Ngày 17-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
02:47 17/10/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (53)

521. Giáo Hội xem bổn phận truyền giáo của mình là điều quan trọng nhất

Hoài bão lớn nhất của Chúa Giêsu khi xuống trần gian nầy, là giải phóng tất cả mọi người khỏi ách nô lệ của ma quỷ, xác thịt, thế gian, giành lại cho họ quyền độc lập tự do hạnh phúc của người con Chúa.
Hoài bão nầy được Chúa nói ra trước khi đi chịu chết: “Đây là máu đổ ra để cứu chuộc nhiều người”.
Hoài bão nầy cũng được Chúa nói ra trước khi Ngài ngự về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Vì thế, thay mặt Chúa Giêsu, Giáo Hội đã long trọng tuyên bố trong Công Đồng Vatican II rằng: “Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là bổn phận căn bản của Dân Chúa”, là “bổn phận cao cả và thánh thiện nhất của Giáo Hội”.
Nghe như vậy thì biết rằng: từng cá nhân, từng đoàn thể, từng giáo xứ, từng địa phận, từng Giáo Hội địa phương và cả Giáo Hội toàn cầu, đều phải xem bổn phận truyền giáo của mình là điều quan trọng nhất.

522. Ba chiều của việc truyền giáo

Mỗi người chúng ta có bổn phận phải xây dựng Nước Chúa theo ba chiều:
- chiều rộng, nghĩa là phải lôi kéo nhiều người vào Đạo Chúa, làm cho họ thuộc về Nước Chúa, làm dân của Chúa, làm môn đệ của Chúa;
- chiều cao, nghĩa là phải làm sao cho người ta vâng giữ luật Chúa và sống theo những điều Chúa truyền dạy;
- chiều sâu, nghĩa là phải làm sao cho Đạo Chúa thấm nhập vào đời sống xã hội, ăn sâu vào tư tưởng, tập quán của xã hội, để xã hội trở nên môi trường thuận lợi cho Tin Mừng nẩy nở.

523. Yếu tố quan trọng thứ nhât của việc truyền giáo: tha thiết cầu nguyện

Việc truyền giáo, việc làm tông đồ cho người ta trở lại, là công việc siêu nhiên.
Người ta trở lại là nhờ ơn Chúa ban. Mà Chúa chỉ ban ơn khi thấy chúng ta tha thiết cầu nguyện. Bởi đó, trong vấn đề truyền giáo, điều quan trọng nhất, là sự cầu nguyện.

524. Yếu tố quan trọng thứ hai của việc truyền giáo: thật tình hy sinh

Lời cầu nguyện, muốn được Chúa nhậm lời, phải có sự hy sinh kèm theo.
Chúng ta càng hy sinh, càng chịu khó, càng hãm mình nhiều chừng nào, thì lời cầu nguyện của chúng ta càng dễ được Chúa nhậm lời chừng đó. Bởi đó, cầu nguyện mà không kèm theo hy sinh thì không được Chúa nhậm lời; mà hy sinh, nhưng không cầu nguyện, thì hy sinh cũng vô ích.

525. Yếu tố quan trọng thứ ba của việc truyền giáo: treo cao gương tốt

Gương tốt của chúng ta lôi kéo người khác trở lại với Chúa, vì họ được đánh động khi thấy cách ăn nết ở xứng đáng của chúng ta.
Gương các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội là một bằng chứng rõ ràng: họ chỉ là thiểu số, họ thiếu thốn mọi sự, họ bị Nhà Nước loại bỏ, nhưng họ vẫn sống đức tin mạnh mẽ; họ treo cao gương tốt khắp nơi, làm cho nhiều người cảm phục Đạo Chúa và xin theo Đạo càng ngày càng đông.

526. Quá trình của sự ghi nhớ

Hằng ngày, chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ rất nhiều thứ trong cuộc sống thông qua 5 giác quan: sờ, nếm, ngửi, nhìn, nghe.
Bất kỳ cái gì chúng ta nghiệm được và giữ lại trong 5 giác quan nầy, được gọi là “ghi nhớ”.
Hệ thống ghi nhớ của một người được chia làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có một khoảng thời gian khác nhau: giai đoạn ghi nhớ giác quan, giai đoạn ghi nhớ ngắn hạn, giai đoạn ghi nhớ dài hạn.
Giai đoạn ghi nhớ giác quan lưu giữ thông tin chỉ trong phút chốc. Giả dụ bạn nhìn vào bức tranh cảnh hoàng hôn. Mắt bạn lướt qua những chi tiết buổi hoàng hôn và giữ lại những hình nầy trong trí nhớ giác quan. Trí nhớ nắm giữ một cách ngắn gọn và hầu như chính xác hình ảnh của bức tranh. Nhưng hình ảnh đó mau chóng mờ nhạt và biến mất.
Giai đoạn ghi nhớ ngắn hạn giữ lại một sự việc trong khoảng thời gian bao lâu, là do bạn cố gắng nhớ về nó. Ví dụ khi bạn nhìn một số điện thoại và tự nhắc lại số điện thoại nầy cho đến khi bạn có thể nhớ để quay lại nó, đó là lúc bạn đã dùng trí nhớ ngắn hạn. Bạn sẽ quên việc ghi nhớ nầy sau 20 phút, trừ khi bạn tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần nữa.
Giai đoạn ghi nhớ dài hạn bao gồm khối lượng thông tin lớn địa chỉ lưu giữ cho cả đời. Hai yếu tố cần thiết để lưu giữ thông tin dài hạn, là sự lặp đi lặp lại và cảm xúc mãnh liệt. Nếu bạn cứ đọc đi đọc lại bảng cửu chương mỗi ngày, là bạn đã ghi nhớ vào bộ nhớ dài hạn. Và những cảm xúc mạnh, như tình yêu đầu đời, luôn được cất giữ trong trí nhớ dài hạn. (Tăng Cường Năng Lực Trí Nhớ)

527. Mười chín điều liên quan đến diễn thuyết

1. Khi bạn bước lên bục diễn thuyết và cảm thấy rất căng thẳng, bạn chỉ cần nhớ rằng khán giả đứng về phía bạn và họ muốn bạn cũng thư giãn như họ.
2. Vì sự hồi hộp khi đứng trước khán giả liên quan đến bán cầu não thực hiện chức năng phía bên phải, nên bạn hãy khắc phục bằng một chức năng nào đó nơi bán cầu trái, như đếm số hoặc làm các phép tính trong đầu.
3. Hít thở đều, hít qua đường mũi và thở ra qua đường miệng.
4. Đừng quên mĩm cười. Bạn sẽ thấy sự căng thẳng tan biến mất.
5. Sẵn sàng nói chuyện. Cần bảo đảm rằng mọi thứ đã được chuẩn bị trước.
6. Nếu được, bạn đừng nói.
7. Điều chỉnh buổi nói chuyện theo những gì khán giả quan tâm và lồng vào buổi nói chuyện những câu chuyện thú vị.
8. Cố gắng ngang bằng với trình độ của khán giả. Đừng ra vẻ hợm hĩnh, khoe khoang khoác lác, hoặc không thân thiện.
9. Cần nhớ rằng khán giả muốn nghe bạn phát biểu hoặc cung cấp thông tin, hơn là chỉ đọc một bài viết sẵn.
10. Cần rõ ràng cụ thể về những điểm bạn trình bày.
11. Nói rõ, bằng cảm xúc và sự nhiệt tình.
12. Hãy kiểm soát giọng nói vì người mới phát biểu lần đầu sẽ có khuyn hướng nói lớn tiếng hoặc mất bình tĩnh.
13. Hãy nói chậm để người khác có thể theo dõi những gì bạn đang nói.
14. Tránh nói huyên thuyên và lặp đi lặp lại.
15. Cố gắng nói ngắn và đi vào trọng tâm.
16. Khi kết thúc, bạn cần nói: “Cám ơn” và ngồi xuống.
17. Vì ấn tượng ban đầu rất quan trọng, bạn nên mở lời bằng cách khen ngợi khán giả, phát biểu gợi mở, gây sững sốt, hoặc kể một câu chuyện vui, v.v…
18. Vì ấn tượng sau cùng cũng quan trọng không kém, bạn đừng ngại sử dụng ngôn ngữ gây cảm xúc, diễn cảm, hoặc sử dụng một số câu thơ trữ tình.
19. Nếu bạn giới thiệu một diễn giả đang đứng trên bục với khán giả, hãy nói ngắn gọn, và nhanh chóng nhường diễn đàn cho diễn giả. (Phép Xã Giao)

528. Hãy can đảm từ bỏ những thuận lợi trong hoàn cảnh của mình.

Chướng ngại lớn nhất trong việc khai thác những khả năng tiềm tàng của bản thân, chính là hoàn cảnh thuận lợi hiện tại của bạn.
Bạn có được công việc nào đó, là nhờ “ô dù” chẳng hạn, thì bạn không thể thăng tiến được với tất cả khả năng thật sự của mình.
Người thành công chân chính, là người biết thích nghi với những hoàn cảnh bất lợi cho họ, và từng bước, vượt lên hoàn cảnh. (Chìa Khoá Sống Thanh Thản)

529. Mỗi mục tiêu đều cần đặt ra một kỳ hạn

Có rất nhiều người đặt ra hàng đống mục tiêu, thế nhưng, lại không đặt ra kỳ hạn hợp lý cụ thể, nên không đạt được những mục tiêu nầy.
Một mơ ước hay mục tiêu không có kỳ hạn, thì hiệu quả sẽ rất hữu hạn.
Có những người thiết lập rất nhiều mục tiêu, nhưng lại thực hiện rất ít. Nguyên nhân là: thứ nhất, không hợp lý; thứ hai, không có kỳ hạn; thứ ba, thiếu kế hoạch tỉ mỉ; thứ tư, không cân nhắc tiến độ hằng ngày.
Những kế hoạch, mục tiêu như thế, là đã định trước thất bại. Giả như ngẫu nhiên có đạt được thành công, thì đó cũng chỉ là sự may mắn mà thôi.
Nhất thiết đừng dựa vào vận may, mà cần dựa vào mục tiêu và kế hoạch. Đây là điều kiện cần có của người muốn thành công, mà cũng là việc cần liên tục tiến hành.
Mỗi người thành công đều có mục tiêu rõ ràng, đều có những mơ ước to lớn; đồng thời, họ cũng có kế hoạch và kỳ hạn cụ thể có thể đạt được. (Lòng Tự Tin)

530. Thường xuyên hội ý tham khảo ý kiến giúp tránh sai lầm thất bại do chủ quan

Chúng ta thường có khuynh hướng làm theo ý mình, ít muốn tham khảo ý kiến với ai, nên cũng thường dễ rơi vào chủ quan, sai lầm, thất bại.
Hội ý tham khảo ý kiến, nhất là với những người có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết rõ vấn đề, là một thái độ khôn ngoan, giúp cho ta được sáng suốt hơn. Đó là biện pháp “lấy trí tuệ của người khác bổ sung cho trí tuệ của mình”, rất hữu ích và hữu hiệu. Tục ngữ “Tam ngu thành hiền” cũng nhằm vào ý nghia đó.
 
Suy Niệm : Mầu Nhiệm Sự Sáng
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
06:44 17/10/2008
Suy Niệm: Mầu Nhiệm Sự Sáng

Thứ nhất: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Jordan Suy niệm: Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa nhưng Người đã hòa mình giữa bao tội nhân, khiêm tốn cúi mình chịu phép rửa tại sông Jordan. Tại đây, khi Người bước xuống dòng nước, Đấng vô tội đã trở thành “tội” vì chúng ta (2Cr 5,21). Ơn thánh hóa đã được trao ban cho nhân loại qua người Con Chí Ái. Cửa trời rộng mở vì Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa. Thực vậy, nhờ phép rửa tội, chúng ta được thánh hóa trở thành con Thiên Chúa, được mời gọi sống cuộc đời như Chúa Giêsu, là con cái sự sáng: luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria ban cho chúng con biết noi gương Chúa và Mẹ Maria, luôn lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa, hầu xứng đáng là người con chí ái của Chúa Cha. Amen Thứ hai: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana Suy niệm: Phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana là dấu chỉ Thiên sai đầu tiên mà Chúa Kitô đã thực hiện, nhờ sự can thiệp của Đức Maria, và qua đó Ngài mở rộng tâm hồn các môn đệ để các ông tin. Khi suy niệm về ánh sáng Tin mừng từ tiệc cưới Cana, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Có mong ước nào khác hơn khi tôi đặt niềm tin vào các bạn: hỡi những cặp vợ chồng và các gia đình; hỡi các thanh niên và thiếu nhi; hỡi những ông bà, già cả, bệnh tật và đau khổ; và sau cùng hỡi những mục tử và các tu sĩ nam nữ! Tôi chẳng mong muốn gì hơn là anh chị em hãy lắng nghe và suy niệm những lời của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu: “Hãy làm bất cứ điều gì mà Ngài bảo anh chị em.” Lạy Mẹ Maria, chúng con xin mượn lời chào của sứ thần Gabriel để chúc mừng Mẹ là Đấng đầy ân phúc, vì Chúa ở cùng Mẹ. Xin Mẹ thương đến nhiều gia đình trong giáo xứ chúng con đang thiếu rượu nồng tình yêu. Rượu ngon đã cạn chỉ còn đọng lại một chút rượu lạnh nhạt và chua cay, dẫn đến sự đổ vỡ, nghi kỵ, hiểu lầm và ghen tương. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con luôn biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa hôm nay và suốt cuộc đời chúng con. Amen

3) Thứ BA: Giêsu rao giảng Tin mừng và kêu mời sám hối Suy niệm: Sứ điệp đầu tiên mà Chúa gửi đến cho nhân loại chính là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối để bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ganh tương, đố kỵ, chia rẽ để bước vào ánh sáng của yêu thương và hiệp nhất. Chúa Kytô chính là ánh sáng đã chiếu giãi trên thế gian. Từ nay Tin mừng cứu độ của Chúa sẽ soi sáng cho con người biết đâu là thiện, là ác, vì chính Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Và ai bước theo Người sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng bước đi trong tự do của con cái sự sáng. Thế nhưng, nhân loại hôm nay vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng. Người ta sợ ánh sáng của Tin mừng sẽ phơi bầy bộ mặt thật của mình nên che dấu bằng thủ đoạn, lừa đảo và giả hình, và dần dần đánh mất ý thức về tội. Tội lỗi vẫn lan tràn. Con người tự làm khổ mình, làm khổ nhau bởi chính tội lỗi mình gây nên.

Lạy Chúa Giêsu, là ánh sáng tái tạo sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin ban ánh sáng của chân lý và sự thật để chúng con sống chân thành với Chúa và với nhau. Xin giúp chúng con siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải là phương thế để chúng con đón nhận tình thương và ân sủng của Chúa hầu dễ dàng xa tránh tội lỗi, và bước đi trong đường ngay nẻo chính. Amen. 4) Thứ Bốn: Chúa biến hình trên núi Tabor Suy niệm: Mầu nhiệm ánh sáng tuyệt vời là biến cố Hiển dung. Chúa Giêsu là người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha, bởi vì Ngài đã sống vâng phục thánh ý Chúa Cha bằng cách biến cái chết thành con đường cứu rỗi. Ngài đã biến khổ giá thành con đường dẫn đến vinh quang. Hào quang bao phủ Chúa Giêsu trong lúc biến hình là một khẳng định về chân lý ấy. Qua đó, Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của các môn đệ và Ngài vạch ra cho các ông con đường phải theo. Đó là con đường của Thập giá dẫn đến vinh quang, đó là con đường của đau khổ dẫn đến hân hoan, con đường của sự chết dẫn đến sự sống Phục Sinh. Lạy Chúa, với bản tính ham sướng sợ khổ, thích an nhàn hơn phải hy sinh. Chúng con dễ theo Chúa lúc biến hình trên núi Tabor, nhưng lại sợ bước lên đồi Calvê. Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria, biến đổi thân xác yếu hèn của chúng con nên giống thân xác vinh hiển của Người (Phil 3, 21). Xin củng cố niềm tin còn yếu kém nơi chúng con để chúng con luôn can trường vác thập giá của bổn phận, của đau khổ bệnh tật như những thánh giá Chúa gửi đến để mời con vác lấy mà theo Chúa. Amen

5) Thứ Năm: Chúa Giêsu Lập Bí tích Thánh Thể Suy niệm: Chúa là ánh sáng trần gian. Anh sáng giúp cho con người nhận ra nhau, hiểu biết nhau hơn. Qua hy tế Thánh Thể, Chúa Giêsu liên kết con người nên một với Ngài trong hiến tế tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha, và hiệp nhất trong bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Đồng thời nhờ nên một trong Chúa và với Chúa Kytô, chúng ta có thể dâng lên Chúa những đau khổ, khó khăn, tai biến và cả chính thân xác mình làm một với hiến tế của Chúa Kytô. Hy tế Thánh Thể cũng là đỉnh cao của tình yêu tự hiến, Chúa Giêsu dâng chính bản thân mình làm hy lễ đền tội và minh chứng cho đến cùng tình yêu của Người đối với nhân loại (Ga 13, 1). Lạy Maria, cuộc đời của Mẹ luôn gắn bó với Chúa, dẫu trong những đau thương thử thách, mẹ đã đón nhận tất cả vì Mẹ tin vào Con của Mẹ là Đấng cứu độ trần gian. Mẹ đã dâng hiến nỗi đau của mình làm một với Chúa trong hiến tế đồi Calvê để đền bù tội lỗi nhân gian. Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, và theo gương Mẹ dâng lên Chúa những lao nhọc cuộc đời, làm lễ tế hy sinh để mưu ích phần rỗi cho chúng con và cho toàn thể nhân loại. Amen
 
Bản nhạc: Cha gọi con từ ngàn xưa
Phạm Trung
15:09 17/10/2008
 
Công Dụng của Tràng Chuỗi Mân Côi
Jo. Vĩnh
16:15 17/10/2008
Công Dụng của Tràng Chuỗi Mân Côi

Người Công Giáo chúng ta, từ các em nhỏ tới người lớn đều đã được Bố Mẹ, gia đình và cộng đồng, giáo xứ dạy cho chúng ta cách nguyện ngắm lần chuỗi Mân Côi hay còn gọi là Tràng Chuỗi Hương Hồng. Mỗi tràng chuỗi là 15 ngắm, suy niệm qua các mùa Vui, Thương và Mừng cuộc đời Mẹ Maria.

Thường thì chúng ta hay suy gẫm lần chuỗi, mỗi lần là 5 chục kinh, qua một trong ba mùa Vui, Thương hay Mừng, để cầu xin Đức Mẹ che chở và phù hộ chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Từ những thông lệ đó đã trở thành thói quen hàng ngày trong các gia đình Công Giáo.

Thế rồi tràng chuỗi Mân Côi được biến thành các công cụ xử dụng hàng ngày như:

Đồng Hồ đo thời gian -Thước Đo Đường -Bùa Hộ Mạng -Thuốc An Thần -Thuốc Trợ Tử

Chẳng ai nhớ được, sự kiện này đã xảy ra từ lúc nào? Hay từ thời buổi nào? Có thể nói Tràng Chuỗi Mân Côi đã được cha ông chúng ta coi như là những dụng cụ hữu ích, xử dụng bất cứ lúc nào, hoặc Tràng Chuỗi Mân Côi là những phương thuốc trị bệnh rất hiệu nghiệm kể trên, không phải mất thời giờ tìm kiếm.
Tràng chuỗi Mân Côi chúng ta có thể tìm thấy ngay trên các hình thức cụ thể như: tràng chuỗi gồm 5 hột lớn, 50 hột nhỏ, mỗi chục là 10 hột nhỏ, cách nhau bằng 1 hột lớn và cuối tràng chuỗi 1 Thánh giá.
Chuỗi vòng tròn nhỏ kim loại bằng nhôm có răng cưa và Thánh Giá, chuỗi vòng có thể xỏ vào ngón tay trỏ, ngón tay cái bấm từng răng cưa và xoay quanh ngón trỏ để lần hột. Chuỗi có 10 răng cưa hay hột và một dễ dàng tìm thấy nhất là đếm trên 10 đốt ngón tay, có thể xử dụng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Tôi xin đan cử một vài thí dụ điển hình về công dụng của Tràng Chuỗi Mân Côi dưới đây:

-Tràng Chuỗi Mân Côi, Đồng Hồ Đo Thời Gian:
Theo thông lệ, ở quê tôi cứ khoảng 4 giờ sáng là các gia đình công giáo, không ai bảo ai, đều thức dậy, đọc kinh, rồi mới ăn sáng, trước khi ra đồng làm ruộng.

Tôi còn nhớ, vào mỗi buổi sáng sớm. Hết mọi người trong gia đình tôi thức dậy, ngồi quây quần trước bàn thờ đọc kinh, nguyện ngắm chuỗi Mân Côi 5 chục và các kinh cầu các thánh.

Mẹ tôi và chị tôi thì xuống bếp lo việc nấu cơm. Chúng tôi ở trên nhà đọc kinh thật to để Mẹ tôi và Chị tôi ở dưới bếp vừa nấu cơm vừa theo kinh.
Mẹ tôi cho biết: Chúng tôi chỉ đọc khoảng trên 3 chục kinh là nồi cơm của bà đã sôi. Cả nhà vừa đọc xong kinh, thì thời gian nấu cơm và thức ăn của các bà cũng xong, sẵn sàng sắp ra cho mọi người ăn.

Những buổi đọc kinh sáng và tối như vậy. Chúng tôi đọc kinh rất to, các gia đình lối xóm chung quanh đều nghe rõ mồn một. Những gia đình bên lương cũng phải thức dậy vì những tiếng cầu kinh của các gia đình công giáo chúng tôi rót vào tai họ, tạo nên những cung điệu âm thanh réo rắt vang vọng bay xa vào một buổi sáng tinh sương, như những tiếng chim hót của buổi bình minh nơi vùng hương quê thôn dã.

Chúng tôi là những người dân công giáo miền Bắc di cư vào Nam được đưa xuống dinh điền Cái Sắn, Rạch Giá sống tập trung trong trại tạm trú là một dãy nhà lán rất dài và rộng do chính phủ dựng lên.
Ban Điều Hành trại chỉ chừa một khoảng trống nhỏ trong lán gần phía đầu, đủ để đặt một bàn thờ cho Cha Tuyên Úy dâng lễ hàng ngày. Các gia đình cư ngụ trong lán có thể ngồi ngay trên chiếu hay tại trên giường của gia đình mình xem lễ. Mỗi tối chúng tôi tập trung cả lán đọc kinh, vang dội khắp nơi, rất vui.

Bà tôi kể: Em tôi sanh ra, vào lúc sáng sớm ngày Chúa Nhật ngày Lễ Ném Đá năm 1956, khi mọi người trong lán chuẩn bị đọc kinh dâng Lễ, thì Mẹ tôi đau bụng lâm bồn. Bố tôi phải lấy chiếu vỉ và vải che chung quanh giường cho Mẹ tôi sanh.
Cộng Đoàn lẫn chuỗi đến chục thư Tư thì em tôi lò mò chui ra, ré lên khóc thét. Làm cho những gia đình trong lán, gần giường gia đình tôi phải chia trí.

Kết thúc Thánh Lễ, nhiều người hay tin, kéo đến hỏi thăm Mẹ tôi. Bà Nội tôi kể cho họ nghe: “Cái con Mẹ này nó mắn đẻ lắm. Nó chỉ đau bụng lâm râm, thế mà chỉ đọc có 4 chục kinh, là nó đã sanh rồi”. Bà Nội tôi đem ngay Kinh Mân Côi ra, đo thời gian Mẹ tôi lâm bồn một cách ngọt xớt.

-Chuỗi Mân Côi đo thời gian làm công việc.
Chúng tôi là những người dân nông thôn, công việc chính là gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng. Còn việc trong nhà như: Xay luá giã gạo thì thường làm vào lúc buổi tối sau khi ăm cơm tối xong. Bọn trẻ chúng tôi cùng gia đình đọc kinh, Bố Mẹ chúng tôi và những người lớn vừa xay lúa, giã gạo vừa đọc kinh. Họ cứ căn chừng, đọc bao nhiêu kinh thì xay được mấy thúng lúa, hoặc giã được mấy thúng gạo. Đến mùa làm thuốc lào, họ vừa đọc kinh vừa làm thuốc lào, gói thành bánh thuốc lào và đóng thùng. Miệng đọc kinh nhưng tay chân cứ thoăn thoắt làm đều. Có thể so sánh số lượng sản phẩm hoàn tất với tràng kinh Mân Côi đã đọc.

-Tràng chuỗi Mân Côi Thước Đo Đường:
Ngày xưa ở ngoài miền Bắc, các cụ là những người dân quê mùa, chất phác, kỹ thuật không có, đi từ làng này qua làng kia, không có cột mốc đo đường, mà chỉ đếm bằng bước chân hoặc lần chuỗi Mân Côi.
Làng tôi ở là một họ lẻ, mỗi sáng Chúa nhật phải sang nhà xứ đi lễ. Nội tôi cứ mỗi lần đi lễ, ra khỏi nhà, là cụ vắt cái áo chùng thâm lên vai, bắt đầu làm dấu đọc kinh lần chuỗi Mân Côi cho tới khi đến nhà xứ, xuống cầu ao rửa chân, mặc áo chùng thâm vào, rồi mới vô nhà thờ. Từ nhà sang đến nhà xứ, được Cụ đo đường bằng kinh Mân Côi. Cụ cho biết, chỉ đọc khoảng 7 chục kinh là tới nhà xứ.

Kinh Mân Côi đo đường đi chợ: Mẹ tôi đi chợ. Từ nhà đi chợ huyện không biết bao xa, nhưng các cụ cho biết, quãng đường dài đi bộ, chỉ đọc khoảng 120 kinh là ra đến chợ.
Từ nhà tôi sang chợ làng bên cạnh đọc 4 chục kinh. Đi chợ xã khoảng 6 chục kinh. Hễ cứ đi phiên chợ nào, thì khoảng cách con đường được các cụ đo bằng kinh Mân Côi, các cụ kể ra vanh vách, còn nhanh hơn cả mấy ông phu lục lộ công chánh đo đường vậy.

Năm 1956 gia đình tôi được đưa xuống định cư ở dinh điền Cái Sắn, kênh B2. Mỗi kinh dài 12 cây số. Nhà tôi ở cây số thứ 7 hay còn gọi là khu 7. Tức là từ nhà tôi ra chợ khoảng 7 cây số. Hồi đó không có phương tiện vận chuyển, mà chỉ đi bộ. Sáng sớm mỗi lần Mẹ tôi và chị tôi đi chợ phải lội bộ ra chợ đầu Kênh. Các bà cho biết, hai người chỉ đọc gần một tràng kinh Mân Côi là tới chợ.

Ông bà hoặc Bố Mẹ tôi có việc cần, đi thăm bà con họ hàng hay đi liên lạc công việc gì ở các làng xa. Cứ ra khỏi nhà, là các cụ làm dấu đọc kinh. Đường xá dù xa, hay gần cũng đều được các cụ đo bằng kinh Mân Côi, cho đến lúc tới nơi, tới chốn. Như vậy tràng chuỗi Mân Côi là thước đo đường của các cụ ngày xưa.

-Tràng chuỗi Mân Côi Lá Bùa Hộ Mạng
Từ nhà tôi đi Lễ sáng, trên đường đi phải qua nhà một người đàn ông đã thắt cổ tự tử chết.
Người lớn thường hay dọa bọn trẻ chúng tôi, là đi qua nhà đó hay gặp ma. Mấy anh em chúng tôi đi lễ gần tới đó, trống ngực đánh bình bịch. Không ai bảo ai, chúng tôi đọc kinh thật to, trấn át bóng ma cho đỡ sợ.
Sau đó chúng tôi cùng nói to: “Ma! Mả! Mà! Ma! Tao có Đức Bà, tao chẳng sợ ma”.
Miệng thì nói thế, nhưng trống ngực vẫn đánh phình phịch như có người bơm tim thật mạnh.

Còn nữa, mỗi sáng đi học ở vùng quê, trời có khi đổ mưa tầm tã, những cơn mưa nặng hạt kéo đến rất nhanh kèm theo những tiếng sấm sét nổ kinh hồn, chát chúa xẹt trên đầu. Bên Việt Nam mùa khai trường thường vào tháng 7 tháng 8 hay tháng 9 gì đó. Những tháng này lại là mùa mưa nhiều nhất, “Tháng Bảy mưa ngâu mà”. Từ nhà tôi tới trường làng quê ở nhà xứ khoảng 2 cây số đi bộ. Mỗi buổi sáng chúng tôi rủ nhau đi học, nhiều lần vừa ra khỏi nhà, cơn mưa bỗng chốc từ đâu kéo đến, đổ ập xuống, như trút nước trên đầu cùng với những làn gió lạnh và những tiếng sấm sét ghê hồn nổ sẹt trên trời. Chúng tôi lo sợ, hết hồn vía. Ba, bốn đứa, xúm lại với nhau, quấn chung một miếng vải nhựa làm áo che mưa. Tự nhiên chúng tôi chẳng ai bảo ai, cất kinh Mân Côi lên đọc ngon lành, để bớt sợ sấm sét. Miệng đọc kinh, chân dò dẫm lội bùn bước từng bước đến trường. Tiếng đọc kinh cứ cất lên thật to bao nhiêu, thì cơn sợ hãi giảm dần đi, cho đến khi tới trường, mới hết lo sợ.

Giờ đây nhân tháng Mân Côi lại trở về, tôi cảm nghĩ về quá khứ, nên ghi lại vần thơ này:

Năm xưa trời đổ mưa phùn
Đường em đi học lầy bùn khổ chưa
Trên đầu không nón che mưa
Có đôi guốc bẹt lại vừa đứt quai
Tay em giữ vạt áo gài
Một tay xách guốc túm hai ống quần
Bùn sâu đến mắt cá chân
Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi
Xa xa trống đã điểm hồi
Em còn lần hạt ngoài trời gió mưa


-Tràng chuỗi Mân Côi Thuốc Bổ An Thần
Kinh Mân Côi tăng sức mạnh: Bố tôi trước khi đi nhà thương giải phẫu vì ung thư ruột. Cụ đã ngồi trước tượng Mẹ Fatima hàng giờ mỗi ngày, lần chuỗi Mân Côi, cầu xin Mẹ trợ giúp qua cơn bệnh hiểm nghèo. Cuộc giải phẫucủa cụ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, cắt ruột và gắn máy trợ tim. Sau khi giải phẫu, áp huyết tăng rất cao 230/95. Bác sĩ đã báo động, vì high blood pressure, vết mổ trong ruột có thể bị rỉ máu, gây nguy hại đến tính mạng. Họ đã cho gia đình chúng tôi biết, phải chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng, chuyện hữu sự có thể xảy đến cận kề. Mọi người trong gia đình tôi đều hồi hộp lo sợ. Mẹ tôi đến nhà thương, cứ chắp tay năn nỉ Bs cứu Bố tôi. Bà nói: “Còn nước còn tát”. Mẹ tôi già yếu, khi hay tin Bố tôi đang trong cơn nguy biến, nước mắt Mẹ tôi tuôn trào, chảy ròng, nhưng Bà cụ vững tay cầm chuỗi hương hồng, liên tục đọc kinh, ngồi chờ tin và bắt mọi người quì trước tượng Mẹ Fatima cầu nguyện, xin Đức Mẹ cứu Bố tôi qua khỏi cơn nguy biến.

Bố tôi sau khi giải phẫu đã phải nằm lại trong phòng hồi sinh 4 ngày (Bs nói chưa có ai nằm lâu trong phòng hồi sinh như vậy) Họ đã chữa cho Bố tôi giảm được áp huyết xuống, khi vết mổ an toàn, được ra phòng chăm sóc đặc biệt (intensive care). Gia đình mừng rỡ như Bố tôi vừa chết sống lại. Mẹ tôi đến thăm, đặt trước ngực Bố một cỗ tràng hạt. Bố tôi từ từ tỉnh lại và phải nằm lại nhà thương gần 2 tháng.

Lúc nào tôi lên thăm cũng thấy cụ tay cầm tràng chuỗi lần hột Mân Côi. Tôi hỏi Bố còn đau không? Bố tôi trả lời: Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, Ba đỡ đau rồi. Cách nay vài năm Cụ lại thêm căn thận nữa. Cứ vào nhà thương rồi về. Về rồi lại vào nhà thương, tái đi tái lại. Cụ luôn bám vững vào kinh Mân Côi để xin cứu chữa Cụ.

Sau khi Bố tôi bình phục, Mẹ tôi hứa với Đức Mẹ, là các ngày thứ sáu, Mẹ tôi đều ăn chay để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu Bố tôi. Cho nên bây giờ, chị em chúng tôi lưu ý, không tổ chức ăn uống hay tiệc tùng linh đình vào ngày thứ sáu, giúp Mẹ tôi giữ trọn lời thề nguyền với Chúa và Mẹ Maria.

