm kiếm các nguồn thu trang trải việc thuê Server.

Nếu được so sánh với hệ thống to lớn giữ "lề bên phải" của báo chí csVN như trên thì VietCatholic chỉ là con đom đóm trong ánh đèn pha. Hoặc nói cách khác VietCatholic đơn độc một mình trong quá trình tiếp ứng tin tức đòi công lý, đòi quyền tự do tôn giáo, đòi đất… trong gần 1 năm qua cho thế giới tự do bên ngoài biết đến. Tuy đơn độc nhưng VietCatholic đi tiên phong và đang góp công rất lớn đưa được tiếng nói sự thật và nguyện vọng của giáo dân quê nhà đến năm châu bốn bể, hoặc theo cách diễn giải của Tin Mừng là đưa tin đến tận cùng bờ cõi trái đất. Theo tôi, VietCatholic phải hãnh diện cho thành quả tốt đẹp này!

Khi phong trào cầu nguyện cho công lý và hoà bình bùng phát mãnh liệt từ lúc đập phá bức tường Thái Hà vào ngày 15-8-2008, tôi làm một ghi chú nhỏ về con số lượt các vị khách đến thăm trang nhà VietCatholic là 23.443.968, đến ngày 11-9-2008 lên đến 25.113.968, rồi cho đến hôm nay con số vượt cao lên trên ngưỡng cửa 30 triệu: 31.531.272 lượt xem. Nói chung chỉ trong 3 tháng số lượt người ghé thăm trang VietCatholic là 8.117.878. Một con số mơ ước cho cả các tờ báo ngoại quốc nổi tiếng, có thể họ cũng không đạt được con số độc giả to lớn như vậy. Vài hàng về những con số như thế chúng ta mới thấy được thế đứng vững vàng của VietCatholic trong làng báo điện tử hải ngoại. Đấy là chưa nhắc đến vô số các trang báo điện tử khác, đạo cũng như đời vẫn thường xuyên lấy tin tức từ VietCatholic loan tải tiếp theo và đặc biệt phải nhắc đến csVN ngày đêm dùng những chuyên gia vi tính thượng thặng tạo ra các “tường lửa” ngăn chặn VietCatholic không cho đến với độc giả ở Việt Nam.

Điều đáng nhắc đến thật quan trọng đó là “sự tin cậy” đưa tin của VietCatholic, nhiều tờ báo ngoại quốc luôn nhắc đến nguồn tin đến từ VietCatholic.net khi nói về Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt hoặc Thái Hà. Ví dụ cụ thể mới nhất của tờ báo Compass Direct News từ thành phố Los Angeles đưa bản tin dài ngày 24-11-2008 với tựa đề “Vietnamese Chapel Attacked with Police Aid” và họ ghi câu gần đầu bài báo nhắc đến “According to VietCatholic.net website” (http://www.crosswalk.com/news/religiontoday/11596074/). Tiếp đến các bản tin từ Việt Nam được VietCatholic dịch sang tiếng Anh rất mau chóng và sắc bén, đây là sức mạnh hùng hậu của VietCatholic. Trong tháng 8 và tháng 9 các tin tức ngoại quốc thế giới nói về Thái Hà và Hà Nội đã trội vượt hẳn cao hơn các bản tin hằng ngày do chính quyền csVN đưa lên. Phải nói có lúc tôi không tin được vào mắt mình khi đọc thấy hàng trăm tin tức sôi động về Thái Hà hoặc Hà Nội đứng đầu hệ thống tìm tin thế giới, trong khi đó các tin tức của csVN (đối ngoại cho toàn quốc) chỉ có vài tin lèo tèo được xen kẽ vào đó. Đáng kể thêm những mẩu tin tức bằng tiếng Anh, Ý, Pháp, Đức, Hòa Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tàu, Tiệp…, mọi người có thể tìm thấy trong VietCatholic hơn 400 mục tin thế giới nói về Thái Hà và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Chắc chắn đây là một kho tin tức quý báu cho thế giới tự do để khảo cứu sau này. Chỉ riêng kể từ ngày csVN tấn công trong đêm tối tại Thái Hà, 15-11-2008 đến hôm nay đã có 25 bản tin ngoại ngữ của thế giới tự do loan tải trên cả hàng trăm trang báo.

Nóng nổi, khi thẩm phán Trần Thị Phương Hiền ký tên ngày 21-11-2008 triệu tập đấu tố 8 người giáo dân vô tội sẽ diễn ra tại nơi tòa hành chánh ủy ban nhân dân phường Ô chợ Dừa vào ngày 05-12-2008 thì VietCatholic loan tin cưõng bách ra tòa này rất nhanh chóng trên toàn thế giới và phát hành khẩn cấp Thông Cáo Báo Chí vào ngày 24-11-2008 tố cáo csVN về việc chà đạp nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo. Chỉ trong vòng vài ngày đã có hơn 41 bản tin thế giới đăng tải về sự kiện này và thế giới tự do đang đưa dần tầm ngắm về Hà Nội cho đến ngày đấu tố 05-12-2008, đúng ra lại phải chờ thêm vài ngày cho đến 08-12-2008 vì mới có sự thay đổi trong nội bộ sửa cửa nhà của ủy ban nhân dân phường.

Những thành quả vận động trong cộng đồng thế giới tự do như thế, có thể nói đều phát xuất từ cổng thông tin chính của Thông Tấn Xã VietCatholic.net và hội tụ được các nhãn quang của cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại cũng như của tất cả những người yêu công bằng, dân chủ tự do để hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa cho công lý, sự thật đang diễn ra tại Hà Nội và Thái Hà.

Thêm vào đó các văn thư được gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia thế giới để tố cáo csVN vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Thái Hà và Hà Nội đều được đưa thêm nguồn nghiên cứu www.vietcatholic.net, nhất là các dân biểu của Mỹ luôn dùng để đối chiếu. Thành quả chung lớn nhất của toàn thể người Việt hải ngoại là làm cho Quốc Hội Âu Châu đã đặt vấn đề về hiệp thương với csVN vào ngày 20 đến 23-10-2008 tại thành phố Strasbourg, Pháp quốc. Liên Hiệp Âu Châu tái thẩm định mối quan hệ này và chỉ thỏa hiệp khi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và phải cải thiện về nhân quyền. Quốc Hội Âu Châu đã bỏ phiếu biểu quyết cho vấn đề Việt Nam với 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Kết quả bỏ phiếu này cho thấy sự đồng thuận rất rõ ràng của toàn khối Liên Hiệp Âu Châu đối với tình hình Việt Nam.

Mới đây nhất vào ngày 11-11-2008 dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Ed Royce đã giới thiệu một nghị quyết tại Hạ Viện kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Countries of Particular Concern - CPC) vì những vi phạm trầm trọng về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Hà Nội - Thái Hà.

Được nhắc thêm đến Đức Tổng Giám Mục Toronto, Thomas Collins đã viết thư đến vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Canada vào ngày 20-10-2008 để phản kháng, tố cáo csVN trước cộng đồng thế giới về những hành vi xảo trá chống lại Đức TGM Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt và cộng đoàn Công Giáo Hà Nội. Đấy là những thành quả chung của toàn thể người Việt hải ngoại trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. VietCatholic.net đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh khó khăn này.

VietCatholic.net mới mừng sinh nhật đúng 12 năm vào ngày 1-11-2008, không kể đến những thành quả về tinh thần luôn mang lại các món ăn chia sẻ Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, liên kết các sinh hoạt công giáo quốc nội cũng như hải ngoại, thì VietCatholic đang có một thế đứng vững trãi trong làng báo Việt Nam và thế giới về số lượng độc giả hằng ngày. VietCatholic cũng là nơi hội tụ của những thiện nguyện viên không có thù lao như trong tâm thư cho biết rằng từ trước tới nay các phóng viên và những người viết bài gửi đăng, ngay cả từ quê hương Việt Nam, cũng đều là thiện nguyện và không được trả thù lao nào cả. Họ phải tự trang trải mọi chi phí máy móc và cả các phí tổn Internet. Một sự đóng góp quá trang trọng và rất đáng quý! Đây, đúng là sức mạnh tuyệt vời của VietCatholic!

