Ngày 17-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Truyền giáo: Sứ mạng ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận
Dominic Trần
10:57 17/10/2009
Chúa Nhật Truyền Giáo

Chúa Nhật Truyền Giáo, còn gọi là Khánh nhật Truyền giáo, là ngày thế giới truyền giáo, ngày mà toàn thể Giáo Hội hướng lòng về chiến tuyến, nơi các chiến sĩ Phúc Âm đang xả thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng, mở rộng nước Chúa. Và cứ vào dịp này mỗi năm, Vị Cha Chung của Giáo Hội đều gửi một sứ điệp gọi là Sứ Điệp Ngày Truyền Giáo để khích lệ và hướng dẫn các Ki-tô hữu về sứ mệnh truyền giáo.

Chủ đề mà Đức Thánh Cha chọn cho Ngày Truyền Giáo năm nay (SĐTG 2009) là: “Các dân nước sẽ bước đi theo ánh sáng của Ngài” (Kh 21,24), với mong muốn là “để nhắn nhủ mỗi người hãy khơi dậy nơi bản thân ý thức về mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô ‘biến mọi dân tộc trở thành môn đệ của Ngài’ (Mt 28,19), theo vết thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại” (SĐTG 2009, lời mở).

Ba ý tưởng mà chúng ta có thể nhấn mạnh khi đọc sứ điệp này là:

- Một là mọi Ki-tô hữu cần ý thức về sứ mạng truyền giáo của mình;
- Hai là mọi Ki-tô hữu được mời gọi thao thức để “soi chiếu mọi dân tộc bằng ánh sáng Chúa Ki-tô”;
- Ba là mọi Cộng đoàn Ki-tô hữu cần nhận thức rằng “sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”.

1. Ý thức về sứu mạng truyền giáo

Trước hết, một lần nữa chúng ta phải tái khẳng định rằng sứ mạng truyền giáo là nghĩa vụ dành cho hết mọi Ki-tô hữu. Do ân sủng và ơn gọi của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, địa bàn truyền giáo của các giáo dân là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao (x. GH, số 30-38).

Là nghĩa vụ, bổn phận, nên người Ki-tô hữu cần phải thi hành. Đây không là một việc nhiệm ý, một lời khuyên lơn hay mời gọi mà là một mệnh lệnh, là lệnh truyền của Chúa Ki-tô, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại. Công đồng Vatican II đã xác quyết rằng “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ, số 3; x. GH số 17; TG, số 23, 36).

Là nghĩa vụ cho mọi Ki-tô hữu, chứ không phải là lệnh truyền riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà thôi. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ, số 2), và do đó, người giáo dân “có bổn phận và quyền làm tông đồ” (TĐ, số 3). Giáo luật cũng minh định rằng “tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (GL, điều 211).

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo (TG 2), hiện hữu đề truyền giáo. Truyền giáo là lý do hiện hữu (raison d’être) của Giáo Hội. Đà tiến truyền giáo luôn là dấu chỉ sinh động của Giáo Hội (SVĐCC 2; SĐTG 2009, số 2,3,5). Hơn nữa, “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia” (SĐTG 2009, số 1). Sứ mạng này không phải là công việc riêng lẻ, nhưng là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế, mọi thành phần cần cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm. Thực vậy, “toàn thể Giáo Hội phải dấn thân trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại, cho đến khi chủ quyền cứu độ của Chúa Kitô được thể hiện hoàn toàn”, bởi vì cho đến “hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự tùng phục Chúa” (Dt 2,8; SĐTG 2009).

2. Thao thức về công cuộc truyền giáo

Thao thức với tấm lòng yêu thương bao la của Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương và muốn cho mọi người được yêu thương và cứu độ. Trong ý định yêu thương nhiệm mầu của Ngài, tất cả mọi dân tộc đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. “Toàn thể nhân loại có một ơn gọi cơ bản là trở về nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa, và chỉ nơi Ngài nhân loại mới được viên mãn nhờ sự tái lập mọi sự trong Chúa Kitô” (SĐTG 2009, số 1).

Đó là thao thức với ước mong cháy bỏng của Chúa Giêsu, Đấng đã đến “ném lửa” yêu thương vào thế gian và “lửa ấy cháy lên”, đã hy sinh tính mạng để cứu nhưng gì đã mất, và hằng khát khao tìm kiếm các “chiên không thuộc đoàn này” để chỉ có một đàn chiên và một Mục Tử (x. Ga 10, 11-18), nghĩa là “mọi người qui tụ thành một gia đình nhân loại duy nhất trong tình phụ tử yêu thương của Thiên Chúa” (SĐTG 2009, lời mở).

Đó cũng là thao thức đồng cảm với Giáo Hội lữ hành “tự bản chất là truyền giáo” (TG, số 2), ý thức rõ “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng” của mình, như “là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né”. Bởi vì Giáo Hội hiện hữu chính là để tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô nơi trần gian: cứu độ con người và quy tụ nhân loại vào trong Gia Đình của Thiên Chúa. Vì thế, “Giáo Hội hoàn vũ, không bị giới hạn và cũng không có biên cương, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng đứng trước các dân tộc (x. LBTM, số 53). Do ơn gọi làm mầm mống hy vọng, Giáo Hội phải tiếp tục mang Chúa Kitô cho thế giới.” (SĐTG 2009, số 2).

Sau nữa, truyền giáo là thao thức của đức ái. Tình yêu luôn đòi hỏi trao ban và trao ban những gì tốt nhất. Đức ái không cho phép đóng kín nhưng phải mở ra để trao tặng cho nhân loại quà tăng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được là Chúa Kitô. Truyền giáo, vì thế, là đòi hỏi, là “lệnh truyền” của đức ái, của một tình yêu Kitô đích thực, mong muốn và thực thi điều tốt điều lành cho anh em (TĐ, số 3), trao tặng cách nhưng không “khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô. Thánh Thần tình yêu sẽ soi sáng, thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trên đường sứ vụ yêu thương này (x. SĐTG 2009, số 5).

3. Nhận thức về vị trí ưu tiên của sứ mạng truyền giáo

- Chiếm vị trí ưu tiên: “Tôi nhắc nhở các Giáo Hội kỳ cựu cũng như các Giáo Hội mới được thành lập rằng Chúa đã đặt họ làm muối đất và ánh sáng thế gian, Ngài kêu gọi họ rao giảng Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”. Như vậy công việc truyền giáo không phải là điều gì thêm vào, phụ thuộc, thứ yếu, mà là công việc đứng hàng đầu, là bận tâm lớn nhất, là thao thức không ngừng nghỉ trong các hoạch định mục vụ của Giáo Hội, của mỗi cộng đoàn Kitô hữu.

- Chiến lược gợi ý: (1) Không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện và quyên góp mà còn tham gia tích cực và chủ động hơn vào công cuộc truyền giáo; (2) Không chỉ dừng lại ở việc giữ đạo và sống đạo, mà cần đẩy mạnh truyền đạo; (3) Đổi mới ý thức, hun đúc thao thức và đào sâu nhận thức về truyền giáo để mỗi Ki-tô hữu đêu hoạt động cách ý thức và trách nhiệm cho công cuộc truyền giáo: rao giảng, làm chứng, nhất là qua đời sống công bằng, bác ái, phục vụ, liên đới, chia sẻ… trong các môi trường sinh sống và làm việc hằng ngày (gia đình, xưởng thợ, trường học, công sở …; (4) Nâng cao ý thức và đào tạo truyền giáo cho người giáo dân, nhất là các hội đoàn, các tông đồ nòng cốt cho việc truyền giáo; (5) Lưu ý đến những cách thức mới trong việc sống đạo và truyền đạo: văn hoá, phát triển nhân bản toàn diện, tôn trọng môi sinh, đối thoại liên tôn, truyền thông xã hội, mục vụ di dân…

“Đà tiến truyền giáo luôn luôn là dấu chỉ sức sinh động của các Giáo Hội chúng ta” (x. SVĐCT, số 2). Chúng ta có thể nhắc đến ở đây kinh nghiệm của Giáo Hội Hàn quốc. Vào năm 1983, vào dịp Đức Thánh Cha đi thăm Hàn quốc và phong thánh cho 103 vị tử đạo Hàn quốc, Hàn Quốc có 3 triệu rưỡi người Công giáo. Năm đó, Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ hăng say truyền giáo và đưa ra một chương trình mục vụ cụ thể, đó là mỗi gia đình Công giáo phải truyền giáo cho một gia đình ngoài Công giáo. Mỗi người Công giáo phải truyền giáo cho một người ngoài Công giáo. Kết quả rất là khả quan. Khoảng 10 năm sau, số giáo dân Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi!

Tỉ lệ người Công Giáo Việt Nam từ năm 1886 đến nay hầu như dậm chân tại chỗ (hơn kém 7%, x. Nguyễn Ngọc Sơn, Nhìn lại sứ mạng truyền giáoo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai, Vietcatholic.Net). Đó phải chăng là hệ quả hiển nhiên của việc thiếu ý thức truyền giáo, thiếu thao thức rao giảng Chúa Kitô cho người khác, hay là thiếu nhận thức về tầm quan trọng của sự vụ loan báo Tin Mừng? Và như thế, phải chăng việc cần làm đầu tiên cho một chặng đường mới chính là gióng lại hồi chuông tỉnh thức, để gieo lại niềm say mê truyền giáo như lời của bài ca bất hủ: “Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin Mừng!” (Is 52,7; Rm 10,15)?
 
Tâm Sự Với Chúa mỗi ngày - Tuần 29 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
15:27 17/10/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 29 thường niên Lc 12,13-21

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là sự sống vĩnh cửu. Nơi Chúa không có khởi đầu và cũng không có tận cùng. Xin cho chúng con được sống sức sống dồi dào của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những của cải mau qua đời này. Xin giúp chúng con đừng vì ham muốn vật chất mà quên đi Nước trời mai sau.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng cần tiền. Ai cũng dùng tiền. Đồng tiền trở thành một phương tiện để chúng con trao đổi với nhau. Thế nên, có một bài thơ đã nói như sau:

Người công nhân đổ mồ hôi để có được nó
Kẻ hoàng phí thì đốt nó
Chủ ngân hàng đem nó cho vay
Đàn bà xài nó
Kẻ lưu manh làm giả nó
Nhân viên thuế vụ lấy nó
Kẻ thừa kế tiếp thu nó
Người tiết kiệm để dành nó
Người keo kiệt thèm khát nó
Kẻ ăn trộm chốp lấy nó
Người giầu có gia tăng nó
Người cờ bạc bị mất nó
Phần tôi thì dùng nó.

Xin Chúa giúp chúng con biết dùng của cải đời này cho hợp ý Chúa. Xin giúp cho những người vì thời cuộc đã chối bỏ đức tin để chạy theo tiền của và địa vị xã hội được ơn hoán cải. Xin cho họ sớm trở về, sống đức tin mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,35-38

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là cây nho. Chúng con là cành. Xin cho chúng con luôn gắn bó với Chúa qua việc siêng năng rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sẵn sàng, để dầu chúng con đang phải sống giữa trần gian, nhưng vẫn luôn một lòng gắn bó với Chúa trong lời cầu nguyện hàng ngày.

Lạy Chúa, sống giữa cuộc đời chúng con phải lo lắng sắm sửa cho mình rất nhiều thứ. Có những thứ cần dùng. Có những thứ để tích luỹ. Đó là kẻ khôn ngoan. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá dại khờ với những giá trị Nước trời. Chúng con chưa chuẩn bị gì cho ngày chúng con định cư vĩnh viễn nơi quê trời. Chúng con quá bon chen cuộc sống vật chất mà quên đi chuẩn bị hành trang cho Nước trời mai sau. Xin giúp chúng con biết tích luỹ công đức trước mặt Chúa bằng những hy sinh sống theo thánh ý Chúa, những từ bỏ đam mê tật xấu để hoàn thiện mỗi ngày thánh thiện hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu chúng con vô ngần. Xin giúp chúng con tỉnh thức trước những cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, ngõ hầu biết trung thành với Chúa luôn. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,39-48

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa ban xuống trên cuộc đời chúng con. Chúa muốn chúng con dùng ân huệ Chúa ban để tôn vinh và ngợi khen Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ, bổ sức để chúng con biết phát triển những khả năng Chúa ban và dùng chúng để phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu thương chúng con vô ngần. Chúa còn tặng ban cho chúng con thật nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng ân huệ theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con biết đền đáp tình thương Chúa bằng những việc lành phúc đức, bằng sự chu toàn bổn phận hằng ngày. Xin giúp chúng con thắng vượt tính lười biếng, bê trễ trong bổn phận. Xin canh chừng hồn xác chúng con khỏi những thói hư tật xấu.

Lạy Chúa, xin ngự đến linh hồn chúng con và thánh hiến chúng con nên người tông đồ của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết trung tín trong bổn phận, để chúng con được xếp vào hàng ngũ những người khôn ngoan của Nước Trời. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,49-53

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã mang ngọn lửa yêu thương ném vào thế gian. Chúa hằng ước mong cho ngọn lửa ấy mãi bừng lên. Xin đốt nóng chúng con trong con tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết thực thi ước mơ của Chúa, khi chúng con mang lửa yêu thương dâng tặng nhau.

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời hôm nay có quá nhiều bóng tối. Bóng tối của bất công và sa đoạ. Bóng tối của hận thù, chia rẽ. Bóng tối của nghèo đói, lạc hậu. Bóng tối ở ngay trong lòng chúng con. Bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa chúng con lại quá yếu đuối. Xin Chúa luôn ở bên chúng con. Xin ban thêm ơn trợ giúp để chúng con vượt thắng gian nan, để mang lửa yêu thương xoá tan bất công hận thù, mang lửa bác ái, cảm thông để sưởi ấm lòng người. Xin huấn luyện chúng con thành chiến sĩ luôn hăng say chiến đấu, để đẩy lùi bóng tối tội lỗi ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, là ngọn lửa thiêng không bao giờ lịm tắt, xin hun nóng tâm hồn chúng con, và xoá tan những băng giá của ích lỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Xin xoá tan bóng tối tội lỗi đang chìm ngập tâm hồn chúng con. Xin mang lại cho chúng con ánh sáng của tin yêu và hy vọng để nhờ đó chúng con hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho thế gian. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,54-59

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với tình yêu bao la trời bể, Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa nhân loại chúng con. Chúa còn thiết lập bí tích Thánh Thể để ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa chính là dấu chỉ cho sự sống đời đời giữa nhân loại chúng con. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa để chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, cuộc đời hôm nay trăm phương ngàn lối. Chúng con như lạc vào một thế giới hư ảo, một thế giới luôn lôi kéo con người sống hưởng thụ, sống rời xa tình Chúa. Chúng con mải mê chạy theo những nhu cầu của thân xác mà lãng quên giá trị tinh thần. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra sự thái hóa, bất cập của mình, ngõ hầu biết dung hòa trong đời sống làm con người và làm con Chúa của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa là gia nghiệp hơn là những thú vui mau qua đời này.Amen.

Thứ bảy sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 13,1-9

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến tâm hồn chúng con. Dù rằng chúng con còn tội lỗi trăm bề. Dù rằng tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những cám dỗ của danh lợi thú. Xin giúp chúng con biết quay trở về với Chúa, biết sám hối để nhận ra tội lỗi của mình và tình thương bao la hải hà của Chúa.

