Ngày 12-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 28 Mùa Thường Niên 13/10/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:32 12/10/2019
Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Ðó là lời Chúa.
 
Hãy tạ ơn trong mọi hòan cảnh
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:16 12/10/2019
Thực tế cho thấy cả trong Đạo lẫn ngoài đời đều đề cao lòng biết ơn: “Nợ ai một chút chớ quên. Ơn ai một chút phải nên đáp đền.” Vì thế, vô ơn bạc nghĩa bị khinh thường. Tuy nhiên, vô ơn không phải là chuyện hiếm trong đời sống. Phúc Âm cũng kể chuyện 10 người phong hủi được Chúa chữa lành, mà chỉ có mỗi 1 người trở lại tạ ơn. Vì sao thế nhỉ?

1. Không nhận ra ơn. 10 người đều được ơn, nhưng chị có 1 người NHẬN RA ơn. Trong đời, con cái được hưởng công ơn cha mẹ nhiều lắm, con người được hưởng ơn phúc Chúa ban nhiều lắm. Điều quan trọng là có nhận ra ơn không. Cùng được ơn cả đấy, nhưng nếu không nhận ra ơn thì thấy đời mình bất hạnh buồn bã, còn nhận ra ơn thì thấy đời mình hạnh phúc vui vẻ.

2. Quên Đấng ban ơn. Khi còn bé, đứa trẻ chỉ để ý đến việc nhận quà, ít để ý đến người cho quà. Khi lớn lên, người ta thường chú ý đến ân huệ, mà không chú ý đến ân nhân. Chúng ta rất quan tâm sức khỏe, trình độ, thành công của mình, mà lại không quan tâm đến ai nuôi ta khôn lớn? Ai cho ta sức khỏe trí khôn?

3. Gần không cần cảm ơn. Người quay lại tạ ơn Chúa là người Samaria, người ngoài, còn 9 người Itraen là người nhà thì không. Ôi, giống chúng ta nhỉ. Với người ngoài xã hội ta dễ dàng nói lời cảm ơn – thank you, với người trong gia đình thì mở miệng nói lời cảm ơn sao khó thế. Người ngoài mời ăn một bữa, ta cảm ơn rối rít, ở nhà vợ nấu ăn cho cả đời thì ta lại cứ im thin thít. Đã không cảm ơn thì chớ, nhiều khi lại còn chê mới buồn chứ!

Phải chăng vì thấy người ta ít biết ơn nên thánh Phaolô mới kêu gọi các tín hữu “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó chính là điều Thiên Chúa muốn.” Sống tâm tình biết ơn thì không chỉ làm cho Chúa vui, người làm ơn vui, mà chính bản thân mình cũng được vui hạnh phúc.Amen.
 
Lời tạ ơn hiếm hoi.
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:50 12/10/2019
Chúa Nhật XXVIII TN C

Chuyện bình thường của kiếp nhân sinh: người ta thường nhớ hoặc nói thẳng thừng là khó quên người mà mình đã thi ân cho hơn là người đã thi ân cho mình. Quả thật chúng ta khó quên những người đang mắc nợ chúng ta, nhưng lại ít nhớ nhưng người mà chúng ta đang mắc nợ họ. Xem ra cái được gọi là lòng biết ơn không phải dễ mà có được nếu không ý thức và chuyên cần luyện tập. Cùng với phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII TN C, đặc biệt bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng chúng ta cùng xét xem đôi điều về chủ đề lòng biết ơn.

Một Naaman người Syria được nói đến trong sách Các Vua và một người anh em Samaria trong câu chuyện Tin Mừng Luca kể đã sống có lòng biết ơn khiến chúng ta giật mình tự hỏi: Phải chăng anh em lương dân (có thể kể đến bà con khác đạo nữa) lại nhạy bén với sự biết ơn hơn là con cái Chúa? Thật khó trả lời cho câu hỏi đầy sự tế nhị này, tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra một vài nguyên nhân gây nên tình trạng vong ân đáng buồn đang hiện hữu đó đây để rồi tìm cách khắc phục.

1.Ảo tưởng về công lao hay công trạng của mình: Một khi nghĩ rằng những ơn mình lãnh nhận là do công sức mình đã bỏ ra thì người ta khó mà nhận ra cội nguồn của ơn lành. Phải chăng chín người Israel phung hủi được chữa lành hôm ấy nghĩ rằng chính nhờ việc giữ luật “đi trình diện các Tư tế” mà họ được lành sạch? Cũng có thể lắm. Vì đây là điều mà viên tướng Naaman và người anh em lương dân phung hủi trong câu chuyện Tin Mừng kể hầu chắc là không biết.

2.Nhận được ơn lành nhiều lần: Sự gì mà lặp đi lặp nhiều lần quá cũng dễ bị xem là chuyện bình thường. Ở vùng nhiệt đới, có thể nói rằng ngày nào mặt trời cũng mọc lên và lặn xuống thì ít có người cảm thấy quý và từ đó nảy sinh tâm tình biết ơn “trời đất”. Trái lại, ở những vùng ôn đới, sau một quảng thời gian giá lạnh, tuyết rơi, bỗng một ngày mặt trời xuất hiện thì người người ùa ra hưởng ánh nắng cách hồ hởi sung sướng và thế nào cũng có nhiều người biết tạ ơn “đất trời” cách nào đó. Ngày 25 tháng 12 có nguồn gốc từ đây và giáo hội đã chọn ngày ấy để kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế vì Người được tôn xưng là Mặt Trời Công Chính. Từ dữ kiện này chúng ta suy xét về tâm tình của các tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo. Tại những nơi có sinh hoạt tôn giáo bình thường, kiểu sáng lễ, chiều kinh thì hình như người ta ít tỏ lòng biết ơn các thừa tác viên. Trái lại, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dăm bảy tháng mới có một Thánh Lễ thì người ta không chỉ tạ ơn Chúa mà còn tỏ lòng biết ơn linh mục dâng Lễ cách rất nồng hậu.

3.Nhận được những ơn lành mà nhiều người khác cũng được hưởng như mình: Nếu giả như chỉ riêng mình tôi được hít thở khí trời thì chắc chắn tôi sẽ ý thức đó là một ơn lành và rồi biết tỏ lòng tri ân. Thử nhẩm xem có được bao nhiêu người biết tạ ơn Chúa vì được sống qua một ngày? Ngược lại khi chúng ta được chữa lành một bệnh nan y nào đó cách tỏ tường và lạ thường thì dường như không thể không tạ ơn cách này hay cách khác.

Đã xét các nguyên nhân về phía người thụ ân, giờ xin mạo muội nhìn đến phía Đấng ban phát ơn lành. Phải chăng cái thói xấu “vô ơn” của chúng ta cũng có nguyên cớ từ nơi Chúa? Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và ơn lành Người tuôn đổ xuống trên nhân loại chúng ta quá vô biên và hầu như không ngơi nghỉ. Không dám to gan xin Chúa thỉnh thoảng cho trời tối ba ngày ba đêm hay cho bầu khí quyển cô lại vài ba tiếng đồng hồ. Chỉ mong sao chúng ta nhận ra ân tình vô giá trong những biến chuyển bình thường của vũ trụ thiên nhiên và ngay trong những chuyện của đời thường kiếp người.

Một lẽ nữa cần xét đến đó là Thiên Chúa thường giáng phúc thi ân qua các trung gian. Ngoài tấm linh hồn mỗi người là do Thiên Chúa tạo dựng và phú ban trực tiếp cho từng người, thì có thể nói rằng hầu hết mọi sự Thiên Chúa ban cho chúng ta đều qua những trung gian. Đó là những con người, là những loài vật, là các điều kiện thiên nhiên hay xã hội… Những người trung gian gần đó là mẹ cha, ông bà, thầy cô…Và còn có biết bao trung gian xa mà lắm khi chúng ta chưa hề nghĩ tới. Các trung gian đóng vai trò làm cầu nối chuyển thông ơn lành nhưng chính những trung gian ấy nhiều khi lại làm cản trở cho lòng tri ân của chúng ta đến với nguồn của ơn lành.

Đã là người thì chẳng có ai muốn mang tiếng vong ân bạc nghĩa. Xưa lẫn nay và bất cứ xã hội nào, người ta đều lên án kẻ vong ân,“ăn cháo đái bát”. Một vài phân tích để nhận diện rõ các nguyên cớ của sự vong ân quả là cần thiết để chúng ta phần nào tránh được sự bạc nghĩa vong ân đáng trách. Hơn nữa thực tế minh chứng rằng người vong ân thường sử dụng ân ban ít hiệu quả mà nhiều khi lại còn rất lãng phí. Như thế càng tránh sự vong ân thì chúng ta càng biết sử dụng ân ban hữu hiệu, và càng đúng với ý của người thi ân. Và chắc chắn khi đã sử dụng ân ban đúng với ý người thi ân thì đó là một cách thể tỏ lòng biết ơn tuyệt vời hơn cả.

Cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện tại Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Hy Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất: đó là dùng chính tấm thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy chân dung Thiên Chúa Tình Yêu và để cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận làm con, được giao hoà với Cha trên trời.

Chúng ta cần phải biết ơn những ai và về những điều gì? Cũng nên tự hỏi xem tôi đã và đang nhận lãnh những ơn lành cao quý nào đây? Ai đã ban ơn ấy cho tôi và người ban ơn muốn tôi sử dụng các ơn lành ấy như thế nào và vào mục đích gì? Thiết nghĩ rằng khi trả lời được những câu hỏi trên thì chúng ta sẽ tránh được phần nào sự vong ân dù hữu ý hay vô tình nhưng vẫn đáng trách và đáng ghét.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
CN 28C: Phải chăng người nhà thường vô ơn ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:33 12/10/2019
Nghe bài tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa lành 10 người phung cùi và chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa, mà người ấy lại là người ngoại, chắc sẽ làm cho chúng ta một là hãnh diện hai là buồn lo.

Buồn lo vì chúng ta là kẻ có đạo, không phải người ngoại. Chúng ta bị liệt vào số 9 người được chữa lành mà chẳng biết quay lại biểu lộ một hành vi cảm tạ nào.

Nhưng chúng ta cũng có thể hãnh diện, vì theo ngôn từ Thánh Kinh, chúng ta chính là người ngoại. “Không phải là người Do Thái,” theo Thánh Kinh, chính là “người ngoại.” Người Việt-Nam không phải là người Do Thái, nên đích thị là kẻ ngoại.

Nhưng cho dù biện luận để ta là người ngoại hay không là người ngoại, thì cái chính là phải chăng người trong nhà thì thường vô ơn.

1. Phải chăng người trong nhà thì thường vô ơn

Có lẽ đúng. Chuyện thường tình là vậy.

Trong các loài sinh vật, có lẽ chỉ có con người mới cần thời gian lâu dài hơn cả để có thể tự lo được các nhu cầu thiết yếu cho đời sống mình. Con trẻ được "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa," chư không sinh ra bỏ lăn bỏ lóc mà vẫn sống như một số con vật. Suốt bao năm trời đằng đẵng, chúng ta phải luỵ cha mẹ trong tất cả mọi sự. Nhưng rồi có ngày ta thấy cha mẹ trở nên như một nỗi phiền hà quấy rầy chúng ta, hơn là nhìn vào các vị như là những đại ân nhân.

Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc lặt vặt, vừa với khả năng của nó, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhọc. Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau nằm liệt giường liệt chiếu. Thế là con nhỏ phải giúp và cả thay thế mẹ trong nhiều việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những công việc chưa nhận được tiền thưởng gồm : xách nước hai giờ, nấu cơm ba giờ, giặt quần áo năm giờ …, tất cả các thứ tính chung trong một tuần là tám mươi giờ. Xong, em rón rén vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay mẹ.

Mươi phút sau, bà mẹ đưa cho em tiền thưởng của tám mươi giờ kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi : công sinh, công dưỡng, công dục, công chăm lo thức trắng khi con đau ốm, công kiếm tiền để đóng học phí cho đi đến trường…, cộng chung không chỉ gấp mười lần con số 80 giờ kia của em, mà là 10 năm đằng đẵng : chưa có mục nào được thanh toán cả ! Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội vàng chạy vào xin lỗi mẹ.

Đúng là: Mẹ nuôi con như trời như bể

Con nuôi mẹ con kể từng… giây

Có lẽ em bé này mỗi năm khi đến hè hoa phượng nở đã từng đại diện cho lớp đứng ra cám ơn thầy cô về công dạy dỗ. Nhưng về nhà thì dễ quên công ơn lớn lao hơn của mẹ cha. Người trong nhà thì thường vô ơn.

Dale Carnegie đã mô tả trong sách “Đắc Nhân Tâm” (phần 6, chương 4) và ở đây sửa chữa lại cho rõ như sau :

Người chồng đi làm về thường trễ giờ và như thế là ăn sau. Một hôm, về nhà, thay áo quần xong, ngồi trước mâm ăn được dọn sẵn, mở lồng bàn ra, thì có mỗi một dĩa cỏ khô nằm gọn ở chính giữa. Ông chưa kịp nổi cơn bất bình, thì bà vợ lên tiếng: “Làm sao tôi biết là ông phân biệt được thức ăn với cỏ ? Suốt 20 năm nấu ăn cho ông, có bao giờ ông cho tôi hay rằng các món ăn đó không phải là cỏ khô đâu !” Điều bà vợ muốn nói không phải là chê người chồng không có óc phân biệt cỏ khô với thức ăn, nhưng là không có tấm lòng tri ân đối với người đã nấu nướng cho mình. Hôm nay dọn cỏ khô để cho chồng biết rằng cỏ khô thì khác với các món ăn ông đã từng nuốt trong 20 năm trời qua… Không phải phải có chữ “cám ơn” mới là cám ơn, mà có nhiều lời không có chữ cám ơn mà vẫn cám ơn chân tình : như, “hôm nay em nấu món này ngon quá,” “hôm nay em đi chợ mệt không?” “Món này có khó kiếm lắm không…” v.v…Có cả ngàn câu nói mang nghĩa biết ơn, có cả trăm cử chỉ hàm ý cảm tạ. Người trong nhà thì thường dễ quên làm điều đó. Và đó cũng là điều mà 9 kẻ phong cùi, có lẽ toàn là người Do Thái, quên quay lại cám ơn một người Do Thái khác cùng nhà Israel là Đức Giêsu, kẻ mách nước chữa lành cho mình. Người trong nhà thì thường vô ơn, đó là điểm thứ nhất.

