Trân trọng giới thiệu 3 phút Video chia sẻ: CHÚA TỚI NHÀ LÀ ĐỔI ĐỜI
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Đó là lời Chúa
PHÚC THẬT
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
1. LÝ DO MỪNG LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ.
Ngày đầu tiên của tháng 11, Hội Thánh mừng kính tất cả các thánh Nam Nữ đã và đang được Chúa trọng thưởng trên trời. Có bốn lý do để Hội Thánh lập lễ này:
a. Các thánh quá nhiều, không thể mừng mỗi vị một ngày riêng. Chỉ tính 25 năm đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên đến 476 hiển thánh, 1315 chân phước. Mỗi năm chỉ 365 ngày. Nếu mừng mỗi ngày một vị thánh, chỉ tính thời Đức Gioan Phaolô II, đã không đủ ngày, huống hồ là suốt hơn hai ngàn năm. Bởi con số những vị thánh trong Hội Thánh là nhiều vô kể.
b. Vì không phải mỗi vị thánh đều được Hội Thánh tuyên phong. Có rất nhiều người được coi là thánh thiện, nhưng Hội Thánh chỉ tuyên một số vị nổi bậc tiêu biểu cho các nhân đức, cho ơn gọi nên thánh, để nhờ gương cụ thể của các thánh mà ta có thể học tập, noi gương đời sống các ngài mà sống nhân đức, sống thánh thiện.
c. Vì vô số các thánh vô danh, không ai biết đến. Các vị có thể là người thân của ta. Vì thế, ngày lễ hôm nay là ngày quan trọng nhất, vui mừng nhất của từng người. Vì trong tầng tầng lớp lớp các vị mà ta gọi chung là các thánh Nam Nữ, có thánh bổn mạng, ông bà tổ tiên, những người cùng lối xóm, bạn bè, ruột thịt… của ta. Các ngài từng sống như ta trong cuộc đời, nay đi qua cuộc đời và đạt tới ơn cứu độ trong Thiên Chúa.
d. Lễ các thánh Nam Nữ nhắc ta nhớ tới quê hương thật, là quê hương trên trời. Lễ này giúp ta củng cố niềm hy vọng hưởng vinh quang bên Chúa như toàn thể các thánh.
Các thánh Nam Nữ cũng giống chúng ta: Xưa khi còn sống trên trần thế, các ngài cũng đầy bất toàn, cũng nhiều yếu đuối… Nói cách khác, các thánh Nam Nữ là những con người bình thường như mọi người. Nhưng điều quan trọng để các ngài được nên thánh đó là những cố gắng, những nỗ lực, những chiến đấu cam go để nên giống Chúa Kitô, sống nghèo khó, sống hiền hòa, sống yêu thương. Các ngài ra sức sống trọn vẹn Tám Mối phúc mà Chúa dạy, để hiến dâng trọn đời, hiến dâng sự trung thành cho Thiên Chúa.
Có những vị thánh công nghiệp lẫy lừng cả nhân loại đều biết. Có những vị lại nên thánh trong lối sống thanh thoát với của cải mau qua, quyết sống nghèo như Chúa dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Có những vị dành trọn cuộc sống trần thế, bất kể hiểm nguy, bất kể tù tội… quyết hy sinh chính mình vì công lý, vì chân lý, vì sự bình an của đồng loại. Các ngài nêu cao tinh thần bất khuất: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”.
Có những vị mạnh mẽ chấp nhận chết dể bênh vực Đạo Chúa, nhưng cũng có vị sống giữa đời luôn nở nụ cười khả ái với mọi người, không tranh chấp, không đố kị, không hiềm khích để đêm ngày đón nhận phúc của Chúa: “Phúc cho ai hiền lành”. Có những vị can đảm chấp nhận thánh giá của Chúa Kitô hết sức can trường, sống một đời vui trong đau khổ, để đạt Phúc Thật của Chúa: “Phúc cho ai đau buồn”. Có những vị trọn đời sống công chính, không để mình lây bất cứ ô nhiễm nào của cám dỗ, của tội lỗi để nêu cao các mối phúc: “Phúc cho ai đói khát công chính, phúc cho ai thanh sạch”.
Chúng ta hãy suy niệm và chiêm ngắm tình yêu Tám Mối Phúc Thật mà các thánh nêu gương. Chúng ta nối tiếp bước chân các ngài đi vào trời cao. Các thánh đã theo những nẻo đường Phúc Thật mà Chúa Kitô giới thiệu, dù rất âm thầm, và đã thành công. Chúng ta cũng sẽ thành công, khi tiếp tục dõi theo từng bước Chúa Kitô đã lưu dấu.
2. HẠNH PHÚC THẬT CỦA CHÚNG TA.
Sống trên đời, ai cũng mong, cũng tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì, thì không phải ai cũng biết mà tìm. Các thánh Nam Nữ đã tìm được hạnh phúc. Các ngài biết đường đi, đó là đi về phía Chúa, ấp ủ tình yêu của Chúa trọn trái tim và trọn cuộc đời. Đó cũng chính là hạnh phúc thật mà các ngài đã chiếm trọn vẹn nhờ tình yêu đối với Thiên Chúa, sống và noi theo gương của chính Chúa Kitô.
Đến lượt mình, tiếp nối và bắt chước các thánh Nam Nữ, ta lại xây dựng hành trình tiến về hạnh phúc đời mình bằng cách sống mạnh mẽ, sống tích cực Tám Mối Phúc Thật của Chúa. Chỉ có Chúa Kitô, Đấng duy nhất đủ quyền năng và tình thương, giới thiệu ta con đường và điều kiện để chiếm hữu phúc thật, phúc đời đời. Đó là Tám Mối Phúc.
Nếu các thánh thành công nhờ chọn lựa Phúc Thật để sống, thì chúng ta, khi quyết tâm sống các Mối Phúc, sẽ thành công như các ngài. Các ngài là gương mẫu dạy chúng ta định hướng đời mình. Bởi hạnh phúc không bao giờ đến với ai xây dựng đời mình theo tiêu chuẩn thế gian, mà chỉ dành cho ai dám chọn lựa Phúc Thật như Chúa Kitô dạy.
Nếu xưa, các thánh đã nên thánh nhờ sống Tám Mối Phúc Thật, thì nay chúng ta cũng nên thánh bằng con đường Phúc Thật ấy:
- Chúng ta sống tinh thần nghèo khó bằng sự xa tránh tất cả mọi thứ tham lam, mọi tìm kiếm trong trần thế để chỉ tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa mà thôi.
- Chúng ta sống sự hiền lành bằng cách rộng lượng tha thứ cho kẻ xúc phạm mình, và luôn tìm thái độ an hòa, vui tương khi đến với anh chị em.
- Chúng ta chấp nhận mọi thử thách trong đời. Đó là cây thập giá mà chúng ta tình nguyện vác lấy vì phần rỗi của mình, vì phần rỗi của nhân loại, để theo Chúa Kitô, hiến tế như Chúa Kitô.
- Chúng ta luôn tìm kiếm chân lý Nước Trời, tìm kiếm sự thánh thiện, để từng ngày ta hoàn thiện chính mình hơn trong các nhân đức, trong lòng yêu mến Thiên Chúa.
- Chúng ta tỏ lòng thương xót, mến yêu, đón nhận anh chị em, đón nhận cả người không thiện cảm, hay nghịch cùng ta, bằng cầu nguyện hằng ngày cho tất cả họ.
- Chúng ta quyết giữ tâm hồn thanh sạch, để việc thờ phượng Chúa luôn tinh ròng, không vướng chút ô nhiễm nào, nhất là những cám dỗ đòi ta nô lệ thân xác. Những gì càng cản trở việc nên thánh, thì càng phải quyết tâm chiến thắng, quyết tâm tránh xa.
- Chúng ta theo đuổi con đường hiếu hòa. Sống ở đâu, hiện diện nơi nào, nơi đó phải tràn ngập bình an, tràn ngập niềm cảm thông và yêu thương nhau.
- Chúng ta sẵn sàng tuyên xưng đức tin, làm chứng đức tin bằng mọi cách thế, nhất là bằng gương lành của bản thân, để luôn minh chứng đức tin mà Hội Thánh truyền cho ta.
Lạy Chúa Giêsu, làm người, ai cũng khát khao được hạnh phúc, nhưng con người lại bị nhận chìm trong nỗi bất hạnh, vì không biết cội nguồn hạnh phúc ở đâu. Chúng con tìm hạnh phúc mau qua, bỏ đi hạnh phúc trường cửu. Chúng con tìm hạnh phúc thế trần, thay vì tìm hạnh phúc Nước Trời. Xin cho chúng con được khôn ngoan, biết chọn lựa hạnh phúc mà Chúa giới thiệu hôm nay. Đó là PHÚC THẬT.
21. Muốn biết một người có nên giống Đức Chúa Giê-su hay không, thì phải coi họ sẽ chấp nhận sự khinh mạn sỉ nhục của người khác đối với mình như thế nào.
(Thánh Angela Merici)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Rất nhiều người cho rằng phải ẩn thân nơi chỗ sơn thủy vắng vẻ, thì mới có thể tu thân dưỡng tính. Thực ra, đó chỉ là một loại tâm lý chạy trốn mắt không thấy lòng không phiền mà thôi.
Tu luyện chân chính là ở trong trần thế, giữa xã hội, trong thất tình lục dục, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, động lòng nhẫn tính, chịu đựng khó nhọc, không để cái được mất chế ngự, không để danh lợi cám dỗ, thế giới có thể ở trong bạn thì cũng có thể ở ngoài bạn, tâm trạng tự nhiên thanh trong như nước.
Lúc nào mắt bạn có thể phiền muộn mà tâm không phiền, thì lúc đó bạn đã tự nhiên ngộ được đạo rồi vậy.
(Bài học cuộc sống)
Suy tư 38:
Muốn tu luyện làm linh mục thì phải vào chủng viện hoặc vào nhà dòng; muốn tu luyện làm tu sĩ thì phải vào nhà dòng nam hoặc nữ; muốn tu luyện thành người can đảm hùng dũng thì phải vào sinh ra tử ở chiến trường; muốn tu luyện thành người Ki-tô hữu tốt thì phải sống giữa đời làm men, làm muối và làm ánh sáng.
Men bị chai, muối bị nhạt, ánh sáng tắt ngúm là vì tâm hồn chúng ta muốn trốn đời lui vào nơi yên tĩnh, không phải để tu luyện mà là để hưởng thụ; không phải để hâm nóng lại tinh thần men muối và ánh sáng, nhưng là để nghỉ ngơi cho “bỏ ghét” cái rắc rối sự đời…
Tu luyện trong rừng cần phải có ơn Chúa, không phải khơi khơi mà trở thành vị ẩn tu; tu luyện trong chủng viện cũng phải được ơn Chúa, không phải muốn làm linh mục là làm; tu luyện trong nhà dòng cũng phải được Chúa chọn, không phải khơi khơi mà trở thành tu sĩ, bởi vì sứ mạng của mỗi người đều được Chúa an bài cả rồi, việc còn lại là chúng ta cố gắng chu toàn bổn phận của mình mà thôi, tức là không “trốn đời” vào rừng tu luyện, mà là sống giữa đời để làm men làm muối và làm ánh sáng…
Đó là một cách tu luyện mở đường nên thánh cho những người Ki-tô hữu.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (01/11)
Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12 a
NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG
1. TIN MỪNG : Mt 5,1-12a :
(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : (3) "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.(11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
2. SUY NIỆM :
- Chỉ có một Giáo Hội duy nhất, nhưng gồm ba tình trạng : Một là những tín hữu đang sống trên trần gian đang đi trên đường về quê trời gọi là Hội Thánh Lữ Hành; Hai là các thánh nam nữ đang được hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa gọi là Hội Thánh Chiến Thắng; Ba là các linh hồn đã qua đời trong tình thương của Thiên Chúa, nhưng vẫn còn mang vết nhơ tội lỗi hay chưa đền bù xong các món nợ với Chúa và với tha nhân, nên cần tiếp tục được thanh luyện trong chốn luyên hình gọi là Hội Thánh Đau Khổ (x. GLTYGHCG số 195).
- Hằng năm Hội thánh dành thời gian suốt tháng 11 để tưởng nhớ những người đã qua đơi. Ngoài những vị hiển thánh được Hội Thánh tôn kính đặc biệt trong niên lịch phụng vụ, còn rất nhiều tín hữu đã sống một đời sống tốt lành thánh thiện theo gương Đức Giê-su và khi qua đời đã được hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng, được mừng chung trong ngày 01 tháng 11 hằng năm và gọi là lễ kính Các Thánh Nam Nữ.
1) Nên thánh là gì? :
- Nên thánh là một đòi hỏi của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en là con dân của Ngài, như Ngài đã truyền dạy cho họ : “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2).
- Nên thánh là sự biến đổi nên thiện hảo noi gương Thiên Chúa như Đức Giê-su đã dạy các môn đệ : “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
- Nên thánh chính là biến đổi nên giống Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa, từ cách suy nghĩ nói năng đến hành động, luôn làm theo gương mẫu và lời dạy của Người, như Chúa Cha đã giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
- Nên thánh là để được gia nhập vào Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập là Hội Thánh hôm nay và Thiên đàng mai sau. Nước Trời này chỉ dành cho những ai có đủ điều kiện như Tám Mối Phúc Thật đòi hỏi là: Phải có tinh thần nghèo khó, ăn ở hiền lành, đang bị ưu sầu đau khổ, ước mong được nên công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính…
2) Nên thánh hôm nay là gì? :
Nên thánh hôm nay chính là đi con đường thánh giá của Đức Giê-su. Đây là đường hẹp, leo dốc và ít người muốn đi. Là con đường bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Chúa, là loại bỏ các thói hư tội lỗi bằng việc tập luyện các nhân đức, là kiên trì vác thập giá là chu toàn việc bổn phận của mình hằng ngày mà bước theo sau Đức Giê-su. Là chấp nhận cùng chịu đau khổ, cùng chết với Người để được phục sinh với Ngươi như Người đã nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Và “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,22-23).
3) Chiến đấu với ba thù :
Cuộc sống luôn có rất nhiều cám dỗ của ma quỉ, của thế gian và sự yếu đuối của xác thịt mình. Cám dỗ tìm sự dễ dãi theo tính tham lam và dục vọng… Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ chúng ta phạm tội chống lại Thiên Chúa và bị mất ơn cứu độ. Nhưng chúng cũng không thể làm gì được nếu chúng ta biết cậy nhờ ơn Chúa giúp qua lời cầu nguyện như Tông đồ Phê-rô đã kêu cầu Thầy khi sắp bị chìm xuông biển : “Thưa ngài, xin cứu con với” (Mt 14,30). Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy tay chúng ta và cho chúng ta lên thuyền bình an. Với điều kiện chúng ta phải xa lánh dịp tội và năng suy niêm Lời Chúa, cầu xin ơn Thánh Thần trợ giúp. Chính nhờ sức mạnh đức Tin và nhờ quyền năng của Thánh Thần mà chúng ta hy vọng sẽ có thể đứng vững và chiến thắng ma quỷ trong trận chiến cam go này, như lời thánh Phê-rô đã viết : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức Tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).
4) Chiều rộng của Ơn Cứu Độ :
- Ngày lễ hôm nay là lễ tưởng nhớ, vui mừng hiệp thông với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tất cả những người thân đã ra đi trước chúng ta và đã được về trời hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.
- Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là tu sĩ, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người.
- Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta hân hoan chúc tụng Các Thánh là bạn của chúng ta và xin các Ngài cầu thay nguyện giúp, để chúng ta nhận ra mình cũng được Chúa mời gọi nên thánh như các Ngài, và quyết tâm sống thánh giữa đời noi gương các Ngài.
- Chúng ta hãy cầu xin các Thánh giúp chúng ta tập sống thánh thiện trên đường trọn lành như lời Chúa Giê-su : “các con hãy nên Thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh”. Thánh Au-gút-ti-nô đã nói : “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không được?”
5. LỜI CẦU :
Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Chúng con xin tạ ơn Cha vì quyền năng và tình thương của Cha đã tác động trên các thánh. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và toàn thể các thánh nam nữ, chúng con xin Cha ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh hôm nay chúng con mừng kính. Hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp trên trời để tôn vinh và chúc tụng tình thương của Cha đến muôn đời. Amen.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Ga 6,32-40
TƯỞNG NHỚ CẦU NGUYỆN CHO TIỀN NHÂN
TIN MỪNG : Ga 6,32-40
Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40).