Nhờ tràng chuỗi Mân Côi mà Bố tôi vẫn còn sống đến ngày nay, tuy Cụ đã già 92 tuổi rồi, nhưng trí óc của Bố Mẹ tôi vẫn còn minh mẫn và nhớ từng người, từng lời nói. Những ngày không đi đâu, các Cụ rủ nhau ngồi nhà đọc kinh, ít nhất mỗi lần hơn một tiếng đồng hồ. Ngày 3 lần như vậy: Sáng, Trưa và Tối mỗi lần các Cụ đọc hết một tràng chuỗi 150 kinh qua 3 sự Vui, Thương và Mừng và các kinh cầu đủ mọi Thánh. Thỉnh thoảng tôi ghé nhà thăm các Cụ, nhằm lúc các Cụ đang đọc kinh, tôi lặng thinh ra phòng khách ngồi đợi đọc báo, hoặc xem TV

Tôi biết chắc là, khi nào nghe thấy các Cụ cất kinh cầu nguyện cho “Các Linh Hồn Mồ Côi” đó là lúc gần sắp chấm dứt! Amen. Nếu chưa thấy các cụ: “Cầu cho các linh hồn mồ côi” là kinh vẫn còn tiếp tục. Tôi thường hay nói dỡn với các Cụ: Ba Má như cái cối xay kinh. Mẹ tôi mắng tôi: “Nếu tôi không đọc kinh, thì Bố anh chẳng còn sống đến ngày nay”.
Vì yêu mến kinh Mân Côi, nên Bố tôi đã viết lên 2 câu đối đặt trước bàn thờ Mẹ Fatima, để làm kim chỉ nam cho mọi người trong gia đình noi theo:

Hoàng Hoàng vị tam Thiên Chúa Tể
Nguy Nguy thể nhất mẫu Mân Côi


Xin tạm dịch:
(Ba Ngôi là vua trên hết các Vua)
(Lúc nguy biến thì cứ bám chặt lấy tràng chuỗi Mân Côi)


-Tràng chuỗi Mân Côi Thuốc Trợ Tử.
1. Ông Ngoại tôi bị bệnh ung thư phổi, phải nằm điều trị tại bệnh viện Hồng Bàng thời gian khá lâu. Lúc nào đến thăm, tôi cũng thấy Cụ tay cầm chuỗi lần hạt, Cụ chỉ tạm ngưng khi Bs đến khám bệnh hay có ai tới thăm. Bs cho biết Ngoại tôi chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa thôi. Trước khi hấp hối, cụ dặn gia đình, phải đeo cho cụ Chuỗi Tràng Hạt và dây áo Đức Bà trên ngực trước khi tẩm liệm, để cụ yên tâm ra đi về với Chúa. Thánh Lễ an táng, trên quan tài của Cụ, cậu tôi đã gắn một cỗ tràng hạt trên nắp quan chôn theo với cụ. Sau hơn 40 năm, Bố Mẹ tôi về VN cải táng ông Ngoại tôi, đốt tro cốt, đem về lưu trữ trong nhà hài cốt của giáo xứ. Khi khai quật quan tài Ngoại tôi lên, dây áo Đức Bà đã mục nát theo thời gian chôn vùi, nhưng cỗ tràng hạt vẫn còn nguyên, chỉ đổi màu đen giống như gỗ bị chôn dưới bùn.

2. Một thanh niên trẻ VN đã bị kết án tử hình tại Singapore.
Tuy là tân tòng nhưng anh đã vững tin vào Chúa, sẽ cho anh về Thiên Quốc sau khi lìa đời. Anh đã lần hạt Mân Côi từ trại giam xà Lim sang đến nơi hành hình và đến giờ phút cuối cùng khi bị treo cổ. Chẳng phải Tràng Chuỗi Mân Côi là thuốc trợ tử sao???

3. Người anh họ của tôi nhập ngũ QLVNCH, ra trường được gần một năm, đóng đồn ở Đồng Tháp Mười, đi hành quân, bị thương nặng tại mặt trận, được tải thương về Quân Y Viện Cần Thơ thì chết, vì mất máu qúa nhiều. Gia đình Bác tôi nhận được tin đơn vị báo, thì rất buồn. Tôi dẫn Bác tôi đến tử sĩ đường Cần Thơ nhận xác. Sau khi làm thủ tục, nhân viên chung sự dẫn chúng tôi xuống nhà xác, vào phòng lạnh nhận tử thi. Khi nhân viên chung sự kéo thi hài anh họ tôi từ trong tủ lạnh ướp xác ra. Bác tôi nhìn thấy anh họ tôi nhắm mắt chết, thì Bác tôi tru lên khóc nức nở. Chúng tôi vỗ về an ủi mãi, Bác tôi mới ngưng, rồi méo máo, nói: Anh cháu chết, Bác buồn lắm, nhưng Bác rất an tâm, khi nhìn thấy trên cổ anh còn đeo cỗ tràng hạt. Bác tin là anh cháu đã về Thiên Đàng rồi. Thế là Bác tôi nín khóc và bình tĩnh trở lại, cùng với tôi hoàn tất thủ tục nhận xác đưa về nguyên quán chôn cất. Bài giảng trong Thánh Lễ an táng, Linh Mục chủ tế đã ca ngợi lòng trung tín và đức tin Công Giáo của anh họ tôi, tràng chuỗi Mân Côi gắn bó theo người đến lúc chết, đã làm cho nhiều người tham dự lễ an táng lưu luyến và cảm phục.

-Tràng chuỗi Mân Côi, Áo Giáp Chắn Đạn Giặc
Tôi cũng gia nhập quân đội VNCH thập niên 70, tôi được bổ sung ra đơn vị tác chiến, hầu như ngày nào cũng đi hành quân. Có khi lội bộ di hành cả chục cây số, có lúc trực thăng bốc chúng tôi đổ xuống chiến trường đang dầu sôi, lửa bỏng, đối đầu với quân thù. Cứ mỗi lần lên đường hành quân, tay vừa ghìm súng, vừa bấm đốt ngón tay, thì thầm đọc kinh Mân Côi xin sự bình an. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi thấy những người bạn Công Giáo đồng ngũ với tôi, miệng ai cũng lẩm bẩm như tôi.

Chúng tôi di hành qua các làng mạc, rừng rú hẻo lánh, chăm chú đọc kinh, đôi khi chẳng để ý gì đến ngoại cảnh, chân bước đều theo nhịp quân hành cùng đồng ngũ. Lúc súng nổ đạn bay chí chéo, phản ứng tự động nâng súng bóp cò, theo lệnh xung phong của vị chỉ huy, nhưng trong lòng tôi vẫn lần hạt, cầu xin ơn trên phù hộ, giảm bớt sự lo sợ và trấn an tinh thần. Vì thế qua 5 năm phục vụ trong ngành lính tác chiến, đối đầu trực diện với quân thù, tôi không hề bị trầy da, tróc vẩy. Mỗi lần lâm trận. Tôi lẩm bẩm nhắc đi, nhắc lại trong lòng khẩu hiệu:

Tràng hạt là khẩu cà nông
Bắn vào Cộng Sản các ông phải chuồn


Tôi nghĩ giờ đây, những người giáo dân giáo xứ Thái Hà Việt Nam, thuộc giáo phận Hà Nội cũng đang thực hiện câu này. Họ đoàn kết với nhau, cùng liên lỷ cầu nguyện lần chuỗi hương hồng, xin Mẹ phù hộ cho họ được bình an, đòi cộng sản phải trả lại đất đai cho nhà Chúa. Họ lần chuỗi cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình được thể hiện trên quê hương VN. Chắc chắn Chúa và Đức Mẹ sẽ nhận lời. Tràng Chuỗi Mân Côi vang lên tiếng kêu cứu, ai oán. Bọn cán bộ nhà nước cộng sản Việt Nam ắt phải lùi bước.

Ở nhà, tôi thường nghe Bố Mẹ tôi đọc kinh Mân Côi do giáo phận Thái Bình soạn thảo, tôi thấy kinh cầu Mân Côi của GP Thái Bình lúc này rất là hữu dụng:

Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi hay cứu giúp bổn đạo, hộ vực loài người và hằng thắng trận các kẻ thù nghịch cùng Chúa. Nay chúng con xấp mình xuống trước ngai thiêng, hết dạ nài xin, ước mong Mẹ dủ lòng từ bi, ban ơn cứu giúp chúng con trong lúc gian nan này. Chúng con chẳng dám cậy công linh gì, môt cậy vào lượng hải hà, lòng từ bi bác ái Mẹ, trong lúc loài người dã tâm dậm nát con cái Mẹ. Chúng con chỉ một lòng chạy đến cầu khẩn Chúa cùng Mẹ ban ơn che chở trong lúc gian nan này. Xin Mẹ, cầu khẩn cùng Chúa che chở cho cả Hội Thánh và Nhân Loại đời nay không bị người đời xâu xé dập nát như cơn hồng thủy nữa… Amen”.
 
Bài Giáo Lý VIII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa nơi trần gian
Phaolô Phạm Xuân Khôi
17:45 17/10/2008
Chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa nơi trần gian

Dưới đây là ban dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 15 tháng 10, năm 2008. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

****


Anh chị en thân mến,

Thứ Tư tuần trước cha đã nói về liên hệ của Thánh Phaolô với Chúa Giêsu tiền Phục Sinh trong khi Người còn tại thế. Câu hỏi là: “Thánh Phaolô đã biết gì về cuộc đời Chúa Giêsu, về những Lời [giảng dạy] và cuộc khổ nạn của Người?”.

Hôm nay cha muốn nói về giáo huấn của Thánh Phaolô về Hội Thánh. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách ghi nhận rằng chữ này – “iglesia” trong tiếng Tây Ban Nha, cũng như “église” trong tiếng Pháp hay “chiesa” trong tiếng Ý -- được lấy từ chữ “ekklesia” trong tiếng Hy Lạp. Nó bắt nguồn từ Cựu Ước và có nghĩa là sự tập họp của dân Israel, được Thiên Chúa quy tụ, và đặc biệt là kiểu tập họp ở chân núi Sinai.

Giờ đây, từ này ám chỉ một cộng đoàn tín hữu mới trong Đức Kitô tự ý thức rằng họ là cộng đồng của Chúa, một cuộc tập họp mới của tất cả các dân của Thiên Chúa trước mặt Ngài. Từ “ekklesia” chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của Thánh Phaolô, là tác giả đầu tiên của một tác phẩm Kitô giáo. Điều này xảy ra trong câu mở đầu của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Thêxalônica, trong đó Thánh Phaolô viết cho “Hội Thánh tại Thêxalônica” (x. sau này ngài cũng gửi cho “Hội Thánh của người Laođêcê trong thư gửi tín hữu Côlôxê 4:16).

Trong các Thư khác ngài nói về Hội Thánh của Thiên Chúa là Hội Thánh ở Côrinthô (x. 1 Cor 1:2 và 2 Cor 1:1), Hội Thánh ở Galatê (Gal 1:2, v.v.). – cho nên là những Hội Thánh đặc thù – nhưng ngài cũng kể lại việc đã khủng bố “Hội Thánh của Thiên Chúa”, mà không phải một cộng đoàn địa phương riêng biệt, mà là “Hội Thánh của Thiên Chúa”. Như thế, chúng ta thấy rằng từ “Hội Thánh” này có một ý nghĩa đa dạng: Nó một mặt ám chỉ những cuộc tập họp của Thiên Chúa ở những nơi riêng biệt (một thành phố, một quốc gia, một căn nhà), nhưng nó cũng có nghĩa là toàn thể Hội Thánh nói chung. Và như thế chúng ta thấy rằng “Hội Thánh của Thiên Chúa” không phải chỉ là tổng cộng của tất các Hội Thánh ữịa phương riêng rẽ, nhưng tất cả các Hội Thánh này đồng thời cũng là sự hiện thân của một Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa. Tất cả hợp lại thành “Hội Thánh của Thiên Chúa”, là Hội Thánh có trước mỗi Hội Thánh địa phương và được diễn tả cùng thể hiện trong các Hội Thánh ấy.

Điều quan trọng đáng cho chúng ta nhận xét là hầu như lúc nào chữ “Hội Thánh” cũng xuất hiện với thuộc từ “của Thiên Chúa”: Đó không phải là một đoàn thể của loài người, phát sinh từ nhũng tư tưởng hay ích lợi chung, nhưng là một cuộc tập họp của Thiên Chúa. Ngài đã tụ họp Hội Thánh lại và vì thế Hội Thánh là duy nhất trong mọi thể hiện. Sự duy nhất của Thiên Chúa tạo nên sự duy nhất của Hội Thánh ở mọi nơi mà Hội Thánh được thành lập. Sau này, trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô đã khai triển rộng rãi quan niệm duy nhất của Hội Thánh, tiếp tục theo quan niệm Dân Thiên Chúa, Israel, được các ngôn sứ coi là “hiền thê của Thiên Chúa,” được mời gọi để sống liên hệ phu thê với Ngài. Thánh Phaolô trình bày Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa như là “hiền thê của Đức Kitô” trong tình yêu, một tinh thần duy nhất với chính Đức Kitô.

Người ta biết rằng khi còn trẻ Thánh Phaolô đã rất thù ghét cái phong trào mới được cấu thành bởi Hội Thánh của Đức Kitô. Ngài là kẻ thù của Hội Thánh bởi vì ngài đã thấy phong trào mới này đe dọa tinh thần trung thành với truyền thống của Dân Chúa, được sinh động nhờ đức tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất. Sự trung thành này được diễn tả trên hết trong việc cắt bì, tuân giữ các luật về thanh sạch thuộc về văn hóa, kiêng một số thức ăn nào đó, và tôn trọng ngày Sabath.

Dân Israel đã trả giá cho sự trung thành này bằng máu của họ trong thời Maccabêa, khi triều đại Hy Lạp bắt họ chỉ được chấp nhận nền văn hóa Hy Lạp mà thôi. Nhiều người Israel đã lấy máu mình mà bảo vệ ơn gọi riêng của dân Israel. Các vị tử vì đạo đã lấy mạng sống của họ mà trả cho căn tính của dân họ, là căn tính được diễn tả qua những yếu tố này.

Sau khi gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, Thánh Phaolô đã hiểu rằng các Kitô hữu không phải là những kẻ phản quốc; trái lại, trong hoàn cảnh mới, Thiên Chúa của dân Israel, qua Đức Kitô, đã mở rộng lời mời gọi của Người đến mọi dân tộc, bằng cách trở thành Thiên Chúa của mọi dân tộc. Nhờ cách này mà sự trung thành với Thiên Chúa duy nhất được chu toàn; những dấu chỉ riêng biệt cấu thành bởi những tục lệ và những điều phải tuân giữ không còn cần thiết nữa, bởi vì tất cả mọi người được mời gọi, trong sự khác biệt nhau, để tạo thành phần tử của một Dân Thiên Chúa duy nhất trong “Hội Thánh của Thiên Chúa”, trong Đức Kitô.

Có một điều hiển nhiên đối với Thánh Phaolô trong hoàn cảnh mới là: giá trị chủ yếu và căn bản của Đức Kitô và “Lời” mà ngài đã rao giảng. Thánh Phaolô biết rằng người ta không những đã trở thành Kitô hữu không vì bị bắt buộc, nhưng vì trong hình thể nội tại của cộng đoàn mới này, cơ cấu hợp thành nó được liên kết với “Lời Hằng Sống”, là việc rao giảng Đức Kitô hằng sống, trong đó Thiên Chúa mở chính Mình ra cho mọi dân tộc, và kết hợp họ lại trong một Dân Thiên Chúa duy nhất. Việc Thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ nhiều lần dùng cụm từ “rao giảng Lời” (Cv 4:29,31; 8:25; 11:19; 13:46; 14:25; 16:6,31) là một điều quan trọng, với một ý định rõ ràng là chứng tỏ tầm vóc tối đa và quyết định của Lời được rao giảng.

Cách cụ thể, Lời này gồm có Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô, mà trong đó các lời trong Thánh Kinh được thể hiện. Mầu Nhiệm Phục Sinh, được công bố trong Lời, được hoàn thành trong các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, và được thể hiện trong Đức Ái của Kitô hữu. Công cuộc rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô không có một mục tiêu nào khác hơn là thiết lập một cách vững chắc một cộng đồng các tín hữu trong Đức Kitô. Tư tưởng này có cùng một nguyên từ như “ekklesia” mà Thánh Phaolô, và toàn thể Kitô giáo cùng với ngài, thích dùng hơn một từ khác là “hội đường (synagogue)”, không những chỉ vì từ này có vẻ “thường dân” hơn – phát xuất từ thói quen tụ họp về chính trị của người Hy Lạp chứ không riêng về tôn giáo – nhưng cũng bởi vì từ ấy trực tiếp ám chỉ một tư tưởng có tính cách thần học hơn, một lời mời gọi “ab extra”, chứ không phải chỉ là một buổi họp đơn giản. Các tín hữu được Thiên Chúa, là Đấng tụ tập họ lại trong một cộng đoàn, là Hội Thánh của Ngài, mời gọi.

Theo nghĩa ấy, chúng ta cũng hiểu quan niệm nguyên thủy về Hội Thánh như “Thân Mình Đức Kitô”, theo học thuyết riêng của Thánh Phaolô. Về việc này, chúng ta nên ghi nhớ hai bình diện của quan niệm này. Thứ nhất là đặc tính xã hội, theo đó thì thân thể được tạo thành bởi những bộ phận, và không có thân thể nếu không có những bộ phận ấy. Chúng ta thấy cách giải thích này trong Thư gửi tín hữu Rôma và trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, ở đó Thánh Phaolô dùng một hình ảnh đã có sẵn trong xã hội học của người Rôma. Ngài nói rằng một dân tộc cũng giống như một thân thể với những chi thể khác nhau, mỗi chi thể có phận sự riêng của mình, nhưng tất cả, dù chi thể nhỏ nhất và xem ra tầm thường nhất, cũng vẫn cần thiết để thân thể có thể sống và thi hành nhiệm vụ của mình. Cách thích hợp, Thánh Tông Đồ quan sát và thấy rằng trong Hội Thánh có nhiều ơn gọi: làm ngôn sứ, tông đồ, dân chúng đơn thành, tất cả đều được mời gọi sống Đức Ái mỗi ngày, tất cả đều cần thiết cho việc xây dựng sự hợp nhất sống động của tổ chức thiêng liêng này.

Một cách giải thích khác nói đến chính Thân Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô chứng minh rằng Hội Thánh không chỉ là một tổ chức, nhưng thật sự trở thành Nhiệm Thể Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là nơi mà tất cả các phần tử đón nhận Mình Người và thật sự trở thành Thân Thể của Người. Như thế là làm tròn mầu nhiệm phu thê, rằng tất cả là một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô. Vì thế thực tại phải vượt qua sự tưởng tượng về xã hội rất nhiều, bằng cách diễn tả bản chất thật sự và sâu xa của nó, là sự hợp nhất của tất cả những người đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, được Thánh Tông đồ coi là “một” trong Đức Kitô, chiếu theo bí tích của Thánh Thể Người.

Khi nói điều này, Thánh Phaolô cho thấy rằng ngài biết rõ và ngài đưa chúng ta đến hiểu biết rằng Hội Thánh không phải là của ngài và cũng không phải là của chúng ta: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô, là “Hội Thánh của Thiên Chúa”, là “cánh đồng của Thiên Chúa”, công việc xây dựng của Thiên Chúa.. . “đền thờ của Thiên Chúa (1 Cor 3:9,16). Danh hiệu cuối cùng đáng cho chúng ta đặc biệt quan tâm bởi vì danh hiệu ấy nói về một sự liên quan giữa các cá nhân, một từ thường được dùng để chỉ một nơi chốn, được coi là thánh. Liên quan giữa Hội Thánh và đền thờ như thế bao gồm hai bình diện bổ túc cho nhau: một đàng, đặc tính tách biệt và trong sạch, là điều mà căn nhà thánh có, được áp dụng cho cộng đồng giáo hội; mặt khác, người ta vượt lên trên quan niệm về một không gian vật chất, để chuyển giá trị này đến thực tại của một cộng đồng đức tin sống động. Nếu trước kia, các đền thờ được coi là những nơi có Thiên Chúa hiện diện, thì bây giờ người ta biết và thấy rằng Thiên Chúa không ngự trong những ngôi nhà làm bằmg đá, nhưng nơi Thiên Chúa hiện diện là thế giới của cộng đoàn các tín hữu sống động.

Một điều đáng đưọc bàn đến là tiêu chuẩn của “Dân Thiên Chúa” mà đối với Thánh Phaolô được áp dụng cách chắc chắn cho dân của Cựu Ước, rồi sau đó cho dân ngoại là những kẻ “không phải là dân” và cũng đã trở thành Dân Thiên Chúa nhờ việc được tháp nhập vào Đức Kitô qua Lời và Bí Tích.

Và có một sắc thái cuối cùng. Trong Thư gửi Timôthê, Thánh Phaolô gọi Hội Thánh là “nhà của Thiên Chúa” (1 Tim 3:15); và đó thật là một định nghĩa nguyên thủy, bởi vì định nghĩa này coi Hội Thánh là một cơ cấu của cộng đồng mà trong đó người ta sống trong những liên hệ đầm ấm có tính gia đình với nhau. Thánh Tông Đồ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bao giờ hết mầu nhiệm Hội Thánh trong những chiều kích riêng biệt của buổi tập họp của Thiên Chúa trên thế gian.

Đây là điều cao quý nhất của Hội Thánh và của ơn gọi của chúng ta: chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa nơi trần gian, là nơi Thiên Chúa ngự thật, và chúng ta đồng thời cũng là một cộng đồng, một gia đình của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Như là gia đình và nhà của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành Đức Ái của Ngài trong thế gian, và như thế, với sức mạnh đến từ Đức Tin, chúng ta thành nơi chốn và dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người ban cho chúng ta càng ngày càng trở nên Hội Thánh của Người, Thân Thể của Người, nơi hiện diện của Đức Ái của Người trong thế gian và trong lịch sử của chúng ta.
 
Của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:23 17/10/2008
Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX TN A (Mt 22, 15-21)

Chúa Giêsu từ Galilêa lên Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua lần cuối cùng. Sau khi được dân chúng long trọng đón tiếp vào thành (Mt 21:1-11), Người đã lên thẳng Đền Thờ và ở đó Người đã đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi khu vực Đền Thờ (Mt 21:12-16). Các thượng tế và Biệt Phái rất bất mãn về những lời Người giảng dạy và những việc Người làm. Trong khi giảng dạy ở Đền Thờ, Người đã dùng dụ ngôn để ám chỉ và cảnh cáo họ. Người cho họ biết rằng Thiên Chúa đã tha thiết mời gọi họ và đã đối xử với họ cách đặc biệt hơn các dân khác, nhưng vì họ đã không đáp lại lời Ngài nên họ sẽ bị loại ra và Dân Ngoại sẽ được đón nhận vào Nước Thiên Chúa. Họ đã tẩy chay Chúa Giêsu và tìm cách giết Người vì họ không tin Người là Đấng Mêsia, mà theo ý họ là một Đấng Mêsia sẽ đưa họ lên tột đỉnh vinh quang trần thế. Tuy bất mãn với Người và muốn hại Người, nhưng họ không dám làm gì Người vì sợ dân chúng (Mt 21:45-46). Trong bài Tin Mừng hôm nay, phe Biệt Phái hùa với phe Hêrôđê để tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu. Hai phe này thù ghét nhau, nhưng lần này hợp tác với nhau vì một kẻ thù chung là Chúa Giêsu.

Câu 15 - Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói.

Từ lâu những người Biệt Phái thù ghét Chúa Giêsu vì họ thấy Người đã không giữ Lề Luật cách tỉ mỉ như họ. Đã thế Chúa lại còn bè bạn với những người thu thuế, tội lỗi và cả dân ngoại. Theo quan niệm của họ thì Chúa Giêsu không thể là Đấng Mêsia vì Người không tỏ ra giữ luật bề ngoài. Do đó họ tìm cách bắt bẻ Người và các môn đệ Người. Càng tìm cách hạ Người thì uy tín của Người càng gia tăng giữa đám dân chúng bình dân. Ghét Chúa thì nhiều, nhưng sợ Chúa dẫn đầu dân chúng nổi loạn chống lại họ và người Rôma còn nhiều hơn, nên họ tìm cách gài bẫy để tố cáo Người trong lời nói. Thực ra dịch là “bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói” thì không hoàn toàn lột được nghĩa của câu này. Đáng lẽ phải dịch: “tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu khi Người nói” hay “tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy” như bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ. Thâm ý của họ ở đây không những là bắt bẻ Người mà muốn mượn tay người Rôma hay nhóm yêu nước quá khích mà hại Người.

Câu 16 - Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào.

Những người Biệt Phái không còn cách nào khác mới phải dùng đến phe Hêrôđê làm đồng minh. Người Biệt Phái cho rằng mình là người công chính, nhiệt thành tuân giữ Lề Luật, và có thái độ chống đối đế quốc Rôma. Còn phe Hêrôđê dựa vào thế của đế quốc để cầm quyền. Hơn nữa về phương diện thần học, họ gần với người Xa Ðốc hơn người Biệt Phái. Ðiều này chứng tỏ rằng chỉ vì ghen ghét và muốn hại Chúa Giêsu mà hai bên đồng tình với nhau để gài bẫy Người. Vì sợ lộ tẩy và dân chúng nên họ phải rào trước đón sau trước khi đưa ra cái bẫy để gài Người.

Câu 17 - Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?"

Khi hỏi Chúa rằng “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?” họ chờ xem Chúa trả lời là “có” hay “không.” Nếu Người trả lời là “có” thì phe Biệt Phái có thể kết án Người là không có lòng yêu nước, và họ dùng điều này để chứng minh với dân chúng rằng Người không phải là Ðức Kitô. Đồng thời có thể xúi nhóm yêu nước quá khích hại Người. Còn nếu Người trả lời là “không” thì những người thuộc phe Hêrôđê có thể tố cáo Người là xúi dục dân chúng không nộp thuế cho Cêsarê, và như thế Chúa sẽ bị bắt và kết án làm loạn (Lk 23:3). Với âm mưu này, họ ăn chắc rằng Chúa không tài nào thoát khỏi tay họ.

Câu 18 - Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì?

Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa nên Người thấu suốt lòng dạ của họ. Nếu không phải là Thiên Chúa thì chắc Người đã mắc bẫy họ rồi. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn phân biệt thần khí. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Hoa Kỳ, người ta thấy đa số người Công Giáo ủng hộ các ứng cử viên phò phá thai. Người ta đã mắc bẫy các ứng cử viên này vì họ đã dùng những chương trình xã hội khác xem ra phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh mà làm bẫy đánh lừa những người Công Giáo này. Họ quên rằng một người không tôn trọng quyền căn bản nhất của con người là quyền sống thì cũng sẽ chà đạp tất cả các quyền khác sau khi họ lên nắm quyền. Đó là những bọn giả hình của thời đại chúng ta. Chúng giả nhân giả nghĩa, chứ làm gì có thương yêu ai!

Câu 19 - Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc.

Chúa Giêsu bảo họ đưa cho người xem một “đồng tiền nộp thuế”. Đồng tiền nộp thuế này là tiền Rôma vì thuế nộp cho Cêsarê. Thuế nộp cho Đền Thờ thì nộp bằng tiền Do Thái. Người Do Thái thời Chúa Giêsu phải trả rất nhiều loại thuế như thuế thập phân, thuế thân, thuế bất động sản, thuế muối, thuế nghề nghiệp…

Câu 20 - Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?"

Chúa Giêsu thừ biết hình đó và danh hiệu là của ai, nhưng Người hỏi họ để lấy câu trả lời của họ mà làm tiền đề cho câu trả lời chí lý của Người. Người biết chắc chắn rằng họ sẽ trả lời là của “Cêsarê”. Trước khi trả lời họ, Chúa Giêsu cho họ biết rằng Người biết rõ ác tâm của họ.

Câu 21 - Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".

Câu trả lời của Chúa thật khôn ngoan, và họ sững sờ vì không thể đánh lừa được Người, nhưng họ cũng không hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu trả lời ấy.

Của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê. Cêsarê là hoàng đế của chính quyền Rôma đương thời, phải dựa vào thuế má mà trang trải các chi phí cai trị, cũng như giữ gìn an ninh cho dân chúng, đồng thời cung cấp các phương tiện tối thiểu như nước uống, đường xá,... cho dân. Như thế người dân có nhiệm vụ đóng thuế, nhưng chỉ có thế thôi, không hơn, không kém. Chúa Giêsu không theo đế quốc, nhưng Người tôn trọng luật pháp của xã hội.

Giáo Lý của Hội Thánh dạy rằng xã hội loài người sẽ không có trật tự và thịnh vượng nếu thiếu những người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích một cách đầy đủ. Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, và cần thiết để tạo sự thống nhất cho cộng đoàn. Vai trò của nó là bảo đảm tối đa cho công ích xã hội. Quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa. Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp (x. GLCG 1897-1900).

Theo Hội Thánh thì đóng thuế là một trách nhiệm luân lý (x. GLCG 2240). Trốn thuế là lỗi luật Thiên Chúa (x. GLCG 2409).

.. . Và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” - có nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tuân giữ mọi giới răn của Người. Mà nếu họ tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì họ đã không tìm đủ cách để hại Người.

Câu trả lời của Chúa Giêsu chứng tỏ Người nhìn nhận quyền bính của thế quyền, nhưng đề cao nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, và dạy cho chúng ta rằng, chu toàn bổn phận công dân là Thánh Ý Chúa.

Kết Luận

Trong câu trả lời trên Chúa Giêsu không nói rõ là điều gì thuộc vầ Cêsarê và điều gì thuộc về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết rằng sở dĩ Cêsarê có quyền hành là do Thiên Chúa ban, như vua Cyprô trong Bài Đọc Thứ Nhất. Cho nên chúng ta tôn trọng chính quyền vì họ là thừa tác viên của Chúa. Khi chính quyền làm những điều trái Luật của Chúa thì theo lương tâm chúng ta phải tuân hành.

Lạy Chúa, Chúa muốn con sống trên đời như một công dân của quốc gia trần thế mà Chúa đang cho con cư trú. Xin cho con luôn ý thức rằng tuy đây chỉ là quê hương tạm bợ, nhưng con vẫn có bổn phận phải làm cho nó mỗi ngày một thêm tốt đẹp, và luôn hướng tâm về quê Trời để chu toàn cả bổn phận công dân trần thế lẫn công dân Nước Trời của con. Amen.

Câu Hỏi để thảo luận



1. Nếu Chúa Giêsu chỉ trả lời là “Có” hay “Không” với câu hỏi của người Do Thái trong câu 17, thì hậu quả sẽ ra sao khi Chúa trả lời “Có”? Khi Chúa trả lời “Không”?

2. Khi trả lời như trong câu 21, Chúa Giêsu có ý nói gì? Chúng ta phải trả cho Thiên Chúa những gì? Chúa dạy gì về liên hệ giữa Hội Thánh và quốc gia? Nhỉệm vụ nào quan trọng hơn?

3. Trong đời sống bạn thuộc về Cêsarê hay thuộc về Thiên Chúa? Bạn chu toàn bổn phận với cả hai như thế nào? Khi chỉ đuợc lựa chọn một, bạn chọn bên nào?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:02 17/10/2008
ỨNG BIẾN

N2T


Có người hỏi thăm đại sư cách tuyển chọn đệ tử.

Ông ta nói: “Ta thì lấy sự ứng biến khiêm tốn mà dạy dỗ. Phàm là người vì sự khiêm tốn tự hạ của ta mà sinh ra lòng kiêu ngạo, thì ta lập tức từ chối; đối với một vài người cứ một mực tôn sùng sự khiêm hạ của ta, thì ta cũng nhất loạt cự tuyệt.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có những đệ tự rất tự hào về sư phụ của mình, và thậm chí có khi vì sự tài giỏi của sư phụ mình mà sinh lòng kiêu ngạo với người khác.

Có một vài người dâng mình làm tôi tớ Chúa cũng kiêu ngạo ngất trời khi mình là tu sĩ thuộc một hội dòng lớn nhất nhì thế giới: hãy nghĩ lại, vì hội dòng to lớn nổi tiếng mà kiêu ngạo, thì chắc chắn là đi ngược lại với tinh thần của sư phụ (đấng lập dòng), nếu tổ phụ lập dòng còn sống thì chắc chắn là sẽ cự tuyệt những đệ tử như thế.

Khâu chọn đệ tử rất quan trọng, nhưng trước hết là tấm lòng chân thật và khiêm tốn của họ, bởi vì có nhiều hội dòng đã đau khổ khi có những thành viên sau khi “công thành danh toại” thì trở nên kiêu ngạo hơn cả người kiêu ngạo, phân biệt chủng tộc hơn cả những người phân biệt chủng tộc khác, thành kiến hơn cả những người cổ hủ có thành kiến...

Sư phụ giỏi thì hãy học cho giỏi để nên giống như sư phụ, bởi vì sư phụ giỏi mà mình không giỏi thì làm mất mặt sư phụ lắm, lấy gì mà kiêu ngạo chứ !

Chúa Giê-su là Thầy của chúng ta, không phải vì Ngài là Thiên Chúa mà mình trở nên kiêu ngạo với những người khác không cùng tôn giáo tín ngưỡng với mình. Nhưng sống khiêm hạ là giới thiệu khuôn mặt của Chúa Giê-su cách trọn vẹn nhất cho người khác.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:03 17/10/2008
CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 22, 15-21.

“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”


Bạn thân mến,

Trước câu hỏi xiên xỏ bởi tâm hồn ác độc của những người Pha-ri-siêu cố ý để hãm hại mình, Chúa Giê-su đã nói một câu “nhớ đời” làm cho họ câm miệng không thực hiện được âm mưu của mình, Ngài nói: “của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Một câu nói khẳng định và phân biệt rạch ròi giữa những gì là của Thiên Chúa và những gì thuộc về thế gian.

“Của Xê-da, trả về cho Xê-da”

Xê-da đại diện cho tất cả những gì của thế gian, tức là vật chất, danh vọng và xác thịt, là sự hưởng thụ khoái lạc do vật chất danh lợi đem đến. Chúa Giê-su đã phân biệt rạch ròi đâu là của Xê-da và đâu là của Thiên Chúa, để cho những người Pha-ri-siêu kiêu ngạo hiểu rằng: nên nộp thuế để làm tròn bổn phận của một người dân thuộc về hoàng đế Xê-da, và đồng thời Ngài cũng cho họ biết rằng, họ chính là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để giữ lề luật cha ông, họ cũng thuộc về Thiên Chúa. Hãy trả lại cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da, đó chính là thì hành nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong đất nước của mình.

“Của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”

Của Thiên Chúa chính là sự chân thật, công bằng, yêu thương, bởi vì Thiên Chúa là Đấng chân thiện mỹ và thánh.

Trả lại cho Thiên Chúa sự chân thật, khi mà bạn và tôi vì miếng cơm manh áo mà –ít nữa là một lần- đã bóp méo sự thật bằng những bằng chứng giả dối để đánh lừa mọi người. Trả lại cho Thiên Chúa sự công bằng, khi mà bạn và tôi đã dùng quyền hạn của mình để chèn ép bất công, xét xử bất công, ngôn luận bất công với những người anh em chị em của mình. Hãy trả lại cho Thiên Chúa tình yêu của Ngài, bởi vì có nhiều lần chúng ta đối xử hận thù với tha nhân và với anh chị em chúng ta vì tranh giành ảnh hưởng lợi lộc cá nhân...