Cuối cùng, một so sánh quá trẻ con và buồn cười với số tiền khổng lồ tốn cả chục triệu mỹ kim mỗi năm của csVN phải chi phí cho guồng máy báo chí đi dọc theo „lề bên phải“, thì cần phải nói chi đến ngân quỹ mỗi năm tí teo tốn khoảng 20 ngàn mỹ kim để điều hành chung cho VietCatholic. Nhưng VietCatholic đã và đang gây tác dụng to lớn trên những diễn đàn dân chủ thế giới và có thể “ngang tay” đối đầu với guồng máy tuyên truyền to lớn của csVN. Ai nhìn thấy cũng có thể nói là lời quá, tài quá! Có mơ ước cũng không được như thế!

Nơi đây chúng ta một lần được phép nói lên lòng cám ơn đến cha giám đốc Gioan Trần Công Nghị, các Anh Chị Em trong Ban Điều Hành, các Cộng Tác Viên nghiệp dư từ năm châu bốn bể, đặc biệt các Phóng Viên, Biên Tập Viên từ quê hương Việt Nam, các nhà Hảo Tâm và các Độc Giả. Tất cả đang đóng góp tiếng nói của chân lý, của sự thật để xây dựng cho chính chúng ta, cho Cộng Đoàn Giáo Xứ, cho xã hội và cho Giáo Hội trong trách nhiệm truyền giáo và truyền thông.

Điều mừng hơn nữa là vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, cũng là bắt đầu Năm Mới trong Niên Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, VietCatholic lại khai trương trang Web mới với hình thức mới, và như Ban Điều Hành cho biết Server Mới của VietCatholic mạnh hơn các servers cũ tới 6 lần hầu đáp ứng nhu cầu càng ngày càng lớn mạnh và đa diện của độc giả khắp nơi. Thêm vào đó phần phân chia và trình bầy các đề mục và nội dung đã được qúi độc giả góp ý hầu việc tìm kiếm sẽ dễ dàng và mau chóng hơn... Chắc chắn một số độc giả chưa quen với định dạng mới này và có thể sẽ bỡ ngỡ... Tuy nhiên tôi đã khám phá và đi sâu vào các tiết mục và thích thú khi được biết tất cả các bài cũ và tài liệu vẫn còn trong đó. Chắc khi qúi vị và các bạn có thời gian “khám phá” cũng sẽ tìm được những điều thích thú như tôi cũng có thể đóng góp ý kiến với VietCatholic để cho trang Web chung này được phong phú và đáp ứng nhu cầu của nhiều người.

Người Việt Nam hải ngoại và cả người Việt quốc nội sẽ nghèo đi một chút nếu không có Thông Tấn Xã VietCatholi.net!
 
CĐCGVN Sydney mừng kính Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hoàng Việt Nam
16:14 30/11/2008
SYDNEY - Tối thứ Bảy 29/11/2008 thời tiết Sydney tự nhiên thay đổi trời đổ mưa tầm tã trong khi đó tại công viên Paul Keating Park Bankstown Cộng Đồng đã chuẩn bị mừng kính Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là Quan Thầy của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney. Nhưng rất tiếc vì thời tiết mưa gió nên các nghi thức kiệu đặc biệt hủy bỏ, như nghi thức Thánh Vũ và Dâng Tiến đạI diện các Đoàn Thể cùng vinh danh các Thanh Tử Đạo Việt Nam…. Tuy nhiên, dù trời mưa vẫn đe doạ, nhưng hơn 1000 Giáo Dân không quản ngaị trời mưa đã đến tập trung trước Lễ đài tại công viên tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng.

Trước khi Thánh lễ Đức Giám Mục Terry Brady cùng quý Cha đến trước bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lên nén hương để kính nhớ đến các bậc Tiền Nhân Anh Hùng Tử Đạo. Sau đó Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Terry Brady đã thương mến Cộng Đồng đến Chủ tế dâng Thánh lễ mừng kính ngày Bổn Mạng. Đức Giám Mục cũng ngỏ lời chào mừng Cộng Đồng đã đến đông đủ cùng tham dự Thánh lễ dù thời tiết bị mưa.

Sau đó Thánh lễ cử hành gồm quý Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Bùi Sơn Lâm cùng đồng tế với Đức Giám Mục.

Trong bài giảng ĐGM ngỏ lời cám ơn quý Ban Tuyên uý và Ban Thường Vụ đã ưu ái mời Ngài đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. ĐGM cũng khen ngợi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam đã đóng góp những lợi ích xây dựng cho Giáo Hội Úc và quý Cha Việt Nam đã tích cực ở các Giáo Xứ. Sau cùng ĐGM khuyên mọi người Việt Nam hãy sống trong Đức Tin noi gương theo các Thánh Tử Đạo Việt Nam để làm chứng nhân cho Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, và quý Cha đã đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Cộng Đồng, đồng thời Diễm Phương thay mặt Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Sydney tặng Hoa cho Đức Giám Mục để tỏ lòng tri ân. Đặc biệt trong Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng. Cộng Đồng đã quyên góp trợ giúp những đồng bào bị lũ lụt tại miền Bắc Việt Nam vừa qua. Sau đó Thánh lễ kết thúc vào lúc 9 pm. Mọi người ra về thì trời laị đổ mưa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính sách của Hà Nội là loại trừ người Công Giáo
Trung Thiên
17:06 30/11/2008
Chính sách của Hà Nội là loại trừ người Công Giáo

Hà Nội (AsiaNews) - Có sự sai lầm trong cách hiểu về ý nghĩa đích thực của tôn giáo trong một bộ phận giới chức trách chính trị Việt Nam đằng sau các cuộc tấn công liên miên nhằm bóp nghẹt Công Giáo, Tin Lành, cũng như các tôn giáo khác như sẽ được chứng kiến phiên tòa xét xử 8 giáo dân giáo xứ Thái Hà vào ngày 8 tháng Mười Hai tới.

Nếu đến thăm Việt Nam, ở nhiều giáo xứ, người ta có thể thấy các thông cáo “cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam” hay “cầu nguyện cho hòa bình và công lý”. Đây là lời cầu khẩn luôn hiện diên trong các buổi cầu nguyện của người Công Giáo. Người Công Giáo bị chính quyền Cộng Sản đàn áp một cách tinh vi và ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng trong lần này, nhà cầm quyền không tôn trọng Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Họ rõ ràng muốn loại trừ người Công Giáo.

Chính quyền đã vi phạm quyền tự do tôn giáo và muốn bỏ tù 8 giáo dân Thái Hà vì những lý do bất công, cáo buộc họ tội danh phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Họ đang gây khó khăn cho 8 giáo dân nhằm đe dọa những người Công Giáo khác và những tín hữu của các tôn giáo khác, nói chung mục đích của họ là đe dọa những người dân muốn đấu tranh cho công lý và tự do tôn giáo.

Mỗi người Công Giáo và mỗi giáo xứ được mời gọi cầu nguyện cho công lý, hòa bình và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Lần này, giáo dân cần tiếng nói của các Giám Mục để bày tỏ sự thật, tố cáo chính quyền đã chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội, nhưng lại buộc tội oan sai cho những người Công Giáo.

Nguồn gốc của sự phân biệt đối xử của nhà chức trách chống lại các tín hữu, không chỉ các Kitô hữu, theo một giáo sư Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội giải thích với Tin Tức Á Châu thì: “đó là một thành kiến. Khái niệm thật sự về tôn giáo được giải thích sơ sài. Họ không hiểu đúng, vì thế họ điều hành đất nước tồi tệ, mang lại nhiều hậu quả tiêu cực như chính quyền tham nhũng, giáo dục tồi tệ, bất công đối với những nông dân cố làm việc kiếm sống và nuôi sống bản thân họ”.

Quan niệm của cộng sản Việt Nam về tôn giáo cho rằng tôn giáo “là một hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hoang đường, hư ảo hiện thực khách quan. Tôn giáo luôn dựa vào một niềm tin, đức tin siêu nghiệm. Tôn giáo không thể nào kiểm chứng được bằng thực tiễn”.

Vì thế chính quyền đã chỉ thị cho các cấp thẩm quyền “kiểm soát tình hình tôn giáo, phân loại tín hữu của các tôn giáo nhằm đưa ra giải pháp thích hợp để thuyết phục người dân từ bỏ tôn giáo của họ”. Và đường lối chính trị là đối đầu, loại trừ và phân biệt đối xử chống những người Công Giáo Việt Nam.