2. Phải chăng “9 người kia” chỉ có vô ơn mà thôi ?

Phép lạ chữa lành 10 người phong mà Luca kể hôm nay có một điểm lạ, là Chúa Giêsu đã không nói, không làm một cử chỉ quyền phép nào để cho 10 người cùi lành sạch ngay mà lại sai họ đi trình diện tư tế trước đã. Cũng Luca, 5:12-14 thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người cùi khác thì Ngài chữa lành ngay : giơ tay đụng vào anh ta và chữa lành

Còn 10 người trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thì họ xin thầy Giê-su chữa, thầy chỉ nói: hãy đi trình diện, mà chẳng chịu tra tay cho thuốc kê đơn. Thầy chỉ phán: “hãy đi trình diện tư tế,” mà chẳng chữa, chẳng hứa gì. Luca ghi: Đang khi đi thì họ được sạch. Có chắc cả 10 người đều được sạch cả không ? Chín người không quay trở lại, làm sao Luca biết có sạch hay không. Chúa Giêsu cũng chỉ đặt câu hỏi nghi vấn “không phải cả 10 người đều sạch hay sao?” Vì thế ta vẫn có quyền nghi ngờ không biết 9 người kia có sạch hay không, chỉ chắc một điều là một người được sạch, người này là người ngoại, người ngoại này quay lại cám ơn Chúa. Nếu điều ta nghi vấn là đúng, thì 9 người Do Thái kia không quay lại vì họ không sạch, và như thế họ không vô ơn, vì họ có sạch đâu mà quay lại cảm tạ.

Nhưng dựa vào câu nói của Chúa Giêsu với người quay lại cám ơn: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu anh,” (chứ không phải : “không có chi, anh về đi”) thì ta có thể suy ra rằng giả như 9 người kia cũng được sạch, thì chỉ là cái sạch thân thể, cái sạch bên ngoài, mà chưa được chữa lành cái sạch bên trong. Cái sạch này cần phải “tin” mới được lành. Cái sạch bên trong tức là cái sạch trong suốt, nhìn mọi sự đều bởi Chúa chứ không phải do công sức mình. Biết đâu 9 người kia nghĩ rằng do công mình cất bước đi trình diện, mà được khỏi, chứ chẳng phải phép lạ gì đâu bởi ông thầy Giêsu nào đó.

Không tin thì cũng chẳng thấy đâu là ân huệ để cảm tạ. Vì thế trả lời cho câu hỏi thứ hai: “Phải chăng 9 người kia chỉ có vô ơn mà thôi,” ta phải nói: họ không chỉ vô ơn mà quan trọng hơn họ không tin. Không tin ai thì không hề cảm thấy phải biết ơn người ấy gì cả.

Một trang nhật ký kia ghi những dòng này: “Nếu có ai đưa cho tôi một đĩa đầy cát, trong đó lẫn lộn những vụn sắt nhỏ li ti và nói với tôi rằng hãy lựa ra những mảnh vụn kim loại đó, thì chắc chắn với đôi mắt và đôi tay này tôi không làm nổi. Nhưng chỉ cần một thỏi nam châm thôi, tôi thu ngay được những vụn li ti sắt đó trong đĩa cát đầy. Một trái tim vô ơn thì sánh ví như đôi mắt trần và ngón tay vụng, không làm sao tìm ra được những ân lành của Chúa. Phải có thỏi nam châm là đức tin, thì mới có thể thấy và nhận ra được rằng ơn Chúa thì dẫy đầy trong cuộc sống chúng ta (GN 4, tr. 181).”

Không tin thì không dễ nhận ra mọi sự là ân huệ. Cố tìm mãi, lựa lọc, chỉ thấy vài ba ơn, chẳng đáng cảm tạ. Cuộc sống chung với nhau cũng thế, nếu thiếu tin yêu giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, tìm mãi chẳng thấy ơn. Không phải người trong nhà thì thường vô ơn đâu, nhưng vì chưa tin yêu nhau thôi. Khi có tin yêu nhau, thì nhìn vào đâu cũng là ân phước người này làm cho người nọ. Cũng thế, có đức tin thì thấy đâu cũng là ân Chúa, kể cả nơi tội lỗi đầy tràn vẫn có ân Người chan chứa (x. Rm 5,20).

Thánh lễ là một Mầu Nhiệm Đức Tin: đây là Mầu nhiệm đức tin. Mà thánh lễ cũng là lễ tế tạ ơn. Ta thử đếm xem trong thánh lễ có bao nhiêu chữ tạ ơn. Khởi đầu của Lời Tiền Tụng đã tóm tất cả: Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu rỗi cho chúng con. Hãy tin yêu nhau. Hãy tin yêu Chúa, và hãy dâng lễ tế để tạ ơn Chúa và gia tăng tin yêu nhau. Như thế chúng ta không bị xếp vào số “còn chín người kia đâu” Amen.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Khi Người Cùi Ngẩng Cao Đầu Vui Sống
LM. Giuse Trương Đình Hiền.
18:51 12/10/2019
Chúa Nhật 28 TN C 2019

Trong muôn vàn giai thoại và chuyện kể về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện Mẹ và người phụ nữ phung cùi bị bỏ rơi. Câu chuyện được tác giả Nam Nguyên kể lại trong bài viết mang tựa đề “NHỮNG TẤM GƯƠNG THÁNH THIỆN : MẸ TÊRÊSA – THỬ THÁCH CAM GO NHẤT” đăng trên trang mạng NGƯỜI VIỄN ĐÔNG :

“Bà không cầm lòng được khi thấy cảnh người con dẫn bà mẹ bị hủi giai đoạn cuối ra quảng trường rồi bỏ mặc đấy, bà mẹ nằm hấp hối mặc cho chuột rỉa thịt-ở Ấn Độ người bị hủi được coi là Chúa trời trừng phạt và vô phương cứu chữa, thậm chí người nhà giàu cũng sẽ bị bỏ rơi (riêng Calcutta có tới hàng trăm ngàn người hủi!?). Mẹ Têrêsa chạy khỏi chỗ đó và khóc, khóc cho sự bất lực của chính mình, vì đã không chịu được cảnh đó, mùi hôi thối máu me đó...Bà cầu xin Chúa cho bà thêm sức mạnh, Bà đã quay lại, đuổi lũ chuột đi, lau rửa vết thương cho người phụ nữ xấu số, rồi đưa vào bệnh viện, dù bệnh viện kiên quyết không chạy chữa thì mẹ Têrêsa thề là sẽ không rời nửa bước nếu bệnh viện không làm tròn y đức...Cuối cùng thì người phụ nữ kia đã được cứu chữa, bà ta cũng vẫn lìa đời, nhưng đã nở nụ cười đẹp nhất mà mẹ Têrêsa từng thấy!”.

Thì ra, chính tình thương của mẹ đã chữa lành “nỗi đau cùi hủi” của một con người, một cuộc đời bất hạnh !

Có lẽ cũng chính muốn chuyển tải nội dung sứ điệp “tình thương và sự chữa lành” đó mà Phụng vụ Chúa Nhật 28 thường niên năm C hôm nay đã công bố các trích đoạn Lời Chúa liên quan đến những người mắc bệnh phong cùi và hồng ân được Thiên Chúa chữa lành.

Trước hết là câu chuyện về một quan chức của triều đình vương quốc Syria là Naaman, sau khi được chữa lành bệnh phong cùi, đã quay lại gặp tiên tri Êlisêô tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và bày tỏ thái độ biết ơn trước hồng ân cao cả nầy :

“Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành không chỉ một mà là “10 bệnh nhân phung cùi”; chỉ lạ một điều là “chỉ có một người duy nhất trở lại tạ ơn sau khi đi “trình diện với hàng tư tế” !

Bị mắc bệnh hiểm nghèo – bệnh phung cùi và được chữa lành, nếu xét về mặt khoa học tự nhiên thì cũng là chuyện bình thường. Ngày hôm nay, với biết bao khám phá mới lạ về y học, về thuốc men và các phương pháp điều trị xuất chúng…, một số các bệnh nan y ngày xưa (cả bệnh phong cùi) không còn là “bất khả trị”.

Tuy nhiên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn không nhằm đến “phác đồ điều trị” bệnh phong cùi cách dứt dạc và mau chóng của Chúa Giêsu, một cách thi thố quyền năng của Đấng Mêsia, như tâm thức đám đông dân chúng bấy giờ.

Vâng, “phung cùi” và việc “được chữa lành” mà Lời Chúa hôm nay nhắm tới chính là “tội lỗi” và “tình thương cứu độ”.

Thật vậy, chính trong cái nỗi bi đát khốn cùng của kiếp phận sống dở chết dở đó, mà bệnh phong cùi đã được các Thánh ký dùng làm biểu trưng của “thân phận tội lỗi” của con người. Tội lỗi chính là một thứ “cùi hủi tâm linh”, một tình trạng bi đát khiến con người bị đẩy vào tình trạng xa cách Thiên Chúa và anh em đồng loại. Đặc biệt trong ngữ cảnh của Tin Mừng Luca hôm nay, mười người phung cùi lang thang đi tìm Đấng Cứu Thế với lời van xin tha thiết : “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”, chúng ta như nghe vọng về những lời nguyện xin của những tâm hồn tội lỗi nài xin lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa :

- Người thu thuế đấm ngực thân thưa : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” (Lc 18,13)

- Người con hoang trở về thưa cha : “Thưa cha, con đã đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21)

- Kẻ trộm bị đóng đinh sám hối : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. (Lc 23,42)…

Và Thiên Chúa đã đón đợi từ lâu để “chữa lành” những thân phận con người “phung cùi đáng thương đó. Lịch sử cứu rỗi phải chăng là một thiên tình ca về lòng yêu thương và sự chữa lành của Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi cùi hủi của loài người.

Vâng, Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng đó chính là Thiên Chúa của lòng thương xót, Thiên Chúa của khoan dung và tha thứ, Thiên Chúa của tình yêu; đó là Vị Thiên Chúa “đã cắm lều cư ngụ giữa loài người”, đã không kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã chấp nhận những giọt nước mắt sám hối và nụ hôn chân của nười phụ nữ tai tiếng tội lỗi, đã chén thù chén tạc với bọn thu thuế bị người đương thời phỉ nhỗ, loại trừ…; đó là Thiên Chúa đã chạm đến những kẻ phung cùi bị vất bỏ “bên bờ rìa cuộc sống” để mang họ trở lại cuộc sống mới, cuộc sống với đầy đủ phẩm giá và tự do để ngẫng cao đầu bước tới…

Và như thế, chuyện “phung cùi” và “chữa lành” đâu chỉ là “chuyện ngày xưa kể lại” mà là chuyện liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay.

Dòng nước sông Gio-đa-nô đã tẩy sạch bệnh phung cùi cho Na-a-man, phải chăng là hình bóng tiên trưng về dòng nước của bí tích Thánh Tẩy sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Kitô chữa lành 10 người phung cùi, thì điều đầu tiên Ngài lệnh cho họ là phải đi trình diện với các tư tế. Điều đó muốn nói lên rằng, một khi đã được chữa lành khỏi vết nhơ tội lỗi, con người sẽ được hội nhập vào cộng đoàn dân thánh, sẽ được ngẫng cao đầu đĩnh đạc tiến vào mái nhà của Thiên Chúa mà không sợ ánh mắt nào đố kỵ, rẽ khinh. Quả thật, một khi con người nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa, thì không có con bệnh nan y nào mà không được chữa lành, không có thứ tội lỗi ghê gớm nào mà không được tha thứ, như chính lời khẳng quyết của Thiên Chúa : “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết ; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Quả thật, phung cùi hay tội lỗi đều có chỗ trong mái nhà Thiên Chúa và đều có cơ hội để ngẫng cao đầu vui sống !

Làm sao con người có thể vô tình vô ơn khi lãnh nhận hồng ân cứu độ cao cả như thế ! Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ hôm nay còn gọi mời chúng ta phải luôn biết sống tâm tình tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân đã nhận được từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Mà xét cho cùng, hành vi cốt lỏi của đức tin con người chính là tâm tình và thái độ tạ ơn. Chính vì thế, từ ngữ “Tạ Ơn” gần như là câu điệp khúc của toàn bộ Sách Thánh : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1). Như thế, thái độ không biết tạ ơn Thiên Chúa, không cần phải cám ơn Thiên Chúa, chính là thái độ vô thần, vô tôn giáo, vô tín ngưỡng. Đó là thái độ tự mãn, kiêu căng, lấy mình làm đủ, coi mình bằng trời. (“Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm !”,...hay “Ông trời dẹp lại một bên, để cho nông hội đứng lên làm trời”…).

Không ai trong chúng ta lại rơi vào thái độ ngông cuồng đó. Tuy nhiên, thái độ dửng dưng, coi mọi sự là đương nhiên để rồi không còn biết cảm ơn là gì, không còn nhận ra “biết bao điều cao cả Chúa đã làm cho mình” : miếng cơm manh áo là do tiền lương của sức lao động, sức khỏe là do siêng tập thể dục, nhà cửa, xe cộ là do tiết kiệm, tích lũy, học hành thành đạt là do chăm chỉ…v…v….Mọi sự đương nhiên là phải như thế, có gì đâu mà phải tạ ơn với cám ơn. Có lẽ 9 người phung cùi sau khi được khỏi bệnh cũng lý luận như thế : tình cờ gặp may khỏi bệnh, nào Chúa có can thiệp gì đâu, mắc mớ gì phải trở lại tạ ơn cái anh chàng Giê-su thợ mộc đến từ làng quê Na-da-rét ! Chính với cái não trạng “đương nhiên” đầy tự mãn đó, đã xô đẩy bao con người xa dần mối quan hệ với Thiên Chúa, quên lãng Chúa Giêsu, Đấng đã chết để cứu độ, để rồi mất đức tin lúc nào không hay, lầm lũi bước đi trong đêm tối của vô cảm, vô tín.

Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay, qua lời nhắn gởi cho người đồ đệ Timôthê, đã cảnh báo chúng ta về điều đó : “Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta.”

Như thế, sứ điệp Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta luôn biết khám phá muôn vạn hồng ân Thiên Chúa giăng mắc trên đường đời, để không ngừng dâng lên Ngài những tâm tình và nghĩa cử của lòng tri ân cảm tạ. Đó cũng chính thái độ cần có để “nên thánh” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý, khi nêu bật mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi trong tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ” : “Đó là điều Thánh Phanxicô Assisi đã sống, ngài có thế cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay vui mừng hát ca tôn vinh Thiên Chúa chỉ vì một làn gió nhẹ làm mát khuôn mặt ngài.” (GE 127).

Trong tháng Mân Côi nầy, chúng ta cùng dõi mắt nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria để tiếp bước theo Ngài trong tâm tình tri ân và cảm tạ đầy khiêm nhu; đó là tâm tình được biểu hiện rõ nét qua lời kinh Magnificat mà Đức Mẹ đã hát lên trước cửa nhà bà Êlisabét:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi….

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả

Danh Người thật chí thánh chí tôn !

LM. Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng: Hàn quốc, Nhật bản và Việt Nam là ví dụ cho thấy không cần viri probati
Đặng Tự Do
00:07 12/10/2019
Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10, là người ủng hộ nồng nhiệt cho giải pháp viri probati – nghĩa là phong chức linh mục cho những người đã kết hôn. Bất chấp đây là một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, ngay giờ đầu tiên của phiên đầu tiên, ngài đã nêu ngay vấn đề để tranh thủ thời gian, và thúc giục các nghị phụ tán thành giải pháp mà ngài gọi là “không có con đường nào khác.”

