Ngày 15-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Thần Đến Với Mọi Người
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
06:38 15/10/2008
Gặp gỡ Đức Giêsu trong Thánh Thần:

CHÚA THÁNH THẦN ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Sự hiện diện của Thánh Thần là một ân huệ mỗi ngày và mọi lúc. Phải để ý để nhận ra Ngài sẽ tìm thấy quyền năng Thiên Chúa thể hiện, khi mọi Tín hữu cùng nhất trí và cầu nguyện với nhau.

“Những dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Mọi Tín hữu đều đồng tâm nhất trí…” (x.Cv 5, 12)

1/ Kết quả của Cầu nguyện chung:

Nhiều người đứng ngoài khen chê, phe phán vì thiếu niềm tin, ngại ngùng, sợ sệt. Bạn được dạn dĩ, can đảm vì đã nắm vững Lời Chúa, nên hiệp nhất với nhau, để ngợi khen những kỳ công của Chúa.

Bạn sẽ tìm được nhiều người có sự tự do của Chúa Thánh Thần đến với bạn: “Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cùng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.” (Cv 5, 16)

Như vậy Thánh Linh sẽ tràn đầy, và dơ tay trên những ai khao khát Ngài chữa lành thể xác và tâm hồn những người đồng tâm nhất trí..

2/ Thánh Thần canh tân: Thánh Thần đổi mới nhiều người bằng nhiều cách khác nhau,. Thí dụ: bạn muốn đọc lại một câu hay đoạn Kinh Thánh nào thấy mình đã nghe tại nhà thờ, hay trong Nhóm tuần qua, như đoạn sách Công vụ sau đây: “Ông Phi-líp-phê chạy lại nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: Ngài có hiểu Ngài đọc không? Ông quan đáp: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?... Đoạn kinh Thánh ông đang đọc là:

Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín trước mặt kẻ xén lông…” Viên thái giám ngỏ lời với ông Philípphê: “ Xin ông cho biết vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay một người khác? Ông Philípphê lên tiếng, và từ khởi đoạn kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. (x. Cv 8, 30-34)

3/ Đặc Sủng của Thánh Thần: Sách Công vụ là Tin Mừng của Thánh Thần. Trước khi lên trời, Đức Giêsu đã bảo đảm với các môn đệ là Ngài sẽ tuôn để trên các ông Đặc sủng thời Thiên Sai. Đó là Thánh Thần mặc cho các ông chính là bạn và tôi hôm nay một sức mạnh từ trời, và dẫn đưa bạn và tôi hoàn thành nhiệm vụ làm chứng nhân: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem …Chính anh em là chứng nhân những điều này…Còn anh em hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được Quyền Năng (Thánh Thần) từ trời cao ban xuống.” (x. Luca 24, 47-49)

4/ Chính ngày lễ Ngũ Tuần: Các Tông đồ đã được rửa bằng Thánh Thần (Cv 1, 5; 8), khởi đầu của Hội Thánh như phép Rửa ở sông Gio-đan, khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giêsu.

Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy các Tông Đồ phải rời bỏ lãnh địa Do Thái giáo để đến với anh em dân ngoại. Đây là nhiệm vụ của bạn và tôi hôm nay, là không phải chỉ ở trong Giáo xứ mình, nhưng cần phải đem Tin Mừng đến với mọi người lương dân nữa: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: Hãy dành riêng Ba-na-ba va Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.” (x. Cv 13, 2-4)

Nhờ những hoạt động của Thánh Thần, vì Người luôn tỏ ra là Quyền năng của Thiên Chúa, còn được gọi là Thần Khí Chúa đến để canh đổi mới và ở lại với mọi tâm hồn khao khát Người.

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định
 
Giêrađô - Vị Thánh đặc biệt của Bà Mẹ và Em Bé
Anmai, CSsR
14:44 15/10/2008
GIÊRAĐÔ - VỊ THÁNH ĐẶC BIỆT CỦA BÀ MẸ VÀ EM BÉ

Hết rồi cái thời bao cấp chạy ăn từng bữa để rồi cuộc sống ngày hôm nay khá hơn về mọi mặt. Dù thế nào đi chăng nữa, con người vẫn dành một sự ưu tiên, một sự quan tâm nhất định cho những mầm sống chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời. Ngang qua con đường Hai Bà Trưng - quận 3 - ta sẽ thấy có nhiều cửa hiệu đặc biệt dành cho bà mẹ và em bé. Để thấy rằng, cuộc sống ngày càng phát triển thì sự chăm sóc cho mẹ mầm sống cũng như mầm sống được nâng cao hơn để hoà nhịp với sự phát triển về nhiều mặt.

Ai đã hơn một lần làm vợ, làm mẹ mới thấy, mới hiểu được nỗi vất vả âu lo khi mang thai. Khi con chào đời quả là một cuộc vượt cạn vô cùng đau đớn mà chỉ có ai trải qua mới cảm thấu. Chưa dừng lại ở đó, là mẹ, là cha thì lại cứ ấp ủ trong lòng biết bao nhiêu nỗi lo niềm lắng khi con mình chập chững biến đi cho đến ngày chúng hoà nhập vào cuộc đời. Với tất cả những âu lo ấy nếu được trao vào tay của một ai đó để được đồng cảm, để chia sẻ thì sẽ vơi đi phần nào và tăng thêm niềm vui và hạnh phúc.

Khác với người không tin, các bà mẹ Công Giáo khi biết mình bắt đầu mang mầm sống trong mình lại cứ chạy đến với Chúa, đến với Mẹ, đến với Thánh Cả Giuse, đến với các thánh để trao phó mầm sống đang dần hiện hữu trong mình.

Nhìn lại lịch sử Giáo hội, nhiều và rất nhiều vị thánh đã bầu cử, đã lo lắng cho rất nhiều người đau khổ, bất hạnh … nhưng đặc biệt Thiên Chúa cho xuất hiện một vị thánh chuyên chăm cho bà mẹ và em bé. Tưởng chừng là một con người hay một vị thánh vĩ đại chuyên đứng ra chở che cho những thân phận yếu ớt mang mầm sống cũng như những đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời nhưng lại là một con người hay nói đúng hơn là một vị thánh nhỏ nhoi, khiêm hạ. Thật đặc biệt, thật phi thường đấy nhưng nhìn lại tiểu sử, nhìn lại đời tu của Giêrađô nó tầm thường, nó nhỏ bé làm sao đấy. Thế nhưng, chính trong cái tầm thường, cái nhỏ bé của cuộc đời Giêrađô Thiên Chúa đã làm những việc phi thường cho nhân loại.

Chắc có lẽ mang trong mình sự nhỏ bé, sự đơn sơ, sự tin tưởng và tín thác cuộc đời mình vào Chúa quá lạ lùng để rồi Thiên Chúa lại muốn thực thi những ơn lành qua sự chuyển cầu của thánh nhân. Đã hơn một lần không được nhận vào dòng tu vì sức khoẻ có vấn đề, đã hơn một lần mẹ cậu cấm không cho đi tu và nhốt trong 4 bức tường của gian phòng trong gia đình, đã hơn một lần “được” vị hữu trách giới thiệu cho một linh mục là “tôi xin giới thiệu với cha một con người vô tích sự” nhưng Thiên Chúa đã biến cái “vô tích sự” của thánh Giêrađô thành “hữu sự” và “hữu sự” cách riêng cho các bà mẹ và trẻ con.

Vì lẽ quá tin vào Chúa và phó thác cuộc đời vào Chúa nên bất cứ ai mang tâm tình đơn sơ và khiêm hạ khi đến với Thánh nhân đều không trở về tay không. Nhiều và nhiều ơn lành của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân đã thực hiện một cách nhãn tiền.

Nhiều và nhiều ơn lành thánh nhân đã chuyển cầu đến độ không thể kể xiết.

Một em bé năm nay học xong Tiểu học, vẫn phát triển, rất thông minh mà ngày xưa một chút xíu nữa là cha mẹ phải bỏ cháu vì bác sĩ bảo là “thiếu nước ối”. Ơn lành của thánh nhân đã ban cho em và mẹ được bình an, được khoẻ mạnh cho đến hôm nay.

Một em bé, khi siêu âm được báo là “dị tật” nhưng rồi mẹ của bé cứ chạy đến với thánh nhân thỏ thẻ với Ngài điều gì đó để rồi ngày hôm nay bé chào đời khoẻ mạnh và bình an …

Không chỉ bà mẹ và em bé nhưng ngay cả người lớn cũng được hưởng nhờ ơn nếu đến với ngài trong tâm tình đơn sơ khiêm hạ. Cha già đáng kính Rôcô Nguyễn Tự Do (Dòng Chúa Cứu Thế) năm nay 82 tuổi đã không ngần ngại làm chứng giữa cộng đoàn là nhờ lời bầu cử của Thánh Giêrađô mà ngày hôm nay Ngài khoẻ lại được 5 năm. Ngày ấy cách đây 5 năm, bác sĩ đã báo tin cho Nhà Dòng và gia đình thân thuộc lo “hậu sự” vậy mà vẫn khoẻ trong sự quan phòng của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Giêrađô.

Thật ra, không phải đến với Thánh nhân không phải là để tìm dấu lạ, tìm cho mình được theo ý của mình nhưng là tìm ý Thiên Chúa trên đời mình. Và quan trọng nhất là mỗi khi đến với thánh nhân khi ra về lòng mỗi người chúng ta cảm thấy thư thái hơn, bình an hơn.

Thánh Giêrađô: Ngài vẫn chuyển cầu, Ngài vẫn che chở, Ngài vẫn ban ơn lành cho tất cả những ai đến với Ngài với tấm lòng đơn sơ và khiêm hạ.

Thế đấy ! Giữa một thế giới văn minh, phát triển, người ta vẫn cố gắng chạy đua, cố gắng chà đạp nhau để làm, để thành công những chuyện lớn trong cuộc đời nhưng cuộc đời này vẫn còn le lói những người sống khiêm hạ. Sống trên cuộc đời này không phải là thành công hay không thành công, nổi tiếng hay không nổi tiếng. Chuyện quan trọng là làm sao có một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa sau cái cõi tạm này. Bí quyết mà Thánh Giêrađô để lại đó là khiêm hạ, nhỏ bé trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.

Thánh Giêrađô mãi mãi luôn hiện diện trong một góc nho nhỏ của các nhà thờ do các tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc. Làm cha, làm mẹ ai cũng mong cho con mình khôn lớn và ngoan ngoãn. Muốn được như ý ta có nên chăng là chạy đến để trao phó cuộc đời, trao phó bà mẹ, trao phó mầm sống tương lai cho thánh nhân.

Ngay khi còn sống trên trần gian này, Thánh Giêrađô đã hết sức đặc biệt ưu ái, quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến bà mẹ và con trẻ. Lẽ ngào ngày nay trên Thiên Quốc Ngài lại bỏ lời khẩn cầu của bà mẹ và con trẻ khi đến với Ngài chăng ?

Ngài vẫn có đó, Ngài vẫn hiện diện đó một cách hết sức khiêm hạ như khi Ngài còn sống. Phần còn lại là của chúng ta, chúng ta có năng đến và tín thác qua lời chuyển cầu của Ngài hay không mà thôi.
 
Yêu nên Ghen!
Anmai, CSsR
14:46 15/10/2008
Chúa nhật 29 thường niên (Is 45,1.4 – 6; 1Th 1, 1-5b; Mt 22,15 –21)

YÊU NÊN GHEN !

Một đứa bé ghen với em mình khi bố mẹ đều dành hết tình cảm cho thằng cu Tí mới sinh. Một em bé khóc thét lên khi mẹ bế một em bé khác… Lớn hơn một chút là ghen với đứa bạn học cùng lớp khi nó được thầy cô quý mến hơn hay được nhiều bạn bè mến mộ hơn. Khi đến tuổi trưởng thành rồi thì ghen với người yêu với người bạn đời khi họ có biểu hiện không chung thủy. Thậm chí khi làm cha làm mẹ rồi họ vẫn còn ghen. Ghen với đứa con nhỏ mới sinh khi “thằng nhóc” dành hết sự quan tâm của vợ, ghen… với con dâu, nhiều bà mẹ có cảm giác mất con trai.

Ghen, một "phẩm chất" cố hữu của tình yêu đôi lứa, một điều nghe đã quá đỗi bình thường nhưng lại không hề cũ trong mọi thời đại.

"Phẩm chất" này đã tồn tại lâu đời, như một thực tại khách quan trong ý thức hệ của con người từ lúc sinh ra và có thể còn tồn tại mãi mãi cùng với cuộc sống.

Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Bất cứ một sự chia sẻ nào cũng làm cho tình yêu trở nên không trọn vẹn và mất đi sự thiêng liêng của thứ vốn có tính bền vững vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con người.

Khi đã đem lòng yêu ai, người ta chỉ muốn người ấy chỉ là của riêng mình. Một cách tuyệt đối. Theo đó, những người yêu chưa hết mình, theo kiểu nửa vời hoặc những kẻ tính toán, hẳn nhiên không thể có cái "ghen nồng nàn", đáng yêu, đẹp đẽ như một người có sự trao gửi tuyệt đối về tư tuởng và hành động đối với người mình yêu.

Lời ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe đã gợi lại cho chúng ta về hình ảnh của một Thiên Chúa ghen tuông. “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác”.

Lời ngôn sứ ấy đã tả về một Thiên Chúa phải nói là quá ghen tương “chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta”. Nếu ai nghe Đức Chúa nói câu này cũng sẽ rất sốc. May mà câu nói này nó đặt trong bản văn Kinh Thánh và có đầu có đuôi, có nguyên nhân chứ không Đức Chúa cũng bị các phương tiện truyền thông cắt đầu cắt đuôi và sẽ “cảnh cáo” là người không xứng đáng là công dân Nước Trời chứ huống hồ gì là Chúa của Nước Trời. Mà cũng đúng thôi, nghe qua sốc thật. Nhưng, chúng ta hãy bình tình, ngồi lại với nhau đọc lại, nhìn lại lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực thi cho dân Ngài thì chúng ta sẽ hiểu rõ văn mạch của đoạn này. Cũng thế ! nếu chúng ta đọc lại toàn bộ bản văn phát biểu của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, tâm tình, thao thức của Ngài, chúng ta sẽ hiểu được Ngài muốn nói gì.

Tại sao Đức Chúa lại phán như thế ? Không phải tự nhiên mà Ngài phán như thế ! Chúng ta, khi nhìn lại lịch sử cứu độ thì chúng ta thấy Đức Chúa có ý và có lý chứ không phải là không không mà Đức Chúa nói như thế.

Từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo nên trời đất muôn vật, tạo nên con người có nam có nữ và Ngài cũng không quên thiết lập mối quan hệ, mối tương quan và nói đúng hơn là mối tình với con người. Thế nhưng, chẳng bao lâu thì ông bà nguyên tổ đã sa ngã, đã phạm tội và đã đánh mất đi cái tình yêu tinh tuyền tự ban đầu. Và cứ tiếp tục như thế, Thiên Chúa đã yêu thương con người nhưng hình như con người cứ cố tình ngoảnh mặt làm ngơ và khước từ cái tình yêu ấy. Không từ bỏ, không đoạn tuyệt, Thiên Chúa vẫn một lòng chờ đợi lòng chai dạ đá của con người sẽ thay đổi nhưng chờ mãi vẫn không thấy.

Qua miệng của các ngôn sứ, Thiên Chúa đã nhiều lần ngon ngọt có, răn đe có nhưng lòng dạ của con người cứ trơ trơ ra vậy.

Qua Môsê, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa đã phán: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. (Tl 6,6-12)

Hơn một lần Môsê đã cảnh báo: “Nếu các ngươi thực sự vâng nghe những mệnh lệnh Ta truyền cho các ngươi hôm nay, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng thờ Người hết lòng hết dạ, thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, và các ngươi sẽ thu hoạch lúa mì, rượu mới và dầu tươi của các ngươi. Ta sẽ cho cỏ mọc trong cánh đồng của các ngươi, cho súc vật của các ngươi ăn. Các ngươi sẽ được ăn và được no nê. Anh em hãy ý tứ kẻo lòng anh em bị quyến rũ mà bỏ đi phụng thờ những thần khác và sụp xuống lạy chúng, vì Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh em, Người sẽ đóng cửa trời: sẽ chẳng còn mưa, đất sẽ không còn trổ sinh hoa trái, và anh em sẽ mau chóng biến khỏi miền đất tốt tươi mà Đức Chúa ban cho anh em. Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em. Như vậy, bao lâu trời còn che đất, anh em và con cái anh em còn được sống trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã thề với cha ông anh em rằng Người sẽ ban cho các ngài.”. (Tl 11,13-21).

Thiên Chúa, vì lẽ quá yêu thương con người nên Ngài đã lập một giao ước tình yêu với con người, thế nhưng con người cứ ngoảnh mặt đi với tình yêu ấy.

Chắc có lẽ chúng ta không thể nào quên được cái sự kiện khi mà Môsê lên núi để đàm đạo với Chúa thì ở dưới núi, dân chúng đã đúc bò vàng … chưa hết, dân chúng sau này còn đi theo thần ngoại bang để rồi ngày hôm nay, chúng ta được nghe Isaia cảnh báo.

Tưởng chừng Cựu Ước là kinh nghiệm lớn chuyện tình giữa con người và Thiên Chúa nhưng con người thời Tân Ước cũng thế ! Cũng chạy theo không biết bao nhiêu là thần khác để rồi ngày hôm nay khi những người Pharisiêu và những người muốn Chúa mắc bẫy đã chửi thẳng vào mặt họ: "Hỡi những kẻ giả hình ! Người còn nói với họ: "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Nói như thế, Ngài muốn nói với Pharisiêu, những người thử Ngài và thậm chí ngay cả những người chúng ta rằng những gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.

Vâng ! Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải sống sao cho ra con cái Thiên Chúa chứ đừng sống theo kiểu người đời. Thánh Phaolô hơn một lần đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng có rập khuôn theo đời này ! Chúng ta, hôm nay có cơ hội để nhìn lại mình xem chúng ta sống như thế nào ? Chúng ta có sống với tư cách là con cái Thiên Chúa hay không hay là chúng ta sống theo tư cách của người đời.

Chúng ta phải nhớ một điều rằng, qua trang sách Isaia Thiên Chúa có cái thái độ gì đó mà ta nôm na gọi là ghen ! Tại sao ghen ! Tại vì yêu quá nên ghen và khi con người quay lưng thì Thiên Chúa cảnh báo.

Chúa có tình yêu cao vời vợi,

tình vượt cao hơn ngàn vì sao

mãi mãi luôn bao la, muôn đời con cảm tạ tình Cha

Mãi mãi Chúa là cha nhân ái, là mẹ hiền nuôi sống con
”.

Chúng ta vẫn thường hát như vậy nhưng tình ta và tình Chúa như thế nào ? Ta có khá hơn những người dân trong thời Cựu Ước, chúng ta có khá hơn luật sĩ, biệt phái thời Tân Ước hay không ? Hình như nó chẳng khá hơn mà nó còn tệ hơn nữa. Chúa thường hay trách móc biệt phái và luật sĩ nhưng thử hỏi chúng ta có giữ luật Chúa bằng họ không ? Nếu so sánh thì chúng ta khác quá xa. Tình Chúa thì vẫn còn còn tình của ta với Chúa nó nhạt nhạt làm sao đấy.

Tình ta và Chúa đã nhạt thì tình con người làm gì mà mặn được ?

Nhìn vào thực trạng đời sống mỗi người chúng ta ngày hôm nay nó làm sao đó để rồi cuộc đời nó cũng làm sao đó. Xã hội nó làm sao đó, gia đình nó làm sao đó, thành viên trong gia đình nó làm sao đó để rồi cái tình, cái nghĩa giữa con người ngày hôm nay nó cũng không được đong đầy. Chúng ta thấy nó nhợt nhạt nhưng chúng ta cứ lờ đi, chúng ta không nhắc nhở nhau để sống với nhau chung tình chung thuỷ hơn.

Thật sự ra mà nói, có yêu mới có ghen chứ chẳng ai dại đi ghen khi không yêu. Chúa quá yêu nên Chúa mới ghen và nhắc chúng ta không có thần nào khác ngoài Chúa. Chúng ta ngày hôm nay thì quá sức tưởng tượng, chúng ta chạy theo đủ thứ thần hết: tiền, tình, dục, danh, vọng … chúng ta làm thế làm sao mà Chúa không ghen được ?

Còn gia đình, nó cứ nhợt nhợt với nhau làm sao đó. Chúng ta nhìn lại mình, xem mình có yêu chồng, yêu vợ, yêu con cái, yêu thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn mình chưa ?

Nguyện xin Chúa là vua của tình yêu đổ đầy con tim chúng ta tình yêu nồng nàn để chúng ta yêu Chúa, yêu anh chị em đồng loại hơn.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:33 15/10/2008
CẢNH HUYỀN ẢO

N2T


- “Lúc nào thì con mới có thể ngộ đạo ?”

- “Khi con nhìn thấy.” Đại sư trả lời.

- “Nhìn thấy gì ?”

- “Hoa và cây, tinh tú và mặt trăng.”

- “Mỗi ngày con đều nhìn thấy chúng nó.”

- “Không, cái mà con nhìn thấy đó chỉ là hoa và cây, tinh tú và mặt trăng trong cảnh huyền ảo. Bởi vì con chưa sống trong hoàn cảnh thực tại, mà chỉ sống trong tư tưởng và khái niệm của con.”


Cuối cùng ông ta khẩn thiết nói thêm mấy câu: “Con đã sống qua cảnh hư ảo, thì con cũng sẽ mất đi trong hão huyền.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Mặt trăng và các tinh tú thì ai cũng nhìn thấy, hoa và cây thì ai cũng có thể nhìn thấy, vì nhìn thấy thường xuyên cho nên không thấy có gì đặc biệt, nhưng nếu chăm chú nhìn kỷ và suy tư, thì sẽ thấy Thiên Chúa thật vĩ đại khi tạo dựng nên các tinh tú và mặt trăng, hoa và cây...

Có những người Ki-tô hữu thường đọc kinh thánh mỗi ngày, nhưng không ngộ được đạo lý cao siêu của Lời Chúa trong kinh thánh, bởi vì họ đọc mà không cầu nguyện, đọc mà không thấy lòng mình cháy lên lửa yêu mến Lời Chúa.

Nhìn như không nhìn là vì tâm không để vào vật mình nhìn, đọc như không đọc là vì trí óc chỉ muốn ghi nhớ càng nhiều càng tốt mà không suy gẫm, cho nên không hề ngộ được cái đạo nhiệm mầu nơi tinh tú và mặt trăng, nơi hoa và cây, đó là cái nhìn huyền ảo của thế gian.

Chỉ cần tâm tĩnh lặng khi nhìn thì có thể ngộ được cái hay ho của vật đó.

Đó là ngộ đạo vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:34 15/10/2008
N2T


16. Con người tặng cho Thiên Chúa quang vinh lớn nhất, đó chính là cầu nguyện.

(Thánh Julian Maunoir)
 
Tôi nhớ đến lòng tin, lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô
Phaolô Phạm Xuân Khôi
23:43 15/10/2008
Chú giải Thánh Thư CN XXIX TN – A (1 Th 1:1-5)

Hôm nay chúng ta bắt đầu Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica.

Theo Chương 17 của Sách Tông Đồ Công Vụ thì Thánh Phaolô cùng với Thánh Silas đến Thêxalônica trong cuộc hành trình thứ nhì của ngài (khoảng năm 49-52) sau khi rời Philliphê. Thành phố này còn có tên là Salônica, nằm trên bờ biển Aegean và là một trung tâm thương mại phồn thịnh trong thời Thánh Phaolô. Thành phố được Cassader, anh rể của Alexander đại đế, thiết lập năm 315 B.C. và lấy tên vợ là Thexalônica mà đặt cho nó. Thành lọt vào tay người Rôma năm 186 B.C.. Đây là một thành phố dân ngoại. Họ thờ các thần của Hy Lạp và có nhiều điếm thần.

Có khá đông dân Do Thái cư ngụ ở đây, đó là lý do tại sao khi đến Thexalônica, Thánh Phaolô lập tức rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu tại hội đường của họ. Nhiều người Do Thái và Dân Ngoại đã theo ngài tin vào Chúa Giêsu trong đó có nhiều phụ nữ quý phái (x. Cv 17:4). Vì ghen tức, một số người Do Thái đã biểu tình và tấn công nhà ông Giasôn, nhưng không tìm thấy ngài nên họ lôi ông Giasôn ra tòa (x. Cv 17:5-9).

