Ngày 15-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Anh em bảo thầy là ai? - CN XXIV QN B
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:58 15/09/2018
Anh em bảo thầy là ai? - CN XXIV QN B (Is 50:5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ Người ở Xêdarê Phillipê. Người hỏi họ rằng người ta nói Thầy là ai? Cả ba Tin Mừng đều ghi lại câu trả lời của Phêrô rằng: “Thầy là Đấng Kitô.”
Mátthêu thêm: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), tuy nhiên nó có thể là một sự bày tỏ vì niềm tin của Giáo Hội sau Phục Sinh.
Chẳng mấy chốc tước hiệu “Đức Kitô” trở thành tên thứ hai của Chúa Giêsu. Nó được nói đến hơn 500 lần trong Tân Ước, hầu như luôn theo hình thức kết hợp “Chúa Giêsu Kitô” hoặc là “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

1- Từ Đấng Kitô như một vị vua
Tuy nhiên, ngay từ ban đầu không phải như thế. Có một động từ nối giữa Giêsu và Kitô: “Chúa Giêsu là Đấng Kitô.” Gọi “Đấng Kitô không phải để gọi theo tên riêng Người, nhưng để khẳng định về vai trò của Người.
Chúng ta biết từ Kitô trong bản dịch Hy Lạp từ tiếng Do Thái là Mashiah, hoặc là Messiah, và cả hai từ này có nghĩa là Đấng “được xức dầu.”
Hạn từ này phát xuất từ sự kiện trong Cựu Ước khi các vua, các ngôn sứ và các tư tế, từ lúc được chọn, họ được thánh hiến nhờ việc xức dầu với dầu thơm. Họ là những người được xức dầu (kitô).
Nhưng rõ ràng dần dần trong Kinh Thánh người ta nói về một Đấng được xức dầu, hay được thánh hiến cách đặc biệt, Đấng đó sẽ đến vào thời cuối cùng để thực hiện những lời Thiên Chúa hứa về ơn cứu độ cho dân Người. Nó là cái được gọi Cứu Thế luận theo Kinh Thánh (the biblical messianism) vốn mang một màu sắc khác biệt, theo đó, Đấng Messia được nhìn với tư cách như là một vị vua tương lai (Cứu Thế luận hoàng gia) hoặc giống như thị kiến của Đanien về Con Người (Cứu Thế luận khải huyền).
Toàn thể truyền thống tiên khởi của Giáo Hội đều đồng thuận khi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là Đấng Messia được chờ đợi. Theo Máccô, chính Người sẽ loan báo về mình như thế trước Công Nghị Do Thái, để trả lời cho câu hỏi của vị Thượng Tế: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? Đức Giêsu trả lời: Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61).
Vì thế, để tránh sự hiểu lầm và rối rắm liên quan cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ ở Xêdarê Philipphê, “Đức Giêsu liên cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.”
Tuy nhiên, lý do là quá rõ ràng. Chúa Giêsu chấp nhận được đồng hóa mình với Đấng Messia được trông chờ, nhưng không theo ý tưởng mà Do Thái Giáo đã tạo nên về Đấng Messia. Theo quan niệm đang thịnh hành, Đấng Messia được nhìn và trông chờ như một nhà lãnh đạo chính trị và quân đội, Đấng đến để giải thoát Ítraen khỏi sự đô hộ ngoại bang và thiết lập triều đại Thiên Chúa trên trái đất bằng sức mạnh quân sự.

2- Đến Đấng Kitô như một tôi tớ đau khổ
Chúa Giêsu phải điều chỉnh lại tận căn ý tưởng này, mà chính các Tông Đồ Người cũng quan niệm, trước khi cho phép họ nói về Người như là Đấng Messia. Nên ngay lập tức, Người hướng tới cuộc trao đối tới mục đích này: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.”
Nghe những lời rất chói tai này, Phêrô liền can ngăn Người ra khỏi những tư tưởng như thế. Nhưng Chúa Giêsu trách ông Phêrô: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” Chỗ của môn đệ là ở đằng sau Thầy; nhiệm vụ của môn đệ là đi theo Người. Ông Phêrô đã rời chỗ đó, nghĩa là đã không đi theo Người, đã không cùng đi trên con đường Thương Khó và Phục Sinh. Những lời của Phêrô giống với những lời của Ma quỷ cám dỗ Người nơi sa mạc.
Quả thật, cả Phêrô lẫn Xatan đều muốn cám dỗ Đức Giêsu thoát khỏi con đường mà Chúa Cha đã chỉ định cho Người – đó là con đường người Tôi Tớ đau khổ của Giavê (bài đọc I) – để đi vào con đường khác theo “tư tưởng của loài người, chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa.” Nhưng Đức Giêsu đã thẳng thắn khước từ cám dỗ đó và chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại.
Thật vậy, ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang lại sẽ đến từ việc tự hiến chính mình, từ “việc hiến ban sự sống người làm giá chuộc cho nhiều người,” chứ không phải từ việc triệt tiêu các kẻ thù. Theo cách thức này, Người chuyển đổi từ ơn cứu độ tạm thời thành nguồn ơn cứu độ đời đời, từ nguồn ơn cứu độ riêng biệt – chỉ dành cho một dân tộc – Người hướng tới nguồn ơn cứu độ phổ quát dành cho hết mọi người.
Một cách đáng tiếc chúng ta phải nói rằng sai lầm của Phêrô đã tiếp tục lặp đi lặp lại trong lịch sử. Nhiều người kitô hữu trong Giáo Hội và cả những Giáo Hoàng, Đấng Kế Vị thánh Phêrô, nhiều lúc đã cư xử như thể Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này và đã củng cố bằng những chiến công (có khi bằng sức mạnh quân đội) để chiến thắng những kẻ thù, thay vì chọn lựa sống theo con đường hy sinh, thập giá và tử đạo.

3- Tin vào Đức Kitô
Lời Chúa luôn thức thời, nhưng cuộc đối thoại ở Xêdarê Philiphê thì lại có tính thời sự theo một cách thế hoàn toàn đặc biệt. Ngày nay, hoàn cảnh đã thay đổi. Con người có những quan điểm rất khác nhau về Chúa Giêsu: như một tiên tri, một bậc thầy vĩ đại, một nhân cách cao cả. Nhiều lúc người ta còn trình bày một Đức Giêsu như một nhân vật rất hấp dẫn qua phim ảnh hay tiểu thuyết, nhưng hình ảnh đó lại rất xa lạ với Tin Mừng. Nếu Chúa Giêsu có mặt hôm nay với chúng ta, chắc chắn Người không ngạc nhiên bởi những quan niệm như thế. Nhưng Người cũng đặt ra câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải có những điều kiện sau đây:
Trước hết, chúng ta cần đến ơn Chúa, hay nói đúng hơn là cần có một cú nhảy của đức tin. Bởi lẽ tin vào Chúa Giêsu không phải do kết quả của sự khôn ngoan, thông thái đến từ con người, nhưng đúng ra đó là một hồng ân đến từ Thiên Chúa.
Thứ đến, chúng ta cần có sự gặp gỡ cá vị, gắn bó mật thiết và bước theo Người. Vì thế, liền sau đó, Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Đây là điều kiện để theo Chúa và nên giống Chúa. Cũng như thánh Phêrô, chúng ta nói biết Chúa, nhưng nhiều lúc chúng ta không sẵn sàng chấp nhận con đường của Chúa. Chúng ta muốn vinh quang, nhưng phủ nhận thập giá.

Cuối cùng, chúng ta được mời gọi hiến mình phục vụ tha nhân. Bởi thế, trong bài đọc II, thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết’ (Gc 2,17). Nếu sống ích kỷ trên trần gian, thì sẽ chẳng còn gì, nhưng nếu sống quảng đại vì Chúa Kitô thì lại đạt tới mức tròn đầy. Đó là lời hứa phần thưởng đời đời cho chúng ta là những người đi theo Chúa. Amen!
 
Thánh lễ Chúa Nhật 24 Quanh Năm 16/9/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:43 15/09/2018
Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng:

1) Tôi yêu mến Chúa,

vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn,

vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi,

trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi,

và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi;

tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó.

Và tôi đã kêu cầu danh Chúa:

"Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"

3) Chúa nhân từ và công minh,

và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi.

Chúa gìn giữ những người chất phác;

tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần,

cho mắt tôi khỏi rơi lệ

và chân tôi không quỵ ngã.

Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa

trong miền đất của nhân sinh.

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

"Ðức tin không có việc làm là đức tin chết".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha thăm Palermo nhân dịp 25 năm Cha Puglisi bị mafia sát hại
Đặng Tự Do
01:05 15/09/2018
Nhân kỷ niệm đúng 25 năm ngày Chân phước Giuseppe “Pino” Puglisi chịu tử đạo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Palermo vào ngày thứ Bảy 15 tháng 9 để vinh danh vị mục tử đã bị sát hại tàn bạo vì đàn chiên của mình.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một địa điểm và một ngày quan trọng để rao giảng Niềm vui Phúc âm. Địa điểm lần này là Palermo, trên đảo Sicilia của Ý, địa bàn hoạt động của bọn mafia Cosa Nostra, một trong những băng đảng mafia khét tiếng nhất nước Ý. Ngày 15 tháng 9 năm 2018 — kỷ niệm 25 năm ngày Cha Pino Puglisi bị sát hại theo lệnh của tên trùm băng Cosa Nostra. Tại đây, Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ vinh danh Cha Puglisi tại Foro Italico, rồi ngài viếng thăm giáo xứ San Gaetano nơi Chân phước Puglisi đã từng sống và cũng chính là nơi ngài bị bắn chết. Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ Palermo, và với những người trẻ tuổi ở Piazza Politeama .

Chân phước Pino Puglisi là ai?

Cha Giuseppe (Pino) Puglisi sinh ngày 15 tháng 9 năm 1937 và bị ám sát vào đúng ngày sinh nhật 56 năm của ngài. Ngài bước vào chủng viện ở tuổi 16 và được thụ phong linh mục vào năm 1960. Sau khi được thụ phong linh mục, cha nhận được bài sai về làm mục vụ giới trẻ tại các giáo xứ ở Palermo. Năm 1970, ngài được bổ nhiệm làm cha sở một giáo xứ ở Godrano, cách Palermo khoảng 40 km. Ở đây, ngài đã phát triển một đường hướng mục vụ nhắm đến việc hòa giải trong gia đình. Sau đó, ngài trở về thủ phủ Palermo vào năm 1978 và nhận nhiệm vụ làm cha giáo trong chủng viện của tổng giáo phận, cũng như phụ trách về ơn gọi. Năm 1990, ngài bắt đầu nhiệm vụ cuối cùng của mình với tư cách là cha sở của San Gaetano, trong khu phố Brancaccio đầy tội ác của Palermo. Vùng này là địa bàn của tên trùm mafia Michele Greco, có biệt danh là “Papa” – “Giáo Hoàng” vì y có biệt tài làm trung gian thương lượng giải quyết các tranh chấp giữa các băng đảng mafia trên đảo Sicilia. Cha Puglisi có lần nói vui là “Tôi đã trở thành cha sở của giáo hoàng”.

Trung tâm chào đón của “Cha chúng ta”

Cha Puglisi đã thành lập một trung tâm vào năm 1991, và được khánh thành vào tháng Giêng năm 1993. Trung tâm này được gọi là trung tâm chào đón của “Cha chúng ta”. Đó là phản ứng của ngài trước tình trạng của địa phương nơi người cao niên thường bị bỏ rơi không ai chăm sóc, và thanh thiếu niên sa vào các mạng lưới mafia vì ít học hoặc thậm chí không biết chữ. Trong vùng không có nổi một trường trung học nào. Nghèo đói và thất nghiệp cao khiến cho hầu hết các giáo dân của Cha Puglisi trở thành con mồi của mafia địa phương. Các dịch vụ cho Cha Puglisi cung cấp ngày nay vẫn đang còn đang hoạt động đã hướng tới việc cung cấp các lợi ích vật chất và văn hóa thiếu thốn trong cuộc sống của người dân địa phương.