Đức Cha Erwin Kräutler, tác giả Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, cũng là một nhân vật chủ chốt hô hào viri probati. Ngài cả quyết rằng có đến hai phần ba các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng này ủng hộ cho giải pháp viri probati. Ngài còn đi xa đến mức hô hào việc phong chức linh mục cho phụ nữ, ít nhất là các phụ nữ trong vùng Amazon.

Cứ theo hai vị này nói thì dường như Giáo Hội không còn lựa chọn nào khác hơn là viri probati. Tuy nhiên, thông tấn xã Asia News cho biết ý kiến của hai vị này đã bị phản bác quyết liệt bởi nhiều nghị phụ trong đó có một linh mục, một nhà truyền giáo nổi tiếng đến mức được đích thân Đức Giáo Hoàng mời tham dự Thượng Hội Đồng này.

Cha Martìn Lasarte, một linh mục dòng Salêsiêng, người Uruguay, đã nêu Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam như các ví dụ cho thấy để giải quyết các vấn nạn trong vùng Amazon, Giáo Hội không cần phải tháo thứ kỷ luật của mình để phong chức linh mục cho phụ nữ và nam giới có gia đình nhưng vấn đề là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu để họ trở thành các nhân vật chính thực thi các nghĩa vụ nhận lãnh khi chịu phép Rửa Tội.

Ý kiến của cha Martìn Lasarte đã được đăng trên Asia News. Nội dung như sau:

Người ta nói rằng việc phong chức linh mục cho giáo dân ở các cộng đồng xa xôi là cần thiết, bởi vì những khó khăn mà những người thiểu số gặp phải trong việc tiếp cận với hàng giáo sĩ. Theo quan điểm của tôi, đặt vấn đề theo lối này cho thấy bóng dáng thấp thoáng của chủ nghĩa giáo sĩ cố hữu. Dường như nơi nào không có “linh mục” hoặc “nữ tu” thì nơi ấy không có đời sống Giáo Hội. Vấn đề cơ bản nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một Giáo hội được tạo ra ở nơi mà giáo dân không thấy mình là nhân vật chính, và là nơi có rất ít hoặc chẳng có cảm giác thuộc về, một Giáo Hội như thế, nếu không có “linh mục”, không hoạt động được. Đây là một sai lầm lệch lạc về giáo hội học và mục vụ. Đức tin của chúng ta, như các Kitô hữu, bắt nguồn từ bí tích rửa tội, chứ không phải từ bí tích truyền chức thánh.

Đôi khi tôi có ấn tượng rằng chúng ta muốn giáo sĩ hóa giáo dân. Trước hết chúng ta cần một Giáo hội trong đó các nhân vật chính là những người đã được rửa tội, chủ động trong vai trò các môn đệ và các nhà truyền giáo. Ở nhiều vùng thuộc Mỹ Châu chúng ta, người ta có ấn tượng rằng Giáo Hội đã được bí tích hóa chứ không phải được Phúc Âm hóa, nước đã được trộn với giấm, chứ không phải là nước được pha với rượu. Tầm nhìn “chức năng” của thừa tác vụ không thể đem lại sức sống cho toàn bộ cộng đồng Kitô hữu như các nhân vật chính của việc truyền giáo. Do đó, có thêm nhiều linh mục được thụ phong sẽ không giải quyết được vấn đề, mức độ dấn thân thực thi các nghĩa vụ xuất phát từ bí tích rửa tội của các tín hữu sẽ vẫn như thế thôi.

Chúng ta cần mở rộng chân trời và nhìn vào cuộc sống và kinh nghiệm của các Giáo hội trong bối cảnh hoàn vũ. Giáo hội Hàn Quốc ra đời từ việc anh chị em giáo dân truyền giáo cho nhau. Giáo dân Yi Seung-hun, được rửa tội tại Trung Quốc, truyền bá đạo Công Giáo khắp cả nước, họ tự rửa tội cho nhau. Trong 51 năm kể từ khi thành lập (1784-1835), Giáo hội Hàn Quốc đã được truyền giáo bởi giáo dân, với sự hiện diện của một linh mục duy nhất. Cộng đồng Công Giáo đó đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp nơi, bất chấp những cuộc khủng bố khủng khiếp, nhờ vào các nhân vật chính là những người được rửa tội.

Giáo hội Nhật Bản, được thành lập bởi Thánh Phanxicô Xavier (1549), nở rộ trong ba thế kỷ ngay cả khi bị đàn áp; các nhà truyền giáo bị trục xuất và linh mục cuối cùng đã chịu tử đạo vào năm 1644. Hơn 200 năm sau đó, các linh mục (các nhà truyền giáo người Pháp) mới có thể trở lại. Và khi đó, họ đã tìm thấy một Giáo hội mới được thành lập bởi các kakure kirishitan (Kitô hữu thầm lặng). Trong các cộng đồng Kitô giáo có nhiều hình thức mục vụ khác nhau: một người phụ trách, các giáo lý viên, những người lo việc rửa tội, những nhà thuyết giáo. Các tiêu chí mà các Kitô hữu cố gắng bảo vệ cho đến khi có sự xuất hiện của các tân linh mục vào thế kỷ 19 là thú vị: Giáo Hội sẽ trở lại Nhật Bản và bạn sẽ thấy điều đó nơi ba dấu chỉ này: “các linh mục sẽ sống độc thân, sẽ có một bức tượng của Đức Maria và họ sẽ tuân theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Rôma”.

Cho phép tôi chuyển sang một cái gì đó cá nhân hơn, với kinh nghiệm truyền giáo 25 năm của tôi ở Châu Phi (Angola). Khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2002, tôi đã có thể đến thăm nhiều cộng đoàn Kitô hữu, trong suốt 30 năm qua, không có Thánh Lễ, cũng chẳng được nhìn thấy một linh mục nào, nhưng họ vẫn vững vàng trong đức tin và là cộng đồng năng động, được dẫn dắt bởi các “giáo lý viên”, đó là một thừa tác vụ cơ bản ở Châu Phi, và bởi các thừa tác viên khác: những nhà truyền giáo, những người hướng dẫn cầu nguyện, chăm sóc phụ nữ, phục vụ người nghèo. Một Giáo hội sống động trong sự thiếu vắng linh mục.

Ở Mỹ Châu Latinh không thiếu những ví dụ tích cực, như trong số những người Quetchi ở miền trung Guatemala (Verapaz), mặc dù không có linh mục nào sống trong cộng đồng, các thừa tác viên giáo dân đã dẫn dắt các cộng đồng sống động, phong phú về phương diện mục vụ, phụng vụ, giáo lý, truyền giáo, tại những nơi không có bao nhiêu các nhóm truyền giáo có thể đặt chân đến. Dù tất cả các cộng đoàn đều khan hiếm linh mục, đó là một Giáo hội địa phương phong phú các ơn gọi linh mục bản địa, nhiều nơi thậm chí tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ hoàn toàn là những người có nguồn gốc địa phương.

Phải chăng việc thiếu ơn gọi linh mục và tu trì ở Amazon là một thách thức mục vụ hay chẳng qua đó chỉ là hậu quả của các lựa chọn thần học - mục vụ không mang lại kết quả như mong đợi hay chỉ mang lại các kết quả nửa vời? Theo tôi, đề nghị “viri probati” như một giải pháp để loan báo Tin Mừng chỉ là một ảo tưởng, một đề xuất gần như hoang đường không đi đến đâu trong việc giải quyết các vấn đề thực sự đang tiềm ẩn.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm số 107: “ Nhiều nơi đang trải qua một sự khan hiếm ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Điều này thường là do thiếu sự nhiệt thành tông đồ truyền nhiễm trong các cộng đồng dẫn đến sự hạ giảm nhiệt tình và sức lôi cuốn. Bất cứ nơi nào có sức sống, lòng nhiệt thành và mong muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ nảy sinh. Ngay cả trong các giáo xứ nơi các linh mục không hăng hái dấn thân hay hân hoan [với thừa tác vụ của mình], cuộc sống huynh đệ và lòng nhiệt thành của cộng đồng có thể thức tỉnh nơi những người trẻ khao khát tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu như một cộng đồng sống động như thế cầu nguyện tha thiết cho ơn gọi và can đảm đề nghị những người trẻ của mình theo đuổi con đường thánh hiến chuyên biệt”.

Đức Thánh Cha đã chạm đến chìa khóa của vấn đề. Vấn đề không phải là thiếu ơn gọi, nhưng thiếu những đề nghị, thiếu lòng nhiệt thành tông đồ, thiếu tình huynh đệ và đời sống cầu nguyện; và thiếu các quá trình truyền giáo nghiêm túc và sâu sắc.

Chúng ta có thể đưa ra các ví dụ khác từ Việt Nam, Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới), Đông Timor, Châu Đại Dương... nhưng chắc chắn không phải từ Châu Âu bị thế tục hóa của chúng ta. Trong tất cả các khu vực địa lý này có những thách thức và khó khăn lớn lao trong các cộng đồng Kitô giáo; nhưng chúng ta thấy rằng nơi nào có một công việc truyền giáo nghiêm túc, xác thực và liên tục, thì ơn gọi đến chức tư tế không thiếu.

Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Tại sao các dân tộc có nhiều sự phong phú về văn hóa và nhân chủng học tương đồng với các dân tộc Amazon, trong các nghi lễ, thần thoại, ý thức mạnh mẽ về cộng đồng, sự hiệp thông với vũ trụ, sự cởi mở tôn giáo sâu sắc.. lại có các cộng đồng Kitô giáo sinh động và các ơn gọi linh mục phong phú trong khi ở một số vùng của Amazon, sau 200, 400 năm, lại xảy ra sự vô sinh về giáo hội và ơn gọi? Có những giáo phận và cộng đoàn hiện diện hơn một thế kỷ mà không có được một ơn gọi bản địa nào. Phải chăng có một gen thừa thiếu nào đó, hoặc là vấn đề nằm ở chỗ khác? Phải chăng sự khác biệt văn hóa là quá lớn?

Một câu trả lời có thể được đưa ra là các dân tộc Amazon, về mặt văn hóa, không hiểu được những đòi hỏi của luật độc thân linh mục. Vấn đề này đã được nhiều người nêu ra, có lẽ xuất phát từ thiện chí, nhưng nó bị tiêm nhiễm bởi các định kiến về văn hóa quá mạnh, nếu không muốn nói là các định kiến về chủng tộc... Chính vấn đề đó cũng được đặt ra ở Ấn Độ, Châu Đại Dương và Châu Phi. Tông thư Maximum illud, mà chúng ta kỷ niệm một trăm năm trong thời gian tổ chức hội nghị này và trong khuôn khổ tháng truyền giáo ngoại thường, đưa ra câu trả lời cho vấn đề này. Tài liệu này khuyến khích và kích thích việc thúc đẩy các ơn gọi bản địa trong Giáo hội của các nước là thuộc địa của các nước Âu châu.

Ở đây, chúng ta có thể thấy, qua tấm gương của các nhà truyền giáo, công việc truyền giáo tuyệt vời của các nhà truyền giáo cộng đoàn Thánh Linh, của các linh mục Cát Minh, là những vị đã quyết liệt ủng hộ các ơn gọi địa phương khi tạo ra các chủng viện trù phú khắp Phi Châu.

Chắc chắn, cống hiến hết mình cho việc nâng đỡ ơn gọi là một thách đố cam go, nó liên quan đến việc đầu tư nguồn lực và đội ngũ giỏi nhất. Đôi khi, đời sống truyền giáo đã tránh né sứ vụ quý giá này, là điều trong thực tế có thể giúp để tạo ra một Giáo hội với khuôn mặt của người Amazon. Đôi khi một cuộc sống “anh hùng lưu động” trong các khu rừng khiến cá nhân ta hài lòng hơn là một tình yêu thương, kiên nhẫn đi kèm với một sự tân tụy đáng kính trong việc hình thành và đồng hành với các ơn gọi bản địa.


Source:Asia News
 
Hồi đồng Giám Mục Ba Lan xin phong chân phước cho cha mẹ ĐGH Gioan Phaolô II
Nguyễn Long Thao
10:53 12/10/2019
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan trong ngày 10 tháng 10 năm 2019 đã chấp thuận việc xin phong chân phước cho cha mẹ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là ông Karol Wojtyla và bà Emilia nee Kaczorowska

Đây là bước đầu tiên của tiến trình phong chân phước, bước thứ hai là xin Tòa Thánh tiến hành thủ tục điều tra nơi cấp Tổng Giáo Phận Cracow ở Ba Lan.

Thân phụ ĐGH Gioan Phaolô II là ông Karol, một trung úy quân đội Ba Lan, và thân mẫu là bà Emilia, một giáo viên. Hai Ông Bà kết hôn tại Krakow vào ngày 10 tháng 2 năm 1906. Ông Bà sinh hạ được ba con: Edmund năm 1906; Olga, chết sau khi sinh; và Karol Junior năm 1920, tức ĐGH Gioan Phaolô II.

Gia đình Ông Bà Karol được biết đến như là gia đình Công Giáo đạo hạnh, chống lại chủ nghĩa bài Do Thái ở Ba Lan

Hội đồng Giám Mục Ba Lan cho biết lối sống gia đình ông bà Karol đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm linh và trí tuệ của Karol Jr, mà sau này là Đức Giáo Hoàng Giaon Phaolô II.

Thân mẫu Emilia qua đời vì một cơn đau tim và suy gan vào năm 1929, là người có đức tin cột trụ cho gia đình. Bà qua đời lúc Karol Jr mới 9 tuổi.

Ông Karol một mình nuôi con cho đến khi qua đời 12 năm sau đó. Sinh thời ông là một người cha có đời sống đạo đức sâu sắc. Khi nhắc về cha mình, ĐGH Gioan Phaolô II thưòng kể, Ngài thấy bố mình trong nhiều đêm quỳ cầu nguyện trong phòng,đã dậy Ngài cầu nguyện và đồng hành với Ngài cho tới khi lià đời.

Nguyễn Long Thao
 
John Henry Newman Nhà Văn Thư Tín: Hoạt động tông đồ qua các bức thư biểu lộ một tâm hồn bác ái
J.B. Đặng Minh An dịch
17:09 12/10/2019
Đức Hồng Y John Henry Newman thường được mô tả và ngưỡng mộ như là người đã hình thành nên cấu trúc Đại Học như ta thấy hiện nay tại Anh, Âu Châu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong dịp tuyên thánh cho ngài, nhà văn và cũng là một đạo diễn phim K.V. Turley, người Anh, sống tại Luân Đôn, có bài đăng trên tờ National Catholic Register hôm 12/10 nhấn mạnh đến một khía cạnh khác: Đức Hồng Y John Henry Newman là một nhà văn thư tín. Ngài viết rất nhiều: ít nhất 20,000 thư để lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, mở dạy kẻ mê muội, hộ giáo, trình bày các chân lý Kitô Giáo, và mở đường cho nhiều người đến với Chúa.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


John Henry Newman the Letter Writer: Revelations of a Charitable Soul

His writing apostolate included more than 20,000 letters.

K.V. Turley

John Henry Newman Nhà Văn Thư Tín: Những tiết lộ về một tâm hồn bác ái

Hoạt động tông đồ thư tín của ngài bao gồm hơn 20,000 thư.