Vì thế Thánh Phaolô và Sêlas đã bỏ Thêxalônica mà qua Bêrêa (x. Cv 17:10). Ngài để Silas cùng Timôthê lại Bêrêa và đi Athen (x. CV 17:15). Rời Athen, Thánh Phaolô đến Côrinthô, ở đó Timôthê và Silas đến với ngài và cho biết tin tức ở Thexalônica. Thánh Phaolô viết Thư Thứ Nhất này và sai Timôthê đem đến cho họ để bổ túc những gì ngài đang giảng dạy. Thư này là văn kiện sớm nhất của Tân Ước được viết trong mùa đông năm 50 hay 51.

Câu 1 - Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Đây là cách mở đầu thông thường của tư tín thời đó. Chúng ta ai cũng biết Phaolô là ai. Còn Silvianô là tên tiếng La Tinh của Silas, một cộng sự viên của Thánh Phaolô như đã nói ở trên. Timôthêu có mẹ là người Do Thái theo Kitô giáo và cha là Dân Ngoại; Thánh Phaolô dạy đạo đồng thời cũng cắt bì cho Timôthêu khi ngài đi qua Listra (x. Cv 16:1-3). Từ đó Timôthêu đi theo ngài và là một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của ngài. Khi Thánh Phaolô viết thư này thì Timôthêu vừa từ Thexalônica đến Côrinthô và trình bày cho ngài biết về tình trạng khả quan của các tín hữu ở Thêxalônica.

Giáo đoàn thành Thêxalônica (Thessalônica) – cũng có tác giả dịch là Hội Thánh ở Thexalônica. Chữ giáo đoàn hay hội thánh hay giáo hội là cách dich khác nhau của chữ Hy Lạp εκκλησια có nghĩa là “cộng đoàn, buổi tập họp dân Israel dưới chân núi Sinai trong Cựu Ước”, nhưng từ thời các Thánh Tông Đồ thì chữ này được dùng để chỉ cộng đoàn hay giáo đoàn Kitô hữu mà chúng ta thường gọi là các giáo hội địa phương, và cũng được dùng để chỉ Hội Thánh Hoàn Vũ, là Dân Mới của Thiên Chúa. Thánh Thôma Aquinô dùng câu này để định nghĩa Hội Thánh như là “cộng đồng các tín hữu được quy tụ trong Thiên Chúa Cha và trong Đức Chúa Giêsu Kitô, nhờ Đức Tin vào Chúa Ba Ngôi và vào thiên tính cùng nhân tính của Đức Kitô” (Chú Giải 1 Thessalônica). Thánh Công Đồng Vaticanô II viết: “Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người” (Lumen gentium, số 9).

“Ân sủng và bình an” là một lời chúc mừng mà Thánh Phaolô rất thích để cầu chúc độc giả đạt được sự sung mãn của phúc lành từ trời. Ân sủng và bình an chỉ có thể được nếu người ta sống trong Thiên Chúa và trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Sống trong Thiên Chúa có nghĩa là sống trong sự giao hòa với Thiên Chúa, trong ân sủng của Ngài. Nhờ ân sủng này mà chúng ta biết phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa, bất chấp mọi khó khăn do thế gian hay hoàn cảnh gây ra.

Câu 2 - Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng;

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em... . Qua việc tạ ơn Thiên Chúa và không ngừng nhớ đến giáo dân Thêxalônica, Thánh Phaolô cho thấy rằng kết quả công việc rao giảng của ngài là do hồng ân Thiên Chúa ban cho chứ không phải công lao của riêng ngài. Một Tông Đồ chân chính luôn nhớ đến và cầu nguyện cho những người Thiên Chúa trao phó cho mình. Là cha mẹ, chúng ta cầu nguyện cho con cái. Là thầy cô hay Giáo Lý viên chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các học viên của mình. Không cần biết chúng ta tài năng đến đâu đi nữa, nếu không có ơn Chúa, chúng ta cũng chẳng giúp ích gì được cho ai. Cho nên trước khi giảng dạy chúng ta cần cầu nguyện cho mình để biết khiêm nhường rao giảng những gì Chúa muốn, theo Ý Chúa, và cho học viên để họ đón nhận lời giảng dạy của chúng ta với niềm tin.

Câu 3 - Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Câu này có thể được dịch là: “Tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì Đức Tin, cùng những khổ cực anh em chịu vì Đức Ái, và sự kiên nhẫn trong niềm hy vọng vào Ðức Chúa Giêsu Kitô, trước mặt Thiên Chúa, là Cha chúng ta.” - Đây là lần đầu tiên trong Thánh Kinh nói đến ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy và Mến. Đời sống tâm linh của Kitô hữu được đặt nền tảng trên việc thực hành ba nhân đức này.

Các nhân đức đối thần là các nhân đức làm cho ta có khả năng thông phần bản tính Thiên Chúa. Các nhân này là nền tảng, linh hồn và nét đặc thù của hoạt động luân lý Kitô giáo. Thiên Chúa ban cho ta các nhân đức này để ta có khả năng hành động như con cái Ngài và đáng hưởng sự sống đời đời. Các nhân đức đối thần là bảo chứng Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động trong những năng lực của con người. Có ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến (x. GLCG 1812-1813).

1. Ðức tin giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa, cùng tất cả những gì Ngài đã phán và mặc khải cũng như Hội Thánh dạy phải tin, vì Thiên Chúa là chân lý. Ðức tin không có Đức Cậy và Đức Mến, sẽ không kết hợp ta trọn vẹn với Ðức Kitô và không làm cho ta trở nên chi thể sống động trong Nhiệm Thể Người. Chúng ta không những phải giữ và sống Đức Tin, mà còn phải tuyên xưng, làm chứng và truyền bá Đức Tin. (x. GLCG 1814-1816).

2. Ðức cậy giúp chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu, nhờ tin tưởng vào các lời hứa của Ðức Kitô và phó thác vào ơn Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mình. Ðức cậy bảo vệ ta khỏi thất vọng, nâng đỡ ta, giúp ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời. Ðức Cậy giải thoát ta khỏi lòng ích kỷ và đưa ta đến hạnh phúc của Đức Ái. Các Mối Phúc Thật hướng niềm hy vọng của ta lên Thiên Quốc. Nhờ công ơn và cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta trong Đức Cậy. Ðức Cậy được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là kinh Lạy Cha (x. GLCG 1817-1821).

3. Ðức Mến hay Đức Ái giúp ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa mà thương yêu tha nhân như chính mình. Ðức Kitô đặt Đức Ái làm điều răn mới. Ðức Ái là hoa quả của Chúa Thánh Thần và là chu toàn lề luật. Thánh Phaolô kể ra các đặc điểm của Đức Ái: "Ðức Ái thì nhẫn nhục, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù, không mừng vì điều ác, nhưng vui vì điều chân thật. Ðức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Cor 13: 4-7). Ðức Ái cao trọng hơn mọi nhân đức, và đứng đầu các nhân đức đối thần. Ðức Ái gợi hứng và thúc đẩy việc tập luyện mọi nhân đức. Ðức Ái là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức trong đời sống Kitô hữu. Ðức Ái bảo đảm, thanh luyện và nâng khả năng yêu thương của con người lên mức hoàn thiện siêu nhiên. Ðời sống luân lý được sinh động nhờ Đức Ái, đem lại cho các Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Hoa quả của Đức Ái là niềm vui, bình an và lòng thương xót (x. GLCG 1822-1829).

Câu 4 - Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn,

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết trong Thông Điệp Spe Salvi rẳng: “Không phải là khoa học giải thoát con người: con người được giải thoát bởi tình yêu. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay. Khi một người cảm nghiệm được một tình yêu cao đẹp trong đời, đó là giây phút người ấy được “giải thoát”, là giây phút đem đến một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Nhưng chẳng mấy chốc người ấy nhận ra rằng tình yêu được trao ban trên anh ta tự nó không giải quyết được vấn nạn đời mình. Đó chỉ là một tình yêu giữ nguyên tính mong manh của nó. Tình yêu đó có thể bị huỷ diệt bởi cái chết. Con người cần đến một tình yêu vô điều kiện. Con người cần đến một sự chắc chắn khiến anh ta nói được: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực sâu hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, sẽ không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39). Nếu tình yêu tuyệt đối này tồn tại, với sự chắc chắn tuyệt đối của nó, thì lúc đó – và chỉ khi đó – con người được “cứu rỗi”, dù cho chuyện gì sẽ xảy đến với người ấy trong những điều kiện cụ thể của anh ta. Điều này nói lên là: Chúa Giêsu Kitô đã “cứu rỗi” chúng ta. Qua Ngài chúng ta trở nên chắc chắn về Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa không phải là một “căn nguyên” [bản tiếng Anh “first cause” – bản tiếng La Tinh -“primam causam” chú thích của người dịch] xa xôi của thế giới, bởi vì Con một-tự hữu của Ngài đã hóa thành phàm nhân và mọi người có thể nói về Người: “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20) (Spes Salvi 26).

Thánh Thôma Aquinô nói rằng Thiên Chúa yêu mến mọi người và “mời gọi họ hưởng những sự tốt lành vĩnh cửu” (Chú gỉải 1 Thêxallônica). Con người vì tội Nguyên Tổ và tội lỗi cá nhân đã mất ơn thánh hóa nên không thể tự mình đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và đến cùng Ngài được. Nhưng Thiên Chúa quá yêu con người đến nỗi “ban chính Con Một Ngài cho chúng ta” (Ga 3:16), “làm cho chúng ta xứng đáng được chung phần gia nghiệp của dân thánh trong ánh sáng. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa chúng ta vào vương quốc của Con Yêu Dấu Ngài” (Col 1:12-13). Những ai đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là những người được Ngài tuyển chọn để được hưởng hạnh phúc thật.

Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc thật mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng: Nước Thiên Chúa trị đến; hưởng nhan thánh Chúa, hưởng niềm vui của Chúa, an nghỉ trong Chúa. Ngài cho chúng ta sống ở đời để nhận biết, phụng sư, và yêu mến Ngài để nhờ đó được hạnh phúc Thiên Ðàng. Hạnh phúc là được thông phần bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời. Nó là ân huệ siêu nhiên.

Việc đón nhận Đức Tin là kết quả của ơn tuyển chọn của Thiên Chúa. Nhưng được tuyển chọn không đồng nghĩa với được cứu độ. Muốn được cứu độ chúng ta phải tự nguyện đáp lại lời Thiên Chúa và cộng tác với ân sủng của Ngài.

Hạnh phúc mà Ngài hứa bắt chúng ta phải đương đầu với những quyết định lựa chọn luân lý, mời gọi ta thanh luyện tâm hồn khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta không thể tìm thấy hạnh phúc thật nơi tiền tài, danh vọng, quyền bính, hay thành công về bất cứ phương diện nào, hoặc nơi bất cứ tạo vật nào, nhưng chỉ nơi Thiên Chúa, nguồn mọi thiện hảo và tình yêu.

Mười Giới Răn, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn các Tông Đồ chỉ cho chúng ta đường lên Nước Trời. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta tiến tới từng bước một, qua các việc làm hằng ngày. Nhờ tác động của lời Ðức Kitô, chúng ta dần dần sinh hoa kết quả trong Hội Thánh để vinh danh Thiên Chúa (x. GLCG 1720-1729).

Câu 5 - bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

Thánh Phaolô nhắc cho tín hữu Thêxalônica rằng những gí ngài đã dạy họ là Tin Mừng đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 40:9; 52:7; 60:6; 61:1) và được hoàn qua việc Con Thiên Chúa Nhập Thể và chu toàn nghĩa vụ cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Các Tông đồ rao giảng Tin Mừng này không phải chỉ bằng lời nói mà với quyền năng của Chúa Thánh Thần như chúng ta thấy trong Sách Tông Đồ Công Vụ.

Trong thời Hội Thánh sơ khai, việc rao giảng Tin Mừng được kèm theo bời những ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần như nói tiên tri, làm phép lạ, trừ quỷ và nói tiếng lạ (x. Cv 2:8). Thời Cựu Ước để sửa soạn cho Chúa Cứu Thế đến đã chấm dứt. Thời đại Cứu Thế bắt đầu bằng việc đổ tràn đầy ân sủng Chúa Thánh Thần xuống các Tông Đồ và những ai tin vào Đức Kitô, như ngôn sứ Giôel đã tiên báo: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ” (Gioel 3:1-3).

Kết Luận

Hôm nay các Giám Mục đang tụ họp tại Rôma để bàn thảo về “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ vụ Hội Thánh”. Lời Chúa là Lời Hằng Sống và sinh động nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chính là động lực chính hoạt động trong Hội Thánh và trong mỗi người chúng ta để giúp chúng ta sống và rao giảng Lời Chúa như Thánh Phaolô ngày xưa như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Phải nói rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc truyền giáo: chính Ngài thúc đẩy mỗi cá nhân rao giảng Tin Mừng, và chính Ngài ngự tận đáy lương tâm là cho người ta chấp nhận và hiểu được Lời cứu độ” (Evangelii nuntiandi, 75).

Lạy Chúa chúng con đang gặp rất nhiều khó khăn về tôn giáo, chính trị và kinh tế. Xin cho con biết luôn vững lòng cậy trông vào Chúa và không ngừng thể hiện Đức Tin của con qua Đức Ái. Amen

Câu Hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1. Khi làm các việc phục vụ tôi có biết cảm tạ Chúa vì những thành quả, hay tự hào vì những thành quả ấy? Có khi nào tôi nghĩ rằng vai trò của mình là quan trọng không thể thay thế được không?

2. Khi làm việc tông đồ, nhất là dạy Giáo Lý, tôi có nhớ cầu nguyện cho những người mà Chúa trao cho tôi phục vụ không? Cầu nguyện như thế nào?

3. Tôi hiểu thế nào về Đức Tin và đang sống Đức Tin ra sao?

4. Tôi đối xử thế nào với những người bé nhỏ hay thấp hèn hơn tôi trong gia đình, xã hội và sở làm.

5. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, có khi nào tôi thấy ngã lòng hay nản lòng không? Cách sống của tín hữu Thexalônica mà Thánh Phaolô nói trong bài đọc hôm nay dạy tôi điều gì về Đức Cậy?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (9)
Vũ Văn An
01:59 15/10/2008
Một Thượng Hội Đồng ngoại thường(tiếp theo)

Cái giá của việc sống Lời Chúa

Tại Iraq, đời là một Đồi Canvariô. Đó là lời chia sẻ của Đức Hồng Y Emmanuel III Delly, thượng phục Babylon của người Kan-đê và là Tổng giám mục Bác-đát, trong phiên khoáng đại thứ 12.

Đức Hồng Y khởi đầu bài chia sẻ của ngài như sau: “Con là một người con của quê hương Abraham, tức Iraq. Con đoán chắc phần lớn THĐ diễm phúc này muốn được nghe một số tin tức về tình thế của đất nước đang bị hành khổ và đẫm máu này”. Tuy nhiên, ngài trấn an ngay: bài chia sẻ của ngài không phải là bài bình luận về chính trị, nhưng là suy nghĩ của “một người cha đang sống với con cái thiêng liêng của mình trong nửa thế kỷ qua và từng chứng kiến đồng bào mình đau khổ và chết chóc. Một người cha từng cảm nhận được nhiệm vụ thánh thiêng phải bênh vực quyền lợi của Giáo Hội mình, của các tín hữu của mình và cảm nhận được bổn phận riêng phải cảnh cáo những người có trách nhiệm gây ra tình thế trên phải đi theo con đường công chính của hòa bình và an ninh. Xin cho phép chúng con nói lên sự thật: chúng con đã cố gắng làm mọi sự để đạt được hòa bình và thanh bình cho xứ sở của chúng con”.

Tuy nhiên, ngài cho hay: “tình thế tại một số vùng ở Iraq hết sức thảm hại và đau thương. Cuộc sống quả là một Đồi Canvariô. Hòa bình và an ninh không có, cả những yếu tố căn bản cho cuộc sống hàng ngày cũng không. Điện, nước, xăng dầu tiếp tục thiếu hụt; truyền thông bằng điện thoại luôn gặp trở ngại; đường xá bị phong tỏa; trường học hoặc bị đóng cửa hoặc bị đe dọa liên tục; các nhà thương thiếu nhân viên; người dân sợ cho chính sự an toàn của mình. Ai cũng sợ bị bắt cóc, dẫn đi và đe dọa”

Riêng đối với các Kitô hữu Iraq, “sống Lời Chúa có nghĩa là lấy cái giá chính mạng sống mình mà làm chứng cho nó, như đã từng xẩy ra và còn tiếp tục xẩy ra với nhiều hy sinh của các giám mục, linh mục và tín hữu. Họ ở lại Iraq, vững mạnh trong đức tin và đức mến Chúa Kitô, nhờ ngọn lửa Lời Chúa”. Nói đến đó, Đức Hồng khẩn khoản “xin qúy vị cầu cùng Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, cho chúng con và cùng với chúng con, chia sẻ các ưu tư lo lắng và niềm hy vọng của chúng con, các đau đớn nơi các người bị thương tích của chúng con, để Lời nhập thể của Thiên Chúa ở với Giáo Hội của Người, ở với chúng con như tin mừng và nâng đỡ”.

Để kết luận, Đức Hồng Y nhắc đến 16 linh mục và 2 giám mục bị bắt cóc và sau đó được thả nhờ tiền chuộc. Nhưng nhiều vị khác đã tham gia đoàn ngũ các “tân tử đạo mà hiện nay đang ở thiên đàng cầu bầu cho chúng ta: Đức tổng giám mục Mosul, là ĐC Faraj Rahho; Cha Raghid Ganni; cùng hai linh mục khác và sáu thanh niên”.

Đức cha Nguyễn Chí Linh: Chỉ có Lời Chúa mới đem lại niềm vui

Tiếp nối cùng một đường suy tư với người anh em mình là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Phó giám mục Nha Trang, trong bài chia sẻ của mình, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, cũng nhắc lại lịch sử du nhập Đạo Chúa vào Việt Nam trong “bối cảnh đau thương của nội chiến giữa hai vương quốc do anh em trở thành kẻ thù của nhau cai trị”.

Nhưng ngài cho hay: “Lạ lùng thay, nhờ sự trùng hợp trên, Lời Chúa đã trở thành nguồn an ủi lớn đối với các người chịu rửa tội đầu tiên và mãi sau này, nó không ngừng trở thành nguồn nâng đỡ tinh thần và thiêng liêng, nguyên lý phong phú hóa đối với Giáo Hội tại Việt Nam, một trong các Giáo Hội đau khổ nhất vì những cuộc bách hại đẫm máu và tiếp nối nhau. Sống trong cái lịch sử ấy, một lịch sử được dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và kỳ thị hạn chế, các Kitô hữu của chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới giữ họ trong yêu thương, niềm vui, bình an, hiệp thông và khoan dung”.

Nhân dịp này, Đức cha nhắc đến hai sự kiện xẩy ra tại Việt Nam hiện nay để chứng tỏ sức mạnh biến đổi của Lời Chúa. Sự kiện đầu tiên liên quan tới vấn đề phá thai mà theo ngài hiện rất thịnh hành ở Việt Nam. Người Công Giáo Việt Nam đóng góp chủ yếu bằng cách đi tìm các trẻ bị phá thai trong các bệnh viện, để hoặc rửa tội cho các em nếu thấy có dấu hiệu còn sống, và/hoặc chôn cất các em nếu đã qua đời. Thoạt đầu, các hành động này bị coi là bất hợp pháp, nên người Công Giáo phải làm lén lút. Ngày nay, việc ấy tuy vẫn chưa được phép, nhưng đã được làm ngơ. Và nhiều người đã lên tiếng ca ngợi việc làm này, đưa đến việc thực hiện nhiều phim tài liệu về nó. Làm vậy, họ đã nhìn nhận các chứng tá Kitô giáo của ta, những người sống bằng Lời Chúa, biết kính trọng sự sống.

Sự kiện thứ hai là việc trở lại ồ ạt của hàng ngàn đồng bào sắc tộc sau biến cố Phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam năm 1988. Điều lạ lùng là các đồng bào này nghe Đài Phát Thanh Tin Lành ở Manila, nhưng khi trở lại lại gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Đúng là người Tin Lành gieo mà người Công Giáo thì gặt. Đức cha nhận xét rằng “Lời Chúa vang dội từ xa, thấu tai các anh em đó, và đã trở nên nguồn hy vọng cho những con người mất hút trong rừng sâu núi thẳm, bị tước đoạt hết và chả còn tương lai gì này”.

Ngài kết luận: “trong bách hại, ơn phúc lớn nhất của chúng ta là lòng trung thành với Lời Chúa”.

Huấn dụ của Đức Bênêđíctô XVI: chú giải phải luôn luôn đi với thần học

Sau buổi “caffé latte” (càphê sữa) ban sáng ngày 14 tháng 10, các nghị phụ của THĐ nghe tiếng của Đức tổng giám mục Eterovic, Tổng thư ký, loan báo trên loa phóng thanh: “ ‘chủ tịch’ của THĐ sẽ nói truyện với chúng ta”. Tưởng ai hóa ra là chính Đức Giáo Hoàng!

Ngài tới ngồi vào chỗ dành sẵn, đeo kính giáo sư lên, mở bài nói truyện và bắt đầu ngỏ lời với ĐH. Ai trong phòng cũng trở nên tỉnh táo như vừa ‘sống lại’ và chăm chú lắng nghe, kể cả các nhân viên của THĐ, các thư ký, “các vị chạy việc” và lẽ dĩ nhiên cả “ngũ nhân bang” tùy viên báo chí. Không ai được phát “bài soạn sẵn”, nên hiểu ra là Đức Thánh Cha đọc từ các ghi chú chính tay Ngài soạn.

Theo cha Rosita, thì “tại đây, trước mặt đại biểu Giáo Hội thế giới, là ông giáo sư Joseph Ratzinger, đang ngồi giữa các học trò, môn đệ và đồng nghiệp của mình, để chia sẻ các suy tư của Ngài về những điều Ngài thấy và nghe được trong tuần lễ đầu tiên của THĐ giám mục thế giới”.

Sau khi nhắc đến Hiến Chế "Dei Verbum," về Mạc Khải Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đề cập tới tầm quan trọng của phương pháp phê bình sử học (historical-critical method) vốn có gốc rễ trong Phúc Âm Gioan 1:14, Lời đã thành nhục thân. Trong tư cách vừa là thầy vừa là cha, Đức Thánh Cha nhắc THĐ nhớ đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh, một nghiên cứu phản ảnh tính đơn nhất của mọi sách trong bộ Sách Thánh, một nghiên cứu được thực hiện với và phát sinh từ truyền thống sống động của Giáo Hội. Khoa chú giải và phân tích Lời Chúa của ta phải luôn luôn có chiều kích thần học vì chúng ta không đơn thuần xử lý với một cuốn sách sử của quá khứ mà với Lời luôn sống động trong cộng đồng Giáo Hội: Lời ấy chính là Chúa Giêsu. Khi khoa chú giải thánh kinh ly dị khỏi cộng đồng đức tin sống động đầy hơi thở là Giáo Hội, nó chỉ còn là cách ghi chép lịch sử không hơn không kém. Việc chú giải của đức tin không còn nữa. Ta giản lược mọi sự vào nguồn gốc nhân bản và đơn thuần dùng giải thích loại bỏ mọi sự khác. Cuối cùng, ta sẽ bác bỏ chính Đấng mà Thánh Kinh chủ yếu nói về, Đấng mà sự hiện diện sống động nằm sâu dưới các ngôn từ. Khi chú giải ly dị khỏi thần học, thì Thánh Kinh không còn là linh hồn của thần học nữa. Cần lưu ý tới mối giây liên kết nội tại giữa việc học hỏi nghiên cứu Thánh Kinh với truyền thống thần học của Giáo Hội, thần học phải bén rễ trong Thánh Kinh.

Bằng một văn phong đơn giản, trong sáng và đẹp đẽ, Đức Thánh Cha, người vốn được gọi là “Mozart của thần học” đã đem lại cho THĐ một bài học đơn giản và sáng sủa về sự hợp nhất của Thánh Kinh và thần học để ta khiêm hạ tiếp cận Lời Chúa, học tập Lời ấy và đem nó ra thực hành. Một giáo dân Ý làm việc tại Vatican tâm sự: “Đức thánh cha Ratzinger đã làm cho bạn yêu Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người dù bạn xa cách Chúa và Giáo Hội đã lâu. Ngài quả là người nhân hậu”.