2. CÂU CHUYỆN :
1) NGUỒN GỐC LỄ CẦU HỒN (02/11) :
Thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Clu-ny. Đan viện này nằm trong phần đất của đế quốc Ger-ma-ny. Ngài là một người nhân đức, hằng ngày cầu nguyện hi sinh và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.
Một hôm, một đan sĩ trong đan viện Clu-ny đi viếng Đất thánh. Trên đường trở về Đan viện, tàu chở vị đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ chia sẻ : "Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ O-di-lo và các đan sĩ trong đan viện của ngài rằng : ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên thiên đàng và làm cho quỉ dữ thêm đau khổ dưới Hỏa ngục".
Sau khi nghe biết sự việc, cha O-di-lo đã lập lễ Cầu Hồn vào ngày 2 tháng 11 và cử hành trong đan viện Clu-ny của ngài vào năm 998. Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo Hoàng Gio-an 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rô-ma. Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn. Trong những ngày đó họ đến đất thánh thăm viếng, sửa sang mồ mả của cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn. Họ hát những bài ca cổ truyền để xin cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục. Tại nước Hun-ga-ry, người ta gọi ngày 2/11 là "Ngày người chết". Ngày đó, người ta tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình mình để cho chúng ăn, cho quần áo, quà bánh và đồ chơi… Tại miền quê nước Ba-lan: nửa đêm lễ các linh hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu xin được sớm thoát khỏi luyện ngục. Sau đó các linh hồn sẽ về thăm nhà mình, thăm nơi làm việc khi họ còn sống, nên các gia đình có người qua đời đều mở cửa sổ suốt đêm ngày 2/11 để đón các linh hồn.
2) CHỨNG TÍCH VỀ LUYỆN NGỤC : Có rất nhiều chứng tích về các linh hồn từ luyện ngục về xin cầu nguyện. Ở đây xin kể ra hai chuyện được lưu trữ tại bảo tàng Rô-ma :
- Chứng tích 1 : MẸ HIỆN VỀ VỚI CON TRAI :
Bà Le-leux, trong đêm 21-6-1789, đã hiện về với người con trai của bà là Jo-seph Le-leux ở Wo-decq (Bỉ). Bà hiện về 11 đêm liên tiếp để nhắc nhở con bà phải xin lễ cho bà, đồng thời bảo con bà phải sửa mình lại vì anh ta đang sống bừa bãi, khô khan nguội lạnh. Bà cầm tay con và in dấu cháy cả bàn tay bà vào ống tay áo của con. Kết qủa là anh đã trở lại sống thánh thiện, đã lập một hội đạo đưc dành cho giáo dân, các hội viên trong hội này đã thi đua nên thánh. Anh đã qua đời cách thánh thiện ngày 19-4-1825.
- Chứng tích 2 : MẸ CHỒNG HIỆN VỀ VỚI CON DÂU :
Nhạc mẫu của bà Ma-ga-ri-ta Dem-mer-lé thuộc giáo xứ El-ling-hen, giáo phận Metz, qua đời năm 1785, và 30 năm sau, năm 1815 đã hiện về với con dâu. Bà buồn bã nhìn con dâu như có ý xin điều gì. Bà Ma-ga-ri-ta Dem-mer-lé lên tiếng hỏi thì được bà mẹ chồng cho biết là mình về để xin con (dâu) cầu nguyện cho mình bằng cách đi hành hương lên Đền Đức Mẹ ở Ma-ri-en-tal. Người con dâu đã làm y như lời mẹ chồng xin. Sau cuộc hành hương ấy bà mẹ chồng hiện về với con dâu một lần nữa và báo cho biết là mình đã được ra khỏi Luyện ngục mà lên Thiên đàng. Bà Ma-ga-ri-ta xin một bằng chứng thì bà mẹ chồng liền in cả bàn tay mình lên trang sách Gương Phước đang để mở trên bàn…và từ đó bà không còn hiện về nữa.
3. SUY NIỆM : TƯỞNG NHỚ TIỀN NHÂN :
1) Đức Ki-tô thiết lập Nước Trời : Nước Trời trần gian là Hội Thánh ở trần gian hôm nay và Nước trời trên Thiên đàng mai sau. Điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời Hội Thánh ở trân gian là phải có lòng sám hối tội lỗi và tin vào Chúa Giê-su, phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần như lời Đức Giê-su đã kêu gọi khi ra giảng đạo : “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người cũng dạy : “Không ai có thể vào nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Phải thực hành giới răn bác ái bằng cách thực thi Tám mối phúc (x. Mt 5,3-12). Ngoài ra, để có được sự sống vĩnh cửu trên Thiên đàng, đòi người ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24), phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa” (x. Mc 8,34), và “cùng chết với Chúa để cùng được sống lại với Người” (Rm 6,8).
2) Mầu nhiệm các thánh thông công : Chúa Giê-su chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất trên nền đá tảng đức tin của tông đồ Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Hội thánh do Đức Giê-su thiết lập gồm ba tình trạng : Một là Hội Thánh Lữ Hành trần gian gồm các tín hữu đang sống, đang phải chiến đấu chống lại ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Hai là Hội Thánh Vinh Quang trên Thiên đàng gồm các thánh nam nữ đang được hưởng hạnh phúc với Chúa. Ba là Hội Thánh Đau Khổ gồm các linh hồn đang được thanh luyện trong chốn luyện hình, để họ ngày thêm thanh sạch thánh thiện và hy vọng một ngày nào đó sẽ được về Thiên đàng. Còn những ai chối bỏ Thiên Chúa, nghe theo ma quỷ phạm các tội ác mà không chịu hồi tâm sám hối, là đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh và sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời, “chung số phận với tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).
3) Bổn phận đối với các linh hồn trong luyện ngục : Đức Giê-su đã mặc khải về sự thanh luyện ở đời sau khi nói : "Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng" (Mt 5,26). Luyện ngục chính là phương cách Chúa dùng để thanh luyện các linh hồn khi chết vẫn còn mang vết nhơ tội lỗi hay chưa đền bù những thiệt hại đã gây ra cho tha nhân khi còn sống ở trần gian. Cầu xin Chúa giúp họ ngày một nên thanh sạch thánh thiện để sớm được Chúa rước về Thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Do đó, trong tháng các linh hồn này, mỗi tín hữu chúng ta cần dọn mình lãnh các ơn đại xá tiểu xá (với các điều kiện thường lệ), để chuyển các ơn ấy cầu cho các linh hồn trong chốn luyện hình; Ngoài ra, cần siêng năng lần hạt Mân Côi, xin lễ và làm những việc bác ái để đền tội thay cho các linh hồn là thân nhân, hay các linh hồn mồ côi … để họ sớm được về trời. Khi lên trời chắc họ sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Còn các linh hồn bị sa hỏa ngục do đã trở thành quỷ dữ, thì không còn thuộc về Hội Thánh nữa, nên chúng ta không cần cầu nguyện cho họ.
4) Về việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi : Thực ra, Hội thánh từ xưa đến nay không đặt vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và trong thực hành. Hội thánh không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân cầu nguyện, nên trong mọi thánh lễ dù có người xin lễ cầu riêng cho linh hồn thân nhân, thì vẫn có lời cầu chung cho tất cả “các tín hữu đã ly trần trong tình thương của Chúa”, gồm mọi tín hữu và cả các linh hồn chưa nhận biết Chúa. Như vậy : Nói linh hồn mồ côi chỉ là nói theo cách suy nghĩ của loài người chúng ta, nhưng cũng không sai với giáo lý và sự thực hành của Hội Thánh.
Thật vậy, trong phụng vụ thánh lễ hay kinh nhật tụng, Hội thánh vẫn khuyến khích việc cầu nguyện chung cho các linh hồn cũng như riêng từng linh hồn theo ý người xin lễ để cầu cho linh hồn mới qua đời cũng như cầu chung cho các linh hồn. Việc cầu nguyện ấy chắc sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Từ đó, có thể suy ra : những linh hồn không có thân nhân xin lễ cầu nguyện sẽ bị thua thiệt, nên đức ái buộc các tín hữu còn sống cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi này. Linh hồn mồ côi chính là những linh hồn bị quên lãng, vẫn đang được thanh luyện trong chốn luyện hình, nên rất cần được các tín hữu chúng ta vì đức bác ái hãy tưởng nhớ, xin lễ và làm các việc lành để cầu cho họ nữa.
4.LỜI CẦU :
Lạy Chúa, xin cho các linh hồn đã qua đời được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.
‘Ở ĐÂY VÀ LÚC NÀY’
“Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói, “Anh ơi, anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình!”. Ông khiêm tốn đáp, “Không, tôi sẽ nhận được sự thương xót cuối cùng của Chúa, cũng như đã nhận được phần thưởng của Ngài bấy lâu nay ‘ở đây và lúc này!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời khuyên của Chúa Giêsu xem ra khó thực hiện; vì lẽ, nó đòi hỏi một sự vị tha cao thượng. Thật ra, chúng ta chỉ thực hiện được đòi hỏi này cách dễ dàng và lâu bền khi cảm nhận được lòng thương xót vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chính mình ‘ở đây và lúc này’. Chẳng hạn, cái đơn giản và quan trọng nhất chúng ta không hề nghĩ tới là không khí; nếu Ngài lấy đi, chúng ta hết hiện hữu. Hiểu được nguyên tắc tâm linh này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc quên đi bản thân để sống cho người khác đã có “phần phúc” dành cho nó không chỉ mai ngày trên thiên đàng, nhưng đã được ban ‘ở đây và lúc này’, đó là sự thánh thiện.
Phải, sự thánh thiện là “phần thưởng” bạn và tôi nhận được cho những hành vi bác ái khi chúng ta phục vụ. Lòng thương xót là một hành vi yêu thương dành cho những ai đang cần mà không có bất kỳ một động cơ ích kỷ nào. Điều nó tặng trao chính là tình yêu vì lợi ích của tha nhân mà không có một điều kiện nào. Nhưng tin tốt lành là lòng thương xót thật sự tác động sâu sắc đến người trao nó. Bằng việc sống bác ái vị tha, chúng ta ngày càng nên giống Chúa Giêsu. Đây chính là phần thưởng lớn hơn chúng ta có thể nhận được từ người khác ‘ở đây và lúc này!’.
Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô ước ao cho các tín hữu sống tình bác ái vị tha đó, “Nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn”. Đó không chỉ là niềm vui của Phaolô, nhưng của tất cả những ai quên mình để sống cho người khác; một niềm vui an bình hoà chan mà Thiên Chúa ban cho con cái Ngài ‘ở đây và lúc này’. Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ tâm tình, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Anh Chị em,
“Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Như vậy không cần phải đợi đến ngày kẻ lành sống lại; chỉ cần sống quảng đại như lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Thiên Chúa ‘đáp lễ’ ‘ở đây và lúc này’. Mỗi ngày, qua Lời Ngài và Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta. Đón nhận Ngài, chúng ta đón nhận thiên đàng dưới thế và sờ đụng thiên đàng trên trời; vì lẽ, Giêsu chính là thiên đàng. Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy hào phóng với những gì mình có mà không cần suy nghĩ về phần thưởng hay sự đáp đền. Chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong chính sự cho đi, hơn là nhận lại từ sự cho đi. Một cách chắc chắn để đi trên con đường này là những người chúng ta trao tặng dường như không có gì để trả lại cho chúng ta. Tuy nhiên, thường xuyên hơn, khi trao tặng cho những người dường như không có gì để đáp lại, chúng ta thực sự nhận được từ họ nhiều hơn những gì chúng ta trao tặng họ. Bởi lẽ, cho đi hào phóng không bao giờ làm nghèo, nhưng luôn làm giàu cho trái tim ‘ở đây và lúc này’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì những hành động bác ái nơi con sẽ được đền đáp xứng đáng và trở thành nguồn cội và nền tảng cho sự thánh thiện của con ‘ở đây và lúc này!’”.
(Tgp. Huế)
Chúa Nhật 30 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 31 Mùa Quanh Năm.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giêsu vào Giêrikhô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”
Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Hôm nay, trong phần Phụng vụ, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, là người đứng đầu những người thu thuế ở thành Giêricô (Lc 19:1-10). Ở trung tâm của trình thuật này là động từ tìm kiếm. Anh chị em hãy chú ý động từ này: tìm kiếm. Dakêu “đang tìm kiếm xem Chúa Giêsu là ai” (câu 3), và sau khi gặp ông Dakêu, Chúa Giêsu nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (câu 10). Chúng ta hãy tập trung một chút vào hai ánh mắt tìm kiếm này: ánh mắt của ông Dakêu đang tìm kiếm Chúa Giêsu, và ánh mắt của Chúa Giêsu đang tìm ông Dakêu.
Ánh mắt của Dakêu. Ông ta là một người thu thuế, tức là một trong những người Do Thái đã thu thuế thay mặt cho những người cai trị Rôma, một kẻ phản bội quê hương và lợi dụng địa vị của mình. Vì vậy, Dakêu đã trở nên giàu có, bị ghét bỏ - bị thù hận! - bởi tất cả những điều này và bị coi là một người tội lỗi. Bản văn nói rằng “ông ta thấp bé về tầm vóc” (câu 3), và điều này có lẽ cũng ám chỉ đến nền tảng bên trong của ông ta, đến cuộc sống tầm thường, không trung thực của ông ta, với cái nhìn luôn hướng xuống phía dưới. Nhưng điều quan trọng là ông ấy thấp bé. Chưa hết, Dakêu muốn gặp Chúa Giêsu. Có điều gì đó đã thúc đẩy ông ta đến gặp Ngài. Phúc Âm nói: “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (câu 4). Ông trèo lên một cây sung: Dakêu, kẻ thống trị mọi người, tự biến mình thành lố bịch và làm một việc thật khôi hài - để gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng hạn, một bộ trưởng kinh tế trèo lên cây để xem xét một điều gì đó: ông ta có thể sẽ bị chế giễu. Và Dakêu đã liều mình cho thiên hạ chê cười để gặp Chúa Giêsu, ông tự làm cho mình trông thật lố bịch. Dakêu, bất chấp sự thấp hèn của mình, cảm thấy cần phải tìm kiếm một cách nhìn khác, đó là cách nhìn của Chúa Kitô. Ông vẫn chưa biết Ngài, nhưng ông đang chờ một ai đó giải thoát ông khỏi tình trạng của mình – là thấp hèn về mặt đạo đức - để đưa ông ra khỏi vũng lầy của mình. Đây là điều cơ bản: Dakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, không bao giờ có chuyện tuyệt vọng hoàn toàn. Không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ. Chúng ta luôn có thể tìm thấy không gian cho mong muốn bắt đầu lại, khởi đầu lại, hoán cải. Thay đổi, bắt đầu lại, hãy bắt đầu lại. Và đây là những gì Dakêu làm.
Về phương diện này, khía cạnh thứ hai có ý nghĩa quyết định: cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai đến để tìm kiếm những kẻ hư mất; và khi đến Giêricô, Chúa Giêsu đi ngang qua cây nơi Dakêu đang đứng. Tin Mừng thuật lại rằng “Chúa Giêsu nhìn lên và nói với ông: Ông Dakêu, mau xuống đi, vì hôm nay tôi phải ở nhà ông” (câu 5). Đó là một hình ảnh thực sự đẹp, bởi vì nếu Chúa Giêsu phải nhìn lên, có nghĩa là Ngài đang nhìn Dakêu từ bên dưới. Đây là lịch sử của ơn cứu rỗi: Thiên Chúa chưa bao giờ coi thường chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ làm nhục chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ đánh giá chúng ta – chưa bao giờ; ngược lại, Người hạ mình đến mức rửa chân cho chúng ta, từ dưới nhìn lên chúng ta và khôi phục nhân phẩm cho chúng ta. Theo cách này, cuộc gặp gỡ bằng ánh mắt giữa ông Dakêu và Chúa Giêsu dường như gói gọn toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại, với những đau khổ của mình, tìm kiếm ơn cứu chuộc, nhưng trước hết, Thiên Chúa, với lòng thương xót, tìm kiếm tạo vật để cứu nó.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: ánh mắt của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng nhìn với niềm tin tưởng vô hạn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người “thấp bé”, không đối phó nổi với những thử thách của cuộc sống và kém xa so với những đòi buộc của Tin Mừng, sa lầy vào những vấn đề và phạm tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương, Người nhìn chúng ta như nhìn Dakêu, Chúa Giêsu đến với chúng ta, Người gọi tên chúng ta và nếu chúng ta chào đón Ngài, Chúa Giêsu sẽ đến nhà của chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta nhìn lại chính mình? Chúng ta có cảm thấy bất toàn và cam chịu không, hay chính xác là lúc đó, lúc cảm thấy thất vọng, chúng ta có tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không? Và sau đó chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã sai lầm, và những người đang đấu tranh để vực dậy từ lớp bụi của những tội lỗi của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ trên cao, đánh giá, coi thường, và loại trừ? Hãy nhớ rằng nhìn xuống ai đó chỉ có thể là chính đáng nếu chúng ta nhìn xuống để giúp họ đứng dậy: chỉ trong trường hợp đó mà thôi. Chỉ trong trường hợp như thế mới là chính đáng khi nhìn từ trên cao xuống. Nhưng chúng ta, những người Kitô hữu phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng nhìn từ bên dưới, Người tìm kiếm những người hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây là, và phải là, cái nhìn của Giáo Hội, luôn luôn là cái nhìn của Chúa Kitô, không phải cái nhìn lên án.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, người mà Chúa đã nhìn vào lòng khiêm nhường, và chúng ta hãy xin Mẹ ban cho ân sủng là có một cái nhìn mới về bản thân và người khác.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Trong khi ăn mừng chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái ác và sự chết, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Mogadishu, giết chết hơn một trăm người, trong đó có nhiều trẻ em. Xin Chúa hoán cải trái tim của những kẻ bạo lực!
Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.
Hôm qua, tại Medellín, Colombia, Chân phước María Berenice Duque Hencker, người sáng lập Dòng Nữ tu Truyền tin, đã được phong chân phước. Sơ ấy đã dành tất cả cuộc đời dài của mình, kết thúc vào năm 1993, để phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và bị loại trừ. Xin cho lòng nhiệt thành tông đồ của sơ, đã thúc đẩy sơ mang sứ điệp của Chúa Giêsu vượt ra ngoài biên giới của đất nước mình, củng cố trong mọi người lòng khao khát tham gia, với lời cầu nguyện và lòng bác ái, vào việc phổ biến Tin Mừng trên khắp thế giới. Xin mọi người một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!
Tôi chào anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, các cá nhân tín hữu. Đặc biệt tôi xin chào anh chị em từ Tây Ban Nha, các tín hữu từ Córdoba, và dàn hợp xướng Orfeón Donostiarra từ San Sebastián, nơi đang kỷ niệm 125 năm hoạt động; các cô gái và chàng trai của Phong trào Hakuna; nhóm São Paulo, Brazil; và các giáo sĩ Indonesia và các tu sĩ nam nữ cư trú tại Rôma. Tôi chào các thành viên tham gia hội nghị được tổ chức bởi mạng lưới “Uniservitate” trên toàn thế giới và bởi LUMSA; cũng như các trẻ em từ Napoli chuẩn bị Rước lễ lần đầu và các nhóm tín hữu từ Magreta, Nocera Inferiore và Nardò. Và những người trẻ tuổi của phong trào Immacolata.
Chúng ta đừng quên đất nước Ukraine tử vì đạo trong lời cầu nguyện của chúng ta và trong đau khổ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, đừng bao giờ mệt mỏi khi làm như vậy!
Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt, và chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày Lễ Các Thánh.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Sunday, 30 October 2022
Tác giả Philip Kosloski của tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “Why is 3 a.m. known as ‘the devil’s hour’?” nghĩa là Tại sao 3 giờ sáng được gọi là ‘giờ của ma quỷ’?"
Những phim kinh dị và các chương trình truyền hình huyền bí thường nói về “giờ của quỷ”. Đó có thể là khoảng thời gian từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng hoặc khoảng thời gian từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Trong cả hai trường hợp, nhiều người cho rằng ma quỷ mạnh nhất trong khoảng thời gian này.
Ý tưởng này dường như nảy sinh từ nhận thức rằng Satan thích chế nhạo Thiên Chúa.
Các sách Phúc âm của Thánh Matthêu, Máccô và Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết trong “giờ thứ chín”. Theo cách tính hiện đại, đây sẽ là 3 giờ chiều. Theo ý tưởng này, Satan tự cho mình thời điểm 3 giờ sáng, để chế nhạo trực tiếp Chúa.
Một lý do khác mà thời gian này được coi là một thời điểm hoạt động ma quỷ cao bất thường là thực tế theo đó, vào giữa đêm,mặt trời đã lặn từ lâu và sẽ không mọc trong vài giờ nữa.
Kinh thánh nhiều lần đề cập đến đêm và bóng tối là thời gian của tội lỗi. Khái niệm này được tóm tắt một cách hoàn hảo trong Phúc âm của Thánh Gioan, “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3: 19-20).
Ngoài ra, Chúa Giêsu đã bị Giuđa phản bội trong đêm, đôi khi được cho là lúc nửa đêm, và Thánh Phêrô đã chối Chúa Giêsu trước khi “gà gáy” (khoảng 6 giờ sáng). Điều này có nghĩa là “cuộc xét xử” của Chúa Giêsu trước khi Tòa Công luận xảy ra trong “giờ của ma quỷ.”
Cũng có một chút sinh học hoạt động ở đây, vì 3 giờ sáng đánh dấu thời điểm buồn ngủ vào ban đêm sâu nhất trong chu kỳ ngủ-thức bình thường của người lớn. Thức dậy hoặc bị đánh thức vào giờ này có thể làm xáo trộn nhịp sinh học của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy thấp thỏm hoặc lo lắng.
Nhiều người có thói quen cá nhân nói một vài lời cầu nguyện nếu họ thức dậy lúc 3 giờ sáng.
Source:Aleteia
Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với Đức Thánh Cha Phanxicô, Hoa Kỳ và Pháp để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả tình hình ở Ukraine với người Mỹ, với người Pháp và với Đức Giáo Hoàng,” Peskov nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại hàng ngày vào ngày 25 tháng 10.
Quan chức Nga đề cập đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người hôm thứ Hai đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill “thúc đẩy tiến trình hòa bình” ở Ukraine.
Trong một tuyên bố với tạp chí Le Point, Macron cho biết ông đã đề nghị “Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cho Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill, và cả Joe Biden. Chúng ta cần Hoa Kỳ vào bàn để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”.
Peskov nói rằng “nếu điều này thực sự đi đúng hướng với những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi, thì nó có thể được đánh giá một cách tích cực.”
Đã 8 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, cuộc chiến cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,000 thường dân, trong đó có gần 400 trẻ em.
Trong một diễn biến mới nhất, các quan sát viên cho rằng cuộc tấn công hôm thứ Bẩy 29 tháng 10, được cho là cuộc tấn công cường tập lớn nhất của Ukraine, vào Crimea, có lẽ sẽ thay đổi nhiều thứ.
Cuộc tấn công liên tục của Ukraine bắt đầu lúc 4h30 sáng và kéo dài ít nhất 5 giờ đồng hồ. Những tiếng nổ long trời làm rung rinh thành phố cùng với những tiếng nổ lớn là những tiếng trực thăng, và những tiếng súng nhỏ hơn, cùng với tiếng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Tất cả tạo thành một bầu không khí chiến tranh cao độ như thể quân Ukraine đang đến rất gần.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã tức giận cáo buộc 'các chuyên gia' của Anh, những người mà họ cho là có trụ sở tại thành phố Ochakiv, miền nam Ukraine, đã giúp chuẩn bị và huấn luyện Kyiv để thực hiện cuộc tấn công. Igor Konashenkov cũng cáo buộc Mỹ theo dõi từ trên máy bay và chỉ đạo cuộc tấn công, mặc dù ông ta không đưa ra được bằng chứng nào.
Source:Catholic News Agency
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A World Without Rules?”, nghĩa là “Một thế giới không có luật lệ à?”.
Chúng ta hãy rõ ràng rằng các thuật ngữ “cộng đồng quốc tế” và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường bị giản lược thành những từ ngữ lẫn lộn đến vô nghĩa. Hãy rõ ràng thêm rằng một số người viện dẫn một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường tìm kiếm sự áp đặt của Cộng hòa Thức Thời ở khắp mọi nơi. Thậm chí chúng ta hãy rõ rằng giấc mơ về một thế giới không có xung đột, được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế và “đối thoại”, đang bỏ qua những hậu quả lâu dài của tội nguyên tổ trong lĩnh vực chính trị.Nói thế để thấy rằng có điều gì đó nghiêm trọng và vô trách nhiệm trong những quả lựu đạn khoa trương được tung ra từ phân khu chơi chữ của nhóm “nhân quyền mới” theo “những tưởng tượng duy tâm” về một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” - mà không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào được đề xuất.
Bạn muốn biết một thế giới không có trật tự, một thế giới mà ngay cả những quy tắc bất thành văn trong lương tâm con người cũng bị lờ đi mà có vẻ như không bị trừng phạt, sẽ trông như thế nào phải không?
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài cự phách, giả dạng là một tổng thống hợp pháp và là người bảo vệ nền văn minh Kitô giáo, giết chết các đối thủ trong nước của mình; đè bẹp mọi nỗ lực của công chúng muốn thể hiện sự bất đồng chính kiến; đánh lừa không gian giao tiếp bằng những nói dối, hết lần này sang lần khác, xâm lược một quốc gia láng giềng hòa bình và cố gắng thôn tính các vùng lãnh thổ rộng lớn của họ; cho phép mình ngang nghiên nhắm vào thường dân vô tội một cách có chủ ý và cố ý phá hủy nhà trẻ, nhà hộ sinh và nhà thờ; phủ nhận các tội ác chiến tranh (bao gồm cả tra tấn và hành quyết hàng loạt) do đội quân bạo tàn của mình gây ra; thực hành tống tiền năng lượng; đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; biến các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống của đất nước mình thành những kẻ hèn hạ bỉ ổi; và làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, đặt những người yếu nhất và nghèo nhất vào nguy cơ đói kém.
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài tàn nhẫn khác, người tưởng tượng mình đang thực hiện một sứ mệnh cao cả, nếu không phải là của thiên đường thì ít nhất cũng là của “lịch sử” đã gây ra cho thế giới một đại dịch kéo dài hơn một năm mà ông ta không thể kiểm soát được và có thể đã tạo ra nó; cố gắng mua con đường thống trị thế giới của mình bằng cách hối lộ các chính trị gia Thế giới thứ ba trong khi thuộc địa hóa đất nước của họ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng gây ra những nợ nần chồng chất cho phép hắn ta thể hiện quyền lực trên toàn cầu; thực hiện các động thái quân sự hung hăng chống lại các nước láng giềng trực tiếp của mình; thực hành các hành vi diệt chủng dân tộc và văn hóa thông qua các trại “cải tạo”; phá hủy sự tự do của một thành phố từng phát triển mạnh một thời; đòi hỏi rằng ngay cả các nhóm tôn giáo đã được chấp thuận cũng phải phục tùng “tư tưởng” của hắn ta; và bắt giam những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm, những người nói dám sự thật với uy lực của tự do khiến hắn ta sợ hãi.
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài man rợ khác, kẻ có mái tóc quái dị, phát triển vũ khí hạt nhân và bắn hỏa tiễn đạn đạo một cách trơ trẽn vào một nước láng giềng, trong khi điều hành đất nước của mình như một trại tập trung rộng lớn, trong đó nạn đói là một công cụ của chính sách nhà nước.
Đó là một thế giới mà các nhà cai trị coi mình là chúa tể, sử dụng bộ máy nhà nước để thực thi khái niệm về “điều tốt đẹp nhất” của họ bằng cách giết người, tra tấn và bằng sự tàn bạo của cảnh sát, đồng thời gây bất ổn hơn nữa cho khu vực đầy biến động mà họ sinh sống.
Đó là một thế giới trong đó các tổ chức phi nhà nước, hoạt động như các tổ chức khủng bố, tàn phá những người khác từ căn cứ của họ ở những quốc gia bất ổn.
Đó là một thế giới trong đó một người từng bị bắt thời thanh niên, hiện đã ngoài bảy mươi tuổi, phá hủy xã hội dân sự và nền kinh tế của một quốc gia nhỏ bé, nghèo khó; quản thúc các đối thủ chính trị của mình trong nhiều tháng; xây dựng các nhà tù tra tấn các linh mục; trục xuất các Thừa sai Bác ái ra khỏi đất nước; bôi nhọ Giáo hội thông qua các phương tiện truyền thông do chế độ của ông ta thống trị; và bắt giữ một giám mục Công Giáo với những cáo buộc hoàn toàn giả mạo.
Đó là điều mà một thế giới thậm chí không có các quy tắc bất thành văn và các nhà lãnh đạo sẵn sàng thao túng sẽ trông như thế nào. Bất cứ ai tưởng tượng rằng loại thế giới này cuối cùng sẽ không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hoa Kỳ đều đang chìm trong sương mù ý thức hệ và mù mịt với thực tế. Điều gì xảy ra với Ukraine; điều gì xảy ra với các nước Baltic và Ba Lan nếu sự xâm lược của Nga không bị đánh bại ở Ukraine; điều gì xảy ra với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Jimmy Lai ở Hương Cảng; điều gì xảy ra với Đài Loan và những người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương; điều gì sẽ xảy ra nếu bọn mullah lấy được bom hoặc Al Qaeda tự tái tạo lại; những gì xảy ra ở các quốc gia đang thất bại ở Trung Mỹ — tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến chúng ta hiện tại và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
Đúng là nước Mỹ không thể là cảnh sát đương đầu với mọi chế độ tội phạm trên hành tinh. Nhưng cần phải có ai đó đối phó với bọn du đảng khi những kẻ vô pháp vô thiên này đe dọa các quy tắc quy định thứ tự tối thiểu cần thiết để ngăn thế giới trở thành một đội bắn vòng tròn: một khu rừng nhiệt đới Hobbesian mà tất cả đều được thiết lập để chống lại nhau. Không nắm bắt được điểm cơ bản này không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về lịch sử và tầm nhìn cận thị về chiến lược. Nó cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc liên đới, là một trong bốn trụ cột của học thuyết xã hội Công Giáo.
Source:First Things
Sứ điệp của các Thánh Tử Đạo VN rất phong phú và đa dạng, để lại cho chúng ta được viết bằng xương, máu, mồ hôi và nước mắt. Các Ngài còn muốn gửi thế hệ con cháu, giữ lấy mà sống đạo như Cha Ông đã sống. Các Thánh Tiền nhân muốn nhắn nhủ con cháu, qua các nếp sống đạo hàng ngày: - Sống đức tin và làm tông đồ - Thánh hóa gia đình và cộng đoàn giáo xứ - Yêu mến Giáo Hội và quê hương và Sùng kính Đức Mẹ
Sống đức tin và làm tông đồ
Năm 1789, hai vị truyền giáo đầu tiên đến Cửa Bạng, Thanh Hóa, khai đầu cuộc giảng đạo, tại VN. Các Ngài hết sức cảm động vì thấy một mỏm đá, giữa giòng sông, tự nhiên không biết ai vẽ hình một Thánh Giá bằng vôi. Xúc động, ngước mặt lên trời, các ngài cảm tạ Thiên Chúa và nghĩ ngày nào đó Thánh Giá sẽ hiển trị trên phần đất mai này. Hứa hẹn mùa gặt mới. Nhưng trước khi Iúa chín, báo hiệu nông vụ có biết bao nhiêu đau khổ mồ hôi nước mắt đổ ra.
Quả thật, 1625-1885, trong gần 300 năm bách đạo đã có 42 cuộc bách hại và đã được 130.000 anh hùng hy sinh tử đạo. Trong đó 117 thánh và một chân phước. Niềm hãnh diện và vui sướng cho con dòng giống VN.
Sống đức tin của tiền nhân là suy niệm và sống ơn Rửa Tội. Giữ gìn ơn thánh trong tâm hồn Iuôn xứng đáng là con thờ Thiên Chúa. Lánh xa tội lỗi. Nếu có trót xa ngã biết trở về làm hòa với Chúa qua bí tích tình thương giải tội. Tuân theo thành ý Chúa, vui lòng lãnh nhận mọi đau khổ, thánh giá Chúa gửi đến. Sống bác ái, chia sẻ cơm áo cho những ai thiếu thốn. Tha thứ cho những ai lỗi phạm. Đơn thành nhất là các kinh cầu nguyện tối sáng trong gia đình. Lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn.
Các Thánh Tử Đạo VN không phải là ‘‘siêu nhân’’. Họ là những người đã có lúc yếu đuối, lỗi lầm, sa ngã...nhưng biết hối lỗi, cải thiện đời sống và lấy máu đào rửa sạch vết dơ. Tử đạo là làm chứng cho đức tin.