Thế kỷ 19 là thời viết thư. Việc mở rộng dịch vụ bưu chính, đường sắt, kênh đào và tàu hơi nước ở Quần đảo Anh và xa hơn đã mang đến cho các tầng lớp tri thức những phương tiện để thư của họ có thể đến được những nơi xa xôi, với chi phí thấp và chắc chắn đến được những mục tiêu họ nhắm đến một cách an toàn.

Những người Victoria nổi tiếng như Charles Dickens thường được xem là những nhà kỷ lục về viết thư. Tuy nhiên, số lượng thư của Đức Hồng Y John Henry Newman vượt xa nhiều người đương thời. Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1890, tính chất phi thường - và phong phú – của những lá thư do Đức Hồng Y Newman đã được nhiều người biết đến.

Con người của những bức thư

Năm 1961, trong phần giới thiệu tập đầu tiên các lá thư đã được công bố của Đức Hồng Y Newman, Cha Charles Dessain giải thích rằng Đức Hồng Y Newman “sống lâu như vậy, quá nhiều bạn bè như vậy, dự phần vào biết bao các công việc khác nhau như vậy, cho nên phần lớn cuộc sống của ngài đã được dành để tham gia vào một hoạt động tông đồ sôi nổi qua các bức thư, đến mức các trước tác về thư tín này quá to lớn.”

Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1976, Cha Dessain đã viết được 21 cuốn sách về các lá thư của Đức Hồng Y Newman. Và công việc biên tập và thu thập các lá thư của vị Hồng Y quá cố vẫn chưa hoàn thành.

Công việc này tiếp tục là một điều rất quan trọng, nhất là vì nhiều lá thư của Đức Hồng Y Newman thường cho ta thấy những ý tưởng sâu thẳm nhất của ngài.

Tiếp nối truyền thống của Cha Dessain, Andrew Nash, tác giả một cuốn sách về Hồng Y Newman: cuốn Essays Critical and Historical: Volume One (Gracewing 2018), nói với tờ National Catholic Register rằng “Trong những lá thư của Hồng Y Newman chúng ta thấy tình yêu và tình bạn của ngài khi ngài viết cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là khi ngài còn trẻ, và những thư viết cho bạn bè thân thiết. Bạn có được cái nhìn sâu sắc về bản chất tình cảm và đồng cảm của ngài và cả sự dí dỏm, vui tươi và hài hước của ngài nữa. Đôi khi các lá thư này đề cập đến các chủ đề thực tế: tiền bạc, tổ chức, du lịch. Đây là một khía cạnh của Hồng Y Newman mà chúng ta có thể bỏ lỡ nếu chúng ta chỉ biết đến các tác phẩm được công bố của ngài.”

Có thể hiểu được là Nash, giống như rất nhiều học giả về Hồng Y Newman, rất ngạc nhiên trước những trước tác không ngừng nghỉ của con người thánh thiện này khi đề cập đến thư tín “Có một khối lượng rất lớn các thư tín của ngài, tổng số lên đến hơn 20,000. Ngài phải dành bao nhiêu thời gian trong cuộc sống hàng ngày để viết cho mọi người, giữa chập chùng cơ man các trách nhiệm mục vụ và công việc tri thức của mình! Các lá thư này cho thấy năng lượng làm việc lớn lao và chăm chỉ của ngài.”

Hồng Y Newman, con người của tình yêu

Và các lá thư ấy cũng thể hiển lòng bác ái của vị thánh. Cá tính của Newman, theo Nash, được tỏ lộ qua các lá thư của ngài. “Những lá thư ấy cho chúng ta thấy thật là sai lầm khi xem ngài như một trí thức ẩn dật hay một nhà tu khổ hạnh thuộc về một thế giới khác không quan tâm gì đến các vấn đề trần tục,” ông nói. “Những người Hồng Y Newman thường viết thư cho là những người có những thắc mắc hoặc khó khăn về đức tin. Điều này tương tự như các tác phẩm đã được xuất bản của ngài, ngoại trừ việc ngài tập trung vào cá nhân của người mà ngài viết thư. Bạn thấy sự minh bạch của ngài trong việc đi thẳng vào trung tâm vấn nạn của người đó. Ngài không bao giờ bác bỏ và không ngại tham gia vào một vấn đề chuyên sâu và mất nhiều thời gian. Ngài không bao giờ bút chiến, ngay cả khi viết thư cho một người có ý tưởng thù địch với niềm tin Kitô. Nhiều lúc ngài có thể rất nhiệt thành; chẳng hạn, khi ngài phản đối chiến thuật của những người Ultramontan, là những người muốn áp đặt một sự giải thích cực đoan về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng đối với các tín hữu.”

Những lá thư của Hồng Y Newman tiết lộ về ngài với tư cách là một con người và một mục tử. Bên cạnh đó, chúng cũng cho chúng ta biết nhiều về nhà văn Newman. Như Nash giải thích: “Thật khó có thể khái quát phong cách của những lá thư ngài viết khi có rất nhiều và chúng được viết cho một phạm vi đa dạng những người trong xã hội qua biết bao năm tháng. Đôi khi chỉ là các trao đổi thông thường. Nhưng trong những thư khác, ngài viết thật văn hoa bóng bẩy như chúng ta thấy trong các tác phẩm đã được xuất bản của ngài. Những câu văn của ngài rất cân bằng, điều đó khiến người đọc thấy nơi ngài một con người đầy lý lẽ thuyết phục. Ngài nhận ra quan điểm của người khác và phản ứng với sự nhạy cảm trong khi đặt bút viết về các vấn đề tiềm ẩn bên dưới các quan điểm ấy.”

Đối với những ai muốn tìm hiểu thêm về Hồng Y John Henry Newman, vị thánh mới nhất của Giáo Hội, Nash có một thông điệp đơn giản: “Hãy tập chú vào một trong cơ man các thư tín của ngài và đọc chăm chú!”

Những nét mực Công Giáo

10 năm cuối đời của Hồng Y Newman là một thời gian suy giảm sức khỏe và thể lực. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục viết thư, ngay cả khi thị lực của ngài ngày càng tệ, cùng với sự cứng đờ ở ngón tay, điều đó có nghĩa là ngài cảm thấy rất khó khăn khi cầm bút. Đến cuối đời, ngài phải đọc cho người ta viết hộ.

Lá thư cuối cùng của ngài là một hành động hòa giải. Đó là với cháu gái của ngài, cô Grace. Cô là đứa con duy nhất của Harriet, em gái đã tuyên bố đoạn tuyệt với Đức Hồng Y Newman. Harriet đã cắt đứt tình anh em với anh trai mình sau khi ngài cải đạo sang Công Giáo. Anh trai và em gái chưa hề hòa giải khi Harriet qua đời vào năm 1852. Do đó, Newman đã không gặp Grace kể từ khi cô được đưa sang Úc khi còn nhỏ. Bây giờ là một phụ nữ, Grace Longford đã trở về Anh và muốn gặp bác mình.

Nhà nguyện Birmingham. Ngày 2 tháng Tám 1890

Cháu Grace yêu của bác,

Cảm ơn cháu đã mong muốn gặp bác. Bác sẵn sàng đón nhận cơ may này và bác sẽ gặp cháu bất cứ ngày nào trong tuần tới thuận tiện cho cháu.

Thương mến, JHN

Tái bút: đôi khi có bác sĩ đến thăm bác.

Grace đến gặp ngài vào ngày 9 tháng 8. Sau đó, tay trong tay, cháu gái và bác ngồi nói chuyện trong phòng khách của nhà nguyện Birmingham.

Thánh Newman ngã bệnh vào ngày hôm sau. Vào lúc 8:48 tối ngày 11 tháng 8 năm 1890, ngài giã từ thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng.


Source:National Catholic Register
 
Thái tử Charles ca ngợi những đóng góp lớn lao của Đức Hồng Y Newman với những lời thật đẹp
Đặng Tự Do
19:26 12/10/2019
Hôm thứ Bảy 12/10, một ngày trước lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y John Henry Newman, Thái tử Charles nói lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y là một niềm hân hoan cử mừng cho tất cả người Anh, những người theo Kitô Giáo và những người “yêu mến những giá trị mà ngài đã truyền cảm hứng.”

“Đức tin của vị thánh này thực sự Công Giáo ở chỗ nó đón nhận tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Cũng theo tinh thần này, mà dù là người Công Giáo hay không, theo truyền thống của Giáo hội Kitô xuyên suốt trong mọi thời đại, chúng ta hãy đón nhận quan điểm độc đáo, thông thái và sáng suốt đặc biệt này, đã được ngài mang đến cho tầm nhìn của chúng ta về thế giới,” Thái tử Charles, người thừa kế ngai vàng Anh, đã viết như trên trong một bài đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 12 tháng 10.

“Bất kể niềm tin riêng của chúng ta, và bất kể truyền thống riêng của chúng ta, chúng ta đều biết ơn Đức Hồng Y Newman về những món quà, bắt nguồn từ đức tin Công Giáo của ngài, mà ngài đã chia sẻ với xã hội rộng lớn hơn, như những tự truyện về đàng thiêng liêng sôi nổi và cảm động của ngài cũng như những bài thơ đánh động sâu xa lòng người,” Thái tử Charles viết.

Đức Hồng Y Newman sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh ngày 13 tháng Mười. Ngài sinh năm 1801 trong một gia đình Anh giáo và đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1845 và qua đời vào năm 1890. Trước khi cải đạo sang Công Giáo, ngài là một học giả nổi tiếng và được kính trọng ở Oxford, một nhà truyền giảng Tin Mừng Anh giáo, và một nhân vật trí thức được công chúng mộ mến. Sau khi cải đạo sang Công Giáo, ngài thành lập tu hội Anh Em Thuyết Giáo tại Birmingham, là một cộng đồng các linh mục chuyên lo về giảng thuyết theo gương thánh Philip Nêri, và ngài trở thành người Công Giáo nổi tiếng nhất tại Anh. Ngài là một nhà văn chuyên viết sách, thơ và những lá thư; một nhà giáo dục với các viễn kiến hình thành nên hệ thống giáo dục bậc Đại Học như ta thấy ngày nay tại Anh, Âu Châu và nhiều nơi trên thế giới. Ngài cũng là một nhà hùng biện; nhưng, lặng lẽ hơn, ngài là một thừa tác tiên cho người nghèo thuộc tầng lớp lao động ở Birmingham.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong chân phước trong chuyến viếng thăm năm 2010 tại Vương quốc Anh.

Hoàng tử Charles sẽ tham dự lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Newman tại Rôma. Ông viết tiếp trên tờ Quan Sát Viên Rôma như sau:

“Trong thời đại của ngài, Đức Hồng Y Newman bênh vực cuộc sống tinh thần chống lại các thế lực hạ giảm phẩm giá và số phận con người. Trong thời đại mà ngài được tuyên thánh, gương sáng của ngài còn cần thiết hơn bao giờ hết - vì khí khái tuyệt vời nhất của ngài là có thể tranh biện mà không kết tội, có thể không đồng ý nhưng không đánh mất sự tôn trọng và, có lẽ quan trọng hơn hết, là có thể nhìn thấy nơi những khác biệt cơ hội để gặp gỡ hơn là loại trừ”

“Vào thời điểm khi đức tin gặp nhiều chống đối bao giờ hết, Đức Hồng Y Newman, một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XIX, đã áp dụng trí tuệ của mình để đáp trả một trong những câu hỏi cấp bách nhất của thời đại chúng ta: đâu là mối quan hệ nên có giữa đức tin và một thế giới đầy hoài nghi và thế tục? Sự tham gia của ngài đầu tiên trong thần học Anh giáo, và sau đó, là thần học Công Giáo, sau khi đã cải đạo, tạo ra các ấn tượng mạnh mẽ nơi các đối thủ của ngài vì sự trung thực dũng cảm, tính nghiêm túc chặt chẽ và tính chính thống trong tư duy,” Thái tử nói thêm.

Thái tử cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Newman đã phải đương đầu với chủ nghĩa bài Công Giáo sau khi ngài cải đạo sang Công Giáo.

“Và có lẽ thời sự nhất vào lúc này, khi chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc tấn công đau thương bởi các thế lực bất khoan dung vào các cộng đồng và cá nhân, trong đó có nhiều người Công Giáo, chỉ bởi vì niềm tin của họ, thánh nhân là một nhân vật bênh vực cho niềm tin của mình bất chấp những bất lợi khi thuộc về một tôn giáo mà các tín đồ đã bị cấm không được tham gia đầy đủ vào cuộc sống công cộng. Thông qua toàn bộ quá trình giải phóng Công Giáo và khôi phục hàng giáo phẩm Công Giáo, ngài là người lãnh đạo dân mình, và Giáo Hội mình trong những lúc sinh tử.”

Thái tử Charles cũng lưu ý đến tình bạn phi thường của Đức Hồng Y Newman và sự quan tâm của ngài đối với bạn bè; và kết luận như sau:

“Khi chúng ta cử mừng cuộc đời của người Anh vĩ đại này, con người tuyệt vời này của Giáo Hội và, như chúng ta có thể nói vắn tắt, là vị thánh vĩ đại này, người xây những nhịp cầu giữa các truyền thống, thật là chính đáng khi chúng ta tạ ơn quan hệ hữu nghị đó, mặc dù vẫn cách biệt, nhưng đã được tăng cường”.

“Trong hình ảnh của sự hài hòa thiêng liêng mà thánh Newman thể hiện rất hùng hồn, chúng ta có thể nhìn ra các phương thế để cuối cùng, khi chúng ta theo đuổi với lòng chân thành và can đảm các con đường khác nhau mà lương tâm kêu gọi chúng ta, tất cả các chia rẽ của chúng ta có thể dẫn đến một sự hiểu biết nhau lớn hơn và tất cả cách chúng ta có thể tìm về một ngôi nhà chung.”


Source:Catholic News Agency
 
Cuộc họp báo ngày 12/10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon: Hình thành một Giáo Hội với khuôn mặt bản địa.
Vũ Văn An
23:18 12/10/2019
Theo Vatican News, vào ngày thứ sáu, 12 tháng 10, của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon, các nhà báo và các tham dự viên đã gặp gỡ nhau tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh để chia sẽ cảm nghĩ và trả lời các câu hỏi liên quan đến các chủ đề đã thảo luận. Trên bàn chủ tọa, người ta thấy có 4 diễn giả: hai Giám Mục, một nữ tu, và một phó tế.

Tóm lược của Tiến sĩ Paolo Ruffini

Bộ trưởng Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, bắt đầu bằng cách cung cấp một bản tóm lược các chủ đề được thảo luận trong các can thiệp buổi sáng. Chúng bao gồm đối thoại liên tôn, đại kết và liên văn hóa, tôn trọng các nền văn hóa và quyền lợi của người bản địa được sống theo lối sống riêng của họ.

Ông Bộ trưởng trích dẫn lời lẽ đã được nhắc lại trong một can thiệp vào buổi sáng: những lời lẽ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài viếng thăm Manaus vào năm 1991, liên quan đến việc Giáo hội luôn đứng về phía nhân phẩm và quyền sống.