Chúa Giêsu trên đường Emmaus

Cha Rosita kể lại: trong các cuộc họp báo hàng ngày của THĐ, một trong các câu hỏi được đặt ra nhiều hơn cả là câu: “Các nghị phụ thường trích dẫn đoạn Thánh Kinh nào nhiều hơn cả?”. Có lẽ không sai nếu trả lời: đó là đoạn Phúc Âm kể lại truyện hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24:13-35). Đoạn naỳ được đủ mọi vị trích dẫn, trong đó có hồng y, giám mục, chuyên viên và khách mời. Truyện này quả là mẫu gương cho khoa giáo lý, khoa giảng dạy, cho việc học hỏi Thánh Kinh và trên hết cho lối sống của Kitô hữu.

Câu truyện này chính là điểm tập chú trong cấu trúc Phúc Âm Luca, cho thấy sự căng thẳng giữa biến cố mồ trống và phản ứng của môn đệ. Các sự kiện của câu truyện rất rõ ràng: Cleopas và một người bạn từ địa điểm vừa xẩy ra các biến cố có tính quyết định để tới một ngôi làng vô nghĩa. Họ không tin sứ điệp Phục Sinh, chỉ vì cái gương mù gương xấu của Thánh Giá tạo ra. Ngỡ ngàng và thất vọng, họ không làm sao nhìn ra sự giải phóng trong cái chết, chiếc mồ trống, hay sứ điệp về việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khác. Dưới con mắt họ, hoặc là sứ mệnh của Chúa Giêsu thất bại hoàn toàn, hoặc là họ bị đánh lừa một cách thảm hại, hết còn trông mong gì nới Chúa Giêsu nữa.

Khi hai môn đệ đầy thất vọng ấy được đồng hành với Chúa Giêsu trên đường tới Emmaus, tâm hồn họ bắt đầu ấm lên khi trí khôn họ bắt đầu hiểu được sự thật về Đấng Được Xức Dầu phải chịu đau khổ. Trong bữa ăn tại Emmaus, họ cảm nghiệm được sức mạnh của Phục Sinh ngay trong tâm hồn họ. Giảp đáp cho vấn đề của hai môn đệ này không phải là câu trả lời hoàn toàn hợp luận lý.

Qua sứ điệp mạnh mẽ của câu truyện Phục Sinh này, Thánh Luca muốn giải thích cho người đọc và cộng đoàn của ngài rằng Phục Sinh thực sự là giải đáp hợp luận lý cho những ai hiểu sứ điệp của Sách Thánh. Nhưng Cleopas và người bạn của ông đã “chẳng hiểu gì cả, lòng trí các ông chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (câu 25).

Muốn hiểu Phục Sinh, cần một diễn trình hai mặt: biết sứ điệp Sách Thánh và cảm nghiệm được Đấng Sách Thánh nói tới, tức Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, qua việc bẻ và chia sẻ bánh với cộng đồng tín hữu. Không phải chỉ là vấn đề lý thuyết hay tri thức, câu truyện Emmaus muốn nói với ta rằng Phục Sinh đầu hết và trước hết phải được cảm nghiệm trong tâm hồn.

Emmaus và THĐ: cuộc hành trình từ đầu tới tim

Chủ đề hành trình trong truyện Emmaus không những chỉ là khoảng cách giữa Giêrusalem và Emmaus mà còn là cuộc hành trình vất vả và tiệm tiến của lời nói phải đi từ đầu xuống tới tim; của việc đức tin trồi lên, của việc trở về với mối liên hệ chân chính với người khách lạ, không ai khác mà là chính Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Đối với Cleopas và người bạn đồng hành vào ngày Phục Sinh đầu hết kia, cuộc hành trình của họ là một diễn trình tiệm tiến, vất vả đòi hỏi phải cẩn thận nhớ lại và nhắc lại các biến cố của lịch sử cứu độ trong Sách Thánh, song song với việc cảm nghiệm được Chúa Phục Sinh. Người Kitô hữu thế kỷ 21 cũng thế. Họ phải tiếp tục giải thích Thánh Kinh trong thời buổi và trong thời đại này, và di chuyển từ cái nhìn thông sáng đầy đức tin qua việc công bố và cảm nghiệm sống động Đấng thực sự đã sống lại từ cõi chết. Không lạ gì câu truyện này đã được các nghị phụ trích dẫn đi trích dẫn lại trong THĐ bàn về Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
 
Kết quả cuộc thăm dò cử tri Công giáo Hoa kỳ về một số vấn đề luân lý
Phụng Nghi
12:07 15/10/2008
Washington (CNS) –. Theo kết quả cuộc thăm dò do tổ chức Hiệp sĩ Columbus đề xướng và mới được công bố hôm 14 tháng 10 thì cử tri Công giáo Mỹ năm 2008 có khuynh hướng ôn hòa hơn và ít cấp tiến hơn, so sánh với số cử tri cả nước.

Cuộc thăm dò được Viện Công luận thuộc trường Đại học Marist thực hiện từ ngày 24 tháng 9 đến 3 tháng 10 bằng điện thoại với 1733 người Mỹ, trong số đó 813 người tự nhận là Công giáo. Số người Công giáo hành đạo vượt gần gấp đôi số người Công giáo không hành đạo, tỷ lệ 2-1.

Vấn đề phá thai nơi số người Công giáo nói chung được phỏng vấn:
48% nói họ chủ trương phò sinh (pro-life)
47% chủ trương phò chọn lựa (pro-choice)
5% không chủ định

So sánh giữa số người Công giáo hành đạo và không hành đạo:
Người hành đạo: 59% phò sinh, 36% phò chọn lựa
Người không hành đạo: 29% phò sinh, 65% phò chọn lựa

Hơn 90% người Công giáo ủng hộ vấn đề hạn chế phá thai nói chung, nhưng không đồng thuận trong các trường hợp hạn chế:
35% trong số nói trên chủ trương cho phép phá thai trong các trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân, hoặc để cứu mạng sống người mẹ.
26% nói nên cho phép phá thai trong ba tháng đầu kể từ ngày thụ thai.
17% nói không bao giờ được phép phá thai.
11% nói chỉ cho phá thai nếu nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.

Vấn đề phá thai và bầu cử nơi số cử tri Công giáo được thăm dò:
55% nói họ “nhất quyết” bầu cho ứng cử viên nào tin rằng cuộc sống bắt đầu từ lúc hoài thai.
20% nói họ sẽ bầu cho một ứng cử viên như thế nhưng với một số hạn chế.
19% nói họ sẽ “nhất quyết” không bầu cho một ứng cử viên chủ trương như thế.

Vấn đề hôn nhân đồng tính theo số cử tri Công giáo được thăm dò:
36% nói các cặp đồng tính nên được kết hợp theo quy chế dân sự (civil union).
32% nói các cặp đồng tính có thể được kết hôn theo luật pháp.
32% nói các cặp như thế không nên được luật pháp công nhận.

Gần phân nửa số cử tri Công giáo (49%) nói họ sẽ “nhất quyết” bầu cho một ứng cử viên nào xác định hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ.
45% sẽ “nhất quyết” bầu cho ứng cử viên nào ủng hộ việc kết hợp dân sự của hai người trưởng thành muốn sống chung với nhau.

Các mối quan tâm hàng đầu nơi cử tri Công giáo:
59% coi vấn đề kinh tế là ưu tư hàng đầu
9%: chiến tranh tại Iraq
6%: chi tiêu của nhà nước
6%: săn sóc về y tế
5%: khủng bố
3%: di dân
2%: công ăn việc làm
12%: các vấn đề linh tinh khác.

Vấn đề đường hướng của quốc gia Hoa kỳ theo số cử tri Công giáo được thăm dò:
73% nói đất nước đang đi trệch đường
21% nói họ cho rằng đất nước đang đi đúng hướng
6% nói họ không biết chắc.
72% nói họ thất vọng về hướng đi của quốc gia
23% cho biết họ hy vọng về hướng đi đó
5% nói họ không biết chắc.
66% nói họ bất mãn về hướng đi của quốc gia
26% nói họ có được sinh lực nhờ hướng đi đó.

Vấn đề đảng phái nơi số cử tri Công giáo được thăm dò:
39% nói họ theo đảng Dân chủ
30% theo đảng Cộng hòa
29% là thành phần Độc lập

Vấn đề ý thức hệ nơi cử tri Công giáo được hỏi:
45% tự mô tả là ôn hòa
36% là người bảo thủ
19% là người cấp tiến.
26% số cử tri Công giáo không hành đạo tự nhận là cấp tiến (7% nhiều hơn số người Công giáo nói chung)
29% số cử tri Công giáo không hành đạo tự nhận là bảo thủ (7% ít hơn số người Công giáo nói chung)

Có ít nhất phân nửa số cử tri Công giáo nói chung và cử tri Công giáo hành đạo cho biết họ sẽ bầu cho một ứng cử viên:
- Ủng hộ tự do tôn giáo và tự do lương tâm
- Hoạt động để giải quyết vấn đề tăng nhiệt toàn cầu
- Ủng hộ các nguyên tắc Kitô giáo trên đó đất nước này được thành lập
- Ủng hộ các khoản trợ cấp để cho học sinh được theo học các trường tư, trường công hoặc các trường đạo
- Chủ trương rằng sự sống khởi đầu ở lúc hoài thai
- Ủng hộ dịch vụ săn sóc sức khỏe chung cho mọi người
- Cam kết chiến thắng cuộc chiến tại Iraq
- Đặt trợ cấp cho người nghèo làm ưu tiên hàng đầu.

Có ít nhất phân nửa cử tri Công giáo nói chung cho biết họ sẽ bầu cho ứng cử viên “ủng hộ cuộc nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi người”,
trong khi đó hơn một nửa số cử tri Công giáo hành đạo nói họ sẽ bầu cho ứng cử viên nào “chủ trương hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ.”

Dựa theo cuộc thăm dò, Hội hiệp sĩ Columbus ước tính có 65% số người Công giáo đi lễ “đều đặn”, phân chia như sau:
Một tuần nhiều lần: 8%
Một tuần một lần: 36%
Mỗi tháng một hay hai lần: 21%

Cuộc thăm dò có sai số + hay – 2.5 đối với số người Mỹ nói chung, và + hay – 6.5 cho cử tri Công giáo không hành đạo.
 
Giáo Hội là thân mình Chúa Kitô, chứ không phải một hiệp hội của con người trần gian
Linh Tiến Khải
23:45 15/10/2008
Giáo Hội là thân mình Chúa Kitô, chứ không phải một hiệp hội của con người trần gian

Giáo Hội không phải là một hiệp hội của con người trần gian, mà là thân mình của Chúa Kitô, dấu chỉ sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa giữa nhân loại. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 25 ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 15-10-2008

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ”Giáo huấn của thánh Phaolô về Giáo Hội”. Trước hết ngài ghi nhận rằng các từ tiếng Ý ”Chiesa”, tiếng Pháp ”Eglise”, tiếng Tây Ban Nha ”Iglesia” đều bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ”ekklesia”. Từ này có nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước và có nghĩa là cộng đoàn dân Israel được Thiên Chúa triệu tập; một cách đặc biệt nó ám chỉ cộng đoàn gương mẫu tụ tập tại chân núi Sinai. Giờ đây nó ám chỉ cộng đoàn mới của các người tin nơi Chúa Kitô và cảm thấy họ là cộng đoàn của Thiên Chúa, bao gồm tất cả mọi dân tộc. Từ ”ekklesia” đã chỉ xuất hiện dưới ngòi bút của thánh Phaolô ở đầu thư thứ I gửi tín hữu Thexalonica. Trong các thư khác thánh nhân nói tới ”Giáo Hội của Thiên Chúa” tại Côrintô (1 Cr 1,2; 2 Cr 1,1) tại Galát (1,2) vv... Như thế chúng là các Giáo Hội địa phương, nhưng thánh Phaolô cũng cho biết ngài đã bách hại ”Giáo Hội của Thiên Chúa”. Như vậy từ ”ekklesia” có nhiều chiều kích: nó vừa ám chỉ các giáo đoàn tại các nơi xác định vừa ám chỉ toàn thể Giáo Hội.

Tiếp đến Đức Thánh Cha giải thích kiểu nói ”Giáo Hội của Thiên Chúa như sau: Thật là quan trọng ghi nhận sự kiện từ ”Giáo Hội” - hầu như luôn luôn xuất hiện với kiểu nói định tính ”của Thiên Chúa” - không phải là một hiệp hội nhân loại, nảy sinh từ các tư tưởng hay các lợi ích chung, mà từ sự triệu tập của Thiên Chúa. Vì do Thiên Chúa triệu tập nên nó là một, hiệp nhất trong tất cả các hiện thực của nó. Sự hiệp nhất của Thiên Chúa tạo ra sự hiệp nhất của Giáo Hội trong tất cả mọi nơi Giáo Hội hiện diện. Sau này trong thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô sẽ soạn ra ý niệm sự hiệp nhất của Giáo Hội, tiếp nối ý niệm dân Thiên Chúa, là Israel được các ngôn sứ coi như là ”hiền thê” của Thiên Chúa, được mời gọi sống tương quan hôn nhân với Thiên Chúa. Thánh Phaolô giới thiệu Giáo Hội duy nhất của Thiên Chúa như là ”hiền thê của Chúa Kitô” trong tình yêu thương, như một thân thể và một tinh thần duy nhất với Chúa Kitô.

Trước kia Phaolô đã kịch liệt chống đối Giáo Hội của Chúa Kitô, vì coi nó là một đe dọa đối với lòng trung thành với truyền thống của dân Thiên Chúa, với các luật lệ Do thái bao gồm luật cắt bì, luật trong sạch phụng tự và luật ngày lễ nghỉ. Biết bao tín hữu do thái đã chịu chết vì lòng trung thành đó, đặc biệt dưới thời anh em Macabei. Nhưng sau cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh, Phaolô hiểu rằng các kitô hữu không phải là những người phản bội. Trong một tình trạng mới, qua Chúa Kitô, Thiên Chúa của dân Israel đã trở thành Chúa của mọi dân tộc, vì Ngài mời gọi tất cả mọi dân nước tin vào Ngài và trở thành chi thể trong Giáo Hội của Ngài, mà không cần phải phân biệt các luật lệ và việc tuân giữ chúng.

Thánh Phaolô hiểu rằng người ta không trở thành kitô hữu vì bị bắt buộc, nhưng yếu tố nền tảng là việc đồng hình dạng nội tâm với Chúa Kitô, gắn liền với lời sống động, và việc loan báo Chúa Kitô, nơi Người Thiên Chúa rộng mở cho mọi dân tộc và hiệp nhất các dân tộc ấy trở thành dân duy nhất của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong sách Công Vụ thánh Luca dùng kiểu nói ”loan báo lời” nhiều lần (Cv 4,29.31; 8,25; 11,19; 13,46; 14,25; 16,6.32). Một cách cụ thể, lời đó được tạo thành bởi thập giá và sự phục sinh của Chúa kitô, nơi Người Kinh Thánh đã hiện thực. Mầu nhiệm phục sinh đã đảo lộn cuộc đời thánh Phaolô và đã trở thành trung tâm điểm lời rao giảng của thánh nhân (x. 1 Cr 2,2; 15,14). Mầu nhiệm đó được loan báo và hiện thực trong các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, rồi trở thành thực tại trong tình bác ái kitô. Công tác truyền giáo của thánh Phaolô không nhằm mục đích nào khác ngoài việc thành lập các cộng đoàn gồm các tín hữu tin nơi Chúa Kitô. Tư tưởng này đã có trong nguồn gốc từ ”ekklesia”, mà thánh Phaolô và toàn Kitô giáo đã thích dùng hơn là từ ”sinagoga”, là từ đời ám chỉ cuộc hội họp chính trị chứ không có tính cách tôn giáo. Ngoài ra từ ”ekklesia” có tư tưởng thần học hơn, vì nó diễn tả sự kiện tín hữu được Thiên Chúa triệu tập và quy tu trong một cộng đoàn là Giáo Hội Ngài.

Rồi Đức Thánh Cha giải thích ý niệm Giáo Hội như ”Thân mình của Chúa Kitô” và nói: Trong đường nét này chúng ta cũng có thể hiểu ý niệm ban đầu về Giáo Hội như là ”Thân mình Chúa Kitô”, một cách tuyệt đối là ý niệm của thánh Phaolô. Nó bao gồm hai chiều kích. Chiều kích thứ nhất có tính cách xã hội học, theo đó thân mình gồm nhiều chi thể và nó không thể hiện hữu nếu không có các chi thể. Kiểu giải thích này xuất hiện trong thư gửi tín hữu Roma và thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô, trong đó thánh Phaolô dùng một hình ảnh đã có trong môn xã hội học Roma: đó là một dân tộc giống như một thân thể với các chi thể khác nhau, mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng. Cả khi chúng có bé nhỏ và xem ra vô nghĩa nhất, chúng cũng cần thiết để thân thể có thể sống và thực thi các nhiệm vụ của mình. Thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu biết trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi như: ngôn sứ, tông đồ, thầy dậy, người thường, nhưng mọi người đều được kêu mời sống tình bác ái mỗi ngày, và mọi người đều cần thiết cho việc xây dựng sự hiệp nhất sống động của cơ quan tinh thần ấy. Thánh Phaolô cũng cho rằng Giáo Hội không chỉ là một cơ quan, nhưng thực sự trở thành thân mình Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, nơi mọi tín hữu nhận lãnh Mình Ngài. Như thế mầu nhiệm hôn nhân hiện thực, và mọi người trở thành một thần thể và một tinh thần trong Đức Kitô. Như thế thực tại vượt qúa hình ảnh xã hội học và diễn tả bản chất sâu xa đích thật của nó là sự hiệp nhất của tất cả mọi người đã được rửa tội trong Chúa Kitô.

Khi khẳng định như thế thánh Phaolô cho chúng ta hiểu rằng Giáo Hội không phải là của thánh nhân hay của chúng ta, mà là thân mình của Chúa Kitô, ”Giáo Hội của Thiên Chúa”, là ”cánh đồng của Thiên Chúa, do Chúa xậy dựng nên,... là đền thờ của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9.16). Kiểu nói cuối cùng này rất hay, vì nó gán cho các tương quan liên bản vị một từ đươc dùng để ám chỉ nơi chốn vật lý, được coi như thánh thiêng. Như vậy tương quan giữa Giáo Hội và đền thờ có hai chiều kích: một đàng được áp dụng cho cộng đoàn giáo hội tính cách tách rời và trong sạch của nơi thánh, đàng khác nó vượt qúa ý niệm không gian vật chất, để lên tới thực tại của một cộng đoàn lòng tin sống động. Nếu trước đây các đền thờ được coi như là nơi Thiên Chúa hiện diện, thì giờ đây chúng ta thấy Thiên Chúa không ở trong các dinh thự bằng đá nữa, mà nơi Thiên Chúa hiện diện là cộng đoàn các tín hữu.

Trong thư gửi Timothê thánh Phaolô gọi Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa” (1 Tm 3,15). Đây là một định nghĩa độc đáo, vì thánh Phaolô nói tới Giáo Hội như là cơ cấu cộng đoàn, trong đó các tín hữu sống các tương quan liên bản vị đầm ấm như trong một gia đình. Thánh nhân giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Giáo Hội trong các chiều kích khác nhau của cộng đoàn dân Chúa một cách sâu đậm. Đó là sự cao cả trong ơn gọi của chúng ta: được mời gọi là đền thờ của Chúa trong thế giới, nơi Thiên Chúa ở thực sự; đồng thời chúng ta cũng là cộng đoàn và gia đình của Thiên Chúa, Đấng là tình bác ái trên thế giới và trong lịch sử loài người. Như là gia đình và nhà của Thiên Chúa chúng ta cũng phải hiện thực trong thế giới tình bác ái của Thiên Chúa, và nhờ sức mạnh lòng tin trở thành nơi chốn và dấu chỉ sự hiện diện của Ngài.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 
Top Stories
Anche uno scandalo di regime dietro l’attacco di Hanoi contro i cattolici
Asia-News
10:09 15/10/2008
L’indignazione popolare per la vicenda detta PMU18, con funzionari ed esponenti di governo che hanno sottratto milioni di dollari, ha spinto a reprimere ogni manifestazione, anche quelle pacifiche.

La prova al Tribunale di Hanoi martedì Ottobre 14,2008
Hanoi (AsiaNews) – Potrebbe anche esserci il più grave scandalo per corruzione della storia vietnamita all’origine del mutato atteggiamento del regime nei confronti delle pacifiche dimostrazioni dei fedeli cattolici di Hanoi. La repressione anche violenta nei loro confronti trae probabilmente origine – oltre che da motivi economici - dalla volontà di bloccare qualsiasi forma di protesta. Una decisione presa dopo che contestazioni al regime ed al Partito comunista, coinvolti nella vicenda, erano sorte in seguito alle rivelazioni. apparse sulla stampa della storia del Project Management Unit 18, detto PMU18. Lo scandalo riguarda la sottrazione di milioni di dollari dai fondi destinati alla costruzione di infrastrutture, in particolare strade e ponti, ed hanno coinvolto dirigenti statali, compreso un ministro, ed esponenti di primo piano del Partito.

Lo scandalo, esploso all’inizio del 2006, in un primo momento ha visto incarceramenti e dimissioni, ma, da ottobre scorso, tutto è via via cambiato. Il viceministro ai trasporti Nguyen Viet Tien, che era in carcere, è stato assolto e, di seguito, le ombre sono state allontanate da personalità di primo piano, come un cognato del segretario generale dell’ufficio del primo ministro. Il Partito insomma ha reagito, ed ora ad essere sotto processo (nella foto) sono due giornalisti – Nguyen Van Hai e Nguyen Viet Chien, accusati di aver “abusato delle libertà democratiche” - e due alti funzionari della Sicurezza, il generale Pham Xuan Quac e il colonnello Dinh Van Huynh, accusati di “aver rivelato segreti di Stato”. Il procedimento è in corso, e ieri il procuratore ha chiesto per loro condanne tra uno e sette anni. Alla stampa, che in un primo momento aveva protestato, è stato imposto il silenzio.

La vicenda è anche indicativa della libertà di stampa che esiste in Vietnam. All’inizio, infatti, i giornali ne potettero parlare. Si scoprì così che milioni di dollari erano finiti soprattutto in scommesse sulle partite dei campionati di calcio europei, ma anche nell’acquisto di auto di lusso e mantenimento di amanti e prostitute. L’elenco dei coinvolti comprendeva 200 impiegati, ma saliva di grado. A gennaio fu arrestato il direttore esecutivo del PMU18, Bui Tien Dung, accusato di essersi giocato 1,8 milioni di dollari, ad aprile toccò al viceministro e poco dopo il ministro Dao Dinh Binh dette le dimissioni. Il caso non era chiuso: alcuni giornalisti puntavano ancora più in alto. I due ora sotto processo scrissero di 40 “altri” che avevano preso tangenti. Si guardò anche all’ufficio del primo ministro. Il nome del vicecapo della polizia fu cancellato dai delegati al decimo congresso del Partito. Nel quale, peraltro, la vicenda PMU18 la fece da padrone, mentre nel Paese l’indignazione cresceva, tanto da far temere “rischi” per il regime stesso. Persino su Nhan Dan, quotidiano del Partito, il 27 marzo un membro permanente del Politburo, Phan Dien, ammetteva che “funzionari governativi hanno preso e dato tangenti” e parlava di “casi ignorati o messi sotto silenzio”.

Lo stesso giorno, però, il Ministero della pubblica sicurezza lanciava inchieste contro alcuni giornalisti, accusandoli di divulgare segreti e sfruttare le loro libertà democratiche per ledere beni dello Stato, di cittadini e organizzazioni.

A ottobre Nguyen Viet Tien, dopo 18 mesi di prigione, è stato rilasciato e processato di nuovo. Questa volta è stato dichiarato innocente. A maggio è stato riammesso nel Partito. Lo stesso mese sono stati arrestati i due giornalisti. Molti altri sono stati convocati e interrogati. Alcuni, per mostrare lealtà ed allontanare i sospetti, hanno pensato bene di fiancheggiare il regime nell’attacco ai cattolici, cittadini di seconda categoria.

La municipalità di Hanoi, intanto, si è tenuta i terreni dei quali la Chiesa rivendicava la proprietà. Ma è cambiata la loro destinazione: prima delle manifestazioni dei cattolici li aveva concessi ad un ristorante cinese e ad una ditta di confezioni, ora sono parchi pubblici.
 