“Tôi đã mong đợi điều này”

Cha Puglisi sớm tạo ra một ảnh hưởng Kitô Giáo to lớn đối với giáo dân của ngài. Do đó, ngài trở thành mục tiêu của mafia, là những kẻ đã xem ngài như một mối đe dọa thực sự. Ngay cả sau một vài tai nạn và phá phách đã xảy ra với dụng ý rõ ràng nhằm đe dọa ngài, Cha Puglisi kiên quyết tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại mafia. Trong ngày sinh nhật thứ 56 của ngài, cũng là ngày cuối cùng của ngài trong cuộc sống dương thế, Cha Puglisi tất bật cử hành hai đám cưới, và lễ mừng sinh nhật của chính ngài với bạn bè. Dù thế, Cha Puglisi cũng đã dành thời gian tham dự một cuộc họp tại tòa thị chính Palermo để yêu cầu xây dựng một trường trung học tại Brancaccio. Trước tất cả những gì ngài đã làm cho đàn chiên của mình, mafia trả lời bằng cách gửi một tên giết mướn đến thanh toán ngài ngay vào tối sinh nhật. Theo lời khai của tay súng, Cha Puglisi biết những gì sẽ xảy đến với ngài, nhưng ngài vẫn chào hắn ta với một nụ cười và những lời này: “Tôi đã mong đợi điều này từ lâu!”

Cha Puglisi đã chết đúng theo những lời ngài đã mô tả trước đó:

Lễ toàn thiêu nghĩa là sự thiêu đốt toàn bộ sự tồn tại của một người trên bàn thờ thập tự giá. Đối với những ai tức giận đối với một xã hội mà họ coi là thù địch, điều cần thiết trên hết là làm chứng, qua những chứng tá có thể ghi khắc hy vọng trong lòng người đó, khiến người ấy hiểu rằng cuộc sống của anh ta đáng giá một cái gì đó chỉ khi nó được trao ra.

Ngày 25 tháng Năm, 2013, Đức Hồng Y Salvatore De Giorgi đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong chân phước tử đạo cho Cha Puglisi.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật một ngày sau đó, tức là hôm 26 tháng Năm, 2013, trước hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói về mafia và những hậu quả tiêu cực của nó.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang suy nghĩ với nỗi buồn về những người nam nữ, thậm chí cả trẻ em, đang bị khai thác bởi nhiều thứ mafia, là những kẻ bắt họ phải làm công việc khiến họ trở nên nô lệ, như mại dâm chẳng hạn, với rất nhiều áp lực xã hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải trái tim của họ, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa cho những người nam nữ mafia biết hoán cải”.

Đề cập đến Cha Puglisi, Đức Thánh Cha nói:

“Cha Giuseppe là một linh mục đầy gương mẫu. Ngài đã dâng hiến cuộc đời một cách đặc biệt cho công việc mục vụ giới trẻ, bằng cách giáo dục những người trẻ theo tinh thần Tin Mừng để mang họ ra khỏi thế giới của tội ác. Vì thế, Ngài đã bị chống đối và giết chết. Tuy vậy, trên thực tế, chính Ngài là người chiến thắng cùng với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tấm gương sáng ngời này, chúng ta hãy gìn giữ gương mẫu của ngài.”

Nhiều quan sát viên cho việc tuyên chân phước cho Cha Puglisi là một trong những biến cố có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21. Chân phước Puglisi là vị bổn mạng lý tưởng cho thế hệ tử đạo mới của Kitô Giáo. Con số Kitô hữu bị giết vì các lý do liên quan tới đức tin được ước lượng khoảng 100,000 mỗi năm, với hàng triệu người khác đang phải đối diện với đủ hình thức bách hại đầy bạo lực. Chân phước Puglisi là một biểu tượng đầy thuyết phục. Việc tuyên chân phước cho ngài nói lên một bước đột phá thần học rất chủ yếu đối với cách thức Đạo Công Giáo hiểu ý niệm tử đạo.

Chân phước Puglisi vốn là mục tử của Giáo Xứ San Gaetano thuộc khu Palermo hết sức lộn xộn của vùng Brancaccio. Ngài trở nên nổi tiếng do chủ trương chống Mafia một cách cực lực, từ chối không nhận tiền xin lễ của chúng và không cho phép các tên đầu xỏ của chúng dẫn đầu các đoàn rước kiệu. Do đó, ngài nhận được rất nhiều đe dọa đối với mạng sống, và theo chứng từ của kẻ sát hại ngài, thì lời sau cùng của Cha Puglisi là “Tôi đã mong đợi điều này từ lâu!”.

Ý nghĩa bao quát hơn của việc tuyên chân phước này là: Trong lịch sử, Giáo Hội chỉ thừa nhận là một vị tử đạo những ai bị giết “in odium fidei”, nghĩa là vì lòng thù hận đức tin. Tuy nhiên, Cha Puglisi được nhìn nhận là vị tử đạo “in odium virtutis et veritatis”, nghĩa là vì lòng thù hận các nhân đức và chân lý.

Phạm trù trên vẫn luôn hiện hữu trong nền thần học cổ điển của Kitô Giáo. Trong nhiều thế kỷ, các nhà văn vẫn dựa vào nó để giải thích tại sao Giáo Hội coi Thánh Gioan Tẩy Giả là vị tử đạo dù ngài chết không phải vì tin vào Chúa Kitô mà là vì đã chỉ trích tác phong vô luân của Hêrôđê. Việc tuyên chân phước cho Cha Puglisi có nghĩa phạm trù này đã được áp dụng cho các án phong thánh và rất có thể sẽ được thích ứng vào nhiều tình thế tương tự.

Nhiều Kitô hữu ngày nay đang bị đe dọa không phải vì đã từ khước dâng lễ vật cho các thần ngoại giáo hay bất đồng với tín ngưỡng của vua chúa, nhưng vì các chọn lựa luân lý và xã hội phát sinh từ đức tin của họ. Sự phân biệt này không làm các đau khổ của họ bớt đáng quan tâm chút nào, và ta sẽ hạ giá sự hy sinh của họ nếu cho rằng nó không phải là sự hy sinh “tôn giáo” chỉ vì các người áp bức họ không bị thúc đẩy bởi các quan tâm minh nhiên có tính tôn giáo.


Source: Vatican News - Pope Francis visits Palermo in memory of Blessed “Pino” Puglisi
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Europa trong chuyến thăm mục vụ Sicilia
Đặng Tự Do
07:11 15/09/2018
Nhân kỷ niệm đúng 25 năm ngày Chân phước Giuseppe Puglisi bị bọn mafia Cosa Nostra sát hại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Palermo vào ngày thứ Bảy 15 tháng 9 để vinh danh vị mục tử đã bị sát hại tàn bạo vì đàn chiên của mình.

Lúc 6.30 sáng, ngài đã khởi hành bằng xe hơi từ nhà trọ Santa Marta để ra sân bay quân sự Ciampino đáp máy bay đi Catania. Sau 50’ bay, lúc 7.50 Đức Thánh Cha đến sân bay Fontanarossa của Catania.

Liền đó, ngài dùng trực thăng bay từ Fontanarossa đến thăm giáo phận Piazza Armerina thuộc tỉnh Enna.

Lúc 8.30, Đức Thánh Cha đến sân thể thao “San Ippolito” của Enna. Ra đón Đức Thánh Cha, có Đức Cha Rosario Gisana, Giám Mục giáo phận Piazza Armerina; bà Maria Antonietta Cerniglia, tỉnh trưởng Enna và ông Nino Cammarata, thị trưởng của thành phố Piazza Armerina.

Từ sân thể thao “San Ippolito”, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe hơi đến Quảng trường Europa.

Đến nơi vào lúc 9h sáng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các tín hữu đứng chật quảng trường chờ đón ngài từ sáng sớm. Sau diễn từ chào mừng của Đức Cha Rosario Gisana, Đức Thánh Cha đã chào thăm anh chị em tín hữu.

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha thừa nhận nhiều vấn đề và nhiều vết thương đang gây ra những đau khổ cho người dân trong vùng như tình trạng kém phát triển về xã hội và văn hóa, nạn khai thác bóc lột công nhân và tình trạng thiếu công ăn việc làm xứng đáng cho thanh thiếu niên, việc di cư của cả gia đình, nợ nần, nghiện rượu và các loại nghiện ngập khác, cờ bạc và sự phân ly gia đình.

Một Giáo hội biết xót thương

“Khi đối mặt với quá nhiều đau khổ,” Đức Thánh Cha thúc giục các tín hữu xây dựng một cộng đồng giáo hội “sống động và tiên tri, trong khi tìm kiếm những cách thế mới để công bố và trao ban lòng thương xót cho tất cả những anh chị em đã rơi vào tình trạng thờ ơ, hoài nghi, và một cuộc khủng hoảng đức tin.”

Đức Thánh Cha nói với dân chúng ở trung tâm Sicilia rằng đức tin trở nên cụ thể khi giữa những đau khổ của nhân sinh, người ta học cách nhận ra những vết thương của chính Chúa. Do đó, ngài thúc giục anh chị em dấn thân trong việc tân Phúc Âm hóa miền đất của mình, bắt đầu chính từ những thánh giá và những đau khổ của miền đất này. Trong sứ vụ nhiệt thành này, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đề xuất một lần nữa khuôn mặt của một Giáo Hội đồng tâm nhất trí công bố Lời Chúa, một Giáo Hội bác ái truyền giáo và hiệp thông Thánh Thể.

Lời Chúa và sự hiệp thông đồng tâm nhất trí với nhau, theo Đức Thánh Cha, là những bàn tay của Giáo Hội vươn ra với những người cảm thấy ngã quỵ về tinh thần hay thể xác, hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngài nhấn mạnh rằng Lời Chúa là trung tâm thiết yếu cho sự hiệp thông Kitô giáo, và không có bất cứ điều gì tối thượng cho bằng Lời Chúa.

Giáo hội truyền giáo

Giáo hội bác ái truyền giáo, được hình thành bằng “lòng trắc ẩn theo Tin Mừng trước quá nhiều những tệ nạn ảnh hưởng đến người dân”, và bằng cách “trở thành tông đồ lưu động của lòng thương xót trên miền đất này”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng lòng bác ái Kitô giáo không phải là những việc đơn thuần trợ giúp những người đang gặp khó khăn nhưng còn phải vượt xa hơn để loại bỏ những nguyên nhân gây ra khó khăn.

Giới trẻ

Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng tổ chức bác ái truyền giáo của Giáo Hội cũng phải dành một sự chú ý đặc biệt đến những người trẻ tuổi và những vấn đề của họ. Ngài khuyến khích các bạn trẻ đang lắng nghe ngài hãy “trở thành những kiến trúc sư vui tươi” đối với vận mệnh của mình, và bảo đảm với họ rằng Chúa Giêsu là một người bạn thành thật và trung tín.

Cộng đồng Thánh Thể

Nói về Giáo hội như một cộng đồng Thánh Thể, Đức Thánh Cha nói rằng “từ Thánh Thể mà chúng ta kín múc tình yêu của Chúa Kitô để đưa Ngài đến các đường phố trên thế giới, đồng hành với Ngài đi gặp các anh chị em của Ngài”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các linh mục trong giáo phận đoàn kết với vị Giám Mục của mình, để vượt qua các chia rẽ và định kiến, khiêm nhường để suy tư về những khó khăn lịch sử trong miền đất của các ngài và tìm ra những con đường mang đến ơn cứu chuộc và tự do đích thực cho đàn chiên của mình.

Cha Puglisi

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất biết ơn linh mục tử đạo, Cha Giuseppe Puglisi, là người đã viếng thăm giáo phận Piazza Armerina để gặp các chủng sinh học trò của mình một tháng trước khi bị giết chết 25 năm trước đây. Đức Thánh Cha đã mô tả chuyến viếng thăm này như là một cuộc “vượt qua tiên tri”, một di sản không chỉ cho các linh mục mà còn cho tất cả các tín hữu của giáo phận, rằng hãy phục vụ anh chị em của mình đến cùng vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu.