Vai trò của phụ nữ là một vấn đề khác được giới thiệu nhiều lần trong Hội trường Thượng Hội Đồng vào sáng thứ Bảy. Chủ đề đời sống tu trì, đặc biệt là đời sống của các nữ tu như những nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô giáo, đã được nhấn mạnh. Ở đây, Ông Bộ trưởng đề cập đến một câu trích dẫn Thánh Giáo hoàng Phaolô VI được sử dụng trong một can thiệp, kêu gọi để phụ nữ có một ảnh hưởng vào đời sống Giáo hội: Tiến sĩ Ruffini nói việc này là việc họ đang làm ở Vùng Amazon.

Bình luận của Cha Giacomo Costa Dòng Tên

Là thư ký của Ủy ban Thông tin, Cha Giacomo Costa, Dòng Tên, tiếp tục bằng cách giải thích các tham dự viên đã trở lại Hội trường Thượng Hội Đồng như thế nào vào sáng thứ bảy sau khi họ làm việc tại các nhóm nhỏ. Ngài nói về sự hội tụ nhiều nẻo đường hướng tới sự hoán cải toàn diện bắt đầu với Tin Mừng. Ngài đã sử dụng thuật ngữ “Giáo Hội Samaritanô” để mô tả một Giáo hội tiên tri, hiệp thông và đặt căn bản trên tình liên đới.

Cha Costa nói, các chủ đề mạnh mẽ khác là tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng kêu do bạo lực kích động, chú ý đến phẩm giá công nhân và vấn đề thất nghiệp của tuổi trẻ. Ngài nói thêm, có những hình thức nô lệ mới mà ta phải đối đầu: lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng “phải được giải quyết một cách tiên tri”.

Một chủ đề khác là “giáo dục toàn diện” có khả năng thay đổi thực tại và giúp chúng ta chăm sóc ngôi nhà chung của mình. Cha Costa nói, để có một Giáo hội “có thể lắng nghe và được lắng nghe”, chúng ta phải đào tạo người ta biết cổ vũ tính đồng công dân dựa trên lòng cảm thương, biết đóng góp vào việc buen vivir (sống tốt), hay phúc lợi của mọi người .



Nữ tu Zully Riosa Rojas Quispe, M.D.R. (Peru)

Nữ tu Zully Riosa Rojas Quispe, M.D.R., là một nữ tu Dòng Đa Minh truyền giáo Thánh Mân côi và đang làm việc với người bản địa ở Peru. Bà nói về sự cần thiết của khiêm nhường và “lắng nghe”, một từ ngữ được lặp đi lặp lại hơn 60 lần trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng.

Nữ tu Zully nhấn mạnh tất cả chúng ta cần lắng nghe ra sao tiếng nói của Chúa, của người nghèo, của sáng thế và của trái đất, đến với chúng ta từ Amazon. Bà nói, chúng ta cũng phải sẵn sàng thừa nhận cả những thành công và thất bại của chúng ta.

Đức cha Rafael Cob Garcia, Giám quản tông tòa Puyo (Ecuador)

Theo Đức cha Rafael Cob Garcia của Ecuador, thách thức lớn nhất nằm ở việc đào tạo các linh mục và các thừa tác mục vụ khác. Ngài nhìn nhận có những nhu cầu khác nhau, nhưng Ngài nhận diện được một chìa khóa để truyền giảng tin mừng ở Amazon, đó là hiểu được thực tại địa phương. Theo ngài, chữ có tính chìa khóa ấy chính là sự “hội nhập văn hóa”: để xây dựng một Giáo hội với khuôn mặt Amazon và khuôn mặt bản địa, Giáo hội phải đào tạo các linh mục địa phương.

Phó tế Francisco Andrade de Lima (Manaus)

Phó tế Francisco Andrade de Lima đến từ Manaus và, ông nói, ông được nuôi dưỡng “trên bờ sông”, nơi không có trường học hoặc cơ sở hạ tầng. Giống như những người trẻ tuổi khác trong vùng, ông chuyển đến thành phố nơi ông gặp các nhà truyền giáo nam nữ đến từ Châu Âu, những người đã giúp ông khám phá ra “con đường đức tin” của mình.

Ông nói về hàng phó tế như một ơn gọi và về sự cần thiết phải suy nghĩ làm thế nào để Giáo hội có thể hiện diện nhiều hơn trong các cộng đồng địa phương.

Giám mục Adriano Ciocca Vasino của São Félix do Araguaia (Ba Tây)

Đức Giám Mục Adriano Ciocca Vasino là người Ý, nhưng đã sống bảy năm ở phía nam Amazon. Ngài mô tả khu vực này như “biên giới nông nghiệp mới”, nơi mà chăn nuôi gia súc đang có tác động rõ rệt đến môi trường.

Ngài nói tới kinh nghiệm của chính mình trong việc cung cấp việc đào tạo các nhà lãnh đạo truyền giáo, giáo dục và huấn luyện các linh mục trở thành mục tử truyền giáo.

Ngài nói, chủng viện truyền thống là điều không đủ: Giáo hội địa phương cần các linh mục ra đi khỏi cộng đồng. Đức cha Vasino nói, chúng ta cần một nền thần học biết nói với người ta về sự hiện diện của Thiên Chúa và biểu lộ sự hiện diện đó.

Một câu hỏi về ơn gọi

Đức Giám Mục Rafael Cob Garcia đã chọn trả lời câu hỏi đầu tiên liên quan đến những trở ngại đối với ơn gọi trong Vùng Amazon. Đức Giám Mục thừa nhận rằng có rất ít ơn gọi. Ngài đưa ra một lý do là sự mất cân bằng giữa phẩm chất học thuật của học tập tại địa phương, trái ngược với các chủng viện tại các thành phố. Ngài nói, các chủng sinh “trở nên chán nản và bỏ đi”.

Theo ngài, một lý do khác là “khó khăn trong việc hiểu các quy tắc kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo, trong đó có luật độc thân”. Ngài nói thêm, điều này có tác động đối với nhiều ứng viên bản địa.

Đức Giám Mục Rafael Cob Garcia cho hay, các điều kiện ở Amazon rất khác, đó là lý do tại sao Giáo hội cần tìm ra “những nẻo đường mới”.

Một câu hỏi về chủ nghĩa chiết trung (syncretism)

Đức Giám Mục Adriano Ciocca Vasino đã chọn trả lời câu hỏi về việc Giáo hội biện phân ra sao giữa việc hội nhập văn hóa đích thực của Tin mừng và chủ nghĩa chiết trung, hay việc pha trộn các tín ngưỡng. Ngài nhấn mạnh, trước hết, cần phải nhìn mọi sự theo quan điểm của nền văn hóa bản địa và, “sau khi đối thoại”, cần xem xét những gì trùng hợp với Tin Mừng. Ngài nói, chúng ta cần đi sâu hơn vào não trạng của họ, hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa của họ, vốn là “linh hồn của nền linh đạo của họ”.

Một câu hỏi về việc đào tạo

Đức Giám Mục Rafael Cob Garcia quả quyết rằng Giáo hội “có thể được phục vụ nhiều cách khác nhau”, và chúng ta cần xem xét điều này về mặt đào tạo. Theo ngài, phục vụ là “chiều kích đệ nhất đẳng”. Ngài nói, vị linh mục ở đó để phục vụ người ta, nhưng các giáo dân mới là “những người chủ đạo của việc truyền giảng tin mừng”. Đức Giám Mục Garcia đề nghị thực hiện các bước để khuyến khích Giáo hội ít có tính giáo sĩ và nhiều tính thừa tác hơn.

Phó tế Francisco Andrade de Lima cho biết, trong quá trình lắng nghe trước Thượng hội đồng này, ông đã nhận ra rằng “khuôn mặt của Giáo Hội Amazon cũng là một khuôn mặt nữ”. Ông nói, phụ nữ đảm bảo đức tin luôn sống động trong các cộng đồng chỉ nhận được các thừa tác viên thụ phong một hoặc hai lần một năm.

Một câu hỏi về việc bảo vệ Amazon

Trả lời một câu hỏi về việc ai có trách nhiệm bảo vệ Amazon, Đức Giám Mục Adriano Ciocca Vasino quả quyết rằng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực Amazon không bị tra vấn. Ngài nói thêm, chúng ta sống trong một thế giới hoàn cầu hóa, điều này có nghĩa chúng ta cần “vượt ra ngoài chủ nghĩa dân túy”, vốn không tốt cho cả Amazon, lẫn sự lành mạnh của hành tinh chúng ta.

Một câu hỏi về một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon

Đức Giám Mục Adriano Ciocca Vasino đã trả lời một nhà báo muốn biết nên đưa ra các thay đổi nào để thành lập một Giáo hội với một khuôn mặt Amazon nhiều hơn. Đức Giám Mục nói rằng ngài “mơ ước” tạo ra một chủng viện Amazon để đào tạo người ta, “bắt đầu từ các thực tại của chính họ”. Ngài nói, điều này có nghĩa cung cấp việc đào tạo địa phương bằng các nhà đào tạo địa phương, những người hiểu thực tại và biết ngôn ngữ.

Ngài nói, Giáo hội cần phải vượt từ một Giáo Hội đến thăm khu vực sang một Giáo Hội hiện diện ở đó vĩnh viễn. Đức Giám Mục Vasino cho rằng người ta muốn “được hỗ trợ và đồng hành”, nghĩa là tạo ra sự hiện diện, chia sẻ cuộc sống hàng ngày của họ, tham gia, hiểu “các dấu hiệu và biểu tượng” của họ, những gì họ cảm nhận và những gì họ làm. Như một giải pháp, Đức Giám Mục đề nghị một việc đào tạo chuyên biệt các linh mục người Amazon, có tính thực tiễn nhiều hơn học thuật.

Nữ tu Zully Riosa Rojas Quispe đã bổ sung nhu cầu tích hợp các yếu tố “khôn ngoan của tổ tiên” vào việc học tập triết học và thần học truyền thống.

Trả lời một câu hỏi đã hỏi trước đây về cùng một chủ đề, Đức cha Adriano Ciocca Vasino đã nhận diện hai mô hình đào tạo và lãnh đạo khác nhau: mô hình truyền thống của những người muốn thăng tiến và mô hình chọn lựa những người đã là lãnh đạo trong cộng đồng của họ, và cung cấp cho họ một việc đào tạo thêm. Đức Giám Mục nói về kinh nghiệm của chính mình khi cố gắng khám phá cách tốt nhất để đào tạo các linh mục sẽ trở thành những nhà truyền giáo ở Amazon. Ngài nói, thần học trong trường học của ngài mở cho cả nam và nữ, nhưng nó bắt đầu với thực tại địa phương. Sau những năm học đầu tiên, các ứng viên được cử đi làm việc trong một cộng đồng bản địa trong bốn năm. Nếu cộng đồng đó đồng ý rằng họ xứng hợp, họ sẽ được thụ phong. Đức Giám Mục nói có cả các phụ nữ cũng đang được huấn luyện để trở thành các nhà thần học. Đức cha Vasino nói, nếu Đức Giáo Hoàng cho phép, và nếu cộng đồng địa phương yêu cầu, ngài sẽ phong chức cho họ làm phó tế.

Một câu hỏi về một Thượng Hội Đồng bàn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội

Tiến sĩ Ruffini đã trả lời một câu hỏi liên quan đến khả thể một Thượng hội đồng tương lai bàn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ông giải thích thủ tục Thượng Hội Đồng: các chủ đề gặp nhau đã được đưa ra từ các cuộc thảo luận nhóm nhỏ và các buổi họp toàn thể ra sao để có thể hướng đến việc soạn thảo tài liệu cuối cùng. Ông giải thích, các đoạn riêng rẽ của Tài Liệu Làm Việc không được thảo luận như trong quá khứ. Cuộc thảo luận và chia sẻ trên bản văn có tính tổng quát nhiều hơn và ít có tính cấu trúc hơn. Sự năng động trong các nhóm là đưa ra các mối quan tâm hoặc suy tư. Vị điều hợp sau đó chọn chủ đề nào sẽ được khảo sát trong các phiên họp khác nhau.



Một câu hỏi về truyền giảng tin mừng

Một nhà báo khác hỏi tại sao cần phải truyền giảng tin mừng cho các cộng đồng bản địa khi họ đã có các niềm tin riêng của họ. Đức Giám Mục Rafael Cob Garcia trả lời bằng cách thừa nhận rằng các cộng đồng bản địa có nền linh đạo riêng của họ, nhưng điều Chúa Giêsu đến để công bố được dành cho toàn thế giới, không chỉ cho một số dân tộc nhất định: “Đó là họ có sự sống và có được sự sống viên mãn”. Nhưng, khi các công ty đa quốc gia không tôn trọng quyền của họ, Giáo hội cũng ủng hộ và bảo vệ các cộng đồng này khỏi sự tham lam của người khác. Ngài nói vùng đất của họ không giống như “một chiếc chạn mà bạn đến khi cần một thứ gì đó”.

Một câu hỏi về tội lỗi sinh thái

Đức Giám Mục Adriano Ciocca Vasino tiếp nối thuật ngữ “tội lỗi sinh thái” đã được Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes của giáo phận Palmas sử dụng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu. Ngài nói, Thượng Hội Đồng là cơ hội “nới rộng ý niệm đạo đức học Kitô giáo”, du nhập ý niệm tội lỗi chống lại thiên nhiên và môi trường, khai triền một thứ nhân học về môi trường theo nguyên tắc “mọi sự đều nối kết với nhau”. Đức Giám Mục nói rằng ngài hy vọng điều này sẽ dẫn đến một “thay đổi não trạng”. Ngài kết luận việc lồng sinh thái vào thần học có thể dẫn đến các thay đổi trong bộ giáo luật.
 
Thượng Hội Đồng Amazon ngày thứ 6: Niềm tin vào Chúa Thánh Linh thì mãnh liệt hơn những mối sợ hãi của lầm lẫn
Thanh Quảng sdb
23:34 12/10/2019
Thượng Hội Đồng Amazon ngày thứ 6: Niềm tin vào Chúa Thánh Linh thì mãnh liệt hơn những mối sợ hãi của lầm lẫn

Tuần đầu tiên của Thượng Hội Đồng Amazon đặc biệt kéo dài ba tuần đã qua được một tuần. Hôm nay 12/10, Đức Thánh Cha cùng với 166 thành viên của Thượng hội đồng đã tham dự Hội nghị.
(Tin Vatican)

Một trong những chủ đề được thảo luận trong phiên họp thứ tám của Thượng hội đồng đặc biệt vùng Amazon vào chiều thứ Bảy vừa qua là “Chúa Kitô, trọng tâm sứ mệnh của Giáo hội”.
Một thành viên của Thượng hội đồng đã đặt câu hỏi: “Đã có bao nhiêu người biết đến Tin Mừng?" Mặc dù tất cả khẳng định rằng Tin mừng phải được rao truyền cho toàn thế giới, chứ không riêng gì ở vùng Amazon. Vì việc truyền giáo là quan yếu, nên Thượng hội đồng đã thành lập một nhóm để nghiên cứu thêm về đề tài này và hy vọng nhóm này sẽ nêu nên được đầy đủ những thách đố mục vụ mà khu vực đang phải đối diện, hầu làm bừng sáng nên một viễn kiến mới cho sứ vụ truyền giáo.