Lạy Chúa, đã bao lần chúng con sám hối trở về, đã bao lần chúng con đấm ngực ăn năn, thế mà tội chúng con vẫn phạm, tật xấu chúng con vẫn cố giữ. Và hôm nay, Chúa vẫn kiên trì mời gọi chúng con sám hối trở về. Chúa mời gọi chúng con hãy lấy lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Chúa bảo chúng con phải thực thi giới luật yêu thương. Một tình yêu thương chân thành để loại bỏ những đố kỵ, ghen tương. Một tình yêu nồng nàn để chúng con có thể yêu tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con sám hối cho xứng với tình yêu ban tặng của Chúa. Xin biến đổi tâm hồn chúng con theo mẫu gương yêu thương của Chúa. Xin cho mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói, mọi tư tưởng chúng con suy nghĩ luôn dựa trên giới luật mến Chúa, yêu người. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 17/10/2009
SÓNG GIÓ HÃI HÙNG

N2T


Một vị quân vương Ấn Độ đang bơi thuyền trong biển gặp lúc trời đổ mưa to gió lớn, trên thuyền có một nô lệ vì là lần đầu tiên đi thuyền, cho nên sợ hãi khóc rống lên. Nó cứ khóc mãi nên những người trên thuyền không chịu được, quân vương cũng bày tỏ thái độ nên đuổi nó xuống khoang thuyền.

Cố vấn thứ nhất của quân vương là một người khôn ngoan, ông ta nói: “Không nên đuổi nó xuống, để tôi giải quyết, tôi nghĩ rằng tôi có thể làm cho nó im lặng,” và lập tức ra lệnh cho các thủy thủ khiêng nó quăng xuống biển. Tội nghiệp cho thằng nhỏ vừa rơi vào trong biển thì càng khóc thét lên, tay chân vẫy loạn xạ, qua vài giây sau thì vị cố vấn ra lệnh cho thủy thủ vớt nó lên thuyền.

Khi được vớt lên thuyền, tên nô lệ tội nghiệp im lặng đứng trong góc thuyền không một tiếng nói, quân vương hỏi người cố vấn khôn ngoan tại sao như thế ? Người khôn ngoan trả lời:

- “Trước khi tình hình biến ra xấu, thì mọi người rất khó mà thể nghiệm được bản thân mình thật là may mắn.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta khi giàu có sung sướng thì không nghĩ đến mình đang sung sướng hơn những người nghèo khổ, cho nên họ cứ than thở cho là mình khổ quá; có người giàu có tiền bạc tiêu xài một bữa ăn bằng người nghèo sống cả năm, nhưng vẫn cứ thở dài thở vắn oán trách trời bất công; có người cuộc sống không thiếu gì cả, nhưng vẫn cứ than thở với người này, đánh tiếng với người kia là mình sao mà khổ quá...

Cuộc sống vui sướng nghèo khó của con người thì như những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ, hết đợt này thì đến đợt khác không ngừng, cho nên người có đức tin thì luôn có tâm hồn chuẩn bị đón nhận: khi đón nhận niềm vui thì đồng thời cũng chuẩn bị đón những đau khổ đến, khi vui vẻ sống trong hạnh phúc thì đồng thời cũng chuẩn bị đón nhận những bất hạnh và những điều xấu đến cho mình.

Luôn tỉnh thức và cầu nguyện là phương pháp hay nhất để đón nhận những diễn biến tốt và xấu xảy đến cho mình.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 17/10/2009
N2T


86. Thật vậy, nhận thức tốt nhất của con người chính là nhìn thấu cái hư không của bản thân họ.

(Thánh Angelina of Marsciano)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 17/10/2009
N2T


258. Hành động nuôi dưỡng thành thói quen, thói quen bồi dưỡng nhân cách, nhân cách ảnh hưởng đến vận mệnh.

 
Truyền giáo: chấp nhận đi theo con đường thánh giá
LM. Giuse Trương Đình Hiền
20:55 17/10/2009
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO (2009)

Truyền giáo: chấp nhận đi theo con đường thánh giá

1. Thiếu tinh thần truyền giáo là "một Giáo Hội bệnh hoạn".

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ban bố một mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Và rồi sau đó, tưởng đâu “mệnh lệnh xem ra đầy tham vọng nầy” sẽ sớm rơi vào quên lãng. Bởi chưng ngay từ thuở ban đầu khi các môn sinh của Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện mệnh lệnh ấy, thì đã bị vùi dập te tua bởi các thế lực Do Thái giáo, như sách Công vụ tông đồ ghi lại: “Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa” (Cv 4,18); “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho cả Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi” (Cv 5,28). Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, mệnh lệnh trên đã mau chóng trở thành hiện thực, một hiện thực mà chỉ với năng lực của loài người chắc chắn sẽ không bao giờ với tới. Quả vậy, không chỉ Giêrusalem “ngập đầy giáo lý của các tông đồ”, mà sau đó lần lượt cả đế quốc Rôma và cho đến hôm nay đã có hơn 1/3 nhân loại trên thế giới nhận biết Chúa Giêsu và giáo lý do các Tông Đồ rao giảng. Như thế, những lời tiên báo từ ngàn xưa của các tổ phụ, các sứ ngôn đã ứng nghiệm: “Tiếng chúng đã vang dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18).

Tuy nhiên, thành quả đó, công trình Phúc âm hóa tưởng đâu dễ như trở bàn tay vì có Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động đó, lại còn là kết quả của bao đau thương và vất vả, của bao nước mắt và mồ hôi của bao máu xuơng và hy sinh ngút ngàn của muôn thế hệ tông đồ, thừa sai, những người đã dấn thân thực thi đến tận cùng mệnh lệnh của Thầy chí Thánh đến độ đã tâm niệm một cách gần như cuồng tín kiểu Tông đồ Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi khổng rao giảng Tin Mừng”. Hay đầy chất lãng mạn, lý tưởng như một Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu âm thầm trong tu viện thanh vắng: “Lạy Chúa, con ước ao đi dọc ngang khắp thế giới, để rao giảng thánh danh Chúa và cắm cờ hy vọng vào thánh giá vinh quang Chúa trong lãnh thổ dân ngoại. Rồi nữa, một miền truyền giáo mà thôi không đủ cho con. Con muốn cùng một lúc được truyền bá Phúc âm của Chúa khắp thế giới, kể cả những hải đảo heo hút nhất. Con muốn trở thành một nhà thừa sai, không chỉ trong một vài năm, nhưng từ khi trời đất được tạo thành cho đến ngày tận thế.” (Một Tâm hồn); hoặc như một Phan-xi-cô Xa-vi-e vì trăn trở thao thức cho công cuộc rao giảng Tin Mừng mà gần như bực tức trước bao con người lãnh đạm đối với mệnh lệnh thiêng liêng và yêu cầu bức thiết nầy: “Nhiều người quanh đây chưa trở thành tín hữu vì không có ai dạy cho họ sống đức tin. Tôi vẫn thường ước ao đi thăm các đại học ở Âu Châu, đặc biệt ở Pa-ris, và la lớn như một người điên dại để đánh động những ai có nhiều kiến thức hơn là đức ái: có lẽ đã có nhiều linh hồn bị mất phúc thiên đàng chỉ vì sự hờ hững của các người!”

Thảo nào, Công Đồng Vaticanô II, khi nói đến nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội đã không ngần ngại xác nhận: "Giáo Hội lữ hành trên trần thế, thể theo chính bản tính, là Giáo Hội truyền giáo" (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 2). Dựa theo giáo huấn của Công Đồng, ĐTC Gioan Phaolo II, trong sứ điệp gửi Giáo Hội nhân ngày Truyền Giáo năm 1981, đã nhấn mạnh rất nhiều về trách nhiệm truyền giáo của mỗi giáo hội địa phương bằng một câu xác quyết có thể làm giật mình: "Một giáo hội đóng kín và thiếu tinh thần truyền giáo là một giáo hội chưa phát triển đầy đủ hay đó là một giáo hội bệnh hoạn".

Và đặc biệt, trong “Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo” năm nay, 2009, Đức TC Bênêdictô XVI đã nhấn mạnh tính thường xuyên và cấp thiết của công cộc truyền giáo của Hội Thánh: “Sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia…Tôi muốn tái khẳng định rằng mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người chính là sứ mạng nòng cốt của Giáo Hội” (Evangelii nuntiandi, 14), là nghĩa vụ và sứ mạng mà những thay đổi sâu rộng trong xã hội ngày này càng làm cho nó có tính chất cấp thiết hơn nữa. Đây là điều có liên hệ tới phần rỗi đời đời của con người, tới cùng đích và sự viên mãn của lịch sử nhân loại và vũ trụ.”

2. Truyền giáo: chấp nhận "theo con đường thánh giá":

Thì cứ viện dẫn ra đây một số phương thế được biểu thị bằng những hình ảnh của Tin mừng:

- Trước hết hãy trở thành những “viên đá sống động” trong tòa nhà Hội Thánh khi cuộc sống Kitô hữu không bao giờ chịu nằm yên hay dừng chân chờ sung rụng, mà luôn lên đường, luôn khám phá và sáng tạo để phục vụ Chúa tốt hơn.

- Thứ đến phải can đảm trở thành những “hạt lúa mục nát giữa lòng đời” khi mỗi ngày biết đong đầy những hy sinh và cầu nguyện, những phục vụ âm thầm hay cụ thể cho những người xung quanh hay cho cộng đoàn đang hội nhập.

- Rồi phải sống và hiện diện làm sao như những “viên men vùi sâu trong thúng bột”, hay những “ngọn đèn cháy sáng đặt trên cao”. Có nghĩa là luôn biểu tỏ gương mặt tốt lành của Chúa Giêsu và Hiền Thê Ngài qua chính cuộc sống dễ thương, khả ái, hiền lành, tử tế của chính mình, gia đình mình, cộng đoàn mình. Nói cách khác, phải trở nên lời chứng sống động của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật.

Chúng ta không quên, vào thế kỷ thứ 12, khi tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.”

- Dĩ nhiên cũng cần phải có thái độ cẩn trọng, chín chắn của những “cô thôn nữ khôn ngoan với đèn dầu nghiêm túc’, những”đầy tớ trung tín và khôn ngoan” chu toàn mọi trách nhiệm được giao, những “người thợ làm vườn nho” sẵn sàng dấn thân hành động cho dù đến trễ…

- Và nếu có lần nào yếu đuối lâm lụy vì bản tính xác thịt ươn hèn, thì hãy lập tức đứng dậy như những “đứa con hoang đàng nhưng biết cương quyết chỗi dậy đi về nhà Cha”, hay như Phêrô 3 lần chối Chúa nhưng sẵn sàng làm lại cuộc đời với 3 câu trả lời “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

- Trong khi đó, luôn ý thức rằng; dấn thân cho công cuộc truyền giáo thì không được so đo tính toán, không tìm lợi lộc thế trần, nhưng phải trang bị một tâm hồn quảng đại bao dung, biết cho đi và hy sinh tất cả như Maria Bêtania sắn sàng đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân cho Chúa…

Và nếu nói theo ngôn từ và định hướng của Đức TC Bênêdictô XVI trong Sứ diệp Truyền giáo 09, thì “Truyền giáo là chấp nhận tử đạo”: “Thực vậy, sự tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô cũng là một đặc điểm trong lối sống của những người rao giảng Tin Mừng, họ cũng chịu cùng một số phận như Thầy của mình. ”Các con hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15,20). Giáo Hội theo cùng một con đường và chịu cùng một số phận như Chúa Kitô, vì Giáo Hội không hành động theo tiêu chuẩn phàm nhân hoặc cậy dựa vào những lý lẽ sức mạnh, nhưng theo con đường Thánh Giá, và trở thành chứng nhân và người đồng hành của nhân loại này, trong niềm vâng phục con thảo đối với Chúa Cha.

Giáo Hội Việt Nam cách đây gần 4 thế kỷ, có chàng trai Anrê Phú Yên với 19 xuân xanh, trên con đường ra gò thành Chiêm để chịu chết vì đức tin đã vui tươi giảng dạy chân lý Đạo Trời cho bàn dân thiên hạ đang đô hội theo coi mà nội dung cốt lỏi chỉ là: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống…”. Không phải là lời giảng suông của một kinh sư hay biệt phái, cũng không là bài giáo lý thần học uyên thâm của các nhà tiến sĩ thần học, nhưng, lời rao giảng ấy lại có có sức thuyết phục tuyệt vời. Vì sau lời rao giảng đó chính là cái chết với trọn vẹn tình yêu…Và sau cái chết vì tình yêu đó là Giáo Hội Việt nam hôm nay với 26 giáo phận, với 6 triệu tín hữu, với hàng trăm ngàn “Anrê Phú Yên” đang dấn thân trong đời sống thánh hiến, linh mục, giáo lý viên…

Và nếu khi sức đã kiệt, chân đã chồn, gối đã mõi, khi bệnh hoạn tật nguyền ập đến như tai họa bủa vây giăng mắc…thì sứ vụ truyền giáo cũng vần được thực thi một cách đầy hiệu quả, theo “mô hình truyền giáo của Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa hài Đồng Giêsu như chị để lại trong nhật ký một tâm hồn: Vào cuối đời, khi lâm bệnh nặng, thánh nữ vẫn cố gắng lê bước, một nữ tu nhận ra thánh nữ quá mệt nhọc nên đề nghị Ngài hãy nghỉ ngơi. Thánh nữ Têrêsa đã trả lời: “Chị biết điều gì đem lại sức mạnh cho em không ? Em đang lê bước để mưu ích cho một nhà thừa sai. Em tin rằng có một nhà thừa sai nào đó ở xa xăm lúc nầy đang chực quỵ ngã vì những công cuộc tông đồ của Ngài, em xin dâng sự mệt nhọc của em lên Chúa (Sách đã dẫn,XII,9). Những ý tưởng trong lời cầu nguyện và hy sinh của Bông Hoa Nhỏ chắc chắn đã đem lại hiệu quả đến cho những miền tận cùng thế giới.

Sau hết, chúng ta nguyện cầu và phó thác công cuộc truyền giáo nầy cho Chúa Thánh Linh qua sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria, “Ngôi sao của công cuộc truyền giáo mới”, theo như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Bênêđictô trong lời kết của Sứ điệp truyền giáo 2009:

“Vì thế, tôi xin tất cả các tín hữu Công Giáo hãy cầu xin Chúa Thánh Linh gia tăng trong Giáo Hội niềm hăng say đối với sứ mạng loan truyền Nước Thiên Chúa và nâng đỡ các thừa sai nam nữ cũng như các cộng đồng Kitô dấn thân hàng đầu trong sứ mạng này, nhiều khi trong các môi trường đố kỵ và bách hại. Đồng thời tôi mời gọi tất cả mọi người hãy tỏ một dấu hiệu đáng tin cậy về sự hiệp thông giữa các Giáo Hội, qua sự giúp đỡ kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua, để các Giáo Hội địa phương có thể soi sáng dân chúng bằng Tin Mừng bác ái. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao của công cuộc truyền giáo mới, hướng dẫn chúng ta trong hoạt động truyền giáo, Mẹ là người đã ban tặng Chúa Kitô cho thế giới, Đấng được đặt làm ánh sáng muốn dân, để mang ơn cứu độ cho đến tận cùng thế giới” (Cv 13,47).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Lương thực là một quyền cơ bản và cần phải thay đổi lối sống
Nguyễn Hoàng Thương
08:13 17/10/2009
ĐTC: Lương thực là một quyền cơ bản và cần phải thay đổi lối sống

Vatican (AsiaNews) – Lương thực là "một quyền căn bản của các cá nhân và các dân tộc" và là "biểu hiện cụ thể của quyền sống". Cả hai đều có thể đạt được nếu nền nông nghiệp nhận được "mức độ đầu tư đầy đủ" cũng như tình liên đới "nhìn xa trông rộng", nhất là trong những thời điểm của khủng hoảng như ngày nay. Những thay đổi trong "lối sống" là cần thiết và cộng đồng quốc tế phải can thiệp "theo cách thích hợp và kiên quyết" để ủng hộ nền nông nghiệp và những người làm việc với đất đai. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu bật những điểm này trong một bức thư gửi cho Jacques Diouf, Tổng Giám Đốc của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) nhân Ngày Lương Thực Thế Giới 16/10. Đức Thánh Cha cũng dự kiến đến thăm trụ sở của tổ chức Liên Hợp Quốc khi tổ chức này nhóm họp vào ngày 16 tháng 11.