Lúc 10.00, Đức Thánh Cha lên xe hơi trở lại sân vận động “San Ippolito”. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha Rosario Gisana, bà tỉnh trưởng và ông thị trưởng của thành phố Piazza đã đón tiếp ngài, trước khi khởi hành bằng máy bay trực thăng đến thủ phủ Palermo trên đảo Sicilia.


Source: Vatican News - Pope urges Sicilian Church to heal society’s wounds with new evangelization
 
Không thể vừa tin vào Thiên Chúa lại vừa là một thành viên mafia - ĐTC tuyên bố ngay tại sào huyệt Mafia
Đặng Tự Do
08:08 15/09/2018
Sau cuộc gặp gỡ các tín hữu tại Quảng trường Europa, lúc 10.00, Đức Thánh Cha lên xe hơi trở lại sân vận động “San Ippolito”. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha Rosario Gisana, bà tỉnh trưởng và ông thị trưởng của thành phố Piazza đã đón tiếp ngài, trước khi khởi hành bằng máy bay trực thăng đến thủ phủ Palermo trên đảo Sicilia.

Lúc 10.45, Đức Thánh Cha đã đến cảng Palermo. Ra đón Đức Thánh Cha có Đức Cha Corrado Lorefice, là tổng giám mục Palermo, ông Nello Musumeci, chủ tịch miền Sicilia; bà Antonella De Miro, tỉnh trưởng Palermo; và ông Leoluca Orlando, thị trưởng thành phố Palermo.

Ba mươi phút sau đó, lúc 11.15, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ kính Chân phước Giuseppe Puglisi tại khu thể thao phức hợp Foro Italico.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa và mafia không thể tương hợp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày sự tương phản giữa niềm tin vào Thiên Chúa với việc trở thành một thành viên mafia, và nhấn mạnh rằng chiến thắng thực sự xuất phát từ sự trao ban vì yêu thương chính bản thân mình.

Các Kitô hữu phải chọn một trong hai hoặc là tình yêu hoặc sự ích kỷ, để rồi chiến thắng hay thất bại.

“Anh chị em không thể vừa tin vào Thiên Chúa lại vừa là một thành viên của mafia,” Đức Thánh Cha dõng dạc tuyên bố ngay tại sào huyệt của những băng đảng mafia khét tiếng nhất thế giới. “Những người thuộc về mafia không sống như các Kitô hữu, bởi vì với cuộc sống của họ đang báng bổ danh của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.”

Cha Giuseppe Puglisi đã chiến thắng trong thất bại

Đức Thánh Cha nói rằng cuộc đời của Cha Giuseppe Puglisi, mà người dân địa phương gọi một cách thân thương là Don Pino, đã nhấn mạnh sự lựa chọn của người Kitô hữu giữa tính ích kỷ và lòng vị tha. Ngài nói rằng vị linh mục tử đạo đã cho thấy chiến thắng của đức tin được nảy sinh ra sao từ máu đào tử đạo, mà dưới con mắt thế gian nhiều người cho là dại dột.

Ngài nhấn mạnh rằng các Kitô hữu không ghét cuộc sống này nhưng yêu thương và bảo vệ nó, vì “đó là món quà đầu tiên của Thiên Chúa!”

Cái dẫn đến thất bại là sự quá yêu cuộc sống của chính mình, là sự chăm chút một cách ích kỷ cho cuộc sống của riêng mình. Đức Thánh Cha nói: “Những người sống cho bản thân là những kẻ thua cuộc.” Ngài cảnh cáo rằng những thứ quảng cáo thế gian đang chém những nhát búa vào chúng ta với ý tưởng cho rằng những người sống cho riêng mình và nhân lên ngày càng nhiều những thu nhập của họ là những người khôn ngoan, những kẻ chiến thắng trong cuộc sống.

Tình yêu vượt trên tính ích kỷ

“Nhưng đây chỉ là một ảo ảnh vĩ đại,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “tiền và quyền lực không giải phóng con người, nhưng biến chúng ta thành nô lệ, vì sự chiếm hữu luôn luôn dẫn đến mong muốn được chiếm hữu nhiều hơn nữa.”

Chúa Giêsu biến luận lý này quay ngược lại. “Những người sống cho bản thân họ không chỉ mất một cái gì đó, nhưng mất hết cả toàn bộ cuộc sống của mình; trong khi những người cho đi chính mình lại tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và chiến thắng”

Đức Thánh Cha nhận xét là Don Puglisi biết rằng mối nguy hiểm thực sự trong cuộc sống là không dám chấp nhận rủi ro, an nhiên sống thoải mái với những biện pháp nửa vời.

Chọn tình yêu

“Hôm nay chúng ta cần những người nam nữ biết yêu thương, chứ không phải những người chạy theo danh giá; những người nam nữ biết phục vụ, chứ không đàn áp; những người nam nữ biết đồng hành với nhau, những người không chạy theo quyền lực.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời những mafiosi, tức là những thành viên mafia, hãy hoán cải quay về với Thiên Chúa đích thật là Chúa Giêsu Kitô. “Hãy thay đổi bản thân! Ngừng suy nghĩ về bản thân và tiền bạc của riêng mình.”

Thay vào đó, ngài mời gọi người dân Palermo: “Hãy chọn tình yêu!”

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice đã thay mặt cộng đoàn cám ơn Đức Thánh Cha đến thăm tổng giáo phận.

Lúc 13.30 Đức Thánh Cha đã đến thăm trụ sở của đoàn Truyền Giáo Hy vọng và Bác ái và ăn trưa với các vị khách tại đây cùng đại diện những người bị giam giữ và di dân

Lúc 15.00 Đức Thánh Cha đến thăm giáo xứ San Gaetano trong khu phố Brancaccio, là nhiệm sở cuối cùng của Chân Phước Giuseppe Puglisi. Sau đó, ngài đến thăm nhà của Chân Phước nơi vị tử đạo đã bị mafia sát hại cách đây đúng một phần tư thế kỷ.

Lúc 15.30 tại nhà thờ chính tòa Palermo, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh

Lúc 17.00 tại quảng trường Politeama, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ những người trẻ của Palermo. Đây cũng là sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm mục vụ giáo phận Piazza Armerina và tổng giáo phận Palermo.

Lúc 18.30 ngài ra sân bay Punta Raisi, đáp máy bay về lại Rôma.

Sau 50 phút bay, lúc 19.20, Đức Thánh Cha đã về đến sân bay quân sự Ciampino và từ đó ngài dùng xe hơi để về Vatican.


Source: Vatican News - Pope at Mass in Palermo: ‘God and the mafia are not compatible’
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh của Palermo
Đặng Tự Do
18:52 15/09/2018
Đời sống tạo ra những âm hưởng sâu sắc hơn những lời nói

Lúc 15g30 ngày thứ Bẩy 15 tháng 9, tại nhà thờ chính tòa Palermo, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh.

Trong diễn từ của ngài trước hàng giáo sĩ và những người sống đới thánh hiến của thành phố Palermo, Đức Thánh Cha đã trưng dẫn Cha Giuseppe Pino Puglisi như một mẫu gương để nêu bật tầm quan trọng của việc sống Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày.

Đức Thánh Cha đã trình bày ba khía cạnh cơ bản trong cuộc sống linh mục của Cha Pino Puglisi, từ đó ngài giải thích tầm quan trọng của việc mang ra thực hành trong cuộc sống những gì được rao giảng bằng “ba động từ đơn giản”.

Cử hành

Động từ đầu tiên là “cử hành. “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy bị nộp vì anh em”. Ngài giải thích rằng những lời này của Chúa Giêsu, được đọc lên ngày hôm nay giống như mọi ngày, “không thể cứ mãi mãi chỉ ở trên bàn thờ.”

“Những lời ấy phải được đưa vào cuộc sống” bởi vì những lời này nhắc nhở chúng ta rằng linh mục là người trao ban cả đời mình cho người khác. “Chúng ta, các linh mục thân yêu, chức tư tế không phải là nghề nghiệp, nhưng là việc trao ban chính mình; nó không phải là một công việc, mà là một nhiệm vụ. Mỗi ngày, không có ngày nghỉ, không được nghỉ ngơi”. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “đó là cách Cha Pino đã sống”.

Tu luyện

Ngài nói các linh mục chia sẻ với thế giới sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho. Các linh mục “đem tin kính vào nơi nghi nan, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem yêu thương vào nơi oán thù”. Các linh mục cũng được mời gọi “mang sức sống” đến những lời này: “Cha xá giải tất cả tội lỗi của con”, khiến ngài trở thành “người tha thứ”.

“Phòng tập thể dục trong đó linh mục tập luyện để trở thành một người của sự tha thứ là chủng viện ... Đối với những người sống đời thánh hiến phòng tập thể dục ấy là cộng đoàn”, “Chính là ở đó, ước muốn đoàn kết với nhau cần được tu luyện.”

“Hãy suy nghĩ về Cha Pino. Ngài là người luôn luôn sẵn sàng với tất cả mọi người và chờ đợi tất cả với một trái tim rộng mở - ngay cả những kẻ phạm tội.”

Đồng hành

Động từ thứ hai là “đồng hành”. Đức Thánh Cha nói đồng hành “là yếu tố then chốt để trở thành một linh mục ngày nay”. Ngài nhắc nhớ rằng Cha Pino “nói chuyện với những người trẻ nhiều hơn là nói về những người trẻ và gặt hái từ họ những câu hỏi chân thực nhất, và những câu trả lời hay nhất.” Điều này, theo Đức Thánh Cha Phanxicô là một sứ mệnh “bắt nguồn từ sự kiên nhẫn, lắng nghe, và từ việc có trái tim của một người cha”.

Giáo Hội Mẹ

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dành ra một đoạn ngắn để nói về các nữ tu. Ngài nói với các nữ tu rằng nhiệm vụ của các chị là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vì “Giáo Hội là một người mẹ, và con đường tháp tùng của Giáo Hội phải luôn có dấu vết từ mẫu”. Vì thế, Đức Thánh Cha đã mời các nữ tu “biểu lộ khuôn mặt từ mẫu của Giáo Hội.”

Chứng tá

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng động từ cuối cùng là “làm chứng”, mà theo ngài là điều “khiến tất cả chúng ta phải lo lắng”. Trước đó, Đức Thánh Cha đã đến thăm nhà của Chân Phước Giuseppe Puglisi. Ngài nhận xét rằng trong ngôi nhà của Cha Pino Puglisi, “sự đơn giản thực sự nổi bật”. Ngài giải thích rằng cuộc sống đơn giản của Cha Pino là “dấu hiệu hùng hồn của một đời sống dâng hiến cho Chúa, một người không tìm kiếm sự thoải mái cũng như vinh quang của thế gian này”.

Từ đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Đời sống tạo ra những âm hưởng sâu sắc hơn những lời nói” và ngài khích lệ các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh hãy “phục vụ trong sự đơn sơ thanh bần”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh của Palermo hãy “làm chứng cho hy vọng”. “Người làm chứng cho hy vọng không chỉ ra hy vọng là gì nhưng ai là hy vọng. Chúa Kitô là hy vọng của chúng ta”.


Source: Vatican News - Pope to Palermo clergy and religious: Life speaks louder than words
 
Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ Sicilia đừng từ bỏ hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn
Đặng Tự Do
20:31 15/09/2018
Lúc 17.00 thứ Bẩy 15/9, tại quảng trường Politeama, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ những người trẻ của Palermo. Đây cũng là sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm mục vụ giáo phận Piazza Armerina và tổng giáo phận Palermo.

Dịp này, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ.

Lắng nghe tiếng Chúa

Đối với câu hỏi đầu tiên làm sao lắng nghe tiếng Chúa, Đức Thánh Cha đưa ra 4 động từ là tiến bước, tìm kiếm, mơ ước và phục vụ.