Một suy tư về tình trạng độc thân và chức tư tế linh mục
Một lần nữa, vấn đề truyền chức cho những người đạo đức (viri probati) lại được đề ra để thảo luận; vì một số đông nhấn mạnh đến việc thiếu linh mục trầm trọng cho vùng Amazon. Điều này cũng dẫn đến câu hỏi: Tại sao lại cần phải tạo ra một ngoại lệ bất thường cho khu vực này?
Một tham dự viên của Thượng hội đồng cho rằng một số các sắc dân bản địa rất quí trọng sự độc thân của các linh mục. Hơn nữa, tâm thức của xã hội con người trong thế giới ngày nay coi độc thân là thành lũy cuối cùng cần phải được bãi bỏ trước những áp lực của một nền văn hóa theo chủ nghĩa khoái lạc và thế tục. Cho nên, một việc cần thiết cần được thực hiện là một suy tư tập trung vào những giá trị độc thân của chức tư tế cần phải được thực hiện.
Một số những thành viên khác cho rằng một cuộc thảo luận liên quan đến các hình thái mới của chức tư tế là điều không thể tránh được. Một mặt, các giáo phận tại các khu vực khác gửi các linh mục đến Amazon là điều nên được khuyến khích; nhưng mặt khác, việc phong chức linh mục cho những người đạo hạnh có niềm tin sâu sắc cũng nên được đặt ra. Lý thuyết và đề xuất này không làm thương tổn sự hiệp nhất trong Giáo hội, và cũng không làm suy giảm giá trị của đời độc thân linh mục.
Đây có thể là một bước quyết định quan trọng trong việc truyền chức linh mục cho các nố đặc biệt trong một số giáo phận trong các vùng đặc biệt. Một lập luận khác cho rằng giải đáp này không phải là giải đáp được đưa ra để giải quyết việc thiếu ơn gọi, nhưng Giáo hội có thể nhìn đây là một sắc thái đặc biệt cho vùng Amazon. Cũng có ý kiến cho rằng Thượng hội đồng nên cho đây là một bước nền tảng cho những bước tiến mới trong niềm tin tưởng vào ơn soi động của Thần Linh Chúa mà không sợ bị sai lầm.

Giải đáp có thêm sự dấn thân của nữ giới để bù vào những lỗ trống thiếu linh mục
Chủ đề vai trò của nữ giới trong Giáo hội lại một lần nữa được bàn thảo sôi động vào phiên họp chiều nay, với một đề nghị trao thêm những trọng trách mục vụ và sự dấn thân của nữ giới trong các cơ cấu của Giáo hội.
Thượng hội đồng cũng xin làm sáng tỏ thêm về vai trò các nữ phó tế trong các khu vực cần thiết. Phụ nữ ngày nay đang đóng vai trò rộng lớn hơn trong đời sống của cộng đồng Kitô giáo, không chỉ lo cho các giáo lý viên hay các bà mẹ, mà họ còn là những người có khả năng đảm trách các chức vụ mới. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng vai trò bao gồm nữ tu trong việc giao hòa có thể đề ra một nền móng mới cho một Giáo hội ít giáo sĩ. Có những thành viên của Thượng hội đồng cho rằng “Chủ nghĩa giáo sĩ” vẫn còn hiện diện trong Giáo hội ngày nay, nó có thể trở thành một trở ngại cho sứ vụ phục vụ, tình huynh đệ và sự đoàn kết.

Lắng nghe Chúa Thánh Thần
Thượng hội đồng có thể tồn tại nếu biết liên tục lắng nghe những ơn soi động của Chúa Thánh Thần. Thái độ lắng nghe này được coi là một thái độ thiết yếu để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi động hầu Thương hội đồng có thể tìm ra những phương thức cần thiết chống lại sự hủy hoại môi trường đang đe dọa hành tinh nơi chúng ta sinh sống.
Các thành viên của Thượng hội đồng tái xác quyết rằng Đấng Tạo Hóa đã giao phó vùng Amazon cho chúng ta chăm sóc. Đây là khu vườn đẹp nhất và quan trọng nhất của hành tinh chúng ta đang sống. Nhưng thật không may, chúng đang có nguy cơ biến thiên đường địa giới này thành một hỏa ngục trước những nạn đốt rừng, đẩy lui các dân tộc bản địa ra khỏi các vùng sinh thái họ đang sinh sống.
Đồng hành cùng nhau là biết lắng nghe nỗi đau của Mẹ Trái đất và nhận thức được những bạo lực của kẻ đứng sau các việc diệt chủng các sắc dân bản địa. Lời kêu gọi của các tổ chức bản địa vùng Amazon là một lời cảnh tỉnh và van xin trước những thảm họa lớn hơn sẽ xảy ra...
Tất cả mọi sự được kết nối
Chúng ta đều liên đới với nhau. Là một người gương mẫu tốt (bluen vivir) không có nghĩa là sống "một cuộc sống tốt lành" mà nó có nghĩa là người đó biết nối kết mọi người với nhau và với thế giới xã hội. Sự phân cách của xã hội con người hiện nay dẫn đến sự chênh lệch về xã hội cần phải được bác bỏ và lên án.
Mặc dù toàn cầu hóa đã mang lại những lợi ích không thể chối cãi cho cuộc sống của chúng ta, nhưng nó cũng đã mở ra những cánh cửa chủ nghĩa tư bản dã man, và chủ nghĩa duy vật nhắm đến việc tiêu dùng cực kỳ có hại. Trong khi thế giới phát triển sản xuất ra những sản phẩm với giá rẻ, thì những người dân bản địa lại phải trả giá mắc mỏ bằng xương máu để mua được các sản phẩm đó.
Từ cái thực tại này, Thượng hội đồng đã nhấn mạnh tới việc đề xuất một chương trình cho nếp sống đơn sơ hơn và cho một môi trường sinh sống được công bằng, công lý và hòa bình.

Hướng tới một Giáo hội với diện mạo bản địa
Một lần nữa, Thượng hội đồng mong được nghe và chân nhận những đau khổ của người bản địa; họ là những chủ nhân và đáng được lưu tồn ở Amazon. Khám phá ra những hạt giống lời Chúa trong các nền văn hóa và truyền thống của địa phương có nghĩa là nhận ra rằng Chúa Kitô đã và đang sống trong các dân tộc chưa được nghe tới Tin Mừng.

Tin Mừng, trên thực tế, không phụ thuộc độc quyền vào bất kỳ một nền văn hóa nào; cho nên thành viên của Thượng hội đồng phát biểu: Hãy yểm trợ “một cách trực tiếp cho sự tồn vinh của một Giáo hội bản địa trong vùng Amazon”!

Đề xuất này là một cấu trúc mới cho khu vực được thiết lập để tiếp tục phát sinh ra từ các trải nghiệm tích cực của cuộc sống các đề xuất được thảo luận trong quá trình tiền Thượng hội đồng cũng như những soi động của Chúa Thánh Linh soi sáng trong Thượng hội đồng.

Món quà đời sống tôn giáo ở vùng Amazon
Các thành viên trong Thượng hội đồng cũng được nghe những cảm nghiệm quý giá của một người bản địa đã hiến dâng cuộc sống theo Chúa sống đời sống tận hiến, giúp Giáo hội có được một diện mạo bản địa.
Những người nam nữ vì lý tưởng tôn giáo đã tranh đấu cho quyền sống của người dân. Họ đã cảm được lời mời gọi từ trong tâm hồn họ, khám phá ra mối liên hệ giữa những cái cao quí bản địa và tâm linh Kitô giáo. Bằng cách đó, họ hy vọng sẽ góp phần mình vào một xã hội và cho một hệ sinh thái biết tôn trọng và bảo vệ con người nhân bản và thế giới thiên nhiên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney
Diệp Hải Dung
09:04 12/10/2019
Sáng thứ Bảy 12/10/2019, các anh chị em hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ đã đến nhà thờ St. Therese Lakemba Sydney tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney.

Mọi người tập trung trong sân trường nhà thờ và Cha Paul Văn Chi Linh hướng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney hướng dẫn dâng giờ kinh nguyện lên Đức Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng cầu cho các bệnh nhân Legio và những vị già yếu.

Xem Hình

Sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ về nhà thờ an vị trên cung Thánh. Cha Linh hướng Paul Văn Chi ban huấn từ nói về gương khiêm nhường của Đức Mẹ Maria và mầu nhiệm của chuỗi kinh Mân Côi. và Cha khuyến khích các anh chị em Legio Mariae hãy luôn noi theo gương của Đức Mẹ sống khiêm nhường hoạt động tông đồ để xứng đáng là quân binh của Mẹ…

Sau giờ giải lao mọi người cùng tham dự Thánh lễ. Đại diện các Tiểu Đội thuộc các Giáo Đoàn cùng tiến lên bàn thờ dâng lên Đức Mẹ Bó Hoa Thiêng nguyện xin Mẹ chúc lành cho quân binh của Mẹ và Cộng Đồng. Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney, và đồng thời Cha cũng giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Hà Thanh Hải Chính xứ Lakemba, Cha Trần Văn Trợ và Cha Cựu Linh hướng Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Trần Văn Trợ đã nói về kinh Mân Côi kính Đức Mẹ, đặc biệt trong tháng 10 này. Kinh Mân Côi do chính Đức Mẹ lập ra chỉ dạy cho con cái của Mẹ trong Giáo Hội cầu nguyện như một khí cụ rất là hữu hiệu và quyền phép vô cùng để chống lại sự dữ, chống lại ma qủy, chống lại những yếu đuối của xác thịt con người. Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Đaminh để phổ biến cho nhân loại biết về sự cầu nguyện của kinh Mân Côi và sự mầu nhiệm….

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Chính xứ Hà Thanh Hải ngỏ lời chúc mừng bổn mạng đến Curia Nữ Vương Mân Côi Sydney, kế tiếp anh Nguyễn Thành Trung thay mặt Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng và cảm ơn về những sự trợ giúp mà Legio Mariae đã dành cho Cộng Đồng trong nhiều năm tháng qua. Sau cùng ông Hà Pi Liến Trưởng Curia TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Legio Cabramatta đã giúp cho Thánh lễ thêm phần long trong sốt sắng và cám ơn quý ân nhân đã trợ giúp cho Legio Mariae mừng Bổn Mạng hôm nay.

Sau Thánh lễ, mọi người qua bên hội trường của nhà thờ tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng

Diệp Hải Dung

 
Giáo phận Hà Tĩnh: Công bố quyết định thành lập Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II và Thánh lễ khai giảng Khóa I
Giáo phận Hà Tĩnh
10:00 12/10/2019
Ngày 22/12/2018, phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh và bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Hà Tĩnh. Từ đó, Hà Tĩnh trở thành Giáo phận thứ 27 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Là một Giáo phận vừa mới được thành lập, Hà Tĩnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giữa những bộn bề và khó khăn đó, Đấng Bản Quyền Giáo phận vẫn dành sự quan tâm và thao thức đặc biệt cho công cuộc đào tạo linh mục của Giáo phận nhà. Cụ thể, qua kỳ thi vào Đại Chủng Viện thánh Phanxicô Xaviê ngày 16/07/2019, vị chủ chăn Giáo phận đã quyết định chọn gọi 30 ứng sinh để đào tạo trở thành những linh mục trong tương lai. Cùng với đó, một Tiền Chủng Viện mới mang tên Thánh Gioan Phaolô II cũng được thành lập và cơ sở đào tạo cũng đã gấp rút được xây dựng để nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Xem Hình

Trong vòng 2 năm, Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II sẽ giúp các ứng sinh đặt nền tảng vững chắc cho đời sống thiêng liêng và tạo mọi thuận lợi cho việc hiểu biết chính mình để phát triển bản thân. Đây được gọi là giai đoạn dự bị nhằm chuẩn bị những gì cần thiết để các ứng sinh có thể bước vào Đại Chủng Viện.

Sáng ngày 10/10/2019, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ sự nghi thức công bố quyết định thành lập Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II và chủ tế Thánh lễ khai giảng năm học mới khóa I niên khóa 2019 – 2021. Đồng tế với ngài có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Vinh và đông đảo quý cha trong và ngoài Giáo phận.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, cha Tổng Đại Diện JB. Nguyễn Khắc Bá công bố quyết định thành lập Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II và quyết định bổ nhiệm Ban Giám đốc. Cha Phaolô Bùi Đình Cao, nguyên Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiền Chủng Viện; Cha Giuse Trần Văn Học, Trưởng Ban truyền thông, làm Phó Giám đốc; cha Antôn Võ Thành Công, nguyên Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê, được bổ nhiệm làm Linh hướng cho các ứng sinh của Tiền Chủng Viện.

Sau phần công bố quyết định thành lập và bổ nhiệm Ban Giám đốc, cha Giuse Phan Đình Trung, quản lý Tòa Giám mục Giáo phận, trình lên Đức Giám Mục về công trình Tiền Chủng Viện vừa được hoàn thành. Sau đó, Đức cha Phaolô làm phép ngôi nhà Tiền Chủng Viện.

Sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiền Chủng Viện, cha Phaolô Bùi Đình Cao đã đại diện quý cha trong Ban đào tạo đọc diễn văn khai giảng năm học mới. Trong bài diễn văn, cha Phaolô đã nói lên niềm mừng và hy vọng cho tân Giáo phận nhà đã có cơ sở đào tạo giai đoạn Tiền chủng viện, tuy nhiên ngài cũng nói lên những lo lắng trước biết bao khó khăn, thử thách mà quý thầy Tiền Chủng Sinh sẽ phải đối diện. Cha Giám đốc cũng bày tỏ lòng cám ơn sự quan tâm, ưu ái của Đức Giám Mục Giáo phận, cùng với những hy sinh, đóng góp của rất nhiều người để ngôi trường Tiền Chủng Viện sớm được hoàn thành và kịp thời đưa vào sử dụng. Sau cùng, đại diện quý thầy Tiền Chủng Sinh nói lên những cảm tưởng và tâm tình dâng lên Đức cha, quý cha và cộng đoàn.

Thánh lễ được bắt đầu vào đúng 9g15. Trong phần khai lễ, Đức cha Phaolô mời gọi cộng đoàn phụng vụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cùng cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Quan thầy Gioan Phaolô II để Tiền Chủng Viện này đạt được những mục đích, ước mơ mà Giáo phận cũng như quý cha trong Ban đào tạo và quý thầy Tiền chủng sinh hằng mong ước.

Khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu với lời tuyên xưng của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 17), Đức cha Phaolô chia sẻ về ý nghĩa của lời tuyên xưng ấy. Thật vậy, lời tuyên xưng ấy chẳng phải tự nhiên mà Phêrô có thể thốt lên nhưng chính là Chúa Cha đã mặc khải cho ngài. Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại hôm qua, hôm nay và cho mãi đến ngày tận thế. Ngài là khởi thủy và cùng đích của vũ hoàn hữu hình và vô hình. Ngài đến để hoàn tất lời Thiên Chúa đã hứa cho các tổ phụ, cho dòng dõi Israen và cho con cháu đến muôn đời, qua môi miệng các ngôn sứ đã loan báo. Ngài đến ở giữa và ở cùng nhân loại cho mãi đến ngày tận thế. Không ai có thể được hưởng ơn cứu độ nếu không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.

Đức cha Phaolô cũng giúp cộng đoàn hiểu hơn về con đường tu trì của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, quan thầy của Tiền Chủng Viện. Thánh Gioan Phaolô II là một vị thánh đặc biệt. Ngài sinh ra trong một giai đoạn mà chế độ Phát-xít độc tài luôn ác cảm, đố kỵ với Giáo Hội Công Giáo, nên Ngài phải đi tu trong âm thầm, lo sợ. Tuy nhiên, nhờ hồng ân cao cả của Thiên Chúa, ngài đã được thánh hiến trở thành linh mục khi vừa mới 25 tuổi. Sau đó, ngài được cử sang Rôma học Tiến sĩ và trở thành Giám mục lúc 38 tuổi. Vào năm ngài 58 tuổi, ngài trở thành vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo và là vị Giáo hoàng đầu tiên của Đông Âu, cũng như vị Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý sau gần 500 năm. Triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài 26 năm và trở thành triều đại Giáo hoàng dài thứ 2 trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo hoàng Piô IX. Ngài được xem là vị Giáo hoàng đặc biệt, bởi Ngài không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong Thế giới thứ ba. Ngài đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du với hơn 129 quốc gia và ngài có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ. Chính bởi lẽ đó, ngài được tạp chí TIME bầu chọn là bốn người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 10g45, nhưng đồng thời mở ra một hành trình mới và là một biến cố lịch sử đáng nhớ cho Giáo phận Hà Tĩnh trong công cuộc đào tạo ứng sinh linh mục tương lai.

TCV (38)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lối Vào Thánh Đường Lộ Đức
Dominic Đức Nguyễn
09:09 12/10/2019
LỐI VÀO THÁNH ĐƯỜNG LỘ ĐỨC
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nhất là các bệnh nhân yếu đuối
Họ mong chờ, Mẹ cứu giúp xác thân
Cùng tâm linh xin giao Mẹ trọn phần
Xuống trên họ bệnh nhân đời lữ thứ
Được thoát mọi tai ương sự dữ
(Trích thơ của Trần Đình Phan Tiến).
 
VietCatholic TV
Ca ngợi ơn gọi Việt Nam, nghị phụ Uruguay nói viri probati là ảo tưởng, hoang đường
Giáo Hội Năm Châu
16:59 12/10/2019
Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10, là người ủng hộ nồng nhiệt cho giải pháp viri probati – nghĩa là phong chức linh mục cho những người đã kết hôn. Bất chấp đây là một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, ngay giờ đầu tiên của phiên đầu tiên, ngài đã nêu ngay vấn đề để tranh thủ thời gian, và thúc giục các nghị phụ tán thành giải pháp mà ngài gọi là “không có con đường nào khác.”

Đức Cha Erwin Kräutler, tác giả Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, cũng là một nhân vật chủ chốt hô hào viri probati. Ngài cả quyết rằng có đến hai phần ba các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng này ủng hộ cho giải pháp viri probati. Ngài còn đi xa đến mức hô hào việc phong chức linh mục cho phụ nữ, ít nhất là các phụ nữ trong vùng Amazon.

Cứ theo hai vị này nói thì dường như Giáo Hội không còn lựa chọn nào khác hơn là viri probati. Tuy nhiên, thông tấn xã Asia News cho biết ý kiến của hai vị này đã bị phản bác quyết liệt bởi nhiều nghị phụ trong đó có một linh mục, một nhà truyền giáo nổi tiếng đến mức được đích thân Đức Giáo Hoàng mời tham dự Thượng Hội Đồng này.

Cha Martìn Lasarte, một linh mục dòng Salêsiêng, người Uruguay, đã nêu Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam như các ví dụ cho thấy để giải quyết các vấn nạn trong vùng Amazon, Giáo Hội không cần phải tháo thứ kỷ luật của mình để phong chức linh mục cho phụ nữ và nam giới có gia đình nhưng vấn đề là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu để họ trở thành các nhân vật chính thực thi các nghĩa vụ nhận lãnh khi chịu phép Rửa Tội.

Ý kiến của cha Martìn Lasarte đã được đăng trên Asia News. Nội dung như sau:

Người ta nói rằng việc phong chức linh mục cho giáo dân ở các cộng đồng xa xôi là cần thiết, bởi vì những khó khăn mà những người thiểu số gặp phải trong việc tiếp cận với hàng giáo sĩ. Theo quan điểm của tôi, đặt vấn đề theo lối này cho thấy bóng dáng thấp thoáng của chủ nghĩa giáo sĩ cố hữu. Dường như nơi nào không có “linh mục” hoặc “nữ tu” thì nơi ấy không có đời sống Giáo Hội. Vấn đề cơ bản nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một Giáo hội được tạo ra ở nơi mà giáo dân không thấy mình là nhân vật chính, và là nơi có rất ít hoặc chẳng có cảm giác thuộc về, một Giáo Hội như thế, nếu không có “linh mục”, không hoạt động được. Đây là một sai lầm lệch lạc về giáo hội học và mục vụ. Đức tin của chúng ta, như các Kitô hữu, bắt nguồn từ bí tích rửa tội, chứ không phải từ bí tích truyền chức thánh.

Đôi khi tôi có ấn tượng rằng chúng ta muốn giáo sĩ hóa giáo dân. Trước hết chúng ta cần một Giáo hội trong đó các nhân vật chính là những người đã được rửa tội, chủ động trong vai trò các môn đệ và các nhà truyền giáo. Ở nhiều vùng thuộc Mỹ Châu chúng ta, người ta có ấn tượng rằng Giáo Hội đã được bí tích hóa chứ không phải được Phúc Âm hóa, nước đã được trộn với giấm, chứ không phải là nước được pha với rượu. Tầm nhìn “chức năng” của thừa tác vụ không thể đem lại sức sống cho toàn bộ cộng đồng Kitô hữu như các nhân vật chính của việc truyền giáo. Do đó, có thêm nhiều linh mục được thụ phong sẽ không giải quyết được vấn đề, mức độ dấn thân thực thi các nghĩa vụ xuất phát từ bí tích rửa tội của các tín hữu sẽ vẫn như thế thôi.

Chúng ta cần mở rộng chân trời và nhìn vào cuộc sống và kinh nghiệm của các Giáo hội trong bối cảnh hoàn vũ. Giáo hội Hàn Quốc ra đời từ việc anh chị em giáo dân truyền giáo cho nhau. Giáo dân Yi Seung-hun, được rửa tội tại Trung Quốc, truyền bá đạo Công Giáo khắp cả nước, họ tự rửa tội cho nhau. Trong 51 năm kể từ khi thành lập (1784-1835), Giáo hội Hàn Quốc đã được truyền giáo bởi giáo dân, với sự hiện diện của một linh mục duy nhất. Cộng đồng Công Giáo đó đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp nơi, bất chấp những cuộc khủng bố khủng khiếp, nhờ vào các nhân vật chính là những người được rửa tội.

Giáo hội Nhật Bản, được thành lập bởi Thánh Phanxicô Xavier (1549), nở rộ trong ba thế kỷ ngay cả khi bị đàn áp; các nhà truyền giáo bị trục xuất và linh mục cuối cùng đã chịu tử đạo vào năm 1644. Hơn 200 năm sau đó, các linh mục (các nhà truyền giáo người Pháp) mới có thể trở lại. Và khi đó, họ đã tìm thấy một Giáo hội mới được thành lập bởi các kakure kirishitan (Kitô hữu thầm lặng). Trong các cộng đồng Kitô giáo có nhiều hình thức mục vụ khác nhau: một người phụ trách, các giáo lý viên, những người lo việc rửa tội, những nhà thuyết giáo. Các tiêu chí mà các Kitô hữu cố gắng bảo vệ cho đến khi có sự xuất hiện của các tân linh mục vào thế kỷ 19 là thú vị: Giáo Hội sẽ trở lại Nhật Bản và bạn sẽ thấy điều đó nơi ba dấu chỉ này: “các linh mục sẽ sống độc thân, sẽ có một bức tượng của Đức Maria và họ sẽ tuân theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Rôma”.

Cho phép tôi chuyển sang một cái gì đó cá nhân hơn, với kinh nghiệm truyền giáo 25 năm của tôi ở Châu Phi (Angola). Khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2002, tôi đã có thể đến thăm nhiều cộng đoàn Kitô hữu, trong suốt 30 năm qua, không có Thánh Lễ, cũng chẳng được nhìn thấy một linh mục nào, nhưng họ vẫn vững vàng trong đức tin và là cộng đồng năng động, được dẫn dắt bởi các “giáo lý viên”, đó là một thừa tác vụ cơ bản ở Châu Phi, và bởi các thừa tác viên khác: những nhà truyền giáo, những người hướng dẫn cầu nguyện, chăm sóc phụ nữ, phục vụ người nghèo. Một Giáo hội sống động trong sự thiếu vắng linh mục.

Ở Mỹ Châu Latinh không thiếu những ví dụ tích cực, như trong số những người Quetchi ở miền trung Guatemala (Verapaz), mặc dù không có linh mục nào sống trong cộng đồng, các thừa tác viên giáo dân đã dẫn dắt các cộng đồng sống động, phong phú về phương diện mục vụ, phụng vụ, giáo lý, truyền giáo, tại những nơi không có bao nhiêu các nhóm truyền giáo có thể đặt chân đến. Dù tất cả các cộng đoàn đều khan hiếm linh mục, đó là một Giáo hội địa phương phong phú các ơn gọi linh mục bản địa, nhiều nơi thậm chí tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ hoàn toàn là những người có nguồn gốc địa phương.

Phải chăng việc thiếu ơn gọi linh mục và tu trì ở Amazon là một thách thức mục vụ hay chẳng qua đó chỉ là hậu quả của các lựa chọn thần học - mục vụ không mang lại kết quả như mong đợi hay chỉ mang lại các kết quả nửa vời? Theo tôi, đề nghị “viri probati” như một giải pháp để loan báo Tin Mừng chỉ là một ảo tưởng, một đề xuất gần như hoang đường không đi đến đâu trong việc giải quyết các vấn đề thực sự đang tiềm ẩn.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm số 107: “ Nhiều nơi đang trải qua một sự khan hiếm ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Điều này thường là do thiếu sự nhiệt thành tông đồ truyền nhiễm trong các cộng đồng dẫn đến sự hạ giảm nhiệt tình và sức lôi cuốn. Bất cứ nơi nào có sức sống, lòng nhiệt thành và mong muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ nảy sinh. Ngay cả trong các giáo xứ nơi các linh mục không hăng hái dấn thân hay hân hoan [với thừa tác vụ của mình], cuộc sống huynh đệ và lòng nhiệt thành của cộng đồng có thể thức tỉnh nơi những người trẻ khao khát tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu như một cộng đồng sống động như thế cầu nguyện tha thiết cho ơn gọi và can đảm đề nghị những người trẻ của mình theo đuổi con đường thánh hiến chuyên biệt”.

Đức Thánh Cha đã chạm đến chìa khóa của vấn đề. Vấn đề không phải là thiếu ơn gọi, nhưng thiếu những đề nghị, thiếu lòng nhiệt thành tông đồ, thiếu tình huynh đệ và đời sống cầu nguyện; và thiếu các quá trình truyền giáo nghiêm túc và sâu sắc.

Chúng ta có thể đưa ra các ví dụ khác từ Việt Nam, Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới), Đông Timor, Châu Đại Dương... nhưng chắc chắn không phải từ Châu Âu bị thế tục hóa của chúng ta. Trong tất cả các khu vực địa lý này có những thách thức và khó khăn lớn lao trong các cộng đồng Kitô giáo; nhưng chúng ta thấy rằng nơi nào có một công việc truyền giáo nghiêm túc, xác thực và liên tục, thì ơn gọi đến chức tư tế không thiếu.

Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Tại sao các dân tộc có nhiều sự phong phú về văn hóa và nhân chủng học tương đồng với các dân tộc Amazon, trong các nghi lễ, thần thoại, ý thức mạnh mẽ về cộng đồng, sự hiệp thông với vũ trụ, sự cởi mở tôn giáo sâu sắc.. lại có các cộng đồng Kitô giáo sinh động và các ơn gọi linh mục phong phú trong khi ở một số vùng của Amazon, sau 200, 400 năm, lại xảy ra sự vô sinh về giáo hội và ơn gọi? Có những giáo phận và cộng đoàn hiện diện hơn một thế kỷ mà không có được một ơn gọi bản địa nào. Phải chăng có một gen thừa thiếu nào đó, hoặc là vấn đề nằm ở chỗ khác? Phải chăng sự khác biệt văn hóa là quá lớn?

Một câu trả lời có thể được đưa ra là các dân tộc Amazon, về mặt văn hóa, không hiểu được những đòi hỏi của luật độc thân linh mục. Vấn đề này đã được nhiều người nêu ra, có lẽ xuất phát từ thiện chí, nhưng nó bị tiêm nhiễm bởi các định kiến về văn hóa quá mạnh, nếu không muốn nói là các định kiến về chủng tộc... Chính vấn đề đó cũng được đặt ra ở Ấn Độ, Châu Đại Dương và Châu Phi. Tông thư Maximum illud, mà chúng ta kỷ niệm một trăm năm trong thời gian tổ chức hội nghị này và trong khuôn khổ tháng truyền giáo ngoại thường, đưa ra câu trả lời cho vấn đề này. Tài liệu này khuyến khích và kích thích việc thúc đẩy các ơn gọi bản địa trong Giáo hội của các nước là thuộc địa của các nước Âu châu.

Ở đây, chúng ta có thể thấy, qua tấm gương của các nhà truyền giáo, công việc truyền giáo tuyệt vời của các nhà truyền giáo cộng đoàn Thánh Linh, của các linh mục Cát Minh, là những vị đã quyết liệt ủng hộ các ơn gọi địa phương khi tạo ra các chủng viện trù phú khắp Phi Châu.

Chắc chắn, cống hiến hết mình cho việc nâng đỡ ơn gọi là một thách đố cam go, nó liên quan đến việc đầu tư nguồn lực và đội ngũ giỏi nhất. Đôi khi, đời sống truyền giáo đã tránh né sứ vụ quý giá này, là điều trong thực tế có thể giúp để tạo ra một Giáo hội với khuôn mặt của người Amazon. Đôi khi một cuộc sống “anh hùng lưu động” trong các khu rừng khiến cá nhân ta hài lòng hơn là một tình yêu thương, kiên nhẫn đi kèm với một sự tân tụy đáng kính trong việc hình thành và đồng hành với các ơn gọi bản địa.