Đức Thánh Cha cho hay: "Cuộc khủng hoảng hiện nay, có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế không có loại trừ, tấn công một cách đặc biệt nghiêm trọng đến nền nông nghiệp thế giới, nơi mà tình hình đã trở nên kịch tính. Cuộc khủng hoảng này kêu gọi các chính phủ và các thành phần khác nhau của cộng đồng quốc tế đưa ra quyết định và chọn lựa có hiệu quả".

"Chủ đề của Ngày Lương Thực Thế Giới năm nay là 'Đạt được an ninh lương thực trong thời khủng hoảng'". Ngày này mời gọi chúng ta xem "nghề nông như là một thành phần cơ bản của an ninh lương thực và một phần không thể tách rời của nền kinh tế. Vì lý do này, nền nông nghiệp phải có khả năng điều khiển mức đầu tư và nguồn lực đầy đủ. Chủ đề này giúp chúng ta hiểu rằng của cải của tạo hóa là thứ rất có giới hạn, và chúng đòi hỏi khả năng quản lý có trách nhiệm để tạo thuận lợi cho an ninh lương thực, bao gồm cả các thế hệ tương lai. Tình liên đới sâu sắc và tình huynh đệ nhìn xa trông rộng là cần thiết".

Đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thì "Đạt được mục tiêu này kêu gọi phải sửa đổi trong lối sống và cách nghĩ. Nó buộc cộng đồng quốc tế và các cơ quan của mình can thiệp một cách thích hợp và kiên quyết hơn. Những gì cần thiết là hình thức hợp tác vốn bảo vệ các phương pháp canh tác của từng khu vực và tránh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không cần suy nghĩ. Tôi hy vọng rằng các hợp tác có thể bảo vệ các giá trị của giới nông thôn và các quyền cơ bản của những người làm việc với đất đai. Bỏ sang một bên các đặc quyền đặt lợi, lợi nhuận và tiện nghi, những mục tiêu này có thể được nhận ra để mang lại lợi ích cho nam giới, nữ giới, trẻ em, các gia đình và các cộng đồng đang sinh sống ở các góc nghèo nhất của hành tinh, những người dễ bị tổn thương nhất".

"Kinh nghiệm cho thấy rằng các giải pháp kỹ thuật, dù chúng có thể tân tiến, là không hiệu quả nếu chúng không tập trung vào con người, vốn vẫn là nhân tố cơ bản và, trong chiều kích tinh thần và vật chất, là nguồn gốc và mục tiêu của mọi hoạt động".

Hơn thế, nhu cầu sơ đẳng "tiếp cận lương thực là một quyền căn bản của các cá nhân và các dân tộc, và sẽ trở thành một thực tại, và do đó là một hình thức an ninh, nếu việc phát triển thích đáng được đảm bảo trong tất cả các vùng miền khác nhau. Đặc biệt, kịch tính nạn đói sẽ chỉ được khắc phục bằng cách loại bỏ những nguyên nhân cơ cấu vốn làm gia tăng nó và thúc đẩy phát triển nông nghiệp của các quốc gia nghèo hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, hệ thống thủy lợi, giao thông, việc tổ chức thị trường, và đầu tư vào việc phát triển và phổ biến kỹ thuật nông nghiệp mà làm cho con người có thể sử dụng tốt nhất, các nguồn lực tự nhiên và kinh tế xã hội vốn sẵn sàng khả dụng hơn trên bình diện địa phương (Bác ái trong chân lý, số 27)".

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Giáo hội Công giáo, trung thành với ơn gọi của mình để được gần gũi những người sau hết, thăng tiến, hỗ trợ và tham gia vào các nỗ lực để làm cho tất cả các dân tộc và cộng đồng có thể có các nguồn lực cần thiết để đảm bảo một mức độ tương xứng của an ninh lương thực".
 
Thống kê Giáo Hội Công giáo năm 2009
Nguyễn Thế Bài dịch
08:51 17/10/2009
Theo thông lệ hằng năm, vào dịp Khánh Nhật Truyền Giáo, hãng tin Fides 15.9.2009 giới thiệu những thống kê được chọn lựa làm sao để có cái nhìn về Giáo Hội trong thế giới. Những bảng yết thị được trích từ cuốn “Niên Giám Các Thống Kê Giáo Hội” vừa qua, cập nhật ngày 31.12.2006, có các thành viên Giáo Hội, các cơ cấu mục vụ, các hoạt động của Giáo Hội trong lĩnh vực y tế, viện trợ và giáo dục.

DÂN SỐ THẾ GIỚI
Cho tới 31/12/2007, dân số thế giới là 6.617.097.000 người, tăng 74.273.000 so với năm 2006. Sự gia tăng liên quan đến tất cả các châu lục, kể cả Châu Âu:

Châu Phi: +16.865.000;
Châu Mỹ: +11.327.000;
Châu Á: +43.304.000;
Châu Úc: +531.000;
Châu Âu: +2.246.000.

CÔNG GIÁO
Cũng thời gian ấy, Công giáo là 1.146.656.000, tăng thêm 15.906.000 so với năm trước, đều trên năm châu:

Châu Phi: +6.612.000;
Châu Mỹ: +5.535.000;
Châu Á: +2.428.000;
Châu Âu: +1.132.000;
Châu Úc +199.000.
Tỷ lệ Công giáo tăng 0,05%, đạt 17,33%.

LINH MỤC PHỤ TRÁCH DÂN CƯ VÀ TÍN HỮU CÔNG GIÁO
Con số dân cư trên một Linh mục đã tăng năm nay thêm 140, đạt con số 12.879 / 1LM. Phân bố theo châu lục cũng giống như năm trước: tăng ở Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Úc; giảm ở Châu Á và Châu Phi.
Con số Công giáo / Linh mục chung chung tăng 34; đạt con số 2.810 tín hữu Công giáo / 1 Linh mục.

GIÁO KHU VÀ ĐIỂM TRUYỀN GIÁO
Con số Giáo Khu tăng thêm 13 so với năm trước, đạt 2.936. Con số điểm truyền giáo có Linh mục, là 1.016 (ít hơn năm trước 1.531). Con số điểm truyền giáo không có Linh mục tăng thêm 5.159, đạt con số 124.642.

GIÁM MỤC
Con số các Giám mục tăng 48, đạt 4.946 vị. Trong đó Giám mục Giáo phận là 3.729 (tăng 40 vị ) và các Giám mục Dòng Tu là 1.217 (tăng 8 vị).

LINH MỤC
Con số Linh mục trên thế giới tăng 726 so với năm trước, đạt 408.024. Châu Lục giảm mạnh là Châu Âu -2.260 và Châu Úc giảm 55. Châu Phi tăng 1.180; Châu Mỹ tăng 376; Châu Á tăng 1.521.
Con số Linh mục Triều tăng 1.340 và đạt 272.431; trong khi Linh mục Dòng giảm 578 và nay là 135.593.

PHÓ TẾ VĨNH VIỄN
Con số Phó tế vĩnh viễn trên thế giới tăng 1.422 và đạt con số 35.942; tăng mạnh nhất ở Châu Mỹ (898) và Châu Âu (472).

TU SĨ KHÔNG LÀM LINH MỤC VÀ NỮ TU
Con số các thầy Trợ sĩ giảm 151, đạt 54.956. Con số Nữ tu toàn cầu giảm 6.586 và ở con số 746.814.

TU HỘI ĐỜI
Con số thành viên các Tu Hội Đời Nam là 665 ( giảm 2 ) và Nữ là 26.778 ( giảm 572 ).

THỪA SAI GIÁO DÂN VÀ GIÁO LÝ VIÊN
Con số Thừa sai Giáo dân là 250.464, tăng 33.696. Con số Giáo Lý viên là 2.993.354, tăng 6.665.

ĐẠI CHỦNG SINH
Cả Triều và Dòng tăng 439, đạt con số 115.919. Trong đó Đại Chủng sinh Triều là 71.225 (giảm 653) và Đại Chủng sinh Dòng là 44.694 ( tăng 1.092 ).

TIỂU CHỦNG SINH
Con số Tiểu Chủng sinh Triều và Dòng là 101.978 (giảm 671), trong đó Tiểu Chủng sinh Triều là 77.145 (giảm 1.158) và Dòng là 24.833 (tăng 487).

CƠ SỞ GIÁO DỤC
Giáo Hội điều hành 67.264 trường Mẫu giáo với 6.386.497 học sinh; 91.694 trường Tiểu học với 29.800.338 học sinh; 41.210 trường Trung học với 16.778.633 học sinh; bậc Cao đẳng có 1.894.148 sinh viên và 2.837.370 sinh viên Đại học.

CƠ SỞ TỪ THIỆN
- 5.378 bệnh viện (Châu Mỹ: 1.669; Châu Âu: 1.363)
- 18.088 trạm y tế (Châu Mỹ: 5.663; Châu Phi: 5373; Châu Á: 3.532)
- Trại phong: 5218 (Châu Á 293 và Châu Phi 186 )
- Nhà dưỡng lão, khuyết tật: 15.448 ( Châu Âu: 8.271 và Châu Mỹ: 3.839 )
- Cô nhi viện: 9.376 ( Châu Á: 3.367 )
- Vườn trẻ: 11.555
- Tư vấn Hôn Nhân ( 5.919 )
- Trung Tâm Giáo dục và Phục hồi: 33.146
 
Mối liên hệ giữa Công giáo và Tin Lành bước vào giai đoạn mới sau 40 năm đối thoại
Phụng Nghi
10:29 17/10/2009
VATICAN CITY (Zenit.org).- Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo cho biết cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Tin Lành chính mạch – tức là các phái Anglican, Lutheran, Cải cách và Methodist – đang trên bước đường đi vào một giai đoạn mới.

Hồng y Walter Kasper trong cuộc họp báo tại văn phòng báo chí Tòa thánh hôm thứ Năm vừa qua tuyên bố như trên khi giới thiệu một cuốn sách do Hội đồng xuất bản nhan đề “Thu hoạch Hoa trái: Những Khía cạnh Căn bản của Đức tin Kitô giáo trong cuộc Đối thoại Đại kết.”

Cuốn sách dày 207 trang mô tả những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại hiệp nhất suốt 40 năm qua, tính từ khi Công đồng Vatican II kết thúc. Sách bao gồm cả phần đóng góp của các nhà thần học Tin Lành, mất hai năm mới hoàn thành xong, có trọng tâm là cuộc đối thoại với các giáo hội Tin Lành, vì họ là những tổ chức đầu tiên thiết lập cuộc đối thoại chính thức với Tòa thánh kể từ sau Công đồng Vatican II.

Đức Hồng y nói: “Cùng với cuốn sách này, chúng ta chấm dứt giai đoạn thứ nhất, giai đoạn tràn đầy hoa trái, đồng thời, chúng ta đi vào một giai đoạn mới, với niềm hy vọng cũng sẽ kết quả và những vấn đề khó khăn còn dở dang sẽ được giải quyết.”

Những thành quả

Hồng y Kasper nói rằng nay là lúc ước lượng tình hình cuộc đối thoại đại kết, và “chính chúng ta cũng thấy vui mừng ngạc nhiên vì tất cả những gì thành đạt được trong những năm qua.”

Về việc thu hoạch những hoa trái của cuộc đối thoại, như nhan đề của cuốn sách nêu lên, Hồng y Kasper cho biết rằng “đó quả thực là một mùa màng rất phong phú, chúng ta đã giải quyết được nhiều mối tranh cãi và những vấn đề lịch sử lớn lao của Phong trào Cải cách.”

Ngài nói tiếp: “Đây có thể là câu trả lời rõ rệt cho những ý kiến đang lan tràn, có lúc ngay cả trong Giáo triều Roma nữa, hoặc cho những cáo buộc vô căn cứ nói rằng cho đến nay nỗ lực hiệp nhất với các giới chức Tin Lành đã không đem lại được kết quả nào và chúng ta trở về tay không.”

“Chúng ta không muốn những kết quả phong phú đạt được bị quên lãng và phải bắt đầu lại từ con số không.”

Trạng thái đại kết

“Chúng ta muốn bắt đầu một tiến trình tiếp nhận những thành quả phong phú này ngay trong lòng Giáo hội, muốn đạt tới một loại hình mới về tình trạng đại kết.”

Hồng y Kasper cho biết hiện nay có những đổi thay nhanh chóng xảy ra ở phương Tây, ở địa hạt đại kết cũng như ở mọi lãnh vực khác.

Do đó, sau những hồ hởi của những năm đầu tiếp sau Công đồng, ngày nay đang có một thứ tình trạng kiệt sức nào đó trong cuộc đối thoại hiệp nhất.

“Tuy nhiên, tình trạng điều độ mới cũng có thể là dấu hiệu của một sự trưởng thành lớn lao hơn. Cuộc hành trình đi đến hiệp nhất có thể sẽ dài lâu hơn, không như sau thời gian Công đồng chúng ta tưởng sẽ thực hiện được.”

Cuốn sách phản ảnh những thay đổi các cộng đồng tôn giáo trong cuộc đối thoại đã trải qua trong suốt 40 năm.

Hồng y Kasper giải thích: “Có lẽ những người đối thoại với chúng ta không còn giống như trước nữa: họ đã thay đổi nhiều hơn những người chúng ta gặp trong thời gian Công đồng họp và sau thời gian Công đồng kết thúc. Có những phân mảnh trong nội bộ, có các vấn đề mới trong lãnh vực luân lý đạo đức, những vấn đề mà trong quá khứ chưa được biết tới.”

“Ngay cả trong Giáo hội Công giáo cũng có những đổi thay. Có đôi lúc các tài liệu của chúng ta cũng làm cho những người đối tác khó tiêu hóa kịp. Với cuốn sách này, chúng ta muốn tạo ra một thứ men mới thúc đẩy tác dụng kích thích.”

“Bằng cách minh họa vô số những thành quả tích cực đạt được trong 40 năm qua, chúng ta muốn chứng tỏ rằng ta có khả năng đạt được bất cứ điều gì nếu tiếp tục cam kết dấn thân vào công trình đại kết.”

Cuốn sách nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, đến những kết quả trong 4 cuộc đối thoại song phương với 4 Giáo hội Tin Lành, được chia thành từng đề tài, để cho phép so sánh và có một cái nhìn rõ ràng hơn vào phạm vi những gì thành đạt được trong 40 năm đối thoại.

Trong sách cũng liệt kê những địa hạt hội tụ đại kết, có thể giúp trong tiến trình tiếp nhận những kết quả trong các Giáo hội khác.

Về những khó khăn cần được giải quyết, Hồng y Kasper giải thích rằng “chúng ta đã xác định được những vấn đề trong khoa chú giải Kinh thánh, trong nhân loại học, trong khoa giáo hội học và cũng cả trong cách tìm hiểu về phép Thánh Thể.”

Hội nghị chuyên đề 2010

Theo lời loan báo của Đức Hồng y, các Giáo hội Công giáo và Tin Lành hy vọng tổ chức một hội nghị chuyên đề vào tháng 2 năm 2010 để thảo luận về tương lai phong trào hiệp nhất ở phương Tây.

Cuốn sách trình bầy hôm thứ Năm tại Vatican sẽ được dùng làm căn bản cho những cuộc thảo luận trong hội nghị đó.

Trong cuộc họp báo, ngoài Hồng y Kasper còn có Đức ông Mark Langham, viên chức thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo, và cũng là một trong những người cộng tác chính với Đức Hồng y trong công tác thực hiện cuốn sách.

Đức ông Langham nói rằng Hồng y Kasper “muốn cho thành quả 40 đối thoại đại kết, bằng hình thức này, được thế hệ mới biết đến, một thế hệ lớn lên sau những năm hậu Cộng đồng, và có lẽ không biết thấu đáo những gì đã đạt được.”

Các đề mục đối thoại

Đức ông giải thích rằng cuốn sách được chia làm 4 chương: “Căn nguyên của Đức tin Chung của Chúng ta; Cứu độ, Công chính hóa và Thánh hóa; Giáo hội; Phép Thanh tẩy và phép Thánh Thể.”