Nguồn: AsiaNews
 
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt thăm mục vụ xứ Tân Hội và giúp đỡ nạn nhân lũ lụt
Giuse Trần Ngọc Huấn
17:36 30/11/2008
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT

THĂM MỤC VỤ GIÁO XỨ TÂN HỘI – TGP HÀ NỘI

VÀ GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN LŨ LỤT


Gác lại những sầu buồn sau những đau khổ, mất mát, những giáo dân xứ Tân Hội hôm nay tràn ngập niềm vui vì được Đức Tổng Giám Mục Giuse – vị mục tử đáng kính của họ đến viếng thăm và chia sẻ tâm tư, hoàn cảnh cùng họ. Ngay trên con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ, hàng chục chiếc xe với cờ hoa hân hoan chào đón xe của Đức Tổng. Hàng trăm em thiếu nhi chạy trước đón rước ngài đến thăm giáo xứ trong tiếng reo hò vui mừng. Tại đây đã có đông đảo bà con xếp thành hàng chờ đón Đức Tổng. Sau một ít phút gặp gỡ mọi thành phần trong giáo xứ, Đức Tổng đã long trọng cử hành thánh lễ Chúa nhật I mùa Vọng, cũng là khởi đầu một năm phụng vụ mới của Giáo Hội Công giáo. Cùng đồng tế với Ngài có Cha Tôma Aquino Nguyễn Xuân Thủy – Tổng quản lý giáo phận, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý – quản hạt Hà Nội, Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế - quản hạt Hà Tây (cũ), Cha xứ Tân Hội và quý Cha; cùng với sự tham dự của hàng ngàn giáo dân.

Giáo xứ Tân Hội nằm trên một vùng đất cằn cỗi nhiều sỏi đá, thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ). Đời sống của giáo dân nơi đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Toàn giáo xứ có khoảng 3200 giáo dân. Trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11 đã làm cho đời sống nơi đây càng thêm xơ xác tiêu điều, nước mưa trút xuống nhiều ngày làm cho ruộng vườn, vật nuôi gần như mất trắng, đồ đạc trong nhà bị hư hại; cá trong ao vì vậy cũng theo con nước mà trôi đi. Con số thiệt hại mà Tân Hội phải gánh chịu đến nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục và quý Cha cùng với các cán bộ chính quyền địa phương đã đến thăm hai gia đình có người thiệt mạng trong những ngày mưa lũ vừa qua. Đoàn đã đến thăm, động viên và giúp đỡ gia đình cháu Phanxicô Nguyễn Văn Ánh, 18 tuổi, là học sinh lớp 12, thuộc giáo họ Ao Giàng. Cháu Ánh trên đường đi học về đã bị nước lũ cuốn trôi và thiệt mạng. Được biết, khi có những người đến tiếp cứu nhưng Ánh đã nhường để cho các bạn cùng đi với mình được cứu an toàn trước, còn mình thì cố gắng chống trọi nhưng sau đó đuối sức đã bị nước cuốn đi.

Đức TGM thăm gia đình lương dân có con bị thiệt mạng vì lũ lụt
Đặc biệt, Đức Tổng cùng quý Cha đã đến thăm gia đình lương dân trong vùng có người thân bị thiệt mạng trong mưa lụt. Đoàn đến trước một ngôi nhà tuyềnh toàng, trong nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có một bàn thờ với bức chân dung và hương khói trầm buồn lan tỏa. Trên đó là bức di ảnh của anh Nguyễn Văn Tuyến, 22 tuổi, là sinh viên của một trường cao đẳng trong tỉnh. Bất ngờ trước cuộc viếng thăm đầy tình đồng bào tương thân tương ái của một vị Tổng Giám mục Công giáo, cha mẹ và những người thân của anh Tuyến đã bày tỏ niềm xúc động sâu xa và tấm lòng biết ơn chân thành của họ. Theo lời người thân kể lại, vào ngày nước dâng cao, anh Tuyến vẫn liều thân đến để tiêm thuốc chữa bệnh cho người anh trai của mình đang đau yếu, nhưng sau đó Tuyến bị nước cuốn trôi, mãi ba ngày sau gia đình mới tìm thấy thi thể.

Sự hiện diện của Đức Tổng Giuse làm cho bà con nơi đây vô cùng cảm động. Điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của họ. Ngài đã nói chuyện với họ một cách thân tình ngay trong chính ngôi nhà đơn sơ nghèo nàn của họ, thắp nén nhang kính viếng trước di ảnh người thân xấu số của họ. Ngài động viên họ hãy tiếp tục cố gắng vượt lên những nỗi đau mất mát này, tin tưởng vào tình tương thân tương ái của mọi người. Trong tinh thần đồng bào, Ngài đã đến với cả “những chiên không thuộc ràn này” để động viên và giúp đỡ họ, thật là một tấm lòng nhân ái bao la của người mục tử!

Bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp cuộc sống của những bà con nơi đây chắc chắn sẽ không khỏi chạnh lòng. Thật không thể tưởng được ngay tại TP. Hà Nội lại có những người đang sống cảnh như thế. Chỉ có ra khỏi nhà, ra khỏi nơi an toàn của mình, chúng ta mới biết được còn biết bao những người nghèo đang sống quanh ta đang cần tình thương và sự giúp đỡ cụ thể.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (4)
LM. Nguyễn Hữu Thy
17:16 30/11/2008

Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (4)



(Vào cuối Tháng các Đẳng Linh Hồn - thời gian chúng ta tưởng nhớ các người quá cố; và đồng thời bắt đầu Mùa Vọng - thời gian chờ đợi Chúa đến lần cuối, thời gian chúng ta cần phải sống tỉnh thức, vì chúng ta không biết trước được khi nào Người tới - chúng tôi mời các bạn cùng suy tư một lần nữa về sự chết, một biến cố quan trọng nhất của con người và là biên giới giữa cuộc sống đời này và vĩnh cửu)

IV. Quan điểm các tôn giáo độc thần về sự chết

Một điều quá hiển nhiên và tuyệt đối chắc chắn là tất cả mọi người khi được sinh ra trên trái đất này đều phải đối mặt với sự chết, ít là một lần trong đời. Đúng vậy, sự chết là một biến cố không thể tránh được đối với con người và mọi sinh vật khi được Tạo Hoá dựng nên trên trái đất. Vì thế, trong triết học khi sử dụng một ví dụ để trình bày về phương pháp tam đoạn luận, người ta thường nói: «Làm người ai cũng phải chết, nên anh là người, anh cũng phải chết.» Điều đó muốn khẳng định rằng chết là một định luật bất biến đối với tất cả mọi tạo vật nói chung và đối với con người nói riêng.

Bởi vậy, trong các nền văn hóa khác nhau của nhân loại, sự chết của con người mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng qua các nghi thức an táng của các tôn giáo khác nhau. Trong văn chương, nghệ thuật và trong các nghi thức an táng, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của con người được bày tỏ một cách cụ thể nhất, tuỳ theo từng nền văn hoá và quan niệm mỗi dân tộc về sự chết.

Vâng, sự chết là một cảm nghiệm mà tất cả mọi người khắp nơi trên trái đất - bất kể tôn giáo, văn hóa và chủng tộc - đều cùng chia sẻ. Con người chia sẻ sự trải nghiệm mang tính cách hiện sinh này với các loại sinh vật khác và với tất cả các hình thức khác nhau của sự sống: Khởi đầu và chấm tận, biến dịch và qua đi. Nhưng trong diễn biến đó, chỉ có con người là sinh vật duy nhất có thể suy tư về sự chết của mình trước khi nó xảy ra.

«Cánh chung luận» hay «biến cố thế mạt» là một ý niệm thuần tuý thuộc thần học và được sử dụng trong các tôn giáo khác nhau để nói về các lý thuyết hay giáo lý của «những sự sau.» Để nói về biến cố cánh chung, người ta đã sử dụng các từ: hấp hối, chết, bất tử, sống lại hay phục sinh, bên kia thế giới, dưới suối vàng, ngày chung thẩm, v.v…Và tất cả các tôn giáo độc thần lớn trên thế giới, tức những tôn giáo tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất như là nguyên ủy của mọi thụ tạo, đã xác tín về một cuộc sống bên kia cái chết, và đây là điều đã được ghi rõ trong các Sách Thánh của họ.

Hiện nay, những tôn giáo độc thần quan trọng trên khắp thế giới gồm có: Do-thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Ba tôn giáo lớn này hoàn toàn không tuỳ thuộc vào bất cứ nền văn hoá nào. Và Đức tin của cả ba tôn giáo vào một Thiên Chúa duy nhất mang tính cách tuyệt đối, nghĩa là ngoài một Thiên Chúa toàn năng ra không còn thần thánh nào khác nữa(1). Nói cách khác, vị Thiên Chúa duy nhất đó không hề có sự tương quan mang tính cách cạnh tranh và Người cũng không có những tính chất nhân loại như nơi các vị thần linh trong văn hoá Hy Lạp-Roma xưa. Chính Thiên Chúa là Tạo Hoá của vũ trụ và của con người và đồng thời Người cũng là Đấng Cứu Chuộc của họ.