Thánh Thầy Giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (Ninh Bình, 1808-1840) từ nhỏ sống trong nhà Đức Chúa Trời và làm Thầy Giảng. Sau khi mồ côi cha, thầy Tự theo thừa sai Borie Cao. Cha Cao và thầy bị bắt. Nhờ đức tin kiên vững, Thầy đã chịu đựng những trận Çòn tra tấn ghê gớm. Thầy khuyên nhû các tín hữu đến thăm trung thành giữ đạo, cầu nguyện cho nhau chịu đựng đến cùng. Tại pháp trường thầy xin qui chính cho thừa sai Cao đổ máu. Thầy và Ông Năm Quỳnh cùng bị giây xiết chặt cổ cho chết, 10.7.1840.
Ba thánh quân nhân là Augustinô Phan Viết Huy (Bùi Chu, 1796-1839), Thánh Nicôla Bùi Đức Thể (Bùi Chu, 1792-1839) và Thánh Đa Minh Đinh Đạt (Thanh Hóa, 1803-1839) đã một thời quân nhân sống tự do phóng đãng. Ba vị nghe lời hứa hẹn đường mật của quan coi ngục, và vì bị ép buộc đã bước qua thánh Giá. Năm 1839, biết ăn năn hối cải đã trở lại dâng thú với vua Minh Mạng tuyên xưng đức tin. Nôi dung thư như sau: Cha ông chúng tôi theo đạo Gia Tô. Năm ngoái các quan ép buộc chúng tôi bước qua Thánh giá. Chúng tôi miễn cưỡng làm theo, chứ thực tâm không muốn. Nay chúng tôi xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng tôi. Lá thư này đã đưa ba anh hùng đến phúc tử đạo. (7. 1839). Các Thánh VN đã sống và tin vào Lời Chúa hứa:
- Chúa khuyên các Tông Đồ khi tiên báo ngày tử nạn: Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy (Ga 14,1).
-Chúa đã nhắc Maria, khi buồn vì em là Lazarô qua đời: Thầy chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao? (Ga 11, 40)
- Quyền năng cứu chuộc, Chúa đã quả quyết với Nicôđêmô: Bất cứ người nào tin (vào thập giá), thì được sống muôn đời...Ai tin vào Con Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 15-16)
Thánh hóa gia đình và cộng đoàn giáo xứ
Đời sống đức tin của giáo dân trải qua khuôn khổ gia đình và giáo xứ. Trong số 117 thánh, có 59 vị có gia đình. Đủ mọi giai cấp, nghề nghiệp và chức sắc trong giáo xứ. Các ngài ý thức trách nhiệm giáo dục con cái sống đức tin. Giáo dục không bằng lời nói mà bằng gương sáng, làm việc lành trước cho cho con cháu theo.
Thánh Lý Trưởng Gioan Baotixita Cỏn (Nam Định, 1805-1840), siêng năng việc làng, nhưng do bạn bè lôi kéo quyến rũ lại chẩnh mảng việc tôn giáo. Nhưng rất mực chu toàn việc nhà thờ xứ đạo và nhất là nhiệt tình giúp đỡ các vị truyền giáo. Ông bị bắt vì chứa chấp các linh mục truyền giáo và nuôi dưỡng các linh mục già yếu, bệnh tật, chữa trị thuốc men, tại nhà. Các cha Nghi, cha Ngân, cha Thịnh, Ông Martinô Thể cùng bị bắt cùng với Ông Cỏn là chủ nhà. Trước tòa, quan dụ dỗ: Cứ đạp Thánh Giá, rồi sau xưng tội, là khỏi tội. Rồi quan bắt lính khiêng ông qua ảnh Chuộc Tội. Thánh nhân giơ tay lên và tuyên bố: Đạo tại tâm, quan cưỡng bách mà lòng chúng tôi chẳng muốn, thì chẳng mắc tội gì. Quan còn dự định bày kế đem vợ con đến trước mặt, cốt vì tình cãm xót thương mà Ông chối Đạo. Nhưng gia đình biết trước, chạy trốn. Quan nói: Nếu ta đưa vợ con đến đây để giết, thì ngươi có chịu bỏ Đạo không?
Ông thưa: Cửa nhà, vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi không tiếc xót gì cả. Nếu vợ con cùng tử đạo, chúng tôi càng mong ước về thiên đàng. Nghe thế quan nổi giận cho Ông ban ngày phơi nắng, ban đêm nằm ngoài cống rãnh nước thải của tù nhân.
Thánh nông dân Augustino Nguyễn Văn Mới (Thái Bình, 1806- 1839) vốn lương giáo. Năm 31 tuổi mới được rửa tội, và lập gia đình với người trong xứ đạo. Vợ chồng sống đạo rất tốt. Dù lao động vất vả, khuya mấy, gia đình không bỏ đọc kinh Mân Côi mỗi tối.
Yêu mến Giáo Hội và quê hương
Giáo Hội là Mẹ hiền (Mater Ecclesia), đã sinh chúng ta trong đời sống thiêng liêng, nuôi dưỡng bằng bí tích, dạy dỗ theo đường chân lý. Đi trước là các thánh tiền bối, đi sau là con cháu. Tất cả phải ghi lòng tạc då biết ơn, yêu mến và xây dựng Giáo Hội. Mong cho ngôi nhà Giáo Hội VN ngày một đẹp, chững chạc hơn. Trong số các thánh có 37 linh mục, 16 thầy giảng, 6 trùm họ.
Thánh cai đội Guise Lê Đặng Thị (Quảng Trị, 1825-1860) theo sắc chỉ cấm đạo của Tự Đức: trong hàng ngũ lãnh đạo là người Công Giáo, ai không bỏ đạo, bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu. Cai đội Lê Đặng Thị làm đơn xuất ngũ, về quê Nghệ An sinh sống với vợ con. Năm 1860, lệnh cấm đạo áp dụng triệt để. Ông bị tố giác và bị bắt với 31 quân nhân. Ông nhận mình là cai đội và Công Giáo. Ông bị án xử giảo. Trong lá thư gửi cho vợ, ông viết: Anh nghĩ chúng ta không cần gặp nhau, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn yêu nhau. Anh luôn nhớ đến mẹ con em. Trong tù Ông đã khuyên, dạy giáo lý và rửa tội cho một bạn tù. Hai người cùng bị xử giảo tại pháp trường An Hòa, Huế.
Các thánh còn nêu gương lòng yêu nước yê tổ quốc. Trong thời kỳ bách đạo, có nhiều nhóm phản loạn, nhưng không người Công Giáo nào về phe phản loạn.
Thánh Cai Đội Phanxicô Trần Văn Trung (Quảng Trị, 1825-1858) là sỹ quan sẵn sàng đi đánh Pháp ở cửa Hàn,1.9.1858. Trước khi lâm trận, Ông bị ép buộc bước qua Thánh Giá. Thánh nhân tuyên bố: Tôi là người Công Giáo, tôi sẵn sàng đi đánh địch để bảo vệ đất nước, nhưng không bao giờ chịu bỏ Đạo. Thánh nhân cũng căn dặn vợ: Tôi có chết, mình lo săn sóc các con. Hết lòng yêu thương các con. Đừng tái hôn với ai nữa nhé.
Giáo Hội VN tự hào về hai sự nghiệp vĩ đại để lại cho sử xanh: có các Thánh Tử Đạo và cho quốc gia. Lịch sử VN gắn liền với dân tộc.
Lòng sùng kính Đức Mẹ
Lòng sùng kính Đức Mẹ là nét đặc thù của tinh thần đạo đức mà cha ông chúng ta, gia tài qúi báu để lại. Bên Đức Mẹ các Ngài đã kiên trì trong đức tin. Đức Mẹ là đường dẫn đến Thiên Chúa, là Nữ Vương Việt Nam thân yêu.
Thánh Linh Mục Philipphê Phan Văn Minh (Vĩnh Long, 1815-1853) Tay cầm chuỗi ra pháp trường, trước khi bị chém đầu (1853) đã trối cho Ông trùm Phượng cùng cảnh, cầm bông chúc thấm máu vào cỗ tràng hạt, ngài cầu nguyện to tiếng: Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con trong giờ lâm chung nguy hiểm này.
Ngày 7.1.1862, nhóm Văn Thân đứng nhìn 200 đàn ông, 106 đàn bà và 50 trẻ em Công Giáo, bị thiêu sống trên nền nhà thờ Bà Rịa, trong tiếng kinh lần hạt sang sảng, càng lâu càng tàn lụi trong ánh lửa bập bùng.
Thánh Linh Mục Francesco Federich Tế (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1702-1745)
Tự nhận là “con điên” của Đức Mẹ, khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến VN, ngài đã cầu nguyện:
Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái
Tấm lòng con điên dại đáng thương
Ngày đêm nung nấu can trường
Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp
Trong tâm tưởng con hằng mơ ước
Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng
Giờ con gặp cảnh sầu thương
Như thuyền neo bến trùng dương xa vời
Thánh Giám Mục Pierre Dumoulin Borie Cao (MEP, 1808-1838)
Ghi lại trong nhật ký lời nguyện ngày tận hiến cho Mẹ tại chủng viện
Lạy Mẹ của con, xin hãy tin con, khi con trưởng thành. Con sẽ hiến toàn thân con cho việc cải hóa các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo đường và tinh thần ơn gọi đó. Xin cho được chịu đau khổ, đón nhận nghành lá tử đạo và về bến vinh quang.
Trong tù, Đc Cao cùng với hai Thánh Linh mục Tử Đạo Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm (Quảng Trị, 1761-1838) và Vũ Đăng Khoa (Nghệ An, 1790-1938) hát bài Ave Maria Stella (Kính chào Mẹ Ngôi sao sáng) và cầu nguyện:
Như xưa, Mẹ đã dâng Con yêu qúi trong đền thờ. Nay cũng xin hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc này.
Thánh Lê Thị Thành (Phát Diệm, 1781-1841) tâm sự:
Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức tôi không thấy đau đớn
Thánh Linh Mục Jean Charles Cortay Tân (MEP, 1809-1837) ngay gần tử hình đã kêu cầu Đức Mẹ:
Xin Đức Mẹ chứng giám cho việc xám hối của chúng con.
Trong trại tù Thánh Tân cùng với Thánh Jacinto Castaneda Gia (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1743-1773) và Thánh Jeronimo Hermosilia Vọng (Liêm) (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1800-1861) đã hát vang bài kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương)
Lạy Mẹ nhân lành,
làm cho chúng con được sống
được vui được cậy…
Xin cho được thấy Chúa Giêsu lòng Mẹ
Thánh Giám Mục Valentino Berriochoa Vinh (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1837-1861)
Trong thư gửi cho mẹ (thư số 61) đã nói lên suy nghĩ:
Mẹ à, với tràng hạt Mân Côi trong tay, lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi.
Với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí
Hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn?
Mẹ hãy thưa với Đức Mẹ về con
Lời cầu nguyện tốt ấy sẽ bẻ gẫy răng kẻ dữ.
Thánh Jean Théophane Vénard Ven (MEP 1829-1860) ghi lại lời gửi cho Giám Mục Theurel Chiêu ( ):
Lạy Mẹ Vô Nhiễm,
Khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình
Xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé
Như trái nho chín được hái
Như bông hồng nở rộ
Được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria.
Thánh Linh Mục Augustin Schoeffler Đông (MEP, 1822-1851) tỏ ra mừng rỡ vì biết mình được tử đạo vào 1.5, đầu tháng hoa kính Đức Mẹ.Thánh Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan (Huế, 1798-1861) trên cổ luôn trên cổ ảnh Đức Mẹ đến giờ xử giảo, và nói: Đây là ảnh Đức Trinh Nữ Matia, Bà Chúa của tôi, không cho ai được.
Trong lần họp T HĐ GM TG tại Roma (10.1987), hai Giám Mục đại diện cho VN đã kể cho các thượng phụ tham dự nghe những chuyện thông thường. Khi đi chợ, phụ nữ miền quê, đầu đội thúng khoai, tay kia lần Chuỗi. Vừa đi vừa đọc Kính Mừng Maria. Người mẹ VN có nhiều khó khăn do thời cuộc. Nhưng vẫn tin vào Chúa Quan Phòng.
Một bà khác dành dụm ít tiền mua được một radio nho nhỏ. Tình cờ, đêm khuya, bà mở nghe được ĐGH Gioan Phaolô II đang lần Chuỗi. Thông lệ vào tối thứ Bảy đầu tháng. Bà sung sướng bỏ hết mọi sự, lần chuỗi chung với Ngài, sau đó nhận phép lành của Ngài. Sáng hôm sau bà khoe với Giám Mục: Hôm đó, con được đượcv bảy mươi phúc đời. Từ đó, con cảm thấy an ủi vui sống.
ĐC Giuse Nguyễn Văn Sang (1932-2017) trình bày giữa phiên họp trên đã phát biểu: Giáo dân VN ý thức mình là nhiệm thể Chúa Kitô. Nhưng hiện thực, vì thiếu thốn ‘có thực mới vực được đạo’. Họ không thuộc những bản văn của công đồng Vatican II. Tuy nhiên trong đời sống họ đã thi hành căn bản giáo lý từ lâu. Giáo dân VN sống đạo bằng năng chịu các phép Bí Tích và sống tốt đời sống Công Giáo.
Người giáo dân VN nhớ mãi lời ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978) giảng dạy: Đời sống thánh thiện của giáo dân VN trong môi trường xã hội ví như đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, nó thay thế được sách và báo chí. Vì nó có quyền lực làm chứng cho Chúa Kitô và Giáo Hội.
Cũng từ đó, trong triều yết (1987) thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho 40 linh mục VN, đã chỉ thị cho các gia đình VN: phải trở nên trường dạy đức tin, cầu nguyện, nơi đào tạo con người và hun đúc tinh thần truyền giáo. Vấn đề ơn gọi phải chiếm chỗ ưu tiên trong tư duy mục vụ. (ĐÔ Trần Ngọc Thụ. ĐM HCG số 2&3, 1988. Tr. 17-21)
Lời nói của Tertullianô (Catharge, Tunisie 160-220): “Máu tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu” đã ứng nghiệm trên quê hương VN. Tính từ ngày Inêkhu tới VN (1533) đến nay, thì hạt cải đã biến thành cộng đoàn hùng mạnh, hơn 8 triệu giáo dân trong nước, không kể ngoài nước.
Cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin với các Thánh Tử Đạo VN (kinh thứ nhất)
Lạy các Thánh Tử Đạo VN là con thảo của Cha trên Trời, là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh.
Nay chúng con xin hợp với các Ngài và Đức Mẹ Maria là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo VN mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả.
Xin Chúa ban cho các Ngài được vững tin vào Lời Chúa và đầy sức mạnh của các Thánh, nên các Ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
Các Ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Giáo Hội VN thu lượm được mùa lúa dồi dào. Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa, như hoa qủa đầu mùa để cảm tạ tri ân
Các Ngài đã yêu mến quê hương. Xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình.
Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận. Xin cầu cho đồng bào mọi người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, và cầu xin cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.
Lạy các Thánh Tử Đạo VN, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng. Xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, được noi gương các Ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên Thiên Quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen. (TGM Nguyễn Văn Bình, Imprimatur, 10.8.1988)
Kết luận bằng trích đôi lời trong bài bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II, trong ngày phong thánh 19.6.1988.
“Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 1,23). Bằng những lời này của Thánh Phaolô Tông Đồ, hôm nay Hội Thánh Roma xin chào Hội Thánh và dân tộc VN, dù xa xôi về địa lý, vẫn gần với trái tim chúng tôi… (số 1). Các Thánh Tử Đạo VN “đã gieo trong nước mắt”…(số 5). Những ai trông cậy vào Người sẽ hiểu biết chân lý. Những ai trung thành sẽ gần Người trong tình yêu, vì ân sủng đã dành cho ai Người truyển chọn (x. Kh, 3, 9)… Nguyện cho mùa gặt của các Ngài kéo dài trong hân hoan!..(số 9). (HĐ GM VN. Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN. 2018. Sài Gòn. ttr. 321-329)
Tài liệu tham Khảo
- HĐ GM VN. Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN. 2018. Sài Gòn
- Thiên Hùng Sử. San Jose. CA. 1990. Hoa Kỳ
- Ns Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tháng 2&3.1988; tháng 6. 1989
Chương Sáu: Giáo Hội Sám Hối
1. Veni columba mea, hãy đến hỡi bồ câu của anh, vẻ đẹp toàn mỹ của anh, {1} không tỳ vết hay nếp nhăn, thánh thiện và vô nhiễm. {2} Giáo hội là Người yêu dấu của Chúa Kitô, Giáo Hội là sự viên mãn của Người. Ấy thế nhưng cũng chính Giáo hội này đang sám hối. Giáo Hội tự tố cáo mình, thường bằng những lời lẽ rất khắc nghiệt, Giáo Hội khóc cho những sai sót của mình, Giáo Hội cầu xin được thanh tẩy, Giáo Hội không ngừng cầu xin sự tha thứ (Giáo Hội làm như vậy mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha), đôi khi Giáo Hội kêu cầu Chúa từ sâu thẳm xao xuyến, như từ sâu thẳm nỗi thống khổ của kẻ sợ hãi bị trầm luân.