Ngài nói rằng ta lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa trong khi tiến bước chứ không phải khi ngồi bất động trên ghế bành, bởi vì ngồi tạo ra một sự cản trở đối với tính năng động của Lời Chúa. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Thiên Chúa ghét sự lười biếng và ưa chuộng hành động,” và ngài chỉ ra những ví dụ trong Kinh Thánh như câu chuyện các môn đệ trên đường Emmaus, David và Samuel, là những người luôn di chuyển. “Nhưng,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng, “không phải di chuyển để giữ cho thân thể gọn gàng cân đối, nhưng là di chuyển về trung tâm. Chúa chỉ phán với những ai đang tìm kiếm.”

Ngài nói tiếp rằng ta không tìm kiếm Chúa trên điện thoại di động, truyền hình, những tiếng nhạc đinh tai điếc óc, dùng ma túy để phấn chấn hoặc một mình trước tấm gương của căn phòng đóng kín của mình.

Thiên Chúa nói với ta trong các mối quan hệ, vì thế, Đức Thánh Cha thúc giục những người trẻ tuổi đừng tự đóng kín mình, nhưng tìm kiếm Ngài, đi ra ngoài vì Ngài đang đợi ta ở đó, ở cánh cửa tâm hồn mình. Đức Thánh Cha yêu cầu giới trẻ chia sẻ kinh nghiệm của họ và sống với Giáo Hội bằng cách kết bạn, gặp gỡ những người khác, đồng hành cùng nhau.

Mơ ước

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thúc giục những người trẻ tuổi đừng bao giờ ngừng mơ ước, nhưng hãy có những mơ ước lớn, mà không sợ tạo ra một ấn tượng xấu . Tạo ra một ấn tượng xấu về mình chẳng phải là thảm kịch lớn nhất của đời người. Bi kịch lớn nhất của cuộc đời, theo Đức Thánh Cha, là không dám đối mặt với cuộc sống và không dám trao ban cho cuộc sống. Thà rằng có những giấc mơ đẹp với một vài vết bầm tím vẫn hơn là thoái lui vào một cuộc sống lặng lẽ. Thà rằng có lý tưởng tốt còn hơn là làm một con người theo chủ nghĩa hiện thực lười biếng. Thà làm một Don Quixote còn hơn làm một Sancho Panza!

Đức Thánh Cha kêu gọi những người trẻ tuổi cũng đừng dập tắt những ước mơ của họ, và nói rằng những giấc mơ lớn mở rộng tâm hồn và để cho Chúa bước vào.

Sau khi tiến bước, tìm kiếm và mơ ước, Đức Thánh Cha nói đến động từ phục vụ, là điều giúp ta điều chỉnh mình theo tần số của Chúa. Phục vụ và tình nguyện, mang lại gia vị cho cuộc sống, và giúp chúng ta cảm thấy sống động.

Tiếp đón và nhân phẩm

Đề cập đến Sicilia như một vùng đất chào đón và gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói rằng đức tin được dựa trên sự gặp gỡ, bởi vì Thiên Chúa không để con người cô đơn một mình, nhưng Ngài giáng sinh xuống trần để gặp gỡ chúng ta. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta ở bên nhau như những người không đơn độc và ích kỷ. Tôn trọng phẩm giá, chào đón và đoàn kết với nhau là những đặc điểm Kitô giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về việc dự phần, dành thời gian của chính mình cho tha nhân, và sẵn sàng chìa tay ra cho người khác mà không sợ bị lấm lem. Như một tác giả người Ý vĩ đại đã viết, “Cuộc sống không phải là để giải thích, nhưng là để sống”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều đó còn đúng hơn nữa đối với cuộc sống Kitô hữu, là những người phải sẵn sàng đặt tài năng và thời gian của mình cho việc phục vụ người khác.

Xây đắp tương lai

Đức Thánh Cha cũng nói với những người trẻ Sicilia rằng tương lai nằm trong tay họ và họ phải là những người xây dựng tương lai của chính mình, bằng đôi tay, trái tim, niềm đam mê, tình yêu và ước mơ của họ cùng với những người khác.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói Sicilia cần những người nam nữ đích thực dám tố cáo những sai phạm và khai thác, những người sống tự do trong những các mối quan hệ được giải phóng, những người yêu thương những kẻ yếu thế và nhiệt thành với tính hợp pháp, là điều phản ánh sự trung thực bên trong tâm hồn.


Source: Vatican News - Pope urges Sicilian youth not give up hope for a better future
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự Gia Đình Đa Minh Garland TX kỷ niệm 4 năm thành lập.
Trần Mạnh Trác
09:35 15/09/2018
Xem hình ảnh


Chiều Chuá Nhật, ngày 9 tháng 9 năm 2018, trên 120 hội viên hội Gia Đình Đa Minh (GĐĐM) đã tụ tập tại nhà dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp tại Garland TX (Dominican Sisters, 2934 Landershire Ln, Garland, TX 75044, ĐT: 972-530-5068) để kỷ niệm 4 năm thành lập và mừng lễ Đức Mẹ Lavang là thánh quan thầy bổn mạng, đồng thời đón tiếp một vị khách đặc biệt từ Việt Nam sang: Sơ Isabelle Kim Hường, giám đốc Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên (VDLTTST.)

VDLTTST là một trong nhiều công việc mục vụ mà GĐĐM đều đặn hổ trợ. Đây là một cơ sở lớn gầy dựng bởi dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp tại vùng Cây Gáo, Trảng Bom, để ‘chăm sóc cuối đời’ cho các bà già ‘neo đơn’, nghĩa là những bà cụ ăn xin, bán vé số, ‘ở đợ mà lúc cuối đời bị chủ bỏ rơi’ hoặc có khi bị ai đó ‘cuốn chiếu vất bỏ trước cửa viện’...hiện nay có trên 140 bà mà phần đông đang bị liệt. Họ được bao bọc bởi ‘rất nhiều tình thương trong Chúa Kitô’ cho đến khi mãn phần và được chôn cất trong một ngôi ‘mồ yên mả đẹp’ ở một khu đất riêng nằm cạnh nghĩa trang của giáo xứ Bình Minh, GP Xuân Lộc. Cho đến nay, Viện đã chôn cất được 150 bà.

VDLTTST đã kỷ niệm 25 năm thành lập vào tháng 4 năm 2018, 18 năm đầu là những hoạt động ‘chui’, không giấy phép, phải trốn tránh nhà chức trách. Ngày nay viện đã có giấy phép hoạt động, và có thể nhận lãnh những nguồn ‘ngoại viện’ từ những ‘du khách’ đến thăm, tuy nhiên nguồn tài chánh căn bản vẫn là lợi tức từ những ao nuôi cá do sức lao động cuả các nữ tu ở một nhà dòng Đa Minh nằm trong khuôn viên của viện, tên là tu xá Thánh Catarina. (trung bình có 5 Sơ, riêng năm nay đang có 9 Sơ).

Nói đến tài chánh thì hội GĐĐM ở Garland lấy căn bản là nguyệt liễm 5 đô một tháng từ các hội viên. Nhờ số hội viên đông đảo (trên 300) cho nên hằng năm số tiền quyên góp cũng đáng kể. Tuy nhiên năm nay đã tới tháng 9 rồi mà số thu vẫn chưa khả quan cho lắm cho nên ban điều hành đã than thở là đang bị ‘thất thu’.

Không rõ vì những câu chuyên thương tâm ở viện dưỡng lão do Sơ Kim Hường kể hay vì không muốn bị mang tiếng ‘thất thu’ mà mọi người đã cố gắng thêm lên. Đến cuối buổi hội, ban tài chánh đã hớn hở công bố số đóng góp nay đã trở thành ‘thặng thu’.

Ngoài VDLTTST, Gia Đình Đa Minh đã dùng tất cả số tiền thu được, không hề triết ra một phần nào cả, để trợ giúp những chương trình mục vụ ở Việt Nam cuả hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, như giúp viện mồ côi, giúp các bà mẹ ‘lỗi lầm’, giúp người dân tộc ở Kontum, giúp người nghèo ở bệnh viện Ung Bướu Saigon và giúp công việc truyền giáo ở Miền Tây.
 
Nam Úc: Hành Hương Kính Viếng Thánh Tích Cha Thánh Pio 5 dấu
Jos. Vĩnh SA
17:17 15/09/2018
Sáng thứ Bảy, ngày 15/9/2018 tín hữu đồng hương người Việt tại Adelaide, đã phối hợp với ban truyền thông Vietcatholic Nam Úc tổ chức chuyến hành hương về nhà thờ chánh tòa Saint Francis Xavier thuộc tổng giáo phận Adelaide để cầu nguyện và kính viếng thánh tích Cha Thánh Padre Pio năm dấu, hay còn gọi là Saint Pio of Pietrelcina, đến thành phố Adelaide.

Theo chương trình đã được sắp xếp thì nhóm tín hữu VN được dành riêng cho nửa giờ cầu nguyện và kính viếng thánh tích.

Đúng 10 giờ sáng, khi mọi người đã hiện diện khá đông đủ, chương trình cầu nguyện được bắt đầu. Ngoài những tín hữu VN trong nhóm hành hương kính viếng thánh tích còn có một số giáo dân quanh vùng và một số tín hữu người Ý cũng hiện diện để hiệp thông.

XEM HÌNH

Trên gian cung thánh, một bàn thờ được đặt bên cánh trái, trang hoàng hoa, nến, đèn. Có một mặt nhật với 3 vòng hào quang chứa đựng những dấu tích liên quan đến cha Padre Pio và những khăn lau, băng bông, vải áo, có những vết tích thu lượm được từ 5 dấu Thánh của cha Thánh còn giữ được.

Mở đầu buổi cầu nguyện tôn kính, là lời dẫn nhập giới thiệu về thánh tích và linh mục P. GianMaria Digiorgio, là một linh mục dòng Phanxico Capuchin Friar, người đã bảo quản và di hành thánh tích cha Pio trong những chuyến thánh du tại nhiều nơi trên thế giới. Tiếp đến là phần cầu nguyện, mọi người đã cùng sốt sắng suy niệm về mầu nhiệm thương khó bằng chục kinh Mân Côi, cùng với những lời nguyện giáo dân thật sốt sắng, xen lẫn những bài ca tâm tình ngợi khen Thiên Chúa, cùng với kinh nguyện chung, qua lời cầu bầu của cha Thánh, xin Chúa chữa bệnh tật và ban ơn lành hồn xác xuống cho những ý nguyện cầu xin.

Kết thúc hơn 20 phút cầu nguyện chung, nhóm hành hương đã lần lượt theo thứ tự tiến lên để hôn kính thánh tích và cầu nguyện theo ý riêng của mỗi người.

Sau phần cầu nguyện trong tâm tình tin tưởng và phó thác, cha GianMaria đã mời gọi mọi người hiện diện cùng cha chụp những tấm hình kỷ niệm trong dịp gặp gỡ đoàn hành hương VN, thật tình cờ nhưng đầy yêu thương này. Cha GianMaria đã nâng cao thánh tích, giữa đoàn hành hương bao quanh cùng nói lên những lời chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa, cha đã ban phép lành và bình an của Chúa cho cộng đoàn.

Sau giờ cầu nguyện, mọi người có dịp hôn kính thánh tích, suy niệm và cầu nguyện riêng đến 11 giờ 30 sáng, sau đó cùng tham dự thánh lễ do cha Maurice và cha GianMaria cùng đồng tế.

Giờ cầu nguyện và thánh lễ đã kết thúc vào lúc 12 giờ 15 trưa cùng ngày.

Theo chương trình của giáo phận thì đến 12 giờ 30 trưa, Thánh tích Cha Padre Pio sẽ di chuyển đến:

-St. Francis of Assisi Church, Newton from 15 to 19 September

-Mater Christi Church, Seaton, 17 September 2018, from 12.00pm to 08.00pm

Trong thành phố Adelaide để mọi tín hữu có dịp tiếp tục kính viếng và cầu nguyện.

Mọi người đã ra về trong hân hoan, với những làn gió xuân Nam Úc hòa quyện với niềm tin yêu của người hành hương, như tạo thêm niềm phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa chí nhân.
 
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Nữ Vương Các Gia Đình Ta’ Pinu
Trần Văn Minh
03:56 15/09/2018
Melbourne, Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 15/8/2018 (theo chương trình) Thánh lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, đã được cộng đồng dâng kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Đức Maria Nữ Vương Các Gia Đình trên đồi Ta’ Pinu, cách trung tâm Thành phố Melbourne gần 50 Km.