Bạn thân mến,

Xét cho cùng thì Xê-da không có gì cả, cái ông ta có hiện tại chỉ là của toàn dân, của những đời vua trước, rồi sẽ có một ngày ông ta sẽ tay trắng ra đi về cõi vô tận, cái gọi là “của Xê-da” không còn nữa, mà là của người khác. Nhưng “của Thiên Chúa” thì luôn tồn tại và hiện hữu, bởi vì vũ trụ này là do Ngài tạo thành mà có, cho nên, ngay cả Xê-da cũng là của Thiên Chúa.

Có nhiều lần trong cuộc sống bạn và tôi phân vân giữa bổn phận của một công dân trần thế và công dân Nước Trời, thì nên làm thế nào đây để đẹp cả đôi bên, bởi vì không thể theo bên này mà từ chối bên kia, bởi vì cả hai bổn phận ấy đều ở nơi con người của bạn và tôi.

Cứ theo lời dạy của Chúa Giê-su: “Của Xê-da trả về cho Xê-da” bạn và tôi cứ chu toàn bổn phận của một người công dân trần thế, tức là nộp thuế, nghĩa vụ, và đem hết sức mình xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng, yêu thương và chân thật, bởi vì “công bằng, yêu thương, chân thật” chính là của Thiên Chúa, thực hành những điều ấy trong cuộc sống chính là “của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:05 17/10/2008
N2T


18. Cầu nguyện đối với linh hồn như mưa rào đối với đất khô, trong đất dù cho có nhiều phân bón, nhưng nếu mưa không thường thì nó vẫn là đồng khô cỏ cháy.

(Thánh John Vianney)
 
Khái quát Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP.
20:28 17/10/2008
KHÁI QUÁT TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU

Từ sau Công đồng, Kinh thánh được đề cao và khuyến khích rất nhiều. Đã có cả một hiến chế vĩ đại để nói về vấn đề này. Đó là hiến chế Dei Verbum. Nhiều sách vở, tài liệu biên soạn hay phiên dịch được phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thật là điều đáng mừng. Nhưng người ta có đọc hay không, đó mới là vấn đề. Vì vậy, để những người không có thời giờ hay không muốn đọc nhiều, xin trình bày khái quát đôi nét về cuốn Tin Mừng thứ nhất này như sau:

1.Bài tựa và lời kết

Tuy không có bài tựa và lời kết rõ rệt như Tin Mừng Lu-ca, nhưng Tin Mừng Mát-thêu cũng cho biết ý nghĩa trong lời tựa bản tường thuật cuộc đời công khai của Đức Giê-su (chương 1+2) và trong lời kết sách: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Mt 28,18-20)

Trong đoạn kết này, có hai ý tưởng được nhấn mạnh, đó là uy quyền của Chúa Giê-su và vai trò của các môn đệ.

1,1 Cuộc đời và giáo huấn

Như các sách Tin Mừng khác, Tin Mừng Mát-thêu cũng kể lại cuộc đời và giáo huấn của Đức Ki-tô, nhưng theo cách thế riêng và phác họa một nền Ki-tô học nguyên thủy ở đây. Đấng Em-ma-nu-en ra đời và sẽ ở cùng các tín hữu cho đến tận thế (28,20) với tư cách là Thầy dạy như xưa kia khi còn tại thế, và sẽ còn tiếp tục mãi qua các trung gian của Người, với tất cả quyền hành nhận được từ Thiên Chúa, vì Chúa Cha đã trao tất cả cho Người (11,27)

Đúng theo Kinh thánh, Đức Ki-tô đã bị người Do thái khước từ và Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại. Điều này, bài tựa muốn trình bày một cách vắn tắt nhưng đầy đủ. Thật thế, trong bài tựa, tác giả không có ý thuật lại các biến cố cho bằng dựa vào các truyền thống, để làm nổi bật ý nghĩa cuộc đời tại thế của Đấng đã từ trong đám kẻ chết chỗi dậy. Thánh Giu-se đã nhân danh It-ra-en và dòng tộc Đa-vít đón nhận Hài nhi Giê-su. Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và Hê-ro-đê đã không đón nhận, lại tìm cách giết đi. Nhưng Hài nhi đã thoát cơn sát hại và đến cư ngụ tại Ga-li-lê, nơi tiêu biểu cho miền đất của dân ngoại. Như thế, mầu nhiệm chết và sống lại đã được báo trước trong câu chuyện bi đát này và Tin Mừng đã được rao giảng cho dân ngoại.

1,2 Nước Trời

Đức Ki-tô đã giao cho Nhóm Mười Một nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và kết nạp môn đồ từ khắp nơi. Trước hết, lời phải loan báo là lời về Nước Trời. Đây là thành ngữ đặc biệt của Mát-thêu để nói về Nước Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa là Chúa Tể luôn luôn hiện diện với dân Người. Vào những giai đoạn đặc biệt, Người đã dùng quyền năng can thiệp rõ ràng vào lịch sử. Cách nói về Thiên Chúa như thế, một phần nào đã dựa vào chế độ chính trị của Ít-ra-en trong suốt các thế kỷ. Đế quốc Rô-ma chiếm đóng Do thái càng làm tăng thêm niềm mong ước của dân nước này muốn thấy Thiên Chúa ra tay oai hùng can thiệp vào lịch sử của họ. Hồi ấy, người Do thái ưa nói rằng chỉ Thiên Chúa mới là vua của họ. Đức Ki-tô giữ lại thành ngữ Nước Trời không theo nghĩa chính trị mà chỉ có ý diễn tả cách thế Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của dân Người. Có khi thành ngữ này còn được hiểu một cách tuyệt đối nữa, như khi Đức Ki-tô loan báo các mầu nhiệm Nước Trời (13, 11) trong khi Lu-ca và Gio-an lại dùng thành ngữ ấy để diễn tả và giải thích đời sống vĩnh cửu hay nước thiên đàng. Tuy nhiên, thành ngữ ấy vẫn còn mơ hồ trong Tin Mừng Mát-thêu. Thường thì phải dịch Nước Trời là vương quyền hay vương quốc, nhất là khi có một động từ nào đi trước. Vì vậy, Nước Trời không chỉ nói về tương lai mà còn bao hàm nghĩa hiện tại. Các dụ ngôn về Nước trời cho thấy đặc tính này. Nước Trời khởi đi từ cử chỉ của người gieo giống, phải sinh hoa kết quả cho đến thời sau hết một cách nhiệm mầu qua nhiều thất bại. Vì mang theo viễn tượng cánh chung nên Nước Thiên Chúa không đơn thuần đồng hóa với Hội thánh, cho dù từ ngữ này (16,18; 18,18) được dùng để chỉ các môn dồ rao giảng Nước Trời và làm được những dấu chỉ về Nước đó. Luật sống của cộng đồng này là phục vụ (16,19; 18). Dù biết rằng Nước Trời đã được khai nguyên, nhưng cộng đồng vẫn cầu nguyện mãi cho “triều đại Cha mau đến” (6,10)

2. Cấu trúc văn chương

2,1 Lối hành văn

Mát-thêu đã dựa vào nguồn tài liệu chung cho cả Mác-cô và Lu-ca để soạn sách Tin Mừng. Nhưng trong một cái khung tổng quát, có nhiều nét giống nhau, Mát-thêu đã đưa ra một bản tường thuật rất khác với Mác-cô và Lu-ca, không những vì có những tài liệu riêng dồi dào (1-2; 5,7; 11,1-30; 13,24-30.6-52; 18,10-25; 28,9-20) mà còn vì sử dụng tài liệu chung một cách tự do, độc đáo (Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Mt 14.13-21; Mc 6,32-44; Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Mt 9,9-13; Mc 2, 13-17; Mt 21,33-46; Mc 12,1-12; Mt 24, 1-36; Mc 13,1-37)

Ngoài ra, Mát-thêu lại còn dùng một tập ghi chép các lời của Chúa Giê-su như trong các đoạn sau đây: 3,7-10; 7,7-11; 11,4-6; 12,43-45. Thật khó xác định hình thức của những tài liệu này, nhưng khi đối chiếu với Mác-cô và Lu-ca, người ta có thể thấy lối cấu trúc riêng biệt của Mát-thêu.

Trừ 4,17 và 16,21, các câu nối kết thời gian thường không có giá trị. Các chỉ dẫn về không gian cũng mơ hồ, nên khó có thể dựa vào đấy mà vẽ ra một lộ trình tỉ mỉ. Tuy nhiên, độc giả nên thấy đây là câu chuyện về đời sống của một con người chứ không phải chỉ là một mớ các câu chuyện thu góp lại. Mát-thêu thích dùng một từ ngữ để đóng khung một câu chuyện hay một câu cách ngôn và như vậy, tác giả đã dùng lối văn ngụ ngôn, thí dụ trong 6,19 và 6,21 rồi 7,16.20; 16,6.12. Ngài cũng không ngại dùng một công thức (8,12; 22,13; 25,30, một kiểu nói về cùng một thực tại (8,2; 9,4.18;12,25 hay cùng một lời nơi nhiều cửa miệng khác nhau (3,2; 4,17; 10,7) Các bài tường thuật của ngài thường vắn tắt, thay vì kể những chi tiết hóm hỉnh như Mác-cô, ngài thường đưa ra những lời huấn giáo nhẹ nhàng, nhiều khi có tính phụng vụ (thử so sánh Mt 8,14-15 với Mc 1,29-31).

Mát-thêu rất ưa các con số 2,3,7 và thường thu gọn các lời giảng giống nhau vào một chỗ như đem kinh Lạy Cha đặt vào chỗ những lời nói về sự cầu nguyện. Chương 8,17 đã gom nhiều phép lạ rồi, nhưng Mát-thêu còn thêm hai chuỗi phép lạ nữa (8,23-9,8; 9,18-34)

2,2 Dàn bài

Có thể nêu lên ba kiểu dàn bài trong sách Tin Mừng Mát-thêu

2,2 Dàn bài theo địa lý

Trước hết, Mát-thêu nói đến tác vụ của Đức Ki-tô ở Ga-li-lê (4,12-13,58) rồi đến hoạt động của Người ở miền giáp giới Ga-li-lê và trên đường lên Giê-ru-sa-lem (14,1-20.34) và sau cùng là giáo huấn, cuộc thương khó và phục sinh tại Giêru-sa-lem (21,1-28,20)

2,3 Dàn bài theo năm diễn từ

Có người lại đặt ra một dàn bài theo năm diễn từ, vì Mát-thêu đã kết thúc mỗi diễn từ bằng một câu. Làm như vậy sẽ có năm khối thu tóm hầu hết các lời giáo huấn của Đức Ki-tô. Nhưng không biết có thể phân khối theo thứ tự hết tường thuật rồi đến diễn từ không. Đối với chương 11,12 và 13 thì rõ đó, dù không biết có thể gọi chương 11 và 12 là tường thuật không, vì đây cũng là những diễn từ ngắn tạm xếp được trong không gian và thời gian. Còn đối với những khối khác, khó có thể nối kết một cách chặt chẽ giữa 3, 4 và 5, 7, giữa 14, 17 và 18 và phải gò bó bản văn mới có thể nối kết 8-9 với 10 hoặc 19-23 với 24-25. Do đó, sách Tin Mừng Mát-thêu không phải là một quyển giáo lý có xen các chuyện, nhưng là sách nói về một con người và sách ấy có giá trị giáo lý.

Vì thế, nhiều người khác lại nghĩ rằng Mát-thêu đã muốn dùng một cái khung địa lý để thuật lại cuộc đời và sứ mệnh của Đức Ki-tô. Nếu để ý đến các bản tóm lược (4,12-27; 12, 15-23), các câu liên ý (12,15-21; 3,15-17; 11,1-12.50; 8,1-934), các chú thích địa lý rõ ràng (8,1-9,34;14,1-16.20; 20,29-28,20), các nhóm cử tọa (8,1-9,34) các thù địch (11,1-12.50; 21,23-23,370), các môn đệ (14,1-20,34; 24,1-25,46), người ta có thể chia sách làm hai phần:

Phần I (3,1-13,58): Đức Ki-tô xuất hiện, nhưng dân Do thái không chịu tin Người, tuy Người nói năng và hành động cách hữu hiệu phi thường.

Phần II: Đức Ki-tô tiến tới vinh quang nhưng qua con đường đau khổ.

Như vậy, Mát-thêu đã thuật lại một tấn bi kịch. Đức Ki-tô đến đòi dân Do thái phải tin Người cách vô điều kiện; Người tuyên bố dân ngoại sẽ được nhận vào Nước Trời. Cuộc gặp gỡ giữa Người với dân Do thái đáng lẽ phải làm cho niềm tin của họ được thêm củng cố, nhưng ngược lại, vì cứng lòng, Do thái đã phân cách và chia ly với Người. Từ nay, những ai trung thành với giáo lý của Đức Ki-tô phục sinh sẽ là dân Thiên Chúa đích thực. Dân này tách biệt khỏi nhóm tá điền phản loạn, và sẽ sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong muốn.

3. Cộng đoàn của Mát-thêu

Việc lựa chọn và sắp đặt các tiết mục trong sách Tin Mừng Mát-thêu cho thấy các mối ưu tư của môi trường đã hình thành nên cuốn sách này.

3,1 Luật pháp

Trước hết, Mát-thêu là tác giả nhấn mạnh nhiều hơn cả đến luật pháp, Kinh thánh và phong tục Do thái, như bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Khác với Mác-cô (7,3-4), Mát-thêu thấy không cần phải giải thích về các thói quen này và để cho Đức Ki-tô nói cho người Do thái (10,6; 15,24). Tác giả nhấn mạnh đến việc luật pháp phải được kiện toàn, lời Kinh thánh phải được thực hiện nơi Đức Ki-tô, nhóm Pha-ri-sêu đã có nhiều lạm dụng trong các truyền thống. Phải triệt để giải thích lại tất cả như nội dung trong bài giảng trên núi. Mát-thêu nhấn mạnh đến việc Tin Mừng được chuyển sang cho dân ngoại. Như vậy có nghĩa là Tin Mừng đã bung ra khắp nơi, mọi dân được kêu mời đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su (28,19)và ai nấy sẽ được Con Người gọi ra trước tòa chung thẩm (25,31-46).

3,2 Các môn đệ

Khác với Mác-cô, Mát-thêu không trình bày các môn đệ của Đức Giê-su như là những con người ngây ngô, thiếu hiểu biết. Trái lại, đó là những ngôn sứ, hiền nhân và luật sĩ của Luật mới (13,52). Trình bày như vậy là Mát-thêu muốn làm cho các môn đệ thành những mẫu người cho các thế hệ sau này, để báo trước thái độ mỗi môn đệ phải có, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, bị nao núng, chán nản (8,26; 14,31; 16,8; 17,20)

4. Khuôn mặt của Đức Ki-tô

Mát-thêu nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò là thày dạy vượt bậc của Đức Ki-tô (5,2.19; 7, 29; 21,23; 22,16; 4,23; 9,35). Người dạy: công chính là trung thành với Luật Chúa (5,19-20; 7, 29; 15,9;28,20). Ngay từ đầu, Mát-thêu đã cho thấy Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, con vua Đa-vít và Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa và là Đấng Ki-tô nên Người là Thầy, là Phát Ngôn Nhân về thánh ý của Thiên Chúa.

5.Tác giả, tác phẩm, độc giả

Đối với các Giáo Phụ, vấn đề này thật đơn giản; sách Tin Mừng thứ nhất đã được Tông đồ Mát-thêu soạn ra cho các tín hữu gốc Do thái. Theo Đức Cha Papias,(giám mục Hierapolis, thượng bán thế kỷ II) thì tông đồ Mát-thêu là tác giả. Nhiều Giáo Phụ như O-ri-giên, Giê-ro-ni-mô, Ê-pi-pha-nô đã nghĩ như vậy. Nhiều người bây giờ cũng nghĩ như thế, tuy khoa chú giải hiện nay cho vấn đề này là khá phức tạp.

Có nhiều yếu tố khiến người ta có thể xác định được môi trường hình thành cuốn Tin Mừng này. Bản văn hiện nay phản ánh nhiều truyền thống Do Thái; ngữ vựng có nhiều mầu sắc Pa-lét-tin như “trói buộc, tháo cởi, ách, Nước Trời” v.v… Nhiều kiểu nói, tác giả cho là đương nhiên, không cần giải thích, như khi nói đến một số tập tục (8,3; 12,5; 23,5.15.23). Tuy trong sách có đầy những truyền thống Do Thái, nhưng người ta vẫn không quả quyết được là tác giả đã viết sách Tin Mừng này ở Pa-lét-tin. Có người cho rằng sách đã được viết ở Xi-ri, hay ở An-ti-ô-khi-a (theo thánh I-nha-xi-ô, Giáo Phụ đầu thế kỷ II), hoặc ở Phê-ni-xi, vì vùng này xưa kia có rất nhiều người Do Thái.

Về thời gian sách được biên sọan, nhiều người cho là khoảng năm 80 hay có khi sớm hơn, nhưng không ai dám quả quyết chắc chắn.

6. Tính hợp thời của Tin Mừng Mát-thêu

Ngay từ thế kỷ II, sách Tin Mừng Màt-thêu đã được coi như Tin Mừng của Hội thánh và sách cho thấy Hội thánh đã ăn rễ sâu trong truyền thống nguyên thủy. Hội thánh không phải là Ít-ra-en mới, nhưng là Ít-ra-en đích thực. Hội thánh không thay thế Ít-ra-en, nhưng chỉ cho Ít-ra-en con đường đi tới Đức Giê-su. Mát-thêu không đồng hóa Hội thánh với Nước Trời. Làm như vậy, ngài muốn nhắc cho Hội thánh biết rõ khuôn mặt đích thực của mình. Phải có thể chế để cộng đoàn tồn tại, nhưng thể chế vẫn có tính tạm thời. Chỉ có Nước Thiên Chúa mới làm cho Hội thánh có ý nghĩa.

Mát-thêu kêu mời mọi tín hữu ngày nay nên có thái độ như các môn đệ của Đức Giê-su thời xưa, nghĩa là nhận ra quyền năng của Người, đồng thời nhận lấy sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi người ở khắp nơi. Như vậy, các tín hữu mới là những người đương thời với Đức Ki-tô, và các mối liên lạc giữa Người với các tín hữu mới luôn hiện tại.

Thế giới biến chuyển không ngừng và Đức Ki-tô vẫn luôn hiện diện trong thế giới và kêu gọi chúng ta thực hành các lời giáo huấn của Người. Đó là trọng tâm Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, nghĩa là làm cho người ta thấy Đức Ki-tô phục sinh cũng chính là Đức Ki-tô người Na-gia-rét mà sách Tin Mừng này muốn làm cho mọi người được biết.
 
Trả Cho Caesar - Trả Cho Thiên Chúa
Tuyết Mai
20:30 17/10/2008
Trả Cho Caesar Trả Cho Thiên Chúa

Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa". (Mt 22, 15-21)

Vâng quả là Lời của Chúa thì không sai chạy vào đâu cho được. Chúa dậy chúng ta sống ở trên đời phải có tinh thần biết đóng góp bằng cách góp công, góp của, và góp những gì, giúp ích cho xã hội và cho tha nhân. Đó là của Caesar thì hãy trả cho Caesar, ý nghĩa của Chúa Giêsu là muốn dậy chúng ta như vậy khi còn sống trên trần gian này! Ý nghĩa của sự đóng góp của nộp thuế là giúp cho Vua, chính phủ, hay chính quyền của một quốc gia có thêm nguồn lợi để làm cho đất nước thêm hùng mạnh thêm phong phú. Giúp cuộc sống của con người ngày càng văn minh hơn và tiến xa tiến rộng hơn để giúp thăng hoa cuộc sống của con người. Cuộc sống văn minh cũng giúp rất nhiều cho xã hội có thêm công ăn việc làm và công việc cũng đỡ phải nguy hiểm hơn, vì con người ngày càng có khả năng để chế biến thêm nhiều những máy móc để con người tránh được nhiều tai nạn!? Cuộc sống nơi trần gian thì có phải chúng ta không sống chỉ có một mình mà chúng ta còn có thật nhiều anh chị em ở khắp mọi nơi trên toàn địa cầu không? Vậy thì chúng ta là một cá nhân, là một gia đình, là một cộng đoàn, là một ấp, một xã, một tỉnh, một tổ quốc, có cần và phải có bổn phận để trả cho nhau những gì mà tất cả cùng góp công góp sức để có một cuộc sống khả quan hơn và tốt đẹp hơn không? Cần lắm chứ thưa phải không?

Vậy thì nếu một cá nhân không có trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình, nơi mình cư ngụ, tại nơi công sở, cho cộng đoàn, và cho những người chung quanh, thì cá nhân ấy có những ảnh hưởng ít nhiều như thế nào cho xã hội?

Rồi thì trong một gia đình, từng phần tử trong nhà mà không ai có tinh thần đóng góp, giúp đỡ, thông cảm, đỡ đần, và thăm hỏi nhau, và ai cũng sống ích kỷ chỉ muốn mình được đứng riêng rẽ một mình, không ai muốn có trách nhiệm với ai, thì thử hỏi gia đình ấy tương lai có còn được hạnh phúc với nhau hay không?

Còn khi ta gia nhập vào đoàn thể của một cộng đoàn cũng thế, nếu tất cả ai ai cũng muốn mình làm lớn, có một chức vụ rõ ràng, một là tôi được bầu làm chủ tịch, còn hai chí ít là phải được làm phó chủ tịch, hay cũng được làm thư ký, trưởng nội vụ, trưởng ngoại vụ, v.v.... chứ không thì tôi sẽ không muốn gia nhập vào một đoàn thể nào cả! Nếu thế thì tất cả những hội đoàn chỉ toàn là ban điều hành chứ không bao giờ có hội viên, và nếu là thành phần hội viên thì hình như lời phát biểu của tôi không được nghe. Vậy tôi vào đoàn thể là để mong ước được điều gì? Nếu ngay chính tôi đã từ đầu không có tinh thần tích cực đóng góp và chỉ mong tìm lợi ích cá nhân cho tôi mà thôi! Một cộng đoàn mà có nhiều thành phần như thế thì thử hỏi cộng đoàn ấy sẽ sống được bao lâu? Nếu chúng ta không biết trả cho nhau những gì mình lấy của nhau?

Như tất cả những ai sống trên đất nước Hoa Kỳ thì đều hiểu rằng tiền thuế ta đóng góp trong mỗi cái check lương hằng 2 tuần hay 1 tháng là cho những gì khi về già ta được hưởng tiền hưu trí và là đang đóng góp những gì giúp ích cho xã hội bây giờ. Tiền thuế tất cả chúng ta có đóng góp, một phần giúp vào trợ cấp cho những gia đình nghèo lợi tức dưới mức trung bình. Giúp trả cho họ tiền nhà, tiền chợ, bảo hiểm sức khoẻ, nuôi con nít đi học ăn không tốn tiền. Giúp cho người già nghèo trên 65 tuổi có tiền hằng tháng, ở không tốn tiền, bảo hiểm sức khoẻ, có nơi nuôi cho ăn sáng ăn trưa. Và còn rất nhiều những dịch vụ khác mà tôi không biết đến. Đường xá được tu sửa khi bị nứt nẻ và ổ gà quá nhiều. ... Còn những ai có mua nhà và hằng năm phải đóng thuế nhà thì chúng ta cũng có quyền được hưởng những cái công viên để đem gia đình đến đó chơi cuối tuần, hoặc cần đến thư viện để tìm sách về đọc mà không tốn tiền.

Vậy thì nếu tôi là một công dân, một người cha, mẹ, chồng, vợ, con, ông, bà, học sinh, thầy giáo, cô giáo, công nhân, hiệu trưởng, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, các chuyên gia, các linh mục, các sơ, tu sĩ nam nữ, v.v.... tôi phải có bổn phận và trách nhiệm gì để đóng góp cho gia đình tôi, cho xã hội, quốc gia, và cho tất cả anh chị em tôi, để tôi được góp phần vào sự chung xây gầy dựng một thế giới tốt lành và hạnh phúc hơn.

Ước mong sao tôi và anh chị em, chúng ta luôn luôn siêng năng đọc, nghe, và thấm nhuần Lời của Chúa, để chúng ta thực thi những Lời dậy báu bổ của Ngài, làm cho cuộc đời của chính chúng ta luôn thăng hoa, tốt lành, và tốt đẹp. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ được vui hơn, trẻ hơn, an bình hơn, và hạnh phúc hơn, vì chúng ta luôn có sự quan tâm cho nhau. Để Lời của Chúa không bị mai một và Ngài cũng không thất vọng trên con cái của Ngài là hãy trả cho nhau những gì chúng ta thuộc về nhau. Bởi nơi đâu có sự hợp quần, hiệp nhất, và thống nhất thì nơi đó sẽ có thêm sức mạnh. Do đó một cây thì chẳng nên non nhưng ba cây chụm lại nên hòn núi cao, và Lời của Chúa giêsu hôm nay là của Caesar thì hãy trả lại cho Caesar có nghĩa là vậy, thưa anh chị em!

"Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" đây mới là câu nói mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu sao theo ý của Ngài!? Bởi có gì mà chúng ta có thể trả lại cho Ngài được đây so với tình yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Cha khi Ngài tạo dựng nên chúng ta từ bụi đất. Ngay một hơi thở mà giả sử chúng ta phải bỏ tiền mua để được sống, chắc hẳn con người sẽ chết như rơm như rạ và chỉ những người giầu có mới còn tồn tại trên trái đất này mà thôi, nhưng cũng trong giới hạn, phải không thưa anh chị em!? Rồi thì nước uống cũng thế! Thực phẩm không quan trọng cho sự sống của chúng ta ư!? Nhiều nhiều lắm không thể nào chúng ta có thể liệt kê sao cho hết được những gì Ngài ban cho chúng ta nhưng không và tất cả đều quan trọng như nhau cho cuộc sống ngày lại ngày của chúng ta.

Lậy Thiên Chúa Toàn Năng Luôn Yêu Thương!

Biết lấy gì cảm mến? Biết lấy chi đáp đền? Hồng Ân Chúa vô bờ bến Chúa đã làm cho tất cả chúng con. Trả lại cho Chúa biết lấy gì cho tương xứng đây!? Khi Ngài yêu thương chúng con từ nguyên thủy và muôn đời. Chúng con là chi ngoài thân phận của bụi đất là một trong những tác tạo vô cùng của Ngài. Chúng con là chi mà để Chúa Cha yêu thương đến đỗi ban con một của Ngài cho trần gian. Sống một cuộc đời nghèo khổ từ khi phôi thai trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Được sinh ra trong một hang đá và nằm nôi là máng cỏ với rơm. Lớn lên và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nghèo của Ngài chỉ sống bằng cái nghề thợ mộc chẳng là gì trong xã hội. Theo thời hạn định, Ngài Giêsu giã từ cha mẹ của mình lên đường rày đây mai đó để rao giảng Phúc Âm cho muôn dân biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Người Cha của Ngài trên Thiên Quốc. Chính Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, mà Ngài cũng không có nơi để gối đầu.

Sau cùng để cho chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, Ngài Giêsu vô tội đã bị các kỳ lão đến bắt, chịu bao nhiêu khổ nạn, và sau cùng bị chết treo trên Thập Giá vì tội lỗi của nhân loại chúng ta gây nên. Ngày thứ ba Ngài sống lại theo Lời Thánh Kinh. Ngài Lên Trời ngự bên Hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Vâng, thưa anh chị em! Có phải chúng ta thiếu nợ Chúa đến muôn thuở muôn đời hay không, và không gì mà chúng ta làm có thể Trả cho Thiên Chúa được hết. Từ đời cha ông cho đến đời con cháu của chúng ta sau này. Có phải để làm đẹp lòng Thiên Chúa và được Nước Trời là chúng ta luôn biết sống nghe Lời Ngài và thực thi Lời của Ngài dậy trên anh chị em của chúng ta. Bởi Thiên Chúa Ngài chỉ trông đợi ở chúng ta làm được 2 điều chính yếu trong cuộc đời trần thế này mà thôi là Trước Kính Chúa trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy, Amen.
 
Sứ mạng Truyền giáo
+ GM Vũ Văn Thiên
21:56 17/10/2008
SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO

(Suy tư nhân ngày thế giới truyền giáo năm 2008)

Từ 82 năm nay, ngày chúa nhật giữa tháng 10 dương lịch được chọn làm Ngày thế giới truyền giáo. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng thường công bố một sứ điệp kêu gọi cộng đoàn Công giáo thế giới hãy suy tư và hành động để tham gia sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Sứ điệp nhân ngày truyền giáo năm 2008 mang chủ đề: “Được mời gọi để trở thành những môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô”. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã nêu rõ tính cách thánh thiêng của sứ mạng truyền giáo, vì đây “là một ân sủng, một ơn gọi xứng hợp và căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (trích Tông Huấn Loan báo Tin Mừng số 14). Truyền giáo chính là lệnh truyền của Đấng Cứu Thế với các môn đệ trước khi Người về trời. Công cuộc truyền giáo càng trở nên cấp bách hơn nữa trong thời đại hôm nay, khi con người càng ngày càng tỏ ra dửng dưng đối với tôn giáo và những giá trị tâm linh.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Bí tích này cũng mời gọi chúng ta trở nên môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu, qua những cố gắng của bản thân trong cuộc sống mỗi ngày.

Trở nên môn đệ là muốn sống đời nội tâm, thực thi Lời Chúa và gắn bó với Người, tức là nên thánh.

Trở nên tông đồ là mong làm cho nhiều người hiểu biết Chúa và đi theo làm môn đệ Người, tức là truyền giáo.

Môn đệ và tông đồ, hai sứ mạng này có tương quan mật thiết với nhau đến nỗi trở thành một ơn gọi duy nhất. Không thể làm tông đồ nếu trước đó không trở nên môn đệ; cũng không thể là môn đệ đích thực nếu không thao thức làm việc tông đồ.

Truyền giáo là gì?

Chúng ta thường xuyên nghe nói về từ này. Nguyên gốc của từ này là một danh từ tiếng La-tinh Missio, động từ là Mittere. Từ này có nhiều nghĩa, và một trong những nghĩa thường được hiểu là gửi đi, sai phái đi để làm một công tác quan trọng. Đức Giêsu chính là Đấng được Đức Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người và tạo vật. Chính Đức Giêsu cũng sai các môn đệ ra đi, lên đường để cộng tác với Người trong sứ mạng cao cả này.

Truyền giáo trước hết là “ra đi” khỏi chính con người của mình: chúng ta ai cũng có khuynh hướng ích kỷ, khép kín và coi mình là trung tâm. Chúng ta thường lấy mình làm tiêu chuẩn để phán đoán người khác. Ai không có lối suy nghĩ giống chúng ta thì bị phê bình chỉ trích. “Ra đi” khỏi cái tôi của mình, tức là chấp nhận người khác cùng với ý kiến lập trường của họ, là quảng đại bao dung khi bị xúc phạm. Truyền giáo chính là thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để hòa đồng với anh chị em mình, tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận những hy sinh vì ích chung. Các môn đệ đầu tiên, khi nghe Đức Giêsu kêu gọi, đã bỏ mọi sự mà theo Người. Các ông từ bỏ những dự tính nghề nghiệp, từ bỏ môi trường gia đình, làng xóm. Các ông không hề băn khoăn lo lắng cho ngày mai, nhưng sẵn sàng bước theo Thày, vì các ông tin rằng theo Thày sẽ không phải thiệt thòi thất vọng.

Truyền giáo còn là “ra đi” khỏi những định kiến: Cuộc sống này được dệt lên bởi những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Bước ra khỏi những định kiến để đón nhận tha nhân trong tình huynh đệ hài hòa, không phân biệt lập trường chính trị, tôn giáo hay quan điểm xã hội. Một cộng đoàn đức tin gò bó trong quan niệm khắt khe không thể truyền giáo có hiệu quả. Một Giáo Hội dửng dưng với những giá trị trần thế, hoặc khép mình trước những biến cố vui buồn của cuộc sống xã hội chung quanh, sẽ là một Giáo Hội ảm đạm u sầu thay vì hân hoan hy vọng. Một cộng đoàn không dấn thân phục vụ con người sẽ trở nên một thứ ao tù không lối thoát và thiếu sinh khí.

Nhờ hai yếu tố nêu trên, chúng ta tiến tới một điểm cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, truyền giáo chính là kể lại cuộc đời của Đức Giêsu. Câu chuyện về Đức Giêsu đã được kể từ 2000 năm nay mà không lỗi thời. Lời giảng của Đức Giêsu đã được loan báo từ 20 thế kỷ mà vẫn không mất tính thời sự. Cuộc đời Đức Giêsu đã và đang được kể lại một cách phong phú không những chỉ qua sách vở, mà còn qua chính cuộc đời của các tín hữu. Xuyên qua con người của họ, người ta đọc thấy chính cuộc đời của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã cảm thông với người đau khổ, đã chữa lành người bệnh tật, đã phục sinh người chết, đã chúc lành và đã chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn trong ngày cưới. Như vậy, truyền giáo chính là sống như Đức Giêsu đã sống, yêu như Đức Giêsu đã yêu. Truyền giáo là có trái tim như trái tim của Chúa, có đôi mắt như đôi mắt của Chúa. Trái tim để yêu và đôi mắt để trao gửi tình thân thiện.

Như thế, truyền giáo không buộc phải làm điều gì to tát ồn ào, mà khởi đi từ những gì rất âm thầm bình dị trong cuộc sống. Chính những hành động bình dị đó có thể mang lại những hiệu quả lớn lao, khi chúng ta thực hiện với thao thức truyền giáo.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (11)
Vũ Văn An
02:35 17/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường(tiếp theo)

Phúc Trình Sau Các Thảo Luận

Như đã trình bầy trên đây, tại phiên khoáng đại thứ 17 của THĐ, sau khi kết thúc phần tham luận của các nghị phụ cũng như khách mời, trong tư cách Tổng Phúc Trình Viên của THĐ, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng giám mục Québec đã đọc bản phúc trình gọi là “Relatio post disceptationem” (Phúc Trình Sau Thảo Luận) trong 70 phút.