Hanoi's path to property crosses Catholics
Asia-News
10:23 15/10/2008
Are hardliners in Vietnam's Communist Party-led government now calling the tune? That is one interpretation for the recent crackdown on large-scale demonstrations led by Vietnamese Catholics who have demanded a return of former church property nationalized in Hanoi when the communists first took power over 50 years ago.

Religious protesters have been beaten, arrested and harassed, according to a variety of news agency reports. The US-based rights group Human Rights Watch has described it as the harshest crackdown on Vietnam's Catholics in decades. Catholic organizations outside of the country have joined the criticism, although the Vatican has not yet commented publicly.

The crackdown is in marked contrast to the authorities' tolerant and restrained approach towards similar vigils held in December and January by Catholic parishioners seeking the return of disputed properties, including the site of the former Vatican diplomatic mission near the St Joseph's Cathedral in Hanoi's city center and the nearby Thai Ha church and monastery.

Earlier vigils came to a peaceful end when the Vatican in Rome urged Vietnam's Catholics to avoid provoking confrontation, while government authorities promised to discuss the return of the properties. But tensions have mounted between hardliners and moderates inside Vietnam's leadership, particularly over how to handle rising inflationary pressures in the economy and the overall economic reform direction.

Prime Minister Nguyen Tan Dung, viewed widely as a moderate, has led Vietnam's rapid economic reform drive and has responded to various foreign investor calls to move towards a more rules-based economic system, including over property rights. Dung has recently come under conservative criticism for moving too quickly and a hardline camp has played on his previous softly-softly approach in handling earlier Catholic protests as evidence he is both soft on security and over-eager to bow to foreign demands.

Now, the government's newly adopted hardline approach is stoking instability. A new round of Catholic protests began in August, beginning with 100 or less devotees taking part in prayer vigils, in response to the failure of any advance in the discussions with the local government authorities over the contested holy sites. In late August, police arrested at least eight peaceful demonstrators on the grounds of the Thai Ha Church of the Redemptorist monastery, which was founded in the 18th century to assist the urban poor. News reports said that police beat parishioners with electric batons to disperse a a subsequent vigil calling for the release of those detained.

On September 19, in a clear statement of the government's hardening position, construction workers backed by hundreds of police officers and clearance crews bulldozed the former nunciature's perimeter walls and old gardens - but left the colonial residence of the former delegate of the pope - to make way for a park and public library.

An Associated Press reporter was beaten by police after being arrested for taking photos of the building work and his camera was confiscated.

Local Hanoi authorities have also declared their intention to turn the greater 17,000-square-meter Thai Ha Redemptorist property into a public park and have offered the Church the use of three alternative properties for religious purposes. The offers have been declined, however. By September 21, as many as 10,000 devotees stood off against the authorities.

That same evening hundreds of men, some in Communist Youth uniforms, according to reports, attacked Thai Ha Church, harassing and even spitting on priests and their parishioners. Police reportedly watched idly as the mob harassed parishioners, destroyed an iron cross erected in the nunciature's garden and removed a sacred statue of the Pieta.

On the same day, more than 5,000 Catholics gathered for a prayer vigil in southern Ho Chi Minh City to show their support for the parishioners in northern Hanoi.

Four days later, state-owned buses delivered a pro-government mob that attacked Catholic demonstrators at the site of the nunciature and denounced Hanoi's Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet. Kiet, who has publicly defended the rights of the Catholic protesters and visited the families of arrested parishioners, now faces government restrictions on his movements. Other clerics and parishioners have been summoned for interrogations.

Atheist propaganda

In the state-controlled media allegations have been made that Kiet "has committed illegal and unpatriotic acts" by inciting the protests and represented a threat "to public safety and national unity". Underscoring the government's harder line, authorities have apparently taken extreme propaganda measures by publishing criticisms of Kiet in children's magazines. The current issue of Thieu Nien Tien Phong (Pioneer Children) magazine, produced for primary school children, includes an article by a Catholic primary student who writes that she lost her Catholic belief due to Kiet's words and behavior.

Kiet has in response criticized the Vietnamese government's monopoly control over the country's mass media. "The reason why you don't see or hear the opinions of the Office of the Archbishop in the mass media is that such means of communication belongs to the government, and that we don't have any right to use it to express our viewpoints," Kiet was reported saying in religious-oriented publications.

After the Hanoi People's Committee, a governmental authority answerable to the Communist Party, recommended punishing Kiet and four other priests for inciting riots and disrespecting the nation, among other charges, the Vietnam Conference of Bishops issued public statements in defense of the clergymen and raised concerns about religious freedom and the right to property.

For their part, government officials have repeatedly claimed that the Church gave them the land decades ago, but Catholics dispute that claim. Supporters of the government's policy, writing in the local state-controlled press, point out that the nunciature's land was before the Church's construction occupied by the Bao Thien pagoda. The shrine was destroyed in 1886 by "French imperialists" to build a church, seminary and building for the Vatican's representative to Vietnam, the commentators wrote.

After the end of French rule in 1954, the Government of the Democratic Republic of Vietnam, now the Socialist Republic of Vietnam, took over management of the land. Under Vietnamese law, there is no privately held property and land is managed by the state for all of the people. The state may decide to allocate land for different uses, including for religions such as the Catholic Church.

Premier Dung was reported in the state-run Vietnamese News Agency in early October saying that the Catholic protesters and Archbishop Kiet had overstepped the mark and were often acting illegally. At a meeting with the Vietnam Episcopal Council after the conclusion of its second annual conference, Dung said that Vietnam's constitution and current laws state clearly that land belongs to the people under the unified management of the state.

He also said that the allocation of land to any organization for religious purposes had to be performed in line with the law and cited a number of localities, including Ho Chi Minh City, which has allocated land to the municipal bishopric to build a center serving its activities, where this policy has been successfully implemented.

Others included the central highlands province of Dac Lac, where more than 11,000 square meters of land were handed over to the Buon Ma Thuot bishopric, the central city of Danang's allotment of 9,000 square meters of land to the Danang bishopric, and the central province of Quang Tri's allocation of over 15 hectares of land to the La Vang parish.

Dung said Kiet had demonstrated a lack of respect and cooperation with the Hanoi administration and that his words "challenged the state, hurt the nation, and disregarded the country's position and the status of Vietnamese citizens in their interrelation with the world".

"If those activities do not come to an end, they will have an adverse impact on the good ties between the State and the Church and the relationship between Vietnam and the Vatican, which has been progressing positively," Dung said.

He also said the government was willing to have dialogue with the Catholics and not use force to settle the issues over the two properties. In the subtext, Dung's remarks spoke to the still-unreformed nature of property ownership in Vietnam's otherwise fast transformation from a communist to market-based economy.

There are reports that land grievances are escalating throughout the country and it is thought that conservatives in the Communist Party leadership believe that if the Catholics are successful in challenging the state's control over their property, it could unleash an unmanageable spate of similar demands across the country.

It's still unclear what the recent crackdown on Catholics means for the country's overall economic reform direction. What seems clearer is that Dung has acquiesced to conservative demands to take a tougher position exerting the state's command over land ownership and in the process raises disturbing new fears of a wider crackdown on dissent and religion.
 
Still on the road to hope
Tablet - UK
10:44 15/10/2008
Vietnam’s Catholics are well used to persecution. But the latest stand-off with the clergy and parishioners of Hanoi has prompted a fearful Government into a far more brutal crackdown than has been seen for some time.

By J.B. An Dang

On 19 September 2008, before daybreak, while the residents of Nha Chung St in Hanoi were still asleep, hundreds of police gathered in front of the house of Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet. They quickly set up roadblocks and barbed wire, denying access to the archbishop’s residence, to St Joseph’s Cathedral and to all roads leading to the former nunciature nearby, a building seized by the communists in 1959, since converted to a nightclub, and in the past year the focus of prayer vigils demanding its return to the Church.

Police dogs were brought in to help isolate the area and make sure no one got in or out. Blocking devices were in evidence, preventing communication by mobile phone or any other means between the district and the outside world. When it was light, bulldozers moved on to the site of the former nunciature, and construction workers and hundreds of police began demolishing the buildings on the site.

As the cathedral’s bells started ringing to alert and summon parishioners, state-controlled television and radio announced that the Government had decided to demolish the buildings to make room for a public playground.

The government crackdown marks its latest response to the prayer vigils that started at the former nunciature last December. The assembled Catholics would pray the Rosary, sing hymns, or stand for hours in silent prayer. The vigils spread to two other parishes in the archdiocese, Ha Dong, and Thai Ha, where the return of the confiscated Redemptorist monastery is demanded.

The events of 19 September mark the most dramatic episode so far in an ongoing confrontation between Catholics and Government, a continuing stand-off that explodes from time to time into violence. At the start of this year the Government issued an ultimatum demanding that the prayer vigils be halted by 5 p.m. on Sunday 27 January, threatening “extreme actions” for any disobedience. As a consequence, more people simply joined in the protests.

On 1 February the Government appeared to offer a concession. Hours after the publication of a letter dated 30 January from Cardinal Tarcisio Bertone, the Vatican Secretary of State, to Archbishop Kiet, urging Hanoi's Catholics to avoid confrontation with police, and promising to press the Government for the restoration of the nunciature, the Government, through its appointees the Hanoi People’s Committee, agreed in principle to return the nunciature to the archdiocese if the vigils ceased.

Six months later, it became clear to the Catholics that they had been duped. In early August the Government threatened “extreme actions” against priests, depicting them as “criminals” who were inciting parishioners to stand up against the Government, assemble and pray illegally in public areas, and disturb public order. The campaign, designed to turn public opinion against the Church, stepped up a level on 28 August, when police arrested eight Catholics at the Thai Hai Church of the Redemptorists, and used electric batons to disperse a vigil demanding the release of those arrested.

On Sunday 31 August Fr Peter Nguyen Van Khai stepped out of the Thai Ha church carrying a monstrance in a Eucharistic procession around the ground of the disputed Redemptorist Monastery. A policeman jumped on him, spraying the priest, altar boys and other people nearby with tear gas at close range causing many to faint and vomit. He withdrew after throwing a tear gas grenade into the crowd. About 30 parishioners, most of them women and children, suffered badly from tear gas inhalation, at least 20 needing hospitalisation.

On 20 September, the day after the bulldozing of the nunciature, Archbishop Kiet went to the office of the Hanoi People’s Committee to protest. In the government-run New Hanoi newspaper of 22 September Nguyen The Thao, chairman of Committee, threatened legal action against the archbishop for saying that “we feel humiliated to be carrying a Vietnamese passport”. Archbishop Kiet had actually said: “Travelling overseas often we feel humiliated carrying a Vietnamese passport because wherever we go we are always examined scrupulously [by customs agents]. We feel so saddened by that. Our desire is for our country to become stronger so that we can be as proud as Japanese citizens who can pass through anywhere without being inspected. Koreans already enjoy that privilege.”

The condensing of the paragraph marked the beginning of a smear campaign against the archbishop, while his parishioners have been harassed regularly since by both uniformed and plainclothes police. Hundreds of thugs, some in the blue shirts of the Communist Youth League, have destroyed church statues, cursed and spat at parishioners, and gathered at the archbishop’s residence to shout death threats to the archbishop and the priests.

Thugs ransacked Thai Ha church, desecrating in particular the revered statue of the Holy Mother placed on a makeshift altar in the grounds, and dumping used motor oil and other foul smelling liquid on to the altar. These events happened in daylight as public officials and police looked on. Meanwhile a sophisticated network of cameras and eavesdropping devices has been installed all around the archbishop’s residence. Within days of the 19 September crackdown a park filled with grass, shrubs and blooming flowers has been created at the site of the nunciature, at a speed no major national project has seen before.

Vietnamese bishops released a joint statement on 26 September, signed by the president of the bishops’ conference, Bishop Peter Nguyen Van Nhon, that read: “Archbishop Kiet of Hanoi, and the priests of the parish of Thai Ha have not done anything against current canon law.” The statement went on to voice the bishops’ opinion on the roots of the conflict, identifying the outdated land law that contravenes the Universal Declaration of Human Rights in denying the right to own private property; the state media which have spread doubts and mistrust instead of mutual understanding and unity; and the tendency of the Government to use violence against people crying out for justice.

Vietnamese Catholics are well used to persecution since the fall of the North to the communists in 1954 and the South in 1975. They draw inspiration most of all, perhaps, from the example of Cardinal François Xavier Nguyen Van Thuan who in 1975, at the age of 47 and with a rosary in his pocket as his one possession, was sent to a communist re-education camp. He spent 13 years in prison, including nine in solitary confinement and total darkness, before his release in 1988. He was made a cardinal in 2001 before dying in 2002 after a long illness caused by his time in prison. “For years, I had seen nothing other than a thick darkness in absolute solitary confinement. Had I lost my hope in the Lord, I should have gone crazy,” he wrote in his book “The Road of Hope”.

The Government in Hanoi is well aware of the kind of people it is dealing with.
 
Letter to The Right Honorable Stephen Harper, Prime Minister of Canada
Mission of the Vietnamese Martyrs
15:52 15/10/2008
Letter to The Right Honorable Stephen Harper, Prime Minister of Canada

The Right Honorable Stephen Harper, P.C., M.P.
Prime Minister of Canada
80 Wellington St.
Ottawa, Ontario,
K1A 1A2

Toronto, September 2nd, 2008

Dear Prime Minister,

With our hearts filled with thanks to the Lord for sending “Les Peres Redemptoristes Canadiens” from the Ste Anne de Beaupre-Quebec in the late 1920’s to Vietnam as missionaries to set up churches, schools and monasteries in the country’s major cities, we are writing this petition to you to express our deep concerns about the dispute between Redemptorists and the Government of Vietnam over a piece of property at Hanoi Redemptorist Monastery. We have been shocked by recent religious and human rights violations against the religious order as well as the Catholic faithful who have assembled since January for peaceful prayer vigils at the site of dispute.

The property in question consists of 15 acres of land purchased by the religious order in 1928. After the Communists takeover of North Vietnam in 1954, most of the Redemptorists in North Vietnam were either jailed or deported, leaving a native priest in charge of the property. Despite the pastor’s protest, local authorities, following a harsh anti-religious policy, had allowed individuals and state-run organizations to seize the parish’s one section at a time. The 15-acre plot has been reduced to only about half an acre.

Since 1996, the religious order has repeatedly requested the return of the property claiming that it was seized illegally- all to no avail. Redemptorists and their followers in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protest to call out for justice from the authorities.

In response, the Government of Vietnam launched a terrorizing campaign against Hanoi Catholics, starting with a series of arrests on August 28, 2008. On the same day, numerous priests and lay peoples were kicked and beaten brutally by police officers when they peacefully requested for the release of the detainees.

Canada has long tradition of being a champion of religious and human rights through out the world. We respectfully request you do everything possible to ensure that the authorities in Hanoi desist from all sorts of violent repression of the protestors, and seriously search for negotiated settlements regarding the confiscated Church property that is at the root of the dispute. The Government of Vietnam must respect its own laws and international laws that it signed. It must immediately take firm and concrete actions to prevent further religious and human rights violations against members of any religious affiliations.

With thanks and best regards,
Sincerely,

NormChu
Mr. Norm Chu
President, Society for the Propagation of the Faith
Mission of the Vietnamese Martyrs
Saint Cecilia’s R.C. Church
161 Annette Street
Toronto, Ontario, M6P 1P5

Enc:
Names, addresses and signatures of petitioners
From members of the Society for the Propaganda of the Faith
 
Letter to Frau Bundeskanzlerin, Dr. Angela Merkel, Prime Minister of Germany
Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
15:57 15/10/2008
Letter to Frau Bundeskanzlerin, Dr. Angela Merkel, Prime Minister of Germany

Frau Bundeskanzlerin
Dr. Angela Merkel
Bundeskanzleramt
Willy-Brandt-Str. 1
10557 Berlin

Betrifft: Menschenrechtsverletzungen gegenüber katholischen Christen in Vietnam

25. September 2008

Sehr geehrte Frau Bundeskanzlerin!

Wir wenden uns an Sie, um Sie über die jüngsten Verletzungen der Menschenrechte und des Rechts auf freie Religionsausübung durch die vietnamesische Regierung zu informieren.

Gegenwärtig befinden sich zahlreiche Katholiken auf unbestimmte Zeit in Haft. Der Erzbischof von Hanoi and mehrere führende Persönlichkeiten des Redemptoristenordens sehen sich einer Verleumdungskampagne von Seiten der Regierung ausgesetzt. Sie wurden von der Regierung beschuldigt, die Gläubigen zu Protestaktionen anzustiften und diese Proteste zu organisieren, um in der Öffentlichkeit um Sympathie für ihr Anliegen zu werben; deshalb wurde ihnen auch gerichtliche Verfolgung angedroht.

Kircheneigentum wurde in aller Öffentlichkeit mutwillig beschädigt oder geplündert, ganz zu schweigen von den täglichen Misshandlungen von Priestern und friedlichen Demonstranten durch Schläger, die vor nichts zurückschrecken, um ihre unschuldigen Opfer zu terrorisieren und zu beleidigen.

Wie Sie vielleicht wissen, organisieren Katholiken in Hanoi seit dem 18.12.2007 tägliche Gebetsmahnwachen vor der früheren Nuntiatur in Hanoi. Sie setzen sich für Rückgabe des Gebäudes ein, das 1959 ohne gesetzliche Grundlage vom kommunistischen Regime beschlagnahmt wurde. Die Proteste hörten auf, als die Regierung sich am 1.2.2008 zu einer Rückgabe bereit erklärte. Beide Seiten waren übereingekommen, dass der Rückgabeprozess durch die vietnamesische Regierung schrittweise ablaufen solle.

Bedauerlicherweise wurde der Prozess durch verschiedene bürokratische Schikanen verzögert.

Am 19. September 2008 nahm der Konflikt eine überraschende Wendung, als die Regierung den Abriss der Nuntiatur ankündigte: Es sollte Platz für einen Spielplatz geschaffen werden. Die Regierung verlor keine Zeit, das Vorhaben mit tatkräftiger Unterstützung bewaffneter Streitkräfte auszuführen. Diese Aktion steht im krassen Widerspruch zur Dialogpolitik, die die katholische Kirche und die Regierung von Vietnam bisher verfolgten. Sie ist eine Verletzung der berechtigten Interessen der katholischen Gemeinde in Hanoi; sie ist auch ein Hohn auf das von der Regierungspartei selbst erlassene Gesetz und ein Wortbruch gegenüber der katholischen Kirche in der gegenwärtigen Angelegenheit.

Friedliche Gebetsmahnwachen wurden auch in der Thai Ha–Pfarre fortgesetzt. Dort hatten Priester und Gläubige beharrlich um eine Rückgabe ihres Grundstück ersucht, das vom Staat unrechtmäßig beschlagnahmt worden war, nachdem die Mehrheit der Redemptoristen in der Folge des Genfer Abkommens von 1954 in den Süden gezogen war. Öffentliche Empörung und Proteste wurden laut, als Angehörige der Thai Ha–Pfarre entdeckten, dass Regierungsbeamte ihr Land in kleinen Einheiten an Privatpersonen verkauft hatte. So blieb den Mitgliedern der Pfarre in ihrer Not nichts anderes übrig, als seit dem 5.1.2008 friedlich zu protestieren und Gerechtigkeit einzufordern, was nach den vietnamesischen Gesetzen durchaus zulässig ist.

Bis jetzt fanden die Proteste bei der vietnamesischen Regierung kein Gehör. Polizei und Sicherheitskräfte, Soldaten und sogar Mitglieder von Straßenbanden wurden immer wieder eingesetzt, um die Proteste zum Schweigen zu bringen.

Erst letzten Monat startete die kommunistische Regierung von Vietnam eine Einschüchterungskampagne gegen Katholiken in Hanoi. Sie begann mit der Androhung von „harten Maßnahmen“ gegenüber katholischen Priestern. Es folgte eine Reihe von Verhöhnungen und entstellenden Darstellungen, die sich gegen Katholiken und die katholische Kirche richteten. Die Kampagne bezweckte die Erregung öffentlicher Empörung und feindseliger Stimmung gegen den Klerus in Hanoi und die Kirche insgesamt. Es gab eine Reihe von Verhaftungen und Gewaltakten. Zahlreiche Priester und Laien wurden von der Polizei brutal getreten und geschlagen, als sie am 28. August friedlich um die Freilassung von Verhafteten baten.

Am Redemptoristenkloster, dem Brennpunkt des Streites um die Eigentümerschaft des Grundstückes, setzte die Polizei am 31. August 2008 Tränengas gegen Gläubige ein, die an einer religiösen Prozession teilnahmen. Mehr als 30 Gläubige – die meisten von ihnen Frauen und Kinder –wurden durch das Einatmen des Gases verletzt. 20 wurden in ein Krankenhaus eingewiesen. Als Mitglieder einer Straßenbande eine zur Kirche gehörige Kapelle in der Nacht vom Sonntag, 21.9.2008 zu Montag, 22.9. angriffen, ließ die Polizei diese gewähren.

Am Abend desselben Tages kam eine Gruppe von mehr als 200 Jugendlichen in T-Shirts der kommunistischen Jugendliga zur Kirche von Thai Ha, um Priester und Gläubige zu bespucken. Vergangene Woche folgte eine Reihe von Vorfällen, wobei eine andere Bande von Gewalttätern den Altar, der mit religiösen Bildnissen und einer Muttergottesstatue geschmückt war, mit Altöl und einer anderen übelriechenden Flüssigkeit verunreinigte.

Das Volkskomitee in Hanoi schloss sich dem konzertierten Machtmissbrauch an, indem es die Stellungnahme des Erzbischofs von Hanoi absichtlich verdrehte. So wurden z.B. Aussagen aus dem Kontext gerissen. Ferner benützte das Komitee staatliche Medien, um die patriotische Einstellung des Erzbischofs in Zweifel zu ziehen. Dies ist ein offensichtlicher Versuch, die Öffentlichkeit zu täuschen und Feindseligkeit gegen den Erzbischof und die Kirche zu schüren, die keine Möglichkeit hat, ihre Version der Angelegenheit darzulegen.
Als Folge der allgemeinen, von der Regierung veranstalteten Hasskampagne gegen die katholische Kirche kam es zu einer Reihe von Übergriffen auf Katholiken. Banden plünderten Kirchen und zerstörten Statuen und Bücher; dabei schrien sie Todesdrohungen gegen den Klerus, die Gläubigen und ganz besonders gegen den Erzbischof. Diese Gewalttaten vollzogen sich unter den Augen einer großen Menge von Polizei und Beamten der Stadt Hanoi, die jedoch nichts unternahmen, um Katholiken zu schützen, da sie diese Aktionen dem „Volkszorn“ zuschrieben.

Da sich die Spannungen zwischen dem Staat und der Kirche immer weiter zuspitzen und möglicherweise zu Blutvergießen eskalieren, hoffen wir in unserer verzweifelten Situation auf Ihre Fürsprache, Frau Bundeskanzlerin, und auf den Beistand der deutschen Bundesregierung.

Wir bitten Sie, sich mit folgenden Forderungen an die Regierung in Hanoi zu wenden.

1. Die Medienkampagne gegen katholische Geistliche, Laien und die Kirche als ganzes soll beendet werden.
2. Die Verfolgung von katholischen Geistlichen und Gläubigen soll aufhören. Religiöse Gebäude und Gegenstände sollen unangetastet bleiben.
3. In Befolgung ihrer eigenen Gesetze soll die Regierung die Grundstück der Nuntiatur und des Redemptoristenklosters in Thai Ha, Hanoi, den rechtmäßigen Eigentümern zurückgeben.

Deutschland weiß sich dem Schutz der Menschenrechte in besonderem Maße verpflichtet.

Wir bitten Sie, Frau Bundeskanzlerin, entschieden und mit Nachdruck zu fordern, dass die Regierung von Vietnam ihre Repressalien gegenüber katholischen Christen einstellt und in faire und ernsthafte Verhandlungen über die Rückgabe von enteignetem Kircheneigentum eintritt. Die Regierung von Vietnam muss dabei auch das Völkerrecht respektieren, zu deren Einhaltung sie sich verpflichtet hat.

Für Ihren Einsatz möchten wir unseren aufrichtigen und tief empfundenen Dank aussprechen.