Trong khi đó theo quan niệm của Ấn giáo và Phật giáo, thì sự xoay vần của vũ trụ được điều khiển bởi một qui luật vĩnh cửu tiềm ẩn trong vũ trụ, mà chính các vị thần linh cũng phải tuân thủ qui luật đó. Tất cả sự sống và sự hữu đều phải tuân hành một cái vòng luân hồi luôn quay đều của sự biến dịch và sự qua đi. Còn ý niệm về một vị Thiên Chúa toàn năng và độc lập là hoàn toàn xa lạ đối với họ, và chính lịch sử cũng không tuỳ thuộc vào bất cứ ý nghĩa hay mục đích nào đã được thiết đặt sẵn. Mỗi cá nhân đều được điều khiển bởi bánh xe luân hồi và sự giải thoát khỏi vòng luân hồi đó chỉ có thể đạt được do sức mạnh riêng của mỗi người, chứ không do sự trợ giúp của bất cứ quyền lực ngoại tại nào cả, vì lý do đơn giản là không hề có quyền lực ngoại tại nào khác, dù cho người ta có gọi quyền lực ngoại tại đó là Thiên Chúa, là Tạo Hoá hay Đấng Tồi Cao, v.v…!

Ngược lại, như đã nói trên, sự xác tín của các tôn giáo độc thần lại hoàn toàn khác hẳn: Vũ trụ và các qui luật của nó không phải bởi tự nhiên mà có, nhưng là công trình của một Thiên Chúa toàn năng, toàn tri và ngôi vị, nghĩa là một Thiên Chúa hiện hữu thực sự, tuy vô hình. Thiên Chúa đã thiết đặt trong vũ trụ và trong cuộc sống của mọi tạo vật, trong đó có con người, những qui luật riêng biệt dành riêng cho mọi giống loại và các qui luật đó tự động tuần tự xoay vần theo đúng kế hoạch Thiên Chúa đã vạch ra, mà chúng ta thường gọi là luật tự nhiên. Đúng vậy, mặc dù Thiên Chúa đã luôn tự tỏ mình ra cho con người qua nhiều cách thức khác nhau, hầu để họ nhận biết Người cũng như để chỉ cho họ con đường dẫn họ tới sự cứu rỗi. Nhưng đàng khác, Thiên Chúa cũng ít khi trực tiếp can thiệp vào lịch sử của vũ trụ. Lịch sử có một khởi đầu và một chấm tận, và mục đích của lịch sử là Nước Thiên Chúa trong nơi vĩnh cửu.

1) Do-thái giáo

Phần Kinh Thánh Cựu Ước giới thiệu cho con người một khuôn mẫu tôn giáo mang màu sắc lịch sử, chứa đựng sứ điệp hy vọng độc nhất vô nhị, mà tác giả của nó là «Chúa Gia-vê». Thiên Chúa của dân tuyển chọn Ít-ra-en luôn hành động theo một kế hoạch hằng nhằm tới sự cứu rỗi tối hậu. Dân Ít-ra-en được nhận lãnh lời hứa sẽ được thực hiện trong tương lai. Điểm tựa nền tảng cho đức tin của Dân Ít-ra-en vào lời hứa chính là biến cố xuất hành vĩ đại với sự can thiệp trực tiếp và cụ thể của Thiên Chúa, vì qua đó cảnh sống khốn cùng bất khả kham của dân Ít-ra-en trên đất Ai Cập đã được chấm dứt: Dân Ít-ra-en đã được chính Thiên Chúa giải thoát. Vì thế, người Do-thái đã cắt nghĩa những trải nghiệm trong lịch sử của họ chính là những trải nghiệm về Thiên Chúa, về tình thương của Người dành cho họ trong quá khứ, trong hiện tại và nhất là sẽ hoàn tất trong tương lai qua sự xuất hiện của Đấng Messia, của Đấng Thiên Sai.

Người ta có thể nói rằng Thiên Chúa của Do-thái giáo và của Cựu Ước là một Thiên Chúa của luật pháp, trong đó sự chết thường được quan niệm như là biên giới đã được Chúa Gia-vê thiết đặt và là một phần chủ yếu của trật tự sáng tạo. Sự giới hạn của cuộc sống và những cơ hàn vất vả trong cuộc sống của hai ông bà Tổ tông Adam và Evà chính là hậu quả do những lỗi lầm mà họ đã sai phạm trước kia, khi hai ông bà còn sống trong cảnh sung sướng hạnh phúc ở vườn địa đàng, và chỉ vì chính tội họ gây ra mà họ đã bị trục xuất ra khỏi đó. Con người đã trở nên hay chết và cơn thịnh nộ của Chúa Gia-vê đã tuyên cáo: «Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh mà ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được dựng nên. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.»(St 3,19)

Ngay trong các bản văn của Cựu Ước người ta cũng tìm gặp ý tưởng về nhị nguyên thuyết giữa tốt và xấu, trong đó «sự chết lành» và «sự chết dữ» được phân biệt một cách rõ ràng: «Hãy coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: Hoặc là được sống và được hạnh phúc, hoặc là phải chết và bị tai họa… Hôm nay tôi lấy trời đất làm chứng: Tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn, được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa.»(Đnl 30,15+19)

Đặc biệt nhất là những trường hợp chết bất đắc kỳ tử và chết yểu luôn được coi là hình phạt của Thiên Chúa. Vì thế các ngày giờ sống của con người cần phải được nhằm hướng về Thiên Chúa như mục đích duy nhất phải tìm kiếm, hầu cho con người được chết lành, tức cái chết làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi vậy, trong Cựu Ước, điều thiện hảo cao cả nhất chính là sự sống. Con người chỉ được quyền lựa chọn và quyết định một trong hai: Hoặc chọn vâng theo lời Thiên Chúa dạy, là con đường dẫn vào sự sống, hoặc chọn con đường của sự ác là con đường dẫn tới sự chết!

Theo quan niệm thời tiền sử, thì những người chết phải đi vào chốn tối tăm dưới âm phủ, tiếng Do-thái gọi là «scheol», và phải trải qua một cuộc sống buồn thảm, thê lương và đầy ma quái, mất hết mọi ý thức và không còn hy vọng sẽ được thức dậy để sống một cuốc sống tươi đẹp hơn. Ở chốn âm phủ, con người phải chịu muôn vàn sầu khổ và héo hắt trong tuyệtt vọng, vì bị bị tách rời ra khỏi Thiên Chúa. Mọi quan hệ với Thiên Chúa đều bị cắt đứt: Thiên Chúa không còn trao đổi bất cứ lời nào với họ nữa và họ cũng không thể ca tụng Người được nữa.

Bấy giờ, đời sống nhân đức, đầy khôn ngoan, công bằng và lòng đạo đức, v.v… có nghĩa là sự sống chân thực; Còn những hành động khùng dại, độc ác và đầy tội lỗi, sẽ dẫn đưa con người vào chốn tử địa, một nơi chỉ có chết chóc và sự tiêu diệt. Sự tương phản này người ta có thể tìm gặp khắp nơi trong phần Kinh Thánh Cựu Ước.

Tuy nhiên, đứng trước sự chết thì người lành cũng như kẻ dữ, người đức hạnh cũng như kẻ vô thần, đều cùng chung một số phận như nhau. Không ai có thể được miễn trừ khỏi phải chết. Không ai có thể thoát được lưỡi hái tử thần, nếu một khi số phận người đó đã hết. Thái độ chờ đợi «Scheol», chờ đợi âm phủ đầy bi thương được gắn liền hay đi đôi với sự mong đợi Đấng Thiên Sai, một sự mong đợi mang lại cho con người ít nhất là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng khi sự mong đợi đó không được thành tựu, thì sẽ nảy sinh ra tư tưởng là chốn âm phủ tối tăm rất có thể không phải là chặng đường cuối cùng. Bấy giờ, trong Do-thái giáo mới phát sinh những tư tưởng về sự sống lại hay phục sinh của những người đã qua đời và về sự bất tử của linh hồn con người.