Mở đầu, ngài nhắc đến bầu khí đầy tình huynh đệ của THĐ, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và chú tâm tới sự hiện diện của Chúa giữa hàng môn đệ của Người. Bầu khí ấy đã được tăng cường rất nhiều nhờ Thánh Lễ Khai Mạc tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nhờ việc cử hành kỷ niệm 50 năm ngày qua đời của Đức Piô XII, Tôi Tớ Chúa và là Giám Mục Tối Cao, và nhờ cuộc phong hiển thánh cho bốn á thánh, những biến cố kéo được cả một khung trời cầu nguyện cho THĐ và nói lên sức sống của Giáo Hội.

Sau đó, ĐHY Ouellet đề cập đến vai trò của Phúc Trình Sau Thảo Luận: nó có nhiệm vụ trình bầy một bản tổng hợp các tham luận đã diễn ra tại phòng họp của THĐ để từ đó rút ra các yếu tố chính cho các Nhóm Làm Việc bàn cãi tiếp theo. Như thế, Phúc Trình này đem lại cho các Nghị Phụ một cái khung để đơn giản hóa việc nghiên cứu chủ đề và việc chuẩn bị các đề nghị mục vụ sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng.

Phúc trình này được phân chia theo mẫu của Tài Liệu Làm Việc trong đó, nội dung được trình bầy thành 3 phần

Phần thứ nhất tựa là “Thiên Chúa nói và nghe” gồm ba điểm: 1. Mạc khải, sáng thế, lịch sử cứu độ; 2. Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần và Giáo Hội; 3. Lời Chúa, phụng vụ, lắng nghe.

Điểm thứ nhất bắt đầu với việc khảo sát suy tư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Nhân chú giải Thánh Vịnh 18, Đức Giáo Hoàng nhắc ta nhớ rằng Lời Chúa là chắc chắn, là chính thực tại, Lời ấy là nền tảng vững chắc và lâu bền của mọi sự. Khởi đầu với lời mời gọi tiến tới thực tại mới dựa trên Lời Chúa ấy, THĐ đã được dẫn khởi để đi vào một thảo luận hết sức đáng giá. Bản tổng hợp sau đó tiếp tục nói tới chủ đề “Mạc khải và cuộc Đối Thoại Nội Thẳm của Ba Ngôi Thiên Chúa”, hay đặc tính đối thoại của Lời Chúa, mà nền tảng có thể tìm thấy trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và là đặc tính mời gọi con người đi vào đối thoại; rồi chủ đề “Lời Chúa và lịch sử cứu rỗi”: mạc khải là hành động đối thoại trong đó Thiên Chúa nói với các tạo vật của Người và dẫn dắt tạo vật ấy tới sự viên mãn của ơn cứu rỗi; sau cùng là chính lịch sử cứu rỗi được hoàn tất trong việc nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời và trong ơn phúc nhất định của Chúa Thánh Thần.

Điểm thứ hai trình bầy về Chúa Kitô, sự viên mãn và sự hoàn tất mạc khải của Ba Ngôi; Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất, và việc đối thoại; Mầu nhiệm Giáo Hội, hành động của Chúa Thánh Thần và việc giải thích Thánh Kinh.

Điểm thứ ba nhắc ta nhớ đến chiều kích bí tích vốn có sẵn nơi Lời Chúa và tầm quan trọng của nó, một tầm quan trọng được các tham luận của THĐ nhấn mạnh rất nhiều, cho rằng mối liên hệ giữa Lời Chúa và phụng vụ, nhất là Phụng Vụ Thánh Thể, cần phải được củng cố hơn nữa; rồi chiều kích nhân học của mạc khải Thiên Chúa trong Lời của Người, qua đó, con người được mời gọi lắng nghe Lời Chúa; Giáo Hội, mẹ và thầy của việc lắng nghe Lời Chúa; cuối cùng, là mối liên hệ giữa Lời Chúa và ơn gọi, Lời Chúa và người nghèo, Lời Chúa, im lặng và cầu nguyện, Lời Chúa và đức tin, Lời Chúa và sự thánh thiện.

Phần thứ hai, tựa là “Lời Chúa, Thánh Kinh, Thánh Truyền, được trình bầy thành 4 điểm: 1. Biến cố, gặp gỡ, giải thích, 2. Hợp nhất, tối thượng, thông tri [circularity], 3. Thánh Thể, bài giảng, cộng đoàn, 4. Chú giải, thần học, đọc Lời Chúa (lectio divina).

Trong điểm đầu “Biến cố, gặp gỡ, giải thích”, Lời Chúa được trình bầy như một biến cố lịch sử. Nhiều bài tham luận nhấn mạnh tới sự kiện: Lời Chúa hiểu đúng ra không hẳn hoàn toàn đồng nghĩa với Sách Thánh, mặc dù nhiều khi ta tin rằng hai hạn từ này đồng nghĩa với nhau. Như học lý minh nhiên trong Hiến Chế “Dei Verbum” chẳng hạn, rõ ràng dạy rằng Lời Chúa được thông truyền một cách hết sức gắn bó trong Lời linh hứng được viết xuống (tức Sách Thánh) và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội.

Bản tổng hợp tiếp tục nói tới việc giải thích cũng như mối tương quan giữa Sách Thánh và đời sống của tín hữu trong Giáo Hội; Lời Chúa và các thách đố văn hóa của thời đại ta.

Trong điểm thứ hai, tựa là “hợp nhất, tối thượng, thông tri”, các chủ đề hợp nhất và tối thượng của Lời Chúa được trình bầy, cũng như sự hợp nhất giữa Thánh Kinh, Thánh truyền và Huấn Quyền như chính Hiến Chế “Dei Verbum” từng nói tới; công việc của Chúa Thánh Thần trong mối liên kết tay ba Thánh Kinh – Thánh Truyền - Huấn Quyền.

Điểm thứ ba, “Thánh Thể, bài giảng, cộng đoàn”, nói tới mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Thể. Ở đây, nhiều bài tham luận của các nghị phụ xoay quanh vấn đề làm thế nào giúp tín hữu có được cái nhìn hợp nhất về mối liên hệ này; chiều kích bí tích của Lời Chúa, Lời Chúa và chiều kích cánh chung; cử hành Lời Chúa; tầm quan trọng của bài giảng; nghệ thuật như hình thức loại suy của việc giảng thuyết; cuối cùng là mối tương quan giữa Lời Chúa, việc cử hành và cộng đoàn.

Điểm thứ tư, “Chú giải, thần học, Đọc Lời Chúa” đề cập tới mối liên hệ giữa khoa chú giải và khoa thần học và trình bầy phương thức Đọc Lời Chúa như phương thức đọc Sách Thánh của cá nhân và cộng đoàn, nhấn mạnh tới khía cạnh: khi giáo dân đích thân tiếp cận với bản văn thánh, thì không thể tách biệt sự tiếp cận này ra khỏi sự hiệp thông và ngữ cảnh của Giáo Hội.

Sau cùng là phần ba, tựa là “Lời Chúa, sứ mệnh, đối thoại” và chia làm ba điểm: 1. Làm chứng, giảng dạy, giáo lý, 2. Văn hóa, đối thoại, dấn thân, 3. Truyền thông, công bố, phiên dịch. Trong phần này, ở điểm hai “Văn hóa, đối thoại, dấn thân”, Lời Chúa được trình bầy như sợi dây đại kết và là nguồn của đối thoại giữa tín hữu và người Do Thái; bản tổng hợp tiếp tục trình bầy Lời Chúa trong phạm vi đối thoại liên tôn, trong mối liên hệ của nó với các nền văn hóa và như lời mời gọi dấn thân. Nhiều Nghị Phụ đề cập tới việc bản vị hóa (inculturation), trong đó có tham luận nói tới nền tảng Kitô học của việc này. Điểm sau cùng, như nhiều tham luận từng nhấn mạnh, chú tâm tới nhu cầu bức thiết phải làm sao cho Thánh Kinh được dịch ra mọi ngôn ngữ, kể cả những ngôn ngữ chưa có chữ viết; cũng bàn đến những khả thể mới có thể thông truyền Sách Thánh bằng những phương tiện mới mẻ của truyền thông ngày nay. Có vị còn đề nghị nên tạo ra một thừa tác vụ chuyên biệt và cải thiện thừa tác vụ đọc sách trong Giáo Hội.

Để kết luận, Đức Hồng Y Tổng Phúc Trình Viên nhấn mạnh tới lòng mong mỏi cấp thiết phải công bố Lời Chúa và phải dùng mọi phương thế tân tiến trong ngành truyền thông hiện đại để quảng bá sự hiểu biết và tình yêu đối với Chúa Kitô và Sách Thánh, để cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu và để đóng góp cho công lý và hòa bình trên khắp thế giới.

Họp báo

Một ngày sau khi ĐHY Ouellet tổng kết giai đoạn đầu của THĐ, tức giai đoạn tham luận, một số các vị giáo phẩm chủ chốt đã gặp gỡ báo chí thế giới để thảo luận một số điểm được ĐHY Ouellet nêu ra.

Đức Hồng Y William J. Levada, người Hoa Kỳ, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đề cập tới sự căng thẳng giữa một số trường phái giải thích Thánh Kinh và nền thần học cổ truyền và giáo huấn của Giáo Hội. Đức HY cho hay đây “không hẳn là một trong những vấn đề chủ chốt của THĐ, mặc dù đó là một trong những vấn đề tế nhị nhất”.

Ngài nói: “Ta có thể nhìn vào sự căng thẳng này như sau: khi bạn đọc Thánh Kinh, bạn

thường được khuyên, ‘Hãy đọc Thánh Kinh để xem đoạn Thánh Kinh này nói gì với bạn hay tự nói lên điều gì’. Bước đó rất quan trọng, nhưng khi bạn nghĩ tới cách Giáo Hội từng đọc và suy niệm Sách Thánh trong suốt 2,000 năm qua, thì câu hỏi kế tiếp, rất tự nhiên và cần thiết, là: ‘Đoạn Thánh Kinh này liên hệ thế nào với toàn bộ Thánh Kinh và với đức tin của Giáo Hội?’”

Theo ĐHY, việc sử dụng các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ rõ ràng cho thấy cách người Công Giáo phải tiếp cận việc đọc Thánh Kinh ra sao. Đầu hết, các bài đọc phải được công bố. Rồi, “vị giảng thuyết sẽ bình luận hay dẫn giải Lời Chúa ấy, cố gắng làm nó có tương quan với cuộc sống của người nghe và nhất là có tương quan và được hiểu theo đức tin của Giáo Hội. Liền ngay sau bài giảng, Giáo Hội yêu cầu chúng ta đứng lên và tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính”.

Ngài nói rằng việc sử dụng Thánh Kinh trong phụng vụ chứng tỏ Thánh Kinh không phải chỉ là một áng văn chương linh hứng, nhưng nó tạo nên căn bản cho các giáo huấn của Giáo Hội và phải dẫn ta tới việc tuyên xưng đức tin.

Còn Đức HY Odilo Pedro Scherer của Sao Paulo, Brazil, thì cho các ký giả hay các nghị phụ nhấn mạnh rằng “chú giải không đủ” vì để hiểu điều Chúa muốn nói, ta cần phải có thái độ biết lắng nghe bằng đức tin.

Ưu tư về việc am hiểu Thánh Kinh theo cách Giáo Hội Công Giáo vẫn hiểu xưa nay theo truyền thống khiến một số ký giả hỏi rằng các nghị phụ có sợ điều gì sẽ xẩy ra nếu có nhiều người Công Giáo hơn chịu đọc Thánh Kinh.

Đức HY Peter Turkson của Cape Coast, Ghana, trả lời rằng thời kỳ ấy đã qua rồi. Ngài nói: “Bên trong Giáo Hội Công Giáo, không ai chối cãi có sự kiện này là trong lịch sử việc giáo dân sử dụng Thánh Kinh bị phần nào hạn chế vì sợ có nguy cơ đọc Thánh Kinh mà không được hướng dẫn. Nhưng với thời gian, thái độ ấy đã thay đổi. Mà điều ấy buộc phải thay đổi thôi vì khắp nơi ai cũng khao khát đọc Lời Chúa”.

Đức HY Scherer cũng cho hay các nghị phụ được người ta hỏi: Thánh Kinh có thể tăng cường các liên hệ đại kết ra sao, và việc ấy không phải chỉ để tổ chức các chiến dịch nhằm dịch thuật và phân phối Thánh Kinh hay cầu nguyện với nhau bằng cách dùng các bản văn Thánh Kinh mà thôi. Mà còn nghiên cứu Thánh Kinh với nhau nữa. Việc này sẽ giúp diễn trình “giải quyết các dị biệt về tín lý bắt đầu với các dị biệt trong việc giải thích Thánh Kinh”.

Phúc trình của ĐHY Ouellet cũng có nhắc đến khuyến cáo của một số nghị phụ nhằm sử dụng Thánh Kinh để cải thiện các liên hệ với cộng đồng Do Thái, bắt đầu với việc nhắc nhở người Công Giáo rằng Cựu Ước là Lời linh hứng của Chúa và Kitô hữu có thể học hỏi được rất nhiều từ nhiều thế kỷ giải thích và bình luận Thánh Kinh của người Do Thái đối với các sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh.

Đức HY Turson cho hay một số khuyến cáo của THĐ nhấn mạnh rằng Thánh Kinh “là một tài liệu tôn giáo”, nên không ai có thể nói: trong Tân Ước có điều gì đó có thể đọc để hỗ trợ cho các thái độ bài Do Thái Giáo và bài Do Thái nói chung”.

Sau cùng, Đức cha Luis Tagle của giáo phận Imus, Philippines, nói tới lời mời gọi trở nên quen thuộc và trọng kính các trước tác thánh của các tín ngưỡng khác. Ngài nhấn mạnh: “các thành viên của Giáo Hội được yêu cầu phải hiểu rằng trong giáo huấn của ta và trong giáo huấn của họ, có nhiều chỗ gặp nhau, có những điều chủ trương chung với nhau, như niềm tin vào tính thánh thiêng của sự sống nhân bản, tầm quan trọng của gia đình và các giá trị như chính trực và độ lượng chẳng hạn”.
 
Lương thực Thế giới: những thách đố của biến đổi khí hậu và năng lượng sinh học
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:30 17/10/2008
Lương thực Thế giới: những thách đố của biến đổi khí hậu và năng lượng sinh học

Vatican (VIS) - Nhân Ngày Lương thực Thế giới hằng năm vào ngày 16 Tháng Mười, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết một bức thư gửi cho Jacques Diouf, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) trong đó bình luận về chủ đề được lựa chọn cho năm nay: “An ninh Lương thực Thế giới: những thách đố của Biến đổi khí hậu và Năng lượng sinh học”. Đức Thánh Cha cho rằng nó “có thể phản ánh những thành quả trong cuộc đấu tranh chống nạn đói và những trở ngại mà FAO phải đương đầu, với những thách đố mới đe dọa sự sống gia đình nhân loại”.

Đức Bênêdictô XVI nêu bật: “trên hết, chúng ta phải cam đoan soi tỏ những lý do vốn ngăn cản sự tôn trọng phẩm giá con người. Với các phương tiện và nguồn lực mà thế giới có toàn quyền sử dụng, thế giới có thể cung cấp đầy đủ thực phẩm và đáp ứng nhu cầu phát triển của tất cả mọi người”.

“Việc quản quản lý không đúng đắn các nguồn tài nguyên lương thực bởi nạn tham nhũng gây ra trong đời sống công cộng cùng với sự gia tăng đầu tư vào vũ khí và công nghệ quân sự tinh vi, làm tổn hạn đến nhu cầu căn bản của người dân, vốn có tầm quan trọng hết sức lớn lao”

Đức Thánh Cha cũng nêu lên “một chiến dịch chống nạn đói một cách hiệu quả, nhằm chạm trán với vấn đề biến đổi khí hậu hoặc ưu tiên phân bố việc sản xuất nông nghiệp đối với lương thực, đòi hỏi nhiều hơn chứ không chỉ là nghiên cứu khoa học. Trên hết, thật cần thiết khám phá lại ý nghĩa của con người trong các chiều kích cá nhân và cộng đồng”.

Ngài nói tiếp: “Điều này phản ánh sự cần thiết xây dựng các mối quan hệ giữa các dân tộc dựa trên sự thẳng thắn chân thực và không ngừng, để bảo đảm rằng mỗi quốc gia có thể đáp ứng được các nhu cầu của những người khốn khó, và để truyền tải ý tưởng thiết lập quan hệ ngoại giao dựa trên sự trao đổi lẫn nhau về kiến thức, giá trị, tương trợ nhanh chóng và sự tôn trọng”.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “cam kết thăng tiến công bằng xã hội có hiệu quả trong mối quan hệ giữa các dân tộc”, để nền kinh tế có thể được định hướng hướng đến việc phân phối hàng hóa trên quả địa cầu “làm cho việc sử dụng chúng bền vững và phân chia lợi ích của chúng công bằng”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Một điều kiện cần thiết để tăng mức độ sản xuất và bảo đảm tính đồng nhất của các cộng đồng bản địa, cũng như hòa bình và an ninh trên thế giới là để đảm bảo quyền tiếp cận đất đai, ưu đãi cho các lao động trong nông nghiệp và thăng tiến các quyền của họ”
 
Tưởng nhớ sự thật về đức tin và lòng can đảm của Kha Luân Bố
Bùi Hữu Thư
12:08 17/10/2008

Tưởng nhớ sự thật về đức tin và lòng can đảm của Kha Luân Bố



Rôma, ngày 16, tháng 10, 2008
(Zenit.org).- Ngay cả người Rôma xưa kia cũng hiểu biết tầm quan trọng của lòng biết ơn. Marcus Tullius Cicero, một diễn giả nổi tiếng, nói, “lòng biết ơn không chỉ là nhân đức cao trọng nhất mà còn là cha đẻ ra tất cả các nhân đức khác.”

Vậy mà trong thời đại mới dường như chúng ta đã để mất đức tính này, vì những người duyệt lại lịch sử, phim ảnh và văn chương bình dân đã bôi nhọ những ai đã tạo dựng nên thế giới chúng ta đang sống hôm nay nhờ thành quả cuả họ.

Ngày chủ nhật 12 tháng 10 vừa qua, là ngày kỷ niệm Kha Luân Bố tìm thấy Tân Thế Giới lần đầu tiên.

Biến cố này, mở đầu cho thời đại khám phá, và đã được mệnh danh là “Ngày của những người bản xứ” bởi một số các thành phố Hoa Kỳ, do đó đã làm lu mờ công trình can đảm và tiên phong của nhà thám hiểm này và những người bảo trợ cho những chuyến hải hành của ông.

Chính Kha Luân Bố cũng bị lên án là một kẻ độc tài, tham tiền, tham danh vọng, và trong khi các thiếu xót của ông bị thổi phồng, thì các đức tính quý giá của ông đã bị quên lãng.

Mỉa mai thay, Kha Luân Bố, người Âu đầu tiên đặt chân lên Mỹ Châu, lại là một nhân chứng đầu tiên của cái sau này được gọi là “Giấc Mơ Hoa Kỳ.”

Sanh trưởng tại Genoa, Ý, ông di cư sang Tây Ban Nha với kiến thức học hỏi công phu về nghề hàng hải, ước vọng tiến thân, và được trợ giúp bởi một đức tin Công Giáo mạnh mẽ.

Như muôn ngàn người di cư theo chân ông, ông đã có một giấc mơ và một quyết tâm làm việc cực khổ và chấp nhận hiểm nguy để đạt được giấc mơ này.

Nhờ ơn trên, ông đã được nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha lắng nghe và nhờ đó Kha Luân Bố đã thực hiện được tham vọng của cuộc đời. Ông đã thành công và đã dọn đường cho những thế hệ sau có thể thăng tiến nhờ chuyên cần, cố gắng và khéo léo.

Là một người rất sùng đạo, Kha Luân Bố luôn luôn biết ơn Thiên Chúa và dâng hiến sứ mệnh tìm kiếm Tân Thế Giới cho việc trở lại đạo của những dân ngoại. Như các tông đồ xưa, ông hy vọng đem Phúc Âm đến với những ai chưa bao giờ được nghe về Chúa Kitô. Ngay khi nhìn thấy đất liền lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 10, năm 1492, toàn thể thủy thủ đoàn đã đọc kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina.)

Ngày nay, những đóng góp của ông bị xóa mờ bởi những từ ngữ như “khai thác” và “tham vàng”, nhưng tất cả những người Mỹ con cháu của các gia đình đang hy vọng thành đạt các ước vọng của họ, trong khi được tự do thực hành đức tin, cần phải biết ơn Kha Luân Bố, một người không những chỉ biết hải hành khéo léo trên biển mà con cả trong cuộc sống nữa.

Kha Luân Bố
Bức họa Kha Luân Bố


Hai chiếc tầu Pinta và Santa Maria
Hải trình đầu tiên
Các nơi ghé đất liền trong chuyến thứ nhất
 
Top Stories
Hanoi Archbishop suffered a new wave of attacks
J.B. An Dang
06:36 17/10/2008
Hanoi Archbishop must be transferred out of Hanoi, the city government told foreign diplomats.

Chairman of Hanoi People’s Committee met with foreign diplomats on Oct. 15 in order to explain persecutions against the Church recently, and probe their reactions on further potential extreme actions.

Archbishop Joseph Ngo: Religious freedom is a LEGAL RIGHT, not a PRIVILEGE.
Nguyen The Thao told “ambassadors, deputy ambassadors and heads of diplomatic missions that the main reason behind the recent land claims at 42 Nha Chung and 178 Nguyen Luong Bang in Hanoi was a poor awareness of the law amongst the Catholic demonstrators,” state-run Vietnam News Agency reported.

Thao accused “a number of priests, led by Archbishop Ngo Quang Kiet, took advantage of parishioners’ beliefs and their own low awareness of the law to instigate unrest, intentionally breaking the law and acting contrary to the interests of both the nation and the Church.”

The Saigon Liberated newspaper fabricated that “foreign diplomats thanked Mr. Chairman for the information and highly praised the solution of Hanoi People’s Committee for land disputes with the Church.”

Fr. John Nguyen from Hanoi took the issue. “No one from a civilized society can ‘highly praised’ overt persecutions against peaceful believers. You can be assured that had a diplomat spoken something in favor of this government’s deeds then surely his name would be on all state media no later than the next day.”

“The obvious question is why to implement such a good solution, the Vietnam government had to deploy hundreds of police armed to the teeth, aided by professionally trained dogs; and was prepared to attack anyone who dared to disclose their plot to the outside world, even an American reporter?” he asked.

The daily newspaper continued to report that Thao told foreign diplomats that “Hanoi Archbishop must be transferred out of Hanoi as he has neither reputation nor creditability with the city’s citizen, including Catholic faithful.”

For Fr. Pascal Nguyen Ngoc Tinh, OFM, in Saigon, it’s simply a blatant lie. For Catholics and many non-Catholics, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet is “an outstanding leader of the Church in Vietnam”.

“What is the real reason underneath this extreme grudging attitude toward the prelate?” he asked.

“In the meeting with Hanoi People’s Committee on Sep. 20, a day after the government had bulldozed the nunciature,” he continued, “the prelate had bold courage to state that religious freedom is a LEGAL RIGHT, not a PRIVILEGE.”

“In my opinion, the very reason that made the communists jump up crazily as if they had electric shocked is that the prelate has the nerve to cry out for rights. When I stand up to demand for my rights, it means my rights have been taken away. They have been deprived from me,” he concluded.

Fr. John Nguyen expressed his grave concerns that Hanoi Archbishop would soon get more and more troubles.

“Thao has been seen as a shining star on Vietnam political theatre,” he explained. “The Politburo has explicitly appreciated his tough attitude and actions against Catholics. Many members of the Party Central Committee had no hesitation to throw their full support behind him. Recently, there have been rumours that he is going to replace the Prime Minister Nguyen Tan Dung who has been seen as a poor choice for that post. The fact that he had greeted foreign diplomats confirmed these rumours. In Vietnam’s diplomatic protocol, it’s very unusual for a mayor to meet with foreign diplomats.”
 
Il sindaco di Hanoi ha chiesto la rimozione dell’arcivescovo Kiet
Asia-News
07:43 17/10/2008
In un incontro con i diplomatici occidentali, Nguyen The Thao annuncia che saranno penalmente perseguiti sacerdoti e fedeli coinvolti nelle manifestazioni per ottenere la restituzione della ex delegazione apostolica e del terreno della parrocchia di Thai Ha.

Hanoi (AsiaNews) – Il sindaco di Hanoi annuncia che saranno penalmente perseguiti sacerdoti e fedeli coinvolti nelle manifestazioni per ottenere la restituzione della ex delegazione apostolica e del terreno della parrocchia di Thai Ha (nella foto) e rivela di aver chiesto che l’arcivescovo della città, mons. Joseph Ngo Quang Kiet fosse “sollevato” dall’incarico.

Entrambe le notizie si riferiscono ad un incontro del presidente del Comitato popolare di Hanoi (il sindaco) Nguyen The Thao, con i diplomatici stranieri ed avente ad oggetto le questioni della ex delegazione e di Thai Ha. Nel resoconto della nazionale VNA, nel corso dell’incontro, svoltosi il 15, Thao ha affermato che all’origine della vicenda c’è stata “la scarsa conoscenza della legge tra i manifestanti cattolici”. Ma “un certo numero di preti, guidati dall’arcivescovo Ngo Quang Kiet” hanno “approfittato della religione, della fede e dell’ignoranza” per violare “volontariamente” la legge ed “andare contro gli interessi sia dello Stato che della Chiesa. Ciò “ha avuto un impatto negativo nei rapporti tra il Comitato, l’arcivescovado e la parrocchia di Thai Ha” e, ha aggiunto Thao “la città ha inviare una ammonimento a Kiet ed ai preti coinvolti, mentre la polizia ha intrapreso un’azione legale contro coloro che sono coinvolti in pubblico disordine e distruzione di proprietà”.

Qui sembra che l’agenzia statale abbia saltato una informazione interessante, riportata da un altro organo di stampa, il Courrier du Vietnam, naturalmente controllato, ma non ufficiale. Il sindaco, aggiunge quest’ultimo, “aveva allora chiesto di sollevare mons. Ngo Quang Kiet dalle sue funzioni di arcivescovo di Hanoi, in quanto “non ha più la fiducia della popolazione di Hanoi e dei cristiani”. Egli “non ha rispettato né cooperato” con le autorità per risolvere il problema, malgrado gli sforzi delle autorità stesse “per persuadere i dignitari ed i cristiani a liberare i terreni occupati”,

Con l’evidente scopo di bilanciare le considerazioni sulla libertà di religione in Vietnam, sollevate dalle sue parole, il presidente del Comitato popolare di Hanoi, a conclusione del suo intervento ha parlato del “contributo dato dai cattolici nel processo di rinnovamento del Paese” e ha aggiunto che, “in anni recenti, le autorità locali si sono continuamente impegnate per creare condizioni favorevoli alle attività religiose, compresa la destinazione di aree a numerose organizzazioni religiose”.
 
Vietnam: Devant des représentants du corps diplomatique, la municipalité de la capitale a lancé des accusations calomnieuses contre l’archevêque de Hanoi
Eglises d'Asie
08:38 17/10/2008
Vietnam: Devant des représentants du corps diplomatique, la municipalité de la capitale a lancé des accusations calomnieuses contre l’archevêque de Hanoi

Le 15 octobre dernier, le président du Comité populaire de Hanoi, Nguyên Thê Thao, a convoqué des représentants des ambassades et des missions diplomatiques de la capitale pour leur présenter la version officielle du conflit entre la communauté catholique et les autorités civiles dans les affaires de l’ancienne Délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha, affaires qui ont défrayé la chronique depuis la fin de l’année dernière. L’exposé et le commentaire unilatéral des faits ont été accompagnés d’accusations calomnieuses contre l’archevêque de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, désigné sous l’appellation pour le moins dépréciative de « M. Kiêt ». Celui-ci a été dénoncé, avec quelques autres membres du clergé, comme le principal responsable des troubles créés par les manifestations des catholiques. Le président du Comité populaire de Hanoi a émis publiquement le souhait de voir l’archevêque abandonner son poste. Le compte-rendu de cet exposé a été publié le lendemain, 16 octobre, par l’agence de presse du Vietnam et repris par les principaux organes de la presse officielle (1).

La cible principale des accusations lancées par la municipalité est sans conteste l’archevêque de Hanoi. « A l’origine de ces affaires, se trouve un certain nombre d’ecclésiastiques avec, à leur tête, l’archevêque Ngô Quang Kiêt. Ils ont utilisé les activités religieuses, la foi et l’ignorance d’un certain nombre de laïcs pour violer volontairement la loi, aller à l’encontre des intérêts de la nation, du peuple et de l’Eglise elle-même. Ils ont porté tort aux relations des autorités de la ville avec l’archevêché ainsi qu’avec la paroisse de Thai Ha (…). » Plus loin, le compte-rendu explique pourquoi le Comité populaire de Hanoi a demandé que « M. Ngô Quang Kiêt » ne conserve pas les fonctions d’archevêque de la capitale: « Dans le peuple de la capitale et même chez les fidèles, la personne de M. Kiêt (sic) ne possède plus un bon renom et la confiance nécessaire. Il a manqué de respect à l’égard des autorités et n’a pas collaboré avec elle à la recherche d’une solution adaptée. Il a tenu des propos provocants à l’égard de l’Etat et prononcé des déclarations offensantes pour le pays et le peuple, méprisantes pour le nom de notre pays et la citoyenneté vietnamienne. »

Ces paroles, qu’il est difficile de ne pas qualifier le calomnieuses, font référence à une intervention de l’archevêque au cours d’une rencontre avec la municipalité de Hanoi dans laquelle il avait déclaré souffrir, lors de ses voyages à l’étranger, du peu de considération accordée à la nationalité et à la citoyenneté vietnamienne, des propos qui ont été outrageusement déformés par la presse officielle.

L’exposé du président du Comité populaire avait commencé par faire l’éloge de la politique menée par les autorités de la capitale à l’égard de la communauté catholique, une politique favorisant la liberté religieuse, protégeant l’exercice du culte et permettant même certaines activités sociales de l’Eglise. Les contributions des catholiques à l’édification du pays étaient aussi mises en valeur. Le compte-rendu exposait ensuite sa version des faits, tout à fait partiale. L’archevêque de Hanoi aurait non pas « demandé » la récupération de son ancienne propriété, mais l’aurait « exigée ». Les autorités municipales auraient multiplié les rencontres, auraient maintenu un dialogue permanent avec l’archevêché et les responsables paroissiaux sans être payés de retour. La municipalité aurait proposé à l’archevêché trois terrains susceptibles de se substituer à la propriété de l’ancienne Délégation apostolique. Ces trois propositions auraient été refusées.

Le compte-rendu ne fait aucune mention des actions policières violentes menées à plusieurs reprises contre l’archevêché aussi bien qu’à l’encontre de la paroisse de Thai Ha, la dernière d’entre elles étant la transformation des anciennes propriétés d’Eglise en jardins publics placés sous haute protection policière. Le compte-rendu se contente de mentionner que la création de jardins publics fait partie de la politique d’urbanisation de la ville à l’approche du millième anniversaire de la capitale.

(1) On peut retrouver le même compte-rendu dans l’organe national du Parti, le Nhan Dân, dans Saigon Giai Phong, An Ninh Thu Dô, Ha Nôi Moi. Il a été aussi mentionné à la radio et à la télévision nationale.

(Source: Eglises d'Asie, 17 octobre 2008)
 
Mayor of Hanoi calls for removal of Archbishop Kiet
Asia-News
09:26 17/10/2008
In a meeting with Western diplomats, Nguyen The Thao announces that there will be punishments for the priests and faithful involved in demonstrations for the restitution of the former apostolic delegation and the land of the parish of Thai Ha.

Hanoi (AsiaNews) - The mayor of Hanoi announces that there will be legal prosecution of the priests and faithful involved in demonstrations for the restitution of the former apostolic delegation and the land of the parish of Thai Ha (in the photo), and reveals that he has asked for the "removal" of the city's archbishop, Joseph Ngo Quang Kiet.

Both statements are in reference to a meeting between the president of the people's committee of Hanoi (mayor) Nguyen The Thao and foreign diplomats. The subject of his remarks was the matter of the former delegation and the parish of Thai Ha. In the account by the national news agency VNA, during the meeting, held on the 15th, Thao stated that the origin of the affair was "the lack of understanding of the law among the Catholic demonstrators. But "a certain number of priests, under the guidance of Archbishop Ngo Quang Kiet" had "taken advantage of religion, of faith and ignorance," in order to violate the law "intentionally," and "to act contrary to the interests of both the state and the Church." This "has had a negative impact on relations between the committee and the archdiocese and the parish of Thai Ha." Thao added that "the city has sent a warning to Kiet and to the priests involved, while the police have begun legal action against those involved in public disorder and the destruction of property."

It seems here that the state news agency has overlooked an important piece of information, reported by another media outlet, the Courrier du Vietnam, which is monitored but not official. The mayor, according to the Courrier, "then asked for the removal of Ngo Quang Kiet from his position as archbishop of Hanoi, in that 'he no longer has the trust of the population of Hanoi, and of Christians'." He "has not respected the authorities or cooperated with them" to resolve the problem, despite the efforts of the authorities themselves "to persuade dignitaries and Christians to leave the occupied land."

With the clear intention of balancing the considerations of religious freedom in Vietnam, disrupted by his words, at the conclusion of his remarks the president of the people's committee of Hanoi spoke of "the contribution made by Catholics in the process of renewing the country," and added that, "in recent years, local authorities have constantly sought to create favorable conditions for religious activities, including the setting aside of areas for numerous religious organizations."
 
Urteile sorgen für internationale Empörung (tiếng Đức)
Asia-News
12:28 17/10/2008
Urteile sorgen für internationale Empörung (tiếng Đức)
(Bản kết án làm thế giới nổi giận)

(17.10.2008, Vietnam) Die Vereinigten Staaten und Medienfachleute haben die Schuldsprüche gegen zwei vietnamesische Journalisten, die einen riesigen Bestechungsskandal aufdeckten, schwer verurteilt.

Der Journalist Nguyen Viet Chien wurde wegen Missbrauchs der demokratischen Freiheit und Verbreitung falscher Informationen zu zwei Jahren Haft verurteilt. Der andere Reporter bekannte sich schuldig und kam deshalb mit zwei Jahren Umerziehung davon. Die US-Botschaft in Hanoi nannte die Urteile enttäuschend, sie widersprächen dem vietnamesischen Gesetz. "Reporter Ohne Grenzen" bezeichneten die Schuldsprüche als einen schrecklichen Schritt in die falsche Richtung. Die Polizeibeamten, die angeklagt waren, den Reportern interne Informationen beschafft zu haben, bekamen ein Jahr Haft bzw. eine Verwarnung ausgesprochen.

