Ngày 09-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từng ngày đối diện với cái chết
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
06:18 09/09/2008
TỪNG NGÀY ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT

- Tôi ra đi gặp CHA tôi. Tôi sắp gặp Đấng dựng nên tôi. Chẳng lẽ tôi lo sợ sao? Nếu tôi sợ, tức là tôi không có Đức Tin! Trong khi THIÊN CHÚA đón chờ chúng ta với đôi tay rộng mở. Vậy thì tôi không sợ hãi gì hết! Phải là điều tuyệt diệu lắm, khi chết, mình lại rơi ngay vào vòng tay THIÊN CHÚA! Đây chỉ là hình ảnh, nhưng hình ảnh lại tóm tắt thực tại tuyệt vời!

Đó là lời Cha Yvon Labbé - Linh Mục Thừa Sai Thánh Tâm - thổ lộ vài tuần trước khi qua đời vì bệnh ung thư tại Canada, hưởng thọ 65 tuổi. Cha giải bày tâm sự khi biết mình mang bệnh ngặt nghèo như sau.

Vì thân phụ tôi qua đời về cùng chứng bệnh, nên thỉnh thoảng tôi nghĩ đến điều ấy. Nhờ thế khi biết mình mắc chứng bệnh ung thư và bị bất toại, tôi không ngạc nhiên lắm. Dĩ nhiên đôi lúc cảm thấy khó chấp nhận một thực tế phũ phàng. Nhưng tôi không bao giờ phản loạn chống lại THIÊN CHÚA. Tôi không than thân trách phận. Bệnh hoạn tự nó là điều dữ. Tôi thích mình được khoẻ mạnh. Có không biết bao nhiêu việc phải làm. Có không biết bao nhiêu điều để sống. Thế nhưng, trong trường hợp tôi, tôi bắt buộc thú nhận là bệnh trạng trở thành thời gian của ân sủng. Giờ đây, tôi không có dự phóng cho tương lai. Cửa tương lai đóng kín. Tôi không còn lo nghĩ về ngày mai, nhưng chỉ sống giây phút hiện tại. Tôi chỉ phải lo đào sâu vài vấn đề, một số chân lý, vun trồng tình thân hữu. Vì thế, tôi gọi thời gian này là thời gian ân sủng. Thời gian mà con người ngưng vạch định mọi kế hoạch và tập trung vào chính yếu.

Tôi từng làm nhiều công việc vì bổn phận, vì thích thú hoặc vì lợi ích cá nhân. Bây giờ tôi không còn tự làm gì được nữa. Tôi phải để người khác làm hết mọi chuyện thay cho tôi, còn tôi, tôi chỉ chú ý đến điều gì là quan trọng, là nòng cốt.

Thông thường không ai thích nghĩ đến cái chết cũng không thích suy tư về sự chết. Khi biết mình chỉ sống 2 hay 6 tháng nữa thôi, hẳn người ta không cảm thấy vui. Bởi lẽ người ta quên rằng con người sinh ra để chết. Không ai thoát chết. Khi trẻ, con người không thích nghĩ đến cái chết. Nhưng khi lâm bệnh, chúng ta bị bắt buộc nhìn thẳng vào sự chết. Một thời gian rất lâu - vì bôn ba hoạt động - tôi quên bẵng sự kiện có ngày tôi sẽ chết. Giờ đây tôi sống trong tư thế sẵn sàng, sẵn sàng ra đi về Nhà CHA!

Chứng bệnh bất toại làm tôi mất hết tự lập và sống hoàn toàn lệ thuộc người khác, trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Và đây là điều thật khó khăn. Kể từ giây phút chấp nhận thân phận mình, khó khăn vẫn còn đó, nhưng tôi vượt qua cách dễ dàng hơn. Tôi dồn năng lực suy tư cho vấn đề chính yếu và cho CẦU NGUYỆN. Đối với tôi, cầu nguyện không phải là lập đi lập lại công thức có sẵn, nhưng là hiện diện cách yêu thương trước mặt THIÊN CHÚA. Giống như hai người yêu nhau, họ im lặng ngồi bên nhau và bấy nhiêu đó đã đủ.

Tôi không sợ chết, nhưng chỉ sợ một điều: sợ chính lúc chết. Không ai nói cho bạn biết lúc ấy xảy ra như thế nào. Bạn luôn luôn chết một mình, cho dù có đến 15 người đang ở chung quanh giường bạn. Không ai có thể chết thay bạn. Chỉ có lúc ấy khiến tôi sợ. Phần còn lại tôi không sợ hãi gì hết. Bởi vì, tôi ra đi gặp CHA tôi. Tôi sắp gặp Đấng dựng nên tôi. Chẳng lẽ tôi lo sợ sao? Nếu sợ, tức tôi là kẻ không có Đức Tin! Trong khi THIÊN CHÚA đón chờ chúng ta với đôi tay rộng mở. Vậy thì tôi không sợ hãi gì hết! Phải là điều tuyệt diệu lắm, khi chết, mình lại rơi ngay vào vòng tay THIÊN CHÚA. Đây chỉ là hình ảnh, nhưng hình ảnh lại tóm tắt thực tại tuyệt vời!

... ”Này con, đừng xao lãng, nhưng hãy cố gắng sống khôn ngoan và thận trọng: đó sẽ là sức sống cho tâm hồn, là đồ trang sức đeo nơi cổ. Rồi bước đường con đi sẽ an toàn, và chân con sẽ chẳng bao giờ vấp. Khi ngả lưng, con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi. Đừng sợ chi khi kinh hãi bất thần ập xuống, hay kẻ ác xông vào tấn công. Vì THIÊN CHÚA sẽ ở bên con, giữ chân con khỏi sa vào cạm bẫy” (Sách Châm Ngôn 3,21-26).

(”Annales d'Issoudun”, Novembre/1999, trang 28-29)
 
Chứng nhân : Đức Hồng Y John Henry Newman
PT Huỳnh Mai Trác
07:22 09/09/2008
Đức Hồng Y John Henry Newman sinh ngày 21 tháng 2 năm 1801, là một khuôn mặt vĩ đại dưới thời Hoàng Hậu Victoria. Ngài là một linh mục, một thần học gia và là một nhà văn lớn, ngài quả quyết về những giá trị truyền thống nhưng trong lúc đó ngài cũng luôn tìm mọi phương thức để hòa hợp với tiến bộ hiện đại trên thế giới. Mặc dù ngài thường bị chỉ trích bởi Giáo Hội mà ngài hết lòng yêu mến, nhưng ngài đã tự biện hộ với chính cuộc cuộc sống của ngài và mãi cho đến năm 78 tuổi thì ngài mới được phong chức Hồng Y. Ngài đã chọn khẩu hiệu là “ Heart speaks to heart” (Con tim nói với con tim).

Phần nữa cuộc đời son trẻ của ngài đã gắn bó vớí Đại Học Oxford, ngài tốt nghiệp và tiếp tục việc dạy học tại đó. Và đây chính là ngôi nhà tinh thần của ngài.

Sau khi được nhận lãnh chức linh mục của Giáo Hội Anh giáo ngài đưọc bổ nhiệm làm cha phó của nhà thờ danh tiếng University of St Mary. Cho đến năm 1830 ngài là một trong những nhà lãnh đạo bảo thủ của Đại Học Oxford với hoài bảo phục hưng Anh giáo trong thánh thiện và phổ quát. Năm 1841 ngài phổ biến một luận đề mời gọi Giáo Hội Công giáo giải thích về những điều lệ thứ 39 của Giáo Hội Anh giáo. Việc này bị Giáo Hội Anh giáo và trường Đaị Học Oxford tố giác nên ngài phải từ chức. Xa lánh cọng đồng và trường Đại Học Oxford, ngài dùng tất cả thì giờ vào việc nghiên cứu và phát huy lý thuyết Kitô giáo. Mục đích của ngài là chứng minh Anh giáo đang đi đúng đưòng lối của đức tin ngược lại với những sai lầm của Giáo Hội Roma. Nhưng cuộc nghiên cứu của ngài đã đưa đến kết quả ngược.lại. Ngài đã nhận thấy và tin tưởng là sự phát huy của Giáo Hội Roma không trái với đức tin mà còn giải đáp được nhiều vấn nạn của đức tin. Điều này chứng tỏ là Giáo Hội Roma trung thành với nguồn gốc chính thống và kết quả là ngài đã trở lại đạo Công giáo.

Sự trở lại đạo Công giáo vào năm 1845 làm cho những người đồng môn Anh giáo của ngài oán ghét. Đối vơi những người Công giáo ở Anh quốc thì việc trở lại của ngài không phải là lý do cho được nổi tiếng. Lý do trở lại đạo Công giáo của ngài dựa trên việc nghiên cứu một lý thuyết tuy có nhiều khi ngài đưa ra những điều không thích hợp với giáo lý của Giáo Hội Roma mà mọi người Công giáo đang tin tưởng. Tuy vậy, ngài cũng được thu nhận để tiếp tục trở thành một linh mục Công giáo. Ngài được gởi đến Roma thụ huấn trong một thời gian. Ở đó ngài ngồi học chung với các chủng sinh trẻ tuổi và thực hành những phương thức nghiêm khắc của kinh viện. Sau đó ngài viết cuốn “A Grammar of Assent”, chống lại ý tưởng là Đức Tin Kitô giáo có thể chứng minh bằng phương pháp luận.

Năm 1847, ngài chịu chức linh mục Công giáo và gia nhập nhóm Oratory of St Philip Neri. Trở về Anh quốc ngài thành lập Cọng đoàn này ở Birmingham. Năm 1851 ngài được mời đến Dublin để tổ chức một Trường Đại Học Công giáo. Ý tưởng phóng khoáng của ngài được trình bày trong tập sách “The Idea of a University” (Quan niệm về một Trường Đại Học).. Mặc dù một số tác phẩm của ngài đã gây nên những phê bình nghiêm khắc của Giáo hội, nhưng ngài vẫn được công nhận là một trong những giáo sĩ lừng danh thời bây giờ.

Mặc dù trong tâm tư là một con người bảo thủ, ngài kết thân với những người cấp tiến vì tinh tình yêu chuộng tự do và độc lập nên ngài không ưa tinh thần độc đoán được phô bày trong hệ thống của hàng giáo sĩ thời bây giờ.

Năm 1859 ngài viết một bài báo về “On consulting the Laity in Matters of faith” (Tham khảo các Giáo dân về các Vấn đề Đức Tin) làm cho Roma đặt vấn đề và bóng đen đã bao phủ tên tuổi của ngài trong nhiều thập niên. Newman lấy làm đau buồn vì những hiểu lầm của Tòa Thánh Roma. Bản tính thận trọng nên ngài vâng lời, khuất phục không than van. Đến năm 1864 khi Đức Giáo Hoàng Pius IX ban hành thông tư Syllabus of Errors, thì ngài lên tiếng bênh vực Giáo Hội Roma là việc tuân phục Đức Giáo Hoàng không trở ngại trong việc phục vụ quốc gia và là một người công dân trung thành.. Ngài lý luận là tuân phục uy quyền của Giáo Hoàng không làm mất đi tự do cá nhân và trách nhiệm luân lý của mỗi người.

Trong thời của Newman, ngài hiểu là ngài có một bổn phận chính yếu trong việc lâp lại đạo Công giáo ở Anh quốc. Ngày nay tên tuổi của ngài được nêu lên như là người tiên phong trong việc yêu cầu Giáo Hội mở rộng cửa đón nhận những tư tưởng mới tốt đep và có giá trị trong thế giới hiện đại.. Điều ngài hiểu rỏ về lịch sử của đức tin, bênh vực ý tưởng của giáo dân, giải thích thần học không bằng Kinh viện mà với tinh thần khoan dung, tách rời tôn giáo với nhà nước, tôn trọng đời sống trí thức và nhất lả tinh thần ngay thẳng với lưong tri của mình. Tất cả những đức tính đó rất thích hợp vơi tinh thần của Giáo Hôi hiện đại nhưng không mấy thích hợp trong thế kỷ thứ XIX.

Khi John Henry Newman được Đức Giáo Hoàng Leo XIII bổ nhiệm vào chức vị Hồng Y, chứng tỏ ngài không phải là một người hoàn toàn thuộc phái cấp tiến quá khích. Ngài là một người rất can đảm, cởi mở tìm mọi phương thức để dung hòa tinh thần bảo thủ của ngài, cương quyết bảo vệ sự thật truyền thống trong lúc đó vẫn mở rộng lòng ra với những ý tưởng tiến bộ tốt đẹp hiện đại.

Ngài có một tầm nhìn xa về tương lai và một trong những khẩu hiệu mà ngài ưa thích là: “Mỗi sự việc đều có thời gian của nó.”

Hiện nay, Bộ Phong Thánh đang làm thủ tục trình lên Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI để chuẩn bị phong Chân Phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman trong những ngày sắp tới.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 09/09/2008
TIỀN ĐỒ RỘNG LỚN

N2T


Ở nơi rất xa rất xa nọ là một địa phương mà ngay cả ngọn cỏ cao năm phân cũng không thể mọc được.

Nơi đó có một con chim lớn trú ngụ gọi là đại bàng. Lưng của nó giống núi Thái Sơn, hai cánh như đám mây ở góc trời. Khi gió thổi tới thì đại bàng giương đôi cánh bay vào gió lốc, và có thể dựng đứng bay lên cao chín vạn dặm, vượt qua làn mây mỏng, trong trời xanh mênh mông bát ngát bay qua hướng nam.

Con chim sẻ trú ngụ trong vùng có nhiều hồ ao nhỏ nhìn thấy thì cười nhạo đại bàng, nói: “Nó muốn đi đâu vậy chứ ? Ta dùng hết sức lực vượt qua mà bay lên, nhưng cũng chỉ có thể bay cao mấy trượng mà thôi, làm thế nào rồi cũng bay không qua khỏi cái đám cây cao rậm rạp này, nhưng như thế cũng là quá lắm rồi, nó bỏ ra nhiều sức bay thật cao để làm gì chứ ?”

(Trang tử: Tiêu dao du)

Suy tư:

Người có kiến thức nông cạn thì không thể hiểu nổi người có chí hướng cao xa, con chim sẻ quanh năm suốt tháng ở nơi cái vũng nho nhỏ, bay không quá ngọn cây cao rậm rạp, thì làm gì hiểu nổi chí hướng tận tầng mây của chim đại bàng !

Người có chí hướng cao xa trong trời đất thì có nhiều, nhưng đa phần bị kẻ tiểu nhân kiến thức nông cạn –họ hoặc là có quyền, hoặc là nịnh hót cấp trên- mà cản trở những người có kiến thức nhìn xa thấy rộng, cho nên thế giới vẫn cứ mãi chiến tranh, cộng đoàn không thấy có niềm vui chân thật, và hằng ngày chỉ đóng lại màn kịch yêu thương đoàn kết giả tạo...

Có một vài linh mục trẻ trước đây quanh năm chỉ ở trong chủng viện, nhà dòng, khi được làm cha sở thì cứ tưởng kiến thức và kinh nghiệm của mình bao trùm cả giáo xứ, nên bác bỏ ý kiến của người giáo dân có kinh nghiệm lâu năm làm việc, chê bai kế hoạch của ban hành giáo đưa ra và lấy quyền cha sở mà áp đặt, thế là giáo xứ mất đoàn kết, cha con nhìn nhau không sửa. Ôi buồn thật.

Khiêm tốn là cốt lõi của kiến thức.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:22 09/09/2008
N2T


26. Cầu nguyện là con đường tắt toàn vẹn.

(Thánh Ignatius of Loyola)
 
Thiên Thần và Gia Đình
Thanh Thanh
23:06 09/09/2008
THIÊN THẦN và GIA ĐÌNH
(Micae, Raphael, Gabriel)


“Các thiên thần lên xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Thiên thần là sứ giả và là biểu trưng cho sức mạnh thượng giới. Nói về tổng các tổng lãnh, thánh Phaolô nói: “Khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên” (1Tx 4,16). Nhưng Thánh kinh chỉ nêu tên 3 vị tổng lãnh là: Micae, Gabriel, và Raphael mà thôi. Các tổng lãnh thiên thần có ý nghĩa:

Micae: Ai bằng Thiên Chúa
Gabriel: Uy lực của Thiên Chúa
Raphael: Thầy thuốc của Thiên Chúa".

Nhắc đến tên các Ngài, ta nhớ lời dặn của thánh Grêgôriô Cả: "tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính". Và mỗi vị đều có nhiệm vụ đặc biệt đối với con người.

1. Raphael

Đây là một trong bảy vị tổng lãnh hầu cận trước nhan Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện phận vụ này trong câu chuyện Tôbia sau khi Ngài giữ gìn trẻ Tôbia trong một cuộc hành trình xa và khi được chữa lành cho Tôbia cha được sáng mắt. Trong Tân ước, “tổng lãnh thiên thần Raphael được đồng hoá với vị thiên thần đã khuấy nước trong hồ gần Giêrusalem và ai xuống hồ trước tiên khi nước mới sủi lên, thì bất cứ mắc bệnh tật gì cũng đều được khỏi” (Ga 5,2-4).

Gia đình- Mỗi gia đình cần có một Raphael, đó là đời sống đạo đức. Khôn ngoan của tạo vật là thờ phượng Thiên Chúa. Hạnh phúc gia đình có tồn tại hay không tuỳ thuộc vào mức độ kính sợ Đấng Tối Cao ít hay nhiều.

Có gì đẹp bằng hằng ngày mỗi gia đình đều có những giờ khắc gặp gỡ và trò truyện với Thiên Chúa qua các giờ đạo đức: thánh lễ, chầu thánh thể, lần chuỗi Mân côi, chặng đàng thánh giá, giờ kinh chung sáng tối, đọc sách thánh, sách đạo đức… Kính sợ Chúa là ơn được đặt lên hàng đầu, là ơn khôn ngoan nhất, đúng đắn nhất cho những ai biết chọn lấy và thực hành. Vì Thiên Chúa mà ta không kính sợ thì loài người có gì để ta phải e ngại.

Mỗi gia đình cần có một Raphael của chữa lành. Nơi đây, những con người xương thịt phải đối mặt với nhiều những nguy cơ xung khắc, đổ vỡ; có quá nhiều những thương tích cho nhau không chỉ nơi da thịt, mà còn trong cả tâm hồn, do những người thân yêu nhất của mình.

Thiên Chúa không khuyến khích ta bạo động, coi những người thân yêu như sói dữ để sát hại, phòng thủ, chém giết. Nhưng Ngài ban cho ta những người thân để chia sẻ, nâng đỡ, an ủi, xoa dịu cơn đau thể xác, chăm lo cho đời sống tinh thần, nâng cao đời sống thiêng liêng. Ta sẽ chẳng làm được nếu thiếu đời sống đạo đức. Nhờ đời sống đạo đức, ta mới có thể bao dung, tha thứ cho nhau. Liều thuốc tuyệt vời nhất của tình yêu là tha thứ. Tha thứ là biểu lộ mạnh mẽ và cụ thể nhất của tình yêu. “Tình yêu tin tưởng tất cả hy sinh vọng tất cả, tha thứ tất cả” (1Cr 13,7).

Ngoài Thiên Chúa ra, chẳng phải là gia đình ta hay sao ?

2. Micae

Người Do thái vẫn coi tổng lãnh thiên thần Micae là đấng bảo trợ đặc biệt. Trong Kitô giáo, Ngài cũng là đấng bảo trợ đặc biệt Giáo hội. Chúng ta coi Ngài là đấng thống soái đạo binh trên trời, dựa theo lời kể của thánh Gioan: "Một cuộc chiến dữ dội xảy ra trên trời, tổng lãnh thiên thần Micae cùng với các đồng bạn giao chiến cùng con rồng, con rồng và các đồng đảng chống lại mãnh liệt. Song chúng không sao thắng nổi và chúng mất địa vị trên trời. Con rồng lớn tức là con rắn xưa kia, thường gọi là ma quỉ hay là satan. Kẻ lừa dối thiên hạ, bị quăng xuống đất cùng với đồng đảng của nó" (Kh 12,7-9).

Gia đình- Cuộc chiến giữa cái thiện và ác luôn diễn ra trên trời cao cũng như nơi đất thấp. Mỗi gia đình cần có một Micae, tay cầm gươm, tay cầm cân. Nghĩa là có thưởng phạt công minh. Lấy sự thật và công lý làm khuôn mẫu để duy trì trật trự kỷ cương trong gia đình.

Hãy đẩy lui mọi điều xấu ra khỏi gia đình bằng sức mạnh của lề luật thánh và dùng gươm để chặt, để chém, để tiêu diệt mọi thứ xấu xa ra khỏi gia đình mình.

Hãy đẩy lui mọi hành vi đen tối, ác độc ra khỏi gia đình bằng cách duy trì trật tự trước sau, bằng lễ nghĩa gia phong, bằng lòng hiếu kính với người trên, hiếu thảo với Thiên Chúa, bằng công bình ngay chính, không thiên vị.

Hãy đẩy lui mọi thứ dục vọng, do xác thịt gây ra như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, rượu chè, thờ quấy, dị đoan, phù phép, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, chè chén say xỉn” ra khỏi cuộc sống bằng sức mạnh của Thánh Thần. Thánh Thần giúp ta hiểu được lý lẽ của trời cao. Nhờ vậy, gia đình ta luôn phát huy được sức mạnh của tình yêu là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. (1Cr 13,4-6). Được như thế, gia đình chắc chắn sẽ luôn “ bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Nhưng trên hết, hãy đặt tình yêu, lấy bao dung tha thứ mà hành xử với nhau.

3. Gabriel

Tổng lãnh thiên thần Gabriel được sai đến với Đức trinh nữ Maria ở Nazareth để nói rõ cho Mẹ biết định mệnh của mẹ (Lc 1,23). Ngài cũng đến với Zacaria để nói cho biết việc sinh hạ của Gioan tẩy giả (Lc 1,11-19). Chính Ngài đã tiên báo cho Daniel biết việc Đấng thiên sai đến (Dn 9,21).

Gia đình<.b>- Mỗi gia đình cần có một Gabriel. Đó là cuộc sống hằng ngày biểu lộ sức mạnh của Thiên Chúa toát ra từ trong tâm hồn là bình an hạnh phúc, là tin yêu và hy vọng.

Niềm vui là nguồn sức mạnh cho ta sống, là nguồn trợ lực cho người thân. Niềm vui sưởi ấm lòng nhau, xua đi những nỗi niềm chua xót, cay đắng, buồn tẻ trong cuộc đời.

Niềm vui sẽ biến mái nhà thành mái ấm, trở thành chỗ dựa của nhau, là chỗ để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa trước các tạo vật.

Hãy kể cho nhau nghe về Thiên Chúa tình yêu đã ban cho ta những ân phúc như thế nào. Hãy loan báo cho nhau về niềm vui mình nhận được.

Một gia đình lấy kính sợ Chúa, lấy đạo đức làm nền tảng để chi phối toàn bộ cuộc sống.
Một gia đình lấy Lề luật Thánh, lấy kỷ cương trật tự làm sức mạnh để thắng vượt ma quỷ.
Một gia đình luôn biết chia sẻ niềm vui Chúa ban cho nhau.
Một gia đình lý tưởng cần có Micae, Gabriel và Raphael.


Đó là một gia đình hạnh phúc.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo vĩ đại
Vũ Văn An
00:11 09/09/2008
Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo Vĩ Đại

(Hồ sơ của Hãng tin Fides, ngày 28 tháng Sáu năm 2008 do Cha Jean Baptiste Edart thu thập, và Luca de Malta biên tập )

Dẫn Nhập

Thánh Phaolô “tỏa sáng như vì sao rực rỡ nhất trong lịch sử Giáo Hội” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Buổi Triều Yết ngày 25 tháng Mười năm 2006). Vị Tông Đồ Dân Ngoại, một khuôn mặt rất phong phú và phức tạp này, không những là tác giả của nhiều Lá Thư hiện đang được chúng ta thưởng ngoạn ngày nay, mà trước nhất và đầu hết Ngài còn là một nhà truyền giáo vĩ đại. Cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Kitô trên đường tới Đamát là nguồn suối mọi lời giảng thuyết và trọn bộ nền thần học của Ngài. Trên đường du hành khắp miền Địa Trung Hải, kinh qua cấm cách, nguy hiểm đường dài, lúc nào Ngài cũng tận tụy làm việc không biết mệt mỏi. Niềm hãnh diện của Ngài là được công bố Phúc Âm ở những nơi chưa ai nghe về nó.

Chiêm ngắm khuôn mặt đầy biểu tượng và tiên phong này trong Năm Thánh mừng kính Ngài chắc chắn sẽ là nguồn suối thúc đẩy ta lên đường truyền giáo. Nó hệ ở việc nhìn lại con người Thánh Phaolô. Nhận thức gốc gác địa dư và tôn giáo của Ngài ngõ hầu nắm vững hơn bản chất cuộc gặp gỡ hết sức sâu sắc của Ngài với Chúa Kitô và hiểu rõ con người Ngài đã được biến đổi và chuẩn bị ra sao để phục vụ công việc truyền giáo. Thứ đến, ta sẽ xét xem Thánh Phaolô hiểu thế nào và tiến hành ra sao nhiệm vụ truyền giáo của mình. Tông đồ là người thế nào? Làm sao nhận diện được một tông đồ? Quả là thích thú khi tìm hiểu một cách cụ thể Thánh Phaolô đã nói với những ai và tại những nơi nào, Ngài đã công bố Phúc Âm như thế nào, các lời giảng, các phép lạ và các đặc sủng đã xuất hiện trong thừa tác vụ của Ngài ở chỗ nào. Tất cả những khía cạnh đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn những công việc nền tảng của mọi sinh hoạt truyền giáo.

Thánh Phaolô là ai?

Nguồn gốc không gian và thời gian của Ngài

Thánh Luca cho hay có lẽ Thánh Phaolô sinh tại Tarsus (Cv 22:3). Cha mẹ của Ngài di cư tới Tarsus và có lẽ bị người La Mã dãn dân tới đó. Khi đã ổn định, họ được ban cấp quyền công dân La Mã, một quyền họ có thể truyền lại cho Saolô (Cv 25:11-12). Ta biết Ngài có một người chị và một người cháu trai (Cv 23:16). Thánh Phaolô lớn lên tại Tarsus (Cv 9: 11, 25; 21:39; 22:3), thủ đô vùng Cilicia, hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tarsus, một thành phố lớn, giầu có, tọa lạc trên một trong những con lộ nhiều người qua lại nhất trên thế giới hồi đó, là cửa ngõ dẫn vào Tiểu Á, rất nổi tiếng về phẩm chất hàng vải. Điều ấy giải thích tại sao nghề được Thánh Phaolô học lại là nghề làm lều. Tarsus có nền hành chánh riêng, có thẩm phán do dân bầu và tiền tệ riêng. Người ta thấy rõ ở đấy đã có mặt một Cộng đồng Do Thái trong thế kỷ thứ nhất CN. Năm 66 trước CN, thành phố này chống lại Cassius, kẻ ám sát Julius Caesar, và để tưởng thưởng, Mark Antonio đã ban cho thành phố quy chế tự do và không buộc phải nạp thuế nữa.

Tarsus cũng nổi tiếng là một trung tâm giáo dục và triết học. Strabone, trong tác phẩm Geografia (14.5.14), quả quyết rằng Tarsus nổi hơn cả Athens, Alexandria và bất cứ nơi nào khác về giáo dục. Ông ta nói tới sự trổi vượt trong các trường dạy hùng biện (rhetoric) của nó. Các triết gia thuộc phái khắc kỷ thích cư ngụ tại đây và việc họ giảng dạy ngay bên đường là điều khá thông thường. Thánh Phaolô tiếp nhận được nét văn hóa ấy ngay trong nền học vấn của mình. Trong nhiều lá thư của mình, Ngài có nhắc đến các thuật ngữ địa phương, các luận chứng rút từ nền văn hóa triết học và kịch nghệ của thời Ngài sống.

Các yếu tố chắc chắn nhất trong tiểu sử của Thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Giêsu Kitô vào khoảng năm 32 và việc Ngài bị cầm tù tại Rôma trong các năm 60-62. Ngài chịu tử đạo tại Rôma giữa khoảng các năm 63 và 67. Các điểm khác thì khó có thể nói chắc, như con số chính xác các lần Ngài đi truyền giáo chẳng hạn. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng con số 3 lần thì xem ra có phần đúng hơn cả. Các giai đoạn và biến cố chính trong cuộc đời Ngài bao gồm việc Ngài được huấn luyện tại học đường của Gamaliel ở Giêrusalem (Cv 22:3) (*), việc Ngài bách hại Kitô hữu trong các năm sau đó, rồi cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Kitô trên đường tới Đamát đầu thập niên 30, gặp các tông đồ tại Giêrusalem, sứ mệnh giảng đạo cho Dân Ngoại, phúc tử đạo tại Rôma.

Người Do Thái tên Saolô

Thánh Phaolô nhiều dịp nói về mình và điều ấy giúp ta hiểu Ngài là ai. Ngài cung cấp cho ta nhiều tín liệu quan trọng trong thư gửi tín hữu Philíphê 3:5-6: “tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ítraen, họ Bengiamin, là người Hípri, con của người Híppri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi”. Ngài chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh. Điều ấy cho thấy sự trổi vượt về nguồn gốc của Ngài: Ngài chịu cắt bì đúng theo đòi hỏi của Luật Môsen trong sách Lêvi 12:3. “Dòng dõi Ítraen” vốn là một thuật ngữ dùng để chỉ bản sắc tôn giáo. “Họ Bengiamin”: do nhiều lý do, thuộc họ này là một vinh dự lớn trong Do Thái Giáo. Bengiamin vốn là con trai Rakhen, người vợ yêu qúy của Giacóp, lại là người duy nhất sinh tại Đất Hứa (St 35:16-18). Họ này đem lại cho Ítraen ông vua đầu tiên (1Sm 9:1-2) và mãi mãi trung thành với dòng dõi Đavít (1V 12:21). Cùng với họ Giuđa, họ Bengiamin là nhóm đầu tiên tái thiết Đền Thờ sau thời lưu đầy (Xh 4:1). Không lạ gì được thuộc họ này là một vinh dự lớn. “Là người Hípri con của người Hípri” nói cách khác ‘thuộc gia đình sống đạo’, luôn giữ luật Môsen và nói tiếng Aram. Những câu ấy mô tả cho ta một người Do Thái hoàn hảo.