Áp dụng phương pháp học của chính cuộc đối thoại đại kết, chương đầu trình bầy nền tảng chung của mọi bên trong cuộc đối thoại.

Chương hai tập trung vào vấn đề trọng tâm của Phong trào Cải cách – đó là ơn cứu độ, công chính hóa và thánh hóa – nơi đây “một sự đồng thuận đáng kể đã đạt được, tạo ra dấu mốc lịch sử trong các mối liên hệ đại kết.”

Tuy nhiên, “vẫn còn những vấn nạn cần được minh xác thêm, chẳng hạn như vấn đề liên quan đến vai trò của tín lý về công chính hóa trong phạm vi giáo hội học.”

Chương thứ ba, dài nhất, xem xét sứ mệnh, thẩm quyền và thừa tác vụ của Giáo hội, bắt đầu bằng cách thức những phương diện này được trình bầy trong những bản tuyên bố chung của các Giáo hội trong những năm qua.

“Liên quan đến phần này, có những tranh cãi và hiểu lầm trong thế kỷ 16 đã được xem xét lại, và được giải quyết phần nào”, tuy những khó khăn còn tồn tại trong những vấn nạn chính, chẳng hạn như “Giáo hội là gì” hoặc là “đâu là Giáo hội.”

Theo ý kiến của Đức ông Langham, “điều này chứng tỏ rằng sự liên hệ giữa các yếu tố tâm linh và vật chất cụ thể xác định nên Giáo hội, sẽ phải được nghiên cứu sâu xa thêm nữa.”

Chương thứ tư đề cập tới sự tranh cãi về Phép Thánh Thể đã xuất hiện trong thời gian Cải cách, “nhờ vào cuộc đối thoại mạnh mẽ, và trên hết nhờ vào sự nhấn mạnh đổi mới về chức năng của Chúa Thánh Linh, nên đã có thể tiến đến được một điểm đồng quy quan trọng.”

Dầu sao, “một số vấn nạn về nhiệm tích đó cũng cần được nghiên cứu thêm, cũng như đặc tính hy tế trong Thánh lễ, sự hiện diện đích thực của Chúa trong Mình Thánh, và ý nghĩa của sự “chuyển bản thể (transubstantiation).”

Trong chương cuối cùng, Hồng y Kasper đúc kết một tổng hợp về 4 cuộc đối thoại và tầm quan trọng của tất cả những gì đã đạt thành.
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 (8)
LM Trần Đức Anh, OP
11:03 17/10/2009
VATICAN - Hôm 17-10-2009, Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã tiến hành được 2 phần 3 chương trình, và chuẩn bị tiến vào tuần lễ kết thúc.

Sáng thứ bẩy, 17-10, ĐTC và 212 nghị phụ đã tham dự phiên khoáng đại thứ 16 của Thượng HĐGM, và đã nghe trình bày dự thảo Sứ điệp gửi Cộng đồng dân Chúa sẽ được công bố vào cuối tuần tới. Văn bản đã được ĐTC và các nghị phụ vỗ tay tán thưởng, trong đó có phần lên án những nguy hiểm của chế độ thực dân mới và kêu gọi Phi châu hãy đứng lên, đồng thời sứ điệp cũng nói đến những con đường qua đó Giáo Hội có thể đóng góp vào sự hòa giải và hòa bình tại Đại lục này. Dự thảo sứ điệp còn được ”mài dũa” trước khi mang ra biểu quyết chung kết. Một vài nghị phụ đề nghị thu ngắn sứ điệp vì dự thảo quá dài mà tại Phi châu có nạn ”thiếu giấy”.

Cũng trong phiên khoáng đại thứ 16, có phần bầu cử 12 thành viên của Hội đồng hậu Thượng HĐGM Phi châu, nhưng có ứng viên nào hội đủ túc số để đắc cử.

Ban chiều thứ bẩy, vào lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc dương cầm do Học viện quốc tế về dương cầm tại Imola tổ chức để tặng ĐTC và các nghị phụ Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 tại Đại thính đường Phaolô 6.

Nhiều bản nhạc của các nhạc sư thời danh như Beethovens, Peter Tschaikowski, Frederic Chopin, v.v. đã được nữ nhạc sĩ dương cầm người Hoa, Cư Cận (Ju Jin), trình diễn. Bà sinh tại Thượng Hải và đã được nhiều giải thưởng quốc tế. Bà đã thành lập và điều khiển một học viện quốc tế về dương cầm tại thành phố Imola, bắc Italia. Trong buổi trình diễn, bà đã dùng những nhạc cụ lịch sử như đàn dương cầm của Bá tước Conrad được chế tạo tại Vienne hồi năm 1825, và các đàn khác hồi thế kỷ 19 do Johann Schantz chế tạo.

Trong tuần lễ tới đây, là tuần chót của công nghị GM Phi châu, các đề nghị do 12 nhóm nghị phụ đề ra sẽ được đúc kết, sửa chữa, và sau cùng sẽ mang ra bỏ phiếu chung kết vào cuối khóa họp.

Ý kiến của một số vị lãnh đạo tại Tòa Thánh

Trong số các nghị phụ tại Thượng HĐGM Phi châu, có 25 vị Tổng trưởng và Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Theo luật, các vị đương nhiên có quyền tham dự. Với kinh nghiệm về tình hình Giáo Hội hoàn vũ cũng như có cái nhìn từ trung ương Giáo Hội, đóng góp và nhận xét của các vị về các vấn đề của Giáo Hội tại Phi châu và quan hệ giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương thật là quí giá.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung bài phát biểu của một vài vị lãnh đạo tại Tòa Thánh trong các phiên khoáng đại của Thượng HĐGM Phi châu hiện nay.

- ĐHY Tarcisio Bertone , Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong bài phát biểu đã nói đến vai trò của các vị Sứ Thần Tòa Thánh và khẳng định rằng:

”Trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM ”Giáo Hội tại Phi châu”, Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn nhấn mạnh rằng Thượng HĐGM là ”một dụng cụ rất thích hợp để tạo điều kiện cho tình hiệp thông Giáo Hội” (n.15). Sự hiệp thông này, trong tâm tình và trong hoạt động của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ, tìm được nơi hoạt động của các vị Sứ Thần Tòa Thánh một mấu chốt không thể thay thế được và đặc biệt quan trọng trong thực tại của Phi châu. Đây là một mạng hiện diện phong phú, không phải chỉ nhắm cổ võ và nâng đỡ những quan hệ giữa Tòa Thánh và các chính quyền quốc gia, nhưng trước tiên nhắm ”làm cho các mối giây hiệp thông giữa Tòa Thánh và mỗi Giáo Hội địa phương thêm vững chắc và hữu hiệu hơn” (Can 364), nhờ sự trợ giúp và tư vấn mà các Vị Đại Diện ĐGH dành cho các GM. Vì thế, cần phải đặt sứ vụ ngoại giao của Tòa Thánh trong nhãn giới hiệp thông ấy, nhất là trong thập niên vừa qua, các vị Sứ Thần Tòa Thánh đã giúp thiết lập các Hiệp định và các hiệp ước với các chính quyền quốc gia”.

Các vị Đại Diện Tòa Thánh mang lại tiếng nói cho ĐTC trong việc bảo vệ phẩm giá và các quyền căn bản của con người, cũng như trong sự cộng tác với hàng GM, để bênh vực tự do tôn giáo và thăng tiến một cuộc đối thoại đích thực với các Giáo Hội Kitô và các cộng đồng Giáo Hội khác, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác, và dĩ nhiên là với các chính quyền dân sự. Lòng yêu mến ấy đối với con người, hòa bình và công lý, muốn nhìn Phi châu dưới ánh sáng của Thiên Chúa, càng thúc đẩy các vị Đại diện Tòa Thánh làm chứng về mối quan tâm ân cần của ĐTC, cũng như của Giáo Hội hoàn vũ, đối với công ích của mỗi nước.

- ĐHY Zenon Grocholewski , Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, trong bài phát biểu, đã khẳng định rằng ”Các trung tâm giáo dục Công Giáo giữ một vai trò rất quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng và góp phần rất nhiều vào sự phát triển xã hội và văn hóa của đại lục Phi châu. Chính trên bình diện giảng dạy và giáo dục mà Giáo Hội tại Phi châu đang phải đương đầu với thách đố lớn nhất.

1. Việc giáo dục quan trọng nhất là huấn luyện các chủng sinh. Về các chủng viện, tại các miền truyền giáo, Bộ giáo dục Công Giáo chỉ có thẩm quyền ”về những gì liên quan tới chương trình học nói chung”, chứ không có thẩm quyền về việc ”đào tạo”. Về việc giảng dạy trong các chủng viện, cần phải nhấn mạnh rằng đã có 70 chủng viện ở Phi châu được tháp nhập vào một phân khoa của Giáo Hội, nhất là với Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana. Đại học này chiếm 1 phần 6 tổng số các chủng viện được tháp nhập trên thế giới. Phân khoa của Giáo Hội có nghĩa vụ phải kiểm soát thường xuyên việc giảng dạy. Nhưng về vấn đề này, điều đáng lo âu là nhiều khi thiếu sự liên hệ mật thiết giữa việc giảng dạy triết học với việc giảng dạy thần học, lý do vì nhiều khi triết học được dạy tại một nơi khác với chủng viện hoặc dựa vào một học viện không thích hợp.

Dầu sao thì trong những vấn đề trầm trọng nhất liên quan tới việc đào tạo giáo sĩ tại Phi châu, có việc phân định thích hợp, việc huấn luyện về tu đức và tình cảm, v.v., Đó là điều vượt ra ngoài thẩm quyền của Bộ giáo dục Công Giáo, dù rằng việc giảng dạy và đào tạo linh mục là những yếu tố có liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong viễn tượng đào tạo, cần phải đặc biệt yêu cầu mỗi nước soạn ”chương trình thích hợp cho việc đào tạo linh mục”. Đây là điều Công đồng chung Vatican 2 đã yêu cầu trong Sắc lệnh Optatam totius (1). Chương trình này cần được Cơ quan có thẩm quyền của Tòa Thánh phê chuẩn. Cơ quan này phải soạn qui luật tổng quát như Thượng HĐGM thế giới đầu tiên năm 1976 đã yêu cầu. Ngoài ra, cần phải có những cuộc kinh lý đều đặn của Tòa Thánh, cũng như cần liên lỷ quan tâm đến việc huấn luyện các nhà đào tạo, đặc biệt là huấn luyện vững chắc về tu đức cho các linh mục học tại Roma, xét vì phần lớn các linh mục này sẽ trở thành giáo sư và thành nhà đào tạo trong các chủng viện.

2. Các trường Công Giáo tại Phi châu thật là đáng kể với gần 12.500 trường mẫu giáo với hơn 1.260 ngàn học sinh, hơn 33.250 trường tiểu học với 14 triệu học sinh và gần 10 ngàn trường trung học với khoảng 4 triệu học sinh. Cơ sở đông đảo này mang lại cho Giáo Hội một phương tiện quí giá để rao giảng Tin Mừng, đối thoại và phục vụ dân chúng tại Phi châu. Điều quan trọng là các trường Công Giáo bảo tồn và củng cố căn tính Công Giáo rõ rệt của mình. Điều này đòi hỏi việc huấn luyện các giáo chức không phải chỉ được thực hiện về phương diện nghề nghiệp mà thôi, nhưng cả về linh đạo nữa, để họ coi công việc của mình như một hoạt động tông đồ phải chu toàn.

3. Về các học viện cao đẳng: con số các cơ sở này gia tăng trong những thập niên gần đây tại Phi châu. Hiện nay có 23 đại học Công Giáo, 5 phân khoa thần học và 3 phân khoa triết học. Tất cả các cơ sở này là nơi ưu tiên để rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa và huấn luyện những con người ngay chính, những người xây dựng hòa bình, hòa giải và chứng nhân đức tin. Về vấn đề này tôi muốn đề nghị một vài nhận xét hữu ích:

- Nên nhấn mạnh những cố gắng của các phân khoa Giáo Hội dành cho vấn đề hội nhập văn hóa: điều này đòi phải có một sự khôn ngoan sâu sắc theo tinh thần Tin Mừng và phải nghiêm túc tiến hành việc này dưới ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội.

- Trong tất cả các đại hoc Công Giáo, cần có sự hiện diện của tư tưởng thần học, ít là với các ghế giáo sư dạy thần học cho giáo dân, đạo lý xã hội Công Giáo, v.v.

- Thời nay cần phải dành một tầm quan trọng cho việc huấn luyện các tín hữu Công Giáo có khả năng cao đối với các phương tiện truyền thông, vốn là diễn trường mới trong thời đại chúng ta.

- Sau cùng cũng cần tăng cường việc mục vụ tại các đại học công lập.

- ĐHY Walter Kasper , Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô nói đến những thách đố đại kết và các giáo phái ở Phi châu. Ngài nói:

”Nhờ ơn Chúa, có sự tăng trưởng mau lẹ của Giáo Hội tại Phi châu, nhưng rất tiếc là người ta cũng thấy có sự phân hóa ngày càng sâu rộng giữa các tín hữu Ktiô. Tình trạng này, tuy không phải là riêng biệt tại Phi châu, nhưng người ta rất dễ cho rằng những chia rẽ ấy xuất phát từ gia sản Kitô giáo bị chia rẽ mà Phi châu đã nhận được, bởi vì thật ra tại Phi châu cũng có nhiều chia rẽ mới, chỉ cần nghĩ đến các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh và Pentecostal, các Giáo Hội gọi là độc lập và các giáo phái. Sự bành trướng của các cộng đoàn này trên bình diện thế giới thật là lớn rộng và sức sinh động của họ tại Phi châu cũng phản ánh qua sự gia tăng các Giáo Hội Phi châu độc lập. Các Giáo Hội này nay đã thành lập một cơ chế chính thức gọi là OAIC với trụ sở tại Nairobi. Hiện nay có một cuộc đối thoại ở mức độ nào đó qua Diễn Đàn Kitô thế giới (Global Christian Forum), mới nhóm tại Nairobi.

Ở các cấp độ khác, cuộc đối thoại với các nhóm này không dễ dàng và nhiều khi không thể tiến hành được vì thái độ gây hấn của họ, và vì trình độ thần học thấp kém của họ. Chúng ta phải đương đầu với thách đố cấp thiết này với một thái độ tự phê bình. Thực vậy, nếu chỉ nói đến những điều sai lầm nơi họ thì không đủ. Chúng ta còn cần phải tự do đâu là điều ta sai lầm và đâu là điều thiếu sót trong việc mục vụ của chúng ta. Tại sao bao nhiêu tín hữu rời bỏ Giáo Hội chúng ta? Họ cảm thấy thiếu điều gì nơi Giáo Hội chúng ta và họ tìm kiếm cái gì ở nơi khác? Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã tìm cách cung cấp vài câu trả lời qua hai hội nghị dành cho các GM và các nhà thần học, một tại Nairobi và một tại Dakar bên Sénégal. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục trợ giúp trong tương lai. Trong bối cảnh này tôi chỉ muốn nhắc đến hai điểm quan trọng: thứ nhất là huấn giáo về đại kết và thứ hai là thành lập những cộng đoàn Kitô nhỏ trong các giáo xứ chúng ta. Giờ đây xin anh em cho phép tôi nói về nhiều thách đố khác và các nghĩa vụ.

1. Ngày nay chúng ta có thể nhìn lại gần 50 năm đối thoại đại kết. Từ công đồng chung Vatican 2 đến nay đã có nhiều tiến bộ đại kết quan trọng, nhưng còn đường tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn của Giáo Hội có lẽ vẫn còn dài và cam go vì những khó khăn vẫn còn trong các cuộc đối thoại thần học của chúng ta. Giờ đây cần phải thực hiện những bước thích hợp để cùng nhau dấn thân với những người đối thoại với chúng ta trong tiến trình đón nhận những thành quả của đối thoại. Sự dấn thân của Giáo Hội trên bình diện hoàn vũ phải được đưa vào và đón nhận trong các Giáo Hội địa phương. Điều này phải diễn ra trong việc huấn giáo và huấn luyện thần học, ở cấp độ giáo phận và giáo xứ.