Die Journalisten deckten 2005 einen Korruptionsfall im vietnamesischen Verkehrsministerium auf, woraufhin der Verkehrsminister zurücktrat und sein Stellvertreter verhaftet wurde. Informationen, nach denen 40 hohe Parteifunktionäre sowie Regierungsvertreter in den Skandal involviert waren, bekamen die Journalisten aus Polizeikreisen.

Geschrieben von Christine Maukel

Aktuell Asia
 
Human Rights Watch Monitoring Crackdown on Catholics
Human Rights Watch
12:30 17/10/2008
Human Rights Watch Monitoring Crackdown on Catholics

NEW YORK — The Vietnamese government should immediately release Roman Catholics arrested for holding peaceful prayer vigils in Hanoi and hold accountable police and others responsible for attacking Catholic parishioners, Human Rights Watch said. The protesters have been calling for the return of church properties confiscated by the government.

Human Rights Watch also urged the government to end the harassment, threats, and restrictions on the movement of the Archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, who has publicly defended the rights of the Catholic protesters and visited the families of arrested parishioners.

''This is the harshest crackdown on Catholics in Vietnam in decades,'' said Elaine Pearson, deputy Asia director of Human Rights Watch. ''Sadly, religious repression and violent crackdowns by the Vietnamese authorities against peaceful protesters are nothing new.''

Vietnam has neither seen such large numbers of Catholics participating in public protests since the 1950s, nor has the government responded to Catholics so violently as it has in recent decades.

Vietnamese authorities recently used tear gas and electric batons to disband peaceful Catholic prayer vigils in Hanoi, and bulldozed properties considered sacred to Vietnamese Catholics. Hundreds of unidentified people, some in the blue shirts of the Communist Youth League, have harassed, cursed, and spit at parishioners and destroyed church statues. At least eight Catholic parishioners have been arrested for participating in the vigils since the latest round of protests began in mid-August.On Sept. 19, authorities detained and beat an American reporter covering these events.
 
Presidential candidates to speak at NYC's annual political ritual, the Alfred E. Smith dinner
ABC News
12:53 17/10/2008
NEW YORK - Presidential rivals John McCain and Barack Obama have agreed to participate in what historian and author Theodore H. White once called "a ritual of American politics" — the annual Alfred E. Smith Memorial Foundation Dinner.

TNS McCain, ĐDHY Egan, TNS Obama
The 63rd annual dinner on Oct. 16 at New York's Waldorf-Astoria hotel has been a requisite stop for most politicians since the end of World War II. It has featured a galaxy of speakers from Winston Churchill (who spoke by trans-Atlantic telephone to the 1947 gathering) to Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, Ronald Reagan and George H.W. Bush and his son, the current president.

Former British Prime Minister Tony Blair spoke at the 2007 affair.

The dinner, named for the former four-term governor of New York who was the unsuccessful 1928 Democratic presidential candidate and the first Catholic to run for president, are generally lighthearted affairs that benefit a charitable foundation that has raised millions for health care causes over the decades.

At the 2000 dinner, Al Gore and George W. Bush swapped some memorable one-liners.

Bush: "The story of Al Smith's historic run for the presidency is truly inspiring. It gives me hope that, in America, it's still not possible for a fellow named Al to be commander in chief."

Gore: "I never exaggerate. You can ask Tipper or any one of our 11 daughters."

This year's dinner comes one day after the presidential candidates meet in their final debate on the Hofstra University campus in Hempstead on Long Island.
 
Viet Communist official demands transfer of Hanoi's archbishop
Catholic World News
16:45 17/10/2008
Hanoi, Oct. 17, 2008 (CWNews.com) - A leading Vietnamese Communist Party official has called for the transfer of Hanoi's Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, who has been roundly denounced by the government because of his support for Catholics protesting the seizure of Church-owned properties.

Nguyen The Thao, the chairman of the Hanoi People's Committee, met with foreign diplomats on October 15, and told them that the confrontations between police and Catholic demonstrators could be traced to "a poor awareness of the law" among the protestors, the state-run Vietnam News Agency reported. Thao charged that "a number of priests, led by Archbishop Ngo Quang Kiet, took advantage of parishioners’ beliefs and their own low awareness of the law to instigate unrest, intentionally breaking the law and acting contrary to the interests of both the nation and the Church."

The Vietnamese government has battered the archbishop and the Catholic activists of Hanoi in a propaganda campaign, using the state media to accuse the demonstrators of disrespect for the law. Catholic activists have persistently argued that they can demonstrate that the Church holds legal title to the disputed properties, but their claims are rarely aired in the government-controlled media.

In a typical illustration of the government's media power, the Saigon Liberated newspaper reported that after Thao's meeting with ambassadors stationed in Hanoi, "the foreign diplomats thanked Mr. Chairman for the information and highly praised the solution of Hanoi People’s Committee for land disputes with the Church."

Catholics in Hanoi feared that the highly unusual meeting between Thao (who is in effect the mayor of Hanoi) and a group of assembled diplomats was scheduled in order to gauge the envoys' attitude toward possible government action against Church officials. The Saigon Liberated reported Thao's insistence that "the Hanoi archbishop must be transferred out of Hanoi as he has neither reputation nor creditability with the city’s citizens, including Catholic faithful."

Catholic clerics in Hanoi took issue with the government's propaganda line. "No one from a civilized society 'highly praised' overt persecutions against peaceful believers," said Father John Nguyen. "You can be assured that had a diplomat spoken something in favor of this government’s deeds then surely his name would be on all state media no later than the next day." Father Pascal Nguyen Ngoc Tinh of Ho Chi Minh City (Saigon) added the observation that Archbishop Ngo Quang Kiet is highly regarded by Catholics and non-Catholics alike. The real reason for the regime's hostility, he said, is that "the prelate had the bold courage to state the religious freedom is a legal right, not a privilege."
 
State media launch campaign for Hanoi’s archbishop removal
Thuy Dung
20:52 17/10/2008
State-Church tensions boil over again after state media have launched a campaign calling for the removal of Hanoi’s archbishop and Catholics’ protests have erupted to show support behind him.

Prayer vigil at Hanoi Cathedral
Prayer vigil at Ke Sat
During a meeting with a group of assembled diplomats, scheduled on Oct. 15 in order to gauge the envoys' attitude toward possible government action against Church officials, Chairman of Hanoi’s Committee insisted "the Hanoi archbishop must be transferred out of Hanoi as he has neither reputation nor creditability with the city’s citizens, including Catholic faithful."

After Nguyen The Thao had “fired the gun,” state media, lining up awaiting for the marathon, swamped in with massive reports repeating the chairman’s demand for the removal of Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi. Some reports even went further by stating that foreign diplomats who attended the meeting supported the demand.

Almost immediately after the meeting, state media furnish comments from numerous of “furious citizens” demanding the immediate removal as if they could not live together in the same city with the prelate even for one more day.

For a Catholic reporter in Hanoi, the readiness of state media for any attacks aiming at Catholics is absurb yet its reasons are traceable. “The trial of two reporters and two high-ranking police officers who exposed a multi-million dollar political corruption scandal seems to take effects immediately,” commented Hoang Pham. “Some journalists in Vietnam seem to be ready more than ever in co-operation with the government to defame ‘enemies of the regime’. The trial shed a cloud of fear. Now, many want to show their faithfulness to the Party at any cost, even at the sufferings of innocent people,” he warned.

Hanoi Catholics, meanwhile, have not easily submitted to Thao’s aggressiveness. Thousands of Catholics with their placards gathered in St. Joseph Cathedral in a prayer vigil to pray for Msgr. Kiet and the Church in Vietnam demanding again that the government must return the nunciature as it had promised.

At Ke Sac, a parish in Hai Phong diocese, over 3,000 people from Hung Yen, Bac Ninh, and Hanoi gathered in a prayer vigil with similar intentions.

In Saigon, many parishes have held prayer vigils for Hanoi Archbishop and his faithful. Some even have banners outside the church stating clearly that the parishioners protest the injustice against their brothers and sisters in Hanoi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Giám mục giáo phận Bắc Ninh tới thăm Phát Diệm
LM Phêrô Hồng Phúc
08:45 17/10/2008
PHÁT DIỆM - Hôm nay, Ngày 17/10/2008, Đức tân giám mục giáo phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt đã về thăm Toà Giám mục Phát Diệm và chủ sự thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ chính toà Phát Diệm. Linh mục, tu sĩ, giáo dân Phát Diệm đã hân hoan chào mừng và hiệp dâng thánh lễ cầu cho Đức tân giám mục Bắc Ninh.

Ngay phút đầu giới thiệu trước thánh lễ, cha đại diện linh mục đoàn Phát Diệm Giuse Phạm Ngọc Khuê đã nhắc đến ba điều “lạ” nơi Đức tân giám mục Bắc Ninh: một là tên thánh Cosma của Ngài, đối với giáo dân là một tên thánh “lạ”, hai là ngày tấn phong giám mục của Đức cha tại Bắc Ninh có “dấu lạ” trên trời, ba là chim bồ câu bay là “lạ” trong lễ tấn phong.

Đáp từ lời giới thiệu, Đức cha bày tỏ niềm vui khi về thăm Phát Diệm là giáo phận vốn đã trở nên thân thiết đối với ngài. Ngài cũng hài hước trong khiêm tốn rằng chuyến viếng thăm không ngoài đường hướng của ngài hiện nay là “vừa đi vừa học, vừa học vừa đi” Cung cách giản dị, khôi hài trong ý nhị của ngài khiến chúng tôi nhớ tới ngày 07/10/2008 tại Bắc Ninh, trước thánh lễ tấn phong, phái đoàn linh mục, tu sĩ, giáo dân giáo phận Phát Diệm tới chúc mừng ngài, ngài đã đáp từ dí dỏm: “... con chưa làm giám mục bao giờ nên xin cầu nguyện cho con biết làm giám mục thế nào cho đẹp lòng Chúa” .

Trong bài giảng thánh lễ, Đức cha đã diễn giải về thánh Ignatio thành Antiokia, ngài là vị giám mục tử đạo đáng kính, khi bị giải từ Thổ Nhĩ kỳ về Rôma cho thú dữ ăn thịt, ngài đã viết trong lá thư thứ bẩy, xin giáo đoàn để cho ngài nên như hạt lúa miến phải nghiền nát ra dưới răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô. Từ đó Đức cha liên hệ chức giám mục cũng là người “dám” mục, dám thối đi vì Chúa Kitô, vì đoàn chiên. Bài giảng tuy ngắn gọn nhưng cô đọng như khẩu hiệu giám mục của Đức cha là “Tình thương và sự sống” (Job 10,12 )

Được biết Đức cha tiếp tục đi thăm các Đức giám mục Thái Bình, Bùi Chu, Hải Phòng. Hướng đường ngài đang đi tới vẫn là: “vừa đi vừa học, vừa học vừa đi” .
 
Thư của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gửi gia đình Tổng giáo phận
+ ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
09:17 17/10/2008



Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 2008

Kính Gởi: Quý anh em linh mục
Anh chị em tu sĩ, giáo dân
trong gia đình giáo phận Tp.Hồ Chí Minh.



Anh chị em rất thân mến,

1. Tôi hân hoan báo tin vui: gia đình giáo phận chúng ta có thêm một Giám mục phụ tá thứ II.

2. Ngày 1.10.2008 tôi được thư Đức Hồng Y Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ Loan Tin Mừng cho các dân tộc, viết cho tôi ngày 27.9.2008 như sau:

"... Tôi rất vui mừng báo cho ngài rằng Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, hiện là Thư ký HĐGM.VN, làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Tp.Hồ Chí Minh. Nhờ Ngài tham khảo ý kiến của đương sự, và báo cho Bộ rõ ..."

3. Ngày 2.10.2008, tôi đã tham khảo ý kiến cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, và đã trả lời cho Đức Hồng Y Bộ trưởng như sau:

" Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của gia đình giáo phận chúng tôi đối với Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận TP.Hồ Chí Minh. Tôi vui mừng báo cho Ngài sự ưng thuận của đương sự. Chúng tôi xin Ngài cầu nguyện cho Giáo Hội tại Việt Nam, cho gia đình giáo phận chúng tôi, và cho cả hai chúng tôi ... "

4. Ngày 9.10.2008, tôi được thư của Bộ báo cho tôi ngày công bố sự bổ nhiệm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, là ngày thứ Tư 15.10.2008. Xin quý cha xứ và Bề trên dòng tu báo tin vui này cho cộng đoàn vào ngày Chúa nhật 19.10. 2008. Xin cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho vị Tân Giám mục của chúng ta.

5. Đồng thời tôi cũng báo tin cho mọi thành viên trong gia đình giáo phận:

- 8:30 Thứ Bảy 8.11.2008, tại Toà Tổng Giám mục, có cuộc họp mặt đại diện giáo dân, đại diện HĐMVGX, đại diện các đoàn thể, các giới, các phong trào tông đồ giáo dân, cùng các linh mục trong Ban Tư Vấn giáo phận, các linh mục Trưởng Ban Mục vụ giáo phận, các linh mục trong Trung Tâm Mục vụ, nhằm bày tỏ tình hiệp thông huynh đệ liên đới trong gia đình giáo phận, cùng nhau chia sẻ niềm vui chung.

- 7:00 Thứ Bảy 15.11.2008, Thánh Lễ tấn phong giám mục tại khuôn viên Chủng viện.

6. Xin anh chị em hiệp ý tạ ơn Chúa là Cha trên trời đã thương ban những mục tử chăm lo cho dân Người, đồng thời cầu khẩn xin Cha nhân lành ban tràn đầy Thánh Thần là Đấng thánh hoá và biến đổi các mục tử, đặc biệt hai Đức Cha phụ tá cũng như bản thân tôi, ngày càng trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước và như dân Người trông chờ.

+ G.B. PHẠM MINH MẪN
Hồng y Tổng Giám Mục
 
Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, tân Giám Mục Bắc Ninh thăm Phát Diệm
LM. Phêrô Hồng Phúc
10:16 17/10/2008
ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT,

TÂN GIÁM MỤC BẮC NINH THĂM PHÁT DIỆM

Hôm nay, Ngày 17/10/2008, Đức tân giám mục giáo phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt đã về thăm Toà Giám mục Phát Diệm và chủ sự thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ chính toà Phát Diệm. Linh mục, tu sĩ, giáo dân Phát Diệm đã hân hoan chào mừng và hiệp dâng thánh lễ cầu cho Đức tân giám mục Bắc Ninh.

Ngay phút đầu giới thiệu trước thánh lễ, cha đại diện linh mục đoàn Phát Diệm Giuse Phạm Ngọc Khuê đã nhắc đến ba điều “lạ” nơi Đức tân giám mục Bắc Ninh: một là tên thánh Cosma của Ngài, đối với giáo dân là một tên thánh “lạ”, hai là ngày tấn phong giám mục của Đức cha tại Bắc Ninh có “dấu lạ” trên trời, ba là chim bồ câu bay là “lạ” trong lễ tấn phong.

Đáp từ lời giới thiệu, Đức cha bày tỏ niềm vui khi về thăm Phát Diệm là giáo phận vốn đã trở nên thân thiết đối với ngài. Ngài cũng hài hước trong khiêm tốn rằng chuyến viếng thăm không ngoài đường hướng của ngài hiện nay là “vừa đi vừa học, vừa học vừa đi” Cung cách giản dị, khôi hài trong ý nhị của ngài khiến chúng tôi nhớ tới ngày 07/10/2008 tại Bắc Ninh, trước thánh lễ tấn phong, phái đoàn linh mục, tu sĩ, giáo dân giáo phận Phát Diệm tới chúc mừng ngài, ngài đã đáp từ dí dỏm: “... con chưa làm giám mục bao giờ nên xin cầu nguyện cho con biết làm giám mục thế nào cho đẹp lòng Chúa”

Trong bài giảng thánh lễ, Đức cha đã diễn giải về thánh Ignatio thành Antiokia, ngài là vị giám mục tử đạo đáng kính, khi bị giải từ Thổ Nhĩ kỳ về Rôma cho thú dữ ăn thịt, ngài đã viết trong lá thư thứ bẩy, xin giáo đoàn để cho ngài nên như hạt lúa miến phải nghiền nát ra dưới răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Kitô. Từ đó đức cha liên hệ chức giám mục cũng là người “dám” mục, dám thối đi vì Chúa Kitô, vì đoàn chiên. Bài giảng tuy ngắn gọn nhưng cô đọng như khẩu hiệu giám mục của Đức cha là “Tình thương và sự sống” (Job G 10,12 )

Được biết Đức cha tiếp tục đi thăm các Đức giám mục Thái Bình, Bùi Chu, Hải Phòng. Hướng đường ngài đang đi tới vẫn là: “vừa đi vừa học, vừa học vừa đi”
 
Nam Úc, Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Công Lý & Hoà Bình Việt Nam
Jos. Vĩnh SA
10:39 17/10/2008
Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Công Lý và Hoà Bình Trên Quê Hương Việt Nam

Hiệp Thông với Giáo Xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội


Cầu Nguyện
Sau Thánh Lễ lúc 7 giờ tối thứ Sáu ngày 17 tháng 10 năm 2008. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc đã tổ chức Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình trên quê hương Việt Nam
Hiệp Thông
cùng Hiệp Thông với giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội đang bị nhà nước cộng sản Việt Nam bách hại, chiến dụng tài sản đất đai của giáo hội, bằng chứng là cuối tháng 9 vừa qua. Ngay lúc ban đêm, nhà nước đã huy động lực lượng công an đến bao vây, khu vực Tòa Khâm Sứ cũ số 42 Phố Nhà Chung, lập rào kẽm gai, bảo vệ và hỗ trợ cho xe ủi đến phá xập hàng rào, san bằng khu vực khuôn viên Toà Khâm Sứ cũ, để làm thư viện và công viên công cộng, cũng như khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế giáo xứ Thái Hà.

Nhà nước cộng sản Việt Nam đã dùng biện pháp đàn áp bỉ ổi, cướp đất, cướp tài sản lúc ban đêm, không cho dân chúng thấy. Do một viên thiếu tướng công an đến tận nơi chỉ huy.

Buổi Lễ Thắp Nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình được tổ chức tại:

Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Việt Nam

Số 29 South Terrace, Pooraka, SA 5095

Tiểu bang South Australia


Có khoảng gần 1,000 đồng hương đến tham dự, trong đó có: Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, các vị lãnh đạo đại diện các Tôn giáo, các vị lãnh đạo đại diện các Đoàn thể, đảng phải chính trị và các vị đại diện các quân binh chủng, ông Chủ tịch hội Cựu Quân Nhân QLVNCH và đại diện các cơ quan truyền thông VN - Nam Úc.

Đúng 8 giờ tối, Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng đã lên ngỏ lời chào mừng và tuyên bố khai mạc chương trình.

Đức ông cũng nhắc sơ qua các sự kiện đã xảy ra ở bên Việt Nam trong tháng 9 vừa qua, tại giáo xứ Thái Hà và giáo phận Hà Nội và một số nơi khác đang bị bưng bít chưa được nhắc tới. Ngài kêu gọi và nhắn nhủ mọi người, cũng như chuyển một thông điệp đến chính quyền cộng sản Việt Nam là:

Công Lý
Nơi đâu có Công Lý, thì nơi đó mọi người được sống an vui, không lo sợ.

Nơi đâu có Hoà Bình, thì nơi đó mọi người dân được hạnh phúc, ấm. no
An Vui


Sau khi Đức ông ngỏ lời Chào Mừng và tuyên bố khai mạc. Ban Tổ Chức đã cho trình chiếu slide show dài 15’ về những hình ảnh, nhà nước cộng sản cho lực lượng an ninh đàn áp giáo dân giáo xứ Thái Hà, cho công an cảnh sát đến bao vây và dùng xe ủi hạng nặng đến ủi xập hàng rào khuôn viên Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội.

Chiếu lại hình ảnh các cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại trên toàn thế giới phản đối nhà nước cộng sản VN và tổ chức xin chữ ký hỗ trợ, thắp nến cầu nguyện hiệp thông với giáo hội Mẹ Việt Nam.

-Song song với chương trình slide show, Ca Đoàn Việt Linh cùng với Cộng Đoàn cất cao tiếng hát qua các bài thánh ca, đặc biệt bài “Kinh Hòa Bình” được hát đi, hát lại nhiều lần.

-Kế đến một vị đại diện Ban Tổ Chức đọc thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi chính quyền cộng sản Việt Nam và thư chung HĐGM gửi toàn thể các cộng đoàn dân Chúa khắp nơi, các giáo xứ trong nước.

-Ban Tổ Chức giải thích ý nghĩa thắp nến Phục Sinh

-Đức ông Quản Nhiệm và cha Nguyễn Viết Huy Sj Phó Quản Nhiệm lên thắp nến Phục Sinh

-Kế đến là 20 giáo dân, từng cặp một, lên trước Cộng Đoàn dâng 10 lời nguyện.

-Sau phần dâng lời nguyện, toàn thể mọi người xuống cuối hội trường thắp nến và sắp hàng thứ tự đi lên gian cung thánh đặt nến trên bàn. Vừa rước nến, vừa hiệp ý với ca đoàn, tiếp tục hát kinh cầu Hoà Bình.

-Khi mọi người thắp nến xong. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do lên phát biểu cảm tưởng về những hành vi đê hèn của nhà nước cộng sản Việt Nam đã cướp tài sản của dân chúng ngay lúc đêm hôm, tăm tối.

-Trước khi kết thúc chương trình, ông Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc lên cảm tạ quan khách và mọi người đến hiệp ý cầu nguyện, đã nói lên tình thần đoàn kết tương thân, tương ái. Sau đó Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm lên cầu nguyện và Ban Phép Lành kết thúc.

Ca Đoàn Việt Linh hát thánh ca “Mẹ ơi! Đoái thương xem nước Việt Nam” chấm dứt nghi thức “Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình thể hiện trên quê hương Việt Nam”.

Mọi người ra sân “Hóng Mát Cành Buồn” giải khát, uống cà phê và trà đàm cho đến 10 giờ khuya mới tan hàng.

Thiếu Nhi Thắp Nến
Đại Diện Tôn Giáo
 
Anh Phêrô,Thầy nhờ Anh một việc: Tặng tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
KTN
11:24 17/10/2008

ANH PHÊRÔ, THÀY NHỜ ANH MỘT VIỆC…


Kính tặng Tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm

*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Hãy theo Thày đi vào cõi quạnh hiu
Buông tất cả, buông ngữ ngôn hình tướng
Chỉ trái tim anh đang nói Lời Yêu.
*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Anh em Thày vất vả chốn ngoại ô
Anh hãy đến và lắng nghe, gặp gỡ
Những trầm tư, khắc khoải đến không ngờ.
*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Hãy vào thành gặp gỡ người muôn phương
Muôn màu sắc, muôn thanh âm ồn ã
Anh sẻ chia, dịu nhẹ một làn hương.
*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Anh hãy đi, xa khuất khỏi ao nhà
Anh hãy đến những bến bờ xa lạ
Thày sẽ nói với anh trong bao la.
*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Về giữa anh em, tay áo xắn lên
Anh sẽ hiểu tình anh em thông hiệp
Bàu trời yêu thương bát ngát rộng thênh.
*
Anh Phêrô, Thày nhờ anh một việc
Anh có thấy đồng cỏ kia tươi xanh
Và có nghe suối trong veo khúc hát
Thương đoàn chiên, thày lại đến nhờ anh.

Kỷ niệm ngày Tòa Thánh ban sắc phong cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm lên hàng giám mục, ngày 15 tháng Mười, 2008.
KTN
 
Giáo xứ Trang Cảnh thuộc giáo phận Vinh khai giảng Năm Học Giáo Lý
Nguyễn Văn Bằng,svd
13:06 17/10/2008
VINH - Thông thường, ngày 01 tháng 10 là ngày khai giảng năm học giáo lý trong toàn Giáo phận Vinh. Nhưng do vì hoàn cảnh và điều kiện của từng giáo xứ, nên ngày khai giảng có thể chậm hơn vài ngày, hoặc 1 đến 2 tuần.

Do điều kiện chưa thuận lợi, nên Giáo xứ Trang Cảnh thuộc Hạt Cầu Rầm đến ngày 12 tháng 10 mới khai giảng năm học giáo lý. Tuy hôm nay thời tiết không được đẹp, vì trời mưa, cho dù không nặng hạt. Mặc dầu thời tiết có hạt mưa, nhưng từ 6h sáng các em học sinh đã đến khá đầy đủ. Riêng các em học sinh có khoảng chừng 700, và có mặt khoảng 40 giáo lý viên của toàn xứ. Cũng nên nói thêm, Giáo xứ Trang Cảnh có 4 Giáo họ, Giáo họ Trang Cảnh và Vạn Cảnh ở hai bên nhà thờ xứ, còn hai Giáo họ Thịnh Lộc và Thượng Lộc cách nhà thờ xứ khoảng 2-3km. Số giáo dân của toàn xứ khoảng hơn 2.500 giáo dân.

Đúng 6h45 thánh lễ bắt đầu. Trên khuôn mặt của các em hầu như đều lộ ra những niềm vui và lòng phấn khởi, vì bao ngày qua đang mong đợi ngày khai giảng mà nay đã đến. Do đó, các em vừa vui mừng, nhưng vừa lại tỏ lòng sốt mến để dâng thánh lễ khai giảng cho được đẹp và nghiêm trang.

Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, ông Đức, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ lên đọc “Bản Tổng Kết Năm Học 2007-2008” cho các em và toàn thể cộng đoàn nghe để biết những gì đã đạt được và chưa đạt được trong năm học vừa qua. Ong báo cáo:

1. Trong năm học vừa qua, nhìn một cách khái quát, giáo xứ chúng ta đã đạt những thành tích đáng khích lệ. Cụ thể như sau:

- Nhiều học sinh có ý thức rất tốt, tham gia đầy đủ các buổi học giáo lý, ghi chép bài đầy đủ, có ý thức xây dựng bài và biết nghe lời thầy cô giáo cũng như các phụ huynh.
- Có nhiều em đạt thành tích tương đối cao trong kỳ thi giáo xứ, cụ thể như: có 4 em đạt giải ưu tú, 4 em đạt giải nhất, 10 em đạt giải nhì và 5 em đạt giải ba.
- Có nhiều giáo lý viên mặc dầu hoàn cảnh gia đình khó khăn, công việc làm ăn bận rộn, nhưng vẫn cố gắng hy sinh phục vụ tốt những công việc mà cha xứ và cũng như giáo lý viên đề ra. Đặc biệt, có những giáo lý viên vừa làm ban hành giáo và vừa làm phụ huynh.
- Các giáo lý viên luôn soạn bài đầy đủ trước khi tới lớp.
- Một số giáo họ quản lý và điều hành chặt chẻ trong việc học giáo lý, đồng thời ban phụ huynh hoạt động tương đối tốt, nên đạt kết quả cao cấp giáo xứ.
- Có nhiều phụ huynh rất quan tâm đến việc học giáo lý của con em mình. Cụ thể, một gia đình có 5 người con học giáo lý, nhưng đã có 4 em đạt giải cấp giáo xứ.

2. Bên cạnh những thành tích, chúng ta cũng nên nhìn vào thực tế về những mặt chưa đạt trong giáo xứ chúng ta. Cụ thể như sau:

- Có nhiều em rất xem nhẹ việc học giáo lý, nhưng lại hăng say trong việc chơi games, hay tụ tập ngoài đường để nói chuyện. Có nhiều em đi học vì ép buộc, hoặc vào lớp thì hay nói chuyện, quậy phá. Vấn đề này thường xẩy ra trong khối vào đời.
- Có nhiều phụ huynh chưa thực sự quang tâm, chưa động viên con em học tập và đào sâu về giáo lý.
- Một số giáo lý viên chưa làm tròn nhiệm vụ được giao, chưa nhiệt tình với nghề của mình.
- Có nhiều lớp học chưa dạy hết chương trình, đồng thời có một số giáo họ vì thiếu học sinh, thiếu giáo lý viên, nên phải học chung một khối.
- Điều đáng buồn nhất, đó là kết quả kỳ thi cấp giáo hạt vừa qua, giáo xứ chúng ta hơi yếu.

Tuy chưa giám sát một cách chặt chẽ, nhưng ông chủ tịch đã nêu lên được những điểm cụ thể về những thành tích và cũng như những hạn chế của toàn giáo xứ.

Sau phần báo cáo của ông chủ tịch, ông Ngọc Trưởng ban Giáo lý của Giáo xứ lên đọc Phương Hướng cho năm học mới 2008-2009:

Để cho năm học mới đạt kết quả tốt, Ban Giáo lý giáo xứ xin đề ra những phương hướng sau đây:

1. Tiếp tục vận động, củng cố và bồ dưỡng ban giáo lý viên một cách đầy đủ hơn về số lượng cũng như chất lượng.
2. Kêu gọi các em tham gia học tập giáo lý một cách nghiêm túc.
3. Mời gọi các phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học giáo lý của các em.
4. Ban giáo lý xứ sẽ thường xuyên đi thăm hỏi việc dạy và học giáo lý của từng giáo họ để kịp thời xem xét bổ cứu.
5. Kêu gọi các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc học của các em.
6. Sẽ có một buổi khảo sát giữa năm cho từng khối, Ban giáo lý sẽ bảo lưu điểm của những em đạt kết quả cao vào cuối năm, đồng thời sẽ có khen thưởng.

Tiếp đó, ông cũng đại diện ban giáo lý viên nói lên lời quyết tâm cho năm học mới.

Để việc dạy có hiệu quả, ban giáo lý viên chúng con xin quyết tâm:

1. Ban giáo lý viên nguyện quyết tâm phục vụ Chúa và Hội Thánh qua việc hướng dẫn và dạy dỗ các em học giáo lý.
2. Tuy rằng, hoàn cảnh và công việc của mỗi giáo lý viên chúng con đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng con luôn ý thức và chấp hành những quy định để trong năm học này được tốt đẹp hơn.
3. Chúng con luôn phấn đấu và học tập để ban giáo lý viên của giáo xứ ngày được nâng cao về kiến thức cũng như đức tin.

Những phương hướng và quyết tâm đã nói lên được sự cố gắng và quan tâm của ban giáo lý và cũng như các giáo lý viên đối với việc dạy và học giáo lý của toàn giáo xứ, hay nói đúng hơn là quan tâm đến giáo dục đức tin cho các em.

Đồng thời, điều đó cũng theo sát Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Thư Chung 20007 Về Giáo Dục Kitô Giáo”. Trong lãnh vực đức tin, có lẽ hình ảnh đẹp nhất để diễn tả nét sinh động của nền Giáo dục Kitô giáo là hình ảnh cành nho của Chúa Giêsu (x. Ga 15, 16). Hình ảnh đó rõ nét hơn trong hoạt động của các giáo lý viên. Họ giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô, hút nhựa sống Lời Chúa, từ thân cây là Chúa Giêsu để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa-(TC-HĐGMVN 2007, số 20).

Sau đó, em học sinh đại diện lên tuyên hứa cho năm học mới. Em đại diện nói lên lòng biết ơn sâu sắc đối với Cha xứ, tuy ngài đã già yếu nhưng đã không lúc nào mà không quan tâm và lo lắng đến việc học giáo lý của các em. Đồng thời cũng nói lên lời cám ơn đến Hội đồng Mục vụ, Ban Giáo lý đã ân cần lo liệu đến việc học tập của các em. Đặc biệt em đại diện tỏ lòng biết đến các giáo lý viên đã nhiệt tình và hi sinh để dạy dỗ các em. Sau cùng các em xin hứa trong năm học mới này quyết tâm học tập tốt, nghiêm túc, ý thức hơn về việc học giáo lý, đồng thời vâng lời và chấp hành những quy định của ban giáo lý cũng như các giáo lý viên đã đề ra, hầu xứng đáng là con cái của Chúa.

Sau cùng là huấn từ của Cha xứ. Cha tuy già, nhưng ngày đêm cha luôn thao thức đến giới trẻ, cách riêng các em đang học giáo lý. Ngài cho các em thấy việc học giáo lý không chỉ rèn luyện nhân cách con người để có giá trị đối với chính mình, gia đình hay xã hội, nhưng học giáo lý để mà sống, và sống xứng đáng là một người con của Chúa. Đồng thời, ngài cũng khuyên các giáo lý viên cần hy sinh nhiều hơn nữa để có hiệu quả trong vấn đề giảng dạy giáo lý. Các giáo lý viên phải luôn luôn tìm kiếm và học hỏi để nâng cao nghiệp vụ của mình, như Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: Chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác (TH/KTHGD 7).

Sau đó thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể. Mọi người đều hướng về chủ tế để dâng thánh lễ một cách sốt sắng, đồng thời cầu nguyện cho năm học mới gặt hái được nhiều thành quả.
 
Thư Mục Vụ của Giám mục giáo phận Kontum tháng 10-2008
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh
22:10 17/10/2008


Số 110 /VT/’08/Tgmkt


Kontum, ngày 18 tháng 10 năm 2008

Kính gửi:
Quý Cha cùng toàn thể gia đình Giáo Phận Kontum.
Anh chị em rất thân mến,

Tất cả linh mục và giám mục tham dự tĩnh tâm năm tại Tòa Giám Mục xin gửi tới anh chị em tu sĩ giáo dân lời chào thân ái và lời cám ơn. Cám ơn anh chị em hằng thương mến và cầu nguyện cho chúng tôi. Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ đôi điều.

1. Tháng Mười, Tháng Mân Côi.

Anh chị em thân mến,

Tháng Mười, tháng kính Đức Mẹ mân côi. Chuỗi mân côi là bản tóm Sách Thánh. Hội Thánh không ngừng nhắn nhủ con cái thi hành Lời Mẹ Maria dạy “Các con hãy năng lần chuỗi mân côi”. Hãy năng lần chuỗi mân côi. Hãy chỉ dạy cặn kẽ và cùng lần chuỗi với các con em. Ước mong từ nay các xứ họ trong cả giáo phận phát huy truyền thống “cha sở cùng giáo dân lần chuỗi mân côi mỗi chiều tối tại nhà thờ hoặc trước đài Đức Mẹ”. ít ra là chiều thứ bảy, vào khoảng 19g00. Ai không có điều kiện tham dự chung thì cũng nên hiệp thông qua lần chuỗi riêng vào giờ đó.