Thánh Phaolô cũng mô tả mình là người Pharisêu, vốn nổi tiếng là yêu luật Môsen và luật truyền khẩu. Luật truyền khẩu này được viết thành văn bản từ thế kỷ thứ hai trước CN trở đi và trở thành bộ Talmud. Flavius Joseph, một sử gia Do Thái phục vụ người La Mã, cho hay: “Người Pharisêu áp đặt lên dân chúng nhiều luật lệ của truyền thống Cha Ông vốn không được ghi chép trong luật Môsen” ( (Antiquités Juives, 13.297). Ta sẽ tìm thấy ý tưởng đó một lần nữa trong Thư của chính Thánh Phaolô khi Ngài cho hay Ngài cuồng tín “bênh vực truyền thống Cha Ông” (Gl 1:14). Các luật liên quan tới ăn uống, cashroute, được coi là quan trọng. Chúng có tính biểu tượng để phân biệt Dân Chúa Chọn với các dân khác. Niềm tin mới, trong lòng Do Thái Giáo, đã bỏ rơi sự phân biệt này. Việc bỏ rơi ấy những người Pharisêu sùng đạo như Saolô không thể nào chấp nhận được: đối với họ, nó đe doạ chính sự tồn vong của Ítraen.

Tuy nhiên, bức tranh do Thánh Phaolô tự mô tả về chính mình không nên khiến ta có cái nhìn khép kín đối với nền văn hóa tôn giáo của Ngài. Ta đã thấy bối cảnh trong đó Thánh Phaolô lớn lên tại Tarsus. Các Thư của Ngài xác định rằng Ngài từng được thụ huấn nơi hội đường nhưng cũng được hấp thụ môi trường Hy Lạp nữa. Việc Ngài thành thạo với thuật hùng biện Hy Lạp đến độ có thể trích dẫn hay tham chiếu các tác giả cổ điển Hy Lạp cho thấy Ngài từng học hỏi các vấn đề ấy, ít nhất cũng đến lúc 14, 15 tuổi. Rồi sau đó, Ngài được gửi tới Giêrusalem để học hỏi các truyền thống Cha Ông tại học đường của Gamaliel (*). Ngay các rabbis, vào thời ấy, cũng không ngần ngại cho các học trò của mình đọc các tác giả Hy Lạp. Bởi thế ta thấy chân trời văn hóa và trí thức của Thánh Phaolô khá rộng lớn.

Việc trở lại và đi truyền giáo của Thánh Phaolô

Trở lại?

Ơn gọi đi truyền giáo và “trở lại” là hai điều liên kết chặt chẽ với nhau nơi Thánh Phaolô. Đó là lý do tại sao nghiên cứu bản chất cuộc biến đổi thiêng liêng này lại thích thú để có thể hiểu ơn gọi làm nhà truyền giáo của Ngài.

Thánh Phaolô nói rất ít về biến cố này trong các Thư của Ngài. Các đoạn thư chính là 1Cor 15:1-11; Gl 1:13-17 và Pl 3:2-14, nhưng chúng chứa rất ít chi tiết lịch sử. Thánh Tông Đồ chỉ tập chú nhiều hơn vào ý nghĩa. Ngài nói tới một kinh nghiệm đã hoàn toàn thay đổi đời Ngài, hơn là một biến cố biệt lập, và Ngài coi nó như một ơn gọi từ ngay lúc còn trong lòng mẹ (Gl 1:15). Bởi thế, ta không thể giải thích cuộc gặp gỡ Chúa Kitô đó mà không xét tới trọn bộ cuộc hiện sinh của Ngài.

Vậy biến cố ấy có nghĩa gì? Nói đến trở lại, ta sẽ lầm lẫn nếu chỉ coi đó như việc từ một tôn giáo này chuyển qua một tôn giáo khác. Thực thế, Thánh Phaolô không bao giờ coi mình đã thay đổi tôn giáo. Cần ghi nhận một điều: đến lúc đó, chưa có sự tách biệt giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Việc trở lại của Ngài vì thế có một ý nghĩa hết sức sâu sắc, một mở lòng ra với Thiên Chúa, một ngập tràn ơn thánh và biến đổi trọn con người.

Thánh Phaolô nhận định về cuộc gặp gỡ Chúa Kitô này như sau: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên” (Gl 1,15-16). Thánh Tông Đồ coi cú xốc nội tâm này như kết quả của diễn trình chín mùi từng khởi đầu ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc hiện sinh của Ngài: từ lúc mới sinh, Ngài đã được Thiên Chúa hướng dẫn, cách từ từ, kiên nhẫn, cho đến lúc quyết định khi Chúa Giêsu nắm chặt lấy Ngài và biến Ngài thành của Người vĩnh viễn (Pl 3:12). Trong các Thư của mình, Thánh Phaolô nhấn mạnh tới sáng kiến thần thánh này. Chỉ trong giây lát, mọi sự đã ra khác hẳn.

Việc trở lại ấy quả là việc sinh lại lần nữa. Biến cố ấy đem lại sự mới mẻ từ cội rễ. Thánh Phaolô bị việc mạc khải của Chúa Kitô làm cho mù mắt. Phép Rửa phục hồi lại thị giác cho Ngài (Cv 9:18), quả là một biểu tượng mạnh mẽ. Một người trước đây không nhìn được, nay được sinh hạ vào cuộc sống mới. Một thế giới mới được mạc khải cho vị Tông Đồ. Toàn bộ tư tưởng của Thánh Phaolô được xây dựng trên kinh nghiệm này. Đó không phải chỉ là một thị kiến đơn thuần về Chúa Kitô. Đúng hơn, đó là một mạc khải cho thấy sự biến đổi thế giới sâu sắc do Chúa Kitô Phục Sinh thực hiện. Trong các trước tác của mình, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa thế giới cũ và thế giới mới. Ngài cảm nghiệm được sự phân biệt ấy ngay trong thân xác Ngài.

Ngài dùng hai biểu thức để mô tả điều xẩy ra: Ngài “thấy” Chúa Kitô (1Cor 9:1; 15:8) và nhận được “mạc khải” (Gl 1:16; 2:2; Eph 3:3), một hạn từ được Ngài hay dùng (Rm 16:25; 1Cor 1:7; 2Cor 12:17...). Cả hai hạn từ trên đều chỉ hành vi của Thiên Chúa. Chúa Kitô không được nhìn thấy, nhưng Người là Đấng tự để cho mình được nhìn thấy. Khi nói tới thị kiến ấy, Thánh Phaolô dùng các động từ ở thể thụ động. Thiên Chúa mạc khải chính Người cho con người; đó là việc thông truyền mầu nhiệm Thiên Chúa. Không phải là vô lý khi Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô chương 1, câu 17, nói tới “thần trí khôn ngoan và mạc khải”, nguồn nhận thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, đối với Kitô hữu.

Nhà truyền giáo

Cuộc mạc khải trên không tìm thấy lý do hiện hữu của nó ngay trong chính nó. Thánh Phaolô giải thích rằng cuộc mạc khải này được ban cho Ngài “để nó (mầu nhiệm Chúa Kitô) được loan báo cho dân ngoại”. Cuộc mạc khải ấy nhằm biến Ngài thành nhà truyền giáo, nhưng phải hiều sứ mệnh truyền giáo của Ngài theo dòng ơn gọi tiên tri. Thư Galát chương 1, các câu 15-16 dựa vào hai tham chiếu đối với ơn gọi tiên tri của Isaia (Is 49:1) và Giêrêmia (Giêrêmia 1:5). Thánh Phaolô coi ơn gọi ra đi truyền giáo cho dân ngoại của Ngài như một tiếp nối sứ mệnh của các tiên tri xưa, và nhất là sứ mệnh của người tôi trung Thiên Chúa như đã được mô tả trong Isaia. Nhà truyền giáo là một sứ giả ghé vai gánh vác sứ mệnh người tôi trung Thiên Chúa từng được giải thích trong Isaia 40-45. Tuy nhiên, trong một thị kiến lúc còn ở Côrintô, Thánh Phaolô được chỉ thị: “Đừng sợ; hãy lên tiếng và đừng giữ im lặng: Ta luôn ở với con. Ta có nhiều người thuộc về Ta trong thành phố này đến nỗi sẽ không ai có thể làm hại con đâu” (Acts 18,9-10). Chúng ta đọc trong Is 41:10: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; đừng ngã lòng, vì Ta là Thiên Chúa của ngươi; Ta sẽ củng cố ngươi; đúng, ta sẽ giúp ngươi; đúng, Ta sẽ nâng đỡ người bằng cánh tay mặt đức công chính của Ta”. Nhiệm vụ của Thánh Phaolô tại Côrintô là thi hành trách vụ người tôi trung Thiên Chúa.

Phần lớn các đoạn văn trên liên hệ tới Isaia và nhất là khuôn mặt người tôi trung của Giavê. Nền giáo lý Kitô giáo thuở ban đầu nhận ra trong nhân vật bí nhiệm này lời tiên tri về Chúa Kitô. Chỉ cần nhớ lại cuộc đối thoại giữa viên hoạn quan Êtiôpia và tông đồ Philíp trên đường Gaza (Cv 8:30-35). Thành thử có thể nói được là Thánh Phaolô, khi áp dụng lời tiên tri ấy vào chính mình, đã hiểu được rằng sứ mệnh của Ngài chính là một nối dài sứ mệnh của Chúa Kitô. Việc đồng hóa vị rao giảng với Chúa Kitô này phải được hiểu theo nghĩa năng động hơn là tĩnh tụ. Đến đây, ta nhận ra điểm căn bản trong thần học của Thánh Phaolô: việc đồng hóa với Chúa Kitô bắt đầu với Phép Rửa và là một diễn trình kéo dài suốt đời. Được Chúa Kitô “chiếm đoạt” (Pl 3:12), được Người dẫn tới cuộc biến đổi bản thân sâu sắc này. Việc ấy đã đặc biệt xẩy tới trong trường hợp của Thánh Phaolô.

Lời tự biện minh của Thánh Phaolô khi bị chỉ trích quả hết sức phong phú về giáo huấn (2Cor 4:7-15). Thánh Phaolô buộc phải biện minh phẩm tính Tông Đồ của mình đối với những nhà truyền giáo Kitô giáo gốc Do Thái vốn không mấy kính trọng phẩm tính ấy: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cor 4,7-15). Câu này nói lên một lý thuyết mà thánh nhân sẽ chứng minh bằng các câu tiếp theo: tính mỏng dòn của vị Tông Đồ trong sứ vụ tông đồ của mình, phải sống trong cảnh cấm cách, không phải là dấu hiệu yếu đuối, nhưng đúng hơn là điều kiện cần thiết để kho tàng Ngài đang mang trong tay, tức nhận thức về Chúa Kitô, được mạc khải và để cộng đồng Kitô giáo tiếp nhận sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh. Câu 10 và câu 11 minh họa rõ Ngài đã đồng hóa sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Kitô ra sao. Thánh Phaolô viết: chúng ta “hằng bị cái chết đe dọa”. Kiểu nói “hằng bị cái chết đe dọa” hay được Thánh Phaolô và các phúc âm gia sử dụng để chỉ cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Ngài tiếp tục việc đồng hóa này trong câu 14, khi Ngài cho hay Ngài sẽ cùng Chúa Kitô chỗi dậy từ cõi chết. Bởi thế, sứ mệnh của Ngài là hiến mạng sống mình như Chúa Kitô từng làm: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cor 4,10). Hai câu này gợi ý rằng cái chết đang hoạt động trong người rao giảng chính là nguồn sống cho cộng đoàn, cũng như cái chết của Chúa Kitô là nguồn sống của ta. Nhờ thừa tác vụ Tông Đồ của mình, Ngài làm cho lễ hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô trở thành hiện thực. “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Ở đây, ta có được yếu tính thánh thể cho mọi đời sống truyền giáo.

Tới với mọi dân tộc

Phổ quát là đặc điểm chủ yếu trong sứ mệnh truyền giáo của Thánh Phaolô. Nó là hậu quả trực tiếp từ bản chất niềm tin mới. Nhiệm vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Câu này, thấy trong thư Galát, chương 1, câu 16, được xác nhận một cách đầy đủ bằng lời hứa trợ giúp ta thấy trong Công Vụ 26:17: “Ta sẽ cứu con khỏi những người và những dân tộc mà Ta sẽ gửi con tới”. Đối với người Do Thái lẫn không Do Thái, Thánh Phaolô sẽ là nhân chứng của Đấng Phục Sinh, được Chúa của Tán Tụng sai đi, Đấng mà Ngài cũng như nhóm Mười Hai đều đã tận mắt nhìn thấy. Một trình thuật khác về thị kiến ấy được dùng làm nền cho sứ mệnh của Ngài nơi dân ngoại, nơi các dân tộc. Công Vụ 22:17-21 nhắc đến một thị kiến xẩy ra trong đền thờ. Thánh Phaolô phải đi tới với mọi “dân tộc”. Điều ấy có thể chỉ những người không phải là Do Thái nhưng cũng chỉ cả những người sống bên ngoài Giêrusalem. Ở đây, ta gặp một trong các trọng điểm của sự mới mẻ trong đức tin Kitô giáo và thần học của Thánh Phaolô: tính phổ quát của Ơn Cứu Rỗi. Chúa Kitô hiến mạng sống Người cho toàn thể nhân loại và Người muốn mọi người được cứu rỗi. Tình yêu của Chúa Kitô, từng bùng cháy trong tâm hồn Thánh Tông Đồ, sẽ dẫn dắt Ngài tới những nơi xa xăm như Tây Ban Nha (Rm 15:24), mà thời ấy, vốn được coi là cõi tận cùng trái đất được người ta biết đến.

Truyền giáo và Giáo Hội

Thánh Phaolô cho hay Ngài là một “Tông Đồ” tuy không thuộc Nhóm Mười Hai. Chữ “tông đồ” (Apostle) là do một hạn từ Hy Lạp vốn có nghĩa là “sai đi”. Quyền được Thánh Phaolô nêu ra để “đòi” cho được tước hiệu này dựa vào sự kiện chính Chúa Kitô Phục Sinh đã sai Ngài đi rao giảng (1Cor 1:17), cho dân ngoại mầu nhiệm về Chúa Kitô (Gl 1:16; Eph 3:8), và Ngài ý thức rất sâu sắc niềm vinh hạnh lớn lao hàm chứa trong tước hiệu ấy: “Vì tôi là tông đồ tầm thường nhất trong các tông đồ và thực sự không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi từng bách hại Giáo Hội của Thiên Chúa” (1Cor 15:9). Muốn làm tông đồ, Ngài phải được sai đi; nguyên sự kiện Ngài được thấy Chúa Kitô mà thôi không đủ. Trong 1Cor 15:5-7, Thánh Phaolô phân biệt “năm trăm anh em” với “tất cả các tông đồ” (các vị sau cũng khác biệt với Nhóm Mười Hai). Sự phân biệt trên hệ ở chỗ nhóm trước không được trao phó việc ra đi truyền giáo.

Sự chính xác về ngữ nghĩa ấy đã dẫn ta vào chủ đề Giáo Hội. Như chính Ngài đã khẳng định, Ngài được chính Chúa Kitô trực tiếp sai đi, thì liệu có thể có chăng một thứ truyền giáo ở bên ngoài Giáo Hội? Trong các trình thuật khác nhau về ơn gọi của Ngài, cả trong các Thư lẫn trong Công Vụ, ta thấy Giáo Hội không bao giờ vắng mặt. Dù Thánh Phaolô hay cho rằng sứ vụ truyền giáo của Ngài không phải là một trách vụ do Giáo Hội trao phó cho, mà đúng hơn đó là một đặc sủng của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, ta cũng thấy chính trung gian Giáo Hội đã chứng thực cho tính chân thực trong sứ mệnh của Ngài. Thánh Phaolô tới gặp Thánh Phêrô để khỏi rơi vào cái ảo tưởng “ngược xuôi vô ích” (Gl 2:2). Trong Công Vụ 9:10-18, ta thấy Ngài tiếp nhận việc Ngài được sai đi truyền giáo không phải trực tiếp từ Chúa Kitô mà qua trung gian Ananias. Mục đích việc Ananias làm trung gian không phải để trình bầy với Thánh Phaolô một học lý mới mà là giúp Ngài hiểu rằng việc trao ban phẩm chức tông đồ cho Ngài được thực hiện dưới ánh sáng truyền thống Giáo Hội (1Cor 11:2; 11:23; 15:1). Dù sao, quan tâm liên tục của Thánh Phaolô từ trước tới nay vẫn là được cộng đồng sai đi. Điều ấy đúng cho lúc Ngài khởi đầu sinh hoạt truyền giáo, khi Ngài lên đường rời khỏi Antiốc (Cv 13:1-3), mà còn đúng cho đến cả lúc tận cùng nữa. Sau này khi viết cho tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã yêu cầu họ nhiều điều, nhưng trong đó có việc xin họ hỗ trợ và nhìn nhận sứ mệnh truyền giáo của mình (Rm 15:24). Thành ra không hề có mâu thuẫn giữa sứ mệnh truyền giáo của Ngài và truyền thống Giáo Hội.

Sứ mệnh truyền giáo của Thánh Phaolô

Ta vừa thấy nguồn gốc sứ mệnh truyền giáo và ý nghĩa của nó đối với Thánh Phaolô. Giờ đây, ta sẽ khai triển các khía cạnh cụ thể trong sứ mệnh truyền giáo của Ngài. Ngài có một chiến lược nào không? Ngài thi hành chiến lược ấy ra sao? Ngài bắt đầu như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bất cứ ai tham dự vào việc truyền bá Phúc Âm cũng cần lưu ý.

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Thánh Phaolô nói với người Do Thái trước và chỉ sau đó mới nói với dân ngoại, nhưng Ngài biết Ngài phải nói với cả người không phải là Do Thái nữa. Ngài là nhà truyền giáo cho cả hai (Rm 1:16). Kế hoạch có tính chiến lược của Ngài khá đơn giản: để chu toàn nhiệm vụ được trao phó, Ngài quyết định mình sẽ loan báo Phúc Âm cho những người không phải là Do Thái tại những nơi chưa ai nghe nói tới Phúc Âm ấy bao giờ (Gl 2:7; Rm 15: 14-21). Khi du hành trên khắp các ngả đường La Mã, Thánh Phaolô đi từ thành này tới thành nọ của vùng Arabia, Syria và Cicicia, rồi tiếp tục tới Cyprus, Tiểu Á, Macedonia, Achaia và cả Tây Ban Nha, nơi chính Ngài dự tính sẽ tới. Thánh Phaolô trao phó con đường truyền giáo của mình vào tay Thiên Chúa. Dù đặt kế hoạch đàng hoàng cho các hành trình truyền giáo của mình, Thánh Phaolô vẫn ý thức rõ mình cần tới hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài nhận làm người hướng dẫn (Cv 16:9), bất chấp bách hại. Và bách hại chính là nguyên nhân khiến Thánh Phaolô không ngừng di chuyển, có khi còn chạy trốn nữa: trốn Antiốc (Cv 13:5051), trốn khỏi Icôniô (14:5-5); trốn khỏi Lystra (14:19-20); trốn khỏi Philippi (16:19-40); trốn khỏi Thessalonica (17:5-9), Berea (17:13-14) và Êphêsô (20:1).

Hội đường, các nơi công cộng

Chiến lược của Thánh Phaolô là tập chú vào các trung tâm thành thị, các trung tâm hành chánh La Mã, văn hóa Hy Lạp và có người Do Thái sinh sống, để Phúc Âm có thể được truyền bá từ các cộng đoàn do Ngài lập nên mà lan ra ngoài tới toàn bộ xứ sở.

Khi tới một thành thị nào đó, việc đầu tiên Thánh Tông Đồ làm là tới hội đường địa phương vào ngày Sabát, để tham dự buổi thờ phượng tại đấy. Vì là khách phương xa, thế nào Ngài cũng được các nhà chức trách tôn giáo sở tại mời cắt nghĩa sách Torah. Đây là dịp tốt để Ngài đăng đàn loan báo Chúa Kitô Phục Sinh. Theo quan điểm chiến lược, người ngoại giáo nào nhìn nhận Thiên Chúa của Israel, “những người kính sợ Thiên Chúa”, đều là mục tiêu tốt nhất cho công việc loan báo Tin Mừng nơi dân ngoại. Trong khi loan báo Phúc Âm tại các hội đường, Thánh Phaolô nhằm những người đó để chinh phục. Hội đường vì thế là tham chiếu thường xuyên trong cuộc đời Thánh Phaolô. Ngay về cuối đời, lúc tới Rôma, Thánh Phaolô vẫn mời người Do Thái tại thành phố này đến nghe điều Ngài có bổn phận phải nói (Cv 28).

Về môi trường ngoại giáo, như Công Vụ 17:16-34 đã cho thấy, khi nhắc đến việc rao giảng tại Athens, địa điểm Thánh Phaolô ưa chọn để rao giảng chính là các quảng trường công cộng. Ngài không bao giờ ngần ngại sử dụng bất cứ dịp may nào để loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô, ngay cả lúc ngồi tù (Cv 16:25-34), trong đó có câu truyện trở lại hết sức cảm động của cả một gia đình.

Tư gia

Các tư gia là nơi chủ yếu cho việc truyền giáo. Sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi có quan hệ mật thiết với tư gia. Mà tư gia hồi đó bao gồm trọn một ‘gia đình’ kể cả đầy tớ và nô lệ. Tư gia được coi như điểm quy chiếu, nơi cộng đoàn tụ tập nhau vào Ngày Của Chúa và được dùng làm bản doanh cho công tác truyền giáo. Điều ấy không có chi mới lạ đối với các tín hữu gốc Do Thái, từng được giáo dục trong môi trường tụ họp nhau thường xuyên tại các tư gia. Các tư gia còn có lợi điểm khác nữa: sau cử hành Lễ Tạ Ơn, cộng đoàn có thể cùng nhau chia sẻ bữa ăn chung. Tư gia bảo đảm sự kín đáo, một điều sau đó không lâu đã trở nên cần thiết khi người La Mã khởi diễn cơn cấm cách và người của hội đường tỏ ra ganh ghét.

Điều lý thú đáng ghi nhận là Thánh Phaolô từng khuyên vợ một dân ngoại đừng bỏ chồng (1Cor 7:13-14). Điều ấy rất đáng lưu ý vì tư gia vốn là nơi thờ phượng của gia đình. Các thần minh của dân ngoại vốn có bàn thờ riêng. Pater familias, tức người chủ gia đình, được tự do tới đền thờ để cầu nguyện hay thi hành một chức năng tư tế nào đó. Ông ta cũng có quyền tự do lui tới các động điếm, vốn rất thịnh hành hồi đó. Ta cũng thường nghe nói tới việc cả một gia đình trở lại đạo: gia đình bà Lydia, gia đình viên cai ngục ở Philippi (Cv 16: 14-15, 32-34), hai gia đình Crispus và Stephana ở Côrintô (Cv 18:8; 1Cor 1:16; 16:15). Các nghiên cứu trong ngành kiến trúc cho thấy tùy theo cỡ nhà, các tư gia thường chứa ít nhất 20 người đến thờ phương, nhưng cũng có tư gia có thể chứa tới 100 người.

(Còn tiếp)
 
Ngày ăn chay và cầu nguyện cho các Kitô hữu Orissa quy tụ cả đại diện Ấn giáo, Hồi giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:44 09/09/2008
Mumbai, Ấn Độ (AsiaNews) - Hàng ngàn người Ấn đã hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo Hội Ấn Độ về ngày cầu nguyện và ăn chay để đáp lại bạo lực chống Kitô giáo ở Ấn Độ. Đức Hồng y Varkey Vithayathil, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Ấn gọi đó là “dấu chỉ của thời đại”. Tính “lạ thường” nằm ở chỗ thay vì đáp trả “bạo lực bằng bạo lực”, các Kitô hữu đã “ăn chay và cầu nguyện để vượt thắng tội lỗi”, dành sự phán quyết cuối cùng cho Thiên Chúa.

Đức Hồng y nói thêm rằng ngày hôm nay, 8/9, Giáo Hội Ấn Độ “đã đưa ra bài giáo lý có tác động mạnh đến người dân Ấn Độ, Á Châu và toàn thể thế giới – người có đức tin và không có đức tin – với những giáo huấn của Chúa Kitô, nơi Bài giảng trên Núi: ‘hãy yêu kẻ thù của anh em, cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, hãy tha thứ và bằng tình yêu này thế gian sẽ biết anh em là môn đệ Thầy’ ”.

Trên khắp Ấn Độ, người Công Giáo tập trung tại các nhà thờ hoặc ở những nơi công cộng để bày tỏ sự dự phần của họ đối với những đau khổ của những người anh em, chị em họ trong đức tin ở bang Orissa.

Ngay tại Orissa, nơi mà cuộc tàn sát chống lại các tín hữu đã diễn ra hơn một tuần, tất cả các nghi lễ đều được cảnh sát bảo vệ, họ đã canh gác tại nơi trú ngụ của các giám mục, các nhà thờ và các cơ sở Kitô giáo khác.

Ở Ranchi (Jharkhand), Đức Hồng y Thelesphore Toppo đã quy tụ hơn 6.000 người ở khu Loyola, cách nhà thờ chính toà vài trăm mét. Các thành viên của tất cả các tôn giáo đã tham dự vào buổi lễ, bằng những lời cầu nguyện và các bài đọc rút ra từ các sách thánh khác nhau: Ấn giáo, Sikh, Hồi giáo, Sarna, Tin Lành và Công Giáo. Thị trưởng thành phố cũng tham dự vào buổi lễ kéo dài hơn một giờ rưỡi.

Ở Mumbai, Đức Hồng y Oswald Gracias cũng đã quy tụ người dân của các tôn giáo khác nhau tại Azad Maidan để bày tỏ sự không đồng tình về xung đột tôn giáo giả tạo chỉ nhằm chống lại Kitô giáo ở Orissa. Swami Agnivesh, người đứng đầu hội đồng thế giới của Arya Samaj (một nhóm Ấn giáo đổi mới) cũng tham dự. Ông nhấn mạnh rằng “người Ấn giáo nói chung không ủng hộ hành động tàn bạo do những phần tử cực đoan gây ra ở Orissa”. Đề cập đến sự tàn phá và đốt cháy nhà thờ và làng mạc Kitô giáo, ông yêu cầu tất cả mọi người “nhóm lên ánh lửa trong lòng để thay thế và cùng làm việc vì nhân loại”.
 
Nhiều phụ nữ được Đức giáo hoàng bổ nhiệm vào Thượng hội đồng giám mục về Lời Chúa.
Phụng Nghi
11:54 09/09/2008
Vatican (CNS) – Chọn người từ mọi miền trên thế giới và từ nhiều lãnh vực chuyên biệt khác nhau, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã bổ nhiệm 32 thành viên có quyền bỏ phiếu, 41 chuyên viên và 37 quan sát viên cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới.

Việc bổ nhiệm 6 nữ học giả trong thành phần chuyên viên và 19 phụ nữ khác trong thành phần quan sát viên sẽ làm cho Thượng hội đồng về Lời Chúa tổ chức từ ngày 5 đến 26 tháng 10 trở thành một Thượng hội đồng giám mục Công giáo có số thành viên phụ nữ lớn nhất từ trước tới này.

Danh sách các vị được Đức giáo hoàng bổ nhiệm đã được Tòa thánh Vatican công bố hôm 6 tháng 9 vừa qua.

Ngoài 32 vị giáo phẩm được Đức giáo hoàng Bênêđictô bổ nhiệm làm thành viên chính thức của Thượng hội đồng, còn có khoảng 180 giám mục được Hội đồng giám mục các quốc gia bầu chọn (trong số này có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Gm Thanh Hóa, và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Gm Phó Nha Trang ), 10 linh mục do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền chọn. Ngoài ra, còn có các vị đương nhiên là thành viên của Thượng hội đồng, tức là khoảng hơn hai chục hồng y, tổng giám mục đứng đầu các bộ và hội đồng của Tòa thánh.

Trong các vị được bổ nhiệm, có 18 hồng y. 12 trong số 18 vị này đang cai quản các giáo phận, như hồng y Marc Ouellet ở Quebec (Canada), George Pell ở Sydney (Australia), và Joseph Trần Nhật quân (Zen Ze-kiun) ở Hong Kong.

Những giám mục được Đức giáo hoàng bổ nhiệm đến từ các châu Á, Phi, Âu và Úc. Trong số này có Giám mục Jose Lai Hung-seng ở Ma-cao (Macau).

Ngoài ra, trong số thành viên chính thức của Thượng hội đồng được Đức giáo hoàng bổ nhiệm còn có giám mục Javier Echevarria Rodriguez, trưởng phủ giám hạt Opus Dei; Cha Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền Dòng Tên; và Cha Julian Carron, chủ tịch phong trào Hiệp thông và Giải phóng.

Các thành viên có quyều bỏ phiếu được phát biểu trong toàn thể các phiên họp. Các vị này quyết định những đề nghị sẽ được trình lên Đức giáo hoàng vào cuối phiên họp.

41 chuyên viên sẽ là những người cung cấp dữ liệu cho các thành viên Thượng hội đồng giám mục trong các tham luận về sự quan trọng của Kinh thánh trong cuộc sống giáo hội, địa vị của Tin Mừng trong kinh nguyện Công giáo, ước định vai trò của Kinh thánh trong các mối liên hệ đại kết và liên tôn giáo, và thảo luận những phương cách nhằm cải thiện sự học hỏi về Kinh thánh ở mọi tầng lớp trong giáo hội (trong số 41 chuyên viên này có Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, thuộc giáo phận Quy Nhơn, Giáo sư Kinh Thánh tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.)