2. Trong khi Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu theo thói quen vẫn duy trì một cuộc đối thoại liên tục với các truyền thống Tin Lành lịch sử và ngày nay với các những Giáo Hội trẻ hơn, sự phổ biến mau lẹ gần đây của Chính Thống giáo tại đại lúc này làm cho Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu phải dấn thân đối thoại và có quan hệ tích cực với cả các anh chị em Chính Thống giáo nữa.

3. Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu phải đẩy mạnh quan hệ đại kết với các phong trào Tin Lành, canh tân trong thánh linh và Pentecostal tại Phi châu, cũngvì tầm quan trọng của họ trong các thành nữ bản xứ và sự gần gũi của họ với vụ trụ quan văn hóa truyền thống của Phi châu. Sự dấn thân đại kết như thế đòi phải trung thành với các nguyên tắc của Giáo Hội về đại kết, và đàng khác cần hiểu rõ những lối diễn tả đặc thù của văn hóa Phi châu (UR 2-4). Đối thoại và tìm kiếm hiệp nhất phải để ý đến bối cảnh căn cội văn hóa Phi châu. Thực vậy, các gốc rễ của cây khác nhau tuy xa cách nhưng gần gũi và quyện lấy nhau, tuy chúng vẫn khác biệt trong cuộc chiến đấu để tiến đến cùng những nguồn sống là đất và nước.

4. Sự tìm kiếm hiệp nhất của chúng ta trong sự thật và tình thương không bao giờ được quên nhận thức rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, vượt lên trên những cố gắng của chúng ta. Nhưng đại kết kinh thần, nhất là cầu nguyện, chính là trọng tâm nỗ lực đại kết (UR 8). Tuy nhiên đại kết sẽ không mang lại kết quả lâu bền nếu không có những cử chỉ cụ thể hoán cải, đánh động lương tâm, và giúp chữa lành những ký ức và quan hệ. Như Sắc lệnh về Hiệp nhất đã quả quyết: ”Không có đại kết đích thực nếu không có hoán cải nội tâm” (UR 7). Sự hoán cải ấy đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, là trung tâm đời sống chúng ta, để có thể đến gần nhau hơn. Vì thế, đề tài Thượng HĐGM này là một thách đố đối với Giáo Hội tại Phi châu vì nó tăng cường quan niệm đại kết và mang lại cho các dân tộc Phi châu sự tìm kiếm hiệp nhất như một kho tàng đích thực của Tin Mừng. Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu được khích lệ tiếp tục kiến tạo những nhịp cầu thân hữu, và qua phong trào đại kết linh đạo, cầu nguyện, qua sự phân định ý Chúa, dấn thân trong thừa tác vụ hòa giải (2 Cor 5,18) đã được ủy thác cho chúng ta qua Chúa Kitô. Đó chính là nền tảng sự dấn thân đại kết của chúng ta. Canh tân đời sống nội tâm, của tâm trí, chính là điểm nòng cốt trong mọi cuộc đối thoại, hòa giải, và biến đại kết thành một sự dấn thân cảm thông, tôn trọng và yêu thương nhau để thế giới tin”
 
Kém phát triển là do các chính trị gia vô trách nhiệm chứ không do bùng nổ dân số
Nguyễn Hoàng Thương
11:21 17/10/2009
Kém phát triển là do các chính trị gia vô trách nhiệm chứ không do bùng nổ dân số

New York (AsiaNews) - Đức Cha Celestino Migliore, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cho hay: "Thách đố to lớn cho phát triển không phải là bùng nổ nhân khẩu học, nhưng là từ các chính sách toàn cầu vô trách nhiệm và các chính sách kinh tế địa phương". Tại phiên họp thứ 64 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 15 năm Hội nghị Cairo về Dân số và Phát triển, Đức Cha Migliore lưu ý rằng "gần một thế kỷ qua, đã có những nỗ lực nối kết [vấn đề] dân số toàn cầu với khủng hoảng lương thực, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Thay vào đó, ngược lại, lúc này đây đủ để chứng minh rằng con người là nguồn tài nguyên vĩ đại nhất trên thế giới với tài năng và trí tuệ của mình để cùng nhau làm việc ".

Hội nghị Cairo năm 1994, bằng giọng điệu khải huyền thường dùng của một số nhà môi trường thế giới, đã chỉ ngón tay vào bùng nổ dân số của các nước nghèo như là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường toàn cầu và kém phát triển. Nó muốn thúc đẩy các chiến dịch chống lại sinh sản, nhằm ủng hộ phá thai và triệt sản.

Đức Cha Migliore nhắc lại rằng "Khi các nước quy tụ tại Cairo năm 1994, nhiều người trong số họ đã bị ấn tượng rằng bùng vụ nổ dân số đang xảy ra và cản trở khả năng để đạt đến phát triển kinh tế toàn cầu thích đáng. Giờ đây, mười lăm năm sau, chúng ta thấy rằng nhận thức này không có cơ sở. Ở nhiều nước phát triển, dân số nhân khẩu đã giảm đến điểm mà một số nhà lập pháp quốc gia hiện đang khuyến khích tăng tỷ lệ sinh để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Tương tự, tại nhiều nơi của các nước đang phát triển, phát triển đã đang xảy ra với tỷ lệ trước đây không đạt được và mối đe dọa lớn nhất tới kết quả phát triển không phải từ bùng nổ dân số nhưng từ thế giới vô trách nhiệm và từ quản lý kinh tế địa phương".

Bài diễn văn của Đức Cha Quan Sát Viên Tòa Thánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục dành cho tất cả mọi người, nhất là đối với phụ nữ, sự hội nhập của những người di dân vào các quốc gia di dân đến, và mọi người phải được tiếp cận y tế.
 
Hoàng Thân Albert xứ Monaco và Đức Thánh Cha đồng ý về việc bảo vệ đời sống
Bùi Hữu Thư
18:53 17/10/2009
Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến Hoàng Thân tại Vatican

VATICAN, Thứ Sáu 16 tháng 10, 2009 (El Mundo visto desde Roma).- Văn Phòng Truyền Thông của Toà Thánh cho hay: Hoàng Thân Albert II xứ Monaco và Đức Thánh Cha Benedict XVI thảo luận ngày hôm nay về “tầm quan trọng của việc bảo vệ đời sống trên mọi lãnh vực.”

Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican Hoàng Thân Albert xứ Monaco, sau khi ông đã gặp gỡ Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh cùng Đức Ông Dominique Mamberti, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao các Quốc Gia.

Ngoài chủ đề về đời sống, Đức Thánh Cha Benedict XVI và Hoàng Thân Albert xứ Monaco cũng thảo luận về các vấn đề khác: “các đề tài có lợi ích chung, như tầm quan trọng của một chương trình đạo tạo vững chắc về văn hoá và luân lý cho các thế hệ trẻ.”

Văn Phòng Truyền Thông Toà Thánh cho hay “Trong cuộc đàm thoại cũng có nêu lên một vài vấn đề thời sự quốc tế, như việc phát triển toàn vẹn các dân nước và bảo vệ các nguồn liệu và môi trường thiên nhiên.”

Đaị Hội Y Tế Công Giáo

Hoàng thân Albert II xứ Monaco bảo trợ Đại Hội Quốc Tế về Y Tế Công Giáo Lần Thứ Hai về các Tế Bào Gốc đã Trưởng Thành sẽ được tổ chức tại Hoàng Triều Cương Thổ Monaco từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Mười Một sắp tới.

Trong điện văn chào mừng các tham dự viện đại hội này, Hoàng Thân khẳng định rằng “những phát triển về việc nghiên cứu các tế bào gốc đã trưởng thành và tế bào cuống rốn, đang thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, cung cấp cho chúng ta một yếu tố không lay chuyển và quan trọng về khoa học."

Đại hội sẽ có sự hiện diện của chính Hoàng Thân Monaco cùng các giới chức có thẩm quyền, và các chuyên gia khác, trong đó có Đức Ông Salvatore Fisichella, Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện về Đời Sống.

Đại Hội được Giáo Hoàng Học Viện về Đời Sống, Liên Hội Quốc Tế về Y Tế Công Giáo, Tổ chức Jérôme Lejeune y và Uỷ Ban Tham Vấn về Sinh Lý Đạo Đức xứ Monaco tổ chức.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Fairfield Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:59 17/10/2009
SYDNEY - Chiều thứ Bảy 17/10/2009 các Hội Đoàn và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Fairfiled Heights tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Quan Thầy của Giáo Đoàn.

Hình ảnh mừng Thánh Bổn Mạng

Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị đặt dưới cuối nhà thờ và sau 3 hồi trống được cung nghinh rước lên bàn thờ, dẫn đầu là Cờ Úc Việt và Cờ Hội Thánh. Sau khi kiệu an vị trên bàn thờ, Cha Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Đặc trách Giáo Đoàn xông hương kiệu và Ban Mục Vụ tuyên đọc sơ lược tiểu sử về Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài là một Cai Đội nhưng rất có lòng yêu mến Chúa và bất chấp mọi thủ đoạn hành hạ tra khảo của quan quân triều đình. Ngài chọn cái chết để vinh danh Chúa và làm gương cho hậụ thế.

Thánh lễ gồm có quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi và Thầy Phó Tế Đặng Đình Nên Phụ giúp Lễ. Đặc biệt có Cha Michael Chính xứ mới của Giáo Xứ Fairfiled cùng đồng tế.

Trong bài giảng Cha Tuyết nói về Đức Giêsu đã hỏi 2 Tông Đồ Giacôbê và Gioan “ Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không ? “ (Mc. 10: 35-45) Câu hỏi này gợi lên một thái độ căn bản của các môn đệ để họ tự do trả lời và lời mời gọi này cũng là lời mời gọi cho tất cả mọi người trong mọi thời đại. Hôm nay mừng kính Thánh Giuse Lê Đăng Thị nhắc chúng ta rằng. Ngài là một người dám uống chén đắng khi từ bỏ chức vụ của mình trước tình trạng đức tin bị đe dọa qua chỉ dụ cấm Đạo vào năm 1859 của Vua Tự Đức nhằm trừng phạt thẳng tay những quan quyền và binh lính không chịu bỏ Đạo. Ngài đã uống chén đắng với đầy lòng tin tưởng phó thác với lòng trung kiên nhắn nhủ với vợ con “ Hãy sống đẹp lòng Chúa, chu toàn nghĩa vụ làm mẹ, và hẹn sum họp cả nhà trên nước Trời” Và cuối cùng lòng ước mong của Ngài để được chết vì danh Chúa KiTô đã được biểu lộ qua lời tung hô khi quân lính đem ra pháp trường để hành quyết “ Vạn Phúc ! Vạn Phúc ! Tôi sắp được Tử Đạo.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn. Cha Michael Chính xứ Fairfiled cũng chúc mừng Giáo Đoàn và khen ngợi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam rất có lòng sốt sắng. Sau cùng ông Trần Đình Hy Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Fairfield ngỏ lời cám ơn quý Cha, Thầy Đặng Đình Nên, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfiled.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Fairfield Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị 2009.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Thái Hà đến Bát Nhã
Ls Lê Trần Luật
12:43 17/10/2009
Dân ta có truyền thống tôn trọng những bậc tu hành. Đó là một trong những nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc. Có rất nhiều vị vua khi lên ngôi, đã cho trùng tu và xây dựng rất nhiều chùa chiền, mà bây giờ đã trở thành di sản văn hóa.

Trong ký ức lờ mờ, tôi nhớ vào những ngày giữa tháng 4 năm 1975, bố mẹ tôi đưa các anh em tôi đến ngôi Chùa gần nhà để trú ẩn, vì sợ "chiến tranh". Đến khoảng giữa năm 1980, khi đất nước đã thống nhất, bỗng dưng phi trường quân sự ở quê tôi phát nổ. Những tiếng nổ long trời lở đất kéo dài từ sáng sớm cho đến chiều tối, hệt như chiến tranh đang xảy ra. Đến giữa trưa, mọi người lũ lượt kéo đến các nhà Chùa và nhà Thờ để trú ẩn. Sau này khi lớn lên, bố mẹ tôi giải thích là
phải vào nhà Chùa hoặc nhà Thờ vì đó là nơi linh thiêng, "chiến tranh" không vào được. Vả lại, ai ai cũng tôn trọng những bậc tu hành. Tôi mang bài học và sự trải nghiệm đó khi lớn lên. Gặp các Cha, các Sư thầy tôi đều lễ phép và kính trọng. Rồi có dịp đọc Kinh Thánh và các sách nhà Phật tôi càng tin rằng những bậc tu hành là biểu tượng của đạo đức và niềm tin. Cuộc đời của các vị không có gì ngoài hai chữ Tu Hành.

Hằng năm, sau giao thừa, rất nhiều người đã kéo đến các Chùa, nhà Thờ để thắp hương cầu nguyện cho một năm mới an lành. Nét đẹp văn hóa đó đã in sâu vào lòng từng người dân Việt Nam. Khi nói đến nhà Thờ, nhà Chùa tôi tin rằng mọi người đều công nhận đó là những nơi tôn kính và linh thiêng. Vậy mà, từ nhà thờ Thái Hà đến nhà chùa Bát Nhã là câu chuyện nhiều bi thương, thể hiện sự xuống cấp của một nền đạo đức và sự suy đồi của nền văn hóa dân tộc.

Câu chuyện bắt đầu từ những buổi " cầu nguyện lịch sử " của những người Công giáo ở nhà thờ Thái Hà. Sau sự kiện đó nhiều giáo dân đã bị bắt, bị truy đuổi và đánh đập. Từ đó, các Cha bị xem là "tội đồ”, nhà thờ Thái Hà bị xem là nơi "nguy hiểm" cho Chính quyền. Nhiều "đối sách” đã được đưa ra để "xử lý" nhà Thờ và các Cha. Môt lực lượng "đa thành phần" đã được huy động để bao vây nhà Thờ và các Cha. Đặc biệt trong đoàn quân "Liên hợp quốc" đó có cả đám "xì ke, hút chích" và đám “thanh niên, sinh viên tình nguyện". Họ hô to: giết, giết, bất chấp đó là nơi linh thiêng. Họ nhổ nước bọt và phỉ báng các cha bằng những lời thô tục, bất chấp các Cha là những bậc tu hành. Đám xì ke hút chích đã đành, ở đây có rất nhiều thanh niên sinh viên. Trong số họ chắc có nhiều Đoàn viên, chắc hẳn có nhiều người từng đoạt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”. Mà Bác đâu có dạy những điều mất dạy và vô đạo đức đó! Đi đến đâu, từ trường tiểu học, đến trung học, đến đại học đều thấy nêu cao khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn! Không hiểu sao họ lại hành đông mất hết cả lương tâm và đạo đức như vậy.

Đến Bát Nhã, câu chuyện càng kinh hoàng hơn! Lần này không biết có đoàn quân "Liên hợp quốc" không, nhưng thấy có rất nhiều "côn đồ”. Đám này tấn công trực diện vào các nhà sư. Đánh đập và xua đuổi chưa đủ, đám này tung "tuyệt chiêu" bóp vào "chỗ kín" của các sư thầy. Ở đây, không những đạo đức đã không còn, mà tình người và lương tâm cũng bi đánh mất. Sự kiện này đã gây xúc động cho hàng triệu triệu người. Hàng trăm người đã tình nguyện ký vào danh sách phản đối. Dòng chúa cứu thế Việt Nam cũng đã có sự chia sẻ và cầu nguyện cho Bát Nhã. Phải chăng cả hai đều là nạn nhân của một nền đạo đức suy đồi và xuống cấp? Phải chăng những giá tri xã hội chuẩn mực đã bị xóa nát, nhường chỗ cho những "giáo điều" hoang tưởng, lạc hậu và ngu ngốc?