Xem hình

Sau mấy ngày thời tiết ấm áp, sáng nay thời tiết thay đổi ngược và quay về thời tiết mùa Đông. Trời lạnh, mây xám và gió, gió rất mạnh. Nhưng vì lòng mộ mến Đức Maria, nên mọi người từ khắp nơi đã không quản ngại thời tiết vừa mưa, vừa gió, vừa lạnh. Đã về bên Mẹ để mừng sinh nhật, ngồi kín trong ngôi nhà thờ tạm trên khu đồi vắng xa xôi vùng Bacchus Marsh.

Do thời tiết, và cũng do thánh ý của Đức Maria. Người chở cha chủ tế đã đi qua đường rẽ vào trung tâm trên đường Freeway một đoạn khá xa mới có đường quay lại. Nhờ thế mà đoàn con cái của Mẹ được ngồi bên Mẹ lâu hơn và có thời gian lần chuỗi Mân Côi năm sự Thương khó dâng lên Đức Mẹ nhân lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Thánh lễ do Cha Giuse Trần Ngọc Tân, trong ban tuyên úy cộng đồng chủ tế. Trước khi dâng lễ, cha chủ tế đã cám ơn mọi người đã hy sinh một buổi sáng cuối tuần, cùng gia đình, mang theo cả con cái và nhất là không ngại đường xá xa xôi, trong thời tiết gió lạnh đã về đây để dâng những hy sinh lên làm quà mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, chắc món quà mà mọi người dâng lên rất đẹp lòng Đức Mẹ.

Trong bài chia sẻ, Cha chủ tế đã nói tới các tước hiệu cao sang mà Đức Mẹ được Thiên Chúa trao tặng. Các tước hiệu cao sang đều tôn Mẹ lên hàng Nữ Vương. Nhưng không phải thế mà đời Đức Mẹ luôn sống trong nhung lụa, trong quyền quý mặc dù tước hiệu của Đức Mẹ rất cao sang. Hôm nay, có một sự nhắc nhở cho mọi người thấy, sau lễ mừng sinh nhật Mẹ, thì Giáo Hội có một lễ nhớ đến Đức Mẹ Sầu Bi. Một hình ảnh đau đớn mà đời Đức Mẹ phải chịu đựng khi Đức Mẹ ngồi dưới chân Thánh Giá, để nhìn thấy con Mẹ phải bị hành hình trên thập giá. Thì lòng Đức Mẹ đau đớn biết chừng nào.

Sau Thánh lễ, nếu thời tiết tốt, như thông lệ hằng năm. Sẽ có một buổi rước kiệu Đức Mẹ xuống đền thờ Đức Mẹ La Vang để cầu nguyện cho quê hương. Nhưng thời tiết không cho phép. Ông Nguyễn Văn Thi đại diện ban tổ chức đã xin cha chủ tế và cộng đoàn cùng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thoát ách độc tài, cho công bình bác ái, nhân quyền và hạnh phúc đến với quê hương Việt Nam.

Những chùm bóng bay kết thành tràng hạt và rất nhiều bóng đủ mầu sắc rất tươi đẹp đã được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, cuối cùng đã được mang vào trong nhà nguyện phát cho cộng đồng, để mọi người cầm trên tay cầu nguyện. Sau đó sẽ đưa ra bên ngoài để thả bay cao dâng lời nguyện lên Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, để xin Thiên Chúa đoái thương và ban muôn ơn lành đến cho dân tộc Việt Nam.

Mọi người được ban tổ chức mời dùng bữa cơm trưa “tay cầm” và nước uống, trước khi chia tay. Trên nét mặt của mọi người hiện rõ sự hân hoan vì đã đến được nơi này trong một ngày xấu trời để cùng nhau dâng lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ.
 
Hành hương thánh điạ Fatima, Bồ Đào Nha
Trầm Hương Thơ
08:18 15/09/2018
Năm xưa Mẹ đã hiện ra

Làng quê hẻo lánh nơi xa phố phường

Mẹ đến ban phát tình thương

Qua ba trẻ nhỏ chỉ đường bình an.

Vâng, Đức Trình Nữ Maria đã đến để chỉ lối đưa đường cho nhân loại đi đến ơn Chúa qua những sứ điệp của Đức Mẹ đã cứu nước Nga thoát nạn cộng sản vô thần. Sứ điệp đó Mẹ đã báo cho nhân loại qua ba trẻ Lucia, Jacinta và Franciscô vào năm 1917.

Xem Hình

Cái năm mà tà thuyết vô thần cộng sản bắt đầu phát triển hoành hành nhân loại do Lê nin khởi xướng, bịa đặt, lừa đảo đánh vào lòng những người dân quê hiền lành chất phát rằng: Nếu theo cộng sản thì mọi người đều được hưởng thành qủa như nhau không có người giàu kẻ nghèo nữa, "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" đến khi nhân dân đổ bao nhiêu xương máu để lật đổ chế độ Sa Hoàng giành được quyền làm chủ thì hỡi ôi... trái đắng ập đến từ khi đó.

Tôi vừa trải qua hai chuyến hành hương Đức Mẹ Mễ Du một tuần lễ và 4 ngày sau lại đi một tuần lễ nữa Đức Mẹ Lộ Đức khá mệt mỏi. Định nghỉ ngơi một thời gian lo làm việc nhưng lại có người bác từ Mỹ gọi sang dịp mừng lễ Ngọc Khánh 60 năm thành hôn của người bà con, và đồng thời ao ước muốn đi hành hương đến Đức Mẹ Fatima bên nước Bồ Đào Nha nên chúng tôi lại có dịp đưa bác đi và cũng là cơ hội cho mình đến với Đức Mẹ Fatima kính yêu.

Thế là tôi lại tìm vé máy bay và khách sạn lên đường đi tiếp sau đúng một tuần làm việc để mưu sinh. Từ Đức đáp máy bay đến phi trường Lisbon Bồ Đào Nha cũng tương đối dễ mua vé đối với tôi vì đã quen nhiều rồi.

Tuy rằng hôm nay đã vào gần cuối mùa hè nhưng thời tiết năm nay tương đối còn rất ấm áp và đẹp đẽ so với những năm trước. Máy bay đáp xuống phi trường Lisbon thủ đô nước Bồ Đào Nha lúc 18h.

Chúng tôi ra nhận xe hơi vì đã đặt trước đó. Tới diểm hẹn có người đón và đưa chúng tôi đến hãng xe cách đó không xa. Làm thủ tục nhận xe xong tôi lái đi về hướng nam xa lộ số 10 để đến Fatima lúc 21h00. Nhận khách sạn xong nghỉ ngơi dôi chút là chúng tôi ra đền thánh chào Đức Mẹ ngay vì khách sạn chúng tôi thuê sát đó.

Để kịp tham dự buổi lần hạt quốc tế mỗi tối tại chính địa điểm nơi Đức Trinh nữ Maria hiện ra vào những ngày 13 từ tháng năm 1917 tới tháng mười năm đó.

Vừa ra đến nơi tôi đã nghe thấy tiếng đọc kính kính mừng trên máy bằng tiếng Việt, một thoáng ngạc nhiên nhưng tôi biết ngay rằng hôm nay có phái đoàn Việt Nam nào đó đang hành hương nơi đây.

Đến nơi tôi mới biết là Lm. Hoàng Quảng dòng Tên là một người bạn đang dẫn phái đoàn từ Việt Nam và một số tháp tùng từ Mỹ và Úc Châu với chuyến đi nhiều nước ở Âu Châu này. Đúng là: "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" Gặp nhau nơi đây cũng hay và ý nghĩa.

Thăm hỏi và hẹn nhau sáng sớm hôm sau đến đây tham dự thánh lễ lúc 6h30 tại nơi địa điểm Đức Mẹ hiện ra này với nhóm.

Chúng tôi đến sớm hơn để cầu nguyện và dâng hết tất cả những ước ao của những người thân quen không thể đến đây được, nhưng nhắn gửi những ý nguyện lên cho Đức Mẹ Maria Fatima. Sau thánh lễ phái đoàn vội vã chụp hình lưu niệm rồi về khách sạn ăn sáng và thu xếp đưa đồ lên xe để đi tiếp cho kịp chương trình những nơi khác nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau năm ba câu rồi chia tay, đi Tour hành hương là vậy đó mỗi chỗ thường chỉ đến thoáng qua một chút rồi lại đi tiếp.

Gia đình chúng tôi lần này có tới 4 ngày đêm ở đây nên tha hồ cầu nguyện và tìm hiểu thêm những gì mà mấy lần trước đi chưa biết. Tôi giải thích cho bà bác về sự tích và nơi Đức Mẹ hiện ra cũng như cây Sồi già phía bên trái của tấm hình này. Cây sồi này không phải là cây sồi Đức Mẹ hiện ra ở trên nó, nhưng mà là một cây sồi bé hơn tại nhà nguyện nhỏ nằm kế bên, trong cái nhà nguyện mà hằng ngày mọi người vẫn dâng thánh lể và lần hạt rước Đức Mẹ này.

Cây sối đó rất tiếc lúc đầu những người đi đến đây hành hương đả bẻ cành vặt lá đưa về để là kỷ niện cũng như mong rằng Đức Mẹ đã đứng trên nó khi hiện ra thì sẽ phù hộ và đưa sự may mắn đến cho mình. Cuối cùng cây sồi đó đã chết. Cây sồi mà ngày nay đã rào chung quanh này chỉ là chứng cứ khi Đức Mẹ hiện ra mà thôi, vì khi đó Đức Mẹ hiện ra có sấm chớp lướt qua từ cây sồi lớn này.

Vương cung thánh đường Fatima từ trên đồi cao có vòng cung hai bên như hai cánh tay vươn ra ôm trọn cả công trường lớn rộng này như Đức Mẹ vươn tay ra ôm lấy tất cả con cái Mẹ vào lòng vậy. Nó cho ta cái cảm giác được bình yên khi đến nơi đây. Bên phía tay phải từ dưới nhìn lên chúng ta thấy có hai bức tượng trên một ngọn đồi nho nhỏ đó là hai thánh trẻ Francisco và Jacinta

Vào trong Vương Cung thánh đường Fatima này chúng ta thấy cũng không qúa lớn như bên ngoài mà chúng ta nhìn thấy. Ở đây mỗi sáng vào 7h30 đều có thánh lễ bằng tiếng Bịa phương Bồ Đào Nha. Chúng tôi vào tham dự thánh lễ xong và đưa bà bác đến viếng mộ thánh Francisco bên phải của cánh thánh giá.

Tên tuổi còn khắc ghi ỡ giữa nhà nguyện nhỏ này. Thánh Francisco sinh ngày 11 tháng 6 năm 1908 - 4 tháng 4 năm 1919 và mới được ĐGH. Francisco tuyên thánh ngày 13.05.2018 tại công trường Fatima với khoảng 1 triệu người hành hương về đây tham dự. Một hình tượng bằng đồng của Francisco được tạc treo trên tường phía trên mộ thánh. Trên tay còn bế con chiên nhò mang nhiều ý nghĩa, nhưng ý chính có lẽ diễn tả Francisco đang đi chăn cừu và em rất thương chúng nên hay bế những con chiên bé nhỏ.

Sau đó qua bên cánh trái của cung thánh để viếng mộ thánh Jacinta là em gái của Francisco sinh ngày 11.03.1910. Em là em ruột của Francisco và là em họ của Lucia là ba trẻ được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra 6 lần.

Em qua đời ngày 20.02.1920 đúng như trong một lần Đức Mẹ hiện ra và đã báo trước cho các em: "Trong một thời gian ngắn Mẹ sẽ đến đưa Francisco và Jacinta về Trời". Còn Lucia thì ở lại để làm chứng tá cho Mẹ và qua đời ở tuổi già trong tu viện dòng kín Camelô ngày 13.02.2005 thọ 98 tuổi, chôn tại tu viện Carmêlô ở Coimbra, nhưng đã được cải táng và đem về chôn bên cạnh người em họ Jacinta của mình vào ngày 19.02.2006. Hai ngôi mộ bên cạnh nhau nơi đây, ngôi mộ bên trong là của Jacinta và phía bên ngoài là của Lucia.