Source:Asia News
 
Thái tử Charles của Anh quốc ca ngợi Đức Hồng Y John Henry Newman với những lời tuyệt đẹp
Giáo Hội Năm Châu
22:34 12/10/2019
Hôm thứ Bảy 12/10, một ngày trước lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y John Henry Newman, Thái tử Charles nói lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y là một niềm hân hoan cử mừng cho tất cả người Anh, những người theo Kitô Giáo và những người “yêu mến những giá trị mà ngài đã truyền cảm hứng.”

“Đức tin của vị thánh này thực sự Công Giáo ở chỗ nó đón nhận tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Cũng theo tinh thần này, mà dù là người Công Giáo hay không, theo truyền thống của Giáo hội Kitô xuyên suốt trong mọi thời đại, chúng ta hãy đón nhận quan điểm độc đáo, thông thái và sáng suốt đặc biệt này, đã được ngài mang đến cho tầm nhìn của chúng ta về thế giới,” Thái tử Charles, người thừa kế ngai vàng Anh, đã viết như trên trong một bài đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 12 tháng 10.

“Bất kể niềm tin riêng của chúng ta, và bất kể truyền thống riêng của chúng ta, chúng ta đều biết ơn Đức Hồng Y Newman về những món quà, bắt nguồn từ đức tin Công Giáo của ngài, mà ngài đã chia sẻ với xã hội rộng lớn hơn, như những tự truyện về đàng thiêng liêng sôi nổi và cảm động của ngài cũng như những bài thơ đánh động sâu xa lòng người,” Thái tử Charles viết.

Đức Hồng Y Newman sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh ngày 13 tháng Mười. Ngài sinh năm 1801 trong một gia đình Anh giáo và đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1845 và qua đời vào năm 1890. Trước khi cải đạo sang Công Giáo, ngài là một học giả nổi tiếng và được kính trọng ở Oxford, một nhà truyền giảng Tin Mừng Anh giáo, và một nhân vật trí thức được công chúng mộ mến. Sau khi cải đạo sang Công Giáo, ngài thành lập tu hội Anh Em Thuyết Giáo tại Birmingham, là một cộng đồng các linh mục chuyên lo về giảng thuyết theo gương thánh Philip Nêri, và ngài trở thành người Công Giáo nổi tiếng nhất tại Anh. Ngài là một nhà văn chuyên viết sách, thơ và những lá thư; một nhà giáo dục với các viễn kiến hình thành nên hệ thống giáo dục bậc Đại Học như ta thấy ngày nay tại Anh, Âu Châu và nhiều nơi trên thế giới. Ngài cũng là một nhà hùng biện; nhưng, lặng lẽ hơn, ngài là một thừa tác tiên cho người nghèo thuộc tầng lớp lao động ở Birmingham.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong chân phước trong chuyến viếng thăm năm 2010 tại Vương quốc Anh.

Hoàng tử Charles sẽ tham dự lễ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Newman tại Rôma. Ông viết tiếp trên tờ Quan Sát Viên Rôma như sau:

“Trong thời đại của ngài, Đức Hồng Y Newman bênh vực cuộc sống tinh thần chống lại các thế lực hạ giảm phẩm giá và số phận con người. Trong thời đại mà ngài được tuyên thánh, gương sáng của ngài còn cần thiết hơn bao giờ hết - vì khí khái tuyệt vời nhất của ngài là có thể tranh biện mà không kết tội, có thể không đồng ý nhưng không đánh mất sự tôn trọng và, có lẽ quan trọng hơn hết, là có thể nhìn thấy nơi những khác biệt cơ hội để gặp gỡ hơn là loại trừ”

“Vào thời điểm khi đức tin gặp nhiều chống đối bao giờ hết, Đức Hồng Y Newman, một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XIX, đã áp dụng trí tuệ của mình để đáp trả một trong những câu hỏi cấp bách nhất của thời đại chúng ta: đâu là mối quan hệ nên có giữa đức tin và một thế giới đầy hoài nghi và thế tục? Sự tham gia của ngài đầu tiên trong thần học Anh giáo, và sau đó, là thần học Công Giáo, sau khi đã cải đạo, tạo ra các ấn tượng mạnh mẽ nơi các đối thủ của ngài vì sự trung thực dũng cảm, tính nghiêm túc chặt chẽ và tính chính thống trong tư duy,” Thái tử nói thêm.

Thái tử cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Newman đã phải đương đầu với chủ nghĩa bài Công Giáo sau khi ngài cải đạo sang Công Giáo.

“Và có lẽ thời sự nhất vào lúc này, khi chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc tấn công đau thương bởi các thế lực bất khoan dung vào các cộng đồng và cá nhân, trong đó có nhiều người Công Giáo, chỉ bởi vì niềm tin của họ, thánh nhân là một nhân vật bênh vực cho niềm tin của mình bất chấp những bất lợi khi thuộc về một tôn giáo mà các tín đồ đã bị cấm không được tham gia đầy đủ vào cuộc sống công cộng. Thông qua toàn bộ quá trình giải phóng Công Giáo và khôi phục hàng giáo phẩm Công Giáo, ngài là người lãnh đạo dân mình, và Giáo Hội mình trong những lúc sinh tử.”

Thái tử Charles cũng lưu ý đến tình bạn phi thường của Đức Hồng Y Newman và sự quan tâm của ngài đối với bạn bè; và kết luận như sau:

“Khi chúng ta cử mừng cuộc đời của người Anh vĩ đại này, con người tuyệt vời này của Giáo Hội và, như chúng ta có thể nói vắn tắt, là vị thánh vĩ đại này, người xây những nhịp cầu giữa các truyền thống, thật là chính đáng khi chúng ta tạ ơn quan hệ hữu nghị đó, mặc dù vẫn cách biệt, nhưng đã được tăng cường”.

“Trong hình ảnh của sự hài hòa thiêng liêng mà thánh Newman thể hiện rất hùng hồn, chúng ta có thể nhìn ra các phương thế để cuối cùng, khi chúng ta theo đuổi với lòng chân thành và can đảm các con đường khác nhau mà lương tâm kêu gọi chúng ta, tất cả các chia rẽ của chúng ta có thể dẫn đến một sự hiểu biết nhau lớn hơn và tất cả cách chúng ta có thể tìm về một ngôi nhà chung.”


Source:Catholic News Agency
 
Hoạt động tông đồ qua các bức thư của Đức Hồng Y John Henry Newman
Giáo Hội Năm Châu
23:38 12/10/2019
Đức Hồng Y John Henry Newman thường được mô tả và ngưỡng mộ như là người đã hình thành nên cấu trúc Đại Học như ta thấy hiện nay tại Anh, Âu Châu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong dịp tuyên thánh cho ngài, nhà văn và cũng là một đạo diễn phim K.V. Turley, người Anh, sống tại Luân Đôn, có bài đăng trên tờ National Catholic Register hôm 12/10 nhấn mạnh đến một khía cạnh khác: Đức Hồng Y John Henry Newman là một nhà văn thư tín. Ngài viết rất nhiều: ít nhất 20,000 thư để lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, mở dạy kẻ mê muội, hộ giáo, trình bày các chân lý Kitô Giáo, và mở đường cho nhiều người đến với Chúa.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


John Henry Newman the Letter Writer: Revelations of a Charitable Soul

His writing apostolate included more than 20,000 letters.

K.V. Turley

John Henry Newman Nhà Văn Thư Tín: Những tiết lộ về một tâm hồn bác ái

Hoạt động tông đồ thư tín của ngài bao gồm hơn 20,000 thư.


Thế kỷ 19 là thời viết thư. Việc mở rộng dịch vụ bưu chính, đường sắt, kênh đào và tàu hơi nước ở Quần đảo Anh và xa hơn đã mang đến cho các tầng lớp tri thức những phương tiện để thư của họ có thể đến được những nơi xa xôi, với chi phí thấp và chắc chắn đến được những mục tiêu họ nhắm đến một cách an toàn.

Những người Victoria nổi tiếng như Charles Dickens thường được xem là những nhà kỷ lục về viết thư. Tuy nhiên, số lượng thư của Đức Hồng Y John Henry Newman vượt xa nhiều người đương thời. Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1890, tính chất phi thường - và phong phú – của những lá thư do Đức Hồng Y Newman đã được nhiều người biết đến.

Con người của những bức thư

Năm 1961, trong phần giới thiệu tập đầu tiên các lá thư đã được công bố của Đức Hồng Y Newman, Cha Charles Dessain giải thích rằng Đức Hồng Y Newman “sống lâu như vậy, quá nhiều bạn bè như vậy, dự phần vào biết bao các công việc khác nhau như vậy, cho nên phần lớn cuộc sống của ngài đã được dành để tham gia vào một hoạt động tông đồ sôi nổi qua các bức thư, đến mức các trước tác về thư tín này quá to lớn.”

Vào thời điểm ngài qua đời vào năm 1976, Cha Dessain đã viết được 21 cuốn sách về các lá thư của Đức Hồng Y Newman. Và công việc biên tập và thu thập các lá thư của vị Hồng Y quá cố vẫn chưa hoàn thành.

Công việc này tiếp tục là một điều rất quan trọng, nhất là vì nhiều lá thư của Đức Hồng Y Newman thường cho ta thấy những ý tưởng sâu thẳm nhất của ngài.

Tiếp nối truyền thống của Cha Dessain, Andrew Nash, tác giả một cuốn sách về Hồng Y Newman: cuốn Essays Critical and Historical: Volume One (Gracewing 2018), nói với tờ National Catholic Register rằng “Trong những lá thư của Hồng Y Newman chúng ta thấy tình yêu và tình bạn của ngài khi ngài viết cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là khi ngài còn trẻ, và những thư viết cho bạn bè thân thiết. Bạn có được cái nhìn sâu sắc về bản chất tình cảm và đồng cảm của ngài và cả sự dí dỏm, vui tươi và hài hước của ngài nữa. Đôi khi các lá thư này đề cập đến các chủ đề thực tế: tiền bạc, tổ chức, du lịch. Đây là một khía cạnh của Hồng Y Newman mà chúng ta có thể bỏ lỡ nếu chúng ta chỉ biết đến các tác phẩm được công bố của ngài.”

Có thể hiểu được là Nash, giống như rất nhiều học giả về Hồng Y Newman, rất ngạc nhiên trước những trước tác không ngừng nghỉ của con người thánh thiện này khi đề cập đến thư tín “Có một khối lượng rất lớn các thư tín của ngài, tổng số lên đến hơn 20,000. Ngài phải dành bao nhiêu thời gian trong cuộc sống hàng ngày để viết cho mọi người, giữa chập chùng cơ man các trách nhiệm mục vụ và công việc tri thức của mình! Các lá thư này cho thấy năng lượng làm việc lớn lao và chăm chỉ của ngài.”

Hồng Y Newman, con người của tình yêu

Và các lá thư ấy cũng thể hiển lòng bác ái của vị thánh. Cá tính của Newman, theo Nash, được tỏ lộ qua các lá thư của ngài. “Những lá thư ấy cho chúng ta thấy thật là sai lầm khi xem ngài như một trí thức ẩn dật hay một nhà tu khổ hạnh thuộc về một thế giới khác không quan tâm gì đến các vấn đề trần tục,” ông nói. “Những người Hồng Y Newman thường viết thư cho là những người có những thắc mắc hoặc khó khăn về đức tin. Điều này tương tự như các tác phẩm đã được xuất bản của ngài, ngoại trừ việc ngài tập trung vào cá nhân của người mà ngài viết thư. Bạn thấy sự minh bạch của ngài trong việc đi thẳng vào trung tâm vấn nạn của người đó. Ngài không bao giờ bác bỏ và không ngại tham gia vào một vấn đề chuyên sâu và mất nhiều thời gian. Ngài không bao giờ bút chiến, ngay cả khi viết thư cho một người có ý tưởng thù địch với niềm tin Kitô. Nhiều lúc ngài có thể rất nhiệt thành; chẳng hạn, khi ngài phản đối chiến thuật của những người Ultramontan, là những người muốn áp đặt một sự giải thích cực đoan về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng đối với các tín hữu.”

Những lá thư của Hồng Y Newman tiết lộ về ngài với tư cách là một con người và một mục tử. Bên cạnh đó, chúng cũng cho chúng ta biết nhiều về nhà văn Newman. Như Nash giải thích: “Thật khó có thể khái quát phong cách của những lá thư ngài viết khi có rất nhiều và chúng được viết cho một phạm vi đa dạng những người trong xã hội qua biết bao năm tháng. Đôi khi chỉ là các trao đổi thông thường. Nhưng trong những thư khác, ngài viết thật văn hoa bóng bẩy như chúng ta thấy trong các tác phẩm đã được xuất bản của ngài. Những câu văn của ngài rất cân bằng, điều đó khiến người đọc thấy nơi ngài một con người đầy lý lẽ thuyết phục. Ngài nhận ra quan điểm của người khác và phản ứng với sự nhạy cảm trong khi đặt bút viết về các vấn đề tiềm ẩn bên dưới các quan điểm ấy.”

Đối với những ai muốn tìm hiểu thêm về Hồng Y John Henry Newman, vị thánh mới nhất của Giáo Hội, Nash có một thông điệp đơn giản: “Hãy tập chú vào một trong cơ man các thư tín của ngài và đọc chăm chú!”

Những nét mực Công Giáo

10 năm cuối đời của Hồng Y Newman là một thời gian suy giảm sức khỏe và thể lực. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục viết thư, ngay cả khi thị lực của ngài ngày càng tệ, cùng với sự cứng đờ ở ngón tay, điều đó có nghĩa là ngài cảm thấy rất khó khăn khi cầm bút. Đến cuối đời, ngài phải đọc cho người ta viết hộ.

Lá thư cuối cùng của ngài là một hành động hòa giải. Đó là với cháu gái của ngài, cô Grace. Cô là đứa con duy nhất của Harriet, em gái đã tuyên bố đoạn tuyệt với Đức Hồng Y Newman. Harriet đã cắt đứt tình anh em với anh trai mình sau khi ngài cải đạo sang Công Giáo. Anh trai và em gái chưa hề hòa giải khi Harriet qua đời vào năm 1852. Do đó, Newman đã không gặp Grace kể từ khi cô được đưa sang Úc khi còn nhỏ. Bây giờ là một phụ nữ, Grace Longford đã trở về Anh và muốn gặp bác mình.

Nhà nguyện Birmingham. Ngày 2 tháng Tám 1890

Cháu Grace yêu của bác,

Cảm ơn cháu đã mong muốn gặp bác. Bác sẵn sàng đón nhận cơ may này và bác sẽ gặp cháu bất cứ ngày nào trong tuần tới thuận tiện cho cháu.

Thương mến, JHN

Tái bút: đôi khi có bác sĩ đến thăm bác.

Grace đến gặp ngài vào ngày 9 tháng 8. Sau đó, tay trong tay, cháu gái và bác ngồi nói chuyện trong phòng khách của nhà nguyện Birmingham.

Thánh Newman ngã bệnh vào ngày hôm sau. Vào lúc 8:48 tối ngày 11 tháng 8 năm 1890, ngài giã từ thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng.


Source:National Catholic Register