Đối với chúng ta, lợi dụng điều đó để đấm ngực Giáo Hội, trong khi trên thực tế, chúng ta nói hoặc về sự sai sót của phẩm trật hoặc về những khốn cùng đôi khi tồi tệ của thế giới Kitô giáo, Người nông dân Garonne đã nhìn thấy ở đó "một sự ngu ngốc trong đó không thiếu các giáo sĩ trẻ ngày nay"{3}. Tôi vẫn nghĩ vậy, nhưng ngôn ngữ của tôi thiếu lịch sự. Tôi chỉ nên nói rằng họ đơn giản chỉ là những anh đần có tiếng.
2. Tuy nhiên, việc sám hối của Giáo hội vẫn cho chúng ta thấy rằng nếu, trong hình ảnh của Chúa Kitô vô nhiễm nguyên tội, Giáo hội cũng vô nhiễm nguyên tội, thì Giáo hội không vô nhiễm nguyên tội giống như cách của Người. Nói cách khác, nhiệm thể Chúa Kitô không trong cùng một mối liên hệ với các chi thể của nó như thân thể thể lý của Chúa Kitô với các chi thể thể lý của nó. Trong khi sự thánh thiện của Chúa Kitô làm cho các chi thể của thân thể thể lý của Người cũng thánh thiện như Người, thì sự thánh thiện của Giáo Hội, hay của Nhiệm thể, không ngăn cản các chi thể của nhiệm thể này trở thành những kẻ có tội.
Các chi thể của thân thể Chúa Giêsu thánh thiện như chính Người. Trong các chi thể của thân thể nhân bản này, một thân thể đã bước đi trên các nẻo đường của Galilê và giọng nói của Người loan báo Tin mừng, và đã bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô; trong đôi bàn chân mà Maria Mađalêna phủ đầy nụ hôn và đã bị đâm thủng, trong đôi bàn tay mà chúng chỉ cần chạm vào là chữa lành được người bệnh và bị đâm thủng, không bao giờ có một chút dấu vết của tội lỗi. Khi mang lấy tội lỗi của thế gian, Người đã mang lấy một điều hoàn toàn xa lạ đối với Người, và là điều mà Người đã biến thành của Người hoàn toàn do tình yêu thuần túy, ý chí thuần túy để thay thế chính Người làm hy lễ cho nhân loại tội lỗi; Theo nghĩa này, Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở thành tội lỗi để cứu chúng ta{4}. Người không bao giờ biết mùi tội lỗi, trải nghiệm tội lỗi, tuyệt đối trong bất cứ điều gì thuộc riêng của Người, hoặc điều Người có làm của riêng của Người. Chỉ hoàn toàn do và trong tình yêu của Người đối với những kẻ tội lỗi, Người mới biết tội lỗi: Bóng tối của sự chiêm ngưỡng tội lỗi, đêm đen thật sự khôn nguôi, trải nghiệm dựa trên đức ái và việc kết hợp yêu thương của Chúa Kitô với những kẻ có tội... Người nếm trải sự cay đắng vô hạn của những thất bại của chúng ta, như trong bóng tối của sự chiêm ngưỡng thần linh, các thánh tội nghiệp nếm được vị ngọt thiết yếu của Thiên Chúa... {5}
Trái lại, những kẻ có tội là chính các chi thể của Nhiệm thể. Họ là một phần của nó. Giáo hội “ôm lấy kẻ có tội trong lòng mình” {6}. Và vì thế Giáo hội không xa lạ gì với tội lỗi; "Giáo Hội hoàn toàn trà trộn với tội lỗi"{7}, Giáo Hội biết mùi tội lỗi, Giáo Hội trải nghiệm tội lỗi, trong vô số kẻ có tội vốn là chi thể của Giáo Hội, là đầu Giáo Hội ở đây trên trái đất, là tay Giáo Hội, là bàn chân Giáo Hội. Giáo Hội có tội trong các chi thể của mình.
Há đó không đủ để bị cám dỗ mà nói với một số nhà thần học rằng Giáo Hội đồng thời là thánh thiện và tội lỗi đó sao? Một công thức đáng ghét, khiến tâm trí không thấy điều Giáo hội thực sự là, và là tuyên bố khiến chúng ta phủ phục trước một sự mâu thuẫn trắng trợn. Như thể khi lấy đi tội lỗi của thế gian, Chúa Kitô đã không luôn ở bên cạnh Nàng dâu của Người (nàng vốn không thuộc thế gian); như thể Nhiệm thể của Người đồng thời là kẻ thù của Người; và như thể Giáo Hội, Sự Viên mãn của Chúa Kitô, người đầy ân sủng, "không tỳ vết hay vết nhăn", thánh thiện và vô nhiễm, cũng mang trong mình điều phát sinh sự chết cho các linh hồn, bị vấy bẩn bởi mọi tội ác của những người mang danh Kitô hữu.
3. Ở đây điều thích hợp là nhắc nhớ rằng Nhiệm thể là một cơ thể tập thể, và cần lưu ý đến sự mơ hồ của từ ngữ "chi thể", một từ ngữ vốn biểu thị một trong những bộ phận cấu thành của một cá thể sống, giờ đây là một trong những nhân vị cấu thành một phần của cộng đồng. Nếu một trong các "chi thể" của tôi bị bệnh, thì chính tôi cũng đang bị bệnh. Nhưng nếu một "chi thể hay thành viên" của một hội uyên bác hoặc của một đảng chính trị mắc bệnh cúm hoặc dịch tả, thì người ta không thể nói thay cho tất cả rằng hội uyên bác này hoặc đảng phái chính trị nọ mắc bệnh cúm hoặc dịch tả.
Điều đó đúng, tôi đã nhấn mạnh đủ về điều đó, và trong giây lát tôi sẽ quay lại điều đó, rằng Giáo hội không phải là một hội uyên bác, cũng không phải là một đảng chính trị hay bất cứ cộng đồng đơn thuần nào; Giáo Hội là một ngôi vị. Đúng, nhưng một ngôi vị tập thể, - mà sự thống nhất (của ân sủng) thuộc trật tự cao hơn và có tính thần linh, - và do đó tội lỗi của các nhân vị thành viên của Giáo Hội không phải là tội lỗi của Giáo Hội, vì mỗi người trong số họ đều có ý chí tự do, và mỗi người đều có khả năng tuân theo bản năng của ân sủng hoặc chống lại nó.
“Thánh thiện” và tội lỗi cùng một lúc, nghịch lý này nằm nơi các chi thể của Giáo hội, và nó tự giải quyết lấy. Thật vậy, không hề có được sự viên mãn của ân sủng, điều mà trong ngôi vị của Giáo hội cũng như của Đức Trinh nữ Maria loại trừ mọi khả thể phạm tội, chúng ta những người khác, những chi thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này, và những người tốt nhất trong chúng ta, chỉ sống bằng ân sủng và đức ái ít nhiều một cách không hoàn hảo (khi chúng ta sống bằng chúng); và do đó, không có gì mâu thuẫn khi chúng ta có thể là các chi thể phần nào được thánh hóa bởi Bửu Huyết Chúa Kitô, trong khi, về phần khác, vẫn còn là những kẻ tội lỗi và những kẻ vô ơn.
Ngay sau khi người ta hiểu rằng, nhờ một đặc ân độc đáo, và nhờ hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong mình, Giáo hội sở hữu một sự tồn hữu và tư cách ngôi vị của ân sủng mà trong sự hiệp nhất siêu nhiên của nó, vượt qua tư cách nhân vị tự nhiên của các chi thể của mình, - điều dường như là một bí ẩn đã trở nên có thể giải mã được đối với tâm trí. Việc Giáo hội có tội trong các chi thể của mình và Giáo Hội hoàn toàn trà trộn với tội lỗi, - điều này không hề khiến Giáo Hội trở thành tội lỗi, vì tư cách ngôi vị của Giáo Hội vượt quá tư cách ngôi vị của các chi thể của mình, và vì các chi thể chỉ tham dự vào tư cách ngôi vị của Giáo Hội khi họ sống bằng đời sống ân sủng và bác ái của Giáo Hội. Đồng thời, người ta cũng hiểu rằng Giáo hội trong chính ngôi vị của mình là "thánh thiện bất khả khuyết"{8}, nhưng Giáo hội bao gồm các nhân vị, những nhân vị thẩy đều là những kẻ có tội ở đây trên trái đất này ở một mức độ nào đó, bất kể là các thành viên "sống", những người, trong cách sống của họ, được tư cách ngôi vị của Giáo Hội bảo bọc tuy có xa cách tư cách nhân vị này đến mức có thể sai phạm, hoặc là các chi thể "đã chết" ít nhiều bám chặt vào sự ác hoặc ít nhiều đã sẵn sàng để được sống trở lại, những người đã rút khỏi tư cách ngôi vị của Giáo hội và khỏi linh hồn của Giáo hội, nhưng vẫn thuộc về thân xác của Giáo hội (và đồng thời, một cách tiềm ẩn và khởi đầu, thuộc về linh hồn đã lên mô thức cho thân xác này) nhờ đức tin (chính nó "chết" vì không có đức ái) mà họ vẫn còn giữ, cũng như nhờ Bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận và một ấn tích khác - các Bí tích in dấu mà họ có thể đã lãnh nhận: những mạch trơ trơ mà máu không còn chảy qua được nữa, nhưng là những mạch mà ngôi vị của Giáo hội vẫn còn coi là của riêng mình và là những mạch vẫn còn được Giáo Hội lo lắng hơn bao giờ hết. Vì họ đã sống bằng sự sống của Giáo Hội khi Giáo Hội tiếp nhận họ từ Thiên Chúa để dẫn họ đến sự sống đời đời, và giờ này đây họ đã rời xa sự sống của Giáo Hội, và đang trên đường đánh mất sự sống đời đời.
Tất cả những điều này, - đều là sự mầu nhiệm của Giáo hội.
4. Do đó, người ta thấy rằng về ngôi vị của Giáo Hội trong tình trạng trần thế của mình, cần phải nói rằng bởi chính Giáo Hội, giống như Chúa Kitô khi Người sống giữa chúng ta, Giáo Hội không biết mùi vị của tội lỗi cũng như không có kinh nghiệm tội lỗi; nhưng, không giống như Chúa Kitô khi Người sống giữa chúng ta, Giáo Hội biết mùi tội lỗi và có kinh nghiệm tội lỗi bởi và trong điều vốn của riêng Giáo Hội và là điều Giáo Hội có như của riêng mình, bởi và trong các chi thể của Giáo Hội, các chi thể của chính Giáo Hội, những chi thể vốn là một phần của Giáo Hội mà không phải là chính Giáo Hội.
Bản thân Giáo Hội, trong tư cách ngôi vị siêu nhiên thoát mọi dấu vết của tội lỗi, "hoàn tất trong cơ thể mình," cho mọi người, và trong mọi thế kỷ, "điều còn thiếu trong những đau khổ" của Hôn Phu mình. Và, giống như Chúa Giêsu, chính với tình yêu, Giáo Hội đã gánh lấy toàn bộ khối lượng tội lỗi mà Giáo Hội đã không vi phạm. Nhưng nếu đây là vấn đề của những người đã được làm cho trở thành người của Giáo Hội bằng các Bí tích, thì, không như Chúa Giêsu, chính Giáo Hội, bằng tình yêu, đã gánh vào mình các tội lỗi do các chi thể của Giáo Hội vi phạm. Vì vậy, đây là lý do tại sao, Giáo Hội không những là người đồng công cứu chuộc, giống Đức Maria; Giáo Hội cũng là hối nhân.
Giáo Hội đền tội cho các chi thể của mình, - những người không phải là Giáo Hội, nhưng là của Giáo Hội và thuộc về Giáo Hội. Giáo Hội cáo tội chính mình, trong chi thể của mình, những người được Giáo Hội đồng nhất với thông qua tình yêu; Giáo Hội khóc cho các sai sót của mình, vốn là sai sót của các chi thể của Giáo Hội, không phải của bản thân Giáo Hội, và Giáo Hội biến thành của riêng mình thông qua tình yêu. Giáo Hội không ngừng cầu xin sự tha thứ, cho các chi thể của mình, những người mà Giáo hội đã gánh lấy những tội lỗi thông qua tình yêu. Đôi khi Giáo hội kêu cầu Chúa từ đáy vực thẳm, khi, qua tình yêu, biến nỗi thống khổ của các chi thể của mình và nỗi đớn đau của họ thành nỗi đau khổ và nỗi thống khổ của chính mình. Giáo hội đang không ngừng khổ công thanh tẩy{9} trong và cho các chi thể của mình, như thể người vốn sancta et immaculata, người thánh thiện và không tỳ vết cần được thanh tẩy. (Giáo hội không ngừng lớn lên trong ân sủng, - một điều hơi khác. Và Giáo hội gọi việc thanh tẩy này là sự tiến bộ trong ân sủng, vẫn là bằng cách đồng nhất hóa tình yêu với những người bị thương tổn và què quặt vốn là các chi thể của mình.) Giáo hội sám hối chính là như thế. Và đó cũng là bởi vì Giáo hội biết rằng nếu có thêm nhiều vị thánh do Giáo hội sinh ra, thì cũng sẽ có nhiều tội nhân trở về với Thiên Chúa, nhiều "những người con trai đã chết, và nay sống lại, những người đã mất và nay được tìm thấy"{10}, và là người mà Cha đang ôm chặt bây giờ trong vòng tay của Người; và Giáo hội biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn trên Thiên đàng.
Giáo hội đau khổ và cầu nguyện cho mọi người; nhưng Giáo hội đau khổ và cầu nguyện đặc biệt, - trong tư cách người sám hối, - cho các chi thể của mình, và đặc biệt hơn cho những người trong số họ đã rút khỏi linh hồn Giáo hội và đã chết đối với cuộc sống ân sủng. Quả là một cơn khát nơi Giáo Hội, có thể sánh với cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá!
Ghi chú
{1} Diễm ca 2: 10.
{2} Thư Êphêsô 5:27
{3} Le Paysan de la Garonne [Người nông dân xứ Garonne], tr. 185.
{4} II Cr. 5, 21.
{5} "La Couronne d'épines," trong Poèmes de Râissa.
{6} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. I, số 8.
{7} Charles Journet, Théologie de l'Église, tr. 239.
{8} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. V, số 39.
{9} Xem Hiến Lumen Gentium, Ch. I, Số 8: "đồng thời thánh thiện và luôn cần được thanh tẩy."
{10} Xem Luca 15:24.
1. Nga mất 19 xe tăng, hai máy bay phản lực Su-25 và một máy bay trực thăng trong một ngày
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 19 Tanks, Two Su-25 Jets and a Helicopter in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 19 xe tăng, hai máy bay phản lực Su-25 và một máy bay trực thăng trong một ngày” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh
Các lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy 19 xe tăng, hai máy bay cường kích Su-25 và một trực thăng Mi-8 của Nga trong 24 giờ qua, theo thông tin cập nhật mới nhất từ quân đội nước này.
Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện 24 cuộc không kích vào các mục tiêu của Nga, nơi quân đội Mạc Tư Khoa tập trung vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm cả hệ thống phòng không của nước này.
“Trong ngày qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân xâm lược trong các khu vực Vodyane, Kamianka và Nevelske của khu định cư Donetsk. Các đơn vị phòng không của chúng tôi đã bắn hạ hai máy bay cường kích Su-25 và một trực thăng Mi-8”.
Mặt khác, các lực lượng vũ trang của Ukraine báo cáo rằng Nga đã thực hiện “4 cuộc tấn công hỏa tiễn và 25 cuộc không kích” và “hơn 70 cuộc tấn công từ các hệ thống hỏa tiễn hàng loạt” trong 24 giờ qua. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
Công bố đánh giá hàng ngày về thiệt hại của Nga, Ukraine cho biết họ cũng đã phá hủy 5 máy bay không người lái, 9 hệ thống pháo và 23 xe bọc thép trong khoảng thời gian 24 giờ.
Trong 8 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Ukraine tuyên bố Nga đã mất 70,250 quân, 2,659 xe tăng và 273 máy bay trực thăng, cùng các thiết bị quân sự khác.
Những con số này bị phía Nga cho rằng có khả năng bị thổi phồng, nhưng dữ liệu từ các tổ chức tư vấn độc lập và tình báo phương Tây khẳng định rằng Nga đã chịu tổn thất đáng kể ở Ukraine.