Ngay trong chương đầu của Sách Sáng Thế (St) đã viết: «Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh mình» (St 1,27), và từ đó phát xuất quan điểm về một sức mạnh thiêng liêng trường cửu. Diễn tiến sự biến đổi trong Do-thái giáo được bày tỏ về sau này trong sách Ngôn sứ Isaia: «Lạy Đức Chúa, các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên»(Is 27,19). Trước tiên, giáo huấn về sự sống lại của những người đã qua đời chỉ liên quan đến dân Ít-ra-en. Đồng thời nảy sinh tư tưởng về một cuộc chung thẩm sau khi chết: Trong khi những kẻ dữ phải đi vào chốn âm phủ, một nơi được coi như là ngục tù để đền trả những tội ác các đương sự đã gây ra, thì những người lành lại được Thiên Chúa dẫn đưa vào trong cuộc sống vĩnh cửu. Trong Sách Đa-ni-en viết: « Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để được hạnh phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.» (12, 2-3)

Ý niệm về sự bất tử được gắn liền với tư tưởng về một sự tiếp tục tồn tại thuần tuý tinh thần của con người sau khi chết, và đương nhiên hàm chứa sự hiện hữu của một thế giới bên kia biên giới của vũ trụ hữu hình này. Tinh thần con người, tia sáng thần thiêng, được coi là một ơn bất tử của Thiên Chúa ban. Mục đích nhằm tới là linh hồn mỗi người được gia nhập vào trong thế giới thần khí của Thiên Chúa.

Sách Talmud(2) đã tiếp tục trình bày tư tưởng về sự sống lại như sau: Linh hồn con người rời bỏ thể xác sau khi chết, nhưng trong 12 tháng đầu linh hồn còn liên lạc xa xa với thể xác mình, cho tới khi giai đoạn thể xác bị hư hoại được kết thúc. Bấy giờ, linh hồn những người công chính được dẫn đưa vào trong chốn địa đàng hay được đến bên ngai toà Thiên Chúa, còn những kẻ dữ thì bị trầm luân trong hoả ngục. Trong những ngày cứu rỗi của Đấng Messia, linh hồn con người sẽ quay trở lại trong bụi đất, và bụi đất lại cấu thành một thân xác mới.

Vào khoảng 120 năm sau công nguyên người ta đã soạn ra Kinh «Mười Tám Lời Cầu Nguyện» mà mãi cho tới ngày nay những người Do-thái chính thống vẫn đọc hằng ngày, trong lời Tụng Ca thứ hai có đoạn viết: «Trong một nháy mắt Chúa làm sống động những kẻ đã chết. Xin chúc tụng Ngài, lạy Đức Chúa, chính Ngài đã làm cho các kẻ đã chết lại được sống!»

Nói chung, theo quan niệm của Do-thái giáo thì hình ảnh về sự chết rõ ràng mang một ý nghĩa tiêu cực và được nối liền với những ý niệm về tôi lỗi và hình phạt.

Vì thế, không còn là điều ngạc nhiên khi sự chết trong Do-thái được coi như nguồn gốc của tất cả mọi sự bất trong sạch và bất xứng đối với việc thờ tự trước bàn thờ Gia-vê. Các Thầy Cả («Kohen») tuyệt đối không được phép tiếp cận với sự chết hay động đến các xác chết, vì việc phụng sự trong Đền Thánh đòi hỏi một sự trong sạch ở mức độ cao nhất có thể. Và cho đến ngày nay, các thế hệ kế vị dòng tộc Tư Tế Aaron cấm không được tham dự vào các cuộc an táng hay thăm viếng nghĩa địa nơi chôn kẻ chết.

Cũng vì lý do đó, mãi cho tới ngày nay, nền văn hoá Do-thái luôn hết sức tôn trọng sự sống và thân xác con người. Nhưng đồng thời, ở Ít-ra-en cả đến hôm nay việc khám nghiệm các tử thi là cả một vấn đề hết sức khó khăn, ngay cả việc mổ xẻ và lắp ghép các bộ phận con người cũng ít được công khai nói tới, cho dù việc áp dụng những tiến bộ y khoa là một điều tích cực và hết sức cần thiết của cả nhân loại.

2) Kitô giáo

Nền tảng cơ bản của Kitô giáo là đức tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa trong ba Ngôi Vị khác nhau, Đấng hằng hiện diện và tác động trong vũ trụ và trong lịch sử. Đó là điều được mặc khải một cách thực tiễn trong con người lịch sử của Đức Giêsu Na-da-rét.

Bởi vậy, trọng tâm của các giáo lý Kitô giáo là Đức Giêsu Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng Messia đã được hứa trong Cựu Ước. Sứ điệp của Người được gắn liền với lý do cuộc Xuất Hành và sự mong chờ có tính cách thiên sai của Cựu Ước. Với cái chết của Người trên thập tự giá, một trang sử mới của nhân loại được được lật qua và một thời đại mới của một lịch sử mới được thiết lập: Thiên Chúa luôn che chở Đấng bị đóng đinh và cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Và theo thánh Phaolô, biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu là một bảo đảm cho sự sống lại nói chung của tất cả mọi người quá cố trong ngày sau cùng. Đồng thời cuộc đời Đức Giêsu được gắn liền với biến cố «Apocalypse», với biến cố ngày chấm tận của vũ trụ và với niềm mong đợi ngày trở lại của Người. Và biến cố trở lại của Đức Kitô lại được gắn liền với các ý niệm «kẻ chết sống lại» và «ngày chung thẩm», «ngày phán xét thế gian». Một thế giới mới đến từ Thiên Chúa và một Giê-ru-sa-lem mới là niềm hy vọng của mọi tín hữu.

Ngay trong Cựu Ước đã đề cập tới «Ngày của Gia-vê»(3) và ngày đó được coi là ngày vũ trụ cũ và hư hỏng sẽ bị tiêu diệt, đồng thời một thời đại và một vũ trụ hoàn toàn được đổi mới và vượt lên trên thời gian và lịch sử, được thiết lập. Một vương quốc thái bình thịnh trị được bắt đầu và sự chết chóc sẽ không còn nữa. Chính từ sự xác tin này đã nảy sinh ra tư tưởng về sự sống lại của những người quá cố (Đn 12,1-3) và ngày chung thẩm, ngày phán xét chung, ngày của công lý và sự thật, hầu để phân biệt người lành kẻ dữ, phân biệt tội và phúc. Đó là một ngày quyết định và không một ai có thể thoát khỏi. Mọi sự thật sẽ được giãi bày trước ánh sáng công lý.

Còn trong Tân Ước, ngày chung thẩm theo nghĩa đen như thế thì thoạt đầu chưa được rõ ràng, bởi vì người ta bị chi phối bởi sự xác tín rằng nhờ sự sống lại của Đức Giêsu Kitô con người sẽ được sống trong thời đại của sự cứu rỗi. Về sau Sách Khải Huyền của thánh Gioan đã lấy những lưu truyền Do-thái giáo về biến cố thế mạt trong một cái nhìn toàn diện. Trong các phát biểu của Người về thời kỳ sau hết mà các bản Phúc Âm đã trình thuật lại, chính Đức Giêsu cũng loan báo về biến cố sẽ xảy ra.

Theo sự khẳng định của các Môn đệ Người, những nhân chứng trực tiếp, thì Đức Giêsu đã do quyền lực của Thiên Chúa mà sống lại khỏi mồ - vì chính Người cùng là Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhập thể - và đã hiện ra với hàng trăm người khác nhau trong các trường hợp khác nhau và sau đó 40 ngày thì Người đã lên trời trước sự chứng kiến của nhiều người (x. 1Cr 15,4-8). Một điểm đáng ghi nhận ở đây, là sự khẳng định và làm chứng của các Môn đệ hoàn toàn khả tin, vì tất cả họ đã lấy sự sống của chính mình để đánh đổi sự thật mà họ khẳng định. Chính đây là điểm quyết định, vì không một ai lại đánh đổi mạng sống mình cho một điều gian dối cả! Và mầu nhiệm sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã loan báo trên khắp mặt đất và đã khơi dậy được một niềm xác tín nơi hàng tỷ người là một ngày kia tất cả mọi người sẽ được sống lại để sống một cuộc sống vĩnh cửu.