Sáu phụ nữ trong nhóm chuyên viên được bổ nhiệm là:

  • Nữ tu Sara Butler giáo sư thần học tín lý tại chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers, New York. Bà thuộc tu hội Nữ tỳ Truyền giáo Chúa Ba ngôi cực thánh, là một trong hai người phụ nữ đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào Ủy hội Thần học Quốc tế năm 2004.
  • Nữ tu Nuria Calduch-Benages, người Spanish, giáo sư thần học kinh thánh Cựu ước tại Giáo hoàng học viện Gregorio ở Roma, thuộc tu hội Nữ tử Truyền giáo Thánh gia Nazareth.
  • Bruna Costacurta, người Ý, giáo sư thần học về Cựu ước tại Giáo hoàng học viện Gregorio.
  • Marguerite Lena, giáo sư triết học tại Paris, giám đốc huấn luyện thần học cho giới trẻ tại Cộng đồng Thánh Phanxicô Xaviê ở Paris.
  • Nữ tu Mary Jerome Obiorah thuộc tu hội Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria, giáo sư về Kinh thánh tại trường Đại học Nigeria và đại chủng viện thuộc tổng giáo phận Onitsha (Nigeria).
  • Nữ tu Germana Strola, dòng Trappe (Trappist) tại Vitorchiano (Ý)


Đức giáo hoàng cũng bổ nhiệm 19 phụ nữ trong số 37 quan sát viên Thượng hội đồng giám mục. Các quan sát viên tham dự các phiên họp, tham gia những nhóm làm việc của Thượng hội đồng giám mục, và cũng có thể có cơ hội phát biểu trong các phiên họp khoáng đại.

Cũng như các thành phần phái nam, hầu hết các quan sát viên phụ nữ đều là giáo sư hoặc là người lãnh đạo các dòng tu, các phong trào giáo dân chuyên về Kinh thánh hoặc các tổ chức Công giáo lớn.

Tính đến ngày 8 tháng 9, Tòa thánh Vatican chưa công bố tên các “tham dự viên huynh đệ” tức là các đại biểu của những giáo hội hoặc cộng đồng Kitô giáo khác sẽ tham dự Thượng hội đồng giám mục và có thể có cơ hội được phát biểu trong hội nghị.

Một viên chức Tòa thánh cho biết sẽ có khoảng 15 thành viên huynh đệ tới tham dự; ngoài ra, cũng theo lời viên chức này thì Giáo trưởng Do thái giáo Shear Yashuv Cohen hiện là giáo trưởng tại Haifa (Israel) sẽ là vị khách mời đặc biệt và sẽ hướng dẫn một cuộc thảo luận cho các thành viên Thượng hội đồng giám mục về cách diễn giải Kinh thánh theo Do thái giáo.

Toàn văn bản danh sách các vị được bổ nhiệm đã được đưa lên mạng:

http://www.zenit.org/article-23564?l=english
 
Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Giám Mục
Bùi Hữu Thư
20:37 09/09/2008

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Giám Mục



VATICAN ngày 9 tháng 9, 2008 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, Úc, làm chủ tịch đại biểu cho phiên họp khoáng đại lần thứ 12 của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y George Pell


Đức Hồng Y Pell đã tiếp đón Đức Thánh Cha trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, thay thế cho Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ đã không thể tham dự, theo lời thông báo của Toà Thánh hôm nay.

Còn có hai chủ tịch đại biểu khác: Đức Hồng Y William Joseph Levada, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, Tổng Giám Mục São Paulo, Ba Tây.

Đức Hồng Y Levada
Đức Hồng Y Pedro Scherer


Thượng Hội Đồng sẽ nhóm họp từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10, 2008 tại Vatican với chủ đề “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội.”
 
Lời nhắn nhủ II của ĐHY Daniel DiNardo về Đào Luyện Lương Tâm
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
21:23 09/09/2008
Houston – Dưới đây là bản dịch bài thứ nhì của ĐHY Daniel DiNardo, TGM Galveston-Houston về “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Công Dân Chân Chính” được đăng trong website của TGP Galveston-Houston.

Đây là bài thứ nhì về tài liệu “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Công Dân Chân Chính”, được HĐGMHK phát hành Tháng Mười Một vừa qua. Như tôi đã nhắc đến trong bài thứ nhất, các Giám Mục đã ấn hành những tập tài liệu tương tự như thế trước những cuộc bầu cử quốc gia trong vòng 30 năm qua. Tài liệu hiện hành dành nhiều thì giờ nói về ý nghĩa của lương tâm. Nó cũng nhấn mạnh đến vai trò chủ yếu mà những nguyên tắc luân lý đảm nhận trong việc đào luyện lương tâm cách đúng đắn để một người có thể có những phán đoán tốt về đời sống chính trị và xã hội. Bầu cử là một trong những bình diện rất quan trọng trong việc thực thi những phán đoán về luân lý ở nơi công cộng.

Trong bài này tôi muốn bắt đầu bàn về bảy đề tái chính mà tài liệu đưa ra về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Các đề tài ấy là (1) Quyền Sống và Phẩm Giá Con Ngừời; (2) Mời Gọi Gia Đình, Cộng Đồng và Tham Gia; (3) Quyền Lợi và Nhiệm Vụ; (4) Yêu Thương Người Nghèo và Người Cô Thế; (5) Giá Trị Lao Động và Quyền LỢi Nhân Công; (8) Đoàn Kết; và (7) Săn Sóc cho tạo Vật của Thiên Chúa.

Đề tài thứ nhất được tài liệu “Đào Luyện Lương Tâm để Làm Công Dân Chân Chính” đề ra là Quyền Sống và Phẩm Giá Con Người. Không những đề tài này được bàn đến đầu tiên mà nó còn là sợi dây nối kết tất cả các đề tài khác lại với nhau. Quả thật mỗi người là một đơn vị duy nhất chứ không phải chỉ là một “cá nhân” trong một loại tạo vật lớn lao. Mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Sự sống và phẩm giá con người là nền tảng cho một xã hội có luân lý và đạo đức. Từ khi được thụ thai đến khi chết tự nhiên, con người là linh thánh; chúng ta không bao giờ được chấp nhận theo luân lý bất cứ một tấn công trực tiếp nào vào con người, ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Có vài hành động quá sai lầm về luân đến nỗi chúng ta không bao giờ được phép chấp nhận. Theo truyền thống luân lý của chúng ta thì những hành động như thế được gọi là “dữ tự bản chất.” Hành động phá thai là một trong những hành động dữ tự bản chất như thế; cũng thế, việc giết chết êm dịu là một hành động tấn công trực tiếp vào một con người. Bởi vì những hành động này trực tiếp tấn công con người ở trong những giai đoạn trọng yếu nhất, là gia đoạn khởi đầu và cuối cùng của cuộc đời, chúng là những điều mà đức tin và giáo huấn về luân lý theo truyền thống của Hội Thánh chúng ta quan tâm đặc biệt nhất, chính giáo huấn này dựa trên cả đức tin lẫn lý trý. Trong số những hành động trực tiếp tấn công vào con người mà chúng ta luôn phải chống lại cũng gồm có những thí nghiệm sao người (human cloning), việc hủy diệt phôi thai con người để nghiên cứu, diệt chủng, tra tấn, kỳ thị chủng tộc, và việc tấn công trực tiếp và cố ý nhắm vào những người không chiến đấu trong chiến tranh hoặc trong những cuộc tấn công khủng bố. Tất cả những điều trên là những đe dọa trầm trọng đến sự sống con người bởi vì chúng tấn công chính căn nguyên của sự sống con người và sự tốt lành cho con người. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta trong chính khả năng luân lý của mình là phải hoạt động nơi công cộng để bảo vệ sự sống con người đến mức tối đa khi đương đầu với những vấn đề này. Điều này bao gồm, nhưng không giới hạn vào, việc cổ động cho những luật lệ hay chính sách che chờ và bảo vệ con người ở mọi giai đoạn phát triển của họ.

Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo cũng mời gọi chúng ta tôn trọng nhân phẩm, ngay cả của những người có tội, bằng cách hoạt động để xóa bỏ án tử hính, bởi vì bây giờ chúng ta có những cách khác để bảo vệ xã hội khỏi những người có thể gây thiệt hại lớn mà không cần đến hành động này. Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo cũng đòi hỏi chúng ta hoạt động cho hòa bình và tránh chiến tranh bằng cách tìm những phương cách hữu hiệu để tránh các xung đột và giải quyết chúng bằng những phương tiện ngoại giao. Có một truyền thống dài và phức tạp của giáo huấn về chiến tranh chính đáng trong Đức Tin Công Giáo và phải được thận trọng áp dụng trong trường hợp có xung đột. Các quốc gia có quyền bảo vệ sự sống và công ích chống lại những hành động khủng bố và công kích tương tự. Nhiệm vụ này cũng bị ràng buộc bởi việc giới hạn dùng những phương tiện dùng trong việc quốc phòng và các giới hạn đạo đức trong việc sử dụng vũ lực, một vũ lực không được bừa bãi hoặc quá không cân xứng so với mối đe dọa. Tôi muốn nhắc đến ở đây việc tất cả chúng ta cần phải làm để loại trừ các vũ khí nguyên tử, hóa học và sinh học; những vũ khí này liên quan đến việc tiêu diệt tập thể.

Trong khi xét đến việc tôn trọng nhân phẩm, tất cả mọi vấn đề đều quan trọng, nhưng không có cùng một tầm quan trọng về luân lý giống hệt như nhau. Một phần của việc đào luyên lương tâm của chúng ta là học để phân biệt tầm quan trọng trong khi vẫn tôn trọng hệ thống lớn của những vấn đề được đặt dưới đề tài này. Ý niệm “tấn công trực tiếp” vào con người là một điểm đặc biệt trong việc đào luyện lương tâm của chúng ta một cách đúng đắn.

Đề tài chính thứ nhì là Kêu Gọi Gia Đình, Cộng Đồng và Tham Gia. Đề tài này giúp chúng ta hiểu không những sự thánh thiêng của con người, mà còn một sự kiện là con người tự bản chất đã có tính xã hội. Sự phát triển toàn diện của con người cần và đòi hỏi phải có sự liên hệ của người ấy với những người khác. Bình diện này bắt đầu với gia đình và sau đó chuyển ra ngoài đến những vòng liên hệ và bằng hữu càng ngày càng thêm rộng với những người khác ở nhà thờ, trường học, các đoàn thể trong cộng đồng, đời sống ở sở làm và xã hội, cùng trong những đoàn thể chính trị quan trọng là một dấu chỉ của sự tự do trong quốc gia chúng ta. Gia đình, được đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là đơn vị quan trọng và căn bản nhất của xã hội. Gia đình cung cấp không gian cho việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Tình trạng hiện tại của đời sống hôn nhân và gia đình trong xã hội chúng ta không được lành mạnh lắm; những đề nghị tái định nghĩa hôn nhân của một số phần tử của nền văn hóa chúng ta thật sự rất lung lay, không tiêu biểu cho việc bảo vệ gia đình mà còn phá hoại cơ chế hôn nhân và việc bảo vệ gia đình. Hôn nhân có một cùng đích chân chính hay “cứu cánh”, một cứu cánh hoạt động bên ngoài những mục đích hay ước muốn thuần túy nhân loại. Việc làm mờ nhạt sự phân biệt này có thể đưa đến việc bóp méo ngay lúc này sự hiểu biết thật sự về đời sống hôn nhân và gia đình. Một sự bóp méo đặc biệt ở thời điểm này là việc kết hợp đồng tính, là điều có thể biến sự hiểu biết của chúng ta về hôn nhân thêm mập mờ trong khi cũng thay đổi luật lệ bảo vệ trẻ em và tạo ra những thiệt hại lớn lao cho các em, trong lúc dường như chỉ quan tâm đến những ước muốn của những người trưởng thành.

Bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình là một đề tài quan trọng trong việc xây dựng công ích chân chính cho xã hội và đi vào một cách cơ bản trong hành động của chúng ta trong đời sống công cộng, kể cả bầu cử.

Trong bài tới tôi sẽ bàn về những đề tài còn lại của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo của chúng ta, và trong những bài sau đó tôi sẽ bàn về những khó khăn mà tất cả chúng ta phải đương đầu với trong việc phán đoán về những vấn đề chính trị.
 
Top Stories
Hanoi Archbishop accused of inciting protests
J.B. An Dang
05:51 09/09/2008
Tensions between Catholics and Vietnam government sharply increase on Monday when two Vietnam Police Generals threaten to subjugate Catholic protestors with “extreme actions”; and Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi has been accused of inciting protests.

The New Hanoi newspaper on Monday carries a report in which Lt. General Nguyen Van Huong, Vice-Minister of Public Security, virulently criticizes Catholic protestors in Thai Ha of “belittling the laws, and disrupting public order” threatening to punish severely “anyone who incite protests.”

To make the term “anyone who incite protests” clearer, Major-General Nguyen Duc Nhanh, the Director of the Hanoi Police Agency claims that “the presence of priests where Catholics assemble to pray illegally, or to perform riot behaviors, or to destroy state properties, by itself, is an act of riot stimulation.”

Nhanh also threatens to punish anyone who write and distribute articles relating to Catholic protests on the Internet.

Not to stop short on the priests, the New Hanoi accuses Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of attempting to associate the dispute in Thai Ha and the one at the former nunciature. The paper also goes further blaming the archbishop of encouraging 82 priests in Hanoi to sign a Letter of Communion with Thai Ha parish.

Like Russian KGB, Vietnam Police is an organization with a military hierarchy. It has been seen as the “sword and shield” to provide the defense of the Communist Party. The fact that two Generals of the “sword and shield” speak out simultaneously against protestors signals potential hard-line measures to force them into submission.
 
Falsi preti sui media di Hanoi per screditare i cattolici
Asia-News
09:32 09/09/2008
Nella controversia per i terreni della parrocchia di Thai Ha, giornali e televisione di Stato presentano come sacerdoti dei funzionari di partito. “Li avrà ordinati il governo”, commenta la diocesi.

Hanoi (AsiaNews) – Sacerdoti che parlano contro i parrocchiani di Thai Ha che chiedono la restituzione dei loro terreni sono apparsi nella televisione di Stato vietnamita e sono stati intervistati dai giornali statali. Solo che non sono preti, e neanche cattolici. Almeno in un caso sono funzionari del partito. “Li avrà ordinati il governo”, il pungente commento della diocesi di Hanoi.

Va avanti lintanto a pacifica protesta dei cattolici di Hanoi e si moltiplicano le manifestini di solidarietà verso i parrocchiani ed i padri redentoristi, proprietari originari del terreno in contestazione. Una “Lettera di comunione” al superiore provinciale dei Redentoristi del Vietnam ed al superiore del monastero di Thai Ha è stato inviata ieri da mons. Anthony Vu Huy Chuong, vescovo di Hung Hoa, ai confini con il Laos, nell’estremità settentrionale del Paese. “Ho pregato – scrive – perché la giustizia e la verità siano rispettate non solo a Thai Ha, ma anche ovunque la gente ancora soffre per l’ingiustizia e la disonestà”.

“Recentemente – prosegue la lettera – il vicario di Can Kiem mi ha confermato che l’uomo apparso in televisione per parlare contro Thai Ha, a nome dei parrocchiani di Can Kiem è un funzionario del governo, e non è cattolico”. Di fronte alle “deplorevole e pesante” campagna di false accuse e di disinformazione portate avanti dai media di Stato, il vescovo esorta i cattolici alla preghiera.

A riprova delle affermazioni di mons. Vu Huy Chuong, domenica scorsa, 7 settembre, a parlare contro i fedeli di Thai Ha sulla televisione di Stato sono state due persone, Pham Huy Ba e Nguyen Van Nhat, presentate come sacerdoti. Secco il commento della diocesi di Hanoi: “non sono mai stati sacerdoti. Li avrà ‘ordinati’ il governo”.

A Thai Ha, intanto, migliaia di cattolici (nella foto) continuano a riunirsi ogni giorno in preghiera.
 
False priests appear on Hanoi media to discredit Catholics
Asia-News
10:17 09/09/2008
In the dispute over Thai Ha parish property, state TV and government newspapers introduce party officials as priests. For the diocese these men "were ‘ordained’ by the government."

Hanoi (AsiaNews) – Some priests have appeared on Vietnamese state TV and have been interviewed by government newspapers speaking out against Thai Ha parishioners who want the restitution of parish property, except that these men of the cloth are neither priests nor Catholic. At least one of them has in fact been identified as a Communist party official. “They were ‘ordained’ by the government,” was the scathing comment from the diocese of Hanoi.

As this is happening Catholics are still carrying on their peaceful protests in Hanoi. Flyers expressing solidarity to the parishioners and the Redemptorist Fathers, the original owners of the disputed land, are being handed out all over the place.

Mgr Anthony Vu Huy Chuong, bishop of Hung Hoa, a diocese on the border with Laos in the country’s extreme north, sent a ‘Letter of Communion’ to the provincial superior of the Redemptorists of Vietnam and to the superior of Thai Ha Monastery.

“I have prayed,” Bishop Vu wrote, “that justice and the truth may be honoured not only in Thai Ha but also everywhere people have to suffer injustice and dishonesty.”

“Recently,” he added, “the vicar of Can Kiem told me that the man who appeared on TV against Thai Ha claiming to speak on behalf of Can Kiem parishioners is in fact a government official, and not even a Catholic.”

Faced with such a “sad and wearisome” campaign of falsehoods and disinformation by state media, the bishop called on Catholics to pray.

Similarly, Pham Huy Ba and Nguyen Van Nhat, the two men who were introduced on state TV last Sunday as priests speaking out against Thai Ha parishioners, are further evidence of what Mgr Vu Huy Chuong said.

In a statement the diocese of Hanoi flatly dismissed any claim by these ‘clergymen’.

“They have never been priests,” the statement read. “One may suppose they were ‘ordained’ by the government,” it added.

In the meantime in Thai Ha thousands of Catholics (see photo) are still meeting every day to pray.
 
假司铎在河内媒体上诬陷天主教徒
Asia-News
17:30 09/09/2008
太河堂区事件上,越南官方电视、报纸等媒体把党员干部说成是天主教司铎。教区指出,“他们是政府祝圣的”

河内(亚洲新闻)—越南官方电视台发表某些号称是天主教司铎的人的谈话,批评太河堂区要求归还教会财产的教友。而且,这些假司铎还接受官方报纸的采访。可是,他们不但不是天主教司铎,连天主教徒都不是。至少在一起此类采访中出现的,绝对是政府官员。为此,河内总主教区极其辛辣地指出“他们是政府祝圣的”。

与此同时,河内总主教区天主教徒的和平抗议继续进行,并在其它堂区蔓延开来,激发了兄弟堂区和教友们对太河主内弟兄姐妹以及赎主会士们的同情和支持。他们才是存在争议土地的真正的、也是最原始的主人。昨天,与老挝边境接壤的兴和教区主教武辉章蒙席致函赎主会越南省会会长,表示共融。他写道,“我为不仅在太河事件上要伸张正义和真相祈祷,也为任何地方仍在因非正义和伪善而受难的人们祈祷”。

信中继续表示,“不久前,芹建教区的副主教向我证实说,以芹建教区名义在电视上批评太河堂区教友的是一名政府官员,根本不是天主教徒”。面对政府媒体推出的此类“严重”的污蔑和陷害行径,主教激励天主教徒们多祈祷。

武主教这里所指的,是九月七日主日两名号称是天主教司铎的人在官方电视台措辞强烈地批评太河天主教友事件。对此,河内总主教区作出了极其严厉的驳斥,指出“他们从来就不是什么司铎。该是政府‘祝圣的’吧”。

与此同时,太河堂区数以千计的天主教友们(见照片)仍每天聚集在一起祈祷。
 
Bishops join Vietnam protest
Religious Intelligence
19:17 09/09/2008
By: Roberto Sanchez Guevara.

The Bishops of Hai Phong and Thai Binh have visited Thai Ha, Vietnam and joined more than 6,000 Catholics campaigning for the return of confiscated church property.

Last Friday, Bishop Joseph Vu Van Thien, from Hai Phong Diocese, travelled 100km to Hanoi to give his support to protestors. "In these days media coverage has bewildered and confused Catholics and non-Catholics. There have been so many news reports defaming the reputation and dignity of Catholics. Let us pray so that everybody knows how to respect the truth and defend justice” said Bishop Joseph.

On the same day, more than 3, 000 Catholics applauded Bishop Francis Nguyen Van Sang who had travelled 110km from his Thai Binh Diocese to join protestors. Eighty two Catholic priests in Hanoi also gave their full support to Thai Ha parish. In a letter to the government they asked: "The issue in its nature is only a civil dispute between Thai Ha parish and the Chien Thang Sewing Company, how come this government mobilized the whole system of media and even its armed force to assault the parish?"

The letter demanded that the Vietnamese government would "not criminalize such disputes of a civil nature. Stop summoning and arresting parishioners; do not politicize such internal disputes, do not take security measures of a violent nature in resolving the parishioners' legitimate demands".

On Saturday, more than 6,000 Catholics braved the rain to attend the largest prayer protest so far at Thai Ha, Hanoi. Two more bishops, The Bishops of Lang Son and Phat Diem arrived on Saturday to take part. Bishop Joseph Dang said: "I feel very emotional to be with you here. To witness the way you express your desires for values of faith, justice and peace."
 
Vietnam: state accuses archbishop of inciting protests
Independent Catholic News
21:04 09/09/2008
HANOI (10 September 2008) - As thousands of Catholics continue to take part in daily prayer vigils outside confiscated church properties, the state media has accused Hanoi Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of inciting the protests, and the security forces have threatened to disperse the crowds with Generals threaten to "extreme actions".

The New Hanoi newspaper on Monday carried a report in which Lt General Nguyen Van Huong, Vice-Minister of Public Security, said the protestors at Thai Ha were "belittling the laws, and disrupting public order". He threatened to severely punish anyone "who incites protests."

Major-General Nguyen Duc Nhanh, Director of the Hanoi Police Agency said: "the presence of priests where Catholics assemble to pray illegally, or to perform riot behaviours, or to destroy state properties, by itself, is an act of riot stimulation."

The New Hanoi goes on to accuse Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of attempting to associate the dispute in Thai Ha and the one at the former nunciature and blames him for encouraging 82 priests in Hanoi to sign their Letter of Communion with Thai Ha parish.

In a Letter of Communion sent to the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam and the Superior of Thai Ha Monastery, dated 8 September., Bishop Anthony Vu Huy Chuong of Hung Hoa gives his full support for Vietnamese Redemptorists in their effort to regain their land in Thai Ha.

"I have prayed," writes Bishop Anthony Vu, "for justice and the truth may be honored not only in Thai Ha but also in anywhere that people still have to suffer injustice and dishonesty."

Correspondents in Vietnam report that the state media is fabricating stories each day in an attempt to discredit the Catholic Church.

"Recently," Bishop Anthony Vu illustrates, "the vicar of Can Kiem confirmed with me that the man who spoke on state television against Thai Ha on behalf of Can Kiem parishioners is only a local government official - not a Catholic at all."

Major-General Nhanh has threatened to punish anyone who write and distribute articles relating to Catholic protests on the Internet.

(Source: @ Independent Catholic News - United Kingdom)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Ngôi Lời Việt Nam có thêm 6 tân linh mục trong đó có 1 linh mục mới theo đạo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:42 09/09/2008
Nha Trang (Asianews) – Người Việt Nam gọi dòng tu Societas Verbi Divini (SVD) là Dòng Ngôi Lời, một dòng quốc tế hiện đang có mặt ở 67 quốc gia và có 6.102 thành viên là linh mục, chủng sinh. Họ thường sống và suy niệm trong môi trường đa văn hóa và đa sắc tộc. Tại Việt Nam, Đức Giám Mục Jean Simon của Paris, Hiệp hội Truyền giáo Miswho là nhà sáng lập Dòng Ngôi Lời tại Quy Nhơn vào năm 1928 và sau đó tại Giáo Phận Nha Trang vào năm 1954.

Hôm 08/09, Dòng Ngôi Lời có thêm 6 tân linh mục do Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Nha Trang phong chức tại Nha Trang, nơi dòng có trụ sở chính. Trong Lễ phong chức có sự hiện diện của 44 sinh viên Học viện Thần Học SVB cùng với ít nhất 60 linh mục và hơn 1.000 tín hữu.

Một tu sĩ đã phát biểu khi bắt đầu Thánh Lễ: “Anh em là những linh mục, những người không chỉ dấn thân vào các hoạt động mục vụ mà còn phải phục vụ vì người dân và biến đổi bộ mặt xã hội tốt hơn”; “Tay anh em sẽ thực thi công việc loài người, nhưng anh em sẽ không lo âu về địa vị hay chỗ tốt của anh em”.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ, một tân linh mục, Cha Antôn Võ Công Anh đã cảm tạ “cha mẹ đã qua đời” cũng như cảm tạ “cha giám tỉnh, những bạn bè, người thân, anh chị em của tôi đã chăm sóc cho tôi trong suốt quá trình học và phục vụ của tôi tại Giáo xứ Thánh Giuse”. “Trước khi tôi gia nhập Dòng, tôi là người thờ cúng ông bà; Tôi không phải là người Công Giáo. Giờ tôi là một linh mục Công Giáo và tôi hạnh phúc. Tôi cảm thấy vẫn còn trách nhiệm với những người thân của tôi và các cháu trai, cháu gái của tôi. Họ là người Phật giáo và thờ cúng ông bà; họ không có cơ hội biết về Thánh Kinh và giáo lý Công Giáo để nghe Tin Mừng về tình yêu của Chúa Giêsu”.

Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh cũng đưa ra lời phát biểu: “Hôm nay anh em là linh mục; đó là trách nhiệm của anh em. Anh em có thể với bất kỳ ai và mỉm cười với họ. Điều đó thật là tốt va mọi điều tốt bắt đầu từ đây”.

Từ khi được nâng lên Tỉnh dòng vào ngày 31/03 năm nay, hiện Dòng Ngôi Lời có 155 linh mục phục vụ trong chín giáo phận. Cùng với các dòng khác, Dòng Ngôi Lời huấn luyện linh mục, nữ tu, tu sĩ và giáo dân, những người mong muốn đóng góp vào sứ mạng chung trong một đất nước theo cộng sản và làm việc giữa những người sắc tộc để mang Lời Chúa đến với họ.

Cha Hiếu phát biểu với Tin Tức Á Châu rằng: “Chúng tôi làm việc với người khuyết tật, người bệnh phong, các bệnh nhân AIDS, trẻ em đường phố, người già và người trẻ trong hoàn cảnh khó khăn”; “Chúng tôi mở các trung tâm hướng nghiệp ở các các vùng xa và miền núi, một số linh mục phục vụ giữa người dân tộc K’Hor và Raglay ở miền Trung và miền Bắc”
 
Đêm Công Diễn Hợp Xướng Truyện Kiều tại Saigòn
Lê Kim
14:48 09/09/2008
SAIGON - Tối thứ hai 8.9.2008 tại Nhà hát Bến Thành, nhạc sĩ Vũ Đình Ân một giáo dân thuộc giáo xứ Tân Thành, Hạt Tân Bình thuộc TGP Sài Gòn đã khoản đãi những người đến tham dự một buổi dạ tiệc bằng âm thanh, màu sắc, ánh sáng tràn ngập qua Đêm Công Diễn Hợp Xướng Truyện Kiều với phần múa minh hoạ của Vũ đoàn Phương Việt. Quả thật! mọi người đã không uổng công khi đến dự một loại hình nghệ thuật “khó thưởng thức” trong một buổi tối đầy mưa gió như thế này.

Hình Đêm Công diễn Hợp xướng Truyện Kiều

Có mặt trong khán phòng nhà hát Bến Thành tối nay là những gương mặt nổi tiếng cả ngoài đời lẫn trong đạo: GS-TS Ca Lê Thuần – Tổng thư ký Hội Âm Nhạc tp HCM, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, ns Trần Xuân Tiến, đạo diễn Truyền Hình Trần Kiên v.v… các Lm-Ns Đỗ Xuân Quế nguyên Trưởng Ban Thánh Nhạc TGP Sài Gòn, lmns Vương Diệu, Trưởng nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, lmns Tiến Lộc, ns lão thành Duy Tân, ca trưởng Đinh Thiện Bản và nhiều nữa những vị ngồi rãi rác trong khán phòng mà tôi không thể nào nhìn thấy hết, nhiều nhất là các nữ tu …

Nhạc sĩ Vũ Đình Ân hiện là hội viên hội nhạc sĩ TP.HCM, hội viên hội nhạc sĩ VN với những giải thưởng của hội nhạc sĩ tp.HCM (thể loại hợp xướng); giải thưởng của hội nhạc sĩ Việt Nam (thể loại hợp xướng năm 1999-2002) ông còn là thành viên ban thường trực nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh là một người rất năng nổ trong các sinh hoạt Công Giáo. Ông ấp ủ đề tài viết hợp xướng 4 bè với lời thơ đã có sẵn: Truyện Kiều của Đại Thi Hào Nguyễn Du với thời lượng hơn 70 phút, gồm 3 chương: Chương I. Mối tình đầu, chương II. Hồng nhan bạc phận, chương III. Tình chị duyên em trong thời gian 22 tháng từ tháng 7.1997 đến tháng 5.1999.

Hợp xướng nầy trước đây đã được công diễn 2 lần ở Trung Tâm Văn Hoá Quận 1 và TTVH.Quận Phú Nhuận. Riêng lần này được biểu diễn với dàn hợp xướng của 2 ban hợp xướng Suối Việt và Thạch Đà, hơn 100 diễn viên với đồng phục áo dài khăn đóng, quạt lộng, cờ hoa… phối hợp với nhóm Mặt Trời Mới, ca sĩ Hoài Phương cùng ca sĩ Nhất Sinh lĩnh xướng. Nhạc sĩ Vũ Đình Ân và Ns Nguyễn Bách chỉ huy, hợp xướng được trình bày cùng phần nhạc đệm dân tộc nhưng đặc biệt và có lẽ ấn tượng nhất là những diễn viên múa của vũ đoàn Phương Việt đã hoà quyện cùng dàn hợp xướng với những giai điệu có lúc nhẹ nhàng thanh thoát, có lúc man mác buồn, cũng có lúc hùng hồn, mạnh mẽ… các diễn viên múa đã hoá thân vào những Thuý Kiều, Thuý Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Kim Trọng, Sở Khanh, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến v.v… góp phần làm thành công cho đêm diễn này.