Oryx, một trang web ghi lại những tổn thất về thiết bị, cho biết họ có bằng chứng hình ảnh và video về 1,412 xe tăng Nga đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị bắt giữ ở Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2, cùng với 54 trực thăng Nga bị mất tích tại nước này.
Oryx cho biết 23 chiếc trực thăng này là Ka-52, cùng loại trực thăng tấn công mà Bộ Quốc phòng Anh gần đây cho biết đã chiếm một nửa tổn thất trực thăng của Mạc Tư Khoa tại Ukraine.
Nhà báo David Axe của Forbes cho biết, Nga hiện đang mất 10 xe tăng mỗi ngày, gấp đôi thiệt hại mà nước này phải gánh chịu trước khi quân đội Ukraine bắt đầu các hành động phản công kép ở miền nam và miền đông Ukraine cách đây 7 tuần và nhiều hơn đáng kể so với Ukraine, quốc gia được ước tính chỉ thua hai ngày.
Những thiệt hại của Nga được cho là do tinh thần xuống thấp, đã ảnh hưởng đến quân đội của họ, tình hình được báo cáo là càng trầm trọng hơn khi có sự xuất hiện của những các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ không được chuẩn bị, trang bị kém tham gia quân đội với ít huấn luyện sau khi ông Putin điều động một phần.
Hôm thứ Sáu, Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố kết thúc lệnh triệu tập quân sự.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Mạc Tư Khoa đã huy động thành công 300,000 người, 82,000 người trong số đó đã được triển khai ở Ukraine – với 41,000 người trong đơn vị chiến đấu - và 218,000 người trong số họ hiện đang huấn luyện tại các bãi tập của Nga.
Tổng thống Nga thừa nhận rằng những các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ đã gặp phải các vấn đề về hậu cần và tiếp tế.
Nhưng theo chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington, sau đó Putin đã “khẳng định sai rằng những vấn đề này chỉ ảnh hưởng đến 'giai đoạn đầu' của việc huy động và hiện những vấn đề này đã được giải quyết.”
Putin kết luận rằng đất nước phải “rút ra kết luận cần thiết” từ các vấn đề gặp phải với quân dự bị ở Ukraine và phải hiện đại hóa “toàn bộ hệ thống các cơ quan tuyển mộ nhập ngũ” và “suy nghĩ và thực hiện điều chỉnh cơ cấu của tất cả các thành phần của Lực lượng vũ trang, bao gồm cả Lực lượng bộ binh. “
ISW viết rằng việc huy động 300,000 quân dự bị “không có khả năng tác động quyết định đến sức mạnh chiến đấu của Nga.”
41.000 lính dự bị “được huấn luyện kém” mà Putin đề cập là đã được triển khai trong các đơn vị chiến đấu ở Ukraine “có thể đã tạm thời làm căng cứng các tuyến phòng thủ của Nga”, nhưng “những lính dự bị này vẫn chưa phải đối mặt với sức nặng của một cuộc tấn công phản kích chủ lực và chuẩn bị sẵn sàng của Ukraine. Việc triển khai không làm tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của Nga”, ISW cho biết.
Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng việc triển khai thêm 110,000 người được huy động đến các đơn vị chiến đấu “vẫn không có khả năng thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến.”
2. Kyiv cho biết Đặc vụ Nga do thám các vị trí của HIMARS bị giam giữ ở Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Agent Spying on HIMARS Positions Detained in Ukraine: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Đặc vụ Nga do thám các vị trí của HIMARS bị giam giữ ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã bắt được một “đặc vụ Nga”, người rõ ràng đang do thám vị trí các HIMARS của Ukraine.
Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 29 tháng 10, SBU đã đăng bốn bức ảnh cho thấy một người đàn ông đang bị tìm kiếm bởi hai binh sĩ Ukraine, nghi phạm đang bị thẩm vấn và sau đó là các đặc vụ SBU đang nhìn qua điện thoại.
Họ cho biết: “SBU đã bắt giữ một đặc vụ Nga đang theo dõi vị trí của HIMARS và pháo M777 tầm xa ở hướng nam.”
Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine 20 HIMARS, nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu với 18 hệ thống khác được cam kết vào tháng 9.
HIMARS, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 50 dặm, hay 80km, đã được các lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công rất sâu phía sau chiến tuyến của Nga, bao gồm cả việc tấn công vào các sở chỉ huy và kho tiếp liệu.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ca ngợi HIMARS trong một cuộc phỏng vấn với CNN, tuyên bố rằng họ đã “thay đổi động lực” trong việc Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Putin và đã “tạo cơ hội cho người Ukraine điều động.”
John Herbst, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, nói với Newsweek HIMARS là yếu tố “quyết định” trên chiến trường.
Ông nói: “Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine hầu hết những gì họ đang yêu cầu - họ sẽ có thể, chắc chắn trong vòng một năm, năm rưỡi - nhưng thậm chí có thể trong vài tháng, để lấy lại tất cả những gì mà Nga đã chiếm giữ kể từ Tháng Hai, thậm chí có thể là tất cả mọi thứ mà Nga đã thu giữ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2014, kể cả Crimea.”
Mỹ, Canada và Australia đều đã cung cấp pháo M777 cho Ukraine.
Hôm thứ Sáu, Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ khác trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, bao gồm thêm đạn dược HIMARS, đạn 155mm dẫn đường chính xác, 1,300 vũ khí chống tăng và hơn 2.7 triệu viên đạn cỡ nhỏ.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với hơn 50 đồng minh và đối tác để hỗ trợ người dân Ukraine khi họ bảo vệ tự do và độc lập của mình với lòng dũng cảm phi thường và quyết tâm vô bờ bến.”
Hôm thứ Bảy, Nga thừa nhận một trong những tàu quét mìn của họ đã bị hư hại do một cuộc tấn công vào sáng sớm nhằm vào Sevastopol ở Crimea, nơi đóng trụ sở của hạm đội Hắc Hải của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công liên quan đến “9 máy bay không người lái và 7 ngư lôi không người lái tự hành trên biển”, Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev gọi đây là “cuộc tấn công lớn nhất” vào thành phố kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Hôm thứ Sáu, Nina Khrushcheva, cháu gái của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, nói với BBC, những người Nga bình thường hiện đang chuẩn bị tinh thần cho “một điều gì đó thảm khốc.”
Giáo sư về các vấn đề quốc tế, giảng dạy tại Trường New York của New York, tuyên bố nhiều người Nga đang “đóng băng trong tuyệt vọng” với “xã hội ngày càng tuyệt vọng hơn.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
3. Quan chức Ukraine cáo buộc Nga đưa ra các tối hậu thư ngớ ngẩn sau cuộc tấn công ở Crimea
Một quan chức hàng đầu của Ukraine cáo buộc Nga đã phát minh ra “các chi tiết hư cấu” trong cuộc tấn công vào các cơ sở của họ hôm thứ Bảy và đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa về “vụ tống tiền” trong việc đình chỉ một thỏa thuận ngũ cốc quan trọng.
Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết quyết định của Mạc Tư Khoa là “tống tiền hạt nhân, tống tiền năng lượng, tống tiền thực phẩm”.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi Nga cáo buộc Ukraine, với sự giúp đỡ của Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố cảng Sevastopol của Crimea hôm thứ Bảy. Anh phủ nhận cáo buộc của Nga rằng Anh có liên quan được cuộc tấn công này, gọi đó là “việc rao bán những tuyên bố sai sự thật ở quy mô hoành tráng.”
Sau các cuộc tấn công, Mạc Tư Khoa đã đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine.
Quan chức Ukraine nói thêm rằng Nga đã lan truyền “những điều hư cấu về 'quả bom bẩn' mà cả thế giới cười nhạo”, ám chỉ những cáo buộc của Nga rằng Ukraine đang có kế hoạch sử dụng vũ khí kết hợp chất nổ thông thường như thuốc nổ với các chất phóng xạ như uranium. Cáo buộc này đã bị Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ vì cho rằng đây là một hoạt động cờ giả mà Mạc Tư Khoa có thể sử dụng như một cái cớ để leo thang chiến tranh.
“Mọi thứ còn quá sơ khai và có thể đoán trước được,” Ông Yermak nói.
Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Nga “không thể hiểu rằng các tối hậu thư ngớ ngẩn sẽ không đạt được bất cứ điều gì. Và rằng thời của họ sắp kết thúc.”
4. Các cuộc đàm phán với Nga là một “lãng phí thời gian”, cố vấn chính của Zelenskiy nói sau khi thỏa thuận ngũ cốc sụp đổ
Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các cuộc đàm phán với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine là “lãng phí thời gian”.
Các bình luận được đưa ra sau khi Mạc Tư Khoa đình chỉ việc tham gia vào một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Nga đã đưa ra quyết định trên sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố Sevastopol của Crimea hôm thứ Bảy, mà nước này đổ lỗi cho Kyiv.
“Mã độc hạt nhân, khủng bố năng lượng, phong tỏa ngũ cốc… Putin đã biến lương thực, thực phẩm và giá cả thành vũ khí để chống lại thế giới”, Mikhaylo Podolyak, cố vấn chính của Zelenskiy, cho biết như trên.
“Nước Nga của Putin đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Âu Châu, lấy Phi Châu và Trung Đông làm con tin. Một lần nữa chứng minh: các cuộc đàm phán với Liên bang Nga là một sự lãng phí thời gian.”
5. Liên Hiệp Âu Châu có thể 'chuyển' hàng tỷ Mỹ Kim bị đóng băng của Nga để bồi thường cho Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “EU Can 'Transfer' Russia's Frozen Billions to Compensate Ukraine: Official”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu có thể 'chuyển' hàng tỷ Mỹ Kim bị đóng băng của Nga để bồi thường cho Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Ủy viên Tư pháp Liên minh Âu Châu Didier Reynders cho biết hôm thứ Bảy rằng tiền từ tài sản bị đóng băng của Nga có thể được sử dụng để bồi thường cho Ukraine trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này bị xâm lược.
Reynders nói với tập đoàn truyền thông Funke của Đức rằng Liên Hiệp Âu Châu đã đóng băng tài sản trị giá 16.9 tỷ Mỹ Kim của Nga. Con số này đã tăng 3.2 tỷ Mỹ Kim so với số tài sản bị đóng băng trị giá 13.7 tỷ Mỹ Kim mà ủy viên đã công bố vào tháng Bảy. Reynders vào thời điểm đó nói rằng Liên Hiệp Âu Châu đã đóng băng tài sản thuộc về các nhà tài phiệt Nga và “các thực thể khác” ở 5 quốc gia.
“Cho đến nay, tài sản của 90 người đã bị đóng băng, hơn 17 tỷ euro ở bảy quốc gia thành viên, trong đó có 2.2 tỷ euro ở Đức. Nếu đó là tiền tội phạm bị Liên Hiệp Âu Châu tịch thu, thì có thể chuyển nó vào quỹ bồi thường cho Ukraine.”
Một số quan chức Ukraine kêu gọi sử dụng số tiền này để tái thiết Ukraine sau thảm họa phá hủy hàng loạt do Nga gây ra, Reynders cho biết hôm thứ Bảy rằng “số tiền này còn lâu mới đủ để tài trợ cho việc tái thiết nhưng có thể giúp Ukraine trải qua mùa đông sắp đến”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã đề xuất một ý tưởng tương tự trong cuộc họp báo vào tháng 7 ở Strasbourg, Pháp, khi bà nói rằng họ đang làm việc trên một “khuôn khổ pháp lý” cho phép họ sử dụng các tài sản bị đóng băng để tái thiết Ukraine.
“Tôi nghĩ vấn đề này là công lý.”
Nhiều nơi trên đất nước đã bị thiệt hại đáng kể từ cuộc xâm lược của Nga, với Hội đồng thành phố ở Mariupol, vào thời điểm đó thông báo rằng ước tính sơ bộ cho thấy việc khôi phục có thể tiêu tốn 10 tỷ USD cho riêng thành phố đó.
Trong khi đó vào thứ Bảy, Reynders nói rằng 298.9 triệu đô la mà Liên Hiệp Âu Châu đóng băng từ Ngân hàng Trung ương Nga có thể được sử dụng như một “bảo đảm” cho đến khi Mạc Tư Khoa tự nguyện tham gia xây dựng lại nước láng giềng Đông Âu.
“Theo quan điểm của tôi, ít nhất có thể giữ 300 tỷ euro này như một khoản bảo đảm cho đến khi Nga tự nguyện tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine”.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Hamburger Abendblatt, Reynders nói rằng ông “chắc chắn một cách hợp lý” rằng những người Nga bị tình nghi phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine sẽ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, trong năm nay, theo Đài Âu Châu Tự do.
“Nếu các công tố viên muốn bắt đầu từ cấp cao nhất, hãy để họ làm điều đó,” ông nói.
Các nước Âu Châu và Hoa Kỳ đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Nga vào cuối tháng Hai để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt đã được đưa ra nhằm vào thị trường năng lượng của nước này trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Điện Cẩm Linh.
Kể từ năm 2014, năm Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea, hơn 1.200 người, bao gồm các nhà tài phiệt và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã bị đóng băng tài sản. Họ cũng bị cấm vào Liên Hiệp Âu Châu, theo AFP.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
1. Nhật Ký Trừ Tà số 211: Quỷ dữ bám lấy sự không tha thứ
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #211: Demons Cling to Unforgiveness”, nghĩa là “1Nhật Ký Trừ Tà số 211: Quỷ dữ bám lấy sự không tha thứ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Gần đây tôi đã nhận được ghi chú này từ một người đàn ông đã tham dự một trong các buổi trừ tà của nhóm chúng tôi. Anh ấy viết:
“Trong năm qua, tôi đã phải chịu đựng cảm giác bị áp chế, thường xuyên có ý định tự tử, suy nghĩ tiêu cực, mặc dù mọi thứ trong cuộc sống của tôi vẫn diễn ra tốt đẹp. Một khi bắt đầu cầu nguyện công thức tha thứ, tôi nhận ra rằng tôi đã từng nuôi dưỡng nhiều hận thù và khinh thường những người đã vô cớ đối xử với tôi trong quá khứ. Khi tôi nhớ đến những người này, cầu nguyện cho họ và tha thứ cho họ, tôi cảm thấy như trút được một sức nặng LỚN từ trái tim mình. Ý nghĩ tự tử đã qua đi, tôi cảm thấy bình an hơn nhiều, hòa hợp hơn với Chúa. Xin Chúa ban phước cho cha và cho sứ vụ của cha.”
Ma quỷ bám vào sự không tha thứ. Nó mang lại cho chúng một chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống của chúng ta. Khi người đàn ông này từ bỏ hận thù và tha thứ cho những kẻ đã làm hại anh ta, bản thân anh ta đã được giải thoát. Cho dù sai lầm phải chịu đựng là thực tế hay tưởng tượng không có sự khác biệt bao nhiêu. Cho đến khi chúng ta buông bỏ được những hận thù và những mong muốn báo thù, chúng ta mới hết bị nô lệ cho những kẻ đã làm hại chúng ta và những tổn hại mà chúng ta phải gánh chịu.
Địa ngục là nơi buộc tội và thịnh nộ. Đứng đầu là Sa-tan, kẻ đời đời đổ lỗi cho Thiên Chúa về tất cả những điều xấu xa đã giáng xuống hắn. Thánh Faustina nói rằng một trong bảy sự đau khổ của địa ngục là sự căm ghét Thiên Chúa với những lời nguyền rủa và báng bổ không ngớt. Khi chúng ta mắc kẹt trong hận thù và trả thù, chúng ta bị mắc kẹt trong địa ngục và sống chung với quỷ dữ.
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38)
Đây là Nghi thức Tha thứ mà chúng tôi sử dụng:
Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai đã làm tổn thương hoặc làm hại tôi. Tôi tha thứ cho họ từ tận đáy lòng và tôi cầu xin Chúa ban phước cho họ.
Vị Linh mục đáp lại: Cha chứng kiến sự tha thứ của con. Cha cầu xin Chúa chữa lành bất kỳ sự không tha thứ nào cũng như những vết thương và tổn thương bên trong. Xin Chúa chữa lành cho con và tất cả những người đã làm tổn thương con. Cầu mong con được giải phóng khỏi mọi ràng buộc rối loạn chức năng, được chữa lành trong trái tim con và được tự do trong danh của Chúa Giêsu. Nhân danh Chúa Giêsu, cầu ming con có thể được chữa lành. Nhân danh Chúa Giêsu, hãy bình an.