Thỉnh thoảng có những tin đồn “Đức Mẹ hiện ra nơi này nơi nọ”. Anh chị em hãy nhớ lời Chúa đã cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em” (Mt 24,5tt). Mẹ Giáo Hội rất dè dặt về các chuyện này. Đừng háo hức chạy xô đi xem. Hãy coi đây như dịp Đức Mẹ nhắc nhở con cái năng lần chuỗi mân côi. Xin Mẹ cho chúng ta biết yêu mến Mẹ cách ý thức và trưởng thành. Phép lạ nhãn tiền là người được biến đổi thành con người mới, con người biết yêu Chúa, năng suy gẫm và sống theo Lời Chúa dạy.

2. Tháng Mười, chuẩn bị Ngày bế mạc Năm Thánh Yao Phu & Truyền chức linh mục.

Chúng tôi cũng đã có dịp thông báo cho anh chị em biết Ngày 14.11.2008, ngày kính Thánh Tổ Stêphanô Cuenot Thể, Vị Khai Sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên, cũng là ngày bế mạc Năm Thánh Yao Phu, nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm xây dựng Trường Yao Phu. Chính quyền địa phương đang dùng cơ cở này làm Trường Sư Phạm Tỉnh Kontum. Chúng tôi đã có đơn xin Chính quyền trao lại cơ sở lịch sử lâu đời này. Nguyện xin cho Ý Chúa được nên trọn. Trong ngày này, sẽ có lễ truyền chức linh mục cho 12 Thầy Phó tế. Thánh lễ cử hành lúc 05g30 sáng tại Nhà thờ Chính toà Kontum. Xin anh chị em hiệp thông cầu nguyện và sốt sắng tham dự. Ngày lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, sốt sắng như một sứ điệp truyền giáo.

3. Tháng Mười với Ngày Quốc Tế Truyền Giáo.

Năm nay, trong sứ điệp truyền giáo với chủ đề: “Các Đầy Tớ và Tông Đồ của Chúa Giêsu Kitô”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh một số điểm:

3.1. “Việc truyền giáo vẫn còn ở giai đoạn bắt đầu”. Chúng ta “Cần phải nhắc lại rằng, mặc dù có những khó khăn chồng chất, mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân của Đức Kitô vẫn là một ưu tiên”. Không có lý do nào có thể biện minh cho sự chậm trễ hay ứ đọng, bởi vì “mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân tạo thành đời sống và sứ vụ căn bàn của Hội Thánh” (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 14).

3.2. Đây là công việc ưu tiên của mọi kitô hữu. Mọi người là con Chúa, là anh em với nhau. Tất cả đều khát khao tìm Chúa và muốn được gặp Chúa. Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi thành phần dân Chúa: “Duc in altum!”: “Hãy ra khơi của thế gian và,... hãy thả lưới mà không sợ hãi, vững tin vào sự trợ giúp luôn luôn của Chúa”. Không trừ một ai, kể cả giám mục giáo phận, vì “Một Giám Mục được thánh hiến không phải chỉ cho giáo phận của mình, nhưng cho phần rỗi của cả thế giới” (x. Redemptoris Missio, 63).

4. Tháng Mười, tháng cầu cho Giáo Hội Việt Nam.

Tôi biết nhiều anh chị em đã và đang bị day dứt trước những biến cố dồn dập ở Tổng Giáo Phận Hànội trong những ngày qua. Theo chân lý “mến Chúa yêu người là một”, mọi việc người công giáo đích thực đều xuất phát từ lòng yêu mến. Tạ ơn Chúa tình hình đã lắng dịu, mặc dầu cái gốc của vấn đề là quyền sống của con người trong đó có quyền tư hữu, quyền tự do hành đạo chưa được giải quyết thỏa đáng tận gốc. Khắp nơi anh chị em con Chúa vẫn tiếp tục cầu nguyện cho mọi người thương nhau, hiểu nhau và biết giải quyết mọi vấn đề trong tinh thần yêu chuộng công lý và tôn trọng sự thật.

Điều mất mát lớn trong vụ việc mới xảy ra là mất niềm tin vào nhau. Van Goeth đã từng nói: “Mất nhà mất cửa mất ít! Mất danh mất giá mất nhiều! Mất lòng tin, mất hết!”. Còn người công giáo có một nguyên tắc sống tuyệt vời “Hiệp nhất trong chính yếu. Tự do trong phụ thuộc. Bác ái trong tất cả”. Hãy yêu thương nhau. Hãy cầu cho mọi người lấy lại niềm tin nhau. Hãy cầu cho Giáo Hội Việt Nam luôn là dấu chứng của tình yêu và hợp nhất.

Một trong những hình ảnh nổi bật trong những ngày qua là hình ảnh Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài xuất hiện như một vị chủ chăn can đảm, sáng suốt, yêu nước nồng nàn. Hãy cùng Ngài cảm tạ và tôn vinh quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện nơi Ngài. Cách riêng các sinh viên học sinh cùng viên chức công giáo hãy giúp những bạn bè mình biết rõ lập trường yêu nước của Ngài. Hãy giúp bạn bè được đọc chính bản văn phát biểu của Ngài ngày 20.09.2008. Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi lầm lạc!

5. Một số đề nghị gợi ý:

Giờ đây xin đề nghị với gia đình giáo phận một số việc cụ thể nhân ngày truyền giáo.

5.1. Mỗi kitô hữu là một nhà truyền giáo: Xứ đạo là trường đào tạo mọi thành viên trở thành chứng tá Tin Mừng mọi nơi. Giới trẻ quyết tâm xa lánh những tệ nạn phản chứng Tin Mừng như sống thử trước hôn nhân, phá thai nạo thai, ly dị. Những anh chị em trong nghề buôn bán hay các dịch vụ luôn quý mến tính chân thật, dịu dàng với tinh thần phục vụ cao. Tất cả đều phải có cái tâm trong cuộc sống. Vì thế, mỗi xứ đạo nên có hai tổ chuyên trách: một lo cho truyền giáo một lo cho gia đình ơn gọi.

5.2. Tự kiểm xét đời sống đạo: Ngày truyền giáo là dịp tốt để mỗi người, mỗi cộng đoàn nghiêm túc tra xét lại đời sống với “một ý thức mới về nhu cầu cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng” để từ đó biết tích cực góp công, góp sức cho công việc truyền giáo.

Anh chị em thân mến,

Tôi xin mượn lời nhận xét của các đại biểu trong Hội Nghị Cor Unum họp tại Rôma từ 28.02.2008 đến 01.03.2008 như lời kết bức tâm thư này.

“Vì trong Giáo hội hiện nay chỉ có việc cử hành các bí tích là được coi trọng. Việc rao giảng bị coi nhẹ hơn. Còn việc bác ái thì bị coi như một hoạt động ngoại khóa, nghiệp dư, tùy thích.... Quá nhiều tiền để xây nhà thờ và tổ chức các lễ nghi. Ít tiền hơn dành cho việc rao giảng Tin mừng. Còn bác ái, thì như của dư thừa bố thí. Phải chăng vì thế mà Giáo hội mất sức sống? Phải chăng vì thế mà Giáo hội thiếu tính thuyết phục? Bác ái không phải là một bổn phận. Đó là sự sống của Giáo hội. Quên bác ái, sự sống sẽ suy giảm”.

Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.

Hiệp thông,

(đã ký và đóng dấu)
+ Micae HOÀNG ĐỨC OANH
Giám Mục Giáo Phận Kontum.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ân Xá Quốc Tế: Nhà báo bị án tù phải được thả ngay, vô điều kiện
TH
00:07 17/10/2008
Ân Xá Quốc Tế: Nhà báo bị án tù phải được thả ngay, vô điều kiện

Thursday, October 16, 2008

LONDON 16-10 (TH).- “Ký giả Nguyễn Việt Chiến bị kết án 2 năm tù ngày hôm qua vì đã tường thuật vụ án tham nhũng (ở Bộ Giao Thông Vận Tải và Ban Quản Lý Các Dự Án PMU 18). Ông phải được trả tự do ngay và vô điều kiện”.

Ông Nguyễn Việt Chiến (Photo: Getty Images)
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) phổ biến một bản tuyên bố ngày 16/10/2008 nói như vậy và gọi ông Chiến là “một tù nhân lương tâm”.

Theo AXQT, trong phiên tòa không công bằng kéo dài hơn một ngày ở Hà Nội vào các ngày 14 và 15/10/2008, ông Chiến bị qui kết có tội vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của Bộ Luật Hình Sự CSVN.

AXQT nói đại diện báo chí quốc tế, một số đại diện ngoại giao đoàn quan sát phiên tòa từ màn hình trực tiếp cho hay vụ xử “dưới tiêu chuẩn tố tụng quốc tế”. Nguyễn Việt Chiến đã bị kết án dù công tố viên (kiểm sát viên) không trưng bày các chứng cớ gồm cả việc chứng minh các bản tường thuật của ông Chiến đã làm thiệt hại cho nhà nước và đảng CSVN thế nào.

Trong phiên xử, ông Chiến đã cho hay ông lấy nguồn tin từ cơ quan điều tra và không có vụ lợi gì ngoài sự đóng góp báo chí vào việc chống tham nhũng.

“Trường hợp truy tố Nguyễn Việt Chiến và 3 người khác là một phần của kế hoạch mà nhà cầm quyền CSVN dùng Bộ Luật Hình Sự để bóp nghẹt quyền tự do diễn đạt đối với những vấn đề mà chế độ coi là chính trị nhạy cảm. Nó rõ ràng chứng tỏ nhà cầm quyền CSVN lạm dụng cái bộ luật có ngôn ngữ mơ hồ để khóa cái quyền tự do diễn đạt và cần nhấn mạnh là chế độ Hà Nội phải điều chỉnh những điều luật hình sự chung chung (để bỏ tù ai cũng được), đặc biệt là chương về an ninh quốc phòng.” AXQT nói.

Ông Chiến thì cương quyết không nhận tội, nhưng Nguyễn Văn Hải, ký giả tờ Tuổi Trẻ và cũng là người bị truy tố với ông Chiến, thì đã đổi ý, nhìn nhận đã phổ biến tin tức “không đúng sự thật” và xin tòa nhẹ tay nên đã chỉ bị án tù treo 2 năm.

Các người cung cấp tin cho hai ký giả nói trên, tướng công an Phạm Xuân Quắc, lại chỉ bị “cảnh cáo” trong thuộc cấp của ông này, Ðinh Văn Huynh, bị kêu án một năm tù. Mức án nặng nhẹ, nhiều ít thật xa nhau chứng tỏ sự khập khiễng trong hệ thống tư pháp không độc lập của chế độ Hà Nội.

“Kết luận có tội của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là các chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội đã đi thụt lùi bao xa đối với sự cởi mở công khai, đưa báo chí Việt Nam quay trở lại nguyên hình là các cái loa tuyên truyền một chiều,” AZQT viết.

Sau khi hai ký giả nói trên bị bắt, một số ký giả khác, gồm cả các chức vụ chủ chốt ở hai tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên cũng đã bị sa thải và tịch thu thẻ báo chí.

AXQT kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ các sự giới hạn quyền tự do diễn đạt và khẩn cấp sửa đổi các điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự liên quan đến an ninh quốc phòng, và bảo đảm rằng các từ ngữ mơ hồ phải được thay thế hoặc phải tương ứng với tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Ngay sau phiên xử nói trên, Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội phổ biến bản thông cáo báo chí tỏ ý “thất vọng về kết quả phiên tòa”

“Việt bắt giữ và kết án cải tạo không giam giữ hai năm với ông Hải, và hai năm tù trừ thời gian tạm giam với ông Chiến, là trái với quyền hạn dành cho nhà báo theo luật pháp Việt Nam, cũng như cam kết của giới chức Việt Nam về tự do báo chí.” Bản thông cáo tòa đại sứ Mỹ viết. Kết quả phiên tòa đặc biệt gây quan ngại vì các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng mà các điều tra trước đó của hai nhà báo đã khám phá. Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi tự do toàn diện cho báo chí Việt Nam và yêu cầu chính phủ Việt Nam ủng hộ các quyền tự do này vốn quan trọng trong cuộc đấu tranh chống các vấn nạn xã hội, như tham nhũng và lạm quyền, cũng như trong quá trình tiếp tục phát triển kinh tế của Việt Nam.”

Phát biểu với đài BBC, bà Molly Liên, tham tán tòa đại sứ Thụy Ðiển ở Việt Nam nói: “Chúng tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó phát đi các thông điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam.”

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) thì đả kích kết quả phiên tòa là “một bước lùi tồi tệ cho nền báo chí điều tra tại Việt Nam”. Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả ở New York chỉ trích bản án là “không công bằng và có tính cách trả thù”.
 
Dư luận quanh vụ xử các nhà báo và sĩ quan công an
Mặc Lâm, RFA
01:29 17/10/2008
Dư luận quanh vụ xử các nhà báo và sĩ quan công an

Vụ xử hai nhà báo và các sĩ quan cao cấp công an đã khép lại với những bản án được dư luận đánh giá là bất thường, không những ở cáo trạng mà còn biểu hiện trên danh xưng của bản án. Mặc Lâm lấy ý kiến từ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ và nhà văn Võ Thị Hảo chung quanh vấn đề này mời quý vị theo dõi.

Bản án không thuyết phục

Nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến (Photo AFP)
Phiên tòa xét xử hai nhà báo Nguyễn văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, cùng với nguyên thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc nguyên cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm C14, và Đinh Văn Huynh nguyên trưởng phòng 9 thuộc C14 đã khép lại với những bản án được dư luận cho là không thuyết phục.

Ông Phạm Xuân Quắc là người bị khép tội cung cấp những thông tin cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã làm lộ bí mật công tác và bị tuyên án là có tội với mức phạt cảnh cáo. Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, là người trực tiếp theo dõi, tham gia vụ xử án cho biết ý kiến của ông về danh xưng của bản án này mà theo ông là sai nguyên tắc:

“Lẽ ra phải tuyên án vô tội nhưng làm như thế thì mất sĩ diện của cơ quan cố tình kết án ông Quắc cho nên mới đưa ra cái án phạt cảnh cáo nhưng trong thực tế hình thức cảnh cáo không tồn tại trong bộ luật hình sự.”

Thượng tá Đinh Văn Huynh đã nhận tội và thú nhận rằng mình quá tự tin vào bản thân và bản án dành cho ông là một năm tù giam. Với bản án này, hội đồng xét xử đã chú ý đến yếu tố đóng góp vào quá trình công tác cũng như thành khẩn nhận tội.

Đây là kết quả mà có lẽ chính bản thân ông Huynh không thể ngờ tới vì xét ra quá nặng nề so với những quan tham chỉ bị xử lý hành chánh trong các vụ án trước đây.

Giống với ông Đinh Văn Huynh, nhà báo Nguyễn Văn Hải đã nhận mình sai trái khi viết bài điều tra được tòa đánh giá là thành khẩn dẫn đến quyết định của chủ tọa phiên tòa Trần Văn Vy tuyên trả tự do cho ông Hải ngay tại tòa. Ông Vy cũng cẩn thận nhắc nhở các cán bộ bảo vệ tư pháp tại tòa ngay lập tức đối xử với nhà báo Nguyễn Văn Hải như một công dân bình thường.

Riêng trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến thì khác. Từ đầu phiên tòa, ông luôn xác nhận việc làm của mình là chính đáng và tất cả những bài viết của ông đều nhắm vào mục đích chống tham nhũng.

Ông khẳng định việc lấy tin từ cơ quan điều tra là hợp pháp và ông phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc của viện kiểm sát. Luật Sư Cù Huy Hà Vũ nhận xét:

“Ông Chiến vẫn luôn luôn khẳng định mình là không có tội. Ông không có động cơ nào khác là chống tham nhũng.”

Những hậu quả còn lại

Nhà văn Võ Thị Hảo với tư cách người cầm bút nhận xét bản án dành cho hai nhà báo là không thích hợp, bà nói.

Nhận định việc quy kết tội danh đối với những bị can trong vụ án trên quan điểm pháp lý, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ cho biết:

“Tất nhiên kết quả của phiên tòa là chưa thỏa đáng. Nhất là anh Nguyễn Việt Chiến lại bị tù giam.”

Nhà văn Võ thị Hảo thì quan tâm đến những hậu quả mà bản án có thể để lại cho xã hội, đặc biệt tác động trực tiếp đến báo chí và các cơ quan điều tra:

“Răn đe báo chí theo cái kiểu này thì không những là báo chí sợ mà kể cả những người tố cáo cũng sợ, kể cả những cán bộ điều tra…”

Bản án cho thấy hệ thống luật pháp Việt Nam căn cứ trên cảm tính để xét xử hơn là dựa vào các quy định của luật pháp cũng như các yếu tố cấu thành tội phạm.

Phía sau phiên tòa luôn luôn có một cơ quan chỉ định như lời nhận xét của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đã khiến người dân nghi ngờ tính công minh mà bất cứ phiên tòa nào cũng cần phải có.

Bản án hai năm tù giam dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã kết thúc giai đoạn mở cửa cho các nhà báo trong lĩnh vực chống tham nhũng trong vài năm qua.

Bản án dành cho ông Huynh cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan điều tra, kể cả những cơ quan cao nhất trong hệ thống phải biết tự điều chỉnh mình trong những vụ án lớn, có dính líu đến nhiều nhân vật cao cấp và chớ nên chủ quan trong việc chống tham nhũng tuy rằng việc chống tham nhũng luôn luôn được nhà nước đề cao.

(Nguồn: Mặc Lâm, phóng viên đài RFA, ngày 16.10.2008)
 
Ai không còn uy tín?
Song Hà
07:55 17/10/2008
Ai không còn uy tín?

Trước bất bình của người dân, trước sự xuống cấp thảm hại về tư cách của nhà nước, đặc biệt là UBND TPHN mà đứng đầu là Nguyễn Thế Thảo qua vụ làm hai vườn hoa trên đất của Công giáo bằng cách làm lén lút và bất minh. Trong khi lòng tin của nhân dân, những người đã có một thời tin vào báo đài nhà nước đã sụp đổ nhanh chóng khi sự thật phơi bày, qua việc tráo trở, xuyên tạc và dựng đứng theo cách bốc lửa bỏ tay người của báo đài VN và cả chính miệng của những người đứng đầu TPHN và Chính phủ VN vừa qua.

Vì vậy, TP HN đã có những chiêu giải độc, nhưng càng giải càng trúng độc hết sức ngoạn mục. Những chiêu giải độc đó càng chỉ làm cho nhân dân và những người hiểu biết, quan tâm khinh bỉ hơn tư cách của những quan chức nhà nước hiện nay.

Trong cuộc giải độc với các đại diện ngoại giao đoàn về những việc làm khuất tất của TP HN với hai khu đất Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà của Giáo hội Công giáo, Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói: “Nguyên nhân chính của các vụ việc trên là do một số giáo sĩ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội”?

Và: “Liên quan đến việc TP kiến nghị không để ông Ngô Quang Kiệt giữ chức vụ Tổng giám mục địa phận Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rõ, đó là do uy tín, tín nhiệm của cá nhân ông Kiệt đối với nhân dân Thủ đô, thậm chí đối với cả giáo dân đã không còn nữa. Ông Kiệt đã thiếu tôn trọng và hợp tác với Chính quyền để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn xúc phạm đối với đất nước, dân tộc, coi thường vị thế của đất nước và tư cách công dân Việt Nam”.

Những thông tin trên báo SGGP và TTXVN, người ta càng thấy rõ hơn tính cố chấp và bất chấp của quan chức Hà Nội. Lối áp đặt, dựng chuyện ngậm máu phun người của họ không hề có thay đổi, không hề có chút nào là ân hận lương tâm, cũng không hề có chút nào là liêm sỉ của một con người, chưa nói đến tư cách của một trí thức.

Nếu ông Nguyễn Thế Thảo nói “Ông Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật….” thì chưa đủ, sao không nói thêm rằng: "Ông Ngô Quang Kiệt cũng đã lợi dụng ngay sự thiếu hiểu biết của các giám mục, các linh mục tu sĩ và các giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật. Thậm chí còn kích động kéo theo cả HĐGM Việt Nam, và kéo theo luôn một số các vị lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức yêu nhân quyền trên thế giới về phe mình. Hơn thế còn lợi dụng các tổ chức bảo vệ nhân quyền và cả trăm cộng đồng yêu chuông tự do hòa bình trên thế giới thắp nến cầu nguyện cho công lý và những cuộc dàn áp dã man tại Việt nam?

Khi ông Thảo dám bừa bãi phát ngôn rằng "Ông Ngô Quang Kiệt thiếu tôn trọng và hợp tác với chính quyền để tìm giải pháp thích hợp..."? Ông Thảo đang phơi bầy cách phũ phàng sự dối trá của chế độ CSVN và của UBND Hà nội!. Chính các ông Thảo và UBND Hà nội mới là những người thiếu tôn trọng và hợp tác, vì sự việc đang trong giai đoạn đối thoại để giải quyết thì các ông đã tự ý làm vườn hoa nhanh hơn ăn cướp rồi. Cái sai của Đức TGM Ngô Quang Kiệt là ở chỗ không để cho các quan tham chia chác 2 khu đất mà lại đưa đến giải pháp không thích hợp là bị biến thành 2 vườn hoa một cách bất đắc dĩ.

Cẩu hỏi then chốt: "Giữa TGM Ngô Quang Kiệt và ông Nguyễn Thế Thảo cũng như hàng ngũ quan chức VN hiện nay, ai không còn uy tín, ai không còn được tín nhiệm?"

Tổng GM Ngô Quang Kiệt, người đã nguyện hi sinh phấn đấu suốt đời, quên bản thân mình cũng như tất cả của mình để cho hạnh phúc của nhân thế và tình yêu Thiên Chúa. Những sự hi sinh đó, được khấn thề một cách trọng thể và được hàng triệu con mắt theo dõi, giám sát. Chưa có một thông tin cá nhân nào phủ nhận được những hi sinh to lớn của TGM Ngô Quang Kiệt từ những ngày học hành và bươn chải lo cho từng giáo dân nơi miền biên viễn khó khăn xa xôi đến những ngày làm TGM Hà Nội.

Chưa có ai dám nói về tư cách của Ngài trong tất cả những sinh hoạt như những quan chức Hà Nội và của VN hiện nay. Đó là sự trong sạch, sự hi sinh và cống hiến cho những nhu cầu thực tế của người dân, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ hướng đến những điều thiện và xây dựng cuộc sống bình an về vật chất và ngay cả trong tâm hồn.

Ở TGM Ngô Quang Kiệt, không hề có bè cánh, có ekip nào để làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân. Ông không có dự án, không có rút ruột ngân sách nhà nước, tiền dân vào túi nhà mình. Ông không có việc mua quan bán chức, không có việc tham nhũng, không có chuyện nói trước nhổ sau… như quan chức Hà Nội.

TGM Ngô Quang Kiệt không hề có việc quên đi những nhiệm vụ của mình là phục vụ cộng đồng nhân loại, không hề có việc coi nhân dân như cỏ rác, coi những nguyện vọng của nhân dân là chuyện xa lạ với mình như các quan chức HN và VN hiện nay.

TGM Ngô Quang Kiệt đã coi hạnh phúc, bình an của người dân là của mình, chấp nhận như “chiên giữa bầy sói” để bênh vực và hành động cho công lý, cho hòa bình với nỗi đau đớn sâu sắc. Ông cũng cảm thấy nhục nhã khi đi ra với thế giới, bị hành xử và coi khinh bằng những hành động và cái nhìn coi thường người Việt Nam. Những thái độ coi khinh đó của cộng đồng thế giới không phải là không có cơ sở.

Hãy nhìn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Úc châu vừa qua để biết.

Tự hào gì, khi Thủ tướng một đất nước mà đến đâu cũng bị chính những người dân của mình, chính những đồng bào của mình phản đối dữ dội? Thậm chí, một Thủ tướng, một Chủ tịch nước khi đi thăm một đất nước có đông đảo bà con mình ở đó lại phải chiu cửa hậu vào thì tư cách đất nước ở đâu mà đòi kêu là “vinh dự, vinh quang”?

Tự hào gì, khi một đất nước có thủ đô được lãnh đạo bởi một người mà nhân dân Thủ đô đã yêu quý ông tặng cho ông danh hiệu là “Ông Nguyễn Phế Thải”?

Tự hào ở đâu, khi mà một hệ thống pháp lý đổi trắng thay đen một cách trắng trợn. Theo lời kêu gọi của chính từ miệng đảng cộng sản, những nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, những quan chức đấu tranh chống tham nhũng đã vào tù? Những kẻ tham nhũng lại ung dung bước ra khỏi nhà tù để trả thù những người nhẹ dạ cả tin theo đảng tranh đấu?

Đấu tranh chống tham nhũng là chống đảng, chống nhà nước, vì hệ thống này đã mục ruỗng tận căn? Nó gắn liền với tham nhũng, độc tài và độc quyền, nhằm bảo vệ tập đoàn thống trị tham nhũng hiện nay.

Người đứng đầu chính phủ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối” . Vậy mà chính ông đã không đủ dũng khí để nói thật khi nói về TGM Ngô Quang Kiệt. Trái lại, vẫn cứ một giọng điệu hùa theo những người chuyên nghề gian dối như ông CT Thảo? Ông có yêu sự trung thực không khi chính ông đã không trung thực? ông có ghét sự giả dối không khi chính ông đã giả dối?

Vậy mà Nguyễn Thế Thảo vẫn cố nói lấy được cho rằng TGM Ngô Quang Kiệt không còn uy tín, không được tín nhiệm?

Thử xem, Ông Nguyễn thế Thảo đứng ra kêu gọi nhân dân Thủ đô Hà Nội đứng bên cạnh ông trong một chính sách, một phong trào nào đó mà không trả tiền, chứ chưa nói đến là nguy hiểm đến tính mạng của dân, thì có được 20 người dân sát cánh bên ông hay không?

Còn TGM Ngô Quang Kiệt, chỉ một lời nói, có thể quy tụ hàng vạn, thậm chí cả chục vạn đồng bào công giáo và không theo công giáo đứng bên cạnh mình, sẵn sàng xả thân. Hiện tượng đó nói lên điều gì?

Ai là người có uy tín và ai là người không chỉ mất uy tín và còn cả sự liêm sỉ cần có? Tự những người dân trả lời điều này.

Vừa qua, chỉ có thể kết tội TGM Ngô Quang Kiệt đã làm mất mặt hệ thống nhà nước bằng cách bóc trần bộ mặt của họ, nhất là hệ thống báo đài ăn tiền của dân để phản bội lại chính người dân đang cần sự thật và công lý.

Qua chừng đó thôi, đủ biết ai không còn uy tín để đứng lại ở Hà Nội.

Ông Thảo đừng nhận xằng vơ bậy vào mình những điều không có thực, xin ông Chủ tịch bộ mặt Thủ đô đừng có ngậm máu phun người những chuyện mà ai cũng biết. Khi thiên hạ rõ bộ mặt thật của ông, thì một ngày không xa ông cũng sẽ bị vùi vào chỗ nào đó như một đồ phế thải. Ngay cả đồ phế thải còn có thể dùng tái chế, nhưng khi nó trở thành độc hại thì người ta chôn nó đi không thương tiếc.
 
Thư Mời tham dự Lễ Cầu Nguyện Công Lý cho Việt Nam tại Köln - Đức Quốc
Ban Tổ Chức
08:51 17/10/2008
 
Hòa Lan: Lễ Cầu Nguyện Hiệp Thông Với Giáo Xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà-Nội
Vietnam News
08:55 17/10/2008
(Den Bosch - VNN) Tuần trước, nhân thánh lễ kỷ niệm 20 năm phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Viêt Nam, khoảng 800 giáo dân tại Hoà-Lan đã quy tụ đến nhà thờ chính toà tại thành phố Den Bosch để tham dự thánh lễ và cùng hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Xứ Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp trong nhiều tháng qua trong việc đòi lại đất đai thuộc quyền sở hữu của giáo hội Công Giáo VN. Buổi lễ được cử hành trọng thể dưới sự đồng tế của Đức Ông Trần Văn Hoà, vị chủ chăn của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với 4 vị Linh Mục người Việt và Hoà-Lan.

Cộng đồng người Việt Hòa Lan cầu nguyện hiệp thông cùng giáo xứ Thái Hà và TGP Hà Nội. Trong thánh lễ Đức Ông Hoà đã kêu gọi mọi người cùng hướng về quê hương Việt Nam và dâng lời cầu nguyện cho giáo hội công giáo Việt Nam đang bị bách hại, đồng thời cũng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam mau sớm có Tự Do để mọi người Việt Nam được quyền thực thi tín ngưỡng của mình. Sau đó Đức Ông Hoà và các vị Linh Mục đồng tế đã cùng đại diện Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan và một số đoàn thể tại Hoà-Lan đến thắp nến trước bàn thờ Đức Mẹ và cầu nguyện hiệp thông với Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong cuộc tranh đấu của giáo dân đòi lại đất ở toà Khâm Sứ đã bị cộng sản chiếm đoạt vào năm 1947 và nhà thờ Thái Hà vào năm 1961, nhà cầm quyền cộng sản VN đã dùng hơi cay, chó săn thẳng tay đàn áp các giáo dân, gây thương tích cho một số giáo hữu và bắt giam một số người khác. Đất đai tại toà Khâm Sứ sau đó đã bị san bằng biến thành vườn hoa nhằm tuyên truyền đánh lạc hướng. Ngoài ra họ cũng phong toả toà tổng giám mục Hà Nội và dùng các phương tiện truyền thông để xuyên tạc, đả phá Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, vị lãnh đạo tinh thần tại đây.

Trong cuộc tiếp xúc với các vị đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào ngày 1 tháng 10, chính Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng VC đã lên án Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt "không tôn trọng luật pháp" và khẳng định một lần nữa "đất đai là thuộc quyền sở hữu của nhà nước."

Sau khi thánh lễ kết thúc các anh chị thuộc Uỷ Ban Hỗ Trợ Đấu Tranh Dân Chủ cho Việt Nam tại Hòa Lan đã phổ biến các tài liệu liên quan đến cuộc tranh đấu của giáo xứ Thái Hà và toà Tổng Giám Mục Hà Nội.
 
Đảng CS Ta thua đậm keo này
Blogger Đinh Tấn Lực
09:09 17/10/2008
Đảng CS Ta Thua Đậm Keo Này

Nếu không có những cánh chim
Anh chỉ là tảng đất nâu trên cánh đồng vô thức

(Nguyễn Việt Chiến – Sơn Ca)

Trận đấu rõ ràng không cân sức. Đảng ta dồn hết sức lấy thịt đè người. Tưởng đâu ăn chắc, phen này triệu vú lấp miệng dân. Dè đâu cho tới phút 89, huấn luyện viên tuyên giáo Tô Huy Rứa cùng đội tuyển Tư pháp Nhà nước đã bỏ ngỏ khung thành cho đảng ta thua đậm.

Bảo Kê Tham Nhũng

Đảng muốn bưng bít tham nhũng, lại làm cho nó hiện ra rõ hơn bao giờ.

PMU-18 là một vụ án xuyên …nhiều thứ, kể cả BCH/TƯĐ. Đó là lý do khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải bật đèn đỏ, bảo ngừng. Không khác chi lệnh miệng của UV/BCT Nguyễn Khoa Điềm thời Năm Cam làm động ổ tham nhũng/bao che lên quá cấp thứ trưởng. Rồi lại có cánh PMU-18 huơ hồi mã thương bật ngược: Con hạm Thứ trưởng BGTVT Nguyễn Việt Tiến trở thành "vô tội", thung dung mặc com-lê ra khỏi nhà tù bằng ôtô con. Ngược lại, hai chức sắc thượng tầng C14 của ngành công an bị câu lưu về quy trình điều tra trong vụ này. Toàn bộ báo chí chính quy xếp hàng một thủ vai Quách Tĩnh ngậm tăm.

Cơn sóng hồ hởi chống tham nhũng của cả nước bị rút củi hạ nhiệt bất ngờ từ "vụ án tham nhũng" xuống mức "vụ án đánh bạc cá độ" bình thường, cho dù tiền cá độ lên đến 2.6 triệu USD lấy từ dự án tài trợ ODA của nước ngoài. Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ nhận xét: "Tôi tưởng cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang đi lên thì việc bắt bớ các nhà báo cho thấy cuộc chiến này đang đi xuống… Những kẻ có thể coi là mafia đang chống lại thế lực lành mạnh chống tham nhũng". Ký giả Huy Đức nhận định việc bắt bớ này rất dễ khiến cho dư luận nghĩ rằng: "Những người chống tham nhũng đang bị tấn công ngược".

Các nhà báo ngó nhau và ngó lại chính mình xem quy trình tác nghiệp có chỗ nào sơ hở? Một số ký giả bị Thứ trưởng TT-TT Đỗ Quý Doãn ký lệnh rút thẻ, trong đó có hai Phó Tổng biên tập của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ.

Hai nhà báo năng nổ nức danh là Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) bị bắt giam và bị khởi tố về tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" theo điều 258 Bộ luật Hình sự. Sau đó, ngay trước ngày ra tòa, lại được nhà nước tự động cải biến tội danh một cách vi luật để trở thành "lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của phóng viên".

Đáng bực nhất là đám ký giả phóng viên của các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài, nhất định không chịu xếp hàng một vào hành lang lề phải, mà vẫn cứ thõng tay vào chợ, đi tựa tin "Hai nhà báo Việt Nam bị ra tòa vì đưa tin về tham nhũng" (The Guardian), "Các nhà báo VN đối diện với án tù vì đi tin tham nhũng" (AFP), hay "VN xử tội hai nhà báo vì các bài tường thuật tham nhũng" (AP, hãng thông tấn có Ben Stocking bị CA đập máy ảnh vào đầu ở Thái Hà mới đây).