Qua cái chết, linh hồn bất tử của con người sẽ lìa ra khỏi xác và đi vào chốn vĩnh cửu, một nơi linh hồn sẽ được Thiên Chúa chí công xét xử. Các Kitô hữu thời tiên khởi đã đinh ninh rằng ngày trở lại của Đức Kitô chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra, do đó trong suốt dòng thời gian một câu hỏi đã được đặt ra là giữa sự chết, sự sống lại và ngày tận thế, thì linh hồn con người sẽ phải ra sao và những gì có thể sẽ xảy ra cho nó.

Bởi vậy, đã nảy sinh tư tưởng về sự chết hoàn toàn, và sự sống lại chỉ xảy ra trong ngày tận thế, trong ngày tận cùng của vũ trụ. Và trong suốt thời gian trước ngày đó, linh hồn những kẻ chết hoàn toàn vô thức, hầu sau đó được trải nghiệm sự sống lại của thân xác mình. Theo quan điểm này thì con người chỉ sống một lần duy nhất và qua cách sống của mình, con người đã tự quyết định cho tương lai của mình: Hoặc được hưởng hạnh phúc bất diệt trên Thiên Đàng, hoặc bị trầm luân đời đời trong hoả ngục!

Lý thuyết về một cuộc sống buồn thảm sau khi chết như thế, mãi cho tới ngày nay vẫn còn phổ thông nơi một số các Kitô hữu Tinh Lành và nơi Các tín đồ của môn phái Chứng nhân Jehovas. Tuy nhiên, lý thuyết này khó đứng vững, vi thiếu hẳn nền tảng cơ bản. Trong khi đó, một số đông các Kitô hữu khác lại xác tín là không chỉ có hai giải pháp Thiên đàng hay hoả ngục mà thôi, nhưng còn có một giải pháp thứ ba ở giữa hai giải pháp trên và được coi như một tình trạng hay một nơi chờ đợi ở dưới âm phủ. Giải pháp này được coi là hợp lý nhất. Đó chính là giáo lý phổ cập của Giáo Hội Công Giáo về chốn Luyện hình (Purgatorium), nơi thanh luyện và tẩy xoá các vết nhơ tội lỗi nơi các linh hồn. Vâng, trước khi được xứng đáng bước vào Thiên đàng, nơi cực thánh của vinh quang Thiên Chúa ngự trị, để cùng các chư Thần chư Thánh vui huởng hanh phúc bất diệt của Thiên Chúa, thì những ai còn vương vấn các tội nhẹ cần phải được thanh tẩy. Còn những ai sa phạm các tội trọng thì đương nhiên phải đi vào hoả ngục, một nơi được dành cho ma quỷ và cho kẻ ác. Theo quan điểm Kitô giáo thì sự báo trả ở bên kia thế giới mang tính cách vĩnh cửu, bất biến.

Nhưng dĩ nhiên, sau khi chết linh hồn con người không hề «ngủ vùi» trong một nơi nào đó để chờ cho tới ngày sống lại sau cùng mới được đánh thức để bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng cuộc sống mới được bắt đầu ngay sau khi linh hồn lìa khỏi xác. Đó cũng là niềm xác tín của Giáo Hội Công Giáo. Trong một buổi triều yết công cộng tại Roma vào năm 1998, ĐTC Gioan Phalô II phát biểu:

«Tuy nhiên người ta không được phép cho rằng cuộc sống sau khi chết chỉ được bắt đầu trong ngày sống lại sau hết. Trong thực tế, cuộc sống đó được thể hiện trước đó dưới một tình trạng đặc biệt, mà mỗi người đều cảm nhận ngay trong nháy mắt sau khi tắt thở. Đó chính là giai đoạn chuyển tiếp, trong giai đoạn đó khi thân xác bị hư hoại thì phần tinh thần vẫn tiếp tục tồn tại với đầy đủ ý thức và ý chí. Như thế bản ngã con người vẫn tiếp tục tồn tại, dĩ nhiên trong sự tiếp tục tồn tại này hoàn toàn không mang tính cách thể xác.(4)

Vậy, qua sự giải thích của Đức Gioan Phaolô II như trên, thì sự sống lại của mỗi người được bắt đầu ngay sau khi chết. Nói cách khác, sau khi chết, tức sau khi lìa bỏ thân xác, linh hồn con người bắt đầu ngay một cuộc sống mới trong nơi vĩnh cửu.

3) Hồi giáo

Cánh chung luận của Hồi giáo được bắt nguồn nơi Sách Co-ran, bản Kinh Thánh của những tín đồ Hồi giáo. Sách Co-ran được mặc khải cho tiên tri Mô-ha-mét tại Méc-ca và Mê-đi-na, vào thế kỷ VII sau công nguyên. Đối với các tín đồ Hồi giáo, thì Sách Co-ran là cuốn Sách Thánh bao gồm mọi điều khôn ngoan, hướng dẫn con người trong cuộc sống đời này và đời sau. Từ «Thiên Chúa» trong tiến Ả-rập là «Allah», và mỗi người tín đồ Hồi giáo được coi là người đã được hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì thế, tất cả những ai không hiến dâng cho Thiên Chúa, tức không phải tín đồ Hồi giáo, đều bị coi là người vô đạo. Trong khi đó, đức tin Hồi giáo thực ra không hề được ràng buộc với một sự tuyên tín nào nhất định cả. Trên nguyên tắc, thì cánh chung luận của Hồi giáo có rất nhiều điểm trùng hợp với quan điểm của Kitô giáo.

Thật vậy, Hồi giáo cũng cho rằng chết, trải nghiệm cuối cùng trong cuộc sống trần thế, là một điều hoàn toàn không thể tránh né được. Trong Sách Co-ran viết: «Mỗi linh hồn sẽ nếm thử sự chết.» Theo quan điểm Hồi giáo, con người được coi là một sự hợp nhất giữa linh hồn, thân xác và tinh thần. Con người được «hình thành… bởi đất» (20:53-55), «… từ đất thó và sống động được bởi thần khí của Thiên Chúa» (15:19), «… chúng ta thuộc về Allah và chúng ta sẽ lại quay trở về với Người.» (2:156)

Tinh thần là căn nguyên thánh thiêng và là nguyên lý sự sống trong con người và cũng được gọi là «ánh sáng bắt nguồn từ ánh sáng vĩnh cửu». Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên và được quyền cai quản trên mọi tạo vật. Sinh và tử của con người được coi như là ý định của Thiên Chúa, và tất cả mọi sự thiện hảo cũng như tất cả mọi bất hạnh đều từ Thiên Chúa mà đến. Allah luôn là nguyên cớ của mọi sự. Chết không có nghĩa là hết, là tận cùng. Sự chết được coi là thời điểm đã được Thiên Chúa ấn định, khi giai đoạn thử thách của con người trên thế giới này được kết thúc. Tuy nhiên, con người vẫn tiếp tục sống. Đối với tín đồ Hồi giáo, quan điểm này không phải là lý thuyết bí nhiệm, nhưng là lời Chúa phán và là giáo lý đức tin.

«… Người chính là Đấng ban cho các ngươi sự sống, và rồi Người sẽ để các ngươi chết, và rồi lại làm cho các ngươi sống động» (22:66). Cuộc sống đời này quyết định về cuộc sống mai hậu của con người, và chỉ được coi như là một sự hưởng dùng tạm thời: «… Cuộc sống trên quả đất này quả thực chỉ là một sự nếm thử chóng qua; và thế giới mai hậu mới thực sự là nơi cư trú bền vững» (40:39). Trong Hồi giáo, ý nghĩa sự chết phát xuất từ sự đối chiếu giữa sự hiện hữu vĩnh cửu và sự chóng qua của thế giới.

Theo sự xác tín của Hồi giáo, thì mọi sự đã được tiền định từ trước, chính giờ chết của mỗi người đều đã được Thiên Chúa ấn định ngay khi được dựng nên. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất ban sự sống và để cho chết. Tất cả những gì được ban thưởng cho cuộc sống đời này cũng như ở đời sau hoàn toàn là một điều tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. «Allah luôn tha thứ và nhân hậu.» (3:155. Tình thương xót và lòng nhân hậu là nền tảng cho sự quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Các Suren (chương) 113 và 114 của Sách Co-ran đã bắt đầu với câu «Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Đấng từ bi và hay thương xót.»

Theo nguyên tắc, việc tự tử bị cấm. Sách Co-ran là Sách Thánh duy nhất và hoàn toàn cấm ngặt và lên an việc tự tử. Sách Co-ran viết: «Các ngươi chớ gieo mình vào sự huỷ hoại bằng chính đôi tay mình.» Ngay cả khi gặp phải sự đau đớn bất khả kham và sự tuyệt vọng, người ta cũng không được tự sát: «Ai tự đâm vào mình để tự sát, người đó sẽ bị đâm thủng trong hoả ngục. Còn ai tự gieo mình từ trên núi xuống, thì trong hỏa ngục người đó sẽ muôn đời bị như thế mãi.»