Đạo đức là gốc của con người. Pháp luật có thể vô tình, nhưng đạo đức thì không. Đạo đức chứa đựng cả tâm tư tình cảm của con người, chứa cả "hồn" của dân tộc. Nếu như pháp luật điều chỉnh con người từ bên ngoài, thì đạo đức điều chỉnh từ bên trong. Pháp luật trừng phạt con người bằng sức mạnh Nhà Nước, thì Đạo đức trừng phạt bằng sức mạnh của dư luận. Một hệ thống pháp luật ổn đinh phải dựa trên một nền tảng đạo đức ổn định. Tôi không có điều kiện để làm thống kê về tội phạm một cách chính xác, nhưng qua những bản án có được, tôi nhận thấy những người có Đạo ít có khuynh hướng phạm tội. Đó là điều cần lưu ý để thấy được sự tác động tích cực của tôn giáo trong việc xây dựng nhân tố con người và ổn định xã hội.

Có người hỏi tôi: "Có phải vì muốn đàn áp tôn giáo nên người ta sử dụng nhiều biện pháp vô đạo đức, hay vì nền đạo đức xuống cấp nên người ta mới đàn áp tôn giáo, hay cà hai đều đúng?". Câu trả lời xin nhường lại cho quý độc giả.

Sài Gòn ngày 17/10/2009
 
Bão tràn qua, Nhà cầm quyền Quảng Bình tiếp tục tháo gỡ tượng Đức Mẹ ở Bầu Sen
CTV DCCT
19:28 17/10/2009
QUẢNG BÌNH - Bão đi qua, nhà cầm quyền Quảng Bình tiếp tục “công trình” tháo dỡ tượng Đức Mẹ ở họ giáo Bàu Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc giáo xứ Chày, giáo phận Vinh.

Ngày 16/10/2009 nhà cầm quyền đưa máy móc cơ giới về tập kết ở chân lèn đá nơi có tượng Đức Mẹ đang tại vị.

Ngày 17/10/2009 nhà cầm quyền tiếp tục huy động thêm các xe cơ giới chở đất đá để làm con đường băng qua nghĩa trang tiến đến lèn đá nơi Đức Mẹ đang tại vị.

Ngày 21/9/2009 UBND huyện Bố Trạch ra quyết định số 3150 QĐ – CC “Cưỡng chế tháo dỡ, di dời tượng Đức Mẹ dựng trái phép về nơi thờ tự thuộc nhà thờ giáo họ Bàu sen”.

Ngày 23/ 9/ 2009 Chính quyền đã tiền hành làm đường cho xe cơ giới vào hạ tượng Đức Mẹ, song khi đang thực hiện thì phải đình chỉ vì bão số 9 hoành hành ở khu vực này.

Một cán mặt trận huyện Bố Trạch cho biết Tỉnh Quảng Bình đã thông qua kinh phí chi cho việc “cưỡng chế, tháo dỡ, di dời” này lên đến 1 tỷ 200 triệu đồng.

Qua hệ thống đài truyền thanh, chính quyền cấm chỉ giáo dân các xã trong huyện Bố Trạch tụ tập ở nghĩa trang Bàu Sen trong những ngày này.

Các cán bộ đoàn thể và CA còn đi vào từng nhà dân để “vận động” giáo dân không ra khỏi nhà, kèm theo là lời đe doạ “ai đi đến Bàu Sen trong những ngày hạ Tượng Đức Mẹ đều bị đán đập, ngăn cản, bị bắt bỏ tù…..”

Cha Gioan Nguyễn Văn Hữu, Chính xứ giáo xứ Chày, nơi có họ giáo Bàu Sen, một lần nữa kêu gọi anh chị em tín hữu và mọi người thiện tâm, thiện chí tiếp tục hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ.
 
Thông Báo
Giới thiệu nhu liệu Tự Điển Thuật Ngữ Công Giáo
J.B. Đặng Minh An
08:01 17/10/2009
Cuối cùng chúng tôi đã rất gần tới đích

"Nhu cầu phải có một cuốn Tự Điển Công Giáo Hiện Đại xem ra là hiển nhiên. Nhiều biến cố đã xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo từ khi khai diễn Công Đồng Chung Vatican II năm 1962. Chính Công Đồng này đã là một biến cố lịch sử mà 16 tài liệu của Công Đồng, được xác nhận bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã có một ảnh hưởng sâu sắc trong tư duy của các tín hữu. Một trong những hệ quả là nhiều từ mới và nhiều thành ngữ đã đi vào kho từ vựng Công Giáo cũng như những từ cũ đã mang lấy nhiều ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc.

Hơn thế nữa, thế giới trong đó các tín hữu đang sống đã và đang trải qua những thay đổi cả thể, một vài thay đổi này nói được là sâu sắc nhất trong Kitô Giáo từ thời các thánh Tông Đồ.

Tình hình xem ra còn khẩn thiết hơn nữa trong thời Internet hiện nay. Kỹ thuật truyền thông qua mạng lưới điện toán toàn cầu đang cống hiến cho Giáo Hội một phương tiện ngoạn mục để truyền giáo và thông tin trong nội bộ Giáo Hội. Trong thời gian vừa qua, một số lượng tài liệu khổng lồ bằng Anh ngữ đã được đưa lên mạng lưới điện toán toàn cầu. Tuy nhiên, số tài liệu chuyển dịch sang Việt ngữ rất giới hạn.

Việc dịch những tài liệu Công Giáo thông thường gặp khó khăn vì cần phải có một tự điển chuyên dùng. Rất nhiều từ ngữ trong các văn bản có nguồn gốc từ tiếng La Tinh. Với những từ như vậy, những tự điển thông thường đều tỏ ra vô dụng. Một số từ khác tuy có trong tự điển thông thường nhưng lại mang một nghĩa khác, không thể dịch theo lối thông thường được.”

Kính thưa quý cha và anh chị em,

Với nhận định như trên, ngày 17/2/2008, VietCatholic đã lên tiếng kêu gọi sự cộng tác của quý cha và anh chị em trong đề án dịch sang Việt Ngữ 5126 thuật ngữ Công Giáo trong cuốn Mordern Catholic Dictionary của cha John A. Hardon, 5945 thành ngữ thường được dùng trong báo chí Anh ngữ và hơn 2000 phrasal verbs.

Công việc đã sắp đến hồi kết thúc nhờ lòng nhiệt thành và quảng đại của hơn 50 linh mục và anh chị em giáo dân trên thế giới.

Danh sách đầy đủ của các vị có thể xem ở đây http://vietcatholic.net/NewsDictionary/.

Chúng tôi xin đặc biệt tri ân 2 vị đã bỏ ra rất nhiều công sức:

Anh Nguyễn Trọng Đa, giáo dân ở Việt Nam và Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo dân ở Hoa Kỳ.

Tự Điển Thuật Ngữ Công Giáo sẽ được dùng như thế nào?

Chúng tôi có một phiên bản trên Net để tại đây: http://vietcatholic.net/NewsDictionary/.

Bên cạnh đó, chúng tôi thảo chương một chương trình điện toán rất tiện lợi. Chương trình này quý cha và anh chị em download xuống – miễn phí như thường lệ - để chạy trên máy điện toán của mình.

Xin download ở đây: http://vietcatholic.net/PublicSoftware/WareHouse/VietCatholicDictionarySetup.exe

Nguyên tắc hoạt động của chương trình này như sau:

- Khi quý cha và anh chị em đang xem một bài trong bất cứ chương trình nào của Windows dù là Microsoft Word, Internet Explorer, Firefox hay bất cứ chương trình văn bản nào, nếu muốn tra một từ, hay một cụm từ, chúng ta làm sáng (highlight) từ đó hay cụm từ đó lên. Nhấn Ctrl – C. Chương trình sẽ bật lên trong nháy mắt lời giải thích bằng tiếng Việt.

- Chúng ta cũng có thể đánh trực tiếp một từ trong combo để tra cứu. Chỉ cần đánh một vài chữ đầu, chương trình sẽ “tự động điền thêm” (auto complete).

Cuốn tự điển tuy chưa hoàn thành nhưng quý cha và anh chị em có thể download nhu liệu trước vì hai lý do sau:

- Khi chúng tôi hoàn thành toàn bộ, quý cha và anh chị em có thể nhấn vào nút Update để download database mới xuống.

- Quý cha và anh chị em có thể dùng và góp ý cho chúng tôi để chương trình này thực sự mang lại nhiều ơn ích cho chúng ta.

Ban Biên Tập chương trình này rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của quý cha và anh chị em.
 
Tin Đáng Chú Ý
Bắc Hàn giam giữ 154 ngàn tù chính trị
BBC
21:02 17/10/2009
Bắc Hàn vẫn đang có tới sáu trại tù giam giữ 154 ngàn tù nhân chính trị, theo một nhà làm luật người Nam Hàn cho biết.

Ông Yoon Sang-hyun, thuộc đảng Đại Dân tộc cầm quyền cho biết những người tụ phải làm việc dài giờ để đổi lấy khẩu phần lương thực ít ỏi, theo tin của Hãng thông tấn Yonhap.

Ông Yoon cho biết ông nói vậy là dựa trên phúc trình của chính phủ Nam Hàn.

Bắc Hàn vẫn bác bỏ các tuyên bố là họ vi phạm nhân quyền. Trước đó trong năm, Bắc Hàn đã sửa Hiến pháp, nhắc tới “sự tôn trọng” nhân quyền của nước này.

Nhưng các nhóm nhân quyền và những người tị nạn Bắc Hàn cho biết về tình trạng bạo động lan rộng, trắng trợn và vẫn tiếp diễn các quyền con người tại đất nước theo kiều Stalin này.

Ông Yoon cho biết sáu trại tù này vẫn giam giữ những người bất đồng chính kiến, những người đã tìm cách bỏ trốn khỏi đất nước này, các chính trị gia bị mất chức trong các cuộc tranh giành quyền lực và những người dân thường Bắc Hàn bị cáo buộc không tôn trọng giới lãnh đạo.

Tội ác chống lại con người

154.000 tù nhân này hiện đang bị giam giữ trong những nhà tù riêng tách biệt với những phạm nhân thường và bị buộc phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày chỉ với 200g lương thực và hầu như không có thuốc men gì, ông Yoon cho biết.