Viếng Đại Thánh Đường "Ba Ngôi Thiên Chúa"

Đại thánh đường hình khối tròn, đường kính 125m, cao 18m, trần không có cột chống đỡ. Kiến trúc sư xây dựng bằng 2 cây đà thật lớn từ ngoài sân phía trước chạy thẳng ra phía đàng sau nên bên trong lòng thánh đường rất rộng và rất thoáng. Nội thất nhà được chia làm hai ngăn bởi một bức tường di động.

Nội thất thánh đường Chúa Ba Ngôi Cực Thánh và Trung tâm Mục vụ Phaolô VI. phía trên cung thánh là một bức phông rất lớn rộng đến 50m và chiều cao là 10m nổi bật nhất trong nhà thờ.

Màu vàng kim làm phông cho bàn thánh, có hình Chiên Con ở giữa, hình đền thánh Jerusalem và hàng hàng lớp lớp các vị thánh tiến vào chính điện. Tôi không biết có phải là khảm bằng đá Mosaic hay là không vì mình không được phép lên cung thánh để kiểm chứng. Đại thánh đường này có thể chứa được gần 9.000 chỗ ngồi.

Trong đại thánh đường này rất thoáng, phía bên trái cung thánh có đặt một tượng Đức Mẹ duy nhất toàn một màu trắng tinh khôi cao khoảng 4m. Vì nơi đây Đức Trinh Nữ Maria đã hiện đến 6 lần để truyền ban những sứ điệp qua các em nhỏ để cứu thế giới thoát khỏi tà thuyết vô thần cộng sản, điển hình là nước Nga và Đông Âu. Nên Mẹ luôn có một vai trò đặc biệt và một chỗ trang trọng trong thánh đường là vậy.

Từ mái cổng vào nếu chúng ta đứng ở cửa chính nhìn ra công trường thì sẽ đối diện đúng vào vị trí cây tháp cửa chính của Vương Cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Fatima. Như vậy là hai cửa nhà thờ này thông thẳng sang nhau để truyền thông ơn Chúa khi hai bên đều dâng thánh lễ và cầu nguyện.Từ đây tiến ra công trường chính sang phía Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi chúng ta sẽ thấy có đường xuống hầm.

Đi xuống bên dưới sẽ là nhà nguyện Thánh Thể, viện bảo tàng những hình ảnh ánh sáng tại Fatima và có những phòng hòa giải, nhiều phòng để sinh hoạt họp hành dưới đó.

15 chặng đàng Thánh Giá tại Fatima

Nếu khỏe chúng ta có thể đi bộ thì tốt nhất và để biết thêm phố xá nơi đây. Từ trung tâm Fatima theo hướng ALINHOS tới bùng binh Rotunda Sul khoảng 1Km và phía bên trái có con đường Via Sacra là bắt đầu vào (Stations of the Cross) đường lát đá sạch sẽ có đường ở giữa cho xe lăn hoặc xe đẩy trẻ em nữa.

Đi tới chặng thứ 9 phía bên phải sẽ gặp một tượng đài có mái, tượng Đức Mẹ đứng trên bệ, có bảng ghi bằng ba thứ tiếng Bồ, Anh và Pháp: “VALINHOS: nơi đây Đức Mẹ hiện ra vào ngày 19.08.1917 và Mẹ nói: "Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và làm những việc hy sinh cho các kẻ có tội".

Tại địa điểm này Đức Mẹ đã hiện ra lần thứ 4 với ba trẻ. Vì vào ngày 13.08.1917 trong khi người ta tụ họp để chờ xem Đức Mẹ hiện như ba trẻ nói thì các em đang bị nhà cầm quyền bắt nhốt vì tội làm mất trật tự trong làng. Y chang như Việt cộng hay ghép tội cho dân hiện nay là: gây rối trật tự công cộng. Cho nên ngày 13.08.2017 các em không đến để gặp Đức Mẹ được và 5 ngày sau đó Mẹ đã hiện ra với các em tại địa điểm VALINHOS này ngày 19.08.1917.

Đi tiếp thêm một đoạn nữa chúng ta sẽ tới "Đồi Thiên Thần" tạ địa điểm này Thiên Thần trước đó đã hiện ra với các em nhiều lần và trò truyện cũng như báo hiệu cho các em biết là Đức Mẹ sẽ đến. Cả 3 em tuy rằng không được đi học nhưng rất đạo đức và có lòng kính mến Đức Mẹ một cách đặc biệt, nhờ sự giáo dục của những người mẹ.

Các em đi chăn cừu nhưng luôn mang theo tràng chuỗi để lần hạt và hát những bài về Đức Mẹ. Chính Lucia lúc đó mới 10 tuổi cũng đã tự nghĩ ra nhạc Đức Mẹ để hát, khi nghỉ trưa tại đây thì các em qùy và lần chuỗi và Thiên thần đã hiện ra với các em, có lần còn cho các em được lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Dạy các em cách cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa Thương xót hơn".

Cuối chặng đàng Thánh Giá người ta xây một nhà nguyện các nhóm khoảng 100 người (một trăm người) có thể mượn dâng thánh lễ được.

Bên trên là cây Thánh Giá đóng đanh Chúa Giêsu con Thiên Chúa và hai bên có hai cây thập tự.

Bên dưới chân Thánh Giá có Đức Mẹ, ông thánh Gioan và một người nữa chắc là bà Maria Magdalena qùy dưới chân Thánh Giá Chúa. Chúng tôi đi lên trên cầu nguyện cho quê hương và đất nước mau thoát được ách cộng sản vô thần.

Chúng con xin Chúa vì công nghiệp của Thiên Tử mà tha thứ những hình phạt đang giáng xuống dân tộc chúng con. Xin ngài giải thoát dân tộc chúng con thoát khỏi ách nô lệ giặc tàu phương bắc Amen.

Từ đây chúng ta có thể ngắm toàn cảnh khu làng Fatima đẹp hiền hòa cách đó khoảng hơn một cây số với những mái nhà lợp ngói đỏ đặc trưng của cả nước Bồ Đào Nha.

Nghỉ ngơi và chụp ít tấm ảnh để lưu niệm chứ biết đến bao giờ mới có dịp trở lại đây, nhất là bác đi từ Mỹ sang và năm nay đã 81 tuổi rồi. Bác vui mừng lắm và luôn tạ ơn Chúa và Đức Mẹ vì đây là lần đầu tiên bác được đến với Mẹ Fatima là điều bác đã ước ao từ rất lâu rồi.

Xong chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến xóm Aljustrel cách đó khoảng 500m. Nơi đây là nhà ở của gia đình Lucia, Francisco và Jacinta ngày xưa mà nay họ vẫn còn giữ lại. Chúng ta có thể vào thăm thoải mái để biết cuộc sống của họ cách đây 100 năm ra sao. Những chiếc giường của các em còn giữ lại và những đồ đạc của gia đình. Những căn phòng nho nhỏ, những đồ đạc nho nhỏ vẫn còn nguyên đó.

Bốn ngày ở đây ngày nào chúng tôi cũng tham dự những giờ kinh tối lần hạt Quốc Tế chung với các dân tộc và sau đó đi rước kiệu Đức Mẹ ở công trường Fatima.

Trong bốn buổi kinh tối lần hạt cầu nguyện thì có 2 buổi tối có Đức Giám Mục chủ sự.

Những giờ lần hạt Quốc tế chúng tôi luôn hướng lòng mình về Quê cha đất tổ, luôn cầu nguyện cho Quê Hương và dân tộc chúng con được bằng yên, luôn xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Con hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thân thương lấy Dân Tộc chúng con và đưa dân tộc chúng con thoát được cảnh nô lệ này.

Những lời kinh tha thiết lắm, những bài hát thật thấm tình khấn xin, nhưng tràng hạt như lời Mẹ dạy chắc chắn và tin tưởng rằng sẽ ngày một thấu suốt đến Thiên Chúa. Tối thấy có nhiều nhóm rất trẻ chắc là học sinh cấp 2 thôi nhưng họ rất trật tự và lần chuỗi sốt sắng lắm. Trong tay luôn có những ngọn nến cháy sáng lung linh mỗi khi tới câu điệp khúc "À vé á ve, á ve Mari...á" thì mọi ngọn nên đều đưa lên cao nhịp nhàng như lời hát.

Tấm Bê Tông trong lồng kính ở Fatima

Từ khách sạn chúng tôi ở đi ra công trường ngày nào cũng đi qua khối Bê tông này, nhất là buổi tối thì họ chiếu điện sáng trưng. Đây chính là một mảng bê tông của bức tường ô nhục một thời gian mấy chục năm đã được cộng sản đông Đức xây lên để ngăn đôi thủ đô Berlin giữa đông và tây. Họ cố tình xây lên để không cho người dân đông Đức trốn thoát khỏi cái thiên đường xã hội chủ nghĩa cộng sản của họ. Không cho dân họ chạy qua xứ mà họ tuyên truyền láo toét là xứ "Tư bản giãy chết" đến năm 1989 người dân đông Đức đã cùng đốt nên cầu nguyện từ thành phố Leipzig lan tỏa và cuối cùng bức tường ô nhục đã bị hạ xuống. Người ta tin rằng Đức Mẹ đã can thiệp vào sự việc bức tường ô nhục này để hạ nó xuống và giải thoát cả khối Đông Âu.

Những mảng Bê tông này đã đem đi khắp thế giới trưng bày để cho thế giới biết độc tài cộng sản là gì, cũng như để nhớ mãi đừng bao giờ tin cộng sản, bằng chứng là đây.

Ngày cuối cùng chúng tôi đi viếng phép lại Thánh thể ở Satarem, đi viếng đền thánh Antôn nơi ngài được sinh ra tại thủ đô Lisbon. Đi thăm nhà thờ chính tòa Lisbon, đi thăm tượng Chúa Cứu Thế nhìn qua biển vào thủ đô Lisbon như bảo bọc và chúc phúc cho Bồ Đào Nha vậy. Từ đây chúng ta có thể nhìn ngắm sang toàn cảnh thủ đô xinh đẹp Lisbon. Thời tiết hôm nay khá đẹp nên ngắm sang cũng rất đẹp.

Tạ ơn Đức Mẹ Maria đã ban cho chúng con chuyến hành hương thật tốt đẹp từ thời tiết cho đến mọi thứ đầy ý nghĩa trong ơn sủng của Thiên Chúa.

Trầm Hương Thơ.
 
Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá
BTT Mến Thánh Giá Xuân Lộc
09:03 15/09/2018
Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá- Tước Hiệu Dòng Mến Thánh Giá 14- 09- 2018

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6, 14)

Hôm nay, Thứ Sáu ngày 14 tháng 09 năm 2018 vào lúc 16h00’, tại Nguyện đường Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, tất cả quý chị em từ các Cộng đoàn đã quy tụ về Nhà Mẹ hân hoan chào đón Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo- Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc đến với Hội dòng và chủ sự Thánh lễ “Suy Tôn Thánh Giá”- Tước Hiệu Hội dòng Mến Thánh Giá.

Với tâm tình yêu mến dành cho Đức cha, chị Anna Trần Thị Nguyệt- Tổng Phụ trách đại diện Hội dòng kính dâng lên Đức Cha lời tri ân vì tình thương của người cha dành cho con cái Mến Thánh Giá Xuân Lộc, cám ơn Đức cha vì sự ưu ái của ngài dành cho Hội dòng mặc dù ngài bận rất nhiều công việc của Giáo phận, của Trường Đại học Công Giáo và những công việc khác nữa. Đặc biệt, ngài còn quan tâm và đã kí Sắc Lệnh Thành Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế. Chị Tổng còn nhắc lại lời của Đức cha trong buổi Khai giảng tại Học Viện Công Giáo, Đức cha đã nói về ý nghĩa của hoa, mỗi bông hoa mang một ý nghĩa khác nhau, có những bông hoa ít được nhắc đến nhưng lại có giá trị lâu dài. Và “Hôm nay, chúng con không chỉ có một bông hoa nhưng có nhiều bông hoa tươi thắm xin được kính dâng lên Đức cha để bày tỏ tấm lòng biết ơn và yêu mến của chúng con dành cho Đức cha"

Sau lời chào mừng của chị Tổng Phụ trách, Đức cha đã gặp gỡ, chia sẻ những thao thức của ngài với chị em và nói với chị em về ý nghĩa của Tu phục.