Trước buổi biểu diễn nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã được vị đại diện Trung Tâm sách kỷ lục Việt Nam-VIETKINGS thuộc tổ hợp VIETBOOKS trao tặng bằng xác nhận Kỷ lục Việt Nam với kỷ lục Bản Hợp Xướng có thời lượng dài nhất Việt Nam.

Nhưng có lẽ ý nghĩa nhất, là đêm diễn có giá trị và tốn kém như vậy lại không bán vé (chỉ phát hành vé mời) những vị khách đến tham dự được hướng dẫn có những thùng tiền đặt ở nhiều vị trí để mọi người tuỳ hỉ bỏ tiền vào đó và tất cả số tiền thu được ( hơn 43 triệu đồng VN) dành tặng cho cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước.

Riêng nhạc sĩ tác giả Hợp Xướng Truyện Kiều dù rất thành công trong đêm diễn lại rất lo lắng vì số tiền chi phí cho trang phục hơn 100 diễn viên, trang trí sân khấu, chi phí tập dượt trong mấy tháng trời lên đến hàng 100 triệu đồng không biết tìm đâu ra ân nhân tài trợ để trả bớt nợ, ông chỉ mới được “an ủi” chút chút khi linh mục Phan Khắc Từ và bà Lệ Hằng một Việt kiều Pháp mỗi người giúp 10 triệu đồng. Mong thay có thêm nhiều vị khác nữa cũng “an ủi” người nhạc sĩ Công Giáo tài hoa nầy. Cũng có điều rất tiếc, do không tìm được tài trợ nên hợp xướng Truyện Kiều mang tính nghệ thuật cao như vậy lại chỉ có thể diễn 1 đêm duy nhất mà thôi!
 
Nhóm Bác Ái giáo phận Hải Phòng đi cứu nạn nhân lũ
Minh Kiên
16:53 09/09/2008
HẢI PHÒNG - Trận lũ quét vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề về người và của cải cho vùng Lào Cai và Yên Bái. Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã cử Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng với Nhóm bác ái của giáo Phận gồm các bạn trẻ trong Nhóm Ve chai nhân ái, chị em Legio Mariae của Giáo phận đã lên đường đến tận nơi vùng ảnh hưởng thiên tai.

Nhóm bác ái Giáo phận Hải Phòng từ Thành Phố Miền biển nay được đến thăm những người anh chị em của mình tại vùng Sơn cước. Nơi đặt chân của Nhóm là giáo họ Trúc Lâu thuộc xứ Mông Sơn Giáo Phận Hưng Hoá - tỉnh Yên Bái Cha quản xứ ở đây là Cha Micae Nguyễn Tiến Quang, Giáo họ này có hơn một trăm gia đình Công Giáo, hầu hết là những người di dân đã đến đây để lập nghiệp, đường đi lại khó khăn, trận lũ quét vừa qua đã làm thiệt hại mùa màng và tàn phá nhiều nhà cửa.

Nhóm bác ái của Giáo phận Hải Phòng cùng cảm thông với những mất mát thiệt hại do thiên tai gây ra của anh chị em trong giáo họ Trúc Lâu xứ Mông Sơn và đã giúp cho Giáo họ này 1,5 tấn gạo, 20 bao quần áo, sách vở học sinh. trị giá gần ba mươi triệu đồng.

Các thành viên trong nhóm bác ái Giáo Phận Hải Phòng thật bùi ngùi khi được chứng kiến tận mắt hoàn cảnh của anh chị em sau một trận lũ quét. Cha trưởng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em trong giáo họ Trúc Lâu, sớm ổn định lại cuộc sống và cũng tưởng nhớ tới những anh chị em đã thiệt mạng sau đợt lũ quét. Nhóm Bác ái giáo Phận Hải Phòng đã nghỉ lại một đêm với giáo họ, gặp gỡ mọi người, nhất là giao lưu văn nghệ với các bạn trẻ và các em thiếu nhi Thánh Thể. Kết thúc buổi giao lưu là phần đốt lửa trại và cầu nguyện. Mọi người cùng hát, cùng chơi và cùng cầu nguyện cho nhau. Xin Chúa cho mọi người trong Giáo họ Trúc Lâu luôn bình an, bớt đi những thiên tai, để mọi người có cuộc sống ổn định, các bạn trẻ có một tương lai và các em nhỏ được cắp sách tới trường.

Sáng hôm sau Cha trưởng đoàn cùng Cha xứ dâng Thánh lễ cầu nguyện sự bình an cho Giáo họ, sau đó phái đoàn trở về Giáo phận Hải Phòng, sau hai ngày vất vả, mệt mỏi nhưng ai cũng vui vẻ.

Nhóm bác ái giáo phận Hải Phòng rất cảm động và được an ủi rất nhiều vì sự đón tiếp của Cha Micae, Ban hành giáo, Anh chị em Giáo lý viên và tất cả mọi người trong giáo họ Trúc Lâu xứ Mông sơn.

Xin cám ơn Cha xứ và Giáo họ Trúc Lâu, hy vọng Nhóm bác ái của Giáo Phận Hải Phòng có dịp lại lên thăm Cha xứ và Giáo họ. xin Chúa chúc lành cho những anh chị em đang gặp khó khăn, xin có nhiều người hảo tâm tiếp tục giúp đỡ cho anh chị em ở đây.
 
Nhóm Trẻ 117 với những công tác trong thời gian qua
LM Đồng Minh Quang
19:58 09/09/2008
Ngày Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, 2008

Kính gửi:
Cha chủ tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ,
quý linh mục chánh xứ, quý linh mục quản nhiệm,
quý tu sĩ, quý vị phụ huynh
và bạn trẻ Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ rất mến.

Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, 85 bạn trẻ Công giáo Việt Nam từ 10 tiểu bang, trong tổng số khoảng 250 người trẻ Việt Nam từ Hoa Kỳ đã lên đường tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGT) lần thứ 23 ở tại Úc châu. Cảm tạ Thiên Chúa, chúng con tất cả đã trở về với gia đình bình an và tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng con xin được nói lên lời cảm ơn rất chân tình đến những chia sẻ, giúp đỡ và lời kinh nguyện cho cuộc hành hương này được thành công tốt đẹp. Tại thánh địa Đức Mẹ Lavang (Quảng Trị), tại nhà thờ chánh toà St. Mary (Sydney) chúng con đã dâng lời phó thác và cảm tạ đến Mẹ Maria.

Trong cuộc hành hương này và trước khi đến Úc châu, 20 sinh viên Công giáo và các thành viên của nhóm 117 đã đi đến nhiều buôn, làng trên ba miền quê hương Việt Nam để hành hương, thăm viếng, và chia sẻ một phần nào cuộc sống của một số đồng bào nghèo, người bệnh phong, trẻ em bệnh Sida... Những thiện nguyện viên này sinh sống ở Houston, TX và Orange County, CA. Linh hướng cho những người trẻ này là linh mục Bill Cao, Hoài Chương và Công Danh. Phái đoàn đã liên kết với 45 sinh viên trong chương trình học bổng Dấn Thân của Bút Nhóm Lửa Việt, và 15 y sĩ của Đại học Y Khoa Cần Thơ, Bệnh Viện Chợ Rẫy và các nữ tu Dòng Thánh Phaolô. 2,500 bệnh nhân đã được khám bệnh, phát thuốc và rất nhiều tập vở, bút giấy, quà được chia sẻ cho các em tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Đơn Dương, Hàm Tân, Đà Nẵng. Tài khoản thuốc men, computer và dụng cụ học sinh đã lên đến gần $25,000. Tất cả số tiền này được tài trợ bởi Bút Nhóm Lửa Việt ($15,000), Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ($5,000), Hiệp Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam, ($1,000) các Phật tử tại Texas, quí trưởng Hướng Đao Việt Nam tại Hoa Kỳ và quí vị ân nhân xa gần ($4,000).

Nhóm 117 được dẫn dắt bởi quý linh mục Giuse Đồng Minh Quang (Ủy ban Giới Trẻ của Liên đoàn Công giáo Việt Nam), Nguyễn Hoài Chương và Trần Công Danh (Dòng Don Bosco), Vũ Hải Đăng (Tu Hội Nhà Chúa), Ngô Đinh Thông (Dòng Chúa Cứu Thế), Nguyễn Đình Truyền (giáo phận San Jose), Bill Cao (giáo phận Orange) và Joseph Trần Q.Trí (giáo phận Oakland). Thêm vào đó là sự hiện diện và hướng dẫn của sáu nữ tu Sr. Nguyễn Tuyết Mơ, (Tu Hội Tận Hiến), Sr. Đỗ Thị Minh Vương, (Dòng nữ Salêdiêng Don Bosco), và bốn nữ tu Nguyễn Rosemary Ngọc Diệp, Hoàng Christine Thu, Nguyễn Thanh Thuý, và Trần T. Yến của Dòng Đa Minh Houston, TX. Cùng với các linh mục, tu sĩ này, nhóm còn được sự nâng đỡ và hướng dẫn của các anh chị em thiện nguyện, trong số đó có những anh chị đã dự các kỳ ĐHGT trước và nay trở lại đồng hành khích lệ thế hệ mới. Có lẽ ít có nhóm trẻ nào tại ĐHGT được ưu ái như vậy.

Ngay khi bước xuống phi trường Melbourne, miền đất nổi tiếng với những chú Kangaroo nhanh chân và những con Koala dễ thương, phái đoàn 41 người chúng con nhận được sự đón tiếp nồng hậu và ân cần của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Quảng, SDB, chánh xứ giáo xứ Thánh Margaret Mary, Sr. Nguyễn Thùy Linh, FMA, các bạn trẻ và và cộng đoàn Công giáo Việt Nam địa phương. Trong những ngày ở Melbourne để tham dự “Những ngày tại Giáo phận” (Days in the Diocese) chúng con được sống với nhiều gia đình và chia sẻ đời sống và tình liên đới Kitô hữu với họ trước khi lên đường đến Sydney, nơi người Cha Già Yêu Quý Biển Đức XVI đã đến và chờ đợi người trẻ chúng con.

Những mong đợi từ nhiều năm qua, những sự chuẩn bị và lo lắng của chúng con cho Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được thay thế bằng niềm vui và hạnh phúc khi chúng con nhìn thấy mọi nơi trên đường phố Sydney những chiếc balô vàng đỏ của hàng ngàn người hành hương hân hoan đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới. Khi Đức Hồng y George Pell, Tổng Giám mục của Giáo phận Sydney, tuyên bố khai mạc ngày hội, cả một rừng người, cả một rừng cờ, cả trăm ngàn tiếng ngợi ca vang lên và tuyên xưng một Đức tin, một sức sống của Chúa Thánh Linh.

Tiếng trống của những người trẻ Lasan Việt Nam (San Jose) vang dội tại Liverpool Withlam Center gọi hồn non sông trong tâm lòng chúng con. Lời chia sẻ và dạy dỗ ân cần và đầm ấm của 3 Đức Giám mục từ Việt Nam mời người trẻ Việt Nam hãy bước vào cuộc hành trình sống đạo trong sức sống Thánh Linh.. Tại Sydney, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giang rộng vòng tay như muốn ôm từng người trẻ khắp thế giới đang qui tụ về bên Người Cha Già dấu yêu. Lời chia sẻ của Ngài được người trẻ chăm chú lắng nghe. Người trẻ 117 đã hô thật to “Benedictô” – Alleluia - “Benedictô” - We love you”. Người trẻ 117 đã nhập cuộc theo sự điều khiển của các linh hướng, và 3000 người trẻ Việt Nam đã liên kết trong một tâm tình, một vòng tay và một niềm tin tuyên xưng trong điệu múa và lời ca “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng. Cùng với lớp sóng người hành hương về nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi. Hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới. Hành trang con mang theo đầy căm hờn của dân nghèo. Về đây xin dâng Cha trong lo âu, đưa hai tay muôn chung xây thế giới mới. Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời…”

Chúng con không còn là 85, hoặc 250 hay 3000 người trẻ Việt Nam, mà hơn 500,000 người trẻ Công giáo từ nhiều nẻo đường, quốc gia, dù có khác biệt về ngôn ngữ hay màu da, xin cùng quả quyết và tuyên xưng Chúng con đã lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và giờ đây chúng con sẽ là chứng nhân của Chúa Kitô (trích Công vụ 1:8) tại các giáo xứ, cộng đoàn, đất nước và qua mọi môi trường sống, học tập, làm việc của chúng con.

Trong cuộc hành trình tràn đầy sức sống của Thánh Linh, chúng con đã nhận thêm một trách nhiệm của Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là lo việc ấn loát hình ảnh và mang đến Úc Châu niềm hãnh diện của Giáo hội Việt Nam trong dịp kỷ niệm 20 năm phong thánh của 117 Anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Hai bức tranh Gương Tiền Nhân của họa sĩ Vũ Đình Lâm (Paris) đã được in và đã hành trình với chúng con trong những tháng qua. Giờ đây, chúng con ước mong được tiếp tục truyền bá lòng sùng kính các Ngài. Vậy chúng con xin thông báo đến quý linh mục chánh xứ, quý linh mục quản nhiệm, quý tu sĩ, quý vị phụ huynh và các bạn trẻ muốn nhận những hình ảnh này xin liên lạc với chúng con qua email: 117vietmartyrs@gmail hay điện thoại (732) 991-6722.

Một lần nữa chúng con, chân thành cảm tạ sự ưu ái của Liên đoàn Công giáo Việt Nam, quý linh mục, quý tu sĩ, quý vị phụ huynh đã tin tưởng và đồng hành với chúng con. Chúng con xin mượn lời chào tạm biệt của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Úc châu làm châm ngôn cho hành trình của chúng con “Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2001 sẽ được tổ chức tại Madrid,Tây Ban Nha. Từ đây đến đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, và hãy hân hoan là chứng cho Đức Kitô cho toàn thể thế giới.”

Các Linh mục Linh hướng Nhóm Trẻ 117
Đồng Minh Quang,
Nguyễn Hoài Chương, SDB
Trần Công Danh, SDB
Vũ Hải Đăng, SDD


For more information, please visit us at www.vietmartyrs.org
Youth 117
6400 E. Chelsea St.
Tampa, FL 33610-2645
Or contact us at:Phone: 732-991-6722
Email: wydviet@gmail.com
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính nghĩa của Giáo dân Thái Hà được giáo sĩ và TGM Hà Nội công khai ủng hộ
lm Jean Maïs, MEP
09:15 09/09/2008
ĐỨC TGM GP HÀ NỘI ỦNG HỘ VIỆC GX THÁI HÀ
BÀY TỎ THÁI ĐỘ BẰNG CẦU NGUYỆN


(Bài của Cha Jean Maïs, Thừa Sai Paris, báo Giáo Hội Á châu - Eglises D’Asie, Hãng tin Hội thừa sai ngoại quốc Paris -MEP)

( PARIS, 8/9 - Chính nghĩa của Giáo Xứ Thái Hà, vốn ngày càng được Giáo Dân, hàng Giáo Sĩ và hàng giáo phẩm biết đến, đã được Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội công khai ủng hộ.

Công an đàn áp, một chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ, phối hợp ở mức độ cao nhất, cũng không ngăn cản được chính nghĩa đấu tranh của các Giáo Dân Giáo Xứ Thái Hà, một cuộc đấu tranh càng ngày càng được mọi người biết đến ngay giữa lòng Hội Thánh Công Giáo. Đáng lưu ý là Giáo Xứ đã nhận được sự ủng hộ của Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội và của nhiều vị Giám Mục, cũng như của Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Nội. Giáo Xứ Thái Hà cũng thu hút được quần chúng ngày càng đông trên toàn Việt Nam, đến cầu nguyện ở Linh Địa Đức Bà được lập ra trên vùng đất đang tranh chấp.

Trở về từ Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 9 vừa qua, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ mất một thời gian ngắn để đưa ra ý kiến của ngài. Chỉ mấy giờ sau khi về đến, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội đã đồng ý trả lời phỏng vấn qua điện thoại của cha Trần Công Nghị thuộc Hãng Tin Vietcatholic News, trong đó ngài nhấn mạnh đến những vấn đề xảy ra tại Giáo Xứ Thái Hà trong thời gian ngài đi vắng. Ngài tỏ cho thấy ngài nắm rất rõ tình hình. Như ngài nhấn mạnh, đúng là ngài đã nghe báo cáo của các Linh Mục thuộc Giáo Phận ngài, ngay cả khi chưa có một tiếp xúc nào giữa ngài và nhà cầm quyền dân sự. Phần đầu của cuộc trao đổi này được dành cho những cuộc gặp gỡ với các kiều bào người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ. Chính trong phần thứ hai, ngài bày tỏ quan điểm về xung đột giữa cộng đoàn Giáo Xứ ở Hà Nội và chính quyền sở tại.

Ngay lập tức, Đấng Bản Quyền Giáo Hội ở Hà Nội nêu lên rằng tình hình đáng quan ngại. Một chiến dịch báo chí thù hằn được khai triển chống lại cộng đoàn Công Giáo này. Đức Tổng Giám Mục lấy làm tiếc khi nhận định rằng nhà chức trách đã dùng vũ lực chống lại tín hữu Công Giáo. Đức Cha Kiệt cũng muốn lưu ý rằng, trong những tình huống đó, các tín hữu đã chọn một thái độ đáng để ý. Mặc dù không dấu diếm lòng hăng hái vì chính nghĩa mà họ bênh vực và mặc cho những khiều khích, họ chỉ giới hạn ở việc cầu nguyện trong trật tự và hoà bình. Vị hữu trách cao nhất Giáo Hội ở Hà Nội không tiếc lời ca ngợi đối với họ và nhấn mạnh nhiều lần tính cách hoà bình trong khi bày tỏ thái độ bằng cầu nguyện. Ngài cũng đã khẳng định xác tín của ngài rằng chỉ có đối thoại mới cho phép đạt tời một giải pháp. Đàn áp và vũ lực chỉ làm thêm xấu tình hình.

Ngài đã vận động chính quyền hãy ra khỏi những thói quen cũ và chứng tỏ tính chất sáng tạo và đưa ra những sáng kiến trong việc tìm kiếm một giải pháp khả dĩ chấp nhận được. Đức Tổng Giám Mục cho rằng giải pháp có khả năng tháo gỡ cuộc xung đột này, phải hoàn toàn mới mẻ. Chính Ngài đã liên kết vụ việc Thái Hà với vụ việc Toà Khâm Sứ Toà Thánh, mà theo sáng kiến của Toà Thánh, hai bên cố tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại. Sau tám tháng mà vẫn không có bất cứ kết quả nào được ghi nhận, các tín hữu mất tin tưởng vào một giải pháp loại này; và điều đó không phải không ảnh hưởng đến tinh thần trong sự kiện Thái Hà. Ngoài ra, Đức Tổng Giám Mục đã khẳng định rằng toàn thể Giáo Hội Việt Nam hiệp thông với những nguyện vọng của Giáo Xứ này.

Một trong những ủng hộ mạnh mẽ nhất cho phong trào của Thái Hà là sự hậu thuẫn của toàn thể hàng Giáo Sĩ thuộc Giáo Phận Hà Nội, khi các ngài đã thảo một bức thư chung vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, trong đó các Linh Mục bày tỏ sự hiệp thông với các nguyện vọng của Giáo Dân Giáo Xứ Thái Hà. Các ngài khẳng định rằng tài sản đòi lại đã bị chính quyền độc chiếm một cách bất hợp pháp. Các Linh Mục này đòi hỏi chính quyền không được chính trị hoá vụ việc này và chấm dứt ngay chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ xuyên tạc do các phương tiện truyền thông.

Chẳng những không làm cho đám đông chán nản, những hành động bạo lực vừa qua của Công An đã khiến cho các Kitô hữu lại càng tuôn đến nơi tôn sùng Đức Mẹ từ nay được xác lập ngay trên vùng đất tranh chấp này. Con số Kitô hữu không ngừng gia tăng, đến từ khắp mọi Giáo Phận miền Bắc. Đã có gần 6.000 tín hữu tụ họp nhau lại ở Thái Hà vào ngày 6 tháng 9 vừa qua để tham dự Thánh Lễ do hai Vị Giám Mục chủ trì. Tuy nhiên, trong một số nơi như ở Phát Diệm, Công An sở tại đã ngăn cản không cho các nhóm Kitô hữu tổ chức hành hương về Thái Hà.

Kể từ ngày 31 tháng 8, người ta không còn thấy những hành vi bạo lực của nhà cầm quyền nữa. Tuy thế, các thủ đoạn đã được khởi sự nhằm làm cho dư luận tin rằng một số tín hữu Công Giáo chống lại phong trào này. Bằng cách thức này, nhật báo An Ninh, Công An Nhân Dân ngày 7 tháng 9 đã đưa tin rằng ngày hôm trước đó, Tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc An Ninh Hà Nội, đã gặp 11 Giáo Dân ở Giáo Xứ Thái Hà, trong đó có tám người đã cùng thảo một biên bản không thừa nhận những luận điểm do Giáo Xứ Thái Hà đưa ra. Cũng ngày hôm ấy, một thông tư của các Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách Giáo Xứ Thái Hà đã nhắc nhở Giáo Dân cảnh giác đề phòng thủ đoạn của cuộc gặp gỡ ấy, và khẳng định rằng 11 Giáo Dân được chọn không có bất cứ tư cách đại diện nào cho cộng đoàn Giáo Xứ.
 
Gởi hai “bác” Hưởng, Nhanh (thơ)
Thái Hà
09:37 09/09/2008
Hai bác bảo: giáo dân gây rối
Hai bác hăm: trị tội răn đời
Trắng đen hai bác đổi dời
Ăn ngược, nói ngạo bác thời... quá ngang!

Nếu không bị đảng gian cướp giựt
Dân đen đâu uất ức kêu oan
Vừa cướp cạn, vừa la làng
Hai bác quen thói bạo tàn hung hăng!

Với đồng bào: nhe nanh giương vuốt
Với Bắc phương khiếp nhược: cúi đầu
Thiên triều gọi dám cãi đâu
Cẩu nô cho giặc nhục nào… nhục hơn

Chỉ mảnh đất cỏn con trong nước
Các bác thề giành được mới thôi
Biển đông rộng tít chân trời
Các bác dâng tặng đám người ngoại bang

Với đồng bào vu oan: phản động
Với giặc thù: “răng lạnh”, “hở môi” (sic)
Nanh cắn môi bật máu rồi
Tại sao các bác không hồi tâm mau!

Nếu vẫn cứ trước sau áp bức
E có ngày nước mất nhà tan
Khi giặc lấn chiếm giang san
Lấy ai đoàn kết lo an nước nhà?

Đường hoạn lộ... dù đang thăng tiến
Khúc thăng trầm ai biết... bác ơi!
Dân vạn đại, quan nhất thời
Bạo quyền giữ được đời đời hay sao?


Hai bác bảo: giáo dân gây rối /Hai bác hăm: trị tội răn đời / Trắng đen hai bác đổi dời, /Ăn ngược, nói ngạo bác thời... quá ngang! / Nếu không bị đảng gian cướp giựt / Dân đen đâu uất ức kêu oan / Vừa cướp cạn, vừa la làng /Hai bác quen thói bạo tàn hung hăng!...


 
Gởi các bác bồi bút (thơ)
Thái Hà
09:38 09/09/2008
Lương phóng viên bao nhiêu một tháng?
Mà sẳn sàng đem bán lương tâm
Vì tiền ngòi bút bẻ cong
Chuyện không nói có hỏi lòng có vui!

Khi ngư dân thây vùi giữa biển
Khi đảo xa giặc chiếm ngoài khơi
Báo đài câm họng, im hơi
Còn nay gào thét hại người dân đen

Hẳn các bác tài hèn, trí thấp
Phải nương nhờ kẻ cắp để no
Cho nên óc bé, miệng to
Đưa tin sai lệch cho vừa ý trên

Tớ thông cảm niềm riêng bác lắm
Vì bất tài cố đấm ăn xôi
Mặc lời nguyền rủa của người
Ung dung các bác sống đời dối gian

 
Thông báo khẩn của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại
09:50 09/09/2008
 

TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM

THÔNG BÁO CỦA VĂN PHÒNG TỈNH

Trong hai ngày 8 và 9/9/2008 Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã nhận được hai bức điện thư từ hai linh mục DCCT tại Hoa Kỳ. Nội dung như sau:

Thư thứ nhất:

Thưa VP Tỉnh,

Xin VP Tỉnh vui lòng cho Tuấn biết có Cha nào tên là Augustine Hoàng (hay Hoàn) thuộc cộng đoàn Hà Nội sắp qua Mỹ hay không? Hay có cha nào thuộc cộng đoàn Hà Nội sắp đi Mỹ và Rôma hay không?

Tuấn hỏi như vậy vì Tuấn có một số điều nghi ngờ…

Xin chân thành cám ơn VP Tỉnh.

J. Lê Quang Tuấn, C.Ss.R

Thư thứ hai:

Chào Thoại,

Dũng vừa nói chuyện với linh mục DCCT tên là Augustine Hoàng thuộc DCCT Hà Nội.

Ngài xin tá túc tại đây 3 ngày, 24-27 tháng 10.

Mục đích là muốn gặp cộng đồng tại Houston, nhờ các cha tại đây tạo điều kiện.

Sau đó sẽ đi Cali, và từ Cali sẽ đi Rome để gặp Toà Thánh,

để nói chuyện với Toà Thánh về việc liên quan tới Thái Hà (Toà Thánh có giấy mời ngài). Ngài thụ phong linh mục năm 1995 và 65 tuổi.

Khi hỏi tin tức về Thái Hà, ngài cho biết nói qua điện thoại không tiện,

vì mọi người đang theo dõi.

Hỏi số phone thì bảo là tại Hà Nội bị cắt sóng, không thể gọi được.

Hỏi về tại sao ngài biết cộng đoàn nhà Dòng tại Hoa kỳ và biết cha Đinh Minh Hải,

ngài cho biết do cha Phụng và cha Khải tại Hà Nội cho biết.

Hỏi làm việc tại đâu, ngài cho biết làm việc tại GX Thái Hà, nhưng không cho tin gì thêm vì sợ mọi người đang theo dõi khi nói phone điện thoại.

Không biết “hàng này là hàng thật hay hàng giả” vậy Thoại? vì xưa nay đâu có bao giờ nghe nói vị linh mục Augustine Hoàng ở nhà Hà Nội đâu!

Nguyện Chúa chúc lành cho Cha.

NQDUNG

THƯ HỒI ÂM

Kính thưa Quý cha,

Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam xin thông báo với quý cha:

không có linh mục nào tên là Augustine Hoàng thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và Tỉnh Dòng không hề cử bất cứ ai đi bất cứ đâu để liên hệ giải quyết vấn đề ở Thái Hà cả.

Kính thư

Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại

Thư ký Tỉnh – chánh Văn phòng

 
Buổi cầu nguyện hiệp thông với Thái Hà của DCCT Huế
Dòng Chúa Cứu Thế
09:57 09/09/2008
I.Nội Dung

- Khai mạc – công bố lý do và mục đích của buổi cầu nguyện.
- Đi Đường Thánh Giá.
- Phép lành Thánh Thể.

II. Diễn Tiến

- Quý cha, Quý thầy tiến ra cung thánh; sau khi bái lạy bàn thờ, tất cả cùng quay xuống giáo dân. Cha Bề trên tiến tới micrô để sẳn chính giữa, chào cộng đoàn, làm dấu Thánh Giá, mời cộng đoàn quỳ cùng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần (Ca đoàn bắt “Cầu xin Chúa Thánh Thần…”. Hát 2 câu). Quý cha - Qúy thầy quay lên bàn thơ, cùng quỳ gối cầu nguyện với cộng đoàn.

- Sau Kinh Chúa Thánh Thần, Quý cha – Quý thầy đứng lên đi xuống các hàng ghế của giáo dân. Cha Giuse tiến về phía giảng đài công bố lý do và mục đích của buổi cầu nguyện.- Công bố xong, cộng đoàn đứng lên hát bài “Từ vực sâu u tối”. Lúc này:

- Cha JB vào phòng thánh cùng với các em lễ sinh và ban nghi lễ kiệu Thánh Giá ra.

- Các cha tiến lên cung thánh lấy lửa từ nên Phục sinh chuyền xuống cho giáo dân (Ban Phụng vụ bố trí người chia lửa từ nến của Quý cha – Quý thầy cho giáo dân. Bảo đảm nhanh và trật tự. Bài hát chỉ kết thúc khi việc đốt nên đã hoàn tất.)

- Thánh Giá đèn hầu tiến ra cung thánh quay mặt xuống cộng đoàn, sau khi bài hát kết thúc, Thánh Giá lên đường đến các chặng như thường lệ. Xin lưu ý:

- Tắt đèn nhà thờ, nhưng bật đèn vàng trên các chặng đường Thánh Giá.

- Từ chặng thứ 7 qua chặng thứ 8, ca đoàn bắt bài hát: “Đường thập tự”. Từ chặng 14 tiến lên cung thánh, ca đoàn bắt bài hát: “Con đường Chúa đã đi qua.”

- Kết thúc mỗi chặng, trước khi đứng lên qua chặng kế tiếp, người xướng đọc:
“Lạy Chúa Cứu Thế, xin thương xót các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo dân giáo xứ Thái Hà.”
Cộng đoàn đáp: “Xin Chúa nhậm lời chúng con.”

- Mười bốn chặng đường Thánh Giá kết thúc, Thánh Giá đèn hầu tiến lên cung thánh, đứng trên bục trước nhà tạm, quay xuống cộng đoàn. Bật sáng 2 đèn pha. Cha Phaolô tiến lên giữa cung thánh ở chỗ micrô để sẳn, hướng mặt về Thánh Giá dâng 4 lời nguyện:

- Lạy Chúa Giêsu, trước mặt Philatô, Chúa đã tuyên bố Chúa là sự thật, ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Chúa. Chúa đã làm chứng điều Chúa nói bằng cả cuộc sống, bằng cả cái chết để trở nên Đấng Cứu Độ chúng con. Trong những ngày này, anh chị em giáo xứ Thái Hà – DCCT đang tiếp tục con đường cứu độ của Chúa, đang tiếp tục chứng tỏ là những người thuộc về Chúa, là sự thật khi dùng hết sức mình để đòi lại công lý đã bị xâm phạm mấy chục năm qua. Chúng con nài xin Chúa ban đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, giúp họ luôn kiên cường trong đức tin và đức cậy, giúp họ luôn bình an trong mọi thử thách, và giúp họ luôn khôn ngoan trước những mưu mô xảo trá của thế gian.

- Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống yêu thương, và tình thương chỉ có thể xây dựng trên công bằng, sự thật. Không tôn trọng lẽ công bằng thì không thể có tình thương; không sống trong sự thật thì tình thương chỉ là giả dối. Chúng con tha thiết cầu xin Chúa cho Hội Thánh Việt Nam của chúng con được nêu gương yêu thương nhau qua việc sống và lên tiếng bênh vực cho công bằng và sự thật. Để lối sống đó trở thành điều kiện nền tảng cho một tương lai tươi sáng của dân tộc; trở thành một đòi hỏi không thể thiếu cho đời sống luân lý và đức tin Kitô giáo của chúng con hôm nay và của con cháu chúng con trong tương lai.

- Lạy Chúa Giêsu, qua việc đòi lại công bằng của giáo xứ Thái Hà – DCCT, chúng con còn thấy bao cảnh bất công đang xảy ra trên đất nước chúng con: những người bị mất đất chịu sự đền bù không thỏa đáng, những thanh niên bán sức lao động rẻ mạt trong các nhà máy, công xưởng, những thiếu nữ bị bán ra nước ngoài qua những hợp đồng ma quỉ, những trẻ em tuổi ngây thơ phải bán báo, bán vé số, ăn xin, thay vì được cắp sách đến trường. Chúng con nài xin Chúa thương đánh động lương tri của các vị lãnh đạo quốc gia và tôn giáo. Xin cho họ biết hành xử một cách công minh quyền bính mà họ lãnh nhận từ Chúa để mưu cầu ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

- Lạy Chúa Giêsu, phần chúng con là đoàn chiên bé nhỏ của Chúa, chúng con luôn trông cậy Chúa. Giữa một xã hội đang bị ô nhiễm và tục hóa về mọi mặt, nhất là vì sự dối trá trong thông tin, trong giáo dục và trong các tương giao xã hội, đức tin của chúng con có nguy cơ bị tha hóa mà chính chúng con cũng không biết, không ngờ, không ý thức. Chúng con nài xin Chúa cho chúng con biết luôn tĩnh thức và cầu nguyện để khỏi bị cuốn theo trào lưu duy vật và vô thần mà đánh mất đức tin. Xin Chúa cho chúng con luôn trung thành với Hội Thánh Chúa, luôn siêng năng tham dự các bí tích và chuyên cần cầu nguyện sớm tối trong gia đình, để chúng con có thể nêu gương sống đạo cho các gia đình chung quanh chưa biết Chúa.

- Sau mỗi lời nguyện cộng đoàn hát: “Lạy Ngài xin đến, dẫn dát chúng con trên đời. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn thêm sức kiên vững không lay, sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu”

- Kết thúc các lời nguyện cộng đoàn hát “Kinh Hòa Bình”.

- Sau “Kinh Hòa Bình”, Thánh Giá đèn hầu đi vô phòng thánh, đèn bật sáng, cộng đoàn tắt nến, Cha Bề trên tiến ra đặt hào quang chầu Thánh Thể như truyền thống. Suy niệm trong giờ chầu: Tin Mừng Ga 17, 17-19

- Kết thúc bằng bài hát: “Lạy Mẹ xin yên ủi”.
 
Thiếu tướng công an đã hành xử một cách thiếu minh bạch
Joseph Nguyễn Ngọc Huỳnh
09:59 09/09/2008
Đã hai lần linh mục chính xứ Thái Hà mời thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh đến giáo xứ Thái Hà để gặp gỡ giáo dân Thái Hà. Nhưng ông đã không đến.

Và rồi…

Sáng 5-9-2008, thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, trong tư cách đại biểu Quốc Hội, thành viên của Thành ủy Hà Nội, thành viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã tổ chức một buổi gặp gỡ và làm việc với một nhóm giáo dân mà ông tự cho là những giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà.

Từ sáng sớm ngày 6-9-2008, giáo xứ Thái Hà đã ra thông báo tại nhà thờ, tuyên bố rằng Tu viện DCCT – giáo xứ Thái Hà không hề ủy nhiệm cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào làm đại diện cho mình.

Kế hoạch lợi dụng một số giáo dân của ông thiếu tướng bị phá sản.

Sáng 8-9-2008, bốn người trong số các giáo dân đã bị gán cho tư cách “giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà” đã đến gặp các linh mục nhà thờ Thái Hà để trình bày về cuộc gặp gỡ và làm việc với thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh vào ngày 5-9-2008.

Trong cuộc gặp gỡ các linh mục, bốn người giáo dân này đã nói rõ: nhận lời mời đi gặp “thành phố”, họ đã đi với tư cách cá nhân, chứ không phải với tư cách “giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà”. Chính thượng tá Hoàng Cao Thắng đã ghi vào biên bản của buổi làm việc ngày 5-9 rằng họ là những giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà, chứ không phải là do họ tự nhận như vậy. Họ còn thêm rằng: biên bản đó đã không ghi đúng những gì họ phát biểu, đặc biệt, đã không phản ánh được mục đích chính của việc những giáo dân này lên gặp “thành phố”. Theo lời họ khẳng định, họ lên “thành phố” là để đòi lại cho giáo xứ mảnh đất mà “thành phố” đã giao cho công ty Dệt thảm len ngày xưa (nay Công ty May Chiến Thắng đang sử dụng). Tuy nhiên, nội dung chính này đã không được phản ánh trong biên bản do thượng tá Hoàng Cao Thắng ghi.

Như vậy đã rõ: cuộc gặp gỡ và làm việc ngày 5-9-2008 là do thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh tổ chức. Chính Sở Công an thành phố Hà Nội mà thiếu tướng Nhanh đứng đầu đã làm ra vở kịch vụng về này.

Không hiểu tại sao thiếu tướng Nhanh, đại biểu Quốc Hội, thành viên của Thành ủy Hà Nội, thành viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã phải hành xử một cách thiếu minh bạch như vậy?!
 
Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội
An Dân
10:00 09/09/2008
Mấy hôm nay, các cơ quan truyền thông, bên cạnh vụ việc Thái Hà, lại có dịp thi nhau mổ xẻ về cuộc thi Hoa Hậu VN 2008. Càng mổ thì người ta càng thấy những góc khuất, những mảng tối trong một cuộc thi được coi là hình mẫu cho mọi cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam. Các vị thuộc ban tổ chức cuộc thi hoa hậu thì tìm cách lấp liếm, chạy tội. Cô hoa hậu - người chưa từng học xong phổ thông trung học, nhưng lại được cấp cho một cuốn học bạ giả để làm hành trang tham dự cuộc thi, thì không trả lời. Nhiều người đề nghị tước vương miện hoa hậu. Người khác thì cho rằng cần phải nghiêm khắc với ban tổ chức cuộc thi vì đã vi phạm luật… Trước những tranh cãi mà không có ai đứng ra chịu trách nhiệm này, Nhà báo Vương Trí Nhàn, trên Báo tuổi trẻ ngày 6 tháng 9 năm 2008, đã phải nhắc lại một chân lý ngàn đời: “Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội”.

Người ta tự hỏi, có những sự thật lớn hơn, rõ ràng hơn như sự thật đang diễn ra tại giáo xứ Thái Hà, nhưng tại sao các cơ quan truyền thông không bao giờ nhắc tới, mà chỉ thấy sự mạ lị, sự vu khống, sự đặt điều bôi nhọ, bóp méo sự thật. Chắc chắn, những phóng viên có mặt tại giáo xứ Thái Hà để theo dõi sát tình hình, diễn tiến diễn ra ở đây đều biết tới vụ việc “CSCĐ đã dùng dùi cui điện và các phương tiện hỗ trợ khác, đàn áp dã man những người giáo dân cầu nguyện ôn hoà tại hè phố Thái Hà ngày 28/8/2008”; vụ “cảnh sát cố tình xịt hơi cay vào đám đông đang cầu nguyện tại linh địa Đức Bà”; vụ “Công ty Cổ phần may Chiến Thắng bán khu đất này cho một công ty khác đã được giáo dân phát hiện tố cáo”….Nhưng, tuyệt nhiên những vụ việc ấy không bao giờ được đem ra mổ xẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nếu có đưa tin thì lại chỉ là sự đặt điều, vu khống trắng trợn bất chấp nhân tâm mà không bao giờ cho nạn nhân lên tiếng.

Người ta cũng tự hỏi, tại sao có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn mà thiệt hại kinh tế lớn gấp trăm, gấp ngàn lần vụ việc Thái Hà như vụ PMU18, vụ Đại lộ Đông tây, các vụ khiếu kiện đất đai trên khắp mọi miền tổ quốc, thì lại không được sự chỉ đạo “tạo dư luận, tố cáo” như tại giáo xứ Thái Hà. Phải chăng vì giáo xứ Thái Hà là một cộng đồng tôn giáo? Chắc chắn là như vậy. Đây là một sự phân biệt đối xử tôn giáo mà ai cũng nhận thấy. Nếu không có sự phân biệt đối xử này, thì sẽ không thể giải thích được tại sao “phải chỉ đạo” và tại sao báo chí trong nước đã tốn nhiều giấy mực để mạ lị, vu khống như vậy.

Việc báo chí, truyền thanh, truyền hình tại Việt Nam, xưa nay, chuyên đưa tin một chiều thì không có gì lạ. Tuy nhiên, việc cơ quan báo chí thi nhau đưa tin bằng những luận điệu vu khống, đổi trắng thay đen thì người ta mới chỉ thấy trước đây về Toà Khâm sứ và bây giờ về giáo xứ Thái Hà.

Việc báo chí nhà nước, thông tin một chiều, vu khống, mạ lị, không cho nạn nhân có tiếng nói, thì không ngờ lại là phương tiện loan báo về sự thật. Những ngày vừa qua, tại linh địa Đức Bà, hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp muôn phương: Sài gòn, Quảng trị, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng… đã trở về Thái Hà để tìm hiểu sự thật vì họ không còn tin vào “cơ quan ngôn luận của Đảng” nữa.

Báo chí, khi thông tin một chiều về vụ việc Thái Hà, đã tự đào mồ chôn mình. Người dân bắt đầu cảm thấy bị Nhà nước, qua cơ quan ngôn luận, lừa gạt. Những linh mục, giáo dân, nạn nhân của những vu khống, mạ lị, thấy cần càng phải quyết tâm bảo vệ sự thật và chân lý cho đến cùng, dù có phải bị tù đầy, bắt bớ. Những giáo dân khác, trong tinh thần hiệp thông, khi biết được sự thật không như báo đài nói, thì họ cũng đã không ngại ngần bày tỏ lập trường cùng nhau bảo vệ sự thật cho tới cùng. Các Giám mục, linh mục trong Tổng giáo phận Hà Nội và các giáo phận lân cận cũng đã trở về linh địa Đức Bà để bày tỏ niềm hiệp thông sâu sắc với Nhà dòng và giáo xứ. Họ về linh địa Thái Hà không vì quyền lợi cá nhân mà tất cả là vì chân lý và công lý.

Hoá ra, sự thật chẳng có gì có thể che khuất. Sự thật mãi vẫn là sự thật. Càng cố che thì sự thật càng lộ rõ. Càng giấu diếm thì sự thật càng được mọi người mong ước đi tìm. Bàn tay không thể che nổi mặt trời. Càng cố che thì chỉ càng làm cho khuôn mặt mình tối đi. Chân lý thì không gì che nổi. Vẻ đẹp của chân lý thì muôn đời vĩnh cửu, cần cho cuộc sống và cần cho một xã hội ổn định và phát triển.

Vụ việc Thái Hà trở nên phức tạp như hôm nay, tất cả cũng chỉ ở chỗ chính quyền đã không tôn trọng chân lý, không tôn trọng những cơ sở pháp lý và không mong giải quyết vấn đề dựa trên những cơ sở pháp lý. Vụ việc Thái Hà trở nên khó giải quyết cũng chỉ vì, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội mà đại diện là ông Vũ Hồng Khanh – phó chủ tịch UBND thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí đã bóp méo sự thật, nguỵ tạo những chứng cớ, vu khống những chức sắc và giáo dân bằng những thông tin không có thật. Vụ việc Thái Hà trở nên khó giải quyết còn bới vì những người yêu chuộng công lý và hoà bình, những con người có lương tri, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và cảm thấy “sự thật” đang bị chính quyền chà đạp một cách không thương tiếc, nên đã quyết tâm phụng sự chân lý cho tới cùng.

Do đó, chìa khoá của vấn đề nằm ở chân lý, ở sự thật. Nói cách khác, để giải quyết vấn đề thì cần thiết đôi bên phải trở về với những cơ sở pháp lý, bởi chúng là phương tiện giúp đạt tới chân lý. Chân lý mới là vẻ đẹp đích thật cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội. Nhà nước, với những phương tiện trong tay, có thể trấn áp, bịt miệng những người yêu chuộng công lý, những người mong muốn hoà bình, nhưng sự thật thì mãi vẫn là sự thật. Việc dùng súng đạn, dùi cui, hơi cay, nhà tù có thể tạo nên một nền hoà bình giả tạo trên bề mặt, nhưng không bao giờ tạo được sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn - một sự an bình cần thiết để xã hội không còn có những xung đột, không còn chiến tranh. Hoà bình đích thực chỉ có khi mọi người biết tôn trọng sự thật.

Đất nước này sẽ đi về đâu nếu một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại không quan tâm tới quyền lợi chính đáng của nhân dân? Đất nước này sẽ đi về đâu, nếu Nhà nước - cơ quan hành pháp, lại không tôn trọng luật pháp, không tôn trọng sự thật, cố tình bóp méo sự thật, bẻ cong chân lý? Một Nhà nước không coi trọng chân lý là một Nhà nước đang trên đường đi tới chỗ diệt vong.

“Chân lý mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội”. Chân lý mới là chìa khoá mở ra cánh cửa hạnh phúc, ổn định và phát triển cho con người, cho xã hội và cho Giáo hội.

Chân lý bị tổn thương thì tình người cũng bị tổn thương.

Hà Nội, ngày 8 tháng 9 năm 2008
 
Linh mục Đoàn Hạt Hà Nam viếng linh địa Đức Bà và dâng lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình
Thăng Long
10:03 09/09/2008
Sáng 8/9/2008, Linh mục Đoàn Hạt Hà Nam TGP Hà Nội đã đến kính viếng Linh Địa Đức Bà và cầu nguyện cho công lý và hoà bình.

Phái Đoàn gồm có quý cha, quý thầy sau đây:

1. Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn, Chính xứ Phủ Lý, Quản hạt Hà Nam.
2. Cha Phêrô Nguyễn Văn Nghị, Chính xứ Kẻ Non.
3. Cha G.B Nguyễn Văn Quang, Phó xứ Phủ Lý, Phụ trách xứ Tràng Châu.
4. Cha F.X Lê Thanh Nghị, Phó xứ Phủ Lý, Phụ trách giáo xứ Kim Bảng.
5. Thầy Giuse Mai Xuân Tự, Tu đoàn Truyền Tin, Phủ Lý.
6. Thầy Giuse Nguyễn Trọng Tài, Tu đoàn Truyền tin Phủ Lý.

Qúy cha quý thầy trong Phái Đoàn đã ra viếng Linh Địa Đức Bà cùng đông đảo anh chị em giáo dân.

Cha Quản Hạt Phêrô Bùi Ngọc Tuấn cùng quý cha quý thầy đại diện Hạt Hà Nam đã cầu nguyện và dâng hương hoa kính Đức Mẹ tại Linh Địa.

Ngỏ lời với cộng đoàn hiện diện, Cha Quản Hạt nói: “Chúng tôi đến đây mừng Sinh Nhật Đức Mẹ và cầu ngyuện cho quý cha quý thầy và anh chị em giáo dân nơi đây luôn can đảm và kiên trì làm chứng cho sự thật”.

Khoảng 10 h 30, Phái Đoàn dâng lễ cùng cộng đoàn gồm phần lớn là khách hành hương thập phương về Thái Hà để cầu nguyện cho công lý và hoà bình.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Cha Quản Hạt một lần nữa mời gọi cộng đoàn “ xin cho công lý và hoà bình được sớm thực hiện giữa chúng ta”.

Cha Bề trên-Chính xứ Mátthêu Vũ Khởi Phụng đã đại diện Giáo xứ Thái Hà cám ơn Cha Quản Hạt và quý cha, quý thầy Hạt Hà Nam. Ngài nói: “Sự hiện diện của quý cha và quý anh chị em giáo dân, cho chúng con cảm nhận rằng Hội Thánh luôn bao bọc, nâng đỡ giáo xứ chúng con”./.
 
Chơi đòn hạ sách
Lữ Giang
12:07 09/09/2008
Chơi đòn hạ sách

Trong cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội để đòi lại Toà Khâm Sứ và đất của giáo xứ Thái Hà, thay vì đối thoại chân thành để giải quyết bằng một giải pháp công bằng và hợp lý, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Mặt Trận Tổ Quốc và Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Thành Phố Hà Nội đã xử dụng các biện pháp hạ sách sau đây để đối phó:

1.- Khủng bố: Huy động lược lượng công an và cảnh sát, kể cả công an chìm, để trấn áp. Bí mật dùng bình xịt hơi cay để làm cho các buổi tập họp cầu nguyện bị tán loạn. Gài cho bạo động rồi dùng pháp luật để đe doạ, v.v.
2.- Huy động hệ thống truyền thông nhà nước để vu khống, xuyên tạc sự thật. Dùng giáo gian hay những tên mạo nhận là công giáo... để đưa ra những lời phát biểu chống lại cuộc đấu tranh của giáo dân.
3.- Dùng các tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, tung hoả mù để chống lại những đòi hỏi của giáo dân.
4.- Xử dụng giấy tờ giả như những chứng từ pháp lý để đối kháng với những đòi hỏi hợp lý cũa giáo xứ Thái Hà!

Trong thời kỳ tiến xuống “xã hội chủ nghĩa”, khi hệ thống thông tin bị bưng bít, có thể xử dụng các biện pháp trên đây để khống chế quần chúng có hiệu quả. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi Đảng CSVN bị bắt buộc phải sống chung với các xã hội văn minh, phải gia nhập WTO, phải tham gia Hội Đồng Bảo An LHQ…... các biện pháp nói trên trở thành vô hiệu quả. Ngoài sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế ở trong nước, hệ thống thông tin toàn cầu đã xâm nhập được vào hầu hết mọi khu vực của đất nước. Do đó, khi Đảng và Nhà Nước cho áp dụng các trò bẩn như trong thời kỳ đi xuống “xã hội chủ nghĩa”, sẽ bị dư luận trong nước cũng như quốc tế lật tẩy và tố cáo ngay.

Hai biện pháp đầu được coi là hai biện pháp cố hữu được dùng để trấn át trong các chế độ cộng sản. Biện pháp thứ ba và biệt pháp thứ tư là hai biện pháp đặc biệt được áp dụng trong vụ đòi đất của giáo dân Hà Nội nên chúng tôi xin phân tích về hai biện pháp này.

KHI NHÀ NƯỚC LÀM GIẤY GIẢ!

Giáo xứ Thái Hà đã đưa lập luận sau đây để xác định khu đất 60.000 mét vuông ở Thái Há Ấp vẫn còn thuộc quyền sở hữu của giáo xứ: Chính quyền chưa hề có văn kiện pháp lý nào trưng thu khu đất này. Dân chúng và các cơ quan của chính quyền đã tự ý đến chiếm rồi mua bán đổi chác với nhau, chỉ để lại cho giáo xứ 2.700 mét vuông, không đủ để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.

Để chống lại lập luận này, UBND Thành Phố Hà Nội nói rằng ngày 24.10.1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích, người quản lý Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo xứ Thái Hà, đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý. Giáo xứ Thái Hà quả quyết Linh mục Vũ Ngọc Bích không hề ký bất cứ giấy tờ nào “dâng”, “hiến” hay “bàn giao” đất của giáo xứ cả. Vã lại, dù Linh mục Bích có ký giấy bàn giao đi nữa, giấy đó cũng vô giá trị vì ông chỉ là người quản lý chứ không phải sở hữu chủ.

Ngày 26.8.2008, Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà, đã nhận được công văn số 680/UBND-NNĐC cuả UBND Thành Phố Hà Nội về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm theo 4 băn bản photocoppy, gồm có:

1.- Bản kê khai tổng số nhà giao cho nhà nước quản lý ký ngày 10.11.1961.
2.- Bản mẫu kê khai nhà quản lý ký ngày 9.11.1961.
3.- Đơn xin xin “được giao lại” đất của linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963.
4.- Văn bản đề ngày 24.12.1991 của Linh mục Vũ Ngọc Bích gửi ban chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thảm Đống Đa về việc xác nhận đã nhận của ban 40 triệu đồng.

Qua các văn kiện nói trên, Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà khám phá ra các sự gian dối sau đây:

(1) Đơn xin “được giao lại” đất của Linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963 đã được đánh máy trên máy vi tính, sử dụng font chữ của Microsoft Word. Sự kiện này cho thấy đơn này không thể có từ năm 1963 mà mới được làm trong thời gian gần đây, vì Công Ty Microcrosoft mới được thành lập ngày 1.4.1975, nên năm 1963 không thể có kiểu font đó để xử dụng. Điều này cho thấy đơn xin “được giao lại” đất của Linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963 mà UBND thành phố Hà Hội xuất trình để chứng minh là tài liệu giả.

(2) Bốn văn kiện mà UBND Thành Phố Hà Nội đưa ra làm chứng từ đều có nghi vấn:

- Có văn kiện lại bị sửa cách viết chữ, tháng (văn bản 1) hay năm (văn bản 3). Chữ viết tên và chữ ký của văn bản 3 không gióng các văn bản khác.
- Chỉ có một chứng từ lập năm 1961 có đóng dấu, nhưng hai dấu lại đè lên nhau và xem lại thì không phải là con dấu của giáo xứ Thái Hà!

Văn bản thứ 4 đề ký ngày 24/12/1991 (ngày mừng lễ Noel) là văn bản đã được cơ quan Truyền hình nhà nước đưa lên để cho rằng đây là văn bản Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký nhận 40 triệu đồng từ năm 1961. Nhìn kỷ, ai cũng dễ dàng nhận thấy chữ ký của Linh mục Bích trong văn bản này hoàn toàn khác với chữ ký của các văn bản khác.

Như vậy, UBND Thành Phố Hà Nội đã cố ý giả mạo giấy tờ để sang đoạt tài sản của nhân dân.

HUY ĐỘNG PHẬT GIÁO QUỐC DOANH

Chúng ta nhớ lại, cuối năm 2007 và đầu năm nay, khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đòi lại Toà Khâm Sứ Việt Nam, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc đã huy động Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh và các cơ quan truyền thông của “giáo hội” này để chống lại.

Ngày 17.1.2008, Website “phattuvietnam.net”, cơ quan Phật Giáo vận của Mặt Trận Tổ Quốc, cho đăng “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ" của một người ở trong nước giấu tên cho rằng khu Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ hiện nay trước đây là chùa và tháp Báo Thiên của Phật Giáo.

Ngày 18.2.2008, Website này đã công bố văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, hiện là Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương của GHPGVN, đã thừa ủy nhiệm Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội này, gởi đến Thủ Tướng Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu “xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo” trước khi có quyết định về việc trao Tòa Khâm Sứ cho Giáo Phận Hà Nội!

Tiếp theo, vô số bài của các tổ chức thuộc Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh được đưa ra để bôi nhọ và chống lại Thiên Chuá Giáo.

Sự kiện này một lần nữa chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong nước hiện nay chỉ là một công cụ chính trị của Đảng và Nhà Nước chứ không phải là một tôn giáo hay một giáo hội đúng nghĩa.

ĐÂM THUÊ CHÉM MƯỚN

Website “Phattuvietnam.net” đúng là một công cụ đâm thuê chém mướn của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, bên ngoài trang nhà này đề bảng “Nam Mô A Di Đà Phật” nhưng bên trong chứa toàn những bố dao găm. Trong phần chủ trương, trang nhà này có ghi:

Trang web PHẬT TỬ VIỆT NAM hình thành bằng chính tâm nguyện sống và làm theo lời Phật dạy, làm tốt đạo đẹp đời, với phương châm: Đạo Pháp – Dân tộc – Thời đại. Tất cả không ngoài chủ trương:
1.- Phổ cập, thảo luận Phật pháp, xem đây là diễn đàn Tăng Ni Phật tử khắp nơi trên phương tiên truyền thông đại chúng.
2.- Cung cấp, cập nhật, tổng hợp các thông tin họat động Phật sự trong nước và quốc tế đến Chư Tôn Đức Tăng Ni Phật tử, các nhà nghiên cứu Phật giáo, cũng như các đối tượng khác muốn tìm hiểu đạo Phật.
3.- Hoằng pháp lợi sinh trên tinh thần Phật giáo đi vào cuộc đời, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, vì lợi ích số đông loài người và chư Thiên.
4.- Trao đổi và nghiên cứu các vấn đề Phật học trong sự hòa hợp, thanh tịnh - kiến hòa đồng giải (không liên quan đến các vấn đề chính trị, kỳ thị tôn giáo hay lợi ích cá nhân).”


Nhưng mở trang nhà này ra, chúng ta thấy toàn tin tức về hoạt động vận động quần chúng của nhóm sư quốc doanh và các bài đánh phá theo chỉ thị của Mặt Trận Tổ Quốc. Trong vụ Toà Khâm Sứ, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều bài nham nhở xuyên tạc lịch sử và tôn giáo với những luận điệu láo phét, chẳng hạn như:

- Lịch sử tang thương về chùa Báo Thiên ở Hà Nội xưa
- Vụ phá chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn trong tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
- Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam.
- Nhân vụ Tòa khâm: Di sản văn hóa - Cội nguồn lịch sử của một dân tộc.
- Phật giáo Thiền chứ không ngủ của Trần Chung Ngọc (!).
- Từ việc chiếm chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn tìm hiểu bộ mặt thật của 'giám mục' Purinier.
- Thư trao đổi gửi ngài Nguyễn Văn Sang - Giám mục Thái Bình.
- Chùa Báo Thiên có bị thực dân Pháp và tay sai phá đi xây Nhà thờ Lớn?
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về vụ đòi “Tòa khâm”.
- Vụ đòi tòa khâm: câu chuyện về chiếc giếng cổ và cây thánh giá
- Vụ cầu nguyện đòi Tòa khâm: Về một thế đứng văn hóa trong tôn giáo.
- Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và hòa hợp Tôn giáo trong lòng Dân tộc.
- Cầu nguyện đòi "Toà khâm": nên nhìn vào sự thật.
- Vụ "tòa khâm": Lương tâm cầu nguyện?
- Nhân vụ đòi "Toà khâm": Mong Nghĩ Niềm Chung.
- Lịch sử - Pháp lý - Hiện thực - Tình người.
- Ước nguyện của Phật tử về "Thành phố Vì Hòa bình".
- Tâm thư gửi đồng bào Công giáo “cầu nguyện” đòi "Tòa khâm sứ".
- Thư ngỏ gửi Ngài Ngô Quang Kiệt – Tổng Giám mục địa phận Hà Nội nhân vụ việc “Tòa Khâm sứ”, v.v.

Trong cuộc tranh đấu để đòi lại đất của giáo xứ Thái Hà hiện nay, chúng tôi thấy trang nhà phattuvietnam.net đã phóng lên bài bài “Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam” hôm 29.5.2008; bài “Cầu nguyện đòi đất: 'ông tiền chủ, bà tiền chủ ở đâu'?” hôm 2.9.2008; bài “Cầu nguyện "đòi đất": Một kiểu "đối thoại" bằng luật rừng” hôm 5.9.2008... để vu khống và bôi nhọ cuộc đấu tranh của Công Giáo.

MỘT THÍ DỤ ĐIỂN HÌNH

Số lượng bài đánh phá đăng trên trang nhà “Nam Mô A Di Đà Phật” phattuvietnam.net quá nhiều, chúng tôi chỉ xin đưa ra đây một vài đoạn chính của bài “Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam” của người đứng tên là Nguyễn Mai Sơn để đọc giả xem miệng lưỡi của nhóm bồi bút của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc trong phattuvietnam.net “Nam Mô A Di Đà Phật” như thế nào. Sở dĩ chúng tôi chọn bài này vì đây là một bài viết tương đối có lý luận. Qua bài này, chúng ta có thể thấy được phần nào cách nhìn của nhà cầm quyền về cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội. Đa số các bài khác đều được viết theo lối của các bà bán cá ở các chợ Đồng Xuân, Đông Ba, Cầu Ông Lãnh...

Vì bài báo quá dài, chúng tôi chỉ xin trích đăng lại hai phần quan trọng và đưa ra một vài nhận xét, đó là phần phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội và chuyện đòi nhà đất. Những tiểu mục được chúng tôi thêm vào cho dễ đọc hơn.

Mở đầu bài báo viết:

Ngoài ý tứ quyết “sống mái” của TGM Ngô Quang Kiệt: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ” (bất chấp sự thật lịch sử là mảnh đất đó được cướp từ đất chùa, bất chấp dư luận xã hội trong đó có phản biện của Phật giáo) là việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước”.

1.- Phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội

Bài báo viết tiếp:

Theo một số nguồn tin, ông Ngô Quang Kiệt - Tổng Giám mục Hà Nội trong chuyến thăm cộng đồng Ki-tô giáo người Việt tại Đức đã mạnh miệng tuyên bố “TGM Hà Nội nhất định đòi Tòa Khâm sứ”.

“Phát biểu trên xuất hiện gần thời điểm phái đoàn Vatican chuẩn bị sang thăm Việt Nam. Cũng trong tin này, ôngng Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo Vatican nói về sự quan tâm của Vatican đến Tòa Khâm sứ, Thánh địa La Vang và Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt.

“Tuy nhiên, trong tin “Phái đoàn Vatican sắp tới Hà Nội” của BBC Việt ngữ, Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu lại cho rằng: "Việc đòi lại đất chỉ là bề nổi. Điều ẩn hiện đằng sau mà Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước".