Tất nhiên, trong trường hợp không có linh mục, người ta vẫn có thể thực hiện một hành động tha thứ.
Source:Catholic Exorcism
2. Lịch sử Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2 tháng 11
Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.
Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.
Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.
Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục - hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.' Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn” (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).
3. Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Cha Thánh Piô thành Pietrelcina và một linh hồn từ luyện ngục
Philip Kosloski của tờ Aleteia có một bài viết nhan đề “When Padre Pio was visited by a soul from purgatory” nghĩa là “Khi Cha Thánh Piô được một linh hồn từ luyện ngục thăm viếng”. Câu chuyện thật là đánh động vì nó nhắc nhở chúng ta những lời cầu nguyện và thánh lễ thật hữu ích dường nào để cứu các linh hồn trong luyện ngục. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Cha Pio Năm Dấu Thánh nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm huyền bí trong khi cầu nguyện. Ngài thường xuyên được nhìn thấu qua bức màn thiên đàng khi vẫn còn đang tại thế. Một thí dụ tiêu biểu cho các kinh nghiệm này liên quan đến một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một linh hồn từ luyện ngục.
Một ngày nọ khi đang cầu nguyện một mình, Cha Pio mở mắt ra và thấy một ông già đang đứng trước mặt ngài. Cha Pio không chút sợ hãi nhưng rất ngạc nhiên trước sự hiện diện của một người khác trong phòng và ngài giải thích trong chứng từ của mình như sau: “Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào ông ta có thể bước vào nhà thờ vào lúc này vì tất cả các cửa đều bị khóa lại.”
Tìm cách làm sáng tỏ bí ẩn này, Cha Pio hỏi người đàn ông “Bạn là ai? Bạn muốn gì?”
Người đàn ông trả lời Cha Pio: “Tôi là Pietro Di Mauro, con trai của Nicola, biệt danh là Precoco. Tôi đã chết trong căn nhà này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, tại phòng số 4, khi đó nơi đây vẫn còn là một viện tế bần. Một đêm nọ, khi đang ở trên giường, tôi ngủ thiếp đi với một điếu xì gà đang hút dở. Điếu xì gà làm cháy nệm và tôi chết vì nghẹt thở và bị đốt cháy. Tôi vẫn còn trong luyện ngục. Tôi cần một thánh lễ để được giải thoát. Chúa cho phép tôi đến và nhờ Cha giúp đỡ tôi.”
Pio an ủi linh hồn tội nghiệp này “Hãy yên tâm tôi bắt đầu cầu nguyện cho ông ngay, và ngày mai tôi sẽ cử hành thánh lễ cầu sự giải thoát của bạn.”
Người đàn ông biến đi và ngày hôm sau Cha Pio đã thực hiện một số công việc điều tra và phát hiện ra tính chân thực của câu chuyện. Sổ bộ của tòa thị chính Rotondo ghi nhận có người đàn ông cùng tên chết vào ngày đó năm 1908 vì biến cố cháy nhà như đã kể. Mọi thứ đã được xác nhận và Cha Pio đã cử hành nhiều Thánh lễ cho linh hồn của người quá cố.
Đây không phải là sự xuất hiện duy nhất của một linh hồn từ luyện ngục yêu cầu Cha Pio cầu nguyện cho. Cha Pio cho biết: “Số linh hồn những người đã chết đến tu viện này xin cầu nguyện cũng đông như linh hồn những người còn sống đến đây xin cầu nguyện cho sự giải thoát khỏi các đam mê và tính hư nết xấu.”
Nhiều lần các linh hồn xin ngài cử hành một Thánh lễ cầu cho họ. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của một Thánh lễ và cho chúng ta thấy cách thức những lời cầu nguyện và Thánh lễ có thể giúp giảm bớt thời gian một người phải trải qua trong luyện ngục trước khi được hưởng vinh quang thiên đàng.
1. Lực lượng Nga rút toàn bộ thiết bị quân sự khỏi sân bay Chornobaivka
Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 30 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân xâm lược Nga đã rút toàn bộ thiết bị quân sự của họ khỏi sân bay ở Chornobaivka, vùng Kherson.
“Điều này có thể được nhìn thấy trên các hình ảnh vệ tinh vào ngày 27 tháng 10,” báo cáo cho biết.
Đồng thời, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng lưu ý rằng kể từ khi bắt đầu chiếm được vùng Kherson, ngay cả việc Lực lượng vũ trang Ukraine liên tục phá hủy các thiết bị của Nga tại sân bay này cũng không phải là lý do để quân xâm lược rời bỏ vị trí của chúng.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các chiến hào bị bỏ hoang. Đó là nơi các lực lượng Nga thường cất giấu thiết bị của họ tại sân bay. Bản thân sân bay là một sở chỉ huy quan trọng đối với các đơn vị Nga hoạt động trong khu vực.
“Những không ảnh vừa thu được cho thấy sân bay trông hoàn toàn bị bỏ hoang. Đồng thời, lý do quân đội Nga rút khỏi Chornobaivka là khá rõ ràng - nó chỉ cách giới tuyến khoảng 20 km, khiến sân bay trở thành khu vực tiền tuyến, nằm trong tầm bắn của pháo binh.”
2. Máy bay Ukraine tiến hành 17 cuộc tấn công vào các vị trí của đối phương vào ngày 29 tháng 10
Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 30 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các chiến đấu cơ của không quân Ukraine đã tiến hành 17 cuộc tấn công vào các vị trí của đối phương vào ngày 29 tháng 10 san bằng một sở chỉ huy, phá hủy 19 xe tăng, hai máy bay cường kích Su-25 và một trực thăng Mi-8 của Nga.
Đáp lại, quân đội Nga hôm thứ Bảy đã tiến hành bảy cuộc không kích và năm cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine.
Theo báo cáo, những kẻ xâm lược đang cố gắng giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tạm thời chiếm được, tập trung nỗ lực ngăn chặn lực lượng phòng thủ Ukraine ở một số hướng nhất định và tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công ở hướng Bakhmut và Avdiivka.
Lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành 11 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung vũ khí và trang thiết bị quân sự, 3 cuộc tấn công vào các cứ điểm cấp trung đội và 3 cuộc tấn công khác vào các vị trí của các hệ thống phòng không của đối phương. Ở các hướng khác nhau, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ một hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 và hai UAV Orlan-10 của đối phương.
Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh trúng 4 khu vực tập trung vũ khí và trang thiết bị quân sự, 2 kho đạn, một hệ thống hỏa tiễn phòng không và 6 mục tiêu quân sự quan trọng khác của quân xâm lược.
3. Căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ sau cuộc tấn công vào bán đảo Crimea
Đại sứ Nga tại Washington hôm Chúa Nhật đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ. Ông cáo buộc Hoa Kỳ đã đưa ra những lời khẳng định sai lầm về quyết định của Mạc Tư Khoa trong việc đình chỉ tham gia vào một thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Theo Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, Nga liên tục phóng hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine. Việc Ukraine tấn công ngược lại là điều có thể hiểu được, nhưng Nga đã viện cớ này đình chỉ tham gia vào một thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải. Thiếu tướng John Kirby cho rằng đó là bằng chứng cho thấy Nga rất sẵn lòng để chà đạp các hiệp định mà họ đã ký kết.
Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ đã lặp lại các tuyên bố của Mạc Tư Khoa theo đó các chuyên gia quân sự Anh bị cáo buộc liên quan đến một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Sevastopol.
Đại sứ Anatoly Antonov: “Phản ứng của Washington đối với vụ tấn công khủng bố vào cảng Sevastopol là thực sự thái quá. Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào lên án các hành động liều lĩnh của chế độ Kyiv”
Theo Antonov: “Tất cả các dấu hiệu cho thấy các chuyên gia quân sự của Anh đã tham gia tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn với việc sử dụng máy bay không người lái,” Antonov nói. Mạc Tư Khoa không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố của mình.
Anh đã bác bỏ tuyên bố của Nga là sai. Bộ Quốc phòng Anh cho biết Bộ Quốc phòng Nga đang “rao bán những tuyên bố sai sự thật ở quy mô hoành tráng” sau khi Mạc Tư Khoa cáo buộc Hải quân Anh thực hiện “cuộc tấn công khủng bố” vào đường ống dẫn khí Nord Stream và tuyên bố “các chuyên gia” của Anh đã hỗ trợ một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Sevastopol.
Hôm Chúa Nhật 30 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov khẳng định rằng Bộ Quốc phòng Nga đã thu hồi và phân tích các mảnh vỡ của máy bay không người lái được sử dụng để tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea hôm thứ Bẩy.
Ông ta cho biết phân tích của Bộ Quốc Phòng Nga cho thấy máy bay không người lái được trang bị bộ phận điều hướng do Canada sản xuất trong một cuộc tấn công mà họ cho là do Ukraine thực hiện dưới sự lãnh đạo của Anh và Hoa Kỳ.
Konashenkov đã lặp lại cáo buộc cho rằng một chiếc Global Hawk (RQ-4B) của Mỹ 'bay từ Ý' đã bay trên bầu trời Hắc Hải, theo dõi phản ứng của Nga, và chỉ đạo cuộc tấn công của Ukraine.
4. Ukraine cho biết xe tăng Nga bị bỏ lại đã làm tăng gấp đôi hỏa lực của họ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Says Abandoned Russian Tanks Have More Than Doubled Their Firepower”, nghĩa là “Ukraine cho biết xe tăng Nga bị bỏ lại đã làm tăng gấp đôi hỏa lực của họ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Ukraine cho biết các xe tăng và thiết bị bị quân đội Nga bỏ rơi trong các cuộc phản công do Kyiv tiến hành đã tăng hơn gấp đôi hỏa lực của họ.
Trong bản báo cáo chiều thứ Sáu 28 tháng 10, lực lượng Vệ binh Quốc gia cho biết đạn dược, xe tăng và thiết bị mà lực lượng Nga bỏ lại đang giúp quân đội Ukraine thực hiện một cách hiệu quả cuộc phản công ở khu vực phía nam Kherson.
“Sức mạnh hỏa lực của Vệ binh Quốc gia đã tăng lên ít nhất hai lần,” phát ngôn nhân Vệ binh Quốc gia Yurii Tarasov cho biết như trên. “Thiết bị do quân xâm lược Nga bỏ lại còn rất tốt, bởi vì do trời mưa, các hành động tấn công chỉ có thể được thực hiện nếu bạn có xe tăng”.
Ông Tasarov cho biết quân đội Nga đã bỏ lại những trang thiết bị hiện đại trong tình trạng hoàn hảo..
Ông nói: “Ví dụ mới nhất là xe tăng T-80, và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cũng đang trong tình trạng hoạt động tuyệt vời. Đó là những chiếc BMP-3 được sản xuất vào năm 2021, ngay cả tài liệu sử dụng họ cũng để lại cho chúng tôi. Thật tốt khi chúng ta có những người hàng xóm ngu ngốc để lại thiết bị trong tình trạng như vậy.”
Lực lượng Vệ binh Quốc gia cho biết thiết bị bị bỏ rơi này của Nga đã được “tịch thu một cách dễ dàng” và có rất nhiều đến mức quân Ukraine phải tổ chức vận chuyển chúng từ các vùng lãnh thổ vừa được giải phóng sang các chiến trường khác.
Tháng trước, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã chia sẻ các bức ảnh cho thấy các ví dụ về kho vũ khí đạn dược và thiết bị khổng lồ mà quân đội Nga bỏ lại khi họ rút lui trong một cuộc phản công của Ukraine.
Các hình ảnh được dịch vụ báo chí của SBU đăng trên Telegram và Twitter, cho thấy một chiếc xe bị bỏ lại và những thứ dường như là các hộp đạn và thiết bị trong một kho chứa không có người coi sóc ở Izyum, vùng Kharkiv phía nam Ukraine.
SBU cho biết: “Những kẻ xâm lược Nga, dưới áp lực của các binh sĩ Ukraine, đang chạy trốn nhanh đến mức đang bỏ lại toàn bộ kho vũ khí đạn dược. Chúng tôi biết phải làm gì với chúng và chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng chúng cho mục đích đã định là chống lại kẻ thù.”
Anton Gerashchenko, một cố vấn tại Bộ Nội vụ Ukraine, cũng cho biết vào ngày 11 tháng 9 rằng các binh sĩ Nga đã bỏ chạy quá nhanh trong bối cảnh Kyiv phản công trong khu vực đến mức họ bỏ lại “một nửa thiết bị của mình”.
Gerashchenko đã chia sẻ một video trên Twitter mà ông ấy nói cho thấy một chiếc xe tăng Nga bị bỏ rơi ở Izyum.
Ông viết: “Hôm nay quân đội của chúng ta đã chấp nhận mượn nguồn cung cấp cho thuê đầu tiên từ Nga tại Izyum. Đó là một trò đùa. “Lính Nga bỏ chạy quá nhanh, họ bỏ lại một nửa số trang thiết bị của mình”.
Đoạn phim do một tình nguyện viên Mỹ thực hiện ở Kharkiv và được chia sẻ với Newsweek vào tháng trước, cũng cho thấy xe tăng Nga bị bỏ rơi trong khu vực.
Các nỗ lực của Ukraine hiện đang tập trung ở khu vực phía nam Kherson, nơi bị quân Nga chiếm giữ trong những ngày đầu của cuộc chiến. Kyiv đã lấy lại các khu định cư dọc theo bờ tây của sông Dnepro từ đầu tháng 9.
Tác động của thời tiết ẩm ướt
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết thời tiết ẩm ướt và địa hình đang làm phức tạp thêm cuộc tấn công phía nam của họ.
“Trước hết, miền nam Ukraine là một vùng nông nghiệp, và chúng tôi có rất nhiều kênh tưới tiêu và cấp nước, và người Nga sử dụng chúng như những chiến hào”, Oleksii Reznikov nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư. “Nó thuận tiện hơn cho họ.”
“Nguyên nhân thứ hai là điều kiện thời tiết. Đây là mùa mưa, và rất khó sử dụng các phương tiện vận tải có bánh xe chiến đấu,” ông nói thêm. “Chiến dịch phản công ở hướng Kherson khó hơn ở hướng Kharkiv.”
Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Nga để đưa ra bình luận.
5. Chiến dịch giải phóng Kherson của Ukraine có thể kéo dài đến cuối tháng 11
Người đứng đầu Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, cho biết ông tin rằng chiến dịch chiếm giữ Kherson, do Nga tạm thời chiếm đóng, rất có thể sẽ kéo dài đến cuối tháng 11.
Theo ông, các đơn vị được đào tạo bài bản nhất và có năng lực nhất của Nga hiện đang ở Kherson. “Một phần lớn trong số họ là từ lính dù của Liên bang Nga, lực lượng hoạt động đặc biệt của Nga và Thủy Quân Lục Chiến, nghĩa là những đơn vị có năng lực nhất mà Nga có. Các đơn vị đó tạo thành xương sống của nhóm và nó cũng được tăng cường bởi các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ.”
Ông cho biết thêm, thành phần tác chiến của quân Nga trên hướng Kherson là khoảng 40,000 binh sĩ.
Budanov cũng bình luận về quyết định có thể xảy ra của người Nga trong việc cho nổ nhà máy thủy điện Kakhovka.
“Theo đánh giá của chúng tôi, nếu quyết định như vậy được đưa ra, họ sẽ chỉ làm nổ tung con đường đi qua con đập để không thể sử dụng cho các phương tiện của chúng tôi và các cửa cống của con đập sẽ chỉ gây ra sự hư hại một phần của con đập.”
Budanov nói thêm rằng điều này có thể xảy ra khi quân đội Ukraine chiếm Kherson và nếu người Nga quyết định rút lui. Ông nói: “Sau khi rút khỏi bờ tây của sông Dnipro, họ có thể quyết định làm điều đó để cản trở bước tiến của chúng tôi sang bờ đông.”
Ông cũng tuyên bố rằng trong giai đoạn hiện tại không có mối đe dọa xâm lược từ Belarus, vì hiện chỉ có 4,300 quân Nga ở lại nước này.
Budanov nói: “Nhóm đó không có nhiều vũ khí hạng nặng và phần lớn - khoảng 80% trong nhóm - là các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ.”
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông, tình hình có thể thay đổi rất nhanh khi Nga mất Kherson. Budanov nói rằng nhóm có khả năng ở Kherson sau khi rút khỏi Kherson một phần sẽ được chuyển đến hướng Zaporizhzhia nhưng một phần có thể di chuyển về phía bắc tới Belarus và tạo ra mối đe dọa ở đó, Budanov nói. “Vì vậy, chúng tôi phải thận trọng về hướng này,” ông nói.