Mở đầu buổi nói chuyện Đức cha chia sẻ với Hội dòng những tâm tình riêng của ngài. Đức cha cám ơn Dì Tổng Phụ trách đã cộng tác trong việc giảng dạy tại Học Viện Công Giáo. Đức cha mời gọi chị em cầu nguyện cho ngài và những công trình còn dang dở sớm được thực hiện. Đường hướng mục vụ của Giáo Phận là Giáo phận trở thành Thánh địa của lòng thương xót và dự định cho đường hướng mục vụ của Giáo phận năm tới là hướng đến người đau khổ, lầm lỡ, bệnh tật, già yếu. Ngài mong tất cả mọi thành phần trong Giáo phận nhạy cảm về điều đó. Đức cha còn nhắn nhủ chị em khi làm công tác mục vụ Giáo xứ để ý dạy cho các em nhỏ biết để ý quan tâm đến những người đau yếu bệnh tật, những người nghèo, dạy các em biết chia sẻ với những người nghèo khổ hơn mình. Còn đối với chị em trong Hội dòng nhất là những chị em khó tính, khó chịu….phải làm sao cho chị em trở nên mềm dẻo, phải biết lắng nghe nhau, biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi với nhau. Bên cạnh đó ngài còn nói về vấn đề tục hóa trong xã hội hôm nay, một vấn đề không chỉ còn bên ngoài xã hội nhưng đã len lỏi vào cả trong Giáo hội, trong đời sống tu trì nữa.

Tiếp đến ngài nói về ý nghĩa của Tu phục.

• "Tu phục để tỏ ra mình là người thuộc về Chúa Giêsu và là chứng tá của Chúa Giêsu.

• Tu phục đơn sơ, khó nghèo biểu lộ một đời sống không còn ham hố sự đời, không chạy theo thế gian, không đua đòi nhưng còn giữ được chân tu.

• Tu phục không chỉ mang tính cá nhân nhưng còn mang tính Cộng đoàn, khi nhìn Tu phục mọi người có thể nhận biết chị em là nữ tu của dòng nào.

• Tu phục còn nâng đỡ và bảo vệ trong lúc mình yếu đuối, không thể làm một việc bất xứng, đến những chỗ không phù hợp hay cặp kè với người nào đó đang khi mặc Tu phục.

Qua những gợi ý của Đức cha, ngài không mong chị em thay đổi Tu phục hiện tại nhưng là quan tâm đến Tu phục đời thường để tạo nên một nét riêng cho Hội dòng của mình và mọi người có thể nhận biết chị em là nữ tu của dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.

5h00’ quý chị em hiệp cùng Đức cha Giuse dâng Thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

TT. MTGXL 14- 09- 2018
 
Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc giới thiệu “Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế”
BTT Mến Thánh Giá Xuân Lộc
09:25 15/09/2018
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Hôm qua, Thứ Sáu ngày 14 tháng 09 năm 2018 vào lúc 16h00’, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc hân hoan chào đón Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo- Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc đến với Hội dòng và chủ sự Thánh lễ “Suy Tôn Thánh Giá”- Mừng kính Tước Hiệu Hội dòng Mến Thánh Giá. Hôm nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc rất vui mừng được đón tiếp những cảm tình viên thuộc các Giáo xứ trong và ngoài Giáo Phận Xuân Lộc, lần đầu tiên quy tụ về Hội dòng để tham dự ngày gặp mặt, nói chuyện và giới thiệu về Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế.

Xem Hình

Với Sắc Lệnh “THÀNH LẬP HIỆP HỘI MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC TẠI THẾ TRỰC THUỘC HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC” được Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo- Đấng Bản quyền Giáo Phận Xuân Lộc ấn ký ngày 14-08-2018 Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc chính thức giới thiệu Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế trước sự hiện diện của Quý Bề Trên trong Hội dòng và gần 300 cảm tình viên đến tham dự.

Chương trình được bắt đầu vào lúc 8h30’ với trò chơi giao lưu “Đếm số” của dì Kim Ngân đã làm cho bầu khí nơi Hội trường vui tươi, sôi động và thân thiện, phá tan bầu khí ngại ngùng giữa những anh chị em cảm tình viên.

Tiếp sau phần chào đón các cảm tình viên, Dì Tổng Phụ trách Anna Trần Thị Nguyệt giới thiệu về “Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế”.

Sau 30’ được nghe dì Tổng Phụ trách Anna giới thiệu về Hiệp Hội, mọi thắc mắc, lo lắng của các cảm tình viên “không biết tham dự vào Hiệp Hội này có phải đọc kinh nhiều hay không, có phải sống như quý Dì trong Hội dòng hay không….? và nhiều thắc mắc khác dường như đã được giải đáp. 9h30’dì Maria Clara Trần Thị Sâm, Đặc trách Hiệp Hội MTG Xuân Lộc Tại Thế, giới thiệu các tham dự viên của từng Giáo xứ, Giáo phận và phổ biến tài liệu kèm theo đơn đăng ký gia nhập “Hiệp Hội Mến Thánh Giá Xuân Lộc Tại Thế”.

Sau 15’ giải lao, mọi người cùng lên Nguyện Đường của Hội dòng tham dự giờ Chầu Thánh Thể. Sau 30’ lắng đọng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, mọi người trở về phòng cơm của Hội dòng để cùng nhau chia sẻ bữa tiệc Bufet trong tình huynh đệ. Trước khi dùng bữa, một vị đại diện của anh chị em cảm tình viên bày tỏ tâm tình tri ân đến Dì Tổng Phụ trách Anna cũng như Hội dòng. Cám ơn Hội dòng đã tạo điều kiện cho mọi người có một buổi gặp gỡ thân tình và một bữa cơm đậm tình Chúa, tình người. Hơn hết, ước mong Hiệp Hội của Hội dòng ngày càng phát triển và có nhiều thành viên gia nhập để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết qua đời sống chứng tá sống động nơi gia đình và giữa đời.

Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã luôn đồng hành cùng với Hội dòng cách đặc biệt trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến ngày chính thức giới thiệu Hiệp Hội MTG Xuân Lộc Tại Thế. Cách riêng, tạ ơn Chúa đã cho buổi gặp gỡ được diễn trong bầu khí vui tươi, thân thiện và thành công tốt đẹp.

TT.MTGXL 15-09-2018
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ðấng Ðáng Kính Việt Nam
Hà Minh Thảo
15:16 15/09/2018
Ngày 16.09.2018, chúng ta kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 16 Ðức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận. Ngày 04.05.2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận Vị Tôi Tớ Chúa này đã thực hiện các nhân đức ‘đến mức độ anh hùng’. Trước đó, 9 cố vấn của Bộ Phong Thánh cứu xét tập Hồ sơ đúc kết (Positio) về cuộc sống và các nhân đức của Ðức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận và đa số các vị đã bỏ phiếu thuận. Sau đó, trong cuộc họp của Hội đồng các Ðức Hồng Y và Ðức Cha thành viên của Bộ đã đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận. Việc công bố này đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô cho phép trong buổi tiếp kiến cùng ngày dành cho Ðức Hồng Y Angelo Amato, SDB, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh. Do đó, từ nay Ðức Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận được mang danh xưng ‘Đấng Đáng Kính’ (Venerabile).

Năm nay, chúng ta cử hành Lễ Giỗ tưởng nhớ Ngài trong tình trạng Tổ Quốc có thể rơi vào hoàn cảnh ‘mất nước’ và người dân yêu nước đang bị đàn áp vô cùng dã man bởi một hệ thống tòa án cộng sản vi hiến và phạm pháp.

I./ TỔ QUỐC LÂM NGUY.

A.- Con Có Một Tổ Quốc.

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Tiếng chuông ngân trầm,
Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng,
Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.

Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao, xương chất cao hơn.
Ðất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.

Một Nước Việt Nam,
Một Dân Tộc Việt Nam,
Một Tâm Hồn Việt Nam,
Một Truyền Thống Việt Nam.

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.

Lời thơ này được phổ nhạc bởi Linh mục Ðỗ Bá Công, được cất tiếng hát bởi Nữ Ca sĩ Khánh Ly tại : http://www.youtube.com/watch?v=_2X6jfGwgcY

B.- Quê Hương bị bán từng phần.

Cuối thập niên 1990, Liên xô tan rã, lo sợ mất nguồn xin bố thí, Việt cộng đã đê hèn tìm đến và tạ lỗi Tàu cộng qua cái gọi là ‘Mật ước Thành Ðô’, một văn kiện bán nước. Ngày 03 và 04.09.1990 Hội nghị Thành Đô được nhóm họp tại Tứ Xuyên gồm các đồng chí cao cấp hai cộng đảng Việt (Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng (kẻ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Tàu qua công hàm ngày 14.09.1958), Ðỗ Mười và Tàu (Giang Trạch Dân, tổng bí thư cộng đảng và Lý Bằng, thủ tướng).

‘Kỷ Yếu Hội Nghị’ đã ghi truyền những dòng chữ ‘kết luận như sau: « Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….

Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc ». Tưởng được bước lên đài danh vọng, tên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói khi nối lại bang giao với Tàu cộng ‘Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng, mất nước còn hơn mất Đảng’. Thật không lời nói nào ngu hơn vì khi Việt Nam mất thì làm gì còn cộng đảng Việt !

Năm 2000, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Tàu và Việt cộng chỉ giúp nước sau này chỉ mới thanh toán được 1/10 số nợ 880 tỉ mỹ kim đã vay của Tàu cộng từ năm 1927 đến năm 1975. Việt cộng đã và đang tiếp tục ‘giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Tàu’. Từ đó, vì để ngụy trang việc giao Ðất Nước trước hạn kỳ 2020, những nhượng bộ khác đã được thực hiện mà quan trọng và gây ô nhiễm nhất là :

1) Nhượng quyền khai thác Mỏ bauxite Tây nguyên. Từ năm 2001, dự án này đã được Bộ Chính trị thông qua: ‘Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán của Ðảng’. Ngày 01.11.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí, Quốc hội. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Tàu lạc hậu, việc sử dụng lao động phổ thông Tàu tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Cộng. Ngày 08.10.2014 hồ thải quặng đuôi số 5 của dự án Tân Rai đã bị vỡ đê, 5.000 mét khối nước và bùn đỏ đã tràn ra ngoài. Ngày 13.02.2016, đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Lâm Ðồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị ‘lão hóa’ dẫn tới bục đường ống. Ðánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng ban Nhôm – Titan, cho rằng đó là: ‘hệ quả công nghệ Trung’.

2) Ðặc khu Kinh tế Vũng Áng. Dù giới chuyên gia cảnh cáo Việt Nam sẽ gặp những nguy cơ tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự thảo đặc khu kinh tế của tập đoàn Formosa, ngày 25.06.2014, chúng đã gửi văn bản đến nhà nước Việt Cộng đề nghị thành lập đặc khu kinh tế này để phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và các ngành công nghieäp liên quan như gang thép, điện, theo truyền thông trong nước.

Vũng Áng ‘là một địa điểm hết sức nhạy cảm’. Mạng thông tin Tàu cộng lưu hành kịch bản tấn công Việt Nam trong 32 ngày. Chúng nói sẽ đánh vào miền Trung, chia cắt Việt Nam ra. Do đó, hy vọng những nhà chiến lược quốc phòng Việt ‘chưa bị Tàu mua’ sẽ quan tâm và thận trọng trước những yêu cầu này. Những nguy cơ nảy sinh từ việc Việt cộng cho Tàu thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh vàvùng cửa khẩu Vũng Áng.

Từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ anh (Hà tĩnh). Ngày 10.04.2016, hiện tượng này lan đến vùng biển xã Quảng đông, huyện Quảng trạch (Quảng bình), rồi vùng biển Quảng trị và Thừa thiên-Huế. Hiện tượng này kéo dài suốt 20 ngày dọc bờ biển miền Trung dài hơn 200 cây số. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung.

Ðể chuẩn bị hoàn thành trò hề ‘giao nước’ cho Tàu năm 2020, Bộ Chánh trị đã hình thành Dự luật ‘Ðặc khu hành chính và kinh tế’, nguyên thủy, dự trù Quốc hội thông qua ngày 15.06.2018. Gặp sự chống đối của đồng bào đòi trưng cầu dân ý, cộng đảng phải tạm ngưng hành động ô nhục này cho đến tháng 10/2018. Ngày 12.06.2018, chúng đã thông qua dự luật ‘An ninh mạng’ để bịt miệng người dân. Do đó, đồng bào đã phải xuống đường phản đối. Tuy có những cuộc biểu tình đông đảo hơn nhiều so với từ sau ngày 30.04.1975, nhưng vì bạo quyền được ngoại viện để mua võ khí từ các nước Nga, Mỹ và Pháp tranh bán và thuê công an, côn đồ đánh đập người yêu nước, khiến hàng triệu người khác không dám tham gia ủng hộ. Lương tâm thế giới là vậy, chỉ chạy theo tiền và quyền. Chiếm được các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Tàu cộng không để đồng bào được vượt biên bằng đường biển, hàng không hay đường bộ đâu…

II./ CÔNG LÝ VI HIẾN VÀ PHẠM PHÁP.

Sau khi Sài Gòn mất tên, Nam kỳ khởi nghĩa ‘diệt’ Công lý (tên đường bị đổi). Do đó, Việt cộng đã có một rừng luật, nhưng cộng đảng thích xài luật rừng. Một trong những người đầu tiên bị chế độ đó chiếu cố là Ðức cha Tổng Giám mục phó Sài Gòn.

A.- Ði tù không bản án.

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập cũ, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Ðức cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản cùng các người Công Giáo yêu nước. Ðối với Chính quyền cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Người chỉ xác nhận sự vâng lời của mình đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha.

Trưa ngày 15.08.1975, Ðức cha Phao lô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục và Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó được đưa đến Dinh nói trên. Tại đó, một tên công an chận Ðức cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Người đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi :
- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?
Tướng Trà trả lời:
- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Ðức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.
- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Ðức cha Thuận bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Người bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Người chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Ðức cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Người hãy trở về với điều cốt yếu. Từ đó, Ðức cha, một Tuyên úy Công Giáo giúp đỡ các tù nhân không bản án các trại cải tạo từ Nam ra Bắc xã hội chủ nghĩa.

Thời gian 13 năm từ từ trôi qua, chấp nhận ‘Chọn Chúa chứ không chọn Việc của Chúa’.

B.- Ra tù theo nguyện vọng của đương sự.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Ðức cha Thuận đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau : « Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Ðúng rồi, bữa nay là lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thánh, 21 tháng 11 mà!’. Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:

- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:

- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Ðức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Ðể đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.

Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Ðúng! đúng!

Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Ðức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »

Ngày 21.11.1988, Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội.

C.- Thụ án khổ sai.

Do Việt cộng là một chế độ có ‘một rừng luật, nhưng thích xài luật rừng’ như nói trên, nên những ‘tù nhân không bản án’ bị trừng trị bằng những hình phạt khổ sai vượt mức bình thường.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: ‘Một hôm, cô Thanh, cấp dưỡng, đã mở cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức cha nằm dưới đất và bảo: hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!’ Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Ngày 15.09.2018
Lễ Ðức Mẹ Sầu Bi
Hà Minh Thảo


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trước Biển Bao La
Tấn Đạt
09:20 15/09/2018
TRƯỚC BIỂN BAO LA
Ảnh của Tấn Đạt
Biển ơi, biển có biết không?
Có người ngắm biển mà lòng suy tư
Bao năm mài miệt kinh thư
Chiều nay cảm thấy tâm từ hiện ra
Yêu thương khắp cõi ta bà
Từ người đến biển bao la nghĩa tình
(Trích thơ của Thích Nữ Thu Liên)
 
VietCatholic TV
Phỏng vấn Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ - Những Thách đố Mục Vụ Gia Đình và Tầm nhìn Giáo hội Việt Nam hôm nay
VietCatholic Network
19:03 15/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


VietCatholic PHỎNG VẤN ĐẶC BIỆT

Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ - Những Thách Đố Mục Vụ Gia Đình Và Tầm Nhìn Giáo Hội Việt Nam Hôm Nay, do cha Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc VietCatholic thực hiện tại văn phòng trụ sở VietCatholic ngày 13/9/2018
 
25 năm ngày Cha Pino Puglisi bị mafia sát hại – Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Pizza Europa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:09 15/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân kỷ niệm đúng 25 năm ngày Chân phước Giuseppe Puglisi bị bọn mafia Cosa Nostra sát hại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Palermo vào ngày thứ Bảy 15 tháng 9 để vinh danh vị mục tử đã bị sát hại tàn bạo vì đàn chiên của mình.

Lúc 6.30 sáng, ngài đã khởi hành bằng xe hơi từ nhà trọ Santa Marta để ra sân bay quân sự Ciampino đáp máy bay đi Catania. Sau 50’ bay, lúc 7.50 Đức Thánh Cha đến sân bay Fontanarossa của Catania.

Liền đó, ngài dùng trực thăng bay từ Fontanarossa đến thăm giáo phận Piazza Armerina thuộc tỉnh Enna.

Lúc 8.30, Đức Thánh Cha đến sân thể thao “San Ippolito” của Enna. Ra đón Đức Thánh Cha, có Đức Cha Rosario Gisana, Giám Mục giáo phận Piazza Armerina; bà Maria Antonietta Cerniglia, tỉnh trưởng Enna và ông Nino Cammarata, thị trưởng của thành phố Piazza Armerina.

Từ sân thể thao “San Ippolito”, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe hơi đến Quảng trường Europa.

Đến nơi vào lúc 9h sáng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các tín hữu đứng chật quảng trường chờ đón ngài từ sáng sớm. Sau diễn từ chào mừng của Đức Cha Rosario Gisana, Đức Thánh Cha đã chào thăm anh chị em tín hữu.

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha thừa nhận nhiều vấn đề và nhiều vết thương đang gây ra những đau khổ cho người dân trong vùng như tình trạng kém phát triển về xã hội và văn hóa, nạn khai thác bóc lột công nhân và tình trạng thiếu công ăn việc làm xứng đáng cho thanh thiếu niên, việc di cư của cả gia đình, nợ nần, nghiện rượu và các loại nghiện ngập khác, cờ bạc và sự phân ly gia đình.

Một Giáo hội biết xót thương

“Khi đối mặt với quá nhiều đau khổ,” Đức Thánh Cha thúc giục các tín hữu xây dựng một cộng đồng giáo hội “sống động và tiên tri, trong khi tìm kiếm những cách thế mới để công bố và trao ban lòng thương xót cho tất cả những anh chị em đã rơi vào tình trạng thờ ơ, hoài nghi, và một cuộc khủng hoảng đức tin.”

Đức Thánh Cha nói với dân chúng ở trung tâm Sicilia rằng đức tin trở nên cụ thể khi giữa những đau khổ của nhân sinh, người ta học cách nhận ra những vết thương của chính Chúa. Do đó, ngài thúc giục anh chị em dấn thân trong việc tân Phúc Âm hóa miền đất của mình, bắt đầu chính từ những thánh giá và những đau khổ của miền đất này. Trong sứ vụ nhiệt thành này, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đề xuất một lần nữa khuôn mặt của một Giáo Hội đồng tâm nhất trí công bố Lời Chúa, một Giáo Hội bác ái truyền giáo và hiệp thông Thánh Thể.

Lời Chúa và sự hiệp thông đồng tâm nhất trí với nhau, theo Đức Thánh Cha, là những bàn tay của Giáo Hội vươn ra với những người cảm thấy ngã quỵ về tinh thần hay thể xác, hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngài nhấn mạnh rằng Lời Chúa là trung tâm thiết yếu cho sự hiệp thông Kitô giáo, và không có bất cứ điều gì tối thượng cho bằng Lời Chúa.

Giáo hội truyền giáo

Giáo hội bác ái truyền giáo, được hình thành bằng “lòng trắc ẩn theo Tin Mừng trước quá nhiều những tệ nạn ảnh hưởng đến người dân”, và bằng cách “trở thành tông đồ lưu động của lòng thương xót trên miền đất này”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng lòng bác ái Kitô giáo không phải là những việc đơn thuần trợ giúp những người đang gặp khó khăn nhưng còn phải vượt xa hơn để loại bỏ những nguyên nhân gây ra khó khăn.

Giới trẻ

Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng tổ chức bác ái truyền giáo của Giáo Hội cũng phải dành một sự chú ý đặc biệt đến những người trẻ tuổi và những vấn đề của họ. Ngài khuyến khích các bạn trẻ đang lắng nghe ngài hãy “trở thành những kiến trúc sư vui tươi” đối với vận mệnh của mình, và bảo đảm với họ rằng Chúa Giêsu là một người bạn thành thật và trung tín.

Cộng đồng Thánh Thể

Nói về Giáo hội như một cộng đồng Thánh Thể, Đức Thánh Cha nói rằng “từ Thánh Thể mà chúng ta kín múc tình yêu của Chúa Kitô để đưa Ngài đến các đường phố trên thế giới, đồng hành với Ngài đi gặp các anh chị em của Ngài”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các linh mục trong giáo phận đoàn kết với vị Giám Mục của mình, để vượt qua các chia rẽ và định kiến, khiêm nhường để suy tư về những khó khăn lịch sử trong miền đất của các ngài và tìm ra những con đường mang đến ơn cứu chuộc và tự do đích thực cho đàn chiên của mình.

Cha Puglisi

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất biết ơn linh mục tử đạo, Cha Giuseppe Puglisi, là người đã viếng thăm giáo phận Piazza Armerina để gặp các chủng sinh học trò của mình một tháng trước khi bị giết chết 25 năm trước đây. Đức Thánh Cha đã mô tả chuyến viếng thăm này như là một cuộc “vượt qua tiên tri”, một di sản không chỉ cho các linh mục mà còn cho tất cả các tín hữu của giáo phận, rằng hãy phục vụ anh chị em của mình đến cùng vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu.

Lúc 10.00, Đức Thánh Cha lên xe hơi trở lại sân vận động “San Ippolito”. Tại đây, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha Rosario Gisana, bà tỉnh trưởng và ông thị trưởng của thành phố Piazza đã đón tiếp ngài, trước khi khởi hành bằng máy bay trực thăng đến thủ phủ Palermo trên đảo Sicilia.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 24/9/2018: Tóm lược chuyến tông du Lithuania của ĐTC Phanxicô ngày 22 và 23 tháng 9, 2018
VietCatholic Network
21:59 15/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với ĐTC tại Lithuania ngày 23 tháng 9, 2018.

2- Hơn 100 ngàn tín hữu Lithuania tham dự Thánh lễ với ĐTC Phanxicô tại Kaunas.

3- ĐTC Phanxicô gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Lithuania.

3- ĐTC Phanxicô bắt đầu viếng thăm Lithuania.

4- Vatican và Trung Quốc đã ký thỏa hiệp bổ nhiệm Giám Mục.

5- Trong 2 bức thư riêng, ĐTC Benedictô XVI khiển trách những người phê bình ĐGH Phanxicô.

6- Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đoạn giao với Tòa Constantinople.

7- Cuộc đại ly giáo của Chính Thống Giáo tiếp tục lan đến nước Belarus, Giáo Hội nước Nga bị cô lập.

8- Sứ điệp ĐTC gửi các tín hữu Công Giáo Hispanic ở Hoa Kỳ.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Xin Lỗi Chúa.

https://youtu.be/bYERoyGCz-Q

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết