Ngày 24-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng có phe nhóm
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
00:41 24/09/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - B
(Mc 9,37-42)
Đừng có phe nhóm

Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp lời ông Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng : “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăm cấm y” (Mc 9, 38). Chúng ta đừng vội kết án Gioan là ích kỷ, hẹp hòi. Danh Chúa được mọi người nhận biết và ca tụng, nhất là nhờ danh Chúa mà trừ được quỷ mang lại bình an cho con người mà còn cấm.

Đối với người Do Thái, Chúa là Thiên Chúa của riêng họ. Chính Chúa Giêsu đã từng từ chối chữa lành con gái người đàn bà xứ Cannaan thuộc giòng giống Syrôphênixi (x. Mc 7,24-30). Khi nói với Gioan : “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liên đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9, 39), là Chúa giúp ông mở rộng tầm nhìn về ơn cứu độ Chúa mang đến cho hết mọi người và loại trừ đầu óc phe nhóm.

Phe nhóm

Óc địa phương, óc bè phái, phe nhóm xuất hiện ở trong xã hội từ tổ chức nhỏ nhất đến cơ quan đoàn thể cao nhất. Giáo Hội sống trong một xã hội cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe.

Vì phe nhóm mà ông Giôsuê, con ong Nun đã đề nghị ông Môsê ngăn cấm ông Enđát và ông Mêđát nói tiên tri.Ông Môsê đáp lại rằng : “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ” (x. Ds 11,27).

Vì óc bè phái mà Gioan đã ngăm cản một số người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỷ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).

Danh “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Danh “Giêsu” được cất lên, “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 5-11). Danh ấy có sức mạnh trừ quỷ đuổi ma. Vì thế, phải rao truyền Danh “Giêsu” cho mọi người nhận biết.

Nước trời là mục tiêu tối hậu

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phe nhóm làm tha hóa con người, xói mòn lòn tin của người khác và nhất là rất dễ bị ma quỷ lợi dụng. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).

Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Vì muốn kéo dài sự sống tạm bợ đời này mà có người sẵn sàng tháo chân, móc mắt, cắt ruột, xem ra nhẹ nhàng. Vậy, để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.

Đừng là cớ vấp phạm

Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.

Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.

Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.

Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:06 24/09/2024

43. Chuyên cần cầu nguyện là thực hành Phúc Âm.

(Thánh Aloysius Gonzaga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 24/09/2024
68. MAU ĐI QUA HẺM NHỎ

Có một chủ nợ đi đòi nợ, đi đã nhiều lần mà không thấy con nợ đâu cả nên nổi trận lôi đình, ra lệnh cho đầy tớ đến nhà con nợ và đợi ở đó, nếu thấy con nợ thì lập tức khiêng về cho chủ nợ.

Đầy tớ tuân lệnh đi phía trước, lúc đầy tớ trói con nợ và khiêng qua đầu phố, thì con nợ lớn tiếng nói:

- “Mau đi qua con hẻm nhỏ kia, nếu bị người khác cướp cáng, thì mọi việc không can gì đến chuyện của tôi đấy nhé !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 68:

Thời nay có nhiều kiểu đòi nợ theo kiểu giang hồ: thuê những tên ma cô, băng nhóm đòi nợ mướn họ đi đòi nợ, nếu không trả là a lê hấp đập phá tan tành và còn hăm dọa đến tính mạng của con nợ, đó là phường gian ác và đáng nguyền rủa.

Đã cho người khác vay nợ tức là bày tỏ một tấm lòng bác ái, lòng bác ái này còn kéo dài mãi trong lòng con nợ sau khi họ đã trả hết nợ, đó là tình cảm và là sự biết ơn của họ. Nhưng nếu cho người khác vay nợ mà đi đòi nợ như đòi mạng và như quân ăn cướp thì không ai thấy lòng bác ái của mình đâu cả, họ chỉ thấy ông chủ nợ là một kẻ đại gian ác làm giàu trên sự nghèo khổ của người khác mà thôi.

Người Ki-tô hữu biết rất rõ rằng: khi giúp đỡ cho người nghèo có vốn làm ăn thì họ thay mặt Thiên Chúa giúp đỡ người nghèo, cho nên họ không thuê ma cô, băng đảng đòi nợ đi đòi nợ giống như quân ăn cướp, nhưng họ luôn thăm hỏi và chờ đợi cho đến khi người cần giúp đỡ có tiền hoàn trả lại, đó chính là lòng bác ái đích thực vậy.

Trên đời mọi người đều mắc nợ nhau, cho nên đừng lấy cái tâm ác để đối xử với tha nhân, nhưng lấy lòng khoan nhân để kéo tình thương ân sủng của Thiên Chúa xuống trên họ và trên chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều mắc nợ với nhau, nhưng hãy là nợ ân tình, bởi vì chúng ta đều là những con nợ rất cần đến tình thương của chủ nợ là Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 25/09: Bao nhiêu là đủ? – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:28 24/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi

Đó là lời Chúa
 
Không thể nghỉ ngơi
Lm. Minh Anh
14:40 24/09/2024
KHÔNG THỂ NGHỈ NGƠI
“Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi!”.

“Tôi không thể nghỉ ngơi khi còn những linh hồn cần được cứu rỗi!” - Têrêxa Lisieux.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tiết lộ, Chúa Giêsu họp Nhóm Mười Hai, ban cho các ngài năng lực và quyền phép để ra đi loan báo Tin Mừng, trừ các thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Như Têrêxa, các ngài ‘không thể nghỉ ngơi’ đang khi còn những linh hồn cần được cứu rỗi!

Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại mà ‘các bệnh tâm thần mới’ bùng phát đến mức có thể nói chưa từng thấy trước đây. Nhịp sống hiện đại đùn đẩy con người vào một cuộc đua căng thẳng để ‘tiêu hao’ và ‘hiểu sai’ các vấn đề nhiều hơn những người hàng xóm. Toàn bộ các trang mạng xã hội thấm đẫm một liều lượng lớn ‘chủ nghĩa cá nhân’, đưa đến việc ‘định đoạt’ tuỳ thích những người bị cô lập - có thể là chính bản thân chúng ta - khỏi phần còn lại của thế giới. Sự cô đơn mà nhiều người buộc phải chịu đựng vì áp đặt xã hội, áp lực công việc hoặc các hình thức nô lệ khác… gây ra cho khá nhiều người trong chúng ta các chứng trầm cảm, loạn thần kinh, cuồng trí, tâm thần phân liệt hoặc một số rối loạn tâm lý vốn tác hại đến trẻ em và những người liên hệ. Chẳng hạn tăng động, tự kỷ… có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tương lai của một người.

Vì thế, việc gặp gỡ Chúa Kitô - Thầy Thuốc hoàn hảo - thật cấp thiết vốn sẽ mang lại trạng thái cân bằng và bình an, giúp xoa dịu tâm trạng của chính chúng ta, cho phép chúng ta khám phá lại bản thân bằng cách cung cấp ánh sáng, sự hiểu biết cho cuộc sống và cách tiếp cận tương lai của mình. Giáo huấn Phúc Âm là tiêu chuẩn làm sáng tỏ mọi nghi ngờ; rất tốt để dạy dỗ và cố vấn, giáo dục cả người trẻ và người lớn tuổi, dẫn mọi người đi trên con đường của cuộc sống, con đường không bao giờ héo hắt. Được chữa lành, chúng ta - ‘không thể nghỉ ngơi’ - lên đường chữa lành những người khác.

Gioan Phaolô II nói, “Những ai đã thực sự tiếp xúc với Chúa Kitô không thể giữ Ngài cho riêng mình, họ phải loan báo Ngài!”. Tất cả những ai trung thành - mọi Kitô hữu - được Chúa giao phó sứ vụ tông đồ nhờ Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, có quyền và bổn phận, cá nhân hoặc nhóm lại thành các hiệp hội, để làm việc hầu Sứ Điệp Cứu Rỗi có thể được mọi người trên khắp trái đất biết đến và chấp nhận. Phải, Kitô hữu ‘không thể nghỉ ngơi!’.

Anh Chị em,

“Họ rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi!”. Sai các môn đệ lên đường, Chúa Giêsu “ban cho các ông năng lực và quyền phép!”; nhưng cùng lúc, Ngài buộc họ ra đi trong yếu đuối, khó nghèo. Ngài thu nhỏ vali của họ gần như không còn gì, “Đừng mang gì đi đường!”. Hành trang của họ ‘là Ngài và chỉ một mình Ngài’. Ngài hạn chế tối đa tư trang hành lý để họ biết rằng, khiên thuẫn của họ là ‘tình yêu’ họ dành cho Ngài, chứ không là gì khác, ai khác. Qua đó, rõ ràng, Chúa Giêsu đang xung trận cùng các môn đệ ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài muốn quyền năng của Ngài bộc lộ trong sự mỏng giòn của kẻ được sai. Chính trong tình trạng dễ bị tổn thương này, bạn và tôi - ‘không thể nghỉ ngơi’ - tiếp tục lên đường rao giảng và chữa lành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước hết, xin chữa lành con! Vì nếu con ‘bệnh’, con sẽ không đủ sức để chữa lành ai!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liệu lạm dụng có làm lu mờ chuyến đi Bỉ của Đức Giáo Hoàng không?
Vũ Văn An
14:59 24/09/2024

Vương cung thánh đường Thánh Tâm ở Brussels, nơi Giáo hoàng Francis sẽ gặp cộng đồng Công Giáo Bỉ vào ngày 28 tháng 9. Kazkaz66 qua Wikimedia (CC BY-SA 4.0)


Luke Coppen của tạp chí The Pillar ngày 21 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng các giám mục Bỉ đã công bố người đại diện mới của họ về nạn lạm dụng của giáo sĩ trong tuần này, vài ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày tới đất nước này.

Thực vậy, Đức Cha Luc Terlinden, Tổng giám mục Mechelen-Brussels 55 tuổi, kế nhiệm Giám mục Johan Bonny, Giám mục Antwerp 69 tuổi, người đã từ chức vào tháng 7, với lý do khối lượng công việc quá nhiều khiến ngài cho biết đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài.

Đức cha Bonny đã đảm nhiệm vai trò này trong 15 năm qua, thời kỳ Giáo hội Bỉ có nhiều biến động lớn trong bối cảnh lạm dụng của giáo sĩ và các vụ tai tiếng che đậy.

Chuyến thăm Bỉ gần đây nhất của một vị Giáo hoàng là vào năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II phong chân phước cho Cha Damien De Veuster, Tông đồ của Molokai. Đó là rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng lạm dụng tràn ngập đất nước, làm hoen ố một thế hệ các nhà lãnh đạo Công Giáo và đẩy nhanh sự suy thoái nghiêm trọng của Giáo hội địa phương sau Công đồng Vatican II.

Phương châm cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ ngày 26 đến 29 tháng 9 là "En route, avec Espérance" ("Lên đường, với niềm Hy vọng") — một thông điệp đáng chú ý hướng đến tương lai. Nhưng liệu những người tổ chức chuyến đi có thể tập trung vào tương lai của Giáo hội hay không, hay chắc chắn sẽ quay trở lại quá khứ đầy rắc rối của mình?

'Sẽ không có gì xảy ra'

Mới đây vào tháng 1, một viên chức Giáo hội Bỉ đã bày tỏ lo ngại rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng.

• Nhắc đến trường hợp của Đức cha Roger Vangheluwe, người đã từ chức Giám mục Bruges vào năm 2010 sau khi thừa nhận đã lạm dụng cháu trai, tổng thư ký hội đồng giám mục Bruno Spriet cho biết: "Sẽ rất khó để Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chuyến thăm yên ổn đến đất nước chúng ta vào tháng 9 cho đến khi có sự rõ ràng về vấn đề này".

Vào thời điểm đó, Đức cha Vangheluwe vẫn là một giám mục, sống trong thời gian nghỉ hưu tại một tu viện ở Pháp. Nhưng vào tháng 3 — gần 14 năm sau khi thừa nhận đã lạm dụng — vị giám mục 87 tuổi này đã bị hoàn tục, giải quyết một vụ tai tiếng sẽ phủ bóng đen lên chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Để thừa nhận thêm sự tức giận của công chúng Bỉ về cuộc khủng hoảng lạm dụng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp 15 nạn nhân trong chuyến đi của ngài.

Nhưng ngay cả điều này cũng là nguồn gây tranh cãi. Cha Rik Devillé, một người ủng hộ nạn nhân bị lạm dụng, đã cáo buộc những người tổ chức cuộc họp thiên vị đối với những nạn nhân mà ngài gọi là "thân thiện với Giáo hội" — một tuyên bố mà họ đã bác bỏ.

Devillé sau đó cho rằng cuộc họp sẽ chẳng hơn gì một hoạt động giao tế nhân sự.

• “Đức Giáo Hoàng sẽ tử tế, bắt tay, phân phối kinh Lạy Cha, rồi quay lại Rome và sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra”, ngài gợi ý.

Những phê phán trong khuôn viên đại học

Lý do bề ngoài cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Leuven, ngày được hiện thân tại KU Leuven [Đại học Công Giáo Leuven] nói tiếng Hòa Lan và UC Louvain [Đại học Công Giáo Louvain] nói tiếng Pháp.

Nhưng cuộc khủng hoảng lạm dụng thậm chí cũng ảnh hưởng đến sự kiện đáng mừng này. Trong một bài xã luận ngày 17 tháng 9, giáo sư Bart Maddens của KU Leuven cho rằng trường đại học của ông đang hạ thấp tầm quan trọng của chuyến viếng thăm khuôn viên trường vào ngày 27 tháng 9 của Đức Giáo Hoàng.

• “Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đã được mời trước khi các vụ tai tiếng ấu dâm tái diễn sau bộ phim tài liệu ‘Godforsaken’ của VRT, và nhiều người hiện đang có phần khó chịu vì điều đó”, ông viết, ám chỉ đến một loạt phim tài liệu đã gây ra sự phản đối dữ dội ở Bỉ khi được phát sóng vào tháng 9 năm 2023.

Các nhà chức trách KU Leuven phủ nhận rằng họ không nhiệt tình với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhưng một bài báo về chuyến đi được đăng trên trang web của trường vào ngày 20 tháng 9 đã đề cập đến việc lạm dụng năm lần.

• Bài báo có tựa đề “Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng và khoa thần học của KU Leuven” cho biết: “Các nhà thần học không chỉ lên án mạnh mẽ vụ lạm dụng mà còn tiến hành phân tích sâu sắc các yếu tố cơ bản khiến vụ việc trở nên khả hữu, chẳng hạn như lạm dụng quyền lực, văn hóa giữ bí mật, việc sử dụng sai các thuật ngữ như ‘tha thứ’ hoặc các quan niệm có vấn đề về tình dục. Những hiểu biết sâu sắc này góp phần vào các cuộc cải cách trong Giáo hội và nâng cao nhận thức xã hội về các vấn đề này”.

Tiền lệ Ái Nhĩ Lan

Cuộc tranh luận xung quanh cuộc khủng hoảng lạm dụng có thể tạm dừng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đầy lôi cuốn đặt chân đến đất Bỉ.

Các phương tiện truyền thông địa phương sẽ chạy đua để theo kịp ngài khi ngài di chuyển từ cuộc gặp với Vua Bỉ, đến KU Leuven, đến Vương cung thánh đường Thánh Tâm của Brussels, đến UCLouvain và Sân vận động Vua Baudouin.

Nhưng nếu sự phẫn nộ của công chúng đủ cao, các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể bị lu mờ bởi các vụ tai tiếng lạm dụng. Ví dụ, Đức Giáo Hoàng đã phải đối đầu với các cuộc biểu tình trong chuyến thăm Ái Nhĩ Lan năm 2018, một thành trì Công Giáo cũ khác ở châu Âu bị tàn phá bởi nạn lạm dụng của giáo sĩ.

Để tránh lặp lại trải nghiệm này, có lẽ Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng ngay sau khi đến Bỉ, có thể là trong bài phát biểu đầu tiên của ngài, trước chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao.

Tất nhiên, cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng sẽ diễn ra riêng tư. Nhưng ngài sẽ cần tìm cách truyền đạt sự đồng cảm của mình với các nạn nhân trong mọi cơ hội trong suốt chuyến đi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Rogate và Thánh lễ Truyền Chức Phó Tế
Maria Vũ Loan
05:46 24/09/2024
NIỀM VUI CỦA DÒNG TÔNG ĐỒ ROGATE CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI –

Xem Hình

Buổi sáng ngày thứ ba, 24/9/2024, tại nhà thờ giáo xứ Bùi Phát giáo hạt Tân Định, TGP Sài Gòn, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã chủ sự thánh lễ đồng tế, truyền chức phó tế cho năm thầy dòng, trong bầu khí hân hoan, trang trọng.

Dòng Tông Đồ Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi do thánh Hannibal Mary Di Francia sáng lập. Ngài là vị Tông Đồ của lời cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và đồng thời cũng là vị Tông Đồ của đức ái, người cha nhân hậu của các trẻ mồ côi và người nghèo.

Chính tên gọi của Hội Dòng này đã nói lên linh đạo của dòng. Dù Hội Dòng đã hiện diện tại Việt Nam đã 20 năm, nhưng mới được nhà nước công nhận hợp pháp 02 năm qua. Đến nay, tại Việt Nam đã có 14 linh mục, 05 thầy phó tế được tiến chức hôm nay, 06 thầy đã khấn trọn đời và 20 thầy khấn tạm. Với số nhân sự như thế, hội dòng đã hoạt động tại Sài Gòn, Bình Dương và Đà Lạt. Tại Sài gòn, nhà dòng có một lưu xá ở Gò Vấp dành cho nam sinh. Hằng năm, quí thầy tổ chức hát Giáng Sinh tại các gia đình quí ân nhân để gây quỹ giúp người nghèo vùng sâu vùng xa. Thực hiện chương trình Bánh Mì Thánh Antôn tại Sàigon và Bình Dương... Hay nhất là quí cha và quí thầy còn tự lực tự cường khi sản xuất nước tinh khiết đóng chai Rogate, kem hộp... để trang trải chi phí cho cộng đoàn.

Năm thầy hôm nay được tiến chức là:

1. Phêro Trần Duy Nhân, RCJ
2. Giuse Nguyễn Hữu Bình,RCJ
3. Phêro Đỗ Xuân Trường, RCJ
4. Giuse Chu Ngọc Kiên, RCJ
5. Augustino Hoàng Trần Minh Châu, RCJ

Thánh lễ hôm nay, ngoài các nghi thức, người dự còn cảm thấy ấm lòng khi Đức TGM Giuse khuyên các tân phó tế những điều rất thực tế: từ Lời Chúa, chúng ta sẽ biết mình phải làm gì và làm như thế nào để đẹp lòng Chúa, trở nên giống Chúa Giêsu. Công việc của phó tế là phục vụ trên bàn thờ, vì thế phải phục vụ với ý thức cao về sự thánh thiêng. Từ các vật dụng trên bàn thờ phải tinh khiết, đến thái độ phục vụ xứng đáng với sự cao cả và chí thánh của Thiên Chúa, một thái độ phục vụ biểu lộ được đức tin bằng sự khiêm cung, khoan thai, chu đáo... Qua thái độ này, sẽ nâng đỡ đức tin cho dân Chúa. Phó tế cũng rao truyền Lời Chúa, phải để Lời Chúa thấm vào cuộc đời mình. Phải tin vào điều đã đọc, dạy điều đã tin và thực hành những điều đã dạy. Phải nghiền ngẫm Lời Chúa để giảng cho người khác...

Dù Đức TGM cho biết hôm nay Ngài không được khỏe, nhưng các nghi thức và phần đáp từ cuối thánh lễ vẫn sinh động.

Phần tiệc mừng rất vui. Mọi người ngồi theo chỗ được chỉ định. Tiệc mừng thêm đậm đà khi quí cha, quí thầy hát ca, nhảy múa rất tự nhiên dù sân khấu của hội trường đơn sơ, không “hoa lá cành” cũng không nhiều màu sắc. Nhiều người tay bắt mặt mừng với quí cha quí thầy, chụp hình kỷ niệm nơi các bàn tiệc. Tuy vậy, cảm xúc của mỗi người sẽ rất riêng khi Hội Dòng có được hoa trái ơn gọi hôm nay.

Được biết, trong tháng 10, sẽ có hai cha trong hội dòng được đi tu học ở nước Ý và nước Úc.

Thế giới đang có nhiều biến cố làm người ta sợ hãi, xã hội vẫn có những chuyện ồn ào đáng tiếc nhưng Giáo Hội Chúa Kito vẫn đang âm thầm có những sức sống mạnh mẽ làm triển nở đức tin dân Chúa hôm nay.
 
VietCatholic TV
Vụ ám sát cựu TT Trump: Tiết lộ đáng sợ. Zelenskiy tố Nga và 7 đồng bọn ở LHQ. Hậu quả vụ nổ Satan-2
VietCatholic Media
03:04 24/09/2024


1. Người đàn ông bị cáo buộc cố gắng ám sát Ông Trump đã kêu gọi những người khác 'hoàn thành công việc'

Người đàn ông bị tình nghi cố gắng ám sát cựu tổng thống Donald Trump tuần trước đã để lại một ghi chú cách đây vài tháng, kêu gọi những người khác “hoàn thành công việc” và treo giải 150.000 đô la cho bất kỳ ai có thể giết được ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa này.

Các công tố viên cho biết nghi phạm Ryan Routh đã đặt lá thư viết tay rùng rợn vào một chiếc hộp đựng dụng cụ và vật liệu xây dựng để lại tại nhà của một cộng sự mà các nhà điều tra chưa nêu tên. Trong lá thư gửi đến “Toàn Thế Giới”, Routh hạ thấp phẩm chất đạo đức của Ông Trump và chỉ trích ông vì chính sách của ông đối với Iran.

“Đây là một nỗ lực ám sát Donald Trump nhưng tôi đã làm anh em thất vọng. Tôi đã cố gắng hết sức và dốc hết sức lực của mình. Bây giờ anh em phải hoàn thành công việc; và tôi sẽ trả 150.000 đô la cho bất kỳ ai có thể hoàn thành công việc,” Routh được cho là đã viết như trên trong bức thư mà các công tố viên tiết lộ một phần trong hồ sơ nộp lên tòa án vào sáng Thứ Hai, 23 Tháng Chín, trước phiên điều trần tại ngoại theo lịch trình cho nghi phạm.

Phần sau của lá thư được cho là có liên quan nhiều hơn đến Iran, và an ninh quốc gia nên các công tố viên quyết định chưa công bố. Đây là lần đầu tiên có các bằng chứng cụ thể hơn về sự dính líu của Iran trong các nỗ lực ám sát cựu Tổng thống Trump, người đã ra lệnh giết chết tướng hàng đầu của Iran là Qasem Soleimani.