“Đúng là ba “miếng” đất kia chỉ là bề nổi, là sự “ẩn hiện” có tính toán, nếu quan hệ giữa Việt Nam và Vatican được thiết lập. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với một quốc gia (Vatican) mà quá khứ có nhiều ân oán, tình thù với nhau cũng là chuyện bình thường, vấn đề là những “điều kiện” mở đường cho nó sẽ ở mức độ nào giữa nhận thức chung trong mối quan hệ: “hai bên cùng có lợi”.

“Nếu cái “điều kiện” đó có thể đáp ứng lớn hơn mức bức tường mà hai bên có thể thỏa mãn thì việc tranh chấp vài miếng đất có thể coi “như có như không”. Đó là điều ai cũng nhìn ra, tuy nhiên ai là người sẽ “nhượng bộ” để đổi lấy những ích lợi cụ thể thì vẫn còn là một câu hỏi.

“Cần nói thêm, Trung Quốc vẫn chưa mặn mà với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, vì gần như Trung Quốc đã làm được cái việc tách Giáo hội Công giáo Trung Quốc ra khỏi Vatican trong thế độc lập tương đối.

“Điều đáng chú ý, ngoài ý tứ quyết “sống mái” của TGM Ngô Quang Kiệt: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ” (bất chấp sự thật lịch sử là mảnh đất đó được cướp từ đất chùa, bất chấp dư luận xã hội trong đó có phản biện của Phật giáo) là việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước”. Cũng là “đòi” cả thôi nhưng ở hai cấp độ khác nhau.

“Đòi đất kiểu “quyết liệt” như TGM Ngô Quang Kiệt đích thực là bề nổi, nhưng không phải không có chủ ý lấy “gân” thử “gân” và cái “đòi” ấy là rất cụ thể. Còn việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước” mà Linh mục Bùi Thượng Lưu nói tuy to tát nhưng rất thiếu tế nhị, nếu không nói là tự nhận mình ở cái thế “bên lề
”.

2.- Chuyện đòi đất

Về chuyện đòi đất, bài báo lý luận như sau:

Khi nói đến từ “đòi” người ta thường liên hệ đến việc bị lấy mất, bị xâm chiếm. Nhưng không ai lấy mất những “đóng góp” của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho đất nước mà phải đòi. Khi đòi “dân tộc” phải ghi nhận đóng góp ấy, liệu có “đòi” dân tộc và cụ thể là Phật giáo phải quên đi những di sản văn hóa chùa chiền, đình miếu bị chính sách đồng hóa hủy diệt không?

“Dĩ nhiên, trên khắp thế giới, thời nào cũng thế, nhà cầm quyền, những người lập ra chế độ chính trị, chính sách, hiến pháp, pháp luật, quân đội, nhà tù được toàn dân nhất trí (theo tiêu chí phổ thông đa số thắng thiểu số) họ có quyền lực cao nhất để “hướng dẫn xã hội”.

“Đó là cái thế “cầm quyền” của họ, họ “lấy” bằng cách gì và họ “trả” như thế nào với những tài sản tôn giáo, phi tôn giáo cũng là cái thế cách “cầm quyền” của họ, và điều đó không phải không có ý nghĩa trong những thời điểm lịch sử nhất định.

“Công giáo Việt Nam từ trong lịch sử đã “cưỡng chiếm” biết bao nhiêu chùa chiền của Phật giáo một cách bất hợp pháp, ai là người sẽ đòi món nợ ấy với họ?

“Hiện tại, Công giáo Việt Nam chỉ là một tổ chức trong một quốc gia và phải chịu qui định bởi luật pháp của quốc gia ấy. Trong ba cơ sở mà Công giáo có ý định “đòi” (“bề nổi”, “ẩn hiện”) thì có đến hai cơ sở là di sản Phật giáo từng bị cưỡng chiếm và phá hủy rồi xây lên đó những nhà thờ (Tòa khâm sứ cũ và đất La Vang).

“Nếu nói một cách “công lý” và “công bằng” thì Công giáo Việt Nam nên suy nghĩ nhiều hơn về điều này, không nên tiếp tục khơi lại những vết thương đau của lịch sử dân tộc.

“Không phải ngẫu nhiên vụ cầu nguyện đòi đất Tòa Khâm sứ nổ ra và có phản ứng dây chuyền trên khắp cả nước. Bởi một động thái tôn giáo của nhà nước trước đó được xem là “bất lợi” cho tiến trình phát triển của Công giáo Việt Nam chính là trong mùa Phật đản năm 2007, Nhà nước tuyên bố đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.

“Tâm lý lo ngại có thể bị rơi ra khỏi sự quan tâm đã chuyển sang thái độ phản ứng “đòi” đất. Tuy nhiên, tất cả sự “ẩn hiện” đó đều hy vọng vào một khả năng duy nhất “thúc ép” Việt Nam “bình thường hóa” với Vatican.

“Có thể vụ cầu nguyện đòi đất chỉ là một bức màn của một sân khấu đã được đạo diễn sẵn, nhằm đẩy Chính phủ Việt Nam vào một thế bí đối với dư luận trong và ngoài nước: “cướp đất”, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”…

“Sau đó chính Vatican lại can thiệp và làm cho sự việc lắng dịu. Sức mạnh “can thiệp” đó nhằm vào một chủ đích lớn hơn, bởi gần như sức ép dư luận “quốc tế” mà Vatican có khả năng chi phối là rất nặng kí. Kế sách vừa đánh vừa nhử, lùi một bước tiến ba bước quả là ngoạn mục
...”

MỘT VÀI NHẬN XÉT

I.- Phần phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội

Về sự “ẩn hiện” có tính toán của Giáo Hội Việt Nam trong việc đòi đất chúng tôi xin miễn bàn vì không có bằng chứng xác thực.

Còn về việc Linh mục Bùi Thượng Lưu nói rằng “Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước", chúng tôi thấy có sự xuyên tạc. Chúng tôi tin rằng Linh mục Bùi Thượng Lưu không có ý nói nhà cầm quyền cũng như dân tộc phải ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước, trái lại Linh mục muốn nói lên ước mong của Giáo Hội Việt Nam là nhà cầm quyền để cho Giáo Hội được góp phần vào việc xây dựng đất nước, đặc biệt là trên các lãnh vực bác ái, giáo dục và văn hoá. Hiện nay, nhà cầm quyền đã nới rộng phạm vi hoạt động bác ái của Giáo Hội, nhưng vẫn không cho tham gia vào lãnh vực giáo dục và văn hoá. Điều này sẽ gây thiệt thòi lớn cho dân tộc, nhất là cho thế hệ tương lai.

II.- Về chuyện đòi đất

Chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét vắn tắt.

(1) Vấn đề quyền đặt ra luật pháp của người cầm quyền: Chúng tôi đã nói nhiều lần, khi từ bỏ “xã hội chủ nghĩa” để đi vào xã hội văn minh, những điều khoản của luật man rợ hay luật ăn cuớp như luật cải cách ruộng đất và luật nhà đất hiện nay phải được hủy bỏ. Trong văn thư gởi nhà cầm quyền ngày 12.10.2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã trình bày nhiều vấn đề cần được sửa đối, trong đó có khoản yêu cầu “xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công.”

Vã lại, với luật pháp hiện tại, chính nhà cầm quyền không tôn trọng, làm cả giấy tờ giả để cướp đoạt tài sản của dân chúng, làm sao đòi hỏi người dân không được chống lại những sự bất công được?

(2) Về chuyện Công Giáo cướp đất: Chúng tôi đã trình bày nhiều lần, nhưng nhà cầm quyền cứ cho lặp đi lặp lại để đánh lừa dư luận.

(3) Vấn đề ghen tức vì chính phủ đăng cai tổ chức Vesak 2007: Đây là chuyện ít ai tưởng tượng nổi. Các cơ quan truyền thông hải ngoại cũng như nhiều tổ chức Phật Giáo đều lên tiếng tố cáo chính quyền bày trò lừa bịp này để chứng minh cho thế giới rằng Việt Nam thật sự có tự do tôn giáo. Nhưng cái trò ma giáo này không đánh lừa được ai.

Nhìn chung, gần như bài nào cũng lặp lại luận điệu vu khống Giáo Hội Công Giáo đã cướp đất và cướp chùa Phật Giáo để lôi kéo tín đồ Phật giáo đứng về phía chính quyền và đánh lạc hướng những sự sai lầm, độc đoán và vi phạm luật pháp của các viên chức chính quyền.

Nhưng như chúng tôi đã nói ngay từ đầu, những biện pháp hạ sách mà Đảng và Nhà Nước đang áp dụng để ngăn chận phong trào chống lại sự chiếm đoạt bất công tài sản của dân chúng sẽ không giải quyết được gì. Dư luận trong và ngoài nước không bao giờ tin vào những luận điệu tuyên truyền bịp bợp mà chính phủ đang cố gắng đưa ra, kể cả những bài “Nam Mô A Di Đà Phật” trên trang nhà phattuvietnam.net, vì các thông tin khác đã cho mọi người biết sự thật.

Muốn từ bỏ “xã hội chủ nghĩa” và hội nhập vào xã hội văn minh, cần có những đối thoại thẳng thắng và chân thành để giải quyết các khó khăn còn tồn động và đưa đất nước đi lên.

Về phía Công Giáo, chúng tôi xin nhắc lại: Trong bài giảng tại Santiago de Cuba hôm 24.1.1998, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã nhấn mạnh: “Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội...”
 
Tân Giám mục và 39 linh mục giáo phận Bắc Ninh về cầu nguyện với Thái Hà
Xuân Văn
13:44 09/09/2008
THÁI HÀ - Lúc 5h30: Lễ sinh nhật Đức Mẹ đã trôi qua với niềm hân hoan của đoàn con cái khắp nơi trở về với Mẹ. Tưởng rằng hôm nay lượng khách hành hương về linh địa sẽ giảm xuống, nhưng từ sáng sớm các đoàn xe vẫn ùn ùn kéo về.

Hình ảnh tân GM Bắc Ninh, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và đoàn 39 linh mục cầu nguyện tại Thái Hà chiều ngày 9.9.2008

Có một sự kiện khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm phục, đó là gần một trăm người đi xe đạp đến Thái Hà từ sáng sớm. Hỏi ra mới biết, họ ở tận Vĩnh Phúc (cách Hà Nội 65 km) về đây. Mấy ngày hôm trước họ thuê xe ôtô, nhưng bị công an ngăn chặn và giải tán. Sáng nay họ quyết tâm phải trở về Thái Hà bằng được. Vì nghèo, không có xe máy, nên họ dùng chính phương tiện sẵn có của mình là những chiếc xe đạp để đi từ 1h sáng.

Vẫn như thường lệ, sau thánh lễ sáng, các linh mục và giáo dân tiến ra linh địa cầu nguyện. Chưa hát hết bài “Mẹ ơi xứ đạo con đây”, thì rất nhiều người được chứng kiến những dấu lạ lại tiếp tục xảy ra trên bầu trời và nơi tượng chịu nạn, cũng như nơi bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn.

Lúc 10h30: Chuẩn bị đến thánh lễ thứ nhì rồi mà hầu hết giáo dân vẫn còn ở linh địa Đức Bà. Lạ lùng là những dấu lạ vẫn tiếp tục xảy ra nơi đây. Rất nhiều người vừa chắp tay vừa khóc khi trông thấy những hiện tượng lạ trên khuôn mặt Đức Mẹ Ban Ơn.

Gần đến giờ lễ, ba chiếc xe ôtô 16 chỗ ngồi tiến vào khuôn viên nhà thờ. Được biết đó là đoàn hành hương từ tận giáo phận Bùi Chu mới lên.

Những người trong đoàn này cho biết, lẽ ra bà con đã lên đây từ mấy ngày hôm trước. Nhưng trên đường đi, họ bị công an ách lại. Công an hỏi đi đâu, bà con đơn sơ, thành thật trả lời: đi Thái Hà cầu nguyện. Ngày lập tức, tài xế bị yêu cầu quay xe trở lại. Mãi đến hôm nay bà con mới lọt qua được sự kiểm soát của công an. Khi được hỏi đi đâu, thì hôm nay bà con trả lời: đi thăm lăng Bác. Các chú công an đành phải cho đi. Khi lên đến Hà Nội, áy náy lương tâm thế nào đấy, mấy bà đã đề nghị bác tài cho xe chạy qua khu vực lăng Bác một tí, dù không vào thăm Bác. Bởi thế mãi đến 10h20 họ mới tới nơi mình cần tới!

Lúc 18h ngày 9.9.2008: Trong nhà khách của Tu viện thấy xuất hiện rất nhiều linh mục. Trong và ngoài nhà thờ giờ này cũng đã hết chỗ trống. Đoàn đồng tế gồm 60 linh mục (trong đó có 39 linh mục từ Bắc Ninh).

Linh mục chánh xứ Thái Hà giới thiệu đoàn đồng tế. Hóa ra là Đức tân Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt và linh mục đoàn giáo phận phận Bắc Ninh tối nay trở về đây hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Thái Hà. Cả nhà thờ nổ tràng pháo tay giòn giã đón chào Đức tân Giám mục.

Cuối lễ, cả Đức tân Giám mục cùng các linh mục đồng tế và giáo dân nghiêm trang tiến ra linh địa cầu nguyện. Có lẽ đây là buổi cầu nguyện lớn nhất kể từ ngày “Mẹ về chốn xưa”. Chứng kiến đoàn rước quá “hoành tráng”, các nhân viên an ninh đâm ra lúng túng. Họ đứng sững sờ. Một hồi sau, họ gọi điện thoại í ới. Hình như họ cấp báo cho lãnh đạo của mình về tình hình cụ thể ở linh địa lúc này…
 
Bần nông chúng em lên tiếng!
Cô Tèo
14:31 09/09/2008
Bần nông chúng em lên tiếng!

Mấy chục ngày gần đây báo chí rùm beng vụ việc bà con giáo dân Thái Hà đòi đất, bần nông em đây cũng đọc thông tin từ nhiều nguồn cũng muốn nói một tiếng cho phong phú thêm. Nếu chỉ đọc báo nhà nước thì càng đọc, càng nghe càng thấy bực mình.

Thưa với các Bác là em sinh ở “Bùi Chu - Phát Diệm”: Gia đình em từ cụ tổ đến giờ là bần nông, thuế điện - đường - trường - trạm năm nào chúng em cũng đóng đủ cả, ấy thế chẳng hiểu lí do gì dạo này điện bảy ngày cắt sáu thành thử ra thông tin đến chậm, đấy là chưa kể chúng em thuê xe muốn đến thẳng Thái Hà hiệp thông cầu nguyện, “giữa đường đứt gánh” phải đi xe ôm mới vào được đến nơi. Muốn nói một tiếng cho sự thật và công lý à? Đừng có mơ, “mảnh đất cắm dùi” còn không giữ được thì làm gì có chỗ cho bần nông chúng em lên tiếng.

Ôi giời, ầm ĩ quá: mấy cái ông truyền thông nhà nước ra rả xuất ngày như “ve vào hè” về vụ Thái Hà, nào là “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”, “gây rối trật tự công cộng”, “chửi bới cán bộ”, … nói chung những câu đó em nghe từ bé nên quen rồi, chỉ duy có cái này thì em bực thật: giáo dân bị “lôi kéo, kích động”. Giáo dân ở đây là ai vậy, là ngu dân à? Là bầy chuột sao? Không, là “bầy” bần nông chúng em đấy. Trong lý lịch nhà nước quản lý chúng em tất là bần nông. Nhưng nói thật với các bác chứ chúng em đây thuộc đủ mọi thành phần: Sinh viên, học sinh, kỹ sư, công nhân, cử nhân, bác sĩ, nông dân,… Bần nông đấy nhưng đố kẻ nào kích động được “bầy” chúng em đây. Ví dụ nhé, chúng em đi cầu nguyện bị trà bị đạp (bị giáo dan đạp thật đấy), bị xịt hơi cay chúng em cũng vẫn ôn hòa cầu nguyện với lòng tha thiết nè!

Không biết quí vị có còn nhớ không chứ em thì em thuộc lòng bài này từ lúc còn bé:

Chú mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú Chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ Cha chú Mèo


Thế đấy, thân phận “chuột đồng” nên phải “cống nạp” cho “Mèo” là chuyện đương nhiên lẽ thường. Thế nên chuyện nhà nước “ân sủng” cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội xây nhà bảy tầng đối với chúng em là “Điềm lạ”, được “chúng em tâm đắc” lắm nói mãi không mỏi mồm nhé. Nói thật nhé bần nông chúng em muốn xây nhà hai tầng thôi phải “xin phép” vất vả rồi nè. Tất nhiên Nhà Dòng cũng phải xin phép, nhưng cái “xin phép” của bần nông chúng em phải có cả phong bao xanh đỏ mới xong.

Tiện đang thao thao bất tuyệt đây bần nông em xin dãi bày luôn cái quyền lợi sống còn của nông dân chúng em nhé: Cái vụ “dồn điền đổi thửa” là sáng kiến tuyệt vời của nhà nước đó các bác. Một ông “cựu xích lô” và bà “ cựu đồng nát” như bố mẹ em văn hóa mới học hết lớp hai cũng nhận ra được tấm lòng “vì dân” của “cán bộ” trong sáng kiến này. Đương nhiên rồi, dân làng em nô nức làm đơn xin được dồn điền đổi thửa, mấy năm trời nhà nào nhà nấy đơn chất đầy góc tủ và “phải biết chờ đợi chứ!”. Cứ thế, trong khi đó con cháu cán bộ trong xã sau khi được dồn điền đổi thửa trang trại rộng thênh thang, lợn, gà, cá, tôm, cả ô tô nữa chạy ầm ầm nhìn thấy mà thèm. Bần nông chúng em không phải ghen ăn tức ở mà nói chuyện này đâu nhé, để minh chứng ta nói chuyện khác thành phố hơn đi:

Chuyện vòi tiền của dân, cái này hay đây em kể ra các bác cũng đừng có ngạc nhiên nhé vì nó rõ như ban ngày ở Việt Nam ai mà chả biết, những câu chuyện này thật 100% đó các bác ạ, nhưng đố tìm thấy ở trên báo nhà nước đâu nhé:

Số là đầu năm 2006 sau khi “quanh quẩn” ngót chục năm ở Thủ Đô bần nông em cùng mấy đứa bạn đua đòi mở cái công ty còi làm thử. Cái đầu tiên là “đăng ký kinh doanh”, cũng tìm hiểu luật đàng hoàng lắm, nhờ cả mấy đứa bạn là luật sư chỉnh sửa hồ sơ lên xuống mất cả tháng trời, tự tin lắm vác đến Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hà Nội cách lăng Bác mấy bước. Đập vào mắt bảng hiệu “Bộ phận một cửa”, “Hoàn thành thủ tục trong 5 ngày” làm bần nông em cũng an tâm hơn. Ở phòng nhận và trả hồ sơ có nhiều bàn dành cho các Quận Huyện khác nhau, khâu nhận hồ sơ ok, giấy hẹn 5 ngày lên nhận kết quả. 5 ngày sau thằng em nên nhận lại hồ sơ + giấy trả lời hồ sơ không hợp lệ (trang 1 sai chính tả chữ …). Đem về chỉnh sửa hôm sau nên nộp hẹn 5 ngày sau đến lấy kết quả, lần này giấy báo “Phường phải đứng trước Phố” về sửa lại, lần sau lên “Phố phải đứng trước Phường”…

Ngót hai tháng trôi qua, lần này bần nông em hết kiên nhẫn nên nhờ người trả hồ sơ chỉ cho cách giải quyết. Anh ta chỉ cho bần nông em nên gặp “lãnh đạo” ở tầng 5 phòng A. Cái trò này bần nông em tuy không thông minh nhưng cũng biết là người ta cần gì rồi, thế là thằng em chui tọt vào toalet nhét vội mấy tờ 100 ngàn vào phong bì dự phòng sẵn, bổ xung vào hồ sơ cho xong chuyện để thời gian mà làm việc khác cho đỡ đau đầu. Sau khi kiểm tra hồ sơ vị “ lãnh đạo” ký cái suyẹt hẹn chiều lên lấy “Đăng ký kinh doanh”.

Xong, quá nhanh, thế đấy! Sự việc này làm bần nông em cũng bất bình lắm, có gửi bài viết về việc nhũng nhiễu này cho mấy báo, có báo gửi 3 lần cho chắc ăn sợ thất lạc, Nhưng chẳng có “ma” nào đăng cả, phí cả công sức tiền bạc của em nó đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hành trình sau đó còn gian lan hơn nhiều bần nông em mà kể ra chắc phải mấy trăm trang mất, khi nào có dịp em sẽ kể hầu các bác nghe.

Để kiểm nghiệm xem tình hình đã khá hơn trước chưa, tháng 5 vừa qua em có “tốt bụng” đi lo hồ sơ “đăng kí kinh doanh” cho thằng bạn chí cốt, tưởng tình hình khá hơn, ai dè tệ hơn lần trước là vì phải mất 2 phong bì - thời gian thì có nhanh hơn vì em cũng đã có tí “kinh nghiệm”: một phong bì như lần trước, một nữa là sau khi nhận đăng ký kinh doanh về nhà phát hiện chưa có dấu đỏ của Sở Kế Hoạch Đầu Tư, nên xếp hàng, lạy lọt một lúc, đành rút phong bì ra cho người “có trách nhiệm” mà thấy tiếc “đứt ruột” mới được “chiếu cố giải quyết” cho cái dấu. Em không nói điêu như mấy “cò” truyền thông của nhà nước đâu, bác nào muốn kiểm chứng cứ đi thực tế sẽ biết ngay, lên Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hà Nội nhé, Phòng đăng ký kinh doanh.

Thôi nhé “lảm nhảm” vấn đề này vậy thôi không lại bị cho là “nói xấu, bôi nhọ cán bộ”, “bị giật dây bởi các thế lực bên ngoài” có mà tù mọt gông.

Bây giờ nói sang vấn đề mà ta hay gặp nhé: đó là chuyện em gặp ở bệnh viện,Sự việc thế này: bần nông chúng em sợ nhất là ốm! Tại sao? Đầu năm vừa rồi mẹ em có bị ốm thập tử nhất sinh phải nhập viện mổ cấp cứu. Đang lúc nguy cấp gặp ai nhờ đấy – nông dân là thế, gặp bác sĩ khám bệnh tư vấn cho có các hình thức: Một là mổ chỉ định – chỉ định một bác sĩ quen và được mổ ngay tức thì, đương nhiên phí đắt gấp mấy lần. Hai là mổ xếp hàng theo thứ tự (phải chờ) – “mình nguy kịch còn có người nguy kịch hơn”.

Bần nông nhà em nào có quen ai làm bác sĩ đâu, chỉ bừa một cái tên trên list danh sách trên tường để mẹ em được mổ ngay. Chuyện có vậy thì em cũng chẳng nói, sau khi “chọn” bác sĩ mổ cho mẹ em xong thì phải phong bì cho bác đồng ý mổ cho, cho y tá trưởng phụ trách, cho bác sĩ chủ trì hội trẩn trước mổ, cho người chuẩn bị hồ sơ cho hội trẩn … Bần nông em mệt bở hơi tai mới được ê kíp mổ gật đầu “chiếu cố mổ luôn cho”. May mắn ca mổ thành công, mấy ngày sau đó phong bì cũng tốn ra phết, mỗi lần tiêm phải phong bì không “y tá” cầm mũi tiêm phang thẳng không thương tiếc, bôi thuốc cho vết mổ cũng phải phong bì không “y tá” làm mạng tay có mà đau khóc hu hu!, thay ca bác sĩ cũng phong bì, thay ca y tá cũng phong bì. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, còn viện phí trả cho nhà nước đương nhiên khi vào phải tạm ứng cả chục triệu ra viện tính sau. Sáu giường bệnh nhân một phòng cũ cũ, cứ “phang” đều 120 nghìn một bệnh nhân một ngày chưa kể tiền thuốc men + các dịch vụ khác – thế mà cứ oang oang trên truền hình là “thu không đủ chi”.

Khổ là thế, nhưng cũng có cảnh để mà cười: Là thế này, hôm mẹ em đã đi lại được mấy bước thì có đoàn quay fiml nhà nước về bệnh viện làm film phỏng vấn “bà con bệnh nhân có bức xúc, hài lòng gì thì cứ nói”: Người nhà của bện nhân bị “lùa” ra ngoài hết, phòng bệnh mẹ em còn 2 dường trống, thì có hai người “bệnh nhân giả”- nói như các bà, các mẹ ở phòng bện đó- được bố trí vào để trả lời phỏng vấn, còn bệnh nhân thật được đạo diễn tập cho là trước ống kính phải tỏ ra “tươi tỉnh, hớn hở”. Đương nhiên cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, cái gì cũng tốt, cái gì cũng hài lòng … Sau khi đoàn làm film nhà nước đi, mẹ em nói thế này “đau bỏ mẹ đi nó còn bắt cười”!

Em dài dòng để nói lên một điều rằng, thực trạng đời sống của dân nghèo nó thế, ngay cả ở các bệnh viện nơi mà rất cần lương tâm, lòng nhân ái của con người thì cũng bị mua bán bởi đồng tiền. Rồi truyền thông để nói lên sự thật thì cũng bị “đạo diễn”, những vấn đề không “nhạy cảm” có tiền thì đưa tin, không có phong bì thì thôi. Còn những vấn đề “nhạy cảm” thì phải theo “chỉ đạo”, theo hướng có lợi cho tham quan.

Qua đây lý giải tại sao các báo đài đều lên tiếng về “Vụ Thái Hà” theo cùng một luận điệu là kết án các Cha các Thầy và Giáo dân là những “tội phạm” không hiểu biết pháp luật. Qua đây cũng cho thấy rằng xã hội Việt Nam còn vô vàn bất công mà không riêng gì người công giáo, cứ là thảo dân thì ai cũng phải è lưng gánh chịu.

Cũng phải nói thêm rằng vụ việc Thái Hà bị vỡ nở không bán được đất thì “ta” xung vào làm công trình công cộng – đây là bài chung, một số ý kiến cho rằng sau mấy năm êm chuyện thì “ta” sẽ biến công trình công cộng thành của riêng chia chác. Các bác lí giải như thế thì có phần hơi liều, các “cán bộ” nhà ta có “gan to bằng trời” cũng chẳng làm như thế. Chỉ có điều cái thấy trước mắt là nếu việc biến đất đó thành công trình công cộng thành công thì các “cán bộ” có liên quan cũng nhận món to “lại qủa” của đơn vị trúng thầu – cái này không nhỏ đâu nhé, thường thì không ít hơn 30% giá trị hợp đồng. Vậy đấy, ai cũng thấy, nhưng ít người dám nói.

Chỉ có một điều phải nhấn mạnh là cho dù có dùng truyền thông “bố láo”, hơi cay, dùi cui điện, súng đạn thì bần nông chúng em vẫn cứ đi cầu nguyện, cầu nguyện trong ôn hòa, cầu cho đất nước có công bằng thật sự, cho dân nghèo chúng em bớt khổ, thế thôi!

Có dịp bần nông em sẽ hầu các bác chuyện “khuyên bảo, giải thích” bằng dùi cui điện, xịt hơi cay mà bần nông em chứng kiến, rồi những chuyện cười ra nước mắt: từ ngành giáo dục, đăng kí tạm trú, nhập hộ khẩu, đi xin con dấu của xã – phường, mua bán đất đai, công an khu vực thăm cửa hàng, cảnh sát giao thông hỏi thăm sức khẻo …

Xin mọi người thêm cầu nguyện và hiệp thông với Thái Hà!
 
Thư gởi Thiếu tướng: Đề nghị một cuộc gặp gỡ trao đổi Online!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
14:37 09/09/2008
Thư gởi Thiếu tướng: Đề nghị một cuộc gặp gỡ trao đổi Online!

Đọc hàng tin “Thiếu tướng Nhanh cũng tuyên bố Công An Hà Nội sẽ tích cực điều tra để xử lý theo pháp luật một số đối tượng tung tin, có bài viết vu cáo, bịa đặt sự việc xảy ra ở khu đất tại số 178, đường Nguyễn Lương Bằng” khiến tôi phải miên man suy nghĩ… bởi biết đâu mình đang là một trong số những ‘đối tượng’ mà thiêú tướng đang muốn nhắn nhủ, vì cũng đã từng tham gia viết (mà không lách) nên xin có đôi lời thưa chuyện cùng thiếu tướng như sau:

1. Thế đấy! Hóa ra rằng chính Ngài thiếu tướng cũng cảm thấy khó chịu khi phải nghe những điều cảm thấy chẳng thấy thuận tai mình. Càng thấy ‘khó chịu’ hơn vì không tài nào ‘bịt miệng người nói, trói tay kẻ viết’ chúng nó lại được. Chắc vì cảm thấy bất lực nên thiếu tướng mới bực dọc đến như vậy.

Nhưng xin thưa rằng, chỉ mới vì cái chuyện thông tin nho nhỏ của Thái Hà này thôi mà Ngài đã cảm thấy khó chịu, vậy mà người dân chúng tôi đã phải chịu cảnh ‘tra tấn’ vì sự thiếu trung thực của hệ thống truyền thông trong nước suốt mấy chục năm qua, Ngài có thấy thương cho sức chịu đựng của chúng tôi không?

2.Khi dùng từ “một số” như trên tôi e rằng chưa phản ánh đầy đủ số ‘đối tượng xấu’ tung tin trên mạng, mà theo tôi lẽ ra phải nói là RẤT ĐÔNG NGƯỜI mới đúng. Vì trong vụ Tòa Khâm Sứ hôm đầu năm mặc dù tình hình không đến nỗi căng thẳng như Thái Hà bây giờ, nhưng mỗi ngày trang VietCatholic đã nhận được vài trăm thư tín khắp nơi gởi về chia sẻ những suy nghĩ, ưu tư và lo lắng của họ đối với giáo hội VN. Nhưng vì nhiều lý do không thể đăng tải hết mà LM.Trần Công Nghị, Giám đốc Trung tâm đã phải đăng lời cáo lỗi. Vậy thì những ngày ‘nóng bỏng’ ở Thái Hà này, nhất là sau khắp nơi hay tin giáo dân nơi này bị lính của ngài cho ăn dùi cui, tôi chắc con số còn lớn hơn thế rất nhiều lần, nhìn vào số bài mới liên tục trên VietCatholic mấy hôm rồi chắc Ngài cũng nhận thấy.