6. Các quan chức ở Mạc Tư Khoa và Kyiv cho biết Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc trao đổi tù binh chiến tranh mới nhất vào hôm thứ Bảy.
Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã báo cáo về sự trao trả 52 người bị bắt giữ, trong số đó có binh lính, thủy thủ, lính biên phòng, thành viên vệ binh quốc gia và bác sĩ.
Ukraine cho biết các cuộc trao đổi tiếp theo đang được thực hiện, nhưng không đưa ra chi tiết.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bàn giao 50 tù nhân chiến tranh sau cuộc đàm phán.
Trước đó, hôm thứ Bảy, Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực Donetsk được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn - một trong bốn khu vực của Ukraine mà Nga đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình vào tháng trước - cũng cho biết một cuộc hoán đổi tù nhân với Ukraine đang diễn ra.
Ông cho biết 50 người từ mỗi bên đang được trao đổi.
7. Monticrskyy: Những kẻ xâm lược đặt mìn các vùng lãnh thổ với mật độ gấp đôi trong thời gian rút lui
Trong các vùng lãnh thổ mới được giải phóng gần đây, các khu vực bị gài mình với mật độ dày gấp đôi so với phần bị chiếm đóng của các vùng Kyiv hoặc Chernihiv.
“Nếu trước đó chúng ta nói về rà phá bom mìn ở vùng Luhansk, vùng Donetsk, thì thật không may, bây giờ chúng ta lại phải nói rằng phần lớn lãnh thổ của chúng ta cần rà phá bom mìn với một mật độ dày đặc hơn. Thật vậy, hầu như mọi nơi trong các lãnh thổ bị chiếm đóng gần đây đều đã bị gài mìn. Nếu chúng ta so sánh tình hình với vùng Kyiv hoặc vùng Chernihiv, các khu vực bị gài mìn có mật độ dày gấp đôi. Tất nhiên, điều này liên quan đến thời gian quân địch ở lại đó và việc chúng sử dụng phương pháp này để chặn bước tiến của quân đội chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Denys Moosystemrskyy cho biết trên sóng truyền hình toàn quốc.
Ông lưu ý rằng các hoạt động rà phá bom mìn được thực hiện bởi hai dịch vụ - Dịch vụ Khẩn cấp và cảnh sát. Trong những tháng gần đây, Dịch vụ Khẩn cấp đã phát hiện hơn 250,000 vật liệu nổ, và cảnh sát tìm thấy 130,000 đối tượng khác.
Các chuyên gia phương Tây cũng giúp đỡ các kỹ thuật viên chất nổ Ukraine. Theo Monticrskyy, khi các chuyên gia rà phá bom mìn nhân đạo nhìn thấy phạm vi công việc cần thiết, họ nói rằng điều này có thể sẽ kéo dài hàng chục năm. “Tuy nhiên, nhìn vào nỗ lực của các chuyên gia chúng tôi, phải thừa nhận rằng hiệu quả của họ cao hơn gấp nhiều lần”, Bộ trưởng lưu ý.
8. Quân đội Ukraine bắn hạ hỏa tiễn Iskander-K của Nga bắn vào Zaporizhzhia
Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 30 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã lên tiếng khen ngợi một người lính Ukraine nhanh trí đã phát hiện và bắn hạ hỏa tiễn Iskander-K của Nga, khi nó đang áp sát thành phố Zaporizhzhia.
“Một hỏa tiễn hành trình nữa của Rostov đã không đạt mục tiêu. Hôm nay, một binh sĩ của hệ thống phòng không cơ động đã phát hiện và bắn vào hỏa tiễn Iskander-K của đối phương, đang bay về phía thành phố Zaporizhzhia. Kết quả là hỏa tiễn của Nga đã đổi hướng bay và rơi xuống một nơi hoang vắng.”
Bộ Tư lệnh Không quân miền Đông lưu ý rằng người lính Ukraine vận hành hệ thống phòng không di động sẽ được đề nghị khen thưởng vì “hành động khéo léo và kịp thời”
Trong khi đó, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã tiêu diệt 70 kẻ xâm lược, phá hủy chín xe tăng trong tuần qua
Trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 10 năm 2022 đến ngày 28 tháng 10 năm 2022, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã tiêu diệt 70 quân xâm lược Nga và phá hủy 9 xe tăng và một máy bay trực thăng của đối phương.
1. Tin Vui: Việt Nam có thêm một tân Giám Mục
Hôm 29 tháng 10 năm 2022, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà giáo phận Thái Bình; đồng thời, bổ nhiệm Cha Đaminh Đặng Văn Cầu, linh mục thuộc giáo phận Thái Bình, làm Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình.
Cha Đaminh Đặng Văn Cầu đang đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình.
Tiểu sử Linh mục Đaminh Đặng Văn Cầu
- Sinh ngày 17/7/1962 tại giáo xứ Lương Đống, xã Đông Giang (nay là xã Hà Giang), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc giáo phận Thái Bình
- 1971 – 1982: Tu học tại Tiểu Chủng viện Mỹ Đức
- 1982 – 1989: Giúp việc tại Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 1989 – 1995: Học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
- Ngày 9/3/1996: Được truyền chức linh mục tại giáo phận Thái Bình
- 1996 – 2000: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2000 – 2005: Du học tại Institut Catholique de Paris, nước Pháp; tốt nghiệp học vị Cao học Mục vụ Huấn giáo
- 2006 – 2009: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2009 – 2014: Chánh xứ giáo xứ Văn Lăng, giáo phận Thái Bình
- 2014 – 2017: Đại diện Giám mục miền Hưng Yên kiêm Hạt trưởng giáo hạt Đông Hưng Yên, Chánh xứ giáo xứ Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, giáo phận Thái Bình
- Từ năm 2017 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình
2. Tại sao 3 giờ sáng được gọi là “giờ của ma quỷ”?
Tác giả Philip Kosloski của tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “Why is 3 a.m. known as ‘the devil’s hour’?” nghĩa là Tại sao 3 giờ sáng được gọi là ‘giờ của ma quỷ’? “ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.
Những phim kinh dị và các chương trình truyền hình huyền bí thường nói về “giờ của quỷ”. Đó có thể là khoảng thời gian từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng hoặc khoảng thời gian từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Trong cả hai trường hợp, nhiều người cho rằng ma quỷ mạnh nhất trong khoảng thời gian này.
Ý tưởng này dường như nảy sinh từ nhận thức rằng Satan thích chế nhạo Thiên Chúa.
Các sách Phúc âm của Thánh Matthêu, Máccô và Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết trong “giờ thứ chín”. Theo cách tính hiện đại, đây sẽ là 3 giờ chiều. Theo ý tưởng này, Satan tự cho mình thời điểm 3 giờ sáng, để chế nhạo trực tiếp Chúa.
Một lý do khác mà thời gian này được coi là một thời điểm hoạt động ma quỷ cao bất thường là thực tế theo đó, vào giữa đêm,mặt trời đã lặn từ lâu và sẽ không mọc trong vài giờ nữa.
Kinh thánh nhiều lần đề cập đến đêm và bóng tối là thời gian của tội lỗi. Khái niệm này được tóm tắt một cách hoàn hảo trong Phúc âm của Thánh Gioan, “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3: 19-20).
Ngoài ra, Chúa Giêsu đã bị Giuđa phản bội trong đêm, đôi khi được cho là lúc nửa đêm, và Thánh Phêrô đã chối Chúa Giêsu trước khi “gà gáy” (khoảng 6 giờ sáng). Điều này có nghĩa là “cuộc xét xử” của Chúa Giêsu trước khi Tòa Công luận xảy ra trong “giờ của ma quỷ.”
Cũng có một chút sinh học hoạt động ở đây, vì 3 giờ sáng đánh dấu thời điểm buồn ngủ vào ban đêm sâu nhất trong chu kỳ ngủ-thức bình thường của người lớn. Thức dậy hoặc bị đánh thức vào giờ này có thể làm xáo trộn nhịp sinh học của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy thấp thỏm hoặc lo lắng.
Nhiều người có thói quen cá nhân nói một vài lời cầu nguyện nếu họ thức dậy lúc 3 giờ sáng.
Source:Aleteia
3. Nga 'sẵn sàng' nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine
Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với Đức Thánh Cha Phanxicô, Hoa Kỳ và Pháp để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả tình hình ở Ukraine với người Mỹ, với người Pháp và với Đức Giáo Hoàng,” Peskov nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại hàng ngày vào ngày 25 tháng 10.
Quan chức Nga đề cập đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người hôm thứ Hai đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill “thúc đẩy tiến trình hòa bình” ở Ukraine.
Trong một tuyên bố với tạp chí Le Point, Macron cho biết ông đã đề nghị “Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cho Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill, và cả Joe Biden. Chúng ta cần Hoa Kỳ vào bàn để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”.
Peskov nói rằng “nếu điều này thực sự đi đúng hướng với những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi, thì nó có thể được đánh giá một cách tích cực.”
Đã 8 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, cuộc chiến cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,000 thường dân, trong đó có gần 400 trẻ em.
Trong một diễn biến mới nhất, các quan sát viên cho rằng cuộc tấn công hôm thứ Bẩy 29 tháng 10, được cho là cuộc tấn công cường tập lớn nhất của Ukraine, vào Crimea, có lẽ sẽ thay đổi nhiều thứ.
Cuộc tấn công liên tục của Ukraine bắt đầu lúc 4h30 sáng và kéo dài ít nhất 5 giờ đồng hồ. Những tiếng nổ long trời làm rung rinh thành phố cùng với những tiếng nổ lớn là những tiếng trực thăng, và những tiếng súng nhỏ hơn, cùng với tiếng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Tất cả tạo thành một bầu không khí chiến tranh cao độ như thể quân Ukraine đang đến rất gần.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã tức giận cáo buộc 'các chuyên gia' của Anh, những người mà họ cho là có trụ sở tại thành phố Ochakiv, miền nam Ukraine, đã giúp chuẩn bị và huấn luyện Kyiv để thực hiện cuộc tấn công. Igor Konashenkov cũng cáo buộc Mỹ theo dõi từ trên máy bay và chỉ đạo cuộc tấn công, mặc dù ông ta không đưa ra được bằng chứng nào.
Source:Catholic News Agency
4. Một thế giới không có luật lệ à?
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A World Without Rules?”, nghĩa là “Một thế giới không có luật lệ à?”.
Chúng ta hãy rõ ràng rằng các thuật ngữ “cộng đồng quốc tế” và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường bị giản lược thành những từ ngữ lẫn lộn đến vô nghĩa. Hãy rõ ràng thêm rằng một số người viện dẫn một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường tìm kiếm sự áp đặt của Cộng hòa Thức Thời ở khắp mọi nơi. Thậm chí chúng ta hãy rõ rằng giấc mơ về một thế giới không có xung đột, được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế và “đối thoại”, đang bỏ qua những hậu quả lâu dài của tội nguyên tổ trong lĩnh vực chính trị.Nói thế để thấy rằng có điều gì đó nghiêm trọng và vô trách nhiệm trong những quả lựu đạn khoa trương được tung ra từ phân khu chơi chữ của nhóm “nhân quyền mới” theo “những tưởng tượng duy tâm” về một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” - mà không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào được đề xuất.
Bạn muốn biết một thế giới không có trật tự, một thế giới mà ngay cả những quy tắc bất thành văn trong lương tâm con người cũng bị lờ đi mà có vẻ như không bị trừng phạt, sẽ trông như thế nào phải không?
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài cự phách, giả dạng là một tổng thống hợp pháp và là người bảo vệ nền văn minh Kitô giáo, giết chết các đối thủ trong nước của mình; đè bẹp mọi nỗ lực của công chúng muốn thể hiện sự bất đồng chính kiến; đánh lừa không gian giao tiếp bằng những nói dối, hết lần này sang lần khác, xâm lược một quốc gia láng giềng hòa bình và cố gắng thôn tính các vùng lãnh thổ rộng lớn của họ; cho phép mình ngang nghiên nhắm vào thường dân vô tội một cách có chủ ý và cố ý phá hủy nhà trẻ, nhà hộ sinh và nhà thờ; phủ nhận các tội ác chiến tranh (bao gồm cả tra tấn và hành quyết hàng loạt) do đội quân bạo tàn của mình gây ra; thực hành tống tiền năng lượng; đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; biến các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống của đất nước mình thành những kẻ hèn hạ bỉ ổi; và làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, đặt những người yếu nhất và nghèo nhất vào nguy cơ đói kém.
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài tàn nhẫn khác, người tưởng tượng mình đang thực hiện một sứ mệnh cao cả, nếu không phải là của thiên đường thì ít nhất cũng là của “lịch sử” đã gây ra cho thế giới một đại dịch kéo dài hơn một năm mà ông ta không thể kiểm soát được và có thể đã tạo ra nó; cố gắng mua con đường thống trị thế giới của mình bằng cách hối lộ các chính trị gia Thế giới thứ ba trong khi thuộc địa hóa đất nước của họ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng gây ra những nợ nần chồng chất cho phép hắn ta thể hiện quyền lực trên toàn cầu; thực hiện các động thái quân sự hung hăng chống lại các nước láng giềng trực tiếp của mình; thực hành các hành vi diệt chủng dân tộc và văn hóa thông qua các trại “cải tạo”; phá hủy sự tự do của một thành phố từng phát triển mạnh một thời; đòi hỏi rằng ngay cả các nhóm tôn giáo đã được chấp thuận cũng phải phục tùng “tư tưởng” của hắn ta; và bắt giam những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm, những người nói dám sự thật với uy lực của tự do khiến hắn ta sợ hãi.
Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài man rợ khác, kẻ có mái tóc quái dị, phát triển vũ khí hạt nhân và bắn hỏa tiễn đạn đạo một cách trơ trẽn vào một nước láng giềng, trong khi điều hành đất nước của mình như một trại tập trung rộng lớn, trong đó nạn đói là một công cụ của chính sách nhà nước.
Đó là một thế giới mà các nhà cai trị coi mình là chúa tể, sử dụng bộ máy nhà nước để thực thi khái niệm về “điều tốt đẹp nhất” của họ bằng cách giết người, tra tấn và bằng sự tàn bạo của cảnh sát, đồng thời gây bất ổn hơn nữa cho khu vực đầy biến động mà họ sinh sống.
Đó là một thế giới trong đó các tổ chức phi nhà nước, hoạt động như các tổ chức khủng bố, tàn phá những người khác từ căn cứ của họ ở những quốc gia bất ổn.
Đó là một thế giới trong đó một người từng bị bắt thời thanh niên, hiện đã ngoài bảy mươi tuổi, phá hủy xã hội dân sự và nền kinh tế của một quốc gia nhỏ bé, nghèo khó; quản thúc các đối thủ chính trị của mình trong nhiều tháng; xây dựng các nhà tù tra tấn các linh mục; trục xuất các Thừa sai Bác ái ra khỏi đất nước; bôi nhọ Giáo hội thông qua các phương tiện truyền thông do chế độ của ông ta thống trị; và bắt giữ một giám mục Công Giáo với những cáo buộc hoàn toàn giả mạo.
Đó là điều mà một thế giới thậm chí không có các quy tắc bất thành văn và các nhà lãnh đạo sẵn sàng thao túng sẽ trông như thế nào. Bất cứ ai tưởng tượng rằng loại thế giới này cuối cùng sẽ không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hoa Kỳ đều đang chìm trong sương mù ý thức hệ và mù mịt với thực tế. Điều gì xảy ra với Ukraine; điều gì xảy ra với các nước Baltic và Ba Lan nếu sự xâm lược của Nga không bị đánh bại ở Ukraine; điều gì xảy ra với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Jimmy Lai ở Hương Cảng; điều gì xảy ra với Đài Loan và những người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương; điều gì sẽ xảy ra nếu bọn mullah lấy được bom hoặc Al Qaeda tự tái tạo lại; những gì xảy ra ở các quốc gia đang thất bại ở Trung Mỹ — tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến chúng ta hiện tại và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
Đúng là nước Mỹ không thể là cảnh sát đương đầu với mọi chế độ tội phạm trên hành tinh. Nhưng cần phải có ai đó đối phó với bọn du đảng khi những kẻ vô pháp vô thiên này đe dọa các quy tắc quy định thứ tự tối thiểu cần thiết để ngăn thế giới trở thành một đội bắn vòng tròn: một khu rừng nhiệt đới Hobbesian mà tất cả đều được thiết lập để chống lại nhau. Không nắm bắt được điểm cơ bản này không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về lịch sử và tầm nhìn cận thị về chiến lược. Nó cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc liên đới, là một trong bốn trụ cột của học thuyết xã hội Công Giáo.
Source:First Things