Ngũ Giác Đài cho biết vào ngày 3 Tháng Giêng năm 2020, Qasem Soleimani, một thiếu tướng Iran, đã bị giết bởi một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Mỹ gần Sân bay quốc tế Baghdad, Iraq, trong khi đang trên đường đi gặp Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi.

Soleimani là chỉ huy của Lực lượng Quds, một trong năm nhánh của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gọi tắt là IRGC, được cả Hoa Kỳ và Nghị viện Âu Châu chỉ định là một tổ chức khủng bố. Soleimani được coi là người có quyền lực thứ hai ở Iran, sau Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Năm công dân Iraq và bốn công dân Iran khác đã bị giết cùng với Soleimani, bao gồm phó chủ tịch Lực lượng Động viên Nhân dân Iraq, và chỉ huy của lực lượng dân quân Kata'ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn, Abu Mahdi al-Muhandis.

Theo Thiếu tướng John Kirby, lúc bấy giờ là phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài, Soleimani và quân đội của ông ta “chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm quân nhân Mỹ và liên quân và làm bị thương hàng ngàn người khác.”

[Politico: Man accused of attempting to assassinate Trump urged others to ‘finish the job’]

2. Nga và các 'đồng phạm' muốn phá vỡ sự thống nhất toàn cầu, Zelenskiy nói với Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc vào ngày 23 tháng 9 rằng Nga và các “đồng phạm” đang tích cực tìm cách ngăn cản sự thống nhất toàn cầu.

Tổng thống Zelenskiy đến Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 9, trước thềm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79 và một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới nhằm trình bày “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 2024, được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York, đề cập đến nhiều chủ đề toàn cầu, bao gồm hòa bình và an ninh.

“Tất cả các bạn đều có thể thấy những ai không chỉ luôn chống lại hiến chương Liên Hiệp Quốc, mà còn tích cực hoạt động để phá hoại sự thống nhất toàn cầu,” Zelenskiy phát biểu trong bài phát biểu của mình tại phiên họp toàn thể của hội nghị thượng đỉnh.

“Cùng một nhóm nhỏ gồm bảy đồng phạm do Nga đứng đầu đã một lần nữa hành động phá hoại, luôn phản đối mọi sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường hiệu quả của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

Zelenskiy không nêu tên những “đồng phạm” của Nga, nhưng cho biết nhóm này “luôn hành xử theo cách này”, tìm cách phá hoại các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế.

Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng chung tay với Ukraine trong nỗ lực “vượt qua sức tàn phá của Nga và các đồng phạm”, đồng thời kêu gọi các quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu tiếp theo cho Ukraine.

“Putin đã đánh cắp rất nhiều thứ, nhưng ông ta sẽ không bao giờ đánh cắp được tương lai của thế giới”, ông nói.

Các mục tiêu hòa bình của Ukraine, bao gồm cả kế hoạch chiến thắng được mong đợi từ lâu của tổng thống, là trọng tâm trong chuyến công du Hoa Kỳ của Zelenskiy. Zelenskiy dự kiến sẽ trình bày chi tiết về kế hoạch này với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 26 tháng 9.

Kế hoạch năm điểm này được cho là bao gồm việc Ukraine nhanh chóng gia nhập liên minh NATO.

[Kyiv Independent: Russia and its 'accomplices' want to disrupt global unity, Zelensky tells UN]

3. Quân đội Ukraine báo cáo đột phá mới ở biên giới Kursk

Lính dù Ukraine đã “đột phá” vào một khu vực mới dọc theo biên giới với Nga, chưa được nêu cụ thể vì lý do bảo mật hành quân, trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt bên trong nước Nga và nhiều khu vực khác nhau ở miền đông Ukraine.

Các chiến binh thuộc Lữ đoàn tấn công Dù độc lập số 95 của Ukraine “đã đột phá qua một khu vực mới dọc theo biên giới Nga”, lữ đoàn này cho biết hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín.

“Đây là chiến dịch thành công thứ hai vượt qua biên giới Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở khu vực Kursk của Nga”, lữ đoàn cho biết.

Ukraine đã trải qua hơn sáu tuần trong cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk, nơi giáp ranh với vùng đông bắc của đất nước. Đầu tháng 9, Kyiv cho biết họ đã chiếm được 102 thị trấn và khoảng 1.300km vuông lãnh thổ khi Mạc Tư Khoa cố gắng chống trả nhưng không thành công.

Trong những tuần gần đây, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đã cố gắng nhưng thất bại trong việc giành lại lãnh thổ ở phía nam Korenovo, cùng với thành phố Sudzha ở phía đông nam, là trọng tâm trong nỗ lực của Ukraine.

Lữ đoàn tấn công Dù độc lập số 95 đã chia sẻ đoạn phim mà họ cho là cho thấy cảnh quân đội Ukraine tiến vào “lãnh thổ của đối phương” và “những trận chiến đầu tiên ở khu vực biên giới”.

Nick Reynolds, nghiên cứu sinh về chiến tranh trên bộ tại Viện nghiên cứu Royal United Services có trụ sở tại Anh, cho biết không có nhiều thông tin về bước đột phá được báo cáo này, nhưng mục tiêu có thể sẽ giống với mục tiêu của đợt tấn công kéo dài gần bảy tuần tại Kursk.

Reynolds nói với Newsweek rằng Ukraine hy vọng sẽ sử dụng Kursk như một con bài mặc cả, gây áp lực lên Nga trong các cuộc đàm phán có thể xảy ra, đồng thời củng cố tinh thần của người Ukraine và chứng tỏ rằng Kyiv vẫn có thể tấn công.

Ông cho biết nếu Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến ở phía đông, nơi Nga đã liên tục tiến quân trong nhiều tháng, thì một đợt tấn công khác vào Kursk có thể là giải pháp hợp lý.

Chính phủ Nga hôm thứ Hai cho biết lực lượng Nga đã ngăn chặn “hai nỗ lực của Quân đội Ukraine nhằm đột nhập biên giới Liên bang Nga theo hướng thị trấn Novy Put”.

Novy Put nằm ngay trên biên giới Nga với Ukraine, phía nam thị trấn Veseloe và thị trấn biên giới Glushkovo. Nó nằm ở phía tây nam Korenovo và phía tây Sudzha.

Một blogger quân sự nổi tiếng của Nga cho biết Ukraine đang giao tranh với lực lượng Nga xung quanh Glushkovo vào sáng thứ Hai, sử dụng “ngày càng nhiều” thiết bị do NATO cung cấp.

Một blogger cho biết các trận chiến dữ dội được báo cáo xung quanh Nikolayevo-Darino, phía nam Korenovo và ngay phía đông bắc của thị trấn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào thứ sáu tuần trước rằng cuộc tấn công vào Kursk đã thu hút khoảng 40.000 lính Nga vào khu vực này.

[Newsweek: Ukraine Troops Report New Kursk Border Breakthrough]

4. 98 xe quân sự của Nga tiến về Kurakhove trong cuộc tấn công kỷ lục hết đợt này đến đợt khác. Máy bay điều khiển từ xa Thermite phun lửa của Ukraine đang chờ đợi.

Người Nga quyết tâm phá vỡ các phòng tuyến của Ukraine bên ngoài Kurakhove, ngay phía tây Donetsk ở miền đông Ukraine. Vào ngày 15 tháng 9, người Nga đã tấn công bằng 46 chiến xa—một kỷ lục cho khu vực đó. Đúng một tuần sau vào hôm Chúa Nhật, 22 Tháng Chín, họ đã phá vỡ kỷ lục của chính mình—và tấn công bằng 52 chiến xa.

Cả hai cuộc tấn công đều thất bại. Lữ đoàn Dù Cơ động số 46 của Ukraine, giữ vững tuyến giữa Donetsk ở phía đông và Kurakhove ở phía tây, đã phản công bằng máy bay điều khiển từ xa phun thermite hay chất nhiệt nhôm, pháo binh, xe tăng và bộ binh—và đã phá hủy, vô hiệu hóa hoặc làm hư hại 44 trong số 98 chiến xa tấn công trong khi giết chết 72 người Nga chỉ riêng vào hôm Chúa Nhật.

“Bất kỳ đối phương nào kịp thời quay gót, hãy coi họ là may mắn”, Lữ Đoàn Dù số 46 châm biếm trên mạng xã hội. “Họ sẽ sống lâu hơn”.

Sự lãng phí khủng khiếp về người và thiết bị này đang đè nặng lên cuộc tấn công của Nga ở phía đông, chủ yếu tập trung vào việc chiếm giữ thành trì Pokrovsk của Ukraine, cách Kurakhove 32 km về phía tây bắc. Cuộc tấn công của Nga đã có những tiến triển ổn định bắt đầu từ cuối năm ngoái—lăn qua thành phố pháo đài Avdiivka và tiến về Pokrovsk trong những đợt tấn công dữ dội cho đến tháng trước, khi quân đội Nga chỉ cách Pokrovsk khoảng 10km.

Nhiều tuần sau, những đội quân đó vẫn còn cách Pokrovsk 10km. “Sự tiến quân của Nga theo hướng Pokrovsk đã chậm lại”, Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, gọi tắt là CDS, lưu ý vào tuần trước.

Đây không phải là một diễn biến đơn lẻ. Các cuộc tấn công của Nga ở Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, cũng đã chậm lại—cũng như cuộc phản công của Nga nhắm vào mũi tấn công của Ukraine ở Kursk của Nga. “Thiếu nguồn lực để tiến hành các hành động tấn công đồng thời trên nhiều mặt trận” là lý do chính khiến cuộc tấn công chậm lại, CDS kết luận.

Nhưng người Nga không phải là những người duy nhất bị quá sức khi cuộc chiến tranh rộng lớn hơn của Nga với Ukraine đang tiến tới tháng thứ 31. Người Ukraine đang phải vật lộn để huy động đủ người và trang thiết bị cho các hoạt động phòng thủ của họ ở miền nam và miền đông Ukraine và cuộc tấn công đồng thời của họ ở Kursk.

Sự xuất hiện của các lữ đoàn mới từ lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đã giúp ổn định mặt trận phía đông vào tháng trước, nhưng chỉ có một số ít lữ đoàn tấn công được trang bị đầy đủ trong lực lượng vệ binh quốc gia—và có khả năng tất cả họ đều đã được triển khai ngay lúc này.

Quân đội Ukraine đang thành lập 14 lữ đoàn mới và có thể gửi họ về phía đông để thay thế các lữ đoàn cũ đã chiến đấu liên tục trong hơn một năm và rất cần được nghỉ ngơi. Có lẽ đáng chú ý nhất là Lữ đoàn cơ giới tinh nhuệ số 47 cuối cùng đã rời khỏi vùng giới tuyến ở phía đông vào đầu tháng này, sau khi chiến đấu trong 15 tháng không nghỉ ngơi.

Nhưng Ukraine chỉ có đủ xe thiết giáp hiện đại cho bốn trong số 14 lữ đoàn mới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với CNN. Những lữ đoàn này không bị hư hại… nhưng cũng rất mong manh.

Ném bừa bãi người và thiết bị vào các tuyến phòng thủ của Ukraine ở phía tây Donetsk, quân đội Nga giống như một võ sĩ quyền Anh đẫm máu đang dần mất sức nhưng không chịu đầu hàng. Đây có thể là cơ hội để quân đội Ukraine đáp trả bằng một số đòn mạnh mẽ—nếu họ không kiệt sức.

[Forbes: 98 Russian Vehicles Barreled Toward Kurakhove in Back-To-Back Record Assaults. Fire-Spewing Ukrainian Thermite Drones Were Waiting.]