Vậy những con số ấy nói lên điều gì?

Xin thưa ngay rằng, trước hết cũng như nhiều người viết khác, chúng tôi cực chẳng đã mới phải chạy sang tới tận Huê Kỳ để gởi gắm ý kiến, chứ nếu như ở trong nước nhà nước cho phép chúng tôi được phát biểu MÀ KHÔNG BỊ GHÉP TỘI PHẢN ĐỘNG tôi nghĩ chắc chẳng ai đi xa làm chi cho mệt thân và cả tốn kém.

Vậy theo ý thiếu tướng nếu từ nay thay vì gởi cho VietCatholic chúng tôi sẽ gởi thẳng những bài vở ấy đến cho tờ Hà Nội Mới, ngài có chắc nó sẽ được đăng bao nhiêu phần trăm? Hay lại bị ghép thêm tội ‘quấy rối’ ?

Nếu Ngài cũng không dám đảm bảo sẽ làm nổi điều này, vậy xin hỏi Ngài quyền tự do ngôn luận của chúng tôi, như Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” để xài vào đâu và ở những chỗ nào?

Ngoài ra cũng xin lưu ý một chi tiết nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, đó là tất cả chúng tôi viết vì cảm thấy hai chữ CÔNG LÝ trong xã hội VN ngày nay đã trở nên con bệnh bị ‘bệ rạc’ quá sức rồi, vì thế mà phải lên tiếng cho nó bớt bệnh được chút nào đỡ cho dân chúng cũng như bản thân chúng tôi chút nấy, mà không vì bất cứ món tiền nhuận bút hay vì động cơ nào cả thưa Ngài! Thậm chí VietCatholic cũng chẳng biết chúng tôi họ tên thật là gì, cùng chung một ‘chiến hào’ nhưng chúng tôi chỉ nhìn về phía trước, nơi có ánh đèn CÔNG LÝ còn chút leo lắt, không còn đủ để nhận mặt mũi nhau. Tất cả chỉ vì tự nguyện!

Ý nghĩa của việc viết lách ấy khác xa với nhiệm vụ của các phóng viên những tờ như Hà Nội Mới đang đeo đuổi lắm đó. Nếu không tin tôi, thiếu tướng làm phép thử bằng cách cho đăng báo tuyển phóng viên và kèm theo điều kiện dự tuyển là “nghĩa vụ đối với tổ quốc là chính, lương chỉ là phụ” để xem với tình hình sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều như hiện nay, vài chục ngàn em sinh viên liệu có mấy đứa đến xin việc.

Tương tự, chuyện giáo dân Thái Hà cho dẫu là họ bị kích động như lời chính quyền bảo, vậy tôi đố ông bà lãnh đạo UBND Quận Đống Đa chiêu dụ nổi vài trăm người đi làm việc công ích xã hội vô điều kiện vài ngày xem có làm nổi chưa đã? Phải bằng những việc làm thử ‘hiện thực XHCN’ như vậy, may ra những người như thiếu tướng mới hiểu nguồn sức mạnh nào đã mà giáo dân Thái Hà có thể thay phiên nhau đọc kinh cầu nguyện với Đức Mẹ hằng đêm suốt hơn tám tháng qua như vậy.

Nếu bảo là bị dụ bị kích động thì với con số hàng trăm, hàng ngàn con người các cha DCCT có tài thánh lắm cũng chỉ chiêu dụ được vài chục và chỉ trong dăm ba hôm thôi, thưa Thiếu tướng!

3. Về điều “sẽ tích cực điều tra để xử lý theo pháp luật một số đối tượng tung tin…” thì xin hỏi, khi phát biểu như vậy bản thân thiếu tướng cảm thấy ‘chắc ăn’ được bao nhiêu phần trăm sẽ hoàn thành nhiệm vụ? Chứ nếu là người có hiểu biết về công nghệ thông tin có lẽ không ai dám phát biểu thế đâu. Bởi nó không hề đơn giản như khi thiếu tướng nắm danh sách hộ khẩu dân chúng Hà Thành trong tay.

Tuy nhiên, để bày tỏ thiện chí không cần phải chạy trốn hay lo sợ vì những điều ‘nhắn nhủ’ trên, tôi đề nghị thiếu tướng gặp trực tiếp cộng đồng giáo dân công giáo chúng tôi theo cách mà Ngài Thủ Tướng VN và nhiều vị lãnh đạo khác đã làm gần đây, là Công An TP.Hà Nội do đích thân thiếu tướng tổ chức một cuộc gặp gỡ trao đổi Online, không chỉ vói công dân VN mà còn là cơ hội với toàn thể dân công giáo khắp năm châu bốn biển, để thiếu tướng có cơ hội nghe mọi người nói gì.

Khi ấy, chúng tôi sẽ đặt câu hỏi trực tuyến với thiếu tướng hay với những ai có trách nhiệm giải quyết vụ Thái Hà nếu tất cả mọi thắc mắc lẫn ‘ấm ức’ củA giáo dân khắp nơi được chính quyền trả lời thuyết phục, chúng tôi nghĩ sẽ có rất nhiều hy vọng chuyện Thái Hà sẽ được tháo gỡ. Biết đâu?

Phần chúng tôi cũng bớt áy náy vì tội leo trèo qua hàng rào để ‘vượt biên’ sang tận Huê Kỳ để trao đổi về chuyện Thái Hà thay vì cần phải làm nó trước với những người có trách nhiệm, giá như người ấy mà lại được ở vị trí như thiếu tướng càng quí biết mấy.

Kính chúc thiếu tướng luôn khỏe mạnh và không còn quá căng thẳng khi được nghe những lời thiện chí mà tôi nghĩ rằng hầu hết giáo dân chúng tôi ai cũng đều mong muốn như vậy.

Rất mong nhận được sự hồi âm của thiếu tướng.

Sàigòn, ngày 10/9/2008
 
Giáo xứ Thái Hà quanh quẩn ký (tiếp theo)
Trần Khải Thanh Thủy
16:15 09/09/2008
HÀ NỘI - Sáng hôm sau, còn mắt nhắm, mắt mở, tôi đã nghe bà con giáo dân bình luận xôn xao: Ðúng 6 giờ sáng, sau giờ cầu nguyện, Ðức Mẹ đã hiện ra, cả một vùng trời bao la rộng lớn trùm lên địa phận của giáo dân bỗng chuyển thành màu ngọc bích pha sắc vàng tuyệt đẹp. Ðức Mẹ hiện ra, tay bế Chúa hài nhi, tay cầm thánh giá, tà áo bay phần phật.

Giáo dân Thái Hà tới trước tượng Ðức Mẹ (ngày 7/9/2008)
Trong sắc trời thanh tịnh, bóng Ðức Mẹ căng tràn sinh lực, vừa hiện thực, gần gũi, yêu thương vừa hư ảo và bí ẩn lạ lùng. Hình ảnh Mẹ - biểu trưng cho sự thiêng liêng và huyền diệu, ngay lập tức tạo ra những ám ảnh kinh hoàng... đến mức cả nghìn giáo dân của giáo xứ Thái Hà sau cơn bách hại, nguy khốn, tưởng chỉ biết âm thầm khóc cho thân phận bé nhỏ của mình, đã đồng loạt quỳ ngay xuống trước linh đài, khi biết rõ Ðức Mẹ đã hiện về để nâng đỡ mình và cộng đoàn, họ vừa khóc vì sung sướng vừa lẩm nhẩm hát “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông...” Không những thế, theo lời một giáo dân miêu tả, ngoài dung nhan đức Mẹ bồng Chúa Giêsu, còn cả hình bánh Thánh Thể tỏa ra từ mặt trời. Sự bí ẩn, huyền ảo và lung linh, rõ nét này kéo dài cả chục phút.

Thế là, suốt ngày hôm ấy (29-8) dù biết giáo dân tại giáo xứ Thái Hà bị đàn áp khốc liệt, bà con từ khắp nơi vẫn ùn ùn đổ về như nước. Trong cơn quẫn bách, bắt bớ, phi lý từ phía công an, chính quyền cộng sản, một địa phận bé nhỏ như giáo xứ Thái Hà không hề bị cô thế cô thân mà còn nhận được sự nâng đỡ của Chúa và Ðức Mẹ, cũng như nhận được sự hiệp thông, chia sẻ của anh chị em mình ở khắp mọi nơi... Theo lời Cha Khải: “Lúc đông nhất tại linh địa Thái Hà có tới 2,000 người, còn nếu tính cả số lượng người đến và đi khỏi Thái Hà thì chỉ riêng ngày 29/8, con số đã lên tới 10,000 người”.

Như cây tìm lá, như cá tìm vây, tìm về được cội nguồn, nơi Ðức Mẹ hiện về, họ vui mừng khôn tả, cùng nắm tay nhau với những giọt nước mắt xúc động rơi lã chã. Các linh mục trong và ngoài giáo phận Hà Nội cũng đến thông chia tình liên đới, hiệp thông với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Họ thân mật gặp gỡ nhau ở nhà thờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể, rồi lại dẫn nhau ra linh địa để cầu nguyện trước linh đài Ðức Bà. Họ cùng cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà được Chúa và Mẹ nâng đỡ, chở che cũng như bao nhiêu giáo xứ khắp nơi không còn bị cộng sản đàn áp... Cộng đoàn đông đảo tới mức đầu đoàn rước đã ra tới linh địa rồi mà cuối đoàn rước vẫn còn trong nhà thờ...

Quá lo sợ trước những biểu hiện” bất thường” tại giáo xứ Thái Hà, không những không nhụt tinh thần đòi công bằng, chính nghĩa mà còn đoàn kết gắn bó hơn để tiếp tục đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, lúc 20 giờ 30 ngày 31 tháng 8, trong ánh nến nhập nhòa mờ tỏ, hàng chục công an chìm mặc thường phục và một số tên côn đồ được bảo kê núp trong đám công an mặc quân phục đã dùng hơi cay xịt vào giáo dân đang cầu nguyện tại Linh Ðịa Ðức Bà (nằm trong khu đất bị chiếm dụng bất hợp pháp) đồng thời xịt vào cả đoàn người vào niệm hương kính Ðức Mẹ trong ngôi nhà cũ của Giáo xứ (do giáo dân ngăn chặn kịp thời hồi cuối năm ngoái 2007 nên chưa bị phá)... Kết quả giáo dân hiện diện đã bị choáng, vì quá bất ngờ, vì dính hơi cay... Trong cảnh hỗn độn kinh hoàng, đa số các giáo dân kêu lên:“ Chúa ơi” rồi bảo nhau bỏ chạy tán loạn ra khỏi khu vực. Một số bị ngã ra đất rên rỉ, than van, vì nghẹn thở, vì chóng mặt, cay mắt, tức ngực, nhiều người khác chạy lại để cứu giúp, số khác lại quỳ mọp xuống xin Ðức Mẹ cứu nguy...

Chứng kiến cảnh tượng này, cả cha bề trên và Linh Mục Nguyễn Văn Khải cùng khóc. Các ngài khóc vì thương cho bao số phận tôi đòi của giáo dân, như một bầy cừu ngoan ngoãn trong tay Chúa bị giặc đảng đánh đập dã man, cố tình vùi dập cuộc cầu nguyện ôn hòa trong biển máu. Khóc vì không biết thân phận nghèo hèn của dân tộc sẽ còn phải chịu bị chèn ép, vu khống, thóa mạ, bách hại đến bao giờ? Còn khóc vì trong hoàn cảnh này, ngài chỉ còn có thể trông cậy vào Chúa Cứu Thế và vào Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà thôi.

Len trong dòng người đủ loại lương, giáo, trong nỗi đau đớn tức tưởi, vì trẻ em, phụ nữ, người già bị đàn áp, một người dân nói lại với tôi qua điện thoại:

- Thật tôi không hiểu nổi lũ công an ra làm sao nữa. Tại sao lại tàn sát bà con giáo dân chứ? Ðêm 28-8, thì mặt đỏ găng, tay lăm lăm những chiếc dùi cui dài chừng nửa mét, vừa tròn, vừa nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, môi bậm đến nhợt máu, mắt quăng quắc như mắt thú, sẵn sàng quật xuống đầu tu sĩ, giáo dân cùng những lời rủa sả, đay nghiến, tục tằn:

- Ð.m. Cầu nguyện này, chống chính quyền này, thích chống hả... đ.m.

Tối nay (31-8) lại xịt hơi cay. Công an là bạn dân mà hành xử côn đồ theo kiểu xã hội đen như thế sao? Chỉ giỏi bắt nạt người lương thiện, cấm có biết đến các điều răn của Chúa là gì... Ôi, cầu sao cho họ bớt ác đi, cho lương dân, giáo dân được nhờ. Nếu họ cứ lì lợm như thế này thì mọi việc sẽ diễn biến ra sao? Bao máu thánh đã đổ hôm 28-8 còn chưa đủ cho nỗi khát máu của công an sao?

Cũng theo một nguồn tin khác, tôi biết lúc này các giáo dân đang tập trung tại khu vực người bị nạn. Ngoài hai chục nữ tu (dòng Mến Thánh Giá ) và cha Phaolô Lê Xuân Lộc (dòng Chúa Cứu Thế) còn khoảng 30 người là phụ nữ và trẻ em. Bà con dìu những người bị nặng về nhà thờ, một số người không chịu nổi hơi độc, hơi cay, bị nôn mửa, ngất xỉu, phải đưa đi bênh viện cấp cứu. Số nạn nhân còn khỏe vẫn ở tại chỗ tội ác vừa xảy ra, nơi hơi cay còn nồng nặc...

- Tại sao lại để cho công an len vào chỗ bà con như đi vào chỗ không người như thế? Mải cầu nguyện, các con chiên không nhìn thấy vết chân của chó sói à? Trong ống nghe tôi bực bội kêu lên:

- Bà ơi - tiếng người đầu dây: - Lúc cầu nguyện trong Linh Ðịa (nơi khu đất bị chiếm đóng trái phép, công ty may Chiến Thắng cho tắt đèn chiếu sáng. Ðịa điểm công an cư trú để làm nhiệm vụ ở cạnh ngôi nhà cũ của Giáo xứ (do các cha xây dựng từ ngày xưa) cũng tắt điện nên có nhìn rõ mặt công an đâu. Chỉ đứng thật gần mới thấy mặt chúng nó qua hàng chục ngọn nến hồng được thắp trước các bàn thờ Ðức Mẹ thôi chứ, ai nghĩ được là công an có thể hành xử côn đồ hơn cả quỷ Satan như vậy?

Không thể ra khỏi nhà vì công an đã sai người rình rập săn lùng mọi chỗ, như những con chó, sẵn sàng ngửi, hít các dấu vết từ bờ tường, ngõ ngách trên bụi cây, ngọn cỏ, hễ có bóng người bước vào nhà tôi là cả bầy đàn từ tên bí thư Thung, tên dân vệ Quý, tên công an trẻ Ánh, mụ Hương hội phụ nữ xã tên Long, công an bộ, gã Lưu công an quận v.v nhảy vào cắn xé quyết liệt, quyết đưa bằng được những người này lên đồn thú của chúng nó để tra khảo, đặt điều vu cáo, hành hạ, chửi bới, đánh đập, lăng mạ như bài bản quen thuộc của lũ chó suốt 63 năm trời nay, tôi đành phải oằn mình ra viết.

Ðứng lên đi, Thái Hà ta hỡi

Bao cả tin mê muội đã qua rồi

Sự thật đang là khúc quanh bi tráng

Bà con mình luôn có Chúa ở bên

(Hà Nội, 2-9-2008)


(Nguồn: Người Việt, Monday, September 08, 2008((còn tiếp)
 
Phân tích Pháp luật về sự kiện tại Thái Hà
Một giáo dân chuyên về Luật
17:13 09/09/2008
PHÂN TÍCH PHÁP LUẬT VỀ SỰ KIỆN TẠI THÁI HÀ – HÀ NỘI
Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32)

I) Về khu nhà-đất thuộc giáo xứ Thái Hà:

1) Báo Sài Gòn Giải phóng thứ bảy, ngày 30/8/2008 có đăng bài "UBND TP. Hà Nội họp báo về vụ vi phạm pháp luật của một số công dân Giáo xứ Thái Hà" (trang 3). Theo nội dung này "Ông Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) nhắc lại nguồn gốc và quá trình quản lý tại Khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng. Theo đó, ngày 24/10/1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký bàn giao toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý tại 116 Nam Đồng (trừ diện tích nhà thờ) gồm 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ trên diện tích khoảng 60.000m2 đất giao sang cho Nhà nước quản lý... Như vậy, Khu nhà đất tại 116 Nam Đồng (nay là 178 phố Nguyễn Lương Bằng, P. Quang Trung, Q. Đống Đa) trước đây của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội đã được Nhà nước thống nhất quản lý (trừ khu vực nhà thờ). Việc các Ông Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Tiến Đức, Nguyễn Văn Khải, Trịnh Ngọc Hiên - Linh mục nhà thờ Thái Hà và một số giáo dân khiếu nại đòi quyền sử dụng nhà đất tại 116 Nam Đồng (nay là 178 Phố Nguyễn Lương Bằng, P. Quang Trung, Quận Đống Đa) mà Nhà nước quản lý trong thời kỳ thực hiện chính sách cải tại nhà cửa từ năm 1960 theo Thông tư 73/TTG ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay do Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đang sử dụng là không có cơ sở giải quyết...".

Xin hỏi:

(i) Khu nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế thì Linh mục Vũ Ngọc Bích lấy tư cách gì để ký bàn giao sang cho nhà nước quản lý?
(ii) Tại sao Linh mục Vũ Ngọc Bích lại phải ký bàn giao và tại sao nhà nước lại quản lý?
(iii) Chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, và Linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao từ ngày 24/10/1961 làm sao lại "theo Thông tư 73/TTg ngày 7/7/1962" có sau một, hai năm được?

2) Sự thực là Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Phủ Thủ tướng là về quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị (1). Thông tư này cũng quy định rõ "xóa bỏ chế độ chiếm hữu đất cho thuê ở nội thành, nội thị, đồng thời chấm dứt tình trạng chiếm hữu và sử dụng bất hợp pháp của tư nhân về các loại đất vắng chủ, đất công, đất sa bồi, đất bỏ hoang... Và tại khoản 2, mục II QUY ĐỊNH CỤ THỂ có liên quan đến tôn giáo là "đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào".

Đến ngày 4/2/1963, Phủ Thủ tướng có Thông tư số 10/TTg giải thích Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc quản lý đất tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị (2). Khoản 2, phần III CHÍNH SÁCH CỤ THỂ nêu rõ:

"2. Đối với các hội hè, tôn giáo:

Tất cả các hội hè, tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất như ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử)(3) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:

- Của các đình, đền, phe pháp, bản làng...
- Của các tổ chức tư nhân và hội hè khác.
- Của các tổ chức Thiên Chúa giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.

Riêng đất cho thuê, cho sử dụng nhờ của các tổ chức tôn giáo thì chúng ta cần chú ý làm tốt về mặt chính trị, cho nên tùy từng trường hợp của từng loại đất cho thuê của họ mà giải quyết như sau:

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi ngoại tự thì Nhà nước quản lý theo chính sách.

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi nội tự thì Nhà nước không quản lý đất này, nhưng Nhà nước xóa bỏ quan hệ thuê mướn đối với đất đó, người chủ đất không được thu tiền thuê đất nữa. Nhà nước chỉ cho phép người nào hiện đang sử dụng đất đó được tiếp tục sử dụng và đóng thuế. Mặt khác, nếu người sử dụng đất đó là người tín đồ muốn giúp đỡ cho nhà thờ, nhà chùa là tùy thuộc họ.

Ruộng đất trước đây, trong cải cách ruộng đất, có để lại cho nhà thờ, nhà chùa để dùng trong việc thờ cúng và cho những người tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo mà nay họ đem cho thuê lại thì: nếu những người thuê đất này là xã viên hợp tác xã thì nên vận động họ đưa ruộng đất đó vào hợp tác xã; nếu người thuê đất đó không phải là xã viên hợp tác xã thì Nhà nước quản lý đất này và cho phép người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và đóng thuế.

Trong khi thực hiện quản lý cho thuê của các tổ chức tôn giáo thì cần chú ý: những người tu hành chuyên nghiệp nay già yếu, mất sức lao động, nguồn sống chỉ dựa vào tiền cho thuê đất thì nhà nước tạm hoãn quản lý đất cho thuê của họ. Nếu trường hợp đất cho thuê của họ quá nhiều thì chỉ hoãn cho họ một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Mức ruộng đất để lại bao nhiêu do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét và giải quyết".

Như vậy, có thể thấy rõ nếu khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế không cho thuê, không cho người khác sử dụng nhờ thì không thuộc đối tượng quản lý theo quy định tại Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Phủ thủ tướng như Ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói được. Và ngay cả có cho thuê thì nhà nước cũng tiếp tục cho người đang sử dụng tiếp tục được sử dụng... chứ không bắt ký bàn giao để chuyển sang cho người khác.

3) Còn về chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, theo Nghị định số 19-CP ngày 29/6/1960 của Hội đồng chính phủ về chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân ở các Tỉnh, TP và thị xã; Nghị định số 24-CP ngày 13/2/1961 của Hội đồng chính phủ bổ sung chính sách quản lý thống nhất nhà cho thuê ở các TP và thị xã; đặc biệt Thông tư số 110-BCT ngày 26/5/1961 của Ban cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam v/v tiếp tục giải quyết một số vấn đề thuộc về chính sách cụ thể trong cải tạo và quản lý thống nhất nhà đất hiện nay (4) đều quy định về quản lý nhà cho thuê.

Như vậy, nếu nhà của Dòng Chúa Cứu Thế không cho thuê, thì không bị quản lý theo các chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960.

4) Về việc ký-bàn giao, hay hiến nhà-đất: Trước đây có thông tin Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy hiến, cho nhà-đất của Dòng Chúa Cứu Thế cho nhà nước quản lý;

(i) Tại Thông tư số 110/BCT của Ban cải tạo CTN tư doanh BCH TW Đảng Lao động Việt Nam ngày 26/5/1961 đã nêu trên có quy định về vấn đề xin giao nhà cho thuê (dưới diện cải tạo) qua nhà nước quản lý, nhà nước cũng hết sức thận trọng, và quy định rõ "Đối với các chủ nhà nói trên, hiện nay chính sách của ta là vẫn thừa nhận quyền sở hữu nhà cửa cho thuê của họ. Do đó, ta không đặt vấn đề vận động thuyết phục họ giao nhà, cũng nhưng không đặt vấn đề vận động "hiến"... Khi chấp nhận yêu cầu của họ ta cần xem xét thật cụ thể về các mặt: đời sống của họ sau khi giao nhà cho nhà nước có gì khó khăn trở ngại? Nhà nước nhận thì có gì khó khăn cho nhà nước? Bản thân gia đình họ có thực sự tự nguyện, tự giác không, hay là có sự thúc ép. Giải quyết như trên là phù hợp với tinh thần chính sách của TW đã nêu trong mục 4 của Nghị quyết số 9/NQ-TW ngày 2/2/1961...". Rõ ràng, việc "hiến" nhà không phải dễ dàng gì.

(ii) Nếu việc ký bàn giao (nếu có) của LM Vũ Ngọc Bích không phải là để nhà nước quản lý theo chính sách nhà-đất cho thuê thì việc ký bàn giao hay "hiến", "cho" là quan hệ giao dịch dân sự. Căn cứ Sắc lệnh số 85-SL ngày 29/2/1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH (5) thì việc cho nhà cửa, ruộng đất bắt buộc phải trước bạ rồi mới được sang tên trong địa bộ và sổ thuế (Điều 1). Trước khi đem trước bạ, văn tự phải đưa Ủy ban Kháng chiến hành chính xã hay thị xã nhận thực chữ ký của người cho là chủ sở hữu của nhà cửa, ruộng đất đem cho (Điều 3).

Văn tự phải đem trước bạ trong hạn 4 tháng kể từ ngày lập văn tự (Điều 6) và Thuế trước bạ ấn định là 8%... (Điều 4). Như vậy là nếu có việc ký bàn giao tức đem cho nhà đất thì phải được nhận thực người cho là chủ nhà cửa, ruộng đất, phải trước bạ và sang tên trong địa bộ và sổ thuế. Như vậy, giả sử có sự ký bàn giao, cho nhà đất mà nếu chưa thực hiện các bước trên thì xem là "Hợp đồng vô hiệu, tức là Hợp đồng không có hiệu lực, vì nó trái với pháp luật, không phù hợp với yêu cầu của chính sách và pháp luật của nhà nước" (theo quy định tại Công văn số 1477-DS ngày 11/12/1965 của TANDTC về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước với hợp tác xã và tư nhân) (6).

Và "các Ủy ban thị thực phải chịu trách nhiệm về việc thị thực không đúng về căn cước người đương sự, ngày tháng thị thực và quyền sở hữu trên bất động sản đem bán hay đem cầm cố.

Nếu xảy ra thiệt hại đến tư nhân vì sự thị thực không đúng, công quỹ của làng hay của TP phải bồi thường". (Điều 3 Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 ấn định chế độ thị thực các giấy tờ - được in trong sách đã dẫn trang 327).

Ngoài ra, theo Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì: "người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình..." và "Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của 2 bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu" (Điều 12 và Điều 13).

Như vậy, nếu việc ký bàn giao (nếu có) do LM Vũ Ngọc Bích - mà nếu LM Vũ Ngọc Bích không phải là chủ nhà đất - lại được ủy ban thị thực thì chẳng những vô hiệu theo quy định pháp luật thời đó và hiện hành (7) mà công quỹ của làng hay của TP phải bồi thường theo đúng quy định trên.

5) Cuối cùng, nếu việc ký - bàn giao (nếu có) nhà-đất của Dòng Chúa Cứu Thế không phải là thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN như các quy định pháp luật kể trên thì không thể áp dụng Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội để giải quyết khiếu nại được. Vì lẽ Nghị quyết số 23/2003/QH11 là về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991.

II. Về khởi tố vụ án hình sự tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS:

1) Về tội gây rối trật tự công cộng:

(i) Kết luận của Chánh án TANDTC tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 (từ ngày 29 đến 31/1/1996) (được in ở trang 137 cuốn “Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng” – TANDTC – Hà Nội – 1996) có hướng dẫn rõ: "Điều luật này chỉ quy định hành vi gây rối trật tự "ở nơi công cộng", còn la hét, làm huyên náo ở đám cưới, đám giỗ... trong phạm vi khuôn viên nhà riêng hoặc trong nhà riêng thì không phải nơi công cộng, nên chỉ bị xử phạt hành chính mà thôi. Nếu gây rối dẫn đến ẩu đả gây thương tích thì xử về hành vi cố ý gây thương tích. Nếu các hành vi nói trên gây ra ngoài đường phố, ngoài hàng rào nhà riêng thì có thể xét xử về tội gây rối trật tự công cộng".

Như vậy, nếu "gây rối trật tự công cộng trong khu đất của Công ty CP May Chiến Thắng" (như Báo SGGP đăng) tức trong khuôn viên của Công ty thì không phải "ở nơi công cộng" và chỉ bị xử phạt hành chính theo hướng dẫn kể trên.

(ii) Theo Điều Luật 245 BLHS, người có hành vi gây rối trật tự công cộng phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị xử lý hình sự.

Hậu quả nghiêm trọng, theo điểm 5.1, khoản 5 mục I Nghị Quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của BLHS nêu rõ:

"5.1 Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự":

a) Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b) Cản trợ sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c) Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d) Chết người;
đ) Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
e) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thệit hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

2) Về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng (8) tài sản (Điều 143 BLHS):

(i) Theo Bình luận Khoa học BLHS của tác giả Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học TANDTC - Nhà Xuất bản TP. HCM năm 2002 (trang 294) thì "Hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được...". Còn "làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục lại được (có thể không khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần)".

(ii) Theo quy định tại Điều luật 143 BLHS thì thiệt hại gây ra do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải từ 500.000 đồng trở lên thì người có hành vi này mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu bắt buộc. Cũng xin lưu ý, hậu quả là giá trị sử dụng của tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng chứ không phải giá trị sử dụng ban đầu của tài sản. "Ví dụ: 1 xe ô tô có giá 700 triệu bị hư hỏng phải sửa chữa hết 20 triệu thì hậu quả do hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là gây thiệt hại 20 triệu chứ không phải 700 triệu". (Bình luận khoa học bộ luật hình sự - SĐD - trang 296).

Như vậy, nếu muốn ghép tội một số giáo dân Thái Hà vào Điều 143 BLHS thì bắt buộc phải tiến hành giám định thiệt hại, cụ thể là mảng tường cũ dài 6m, chứ không thể bắt họ một cách vô chứng cứ như chính quyền đã làm.

Sài Gòn, ngày 9 tháng 9 năm 2008
Một giáo dân – chuyên viên Luật

Ghi chú:
(1) Thông tư này có thể tìm đọc tại trang www.luatvietnam.com.vn
(2) Thông tư này có thể tìm đọc tại trang www.luatvietnam.com.vn
(3) Xin lưu ý, theo quy định tại khoản 2, mục I Thông tư số 73/TTG của Phủ thủ tướng ngày 7/7/1962, và khoản 1 mục I Thông tư số 10/TTG của Phủ thủ tướng thì không liệt kê nhà là bất động sản trên đất. Bất động sản được quy định có trên mặt đất chỉ là: cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, ao, hồ nuôi cá, giếng nước và các di tích lịch sử.
(4) Các Nghị định và Thông tư kể trên được in trong sách Luật lệ cần thiết cho việc xét xử về dân sự (1945 - 1982) của TAND tối cao - Nhà xuất bản pháp lý (năm 1984) và có thể tìm đọc trên trang www.luatvietnam.com.vn.
(5) Sắc lệnh này được in trong sách đã dẫn kể trên và có thể đọc trên trang www.luatvietnam.com.vn
(6) Công văn này được in trong sách đã dẫn trên trang 305.
(7) "Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận..." (khoản 1, khoản 2 Điều 137 BLDS 2005).
(8) Báo SGGP viết sai Điều luật 143 BLHS thành "tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý hủy hoại tài sản".
 