Những quan sát viên cho biết trong những năm gần đây, Nam Hàn thường miễn cưỡng nhấn mạnh các bằng chứng về tình trạng vi phạm nhân quyền tại nước láng giềng phía bắc vì sợ tổn hại tới các nỗ lực thương thuyết.
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Parasceve – Pauperism
Nguyễn Trọng Đa
06:50 17/10/2009
Parasceve
Parasceve, ngày chuẩn bị Sabbath, ngày thứ sáu. Trong Do Thái giáo thuộc văn hóa cổ Hi Lạp, là ngày chuẩn bị ngày Sabbath, tức ngày thứ sáu trước đó. Với một số lễ thuộc hàng sabbath, ngày trước đó còn gọi là ngày Parasceve. Chúa Kitô qua đời vào ngày vọng lễ Vượt Qua. (Từ nguyên Hi Lạp paraskeu_, ngày chuẩn bị.)
Pasch
Pasch, Pascha--Lễ Phục sinh.
Passing Bell
Chuông tử. Tập tục cổ ở các địa phương Công giáo là chuông nhà thờ rung chậm rãi khi có người mới qua đời trong giáo xứ. Khi có người hấp hối, nhà thờ rung chuông uy nghi để nhắc nhở các tín hữu bổn phận cầu nguyện cho người ấy được chết lành. Sau khi người ấy qua đời, chuông tử rung theo số tuổi của người ấy, cứ mỗi năm là một tiếng chuông rung.
Passion
Dục vọng, dục tình, đam mê. Là cảm xúc mạnh mẽ của thèm muốn nơi con người. Mặc dầu thường được liên kết với các dục tình thân xác, chẳng hạn sự tức giận hoặc tính dục, đam mê cũng có thể trổi dậy trong các khả năng tinh thần, như xảy ra trong sự ghen tị và kiêu hãnh. Các đam mê là chủ yếu sự thèm muốn vượt ngòai sự kiểm sóat, do bản tính sa ngã của con người. Chúng là dục vọng trong hành động. Khi dục vọng nổi lên tự phát trước khi ý chí tự do hành động, nó được gọi là tiền kết, và do đó làm giảm sự tự do và trách nhiệm của con người. Khi nó được cố ý cổ vũ bằng sự nghiền ngẫm hoặc sự quan tâm lưu ý, nó là hậu kết, bởi vì nó đến sau sự lựa chọn tự do của ý chí. Đam mê hậu kết là có tội về luân lý. (Từ nguyên Latinh passio, đau khổ, dục vọng, tình thương.)
Passion
Cuộc Thương khó, cuộc Khổ nạn. Là các sự kiện chung quanh cuộc Khổ Nạn và cái Chết của Chúa Giêsu Kitô; là một phần của nghi thức tôn giáo của Tuần thánh trong Giáo hội Công giáo.
Passion Scapular
Bộ áo cuộc Khổ nạn. Là bộ áo màu đỏ, với dây len màu đỏ. Trên nửa bộ áo là ảnh Đấng Cứu Chuộc chịu đóng đinh, với các công cụ của Khổ Nạn và dòng chữ: “Lạy Khổ nạn Thánh của Chúa Giêsu Kitô, xin cứu chúng con." Nguồn gốc của bộ áo này là từ một thị kiến của một Nữ tu Nữ tử Bác ái năm 1846, được các tu sĩ Dòng thánh Vinh Sơn cổ vũ, và Đức Giáo hòang Piô IX phê chuẩn. Một bộ áo khác của Khổ Nạn là màu đen, là phù hiệu của một phụng hội liên kết với tu sĩ Dòng Thương Khó. Bộ áo này có dòng chữ: “Xin Khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô ở mãi trong tâm hồn chúng con."
Passionate Anger
Sự giận dữ mạnh mẽ, sự tức giận sôi nổi. Là một sự tức giận mạnh mẽ. Sự giận dữ mạnh mẽ không nhất thiết là có tội, miễn là sự phản ứng chỉ chống trực tiếp với phía có lỗi, và sự giận dữ là tỉ lệ với đối tượng và hòan cảnh. Hơn nữa, để là hợp lệ, sự giận dữ mạnh mẽ không làm mù quáng lý trí của một người, hoặc đặt một người vào sự nguy hiểm vượt quá các giới hạn thận trọng của sự trừng phạt. Do đó, bao lâu sự giận dữ mạnh mẽ còn độc lập với ý chí con người, nghĩa là không được ý chí quyết định cách tự do, nó tự thân là không có tội. Tuy nhiên có một bổn phận là phải đè nén xung năng mạnh mẽ đưa đến giận dữ, khi dục vọng nổi lên vượt quá mức khiêu khích đáng có, hoặc khi các cảm xúc là quá dữ dội đến nỗi người ta “mất bình tĩnh hòan tòan.” Đồng ý với sự giận dữ bùng phát quá mức, vốn trút ra thành lời nói và hành động giận dữ thì thường là một tội nhẹ. Nó trở thành nặng khi lời nói và hành động là có tính nguy hại hay công kích. Nó cũng là một tội trọng khi sự tức giận mang hình thức trả thù một cách có ý thức.
Passionists
Tu sĩ Dòng Thương Khó. Là Dòng Giáo sĩ đi chân đất của Thánh Giá và Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, được thánh Phaolô Thánh Giá (1694-1775) thành lập tại Núi Argentaro, miền Tuscany (Ý), năm 1737. Luật Dòng được Đức Giáo hòang Clement XIV phê chuẩn vĩnh viễn năm 1769, và luật ban các đặc ân của các Dòng cũ lên Dòng mới này. Dòng Thương Khó nhấn mạnh sự chiêm niệm như là nền tảng trong đời sống tông đồ của tu sĩ Dòng, và họ có lời khấn thứ tư là cổ vũ lòng tôn sùng Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô. Việc tông đồ truyền thống của họ là giảng truyền giáo và tổ chức tĩnh tâm. Dòng Nữ Tu Thương khó, hòan toàn khác với Dòng Thương khó, được thành lập như là Dòng chuyên tâm chiêm niệm.
Passion Narrative
Trình thuật cuộc Khổ Nạn, đọc bài Thương Khó. Là việc nhiều người đọc bài Thương khó trước một bàn thờ, một người đọc lời của Chúa Kitô, một người đọc lời của tòa án Do Thái hay của tổng trấn Roma, và người thứ ba đại diện dân chúng. Mối tương quan của các giọng đọc, cường độ âm thanh của từng giọng, và sự diễn tả các vai khác nhau là một phần của các nghi thức Thương Khó ngày thứ sáu Tuần Thánh. Âm nhạc về cuộc Thương khó đạt sự phát triển cao nhất thời các nhạc sĩ Johann Sebastian Bach và Franz Joseph Haydn.
Passion Plays
Kịch trình tả cuộc Thương Khó, Tuồng Thương Khó. Là việc diễn kịch cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong nhiều hình thức tôn giáo, nghệ thuật và dân gian khác nhau. Lúc đầu chúng xuất hiện như một phần của nghi thức ngày lễ của Giáo hội, trước tiên bằng tiếng Latinh, rồi bằng tiếng Đức và dần dà phát triển thành hình thức dân gian cho đến khi chúng đánh mất tính chất rất trang trọng. Vào thế kỷ 17, sự trình diễn các vở tuồng Thương Khó này chỉ giới hạn trong các tu viện hoặc làng mạc xa xôi. Sự thích thú của dân chúng với với các tuồng này nhận được sức sống mới trong thế kỷ 19, tại vùng Tyrol (Áo), miền nam Bohemia, và nhất là tại làng Oberammergau vùng Bavaria, nơi hiện nay vở tuồng nổi tiếng thế giới được trình diễn với âm nhạc và sự dàn dựng thích hợp. Tuồng này được diễn cứ 10 năm một đợt, như lời tạ ơn Chúa của dân làng sau khi họ thoát được nạn dịch hạch.
Passions
Đam mê, dục vọng. Là các cảm xúc của con người khi chúng là thất thường trong mục đích, cường độ hoặc thời gian. Chúng là các cảm tình vượt qua sự kiểm soát, và liên quan đến sự thay đổi lớn trong các chức năng cơ thể hoặc hoạt động của con người. Kém chính xác hơn, đôi khi các đam mê được đồng hóa với bất cứ chuyển động mạnh nào của thèm muốn cảm tính, chẳng hạn tình dục, giận dữ, đói khát, đi kèm với thay đổi trong cơ thể.
Passion Symbols
Biểu tượng Thương Khó. Các biểu tượng của Cuộc Thương Khó và cái Chết của Chúa Kitô thường được tập trung trong hình minh họa chung quanh Thánh giá. Khoảng hơn 10 biểu tượng này được tìm thấy trên các tấm đá khắc ở nhiều nhà thờ chính tòa nước Anh. Được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp, chúng cũng thường được trình bày trong nghệ thuật của Ý và Tây Ban Nha thế kỷ 16: ba mươi đồng bạc, roi với dây chì, cái cột lớn và dây thừng, vương miện bằng sậy, mũ gai, đinh, áo không có đường khâu và cái súc sắc, miếng bọt biển, cái giáo, cái thang và vải liệm. Mũ gai là một biểu tượng của thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Louis nước Pháp, và thánh nữ Rose thành Lima; thánh Boniface, thánh Gervase và thánh Protase được vẽ cầm cây roi, thánh Barnabas và thánh Matthias cầm cái giáo. Thánh giá trần, được phủ vải liệm, là biểu tượng phổ biến của việc Chúa chịu đóng đinh.
Passiontide
Tuần Thương Khó. Là tuần lễ trước lễ Phục sinh từ Chủ nhật Lễ Lá đến kết thúc Vọng Phục Sinh. Trước kia là hai tuần lễ trước Chủ nhật Phục Sinh.
Passive Recollection
Hồi tâm thụ động. Là sự suy tư nội tâm của linh hồn, không bằng cách nhìn xem cách tưởng tượng các sự việc thiên linh, nhưng bằng sự thấm nhập tình cảm nhẹ nhàng của tâm trí và cõi lòng vào Chúa, nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần tạo ra tình cảm ấy. Các giác quan không ngưng lại, nhưng nằm trong sở hữu của linh hồn đến nỗi chúng có thể chăm chú vào Chúa.
Passive Unitive Way
Hiệp đạo thụ động. Cũng gọi là hiệp đạo thần bí, có đặc tính là chế ngự được ảnh hưởng của ơn Chúa vượt ra ngoài mọi chuyện, thông qua các hình thức cầu nguyện bình thường. Nó được gọi là thụ động bởi vì linh hồn là bất lực để hành động theo sáng kiến riêng của mình, nhưng được Chúa thu hút vào Ngài một cách không thể cưỡng lại được.
Passos
Passos, việc đạo đức mùa Chay. Là một danh từ Bồ Đào Nha để chỉ các việc đạo đức Mùa Chay, được tổ chức tại Goa và các cộng đoàn khác tại Ấn Độ. Nguyên thủy các người tự phạt xác hành động tích cực trong cuộc rước kiệu Ngày thứ Sáu tuần thánh, hát kinh cầu và tự đánh mình trước Thánh Giá. Ngày nay tập tục này vẫn còn duy trì, nhưng không dùng roi đánh và các kiểu đáng chê trách khác. Việc diễn lại tuồng Thương khó được diễn ra sau bài giảng và tiếp theo là cuộc rước.
Passover
Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua Do Thái được cử hành hàng năm, như Chúa đã truyền lệnh, để kỷ niệm việc dân Do Thái được thoát khỏi ách người Ai Cập. Đặc điểm chính của lễ này là bữa ăn hiến tế, kết thúc bằng việc ăn thịt chiên vượt qua, sau đó là Lễ Bánh không Men kéo dài bảy ngày. Vào thời Chúa Kitô, bữa ăn Vượt Qua đòan tụ gia đình từ hoàng hôn đến nửa đêm vào ngày thứ 15 của tháng Nisan. Chúa Cứu Thế mừng lễ này lần cuối là dịp Chúa lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục của Luật Mới.
Pastor
Mục tử. Là một linh mục hoặc một tập thể (Dòng tu hay cộng đoàn Dòng tu), được Giám mục giáo phận trao phó việc coi sóc một giáo xứ, với quyền và nghĩa vụ được ban theo Giáo luật và qui chế của Giáo phận. (Từ nguyên Latinh pastor, mục tử, người chăn chiên; nghĩa đen là người nuôi nấng.)
Pastor, Parochial
Cha sở, cha xứ, cha chính xứ, cha quản xứ. Là một linh mục hay một pháp nhân, được trao phó coi sóc một giáo xứ dưới quyền của một giám mục (hoặc đấng bản quyền sở tại), với trách nhiệm chăm sóc các linh hồn.
Pastor Aeternus
Hiến chế tín lý Pastor Aeternus. Là nhan đề của Hiến chế tín lý về Giáo hội của Chúa Kitô, do Công đồng chung Vatican I công bố ngày 18-7-1870, trong đó bốn tín điều đức tin được định tín: quyền tối thượng tông đồ được trao cho thánh Phêrô, quyền tối thượng Phêrô được nối tiếp vĩnh viễn trong các Đức giáo hòang, ý nghĩa và quyền của tối thượng quyền Giáo hòang, và quyền giáo huấn vô ngộ (magisterium) của Đức Giáo hoàng.
Pastorale Munus
Tông thư Pastorale Munus. Tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI, trao 40 khả năng mới và tám đặc quyền cho các Giám mục của Giáo hội Công giáo (ngày 30-11-1963).
Pastoral Letters
Thư mục vụ. Là các văn kiện chính thức được một giám mục gửi cho hàng giáo sĩ hoặc cho toàn thể tín hữu của một giáo phận. Một nhóm Giám mục, của một giáo tỉnh hoặc của toàn quốc gia, có thể gửi thư mục vụ cho toàn thể tín hữu trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của các vị. Thư mục vụ có thể bàn đến mọi vấn đề ảnh hưởng đức tin, việc sống đạo hoặc việc phượng tự của tín hữu. Thư mục vụ thường được công bố trong một số mùa, như trong mùa Chay và mùa Vọng. Qua nhiều thế kỷ, thư mục vụ trở thành sự diễn tả của huấn quyền bình thường của Giáo hội. Ngày nay các thư mục vụ quan trọng cũng được đăng trong nhật báo của Vatican, tờ L'Osservatore Romano.
Pastoral Theology
Thần học mục vụ. Là sự áp dụng thực tiễn của thần học khoa học vào việc chăm sóc các linh hồn trong tác vụ thánh. Mục đích là nhằm làm cho tác vụ thánh này trở nên hữu hiệu hơn, bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, để giải quyết các nhu cầu thiêng liêng của cá nhân và nhóm tín hữu. Là một môn học tương đối mới, thần học mục vụ xuất hiện để giải quyết các hoàn cảnh ngày càng phức tạp hơn và đang thay đổi của cuộc sống hiện đại. Nó dựa vào các nguyên tắc và phương pháp học của các môn khoa học đạo và đời, với sự quan tâm đặc biệt để giúp người ta sống các cam kết Kitô giáo của mình, trong sự xung đột với một xã hội thù địch hoặc ít là dửng dưng với Kitô giáo.
Patarines
Đảng Patarine. Còn gọi là Patarelli, một đảng Công giáo trong thời đầu của Trung Cổ, đã ủng hộ Đức Giáo hòang trong cuộc đấu tranh bênh vực sự độc thân của hàng giáo sĩ, và chống lại nạn mại thánh. Đảng ngưng họat động sau cái chết của thủ lĩnh của mình là Erlembald vào năm 1075. Sau đó tên này được lạc giáo Cathar và các lạc giáo khác sử dụng, và họ bị Công đồng chung Lateran III lên án năm 1179.
Paten
Đĩa thánh. Là cái đĩa có cùng chất liệu với chén thánh, chẳng hạn đều là mạ vàng, và được Giám mục hay vị đại diện của ngài cung hiến với dầu thánh. Nó phải đủ rộng để che cả miệng chén thánh. Đĩa thánh dùng để đựng bánh lễ sẽ được truyền phép, và sau đó là đựng Mình Thánh Chúa. Có tục lệ là thầy Phụ phó tế (thầy Năm) cầm đĩa thánh, che bằng khăn phủ vai, từ phần Dâng lễ cho đến kinh Lạy Cha (Pater Noster) trong Thánh lễ trọng. (Từ nguyên Latinh patena, đĩa rộng, đĩa dẹt.)
Pater Noster
Kinh Pater Noster, Kinh Lạy Cha. Đây là kinh do Chúa Kitô sọan ra và dạy cho Môn đệ đọc (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4). Tên kinh được lấy từ hai chữ đầu của kinh bằng tiếng Latinh, Pater Noster (Lạy Cha). Kinh Lạy Cha là một phần của phụng vụ Giáo hội từ thời các thánh Tông đồ. Kinh cũng là một phần của tuyên xưng đức tin cho việc tiếp nhận các dự tòng vào Giáo hội, có nhiều lời chú giải của các Giáo phụ và Tiến sĩ Giáo hội hơn bất cứ một đọan nào trong Kinh Thánh và, sau Bí tích Rửa tội, là mối dây hiệp nhất nổi tiếng giữa các Kitô hữu trong mọi truyền thống. Bảy lời xin trong kinh Lạy Cha là một tổng hợp của đức tin, và cấu trúc cân bằng của kinh là sự diễn tả phẩm trật thật sự của các giá trị, trước tiên là các điều với Chúa, sau đó là các nhu cầu của con người. Câu kết dài hơn của người Tin Lành “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” đã được đưa thêm vào hồi thế kỷ 16. Ban đầu nó là một lời kết phụng vụ, được Giáo hội Công giáo đưa vào trong Kinh nguyện Thánh thể của Thánh lễ cách đây không lâu.
Patr
Patr, Patriarcha--tổ phụ, tộc trưởng, thượng phụ.
Patriarch
Tổ phụ, tộc trưởng, thượng phụ. Là người cha và thủ lĩnh của một gia đình, một bộ tộc, hoặc một sắc dân trong lịch sử Kinh thánh. Tên Tổ phụ thường được gán với Abraham (Áp-ra-ham), Isaac (I-xa-ác), và Jacob (Gia-cóp.) Thượng phụ là một giám chức có vinh dự được gọi là Ông hòang của các cha, nhưng không có quyền tài phán, ngọai trừ trong một số luật đặc biệt. Ngài giữ quyền ưu vị trên các giáo chủ, tổng giám mục và giám mục. Xét về trật tự ưu vị, Thượng phụ Roma đứng đầu so với các thương phụ ở Constantinople, Alexandria, Antioch, và Jerusalem. Ở Đông phương, có các thượng phụ của các nghi lễ Armenia, Maronite, Melkite, và Chaldean, và các thượng phụ nhỏ ở Venice, Lisbon, miền Đông Ấn và miền Tây Ấn. Quyền và tầm quan trọng của các thượng phụ, ngọai trừ quyền của Đức Giáo hòang, đã bị giảm sút kể từ cuộc Ly khai Đông Tây. Các ngài có quyền tấn phong mọi giám mục trong lãnh phận thượng phụ của mình; làm phép dầu thánh; triệu tập các công nghị; gửi dây omophorion (tức dây pallium) cho các tổng giám mục, và giải quyết các phúc thẩm của tòa dưới. Các ngài là thủ lĩnh tối cao trong lãnh phận của mình. Chỉ có Đức Giáo hòang là ưu vị so với các ngài mà thôi. (Từ nguyên Hi Lạp patriarch_s, người cha một sắc tộc.)