5. Hoa Kỳ gửi 'một số lượng nhỏ' quân tới Trung Đông khi các cuộc tấn công gia tăng

Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ sẽ gửi “một số lượng nhỏ” quân tới Trung Đông trong bối cảnh lực lượng Israel và các chiến binh Hezbollah tăng cường các cuộc tấn công xuyên biên giới.

Số quân này sẽ được bổ sung vào lực lượng 40.000 người của Mỹ hiện đang có mặt trong khu vực, bao gồm hơn một chục tàu chiến ở vùng biển xung quanh và hàng ngàn Thủy Quân Lục Chiến trên các tàu ở Biển Địa Trung Hải.

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder đã nói với các phóng viên về những động thái này vào hôm thứ Hai, rằng “với những căng thẳng, với sự leo thang, có khả năng xảy ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Tôi không nghĩ chúng ta đã ở đó, nhưng đó là một tình huống nguy hiểm.”

Ryder từ chối mô tả số lượng quân được cử đi hoặc vai trò của họ là gì.

Thêm vào phản ứng quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, Hàng Không Mẫu Hạm USS Harry S. Truman đã rời cảng Virginia vào hôm thứ Hai cùng với hai tàu khu trục và một tàu tuần dương trong một đợt triển khai đã lên lịch trước đó đến Địa Trung Hải. Việc triển khai này có thể có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ lại có hai Hàng Không Mẫu Hạm ở Trung Đông nếu USS Abraham Lincoln, đang ở Vịnh Oman, vẫn ở lại vị trí.

Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm USS Theodore Roosevelt đã rời Trung Đông vào tháng này và hướng đến Thái Bình Dương sau khi thời gian triển khai được kéo dài để theo dõi các sự kiện trong khu vực.

Giao tranh giữa Israel và nhóm chiến binh có trụ sở tại Li Băng đã gia tăng mạnh mẽ trong những tuần gần đây khi các chiến binh Hezbollah bắn hàng loạt hỏa tiễn vào Israel và khi chính phủ Israel tìm cách làm suy yếu đội ngũ lãnh đạo của nhóm được Iran hậu thuẫn này cũng như khả năng tấn công vào miền bắc Israel.

Israel đã tiến hành các cuộc tấn công táo bạo chống lại nhóm này, bao gồm cả việc cài thuốc nổ bên trong máy nhắn tin và máy bộ đàm mà các chiến binh sử dụng, làm bị thương hàng ngàn chiến binh của nhóm này. Hezbollah đã đáp trả bằng hàng loạt hỏa tiễn bắn qua biên giới, dẫn đến các đợt không kích mới của Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có hai cuộc gọi với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vào cuối tuần khi ông thúc đẩy người Israel đạt được tiến triển hướng tới lệnh ngừng bắn với Hamas ở phía nam. Hai người cũng đã nói chuyện hai lần vào tuần trước.

Phát biểu với các chỉ huy quân sự của mình ở phía bắc Israel vào thứ Hai, Gallant cho biết Israel “quyết định chuyển 'trọng tâm' của các hoạt động của chúng tôi từ đấu trường phía nam sang đấu trường phía bắc”, ám chỉ rằng các hoạt động bên trong Gaza có thể đang lùi lại phía sau để giao tranh gia tăng ở phía bắc. Gallant gọi các cuộc không kích hôm thứ Hai là “đỉnh cao đáng kể” trong các hoạt động phá hủy hàng chục ngàn hỏa tiễn và đạn dược chính xác do Hezbollah cất giữ, thường là ở các khu vực dân sự.

“Những gì Hezbollah đã xây dựng trong suốt 20 năm kể từ Chiến tranh Li Băng lần thứ hai, trên thực tế đang bị Lực Lượng Phòng Vệ Israel phá hủy”, ông nói.

Phát ngôn nhân quân đội Israel, Đề đốc Daniel Hagari cho biết hôm thứ Hai, máy bay phản lực của Israel đã tấn công hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah trên khắp Li Băng.

Các video được đăng trực tuyến cho thấy hậu quả của một số cuộc không kích đó là các vụ nổ thứ cấp đáng kể, cho thấy Israel đã tấn công vào các khu vực đạn dược lưu trữ một số trong hàng ngàn hỏa tiễn và rocket của nhóm chiến binh này do Iran cung cấp.

Bộ Y tế Li Băng cho biết hơn 350 người đã thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương trong cuộc không kích hôm thứ Hai, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu là phiến quân và bao nhiêu là thường dân.

Hơn 160 quả hỏa tiễn do Hezbollah bắn đã bay qua biên giới vào thứ Hai, phần lớn trong số đó đã bị phòng không Israel đánh chặn, nhưng các khu dân cư ở miền bắc Israel và Bờ Tây cũng bị tấn công.

Nhiều cuộc không kích ở miền nam Li Băng tập trung vào các vị trí bắn của Hezbollah ở phía nam sông Litani gần biên giới Israel, nơi nhóm này vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp nghị quyết năm 2006 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ đạo nhóm này rút lui về phía bắc con sông.

Trong những tháng gần đây, hàng chục ngàn thường dân ở cả hai bên biên giới đã phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc không kích vẫn diễn ra hàng ngày.

[Politico: US sending ‘small number’ of troops to Middle East as attacks ramp up]

6. Macron cho biết mối quan hệ với Nga nên được xem xét lại sau chiến tranh ở Ukraine

Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết rằng mối quan hệ với Nga nên được xem xét lại sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine kết thúc. Mấu chốt là làm sao Nga chặn đứng các mưu toan xâm lược của Nga vào các nước khác trong tương lai.

Phát biểu tại một sự kiện ở Paris, tổng thống Pháp kêu gọi mọi người hãy tưởng tượng về “hòa bình ngày mai” ở Âu Châu dưới một hình thức mới và trong một thực tế mới.

“Chúng ta sẽ phải nghĩ về một hình thức tổ chức mới cho Âu Châu và xem xét lại mối quan hệ với Nga sau cuộc chiến ở Ukraine,” Macron nói.

Trong những tháng đầu của cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Macron đã bị chỉ trích vì lời kêu gọi tránh “làm nhục” nước Nga, nhưng sau đó ông đã cứng rắn hơn trong lập trường của mình.

Kể từ đó, Paris đã chuyển giao cho Ukraine một số hỏa tiễn tầm xa SCALP, và vào tháng 2, Macron đã công bố một liên minh cung cấp cho Kyiv “hỏa tiễn và bom tầm trung, tầm xa”.

Một sáng kiến khác của Macron là gửi huấn luyện viên quân sự tới Ukraine, được cho là đã nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển gì.

Tổng thống Pháp cho biết việc xây dựng một trật tự quốc tế mới là “thách thức lớn nhất” và hiện nay nó “chưa hoàn thiện và không công bằng”.

Macron nói thêm: “Chúng ta cần một trật tự mà một số quốc gia không thể cản trở các quốc gia khác, và nơi các quốc gia được đại diện một cách đàng hoàng, và do đó điều này nên được thực hiện thông qua các cơ quan công bằng hơn nhiều, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế”.

Hiện nay, cơ chế Liên Hiệp Quốc được đánh giá là không công bằng và không hiệu quả. Một số nước như Nga có quyền phủ quyết và họ đã lạm dụng quyền này trong cuộc xâm lược Ukraine.

Khi Nga ngày càng trở nên cô lập hơn kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu và ngày càng cạn kiệt nguồn cung cấp thiết bị quân sự hiện có, nước này đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn.

Tuy nhiên, một số nước phương Tây, như Hung Gia Lợi và Slovakia, lại cho rằng họ nên chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Mạc Tư Khoa bằng mọi giá.

[Kyiv Independent: Relations with Russia should be reconsidered after war in Ukraine, Macron says]

7. Vài tháng tới sẽ là 'quyết định', Zelenskiy nói trong bài phát biểu tại Hoa Kỳ, kêu gọi các đồng minh hành động nhanh hơn

Vài tháng tới sẽ là “quyết định” trong cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, khi ông bắt đầu chuyến đi kéo dài gần một tuần tới Hoa Kỳ.

Phát biểu tại lễ trao giải của Viện Hàn lâm Thành tựu Hoa Kỳ ở Washington DC, Zelenskiy kêu gọi các đồng minh của Ukraine hành động nhanh hơn và “xác định kết quả của cuộc chiến sẽ như thế nào”.

“ Chúng ta không có nhiều thời gian,” ông nói, đồng thời nói thêm: “Vài tháng tới sẽ mang tính quyết định. Trước mắt chúng ta trong cuộc chiến này — cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và tất cả các bạn vì đây là cuộc chiến của Nga chống lại chính tự do — chúng ta không có nhiều thời gian để xác định kết quả sẽ như thế nào.

“Và chúng ta phải định nghĩa nó. Không phải Nga, không phải đồng minh đẫm máu của họ. Chúng ta cần phải nhanh hơn. Chúng ta không cần phải mất vài tháng tiếp theo trong chiến tranh, để chúng ta không mất những thập niên tiếp theo.”

Phát biểu của Zelenskiy được đưa ra khi ông bắt đầu chuyến đi tới Hoa Kỳ, nơi ông sẽ trình bày “kế hoạch chiến thắng” của mình với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cũng như các ứng cử viên tổng thống Ông Donald Trump và Kamala Harris cùng các thành viên Quốc hội.

Ông cũng tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York và gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Zelenskiy sẽ trình bày “kế hoạch chiến thắng” của mình khi Ukraine nắm giữ các vùng lãnh thổ ở Tỉnh Kursk của Nga, mặc dù Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tấn công trên nhiều mặt trận ở phía đông nước này.

Ukraine cho biết họ sẵn sàng tiếp thu các đề xuất từ Washington để củng cố kế hoạch. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ đã nắm được các yếu tố trong chiến lược của Zelenskiy và bày tỏ niềm tin “rằng (nó) có thể hiệu quả”.

Zelenskiy cho biết kế hoạch này được thiết kế để chấm dứt chiến tranh với sự hậu thuẫn của các đối tác quốc tế mà không cần dựa vào sự hợp tác của Nga. Tuy nhiên, ông không nêu rõ cách thức thực hiện điều này.

“Đây phải là thành tựu chung của chúng ta — chiến thắng cho tự do, không có sự thỏa hiệp nào gây tổn hại đến tự do,” tổng thống phát biểu.

Tại lễ trao giải của Viện Hàn lâm Thành tựu Hoa Kỳ, Zelenskiy đã nhận Giải thưởng Tấm vàng nhằm ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển nhân văn.

[Kyiv Independent: Next few months will be 'decisive,' Zelensky says during speech in US, urges allies to act faster]

8. Zelenskiy yêu cầu thêm đạn dược tại nhà máy ở Hoa Kỳ trước cuộc họp của Tổng thống Biden

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp thêm đạn dược trước cuộc gặp đã lên kế hoạch với Tổng thống Joe Biden.

Hôm Chúa Nhật, 22 Tháng Chín, Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm một nhà máy sản xuất đạn dược ở Scranton, Pennsylvania, nơi ông cảm ơn các nhân viên đã giúp cung cấp đạn dược cho Ukraine trong bối cảnh nước này đang có chiến tranh với Nga.

Đại diện đảng Dân chủ Pennsylvania Matt Cartwright đã gặp Tổng thống Zelenskiy và cho biết tổng thống Ukraine đã chia sẻ thông điệp với các công nhân nhà máy, nói rằng, “Cảm ơn. Và chúng tôi cần nhiều hơn nữa.”