Con người không được phép huỷ hoại sự sống đã được ban cho mình cũng như sự sống của những người đồng loại khác. Ngay cả việc cộng tác vào việc tự tử của kẻ khác cũng bị cấm. Sách Co-ran viết: «… và các người đừng tự giết mình» (4:29). Hành động giết người, dù giết kẻ khác hay tự tử đều bị nghiêm cấm.

«Nếu ai vi phạm điều đó và làm một cách ác độc, thì Ta sẽ cho hầm nhừ nó trong lửa, và đó là một điều không hề khó khăn đối với Allah! Nếu các ngươi tránh xa những điều năng nhọc và những điều cấm các ngươi làm, thì Ta sẽ cất khỏi các ngươi những điều dữ nhỏ nhặt của các ngươi và đưa dẫn các ngươi vào một nơi đầy vinh dự.» (4:30-31)

Cái chết đời này là cánh cửa dẫn vào cuộc sống kế tiếp, như là sự chuyển tiếp dưới một hình thức khác của sự hiên hữu. Nhiều chỗ trong Sách Co-ran đề cập đến việc báo trả cho những việc lành và việc dữ của một người. Vì lãnh vực thiêng liêng quá bí ẩn đối với con người, nên cách thức một cuộc sống hạnh phúc mang tính cách vật chất được ghi rõ bằng con số và được ám chỉ qua các hình ảnh biểu tượng. Trong các giáo lý chính thức về giai đoạn giữa sự chết và sự sống lại, không được rõ ràng. Tư tưởng từ niềm tin đại chúng và cả trong những sách thần học thông dụng người ta đã tìm thấy quan điểm về sự tra khảo ở trong mồ, «nỗi sầu khổ mồ mả.» Tiên tri Ma-hô-mét coi mồ mả là «nơi chốn đầu tiên của thế giới bên kia.» Ở trong chốn đầu tiên này, các Thiên thần sẽ trao hỏi người chết về Đức Chúa của anh. Người vô đạo sẽ không thể trả lời được câu hỏi này. Vị Sứ Giả của Trời Cao sẽ ra lệnh làm cho người đó một cái giường bằng lửa và một cánh cửa mở ra phía lửa cháy, hầu cho mộ phần của người đó bốc khói và các xương sườn của y bị dồn ép lại với nhau. Mộ của kẻ vô đạo thu hẹp lại mỗi ngày mỗi hơn, mãi cho tới khi nấm mộ bóp gãy người đó, và y sẽ bị những con rắn to bằng gáy con lạc đà nuốt chửng, cho tới khi không chút thịt nào còn bám ở xương người đó. Các Thiên Thần đánh người đó bằng những cây sắt và từ buổi sáng tinh sương cho tới lúc chiều tà kẻ đó sẽ được nhìn thấy chương trình của hỏa ngục.(5)

Cũng thế, đức tin vào cuộc chung thẩm và sự sống lại của những người quá cố, thuộc về những giá trị tôn giáo quan trọng nhất: «… những ai tin vào Allah và ngày sau hết và thực hiện các việc lành, sẽ được Đức Chúa của họ ban thưởng…»(2:62). Tuy nhiên, trong ngày sau hết, con người toàn diện, cùng với thể xác, tinh thần và linh hồn sẽ được sống lại. Đức tin Hồi giáo cho rằng cuộc sống của vũ trụ và tất cả những gì có trong đó, sẽ chấm dứt trong ngày đã được luật ấn định. Tất cả mọi sự sẽ bị tiêu diệt. Tất cả những người ngay từ ban đầu đã sống trên trái đất, sẽ được sống lại và được dẫn ra trước toà án Thiên Chúa và Người sẽ cân nhắc các việc lành và các việc dữ: Những người làm việc thiện thì gặt hái được sự hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng, còn những người làm điều dữ thì phải chịu quằn quại đau thương đời đời trong hỏa ngục.

Sách Co-ran gọi sự vô đạo của con người và những việc làm độc dữ của họ là những nguyên nhân cho hình phạt khủng khiếp như thế, qua đó tất cả mọi kẻ vô đạo muôn đời sẽ bị chịu mọi cực hình kinh sợ trong hoả ngục. Còn những ai, trong cuộc sống mình biết đón nhận niềm tin Hồi giáo, thì sẽ được giải thoát khỏi hình phạt hoả ngục và được lên Thiên đàng.

Thiên đàng là nơi vui sướng muôn đời được dành cho tất cả mọi tín hữu. Trong Sách Co-ran, Thiên đàng được trình bày như là một khu vườn tuyệt vời. Ở đó có những dòng sông tuôn chảy nước, sữa bò, rượu và mật ong (14:23; 47:15). Ở đó cũng có đầy đủ mọi thứ hoa trái cũng như các thứ thịt chim chóc, nói tắt là có sẵn tất cả những gì phục vụ sự sung sướng thể xác. Trong số các vui sướng của các kẻ lành cũng có cả những cô trinh nữ và các cậu trai thiên đàng. Ngoài ra Sách Co-ran cũng nói đến khả năng được chiêm ngưỡng Thiên Chúa một cách trực tiếp, nhưng trạng thái xuất thần đó không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người được.

4) Cái chết của những tên khủng bố ở New York

Cuộc phá huỷ Trung tâm Thương mại Quốc tế WTC (World Trade Center) ở New York một cách khủng khiếp, bằng hành động tự sát của những tên khủng bố qua khích và kéo theo sự giết hại hàng ngàn người vô tội khác, đã cho thấy chiều kích hoàn toàn mới của nạn khủng bố ngày nay, do con người sáng chế ra và thực hành. Đó là những kẻ khủng bố không chỉ sẵn sàng huỷ hoại cuộc sống mình bằng sự tự sát, nhưng họ còn có một mục đích khác nữa là nhằm gây nên một sự phá hoại thật to lớn có thể và giết hại cho thật được người. Người ta cũng tường trình lại một điều khác cũng liên quan mật thiết đến vụ khủng bố này, là những tên khủng bố đã hy vọng sẽ được lên Thiên đàng và sẽ được Chúa Allah của họ thưởng công khi họ gây ra một hoả ngục trần gian như thế bằng sự tự sát của họ và bằng sự giết hại nhiều người vô tội. Sự tin tưởng ngây ngô và độc ác đó hoàn toàn là một ngu si lầm lẫn tai hại.

Như đã từng được trình bày trên, sự nghiên cứu khoa học trong 30 năm vừa qua trên khắp thế giới và độc lập với các quan điểm thuộc lãnh vực ý thức hệ và tôn giáo, đã phải đối mặt với câu hỏi: Những gì sẽ xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta chết! Sự đánh giá về hàng triệu những trải nghiệm về sự chết trên khắp thế giới đã làm nảy sinh một qui tắc làm nền tảng cho tất cả mọi cảm nghiệm về sự chết: Linh hồn con người xuất ra khỏi xác và người trong cuộc cảm thấy mình vẫn sống và sống động hơn bao giờ hết.

Nếu vậy, linh hồn của những kẻ khủng bố - khi chúng đâm đầu cùng với chiếc máy bay vào hai toà nhà vĩ đại của Trung tâm Thương mại Quốc tế ở New York để tự sát và để giết hại hàng người khác – đã bị trục xuất một cách cực kỳ vội vàng ra khỏi xác như thế và chắc chắn đã phải vô cùng đau đớn. Những kẻ khủng bố cũng cảm nghiệm rằng học vẫn sống động sau khi đã chọn cho mình một cái chết vô xùng đau đớn và lầm lạc. Và nếu linh hồn của những kẻ đó không bị cầm giữa lại trong đường hầm đen tối, thì đương nhiên phải trực tiếp đối diện với nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi trên đường bước vào thế giới vĩnh hằng.