Mit freundlichen Grüßen

Mons.Peter Nguyen van Tai
Director of Radio Veritas Asia
Buick St. North Fairvier,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Fr. John Tran Cong Nghi
Director of VietCatholic News Agency
Our Lady of the Assumption Church
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Email: conggiao@gmail.com

Fr. Joachim Nguyen Duc Viet Chau
Director of Peope Of God in America
PO Box 1419 Gretna,
Email: danchuausa@yahoo.com

Fr. Anthony Nguyen huu Quang
Director of Peope Of God in Australia
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: quangsdb@yahoo.com

Fr. Stephane Bui Thuong Luu
Director of Peope Of God in Europe
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Monthly Catholic Magatine
Email: info@danchua.de

Fr.Paul Van Chi Chu
Director of Gospel and Peace Radio, Sydney Australia
92 The River Rd-Rvesby
NSW 2212
Australia
Email: info@vietcatholicsydney.net
 
Regime implicated in scandal behind attack against Catholics in Hanoi
Asia-News
16:49 15/10/2008
Popular indignation over the affair referred to as PMU18, with government officials and representatives embezzling millions of dollars, has led to the repression of any demonstration, including peaceful ones.

The trial at Hanoi People's Court on Tuesday Oct. 14,2008
Hanoi (AsiaNews) - The most serious corruption scandal in Vietnamese history could be part of the reason for the regime's change in attitude toward the peaceful demonstrations by Catholics in Hanoi. The repression, which has sometimes been violent, probably takes its origin - in addition to the economic reasons - from the desire to block any kind of protest. The decision was made after accusations against the regime and the communist party, involved in the affair, arose following the news in the media about the history of Project Management Unit 18, referred to as PMU18. The scandal concerns the embezzlement of millions of dollars from funds destined for the construction of infrastructure, especially roads and bridges, and has involved state officials, including one minister, and a leading party official.

The scandal, which exploded at the beginning of 2006, at first saw imprisonments and resignations, but since last October, everything has gradually changed. The deputy transportation minister, Nguyen Viet Tien, who was in prison, has been exonerated, and the shadows have gradually withdrawn from leading officials, like a brother-in-law of the general secretary for the office of the prime minister. In short, the party has reacted, and now two journalists are on trial (in the photo) - Nguyen Van Hai and Nguyen Viet Chien, accused of "abusing democratic freedoms" - and two high security officials, General Pham Xuan Quac and Colonel Dinh Van Huynh, accused of "revealing state secrets." The trial is underway, and yesterday the prosecutor asked for sentences of between one and six years. The media protested at first, but has since been silenced.

The affair is also indicative of the freedom of the press that exists in Vietnam. In the beginning, in fact, the newspapers were able to talk about it. It was thus discovered that millions of dollars had ended up above all in bets on European soccer matches, but also in the purchase of luxury automobiles and expenses for mistresses and prostitutes. The list of those involved included 200 employees, but it has gone up significantly. In January, the executive director of PMU18, Bui Tien Dung, was arrested, accused of wagering 1.8 million dollars. In April, it was the turn of the deputy minister, and shortly thereafter minister Dao Dinh Binh submitted his resignation. The case is not closed: some of the journalists were pointing fingers even higher. The two now on trial wrote about 40 "others" who had taken bribes. Even the office of the prime minister was under scrutiny. The name of the deputy chief of police was removed from the list of delegates at the party's tenth congress. At this, discussion of the PMU18 affair dominated, while indignation was growing in the country, to the point of introducing the fear of "risks" for the regime itself. Even in Nhan Dan, the newspaper of the party, on March 27 a permanent member of the Politburo, Phan Dien, admitted that "government officials have taken and given bribes," and spoke of "cases that were ignored or silenced."

But on the same day, the public safety ministry launched investigations of some journalists, accusing them of divulging state secrets and exploiting their democratic freedoms to the harm of the state, of citizens, and of organizations.

In October, Nguyen Viet Tien, after 18 months in prison, was released and tried again. This time, he was found not guilty. In May, he was re-admitted to the party. That same month, the two journalists were arrested. Many others have been summoned and interrogated. Some of them, to demonstrate their loyalty and drive away suspicion, have been careful to support the regime in its attack on Catholics, second-class citizens.

The municipality of Hanoi, meanwhile, has kept the territory that the Church was demanding be returned to it. But they have altered its purpose: before the demonstrations by Catholics, it had been given to a Chinese restaurant and a clothing company, but now it is public park land.
 
河内迫害天主教徒的背后还隐藏其内部的丑闻
Asia-News
16:56 15/10/2008
“18统一管理计划”激起公愤,党员干部将数以百万计美元据为己有。这一事件,也导致政府压制各种公开的示威活动,包括和平示威

河内(亚洲新闻)—越南政府对待河内天主教徒的态度背后,可能隐藏着更加严重越共党内党员干部的腐败丑闻。除经济原因外,镇压天主教徒也可能是为了遏制各种形式的公开示威活动。这一决定,是在越共代表大会召开后作出的。所谓“18统一管理计划”是指一项基础设施,特别是道路桥梁建设的庞大工程,总造价达数百万美元。涉及到了越南政府部长、党内领导人等各级官员。

这一丑闻始于二OO六年。刚刚被揭发出时,先后有多人被逮捕、罢免。但是,从十月开始,风向突然发生了转变。被捕的交通部前副部长获释;党内重量级人物——如总理办公室秘书长的小舅子等人身上笼罩的阴影也全部消失了。而被关押、听候审判的是两名被指控为“滥用民主自由”的新闻记者、两名“泄露国家机密”的安全部官员。昨天,对他们作出了从一年至七年不等的判决。最初提出抗议的媒体,最终集体失声。

这一事件,也充分说明了越南的新闻自由现状。一开始,新闻记者争相报道、媒体可以自由撰文。由此,人们发现数百万美元被越南党员干部终饱私囊,用去炒欧洲杯足球赛、过奢侈糜烂的生活、包养二奶,甚至嫖娼。而且,涉及官员达二百多名之多。从一月起,先后逮捕了多名涉嫌高官。在记者们的穷追不舍之下,不断揪出越来越大的官员。同时,国内民众的愤怒也日渐高涨,以至于令独裁政权感到了“危险”。一名政治局常委于三月二十七日在越南官方媒体《人民报》上撰文,承认党员干部贪污了大笔国家建设资金;指这是一起“被忽略的或者被压下的案例”。

但同一天,国家安全部却开始对部分记者展开调查。指责他们擅自盗窃机密、利用民主自由危害国家、公民和组织的利益。

十月,前交通部副部长被关押十八个月后“无罪”获释。接着,两名记者被逮捕;许多人受到了审问。一些人为了避免受到怀疑,选择了站在政府一边,为其迫害天主教会和教友摇旗呐喊、站脚助威。

河内市政府更将教会的财产据为己有。但是,上述土地用途却发生了改变,不再用来开中餐馆和公司,而是建成了公园。
 
Africa: Vatican - Contribution of African Bishops At Synod
Catholic Information Service for Africa
17:47 15/10/2008
VATICAN - 15 October 2008 - We republish here comments of some African bishops at the Synod of Bishops on the Word of God at the Vatican:

Bishop Louis Portella Mbuyu of Congo-Brazzaville: "There is the urgent need to help and stimulate the faithful of Christ in the Congo to read the Word of God, to meditate on it, to pray it in as much as it can recreate African man who still carries within the consequences of the past.

Cardinal Peter Turkson of Ghana: "The truth of scriptures is ultimately the truth of a person, Jesus. This truth is both accessible and inaccessible to people. Its access requires faith. The search for the meaning and the truth of scriptures cannot be limited to the sign of the word and letter of scriptures."

Bishop Joseph Aké of Ivory Coast: "In my humble opinion, this is the finality of our studies, our discussions, our sharing: to lead our faithful and those who will allow themselves to be touched by our preaching to personally and uniquely experience the encounter with Jesus. They should reach this: 'I believe not because I listened to the homily of this bishop, of this charismatic priest, but because I myself met Jesus.'

Bishop Fulgence Muteba Mugalu of DR. Congo: "I recommend the good use of social communications of the Word of God. I'd like to insist on the fact that, in order to reach today's men and women better, the proclamation of the Word of God should be composed of finding an equilibrium with the media culture.

"This means accepting Inter mirifica (Second Vatican Council's Decree on the Media of Social Communications) and writing a new page in communications, in relationship with the nature of the Word to be proclaimed and is respectful both of the dignity and the freedom of those who are listening."

Bishop Patrick Daniel Koroma of Sierra Leone: "The Bible is the principal means by which we seek God's direction in the diverse circumstances of our lives, the determining guide for our lives, what God is asking of us and what God is calling us to be."
 
Pope John Paul II Secretly Wounded in 1982 Stabbing
By Philip Pullella /Reuters
17:54 15/10/2008
VATICAN CITY, Oct. 15, 2008 - The late Pope John Paul was wounded by a knife-wielding priest in 1982, a year after he was shot in St Peter's Square, but the injury was kept secret, his former top aide says in a documentary film.

Cardinal Stanislaw Dziwisz also discloses that when John Paul was unable to pronounce words several days before his death in 2005, he told his aides that if he could not speak any more the time had come for him to die.

Dziwisz, who is now cardinal of Krakow, Poland, was John Paul's private secretary and closest aide for nearly 40 years, including all of his 27 years as pontiff.

The documentary, called "Testimony" and narrated by British actor Michael York, is a film version of a memoir published by Dziwisz last year but with some additions.

It will make its official premiere at the Vatican on Thursday night in the presence of Pope Benedict.

On May 12, 1982, the pope was visiting the shrine city of Fatima in Portugal to give thanks for surviving a first assassination attempt a year earlier on May 13, 1981, when he was shot in St Peter's Square by Turkish gunman Mehmet Ali Agca.

A crazed ultra-conservative Spanish priest, Juan Fernandez Krohn, lunged at the pope with a dagger and was knocked to the ground by police and arrested. The fact that the knife actually reached the pope and cut him was not known until now.

"I can now reveal that the Holy Father was wounded. When we got back to the room (in the Fatima sanctuary complex) there was blood," Dziwisz says in the documentary.

The pope carried on with the trip without disclosing his wound.

Krohn was arrested and served several years in a Portuguese prison before being expelled from the country.

The documentary combines on-camera narration by York, interviews with Dziwisz, historical footage and re-enacted segments of the pope's life played out by actors.

It includes video of his last public appearance from his window overlooking St Peter's Square, when, debilitated by Parkinson's disease and other maladies and overcome with emotion, he did not manage to pronounce any words.

(Source: By Philip Pullella /Reuters)
 
Reporter sentenced to 2 years in prison
Thuy Dung
18:06 15/10/2008
A court in Hanoi sentenced a journalist to two years in prison after he exposed a multi-million dollar political corruption scandal.

Nguyen Viet Chien defending in his trial
Hanoi People’s court, after a trial that lasted only one day and a half, sentenced a journalist to two years in prison after he exposed a scandal involving high officials taking off aid money, in part to bet on European soccer matches, to purchase of luxury automobiles, and to expense for mistresses and prostitutes.

The jailed journalist, Nguyen Viet Chien, 56, denied each single charge imposed on him, in particular the accusation of "abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the state."

"With my journalist conscience, I can say I never have any other purpose in mind when writing my reports but exposing wrongdoing and fighting corruption," he told the court.

"When PMU 18 was discovered, the whole political system of this country was focused on the issue," he added. He also insisted that until his arrest he had never received a reprimand, defamation suit, or complaint from a reader.

However, prosecutors argued that his report contained errors and bias and had tarnished the image of officials, Communist cadres, Vietnam, and its leadership.

The judge, in sentencing, reiterated the prosecution case that "hostile forces, reactionaries, and political opportunists" had taken advantage of the scandal to attack Vietnam's state and party leadership.

One of his sources, Lt. Col. Dinh Van Huynh, 50, was given a one-year sentence for "deliberately revealing state secrets." On the first day in the trial, Huynh had defended himself fiercely. However, on the second day, he suddenly accepted all the charges. On the contrary, Chien was unrepentant during the trial.

Another journalist, Nguyen Van Hai, 33, who admitted to some unintended errors in his reports and during the hearings broke down in tears, received a more lenient two-year non-custodial term, and was allowed to walk free.

Police Major General Pham Xuan Quac, 62, who headed the investigation, received only an official warning.

The scandal was deeply embarrassing for the government. In a series of articles in 2006, Chien, Hai, and some other 25 reporters exposed a unit in the Transportation Ministry, known as PMU18, where officials had been embezzling funds meant for infrastructure development, much of which had been donated by the World Bank and Japan.

The minister of transportation resigned and a deputy minister was charged in connection with the case. However, the charges against the deputy minister were dropped last March, and the two journalists were arrested six weeks later after they had revealed some 40 government officials had given bribes to cover-up the case.

These arrests have shed a cloud of fear on media personnel, and forced some of them to attack on Catholics, second-class citizens to demonstrate their loyalty in order to drive away from suspicion.

A US embassy statement said the sentences "contradict the rights available to journalists under Vietnamese law and the verbal commitments of Vietnamese officials on freedom of the press."

"These results are particularly worrisome in light of the serious corruption issues that their earlier investigations had brought to light," it said.

"The United States has repeatedly called for full freedom of the media in Vietnam and urges the government of Vietnam to support these freedoms, which are so critical to combating social scourges such as corruption and abuse of power, and to the further economic development of Vietnam."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tòa Thánh bổ nhiệm 2 Giám Mục Phụ Tá cho TGP Hà Nội và TGP Sàigòn
LM Trần Công Nghị
10:16 15/10/2008
VATICAN - Sáng hôm nay ngày 15.10.2008, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã loan tin: ĐTC Benedictô XVI đã bổ nhiệm hai Giám mục Phụ tá cho Tổng giáo phận Hà Nội và Tổng giáo phận Saigòn; đó là tân Giám mục Lorensô Chu Văn Minh và tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

Tổng giáo phận Hà Nội có diện tích 7.000 cây số vuông, dân số là 5.300.000 người, trong đó có 328.725 người Công giáo. Hiện tổng giáo phận có 69 linh mục và 278 nam nữ tu sĩ.

Tân Giám mục Phụ Tá Hà Nội là Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh, hiện là Giám đốc Đại Chủng Viện Hà nội. Cha Minh năm nay 65 tuổi, sinh ngày 27-12 năm 1943 tại Nam Định, thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Thầy Minh học triết và thần học tại Nam Định từ năm 1960 đến 1967, và sau đó tại Hà Nội từ năm 1992 đến 1994. Trong thời gian dài phải ở tại gia, thầy Lorensô Minh hành nghề hớt tóc và phụ giúp mục tụ tại giáo xứ nguyên quán, giảng dạy giáo lý, vì Nhà Nước không cho thầy thụ phong linh mục. Sau cùng thầy được chịu chức ngày 10-6 năm 1994 khi đã 51 tuổi.

Sau khi thụ phong, cha Minh làm phó xứ tại Nam Định 1 năm, rồi được gửi sang Roma du học từ 1995 đến 2000, đậu tiến sĩ thần học tín lý tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana. Về nước, từ năm 2001 cha Minh làm giáo sư dậy môn Thần học tín lí, đồng thời làm giám học tại Đại chủng viện Hà Nội, sau đó từ năm 2003, cha làm Phó Giám đốc và từ 2 năm nay, làm Giám đốc Đại chủng viện này.

Tân Giám mục Phụ tá giáo phận TGP Saigòn là Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, hiện là Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Saigòn. Tổng giáo phận Saigòn có diện tích rộng là 2.093 cây số vuông, dân số là 6.129.000 người, trong đó có 640.437 người Công giáo. Hiện tổng giáo phận có 751 linh mục và 5.442 nam nữ tu sĩ.

Tân giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, 56 tuổi, sinh ngày 2-10-1952 tại Hà Đông, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội và cùng với gia đình di cư vào Nam năm 1954, theo học tại tiểu chủng viện Cần Thơ và học triết tại Đại chủng viện thánh Tôma ở Long Xuyên, sau đó lên Đại chủng viện thánh Giuse Sàigòn. Thầy Phêrô Khảm thụ phong linh mục ngày 30-8-1980, thuộc tổng giáo phận Saigòn.

Cha Phêrô Khảm lần lượt làm Phó Xứ Hà Nội, Xóm Mới (1980-1984), rồi Phó Xứ Nhà thờ Chánh Tòa, kiêm giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse (1987-2001). Năm 2001, cha Phêrô được gửi đi học thần học mục vụ tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ Catholic University of America ở thủ đô Washington và đậu tiến sĩ tại đây năm 2004.

Trở về nước, cha Phêrô Khảm được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Saigòn. Cha cũng là thành viên Hội đồng tư vấn Giám mục, và đặc trách các linh mục sinh viên của giáo phận du học nước ngoài (2004-2008).

Từ tháng 3 năm 2008, Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm được bổ nhiệm là thư ký điều hành của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Lễ tấn phong Giám mục cho Cha Nguyễn văn Khảm sẽ được tổ chức vào ngày 15.11.2008 tại Saigòn.

Các Giáo phận Việt Nam còn thiếu Giám Mục:

Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam còn có hai giáo phận trống tòa (chưa có giám mục), đó là giáo phận Phát Diệm và giáo phận Ban Mê Thuột. Thêm vào đó, Việt Nam có 3 giáo phận có giám mục đến tuổi nghỉ hưu là Thái Bình, Vinh và Phan Thiết.

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam và Toàn Ban VietCatholic xin chúc mừng hai Tân Giám mục Phụ tá của Hà nội và Saigòn. Nguyện xin Thiên Chúa luôn luôn ban ân sủng đồi dào của Ngài trên hai Vị và xin Đức Mẹ La Vang che chở và đồng hành với hai Đức Cha.
 
Liên Đoàn CGVNHK Chúc Mừng hai Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Hà Nội và Sài Gòn
LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm
13:42 15/10/2008

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiệp thông với
Cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận Hà Nội và Tổng Giáo phận Sài Gòn cũng như Giáo Hội Việt Nam

Cảm tạ Thiên Chúa gửi tới cho Hội Thánh Việt Nam hai vị chủ chăn tài đức mới:
• Cha Lôrenxô Chu Văn Minh, Tân Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội
• Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tân Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn

Chúng con hân hoan kính chúc mừng hai Đức Tân Giám mục.
Nguyện xin Thiên Chúa luôn đổ tràn muôn vàn hồng ân trên hai Đức Cha thân yêu.

Trân trọng kính chúc,

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Dạ Tiệc Ơn Thiên Triệu do Hiệp Sĩ Đoàn 9655 tổ chức
Như Mai
21:54 15/10/2008

Dạ Tiệc Ơn Thiên Triệu do Hiệp Sĩ Đoàn 9655 tổ chức



Arlington, VA, ngày 12/10/2008:
Hiệp Sĩ Đoàn 9655 thuộc giáo xứ CTTĐ Việt Nam Arlington, VA đã tổ chức bữa tiệc gây quỹ cho ơn thiên triệu hàng năm nhân dịp ngày lễ Kha Luân Bố. Đây là một trong các chương trình sinh hoạt của đoàn hiệp sĩ 9655, một đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập trên toàn thế giới vào ngày 27/10/1987. Đoàn mới kỷ niệm Đệ Nhị Thập Chu Niên năm ngoái.

Các hoạt động khác gồm có: Chạy Bộ cho Thuyền Nhân(1987-1992), Gây quỹ cho Trẻ Em Tàn Tật, giữ trật tự trong nhà thờ, và bãi đậu xe, giúp sửa sang các cơ sở trong giáo xứ, Biểu Tình Chống Phá Thai tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng giêng, và gần đây: 40 ngày canh thức cầu nguyện cho đời sống, và dàn chào tiếp tân trong các dịp lễ lớn và canh thức trong lễ an táng. Toán dàn chào Đệ Tứ Đẳng đã có trên một tiểu đội.

Từ khi thành lập đến nay, đoàn đã hàng năm bầu lên một vị Đại Hiệp mới. Năm nay đặc biệt Cựu Đại Hiệp Nguyễn Ngọc Lễ đã được bầu làm vị Đại Diện Cấp Quận (District Deputy) đặc trách 5 đoàn hiệp sĩ Mỹ và Việt trong District 5. Ông Lễ cũng là người liên lạc viên với hiệp sĩ đoàn trung ương và đặc trách đưa Đức Mẹ Bãi Dâu đi thánh du.

Tất cả mọi danh từ, chức vụ và tài liệu căn bản của đoàn đã được dịch ra tiếng Việt. Nhờ sự tích cực quảng bá, đoàn đã giúp cho việc thành lập các đoàn Việt Nam khác tại Giáo Xứ Mẹ Việt Nam Hoa Thịnh Đốn, Giáo xứ Mẹ La Vang, Baltimore và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo, Richmond. Mới đây đã sang bên nam Cali để giúp tổ chức các đoàn hiệp sĩ Việt Nam bên đó.

Các dạ tiệc Ơn Thiên Triệu hàng năm giúp cho đoàn có ngân khoản để yểm trợ cho các thầy và sơ đang du học, và các nhà dòng bên Việt Nam.

Năm nay bữa tiệc được tổ chức tại nhà hàng Thần Tài với khoảng 500 thực khách. Bữa tiệc được sự giúp vui của ban nhạc The Red Sun, và các ca sĩ trong đoàn.

Mở đầu sau lời chào mừng của Đại Hiệp Nguyễn Minh Phụng là lời chia sẻ của Đại Diện Cấp Quận Nguyễn Ngọc Lễ. Sau khi tất cả các hiệp sĩ đã lên sân khấu trình bầy bản Hiệp Sĩ Đoàn Hành Khúc do cha xứ Nguyễn Đức Vượng sáng tác, cha xứ đã chào mừng quan khách, chúc mừng các thành quả cuả đoàn hiệp sĩ 9655, và làm phép lành cho của ăn.

Phần văn nghệ giúp vui đặc sắc nhất là màn vũ “Sisters’ Act” cuả các sơ Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Sơ cựu bề trên Trần Thúy Hằng đã dẫn đầu ban vũ với cây thánh giá, còn các sơ kia thì cầm đèn cầy. Màn vũ rất trang nghiêm bất thần chuyển sang sống động, khi các sơ bỏ nến và thánh giá, rồi đeo kính mát để trình diễn một vũ điệu hết sức ngoạn mục, làm cho khán thính giả hoan hô vang dậy và đòi lập lại nhiều lần với những tiếng hô “bis”, “bis”.

Trong bữa tiệc các thực khách được mời ủng hộ cho Qũy Ơn Thiên Triệu và tiếp nhận các vé số không mất tiền. Hai Cựu Đại Hiệp Cẩn và Huấn đã khéo léo điều khiển chương trình xổ số. Tất cả các giải trúng đều là các quà tặng của các hiệp sĩ và ân nhân. Giải độc đắc là 1 tuần lễ tại Myrtle Beach, North Carolina do ông bà Tạ Tân tặng.

Bữa tiệc chấm dứt lúc 11 giờ, mọi người được hưởng một đêm thật vui nhộn.

Các Hiệp Sĩ đồng ca bản Hiệp Sĩ Đoàn hành khúc
Sơ Hằng vác thánh giá
Ông Lễ, Long và cha xứ
Đại Hiệp Nguyễn Minh Phụng và ban chấp hành
Một bàn thực khách


 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Video thủ tướng CSVN phải đi cửa sau trên YouTube
PV VietCatholic
09:47 15/10/2008
Nhiều vị ở Việt Nam bị firewall không thể xem được những video thủ tướng CSVN phải đi cửa sau. VietCatholic đã đưa lên YouTube hai cuốn video đó tại địa chỉ sau:

1) Video: Biểu tình dữ dội ở Melbourne, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của CSVN đi cửa sau.

Địa chỉ: http://au.youtube.com/watch?v=FLbyoqxJ_FA

Hàng ngàn người Việt và Úc đã tham gia vào cuộc biểu tình tại Melbourne sáng thứ Ba 14/10/2008. Những người biểu tình được tin “tình báo” cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ xuất hiện tại khu vực đường Collins trong khu trung tâm thành phố Melbourne vào lúc 11h sáng. Từ 10 giờ sáng đông đảo người biểu tình đã có mặt trong khu vực dành cho các công sở.

Trong video này, quý vị có thể thấy cảnh sát Úc đã nhiệt tình hướng dẫn những người biểu tình tuần hành trên đường phố Melbourne để đến đúng phóc địa điểm là building số 45 đường Collins.

Trước khí thế sôi sục căm phẫn của những người biểu tình, Thủ tướng CS Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng đã không dám đi cửa trước mặc dù cảnh sát có thể bảo vệ ông không bị những người biểu tình tấn công.

Thủ tướng cộng sản Việt Nam đành phải đi vào ngã hậu thường dành cho những người làm vệ sinh tòa nhà.

Những người biểu tình đã nhận được sự tham gia đông đảo của những người Úc qua đường. Cuộc biểu tình đã kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ. Xin xem thêm chi tiết trong video đính kèm.

Video: Những người biểu tình chế giễu thủ tướng CSVN đi cửa sau

Địa chỉ: http://au.youtube.com/watch?v=GHDfDG9wTJ0

Cuộc biểu tình do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria tổ chức tại 45 Collins Street, Melbourne đã có tiếng vang sâu rộng trên hệ thống truyền thông Úc Đại Lợi. Chuyện một vị thủ tướng phải đi cửa sau là một “chuyện lạ bốn phương” đã được giới truyền thông Úc tích cực khai thác.

Những người biểu tình cho biết họ đã cố ý chừa ngã sau không biểu tình để thủ tướng CSVN phải đi vào ngã đó. Trong video này, quý vị có thể thấy những người biểu tình đang chế giễu chuyện này và giải thích với công chúng Úc về thành tích nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam cũng như tình trạng tham ô những khoản viện trợ nhân đạo của chính phủ các nước, trong đó có Úc Đại Lợi.

Trong video, ông Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria đang giải thích cho dư luận chính mạch của Úc Đại Lợi về tình hình cụ thể tại Việt Nam ngày nay và kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam; và sau đó đã trả lời phỏng vấn của VietCatholic.
 
Đồng bào Úc châu biểu tình phản đối Thủ tướng CSVN Nguyễn tấn Dũng tại Canberra và Melbourne
Nam Úc Thời Báo
10:54 15/10/2008
Ngọn lửa đấu tranh bừng sáng Úc châu

MELBOURNE, Úc châu - Vào lúc 10.30 sáng thứ hai 13/10/2008, gần 2000 đồng hương từ khắp các tiểu bang đã quy tụ trước tiền đình quốc hội Úc ở Canberra để biểu tình phản đối thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến công du hai ngày của ông tại Úc châu để xin tiền viện trợ ngoại bang. Rừng cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay trong gió cùng với những biểu ngữ lên án nhà cầm quyền CSVN chà đạp tự do dân chủ nhân quyền, dâng hiến đất đai của tổ tiên cho quan Thầy Trung quốc là nói lên quyết tâm của người Việt tỵ nạn CS kiên trì đấu tranh vạch mặt tội ác và sự lừa đảo của CSVN trước quốc tế. Đồng thời cũng đệ đạt lên chính phủ Úc nguyện vọng chính đáng của người dân Úc gốc Việt, yêu cầu họ phải áp lực CSVN thực thi dân chủ nhân quyền để được nhận viện trợ.

Sau phần nghi lễ chào cờ mặc niệm và chào mừng quan khách, ông Lê Công, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu tuyên bố khai mạc. Ông Công cho biết mục đích của cuộc biểu tình này không phải là để phản đối chính phủ Úc trong việc viện trợ nhân đạo” xoá đói giảm nghèo” cho Việt Nam mà là yêu cầu chính phủ Úc phải dùng sự viện trợ này để áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền và phải chấm dứt những hành động khủng bố đàn áp người dân để được nhận viện trợ.

Thượng nghị sĩ Garry Humphry cũng đồng quan điểm trên. Ông nói: “Chúng ta không chấp nhận viện trợ cho CSVN nếu những vi phạm về nhân quyền không có sự cải thiện và chấm dứt”. Ông cũng cho biết, ông sẽ đưa ra tất cả những yêu cầu của cuộc biểu tình hôm nay tại cuộc họp tại quốc hội trong vài phút để buộc Nguyễn Tấn Dũng và tập đoàn CSVN phải thực thi trước khi quyết định viện trợ nhân đạo “xoá đói giảm nghèo” cho Việt Nam.

Tiếp theo đó, ông Nguyễn Thế Phong chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc châu cho rằng trước những sự kiện chà đạp nhân quyền ngày càng gia tăng như xuất cảng phụ nữ, trẻ em, công nhân ra nước ngoài để làm nô lệ, chà đạp tôn giáo, v.v... thì cuộc viếng thăm nước Úc cuả Nguyễn Tấn Dũng là một cuộc viếng thăm nhục nhã.

Sau đó, dân biểu Kingston cũng chia sẻ sự quan tâm về sự chà đạp tự do tín ngưỡng và nhân quyền ở Việt Nam. Ông cho biết, “ Tôi sẽ cố gắng khuyến cáo chính phủ Úc tạo những áp lực để CSVN phải thực thi một sự tự do, dân chủ thực sự theo xu hướng nhân bản trong thế giới văn minh hiện nay”.

Tiếp theo là lời phát biểu của Luật sư Võ trí Dũng. LS Dũng đã mạnh mẽ lên tiếng kết tội sự ươn hèn của CSVN trước sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa Hoàng Sa cũng như gần đây nhất Nguyễn tấn Dũng đã ra lệnh đàn áp dã man và gây thương tích cho nhiều giáo dân trong những cuộc cầu nguyện đòi công lý và hoà bình tại giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm Sứ Hà Nội... Ls Dũng cho hay: “Hôm nay chúng ta tụ tập tại đây yêu cầu Thủ tướng và chính phủ Úc phải lưu tâm đến vấn đề nhân quyền và các giá trị nhân bản trong mối bang giao với CSVN”. Ông Dũng cũng cho biết, chúng ta yêu cầu chính phủ Úc áp lực CSVN “Phải chấm dứt những hành động đàn áp dã man đối với những người đấu tranh đòi dân chủ trong nước, với những giáo dân vô tội tại Tổng Giáo Phận Hà Nội”.

Kế tiếp là lời phát biểu của bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch Cộng Đồng NVTD Queensland. Thay vì đi đúng mục tiêu của cuộc biểu tình thì Bs Cường lại xử dụng diễn đàn để quảng cáo cho thành phần du sinh hầu binh vực cho quan điểm của ông ủng hộ du sinh trong một hội chợ được sự bảo trợ từ Toà Đại Sứ CSVN tại Úc mang tên ”Taste Việt Nam ” đã gây sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng người Việt Queensland trong thời gian gần đây. Trước sự la ó phản đối của đoàn biểu tình, Ban Tổ Chức đã mời BS Cường đi xuống khán đài nên không có một hành động đáng tiếc nào xẩy ra. Sau khi mời Bs Cường xuống khỏi khán đài, ông Lê Công cũng nhắc nhở đồng hương trong cuộc đấu tranh hiện tại là: “Chúng phải dập tắt những điếu thuốc đang cháy, trước khi nó trở thành một đám cháy rừng”.

Tiếp theo sau, ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc chủ tịch CDNVTD Nam Úc cũng lên án sự chà đạp nhân quyền của CSVN và yêu cầu chính phủ Úc phải đặt nặng vấn đề nhân quyền và tự do của VN trong bang giao.

Dưới lăng kính của một người tù và tỵ nạn, ông Võ Đại Tôn cho biết: “Sự tự do và dân chủ không thể tự nhiên mà có, mà phải chính bàn tay con người đấu tranh để giành lấy”. Vì thế những người Tỵ nạn Việt Nam đến đây không phải để hưởng thụ sự tự do, dân chủ cho bản thân, mà phải tranh đấu đòi lại dân chủ tự do cho toàn quê hương Việt Nam”.

Trong phần phát biểu của các vị đại diện các tôn giáo, Linh Mục Nguyễn Khoa Toàn, Tuyên Úy trưởng Cộng Đồng Công Giáo VN/ NSW, cũng lên tiếng phản đối CSVN chà đạp tự do tín ngưỡng và nhân quyền. LM Toàn cũng cho biết rằng Cộng đồng Công giáo VN tại Tổng Giáo Phận Sydney hôm nay, một lần nữa hiệp thông với đồng hương tại Úc Châu và tất cả đồng bào tại quê nhà cũng như tất cả những người yêu chuộng tự do, công lý, cực lực lên án và tố cáo trước dư luận thế giới và đồng thời đòi buộc CSVN phải chấm dứt lập tức những hành vi tàn ác, dã man này. Cộng đồng Công giáo cương quyết khẳng định rằng: “Sẽ không có công lý đích thực khi nhân quyền bị chà đạp, quyền tự do tín ngưỡng bị tước đoạt, khống chế. Cộng đồng Công Giáo VN sẽ luôn sát cánh với tất cả các công cuộc đấu tranh để cất lên tiếng nói cho những người không còn tiếng nói, sẽ hết lòng đấu tranh cho công lý và hoà bình cho khắp mọi người trên toàn thế giới trong đó có đồng bào chúng ta tại quê nhà”.

Thượng toạ Thích Quảng Ba cũng lên tiếng kết án chế độ CSVN đã đàn áp dã man tôn giáo và Phật giáo không chấp nhận chế độ toàn trị CSVN.

Hai ông Nguyễn Văn Paul đại diện cho Phật giáo Hoà Hảo Úc Châu và Nguyễn Văn Bán, đại diện Cao Đài giáo tại NSW đều lên án những hành động buôn dân bán nước và đàn áp tôn giáo của CSVN và đều xác nhận Phật giáo Hoà Hảo cũng như Cao Đài nguyện sát cánh cùng đồng bào trong mọi cuộc đấu tranh đòi lại tự do, dân chủ cho dân tộc cho đến khi quê hương thực sự có tự do và dân chủ.

Sau cùng, đoàn biều tình di chuyển đến khách sạn Hyatt, nơi phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng họp báo và nghỉ ngơi, du hí. Đoàn biểu tình đã giải tán ra về vào lúc 14 giờ cùng ngày.

Ngoài ra trước khi đem báo đi in, tòa soạn cũng vừa nhận được một tin vui phấn khời liên quan đến cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt Tự do tại Melbourne vào sáng thứ ba ngày 14/10/ 2008 trước tiền đình quốc hội Melbourne đã thành công ngoài dự tính với sự tham dự của hơn 1000 đồng hương. Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa phải đi cửa hậu để tránh né đoàn biểu tình và rừng cờ vàng ba sọc đỏ "dàn chào" phản đối ông ta. Hơn 1000 truyền đơn phát cho người qua đường đã hết nhanh trong vòng 1 giờ đồng hồ.

(Nguồn: Nam Úc Thời Báo, Adelaide, South Australia, ngày 14.10.2008)
 
Là người Việt Nam
Nguyệt Anh
14:16 15/10/2008
LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Trước hết tôi xin có đôi lời cảm ơn em Nguyễn Ngọc Thơ sau khi đọc bài viết của em: Thư gửi quý Độc Giả Thủ Đô Hà Nội cùng Quý Độc Giả trong Nước (Việt Catholic News ngày 14-10-08)

Tôi phải cám ơn em, vì cho tôi đáp án chính xác nhất về hiện trạng giáo dục ở Việt Nam, mà ông Nguyễn Thiện Nhân bộ trưởng giáo dục đã nói là bịnh. ”Nói không với bịnh thành tích, không đề ra chỉ tiêu thi đua thiếu hợp lý»

Tôi phải cám ơn em thay cho những người đang trên bục giãng, mà mất đi chức nãng suy nghĩ. Chỉ là một du học sinh mà em biết dùng cái đầu của chính mình để mà suy nghĩ và cuối cùng có được một bài viết để đánh đọng lương tâm của những thầy giáo còn được mệnh danh với những từ cao đẹp: kỹ sư tâm hồn. Và sau đây là những gì mà tôi nhận thấy và cảm nghĩ của tôi:

Trước khi là người Phật Giáo, là Công Giáo, hoặc bất một tín ngưỡng nào, thì chúng là người Việt Nam. Dù chúng ta có sinh bên Tây hay bên Tàu, thậm chí chúng ta sinh ra ở Châu Phi hay Arab, nếu như cha mẹ chúng ta là người Việt Nam.

Là người Việt Nam, tôi xin chia sẽ nỗi nhục với nhà văn Nhã Nam sau khi đọc bài SUY TƯ TÙ VỤ THÁI HÀ TÒA KHÂM SỨ của tác giã (VietCatholic News ngày 29-9-08). Là người Công giáo con xin chia nỗi nhục với đức tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt, đã không bỏ lỡ cơ hội khi có buổi tiếp xúc trực tiếp với ông Nguyễn Thể Thảo, Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội vào ngày 20-9-08. (Xin mời quý vị đọc và nghe nguyên văn của Đức Gám mục Ngô Quang Kiệt với ông Nguyễn Thể Thao trên VietCatholic hiện còn lưu trữ)

Nếu những người Việt Nam có dịp ra nước ngoài, nhất là các cấp lãnh đạo và các nhà khoa học, không cảm nhận được nỗi nhục của một nước nhược tiểu đó là điều bất hạnh cho dân tộc Việt nam. Dân tộc Việt Nam vốn cần cù nhẫn nại và thông minh. Nếu những nhà lãnh đạo và các nhà khoa học không thấy được những thành quả thật mà người Việt Nam đạt được ở xứ người, khi bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, thì nước Việt sẽ không bao giờ thoát cảnh nghèo nàn. Tôi xin lấy chỉ cần lấy một ví dụ để so sánh: một nước nhỏ bé bên cạnh chúng ta – SINGAPORE, mới lập nước hơn 40 năm. Diện tích chỉ bằng một tỉnh của Việt Nam. Việt Nam muốn bằng Singapore, phải mất đến 197 năm, với trường hợp là Singapore dậm chân tại chỗ (Theo sự đánh giá của ngân hàng thế năm 2006).

Tôi xin nói lên con số hơn 300 ngàn người có bậc cấp từ cao đẳng trở lên trong số hơn 3 triệu người Việt ỏ nước ngoài. Đây là một ước mơ cho tất cả nước đang phát triển. Vì họ được đào tạo ở các nước văn minh tiên tiến nhất. Và tôi xin đặc câu hỏi tại sao họ thành đạt ở xứ người? Và xin dành câu trả lời cho những ai chịu khó suy nghĩ.

Đây là một trong những lý do mà đến giờ này Việt Nam vẫn còn là một trong nước nghèo nàn nhất thế giới. Trách nhiệm chính, chắc chắn nhà cầm quyền lãnh phần, nhưng đồng thời cũng có một phần của toàn thể dân chúng Việt Nam. Bởi vì họ sống bên lề xã hội, mặc cho nạn tham nhủng lang tràn khắp nơi từ địa phương đến trung ương, tệ hại nhất là nạn nói dối lan tràn vào học đường. Nhưng họ thiếu cái dũng khí, để nói lên sự thật, để nói lên cái sai của chính quyền. Thêm vào đó các tôn giáo cũng phải đóng vai trò then chốt dám can đảm và công khai tố cáo những hành vi sai trái và các tệ nạn xã hội, bởi vì tiếng nói của các tôn giáo rất có ảnh hưởng tới đồng đạo của mình. Nếu như ai cũng sợ gán cho danh từ làm chính trị. Và vì sợ hãi nên đưa đẩy đất nước rơi vào thảm trạng như hiện nay. Ước gì mỗi người Việt Nam chúng ta hãy cảm nhận được nỗi nhục trước mắt và quên đi những niềm tự hào, mà không phải chúng ta là người tạo ra, nhất là các tôn giáo cùng đồng hành để cùng nhau xây dựng lại một nước Việt mà ai cũng phải tự hào là người Việt Nam.

Là người Việt Nam, ai cũng mong muốn nước mình giàu và mạnh, để khỏi phải uất hận khi Trung Quốc bắn chết người dân lành trong lúc họ đang đánh trong hải phận của đất Việt. Và còn hàng trăm ngàn câu hỏi về cái hiện trạng đất Việt Nam. Xin mời chính quý vị chịu khó bỏ một ít thời gian mà tìm ra nguyên nhân. Tìm ở đâu, thưa có rất nhiều tài liệu khác nhau và ngay trên mạng internet có rất nhiều vài viết giá trị… Ngày nay, nhờ có internet mà chúng ta có thể biết tất cả chuyện gì xảy ra trên trái đất này, từ lúc khai nguyên cho đến bây giờ. Khi đọc tin tức nước ngoài, thấy toàn là những điều tồi tệ nhất. Thử hỏi những người không mang hộ chiếu của nước Cộng Hòa xã Hội Việt Nam có cảm thấy nhục nhã hay không ?Vậy mà có người lên tiếng nói về hiện trạng của đất nước, nói lên cái nhục nhã của đất nước, thì báo chí và truyền hình nói về cái tự hào của dân tộc.

- Thử hỏi chúng ta có tự hào là nước sản xuất gạo thứ hai, mà người nông dân chỉ được ăn gạo vào những ngày lễ lạc.

- Thử hỏi chúng ta có tự hào, khi dòng sông Thị Vải đang chết dần. Không phải hôm nay, mà 14 năm về trước. Cũng may nhờ có tàu nước ngoài từ chối, không chịu vào dòng sông này. Nên nhà nước mới chịu khó ra lệnh truy tố. Hãy đọc những gì mà báo tuổi trẻ: “Trước tình cảnh như vậy, báo VietnamNet số ra hôm thứ Hai vừa rồi có nêu lên thắc mắc là. Vì sao mà các cấp quản lý, chính quyền sở tại lại vô cảm với nỗi khốn khổ của dân đến vậy ? Vì quá bận, vì nhận thức cũng hời hợt và ngây thơ, hay vì những gì khác ? Vì sao con sông Thị Vải chết suốt 14 năm qua, nước trắng xóa, ai đi qua cũng có thể nhận ra, dù chỉ bằng mắt thường, mà cơ quan quản lý tài nguyên-môi trường như không hề hay biết?.. . hay chính sự vô cảm, quan liêu, yếu kém và xa rời dân ấy, vô tình tiếp tay cho những gian lận của Vedan khiến Vedan nhởn nhơ kiếm lời một cách nhẫn tâm, bỏ mặc ngoài tai những lời kêu không thấu?

- Thử hói chúng ta có tự hào khi báo chí Nhật nói về vụ tham nhũng của ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

Tấm hộ chiếu chỉ là hình thức bên ngoài để chứng minh là một công dân của nước hình đang trú ngụ. Vì thế người Việt nam dù có mang hộ chiếu trong nước hay không, cũng cảm thấy nhục và vinh của đất nước Việt Nam, cảm thấy hổ thẹn khi dân tộc bị xem là một trong những nước còn nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Là một nước nghèo nàn lạc hậu thường đi kèm với nhiều tệ nạn. Điều này chúng ta không rơi vào trường hợp ngoại lệ.

Tôi xin nói về cái hộ chiếu của nhật, mà Đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã nói với ông Nguyễn Thế Thảo chủ tich ỦBND Hà Nội. Chính phủ nước Nhật đã xác định, đất nước họ không có tài nguyên thiên nhiên, tài sản duy nhất của họ là hơn 80 triệu dân. Vì thế những người làm việc ở phi trường về khâu thủ tục nhập cảnh, họ biết không những rõ ràng từng dân tộc trên thế, đồng thời họ được thông báo hàng ngày hàng giờ những gì xảy ra trên thế giới. Ngõ hầu ngăn chận những người bất hảo đến với đất nước họ. Hơn nữa trong lịch sử nhân loại, có nước nào rời bỏ quê hương tổ quốc ra đi như nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hay không ? Vì thế mới có từ Boat People.

Tôi xin kể về cái tấm hộ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính tôi là người mang nó. Lần đầu tiên qua Mỹ thăm gia đình. Khi đến phi trường Chicago, sau khi lấy hành lý và làm thủ tục nhập cảnh vào nước Mỹ, chồng tôi thì họ chỉ nhìn qua tấm hộ chiếu, rồi đóng dấu không hỏi một câu, và còn nhận được lời chào Good-luck. Còn tôi hết lật trang này đến trang khác. Nhìn từ con số, đếm từ trang giấy, tôi có cảm giác, hình như là hộ chiếu của tôi giã mạo, và những người xếp hàng sau tôi họ cũng chăm chú nhìn vào tôi, làm tôi càng thêm ngượng ngùng.

Sau màn kiểm tra hộ chiếu, đến màn phỏng vấn. Họ hỏi tôi những câu hỏi mà không liên quan gì đến hộ chiếu. Ban đầu tôi cảm thấy xấu hổ. Nhưng sau khi suy nghĩ lại, tôi cảm thấy nhục nhã hơn là xấu hổ, và cảm thương cho dân tộc của tôi, vì dân tộc tôi nghèo nàn quá, vì dân tộc được mang tiếng còn tồn lại những gì xấu xa nhất, nên mới có những cái cảnh như tôi đã gặp. Sau đó tôi không còn trách những người xét hỏi hộ chiếu, vì đó là nhiệm vụ của họ phải kiểm tra kỷ càng những người mang hộ chiếu của những nước đang bị xem là nước cần quan tâm đặc biệt. Việt Nam là một trong những nước mà đã từng bị đạt vào loại này (Countries of Particular Concern).

Tôi tưởng chỉ có phi trường Chicago soi xét hộ chiếu của tôi khi nhập cảnh. Không đâu các bạn. Khi trở về lại Pháp, tôi lại bị xét hỏi một lần nữa, tại phi trường San José để đi Washington trở trở vế Pháp. Lần này phải nói là tôi bị sốc nặng. Thấy người ta hỏi những câu ngớ ngẫn như hỏi giấy hôn thú của tôi. Chồng tôi rất giận và nói với tôi không cần giải thích và yêu cầu người biết nói tiếng Pháp ra nói chuyện. Bởi vì chúng tôi từ Pháp qua Mỹ chứ không phải từ Việt Nam. Nghe như vậy họ mới thôi và không thắc mắc về cái hộ chiếu của nước cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam của tôi. Đó là vào cái thời kỳ trước 11-9-2001. Không chỉ riêng nước Mỹ soi xét cái hộ chiếu của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà ngay cả nước Đức họ cũng soi xét rất kỹ càng về cái hộ chiếu của nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã có một thời kỳ là anh em, đồng chí với nhau.

Khi về Việt Nam dự đám tang của mẹ tôi, qua khâu thủ tục xuất cảnh không ai hỏi han về cái hộ chiếu của nước Cộng Hòa Xã hội Việt Nam, họ chỉ đóng dấu và cho qua một cách nhanh chống như mọi người, nhưng khi trở qua Pháp, tôi chỉ quá cảnh ở Frankfurt vài tiếng đồng hồ. Vậy mà cái hộ chiếu của tôi họ cũng làm tình làm tội. Không một chúc nương tay, làm tôi phải trễ chuyến bay trở về Lyon. Nói chung những người làm việc ở phi trường họ biết rất rõ ràng và chính xác những hộ chiếu nào cần phải kiểm ra kỹ càng, đó là nhiệm vụ của họ, còn giúp đỡ tất cả mọi người, khi họ yêu cầu đó là bổn phận của họ. Mà luật pháp các nước không phải như luật pháp ở Việt Nam vừa bị đánh giá gần áp chót ở các nước Châu Á.

Thử hỏi chúng ta có tự hào khi đọc tin tức thế giới: Dù có hoặc không mang hộ chiếu Việt Nam. Chúng ta hãy đọc qua vài thí dụ sau đây:

• 96% doanh nghiệp trong chế độ Việt Nam Cộng sản (VNCS) bị cho là có hối lộ hay tham nhũng. Đó là kết quả khảo sát của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst&Young công bố ngày 22/9/08 trong chương trình Khảo sát Gian lận trên toàn cầu năm 2008.

Thử hỏi chúng ta có tự hào khi đọc báo thấy Ông Phó Đại sứ Mỹ bên cạnh CS Hà Nội trước đây, Ông Jon Aloisi, đã nói:

"Toàn bộ lãnh đạo CSVN đều dính vào các dây tham nhũng có hệ thống. Cũng có vài người muốn giải quyết, nhưng họ không biết làm sao bởi vì tất cả họ đều là đồng lõa" (bản tin của Beth Hearn đăng trên trang nhà của hội đoàn dân chủ The Unrepresented Nations and Peoples Organization (UNPO), địa chỉ http://www. unpo. org/article. php?id=7600).

Thử hỏi chúng ta có tự hào và hãnh diện dù có mang hộ chiếu Việt nam hoặc không mang hộ Việt nam, về:

• Công hàm của Phạm văn Đồng bán đất hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho CS Trung Hoa, ký ngày 14-9-1958.