Tổng thống Zelenskiy đã kể chi tiết về chuyến đi của mình đến nhà máy, nói rằng, “Scranton, Pennsylvania. Tôi đã đến thăm một nhà máy sản xuất đạn pháo 155 ly. Bây giờ, để giúp những chiến binh của chúng ta, những người không chỉ bảo vệ đất nước chúng ta, không chỉ bảo vệ Ukraine, nhà máy sẽ tăng cường sản xuất.”

“Tôi bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ bằng việc bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể nhân viên tại nhà máy và đạt được thỏa thuận mở rộng hợp tác giữa Pennsylvania và Zaporizhzhia của chúng ta.”

Tổng thống Zelenskiy cũng cho biết thêm, “Trong chuyến thăm Nhà máy đạn dược quân đội Scranton, nơi sản xuất các bộ phận cho đạn pháo và đạn cối, bao gồm cả đạn pháo 155 ly cho Ukraine, tôi đã nhấn mạnh đến sự tận tụy của những người công nhân, điều này thực sự truyền cảm hứng - họ đang giúp Ukraine đứng vững trong cuộc chiến giành tự do.

“Tôi biết ơn người dân Scranton, Pennsylvania và tất cả các tiểu bang nơi người Mỹ đang xây dựng kho vũ khí tự do toàn cầu đáng kinh ngạc này. Cùng nhau, chúng ta đang củng cố việc bảo vệ tự do và dân chủ.”

Chuyến đi của Zelenskiy đến Hoa Kỳ đánh dấu sự khởi đầu của một tuần bận rộn. Ông sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào hôm thứ Ba và thứ Tư trước khi đến Washington, DC để họp với Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vào thứ Năm, nhằm mục đích tăng cường sự ủng hộ cho Ukraine.

Từ sáng Chúa Nhật, khu vực xung quanh nhà máy đạn dược đã bị phong tỏa, xe chở rác của thành phố chặn đường và có sự hiện diện đáng kể của cảnh sát - bao gồm các sĩ quan khu vực, thành phố và tiểu bang cùng cảnh sát cưỡi ngựa.

Khi đoàn xe hộ tống của Zelenskiy đến nhà máy đạn dược vào buổi chiều, một nhóm nhỏ đã tụ tập gần đó, vẫy cờ Ukraine để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với chuyến thăm của tổng thống Ukraine.

Vera Kowal Krewson, một người Mỹ gốc Ukraine thế hệ đầu tiên, nằm trong số những người chào đón Zelenskiy và nói rằng, “Thật không may khi chúng ta cần một nhà máy như thế này, nhưng nó đã ở đây, và nó ở đây để bảo vệ thế giới”, hãng tin Associated Press đưa tin.

“Và tôi cảm thấy thực sự như vậy.”

Laryssa Salak, 60 tuổi, con gái của những người nhập cư Ukraine, cho biết bà rất vui khi Zelenskiy đến để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người lao động. Tuy nhiên, bà bày tỏ sự thất vọng khi viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ, lưu ý rằng ngay cả một số người bạn của bà cũng phản đối, cho rằng số tiền này nên được sử dụng để giúp đỡ người Mỹ.

[Newsweek: Zelensky Asks for More Ammo at US Plant Ahead of Biden Meeting]

9. Hỏa tiễn hạt nhân Satan-2 đáng sợ của Putin đã thất bại 4 lần trong số 5 lần thử nghiệm

Putin đã phải chịu một thất bại đáng xấu hổ khi kho vũ khí hạt nhân Satan-2 đáng sợ của ông đã thất bại đến bốn lần trong năm cuộc thử nghiệm hỏa tiễn, theo các chuyên gia vũ khí và hình ảnh vệ tinh từ địa điểm phóng.

Hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về bệ phóng tại bãi thử Plesetsk của Nga, nơi hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat phát nổ, cho thấy thiệt hại nghiêm trọng.

Một hố rộng với bán kính khoảng 60 mét tại hầm phóng ở Sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền bắc nước Nga, cùng với thiệt hại có thể nhìn thấy ở khu vực xung quanh mà không có trong các hình ảnh được chụp vào đầu tháng. Hầm phóng được ghi nhận là nổ tan tành, và con số thương vong của các nhân viên chắc chắn là rất đáng kể khi vụ nổ xảy ra. Với sức nổ kinh khủng như thế, những ai đứng trong phạm vi 100m cách hỏa tiễn chắc là khó sống.

Những bức ảnh này được chia sẻ bởi nhà nghiên cứu OSINT và đại diện Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW George Barros trên X.

Barross cho biết trong một bài đăng trên X: “Maxar đã thu thập hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao mới vào ngày 22 Tháng Chín, cho thấy hậu quả của một vụ phóng thất bại thảm hại của hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa RS-28 của Nga.”

Theo các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh của OSINT, Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn Sarmat không thành công tại bãi thử Plesetsk.

Động cơ nhiên liệu lỏng của hỏa tiễn có khả năng đã phát nổ khi nó thoát khỏi trục phóng.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh của địa điểm thử nghiệm Planet Labs, một nhà phân tích OSINT cho biết cuộc thử nghiệm đã kết thúc trong “thất bại hoàn toàn và thảm hại”.

Theo báo cáo, vụ nổ trong silo hay hầm phóng đã tạo ra một hố bom lớn và phá hủy hoàn toàn địa điểm thử nghiệm.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong việc thử hỏa tiễn và có thể cần thêm đầu tư tài chính để sửa chữa cơ sở phóng.

Các chuyên gia tin rằng vì Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng nên vụ nổ có thể xảy ra ngay cả khi hỏa tiễn chưa được phóng.

Đây là lần thử nghiệm thứ tư không thành công loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này. Cuộc thử nghiệm thành công duy nhất của hỏa tiễn Sarmat diễn ra vào ngày 20 tháng 4 năm 2022. Nga chưa thừa nhận vụ thử hỏa tiễn đã thất bại.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng còn dẫn đến một thiệt hại nghiêm trọng hơn là nỗ lực răn đe thế giới của nhà độc tài Vladimir Putin đang dần mất đi hiệu quả. Các chuyên gia của Viện Dịch Vụ Thống Nhất Hoàng Gia Anh, gọi tắt là RUSI, cho rằng ít nhất là vào lúc này Satan-2 không phải là thứ hỏa tiễn đáng sợ như Điện Cẩm Linh thường xuyên hù dọa thế giới. Nó chỉ có thể được sử dụng sau khi đã liên tục thử nghiệm thành công. Với tỷ lệ 4 lần thất bại trong 5 lần thử nghiệm, nghĩa là tỷ lệ thất bại là 80%, không một đầu óc bình thường nào có can đảm lắp đầu đạn hạt nhân vào hỏa tiễn và bấm nút. Với xác suất 80%, hỏa tiễn và đầu đạn hạt nhân của nó sẽ nổ tại chỗ, hủy diệt chính nước Nga.

Hỏa tiễn Sarmat, còn được gọi là RS-28 Sarmat, hay một cái tên đáng sợ hơn là Satan-2, là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của Nga được thiết kế để thay thế hỏa tiễn R-36M cũ hơn thường được gọi là SS-18 hay Satan-1.

Đây là một phần trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và được coi là một trong những ICBM tiên tiến và mạnh mẽ nhất thế giới.

Nó có thể mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân, với ước tính cho thấy nó có thể mang tới 10–15 đầu đạn tái nhập có thể tấn công độc lập, gọi tắt là MIRV.

Hỏa tiễn này có tầm bắn xa, có khả năng tấn công mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, bao gồm cả lục địa Hoa Kỳ, khiến nó trở thành một phần quan trọng trong chiến lược răn đe của Nga.

Sarmat được trang bị các biện pháp đối phó hiện đại để tránh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, bao gồm khả năng triển khai mồi bẫy hoặc phương tiện lướt siêu thanh để gây khó khăn hơn cho việc đánh chặn.

Nó bay với tốc độ rất cao và có thể theo đường bay không thể đoán trước, vượt qua được các radar phòng thủ hỏa tiễn truyền thống.

Sarmat là thành phần chủ chốt trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Nga và duy trì sự cân bằng chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc hạt nhân khác.

[Newsweek: Putin's Much-Feared Satan-2 Nuclear Missile Failed 4 Out of 5 Tests]

10. Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine khiến 3 người thiệt mạng, 38 người bị thương trong ngày qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 23 Tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã giết chết ba người và làm bị thương 38 người trong ngày qua.

Lực lượng Ukraine đã bắn hạ ba trong số bốn máy bay điều khiển từ xa loại Shahed do Nga phóng trong đêm. Một máy bay điều khiển từ xa nữa và hai hỏa tiễn hành trình Kh-59/69 “không thể tiếp cận mục tiêu” do tác chiến điện tử của quân Ukraine.

Cô cho biết một cuộc tấn công vào ban đêm của Nga vào thành phố Zaporizhzhia đã làm ít nhất 17 người bị thương, trong đó có một cậu bé 15 tuổi.

Theo Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia Ivan Fedorov, Nga đã phóng ít nhất bảy quả bom dẫn đường trên không, khiến một phần tòa nhà chung cư bị phá hủy.

Một máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV của Nga đã đâm vào một chiếc xe buýt ở cộng đồng Myropillia thuộc tỉnh Sumy vào sáng Thứ Hai, 23 Tháng Chín,. Chính quyền địa phương đưa tin, có hai người phải vào bệnh viện do bị thương.

Tại tỉnh Kharkiv, một vụ tấn công đã làm bị thương một người đàn ông 76 tuổi và một người phụ nữ 64 tuổi ở làng Shyikivka.

Trong khi đó, một người đã thiệt mạng tại làng Novoukrainka gần Vuhledar và hai người khác thiệt mạng tại thị trấn Myrnohrad thuộc quận Pokrovsk, tỉnh Donetsk.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của Nga vào các thị trấn Mykolaivka, Sloviansk và Kramatorsk đã làm hư hại ba tòa nhà cao tầng và 76 ngôi nhà. Mười người đã bị thương trong khu vực trong ngày qua.

Tại Kherson, lực lượng Nga đã nhắm vào 16 thị trấn, bao gồm cả trung tâm khu vực Kherson. Một người đã thiệt mạng và bảy người bị thương.

[Kyiv Independent: Russian attacks against Ukraine kill 3, injure 38 over past day]
 
Putin đưa thủy thủ lên bờ chiến đấu, kết quả? Bùa hạt nhân hết linh. Lòng nhân ái của lính Ukraine
VietCatholic Media
16:18 24/09/2024


1. Putin nhận ra rằng các mối đe dọa hạt nhân 'không làm ai sợ hãi'

Theo báo cáo, Vladimir Putin đang tìm kiếm một phản ứng khác đối với việc phương Tây chấp thuận các cuộc tấn công tầm xa vào Nga sau khi nhận ra rằng các mối đe dọa hạt nhân do Điện Cẩm Linh thúc đẩy đang mất dần tác động sau cuộc thử nghiệm phóng hỏa tiễn Satan-2 thất bại.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Putin đã ca ngợi năng lực hạt nhân của Mạc Tư Khoa giống như các chuyên gia trên truyền hình nhà nước Nga, những người đã đi xa hơn tổng thống Nga khi kêu gọi tấn công hỏa tiễn vào các quốc gia ủng hộ Kyiv.

Alexander Mikhailov, giám đốc Cục Phân tích Chính trị Quân sự, trả lời kênh Russia-1 trong tháng này rằng Mạc Tư Khoa nên ném bom các mô hình bằng gỗ dán của Luân Đôn và Washington có hình ảnh mô phỏng Cung điện Buckingham, tháp Big Ben và Tòa Bạch Ốc.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt các lời đe dọa và lời đe dọa trong bối cảnh một số đồng minh của Ukraine, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh, không muốn cho phép Kyiv sử dụng các loại vũ khí như hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, và hỏa tiễn Storm Shadow để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì lo ngại leo thang căng thẳng.