Con lũ dâng trào
Hoàng Quang
18:11 09/09/2008
CON LŨ DÂNG TRÀO

Quê hương tôi, mưa tràn bão lụt,
Thảm thương cùng lũ trút cuồng điên !
Dập vùi bao cuộc sống dân hiền,
Cái rét-đói, ru ngả nghiêng nhịp võng !...

Quê hương Việt Nam từ sau ngày giải phóng,
Cướp chính quyền, bọn Việt Cộng hả hê !
Lũ đảng viên quyền chức no nê,
Quý tộc đỏ, trăm bề múa rối !...

Quê hương tôi, ngẫm xem thật tội,
Đứa con nào nỡ phản bội mẹ hiền ?!
Ngậm can trường sống thác vượt biên,
Hoặc nuôi cá – hoặc gởi tiền nuôi mẹ !!!...

Có quê hương nào như thế ???
Người VN máu đỏ da vàng !!!!!
Dân tộc VN, bi sử sang trang,
Kẻ ở lại uất hai hàng nước mắt !...

Công lý trên đầu súng áp đặt,
Chúng chặt rừng buôn gỗ nhặt đô la !
Vì “lời ít”trăm năm trồng người quá …già,
Chúng xuất khẩu cả mồ cha lao động !!!

Bởi thế quê hương còn gì để sống ?!
Bệnh dịch thiên tai hát tống biệt hành …
Từ miền xuôi – miền ngược – túp lều tranh…
Pháp quyền đỏ cướp tan tành tất cả !!!!!!!!!

( 9 – 9 – 2008 )
 
Thái Hà sẽ tiếp tục có những cuộc bắt bớ ?
Đức Hải
18:59 09/09/2008
Thái Hà sẽ tiếp tục có những cuộc bắt bớ ?

Trong suốt thời gian qua, đài báo nhà nước cố gắng bóp méo, xuyên tạc sự việc xảy ra tại giáo xứ Thái Hà và tìm cách bôi nhọ giới giáo sĩ và giáo dân Thái Hà.

Tất cả nỗ lực ấy của đài báo nhà nước đều thất bại. Trái ngược hẳn với dự tính của những người lo công tác truyền thông nhà nước cộng sản, có một thứ phản ứng ngược xảy ra là rất nhiều người bảo nhau: “Cái gì nhà nước đưa tin về Thái Hà, thì ta phải hiểu ngược lại”. Diễn biến ở Thái Hà cả tuần qua đã minh chứng cái tác dụng ngược của truyền thông nhà nước: rất nhiều người từ khắp nơi đổ về Thái Hà để xem rõ thực hư ra sao.

Tuy nhiên, diễn biến sự kiện Thái Hà xem chừng lại bắt đầu trở nên phức tạp. Sáng nay, ở trang nhất báo công an nhân dân có bài viết: “Cần phải xử lý nghiêm vụ vi phạm pháp luật tại giáo xứ Thái Hà”. Những gì được phản ánh trong bài viết này cho thấy mũi dùi nhắm vào các linh mục Thái Hà đã được chuyển sang hướng khác. Các linh mục Thái Hà có vẻ như không còn bị quy chụp là “kẻ cầm đầu”, mà bây giờ: “Đối với các giáo dân, linh mục do nhận thức chưa đúng, bị đối tượng xấu kích động, xúi giục, cơ quan chức năng sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền để họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, …” (Trích nguyên văn báo Công an nhân dân). Hơn nữa, báo Công an nhân dân cũng bắt đầu đưa Đức Tổng Giám mục Hà Nội và linh mục đoàn Tổng Giáo phận Hà Nội vào cuộc để “đồng trách nhiệm” với các linh mục Thái Hà: “Gần đây, Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã chỉ đạo linh mục đoàn giáo phận Hà Nội ra thư hiệp thông với dòng Chúa cứu thế xứ Thái Hà, nội dung lập lờ, kích động linh mục, giáo dân kiên quyết đòi đất khu vực này. Ông Kiệt còn gắn việc chiếm đất của một số giáo dân Thái Hà với vụ việc tại 42 Nhà Chung, Hà Nội” (Trích nguyên văn báo Công an nhân dân).

Thực ra, bài báo này được viết ra nhằm mục đích gì? Theo nhận định của những người am hiểu thông tin, thì bài báo này cho thấy một chiêu bài mới của giới cầm quyền sắp được thực hiện. Bài báo này dọn đường dư luận để cho những cuộc bắt bớ tiếp theo được diễn ra một cách êm thấm. Chiêu bài của giới cầm quyền muốn bắt bớ những người dám nói sự thật được thể hiện rõ ngay ở đầu bài viết: “Trong vụ việc này cũng đã xuất hiện một số đối tượng có bài viết đưa lên mạng, nội dung xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt. Hành vi này là vi phạm pháp luật, do đó, Công an Hà Nội và đơn vị chức năng sẽ điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật những đối tượng có hành vi nói trên” (Trích nguyên văn báo Công an nhân dân).

Như vậy, với cách dọn đường dư luận như được phản ánh trong bài viết của báo Công an về sự kiện Thái Hà ra ngày hôm nay (9.9.2008), có lẽ những ngày sắp tới thế giới lại phải chứng kiến những con người ngay thẳng bị bắt bớ, bị tù tội.
 
Lửa Công lý bừng lên ở Thái Hà
Lê Dân Việt
19:39 09/09/2008
LỬA CÔNG LÝ BỪNG LÊN Ở THÁI HÀ

Lửa công lý, bừng sáng ở Thái Hà
Bởi Công giáo, cộng ra tay đạp chà
Đã động lòng, đoàn chiên khắp gần xa
Cùng chia sẻ, niềm đau chung một cha.

Cộng dã man, ngang nhiên chúng gây hấn
Đất nhà dòng, chúng ngang nhiên xâm lấn
Đàn áp chiên, mặc đàn chiên kêu la
Cứ roi điện, dùi cui quất không tha.

Cả hơi cay, khi chiên đang cầu nguyện
Bày mưu gian, lừa lọc, để kiếm chuyện
Rồi vu khống, trấn áp thôi quá kinh!
Dân giáo oan, chỉ lẳng lặng làm thinh.

Cả thế giới, đã hiệp chung một ý
Cùng chung lòng, cầu nguyện cho công lý
Đòi bằng được, cho đất Chúa Thái Hà
Đòi bằng được, công lý cho nước nhà.

Thương giáo dân, canh thức ngoài sương gió
Thương dân oan, còn đau khổ đây đó
Cả đất nước, hướng Thái Hà hiệp thông
Xin chân lý, chiếu dọi lũ cuồng ngông.

Cho vô thần, thấy rõ chúng lầm đường
Đạo của Chúa, chúng không thể xem thường
Cho dân tộc, sẽ giảm bớt đau thương
Cho Giáo hội, biết giúp người tai ương.

TÂM SỰ VỚI CÁC EM THÁI HÀ

Nhìn Thái Hà, các em đang hăng hái
Cầu nguyện với Chúa, Mẹ giữa trần gian
Mấy chục năm, với chủ thuyết bạo tàn
Đã đảo điên cả luân thường đạo lý.

Chiếm Thái Hà, lập luận quá phi lý
Nhìn chúng làm, thấy buồn quá em nhỉ
Chiếm nhà dòng, làm tổn hại hư hao
Cướp của người, mà cứ nói của tao.

Dùng roi điện, dùi cui, hơi cay nữa…
Chúng chửi dân, sỉ nhục như cơm bữa
Làm Thái Hà, trong buồn thảm, ủ rũ
Còn đâu nữa, của nguyên trạng ngày cũ.

Ngay tình người! Vì đảng có còn đâu?
Vu khống dân, đày đọa đạo bể dâu
Các em lớn, nhìn xã hội tai ương
Thấy cả nước, nhuộm đỏ màu tang thương.

Cả dân tộc, vì cộng mà nát tương
Các em biết? Bởi tại sao như thế?
Bởi đảng dậy, con người lòng xảo trá
Sống lật lọng, không biết gì hết cả.

Không biết đạo, cũng chẳng biết quê hương
Cứ vơ vét, bán đất, biển tang thương
Dậy các em, thiên đường quá điêu ngoa
Dậy đá phá ngay cả những ông cha.

Cố đưa em, vào con đường hư hỏng
Hại thầy mẹ, hại cả chị em ta
Các em biết? Ý đồ của quỉ ma?
Phá đạo giáo và phá luôn tổ quốc.

Hại gia đình để tình người gớm guốc
Gần đây thôi, lộ rõ kẻ bán nước
Vì đảng cộng, nên khổ dân, mất nước
Em đến trường, bị nhồi sọ Mác Lê.

Để Thái Hà giờ đây phải tái tê
Đảng dậy em, bác Hồ là vĩ đại
Nhưng em hiểu, em không còn nhỏ dại
Để cả tin, những gì đảng nói ra.

Các em sống, xứng đáng cháu Tiên Rồng
Rất hãnh diện, dòng máu của cha ông
Các em hiểu, chế độ lũ cuồng ngông
Sống trong bùn, vẫn trong sạch như sen.

Sống trưởng thành, không tráo trở bạc đen
Anh cảm phục, các em đã hiên ngang
Nhờ các em, đạo nước sẽ sang trang
Dám đứng lên, cùng cha anh ngày trước.

Anh tâm sự, để em biết vận nước
Lòng dặn lòng, tới chỗ Mẹ cho đông
Xin Mẹ Hằng Cứu Giúp, cứu non sông
Cứu đạo, Thái Hà ra khỏi cùm gông.

Đưa Giáo Hội, thoát khỏi vòng tai họa
Chừng ấy thôi, đôi dòng anh từ dạ
Nhìn Thái Hà, mà đau buốt thấu hồn
Mong nữ nhi, các em theo các Thánh.

Mưu trí lớn, anh thư giòng giống Việt
Các em trai, giòng giống của hào kiệt
Của Đức Trần, của Lê Lợi, Quang Trung…
Giúp các cha, vì đạo nước một lòng.

Đem công lý, công bằng ra chiếu dọi
Mong các em dũng cảm, vững bước tới.

THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CÔNG LÝ

Thái Hà ơi! Hãy đứng dậy mà đi...
Thời cơ đến rồi, còn chờ đợi gì?
Thiên cơ, vận nước đang chuyển dịch
Tổng hợp toàn dân thành mục đích.

Thống nhất lòng người, trừ lũ nghịch
Ma vương nghiệp chướng, có sá gì!!!
Chúa, Phật ra tay triệt tức thì!!!
Dân nước trong ngoài, liên kết nhau.

Các tôn giáo đoàn kết trước sau
Hãy hiệp nhất, dẹp lũ quỉ ma
Hãy tổng hợp thống nhất xông pha
Để cùng quê hương tạo phép màu.

Đấu tranh chấp nhận mọi thương đau
Cùng nhau đốt nến lửa niềm tin
Ngọn lửa chân lý phải lan truyền
Lửa niềm tin, toả khắp mọi miền.

Thắp sáng lên hòa bình, công lý
Muôn lòng đấu tranh phải kết liên
Tình đạo, tình nước phải trung kiên
Phật Giáo, Công Giáo... phải nối liền.

Tất cả tôn giáo, đồng hiệp nhất
Đòi lại tự do cho lẽ đạo
Công bằng, dân chủ cho toàn dân
Cho mọi tín hữu của Phật, Trời.

Hãy cùng đứng lên chống bạo quyền
Trong ôn hòa, và bất bạo động
Đọc kinh, cầu nguyện Đấng Bề Trên
Thời cơ, vận nước đã thuận duyên.

Các đạo dương cao cờ chính nghĩa
Một lòng cương quyết ta hành động
Thiên cơ đến rồi, dậy mà đi
Hãy nổi lửa lên, ngọn lửa thiêng.

Cầu nguyện, xuống đường khắp mọi miền
Đòi hỏi công lý cho dân tộc
Đòi hỏi công bằng cho toàn dân
Đòi lại đất đai cho các đạo.

Đòi lại đất, nhà cho dân oan
Đòi hỏi vẹn toàn cho tổ quốc
Giờ đã điểm rồi, các đạo ơi!
Giờ đã giục giã rồi, tu sĩ ơi!

Giờ đã đến rồi, dân Việt ơi!
Toàn dân, tôn giáo ta đồng hành
Nói lên tiếng nói của lương tâm
Nói lên tiếng nói của chính nghĩa.

Nói lên tiếng nói của dân tộc
Cất lên tiếng nói của đạo lý
Đòi hỏi công bằng, và công lý
Hòa cùng tín hữu của Phật, Trời.

Đứng lên đoàn kết, ta kêu mời
Đẩy lui nghiệp chướng, đẩy bạo quyền
Công lý, hòa bình ta dựng nên
Tôn giáo dân tộc, sẽ thơm hương.

Trời Nam rực rỡ đẹp quê hương.

CÔNG LÝ TẤT THẮNG

Thái Hà đứng lên, toàn dân ơi!
Rồi đây quỉ vương sẽ tơi bời
Kinh hạt cất lên như bão nổi
Thổi bay lựu đạn, với dùi cui…

Công lý đứng lên dẹp bạo lực
Chân lý tất thắng ở dân tôi
Thiện sẽ vươn lên thắng bác láo
Công lý tất thắng! Thái Hà ơi!
 
Tân GM Hoàng Văn Đạt phát biểu khi cùng Linh Mục Đoàn Bắc Ninh thăm giáo xứ Thái Hà
Thăng Long
20:21 09/09/2008
THÁI HÀ - Chiều ngày 9.9.2008, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, cùng 39 thành viên thuộc Linh Mục Đoàn Giáo phận Bắc Ninh đã đến bày tỏ sự hiệp thông với giáo xứ Thái Hà. Thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà thờ Thái Hà với khoảng 60 linh mục đồng tế và khoảng 2000 giáo dân tham dự.

Xem hình ảnh thánh lễ và viếng linh địa Đức Bà

Được biết hôm nay là ngày tĩnh tâm định kỳ của Linh Mục Đoàn Bắc Ninh và chiều nay Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt vừa tiếp nhận chức vụ cai quản Giáo Phận từ Đức Giám Quản Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trước khi bắt đầu thánh lễ Đức Tân Giám Mục đã ngỏ lời với cộng đoàn hiện diện như sau:

“Hôm nay chúng con rủ nhau đến đây để cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà. Chúng con đã cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà ở xa, hôm nay chúng con muốn cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà ở gần hơn. Thế thôi.

“Riêng đối với Đức Tổng Giám Mục chúng con cũng muốn lên với ngài tình lên đới. Ngài đã đến giúp đỡ Giáo Phận chúng con không quản ngại gì trong suốt gần 2 năm qua. Hôm nay ngài bàn giao cho con cho nên con muốn đến đây nói lên lời liên đới với Đức Tổng Giám Mục và với Tổng Giáo Phận Hà Nội”

“Con cũng muốn nói lên lời cám ơn đối với Nhà Dòng Chúa cứu Thế. Khi con còn be, có lẽ còn chưa rước lễ lần đầu, thì con đã đi lễ ở nhà thờ này nhiều lần, vì lúc đó gia đình con con ở Ô Chợ Dừa. Rồi về sau con đã chịu chức linh mục ở DCCT Sài Gòn. Hôm nay con đến đây với tinh thần của người con đã chiu ơn Nhà Dòng để cùng chia sẻ và cầu nguyện với nhà dòng trong lúc khó khăn”.


Trong lời chia sẻ với cộng đoàn, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng nói cư chỉ ưu ái của Đức Cha ngay khi ngài vừa nhận Giáo Phận, khiến “chúng con rất cảm kích” và “làm cho chúng con vững lòng tin rằng ơn Chúa ở với chúng con.”

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, Chính xứ Thái Hà, cũng cho biết mọi người ở Thái Hà cảm thấy “vô cùng bất ngờ trước các diễn biến” đồng thời cũng “cảm thấy yếu đuối và bất xứng trước nhiệm vụ mà Chúa trao”. Tuy nhiên, tất cả đã “được phấn chấn và nâng đỡ rất nhiều khi thấy các Đức Cha ở Miền Bắc, các cha và các anh chị em giáo dân ở các nơi lại tụ về đây càng ngày càng đông đúc để sốt sắng cầu nguyện và tạ ơn Chúa”.

Trước khi nhận phép lành, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng một lần nữa cám ơn Đức Cha và quý cha Giáo phận Bắc Ninh. Cha Mátthêu nói rằng sự hiện diện đích thân của Đức Cha Bắc Ninh hôm nay “là sự nâng đỡ tinh thần vô cùng quý báu mà chúng con không biết lấy lời gì để tạ ơn được” và rằng “chúng con nhận nơi đây là hồng ân Chúa ban cho chúng con qua Đức Cha, các cha, qua tất cả anh chị em.”

Sau khi kết thúc thánh lễ, Đức Tân Giám Mục Bắc Ninh cùng quý cha đồng tế và toàn thể cộng đoàn đã theo thánh giá nến cao ra viếng Đức Mẹ tại Linh Địa. Đoàn đồng tế còn cầu nguyện tại địa điểm đã xảy ra vụ xịt hơi cay hơn một tuần trước. Căn nhà được dùng làm đồn công an này hôm nay bỏ trống nhường chỗ cho một bàn thờ Chúa Giêsu và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

 
Bạn có tin không? - Báo của CSVN vô thần, tờ Hà Nội Mới, giờ cũng biết giảng đạo và khuyên bảo về luân lý!
Đồng Nhân
22:10 09/09/2008
LTS: Một điều hết sức khôi hài và làm "cười bể bụng luôn" là ngay cái Nhà nước CSVN vô thần báo chí của họ bây giờ cũng biết bầy trò "giảng đạo cho các linh mục vào giáo dân Thái Hà" về luân lý như: "Bình yên trong lòng người, bình yên cho giáo xứ, bình yên cho đất nước là điều quý giá hơn bất cứ một thứ của cải, tài sản nào".

Giảng đạo về đức thương yêu và phẩm giá con người, nhất quan tâm tới sức khoẻ của nhiều người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, báo này viết: ... "đang phải vạ vật chịu mưa chịu nắng, ăn ngủ thất thường, thì sẽ càng thấy rõ vụ việc này đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính giáo dân, đi ngược lại quyền lợi của chính các con chiên của Chúa".

Hơn thế họ còn biết "giỗ ngọt" người Công giáo như: "Càng ngày hình ảnh Thiên chúa giáo, hình ảnh người công giáo càng gần gũi, thân thiết trong lòng dân tộc Việt Nam."

Không biết mấy ông "đạo sĩ vô thần made in Hanoi by CSVN" này học thần học luân lý bao giờ mà giảng đạo cũng bài bản ra phết. Có điều, thứ mật ngọt giả dối này chẳng làm ai bị lừa phỉnh mà nếm vô, ngay cả ruồi muỗi cũng chê luôn! Bài báo sau đây của tác giả Anh Quang đăng trên Hà Nội Mới Online vào ngày 10/09/2008 lúc 07g:44 sáng, trong đó VietCatholic được hân hạnh tác già này nhắc tới, và viết như sau: "Mặc dù trên trang web Vietcatholic, vẫn xuất hiện những lời hô hào, dụ dỗ đầy tính kích động như ” họ (giáo dân) muốn được chịu khổ và sẵn sàng chết vì danh Chúa".


(Chú thích: Tuy dù VietCatholic bị Nhà nước Việt Nam chặn bằng bức tường lửa từ trên 10 năm qua vì không muốn cho dân chúng đọc được tin tức trên trang của chúng tôi, thế nhưng chúng tôi cũng rất mừng là các cán bộ và công an Nhà nước thì đọc không bỏ sót một chữ! thế mới đáng nói chứ!). Xin mời thưởng thức nguyên văn bài báo này như sau:

Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai?

(Hà Nội Mới -HHM) 10/09/2008 07:44 - Theo dõi những gì diễn ra tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng trong suốt hơn 20 ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu những người chủ tâm gây ra vụ việc nghiêm trọng này trong Nhà thờ Thái Hà có nhận thức hết hậu quả tai hại từ hành động nguy hiểm của họ hay không?

Tối 9-9, nhiều giáo dân tiếp tục mang tượng đặt vào khu đất
Vì sao đến qua, họ vẫn bất chấp tất cả, không chịu nghe theo lẽ phải, ngang nhiên coi thường kỷ cương phép nước, phớt lờ dư luận, tiếp tục kích động, lợi dụng đức tin mà đẩy giáo dân vào con đường lầm lạc?

Niềm tin tôn giáo là thiêng liêng và rất đáng trân trọng. Nhưng khi niềm tin đó bị dẫn dắt sai lạc, niềm tin đó bị đặt nhầm chỗ thì hệ lụy của nó thật khó lường.

Thực sự, chánh xứ, linh mục Nhà thờ Thái Hà đang chờ đợi điều gì ? Họ chờ đợi sự lùi bước của chính quyền, tức là cuối cùng buộc phải chấp nhận việc đòi đất vô lý và theo lối thách thức pháp luật ngang ngược của họ như vậy hay sao? Bất cứ ai có hiểu biết đều thấy rõ, tuyệt nhiên, đó là điều không thể được. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Mọi tổ chức cá nhân đều phải hành xử trong khuôn khổ của pháp luật. Không một luật lệ của tổ chức nào, tôn giáo nào được đứng trên luật pháp của Nhà nước Việt Nam.

Dù nhìn dưới góc độ nào thì việc giáo dân ngang nhiên phá tường rào, ào vào chiếm khu đất mà Nhà nước đã thống nhất quản lý từ gần nửa thế kỷ nay và hiện thời vẫn hàng ngày có hàng trăm, thậm chí có lúc tới hàng nghìn giáo dân tụ họp cầu nguyện trái phép tại đây là một sự thách thức rất ngỗ ngược. Ở bất cứ một quốc gia có pháp quyền nào thì đó là việc không thể bỏ qua. Thực trạng nhức nhối và kéo dài này đang gây nên sự bất bình cao độ trong dư luận xã hội. Các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì thuyết phục, yêu cầu Giáo xứ Thái Hà dừng ngay những việc làm sai trái khi còn chưa quá muộn. Bình yên trong lòng người, bình yên cho giáo xứ, bình yên cho đất nước là điều quý giá hơn bất cứ một thứ của cải, tài sản nào; và đương nhiên đó luôn luôn là điều mà mọi công dân chân chính không phân biệt dân tộc, tôn giáo nào phải có trách nhiệm gìn giữ.

Vậy thì, thử hỏi, vụ việc ở Giáo xứ Thái Hà tiếp tục kéo dài như vậy có lợi cho ai? Có lợi cho giáo dân ư?

Hãy đến khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, chứng kiến cảnh các giáo dân trong đó có nhiều người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em được giao “sứ mệnh” bám trụ đến cùng để giữ “Linh địa Đức Bà” đang phải vạ vật chịu mưa chịu nắng, ăn ngủ thất thường, thì sẽ càng thấy rõ vụ việc này đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính giáo dân, đi ngược lại quyền lợi của chính các con chiên của Chúa. Các giáo dân được lợi gì khi gây ra cảnh lộn xộn, mất trật tự xã hội, gây ách tắc giao thông, người già khó ngủ, trẻ em không học được bài? Những đứa trẻ thơ ngây được lợi gì khi các cháu bị các linh mục huy động tham gia vào các màn kịch đòi đất, bỏ bê cả việc học hành?

Mặc dù trên trang web Vietcatholic, vẫn xuất hiện những lời hô hào, dụ dỗ đầy tính kích động như ” họ (giáo dân) muốn được chịu khổ và sẵn sàng chết vì danh Chúa”, nhưng thực ra không ít giáo dân từ các địa phương khác được đưa tới đây theo lời kêu gọi “hiệp thông”, chờ mãi chẳng thấy “Đức mẹ hiển linh” đã dần dần nhận ra đâu là sự thật và mong muốn vụ việc sớm chấm dứt để họ được về quê chăm lo ruộng vườn, nhà cửa. Ngay cả bà Lê Thị Hợi, trước cơ quan điều tra, cũng đã tự nhận rằng: “Nếu biết làm như vậy là vi phạm pháp luật thì tôi đã không làm. Tôi khuyên mọi người không nên làm như vậy”.

Có lợi cho dòng Chúa cứu thế ư?

Cách thức đòi đất một cách phi pháp, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường dư luận xã hội như vậy tất nhiên không thể mang lại tiếng thơm gì cho dòng Chúa cứu thế. Chúa sẽ rất đau lòng khi thấy các con chiên của Ngài bị xúi bẩy làm càn, bị cả xã hội chê trách, làm mất thanh danh của Chúa. Rõ ràng, một số linh mục trong Nhà thờ Thái Hà đang xa rời đường hướng hành đạo “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”.

Có lợi cho Thiên Chúa giáo Việt Nam chăng?

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đầy sóng gió và thăng trầm, cùng với các tôn giáo khác, Thiên chúa giáo Việt Nam đã gắn bó đồng hành cùng dân tộc, cùng xây đắp nên truyền thống Đại đoàn kết, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh hùng hồn rằng truyền thống Đại đoàn kết là tài sản vô giá, là cội nguồn sức mạnh đưa đất nước ta vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, để mọi người con đất Việt thuộc bất kỳ dân tộc tôn giáo nào đều chung tay góp sức tạo dựng nên non sông gấm vóc rạng rỡ như ngày nay. Càng ngày hình ảnh Thiên chúa giáo, hình ảnh người công giáo càng gần gũi, thân thiết trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngày lễ Thiên chúa giáng sinh hàng năm đã trở thành lễ hội chung của cả người theo đạo và không theo đạo. Đó là minh chứng sống động cho sự hòa hợp dân tộc và tôn giáo trên đất nước ta. Theo tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, những việc làm bình dị mà cao cả của các vị chức sắc, tín đồ tôn giáo trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đang góp phần làm cho sự hướng thiện và lòng nhân ái ngày càng lan tỏa, sáng đẹp hơn trong xã hội chúng ta.

Thế mà giờ đây, một số linh mục trong Nhà thờ Thái Hà lại đang tâm gây ra vụ đòi đất sai trái, ngang ngược như vậy. Điều nguy hiểm là họ đang tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ ngày càng nhiều giáo dân đến tụ tập, hành lễ trái phép tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng. Ngay trong đêm 9-9, đã có tới 600 linh mục cùng hàng nghìn giáo dân kéo sâu vào trong khu đất để dựng tượng.

Họ đang rắp tâm gây ra điều gì trong lòng Thủ đô yên bình của chúng ta? Có phải họ mưu toan dựng lên một “điểm nóng về tôn giáo” để cho các thế lực thù địch bên ngoài lấy cớ dấy lên một chiến dịch chống phá Việt Nam? Đằng sau kịch bản đòi đất còn một kịch bản gì khác nữa? Không ít giáo dân thiếu thông tin về vụ việc, không ít giáo dân cả tin đang bị những người có trách nhiệm trong Nhà thờ Thái Hà lợi dụng, xô đẩy vào một mưu đồ xấu. Trong con mắt của các tầng lớp nhân dân, vụ đòi đất của Nhà thờ Thái Hà có sự tham gia của hàng ngàn giáo dân, nếu không sớm được chấm dứt, sẽ làm mai một hình ảnh tích cực của Thiên chúa. Việc huy động số đông giáo dân ngày đêm cầu nguyện trên bãi đất đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước gần nửa thế kỷ nay để gây áp lực với chính quyền đâu có thể hiện được sức mạnh và quyền uy nào của Thiên chúa giáo. Đó là một sự ngộ nhận tai hại ! Không một sức mạnh nào có thể tách rời khỏi sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc! Không một sức mạnh nào có thể thách thức hiệu lực của chính quyền nhân dân!

Vậy thì, điều rõ ràng là, vụ việc ở giáo xứ Thái Hà khởi sự như vậy, kéo dài theo cách thức như vậy chắc chắn chỉ có lợi cho các thế lực thù địch. Phải chịu nhiều thất bại trong các âm mưu chống phá Việt Nam, vẫn mê muội bơi trong dòng nước ngược, từ nhiều năm qua, các thế lực này đã tìm mọi cách dựng chuyện để bóp méo sự thật, xuyên tạc tình hình nhằm hạ thấp uy tín Việt Nam xung quanh vấn đề tôn giáo và nhân quyền, gây khó khăn cho chúng ta trong tiến trình hội nhập và xây dựng đất nước. Lẽ nào những người có trách nhiệm trong Nhà thờ Thái Hà lại sẵn lòng tham gia vào ván cờ thâm hiểm đó?

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng được tiến hành thuận lợi. Đương nhiên các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng phải theo đúng quy định của pháp luật. Chưa bao giờ các cơ sở thờ tự của các tôn giáo lại được mở mang như hiện nay. Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã có tới 682 cơ sở thờ tự của các tôn giáo; mấy năm qua hầu hết đều được sửa chữa, tu bổ, hoặc xây mới, trong đó có những cơ sở lớn như Nhà thờ Cửa Bắc, Đại chủng viện ở Từ Liêm… Cần phải nhấn mạnh rằng các cơ sở tôn giáo đó đều tiến hành các thủ tục lập dự án, xin cấp phép theo đúng các quy định pháp luật. Họ không cần sử dụng những cách thức sai trái như Giáo xứ Thái Hà đang theo đuổi mà vẫn đạt được nguyện vọng.

Đó là sự thật sáng rõ! Đó là điều mà những người có trách nhiệm trong Nhà thờ Thái Hà cần suy ngẫm nghiêm túc. Chỉ có bằng con đường đối thoại và hợp tác với chính quyền, chỉ có bằng con đường tuân theo pháp luật thì những nguyện vọng chính đáng, đề nghị phù hợp với tình hình thực tế mới được đáp ứng.

Tác giả: Anh Quang
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bến Lặng
Sen K.
00:24 09/09/2008

BẾN LẶNG



Ảnh của Sen K. – Philippines

Nước mãi đợi chờ thuyền xuôi ngược

Thuyền mãi chờ tri kỹ sang sông,

Bến ngóng bến u hoài đồng vọng

Người trông người chuyện hóa sắc không.

(Trích thơ của Hoàng Sa)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News