Nói tóm lại đất nước chúng ta rơi vào tình trạng hiện nay. Trách nhiệm không phải riêng về chính quyền, mà trách nhiệm chung của mọi người Việt Nam. Phải nói thật may mắn cho đất Việt lúc này, bởi vì còn có người biết cảm thấy nhục nhã. Vì có cảm nhận được nhục nhã, chúng ta mới đầy đủ can đảm vươn lên và đứng thẳng trên đôi chân của mình, có cảm được nhục nhã chúng ta mới vận dụng được trí óc của mình để mà xây dựng một nước Việt thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu trước mắt, khi qua được cảnh nghèo nàn. Lúc đó chúng ta mới đủ mạnh và sẽ nói chuyện với người bạn Trung Quốc. Bới vì không ai tạo cho đất nước chúng hùng cường, mà chính chúng ta là những người Việt Nam phải xây dựng lại ngôi nhà cho chúng ta, bạn bè chỉ có thể giúp chúng ta viên gạch. Nhưng chính chúng ta là người Việt Nam phải cần có đầy đủ nguyên vật liệu là chính để xây dựng cho ngôi nhà của mình.
 
Nỗi đau của chế độ Hà Nội
Khánh Ðăng
15:06 15/10/2008
Nỗi đau của chế độ Hà Nội

(Bài của Roger Mitton, Asia Sentinel ngày 7/10/08, do Khánh Ðăng lược dịch)

Việt Nam đang phải đối diện với cơn bão lốc chính trị trong khi các tai họa kinh tế ngày càng tồi tệ hơn.

Sự chia rẽ trong nội bộ Ðảng cộng sản đang nắm quyền ở Việt Nam đã lan rộng hơn, theo sau hậu quả của nền kinh tế đang tiếp tục đi xuống, đe dọa đến sự ổn định chính trị lâu dài của đất nước.

Uỷ ban trung ương là bộ phận then chốt của đảng hồi tuần trước đã tổ chức một phiên họp khẩn cấp trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống lại nạn lạm phát đang hoành hoành, tình trạng bất ổn lao động vẫn tiếp tục, và một mức thâm thủng mậu dịch đang lớn dần.

Chẳng có gì là bí mật khi có các quan điểm trái ngược về cội rễ của nguyên nhân gây ra tình trạng kinh tế suy sụp trầm trọng ở Việt Nam, và cách nào tốt nhất để giải quyết, đã lan tràn qua các tầng lớp cán bộ trong đảng từ thành phần lãnh đạo cao nhất trong Bộ chính trị đến các đảng viên nòng cốt ở địa phương.

Giới lãnh đạo đảng vẫn còn duy trì mối bất hòa giữa những người tiếp tục ủng hộ chính sách khuếch trương kinh tế có mức tăng trưởng cao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và một nhóm đang gia tăng đông đảo chung quanh Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh thiên về một mức tăng trưởng vững chắc, chậm hơn và có nhiều khả năng chịu đựng.

Lẩn quẩn vào những tư tưởng kinh tế khác biệt này là những mối hiềm thù cá nhân đã có từ lâu về việc ông Dũng thăng chức nhanh chóng cho các nhà kỹ trị (technocrats) và các đồng hương người miền Nam của ông, loại bỏ ra ngoài những cán bộ cao cấp khác, rõ ràng nhất là những người ở miền Trung. Cộng thêm vào những mối rạn nứt này là cuộc vận động chống tham nhũng uể oải thiếu sinh động, do chính ông Thủ tướng cầm đầu, cũng như các vụ đàn áp mới đây đối với các nhà báo và giáo dân Công giáo.

Các nguồn tin ngoại giao và từ trong đảng cho biết có nhiều lời suy đoán đồn đãi cho rằng nếu các mối rạn nứt này trở lên trầm trọng hơn, thì có thể sẽ bất ngờ đưa đến một cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong tương lai sắp tới.

Trong hội nghị trung ương hồi tuần trước ở Hà Nội, một phiên họp lần thứ ba trong năm nay, vốn là việc trước đây chưa từng xảy ra, tất cả 160 uỷ viên trung ương đảng đã được triệu tập một cách vội vã nhằm cố gắng ngăn chặn việc công khai thanh trừng lẫn nhau và tập trung tư tưởng vào nền kinh tế khủng hoảng hiện đang bắt đầu đe doạ đến ổn định xã hội và sự kiểm soát của đảng.

Theo truyền thống thì đảng chỉ tổ chức hai phiên họp thường niên cho uỷ ban trung ương đảng, nhưng theo sau phiên họp khoáng đại đầu tiên hồi tháng Giêng, thì một phiên họp thứ hai được vội vã triệu tập vào tháng Bảy để cố gắng đưa ra quyết định sẽ làm gì về sự suy xụp của nền kinh tế. Rồi bây giờ lại có phiên họp thứ ba vào tháng Mười.

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc Ðại Lợi nói rằng: "Một hội nghị trung ương lần thứ ba cho thấy có điều gì đó rất quan trọng đang được thảo luận".

Chính thức thì cuộc thảo luận kín đáo kéo dài ba ngày đặt trọng tâm toàn bộ vào các vấn đề kinh tế xã hội và đặc biệt là làm sao để ngăn ngừa nền kinh tế vốn đã bị suy nhược không bị chìm sâu thêm vì hậu quả của sự xáo trộn kinh tế từ Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Trấn Bạt, chủ tịch Investconsult Group, một trong những công ty tư vấn kinh doanh lớn nhất Việt Nam, đã bình luận: "Hội nghị trung ương này rất quan trọng vì nó chú trọng vào việc làm thế nào để đối phó với nạn lạm phát và làm sao để phản ứng trước sự đi xuống của thị trường Hoa Kỳ".

Nhưng điều này chẳng có gì là mới mẻ, ở cả hai cuộc hội nghị trước đây trong năm nay, giới lãnh đạo đảng chủ yếu đã thảo luận một cách chính xác về các đề tài tương tự, mỗi lần thảo luận lại càng làm tăng thêm sự hoảng hốt và lo lắng – và với sự gia tăng cấu xé lẫn nhau ở đằng sau lưng về việc ai đã, hoặc đã không, đưa ra đường lối hành động đúng đắn.

Trong phiên họp trước đây, các uỷ viên trung ương đảng, là những người đã mất hết sự kiên nhẫn với chính phủ khi tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên gần 30%, đã giao cho Bộ chính trị trách nhiệm giám sát nền kinh tế cho đến hết năm nay. Mười bốn uỷ viên Bộ chính trị là cơ quan có quyền lực cao nhất của đảng. Và quyết định nắm lấy quyền kiểm soát nền kinh tế, ra khỏi chính phủ của ông Dũng là một biện pháp mang tính cảnh cáo cao độ có hiệu quả làm lạc hướng nội các và đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Dũng.

Ông Dũng và nhóm của ông ta chẳng làm được gì về việc này cả vì họ chỉ là một thiểu số trong Bộ chính trị, là chỗ mà thành phần ủng hộ cho ông Nông Ðức Mạnh vốn có tính thận trọng, hợp nhất chiếm ưu thế.

Hội nghị trung ương hồi tháng Bảy không cần thiết là một biểu hiện thiếu tin tưởng vào ông Thủ tướng còn tương đối mới mẻ, nhưng là một dấu hiệu cho thấy nhiều uỷ viên trung ương đảng vẫn còn chưa cảm thấy được thuyết phục rằng ông Dũng đúng là người để điều hành đất nước trong thời kỳ khó khăn này. Và thực tế là họ đã cho triệu tập một phiên họp khẩn cấp khác vào tuần trước rõ ràng cho thấy họ vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục.

Thật vậy, chỉ có một ngày trước khi hội nghị được triệu tập, ông Dũng đã nhắc lại lời cảnh báo quen thuộc của mình về việc các ban ngành và cơ quan tài chánh phải dành ưu tiên cho việc kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội và duy trì mức tăng trưởng thích hợp.

Những lời nói của ông Dũng chẳng có chút tác dụng nào đáng ghi nhận, nhưng ông ta vẫn tiếp tục thúc đẩy cho một mức tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 7% cho năm nay, mà nhiều người cảm thấy là không thể nào đạt được.

Nhưng ít nhất nó thực tế hơn mục tiêu ban đầu 9% của chính phủ ông ta. Ngân hàng Phát triển Á Châu và các cơ quan khác hiện đang tiên đoán một con số tăng trưởng ở mức 5%.

Và trong hội nghị hồi tuần trước, đảng đã rộng rãi diễn đạt sự tiên đoán của riêng mình bằng những ngôn từ chung chung, tuyên bố rằng "sự tăng trưởng nên được giữ ở một mức thích hợp và chịu đựng được". Ðã qua rồi cái dự kiến tương lai về những mức tăng trưởng 8% mà Việt Nam đã ghi nhận được trong suốt thập niên qua.

Ông Dũng cũng chỉ thị cho các ban ngành, bộ phận kinh tế, nhất là Ngân hàng Nhà nước, phải chú ý đến sự lên xuống ở các thị trường tài chánh thế giới cũng như Hoa Kỳ, hầu Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp cứu chữa nhằm bảo đảm cho sự sống còn của hệ thống ngân hàng trong nước. Theo ông Dũng, người đã từng có một thời gian ngắn –đúng ra là chẳng có tài cán gì– cầm đầu ngân hàng trung ương, thì cuộc khủng hoảng tài chánh Hoa Kỳ cho đến nay chưa có một tác động đáng kể nào đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi ông Dũng thận trọng cảnh báo rằng Việt Nam phải duy trì sự cảnh giác, thì lời nói của ông ta vẫn được xem như phần nào đó có vẻ quá tự mãn. Dư luận trong giới kinh doanh cho biết rằng hiện đang có một cảm giác nặng nề về sự đi xuống của kinh tế Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đang ngất ngư của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trấn Bạt nói: "Rõ ràng là sự đi xuống của kinh tế Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh tế và xã hội của đảng, và có thể sẽ cần thiết phải điều chỉnh lại các mục tiêu lâu dài".

Thị trường Hoa Kỳ rất quan trọng cho nhiều mặt hàng xuất cảng của Việt Nam, đáng ghi nhận là vải vóc, thuỷ sản, giày dép, và nhiều hàng hoá rẻ tiền khác. Và chính ông Mạnh chứ không phải là ông Dũng đã nhấn mạnh việc cần thiết cho một sự cấp bách mới lớn hơn nhằm đẩy mạnh xuất cảng trong khi cùng lúc đó, kiểm soát nhập cảng để cố gắng giảm thiểu mức thâm thủng mậu dịch đang bộc phát.

Thêm nữa, lượng kiều hối của người Việt hải ngoại gởi về sẽ ít hơn từ Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu. Và chắc chắn có ít hơn những hứa hẹn đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ được thực hiện.

Tính lạc quan thận trọng của ông Dũng trái ngươc lại với lời phát biểu mở đầu của tổng bí thư Mạnh trong ngày kế tiếp của hội nghị. Ngôn ngữ của họ có thể là nhã nhặn và trên bề mặt thì không quá khác nhau, nhưng ở phía dưới thì sự tương phản vô cùng rõ rệt.

Ông Mạnh nhận xét rằng mặc dù xuất cảng có tăng trưởng và có nhiều hứa hẹn đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém và thiếu sót, bao gồm nạn lạm phát bùng phát, một mức thâm thủng mậu dịch đang căng phồng và tình trạng lao động bất an. Nói theo một cách khác, thì quần chúng đang bức xúc và bất mãn – và điều đó có thể sẽ đưa đến nhiều khó khăn lớn cho đảng nếu không được giải quyết sớm. Ông ta thúc giục uỷ ban trung ương đảng hãy tìm ra nguyên nhân và có hành động thích ứng.

Sự thực là ông tổng bí thư đảng có nên cần thiết phải nhắc lại –một năm sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra ở Việt Nam lần đầu tiên– là họ vẫn cần phải xác định ra những nguyên nhân, chứ đừng nói đến việc tìm các giải pháp, là một điều đáng sợ.

Trong năm qua, mọi sự đã đi từ xấu đến càng xấu hơn cho nền kinh tế Việt Nam vốn được lèo lái bằng xuất cảng, và hiện giờ, với thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam đang đi vào tình trạng kinh tế trì trệ thụt lùi (recession), mọi việc thậm chí còn có thể thảm não hơn, nhất là đối với người dân có lợi tức thấp và giới trung lưu là hai thành phần phải đối diện với sự gia tăng mới của giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ công thương Bùi Xuân Khu cho biết hồi tuần trước rằng Việt Nam sẽ bắt đầu gia tăng giá điện do nhà nước kiểm soát lên khoảng 20% vào năm tới để thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng không có khả năng và thiếu hiệu quả một cách thê thảm. "Cho đến gần đây chúng tôi vẫn duy trì giá bán lẻ thấp với mục đích kềm chế lạm phát, nhưng giá cả sẽ bắt đầu tăng vào năm 2009".

Những biện pháp như vậy có khả năng làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng và tình trạng lao động bất an, cũng như gây thêm sự chia rẽ trong đảng về việc những hành động như vậy có lợi lộc gì không. Đảng đã chính thức thú nhận rằng cái ngày sớm nhất mà nạn lạm phát có khả năng trở lại tỷ lệ ở mức một con số sẽ không đến cho đến năm 2010.

Cùng với việc vật lộn với các vấn đề gai góc này, hội nghị trung ương hồi tuần trước cũng thảo luận về phiên họp quốc hội kế tiếp sẽ sớm được triệu tập ở Hà Nội.

Giới lãnh đạo đảng biết rõ rằng họ phải cố đưa ra một công thức về chính sách kinh tế hợp với sự mong đợi của các đại biểu và do đó ngăn chặn được những chỉ trích cay đắng mà họ đã nhận được hồi tháng Giêng khi nạn lạm phát, ở khoảng 14%, mới chỉ vừa bắt đầu gặm nhắm vào và mức thâm thủng mậu dịch cũng như tình trạng bất ổn lao động có vẻ tương đối bình thường.

Nhưng đó không phải là tình trạng hiện thời, và cũng như hồi tháng Giêng, các đại biểu Việt Nam từ các vùng nông thôn có thể sẽ đặc biệt nổi bật trong việc đánh giá chính phủ khi họ kể lại thật chi tiết các nỗi đau về tài chánh do nạn lạm phát gây ra cho nông dân trong khu vực bầu cử của họ.

Không biết cái hội nghị "đánh thức" hồi tuần trước có thúc giục được giới lãnh đạo đảng có thêm các hành động –và phối hợp chặt chẽ hơn- hay không thì còn phải coi lại. Nếu không thì khả năng có một hội nghị nữa, hoặc thậm chí một đại hội đảng giữa nhiệm kỳ, mà trong đó các các tay lãnh đạo cao cấp, gồm cả ông Dũng lẫn ông Mạnh, có thể bị gạt qua một bên hoặc ngay cả việc bị loại bỏ.

Như ông Mạnh đã cảnh báo trong phát biểu kết thúc hội nghị thì: "Ðặc biệt rất quan trọng để lấy lại sự đoàn kết nhất trí trong đảng, toàn dân, toàn quân và tất cả các bộ phận ban ngành".

Ðảng không những chỉ lo sợ về những chia rẽ nội bộ, mà còn đề phòng về bất cứ các rắc rối xã hội hoặc thành phần đối lập chính trị nào. Vì thế vừa qua mới có một chiến dịch đàn áp các nhà báo và giáo dân Công giáo. Nhiều nhà báo nổi tiếng đã bị bắt trong nhiều tháng qua, và hai trong những phóng viên đi tiên phong trong công cuộc chống tham nhũng trong nước sắp sửa bị đưa ra xử vì vạch trần những hành động sai trái của giới lãnh đạo đảng trong vụ xì-căng-đan tai tiếng PMU18 cách đây hai năm.

Nhiều thành viên của giáo hội Công giáo, trong đó có Tổng giám mục Hà Nội, cũng bị cảnh cáo phải chấm dứt biểu tình về việc tịch thu tài sản của họ do hậu quả của chiến tranh Việt Nam. Cho rằng các cuộc biểu tình vừa qua là "hoàn toàn không chấp nhận" được, Thủ tướng Dũng nói rằng: "Nếu những hành động này không chấm dứt, nó sẽ có một tác động bất lợi về những quan hệ tốt giữa nhà nước và giáo hội".

Mới đây, ông Dũng đã gặp gỡ nhiều giám mục, nhưng vấn đề tranh chấp đất đai vẫn không được giải quyết và còn là một trở ngại chính yếu trong việc tái lập lại quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican.

Các cán bộ đảng ở địa phương, nhất là những người cùng phe với các đảng viên kỳ cựu như ông Mạnh, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh, được biết là đang bực bội về việc chậm trễ để đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Họ tin rằng Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác đang quá bận tâm vào tình trạng xáo trộn tài chánh hiện thời trên thế giới và cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, để chú ý đến việc đàn áp tôn giáo và báo chí ở Việt Nam.

Những người khác, hầu hết là nằm trong phe có tính hoà giải hơn của ông Dũng, thì lập luận rằng cách giải quyết tốt nhất là cả hai phía phải trấn tỉnh lại.

Theo ông Nguyễn Trần Bạt thì: "Mặc dù chính quyền địa phương rõ ràng là không thể hoàn trả khu đất lại cho giáo hội Công giáo vì không có một khuôn khổ luật pháp nào để dựa vào đó mà thi hành, nhưng tôi vẫn ưa thích việc chọn lựa một thái độ ôn hoà để giải quyết vấn đề".

Giáo sư Thayer nói thêm: "Một đường lối cứng rắn đối với giáo hội Công giáo thì không bao giờ là một ý kiến tốt, và giữa lúc có cuộc khủng hoảng kinh tế thì đó lại càng là một ý kiến xấu hơn. Nhưng dù sao thì thành phần bảo thủ sẽ lên tiếng đưa ra mối quan tâm của họ về sự ổn định chính trị".

Thật vậy, việc trấn áp báo chí cũng như các hành động đối với người Công giáo cũng là các đề tài được thảo luận trong hội nghị tuần trước vì cũng giống như sự suy xụp kinh tế, nó va chạm đến nỗi ám ảnh của đảng về ổn định chính trị và sự tiếp tục quyền cai trị độc đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giám đốc Viện nghiên cứu phát triển ở Hà Nội nói rằng: "Người cộng sản luôn luôn dùng sự lo sợ về tình trạng bất ổn làm cái cớ để không chịu dân chủ hóa đất nước và họ sẽ tiếp tục làm như vậy".

Giới lãnh đạo đảng coi sự ổn định chính trị ở Viêt Nam là tảng đá góc tường để thu hút đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là sự bất ổn đang tiếp tục lan tràn ở các quốc gia cạnh tranh với họ trong khu vực như Mã Lai Á, Thái Lan và Phi Luật Tân.

Vào đầu muà hè này, ông Michael Pease, chủ tịch Phòng thương mãi Hoa Kỳ đồng thời là Tổng giám đốc công ty Ford ở Việt Nam nói rằng: "Thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài phần lớn là dựa vào sự trông mong ở việc ổn định kinh tế và chính trị".

Một báo cáo hồi đầu năm nay của Business Monitor International Ltd, liệt kê các quốc gia dựa trên rủi ro chính trị, đã đánh giá Việt Nam đứng ngang hàng thứ hai với Hồng Kông, sau Tân Gia Ba, về ổn định chính trị ngắn hạn.

Theo lẽ tự nhiên thì giới lãnh đạo đảng, cả những kẻ điềm đạm lẫn những người có tầm nhìn về phía trước, đều thích thú tán thưởng các báo cáo như vậy và tìm cách để bảo đảm cho sự xáo trộn về kinh tế, tôn giáo và báo chí hiện thời không làm náo động sự đánh giá lạc quan đó –mà một số đang lo ngại là sự xáo trộn đó đã bắt đầu khởi sự.

Ông Vũ Mão, một đảng viên kỳ cựu nguyên là chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội, nói rằng: "Tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi nghe rằng sự ổn định chính trị ngắn hạn ở Việt Nam được đánh giá quá cao. Việc đánh giá này là quá mức trong cái nhìn của tôi, và không xem xét đến nhiều vấn đề ung nhọt của Viêt Nam như quyền xử dụng đất đai, tình trạng nghèo đói ở nông thôn và chất lượng đời sống của giới công nhân có thu nhập thấp".

Ông Thayer nói thêm: "Dĩ nhiên là có sự bất mãn đang lớn dần trong những người dân thành thị về giá cả gia tăng, nạn ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe và vấn đề tham nhũng".

Quả thực như thế, khi nói đến sự đánh giá lâu dài về rủi ro chính trị, thì Việt Nam không được đánh giá tốt trong báo cáo trên và nằm gần cuối, chỉ khít khao hơn các quốc gia như Lào và Miến Ðiện.

Dĩ nhiên là tính ngay cả việc tranh chấp trên tầng lớp chóp bu trong nội bộ đảng hiện nay, thì ít ai nghĩ rằng chế độ cộng sản tại Việt Nam sẽ xụp đổ vì nền kinh tế bị suy xụp, và hành động của vài nhà bất đồng chính kiến, ký giả và tu sĩ can trường. Nhưng chắc chắn là giới lãnh đạo hiện thời đang bị nhiều áp lực và đã không có cách nào khác hơn là phải triệu tập phiên họp khẩn cấp hồi tuần trước. Những kết quả cuối cùng của cuộc họp đó vẫn đang được từ từ làm sáng tỏ.
 
Biểu tình phản đối chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam tại Úc
Nguyễn Phương Nga
15:10 15/10/2008
Biểu tình phản đối chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam

(The Age 14/10/08, Nguyễn Phương Nga lược dịch)

Những người biểu tình phản đối đã cáo buộc thủ tướng cộng sản Việt Nam về các xúc phạm nhân quyền và “làm nhiễm độc” mảnh đất dân chủ của nước Úc trong chuyến viếng thăm của ông ta đến Melbourne.

Ông Nguyễn Tấn Dũng bị la ó chế nhạo bởi khoảng 200 người biểu tình tụ họp trên các bậc thềm của Quốc hội tiểu bang Victoria, giương cao các biểu ngữ kêu gọi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, đồng thời gọi ông Dũng là “một tên tội phạm và là kẻ giết người”

Những người biểu tình nói rằng ông Dũng nên bị cấm chỉ không cho vào nước Úc và không nên được phép gặp gỡ Thủ tướng Úc Kevin Rudd và Thủ hiến tiểu bang Victoria John Brumby. Những người biểu tình sau đó di chuyển xuống đường Collins, bên ngoài toà nhà Collins Place là nơi ông Dũng đến tham dự một bữa ăn trưa do ông Brumby khoản đãi.

Một trong những người biểu tình phát biểu trước đám đông “hôm nay là một ngày nhục nhã” khi ông Dũng được phép bước chân vào “mảnh đất dân chủ của nước Úc”.

“Ông (Dũng) làm bẩn đất nước chúng tôi, ông làm bẩn mặt đất của chúng tôi … bằng các hành vi xúc phạm nhân quyền của ông”, người phát ngôn của cuộc biểu tình phát biểu thay cho những người Úc gốc Việt.

“Ông thủ tướng dân cử (Kevin Rudd) và thủ hiến dân cử (John Brumby) của chúng ta không nên gặp gỡ kẻ độc tài này … chúng ta nên cấm chỉ hắn không cho đến đây, vào đất nước này để làm nhiễm độc bầu không khí của chúng ta”.

Trên những tờ truyền đơn phân phát cho những người qua lại, nhóm người biểu tình đã tóm lược những đòi hỏi của họ.

Tờ truyền đơn kêu gọi hãy “chấm dứt các hành động tra tấn, tàn ác, bất nhân, hành hạ làm mất phẩm giá, và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền”.

Tờ truyền đơn còn cáo buộc nhà nước Việt Nam bỏ tù bất hợp pháp và giết hại các tín đồ Tin Lành, Công giáo và các nhà hoạt động chính trị.

Tờ truyền đơn cũng kêu gọi cho các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp và xử dụng internet (không bị tường lửa).

“Và cuối cùng cũng không kém phần quan trọng là quyền tự do cho người dân Việt Nam được lựa chọn chính phủ của họ qua các cuộc bầu cử dân chủ”.

Ông Dũng đã găp Thủ tướng Rudd tại Canberra hôm Thứ Hai, và hôm nay nói chuyện tại một diễn đàn kinh doanh cũng như gặp gỡ vị Toàn quyền tiểu bang Victoria, ông David de Kretser. Ông ta cũng chứng kiến buổi ký kết bản Thoả thuận Hợp tác giữa Phòng Thương mãi Kỹ nghệ Victoria và Phòng Thương mãi Kỹ nghệ Viêt Nam.

Ông Dũng nói trong buổi ký kết rằng thị trường lao động Việt Nam thì “tương đối rẻ” và nhà nước đang làm việc để hạ bớt lạm phát.

Giao thương và giáo dục là hai thị trường nhập và xuất cảng lớn nhất giữa Việt Nam và Úc Ðại Lợi.

Thủ hiến Brumby cho biết tại bữa ăn trưa rằng có nhiều du học sinh Viêt Nam ở Victoria hơn bất cứ các tiểu bang khác trên nước Úc và ông hy vọng con số đó sẽ tiếp tục gia tăng.

Có khoảng 60,000 người Việt sinh sống tại Victoria.

© 2008 AAP
 
Phân tích sự Tranh Chấp giữa CSVN với Công Giáo gần đây
Đặng Vũ Chấn
18:47 15/10/2008
Phân tích sự Tranh Chấp giữa CSVN với Công Giáo gần đây

LTS: Bài phân tích dưới đây được nhìn từ góc độ của người đấu tranh, không nhằm phản ánh quan điểm hay góc nhìn của giáo dân Thái Hà, Toà Khâm Sứ hay lập trường của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hay của VietCatholic. Trong bài, chữ viết tắt CSVN như tác giả đã có chú thích khi gửi bài này cho chúng tôi là: "được dùng để chỉ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam - không dùng danh từ chính quyền để chỉ họ vì không muốn duy trì ấn tượng chính danh cho nhà nước CSVN hiện nay".

CSVN hiện nay đang đứng trước sự bất mãn của nhiều thành phần nhân dân, như dân oan, nông dân, công nhân, thanh niên sinh viên, các nhà đấu tranh cho dân chủ, các giáo hội tôn giáo như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo, đồng bào sắc tộc Tây Nguyên v.v... Trong tất cả các thành phần nhân dân trên, có lẽ người Công giáo là thành phần có khả năng mở ra phong trào tranh đấu bất bạo động tương đối hữu hiệu nhất vì đây là một tập thể có kỷ luật theo hệ thống tổ chức tôn giáo thuần nhất, có nhiều khả năng vận dụng hỗ trợ quốc tế, và có niềm tin khá tuyệt đối vào đấng tối cao, khó lay chuyển hơn là nếu họ tin vào một nhân vật trần thế có thể thay đổi theo thời gian. Thực tế ta thấy gì qua cuộc đấu tranh công khai của người dân Công Giáo gần đây, khởi đi từ cuối năm ngoái?

Cuộc Diễn Tập lần thứ nhất:

Vụ tranh đấu đòi lại đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội nổ ra công khai từ trung tuần tháng 12 năm 2007 sang tháng Giêng năm 2008. Lần đầu tiên qua vụ này ta thấy giáo dân đã theo đúng một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp đâu tranh ôn hòa bất bạo động:

1/ Đấu tranh ôn hòa bằng hình thức cầu nguyện, một hình thức dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, vừa gia tăng niềm tin vừa khó gây ra những lý cớ để chế độ đàn áp, và dễ thu hút sự tham gia tập trung của đông đảo bà con giáo dân.

2/ Số Đông Người. Càng đông, người ta càng bớt sợ hãi, cho nên những lời lên án răn đe của nhà cầm quyền Hà Nội thay vì có thể uy hiếp tinh thần bà con lại có tác dụng ngược của sự thách thức khiến bà con càng đổ về tập họp cả nhiều ngàn người.

3/ Mục tiêu ban đầu nhỏ đơn giản: đòi ngưng thi công trên vùng đất đang tranh tụng, mà nhà thờ đã từng khiếu kiện đòi lại từ bao năm qua. Mục tiêu này làm cho CSVN ban đầu không có lý do thẳng tay đàn áp, trong lúc số người tham gia cầu nguyện chưa đủ đông.. Mục tiêu không to lớn trừu tượng, bà con liên hệ được để mạnh dạn tham gia bước đầu.

4/ Có kỷ luật, tổ chức. Các giáo dân đã rất kỷ luật và có tổ chức để bảo vệ nhau và bảo vệ các người lãnh đạo của mình. Những công an mật vụ được gài vào đám đông đều bị phác hiện và không vô tới được vòng trong gần ban lãnh đạo.

5/ Đẩy CSVN vào thế tiến thoái lưỡng nan: CSVN nếu để yên thì phong trào càng lớn, nếu nhượng bộ thì mở đường cho các thành phần nhân dân bất mãn khác cùng theo nhau đứng dậy, nếu dùng bạo lực đàn áp thì sẽ trả giá đắt với dư luận và áp lực quốc tế, trong lúc đang cần hội nhập vào thế giới văn minh để làm ăn.

Nhưng CSVN không thiếu bản lãnh. Biết rõ hệ thống chỉ huy trong tổ chức giáo hội Công Giáo, họ đã đi thẳng lên cấp quyền Công Giáo cao nhất là Vatican. Không biết hai bên đã ngầm thỏa thuận với nhau điều gì, chỉ thấy CSVN hứa sẽ giải quyết vấn đề đất đai của toà Khâm Sứ và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone của Vatican đã gửi thư ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội giải tán các cuộc cầu nguyện tập thể. Sau đó tình hình tạm lắng đọng mặc dù cốt lõi vấn đề vẫn còn nguyên. CSVN ổn định được tình hình, và có thêm thì giờ để rút kinh nghiệm, chuẩn bị kế sách đối phó với các biến động sau này hữu hiệu hơn.

Có người thất vọng bất mãn với lệnh giải tán trên từ Vatican. Nhưng nhìn kỹ, thì đây là một quyết định khôn ngoan. Chắc Vatican cũng hiểu bản chất CSVN là phải cướp và nắm chính quyền bằng mọi giá. Cho nên nếu mà giáo dân Hà Nội tiếp tục đẩy tới, dồn CSVN vào chỗ bế tắc, đe dọa trầm trọng vào sự ổn định của chế độ độc tài, và với tương quan lực lượng lúc này vẫn còn nghiêng quá nhiều lợi thế về phía CSVN, thì có xác xuất cao họ sẽ làm một Thiên An Môn thứ hai bất chấp giá phải trả với thế giới. Hoặc nếu không có Thiên An Môn, mà CSVN cứ khoanh vùng và chai lỳ, cuộc tụ tập đông người sẽ khó kéo dài mãi mãi mà không bị soi mòn rơi rụng vì bản chất tự nhiên của phong trào quần chúng. Nên giải tán để bảo toàn lực lượng là bước lui binh chiến thuật rất khéo, sau khi giáo dân đã làm các thi công trên vùng đất tranh chấp phải tạm ngưng, đã có được cơ hội thực tập đối đầu với bạo lực, xác quyết được niềm tin và tạo sự chú ý của thế giới.

Trận thử lửa lần thứ 2: Vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ

Vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ lần này bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2008 cho tới nay. Thời điểm thoạt đầu tưởng bất lợi cho CSVN khi họ đang phải đối đầu với những khó khăn khác như kinh tế suy thoái, lạm phát phi mã, và nhất là khi có những nhen nhúm hâm nóng việc họ bán đất nhượng biển cho Trung Quốc nhân dịp 50 năm đánh dấu công hàm ô nhục của thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng vào tháng sau, 14-9.(gọi tắt là vụ Hoàng Sa Trường Sa, HS-TS)

Nhưng với kinh nghiệm già dặn ranh mãnh, CSVN thay vì bị ở thế tứ bề thọ địch, đã xoay trở để biến tình hình thành cơ hội làm loãng đi vụ HS-TS. Bộ máy tuyên truyền của họ đã im lờ đi mọi đề cập về HS-TS trong lúc họ lặng lẽ tung chiến dịch trấn áp triệt để các thành phần, nhân vật mà họ nghĩ có lien quan đến vụ HS-TS, dập tắt kế hoạch biểu tình lên án bá quyền Trung Quốc của thanh niên sinh viên ngay trong trứng nước. Thay vào đó bộ máy tuyên truyền của chế độ thổi lớn lên những lên án đả kích giáo dân Thái Hà và đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.

CSVN phải chuyển mọi chú ý của dư luận trong nước ra khỏi vụ HS-TS vì đây là điểm nhược nhất của họ. Họ hiểu rõ hình ảnh hành động bán nước, khôn nhà dại chợ, hung hăng bịt miệng đồng bào yêu nước của mình trong khi đó lại mềm nhũn trước sự lấn át chi phối của Bắc Kinh, là điều mà toàn thể nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận nếu mọi người đều biết. Và nguy hiểm nhất cho họ là hình ảnh đó đang bắt đầu được truyền bá trong hàng ngũ quân đội và công an, vốn là những trụ cột chính chống đỡ bảo vệ chế độ, với lời ngầm kêu gọi nhau rằng quân đội là để bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ Đảng. (ông Nguyễn Minh Triết đã phải bay vào Nam đích thân sinh hoạt với Quân Khu 5, vùng có trách nhiệm trên các vùng đảo HS-TS, để trấn an những bức xúc của các chiến sĩ Quân Khu này). Cho nên đối với CSVN, vụ Thái Hà trở nên tương đối nhỏ, dễ giải quyết khắc phục, nhất là sau khi họ đã rút được một số kinh nghiệm đối phó từ lần trước. Vì thế họ có vẻ chủ động làm lớn chuyện này trong nước để thu nhỏ quan tâm của quần chúng vào vụ mất đất nhỏ của riêng giáo xứ Thái Hà thay vì vào vụ mất đất mất biển lớn của chung cả tổ quốc.

Những chiêu thế của CSVN trong vụ Thái Hà lần 2:

1/ Tuyên truyền áp đảo sớm: Các báo đài đồng loạt đưa tin rất sớm xuyên tạc lên án các hành động cầu nguyện tập thể cuả giáo dân để dọn đường cho thái độ cứng rắn của nhà nước.

2/ Sử dụng bạo lực sớm: cô lập khu vực, dùng lựu đạn cay giải tán cuộc tụ tập cầu nguyện, cho côn đồ hành hung giáo dân, bắt bớ các giáo dân bị nghi là nồng cốt chỉ đạo, trước khi những cuộc cầu nguyện thu hút đủ số đông khó dẹp.

3/ Đặt giáo dân trước sự đã rồi: gấp rút thi công xây công viên và thư viện trên vùng đất tranh chấp trong thời gian kỷ lục, khiến giáo dân khó đòi mà nếu làm lớn chuyện cứ đòi thì rơi vào thế đã gài sẵn như sau:

4/ Thổi lên hình ảnh giáo dân Công Giáo là thành phần xấu ích kỷ, đặt quyền lợi riêng trên nhu cầu phục vụ quần chúng, thiếu nhi của nhà nước, với vị chủ chăn Ngô Quang Kiệt “không muốn nhận mình là người Việt Nam”. Thuê thường dân và xã hội đen đến quấy phá chửi bới khiêu khích giáo dân, thổi lên hình ảnh nhân dân đang chửi chống thiểu số giáo dân. Có lẽ CSVN qua đó muốn như sau:

5/ Chia để trị: tạo sự phân hóa chia rẽ giữa các thành phần dân tộc, khích động sự xung đột giữa giáo dân và người ngoại đạo, để người dân quên đi mối nhục chung là độc tài đã nhường đất biển cho ngoại bang.

6/ Xiết và nhả trong tư thế bề trên: Bên cạnh sự cứng rắn áp đảo, CSVN cũng nhả ra một chút, đưa ra ba miếng đất để Tổng Giám Mục Hà Nội chọn một để thế cho miếng đất toà Khâm Sứ đã bị trưng thu, với điều kiện phải làm đơn xin phép. Đây là cung cách quen thuộc cố hữu của CSVN: xiết cổ nạn nhân cho gần quỵ rồi nhả ra một chút cho thở, nạn nhân sẽ biết ơn được ban cho sự sống và quên rằng sống thở thoải mái không bị ai xiết họng là quyền tự nhiên của mình.

Những thế đối phó của Công Giáo Việt Nam:

1/ Giữ vững kỷ luật hàng ngũ: triệt để bất bạo động, không rơi vào bẫy khích động bạo động của công an và đám côn đồ được thuê tới. Vì bạo động là cung cấp cho CSVN có lý cớ để thẳng tay dùng bạo lực đàn áp.

2/ Bám chặt đối phương để giảm thiểu bạo lực: Các linh mục và giáo dân đã thắng một bước khi buộc được viên chỉ huy công an phải làm biên bản về cuộc tấn công bạo động của công an và bọn côn đồ. Việc công an làm biên bản theo sự yêu cầu của dân là dấu chứng xác nhận " giáo dân chúng tôi là những công dân tôn trọng luật pháp, tôn trọng thẩm quyền của công an dù bất đồng, là nạn nhân của bạo lực, công an không có lý do gì mà đàn áp thêm mà còn có trách nhiệm phải bảo vệ chúng tôi". Có lẽ vì thế mà bạo lực đã khó mà leo thang tiếp từ phía nhà nước.

3/ Nâng cấp đấu tranh: nâng cấp đòi hỏi lên một bước rộng hơn, đòi Công Lý Công Bình và Sự Thật. Sau tám tháng chờ đợi để thấy rõ hơn nhà nước thất hứa, dùng thủ đoạn gian trá, và sau khi bị khích động bởi bạo lực đã không khuất phục được niềm tin, sự quyết tâm và dấn thân của giáo dân đã chín mùi để mở ra mục tiêu cao hơn. Và mục tiêu này phổ quát chung cho mọi thành phần dân tộc để phá đi hình ảnh ích kỷ cục bộ của thiểu số mà nhà nước đã cố tuyên truyền xuyên tạc về giáo dân. Ngoài ra cũng nâng cấp nhập cuộc của hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Không còn một LM Nguyễn Văn Lý cô đơn trước sự im lặng của đồng sự, mà dần dần đã lên tới cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức lên tiếng bênh vực cho con chiên và lẽ phải, vun bồi thêm niềm tin tranh đấu.

4/ Cốt chắc vỏ mềm: lần này ta có thể cảm nhận được sự kiên quyết đi tới cùng của công giáo VN. Nhất định không chấp nhận việc xin cho đất để thỏa hiệp về việc đất nhà thờ bị cướp mất, mà còn mở rộng tầm tranh đấu như ở trên. Thế mà nghe và đọc các lời báo cáo, tuyên bố của các vị lãnh đạo tinh thần Công Giáo, ta không hề thấy những từ ngữ nặng nề tấn công CSVN mà hầu hết là những lời ôn tồn hòa hoãn kêu gọi sự bền tâm vững tin vào lẽ phải. Phong cách trên không những thể hiện bản lãnh của những người đầy niềm tin vào nội lực của mình, không như những thùng rỗng kêu to, mà còn bộc lộ rõ sự tương phản giữa một bên là sự trong sáng tử tế đầy thiện ý và bên kia là sự trí trá xảo quyệt của CSVN. Phong cách tử tế này cũng buộc CSVN ít nhất phải tỏ vẻ tử tế tương xứng theo.

5/ Vận dụng báo đài hải ngoại và quốc tế để trung hòa tuyên truyền xấu từ truyền thông nội địa: Những tin tức trung thực về cuộc tranh đấu, tiếng nói của giáo dân, cha xứ, Hội Đồng Giám Mục đã có cơ hội chọc thủng tấm màn bưng bít xuyên tạc một chiều của bộ máy tuyên truyền CSVN nhờ truyền thông bên ngoài bắn ngược vào trong nước.

6/ Kêu gọi được sự hiệp thông rộng rãi lan rộng khởi đầu từ các giáo xứ khác sang dần đến các thành phần dân tộc khác, ra cộng đồng người Việt hải ngoại, cho tới Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất trong nước cũng đã bày tỏ sữ cảm thông hỗ trợ. Cơ sở cho một liên minh dân tộc thực sự đang có triển vọng được xây dựng.

Từ những nhận xét trên, những điều có thể rút tỉa:

1/ Đấu tranh bất bạo động không phải là lối đấu tranh thụ động tự phát. Nó đòi hỏi tính tổ chức, kỷ luật, cân nhắc đấu trí, liên tục đánh giá tương quan lực lượng hai bên để có những bước tiến lùi công thủ cho hữu hiệu. Nó có lúc sẽ dấy lên những phong trào sôi nổi, có lúc lặng xuống nhưng vẫn ngún như than hồng bên trong.

2/ Cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội hiện nay đang vào giai đoạn than hồng giữ lửa sau khi bùng lên và đạt được một số thành quả tiếp theo trận diễn tập lần đầu: quan trọng nhất là nó đã được nâng cấp về chiều sâu lẫn độ rộng như đã viết ở trên.

3/ Nhưng nó vẫn còn khó mà đi đến thắng lợi sau cùng, giống như các cuộc đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, của Phật Giáo Hòa Hảo, của Tin Lành, của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, của dân oan, công nhân hay của thanh niên sinh viên yêu nước hay các nhà đấu tranh dân chủ, khi nó chưa được lồng vào trong cùng nhịp với sự bức xúc khắc khoải chung của mọi thành phần dân tộc trong nước. Khi chưa đánh trúng vào tần số chung của mọi thành phần, thì những cuộc đấu tranh của từng thành phần kể trên vẫn mới chỉ có tác dụng quấy rối chế độ một cách lẻ tẻ dù có liên hòan; có soi mòn đẩy lùi chế độ độc tài mau hay chậm vẫn còn tùy thuộc vào bản lãnh ứng phó, kinh nghiệm ma mãnh, mức độ phi nhân bản của nhà cầm quyền độc tài, những điều mà CSVN không thiếu.

4/ Khi có được một thông điệp chung mà tất cả các thành phần dân tộc đều liên hệ được và thấy mình trong đó, người người sẽ tham gia tích cực đấu tranh một cách đồng bộ đưa tới một con số đông quần chúng tới mức độ mà bạo lực không còn có thể trấn áp được nữa và phải quy hàng. Lúc đó cuộc cách mạng hòa bình bất bạo động ít đổ vỡ sẽ thành công như đã thành công tại Đông Âu.

5/ Liệu thông điệp mà công giáo Việt Nam phần nào đề xuất: Tranh đấu cho Công Lý, Công Bình, Sự Thật, có đủ tác dộng để làm thông điệp chung kể trên chưa? Nó có đánh động chung lòng người mạnh hơn là những từ Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, Chống Tham Nhũng, Đòi Tăng Lương, Đòi lại Hoàng Sa Trường Sa v.v… không? Nó có tạo điều kiện tốt hơn để soi mòn các trụ cột chống đỡ chế độ không? Có một thông điệp nào hay hơn nữa không? Câu trả lời xin dành cho tất cả chúng ta.
 
Bản lên tiếng của Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ
Hội đồng Liên tôn VNHK
23:24 15/10/2008
BẢN LÊN TIẾNG CỦA HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
VỀ VIỆC CSVN ĐÀN ÁP TÔN GIÁO VÀ GẦN ĐÂY NHẤT, ĐÀN ÁP GIÁO DÂN THÁI HÀ
VU KHỐNG TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT


Việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam gần đây đàn áp giáo dân Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, qua việc xử dụng hơi cay, hành hung, bắt bớ, đe dọa và vu khống các vị lãnh đạo tinh thần, giáo dân cầu nguyện ôn hòa để nhà cầm quyền sớm trả lại đất đai của giáo xứ cũng như Tòa Khâm Sứ đã bị chiếm giữ bất hợp pháp từ bao nhiêu năm qua, đã cho thấy chính sách đàn áp các tôn giáo tại Việtt Nam..

HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ nhận định:

1. Từ khi lên nắm chính quyền tại Miền Bắc vào năm 1954 và chiếm trọn Miền Nam từ năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tịch thu, chiếm cứ bất hợp pháp nhiều cơ sở, đất đai của các tôn giáo như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công Giáo mà cho đén nay vẫn chưa hoàn trả lại cho các tôn giáo, điển hình qua vụ chiếm cứ gần 15 mẫu đất của giáo xứ Thái Hà do nhà dòng Chúa Cứu Thế tạo mãi tù năm 1928 và Tòa Khâm Sứ của Tổng Giáo Phận Hà Nội từ 1954.

1. Vào đầu tháng giêng 2008 và đặc biệt trong thời gian gần đây, giáo dân Thái Hà cũng như Tổng Giáo Phận Hà Nội đã liên tục cầu nguyện trong tinh thần ôn hòa và bất bạo động để nhà cầm quyền sớm trả lại đất đai đã chiếm hữu bất hợp pháp của giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ từ năm 1954.

2. Thay vì giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của giáo dân, nhà cầm quyền cộng sản đã đáp ứng bằng việc hành hung, bắt giam, khủng bố tinh thần, xuyên tạc cuộc tranh đấu ôn hòa của giáo dân Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội, lại còn lên án giáo dân có các hành vi “phá hoại tài sản và gây rối trị an”, kết án các vị lãnh đạo tinh thần và tu sĩ đã “xúi dục” giáo dân.

3. Cụ thể hơn cả, nhà cầm quyền cộng sản đã cho ủi xập khu đất đang tranh chấp để làm “công viên xanh” trong một thời gian gấp rút, nói là để phục vụ cho dân chúng nhưng thực chất chỉ là một hành vi chiếm đoạt thô bạo tài sản của Giáo Hội và lấp liếm trước dư luận hành vi sai trái của mình.

4. Nghiêm trọng hơn nữa, nhà cầm quyền còn phát động chiến dịch báo chí, truyền thông để vu khống, phỉ báng những nhà lãnh đạo tinh thần Công Giáo như các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đặc biệt Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, bằng cách bóp méo lời tuyên bố của Ngài; tìm cách bao vây, theo dõi và cô lập Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt,. Họ còn dùng thủ đoạn đem những người lạ mặt tới phá các buổi cầu nguyện của giáo dân và dùng lời lẽ thô tục, đe dọa các vị tu hành và giáo dân.

HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ tuyên bố:

1. Hoàn toàn ủng hộ các cuộc tranh đấu đòi hỏi tự do tôn giáo nói chung của các tu sĩ, tín đồ các tôn giáo, đặc biệt cuộc cầu nguyện và tranh đấu ôn hòa của giáo dân Thái Hà vàTổng Giáo Phận Hà Nội cho công bằng và công lý hiện nay, đặc biệt hiệp thông và hỗ trợ Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.

2. Cầu nguyện cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biết nhìn nhận những đòi hỏi chính đáng của giáo dân Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội để giải quyết nội vụ một cách ôn hòa và hợp lẽ phải, trong tinh thần tôn trọng luật pháp và quyền công dân.

3. Kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải ngưng ngay các cuộc đàn áp, khủng bố tinh thần các tôn giáo, đặc biệt giáo dân Thái Hà và Tổng Giáo Phận Hà Nội, đồng thời mở các cuộc đối thoại chân thành với Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân Thái Hà cũng như Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội để sớm trao trả những đất đai đã chiếm hữu bất hợp pháp của giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ.

4. Đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại tất cả các đất đai, cơ sở cửa các Giáo Hội mà họ đã chiếm giữ, tịch thu bất hợp pháp từ năm 1954 và trả tự do cho tất cả các tu sĩ, tín đồ các tôn giáo còn bị giam giữ.

5. Khẩn thiết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ, các vị dân cử Lưỡng Viện, đặc biệt Ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, có những hành động cụ thể hỗ trợ các tôn giáo trong việc tranh đấu đòi hỏi tự do tôn giáo, đặc biệt giáo dân Thái Hà và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội trong cuộc tranh đấu ôn hòa đòi lại công bằng và công lý hiện nay, bằng cách áp lực với nhà cầm quyền cộng sản ngưng ngay những cuộc đàn áp và khủng bố tinh thần hiện nay đối với các vị lãnh đạo tinh thần và giáo dân xứ Thái Hà cũng như Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, đặt cộng sản Việt Nam trở lại quy chế CPC (Country Of Particular Concern) “Các Nước Cần Quan Tâm”, nếu cần.

Làm tại Little Saigon, ngày 10 tháng 10, 2008

Đồng ký tên
Thành Viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
Giáo Hội Cao Đài: Hiền Tài Phạm Văn Khảm, Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng
Giáo Hội Công Giáo: LM Mai Khải Hoàn, LM Nguyễn Tiến Bình, LS Phạm Văn Phổ
Giáo Hội Phật Giáo: Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, Huynh Trưởng Lê Quang Dật
Gíao Hội Phật Giáo Hòa Hảo: GS Nguyễn Thành Long, GS Nguyễn Thanh Giàu
Giáo Hội Tin Lành: Mục Sư Trần Thanh Vân


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nguyện Thầm
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
00:18 15/10/2008

NGUYỆN THẦM



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Con cầu nguyện tình con luôn đằm thắm

Chia nụ cười, an ủi lúc khổ đau

Giúp chúng con luôn nâng dỡ lẫn nhau

Và xin Chúa bảo tồn tình con nhé !

(Trích thơ của SC)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News