Nhưng các quan chức thân cận với các nhà ngoại giao Nga cho biết lời khoe khoang của Mạc Tư Khoa về khả năng hạt nhân của nước này đang bắt đầu mất đi sức ảnh hưởng đối với các quan chức phương Tây và “không làm ai sợ hãi”, dẫn đến sự bất mãn trong số các đối tác của Nga ở cái gọi là “Nam bán cầu”, tờ The Washington Post đưa tin.

Tờ Post đưa tin, với việc các lằn ranh đỏ của Mạc Tư Khoa liên tục bị vượt qua, Putin đang đưa ra “phản ứng hạn chế và tinh tế hơn” đối với sự chấp thuận của phương Tây về các cuộc tấn công tầm xa vào Nga trong tương lai, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Một nguồn tin có quan hệ với các nhà ngoại giao cao cấp của Nga cho biết sử dụng vũ khí hạt nhân là “kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất”, không chỉ vì các đồng minh của Nga ở Nam Bán cầu sẽ không hài lòng với điều đó mà còn vì “xét về mặt quân sự, nó không hiệu quả lắm”.

Các lựa chọn thay thế có thể bao gồm tăng cường các hoạt động phá hoại nhằm vào các mục tiêu quân sự hoặc cơ sở hạ tầng khác ở phương Tây, nơi sự tham gia của Nga có thể khó chứng minh. Mạc Tư Khoa cũng có thể chuyển sang các nhóm ủy nhiệm như lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, lực lượng đã tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ, The Post đưa tin.

Hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Bảy cho thấy Nga gần đây đã tiến hành một cuộc thử nghiệm không thành công hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, thường được gọi là Satan-2.

Hình ảnh cho thấy một hố lớn tại hầm phóng Yubileynaya tại Plesetsk Cosmodrome ở Arkhangelsk, nơi các cuộc thử nghiệm trước đó đã diễn ra, và bốn xe cứu hỏa đang ứng phó với các đám cháy đang hoạt động gần hầm phóng bị phá hủy. Dự án tình báo nguồn mở MeNMyRC cho biết cuộc thử nghiệm là một “thất bại hoàn toàn”.

Washington tuyên bố không có nguy cơ ngay lập tức nào về việc Mạc Tư Khoa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến mà Putin phát động.

Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết vào Chúa Nhật rằng các mối đe dọa đối đầu chỉ nhằm mục đích “phá vỡ và trì hoãn các điểm quyết định quan trọng trong các cuộc thảo luận chính trị của phương Tây về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, trong khi Nga thực sự không có khả năng đối đầu trên thực tế.

[Newsweek: Putin Realizing That Nuclear Threats 'Don't Frighten Anyone': Report]

2. SỨ MỆNH THƯƠNG XÓT Khoảnh khắc xúc động người điều khiển UAV Ukraine thương hại một người Nga bị thương…thay bom bằng nước và hướng dẫn anh ta đến nơi an toàn

Một người lính Nga bị thương ở tỉnh Kursk đã kể lại cách thức anh ta được cứu sống nhờ lòng nhân ái của một người điều khiển UAV của Ukraine như thế nào. Anh ta đang rất cần thức ăn và nước uống và đã được một người điều khiển UAV Ukraine cứu sống trong một hành động đầy cảm động.

Người lính Nga đã trốn bên trong một hầm trú ẩn và ở đó trong bảy ngày sau một cuộc tấn công bất thành vào quân đội Ukraine.

Một máy bay điều khiển từ xa tấn công từ tiểu đoàn K-2 của Kyiv đang rà soát các chiến hào của quân Nga ở tiền tuyến thì phát hiện ra người lính Nga.

Anh ta rất cần thức ăn và nước uống và phải bò ra ngoài sau khi các nguồn lực có sẵn bên trong chiến hào đã cạn kiệt.

Người lính Nga muốn đầu hàng và chắp tay cầu xin lòng thương xót.

Anh ta kiệt sức đến mức không thể đi lại được nữa và đã yêu cầu phi công máy bay điều khiển từ xa người Ukraine cho anh ta một ít nước.

Và thay vì giết anh ta, người điều khiển UAV Ukraine đã quyết định cứu mạng anh ta.

Những cảnh quay ấm lòng cho thấy máy bay điều khiển từ xa thả một chai nước thay vì một quả bom để giúp đối phương bị thương.

Cùng với chai nước là một tờ giấy ghi chỉ dẫn yêu cầu anh di chuyển dọc theo chiến hào và đầu hàng.

Tờ giấy ghi: “Hãy theo dõi máy bay điều khiển từ xa ở đầu chiến hào.”

Đoạn phim cho thấy người lính tiền tuyến của Nga di chuyển dọc theo máy bay điều khiển từ xa với mục đích đầu hàng quân đội Ukraine.

Sự việc xảy ra sau khi một người lính Ukraine tiết lộ cách thức anh ta bắt được 28 tù binh chiến tranh người Nga sau khi chĩa súng xe tăng vào hầm trú ẩn kiên cố của họ ở Kursk.

Trung sĩ Maksim, 35 tuổi, từng làm đầu bếp trên một tàu chở dầu của Anh trước khi ghi danh tham gia bảo vệ quê hương khi Vladimir Putin xâm lược nước này hai năm rưỡi trước.

Anh cho biết những người lính Nga sợ hãi giơ súng lên cao trên đầu như một hành động tượng trưng cho sự đầu hàng khi xe tăng tiến về phía họ.

Anh nói thêm: “Họ giơ vũ khí lên để thể hiện sự đầu hàng, sau đó chúng tôi chĩa súng lên cao để thể hiện rằng chúng tôi chấp nhận.”

“Sau đó tôi nói chuyện với chỉ huy của họ và nói rằng chúng tôi sẽ bảo đảm an toàn cho họ và họ sẽ không bị giết.

“Họ đã được chuyển đến Ukraine.”

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết quân đội đã bắt được 594 tù binh chiến tranh Nga trong ba tuần đầu tiên của cuộc tấn công chớp nhoáng.

Trong khi đó, Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh bao gồm tra tấn và giết hại dã man binh lính địch theo cách vi phạm Công ước Geneva.

Chỉ vài ngày trước, một số binh lính Nga bị bệnh đã hành quyết một người lính Ukraine không có vũ khí bằng một thanh kiếm có khắc những dòng chữ rùng rợn.

Những bức ảnh kinh dị cho thấy cảnh tượng đẫm máu khi thi thể của tù nhân chiến tranh bị vứt ra ngoài với lưỡi dao cắm sâu vào ngực.

Vũ khí này - có chuôi dao cầu kỳ mô phỏng theo con dao của thây ma - có dòng chữ “Vì Kursk” được viết nguệch ngoạc trên lưỡi dao.

Những dòng chữ này ám chỉ đến cuộc xâm lược đang diễn ra của Ukraine vào Nga, nơi họ đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn từ tay Putin.

Vụ hành quyết tàn bạo này là ví dụ mới nhất về sự man rợ của người Nga, sau khi binh lính bị đánh chết bằng búa tạ.

Tháng trước, một chiến binh Nga đã được nhìn thấy đang “vung chiếc đầu bị cắt đứt của một người lính Ukraine bị đóng cọc”.

Cũng trong tháng 8, một tù nhân chiến tranh người Ukraine bị tình nghi đã được chụp ảnh với đầu, tay và chân bị chặt rời.

Các video đã chiếu cảnh hành quyết tù binh chiến tranh không vũ trang và bị trói.

Vào tháng 6, đầu của một chiến binh Ukraine được cho là đã được quân xâm lược Nga đặt lên một chiếc xe thiết giáp bị hư hại do chiến tranh.

Và Nhóm Wagner khét tiếng của Putin tự hào thực hiện các vụ hành quyết bằng búa tạ.

Họ thậm chí còn gửi một vũ khí dính máu tới Liên Hiệp Âu Châu như một lời chế giễu bệnh hoạn trong bối cảnh phương Tây vẫn đang tiếp tục ủng hộ Ukraine.

[The Sun: MERCY MISSION Stirring moment Ukrainian drone pilot takes pity on wounded Russian…replacing bomb with water and guiding him to safety]

3. Điện Cẩm Linh đã kéo thủy thủ ra khỏi Hàng Không Mẫu Hạm cũ nát 'Đô đốc Kuznetsov' và đưa họ đến chiến đấu và chết ở Ukraine

Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov, Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của hải quân Nga, đã không được triển khai trong tám năm—và ngày càng không có khả năng nó sẽ được triển khai lần nữa. Điều đó giúp giải thích tại sao, trong những tháng gần đây, Điện Cẩm Linh được cho là đã điều động lại các thủy thủ già nua của con tàu này cho bộ binh—và đưa họ vào trận chiến ở Ukraine.

Đây là một tiết lộ gây sửng sốt, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân lực của quân đội Nga khi cuộc chiến tranh lớn hơn của Nga với Ukraine đang tiến tới tháng thứ 31—và cũng nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của các tàu chiến lớn nhất của hải quân Nga, phần lớn là đồ cổ còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nhà phân tích nguồn mở Moklasen lần đầu tiên báo cáo về việc tái phân công một số trong số khoảng 1.500 thủy thủ đoàn của Kuznetsov nặng 58.000 tấn. Các thủy thủ đã thành lập một tiểu đoàn cơ giới được gọi là tiểu đoàn Kuznetsov trong Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, Moklasen kết luận sau khi tìm kiếm manh mối trên phương tiện truyền thông xã hội của Nga.

Tiểu đoàn Kuznetsov đã chiến đấu quanh Kharkiv ở miền bắc Ukraine trước khi chuyển sang trục Pokrovsk ở phía đông. Moklasen suy đoán rằng ít nhất một cựu thủy thủ đoàn Hàng Không Mẫu Hạm, Oleg Sosedov, đã mất tích trong một cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv vào ngày 23 tháng 7, vì người ta thấy sĩ quan này xuất hiện gần đây trong một chương trình của UkrInform nói về tình cảnh bi thảm của các thủy thủ khi bị bắt buộc trở thành lính bộ binh và bị ném ngay vào một trân chiến căng thẳng nhất hiện nay.

Việc người Nga rõ ràng đang kéo người từ Kuznetsov không có gì đáng ngạc nhiên. Điện Cẩm Linh đang thực hiện các biện pháp cực đoan để huy động 30.000 quân mới mà họ cần mỗi tháng chỉ để thay thế tổn thất trên chiến trường—bị giết, bị thương và bị bắt—ở Ukraine.

Giải pháp thay thế cho việc chuyển thủy thủ đoàn của các con tàu thành lính bộ binh có thể là lệnh tuyển quân toàn quốc, điều này sẽ gây rủi ro về mặt chính trị cho chế độ của Putin.

Và bên cạnh đó, chiếc Kuznetsov ọp ẹp này sẽ không trở lại biển. Chiếc Hàng Không Mẫu Hạm 39 tuổi này được chính Vladimir Putin quảng cáo hôm 30 Tháng Bẩy, 2023, ngày Hải Quân Nga, là sẽ rời cảng Murmansk, miền bắc nước Nga, vào mùa xuân năm nay, lần đầu tiên sau tám năm. Nhưng, Hàng Không Mẫu Hạm vẫn nằm trên bến tàu ở Murmansk, miền bắc nước Nga.