Patriarchal Basilica
Vương cung thánh đường thượng phụ. Là một trong các vương cung thánh đường lớn ở Roma của Giáo hội Công giáo. Đó là Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateran, vốn là Vương cung thánh đường cả dành cho Đức Giáo hòang với tư cách là Thượng phụ phương Tây; vương cung thánh đường thánh Phêrô dành cho Thượng phụ Constantinople; vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại thành dành cho Thượng phụ Alexandria; và vương cung thánh đường Đức Bà Cả dành cho Thượng phụ Antioch. Mặc dầu Vương cung thánh đường thánh Lôrensô, cũng ở Ngoại thành, là Vương cung thánh đường dành cho thượng phụ Jerusalem, nó không được xem là cả hoặc lớn. Nguyên thủy mỗi Vương cung thánh đường này có một dinh thự bên cạnh, dành cho thượng phụ chủ nhà mỗi khi ngài đến Roma công tác.
Patriarchal Cross
Thánh giá Thượng phụ, còn gọi là thánh giá Tổng giám mục.
Patriarchal Theory
Thuyết chế độ phụ quyền. Là học thuyết cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị là các nhà lãnh đạo được Trời chỉ định trong xã hội dân sự, do các tài năng tự nhiên của họ. Thuyết này nổi lên trong thời hiện đại để chống lại các sự thái quá của cuộc Cách mạng Pháp và tránh cạm bẫy của quyền làm Vua do Trời ban, mà không nhìn nhận nền tảng dân chủ của chính quyền dân sự. Được một số người lựa chọn, trong đó có D'Azeglio Luigi Taparelli (1793-1862), thuyết này dường như là một sự mô tả cách thức nhiều chính quyền được thành lập (từ trên xuống dưới), hơn là một sự phân tích lý thuyết của nguồn gốc quyền bính chính trị.
Patriarchate
Lãnh phận thượng phụ. Là lãnh thổ mà một thượng phụ quản trị theo luật Giáo hội. Roma, Alexandria, Antioch là các nơi đầu tiên hưởng quyền thượng phụ. Đức Giáo hòang, với tư cách là thượng phụ Tây Phương, có quyền tài phán trên mọi vùng đất Tây Phương, nơi tiếng Latinh từng là ngôn ngữ nghề nghiệp và phụng vụ, nơi mà nghi lễ Latinh vẫn còn sử dụng hầu như khắp nơi và Giáo luật Roma vẫn còn có hiệu lực. Ở Đông Phương, các lãnh phận thượng phụ đã trở nên các tổ chức của người Công giáo theo các Nghi lễ khác nhau. Các lãnh phận thượng phụ gốc ở Đông phương hiện nay được trình bày như một liên hiệp lỏng lẻo các Giáo hội khác nhau về phụng vụ và phong tục, nhưng hiệp nhất với nhau trong đức tin, luân lý và sự hiệp thông với Tòa Thánh.
Patrimony
Gia sản. Là bất cứ tài sản thừa kế nào, nhất là của người cha. Sự tuyên khấn trọng thể trong một Hội Dòng đòi hỏi sự từ bỏ gia sản của mình. Công đồng chung Vatican II mở rộng tập tục này, khi tuyên bố rằng: “Các hội dòng (với lời khấn đơn) có thể ấn định trong hiến chương cho phép các tu sĩ khước từ gia sản đã có hay sẽ lãnh nhận” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, 13). (Từ nguyên Latinh patrimonium, tài sản thừa kế từ cha mình, gia sản.)
Patrimony Of St. Peter
Tài sản thánh Phêrô. Là đất đai, tài sản và thu nhập từ các nguồn khá nhau thuộc Tòa thánh. Trước Hòa ước Constantine (năm 313) tài sản của Giáo hội là rất hạn chế, nhưng sau thời ông làm Hòang đế, nhờ quà biếu của ông cũng như quà biếu của các người quý tộc mới trở lại đạo, Giáo hội thấy mình có quà nhiều của cải. Khoảng năm 600, Đức Giáo hòang có thể được gọi là sở hữu chủ đất đai nhiều nhất thế giới. Nhiều nông trại lớn, rừng già, nhiều làng mạc cùng với dân cư, mặc dầu được tự do, lập thành một tập đòan (massa). Nhiều tập đòan lập thành một tài sản Giáo hội, tương đương với một tỉnh của Roma. Các tài sản này chủ yếu tọa lạc tại Ý, với một ít tài sản ở Đông Phương, Gaul, Dalmatia. Rome có nhiều tài sản nhất. Naples, Gaeta, Tivoli, Ravenna, và Genoa đóng góp phần mình vào đó. Tất cả gộp chung gọi là Tài sản thánh Phêrô. Các bệnh viện, tu viện, và nhà thờ được xây dựng và bảo trì, sự tự do của nô lệ được chuộc lại, người nghèo ở Ý và nơi khác được hưởng thu nhập của tài sản thánh Phêrô. Thánh Gregory gọi đó là Tài sản người Nghèo.
Patrimony Of The Poor
Tài sản người nghèo. Trong thời Giáo hội sơ khai, sau Chỉ dụ Milan (năm 313), một phần tư thu nhập của một giáo phận được để riêng ra, dành giúp đỡ người nghèo. Nền tảng Kinh thánh của việc này là sự nhấn mạnh trong Tân Ước về chăm lo cho người nghèo, và chia sẻ cho người nghèo, như một điều kiện cho được ơn cứu độ.
Patrini
Patrini, bõ vú đỡ đầu, người đỡ đầu. Là người đỡ đầu khi Rửa tội. Đây là một từ ngữ Latinh thời Trung cổ, có nghĩa là người thay thế cho cha mẹ. Bõ vú giữ nhiệm vụ đỡ đầu thiêng liêng cho người được họ đem tới giếng Rửa tội.
Patripassianism
Khổ phụ thuyết. Là một dạng của lạc thuyết độc nhất thần vị, vốn cho rằng chỉ có một Ngôi trong Chúa Ba Ngôi, do đó thật là hợp lý khi Ngôi Cha cũng làm người, giống như Ngôi Con, và chịu đau khổ trên Thánh giá vì nhân lọai. Đôi khi được gọi là lạc thuyết Sabellius. (Từ nguyên Latinh pater, cha + passus, chịu đau đớn.)
Patristic Philosophy
Triết học các giáo phụ. Là triết học được triển khai trong Kitô giáo vào thời các Giáo phụ, chủ yếu trong năm thế kỷ đầu tiên. Nó trình bày cuộc gặp gỡ đầu tiên của mặc khải Kitô giáo với tư tưởng ngọai giáo thời Thượng cổ. Các nhà trí thức Kitô giáo ý thức rằng họ đứng ở nơi giao lưu của hai thế giới rất khác nhau, nhưng không nhất thiết chống đối nhau. Do đó, triết học giáo phụ trình bày sự hòa tan vào nhau của di sản tốt nhất trong văn minh Hi lạp và đức tin Kitô giáo; và đức tin này lại thừa hưởng nhiều từ Do Thái giáo. Ba dòng chính triết học có thể phân định được, trong đó hai cái đầu là lạc giáo: đó là dòng cho rằng ngoại giáo và Kitô giáo là chống đối nhau hẳn, như trong triết học của Tertullian; một dòng cho rằng ngoại giáo và Kitô giáo là tương hợp với nhau hòan tòan, như trong Ngộ đạo thuyết; và một dòng cho rằng đức khôn ngoan của Chúa Kitô và của tư tưởng ngọai giáo có thể hợp tác với nhau, nhưng triết học ngọai giáo luôn là lệ thuộc vào Kitô giáo và cần được thanh luyện bởi sự khôn ngoan cao hơn của mặc khải. Phần lớn sự xung đột với lạc giáo trong thời các Giáo phụ là do nỗ lực của một số nhà tư tưởng Kitô muốn đưa đức tin của mình lệ thuộc vào các học thuyết tri thức của thế giới Địa Trung Hải ngoại đạo.
Patristics
Thần học giáo phụ. Nguyên thủy là giống như giáo phụ học, và vẫn bao hàm giáo phụ học. Đây là khoa học về các Giáo phụ, tiểu sử, tác phẩm, học thuyết và thần học của các vị.
Patrology
Giáo phụ học. Đây là môn học về các tác phẩm của Giáo phụ và khoa học về nội dung các tác phẩm này. (Từ nguyên Hi Lạp pater, cha + logia, tri thức.)
Patron
Người đỡ đầu, người bảo trợ. Là một người hỗ trợ, nâng đỡ, bảo vệ một người khác, một dự án hay một công việc lớn. Theo Giáo luật, người bảo trợ là người xây dựng hoặc duy trì một bổng lộc của Giáo hội. nếu thu nhập của Giáo hội tạo nên một bổng lộc, thì bất cứ ai hiến tặng một đám đất, xây dựng nhà thờ, hoặc bảo dưỡng nhà thờ là một người bảo trợ. Bởi vì quyền bảo trợ là thuộc trật tự thiêng liêng, nó phải chịu quyền tài phán của Giáo hội. (Từ nguyên Latinh patronus, người bảo trợ.)
Patronage
Bảo trợ, đỡ đầu, bảo hộ. Là hành vi thành lập một nhà thờ, nhà nguyện hoặc một Tu hội, và đặc quyền được ban cho các ân nhân ấy. Sự bảo trợ cũng là các người bảo trợ trên thiên đàng, được chính thức chỉ định bảo trợ các quốc gia, giáo phận, cộng đoàn và học hiệu.
Patronage Of St. Joseph
Thánh Giuse bảo trợ, thánh Giuse bổn mạng. Là vai trò của thánh Giuse, phu quân của Đức Maria và cha nuôi của Chúa Giêsu, như là người bảo trợ của Giáo hội hòan vũ. Đức Giáo hòang Piô IX công bố tước hiệu này vào năm 1847.
Patron Saint
Thánh bổn mạng. Từ thời đầu của Kitô giáo, thánh bổn mạng là một thánh nhân hoặc á thánh được chọn để làm người cầu bầu đặc biệt với Chúa cho một người, một địa điểm, một cộng đòan hay một tổ chức. Phong tục này nổi lên từ sự kiện Kinh thánh rằng việc thay đổi tên nói lên sự thay đổi trong bản thân con người, chẳng hạn Abram (Áp-ram) thành Abraham (Áp-ra-ham), Simon (Si-môn) thành Phêrô, Saul (Sa-un) thành Phaolô; và từ tập tục có nhiều nhà thờ xây trên phần mộ các thánh tử vì đạo.
Paul
Thánh Phaolô. Là người năng động nhất trong số các tông đồ của Chúa Kitô, mặc dầu ngài không phải là một trong 12 Tông đồ nguyên thủy. Tên ngài là Saul (Sa-un), được đổi thành Phaolô sau khi ngài hóan cải. Ngài là một người Do thái, sinh tại Tarsus miền Cilicia (Tác-xô miền Ki-li-ki-a) và gia đình thuộc phái Pharisee (Pha-ri-sêu, Cv 22:3). Saul trở thành một thủ lĩnh của người Pha-ri-sêu cuồng tín và nổi tiếng là người chống đối kịch liệt các Kitô hữu (Cv 8:3). Một lần nọ ngài đang trên đường đi đến Damascus (Đa-mát, với nhiệm vụ chống người Kitô), ngài bị hất rơi xuống đất và bị mù mắt do một luồng sáng rất mạnh. Chúa Kitô hiện ra với ngài và ngài hoán cải ngay sau đó. Ngài hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22:10). Sau đó ngài sống vài năm ở Arabia (xứ Ả-rập, Gl 1:17). Trạng thái của ngài khi bắt đầu rao giảng Kitô giáo thật là lúng túng; người Pha-ri-sêu xem ngài là người phản bội; các Kitô hữu sợ ngài do sự nổi tiếng bắt đạo trước đó của ngài. Barnabas (Ba-na-ba) đã đặc biệt giúp đỡ ngài trong thời kỳ đầu này; Barnabas giới thiệu ngài với các nhóm Kitô hữu và bảo đảm cho sự thành thực của ngài tại Antioch (An-ti-ô-khi-a) và Jerusalem (Giê-ru-sa-lem, Cv 9:27). Sự liên kết này có hiệu quả đến nỗi Giáo đoàn tại Antioch ủy thác cho Barnabas làm trưởng nhóm, và Phaolô và Máccô là thành viên nhóm, thực hiện chuyến đi truyền giáo tại Cyprus (Sýp), Pamphylia (Pam-phy-li-a), Iconium (I-cô-ni-ô), Lystra (Lýt-ra), và Derbe (Đéc-bê, Cv 13, 14). Việc này dẫn đến một sự đụng độ quyết liệt. Phaolô, Barnabas, và Titus (Ti-tô) đi về Jerusalem để thúc giục một quan niệm uyển chuyển hơn cho một Kitô hữu, so với một người Do Thái đã cắt bì theo Luật Cũ (Gl 2). Thánh Phêrô chủ tọa hội nghị. Sau khi mọi quan điểm được trình bày, quan điểm của nhóm thánh Phaolô đã chiến thắng: người ngoại không cần phải trở lại Do thái giáo để trở thành Kitô hữu (Cv 15:5-21). Sau đó, Phaolô thực hiện chuyến truyền giáo thứ hai. Lần này ngài đi đến Phrygia (Phy-ghi-a), Galatia (Ga-lát), Philippi (Phi-líp-phê), Thessalonica (Thê-xa-lô-ni-ca), và Beroea (Bê-roi-a, Cv 18:23). Một số chuyến thăm này là chuyến đi đầu tiên của các Tông đồ đến châu Âu. Rồi đến chuyến đi thứ ba đến Macedonia (Ma-kê-đô-ni-a) và Hi Lạp. Sự cảnh giác của các thành viên trong đoàn đã cứu Phaolô khỏi bị thương hoặc tử vong trong nhiều dịp (Cv 19:30). Đặc biệt nguy hiểm là người Do Thái ởn Jerusalem; quy chế công dân Roma đã cứu ngài nhiều lần. Một số thư tinh tế nhất của ngài được viết trong thời kỳ hai năm ngài bị tạm giữ chờ ngày ra tòa án. Sau cùng cái chết đến với ngài trong thời bách hại đạo của vua Nero, ngài bị trảm quyết khoảng năm 67. Ngài được an táng gần Vương cung thánh đường thành Phaolô hiện giờ. (Từ nguyên Latinh Paul[l]us.)
Paulicians
Phái Paulikiani. Là phái lưỡng nguyên triển nở mạnh từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ 11 trong Đế quốc Byzantine. Nguồn gốc danh từ này là không rõ ràng, nhưng có lẽ phái sinh từ tương hệ với Phaolô ở Samosata, Giám mục rối đạo của Antioch trong thế kỷ thứ ba. Họ chủ trương rằng có hai nguồn gốc của tạo dựng, một Chúa tốt lành là Đấng cai trị Thiên đàng và sáng tạo linh hồn con người, và một thần dữ cai trị thế giới vật chất và thân xác con người. Cho rằng mọi vật chất là xấu, họ bác bỏ việc Giáo hội được cứu chuộc qua cái chết thể xác của Chúa Kitô trên Thánh giá, phản đối các hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh, và thay vào đó là các sách Tin Mừng. Thuyết lưỡng nguyên của họ đã dẫn đến các xáo trộn luân lý trầm trọng, bởi vì tất cả những tội mà thân xác phạm đều được gán cho thần dữ, mà sức mạnh của thần là không thể cưỡng lại được. Bắt đầu với Mananali năm 657, phong trào này tồn tại cho đến năm 1050. Nhiều ý tưởng của phái này đã đi vào các nhóm tôn giáo khác, nhất là lạc giáo Albi. Trong chính trị, họ tỏ ra ủng hộ ngưởi Ả rập hơn là trung thành với Roma, và đã góp phần vào việc truyền bá Hồi giáo.
Pauline Privilege
Đặc ân thánh Phaolô. Là sự tháo gỡ dây hôn phối giữa hai người đã không rửa tội khi họ kết hôn với nhau. Nền tảng trong mặc khải của việc này là lời thánh Phaolô (I Cr 7:12-15), và có các điều kiện như sau: hai người chưa rửa tội khi kết hôn, và một người rửa tội sau khi đã kết hôn; một người có đức tin Công giáo nhờ rửa tội, và người kia vẫn chưa rửa tội; người chưa rửa tội bỏ đi về thể lý bởi sự ly dị hay bỏ rơi người kia, hoặc về luân lý vì làm cho cuộc sống hôn nhân trở nên không chịu đựng nỗi về phía người đã rửa tội; việc bỏ đi của người chưa rửa tội được chứng thực bằng cách chất vấn, nghĩa là hỏi người ấy là có muốn rửa tội hay không, hoặc ít là muốn sống êm ấm với người đã rửa tội hay không. Nếu đủ các điều kiện trên và câu trả lời là phủ định, Giáo hội có thể ban phép cho người đã rửa tội kết hôn với một Kitô hữu khác.
Paulists
Tu sĩ hội Thừa sai thánh Phaolô. Là Tu hội thừa sai của Thánh Tông đồ Phaolô, được Isaac Hecker (1819-88) thành lập tại Mỹ năm 1858. Tu hội được thành lập để đẩy mạnh công tác và quyền lợi của Giáo hội Công giáo Roma ở Mỹ. Luật Dòng được dựa vào luật Dòng Chúa Cứu Thế, vì trước đó vị sáng lập thuộc Dòng này.
Paulists
Đan sĩ Dòng thánh Phaolô Ẩn tu. Là Dòng thánh Phaolô Ẩn tu, được Á thánh Eusebius thành lập năm 1225 tại Gran, Hungary. Lần mới nhất Tòa thánh phê chuẩn hiến chương Dòng là vào năm 1930. Đây là Dòng vừa hoạt động vừa chiêm niệm, tập trung vào việc mục vụ tại các nhà thờ của Dòng. Họ phụ trách Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa ở Ba Lan.
Pauperism
Tình trạng bần cùng, sự bần cùng. Là tình trạng của một người ít hay nhiều không có phương tiện vật chất để sống một cuộc sống bình thường. Không như sự nghèo khó, tình trạng bần cùng bao hàm sự lệ thuộc, như một luật của Nhà nước, vào sự hỗ trợ đều đặn của chính quyền, người nhân đức làm việc bác ái hoặc cơ quan từ thiện. (Từ nguyên Latinh pauper, người nghèo.)
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News