Nhất là khi các kẻ khủng bố xuất hiện trong ánh sáng mà họ sẽ nhận ra rằng đó là tình yêu thương, là sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu và sự công bằng. Và tương tự như nơi các người quá cố khác, những kẻ khủng bố cũng sẽ nhìn lại cuộc sống của mình. Bấy giờ họ sẽ nhận ra được một cách rõ ràng trách nhiệm, cuộc sống và các hành động cũng như tư tưởng của họ. Dĩ nhiên, những kẻ khủng bố sẽ không chỉ trải nghiệm được một sự hiểu biết chính xác về những gì thuộc về cuộc sống của họ, nhưng họ còn phải trải nghiệm cả những hậu quả và những tác động của những hành động tiêu cực của họ trên người khác. Sau khi chết, tức khi không còn trong một thể xác mang nặng những dục vọng như hận thù, phe phái, ích kỷ, v.v…, linh hồn của những kẻ khủng bố sẽ trở nên hoàn toàn sáng suốt minh mẫn để nhìn thấy được những việc phải-trái, đúng-sai do họ gây ra và đời đời phải gánh chịu mọi báo trả khủng khiếp cho mọi hành động man rợ và vô nhân đạo của mình, vì mọi sự đã quá muộn mằn.

Những quan điểm về sự sống lại và ngày chung thẩm của Do-thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, được xác nhận trong qua sự trải nghiệm về sự chết. Dĩ nhiên, từ «sống lại» ở đây được hiểu là sự sống mới của linh hồn trong chốn vĩnh cửu, một sự sống ngoài thân xác.

Về điểm đó, chính ĐTC Gioan Phaolô II đã giải thích vào tháng 10. 1998 như đã nói ở trên, là cuộc sống con người sau khi chết không phải chờ tới ngày sống lại sau cùng mới được bắt đầu, nhưng phần tâm linh tức linh hồn con người tiếp tục hiện hữu ngay sau khi chết.(6)

Còn Thiên đàng hay hoả ngục là tình trạng hạnh phúc hay đau khổ do chính chúng ta tạo ra cho mình qua những hậu quả tất nhiên của các hành động trong cuộc sống chúng ta. Trong trường hợp những tên khủng bố ở New York thì chính thực tại sự chết của trên ba ngàn người vô tội mà chính chúng đã gây ra qua hành động giết người đầy chủ ý của mình. Sự khủng khiếp cho những kẻ khủng bố là khi họ nhận chân ra được những hậu quả vô cùng thảm khốc mà họ đã gây ra cho bao người khác và các hậu quả đó quay trở lại đời đời chất nặng lên linh hồn họ. Và đó là tất cả sự thật mà họ phải đối mặt khi họ phải ra đứng trước toà Thiên Chúa Tối Cao, chứ không phải Thiên đàng và các phần thưởng của Chúa Allah dành cho họ như họ lầm tưởng.

5) Kết luận

Sống trên đời, mỗi người đều ý thức được những luật lệ tự nhiên mà Tạo Hoá đã khắc in vào trong lương tri con người khi họ được sinh ra trên cõi đời này. Ví dụ: «Ai gieo gì thì sẽ gặt được thứ đó», «Ngươi không được giết người», «Điều gì ngươi không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm điều đó cho người khác.» Đó là những nguyên tắc sống nền tảng, là qui luật cơ bản cho hết mọi người, hoàn toàn độc lập với tất cả mọi quan điểm và xác tín tôn giáo, vì sự sống con người là điều thiện hảo tối thượng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Quan niệm cho rằng chỉ các tín hữu mới được sống, còn những kẻ vô đạo hay vô thần thì đáng phải chết, là một điều hoàn toàn vô lý và đi ngược lại các nguyên tắc sự sống, nhất là đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa Tạo Hoá. Những gì chúng ta học hỏi được qua các khám phá mang tính cách khoa học về sự chết, đó là: Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa không hề cho phép chúng ta giết hại người khác, vi lý do là họ có suy tư, có ý kiến hay có sự xác tín khác chúng ta

_____________________

Chú thích:

1. xem Is 45,18-21; Xh 20,1-2.

2. Sách Talmud: cuốn Tanach thì Sách Talmud là sách Kinh Thánh rất quan trọng của Do-thái giáo và có nghĩa là dạy dỗ hay học tập. Năm cuốn Sách Thánh đầu của Môisê được gọi Torah lý thuyết, còn Sách Talmud là Torah thực hành. Còn Sách Tanach, Sách Kinh Thánh của Do-thái giáo, viết tắt các chữ Tora, Nevi’im và Ketuvim.

3. Is 61,2; 63,4; Gr 46,10; Am 5,20; Xp 1,14-18.

4. Báo Osservatore Romano bằng tiếng Đức, số 45, ngày 6.11.1998

5. Hortense Reintjes-Anwari: „Der Tod aus islamischer Sicht.“ Trang 229. Trong: Constantin von Barloewen (Hrsg): „Der Tod in den Weltkulturen und Weltreligionen.” Frankfurt a.M. 2000.

6. Báo Osservatore Romano bằng tiếng Đức, cùng chỗ như trên.
 
Tin Đáng Chú Ý
Gs Hồ Tuấn Hùng: Hồ Chí Minh Là Người Khách Gia (Trung Quốc) (?)
Tạ Phong Tần
16:57 30/11/2008
Gs Hồ Tuấn Hùng: Hồ Chí Minh Là Người Khách Gia (Trung Quốc) (?)

November 28, 2008

Sách "Hồ Chí Minh Sanh Bình Khảo" giới thiệu trên website Press Store

Bià sách "Hồ Chí Minh Sanh Bình Khảo
Sách “HỒ CHÍ MINH SANH BÌNH KHẢO” (Khảo cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh) do tác giả Giáo sư Hồ Tuấn Hùng (Đài Loan) dày công nghiên cứu trong nhiều năm qua, vừa được Nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành tại Đài Loan vào ngày 01/11/2008 (mã số ISBN: 9789866820779).

Giáo sư Hùng sanh năm 1949, tốt nghiệp khoa Lịch sử của Trường Đại Học Quốc Lập Đài Loan, có kinh nghiệm giáo chức 30 năm đồng thời ông còn là viên chức cao cấp Giáo Dục Hành Chính.

Theo Giáo sư Hồ Tuấn Hùng, cụ Hồ Chí Minh xuất thân là người dân tộc Hồ trong nhóm Khách Gia (Hakka, người Việt ở Bạc Liêu gọi là Hẹ) tại huyện Miên Lật, địa khu Đồng La, Đài Loan.

Lời giới thiệu sách trên website của Nhà sách Press Store như sau:

Mặc dù thời gian đã vào Thiên niên kỷ thứ 2, phương tiện truyền thông và công nghệ hiện đại đã phát triển mạnh, nhưng trong 40 năm qua, gia đình, lịch sử, khả năng ngôn ngữ, lý tưởng cách mạng, thực tế hôn nhân, thậm chí những bí ẩn của sự sống và cái chết của “cha Hồ Chí Minh” vẫn bị Đảng Cộng sản che giấu như “bị khóa trong hộp đen, tại sao ?”.

Giáo sư Hùng nhiều lần khẳng định rằng, ông Nguyễn Ái Quốc đã “bệnh vong” năm 1932, từ năm 1933 và người đội lốt cái tên Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh, chính là một người tộc Khách Gia có tên là Hồ Tập Chương - một người dòng tộc Giáo sư Hồ Tuấn Hùng.

Quý vị có thể tham khảo nội dung sách tại website của nhà sách Press Store hở đây.

Công bố của Giáo sư Hồ Tuấn Hùng quả là một “quả bom tấn” gây chấn động mạnh trên thế giới và cộng đồng người Việt, hoàn toàn ngược lại với những gì mà người Việt Nam được biết về cụ Hồ Chí Minh qua các chương trình giáo dục của sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường và báo chí, sách vở xuất bản tại Việt Nam.

Sự việc quả là rất quan trọng vì Giáo sư Hồ Tuấn Hùng đã lật đổ toàn bộ “thần tượng” về một lãnh tụ được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam suy tôn là “Cha già dân tộc Việt Nam”, bỗng dưng đùng một cái, cụ Hồ Chí Minh lại trở “trở về cội nguồn” thành “con dân Trung Quốc” thì rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Sách đã xuất bản và lưu hành rộng rãi từ ngày 1/11/2008, tính đến nay đã 27 ngày, nhưng chưa thấy phía Chính phủ Việt Nam có động tĩnh gì.

Thiết nghĩ Chính phủ Việt Nam cần sớm có tiếng nói chính thức để phản biện lại vấn đề này (Ví dụ: Kiện tác giả ra Tòa án Quốc tế), giống như Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ vụ sách giáo khoa lịch sử của Nhật che giấu những tội ác mà quân đội Nhật gây ra tại Châu Á trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Công Lý và Sự Thật's Blog