Kuznetsov chỉ hoàn thành bảy chuyến tuần tra kể từ khi hạ thủy năm 1985 và đưa vào lực lượng hải quân Liên Xô sáu năm sau đó. Trong lần triển khai gần đây nhất của Hàng Không Mẫu Hạm này, ngoài khơi bờ biển Syria năm 2016, phi đội không quân của nó đã mất hai trong số 24 máy bay phản lực do tai nạn chỉ trong vòng ba tuần.

Vụ tai nạn này là vụ đầu tiên trong một loạt dài các sự việc gần đây. Hai năm sau vào tháng 10 năm 2018, Kuznetsov đã bị hư hại nghiêm trọng khi ụ tàu khô PD-50 bị chìm trong khi Hàng Không Mẫu Hạm đang trên tàu để sửa chữa. Sau đó, vào tháng 12 năm 2019, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên chính Kuznetsov.

Các nhà lãnh đạo hạm đội đã cân nhắc việc cho ngừng hoạt động con tàu bị hư hại. Thật không thể tin được, Điện Cẩm Linh đã chọn sửa chữa và hiện đại hóa Kuznetsov. Kế hoạch vào thời điểm đó là Kuznetsov sẽ quay trở lại biển vào năm 2022. Nhưng một vụ hỏa hoạn khác đã xảy ra vào tháng 12 năm 2022. Gần hai năm sau, Hàng Không Mẫu Hạm vẫn bị kẹt trong ụ tàu.

Bất kỳ lực lượng hải quân nào khác trên thế giới đều có thể cắt giảm chi phí bằng cách cho Hàng Không Mẫu Hạm bị cháy xém ngừng hoạt động và đóng một Hàng Không Mẫu Hạm mới để thay thế. Nhưng ngành công nghiệp của Nga có lẽ không có khả năng chế tạo một tàu thay thế trực tiếp cho Kuznetsov hoặc bất kỳ tàu chiến lớn nào khác—đó là lý do tại sao rất nhiều tàu lớn hơn của hạm đội Nga là tàu cũ của Liên Xô với nhiều thập niên hao mòn trên thân tàu và máy móc.

“Vấn đề chính là động cơ”, Pavel Luzin, một chuyên gia quân sự tại Đại học Perm của Nga cho biết. Các nhà máy của Ukraine đã chế tạo hầu hết các động cơ hàng hải lớn cho hải quân Liên Xô. Không cần phải nói, người Ukraine không còn xuất khẩu những động cơ này sang Nga nữa. Và người Nga đã phải vật lộn để thiết lập sản xuất tại địa phương các thiết bị tương tự.

Vì vậy, Kuznetsov bị đóng khuôn, ngày càng thiếu thủy thủ đoàn và ngày càng có khả năng trở thành cư dân thường trú của bờ biển Murmansk. Và các thủy thủ của nó đang chiến đấu, và đang chết, ở Ukraine—nạn nhân của cùng một cuộc chiến tranh xâm lược đã tước đi của Kuznetsov máy móc hạng nặng mà nó cần để tiếp tục ra khơi.

[Forbes: The Kremlin Pulled Sailors Off The Decrepit Aircraft Carrier ‘Admiral Kuznetsov’ And Sent Them To Fight, And Die, In Ukraine]

4. SBU tuyên bố nhóm tình báo Nga âm mưu 'chiếm đoạt quyền lực bằng bạo lực ở Odessa' đã bị ngăn chặn

Một “nhóm chiến đấu” hoạt động theo lệnh của Nga đã bị vô hiệu hóa khi đang chuẩn bị “chiếm giữ quyền lực một cách bạo lực ở Odessa”.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 23 Tháng Chín, phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko cho biết nhóm này ban đầu đã lên kế hoạch chiếm giữ các tòa nhà hành chính và cơ quan nhà nước trong thành phố khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Bài báo cho biết rằng sau khi cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa thất bại, nhóm này được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB chỉ thị ẩn mình và chờ đợi chỉ dẫn tiếp theo.

Sau đó, nó được kích hoạt lại vào mùa hè nhưng đã bị SBU phát hiện ngay sau đó.

SBU cho biết thủ lĩnh của nhóm - một người đàn ông 49 tuổi, người Ukraine gốc Nga, trước đây sống ở Crimea và chuyển đến Odesa sau khi Nga sáp nhập bán đảo này bất hợp pháp vào năm 2014 - và “cánh tay phải” của ông ta đã bị bắt giữ.

Cơ quan này cho biết trong khi các cuộc điều tra, họ đã phát hiện “70 khẩu súng có kính ngắm quang học và đạn dược, cũng như áo giáp, mũ bảo hiểm, kính bảo vệ chống đạn và các thiết bị chiến thuật khác”.

Theo SBU, thủ lĩnh của nhóm đã chiêu mộ được “hơn hai chục” người.

“Hiện tại, tất cả bọn họ đều đang bị điều tra và các biện pháp toàn diện đang được tiến hành để đưa họ ra trước công lý vì những tội ác chống lại Ukraine”, SBU cho biết thêm.

Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù.

Trong số 36 triệu 661 ngàn dân, có đến 17.3% là người gốc Nga mà Liên Xô đã di dân sang Ukraine và con cháu của họ.

[Kyiv Independent: Russian sleeper cell plotting 'violent seizure of power in Odesa' thwarted, SBU claims]

5. Nhật Bản cảnh báo máy bay quân sự Nga, lần đầu tiên sử dụng pháo sáng

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết Nhật Bản đã điều động chiến đấu cơ và sử dụng pháo sáng để cảnh báo một máy bay quân sự của Nga xâm phạm không phận Nhật Bản vào hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín.

Việc vi phạm không phận có thể liên quan đến cuộc tập trận quân sự chung mà Nga và Trung Quốc dự kiến tham gia vào tháng 9.

Một máy bay trinh sát Il-38 của Nga đã xâm nhập không phận Nhật Bản trên đảo Rebun, ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản, Kihara nói với các phóng viên. Máy bay đã vi phạm không phận Nhật Bản ba lần, mỗi lần lên đến một phút, trong suốt chuyến bay kéo dài năm giờ trong khu vực.

Để đáp trả, Nhật Bản đã điều động các chiến đấu cơ F-15 và F-35, sử dụng pháo sáng sau khi máy bay Nga phớt lờ cảnh báo trước đó.

Sự việc này đánh dấu lần đầu tiên máy bay Nhật Bản sử dụng pháo sáng để cảnh báo máy bay quân sự Nga.

“Việc vi phạm không phận là vô cùng đáng tiếc”, Kihara nói. Ông cũng cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Mạc Tư Khoa thông qua các kênh ngoại giao.

“ Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động cảnh báo và giám sát trong khi theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của họ,” Kihara cho biết.

Ông cho biết máy bay Nga không tham gia vào hoạt động đặc biệt nguy hiểm nào khi bay vào không phận Nhật Bản.

Đầu tháng 9, máy bay Il-38 của Nga và các máy bay quân sự khác đã bị phát hiện và theo dõi ở Vùng nhận dạng phòng không Alaska, gọi tắt là ADIZ ở Bắc Mỹ, mặc dù các máy bay này không vi phạm không phận Hoa Kỳ hoặc Canada.

Vào tháng 7 năm 2024, Hoa Kỳ và Canada đã điều động chiến binh để chặn các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc ở AD

[Kyiv Independent: Japan warns off Russian military plane, uses flares for first time]

6. Zelenskiy gặp phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ, kêu gọi tiếp tục ủng hộ và phác thảo kế hoạch chiến thắng của Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp phái đoàn lưỡng đảng của quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 9, bao gồm các Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Dan Sullivan, Chris Murphy và Dân biểu Gregory Meeks, để bày tỏ lòng biết ơn vì sự ủng hộ quan trọng của họ đối với Ukraine.

Ông đã cập nhật cho họ về tình hình an ninh hiện tại của Ukraine và những thách thức dự kiến trong năm tới.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng “hành động quyết đoán ngay bây giờ có thể đẩy nhanh tiến trình kết thúc chiến tranh một cách công bằng”, đồng thời nói thêm rằng Kế hoạch Chiến thắng của Ukraine nhằm mục đích mang lại hòa bình.

“Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tự do trên toàn thế giới,” Zelenskiy viết trên X, cảm ơn Quốc hội vì cam kết không lay chuyển của họ.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã họp tại Thành phố New York vào ngày 23 tháng 9 cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79. Zelenskiy, người đã đến Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 9, đang tận dụng cơ hội này để ủng hộ “kế hoạch chiến thắng” của mình và hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu lần thứ hai của Ukraine.

Zelenskiy dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chiến thắng với Tổng thống Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 26 tháng 9. Ông cũng có kế hoạch thảo luận về kế hoạch này với các ứng cử viên tổng thống Ông Donald Trump và Kamala Harris.

[Kyiv Independent: Zelensky meets US congressional delegation, urges continued support and outlines Ukraine’s victory plan]

7. Kế hoạch chiến thắng của Volodymyr Zelenskiy cho Ukraine: 3 điểm chính cần ghi nhớ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ trình lên Washington một loạt đề xuất trong tuần này mà ông hy vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến mà Vladimir Putin đã phát động.

Tổng thống Zelenskiy sẽ tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York và sau đó tới Washington, nơi ông sẽ trình bày một “kế hoạch chiến thắng” cho Tổng thống Hoa Kỳ, Quốc hội và hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống là Kamala Harris và Ông Donald Trump.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng tổng thống Ukraine để xin bình luận về các chi tiết trong kế hoạch của Zelenskiy, hiện vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng ba yếu tố chính đã xuất hiện dựa trên các tuyên bố công khai của ông:

Lực lượng Nga đã duy trì đà tiến ở phía đông Ukraine trong hầu hết năm nay. Điện Cẩm Linh cũng đã bác bỏ công thức hòa bình 10 điểm của Zelenskiy, trong đó có yêu cầu rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Nhưng một nguồn tin thân cận với Zelenskiy nói với tờ Kyiv Independent rằng kế hoạch chiến thắng sẽ buộc Putin không được phép phớt lờ công thức hòa bình hay hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt chiến tranh nữa.

Leon Hartwell, cộng sự cao cấp tại tổ chức tư vấn LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn, cho biết: “Tiền đề cốt lõi của kế hoạch này là sự thừa nhận rằng Nga, dưới thời Tổng thống Putin, đã không tiếp cận các cuộc đàm phán một cách thiện chí”.

“Trong khi Putin tuyên bố cởi mở đối thoại, Mạc Tư Khoa vẫn cam kết giành chiến thắng trên chiến trường”, ông nói với Newsweek, “việc từ chối đàm phán chấm dứt chiến tranh xuất phát từ niềm tin của Nga rằng họ vẫn có thể giành chiến thắng về mặt quân sự”.

Hartwell tin rằng một giải pháp trong điều kiện hiện tại sẽ quá tốn kém và do đó Zelenskiy có ý định thay đổi cán cân quyền lực, cả trên chiến trường và trong các cuộc đàm phán trong tương lai, đồng thời từ chối giao nộp bất kỳ vùng đất nào của Ukraine.

Các quan chức Ukraine đã bác bỏ các báo cáo cho rằng lệnh ngừng bắn bao gồm một lệnh ngừng bắn một phần và Tổng thống Zelenskiy cho biết vào ngày 18 tháng 9, sẽ không có việc đóng băng chiến tranh hoặc động thái nào khiến Nga tập hợp lại và khởi động lại hành động xâm lược sau này.

Trong khi đó, cuộc tấn công của Kyiv vào khu vực Kursk của Nga, nơi được cho là đã chiếm được 1.300km vuông, đã tạo ra một con bài mặc cả về lãnh thổ mà Ukraine muốn giữ lại.