Bob Dietz, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả có trụ sở tại New York nói rằng: Bản án nhắm vào các nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải thật đáng xấu hổ. Thông qua việc vạch trần bê bối tham nhũng lớn tại cơ quan chính phủ, hai nhà báo đã có công phụng sự nhân dân…. Phán quyết của tòa án là không công bằng và mang tính trả thù.

Nói chung là vụ án này đã khiến dư luận cả trong và ngoài nước đặt ra quá nhiều câu hỏi về tình trạng tham nhũng thượng hạng ngoại hạng ở VN.

Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn bưng bít tham nhũng, mà lại làm cho nó hiện ra rõ hơn bao giờ là gì? Không thua đậm sao?

Phiên Tòa Chính Trị

Đảng tự ý định nghĩa chống tham nhũng là làm chính trị.

Không khác mấy so với trường hợp Điếu Cày chống ngoại xâm (ngược ý đảng) và bị khép án trốn thuế. Ở đây, hai phóng viên Hải và Chiến được lựa chọn trong số hàng trăm phóng viên đi tin về vụ tham nhũng động trời PMU-18 để bị bắt giam và ra tòa. Theo cáo trạng, ít nhất 25 phóng viên của các báo được yêu cầu ra làm chứng, trong đó có ký giả của các nhật báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên hay Lao Động…

Lại có một cuộc họp quan trọng ở Hà Nội vào chiều ngày 26/6/2008, giữa Ban Tuyên giáo Trung ương đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội nhà báo VN, và Bộ Công an, đặc biệt có sự hiện diện của Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh VN… để đề ra định hướng "về công tác tư tưởng" cho các ban ngành ở Việt Nam nhân vụ bắt giam và khởi tố hai nhà báo và hai sĩ quan CA cao cấp. Qua đó, cũng là lần đầu tiên, nhà nước tiết lộ cho các cử tọa chọn lọc được biết chi tiết lời khai báo của hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải ra sao.

Phiên họp có chỉ đạo vừa nói còn bàn sâu về cách xử lý dư luận báo chí trong và ngoài nước trước "vụ án báo chí" lịch sử này. Qua đó, giới truyền thông trong nước được cảnh báo là "không đưa tin giật gân, không bình luận về các tình tiết xét xử, tranh tụng". Quan trọng nhất, phải xem đây là phiên tòa "bình thường, không có động cơ chính trị".

Thêm vào đó, chỉ đạo này còn quy định rõ là báo chí chỉ được đề cập đến 4 nghi can này bằng đại danh xưng "nguyên" nhà báo hoặc "nguyên" sĩ quan CA. Có nghĩa là họ bị tước mất chức danh nghề nghiệp trước khi ra tòa. Có thể bởi nhiều lý do, một trong các lý do được nhiều người nghi ngờ nhất là đảng ta không muốn các nghi can này làm ô uế thanh danh các đảng viên và đồng nghiệp của họ! Người bị khép án nặng nhất (2 năm tù giam) là nhà báo Nguyễn Việt Chiến, chưa từng gia nhập đảng CSVN. Yếu tố này, theo đảng ta, là hoàn toàn phi chính trị!!!

Nếu là một phiên tòa bình thường thì cứ để mặc nó diễn ra, việc gì nhà nước phải huy động tới Ban Tuyên giáo TƯ ra chỉ thị rào đón răn đe về ý nghĩa chính trị của nó?

Ông Vincent Brossel, Giám đốc Á châu sự vụ của tổ chức Phóng viên Không biên giới cho rằng: "Đây là một phiên tòa chính trị. Đây là vụ xử án truyền thông tự do".

Rõ ràng, chẳng phải đảng ta tự ý định nghĩa chống tham nhũng là làm chính trị đó ư? Không thua đậm sao?

Thu Hút Dư Luận

Đảng tiến hành trong vòng giới hạn và kín đáo một vụ xử gọi là công khai, nhưng vẫn thu hút dư luận.

Có 30 phóng viên VN cùng một số đại diện sứ quán nước ngoài cùng đại diện một số hãng thông tấn nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam đã được cấp giấy phép tới theo dõi phiên xử. Tuy nhiên, phần lớn đều chỉ được quan sát phiên tòa qua màn ảnh truyền hình. Có hai lãnh đạo của hai tờ báo liên hệ hiện diện là TBT báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng và Phó TBT báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông. Được biết TBT báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, sau công tác Hoa hậu Hoàn vũ, đã bận đi thăm con gái ở Mỹ trong dịp này. Không ai thấy Chủ tịch Hội nhà báo VN hay Chủ tịch Hội nhà văn VN có mặt (Ký giả kiêm nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng đoạt Giải thưởng Văn chương của Hội nhà văn năm 2004).

Chỉ riêng đại diện Thông tấn xã và đài truyền hình VN là được vào phòng xử, theo đúng công thức cái khuôn bánh lọt truyền thông. Tuy nhiên, lần này, phóng viên đài truyền hình không hề yêu cầu bất kỳ một ai gỡ cất huy chương trên ngực như đận "phỏng vấn giáo dân" ở Thái Hà vừa rồi.

Về phía thân nhân của các nghi can, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của nhà báo Nguyễn Văn Hải, cho biết là gia đình bà không nhận được vé mời tham dự phiên tòa. Trong khi đó, những nhà báo có tên trong danh sách triệu tập làm nhân chứng cho đồng nghiệp đều náo nức ra tòa, đến mức sẵn sàng chi tiền túi mua vé máy bay ra Hà Nội, cho dù biết trước là chỉ được coi truyền hình, nhưng ít ra là được ở ngay bên cạnh hai đồng nghiệp đứng trước vành móng ngựa. Có những người có tên trong danh sách mà không được triệu tập đã tỏ lộ sự bức xúc, bực dọc ra mặt. Điều này cho thấy là tác dụng răn đe của đảng ta đã trở thành một bản tấu hài.

Ngay trước phiên tòa, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã lên tiếng đòi trả tự do tức khắc cho hai nhà báo bị bắt giam. Nhiều tổ chức nước ngoài và cơ quan quốc tế đã coi phiên tòa này như một loại nhiệt kế để đo lường giá trị cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam, và cả mức độ nới lỏng tự do báo chí ở đây.

Nhiều bloggers dân báo đã kháo nhau trên mạng về phiên tòa và dự đoán kết quả của nó, cả nghiêm chỉnh lẫn diễu cợt. Rất nhiều bloggers/nhà văn/nhà báo đã tự đặt mình vào vị trí đồng nghiệp, đồng chí hay đồng hội đồng thuyền với hai ký giả ra tòa. Tiêu biểu là nhà văn Võ Thị Hảo đã khẳng định: "Tôi tin là họ vô tội". Blogger Kim Ngưu viết: "Đã gần 2g sáng. Một ngày mới đã đến. Tôi đợi một tin vui trong ngày hôm nay, từ HN…".

AFP tỏ ra quan sát tinh tế khi đưa tin về một số nhà báo Việt Nam đứng bên ngoài phiên tòa buổi sáng thứ Ba, có người cầm hoa để bày tỏ tình cảm với hai đồng nghiệp bị xử, một số người khác chăm sóc thân nhân của các đồng nghiệp lâm nạn đó.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới bình luận rằng: "Với việc đưa nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải ra xử, nhà nước đã chọn cách trả thù các ký giả đã từng đưa ra ánh sáng các vụ việc (tham nhũng) làm bẽ mặt (nhà nước) cũng như đã từng mang lại thêm chút ít tự do đối với báo chí Việt Nam".

Bản thông cáo báo chí của sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết: "Hoa Kỳ thất vọng với kết quả vụ xử Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ, và Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên, những người bị bắt hồi tháng Năm 2008… Việc bắt giữ và kết án cải tạo không giam giữ hai năm đối với ông Hải, và hai năm tù có trừ thời gian tạm giam đối với ông Chiến, là trái với quyền hạn dành cho nhà báo theo luật pháp Việt Nam, cũng như (đi ngược) cam kết của giới chức Việt Nam về tự do báo chí… Kết quả phiên tòa đặc biệt gây quan ngại vì các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng mà các điều tra trước đó của hai nhà báo đã khám phá… Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi tự do toàn diện cho báo chí Việt Nam và yêu cầu chính phủ Việt Nam ủng hộ các quyền tự do này, vốn rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống các vấn nạn xã hội, như tham nhũng và lạm quyền; cũng như trong quá trình tiếp tục phát triển kinh tế của Việt Nam".

Molly Lien, Tham tán Ngoại giao Thụy Điển tại Hà Nội, phát biểu rằng: "Chúng tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó sẽ phát đi các thông điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam… Nó cũng làm nổi lên các nghi vấn về luật pháp cũng như tính minh bạch trong hệ thống tư pháp của Việt Nam".

Chưa ai quên lời tuyên bố của Chánh thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Ngọc Dương, trong một phiên điều trần trước Quốc Hội: "Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được, xử thua cũng được…".

Rõ ràng, chẳng phải đảng ta càng chủ ý ra sức giới hạn dư luận cho có vẻ bình thường thì lại nhận kết quả ngược hẳn là gì? Không thua đậm sao?

Vạn Nhân Cụ Chi Kế

Đảng sử dụng pháp luật để "trị một người cho vạn kẻ khác sợ".

Hình thức khủng bố này đã được đảng ta thử nghiệm từ nhiều năm qua, xa là thời Nhân Văn-Giai Phẩm và Xét Lại, gần là kể từ dạo nhà nước cật lực trả thù các nhân vật Thích Quảng Độ, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang… cho tới Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nhiều người khác nữa, đếm không xuể, kể không hết, cho chí gần đây nhất là tay dân báo Điếu Cày… Câu hỏi đặt ra là sao nhiều người lắm vậy? Cả Đức Tổng Ngô Quang Kiệt và Giám mục Nguyễn Văn Sang còn tự nguyện đi tù thay cho giáo dân cầu nguyện bị bắt bớ. Vậy thì… thật ra có ai sợ như đảng muốn không?

Trong phiên tòa này, đảng ta chờ đợi các "bị cáo" tự biến thành những ngọn lau bị khuất phục. Đảng ta không ngờ đã va phải một ngọn núi kiên định niềm tin hoa cương vào Sự Thật và Quyền Bảo Vệ Sự Thật. Ngay cả người khiếm thị cũng thấy ra "Ai Thắng Ai" trong toàn bộ đoạn băng đối chất giữa "quý tòa" Trần Văn Vy và "bị cáo" Nguyễn Việt Chiến, cho dù chánh án Vy đã nhiều lần cắt ngang và át giọng ký giả Chiến. Đặc biệt là qua lời đề nghị của ký giả Chiến đòi tòa án công khai những đoạn băng ghi âm do chính ông cung cấp cho cơ quan điều tra, mà chánh an Vy đã câm như hến.

Nhà báo Trần Quang Thành kể lại rằng: "Chính bản thân tôi cùng những đồng nghiệp khác trong đó có anh Nguyễn Việt Chiến đã viết thư gửi tới Bộ Chính trị và Trung ương nói về ông Trần Mai Hạnh, Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam đã bao che cho Năm Cam về tội phạm và đi chạy án cho ông ấy. Chính lúc đó bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, đã nhân danh đảng uỷ Ban lãnh đạo Đài cùng ông Đỗ Khánh Toàn, ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, chính thức nhân danh hai tổ chức này gửi công văn đến Bộ Chính trị, Ban bí thư và các cơ quan lãnh đạo nói ông Trần Mai Hạnh là con người mẫu mực, trong sáng và đạo đức. Người nào viết thư tố cáo ông Hạnh bao che tội phạm, chạy án thì là những người nói xấu đảng, chống đảng!".

Lại có người nhắc đến lời tuyên bố nức lòng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối".

Rõ ràng là nhà báo Nguyễn Việt Chiến chỉ thực hiện chức năng đưa Sự Thật ra ánh sáng công luận, và quyết lòng bảo vệ Sự Thật đó tới cùng. Đảng phán quyết Nguyễn Việt Chiến phạm tội nói lên Sự Thật, thì có khác nào đảng ta đã lại bỏ công dọn đường trải thảm đưa thêm người vào lịch sử?

Rõ ràng, chẳng phải cái "vạn nhân cụ chi kế" của đảng đã tự úm ba la biến thành câu hỏi "Ai Sợ Ai" đó ư? Không thua đậm sao?

Bỏ Thói Khinh Dân

Đảng coi thường nhân dân, và muốn tiếp tục lừa dân.

Đảng ta luôn sắp xếp và chỉ đạo mọi thứ để qua mặt dân, từ lúc bắt người, điều tra thẩm vấn, cho tới lúc ra tòa, truyền thông tới lấy tin ra sao, viết gì… Qua đó, đảng cũng đã công khai khinh thường cả một đội ngũ vạn rưỡi ký giả phóng viên mà đảng ta nghĩ là đã ban ơn cho gia đình họ có một nồi cơm, theo kiểu bảo sơn là sơn, bảo thái là thái (công thức mua bài của tờ CAND & ANTG). Rõ ràng là đảng ta đánh giá quá thấp lòng tự trọng của những ký giả nhà nghề. Rõ ràng là đảng ta xem nhẹ lương tâm của những nhà báo đặt lý tưởng nghề nghiệp và quyền lợi dân tộc lên trên cả sinh mạng chính mình. Rõ ràng là đảng ta quen thói kẻ cả chuyên dở trò bắt nạt, khủng bố đời sống và tinh thần những con người tôn trọng nhân phẩm.

Không ngờ phen này, đảng ta chờ đợi những tảng đất nâu trên cánh đồng vô thức thì gặp một cánh chim Sơn Ca bay vút. Đảng ta chờ đợi những con người rón rén thì gặp một tập thể cầm bút liên đới đứng thẳng, bên cạnh đó còn thêm hàng chục vạn cư dân trên mạng công khai đưa tin và chuyển tin để cân bằng với hệ thống truyền thông chính quy trong tay nhà nước.

Đảng coi thường nhân dân, nào ngờ qua những vụ việc Điếu Cày, Thái Hà, Tòa Khâm gần đây… và vụ án Ký giả ra tòa lần này, nhân dân đòi hỏi và chờ đợi thêm sự thật, thêm công bằng, nhưng hoàn toàn không tin là đảng ta có khả năng và thiện chí đó.

Đảng muốn tạo một bài học cho ký giả, không dè bị ký giả dạy lại cho một bài học tự trọng nêu cao trách nhiệm xã hội và đạo đức tác nghiệp nhà báo rất đáng được đưa vào giáo trình cho ngành báo chí.

Đảng dùng mọi thủ đoạn để lừa dân. Không ngờ lần này nhân dân đã có câu trả lời cho một câu hỏi lưu cửu bấy lâu nay: "Ai Tin Ai?". Dân tin đảng? Dân tin báo đảng? Dân tin vào dàn báo chính quy của đảng? Dân tin vào luật pháp của đảng? Dân tin vào hệ thống điều tra và truy tố của đảng? Dân tin vào tòa án và hệ thống tư pháp của đảng? Ký giả phóng viên tin vào đảng? Ký giả phóng viên tin vào các khẩu hiệu chống tham nhũng của đảng? Ký giả phóng viên tin vào khẩu hiệu sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp? Sau cùng và quan trọng nhất, đảng viên có còn tin vào đảng?

Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn tiếp tục lừa dân mà bị lật tẩy đến mức xóa sạch niềm tin đó ư? Không thua đậm sao?

Thách Thức Sinh Tử

Lãnh đạo đảng ta vẫn ngỡ là còn khả năng khống chế nhân dân, bằng cách nhấn chìm những kẻ bất đồng chính kiến xuống tận bùn đen, thông qua các bản án tù đày và nhân danh luật pháp.

Khả năng này đang bị thách thức đến mức sinh tử, sống còn, qua một loạt những vụ việc tiếp nối trong nhũng năm gần đây, ở cả hai mặt đối nội lẫn đối ngoại. Đặc biệt là ở thái độ yếu hèn của lãnh đạo đảng trước sự cố Tam Sa… Hoặc ở thái độ bao che cho tham nhũng, trong một bối cảnh bất lực trước việc ngăn chận nạn lạm phát hỏa tiễn khiến cho dân nghèo chết dở.

Dù vậy, có một số huân chương hiện cần được trao ngay trong mùa kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10:

1-Bộ chính trị đã dồn sức làm rõ đến mức không thể nào rõ hơn được nữa cái Định hướng tình thế "Dùng án báo chí để đánh bạt án tham nhũng". (Tương tự như cắt rời một câu nói của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt để tập trung dư luận vào việc xử lý vụ đòi đất Thái Hà và đánh bạt vụ Phạm Văn Đồng dâng đất hiến đảo cho Tàu phù dạo 14 tháng 9).

2-Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời lánh mặt để biểu hiện tính cách "độc lập" của định hướng đó, cho dù có phải thậm thụt chui ra chui vào các cửa hậu ở Nam bán cầu.

3-Ban tuyên giáo Trung ương đã có công chẻ nhỏ Định hướng đó thành phương án "bỏ tù ký giả để dập tắt trào lưu chống tham nhũng" thông qua vụ PMU-18.

4-Chánh án Trần Văn Vy đã đối chất với Nguyễn Việt Chiến, dù bao lần cắt ngang "thôi được rồi", vẫn tạo điều kiện cho nhân dân cùng ôn tập lại từ đầu những tình tiết chạy án gay cấn của các bị cáo trong vụ tham nhũng PMU 18.

5-Chánh án Trần Văn Vy đã soi sáng cho nhân dân thấy rõ yếu tố vô tội đến trắng án của Nguyễn Việt Tiến và tội danh cương trực khẳng khái rất đáng trừng trị của ký giả Nguyễn Việt Chiến.

6-Huân chương cao quý nhất được trao cho Tòa án Nhân dân Hà Nội, vì đã giúp cho nhân dân biết đến và ngưỡng phục một con người bảo vệ Sự Thật tới tận cùng chữ Dũng.

Cánh cổng tòa án sơ thẩm đã khép lại. Lòng người lạc quan hưng phấn lại mở ra. Vừa cảm, vừa thương, vừa bội phục, vừa trân trọng biết bao một ngọn trúc uy phong giữa lô nhô lau lách, một đóa sen rực sắc giữa bùn nước đầm lầy.

Rõ ràng, chẳng phải đảng ta muốn dìm dân xuống bùn đen mà lại làm nở rực những đóa quân tử hoa đó ư? Không thua đậm thì là gì?

Ngày 17-10-2008, nhân lễ phát động Tháng cao điểm Vì Người Nghèo.
 
Chính sách chạy rong
Đỗ Thái Nhiên
11:05 17/10/2008

Chính sách chạy rong



Ngủ rong là nay ngủ nhà này, mai ngủ nhà khác. Hát rong còn gọi là hát dạo. Sáng hát ở đầu đường, chiều hát trong xó chợ, kiếm tiền sống độ nhật. Hàng rong là kiểu bán hàng di động liên miên. Di động để tìm đến khách hàng, di động vì bị công an hè phố xua đuổi. Nói chung ngủ rong, hát rong, bán rong cùng với các loại sống rong khác là phương pháp mưu sinh bồng bềnh của giới quần chúng cùng khổ. Thế nhưng trên địa bàn chính trị, thời gian gần đây, tại sao chế độ Hà Nội lại phải thực thi một loại chính sách mới, gọi là chính sách chạy rong? Ý nghĩa của chính sách này là gì? Câu trả lời nằm ở hai trường hợp chạy rong điển hình sau đây:

Trường hợp một

Cuối năm 2007, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 01 và tháng 04 năm 2008, Điếu Cày lại cùng với sinh viên dự định thực hiện các cuộc biểu tình chống cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngang qua thành phố Saigon. Ngày 21/04/2008 Điếu Cày bị công an Saigon bắt giam. Ngày 10/09/2008, toà án CSVN đã xử phạt Điếu Cày 2 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế. Công luân đều thừa biết Điếu Cày rơi vào vòng lao lý chỉ vì người ký giả hào hùng này đã mạnh mẽ chống Trung Quốc xâm lược. Thế nhưng, chế độ Hà Nội, tay sai của Trung Quốc, lại loan tin là Điếu Cày bị phạt giam vì lý do đương sự trốn thuế.

Giữa tháng 08/2008, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã phổ biến lời nhận định đối với trường hợp bị gọi là trốn thuế của Điếu Cày như sau: “Điếu Cày bị cáo buộc trốn đóng thuế đối với một bất động sản mà ông cho thuê trong mười năm. Tuy nhiên, trong thực tế, công ty thuê mướn bất động sản của Điếu Cày từng thỏa thuận và cam kết với Điếu Cày là họ sẽ nộp tất cả các khoản thuế có liên hệ đến bất động sản. Luật pháp Việt Nam nhìn nhân tính chất hợp pháp của loại hợp đồng vừa kể”

Nếu trốn thuế, tại sao mười năm qua Điếu Cày không hề bị sở thuế hạch hỏi? Tại sao phải đợi cho đến ngày Điếu Cày chống Trung Quốc, CSVN mới đặt vấn đề thuế má đối với Điếu Cày? Không còn nghi ngờ gì nữa, Điếu Cày không hề trốn thuế. Trốn thuế chẳng qua chỉ là một tai hoạ do CS gài vào đời sống của Điếu Cày nhằm khủng bố Điếu Cày với chủ ý buộc người ký giả kiên cường này phải từ bỏ hẳn tư tưởng chống Tàu. Như vậy xuất phát từ ý muốn trừng phạt Điếu Cày về thái độ bất đồng chính kiến với Hà Nội, CSVN đã ôm hồ sơ Điếu Cày di chuyển từ vụ chống “mẫu quốc” Trung Hoa qua vụ trốn thuế do CSVN ngụy tạo. Đây rõ ràng là một trường hợp chạy rong trên địa bàn dùng luật pháp làm công cụ để khủng bố người dân.

Trường hợp hai

Từ lâu rồi, cuộc thảo luận giữa Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và chế độ CSVN về chủ đề đất đai cho tôn giáo là một thảo luận không có kết luận. Sau phiên họp ngày 20/09/2008 giữa Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và UBNDTP Hà Nội cuộc thảo luân kia thực sự làm cho dư luận trong và ngoài Việt Nam chú ý. Sau đây là các chủ đề gây sự chú ý:

Chủ đề thứ nhất: Vai trò của “Vấn đề tiên quyết” trong phương pháp thảo luận.

Muốn giải quyết êm thấm một vấn đề phức tạp, các bên tham dự cuộc thảo luận cần phải chia vấn đề phức tạp kia thành những đề mục nhỏ,. Sau đó thảo luận từng đề mục nhỏ theo một trật tự ưu tiên hợp lý mà các bên hội thảo đồng thuận. Hãy nghĩ về một vụ kiện chủ nhà đứng nguyên đơn để khởi tố xin trục xuất người thuê nhà. Đề mục ưu tiên số một của vụ kiện này là nguyên đơn phải chứng minh đương sự đích thực là sỡ hữu chủ của ngôi nhà. Tương tự như vậy, trước khi trả lời câu hỏi ai là người được được phép sử dụng lô đất Toà Khâm Sứ, nhà cầm quyền CSVN và toà Tổng Giám Mục Hà Nội không thể không xét tới các loại giấy tờ có liên hệ tới lô đất gây tranh cãi. Nói rõ hơn, vấn đề tiên quyết trong vụ lô đất 42 Phố Nhà Chung là lời giải đáp cho câu hỏi: Đất số 42 là đất thuộc diện cải tạo tư sản hay cải tạo nông nghiệp? Đó là lý do giải thích tại sao trước UBNDTP Hà Nội ngày 20/09/2008, TGM Ngô Quang Kiệt đã đặt vấn đề: “Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào…hoàn toàn không có”.

Thay vì đáp ứng yêu cầu của TGM Ngô Quang Kiệt bằng cách viện dẫn các giấy tờ cần thiết liên hệ đến đất số 42, ngày 01/10/2008 Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam theo kiểu ông nói gà, bà cố tình nói vịt: “Trong khi pháp luật đang có hiệu lực thi hành, mọi người đều phải chấp hành. Mọi nhu cầu về nhà đất đều được xem xét, gỉai quyết cấp đất, giao đất theo pháp luật hiện hành”.

TGM Ngô Quang Kiệt không hề từ chối chấp hành pháp luật. TGM Ngô Quang Kiệt chỉ đặt vấn đề tiên quyết là: Đâu là giấy tờ xác định điểm khởi hành để Toà TGM Hà Nội chấp hành pháp luật đối với lô đất 42.

Qua cuộc đối thoại giữa Toà TGM Hà Nội và chế độ Hà Nội, công luận thấy rất rõ: thay vì thảo luận nghiêm chỉnh và đúng trọng tâm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chạy rong từ căn bản pháp lý của đất số 42 qua các vấn đề pháp luật chung chung. Cuộc chạy rong này nhằm khỏa lấp tội phạm cưởng chiếm đất đai của người dân một cách vô căn cứ

Chủ đề thứ hai: Thảo luận và đánh, rối thảo luận.

Có lẽ nhận biết kiểu chạy rong của ông Nguyễn Tấn Dũng không có tính thuyết phục, những “ủng hộ viên” của Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy cuộc thảo luận về đất 42 theo một hướng khác. Hướng khác đó là: hãy thảo luận trên giả sử nếu trả đất 42 cho Công Giáo Hà Nội thì sự trao trả kia có hợp lý hay không?

Đầu tháng 10/2008,trong bài viết mang tựa đề “Tại anh hay tại ả” đăng trên báo Diễn Đàn, Nguyễn Ngọc Giao nêu ý kiến: “Có thể nghĩ rằng sớm muộn, chính quyền Việt Nam sẽ phải sửa đổi hiến pháp để thừa nhận quyền sở hữu nhà đất của tư nhân. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều đó không có nghĩa là trở lại quyền sở hữu “trước đây”…Luận điểm của TGM Ngô Quang Kiệt (đất 42 Nhà Chung là sở hữu có giấy tờ làm bằng của Giáo Hội từ trăm năm nay rồi) không vững vàng chút nào khi ta biết rằng trước khi Giám Mục Puginier giành được đất này, nó là sở hữu của chùa Bảo Thiên. Nếu phải trả lại thì trả lại cho ai?».

Mặt khác, theo BBC ngày 23/09/2008 khi đề cập tới vụ toà Khâm Sứ, ông John V Hanford đặc trách về các vấn đề tôn giáo của chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng: “Một trong những vấn đề là tài sản được sang tay nhiều lần.Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật Giáo sau nhờ người Pháp mới trở thành của người Công Giáo nên rất phức tạp”

Y kiền của Nguyễn Ngọc Giao và của John V. Hanford đã dẫn đến các suy nghĩ sau đây:

1) Nếu chấp nhân đất 42 trước kia là của Chùa Bảo Thiên thì vụ tranh cãi về đất 42 phải tách ra làm hai vụ tranh tụng riêng biệt. Một là CSVN lấy đất 42 từ tay Công Giáo Hà Nội thì hãy trả lại cho Công Giáo Hà Nội. Hai là sau khi đất 42 trở về với Công Giáo Hà Nôi, Chùa Bảo Thiên sẽ kiện Công Giáo Hà Nội để đòi lại đất 42. Trên địa bàn luật dân sự và dân sự tố tụng, tranh tụng về bất động sản là ngành tranh tụng đòi hỏi các thẩm phán xử án phải có hiểu biết cao cấp và chuyên môn về luật dân sự. Một vài lời bàn lơ mơ trong các loại bình luận trên báo chí không thể đưa đến giải pháp êm đẹp cho đất 42.

2) Trong hiện trạng hồ sơ của đất 42 chỉ có chế đô Hà Nội thảo luận với Công Giáo Hà Nội, không nên kéo theo quá khứ xa xăm có tên gọi là Bảo Thiên. Kéo theo kiểu vừa kể sẽ sản sinh ra chuổi hệ lụy rằng trước Toà khâm Sứ là Bảo Thiên. Trước Bảo Thiên là chủ A, trước chủ A là chủ B, Chủ C. Cứ như thế mà kéo dài, cuối con đường kéo dài kia là một thừa kế của dân tộc Chiêm Thành. Vị này sẽ dõng dạc tuyên bố: Xin quí vị Việt Nam hãy trả đất Chiêm Thành lại cho người Chiêm Thành. Dĩ nhiên nếu không tìm ra người có đủ tư cách pháp lý là thừa kế Chiêm Thành thì Đảng CSVN sẽ vội vàng hát lại bài hát cũ: Đất đai là của toàn dân. Đảng quản lý. Trong thực tế đảng quản lý có nghĩa là đảng lấy đất đai của toàn dân làm của riêng, đảng toàn quyền mua bán, chia chác đất đai của toàn dân.

Lý luận trình bày trong phần “suy nghĩ hai” là lý luận đánh rối vụ kiện, lý luận tránh né phân xử vụ kiện. Lý luận chạy rong trên địa bàn luật lệ về đất đai.

Bài viết này đã trình bày những nét căn bản nhất các vụ chạy rong do chế độ Hà Nội chủ động: Chạy rong từ vụ chống Tàu qua vụ trốn thuế. Chạy rong từ nền tảng pháp lý của đất 42 qua những luật lệ lơ mơ về đất đai. Chạy rong từ Toà Khâm Sứ qua chùa Bảo Thiên… Nhìn chế độ Hà Nội vất vả với chính sách chạy rong người dân không thể không nghĩ tới hoạt cảnh chạy rong diễn ra trong các chợ Bến Thành, Đồng Xuân. Ở các chợ kia bao giờ cũng có một số trẻ em sinh sống bằng khả năng ăn cắp vặt. Mỗi lần ăn cắp được một món tài sản của khách đi chợ các trẻ em này chuyền tay cho nhau «chiến lợi phẩm» mà chúng bắt được với tốc độ càng nhanh càng tốt. Hành động như vậy đám trẻ em ăn cắp vặt đã buộc chiến lợi phẩm của chúng phải chạy rong từ tay người này qua tay kẻ khác. Chiến thuật chạy rong kia khiến cho khổ chủ không cách chi tìm lại được tài sản của mình đã bị mất cắp.

Trước khi có được tự do dân chủ, trước khi có được nhân quyền, quần chúng Việt Nam chỉ thỉnh cầu nhà Nước CSVN một điều. Điều đó là: xin quí vị lãnh đạo Hà Nội hãy tức thời tháo bỏ chính sách chạy rong ra khỏi guồng máy cai trị của quí vị. Có như vậy, người dân mới có thể nhận biết được một cách rõ rệt sự khác biệt giữa hai hoạt cảnh: một bên là đảng CSVN đang điều hành việc nước, bên kia là đám trẻ em chợ Bến Thành-Chợ Đồng Xuân đang ngày đêm bận rộn với những vụ đánh cắp theo chiến thuật chạy rong.

Nguồn: www.thongluan.org
 
Phụ đề tranh hí họa
DCCT
11:16 17/10/2008
Phụ Đề Tranh Hí Họa



-Đóng đinh nó ! đóng đinh nó đi !... vì nó dám đòi công lý (Mai Tuyetmai)

- Hòa bình, công lý, giáo sĩ. Đào tận gốc, trốc tận rễ (An Nguyen)

- Bọn anh bao nhiêu thằng - Dạ đông lắm. .. nhưng mấy thằng lớn không dám làm. .. nó xúi con. ..

- Gâu gâu gâu. .. mày là người sao dám xử người công chính. ..?

- Run quá ! Ông này là ai mà chúng nó bảo tui đi giết ?

- Dép râu nón cối. .. thói rừng rú tái xuất hiện. ..

- Lạy ngài, xin tha cho con vì chúng nó buộc con làm.(Myn Mynh)

- Chả cần đàm phán gì cả, chỉ cần cờ đỏ búa liềm, súng và bọn chó là xong !(thuytrang nguyenthi)

- Chó: "Đại ca, ổng cười anh em mình kìa !"(nguyen thanh)

- “Chú bé liên lạc” giương cao súng, Chân lý chịu thua ? Chó cũng cười (MyDinh)

- Chủ tớ giống nhau (nghilam)

- Chúng ta cùng hành động theo gương đạo đức Hồ Chí Minh

- Súng đạn và thập giá: ai thắng ai? đời thắng: đạo thua? (Thong Nguyen)

- Nếu tao biết nói tiếng người, tao sẽ nói với thằng chủ của tao: tao là chó còn biết mấy ông cha DCCT vô tội, còn mày là người chẵng nhẽ không nhận ra? (Tien Ha)

- Xin ông cứ bắn, dù sao tôi cũng sẽ chết, và sau tôi vẫn còn nhiều người như tôi (Ngoc Ninh Nguyen)

- Chủ nghĩa nón cối dép râu (Nguyen Hung)

- Bác và chó hành quân (Nguyen Hung)

- Nhà khâm sứ, đất Thái Hà. .. A, mày là địa chủ hút máu nhân dân ! Giết !

- Công lý và sự thật ư? Đóng đinh nó vào thập giá !

- Đòi công lý hả? Bắn bỏ!

- Đòi đất hả? Xem đi! Ông xua chó cắn và ông đóng đinh mày đấy!

- Đối thọai của kẻ có quyền, có chó và có súng!

- Chó nghiệp vụ cùng sủa: "Ê, mày là môn đệ Kitô à, Giết !" (Lương Sương)

- Em là người thứ mấy bị đóng đinh vào cây búa liềm này vậy đồng chí ?

- Xin Cha tha tội cho con chó vì nó không biết việc nó làm
 
Ông Nguyễn Tấn Dũng phải chui lòn vào cửa hậu
Hà Long
12:43 17/10/2008
Ông Nguyễn Tấn Dũng phải chui lòn vào cửa hậu

Dịp mừng 35 năm ký kết quan hệ ngoại giao Úc - Việt, cuộc đi chu du nước Úc từ khi tình hình tôn giáo căng thẳng tại Hà Nội hạ nhiệt có thể làm cho bác thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đủ thời gian thở phào nhẹ nhàng và đây cũng là lần đầu tiên ông đến Úc trong tư cách thủ tướng Chính phủ. Muốn gây thêm ấn tượng nơi người dân Úc, trong gói hành trang làm quà bác Dũng tuyên bố sẽ thả 2 tội phạm người Úc đang bị tù tại Việt Nam về tội danh buôn ma túy. Qua cuộc đi này của ông ta chúng ta có thể suy tư thêm về từ ngữ „chui lòn” để hiểu rõ thêm về bác thủ tướng VN.

Văn hóa “chui lòn”

Văn hóa „chui” tại Việt Nam đã được đảng csVN tôi luyện từ 63 năm nay trở nên nhuần nhuyễn trong nếp sống thường nhật của người dân. Việc nhỏ cũng chui, việc lớn cũng chui! Chui để sống còn! Chui để tiến thân: Internet „chui”, cơ sở mầm non tư thục “chui”, cá độ bóng đá chui, cán bộ cướp đất chui, thi cử chui, tiến sĩ chui, xây công viên giữa thủ đô chui (khởi công ban đêm), thải nước độc ra sông chui, xuất khẩu phụ nữ chui làm nô lệ tình dục, phá thai chui, tham nhũng chui, thuê chui xã hội đen đánh dân (Thái Hà), bán nước chui (HS và TS), cắt xén chui các ý từ của người phát biểu (TGM Kiệt), thả khói cay chui hại dân (Thái Hà), đánh người chui đổ máu ra (phóng viên AP), cuối cùng nhục nhã là lúc chui lòn cửa hậu.

Nhắc đến chui lòn cửa hậu, các bác cầm quyền nước Việt Nam đứng đầu danh sách văn nhân thế giới về loại này: chủ tịch Nguyễn Minh Triết chui vào Tòa Bạch Ốc (6-2007) để gặp tổng thống Bush. Giòng đời vẫn tiếp tục như thế, chẳng khác nào sao y bản cũ tại chuyến viếng thăm thành phố Melbourne vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng cũng chui cửa hậu nơi đây vào sáng thứ Ba 14/10/2008. Thế là trọn bộ 2 vị chóp bu của Việt Nam phải cúi mặt đi chui lòn trước con mắt của báo chí Tây phương và có thể đón nhận sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp đang đón tiếp họ.

Chuyện một vị thủ tướng phải đi cửa hậu trở thành một “chuyện lạ bốn phương” đã được người Úc truyền miệng và nêu lên nguyên do tại sao phải đi chui cửa hậu. Radio Úc loan tin: „Những người biểu tình Việt Nam phản đối mạnh mẽ cho vấn đề đàn áp nhân quyền của csVN trước cuộc viếng thăm của ông Dũng”.

Báo The West Australian đăng tin trong ngày: “Protesters have accused Vietnam's communist prime minister of human rights abuses and of “poisoning” Australia's democratic soil during his visit to Melbourne.” (Những người biểu tình phản đối đã cáo buộc thủ tướng cộng sản Việt Nam về các xúc phạm nhân quyền và “làm nhiễm độc” mảnh đất dân chủ của nước Úc trong chuyến viếng thăm của ông Dũng đến Melbourne)*.

Tờ báo nói trên không tìm được từ ngữ nào mạnh mẽ hơn để nói về lý do đoàn biểu tình đến Melbourne bày tỏ ý kiến: “Nguyen Tan Dung was heckled by about 200 protesters who gathered on the steps of Parliament House, holding up banners calling for democracy and human rights in Vietnam and branding Mr Nguyen a “criminal and murderer” . (Ông Nguyễn Tấn Dũng bị la ó chế nhạo bởi khoảng 200 người biểu tình tụ họp trên các bậc thềm của Quốc hội tiểu bang Victoria, giương cao các biểu ngữ kêu gọi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, đồng thời gọi ông Dũng là “một tên tội phạm và là kẻ giết người”)*.

Theo Nam Úc Thời Báo, cùng với đoàn biểu tình 2.000 người Việt vào sáng 13/10/2008 trước tiền đình quốc hội Úc ở Canberra có sự tham dự của các nhà chính trị Úc. Dịp này thượng nghị sĩ Garry Humphry phát biểu. “Chúng ta không chấp nhận viện trợ cho csVN nếu những vi phạm về nhân quyền không có sự cải thiện và chấm dứt” .

Và dân biểu Kingston cũng đồng quan điểm trên: “Tôi sẽ cố gắng khuyến cáo chính phủ Úc tạo những áp lực để CSVN phải thực thi một sự tự do, dân chủ thực sự theo xu hướng nhân bản trong thế giới văn minh hiện nay” .

Thêm vào đó tờ báo Voanews của Sydney tả thêm cảnh đấu tranh hào hùng của người Việt Nam như sau: “A small but noisy crowd of about 300 human rights demonstrators gathered in Canberra Monday at the start of Nguyen Tan Dung's official visit to Australia.” (Một nhóm nhỏ, nhưng rất mạnh mẽ của khoảng 300 người đấu tranh dân chủ tập họp ở Canberra vào buổi sáng bắt đầu cuộc viếng thăm Úc của ông Nguyễn Tấn Dũng).

Như thế trong 2 cuộc biểu tình tại Canberra và Melbourne chưa đầy 3.000 tham dự viên đã gây được tiếng vang rộng lớn trong dư luận nước Úc. Một điều đáng kính phục vì các nhóm người Việt tại Úc cùng nhau tố giác các vi phạm nhân quyền đồng thời đòi hỏi công lý cho Việt Nam.

csVN không “chui” ra được chiếc lưới Nhân Quyền

Nạn lớn tại Canberra và Melbourne do người Việt Nam yêu tự do, nhân quyền vừa gây ra chưa tránh khỏi nguôi ngoai thì khi trở về nước bác Dũng lại phải trực diện với cơn bão Nguyễn Việt Chiến, ký giả báo Thanh Niên, bị kết án 2 năm tù trong phiên xử ngày 15/10/2008 ở Hà Nội vì dám moi móc các chuyện tham nhũng của các quan ở Bộ Giao Thông Vận Tải và Ban quản lý các Dự Án PMU 18 thuộc bộ này.

Đúng là trái bom nặng cân không kịp tháo ngòi, chỉ trong vòng vài giờ cả thế giới chú ý về Việt Nam, từ đông sang tây, từ bắc chí nam của địa cầu loan tải nhanh chóng nguồn tin này. Tính cho đến thời điểm sáng 17/10/2008, chỉ trong 1 ngày có 165 bản tin thế giới nói về tham nhũng VN. Từ các hãng tin nổi tiếng Reuters, AFP, AP, BBC News, cho đến các tin từ Á sang Phi như: Manila Times, NewsAsia, South Africa, ngay cả các giới tài chánh cũng để ý đến như: Interactive Investor, Australian Broadcasting Corporation, Eu Business, Financial Times… với đầy đủ các ngôn ngữ chính quốc tế như: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Ban Lan, Nga, Tiệp, Rumania, Đan Mạch, Tây Ban Nha…

Mạnh mẽ nhất là Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) phổ biến một bản thông cáo ngày 16/10/2008 tuyên bố ông Chiến là “một tù nhân lương tâm” . Và AXQT có thể thấy rõ mặt trái của báo đài VN trong các tuần vừa qua lừa lọc và xảo trá đưa tin thất thiệt về TGM Kiệt khi viết thêm về vụ án: “Kết luận có tội của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là các chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội đã đi thụt lùi bao xa đối với sự cởi mở công khai, đưa báo chí Việt Nam quay trở lại nguyên hình là các cái loa tuyên truyền một chiều” .

Ân xá Quốc tế mạnh mẽ đòi nhà cầm quyền csVN: “Ông Nguyễn Việt Chiến phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” .

Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội trong bản thông cáo báo chí: “Hoa Kỳ thất vọng với kết quả vụ xử Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ, và Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên, những người bị bắt hồi tháng Năm 2008” .

Bà Molly Lien, Tham tán Tòa Ðại Sứ Thụy Điển tại Hà Nội, cho BBC biết: “Chúng tôi quan ngại về kết quả vụ xử này và cho rằng nó sẽ phát đi các thông điệp trái ngược về cam kết chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam” .

Cộng Đồng Liên Hiệp Âu Châu lên án vào sáng 17/10/2008: “Cộng Đồng Âu Châu lên án csVN về việc kết án tù người phóng viên chống nạn tham nhũng. Đó là “một cuộc tấn công vào sự tự do phát biểu chính kiến” .

Hội Ký Giả Không Biên Giới (RSF) tố giác vụ xử này là một hành động trả thù nhắm vào hai nhà báo dám viết về những vụ tham nhũng gây bối rối cho csVN. Bản án là một sỉ nhục cho công lý.

Gậy ông đập lưng ông

Từ nhiều ngày qua tất cả báo đài Việt Nam cắt xén câu nói của TGM Kiệt: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” nhằm xỉ vả, hạ nhục nhân phẩm của một chức sắc trong giáo hội công giáo. Hôm 15/10/2008 ông Nguyễn Thế Thảo lại vẫn luận điệu như thế qua báo Sài Gòn Giải Phóng, dịp làm việc với các Đại sứ, Phó Đại sứ và Trưởng đại diện các Đoàn ngoại giao tại thành phố Hà Nội để thông báo kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại về nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo tại khu vực 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng và những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân liên quan đến khu vực này; chủ trương, biện pháp giải quyết của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo vẫn luận điệu tuyên truyền một chiều: Nguyên nhân chính của các vụ việc trên là do một số giáo sĩ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội; làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính quyền TP với Tòa Tổng giám mục cũng như Nhà thờ Thái Hà, ảnh hưởng đến hình ảnh của công giáo trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc xử lý theo pháp luật, buộc chính quyền TP phải quyết định cảnh cáo đối với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ Nhà thờ Thái Hà; cơ quan công an khởi tố vụ án phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng, tới đây sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh theo pháp luật.

Ông Thảo không ngờ một điều là cùng ngày cả thế giới lại tố cáo ngược lại csVN rằng: “Báo chí Việt Nam đang quay trở lại nguyên hình là các cái loa tuyên truyền một chiều” . Với đòn đánh này thì đồng chí Thảo chỉ còn cách cúi đầu đi chui lòn để tránh ánh mắt dò hỏi tò mò của Tây phương mà thôi.

Nơi đây chúng ta lại có dịp nhắc đến câu nói từ tấm lòng chân thành của người theo đảng csVN đang có chức vụ cao nhất để lèo lái quốc gia VN: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối” (Nguyễn Tấn Dũng).

Nếu đúng như thế, thì câu nói thời danh của ĐTG Kiệt càng có giá trị trong lúc này hơn bao giờ hết khi chúng ta được phép thay vài chữ trong đó:

“Chúng tôi rất là nhục nhã, khi phải đi lòn cửa hậu!”
 
Đêm Cầu Nguyện tại Calgary Canada hiệp thông với giáo dân Hà nội
CĐ Người Việt tại Calgary
16:04 17/10/2008
ĐÊM CẦU NGUYỆN TẠI CALGARY HIỆP THÔNG VỚI GIÁO DÂN HÀ NỘI

Toàn thể các tôn giáo và các hội đoàn người Việt tại Calgary đã tổ chức Đêm Cầu Nguyện Hiệp Thông với giáo dân Hà Nội vào tối Thứ Bảy 11-10-2008 tại hội trường Forest Lawn Community Hall. Ngoài hàng trăm đồng bào tham dự, người ta nhận thấy có sự hiện diện đầy ý nghiã của Linh Mục Phaolô Trần Trung Dung, Chánh Xứ giáo xứ Vinh Sơn Liêm, Thượng Tọa Thích Thiện Quang trụ trì chùa Bát Nhã và lãnh đạo Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo VN Calgary, Mục Sư Ngô Việt Tân thuộc Giáo Hội Tin Lành và các vị đại điện của Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo.

Sau nghi thức chào quốc kỳ và mặc niệm, ông Nguyễn Hữu Phú, Trưởng Ban Tổ Chức, đã ngỏ lời chào mừng các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các quan khách và đồng bào hiện diện. Ông cũng nói lên lý do của buổi cầu nguyện hôm nay, đó là việc cộng sản VN gia tăng các hành động đàn áp tôn giáo, đặc biệt những đàn áp thô bạo và vô luật lệ mới đây nhắm vào giáo dân Hà Nội. Sau đó, các vị đại diện của ba tôn giáo: Công Giáo, Phật Giáo và Tin Lành đã cùng lên đốt nhang, qùy gối cầu nguyện trước bàn thờ. Rồi lần lượt từng vị đọc lời cầu nguyện theo nghi thức riêng của mỗi tôn giáo. Những lời cầu nguyện không những chỉ cầu bình an, xin ơn khôn ngoan, can đảm cho những giáo sĩ và giáo dân Hà Nội qua vụ Thái Hà và tòa Khâm Sứ, mà còn xin cho tự do, công lý và nhân quyền sớm được thực hiện trên mọi miền của đất nước thân yêu. Phần cầu nguyện kết thúc bằng Kinh Hòa Bình được mọi người cùng hát với ca đoàn. Buổi lễ đã diễn ra rất cảm động trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp tôn giáo.

Sau phần cầu nguyện là phần phát biểu và hội thảo. Mở đầu, Dân Biểu liên bang Deepak Obhrai, đặc trách liên lạc ngoại giao giữa quốc hội và chính phủ Canada, đã lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Ông nói: « Tôi đại diện cho Canada, tôi đại diện cho qúy vị, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với những giới chức cao cấp của Việt Nam, qúy vị có tin tức hay ý kiến gì, xin cứ cho tôi biết, tôi sẽ nói lên lập trường của qúy vị ». Cũng cần nói thêm, ngày 13-10-2008, Ông Jason Kenney, Bộ trưởng đặc trách Đa Văn Hóa và Đặc Trưng Canada, đã ra một lời tuyên bố nhân danh chính phủ Canada để tỏ mối quan tâm về những hành động đàn áp và bắt bớ giáo dân Hà Nội, xách nhiểu Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Chính phủ Canada kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt những hành động này, đồng thời trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý. Cuộc hội thảo với đề tài « Nhà cầm quyền Cộng Sản đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam » đã được ông Mặc Giao thuyết trình dẫn nhập. Sau đó hội trường đã thảo luận sôi nổi. Có hai ý kiến đáng ghi nhận: 1/Nhà cầm quyền Hà Nội đã thẳng tay đàn áp giáo dân Hà Nội để đánh lạc hướng cao trào nhân dân tố cáo cộng sản VN dâng đất dâng biển cho Trung Quốc. 2/Muốn có tự do tôn giáo và các quyền tự do khác thì phải giải quyết vấn đề tận gốc, đó là giải thể chế độ cộng sản.

Trước khi kết thúc, toàn thể mọi người trong hội trường cũng như đại diện các đoàn thể đã đồng ý thông qua bản « Tuyên Cáo của Cộng Đồng Người Việt Calgary về việc Cộng sản đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam ». Ngoài phần nhận định, bản Tuyên Cáo đã nêu lên 4 điểm:

1/ Hiệp thông với giáo dân Hà Nội và tín đồ thuộc mọi tôn giáo tại Việt Nam để cầu nguyện cho tự do, công lý, nhân quyền và dân quyền sớm được thiết lập và tôn trọng tại VN,

2/ Đòi hỏi nhà cầm quyền VN chấm dứt mọi đàn áp hung bạo nhắm vào các tín đồ vô tội, trả tự do cho những người bị bắt vô cớ, chấm dứt việc thông tin xuyên tạc để gây chia rẽ và bóp méo sự thật,

3/ Đòi hỏi nhà cầm quyền VN tôn trọng quyền tự trị của các giáo hội, trả lại đất đai, cơ sở của các giáo hội cũng như của tư nhân đã bị cưỡng chiếm một cách vô luật lệ,

4/ Kêu gọi chính phủ Canada và các chính phủ yêu chuộng tự do và công lý trên thế giới đòi buộc nhà cầm quyền VN chấm dứt mọi đàn áp dân lành, chấm dứt việc vi phạm quyền tự do tôn giáo, tôn trọng những điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân Quyền mà nhà cầm quyền VN đã đích thân ký kết.

Buổi cầu nguyện và hội thảo đã kết thúc lúc 11 giờ đêm trong tinh thần đoàn kết, tôn kính giữa các tôn giáo và đoàn kết thương yêu giữa các phần tử, các đoàn thể của cộng đồng người Việt Calgary, nói lên sự ủng hộ tích cực của cộng đồng đối với những đồng bào thuộc mọi tôn giáo đang can trường đấu tranh cho tự do và công lý ở quê nhà.

TUYÊN CÁO
CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT CALGARY
VỀ VIỆC CỘNG SẢN ĐÀN ÁP CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM


Các đoàn thể người Việt và đồng bào Việt Nam tại Calgary, họp nhau trong buổi cầu nguyện với các vị chức sắc các tôn giáo: Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo ngày 11 tháng 10 năm 2008 tại Forest Lawn Community Hall, thành phố Calgary, tỉnh bang Alberta, Canada,

Nhận định rằng:

1/ Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam luôn luôn đàn áp tất cả các giáo hội không đặt dưới quyền kiểm soát của họ, đã chiếm dụng đất đai và cơ sở của các tôn giáo một cách bất hợp pháp, xử dụng nhiều cơ sở của tôn giáo vào mục dích thương mại bất xứng, sang qua bán lại để lấy tiền bỏ túi riêng,

2/ Tại Hà Nội, nhà cầm quyền Cộng Sản đã chiếm tòa Khâm Sứ cũ từ năm 1959 để biến thành vũ trường, tiệm phở, ngân hàng, nơi mua bán và giữ xe gắn máy. Họ cũng tịch thâu phần lớn khu đất rộng trên 60,000 mét vuông và những cơ sở mà Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà đã tạo mãi một cách hợp pháp từ năm 1928, sau đó sang nhượng cho các công ty dệt thảm và may mặc. Vào tháng 9 năm 2008, khi giáo dân cầu nguyện một cách hòa bình trên đất của Giáo Hội để đòi lại những bất động sản này, nhà cầm quyền đã cho lệnh công an đàn áp bằng roi điện, hơi cay, đánh đập dân vô tội không nương tay, bắt giam 7 người, thuê côn đồ chửi rủa, nhổ nước miếng vào giáo sĩ và giáo dân, dọa giết Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Các cơ quan truyền thông nhà nước được lệnh xuyên tạc và nhục mạ các vị lãnh đạo Giáo Hội.

3/ Nhà cầm quyền cộng sản đã vi phạm quyền tư hữu và quyền xử dụng đất đai bằng cách ủi xập những bức tường và một số căn nhà trong khuôn viên tòa Khâm Sứ và nhà thờ Thái Hà để vội vã xây dựng vườn hoa, đặt giáo dân trước sự đã rồi và xác nhận chủ quyền toàn trị của nhà nước trên những khu đất đó.

Từ những nhận định trên, chúng tôi đồng thanh tuyên cáo:

1/ Hiệp thông với giáo dân Hà Nội và tín đồ thuộc mọi tôn giáo tại Việt Nam để cầu nguyện cho tự do, công lý, nhân quyền và dân quyền sớm được thiết lập và tôn trọng tại Việt Nam,
2/ Đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam
- chấm dứt mọi đàn áp hung bạo nhắm vào các tín đồ vô tội, chỉ đấu tranh bất bạo động bằng cầu nguyện,
- trả tự do cho những người bị bắt vô cớ,
- chấm dứt việc thông tin xuyên tạc để gây chia rẽ và bóp méo sự thật,
3/ Đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự trị của các giáo hội, trả lại đất đai, cơ sở của các giáo hội cũng như của tư nhân đã bị cưỡng chiếm một cách vô luật lệ,
4/ Kêu gọi chính phủ Canada và các chính phủ yêu chuộng tự do và công lý trên thế giới đòi buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chấm dứt mọi đàn áp dân lành, chấm dứt việc vi phạm quyền tự do tôn giáo, tôn trọng những điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền mà nhà cầm quyền Việt Nam đã đích thân ký kết.

Calgary ngày 11 tháng 10 năm 2008

Cộng đồng người Việt Calgary

Hội Người Việt Calgary
Hội Ái Hữu Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH Calgary
Hội Cao Niên Việt Nam Calgary
Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam
Liên Minh Dân Chủ Việt Nam Khu Bộ Nam Alberta
Trường Việt Ngữ và Hội Phụ Huynh Học Sinh Trường Việt Ngữ Calgary
Ban Khuyến Học Calgary
Hội VOVINAM Calgary
Hội Bảo Vệ Di Sản Văn Hóa Calgary
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự Thật về Warren Buffett - Người mà Obama kính nể và ưa chuộng nhất
Anthony Lê
11:30 17/10/2008
Sự Thật về Warren Buffett - Người mà Obama kính nể và ưa chuộng nhất

AFGANISTAN.- Trong những lần tranh luận Tổng Thống vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Barack Hussein Obama liên tục đề cập đến cái tên Warren Buffett - một tỉ phú gia của Hoa Kỳ, và có lúc gọi Ông này chính là "người bạn thân" của mình, và thậm chí tuyên bố sẽ chọn Ông vào chức vụ Tổng Trưởng về Ngân Khố (Secretary of Treasure).

Trong 3 cuộc tranh cử Tổng Thống vốn được chiếu lại cho các binh sĩ hiện đang tham chiến tại Afganistan và Irắc xem, trong sáu vấn đề quan trọng nhất có liên quan đến đạo đức và luân lý của Giáo Hội cũng như của Đức Tin Công Giáo, thì chỉ có vấn đề Phá Thai được nêu ra trong cuộc tranh luận cuối cùng vào ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Vấn đề Phá Thai đã được chính Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị cho là nền tảng nhất của Nền Văn Hóa Sự Chết. Quan điểm của hai ứng cử viên về vấn đề này đã quá rõ: McCain thì cỗ võ cho Nền Văn Hóa Sự Sống, chống Phá Thai và chống hủy diệt mạng sống của con người; còn Obama lại là người 100% cực lực, mạnh mẽ và điên cuồng ủng hộ cho việc Phá Thai, giết chết đi mạng sống của con người - một hình thức giết người và diệt chủng nhân loại hợp pháp ở Hoa Kỳ - dưới thời của Obama nếu như Ông được chọn làm Tổng Thống.

Quan điểm phóng khoáng và cực hữu nhất (radical liberal) này của Obama đã thể hiện rõ ràng thêm một lần nữa qua việc Ông tuyên bố chọn Warren Buffett làm Tổng Trưởng về Ngân Khố.

Sự thật về Ông Warren Buffett là như thế nào?

Xin kính mời Quý Vị dõi theo lại bài viết của tác giả được đăng trên VietCatholic vào Thứ Năm, Ngày 29 Tháng 6 Năm 2006, có nhan đề "Sự Thật về Hai Nhà Tỉ Phú Warren Buffett và Bill Gates" tại địa chỉ sau: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=35678

Và đừng bao giờ quên câu nói của cha-ông chúng ta thời xưa đó là: “Giàu nhân, giàu nghĩa mới ham; giàu tiền, giàu bạc chẳng cho là giàu!”

Bill Ayers
Obama suy cho cùng là một người da đen nghèo khổ, với tuổi thơ đầy tội lỗi, làm sao lại mau chóng có bạn là một người tỉ phú như Warren Buffett được?

Với Warren Buffett, người có sức mạnh về tài chánh, cùng với Obama và Joe Biden với sức mạnh của quyền lực chánh trị trong vai trò Tổng Thống và Phó Tổng Thống, cộng với sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo Công Giáo thoái hóa tại Thượng lẫn Hạ Viện như: Harry Reid, Chuck Summer, Nancy Pelosi,....., tương lai nhân loại của Hoa Kỳ và của cả thế giới, hay nói đúng hơn các trẻ sơ sinh, sẽ bị diệt chủng hàng loạt. Mạng sống con người do Thiên Chúa tạo nên, nay đã bị chính bàn tay của con người hủy diệt và tàn phá một cách hết sức tàn nhẫn và vô lương tâm! Ôi thật là kinh khủng dường bao! Nước Mỹ chắc sẽ đến lúc tận thế rồi!

Thống kê về dân số ở Hoa Kỳ cho biết: trong vòng 20 năm sắp tới, nước Mỹ sẽ không có đủ người trẻ nữa để làm việc thay thế cho những người già, do đó những người thay vì sẽ về hưu khi tuổi nghĩ hưu đến, thì vẫn phải làm việc cho đến lúc bạc đầu răng long, hay giả từ thế giới tục trần, vì sao vậy?

Thưa, vì nạn Phá Thai, vì nạn Hôn Nhân Đồng Tính Luyến Ái và nạn Ngừa Thai!

Hãy tưởng tượng một đất nước Hoa Kỳ với toàn là những người già nua, mà không có người trẻ, vì người trẻ đã bị tàn sát và diệt chủng hết rồi, ngay từ trong chính cung lòng của những người mẹ, thì đất nước đó sẽ ra sao?

Frarrakhan
Với William Ayers - kẻ thù căm ghét chính đất nước của riêng mình bằng cách dùng tiền ma tuý và bom khủng bố để phá sập các Tòa Nhà của Chính Phủ, gây cái chết cho biết bao nhiêu mạng sống quý giá của con người, cộng với nhóm Quốc Gia Hồi Giáo (Nation of Islam) một Nhóm Khủng Bố ngấm ngầm đang hoạt động tại Hoa Kỳ và thế giới do Louis Farrakhan lãnh đạo, cùng với Obama với sức mạnh của quyền lực chánh trị trong vai trò Tổng Thống, một người có lối suy nghĩ và hành động theo đường lối của chủ nghĩa Marxist, Angel và Lenin - nước Mỹ đã thật sự đến lúc bị diệt vong và nhân loại bị hủy diệt hoàn toàn!

Với Jeremiah Wright - vị Mục Sư của một Nhóm Tin Lành da đen rất căm phẫn và rất hận thù với giới người Mỹ da trắng lẫn giới người Mỹ gốc Á Châu, cộng với sức mạnh của Obama trong vai trò Tổng Thống Hoa Kỳ, chúng ta sẽ "tận mắt" chứng kiến sự trả thù sắc tộc chưa từng có ở Hoa Kỳ, khi những người chủ trương chính sách nô lệ sẽ trở thành đối tượng bị truy nã và hành quyết; và nước Mỹ lại xuất hiện trở lại tập đoàn KKK để phản kháng lại sự bùng nổ về sức mạnh của giới nô lệ da đen xưa kia! Thế là nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh tương tàn!

Nay với sự "khát máu" về quyền lực đến điên cuồng một cách cực độ của nhóm người Mỹ da đen trên khắp cả nước, một tổ chức có tên ACORN (Association of Community Organizers for Reform Now) dưới sự hổ trợ về tài chánh của Obama, đã gian dối phiếu bầu tại các tiểu bang có tính quyết định thắng-thua. Người đã chết mấy chục năm rồi vẫn xuất hiện đi bầu cử, thế mới là chuyện lạ!? Cung cách và chiến lược hành động này, suy cho cùng, chính là bài bản của học thuyết Cộng Sản không hơn không kém!



Mohamed Atta - kẻ chủ mưu trong vụ tấn công Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 (September 11) vừa qua, và những kẻ thù gốc Trung Đông hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ một cách trái phép, dưới thể chế của Obama, sẽ có được Giấy Thông Hành (như Thẻ ID và Bằng Lái Xe) chính thức, để từ đó có dịp thực hiện các vụ tấn công thảm sát nguy hại đến cho đất nước này!

Mục Sư Jerimial Wright
Qua những sự kiện trên, chúng ta rút ra được một bài học đó là: sự đồi trụy, tính phóng khoáng vô đạo đức và vô luân lý, tội lỗi, và sự suy đồi rất mạnh thế, về cả tài chánh lẫn quyền lực, và những người vốn yêu chuộng sự thật, công lý, chánh nghĩa, biết tôn trọng đạo đức và luân lý, biết lắng nghe và hành động theo đúng với đường hướng của Lương Tâm, Đức Tin và những giảng dạy của Đạo Công Giáo - bao giờ cũng là những kẻ yếu thế, lạc lõng và đơn côi, trước sức mạnh của quỷ dử và sự bạo tàn!

Dẫy vậy thì trách nhiệm của chúng ta - những người biết yêu chuộng Sự Thật - cho dẫu có phũ phàng và oan nghiệt đến cở nào, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm thúc giục và thức tỉnh trái tim lẫn trí óc của "kẻ thù" tội lỗi, bằng chính lời nguyện cầu chân thành của chúng ta, bằng chính sự hy sinh và đời sống gương mẫu của chúng ta, và bằng chính hành động của chúng ta trong Ngày Bầu Cử sắp tới này!

Sẽ thật là ấu trĩ và ngu muội khi nghĩ rằng: chế độ Hồi Giáo có thể giúp cải thiện cho hiện trạng vi phạm nhân quyền trắng trợn tại Việt Nam có thể thay đổi! Hãy tỉnh thức và soi rọi lại Lương Tâm để biết hành động cho và vì Sự Thật của chính Thiên Chúa - Đấng đã chết và hủy diệt đi cái chết của tội lỗi, để cho Nhân Loại được Sống, và Sống một cách dồi dào và viên mãn!

Sẽ thật là ấu trĩ và ngu muội khi nghĩ rằng: với sự trẻ trung và lòng nhiệt huyết, Obama sẽ đưa ra nhiều điều có lợi cho giới trẻ Hoa Kỳ, nếu đó không phải là lối sống phóng túng nơi các giảng đường, để rồi lang chạ tình dục bừa bãi, và khi có thai, thì có quyền tự do phá bỏ nó, mà không ngần ngại gì cả về mặt pháp lý xã hội, lẫn Đạo Đức và Lương Tâm!

Sẽ thật là ấu trĩ và ngu muội khi nghĩ rằng: với sự trẻ trung và lòng nhiệt huyết, Obama sẽ đưa ra nhiều điều có lợi cho giới trẻ Hoa Kỳ, nếu đó không phải là những thứ hay những chất ru ngủ của ma tuý và các độc dược nguy hiểm khác, vốn sẽ được chính thức công khai đưa vào học đường cho các em học sinh, và vào ngay giảng đường cho các sinh viên, vì những liên hệ của Obama với các tổ chức kể trên, trong quá khứ lẫn hiện tại, đều có dính liếu đến ma tuý và các chất độc hại, hòng làm băng hoại trí óc, con tim, và tâm hồn của giới trẻ, để khiến cho họ không còn sáng suốt và biết nhận ra được đâu là Sự Thật của Lương Tâm, đâu là Sự Thật của Đức Tin, và đâu chính là Sự Thật của Đạo Đức Luân Lý nữa, để lớn tiếng điên cuồng ủng hộ Ông ta một cách hết sức ngu muội và ấu trĩ!

Các bạn trẻ hãy tỉnh thức để trở về lại cội nguồn của Đạo Kitô Giáo, để cùng nhau dóng lên tiếng nói của Sự Thật, để Bảo Vệ Sự Sống, để DẬP TẮT nền Văn Hóa Sự Chết, để Cổ Võ cho một nền Văn Minh Tình Thương, cho tất cả mọi nhân loại chúng sinh khắp toàn cầu, cho dẫu là các trẻ thơ bé bỏng hay những cụ già suy yếu, cằn cỗi, và già nua!

Đừng để cho việc sống trong sự êm ái và no đủ của vật chất làm băng hoại đến Lương Tâm và Đạo Đức của con người! Có kinh qua những hiểm nguy khốc liệt đến chết người và man rợ, trước những kẻ thù vô lương tri và đầy lòng căm hận trước các giá trị và đạo đức Dân Chủ, các bạn mới có thể hiểu và thấu rõ được giá trị Thiêng Liêng của Sự Sống và của Sự Thật.

Nếu không trở thành một Vị Thánh cho Giáo Hội ngay giữa lòng xã hội tục trần và sa đọa này, thì cũng đừng trở thành những kẻ bán nước Hoa Kỳ này cho kẻ thù các bạn nhé, vì chúng ta phải nên nhớ rằng: ông-bà, cha-mẹ của chúng ta, đã một lần Mất Nước, và đã bỏ Nước ra đi - thì thế hệ của chúng ta, cũng Đừng Có Bán Nước Hoa Kỳ này nữa cho tội ác và sự căm hận nữa các bạn nhé! Thiên Chúa sẽ chất vấn và tra hỏi chúng ta về lá phiếu mà chúng ta sắp bỏ đó, các bạn trẻ đừng bao giờ quên về điều này nhé!

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria, cùng các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Rafael và Gabriel luôn ghé mắt, che chở, và giữ gìn đất nước Hoa Kỳ này, trước bạo lực và sự đe dọa của tội lỗi, của bóng tối, và của nền Văn Hóa Sự Chết!

Và cũng Nguyện Xin Thiên Chúa, Mẹ Maria cùng các Thánh Nam và Nữ hãy tác động mạnh mẽ lên Lương Tâm, và Tiềm Thức của cả dân chúng Hoa Kỳ, để họ biết can đảm chối từ tội lỗi và bạo lực, đang cố đe dọa đến chính bản thân của họ và gia đình của họ, cũng như đến các thế hệ trẻ về sau này!
 
Thông Báo
Mời tham dự Lễ giổ Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm
13:11 17/10/2008
KHỐI TINH THẦN NGÔ ĐÌNH DIỆM

Künzensau, ngày 15.10.2008

THƯ MỜI THAM DỰ THÁNH LỄ GIỖ CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Kính thưa Quý vị

Nhân ngày giỗ Cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm lần thứ 45 (1963-2008), khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm sẽ tổ chức một Thánh Lễ tưởng niệm Nhà Chí Sĩ Ngô Đình Diệm, một người Quốc Gia yêu nước đã hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tự Do và cũng là vị Tổng Thống tiên khởi sáng lập ra nền Cộng Hòa Việt Nam, đồng thời cũng cầu nguyện cho các Chiến Sĩ và Đồng Bào đã hy sinh vì Chính Nghĩa Quốc Gia.

Thánh Lễ sẽ do Linh Mục Stephanô Bùi Thượng Lưu chủ tế vào ngày thứ bảy 01.11.2008,

Chương trình như sau:

· 14 giờ 30: Tiếp đón quan khách
· 15 giờ 00: Thánh Lễ
· 16 giờ 30: Nghi thức dâng hương tưởng niệm

Tại hội trường Nhà Thờ Thánh Đường St. Anderas
Nürnberger Str. 184
72760 Reutlingen
West Germany

Sự hiện diện đông đảo của quí vị sẽ nói lên tấm lòng tri ân đối với những người đã khuất và cho Thánh Lễ được trang trọng.

Trân trọng kính mời
Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm
Liên lạc viên: Nguyễn văn Năng, tel: 07940/939 583
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chung Vai Chung Sức
Josephhoa Phạm
00:19 17/10/2008

CHUNG VAI CHUNG SỨC



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Thuận vợ thuận chồng tát bể Ðông cũng cạn !

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News