Hartwell cho biết: “Zelenskiy biết rằng vị thế của Ukraine trong chiến đấu càng mạnh thì cơ hội giành được các điều khoản có lợi trên bàn đàm phán càng cao”.

Ukraine không được kết nạp vào NATO và các liên minh quốc tế khác một phần là do bất đồng giữa các đồng minh. Nhưng tờ báo Anh The Times đưa tin rằng một phần trong kế hoạch chiến thắng của Zelenskiy sẽ là các bảo đảm an ninh theo hiệp ước phòng thủ chung của các thành viên liên minh.

Tờ báo cũng cho biết Zelenskiy muốn chống lại các chính sách cho rằng chiến tranh có thể kết thúc bằng cách nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với cơ quan truyền thông này rằng kết quả của cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11 là một yếu tố quan trọng trong các tính toán của Putin về các cuộc đàm phán, và vì thế, bất kể các tổn thất kinh hoàng, Putin quyết định vẫn tiếp tục cuộc xâm lược để chờ xem kết quả của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ sẽ diễn ra như thế nào.

Tổng thống Biden, Harris và Ông Trump “có thể sẽ thận trọng về việc cam kết hỗ trợ quân sự quá mức trong thời gian chuẩn bị cho tháng 11”, Hartwell cho biết. “Sự bất ổn chính trị này có thể làm suy yếu niềm tin của Zelenskiy vào viện trợ quân sự liên tục của Hoa Kỳ”.

Chuyến thăm của Zelenskiy trùng với nỗ lực của Tòa Bạch Ốc nhằm chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới trị giá 375 triệu đô la cho Kyiv. Ukraine muốn tiếp tục hỗ trợ này nhưng cũng muốn xin phép Hoa Kỳ tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng các loại vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp như hỏa tiễn đạn đạo phóng từ mặt đất ATACMS, mà Washington đã không cấp phép vì lo ngại leo thang.

Ukraine cho biết họ cần phải tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga như các phi trường nơi xuất phát các chiến đấu cơ có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường từ sâu trong lãnh thổ Nga.

Hartwell cho biết: “Câu hỏi chính vẫn là liệu Zelenskiy có thể bảo đảm được sự ủng hộ cần thiết của Hoa Kỳ cho các biện pháp này hay không”. “Hơn nữa, liệu Putin có coi mối đe dọa về một cuộc tấn công tăng cường của Ukraine là đủ đáng sợ để thúc đẩy ông ta đàm phán không? Cho đến nay, người ta có thể thấy rõ con số thương vong kinh hoàng của lính Nga không phải là đủ đáng sợ đối với Putin.”

Zelenskiy được tờ The New Yorker hỏi về sự thay đổi trong cách diễn đạt, khi trước đây ông nói về “chiến thắng hoàn toàn” cho Ukraine và việc quay trở lại biên giới năm 1991, nhưng nay chuyển sang cởi mở hơn với các cuộc đàm phán thông qua các hội nghị thượng đỉnh hòa bình.

Nhưng khi định nghĩa chiến thắng cho Kyiv, Zelenskiy nói với cơ quan truyền thông này rằng đó sẽ là điều gì đó “có kết quả làm hài lòng tất cả mọi người—những người tôn trọng luật pháp quốc tế, những người sống ở Ukraine, những người mất đi người thân và họ hàng”.

Hartwell cho biết: “Kế hoạch của Zelenskiy cũng có khả năng nhấn mạnh đến hậu quả khủng khiếp của việc không hành động ngay bây giờ. Một cuộc chiến kéo dài sẽ dẫn đến hàng triệu người chết và cuối cùng có thể nghiêng cán cân về phía Nga.”

[Newsweek: Volodymyr Zelensky's Victory Plan for Ukraine: 3 Key Takeaways]

8. Kyiv tấn công hơn 200 mục tiêu quân sự ở Nga bằng máy bay điều khiển từ xa trong vòng một năm qua

Hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết Ukraine đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn 200 cơ sở quân sự tại Nga trong năm qua bằng công nghệ “bầy đàn máy bay điều khiển từ xa”.

“Ngày nay, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine bay hơn 1.000 km, đến tận Murmansk và khu vực Volga, phá hủy các nhà máy lọc dầu và phi trường của Nga”

Bộ trưởng cho biết thêm rằng trong số các mục tiêu của lực lượng Ukraine có các trung tâm điều khiển, phi trường, tàu thuyền, hệ thống phòng không và căn cứ quân sự của Nga.

Theo Bộ trưởng, Ukraine đã tăng cường năng lực quân sự tầm xa của mình “nhiều lần” trong năm nay. Đặc biệt, vào năm 2024, Bộ Quốc phòng đã ký hợp đồng mua máy bay điều khiển từ xa trị giá hơn 21 tỷ hryvnia /hơ-riv-ni-a/ hay 507,6 triệu đô la, và đạn dược cho máy bay điều khiển từ xa trị giá 9 tỷ Hr hay 217,5 triệu đô la.

Umerov cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa gần đây của Ukraine đã buộc Nga phải di dời máy bay của mình đến các phi trường cách biên giới Ukraine-Nga 250 km.

Quân đội Ukraine đã chứng tỏ mình là người tiên phong trong công nghệ máy bay điều khiển từ xa, sử dụng những cách thức sáng tạo để làm suy yếu lợi thế về đạn dược và nhân sự của Nga.

Máy bay điều khiển từ xa đã được sử dụng để đâm vào trực thăng của Nga hoặc thả kim loại nóng chảy xuống các vị trí trên mặt đất, trong khi thuyền điều khiển từ xa của hải quân là thành phần chủ chốt trong việc đảo ngược sự thống trị của Nga ở Hắc Hải.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng số lượng các cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Nga. Ukraine đã sử dụng hơn 100 máy bay điều khiển từ xa trong một số cuộc tấn công gần đây chống lại Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, giải thích vào chiều Chúa Nhật, 22 Tháng Chín, rằng Nga có 3 kho vũ khí, đạn dược lớn được xây dựng rất kiên cố để có thể chịu được ngay cả các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Kho thứ nhất, và cũng là kho lớn nhất, được đặt tại tại thị trấn Toropets, ở tỉnh Tver, phía tây nước Nga, cách Ukraine 483 km. Kho này đã bị tấn công vào ngày 18 Tháng Chín.

Kho thứ hai, được đặt tại Tikhoretsk ở Krasnodar Krai, miền Nam nước Nga, cách Ukraine 322km, đã bị tấn công vào hôm Thứ Bẩy, 21 Tháng Chín. Cũng trong ngày 21 Tháng Chín, quân Ukraine còn tấn công vào một kho vũ khí, đạn dược khác ở Oktyabrsky trong tỉnh Tver, gần với kho Toropets. Trong bảng xếp hạng của Nga, kho vũ khí, đạn dược ở Oktyabrsky xếp thứ 23.

[Kyiv Independent: Ukraine war latest: Kyiv hits over 200 military targets in Russia using drones within a year]

9. Nga có thể lắp đặt Wi-Fi trên máy bay vào năm 2028

Các hãng hàng không nhà nước Nga hy vọng có thể cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên máy bay của mình — nhưng vẫn còn phải mất nhiều năm nữa.

Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số Nga Maksut Shadayev trả lời hãng thông tấn nhà nước Nga TASS rằng Wi-Fi trên máy bay Nga sẽ trở nên phổ biến vào năm 2028.

“Chúng tôi đã ký một thỏa thuận tương ứng và tôi nghĩ hành khách muốn có nó. Đây là một dịch vụ được yêu cầu. Tôi cũng muốn nó miễn phí cho hành khách, vì hiện tại nó đang được triển khai trên toàn thế giới”, Giám đốc của Aeroflot Sergei Alexandrovsky cho biết hôm thứ Hai tại Diễn đàn Giao thông Kỹ thuật số ở Mạc Tư Khoa, rằng việc dịch vụ này có miễn phí hay không sẽ phụ thuộc vào các nhà khai thác.

Tuy nhiên, việc cung cấp quyền truy cập internet trên các chuyến bay có thể là nói thì dễ hơn là thực hiện.

Các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược toàn diện của nước này vào Ukraine có nghĩa là các hãng hàng không Nga đã mất quyền tiếp cận dịch vụ nâng cấp và phụ tùng thay thế.

Internet trên máy bay lần đầu tiên được các hãng hàng không phương Tây giới thiệu cách đây khoảng 20 năm. Khi đó, nó chỉ dành cho các khách mua vé hạng sang. Ngày nay, Wifi đã phổ biến và đa số các chuyến bay có Wifi miễn phí.

[Politico: Russia may get Wi-Fi on its planes … in 2028]

10. Đan Mạch đóng góp 19,5 triệu đô la để khôi phục hệ thống năng lượng của Ukraine

Theo tuyên bố của Bộ Năng lượng Đan Mạch ngày 23 tháng 9, chính phủ Đan Mạch đã phân bổ 130 triệu kroner Đan Mạch, hay 19,5 triệu đô la, để khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine sau các cuộc tấn công hàng loạt của Nga.

Nga đã tiến hành chín cuộc tấn công phối hợp vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ tháng 3 đến tháng 8, tấn công các cơ sở tại 20 khu vực.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, gọi tắt là IEA, tình trạng thiếu điện của Ukraine có thể lên tới 6 gigawatt vào mùa đông năm nay, tương đương khoảng một phần ba nhu cầu cao điểm dự kiến. Mùa hè năm nay, tình trạng thiếu điện là 2,5 GW khi Kyiv đã trải qua tình trạng mất điện kéo dài.

Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Lars Aagaard đã công bố khoản viện trợ tài chính mới cho Ukraine vào ngày 23 tháng 9 tại New York trong cuộc họp của nhóm công tác G7 về an ninh năng lượng của Ukraine, cuộc họp cũng có sự tham gia của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha, tuyên bố cho biết.

Khoản đóng góp mới của Đan Mạch để hỗ trợ hệ thống năng lượng của Ukraine là một trong những khoản đóng góp lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia này. Bộ này cho biết, khoản tiền này sẽ được sử dụng để thực hiện các biện pháp khẩn cấp, cũng như mua thiết bị và phụ tùng thay thế nhằm khôi phục an ninh nguồn cung cấp năng lượng.

“Nga đang vi phạm các quy tắc chiến tranh bằng các cuộc tấn công ồ ạt vào hệ thống cung cấp điện và nhiệt của Ukraine. Khi mùa đông đến gần, nhiều ngôi nhà của Ukraine sẽ không có nhiệt và điện”, Aagaard cho biết.

“Ngoài ra, những người lao động bình thường trong ngành năng lượng, những người đang làm công việc của mình bất chấp mọi khó khăn, đang bị nhắm tới. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để làm cho hệ thống năng lượng của Ukraine trở nên mạnh mẽ nhất có thể”, ông nói thêm.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko và Aagaard đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh học. Cùng tháng đó, Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine 5,8 triệu đô la cho cơ sở hạ tầng năng lượng.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, các công ty Đan Mạch đã chuyển thiết bị năng lượng sang Ukraine bốn lần thông qua Cơ quan Năng lượng Đan Mạch.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel), là cơ quan theo dõi viện trợ quốc tế cho Ukraine, Đan Mạch đã cung cấp gần 9,5 tỷ đô la cho Ukraine, trở thành nhà tài trợ tài chính lớn thứ hai tính theo tỷ lệ phần trăm GDP.

[Kyiv Independent: Denmark contributes $19.5 million to restore Ukraine's energy system]
 
Thánh Ca
Em Và Chiếc Cầu Đã Sập
Phạm Trung
06:02 24/09/2024